NĂM MỚI NÓI CHUYỆN ĐẠO ĐỨC KINH DOANH:
SỐNG CHÂN THẬT – BIẾT ƠN NHAU – ĐỜI AN VUI

Huỳnh Văn Ưu

 

Năm Mới Nói Chuyện Đạo Đức Kinh Doanh

Người xưa thường nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” “Nhân nguyện như thử, như thử, thiên lý vị nhiên, vị nhiên” (ý người như thế, như thế, lẽ trời chưa vậy, chưa vậy) ý nói: Giàu sang, nghèo hèn đều do trời, sống buông trôi cho số mệnh. Điều nầy nghĩ kỹ chưa thuyết phục cho lắm, bởi con người muốn giàu mà không làm thì sao có được, cho nên chúng ta đừng chờ sung rụng mà uổng phí cả đời. Mỗi ngày đêm có 24 giờ, nếu chúng ta biết tận dụng thời gian cho học tập và làm việc thì cuộc đời sẽ khác hơn so với người không học tập và làm việc. Nói thế để thấy sự giàu sang, phú quý có được là nhờ vào chính năng lực và đức độ của mình, bằng việc làm chân chính được xã hội tôn vinh, trân trọng. Nếu chúng ta phớt lờ, xem nhẹ đạo đức văn hóa của người mình thì rất dễ trở thành tội lỗi. Người sản xuất trồng rau, người chăn nuôi, người buôn bán v.v… nếu không có đạo đức thì rau không sạch chứa nhiều hóa chất, nuôi heo thì dùng thuốc tăng trưởng, người buôn bán thì đồ giả nói đồ thật, hàng kém chất lượng nói hàng tốt nhằm dối gạt người để lời nhiều. Những việc làm gian tà như thế chẳng những trái pháp luật mà còn để lại hậu quả khó lường (người đời thường nói đời cha ăn mặn đời con khát nước).

Là người buôn bán, muốn được lâu dài, có được sự quý trọng, chúng ta phải khẳng định hãy giữ lấy uy tín của mình, khẳng định về chất lượng, giá cả hàng hóa của mình. Có những doanh nghiệp tồn tại đến 200-300 năm với uy tín rất cao là nhờ chất lượng hàng hóa. Nếu chúng ta kinh doanh theo kiểu ăn xổi ở thì, thì chúng ta chỉ bán được một lần duy nhất rồi tên tuổi chúng ta cũng đi theo món hàng đó và để lại nhiều thị phi thế gian đàm tiếu chê cười. Việc tạo ra của cải vật chất phù hợp với đạo đức, luật pháp xứng đáng được quý trọng. Việc tiêu dùng những sản phẩm tốt, được mọi người yêu chuộng, cũng như sử dụng vào việc bố thí, từ thiện hoặc những vấn đề có lợi về đạo đức cũng cần khuyến khích. Tuy nhiên, con người nên có thái độ không bám víu vào của cải, thậm chí những thứ làm ra hợp pháp, hãy sử dụng nó ích lợi cho mình và cho người khác.

Nếu đồng tiền tạo ra chính nhờ vào mồ hôi, công sức của mình thì sẽ mang lại nhiều niềm vui cho mình, và cho khách hàng, lợi cho mình và lợi cho mọi người. Phương pháp kinh doanh đôi bên cùng có lợi, đây là phương pháp bền vững tốt đẹp. Còn kinh doanh một chiều chỉ có lợi cho ta, mà hại người khác thì chẳng những không tồn tại mà để tiếng xấu, phải đặt tiêu chí hàng đầu: “lợi mình, lợi người, đôi bên cùng có lợi”.

Mục đích kinh tế là phục vụ đời sống, nhưng không ít người đồng hoá với niềm vui, hạnh phúc và an lạc. Bởi:

– Tiền có thể mua được nhà chứ không thể mua được tổ ấm.

– Tiền có thể mua được đồng hồ chứ không thể mua được thời gian.

– Tiền có thể mua được giường chớ không thể mua được giấc ngủ

– Tiền có thể mua được thuốc men, nhưng không mua được sức khỏe.

