PHẬT NÓI KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT TÂM ĐỊA PHẨM LƯỢC SỚ
Hán dịch: Cưu Ma La Thập
Sớ giải: Hoằng Tán
Dịch giả: Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Trí Hải
II. CHÁNH TÔNG
A. MƯỜI GIỚI TRỌNG
1. Nêu chung
Phật bảo các Phật tử: “Có 10 giới trọng, nếu người thọ giới Bồ Tát mà không đọc tụng giới này thì chẳng phải Bồ Tát, chẳng phải đệ tử của Phật. Ta nay cũng tụng như thế. Tất cả Bồ Tát đã học, tất cả Bồ Tát sẽ học, tất cả Bồ Tát đang học, Ta đã nói sơ lược tướng trạng của giới Bồ Tát rồi, cần nên học và hết lòng kính trọng phụng trì.
Giải thích:
Giới vốn vô hình, làm gì có tướng mạo. Nhưng Trì, Phạm là tướng mạo. Không tụng thì gọi là Phạm, học thì gọi là Trì. Nếu thọ giới mà không đọc tụng thì làm sao biết được hình tướng ? Không biết hình tướng thì không hiểu Giá, Khai, không hiểu Giá, Khai nên tội lỗi từ đó mà sanh. Bởi vậy, đầu tiên là khiến cho Phật tử phải học giới, tụng giới. Nếu không học, không tụng thì người này đánh mất tên gọi Đại thừa ngay trong hiện tại, nên họ không phải là Bồ Tát. Quả vị cao tột là thành Phật trong tương lai cũng mất, nên họ chẳng phải chủng tử Phật. Phật mà vẫn còn tụng, cho nên tất cả Bồ Tát, cầu Đại Bồ đề trong quá khứ đã học, Bồ Tát ở vị lai sẽ học. Hàng Bồ Tát sơ học trong hiện tại phải nên tôn trọng, cung kính, chí tâm lãnh thọ, phụng trì, đừng để lãng quên dù chỉ trong chốc lát.
2. Nêu riêng
Giới thứ 1
SÁT SANH
Nếu Phật tử, hoặc tự giết, hoặc bảo người giết, phương tiện giết, khen ngợi giết, thấy giết vui theo, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, nhân giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết, nhẫn đến tất cả loài hữu tình có mạng sống đều không được giết. Là Phật tử, lẽ ra phải khởi lòng từ bi, lòng hiếu thuận, lập thệ cứu giúp tất cả chúng sanh, mà trái lại phóng tâm giết hại chúng sanh, Bồ Tát này phạm tội Ba-la-di.
Giải thích:
Thanh văn nhàm chán sanh tử, chỉ lo phần tự lợi bởi vậy Phật để giới Dâm đứng đầu. Bồ Tát tâm luôn luôn nghĩ làm lợi ích giáo hóa chúng sanh, lấy từ bi làm gốc. Tất cả chúng sanh đều có tâm tham sống sợ chết, nếu Bồ Tát đoạn mạng họ thì liền mất bổn nguyện từ bi, lại khiến họ sanh lòng buồn khổ oán hận không dứt, nhiều đời thù oán không thôi, vì thế để giới sát ở trước.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo A Nan: “Lục đạo chúng sanh trong các thế giới, nếu không có tâm sát hại thì không phải trôi theo sanh tử tương tục. Ông tu Tam muội, cầu ra khỏi trần lao, nếu không dứt tâm sát thì trần lao khó ra khỏi. Dù có nhiều trí tuệ và thiền định hiện tiền, nhưng tâm sát sanh không dứt, ắt phải lạc vào Ma đạo.”
Phật dạy rất rõ việc sát sanh. Những giới khinh cũng phải giữ gìn cẩn mật, huống gì giới trọng. Khi biết rõ không sát hại là giới của Bồ Tát, lấy việc lợi sanh làm việc thiết yếu, cho nên đối với Bồ Tát giới, thì giới Sát đứng đầu. Phật tử không hành trì mà trái lại buông lòng sát hại, trong giới của Bồ Tát kết tội không hành trì. Phật bảo Phật tử là nói với Bồ Tát, nghĩa là Phật tử đã thọ trì giới của Phật, phải y giới tu hành, không nên coi thường trái bỏ lời Phật dạy. Tự giết là tự mình làm việc giết hại, chính là thân tâm đã phạm nghiệp sát. Dạy người giết, tuy không đích thân giết mà khiến cho người khác giết chính là tâm và khẩu tạo nghiệp sát. Hoặc không tự dạy cũng không tự giết, mượn phương tiện thi thuyết khiến cho họ chết, đó gọi là phương tiện giết, là ý đã tạo nghiệp sát. Khen ngợi giết, là dùng lời lẽ khen ngợi khiến cho người khác phấn chấn hành động giết hại, thích ý mà làm, đây cũng thuộc về khẩu nghiệp hành động tạo nghiệp. Thấy người giết mà vui theo là thấy người khác làm việc sát hại, tuy không dạy, không tán thán nhưng trong tâm có ý niệm vui theo. Đây thuộc về ý nghiệp. Cho đến chú thuật giết, phương pháp giết thì rất nhiều, không cần nêu hết thêm phiền phức, nên chỉ nêu đại lược thôi. Ở nước Tây Vức có ác chú, tụng thần chú ấy khiến cho họ chết là cũng thuộc về tâm khẩu tạo ác.
Do trước đã nói rõ tướng sát hại hoặc chỉ có nhơn giết, hoặc duyên giết không gây nên, thì không thành giết. Nếu hội đủ nhân giết, duyên giết mà trước khi khởi niệm giết không có tâm tương tục, cũng không thành giết, cần đủ ba sự kiện: Nhơn, Duyên và Phương tiện mới thành tựu nghiệp sát. Nhơn sát, nghĩa là tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, đầy đủ hạt giống tham, sân, si, mười nhơn ác nghiệp, sơ tâm Bồ Tát Kiến tư các hoặc, v.v… các phiền não chướng chưa bỏ, tập khí sát sanh chưa dứt, bỗng khởi một niệm hiện hành, nên gọi là nhơn sát. Duyên sát, nghĩa là tâm ác giết người và súc vật, gây oan gia nhiều đời hội tụ làm duyên. Phương pháp giết, nghĩa là dùng các phương tiện như : Dao, trượng, lưới, ác chú, v.v…khiến cho họ mất mạng. Ba thứ nhơn, duyên và phương pháp đầy đủ, mặc tình trở thành nghiệp sát để gây nên tướng sát hại ở tương lai.
Do Bồ Tát nối tiếp dòng Phật, Thượng hoằng Hạ hóa, cầu đạo giải thoát, phải đem lòng từ bi, hành lục độ làm gốc, thế nên để giới Sát trước hết. Lại nữa, chẳng những người mà tất cả thân mạng chúng sanh đều không được giết hại, cho đến các loại nhỏ nhít như kiến, muỗi mòng, lăng quăng có mạng sống cũng không được giết. Các loài cây cỏ sanh trưởng cũng không được gia hại, huống gì các sinh linh ư?
Hỏi: Bồ Tát độ khắp tất cả kẻ oán, người thân, thấy giết đều ngăn, nhưng nếu cố giết tựa hồ không có tâm từ…?
Đáp: Vì hàng Bồ Tát xuất gia mà nói ngăn tất cả, như vị Quốc vương, Tể quan giết một người cứu muôn người, hưng thiện diệt ác, chính là Đại bi tâm của hàng Quyền thừa Bồ Tát, nên có giới Giá, giới Khai,… mà nói không được vô cớ, nếu vì tâm riêng tư, danh lợi mà giết thì thành nghiệp sát.
