Lục Pháp Hòa
Không rõ sư người xứ nào, ẩn cư tại Bách Lí, Giang Lăng. Cách ăn, mặc, cư xử, giới hạnh của sư đều giống sa-môn. Những người già từ nhỏ đã thấy sư, dung mạo đến nay vẫn không chút thay đổi, nên họ không thể nào đoán được tuổi tác. Có người bảo, sư từ Tung Sơn vân du khắp nơi, sau mới đến núi Tử Thạch, huyện Cao Yếu, quận Vấn Dương, Kinh châu. Một hôm, bỗng nhiên sư lặng lẽ ra đi, không lâu, có loạn Văn Đạo Kì nỗi lên nơi đây. Lúc ấy, mọi người đều cho là sư biết trước việc này.
Khi Hầu Cảnh vừa đầu hàng nhà Lương. Sư nói với Chu Nguyên Anh ở Nam Quận:
– Bần đạo cùng đàn-việt đi đánh Hầu Cảnh!
Nguyên Anh nói:
– Hầu Cảnh là người có công với đất nước. Sao sư lại nói là đánh ông ta?
Sư nói:
– Chính vì như thế mới đánh!
Khi Hầu Cảnh dẫn quân vượt sông, lúc này sư đang ở núi Thanh Khê. Nguyên Anh đến hỏi:
– Hiện nay Hầu Cảnh đang vây thành, phải làm thế nào?
Sư đáp:
– Phàm, muốn hái quả phải đợi khi quả chín.
Nguyên Anh gạn hỏi mãi, sư đáp:
– Cũng có thể thắng, cũng có thể không.
Hầu Cảnh sai tướng là Nhâm Ước đánh vào đất Lương. Lúc đó, Tương Đông vương đang ở Giang Lăng, sư đến xin Tương Đông đi đánh Nhâm Ước, rồi triệu tập tám trăm đệ tử Man di ở Giang Tân, hai ngày sau xuất phát. Tương Đông sai Hồ Tăng Hựu thống lãnh hơn nghìn quân lính cùng đi với sư. Sư bước lên thuyền chiến cười lớn, nói:
– Vô số binh mã!
Ở Giang Lăng có nhiều miếu thần, dân làng thường đến đây cúng tế, cầu khẩn. Từ khi sư xuất quân, miếu thần không còn linh nghiệm, dân làng cho sư là thần linh, nên đều xin đi theo.
Khi sư dẫn quân đến hồ Xích Sa thì đối đầu với quân Nhâm Ước. Sư không đội mũ trụ cũng không mặc áo giáp, chèo thuyền nhỏ xuôi theo dòng, khi cách quân Nhâm Ước một dặm, bèn quay thuyền trở về bảo các tướng sĩ:
– Ta quan sát thấy quân địch ngủ say, còn quân ta rất phấn khích. Hãy tấn công, nếu bắt được tướng giặc, thì ngày mai cả chủ lẫn khách đều không tổn một người mà vẫn phá được giặc.
Nhưng gặp chỗ hiểm yếu, quân của địch tung hỏa thuyền, nhưng gặp lúc ngược gió, sư liền cầm quạt bằng lông chim trắng phẩy gió, gió liền thổi ngược lại quân Nhâm Ước. Quân địch thấy quân lính nhà Lương đạp trên nước mà đi, nên hoảng sợ đều lao xuống nước. Nhâm Ước cũng chạy trốn, không tìm thấy tung tích. Sư bảo:
– Trưa mai sẽ bắt được!
Đến trưa hôm sau, cũng chưa bắt được tướng giặc, mọi người đến hỏi. Sư nói:
– Ngày trước tại đầm này, lúc nước cạn ta có dựng một cây trụ. Ta nói với đàn-việt rằng: “Tuy đây là cây trụ nhưng chính là biểu thị cho giặc”. Nay sao các ngươi không đến đó tìm.
Quả đúng như lời sư đã nói, mọi người đến đó, liền thấy Nhâm Ước đang ôm cây trụ dưới sông, vừa ngoi đầu lên để thở liền bị bắt. Nhâm Ước nói:
– Tôi xin được chết trước mặt sư.
Sư bảo:
– Đàn-việt có phúc tướng, sẽ không bị chết trong binh loạn, lại còn có duyên với vương, nên không có gì phải lo lắng. Sau này, vương sẽ được đàn-việt giúp đỡ.
