LUẬT DI SA TẮC BỘ HÒA HÊ NGŨ PHẦN
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam tạng Phật Đà Thập người nước Kế Tân, cùng Trúc Đạo Sinh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 1
Phần 1: GIỚI PHÁP CỦA TỲ KHEO
Đoạn 1: NÓI VỀ BỐN PHÁP BA LA DI
Từ nước Tu-lại-bà, Đức Phật cùng Đại chúng Tỳ-kheo năm trăm vị đến ấp Tỳ-lan-nhã và trú ngu trong rừng cây. Ấp này có Bà-la-môn tên Tỳ-lan-nhã. Vua Ba-tư-nặc phong cho ông ta ấp này nên mang tên như thế. Ông ta nghe Đức Phật là giòng họ Thích xuất gia học đạo, thành bậc Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, thấu suốt hết mọi tâm niệm của thế gian, khéo giảng nói chánh pháp đầu, giữa, cuối đều mang đầy đủ ý nghĩa thiện, mùi vị thiện và hình tướng phạm hạnh thanh bạch, cùng các đệ tử du hóa đến ấp này. Tỳ-lan-nhã rất đỗi vui mừng thốt nên lời: “Lành thay! Ta nguyện xin bái kiến Phật”. Lập tức, ông ta cùng năm trăm quyến thuộc tiền hô hậu ủng đến nơi Phật đang cư ngụ. Từ xa trông thấy Đức Thế Tôn nơi rừng cây với ánh sáng đặc thù, các căn đều tịch định, ông ta rất hớn hở, xuống xe đi bộ về phía Đức Thế Tôn, cung kính hỏi chào rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì ông ta thuyết giảng pháp diệu khiến ông ta vui mừng vì lợi ích được chỉ bày. Từ tấm lòng hoan hỷ sau khi nghe pháp, ông ta liền bạch Phật:
– Nguyện xin Phật và Tăng chúng nhận lời thỉnh của con đến an cư ba tháng để con được cúng dường.
Đức Phật dạy:
– Đại chúng của Ta thì đông mà lòng tin của ông có khác, cách nhìn của ông có khác, niềm vui nơi tín ngưỡng của ông có khác, liệu được chăng?
Ông ta bạch Phật:
– Tuy lòng tin của con có khác, cách nhìn và niềm vui có khác song đối với số chúng đông đảo của Thế Tôn thì không can gì!
Được ông thỉnh mời như vậy đến ba lần, Đức Phật mới nhận lời. Từ nơi chỗ ngồi đứng dậy, ông nhiễu quanh bên phải rồi cúi chào Phật ra về. Sau khi trở về nhà, ông cho chuẩn bị đầy đủ phẩm vật cúng dường an cư.
Lúc ấy, ma Ba-tuần nảy sinh ý niệm: “Nay người Bà-la-môn này thỉnh cầu Phật và Tăng chúng về an cư ba tháng, ta phải gây độc hại làm mê loạn ý nghĩ của hắn”. Ma liền thực hiện ý đồ. Bị ma làm mê hoặc, người Bà-la-môn này bèn lui vào trong nhà thọ hưởng dục lạc, ra lệnh cho người giữ cửa: “Ta nay muốn được nghỉ ngơi ba tháng trong khuôn viên nhà này, mọi sự việc bên ngoài dù xấu tốt gì cũng đều khỏi phải bẩm báo”. Ông ta hoàn toàn không nhớ đến việc thỉnh Phật và Tăng chúng.
Đã một thuở, quốc độ này tin theo tà đạo nên khắp cả ấp chưa có một Tinh xá, giảng đường. Phía Bắc thành có núi, có rừng, có nhiều dòng nước chảy trong lành, Đức Phật cùng đại chúng lấy nơi đây làm chỗ an cư. Vào thời điểm ấy gặp lúc mất mùa, khó tìm được nơi khất thực, chư Tăng chia nhau vào các xóm để khất thực cũng không nhận được thức ăn gì. Cũng vào thời điểm ấy, ở nước Ba-lợi có người lái buôn ngựa, đưa năm trăm con ngựa đi tránh nắng đầu mùa Hạ, thấy nơi ấp này có dòng nước mát và cỏ tươi nên thu gom ngựa dừng lại nơi đây để cho chúng nghỉ ngơi ăn uống.