Những Bồ Tát này, là nói rõ Phật tử đã tu đạo thì khuyên họ nên hành tâm từ bi là tâm căn bản của Bồ Tát, chính là tâm địa pháp môn, phải nên thường hằng an trụ, không quên, đừng để mất, nên nói: “Bồ Tát thường khởi tâm an trụ niệm từ bi.”
Hai chữ “thường trú” xuyên suốt tâm hiếu thuận, dùng tâm từ bi thương chúng sanh cũng như mẹ thương con đỏ, thường ban vui và cứu khổ nó. Dùng tâm hiếu thuận kính mến chúng sanh như Cha mẹ, không dám trái bỏ mà luôn luôn để tâm phụng sự, phương tiện cứu giúp tất cả chúng sanh. Bốn chữ “phương tiện cứu hộ” đây chính là tâm từ bi. Trong tâm hiếu thuận cứu hộ chúng sanh, thiện xảo học xứ, khiến cho tất cả chúng sanh được an vui, xa lìa tất cả đao trượng, mà ngược lại, phóng tâm khoái ý giết hại họ là phạm tội sát sanh. Người tu Bồ Tát hạnh, nếu thấy chúng sanh bị khổ, không có phương tiện cứu giúp họ, còn thấy khuyết tâm từ bi, trái với bổn hạnh, nỡ nào lại phóng tâm khoái ý làm việc tổn hại ấy. Khởi tâm như vậy là đoạn mất tâm từ bi của chính mình, nên phải kết tội. Đây là Bồ Tát phạm tội Ba-la-di, vĩnh viễn bỏ ra ngoài biển Phật pháp.
Ba-la-di là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Cực ác, cũng gọi là Tội khí, nghĩa là Bồ Tát phạm tội này rồi, mãi mãi bỏ ra ngoài biển Phật Pháp, không được vào trong chúng thanh tịnh đồng yết ma thuyết giới, tất cả việc Tăng đều không có phần, nên gọi là khí tội. Phải đọa vào đường ác, nên nói cực ác.
Giới thứ 2
TRỘM CƯỚP
Là Phật tử, không được tự mình trộm cướp, bảo người trộm cướp, phương tiện trộm cướp, cho đến dùng bùa chú để cướp, nhơn trộm cướp, duyên trộm cướp, cách thức trộm cướp, cho đến dù vật của quỷ thần đã có chủ, hoặc của giặc cướp; nhẫn đến một cây kim, một cọng cỏ, đều không được trộm cướp. Là Phật tử, lẽ ra phải có lòng từ bi, lòng hiếu thuận thường cứu giúp cho mọi người được phước, được vui, mà trái lại trộm cướp tài vật của người, Phật tử này phạm tội Ba-la-di.
Giải thích:
Giới thứ hai nói về tướng trộm cướp. Trộm nghĩa là người ta không cho mà cố ý trộm lấy, đoạt lấy hoặc cưỡng đoạt lấy đều gọi là tội trộm. Như Kinh Lăng Nghiêm chép: “Tâm trộm không trừ thì trần lao không ra khỏi, dầu có trí tuệ, thiền định, hiện tiền tâm trộm không dứt, quyết chắc phải đọa vào tà đạo, nên Phật ngăn cấm.”
Nếu Phật tử – một cây kim, một cọng cỏ, không được cố trộm lấy, đây thuộc về Nhiếp luật Nghi giới. Bồ Tát – khiến cho người được phước, được vui, gọi là Nhiếp thiện Pháp giới.
Trước đã nói “đoạn ác sanh thiện”, chính là Nhiêu ích Hữu tình giới.
Tự mình trộm cướp, là đích thân tự tay trộm lấy tài vật của người, gọi là tự trộm. Khiến cho người khác trộm gọi là dạy người ăn trộm hoặc cướp đoạt. Giả như lập phương tiện khéo léo để lấy, khiến người kia tự nhiên đem đến cho, gọi là phương tiện trộm cướp. Tụng niệm chú thuật tà đạo, dùng huyễn thuật khiến tài vật của họ tự nhiên đem đến, ấy gọi là bùa chú trộm cướp.
Nhơn trộm nghĩa là vô thỉ huân tập chủng tử tham cướp đoạt là “nhơn”, hoặc là khởi ý niệm trộm cướp. Duyên trộm nghĩa là các vật báu như vàng bạc hiện tiền giúp cho thành tâm trộm là “duyên”. Cách thức trộm chính là lập ra mưu kế để trộm tài vật của người. Nghiệp trộm nghĩa là nhơn, duyên, cách thức, ba việc đều đủ, đi đến hành động thành tội trộm cướp để gây nên cái nhơn ở tương lai, làm súc sanh hay nô bộc, đời đời phải chịu khổ báo. Chẳng những tài vật của nhân dân không được trộm lấy, cho đến tài vật của thần, tài vật, dụng cụ trong đình miếu thờ cúng, của giặc cướp đã có chủ, nghĩa là tài vật họ đã cướp trộm được rồi, cũng không được trộm lấy.
Tất cả tài vật, là mượn vật thường để nói đến vật báu. Nhất định không được trộm lấy, nghĩa là không luận tài vật tốt hay xấu, quý hay tiện, cũng không được cưỡng đoạt lấy, dù vật nhỏ như cây kim cọng cỏ, không cho không được đoạt lấy. Nếu cố ý đoạt lấy là phạm tội trộm, nên nói: “Không được cố ý trộm lấy” và khuyên Phật tử phải hành trì. Đã là Bồ Tát, phải quán tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, cũng như Cha mẹ mình, thế nên phải sanh lòng hiếu thuận, cúng dường như Phật, như Cha, như Mẹ. Nếu trộm lấy tài vật của họ, chính là trộm của Phật vậy. Đáng lẽ ra phải sinh lòng từ bi cứu giúp họ, vì đó là bổn hạnh tâm địa của Bồ Tát. Tâm từ bi là phải ban vui, cứu khổ chúng sanh, phải quán chúng sanh như con mình, nỡ nào phóng tâm khiến cho họ phải khổ đói lạnh ư? Nên Kinh ghi: “Sanh tâm từ bi thường phải giúp đỡ tất cả chúng sanh”. Văn trước chép: “Thường đầy đủ tâm từ bi hiếu thuận nên phải giúp đỡ tất cả mọi người, sanh phước trong thân họ, sanh niềm vui trong tâm họ, mà trái lại trộm tài vật của họ, thật là vô lý.” Thế nên kết giới không nên làm, nếu làm sẽ phạm tội Ba-la-di.
Giới thứ 3
DÂM DỤC
Nếu Phật tử tự mình dâm dục, nhẫn đến tất cả các phái, không được cố ý hành dâm. Nhơn dâm dục, duyên dâm dục, cách thức dâm dục, nghiệp dâm dục, nhẫn đến súc sanh, quỷ thần (trống hoặc mái, nam hoặc nữ) cho đến phi đạo hành dâm. Là Phật tử phải sanh lòng hiếu thuận, cứu độ tất cả chúng sanh, đem pháp thanh tịnh cho mọi người mà trái lại khởi tâm hành dâm với tất cả, không luận súc sanh quỷ thần, nhẫn đến cha mẹ anh em trong lục thân mà hành dâm, đó là không có tâm từ bi, Phật tử này phạm tội Ba-la-di.
Giải thích:
Dâm nghĩa là cùng với khác phái thân tâm giao cấu, nhiễm ô tịnh hạnh. Đây chính là cội gốc luân hồi trong ba cõi, sáu đường sanh tử, nên Khế Kinh chép: “Dâm tâm không đoạn, vĩnh viễn không được ra khỏi cảnh khổ sanh tử luân hồi, dù người ấy có trí tuệ, thiền định hiện tiền, nếu không đoạn dứt tâm dâm ắt phải lạc vào đường ma, do đó Phật chế giới.”
