LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 19
Phần 3: NÓI VỀ CÁC PHÁP: THỌ GIỚI, BỐ TÁT, AN CƯ, TỰ TỨ, Y, GIÀY DÉP DA, THỨC UỐNG V.V…
Đoạn 3: NÓI VỀ PHÁP AN CƯ
Đức Phật ở thành Vương-xá. Khi ấy, các Tỳ-kheo, Xuân, Hạ, Đông tất cả thời du hành, đạp chết trùng cỏ, mang y vật nặng mệt nhọc trên lộ trình, các cư sĩ thấy chê trách nói: Các Sa-môn ngoại đạo, Bà-lamôn còn biết mùa Hạ trong ba mùa thì An cư. Các loài chim lại làm tổ, làm hang để ở yên trong mùa này. Ngược lại, các Tỳ-kheo không biết ba mùa, mùa nào nên đi mùa nào không nên đi. Các Tỳ-kheo thường nói thiểu dục, từ bi, hộ niệm chúng sinh, mà nay giậm đạp, không có tâm nhân từ, trắc ẩn, là không hạnh Sa-môn, phá pháp Sa-môn. Các Tỳkheo Trưởng lão nghe, bèn nghiêm khắc quở trách, rồi bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo:
-Sự thật các ông có như vậy không?
-Bạch Thế Tôn! Có.
Đức Phật bằng mọi cách quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo:
-Không nên tất cả thời đều du hành, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Từ nay cho phép mùa Hạ phải An cư. Kiết pháp An cư: Để trống vai bên phải, cởi bỏ giày dép, quỳ gối, chấp tay, hướng đến một Tỳ-kheo thưa: Trưởng lão nhất tâm niệm: Tôi Tỳ-kheo… an cư mùa Hạ nơi trú xứ này, ba tháng trước, nương nơi xóm làng… phòng xá… nếu phòng xá có hư hoại nên tu bổ. Nói như vậy Ba lần. Vị kia nói tôi ghi nhận.
Các Tỳ-kheo ngày nào cũng kiết An cư, hoặc hai ngày cho đến năm ngày, một lần kiết, bạch Phật. Phật dạy: Không nên kiết như vậy, nên ngày Bố-tát cuối mùa Xuân, chia phòng xá ngọa cụ, rồi ngày mồng một mùa Hạ kiết An cư.
Có Tỳ-kheo muốn nương nơi dưới con voi, hoặc nương nơi xe cộ kiết An cư. Lại có Tỳ-kheo muốn nương nơi nhà bị phú bát An cư. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Đều không nên kiết như vậy, vi phạm, phạm Đột-kiết-la. Cho phép kiết nơi chỗ đủ ngồi kiết già và y bát không bị mưa ướt mà An cư.
Có các Tỳ-kheo An cư nơi chỗ không có sự cứu hộ, bị giặc cướp đoạt. Lại có các Tỳ-kheo An cư nơi gò mả, bị phi nhân gây não. Lại có các Tỳ-kheo An cư trên cây, bị rắn độc làm khốn khổ. Lại có các Tỳ-kheo An cư trong nhà lợp bằng da, bên trong lỗ mũi bị sinh thịt. Lại có các Tỳ-kheo An cư nơi chỗ đất trống da bị lột, bạch Phật. Phật dạy: Những chỗ trên đều không kiết kiết.
Bấy giờ, các bạch y thỉnh Tỳ-kheo An cư ở chỗ không có sự cứu hộ, bạch: Đại đức có thể An cư nơi chỗ đó, tôi có thể từ xa làm việc cứu hộ. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Cho thọ. Lại có Tỳ-kheo nơi gò mả, lo ngại nơi nhân gian không có phòng xá ngọa cụ, muốn ở lại gò mả An cư, bạch Phật. Phật dạy: Nếu có thể hệ niệm tại tiền, không có sự sợ sệt thì cho phép. Lại có các Tỳ-kheo, muốn bố trí một chỗ trên lùm cây trong không trung để An cư, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép, nhưng trước hết nên dùng đá ném trên cây, hoặc lấy cây sào đập, lắng nghe có âm thanh nào phát ra hay để có vật gì chạy ra. Nếu không có tiếng gì khác, không có vật gì chạy ra, sau đó mới vào. Lấy bùn kết dính các chỗ hiểm yếu để có sự bằng phẳng, chung quanh làm vách đất, đặt cửa để đóng mở.
Lúc ấy, Long vương A-nậu-đạt thỉnh các Tỳ-kheo An cư nơi hang ở trong cung, dùng năm trăm kim ngân và các châu báu làm thành, các Tỳ-kheo không dám đến, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép đến. Các Tỳkheo muốn làm cấp để đi, lót đá để ngồi, và đá để rửa chân, đều dùng bằng vàng, bạc, xấu hổ không dám, bạch Phật. Phật dạy: Vàng bạc nơi đó cũng như đất đá ở đây, tùy ý sử dụng.
Lại có các Tỳ-kheo An cư nơi có các nạn về giặc, quan lại, người thân bèn bạch Phật. Phật dạy: Nên tránh đi chỗ khác An cư. Có hai thứ An cư: tiền An cư và hậu An cư. Nếu không có việc gì thì nên tiền An cư, có việc gì thì cho phép hậu An cư. Tỳ-kheo hậu An cư đến chỗ khác, Tỳ-kheo kia không cung cấp phòng xá ngọa cụ, bạch Phật. Phật dạy: Nên cung cấp. Đã cấp rồi không ở, lại đoạt phòng của người khác, bạch Phật. Phật dạy: Nhận được phòng nào ở phòng nấy. Tỳ-kheo khi muốn An cư, nên trù liệu trước, chỗ này có nạn, không nạn, không nạn nên ở, có nạn nên đi.