Quả nhiên Tương Đông vương tha tội và cho Nhâm Ước làm chức quận thú. Đến khi quân Ngụy vây Giang Lăng, Nhâm Ước đem binh đến dốc sức chiến đấu.
Khi sư đã dẹp yên quân Nhâm Ước, lại đi đến gặp Vương Tăng Biện ở Ba Lăng[1] nói rằng:
– Bần đạo đã chặt một cánh tay của Hầu Cảnh rồi! Ông ta đâu thể làm gì nữa, đàn-việt hãy lập tức đến bắt!
Sư xin trở về và nói Tương Đông vương:
– Ngài không cần phải lo lắng gì, sẽ tự nhiên bình định được loạn Hầu Cảnh.
Khi giặc Thục sắp đến, sư xin trấn giữ ở Vu Hạp[2] để đón giặc, và triệu tập tất cả quân lính đến chuyển đá để chắn sông, không cho nước chảy suốt ba ngày.
Vũ Lăng Vương Kỉ quả thật dẫn binh Thục vượt qua Hạp khẩu[3], liền rơi vào tình thế ngặt nghèo tiến thối lưỡng nan. Vương Sâm cùng sư chỉ một phen giao chiến, quân giặc liền bị đánh tan tác.
Khi đóng quân ở Bạch Đế, sư bảo mọi người:
– Ta đã từng gặp qua Khổng Minh Gia Cát Lượng[4], quả xứng đáng là danh tướng. Gần thành này có chôn một đấu mũi tên.
Nhân đó sư cắm cây làm dấu và bảo người đào lên, thì quả đúng như vậy.
Lần nọ, sư đến dưới một tàng cây lớn ở phía bắc thành Tương Dương, vạch một khoảnh đất vuông khoảng hai thước, rồi bảo đệ tử đào lên thì thấy một con rùa dài khoảng một thước rưỡi. Sư lấy gậy gõ vào đầu rùa, nói:
– Đã mấy trăm năm rồi, ngươi muốn ra mà không được. Nếu không gặp ta, ngươi không thể nào thấy ánh mặt trời.
Sư liền truyền Tam qui, nghe xong rùa bò đi.
Trước đây, ở vùng núi Bát Điệp, nhiều người bị bệnh nặng, sư hái thuốc chữa trị cho họ, uống không quá ba lần tất cả đều lành hẳn, từ đó họ đều xin làm đệ tử sư. Trong núi có nhiều trùng độc, thú dữ, nhưng từ khi được sư truyền tam qui, ngũ giới, chúng không còn làm hại mọi người.
Bên bờ các sông, hồ, ao, suối có treo bảng, ghi: “Hồ này là nơi phóng sinh, không được bắt cá!”. Có người chèo thuyền đến, mới bắt được ít cá bỗng nhiên gió lớn, sấm chớp nổi lên, người ấy sợ hãi thả cá trở lại, thì mưa gió liền chấm dứt.
Một buổi chiều, tuy các binh tướng đã cấm các binh sĩ không được bắt cá, nhưng vẫn có người lén bắt. Đến nửa đêm thú dữ liền tìm vào muốn cắn người ấy và phá hỏng dây neo thuyền của họ.
Có chú đệ tử nhỏ, chơi nghịch cắt đứt đầu rắn, lát sau đi đến chỗ sư. Sư nói:
– Sao con lại giết hại chúng sinh như thế?
Rồi sư đưa tay chỉ vào người chú. Chú đệ tử nhìn theo thì thấy đầu rắn đang bám cắn quần mình. Sư dạy chú phải sám hối và tạo công đức để hồi hướng cho rắn.
Lại có một người vì thử đao mà chặt đầu trâu, sau đó đến gặp sư, sư nói:
– Có một con trâu đứt đầu, nó đang tìm đến ông đòi mạng gấp, nếu không tạo công đức hồi hướng cho nó thì nội trong tháng này ông sẽ bị quả báo.
Người ấy không tin, mấy hôm sau quả nhiên ông ta chết.
Sư còn giúp mọi người xem cất nhà, xây mồ mả để tránh họa, cầu phúc.
Có lần sư bảo một người:
– Ông chớ buộc ngựa vào cối giã gạo.
Hôm sau, người ấy đến nhà một người trong làng, thấy bên cửa có cái cối giã gạo, ông ta buộc ngựa vào đó. Sau khi vào nhà, nhớ lại lời sư dặn, ông vội vã quay ra định dẫn ngựa cột nơi khác, nhưng đến nơi thì thấy ngựa đã chết.
