Năm đoạn khai thị
(Trần Cảnh Phiên ghi chép)
1) Dạy về phương pháp tu hành:
Phàm tu hành thì phải nên chuyên ròng, chớ nên xen tạp. Pháp Niệm Phật vượt trỗi hết thảy. Cầu siêu cho người đã khuất, hoặc cầu cho cha mẹ tăng tuổi thọ và hết thảy mong cầu đều được như nguyện, nhưng phải lấy cầu sanh Tây Phương làm chủ. Muôn vàn chớ nên cầu phước báo trong đời sau. Nếu cầu đời sau sẽ không được hưởng lợi ích vãng sanh. Hãy nên đọc kỹ Văn Sao sẽ tự biết duyên do về mặt Sự lẫn mặt Lý. Đối với những căn bệnh của con người hiện thời và phương thuốc để chữa trị thì trong Văn Sao cũng đều có nói. Nói chung, lấy đề xướng nhân quả báo ứng làm căn cứ để vãn hồi thế đạo nhân tâm.
2) Dạy về phương pháp tu hành:
Dụng công tu hành cố nhiên phải nên chuyên ròng; nhưng phàm phu vọng tưởng tơi bời, nếu chẳng dùng kinh chú để giúp thêm, chắc sẽ đến nỗi hờ hững, lười trễ, biếng nhác! Nếu có thể thống thiết như khi chôn cất cha mẹ, như cứu đầu cháy thì Nhất Hạnh tam-muội[1] quả thật là hay nhất. Còn nếu niệm Phật hờ hững, bãi buôi, thì lâu ngày chắc sẽ trở thành lười nhác, buông xuôi, bỏ lửng, vì thế chẳng bằng kiêm trì kinh chú sẽ chắc chắn hơn. Ông cầu tôi quyết đoán, tôi nói với ông duyên do để ông tự quyết định. Nói chung, do tâm sanh tử thiết tha, thành kính khăng khăng một niềm thì chuyên niệm hay kiêm niệm đều được cả. Nếu không, chuyên niệm sẽ trở thành hờ hững, coi thường, kiêm niệm sẽ trở thành tràn lan, lộn xộn. Ấy là vì căn bản không chân thật, thiết tha, nên đến nỗi hết thảy đều khó được lợi ích.
3) Nêu [lý do vì sao sách] Pháp Hải Thê Hàng chẳng khế cơ:
Soạn sách lập ngôn quả thật chẳng phải là chuyện nhỏ nhặt đâu nhé! Xin hãy nhất tâm niệm Phật, đợi đến khi nghiệp tiêu trí rạng xong, rồi mới viết lách để làm cho hết thảy những kẻ sơ cơ đều được lợi ích thì mới hòng ít mắc phải khuyết điểm “giáo pháp chẳng phù hợp căn cơ”. Xét ra, cuốn sách ấy của ông chưa từng chỉ rõ gốc bệnh của con người hiện thời và cách chữa trị. Tuy giảng chung chung về Phật lý cũng có thể khiến cho người khác sanh lòng tin, nhưng đối với kẻ sơ cơ, do phần lớn những từ ngữ được nêu trong sách là những danh từ riêng [trong Phật pháp], họ sẽ chẳng hiểu rõ, ắt sẽ đến nỗi cật vấn lẫn nhau, vô sự sanh sự, đâm ra chẳng có quan hệ khẩn yếu chi đối với chuyện niệm Phật! Đấy chính là lý do tại sao Quang không tán thành ý tưởng soạn sách của ông. Đã không tán thành, há có thể sửa đổi đại lược, phê bình đại lược hay sao? Mong ông biết rõ nguyên do, chẳng đến nỗi vẫn mơ màng trong mộng mà thôi!
4) Dạy không cần phải chú trọng vào thơ văn:
Cuốn Pháp Hải Thê Hàng của ông chẳng có thứ tự, thơ văn cũng chẳng thật sự theo thứ lớp. Chỉ nên cẩn thận đọc kỹ những sách có ích cho thân tâm và sốt sắng niệm Phật, không cần phải chú ý đến thơ văn. Nếu qua sách vở mà hiểu được duyên do thì niệm Phật sẽ được lợi ích, tự nhiên thơ văn sẽ vượt trỗi. Nếu không, cũng chỉ là gượng ép, áp đặt; xét ra, chẳng dính dáng gì tới tâm pháp cả!
5) Dạy về chuyện tổ chức, điều hành Đồng Thiện Hội
Phàm làm chuyện công ích, chớ nên chấm mút chút nào. Nếu không, chẳng những là dối người mà còn đúng là dối lòng, dối Phật nữa đấy! Sửa ác, hướng lành, cần phải luận từ nơi khởi tâm động niệm. Há nên công khai làm chuyện dối người ư? Những kẻ mù quáng khuấy rối hiện thời đều là những kẻ cực ngu si chẳng biết nhân quả, chẳng biết tội phước báo ứng. Nếu bọn họ có chân tâm, trí huệ, dẫu dùng cái chết để uy hiếp buộc họ làm như vậy, họ cũng chẳng chịu làm! Mong hãy chú ý [điều này] thì may mắn lắm thay.
***
[1] Nhất Hạnh tam-muội là tên gọi khác của Niệm Phật tam-muội.