Bấy giờ, tại thành Xá-vệ, có Trưởng giả tên là Ưu-đà-diên tin ưa
Phật pháp, thường cung cấp cho các Tỳ-kheo. Khi An cư, vì Tăng làm phòng xá, thiết trai nhập xá, muốn nhân việc ấy đem phòng dâng cúng, mời các Tỳ-kheo ở các trú xứ chung quanh, các Tỳ-kheo e ngại không dám thọ. Trưởng giả dị nghị chê trách nói: Tôi hao tốn tài vật để làm thức ăn, mà các Tỳ-kheo không chịu thọ thỉnh. Các Tỳ-kheo đem vấn đề bạch Phật. Phật dạy: Cho phép thọ. Nếu làm nhà cho Tỳ-kheo-ni và phòng cho ngoại đạo, cho đến làm thềm cấp đường đi, thiết trai mời cúng dường, đều cho phép thọ. Nếu có người thỉnh hay không được thỉnh, phải ra ngoài cương giới, tất cả trường hợp đều cho phép bảy ngày phải trở lại.
Có một Tỳ-kheo tự mình không biết luật, nhưng không nương nơi người trì luật, trong khi An cư sinh nghi, khởi ý niệm: Đức Thế Tôn không cho phép ta khi An cư du hành, không có chỗ để hỏi, không biết làm thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép An cư chỗ có Tỳ-kheo trì luật. Nếu chỗ Tỳ-kheo trì luật phòng xá chật hẹp, cho phép ở chỗ gần Tỳ-kheo trì luật, mỗi bảy ngày tới một lần, trong khi đó, tâm niệm, từ xa nương vị trì luật mà An cư. Có một Tỳ-kheo, chia phòng xá ngọa cụ rồi, không khởi ý niệm: Nay tôi An cư, miệng cũng không nói, sau sinh nghi hối: Ta không kiết An cư, có thành An cư không? Bạch Phật. Phật dạy: Vì An cư, thọ phòng xá, trải ngọa cụ, tuy không phát tâm, miệng nói để kiết, cũng được gọi là An cư.
Lúc này, nơi thành Xá-vệ, người ta muốn đào con kênh thông nước nơi Kỳ-hoàn, Vua Ba-tư-nặc nghe ra lệnh: Ai đào kênh thông nước nơi Kỳ-hoàn phải bị đại tội. Sau đó, nơi biên giới có việc, Vua tự xuất chinh. Các ngoại đạo muốn cùng tập trung lực lượng đào kênh thông nước. Các Tỳ-kheo đem việc ấy nói với các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-tắc nói: Việc này không phải thuộc quyền ngăn cấm của chúng tôi, cần phải đến tâu với Vua. Các Tỳ-kheo nói: Đức Thế Tôn không cho phép trong khi An cư đi quá bảy ngày. Nhà Vua hiện ở cách xa đây làm sao đến kịp. Quý vị bạch Phật. Nhân việc này, Đức Phật tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo các Tỳ-kheo: Từ nay có việc Phật, Pháp, Tăng hay các việc tư, cần đi ngoài bảy ngày, cho phép bạch nhị Yết-ma thọ mười lăm ngày hoặc một tháng để ra ngoài giới. Một Tỳ-kheo xướng:
Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên… vì công việc… muốn đi ra ngoài cương giới, ngoài bảy ngày thọ ba mươi đêm, sẽ trở lại đây An cư. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.
Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên… vì công việc… muốn đi ra ngoài cương giới, ngoài bảy ngày lại thọ ba mươi đêm, rồi trở lại đây An cư. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì xin nói.
Tăng đã thuận cho Tỳ-kheo… lại thọ ba mươi đêm ra ngoài cương giới rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.
Có một Tỳ-kheo An cư, thức ăn cũng không đủ, khởi ý niệm: Ta ở đây, trong khi An cư, thức ăn cũng không đủ, song Đức Thế Tôn không cho phép phá An cư, ta nên như thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Vì nhân duyên ấy, cho phép phá An cư, không có tội.
Lại có một Tỳ-kheo An cư, có một Tỳ-kheo-ni quyến rũ cùng tác hạnh bất tịnh. Tỳ-kheo ấy nghĩ: Lòng người dễ thay đổi, sau có thể ta đổi ý, nhưng Đức Thế Tôn không cho phép phá An cư, ta nên như thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Vì lý do ấy cho phép phá An cư, không có tội. Thức-xoa-ma-na, cho đến huỳnh môn cũng được như vậy. Nếu quốc vương muốn phá hoại phạm hạnh, cho đến cha mẹ thân thích cũng được như vậy.
Có một Tỳ-kheo An cư, bắt gặp một kho tàng quý giá, khởi ý nghĩ: Của kho tàng này đủ nuôi sống một đời ta, nếu ở lâu, ý niệm này có thể bị lung lạc, nhưng Đức Thế Tôn không cho phép phá An cư, ta nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Vì nhân duyên này cho phép pháp An cư, không tội. Nếu chứng kiến sự vui sướng, khổ đau của quốc vương, của người tôn quý, kể cả của cha mẹ, vì sợ mất đạo ý, đều cũng giải quyết như vậy. Có một Tỳ-kheo An cư, nghe có Tỳ-kheo muốn phá Tăng, khởi ý niệm: Nếu có phá Tăng sự, Tăng không được hòa hợp, không được an lạc, do Đức Thế Tôn không cho phép phá An cư, ta nên như thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép vì nhân duyên ấy phá An cư, không có tội.
Lại có một Tỳ-kheo An cư, nghe trú xứ khác có Tỳ-kheo muốn phá Tăng, mà là chỗ thân hậu, khởi ý nghĩ: Nếu ta đến can gián chắc nghe lời ta, song Đức Thế Tôn không cho phép ta phá An cư, ta nên như thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép, vì nhân duyên ấy phá An cư, không có tội. Nếu có thể sai người can gián vì việc này mà đi, nơi đó Tăng đã phá hết, tự mình hòa hợp, hoặc khiến người hòa hợp, vì việc này mà đi, cũng như vậy. Tỳ-kheo-ni có thể hòa hợp Tăng, cũng như vậy.