Lương Nguyên Đế phong sư làm đô đốc kiêm thứ sử Dĩnh Châu, tước Giang thừa huyện công. Sư không xưng thần, những văn thư dâng vua, đóng dấu ấn đề tên, sư đều tự xưng cư sĩ. Về sau, sư lại xưng là Tư đồ[5].
Lương Nguyên Đế nói với bộc xạ[6] Vương Bao:
– Ta chưa từng có ý dùng Lục Pháp Hòa làm Tam công, vì sao ông ta tự xưng như vậy?
Vương Bao tâu:
– Sư ấy dùng đạo thuật nên tự biết trước vận mệnh của mình.
Lương Nguyên Đế nhờ sư mà cơ nghiệp được vững vàng, nên phong sư làm thứ sử, đô đốc, tư đồ như sư đã tiên đoán.
Thuộc hạ có đến mấy nghìn người đều gọi là đệ tử. Sư chỉ lấy đạo thuật giáo hóa, chứ không dùng hình pháp giam cầm bức ép người. Nhờ đó, phố thị không cần người trông coi, cũng không cần người thâu thuế, chỉ lấy một cái hòm, khóa lại đặt bên đường, trên có một lổ nhỏ, khách thương buôn tùy lượng hàng hóa nhiều ít, tính theo mức thuế mà tự đặt tiền vào. Đến chiều, quan quản lí mở ra thâu lấy, tính toán rồi nhập vào ngân khố.
Bình thường sư rất ít nói, nhưng khi đàm luận thì hùng biện không ai chiết phục được. Tuy vậy, giọng nói sư vẫn còn mang âm hưởng của người man di.
Sư rất giỏi về chiến đấu nên đã tập trung thuyền chiến tại Giang Hạ, muốn đánh Tương Dương rồi tiến vào Võ Quan. Nhưng Lương Nguyên Đế ngăn cản. Sư bảo:
– Pháp Hòa tôi là người cầu Phật đạo, đối với ngôi vị Phạm thiên, Đế Thích còn không mong, há lại mưu cầu địa vị vua ư? Chỉ vì, vào thời Đức Phật Không Vương, tôi cùng ngài đã có chút nhân duyên Phật pháp. Nay thấy quả báo sắp đến với ngài, nên tôi muốn cứu giúp, nhưng đã bị nghi ngờ. Vậy đây là định nghiệp, không thể nào hóa giải được.
Lúc đó, sư bày biện đầy đủ thức ăn và bánh tráng cúng tế. Đến lúc nước Ngụy khởi binh, sư từ Dĩnh Châu vào Hán Khẩu. Lúc sắp đến Giang Lăng, Lương Nguyên Đế sai người đến đón sư lại và nói:
– Triều đình tự đủ sức chống trả với giặc, ngài chỉ nên trấn giữ Dĩnh châu, không cần phải động binh.
Sư liền quay lại Dĩnh châu, lấy bùn trát lên cửa thành, mặc áo tang, đội khăn chế, buộc dây ngang lưng, ngồi trên chiếu cỏ, hết ngày đó mới cởi ra. Đến lúc nghe tin Lương Nguyên Đế bại trận và chết tại chiến trường, sư lại mặc tang phục như trước, khóc lóc thụ tang. Người nước Lương sang đất Ngụy, thấy lễ vật cúng tế của sư vẫn còn ở đó.
Sư đến cồn Bách Lí dựng ngôi chùa Thọ Vương. Sau, sư lại cưa cột trụ chính trong chùa rồi bảo:
– Bốn mươi năm sau, Phật pháp gặp nạn, nhưng chùa này nằm nơi hoang vắng nên sẽ tránh khỏi.
Lúc nước Ngụy bình định Kinh châu, các cung điện đều bị thiêu rụi. Tổng quản muốn phá lấy gỗ của Phật điện chùa Thọ Vương, nhưng ông ta chê cây gỗ ngắn xấu, nên từ bỏ ý định.
Sau đó, họ Chu hủy diệt Phật pháp, nhưng chùa này cách xa kinh đô nên không bị hại.
Mùa xuân niên hiệu Thiên Bảo thứ sáu (555), Thanh Hà Vương Nhạc tiến quân vào Lâm Giang. Sư hiến vùng Dĩnh Châu cho đất Tề, Văn Tuyên đế tiến cử sư làm chức Đại đô đốc thập châu chư quân sự thái úy công, Tây nam Đại đô đốc ngũ châu chư quân sự Kinh châu thứ sử An tương quận công. Tống Lị thì làm thứ sử Dĩnh châu. Quan tước của sư cũng đồng ngày trước.