Đến giờ khất thực, các Tỳ-kheo đến chỗ người chủ ngựa đứng im lặng (trong sự trầm mặc). Người chủ ngựa với tấm lòng thanh tịnh tin Phật, động lòng nghĩ đến các Tỳ-kheo khất thực không được, bèn từ tốn nói:
– Tôi có loại lúa cho ngựa ăn, nếu quý thầy có thể dùng được thì tôi bớt nửa phần, một thăng xin biếu quý vị, chắc có thể đủ nuôi sống mà hành đạo.
Các Tỳ-kheo nói:
– Đức Phật chưa cho phép chúng tôi ăn phần lúa của ngựa.
Các Tỳ-kheo đem sự việc này bạch Phật. Và nhân đó, Đức Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng rồi bằng nhiều cách, Ngài đề cao, khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc và nói trước các Tỳ-kheo:
– Từ nay về sau cho phép ăn phần lúa của ngựa.
Khi đó, Tôn giả A-nan nhận phần lúa của Phật rồi nhờ người làm bún cúng dường Đức Thế Tôn. Các chúng Tỳ-kheo trẻ thì tự giã nấu lấy để ăn.
Trong thời gian ấy, Tôn giả Mục-kiền-liên từ chỗ vắng lặng sinh ý niệm: “Hiện nay trong quốc độ này việc khất thực khó được, ta nên cùng với các vị có thần thông đến xứ Uất-đơn-việt lấy thức ăn bằng lúa gạo tự nhiên”. Với ý niệm này, Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đến nơi Đức Phật đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên, kính cẩn thưa:
– Bạch Thế Tôn! Trong con đã phát sinh ý nghĩ: “Hiện nay, nơi quốc độ này khất thực khó được, con sẽ cùng với các vị có thần thông đến xứ Uất-đơn-việt để lấy thức ăn bằng lúa gạo tự nhiên.
Đức Phật hỏi lại Tôn giả Mục-liên:
– Riêng các thầy thì được rồi, còn đối với các Tỳ-kheo phàm phu thì giải quyết sao đây?
Tôn giả Mục-liên bạch Phật:
– Con sẽ vận dụng thần lực để tiếp giúp cho họ.
Đức Phật bảo:
– Đừng, đừng làm như vậy! Thầy tuy có được thần lực nhưng đối với nhân quả của nghiệp đời trước thì bỏ vào đâu? Lại nữa, đối với phàm phu đời đương lai thì sao?
Tôn giả Mục-liên ghi nhận lời dạy này của Phật, trong tư thế đứng im lặng sâu lắng.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất từ nơi chỗ vắng lặng, suy nghĩ: “Các Đức Phật trong đời quá khứ, phạm hạnh của Đức Phật nào không được lâu dài? Phạm hạnh của Đức Phật nào được trụ lâu?
Sau khi suy nghĩ, Tôn giả Xá-lợi-phất bèn từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, sụp lạy dưới chân Ngài rồi đứng lui qua một bên, kính cẩn bạch Phật:
– Trong con đã gợi lên ý nghĩ: Các Đức Phật đời quá khứ, Đức Phật nào thì phạm hạnh không dài lâu? Đức Phật nào thì phạm hạnh trụ lâu?
Bấy giờ, Đức Phật hết lời khen ngợi Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Lành thay! Lành thay! Ý nghĩa của thầy rất sâu xa, câu hỏi của thầy cũng thật hay. Này Xá-lợi-phất! Đức Phật Duy Vệ, Đức Phật Thi Khí, Đức Phật Tùy Diếp thì phạm hạnh không lâu dài. Đức Phật Câu Lâu Tôn, Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Đức Phật Ca-diếp thì phạm hạnh lâu dài.
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
– Kính bạch Đức Thế Tôn! Do vì nguyên nhân nào mà phạm hạnh của ba Đức Phật ấy không được dài lâu, phạm hạnh của ba Đức Phật kia lại được bền vững?