Bấy giờ, có đoàn khách buôn dừng nghỉ, các Tỳ-kheo muốn nương theo họ An cư, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép nương đoàn khách buôn An cư. Trong khi An cư, bỗng nhiên họ lại đi, các Tỳ-kheo không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép đi theo họ. Các khách buôn chia làm hai đoàn, các Tỳ-kheo không biết làm thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Đoàn nào có lòng tin ưa, phong phú, vui vẻ, thì đi theo. Tỳ-kheo có trì luật, nơi đó có nhiều vị trì luật, cho phép theo bộ này mà đi. Nếu nương nơi người chăn trâu, chăn dê, người làm bè, người đi thuyền An cư, đều cũng như vậy. Có các Tỳ-kheo trong khi An cư, phòng xá, ngọa cụ bị cháy không có chỗ ở, không biết nên như thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nếu bị lửa cháy, nước trôi, nạn Vua, nạn giặc, nạn phi nhân, nạn sư tử, hổ lang, các trùng độc cho đến loài kiến, nước, gió đều cho phép phá An cư, không có tội.
Khi ấy, Bạt-nan-đà thọ An cư Bố-tát rồi, đi giữa đường thấy hai trú xứ, nhiều y thực được dâng cúng, Bạt-nan-đà bèn vào hai nơi đó, mỗi chỗ đều nhận phân nửa phẩm vật. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Nhân việc này Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, hỏi Bạt-nan-đà: Thật sự ông có như vậy không? Bạch Thế Tôn! Có. Đức Phật bằng mọi cách quở trách: Ông là người ngu si, tại sao đã thọ thỉnh của người khác, vì lợi dưỡng đến An cư hai trú xứ? Phật bảo các Tỳ-kheo: Từ nay, Tỳ-kheo nào nhận sự mời của người khác nơi tiền An cư, Bố-tát rồi đến giữa đường, thấy hai trú xứ, nhiều y thực được dâng cúng bèn ở lại, thì không thành tiền hay hậu An cư, mắc tội trái với lời nói, phạm Đột-kiết-la. Tỳkheo nào nhận sự mời của người khác thuộc tiền An cư, Bố-tát rồi mà đi chưa tới nơi, đến ngày mười bảy, tướng ánh sáng xuất hiện, Tỳ-kheo ấy không thành tiền An cư mà thành hậu An cư, không phá An cư, mắc tội trái với lời nói. Nếu nhận sự mời của người khác thuộc tiền An cư, Bố-tát rồi, đến kiết An cư, không thọ bảy ngày ra ngoài giới, trong vòng bảy ngày, trở lại hay không trở lại, Tỳ-kheo ấy không thành tiền An cư, nếu có hậu An cư, thì không phá An cư, không mắc tội trái với lời nói. Nếu nhận lời mời của người khác thuộc tiền An cư, Bố-tát rồi, đến kiết An cư, thọ bảy ngày ra ngoài giới, không trở lại, không thành tiền An cư, nếu có hậu An cư, thì không phá An cư, nhưng mắc tội trái với lời nói. Nếu trong vòng bảy ngày mà trở lại, không phá An cư, không phạm tội trái với lời nói. Nếu nhận lời mời của người khác thuộc tiền An cư, Bố-tát rồi, đến kiết An cư, trước Tự tứ bảy ngày, không có tác pháp bảy ngày mà ra ngoài giới, cũng không thành tiền An cư, mà thành hậu An cư, không phá An cư, mắc tội trái với lời nói. Nếu có tác pháp bảy ngày mà ra ngoài giới, không phá pháp An cư, không phạm tội trái với lời nói. Tỳ-kheo nào, nhận lời của người khác thuộc tiền An cư, đến nơi kia Bố-tát, cũng như vậy.
Tỳ-kheo nào, nhận lời của người khác, hậu An cư, Bố-tát rồi, đến giữa đường, thấy hai trú xứ có nhiều y thực dâng cúng, bèn ở lại không đi, phá pháp An cư, trái với lời nói, phạm tội Đột-kiết-la. Nếu nhận lời của người khác, hậu An cư, Bố-tát rồi đi không đến, đến ngày mười bảy, tướng ánh sáng xuất hiện, Tỳ-kheo ấy phá An cư, trái với lời nói, phạm hai tội. Nếu nhận lời mời của người khác, hậu An cư, Bố-tát rồi đến kiết An cư, không thọ bảy ngày ra ngoài giới, trong bảy ngày trở lại hay không trở lại, và thọ bảy ngày, trong bảy ngày không trở lại, đều phá An cư, trái với lời nói, mắc hai tội. Nếu trong bảy ngày trở lại, không phá An cư, không phạm tội trái với lời nói. Nếu nhận lời mời của người khác, hậu An cư, Bố-tát rồi đến kiết An cư, trước Tự tứ bảy ngày, không có pháp mà ra ngoài giới bảy ngày, phá An cư, trái với lời nói, mắc hai tội. Nếu có bảy ngày ra ngoài giới, không phá An cư, không phạm tội trái với lời nói. Nếu nhận lời mời của người khác, hậu An cư, đến chỗ kia Bố-tát, cũng như vậy.
Có một Tỳ-kheo tìm chỗ An cư, thấy có cái hang không, khởi ý niệm: Ta sẽ An cư nơi đây. Lại có số đông Tỳ-kheo thấy, cũng lại có ý niệm như vậy mà không biết nhau. Trước khi An cư đến ngày Bố-tát, hai bên cùng tập hợp nơi đó, đều nói: Trước đây tôi đã tìm ra cái hang này. Không biết ai được ở, bạch Phật. Phật dạy: Nếu ai đến trước nên làm dấu, hoặc đề tên mình nơi vách, hoặc nói với người ở chung quanh hang, sau lấy đó làm chứng, thì người này được ở.
Lại có Tỳ-kheo trước chiếm trú xứ, sau rồi không đến, Tỳ-kheo khác không dám ở, bèn bỏ trống trú xứ đó, bạch Phật. Phật dạy: Nên xóa cái dấu, hoặc nói để cho mọi người đều biết, khiến Tỳ-kheo khác được ở.