Tự mình hành dâm, nghĩa là tự thân cùng khác phái gây cái nhơn trói buộc, dạy người dâm dục cũng khiến cho họ bị trói buộc, nhẫn đến tất cả người khác phái, không được cố tâm hành dâm, các đối tượng hành dâm rất nhiều loại, nhưng chỉ nêu một vài sự việc thôi. Nhân dâm dục, mãn nguyện sở thích không phải đơn giản mà hội đủ căn cảnh đối tượng mới thành, thành rồi đó là nhơn hội đủ duyên dâm dục và cách thức cả ba thành nghiệp dâm.
Nhân dâm dục, nghĩa là từ vô thủy tập khí tham dâm làm “nhân”. Duyên dâm dục, nam nữ khác phái hội hợp giúp thành dâm. Cách thức dâm nghĩa là vỗ về xoa nắn, khiến cho tình cảm ái nhiễm bộc phát. Do cả ba yếu tố nhơn, duyên, cách thức hòa hợp thì tự nhiên thành nghiệp dâm. Thành nghiệp ấy rồi, tất nhiên thân phận cảm nhận nỗi khổ sinh tử luân hồi trong lục đạo, không sao tránh khỏi các báo quả khổ đau triền phược trong tam giới, nhẫn đến phải cảm nhận thân phận hạ đẳng như các loài súc sanh, cầm thú, trâu bò, chó, lợn, heo, dê, v.v… .Nên Phật dạy chẳng những đối với khác phái, Phật tử không được dâm dục, mà cho đến các loài chúng sanh hay phi chúng sanh hành dâm cũng đều trái phép. Ngoài thê thiếp là chánh dâm, cũng không nên phi đạo hành dâm.
Với Phật tử tại gia, Phật chế không được lang chạ ngoại dâm, cũng không được phi đạo và phi thời hành dâm. Riêng đối với đệ tử Phật xuất gia thì hoàn toàn tuyệt hẳn, không để tâm móng tưởng vì móng tưởng dâm cũng là nhơn của tội.
Phần giới kinh Phật đã dạy ngăn tất cả ác, sau khuyến tu tất cả thiện và nghĩ đến ân chúng sanh mà Bồ Tát phải sanh lòng hiếu thuận với tất cả chúng sanh, mới xứng đáng là Phật tử Bồ Tát. Không như kẻ vô trí, Bồ Tát phải biết quán sát tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta, không dám xâm phạm, nên nói: “Phải sanh lòng hiếu thuận, cứu độ tất cả chúng sanh, đem tịnh pháp ban cho họ, mình và người, làm lợi cả hai, nghĩa là đem pháp thanh tịnh của mình mà chia xẻ cho người, khiến cho họ đoạn dứt cội gốc sanh tử, cứu độ tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ trói buộc trong ba cõi.” Bồ Tát có lòng từ bi dẫn dắt chúng sanh , ban tịnh pháp cho người. Nếu Bồ Tát không sanh tâm làm lợi ích chúng sanh như thế thì chẳng phải Bồ Tát, ngược lại, khởi tâm xấu hành dâm tất cả mọi người, không luận là súc sanh, cho đến hành dâm với cha mẹ, anh em trong lục thân, khiến cho họ rơi vào hầm hố ái dục, không có tâm từ bi, Bồ Tát như thế phạm tội Ba-la-di.
Giới thứ 4
VỌNG NGỮ
Nếu Phật tử, tự mình nói dối, dạy người nói dối, phương tiện nói dối, nhân nói dối, duyên nói dối, cách thức nói dối, nghiệp nói dối, cho đến không thấy nói thấy , thấy nói không thấy, thân và tâm nói dối. Bồ Tát phải sanh tâm nói chánh ngữ, chánh kiến và cũng khiến cho tất cả chúng sanh nói chánh ngữ, chánh kiến. Trái lại, nếu khiến cho mọi người nói lời tà ngữ, tà kiến, tà nghiệp, Phật tử này phạm tội Ba-la-di.
Giải thích:
Vọng ngữ nghĩa là lời nói dối gạt, không thật, ngay cả vấn đề chưa được nói đã được, chưa chứng nói đã chứng, chẳng phải là Thánh nhơn, tự nói ta là Thánh nhơn, chẳng phải được pháp hơn người mà nói ta được pháp hơn người, đây là lời dối gạt kẻ ngu, cũng là tự dối gạt mình. Nếu xét cho cùng, tâm đó là kẻ cầu thanh danh, tham lợi dưỡng, đó là ý đồ hành vi bất thiện, tạo nghiệp luống dối.
Tự nói dối, là tự mình nói ta là Thánh nhơn, ta đã ngộ đạo, ta là tổ sư thứ mấy v.v… Nên kinh ghi: “Tự mình nói dối, dạy người nói dối. Hoặc dạy đệ tử, hoặc khiến cho bạn bè truyền nói, giống như ta nói, nên nói dạy người nói dối.” Phương tiện nói dối, là dùng lời xảo quyệt nói, hợp với cơ nghi người nghe, tự nhiên họ tin. Nhơn nói dối chính là chủng tử tham lam từ vô thủy đến nay dối gạt hư vọng, thói quen là “nhơn”. Duyên nói dối là hiện tiền nói lời dối gạt, giúp cho thành “duyên”. Cách thức nói dối là muốn cho kẻ ngu sanh lòng tin cậy, ắt có phương pháp đặt điều dối gạt nói. Nghiệp nói dối là do nhơn, duyên, cách thức, ba việc hợp lại, hiển nhiên thành nghiệp, đọa địa ngục Vô gián.
Cho đến không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, v.v… chẳng những đại vọng không được cố phạm, cho đến dối gạt không được sai phạm như không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, đều không được nói dối gạt. Không thấy nói thấy, như chưa từng thấy người kia làm ác, vì thuận theo ý người, nói là tôi thấy. Thấy nói không thấy, như thật thấy người kia làm tốt nhưng do tâm ganh tỵ, tật đố mà nói, tôi chưa thấy người kia làm tốt bao giờ.
Thân và tâm nói dối, nghĩa là trước không thấy nói thấy, v.v… đã thốt ra lời nói ở miệng, miệng thuộc về thân, miệng không tự nói, do tâm kích động nói ra. Như giới trước đã nói, chính là Nhiếp luật nghi giới. Sau khuyên nên tu chính là Nhiếp thiện pháp giới, đã thốt ra lời nói chân thật, chính là Nhiếp chúng sanh giới mà Bồ Tát thường sanh lòng từ bi cứu độ chúng sanh là Nhiêu ích chúng sanh.
Nếu là Bồ Tát, phàm có nói ra lời gì, thường phải chánh ngữ, cũng khiến cho chúng sanh phát ra lời nói chánh ngữ, chánh kiến. Chánh ngữ nghĩa là lời nói chân thật, không tà bậy, thiên chấp, dối gạt người. Chánh kiến tức là thấy một cách chính xác, không điên đảo, sai lệch. Nói lời chơn chánh, thì tầm nhìn và thấy cũng chân thật, do tự mình đã nói lời chân thật , không luống dối, mới khiến cho người khác đặt niềm tin vào mình, thế nên cần phải khiến cho tất cả chúng sanh cũng nói chánh ngữ, chánh kiến, trở về quy y nơi Phật, làm người chơn chánh.
Nếu là Bồ Tát tự mình không có chánh ngữ, chánh kiến đã chẳng phải trí hạnh của Bồ Tát, huống gì lại khiến cho tất cả chúng sanh khởi tâm tà ngữ, tà kiến, tạo tà nghiệp, tội kia làm sao kể xiết. Thế nên nói Bồ Tát phạm tội Ba-la-di. Chỉ trừ cứu người gặp nạn gấp, phương tiện quyền xảo, tất cả làm lợi ích cho người, chẳng những không lỗi mà còn có công đức.