– Tiền có thể mua được địa vị, nhưng không mua được sự trọng nể.

Vấn đề kinh doanh không phải lớn hay nhỏ, ít hay nhiều mà cái chính là hành động chân chính hay bất chính. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ kỹ trên bước đường kinh doanh. Nếu làm điều bất chính hậu quả sẽ khó lường cho đời nầy và đời sau.

Là người buôn bán, nhân tố quan trọng là góp phần xây dựng đất nước, trong đó có xây dựng gia đình, hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Doanh nhân làm việc với cái tâm trong sáng là lợi mình, lợi người; thấy được cái chân thật, cái giả dối, thấy được quy luật, pháp luật và sự biến đổi của cuộc sống thì chúng ta có được niềm vui, nhiều hạnh phúc. Ngược lại, cho dù kinh doanh có đạt hiệu quả, mà không được cái an lành trong nội tâm, không thấy được bản chất cuộc đời; lấy giả làm chân, lấy phương tiện làm cứu cánh thì cuộc sống mãi mãi là người nghèo tình thương, nghèo hạnh phúc, nghèo niềm vui trong gia đình và trong cuộc sống.

Thế giới ngày nay đã hội nhập, sân chơi WTO là để tạo cho thế giới công bằng kinh tế và tạo sự hợp tác toàn diện trong mọi lãnh vực để đem lại tất cả đều thắng.

Nói đến kinh doanh là nói đến kẻ bán và người mua, hay người sản xuất và người tiêu dùng, cả hai bên đều có quan hệ gắn kết với nhau mới bền vững, cả hai thiếu một thì không thể có được. Người tiêu thụ luôn phải biết ơn người sản xuất, người phục vụ, điều này được nhắc nhở, giáo dục nhiều trong ca dao tục ngữ:

Cấy đồng đến buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thoát như mưa ruộng cày
Ai ơi! Bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần,

Bài ca dao là lời nhắc nhở chứa chan tình nghĩa “Ăn quả nhớ người trồng cây” mà ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo hằng khuyên răn giúp chúng ta nhận thức luôn phải biết quý trọng, biết ơn người lao động vất vả; bài ca dao nhắc chúng ta sống phải có tình người, luôn sống trọn ân nghĩa, biết cảm thông, tôn trọng người tạo ra của cải, những thứ có ý nghĩa cho xã hội. Được hưởng thành quả luôn biết nhớ ơn người làm ra nó, đừng sống như kẻ vô ơn, bạc bẽo.

Ngày nay, chúng ta thường nghe nói câu: “Khách hàng là thượng đế”, đây có lẽ là những câu từ để quảng cáo, câu khách của những nhà kinh doanh nước ngoài mới du nhập, chớ truyền thống dân tộc ta không bao giờ nói như vậy. Đây là câu nói nhằm thu hút khách hàng chớ không phải là câu nói đạo lý giữa người mua và người bán. Bởi đây là truyền thống dân tộc ta: “Sống phải biết ơn, và đền ơn” như bài ca dao trên. Vậy mà trớ trêu thay, đời sống mới ngày nay lại đi lệch hướng, sai đường, thay vì biết ơn lại phủi ơn, thậm chí còn xem nhẹ, khinh thường là khác. Giá như có cô cậu học trò lớp một, lớp hai là khách hàng đến chỗ bà cụ bảy, tám mươi tuổi ngồi bán xôi, rồi (lớn tiếng) bảo bà cụ bán cho tôi gói xôi năm ngàn, rồi liệng năm ngàn trước mặt bà, không một lời cảm ơn, quay mặt đi lạnh nhạt không động chút tình, điều này rõ là sòng phẳng giữa kẻ bán người mua, nhưng thấy có điều chưa ổn. Đó là tôi chưa nói có nhiều “thượng đế” gây khó khăn cho người bán không phải là tuổi học trò mà lại là những người có nhiều tiền, đáng mặt anh hào trong thiên hạ cũng có hành động thiếu nhã nhặn, thường đến vung tiền sai khiến người bán hàng hơn là trao đổi chân tình giữa người bán và người mua. Việc tuy nhỏ nhưng nói lên nhân cách trong đối nhân xử thế thiếu tình người, kém văn minh lịch sự. Có tiền mà không có đạo đức thì chỉ làm khổ người khác.