Đoạn 4: NÓI VỀ PHÁP TỰ TỨ
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo ở một chỗ An cư, cùng nhau bàn nói: Chúng ta nếu cùng nhau nói năng, hoặc đưa đến sự nhiều chuyện, nên cùng nhau lập quy chế, chớ có những lời lẽ gì với nhau. Nếu ai khất thực về trước thì lau quét, rưới nước chỗ dọn ăn, lấy nước đầy bình, đem khăn lau tay, lau chân ra, trải các tọa cụ, để đồ đựng thức ăn dư, lường thức ăn, có dư thì sớt bớt để vào đó, người nào ăn thiếu lấy đó mà ăn, ăn rồi theo thứ tự dọn dẹp, nếu một mình không thể làm được thì ra dấu nhờ bạn cùng làm. An cư như vậy được sống an lạc, không có cái họa phải quấy, thêm bớt. Luận bàn như vậy rồi liền thực hiện. An cư xong, thường pháp của chư Phật, một năm có hai lần hội họp, khi đến chỗ Phật, các Tỳ-kheo đầu mặt lễ nơi chân, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật an ủi hỏi:
-Các thầy an cư hòa hợp, khất thực không thiếu, trên đường đi không nhọc mệt chứ?
-Bạch Thế Tôn! Chúng con An cư hòa hợp, khất thực không thiếu, trên đường đi không nhọc mệt.
Đức Phật lại hỏi:
-Các thầy An cư bằng cách nào được hòa hợp?
Các Tỳ-kheo liền trả lời đầy đủ như trên.
Đức Phật bằng mọi cách quở trách:
-Các thầy ngu si, như oan gia ở với nhau, làm sao mà được hòa hợp an lạc. Ta đã dùng vô số phương tiện dạy các thầy sống chung, cần phải nhắc nhở nhau, xây dựng, giác ngộ cho nhau, để làm tròn đạo nghiệp. Tại sao nay các thầy lại thực hành pháp cấm?! Từ nay nếu lại lập cái pháp không cùng nói năng với nhau thì phạm tội Đột-kiết-la.
Bấy giờ, Lục quần Tỳ-kheo thường thường phạm tội. Các Tỳkheo dùng lời Phật dạy, cùng nhau khuyên răn nói: Các thầy thường thường phạm tội, nên tự thấy lỗi mà tu cải hối, chớ để ô nhiễm phạm hạnh, tự để lại cái khổ lớn cho mình, phụ lòng tin của tín thí, rốt cuộc không được gì! Lục quần Tỳ-kheo không tự cải hối, trở lại vu khống nói với các Tỳ-kheo Trưởng lão phạm các tội. Các Trưởng lão nghe rồi, xấu hổ, đến chỗ Phật, bạch Phật. Nhân việc này Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, hỏi Lục quần Tỳ-kheo:
-Thật sự các ông có như vậy không?
-Bạch Thế Tôn! Có.
Đức Phật bằng mọi cách quở trách rồi, bảo các Tỳ-kheo:
Nếu có Tỳ-kheo phạm tội, trước nên hỏi: tôi muốn khuyên thầy, thầy có cho phép tôi hay không? Vị ấy nói cho phép, thì khuyên, không cho phép thì thôi. Nếu không cho phép thì phạm Đột-kiết-la.
Lục quần Tỳ-kheo, thời gian sau phạm tội, bèn hỏi ngược lại Tỳ-kheo Trưởng lão: Tôi muốn khuyên thầy, thầy có cho phép tôi hay không? Vị kia khởi ý niệm: Phật chế không được cho phép, bèn nói: Tùy ý thầy cứ nói! Lục quần Tỳ-kheo lại nói: Nếu tùy ý tôi nói thì nghe tôi nói: Tội gì, nói khi nào, nói chỗ nào? Vị kia nghe nói những lời này bèn đi theo sau, không dám rời xa. Quý vị bạch Phật, Phật lại hỏi Lục quần Tỳ-kheo:
-Sự thật các ông có như vậy không?
-Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.
Đức Phật bằng mọi cách quở trách, rồi bảo các Tỳ-kheo:
-Nếu thành tựu năm pháp, không nên hỏi, xin phép nói tội. Không xấu hổ, ngu si, ít nghe, tự mình không biết pháp, cẩu thả, trình bày việc ác của người. Nếu có xấu hổ, nghe nhiều, trí tuệ, tự mình biết pháp, thực sự muốn khiến cho người xa lìa tội ác, mới nên hỏi, cho phép nói tội. Lại có năm pháp không nên hỏi, cho phép nói tội: làm theo ái, sân, sợ, si, không biết đúng lúc hay không đúng lúc. Ngược lại trên thì nên hỏi, cho phép nói tội: Nếu thành tựu năm pháp ác mà hỏi, không nên kính cẩn cho phép nói tội, nếu thành tựu năm pháp thiện mà hỏi nên kính cẩn cho phép nói tội.
Khi ấy, các Tỳ-kheo nghị bàn như sau: Như Đức Thế Tôn dạy: Nên cho phép hỏi, không nên cho phép hỏi, nên kính cẩn cho phép, không nên kính cẩn cho phép, chỉ có La hán vậy sau mới nên hỏi, chúng ta làm sao được phép điều này. Quý vị bạch Phật. Nhân việc này Phật tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, hỏi các Tỳ-kheo:
-Thật sự các thầy có nghị bàn như vậy không?