Giới thứ 5
BÁN RƯỢU
Nếu Phật tử tự mình bán rượu, dạy người bán rượu, nhân bán rượu, duyên bán rượu, cách thức bán rượu, nghiệp bán rượu. Là Phật tử tất cả rượu không được bán, vì rượu là nhân duyên sanh ra các tội lỗi. Là Phật tử, lẽ ra phải làm cho tất cả chúng sanh có trí tuệ sáng suốt mà trái lại đem sự say mê điên đảo cho chúng sanh, Bồ Tát này phạm tội Ba-la-di.
Giải thích:
Bán rượu, nghĩa là làm ra rượu bán cho người, đem rượu cho người, người bị hại không ít, hay khiến cho người uống rượu, phần nhiều khởi tâm không tốt, làm nước mất, nhà tan, tán thân mất mạng. Các thứ ác họa không gì không tạo, đều do uống rượu mà ra, nên Phật chế giới ngăn cấm. Tự bán rượu, nghĩa là tự mình tham lợi mà mua bán đổi chác. Dạy người bán rượu có hai nghĩa:
- Dạy người bằng lối tạo tác mua bán đổi chác.
- Dùng vốn của mình chia cho họ chút phần lời.
Nhơn bán rượu, tâm tham lợi từ vô thủy làm “nhơn”. Duyên bán rượu, nghĩa là gạo, mạch, công nhân, đầy đủ các thứ, v.v… để trợ giúp cho thành rượu. Cách thức bán rượu, ủ gây thành men rượu, đó là phương pháp. Nghiệp bán rượu, do nhân, duyên, cách thứa hòa hợp lại. Việc nấu rượu là nghiệp, hễ gây ra thì phải chịu quả báo vô trí, tối dốt, các khổ đời sau. Nên nói tất cả rượu không được bán.
Từ những thứ rượu bằng gạo, mạch cho đến trái nho, táo, dương mai cho đến các thứ trái cây, v.v…tất cả đều không được tạo . Sở dĩ nói như thế, vì tất cả rượu đều là nhân duyên gây tất cả nghiệp tội, nên Tứ Phần Luật ghi: “Rượu có ba mươi sáu lỗi, trước hết bất hiếu với Cha mẹ, không kính Tam bảo, chết rơi vào cảnh băng giá, đọa địa ngục thiêu đốt.” Lại nữa, Trí Độ Luận ghi: “Uống rượu có 35 lỗi, trước hết hiện đời đói khát, đời sau không có trí tuệ, thân tâm tối dốt, thật là thuốc độc ở thế gian, ác liệt hơn chất đá độc và lông chim chẫm.”
Xưa có một vị Ưu bà tắc, do uống ly rượu mà các giới đều phá. Nên nói: “Nhơn duyên tạo tội do rượu mà ra”, như trước đã nói:”Dứt tất cả ác để rõ chánh hạnh Phật tử đã hành, chính là tu tất cả thiện” trong đó nói rõ đoạn ác tu thiện là Nhiêu ích chúng sanh giới mà Bồ Tát hạnh phải khiến cho chúng sanh có trí tuệ sáng suốt, trái lại phạm tội.
Minh đạt là trí tuệ chiếu soi thấu rõ nghĩa lý, Bồ Tát nương vào trí tuệ, dùng đại trí tuệ quang minh, tự giác, giác tha đem hết phương tiện quyền xảo, khai hóa chúng sanh, phải khiến cho họ mỗi mỗi đều phát sanh trí tuệ sẵn có của mình, đối với các sự lý tự nhiên thông đạt. Nếu không làm được như thế thì mất phương tiện hạnh của Bồ Tát, huống gì tự mình đem rượu bán cho người, khiến cho chúng sanh phát sanh tâm điên đảo ư? , nên kết lỗi và nói “Đây là Bồ Tát phạm tội Ba-la-di.”
Giới thứ 6
RAO NÓI LỖI CỦA BỐN CHÚNG
Nếu Phật tử tự mình rao nói tội lỗi của Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, hoặc bảo người rao nói những tội lỗi ấy, nhơn rao nói tội lỗi, duyên rao nói tội lỗi, cách thức rao nói tội lỗi, nghiệp rao nói tội lỗi. Là Phật tử, lẽ ra khi nghe những kẻ ác, hàng Nhị thừa, ngoại đạo nói những lời phi pháp, trái luật trong Phật pháp, phải có lòng từ bi luôn luôn giáo hóa những kẻ ác ấy, khiến cho họ có tín tâm lành đối với Đại thừa mà trái lại Phật tử lại tự mình rao nói những điều không tốt trong Phật pháp, Phật tử này phạm tội Ba-la-di.
Giải thích:
Nói lỗi là một hình thức hủy báng. Có hai cách:
- Chánh lý mà đem ra để luận bàn thị phi
- Phi lý mà luận bàn so sánh.
Đây đều là phi lý luận bàn.
Nói lỗi của bốn chúng, chính là luận bàn, dị nghị chúng xuất gia là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni và Bồ Tát. Mình đã là Bồ Tát, là bạn đồng hành với nhau, người khác không lỗi thì không nên phỉ báng chê bai. Giả sử họ có lỗi, mình phải dùng tâm từ bi khuyên dụ họ, khiến cho họ biết lỗi để cải đổi, sám hối đó mới là việc then chốt cần yếu nhất, lẽ đâu lại đi nói lỗi của bạn đồng tu cho người ngoài biết ư? Nếu thế thì tự mình hủy nhục pháp môn của mình, khiến cho Thánh đạo không được thạnh hành, tội này không phải nhẹ, nên Phật ngăn cấm.
Tự mình nói, nghĩa là lỗi phỉ báng phát xuất từ miệng mình.
Bốn chúng xuất gia và tại gia, chính là người phát tâm Đại thừa, đã lãnh thọ giới pháp Đại thừa nên gọi là Bồ Tát.Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, riêng chỉ cho hai chúng xuất gia là những người tuy thọ giới Thanh văn nhưng bên trong ẩn hạnh Bồ Tát.
Dạy người nói tội lỗi của người khác, có hai hình thức:
- Vì mình có tâm oán hận riêng tư, muốn hạ nhục người ấy nên sai người khác phô bày những lỗi lầm của ngườikia để thích ý thỏa lòng.
- Người kia nghe sanh tâm buồn rầu, khiến phải sân hận.
Rao nói tội lỗi của người, nghĩa là bảo người này phạm tội gì đó hoặc nặng hay nhẹ, để cho người khác phải khinh khi. Mặc dầu chỉ nói lỗi một người, nhưng thật ra là đã xúc phạm đến tứ chúng mà không biết, phạm tội ngũ nghịch, căn cứ vào lời ấy mà định nên nói là tội lỗi, vì tứ chúng là người hoằng dương và trụ trì Tam bảo.
Là Phật tử chẳng những không được tự mình rao nói tội lỗi của người khác mà cũng không được dạy người khác nói lỗi. Đã là Phật tử phải luôn luôn khéo giữ ruộng phước, ấy là chánh hạnh của Bồ Tát.
Nhơn rao nói tội lỗi, nghĩa là từ vô thủy đến nay tập khí ác khẩu là “nhơn”. Duyên rao nói tội lỗi, nghĩa là ngườikia bị chút thành tích không tốt, lấy chút cớ ấy để rao bày điểm xấu của người gọi là “duyên”. Cách thức rao nói tội lỗi, nghĩa là bộc lộ tâm địa bất thiện, vẽ rắn thêm chân, thêm bớt nhiều điều của người bằng cách này cách khác, mục đích làm cho ai nghe nói cũng tin. Nghiệp rao nói tội lỗi, hợp bởi ba việc trên là nhơn, duyên, cách thức đầy đủ tạo thành câu chuyện hay sự việc nói ra, phô bày lỗi xấu của người. Bốn sự kiện này kết thành nghiệp báo đời sau phải chịu cảnh khổ địa ngục cắt lưỡi. Như giới trước đã nói, dứt tất cả điều ác, tu tất cả điều lành. Đoạn ác tu thiện là Nhiếp chúng sanh giới.