Em của Tống Lị được làm Tán kị thường thị nghị đồng tam ti Tương châu thứ sử Nghị Hưng huyện csư.
Tướng của quân Lương là Hầu Trấn đến bao vây Giang Hạ, quân nhà Tề bỏ thành trốn chạy. Sư cùng anh em Tống Lị vào triều. Văn Tuyên nghe sư có pháp thuật kì lạ, nên hết lòng mong được gặp. Vua ra lệnh chuẩn bị tiếp đón theo nghi lễ của Tam công, cách thành phía nam mười hai dặm, giăng màn trướng để tiếp rước sư. Từ xa, sư thấy kinh thành, liền xuống ngựa đi bộ. Tân Thuật thưa:
– Ngài từ xa vạn dặm về đây, chúa thượng hết lòng mong được tiếp đón, sao ngài lại làm như vậy?
Sư tay cầm lư hương theo đường lớn đến dịch quán. Sáng hôm sau, sư vào yết kiến, triều đình cấp cho xe trang hoàng đầy lụa quí. Khi vào cung, sư chỉ xưng tên không xưng chức vị quan tước, cũng không xưng là thần, chỉ xưng Kinh Sơn cư sĩ.
Văn Tuyên Đế mở yến tiệc thết đãi sư cùng đồ chúng ở điện Chiêu Dương, vua tặng sư trăm vạn tiền và vật dụng, vạn xấp lụa quí, một khu đất rộng lớn, một trăm khoảnh ruộng, hai trăm nô tì cùng vô số của cải.
Sư trả tự do cho những người nô tì và bảo:
– Các ngươi muốn đi đâu tùy ý!
Tất cả tiền bạc và lụa quí chỉ trong một ngày sư đem bố thí hết; dinh thự, đất đai được sửa lại thành chùa. Sư ở trong một căn phòng như thường dân. Ba năm sau, sư trở lại làm Thái úy, mọi người vẫn gọi sư là Cư sĩ.
Sư không bị bệnh, nhưng bảo cho đệ tử biết trước ngày viên tịch. Đến ngày ấy, sư đốt hương lễ Phật, rồi đến ngồi trên thằng sàng an nhiên thị tịch. Lúc tẩm liệm, nhục thân sư thu nhỏ lại chỉ còn ba thước. Văn Tuyên Đế nghe vậy liền cho người mở quan tài ra xem thì thấy trống rỗng.
Lúc còn sinh tiền, sư có viết bài kệ trên bức tường trong thất của mình, sau lại xóa đi, chỉ còn lại mấy câu:
Mười năm thiên tử thấy còn lâu,
Trăm ngày thiên tử lửa cháy đầu,
Mỗi năm thiên tử thay ngôi vị.”
Lại ghi: “Một mẹ sinh được ba thiên tử, hai thiên tử tổng cộng năm năm.”
Sau đó, có người nói Lâu thái hậu sinh ba thiên tử. Từ lúc Hiếu Chiêu kế vị đến Võ Thành truyền ngôi lại cho hậu chủ là năm năm.
———————————————-
[1] Ba Lăng 巴陵: Tên một quận vào niên hiệu Nguyên Gia thứ 16 thuộc Nam triều nhà Tống, nay là Nhạc Dương, Hồ Nam.
[2] Vu Hạp 巫峽: Một trong ba dòng chảy của Trường Giang, là một dòng lớn bắt nguồn từ phía tây huyện Vu Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, chảy về phía đsư huyện Ba Đông, tỉnh Hồ Bắc.
[3] Hạp khẩu 峽口: Chỉ cửa Lăng hạp ở phía tây, là nơi hiểm yếu của Trường Giang chảy ra đất Thục.
[4] Khổng Minh Gia Cát Lượng 諸葛孔明: Nhà chính trị, quân sự của Tam quốc. Cuối thời Đông Hán sư ẩn cư ở núi Long Trung huyện Tương Dương Tỉnh Hồ Bắc. Người đương thời xưng là Ngọa Long
[5]Ty đồ 司徒: Tên một chức quan, là một trong sáu chức quan đại thần thời Chu, còn gọi là Đại ty đồ; là người nắm giữ, trông coi đất đai và chỉ dẫn nhân dân trong nước.
[6] Bộc Xạ 僕射: Tên một chức quan võ. Thời cổ lựa người có tài thiện xạ, coi như người hầu bắn giỏi của vua.