-Bạch Thế Tôn! Có.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Từ nay do mười điều lợi, vì các Tỳ-kheo làm pháp Tự tứ. Nên yêu cầu Tăng Tự tứ nói tội: Xin các Đại đức, nếu thấy tội của tôi, hoặc nghe tội của tôi, hoặc nghị tội của tôi, rủ lòng thương tùy ý nói, tôi sẽ thấy tội, sám hối. Nói như vậy Ba lần.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo khởi ý niệm: Đức Thế Tôn dạy chúng ta Tự tứ nên cùng nhau phụng hành, bèn ngày nào cũng Tự tứ, hoặc hai ngày, ba ngày cho đến năm ngày một lần Tự tứ. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, nên ngày cuối cùng của ba tháng hạ Tự tứ. Các Tỳ-kheo bèn đối trước Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni Tự tứ, hoặc đối trước bạch y, ngoại đạo, tâm cuồng, tâm loạn, tâm bệnh hoại, người bị cử, diệt tẫn, dị kiến để Tự tứ. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên Tự tứ như vậy, nên Tự tứ trong chúng Tỳ-kheo như pháp. Có các Tỳ-kheo ngồi trên giường Tự tứ. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy. Các Tỳ-kheo Tự tứ ở dưới đất nhớp y phục, bạch Phật. Phật dạy: Nên sửa soạn nơi đất cho sạch sẽ, trải cỏ lên trên, Tự tứ. Lục quần Tỳ-kheo nói: Đến phiên tôi, tôi sẽ xuống đất. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy. Trước hết một Tỳ-kheo xướng:
Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay đến giờ Tự tứ của chư Tăng, Tăng nên hòa hợp để Tự tứ. Đây là lời tác bạch. Sau đó, tất cả đều xuống đất quỳ gối Tự tứ. Các Tỳ-kheo Tự tứ chưa xong, Thượng tọa già bệnh, không thể quỳ lâu, bạch Phật. Phật dạy: Cho phép Tự tứ rồi trở lại chỗ ngồi. Các Tỳ-kheo Tự tứ xong bèn đi ra, bạch Phật. Phật dạy: Không nên ra trước, phải đợi xong rồi ra một lượt. Các Tỳ-kheo nhất thời hướng đến Thượng tọa Tự tứ, không biết ai đã Tự tứ ai chưa Tự tứ, bạch Phật. Phật dạy: Không nên nhất thời Tự tứ. Các Tỳ-kheo lại mỗi vị đến Thượng tọa Tự tứ. Có các bạch y muốn cúng dường nghe pháp, lâu không thể đợi, bèn chê trách nói: Chúng tôi bận nhiều việc, phải phế bỏ đến đây, mà các Tỳ-kheo không có thì giờ thọ thí, vì tôi nói pháp. Các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên mỗi vị, mỗi vị Tự tứ. Cho phép tám vị Thượng tọa Tự tứ riêng, ngoài ra đồng tuổi với đồng tuổi một thời Tự tứ. Các Tỳ-kheo không biết Tự tứ rồi đến chỗ nào, bạch Phật. Phật dạy: Nên bạch nhị Yết-ma sai người Tự tứ, hoặc hai hay nhiều vị. Một Tỳ-kheo xướng:
Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo… và Tỳ-kheo… này có thể vì Tăng làm người Tự tứ. Nay Tăng sai Tỳ-kheo… Tỳ-kheo… làm người Tự tứ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Đây là lời tác bạch.
Đại đức Tăng xin lắng nghe, Tỳ-kheo… Tỳ-kheo… có thể vì Tăng làm người Tự tứ. Nay Tăng sai Tỳ-kheo… Tỳ-kheo… làm người Tự tứ. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
Tăng đã sai Tỳ-kheo… Tỳ-kheo… làm người Tự tứ rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy.
Các Tỳ-kheo sai Tỳ-kheo vô trí làm người Tự tứ, bạch Phật. Phật dạy: Người bị chi phối do năm pháp sau không nên sai: làm theo ý muốn, thương, giận, si, sợ, không biết thời, phi thời, ngược lại với trên thì nên sai. Tỳ-kheo sai nên đứng dậy nói với các Tỳ-kheo: Những vị đồng tuổi ngồi lại một chỗ. Người Tự tứ không biết mình nên Tự tứ vào lúc nào, bạch Phật. Phật dạy: Theo thứ tự, đến mình thì nên Tự tứ. Các Tỳ-kheo Tự tứ theo thể thức như vậy vẫn còn lâu, các bạch y chê trách nói như trên. Quý vị bạch Phật. Phật dạy: Người được sai nên xướng: Mỗi vị hướng vào nhau Tự tứ. Các Tỳ-kheo Tự tứ rồi lại bố tát, bạch Phật. Phật dạy: Yết-ma Tự tứ cũng gọi là bố tát.
Lúc này, Đức Thế Tôn vào ngày Tự tứ, cùng các Tỳ-kheo, kẻ trước người sau xoay quanh, ngồi nơi đất trống. Phật bảo các Tỳ-kheo: Nay đã đến giờ Tăng hòa hợp Tự tứ, nên cùng nhau Tự tứ. Có một Tỳkheo đứng dậy bạch Phật: Có Tỳ-kheo bệnh không đến được. Đức Phật dạy: Nên sai một Tỳ-kheo dìu tới… cho đến câu: Ra ngoài giới Tự tứ, như trong mục thuyết giới đã nói. Lục quần Tỳ-kheo có tội mà Tự tứ, bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, vi phạm, mắc tội Đột-kiết-la. Họ vẫn cố có tội mà Tự tứ, bạch Phật. Phật dạy: Nên ngưng Tự tứ. Các Tỳ-kheo khi chưa Yết-ma bèn ngưng, chỗ Tự tứ khác lại có Tự tứ rồi, mới ngưng, bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy, Yết-ma rồi khi chưa Tự tứ nên ngưng.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Có bốn pháp không như pháp ngưng Tự tứ, bốn pháp như pháp ngưng Tự tứ. Những gì là bốn pháp không như pháp ngưng Tự tứ? Nghĩa là ngưng vì vô căn phá giới, vô căn phá kiến, vô căn phá oai nghi, vô căn phá chánh mạng. Nếu ngược lại với trên là bốn pháp như pháp ngưng Tự tứ.
Lại có bảy pháp không như pháp ngưng Tự tứ, bảy pháp như pháp ngưng Tự tứ. Những gì là bảy pháp không như pháp ngưng Tự tứ? Nghĩa là ngưng vì vô căn Ba-la-di, vô căn Tăng-già-bà-thi-sa, vô căn Thâulan-giá, vô căn Ba-dật-đề, vô căn Ba-la-đề-đề-xá-ni, vô căn Đột-kiếtla, vô căn thuyết ác. Ngược lại với trên là bảy pháp như pháp ngưng Tự tứ.
Lại có tám pháp không như pháp ngưng Tự tứ, tám pháp như pháp ngưng Tự tứ. Những gì là tám pháp không như pháp ngưng Tự tứ? Nghĩa là ngưng vô căn phá giới vô tác, vô căn phá kiến vô tác, vô căn phá oai nghi vô tác, vô căn phá chánh mạng vô tác. Ngược lại với trên là tám pháp như pháp ngưng Tự tứ.
Lại có chín pháp không như pháp ngưng Tự tứ, chín pháp như pháp ngưng Tự tứ. Thế nào là chín pháp không như pháp ngưng Tự tứ? Nghĩa là vô căn phá giới tác bất tác, vô căn phá kiến, vô căn phá oai nghi cũng như vậy. Ngược lại với trên là chín pháp như pháp ngưng Tự tứ.