Bồ Tát nghe kẻ ác và ngoại đạo là bọn ác độc tà kiến, vì đoạt mất huệ mạng của Phật, khiến cho chúng sanh phải rơi vào ba đường ác nên gọi là kẻ ác. Hàng Nhị thừa cũng là kẻ ác, vì không phát tâm nối huệ mạng Phật, cũng gọi là ác. Hơn nữa, kẻ ác hay nói những điều phi pháp, phi luật. Trong Phật pháp, vì hàng Nhị thừa không thấu rõ cảnh giới nghịch hạnh của Bồ Tát, hoặc thuận hay nghịch đều là diệu dụng của Bồ Tát trong Phật pháp, do đó họ thấy Bồ Tát làm nghịch hạnh mà cho rằng phi pháp, phi luật. Nên Bồ Tát nghe lời ác này sanh tâm từ bi thương xót chúng sanh, giáo hóa họ, khiến cho họ cải ác tùng thiện, bỏ tà quy chánh, đối với hàng Nhị thừa thì xả tiểu hướng đại, ngỏ hầu làm hột giống chánh đạo ngày càng thêm lớn. Nếu không khai hóa được như thế thì lòng từ của Bồ Tát chưa được dung thông, Bồ Tát lẽ đâu tự mình rao nói tội lỗi của người ư? Nên cuối cùng nói: “Bồ Tát này phạm tội Ba-la-di.”
Giới thứ 7
TỰ KHEN MÌNH CHÊ NGƯỜI
Nếu Phật tử tự khen mình chê người, cũng như bảo người khác khen mình chê người, nhơn chê người, duyên chê người, cách thức chê người, nghiệp chê người. Là Phật tử lẽ ra phải chịu thay những sự khinh chê khổ nhục cho tất cả chúng sanh, mình nhận lấy việc xấu, nhường cho người việc tốt. Nếu Phật tử phô trương tài đức của mình mà che giấu điều hay tốt của người, làm cho người bị khinh chê, Phật tử phạm tội Ba-la-di.
Giải thích:
Đưa công đức của mình lên gọi là tự tán thán khen ngợi. Chê bai lỗi xấu của người khác gọi là hủy nhục. Phô bày tốt, che cái xấu cho người, không hại cả mình và người, đó chính là bổn hạnh lợi sanh của Đại sĩ. Khen mình chê người, lợi mình tổn người, chẳng phải tâm từ bi của Bồ Tát.
Tự khen mình chê người là đưa ta lên và dìm người xuống, đủ hai lỗi này là phạm trọng tội.
Dạy người có hai cách:
- Dạy người khen mình chê người, hoặc hiện tướng, hoặc sai khiến đem thơ đến.
- Dạy người kia tự tán thán đức hạnh của mình, khinh hủy người khác.
Trước khi khởi tâm khen ngợi tán thán, tâm đó là nhân, tâm tương tục giúp thành duyên, dùng các thứ phương tiện khéo léo là cách thức, người đối diện nhận hiểu là nghiệp. Trong bốn câu này, chỉ đơn cử việc hủy báng người khác, không nói tự khen ngợi mình, vì lược bớt văn từ.
Lại tự khinh hủy người khác và khen ngợi mình, đem điều hay tốt về mình, khiến người khác phải chịu nhục, đó là ác tâm nặng nề về một mặt, nên nêu tội nặng bao gồm tội nhẹ. Ngược lại, người chịu thay người khác thì không làm cho họ phải chịu nhục, dẫn việc xấu xoay về mình, quyết không nên tự khen mình.
Dương là tán thán khen ngợi. Ẩn là ẩn khuất, tự đưa mình lên, sợ mình không hơn người. Dìm điều hay tốt của người sợ người hơn mình, chỉ biết lợi mình, không đếm xỉa người khác bị hại là chẳng phải Đại sĩ. Đem điều xấu đổ về mình, đưa điều tốt đẹp của người lên đó là “thiện tâm”
Tự mình chê bai người khác chính là nghiệp dẫn dắt nên mắc tội nặng. Nếu bị dắt dẫn vào đường tà rồi trở về chánh đạo, chê Nhị thừa, khiến họ trở về Nhứt thừa, tuy lỗi giống như là chê bai mà thực ra tâm là Đại từ bi, đây chính là tâm từ bi hoằng hóa thương xót chúng sanh, đại nguyện kiến lập pháp tràng, đâu được dụng tâm chấp nhơn, ngã, bỉ, thử, hơn, thua mà luận bàn, đồng lòng mà nói ư?
Kinh Trì Địa chép: “Khinh khi ngoại đạo mà khen ngợi Phật pháp, nếu dùng phương tiện để điều phục họ, chưa tin khiến cho tin, đã tin khiến cho tăng trưởng thì không phạm.”
Giới thứ 8
BỎN XẺN THÊM MẮNG ĐUỔI
Nếu Phật tử tự mình bỏn xẻn, nhơn bỏn xẻn, duyên bỏn xẻn, cách thức bỏn xẻn, nghiệp bỏn xẻn. Nếu là Bồ Tát, thấy tất cả người bần cùng nghèo khổ đến xin, theo sự cần dùng của họ mà cấp cho tất cả. Trái lại, Bồ Tát lại dùng ác tâm, sân tâm, nhẫn đến không cho một tiền, một cây kim, một cọng cỏ, có người đến cầu hỏi giáo pháp, chẳng nói một kệ, một câu mà trái lại còn mắng nhiếc hủy nhục, Bồ Tát này phạm tội Ba-la-di.
Giải thích:
Người đến xin thí tài, thí pháp mà không cho gọi là bỏn xẻn (nhơn bỏn xẻn, duyên bỏn xẻn, cách thức bỏn xẻn).Sân hận mắng nhiếc hủy nhục gọi là gia hại, như thế trái với đạo từ bi, trái với hoài bão lợi sanh của Bồ Tát.
Bồ Tát thực hành bố thí Ba-la-mật, không lựa kẻ thân người sơ. Nếu người đến cầu xin bố thí pháp hay tiền của, Bồ Tát đều cho, đâu phân biệt tốt hay xấu. Nếu họ đến xin, không có tâm bố thí mà lại thêm đánh đuổi quở mắng là rất trái với giới hạnh của Bồ Tát.
Tự mình bỏn xẻn, hoặc miệng nói, hoặc hiện tướng bỏn xẻn, hoặc ẩn tránh không cho tài pháp, hoặc nói không có,tay cầm gậy xua đuổi, hoặc dùng lời ác mắng nhiếc. Dạy người bỏn xẻn, là hoặc dạy người khác cất giấu tiền của không cho, hoặc dạy người gia hại mắng nhiếc. Khi mới khởi tâm như thế là nhơn, tiếp theo trợ giúp cho bỏn xẻn là duyên. Dùng mọi phương tiện khéo léo thực hiện việc bỏn xẻn là cách thức bỏn xẻn. Người đối diện hiểu rõ lời nói trên đó, thành tựu việc bỏn xẻn là nghiệp bỏn xẻn. Bốn câu này, không nói thêm lời hủy mắng đánh đuổi. Trước do tâm bỏn xẻn, sau thêm đánh đuổi hủy nhục, nếu không bỏn xẻn mà chỉ hủy nhục là thuộc về phạm khinh tội (tội nhẹ).