– Sống trăm năm thiếu trí tuệ, chẳng bằng sống một ngày đủ trí tuệ.

– Sống trăm năm gây khó khăn, không bằng sống một ngày an lạc.

Muốn được an lạc, chúng ta cần biết đủ.

Đức Phật khuyên chúng ta sống “Thiểu dục tri túc”. Trong Khế kinh có câu: “Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng du vi an lạc, bất tri túc chi nhơn tuy xứ thiên đường diệc bất xứng”, nghĩa là người biết đủ, dù nằm trên đất vẫn an lạc, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý”.

Nói đến đây chắc không ít người thắc mắc về “Thiểu dục, tri túc” vì con người muốn tiến bộ, cần phải nỗ lực phấn đấu, cạnh tranh trong tất cả mọi lãnh vực, mọi trường hợp. Các bậc Thánh dạy: “Thiểu dục, tri túc” như thế là chủ trương làm cho nhân loại thoái hóa chăng?

Xin thưa, bậc Thánh dạy “Thiểu dục, tri túc” cốt yếu là ngăn ngừa con đường trụy lạc, chặn đứng lòng tham, tâm ác không bờ bến, đang sống trong cõi đời vật dục, chứ không phải chủ trương ngăn chặn sự tiến triển của con người trên đường lợi người, lợi vật, ích nước, ích dân. Nhận thấy tai hại lớn lao của bệnh tham lam, nên các Ngài đưa phương thuốc rất công hiệu là: “muốn ít” và “biết đủ” để điều trị căn bệnh ấy cho tận gốc. Thực tế trong đời sống, nếu mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng thực hiện “Thiểu dục, tri túc” thì gia đình, xã hội được an vui, hòa bình, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ngon, vật lạ của ai nữa, thì số của cải vật chất tiết kiệm được do “muốn ít” và “biết đủ” còn lại đem giúp xã hội, cái lợi ích nầy thật to lớn trong tình người không sao kể xiết được. Bởi quanh ta còn nhiều mảnh đời bất hạnh, chúng ta không thể khoanh tay ngồi nhìn mà không giúp. Nên nhớ, ở cõi đời này con người phần nhiều nghèo khổ, thiếu kém, dù là kẻ giàu sang cũng có biết bao ước vọng không thành. Hãy nhớ lấy, lắng lòng nhường cơm xẻ áo cho nhau lúc khó khăn để sưởi ấm lòng nhau trong kiếp người tạm bợ.

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một ngày tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày.

Truyền thống dân tộc ta có nhiều ca dao, tục ngữ luôn nhắc nhở chúng ta đối nhân xử thế trong lúc gặp khó khăn: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành đùm lá rách; Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Sự giúp đỡ là hành vi nhân bản, là chất keo hàn gắn mọi người lại với nhau, bằng tình thương bao la, bằng tấm lòng rộng mở, nhưng phải “Tự nguyện, bình đẳng, vô điều kiện”.

Với tinh thần trên, năm mới mong sao chúng ta được nhiều sức khỏe, đem hết sức mình, làm việc phục vụ sự phát triển đất nước, mặt khác còn phải quan tâm đến người khó khăn, bởi chúng ta sống không thể thiếu tình thương, có tình thương là có tất cả.

Nên làm việc lành, hãy tiếp tục làm mãi, nên vui làm việc lành. Hễ chứa lành nhất định thọ lạc: “Nay vui, đời sau vui. Làm phước, hai đời vui”.

Làm việc phước nghiệp thấy lòng hoan hỷ: “Nay sướng, đời sau sướng. Làm phước, hai đời sướng”.

Năm mới xin kính chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc, vạn sự kiết tường.