Lại có mười pháp như pháp ngưng Tự tứ, mười pháp không như pháp ngưng Tự tứ. Những gì là mười pháp như pháp ngưng Tự tứ? Có một Tỳ-kheo dùng tướng này, dùng sự này thọ Yết-ma như pháp trị tội. Tỳ-kheo nào thấy vị kia dùng tướng này, dùng việc này, thọ Yết-ma như pháp trị tội, Tỳ-kheo như vậy sau đó đối trước Tăng khác nói vị kia đã thọ Yết-ma như pháp trị tội, ngưng Tự tứ vị ấy. Như vậy gọi là như pháp ngưng Tự tứ. Nếu khi ngưng vị kia Tự tứ, có nạn sự xảy ra Tăng đều phân tán đi, sau thấy vậy, lại như trước kia ngưng Tự tứ. Như thế là như pháp ngưng Tự tứ. Nếu xả giới, hoặc phạm Ba-la-di, hoặc phạm Tăng-già-bà-thi-sa, hoặc phạm Thâu-lan-giá, hoặc phạm Ba-dật-đề, hoặc phạm Ba-la-đề-đề-xá-ni, hay phạm Đột-kiết-la, hay phạm thuyết ác. Tỳ-kheo nào dùng tướng này, dùng việc này, đối giữa Tăng nói vị kia phạm, ngưng Tự tứ vị kia. Như vậy gọi là như pháp ngưng Tự tứ.
Ngược lại với trên thì gọi là không như pháp ngưng Tự tứ.
Khi ấy, Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật:
-Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo dùng bao nhiêu pháp ngưng Tự tứ người khác?
Đức Phật dạy:
-Dùng năm pháp ngưng Tự tứ người khác: Dùng thật không dùng hư. Dùng thời không dùng phi thời. Dùng có lợi ích không dùng không lợi ích. Dùng tâm từ không dùng ý ác. Dùng lời nhu hòa không dùng lời thô bạo.
Lại hỏi Đức Thế Tôn:
-Muốn ngưng Tự tứ của người khác, nên dùng bao nhiêu pháp để tự trù lượng?
Đức Phật dạy:
Nên dùng năm pháp để tự trù lượng: Nên trù lượng: Mình ngưng Tự tứ kia là thật hay là hư. Nếu hư thì không nên ngưng, nếu thật thì nên xét định lại là đúng thời hay phi thời, nếu phi thời thì không nên ngưng, nếu đúng thời thì nên xét định lại là có lợi ích hay không lợi ích, nếu không lợi ích thì không nên ngưng, nếu có lợi ích thì nên xét định lại là nhân việc này khởi lên tranh cãi phá hòa hợp Tăng hay không phá, nếu phá thì không nên ngưng, nếu không phá thì nên xét định lại. Lại nên trù lượng: Ta ngưng Tự tứ kia thì Tỳ-kheo như pháp trì pháp, trì luật, hiểu rõ luật nghi, thông minh biện tài, học giới có trợ giúp ta hay không. Nếu các vị kia chắc chắn trợ giúp cũng nên xét lại. Xét rồi dùng đúng lúc ngưng Tự tứ.
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi Đức Thế Tôn:
Muốn ngưng Tự tứ người khác nên chính mình tự quán bao nhiêu pháp?
Đức Phật dạy:
Nên tự quán năm pháp: Tự quán thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, tụng nhiều Tu-đa-la, khéo giải A-tỳ-đàm hay không? Nếu thân, khẩu, ý hành không thanh tịnh, các Tỳ-kheo sẽ nói: Thân khẩu ý của thầy hành không thanh tịnh làm sao ngưng người khác? Nếu không tụng nhiều Tu-đa-la, các Tỳ-kheo sẽ nói: Thầy nghe từ ai? Trong kinh nào nói như vậy? Chưa có thể làm thầy cho mình làm sao làm thầy cho người khác? Nếu không khéo giải A-tỳ-đàm, các Tỳkheo sẽ nói: Lời thầy nói có nghĩa gì? Tự thầy không biết nghĩa làm sao ngưng người khác?!
Tôn giả Ưu-ba-ly lại hỏi Phật:
-Có bao nhiêu pháp ngưng người khác Tự tứ, sau không hối hận?
Đức Phật dạy:
-Có năm pháp ngưng người khác Tự tứ, sau không hối hận: vì từ bi, vì lợi ích, muốn cứu vớt, khiến ra khỏi giới ác, trụ trong giới hoàn toàn.
Đức Phật lại bảo Tôn giả Ưu-ba-ly:
-Có năm pháp ngưng người khác Tự tứ, sau sinh hối hận.
Các Tỳ-kheo nói:
-Thầy nói tội của người khác không thật, thầy nên thôi. Thầy nói không đúng lúc, thầy nên thôi. Thầy nói không có lợi ích, thầy nên thôi. Thầy dùng ý ác nói tội của người khác, chẳng phải là tâm từ, thầy nên thôi. Lời thầy nói thô bạo chẳng phải nhu hòa, thầy nên thôi. Nếu ngược lại với trên, sau không sinh tâm hối hận.
Tỳ-kheo hai bên ngưng Tự tứ, có năm việc không nên lo. Các Tỳkheo nói: Vị kia không như thật ngưng thầy Tự tứ, thầy không nên lo. Vị kia ngưng thầy Tự tứ không đúng lúc, thầy không nên lo. Vị kia ngưng thầy Tự tứ không lợi ích, thầy không nên lo. Vị kia với ý ác ngưng thầy Tự tứ, thầy không nên lo. Vị kia không dùng lời nhu hòa ngưng thầy Tự tứ, thầy không nên lo.
Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật:
-Tỳ-kheo vào trong Tăng nên dùng bao nhiêu pháp?
Đức Phật dạy:
Nên dùng năm pháp:
- Khiêm tốn.
- Tâm từ.
- Cung kính.
- Biết ngồi theo thứ tự.
- Không luận nói việc khác.
Lại có năm pháp:
- Không nên lật ngược y.