Kinh Ưu Ba Ly Vấn Phật chép: “Đã ở trong căn bản tội, sao còn gọi là nặng? Phật dạy: Trụ trong giới Đại thừa Bồ Tát, như phạm hằng hà sa số tội tham, cùng với một tội sân. So sánh trong hai tội này, sân thuộc về tội nặng vì hiệnsân giận xa lìa chúng sanh, hiện tham ái hộ chúng sanh, thì không bị phiền não.” Đối với Bồ Tát, không có các sự lo sợ tai ương hoạnh tử, nên Học Luận chép: “Sân là bổn tánh của đại tội, không sanh phương tiện thương xót, hành động sân giận, chẳng những không lợi ích mà còn trưởng dưỡng phiền não, giảm mất tâm bi mẫn chúng sanh, ấy là lỗi rất lớn.”
Giới này nói về bỏn xẻn keo kiệt, đã tiếc của lại còn thêm đánh mắng hủy nhục. Nếu nghèo mà hay làm việc bố thí thì không có các lỗi sân, hận, hủy nhục. Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ chép: “Nếu trước thiếu phần suy nghĩ về mình, rồi sau không bố thí, đọa vào loài quỷ đói. Nói mà không cho thì đọa vào địa ngục.” Tất cả là chỉ Tăng tục, nam nữ.
Nghèo khốn cùng khổ có hai loại:
- Thân nghèo đói khổ, cần tiền của nên thí cho tài vật.
- Tâm nghèo khổ, cần pháp thí thì nên thí cho món ăn tinh thần pháp thí, nên nói tùy theo sự cần dùng, tất cả đều cung cấp cho.
Kinh Quyết Định Tỳ Ni chép: “Bồ Tát tại gia nên thực hành hai pháp thí:
- Tài thí
- Pháp thí
Còn Bồ Tát xuất gia nên thực hành bốn cách thí:
- Thí cho giấy
- Thí cho mực
- Thí cho viết
- Thí cho pháp.”
(Vì người xuất gia không có tiền của thì cho giấy, mực, viết, pháp, chút ít dễ làm, khiến cho thành tựu được kinh sách, cũng gọi là thí pháp.)
Bồ Tát đắc nhẫn thực hành 3 cách bố thí:
- Ngôi Vua
- Xả thí vợ con
- Xả thí da thịt, xương cốt.
Phàm phu Bồ tát tùy sức tùy nghi thí cho. Nếu gặp người không nên thí pháp hoặc họ căn tánh ám độn, hạ liệt chẳng phải pháp khí, hoặc nghe pháp quá sâu xa, ngược lại sanh tâm hủy báng, hoặc người nữ đến cầu pháp mà không có nam tử thân nhân ở bên, thời không nên vì họ nói, cũng không nên thí tài, có khi thí tiền tài không được phước, nhẫn đến còn hại thân mạng, thì không nên thí cho.
Kinh Trì Địa chép: “Vì sao Bồ Tát dùng chút căn lành, được vô lượng kết quả? Vì Bồ Tát dạy chúng sanh có căn cơ hạ liệt, dùng chút ít tài vật gieo xuống phước điền, nhẫn đến chỉ thí một sợi bún nhỏ cho súc sanh. Thí rồi hồi hướng đạo Vô thượng Bồ đề, nhờ dùng sức hồi hướng, nên được kết quả vô lượng.”
Cho đến … , là luận về tiền tài theo số nhiều, cho đến rất nhỏ như cây kim, ngọn cỏ. Đây muốn nói, người không có tiền của, không thể tùy ý thí. Luận về pháp, thì nói rộng ra, cho đến rất ít, chỉ nói một câu hay một hạt bụi nhỏ, đây ý nói ít biết không nghe, nên không thể nói rộng được. Nếu thật không có pháp sở đắc, mà nói dối, nói xằng, nói bậy khiến cho người bị mê lầm, mắc tội không phải nhẹ. Nếu có mà không bố thí cho người lại thêm xua đuổi mắng chửi nhục mạ, thời gây cả hai tội bỏn xẻn và hủy nhục, đây chính là “nghiệp chủ” nên mắc tội nặng.
Không phạm nghĩa là thấy người kia do bị quở trách và mắng nhiếc nên hối lỗi, nhờ sự chiết phục ấy mà sửa lỗi, tự không có ác tâm, sân tâm, tùy theo căn cơ được lợi ích, chính là diệu dụng cơ nghi của bậc Đại sĩ. Nên Kinh Trì Địa chép: “ Nếu biết Pháp mà không nói khiến họ được điều phục, nếu biết người trước không hay kính trọng, nếu oai nghi không tề chỉnh hoặc căn cơ họ ám độn, nghe diệu pháp thâm sâu, sanh lòng lo sợ, hoặc biết họ nghe rồi tăng trưởng tâm tà kiến, hoặc nghe chê bai thối thất, hoặc nghe rồi nói lại cho người ác, phá hoại chánh pháp, như vậy không nói thì không phạm.”
Giới thứ 9
GIẬN HỜN KHÔNG CHỊU SÁM HỐI
Nếu Phật tử tự mình sân giận, dạy người sân giận, nhơn sân giận, duyên sân giận, cách thức sân giận, nghiệp sân giận. Bồ Tát đáng lẽ ra phải gieo căn lành cho tất cả chúng sanh không gây gỗ, thường có lòng từ bi, lòng hiếu thuận mà trái lại đối với tất cả chúng sanh, nhẫn đến chẳng phải chúng sanh, đem lời ác mạ nhục, còn thêm dùng tay chân dao gậy để đánh đập mà vẫn chưa hả dạ, cho đến khi họ đến cầu xin sám hối tạ tội nhưng vẫn còn chưa hả giận, Phật tử này phạm tội Ba-la-di.
Giải thích:
Tâm sân giận hoặc người xúc phạm đến mình, hoặc mình xúc phạm đến người, người kia biết lỗi, thành tâm cầu xin sám hối mà Bồ Tát trong lòng ôm sự sân hận, ngoài hiện tướng không giận nhưng trong lòng buồn rầu khổ não là trái với hạnh Bồ Tát.
Tự mình sân, là để trong lòng sự giận dữ, ngoài phát ra thân khẩu nghiệp. Bắt đầu mống tâm khởi sân là nhơn. Tâm sân hận ý niệm không dứt tạo thành duyên sân. Dùng các cách đánh đập mắng nhiếc là phương pháp hay cách thức sân, tạo thành nghiệp sân. Kinh Hoa Nghiêm chép: “Một niệm sân tâm khởi, trăm vạn cửa chướng mở” (Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai). Phải biết một niệm mới manh nha còn vậy, huống gì các duyên sân tâm tương tục mà không thành nghiệp sân sao? Nghiệp thành rồi thì tai ương sa đọa, chìm đắm, lôi kéo, oán thù kết nối muôn đời, hết đời này sang đời khác không hết, thật đáng thương thay!
Tất cả chúng sanh tâm địa vốn thiện, do bị chướng ngại vô minh phiền não ngăn che, bậc Đại sĩ phải dùng lòng từ bi khiến cho chúng sanh phát khởi căn lành từ bi của mình để xả bỏ vô minh phiền não chướng, thì không có việc đấu tranh, huống gì tự mình không chịu cho họ sám hối tạ tội để phát khởi sự tranh cãi ư? Bồ Tát phải luôn nhớ đến tất cả chúng sanh, như con đỏ của mình, nhẫn chịu sự hủy nhục, đó là tâm từ bi của mình. Thường quán tất cả chúng sanh như cha mẹ, đâu nỡ ngỗ nghịch với họ, ấy là tâm hiếu thuận. Bậc Đại sĩ làm cho chúng sanh phát khởi tâm lành, lại còn thể hiện lòng từ bi hiếu kính, thì làm sao bức não chúng sanh được.
Phi chúng sanh là bậc Tam thừa Thánh nhơn, và người biến hóa. Đánh mắng sỉ nhục là thân và khẩu nghiệp. Tay đánh là thân nghiệp, niệm sân không dứt là ý nghiệp. Do ba nghiệp này não loạn, dữ hơn lang sói. Không cởi mở, không dứt tâm sân, nên thành tội nặng.
Không phạm là dù người đã biết lỗi cầu xin sám hối với tâm hối không thật, niệm sám không tha thiết, Bồ Tát cũng nên đem tâm từ bi khiến cho họ biết cải đổi lỗi trước, không dám tái phạm lỗi sau. Phải chỉ rõ cho họ biết tướng sân hận, hoặc chiết phục những chúng sanh ngỗ nghịch, vô tâm ác tánh tà kiến, bậc Đại sĩ ngoài hiện uy phong, nhưng tâm thực là từ bi, miệng quở trách bài xích mà trong tâm rất thương xót. Đây chính là đại dụng của Bồ Tát để điều phục chúng sanh cang cường, lẽ đâu đem họ so sánh với kẻ đủ ba độc?
Kinh Trì Địa chép: “Nếu dùng phương tiện mà điều phục họ, nếu họ không như pháp sám hối, tâm họ bất bình, không chịu sám hối, thì không có lỗi.”
Giới thứ 10
HỦY BÁNG TAM BẢO
Nếu Phật tử tự mình hủy báng Tam bảo, xui người hủy báng Tam bảo, nhơn hủy báng, duyên hủy báng, cách thức hủy báng, nghiệp hủy báng. Phật tử khi nghe một lời hủy báng Tam bảo của ngoại đạo và kẻ ác, còn đau lòng như ba trăm cây nhọn đâm vào tim mình huống là tự mình hủy báng, không có đức tin và lòng hiếu thuận đối với Tam bảo, lại còn giúp sức cho những kẻ ác và tà kiến hủy báng nữa, Phật tử này phạm tội Ba-la-di.
Giải thích:
Tự mình đem tâm tà kiến, báng loạn chánh pháp. Tội hủy báng mắng nhiếc kia thì có thể sám hối, riêng tội báng loạn chánh pháp, còn gọi là hủy báng Bồ Tát tạng, thì tội rất nặng.
Lấy tà làm chánh, lấy chánh làm tà, phỉ báng kinh luật và Bồ Tát, bảo rằng kinh luật này chẳng phải Phật nói, ấy là phỉ báng đức Thế Tôn; nói chẳng phải Đại thừa kinh điển là báng Pháp, người thọ trì kinh điển và đọc tụng chẳng phải đệ tử Phật, ấy là báng Tăng. Hoặc tự thốt ra lời tà kiến, dựng lên tà thuyết, tự cho là chánh pháp, hoặc theo tà sư lãnh nạp tà ngữ, biên chép sao tả sách vở tà mị, như dùng lời dạy của Lão Trang sánh bằng giáo lý của Phật, lấy thuật trị thế, so sánh pháp môn tâm địa Phật nói, để hoặc loạn tâm người, làm mê lầm người sau, đánh mất chánh đạo, vùi lấp trong đường tà, truyền bá đời sau, mãi mãi không dứt, chịu tai ương muôn kiếp, đoạn dứt chủng tử Phật tánh rồi mắc tội, không phải Nhứt-xiển-đề thì không chỗ nào dung chứa được. Khi tâm mới khởi tà kiến là nhân, tà tâm tương tục là duyên, giúp nhau thành việc hủy báng là các phương pháp xảo thuyết hay cách thức hủy báng, người nghe lãnh hiểu là nghiệp hủy báng. Hoặc tâm muốn nói, miệng chưa nói ra thì chưa thành trọng tội. Hoặc tự phát ngôn, hoặc nói cho người khác, hoặc khiến cho người truyền nói, đối tượng nhận hiểu lời tà ngụy ấy dù chỉ một lời cũng là trọng tội. Nếu viết sách bằng ngôn ngữ báng loạn, người xem nhận hiểu thì mỗi lời, mỗi lời đều là trọng tội. Tín đồ dị học của Trung Hoa và Thiên Trúc, cho đến Bồ Tát ngoài tâm cầu pháp, đều thuộc về ngoại đạo. Không có tâm tin Đại thừa, thường trụ Tam bảo, nên xả bỏ Đại giới Tam địa để học theo dị đạo tà giáo, bài bác không có thiện ác nhơn quả, đó gọi là bọn người ác. Một lời, nghĩa là khi nghe bọn người ác, dù chỉ nói một lời, nhưng chẳng khác ba trăm kim nhọn đâm vào tim mình, huống gì tự mình buông ra lời hủy báng, tâm của bậc Đại sĩ làm sao chịu được? Thực đáng thương cho bọn tà kiến ác nhơn, tự xô mình xuống hố sâu tội lỗi, lại kéo thêm vô lượng chúng sanh lầm mê đọa vào biển khổ.
Như mũi nhọn đâm vào tim, không phải chỉ cho niệm sân hận hủy báng Tam bảo, Thể của Tam bảo sáng như mặt trăng, mặt trời, ngón tay đâu có thể che khuất được ánh sáng ấy. Như liệng búa chém trời, trái lại hại mình. Bậc Đại sĩ vốn đem tín tâm hiếu thuận để thọ chánh giới này, phải thường kính thuận Tam bảo, không mảy may trái nghịch, lẽ đâu có thể phản lại để theo bọn tà kiến ác nhân ngoại đạo, ham thích ngoại giáo, hằng mất tâm địa đại giới Bồ Tát, không còn được gọi là đệ tử Phật ư?
Nếu chưa bỏ chánh giáo theo tà giáo, thì chưa mất giới. Nhưng mới suy nghĩ nói: “Tam bảo không bằng ngoại đạo, Đại thừa không bằng Nhị thừa”, tính toán chưa dứt khoát, thì phạm tội khinh. Dù tin Tam bảo và lý nhơn quả, mà còn tin quỷ thần tà ma ngoại đạo, có oai lực rất linh cảm, bèn bắt chước phù phiếm tế lễ, tấu trình quỷ thần, hoặc khuyên người khác tin thọ, đều phạm tội khinh. Hoặc chấp Đại thừa, phỉ báng Tiểu thừa, bảo rằng không có Tiểu mà chỉ có Đại thôi, còn cho rằng Tứ A Hàm và Biệt Giải Kinh (Luật) không phải Phật nói, đây là phỉ báng Thanh văn tạng, cũng là tội khinh. Đâu biết ba đời chư Phật xuất thế, tùy theo căn cơ chúng sanh mà thuyết giáo, đều nói Tam thừa, Tứ quả Thanh văn, để làm ruộng phước cho Hiền, Thánh, Trời, Người, lẽ đâu có thể khinh chê và hủy báng ư? Chỉ vì hàng Nhị thừa không có tâm lợi sanh nên Phật quở trách thế thôi. Người thời nay mới sơ cơ học đạo, chưa phân biệt được lúa thóc, Thiền và Giáo còn mù mờ chưa rõ, theo sự hiểu biết cạn cợt của mình, tự mình lầm lẫn, cho rằng người trì giới là chấp tướng, liền chẳng thọ giới pháp. Phật gọi những hạng người này là cư sĩ trọc hoặc người thọ giới mà không giữ gìn cấm giới. Luật gọi đó là phao lủng trong biển khổ. Nếu khinh rẻ, bỏ cụ túc giới, cho rằng không cần thọ, như thế phạm khinh tội (tội nhẹ).