- Không nên lật ngược y lên hai vai.
- Không chống nạnh.
- Không nên trùm đầu.
- Nên cung kính Tăng.
Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật:
-Tỳ-kheo có bao nhiêu pháp được cùng Tăng hòa hợp Yết-ma.
Đức Phật dạy:
-Có năm pháp được cùng Tăng hòa hợp Yết-ma. Nên đồng kiến, nên tùy Tăng, nên tin có việc, nên tự mình đến, hay nói gởi dục. Này Tôn giả Ưu-ba-ly! Nếu có Tăng sự không nên không đến, nếu không đến thì khác với Tăng. Có năm thứ kiến đối với Tăng sự là không như pháp: Nên tâm niệm mà tác pháp miệng nói, nên tác pháp miệng nói mà tâm niệm, phi pháp trợ Tăng, trợ người phi pháp, phạm nói không phạm. Ngược lại với trên là như pháp.
Có một Tỳ-kheo, ngày Tự tứ, phạm tội Đột-kiết-la hướng đến Tỳ-kheo khác nói: Một bên nói là Đột-kiết-la, một bên nói là thuyết ác. Trong hai đều có người trì luật, thông minh trí tuệ, có tâm hổ thẹn, ưa học giới pháp, cùng nhau tranh luận không quyết định được, do đó ngưng Tự tứ. Các Tỳ-kheo không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nên sai một Tỳ-kheo dẫn đến chỗ mắt thấy tai không nghe, dạy tác pháp hối quá thuyết ác, rồi trở lại bạch Tăng: Tỳ-kheo kia đã tác pháp rồi, Tăng nên Tự tứ. Các Tỳ-kheo không được hỏi tác pháp gì. Người nào hỏi, phạm Đột-kiết-la.
Lại có một Tỳ-kheo, ngày Tự tứ, phạm Đột-kiết-la, hướng đến các Tỳ-kheo nói: Một bên là Ba-la-đề-đề-xá-ni, một bên là Đột-kiếtla… cho đến một bên nói là Ba-la-di, một bên nói là Đột-kiết-la. Trong hai bên đều có người trì luật, thông minh, trí tuệ, có tâm hổ thẹn, ưa học giới pháp, cùng nhau tranh cãi không quyết đoán được, do vậy ngưng Tự tứ. Các Tỳ-kheo không biết nên giải quyết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nên sai một Tỳ-kheo dẫn đến chỗ mắt thấy tai không nghe, dạy tác pháp hối quá Đột-kiết-la, rồi trở lại bạch Tăng: Tỳ-kheo kia đã tác pháp rồi, Tăng nên Tự tứ. Các Tỳ-kheo không được hỏi tác pháp gì.
Người nào hỏi, phạm Đột-kiết-la. Phạm Ba-la-đề-đề-xá-ni… cho đến Thâu-lan-giá, cũng như vậy. Nếu phạm Tăng-già-bà-thi-sa, hoặc phạm Ba-la-di, nên bạch yết-ma đình chỉ việc này: Đại đức Tăng xin lắng nghe, nay đình chỉ việc này, sau khi Tự tứ rồi sẽ như pháp quyết đoán. Đây là lời tác bạch. Tác bạch này rồi nên Tự tứ, không nên không Tự tứ.
Có một Tỳ-kheo, ngày Tự tứ, nói với các Tỳ-kheo: Có vật không người, nhân đó cùng luận về cái “Không”. Một bên nói có vật không người, một bên nói có người không vật, cùng nhau tranh luận phân vân. Các Tỳ-kheo không biết nên giải quyết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nên tác bạch đình việc này, rồi Tự tứ. Không nên không Tự tứ. Nếu tác bạch đình rồi, có người nào phát khởi việc luận bàn này lại, phạm Ba-dật-đề.
Có Tỳ-kheo bệnh ngưng Tỳ-kheo bệnh Tự tứ. Tỳ-kheo bệnh ngưng Tỳ-kheo không bệnh Tự tứ. Tỳ-kheo không bệnh ngưng Tỳ-kheo bệnh Tự tứ, không thuận tùng nhau. Các Tỳ-kheo không biết thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Không nên như vậy. Người vi phạm đều phạm Đột-kiếtla. Nếu Tỳ-kheo bệnh ngưng Tỳ-kheo bệnh Tự tứ, các Tỳ-kheo nên nói: Hiện nay thầy bệnh làm sao ngưng người khác? Nếu Tỳ-kheo bệnh ngưng Tỳ-kheo không bệnh Tự tứ, cũng nên nói như vậy. Nếu Tỳ-kheo không bệnh ngưng Tỳ-kheo bệnh Tự tứ, các Tỳ-kheo nên nói: Thầy nên thôi! Tỳ-kheo này bệnh, có thể đợi lành rồi sẽ ngưng.
Có các Tỳ-kheo sai sứ ngưng người khác Tự tứ, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên sai sứ ngưng người khác Tự tứ, vi phạm, phạm Đột-kiết-la.
Khi ấy, Bạt-nan-đà vẫn sai sứ ngưng người khác Tự tứ, các Tỳkheo bạch Phật. Phật dạy: Người thọ sai mắc Đột-kiết-la, Bạt-nan-đà phạm Ba-dật-đề.
Hoặc Tỳ-kheo ngu si ngưng Tỳ-kheo ngu si Tự tứ, hoặc Tỳ-kheo ngu si ngưng Tỳ-kheo trí tuệ Tự tứ, hoặc Tỳ-kheo trí tuệ ngưng Tỳ-kheo ngu si Tự tứ, không thuận tùng nhau, các Tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: Không nên làm như vậy, ai phạm, phạm Đột-kiết-la.