Mười giới trọng này đều là tánh tội, Tiểu thừa lấy rượu là Giá giới. Bồ Tát lấy việc lợi ích chúng sanh là gốc, nếu khiến cho người khác mê hoặc tâm địa, rượu cũng thuộc tánh tội. Như Luận Trí Độ chép: “Tánh giới là Thi-la. Thân, khẩu tám thứ, nghĩa là thân ba, khẩu bốn, lại thêm giới rượu, để ngăn ý địa, khiến cho thân tâm được thanh tịnh. Đó chính là ba nghiệp của ý trong mười thiện nghiệp.” Số lượng tuy khác nhưng nghĩa như nhau.
Tánh tội, nghĩa là giới này không đợi Phật chế hay không, tánh chất của nó nếu phạm là ác rồi, nên gọi là tánh tội. Luận Chỉ Quán chép: “Tánh giới nghĩa là bất luận người thọ hay không thọ, phạm tức là có tội.” Người thọ giới hay không thọ, giữ gìn không vi phạm gọi là thiện. Nếu thọ giới giữ gìn cẩn mật không sai phạm thời sanh được phước, sai phạm thì mắc tội. Không thọ không sanh được phước. Không thọ nếu phạm cũng không mắc tội khuyềt giới, chỉ có ác hạnh, vào nghiệp đạo. Tội nghĩa là thọ giới mà sai phạm thì mắc tội lại thêm tội khuyết giới.
B. Phần tổng kết
Này các Phật tử, trên đây là mười giới trọng của Bồ Tát, các vị cần nên học. Trong mười giới này không nên sai phạm một giới nào cả, dù một mảy may nhỏ như vi trần, huống chi phạm cả mười giới ư?
Giải thích:
Chẳng trái bổn nguyên tâm địa mà tu là khéo học. Người có lòng từ bi cứu giúp chúng sanh gọi là Nhơn giả. Đây là từ hay đẹp tán thán người học giới, khuyến nên học, nên trì giới, nếu sai phạm tâm địa giới này thì phạm tội trọng, ắt phải chịu lấy báo khổ ở ngục A Tỳ. Nếu giữ gìn cấm giới này làm nhân sẽ chứng cực quả là giải thoát, do quả nên không gọi là Ba-la-di mà gọi là “Ba-la-đề-mộc-xoa” chính là trong quả đã nói đến nhân. Nhân là trí dụng Bát nhã, quả là thể tịch tĩnh của Chơn như. Do xứng thể khởi dụng trừ được vô minh, thấy được bổn pháp thân, đó là trong quả nói rõ nhân.
Ngài Khuê Phong nói: “Nương Chơn như mà phát ra trí tuệ, đoạn dứt Hoặc nghiệp, chứng đắc Chơn trí rồi khởi ra diệu dụng.” Nếu hành giả không dựa vào Chơn như trí, thì tâm chấp tướng ngã nhơn sanh khởi, không biết nương vào đâu để mà tu chứng được. Nên biết muôn đức, muôn hạnh đều là dụng của Chơn như Trí cả. Nếu hành giả lại hay khởi tâm tha thiết cầu học ham mộ đắc quả, dốc lòng kiên trì cấm giới, đây cũng là trong quả nói đến nhân.
Ư trung, nghĩa là trong mười giới. Mảy may như vi trần, là nêu ra phần nhỏ để so sánh với số nhiều, nghĩa là Phật dạy: “Phạm giới khinh còn không được gọi là Bồ Tát, huống gì phạm cả mười giới trọng?” Nếu phạm giới trọng, đã đánh mất nhơn cực quả rồi, tất nhiên phải chịu ác báo khổ vô cùng cực, nên phần sau chỉ rõ được và mất, hay nói cách khác là tội và phước.
Nếu hành giả nào vi phạm cấm giới Bồ Tát, hiện đời không phát Bồ đề tâm và cũng mất hết các ngôi như Quốc vương, Chuyển luân Thánh vương, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cũng mất ngôi Thập Phát thú, Thập Trưởng dưỡng, Thập Kim cang và Thập địa, Diệu quả Phật tánh thường trú, tất cả đều mất, phải đọa trong ba ác đạo, hai kiếp, ba kiếp không được nghe tên Tam bảo và Cha mẹ, vì thế không nên sai phạm một giới nào.
Giải thích:
Nếu Bồ Tát vi phạm cấm giới của Phật, cũng như cây bị chặt ngọn, không thể nảy mầm được. Người phạm giới cấm cũng thế, mầm mống Bồ đề đã khô cháy nên nói hiện đời không thể phát Bồ đề tâm được.
Quốc vương là chủ một nước, Chuyển Luân vương là chủ Tứ thiên hạ hoặc hai, ba thiên hạ. Hai ngôi vị trên là do nhiều đời tu hành trì giới nghiêm mật nên có được thắng quả này. Nay chúng ta đã thọ cấm giới của Phật, mà còn để sai phạm thì đức vị tôn quý liền mất và thắng phước đời sau cũng mất.
Tỳ kheo, Tỳ kheo ni vốn trì thọ cấm giới mà đặt tên. Nếu phạm Ba-la-đề-mộc-xoa chẳng những không còn con mắt bậc Đại sĩ, mà tên gọi Tỳ kheo, Tỳ kheo ni cũng mất, chẳng những mất tên gọi mà cả ngôi vị Tam Hiền, Thập Thánh cho đến Diệu quả Phật tánh thường trú cũng mất.
Diệu quả là Diệu giác Phật quả, chẳng những vĩnh viễn mất lợi ích lớn lao như thế mà cho đến thân này, sau khi xả báo duyên, phải đọa vào ba đường ác. Khi đã đọa vào ác đạo rồi, chẳng phải một hai đời hết được, thế nên kinh nói một kiếp, hai kiếp cho đến nhiều kiếp không được nghe tên Cha mẹ và Tam bảo, huống gì được tu tập, hiếu kính ư?
Danh tự xuất thế gian Tam bảo còn không được nghe, làm sao tu hành để chứng đắc đạo quả?
Đã mất đại lợi như thế, nên Phật răn nhắc mỗi giới phải kiên trì cẩn mật và phát thệ thà đập nát thân thể này như tro bụi, không nên sai phạm một giới nào dù là giới nhỏ. Kinh Anh Lạc chép: “Nếu sai phạm giới trọng, không được sám hối, vì đã phạm tội Ba-la-di, phải chịu suốt trong 10 kiếp thọ tội khổ. Một ngày phải trải qua 84,000 lần sống, 84,000 lần chết, nên không được phá giới .” Từ quả vị Tam Hiền, Thập Thánh, cho đến Đẳng Giác, tất cả quả vị ấy đều đánh mất, bởi vậy giới này là hạnh căn bản của tất cả Phật, tất cả Bồ Tát. Không có Phật nào lìa giới thể, Bồ Tát nào lìa giới hạnh, nói cách khác không ai không từ Thập giới pháp môn này mà chứng đắc đạo quả.
Tất cả Bồ Tát các ông đã học, sẽ học và hiện đang học, mười giới như thế hết lòng kính trọng phụng trì. Còn phần giảng rộng như trong phẩm Tám Muôn Oai Nghi nói rõ.
Giải thích:
Giới này là mười phương ba đời chư Phật đồng học và đồng hành trì, đồng thành vô thượng Phật quả, vì thế đức Như Lai ba lần dặn dò, khuyến học và khuyến trì. Còn phần giảng rộng nói rõ về việc hành trì và sai phạm tánh tướng như thế nào, như trong Đại Bổn phần cuối phân ra. Trong phẩm Tám Muôn Oai Nghi nêu rõ, nay chỉ lược nêu ra phần đại cương của mười Vô tận tạng mà thôi.
-o0o-
Giải Thích Đề Kinh || Mười Giới Trọng || Bốn Mươi Tám Giới Khinh