Tỳ-kheo nào ngưng Tỳ-kheo khác Tự tứ, chúng Tăng biết rõ người kia thân, khẩu, ý nghiệp không thanh tịnh, ít nghe, ngu si thì không nên nghe theo vị ấy, nên cứ Tự tứ. Nếu Tăng biết người kia thân, khẩu, ý nghiệp có thanh tịnh, không thanh tịnh và ít nghe, ngu si, cũng như vậy. Nếu Tăng biết người kia thân, khẩu, ý thanh tịnh, đa văn, trí tuệ thì nghe lời vị ấy, nhưng phải hỏi: Thầy thấy vị kia có tội như thế nào, phá giới, phá kiến, phá oai nghi, phá chánh mạng? Nếu nói phá giới, thì hỏi: Thầy biết tướng phá giới chăng? Nếu nói: Không biết. Các Tỳ-kheo nên chê trách, khiến cho xấu hổ nói: Thầy không biết tướng phá giới mà ở giữa Tăng nói vị kia phá giới. Nếu Tăng không làm việc quở trách này thì đều phạm Đột-kiết-la. Nếu nói: Biết. Các Tỳ-kheo hỏi: Phá những giới gì? Nếu nói: phạm Ba-la-di, Tăng-già-bà-thi-sa. Nếu nói phá kiến, nên hỏi: Thầy biết tướng phá kiến hay chăng? Nếu nói không biết, các Tỳkheo nên quở trách như trên, nếu không quở trách thì phạm Đột-kiết-la. Nếu nói biết thì phải hỏi: Những gì là phá kiến? Đáp: Không đời này, không đời sau, không có quả báo do tội phước, không cha, không mẹ, không A-la-hán. Nếu nói phá oai nghi, nên hỏi: Thầy biết tướng phá oai nghi hay không? Nếu nói không biết, các Tỳ-kheo nên quở trách như trên, nếu không quở trách đều phạm Đột-kiết-la. Nếu nói biết, nên hỏi: Phá những oai nghi nào? Đáp: Phạm Ba-dật-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni, Đột-kiết-la, thuyết ác. Nếu nói phá chánh mạng, các Tỳ-kheo phải hỏi: Thầy biết tướng phá chánh mạng hay không? Nếu nói không biết, các Tỳ-kheo nên quở trách như trên, nếu không quở trách đều phạm Độtkiết-la. Nếu nói biết, nên hỏi: Phá những chánh mạng nào? Nếu nói: Tâm dối trá, do cầu lợi dưỡng. Tăng lại nên hỏi lại: Thầy do thấy, do nghe, do nghi? Nếu nói do thấy, nên hỏi: Thấy thế nào? Thấy khi nào? Thấy chỗ nào? Thấy ở chỗ nào? Người kia ở chỗ nào? Nếu hỏi như vậy mà không trả lời được thì nên như pháp trị rồi Tự tứ, không nên không Tự tứ. Nghe, nghi cũng như vậy.
Có một trú xứ chúng Tăng An cư nơi đó, ba tháng đều được chứng đạo, khởi ý niệm: Nếu đủ ba tháng mà Tự tứ sẽ di chuyển đi, mất sự vui này. Các Tỳ-kheo không biết nên như thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Nay cho phép các Tỳ-kheo, ba tháng, ngày Tự tứ, đều tập hợp lại một chỗ, sai một Tỳ-kheo xướng: Đại đức Tăng xin lắng nghe, chúng ta An cư nơi đây được một lòng thích hợp an vui, nếu Tự tứ phải đi, thì mất sự vui này, nay cùng nhau đình chỉ việc ấy đến tháng tám, đủ bốn tháng sẽ Tự tứ. Đây là lời tác bạch. Đã bạch như vậy rồi, nếu có Tỳ-kheo muốn đi xa, cho phép Tự tứ để đi. Nếu có người muốn ngưng sự Tự tứ kia, Tăng nên như pháp kiểm xét khiến được Tự tứ để đi. Nếu Tỳ-kheo đi, muốn ngưng sự Tự tứ của Tỳ-kheo sau, các Tỳ-kheo nên nói: Chúng tôi chưa Tự tứ, làm sao thầy ngưng được. Nếu vị kia đi rồi, đến khi ngày Tự tứ sau, trở lại ngưng các Tỳ-kheo Tự tứ, các Tỳ-kheo nên như pháp kiểm xét rồi nên Tự tứ.
Có các Tỳ-kheo An cư một chỗ, nghe các Tỳ-kheo ở trú xứ nào đó, ưa tranh chấp sẽ đến, nên luận bàn như vầy: Họ đến chắc họ ngăn sự Tự tứ của chúng ta. Các Tỳ-kheo không biết nên thế nào, bạch Phật. Phật dạy: Còn hai, ba ngày nữa Tự tứ, nên Tự tứ để đi. Nếu nghe ngày hôm nay họ đến, nên Tự tứ liền để đi. Nếu nghe họ đã vào trong giới, nên mau mau ra ngoài giới Tự tứ rồi trở về. Nếu không được, nên ra đón rước, lễ bái, hỏi chào, rướt y bát, sửa soạn dụng cụ tắm rửa, mời vào phòng tắm để tắm, đưa dầu, mật thoa thân cho họ, rồi ra ngoài giới Tự tứ. Nếu cũng không được, nên sửa soạn thức ăn, tùy theo trong hay ngoài giới, nếu dọn ăn trong giới, khi họ ăn nên ra ngoài giới Tự tứ, nếu dọn ăn ngoài giới, khi ăn nên ở trong giới Tự tứ. nếu cũng không được, nên cùng tập hợp Tự tứ, sai một Tỳ-kheo cựu trú bạch với các Tỳ-kheo cựu trú: Đại đức Tăng xin lắng nghe, nay cùng Bố-tát thuyết giới, sau đây ngày thứ mười lăm không trăng thuộc tháng thứ tư (30/) sẽ Tự tứ. Đây là lời tác bạch. Tỳ-kheo khách nếu nói: Tại sao vào ngày thứ mười lăm không trăng tháng thứ tư Tự tứ? Tỳ-kheo cựu trú nên đáp: Thầy không cùng An cư, không nên hỏi tôi. Nếu Tỳ-kheo khách, ngày thứ mười lăm không trăng lại đến, Tỳ-kheo cựu trú nên bạch như trước. Sau ngày mười lăm có trăng sẽ Tự tứ… cho đến câu… không nên hỏi tôi, cũng như trước. Tỳ-kheo khách ngày thứ mười lăm có trăng lại đến, lại nên làm thức ăn như trước. Nếu được thì tốt, bằng không, nên cưỡng bức cùng hòa hợp Tự tứ, không được không Tự tứ.