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Ba Đức Phật ấy không vì đệ tử giảng nói rộng chánh pháp, không kiết giới cũng không nói Ba-la-đề-mộc-xoa nên sau khi Phật và đệ tử vào Niết-bàn, các đệ tử bao gồm nhiều chủng tộc xuất gia, nên phạm hạnh nhanh chóng chấm dứt. Ví như trên chiếc bàn trải nhiều loại hoa, đem đặt ở ngả tư đường, gió từ bốn phương thổi đến, hoa tùy theo gió mà bay tứ tản. Tại sao vậy? Vì không có dây buộc giữ nó lại. Cũng vậy, này Xá-lợi-phất! Ba Đức Phật ấy không vì đệ tử rộng giảng nói chánh pháp, không kiết giới, không nói Ba-la-đề-mộc-xoa, vì vậy phạm hạnh không được lâu dài. Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Đức Phật Tùy Diếp cùng một ngàn đệ tử du hành đến rừng Khủng Bố, sở dĩ có tên gọi ấy là vì người chưa lìa dục mà vào rừng này thì lông trong người đều dựng ngược lên. Ngài đã vì đệ tử không dùng lời nói mà dùng tâm niệm thuyết pháp: Các Tỳ-kheo nên nghĩ như thế này, không nên nghĩa như thế kia, nên suy tư như thế này, không nên suy tư như thế kia, nên đoạn điều này, nên tu điều này, nên y theo đây mà làm. Các Tỳ-kheo dùng tâm biết rõ như vậy rồi, các lậu liền dứt sạch, ý sáng tỏ đắc đạo quả A-la-hán.
Này Xá-lợi-phất! Đức Phật Câu Lâu Tôn, Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Đức Phật Ca-diếp vì đệ tử rộng giảng nói chánh pháp không biết mỏi mệt, như nói Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Già Đà, Ưu Đà Na, Ni Đà Na, Dục Đa Già Bà, Bổn Sinh, Tỳ Phú La, Vị Tằng Hữu, A Bà Đà Na, Ưu Ba Đề Xá, Kiết giới, nói Ba-la-đề-mộc-xoa. Sau khi Đức Phật và đệ tử vào Niết-bàn, các đệ tử tuy nhiều giòng họ xuất gia nhưng phạm hạnh không sớm bị tiêu diệt. Ví như các loại hoa đã dùng sợi chỉ xâu kết lại để trên bàn, đem đặt ở ngả tư đường, dù có gió bốn phương thổi đến cũng không bay tứ tản được. Vì sao thế? Chính sợi chỉ xâu đã buộc giữ nó lại. Cũng như vậy, này Xá-lợi-phất! Ba Đức Phật này vì đệ tử rộng giảng nói các pháp như đã đề cập ở trên, chính vì thế mà phạm hạnh được bền vững.
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
– Kính bạch Thế Tôn! Nếu vì lẽ không rộng giảng nói pháp, không kiết giới, không nói Ba-la-đề-mộc-xoa mà phạm hạnh không được trụ lâu thì cúi xin Đức Thế Tôn vì các đệ tử rộng giảng nói pháp, kiết giới, nói Ba-la-đề-mộc-xoa, phải chăng chính nay đã đúng lúc?
Đức Phật dạy:
– Thôi đi! Ta tự biết khi nào thì đúng lúc. Này Xá-lợi-phất! Trong chúng thanh tịnh của Ta chưa có và cũng chưa hề xảy ra sự việc gì, kẻ thấp nhất cũng đắc quả Tu-đà-hoàn, đủ chứng minh sự trong sạch trong chúng của Ta rồi. Các Đức Phật Như Lai chưa bao giờ kiết giới cho hàng đệ tử khi các pháp hữu lậu chưa phát sinh. Trong chúng của Ta đây chưa có ai cậy cho mình là đa văn nên không sinh các lậu hoặc, chưa hề có ai mang tiếng vì lợi dưỡng, chưa hề có người có nhiều ham muốn, chưa hề có người hiện thần túc cho trời, người quen biết nên không phát sinh các lậu hoặc.
Bấy giờ đã hết ba tháng an cư, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
– Ông và Ta cùng đến chỗ Tỳ-lan-nhã.
Tôn giả A-nan vâng lời, y phục tề chỉnh theo hầu Phật. Khi đến cửa ngõ, lúc Bà-la-môn đang thọ hưởng dục lạc, từ trên lầu cao trông thấy Đức Thế Tôn, ông ta liền sực nhớ, vội vàng xuống lầu lau chỗ ngồi, cung thỉnh Phật an tọa. Ông ta gieo năm chi thể sát đất, đảnh lễ Phật, hối hận tự trách:
– Con là người ngu si, đã thỉnh Phật an cư mà không cúng dường. Không phải con có lòng tiếc rẻ cũng không phải thiếu phương tiện, chỉ vì con đã quên mất không còn nhớ. Cúi mong Đức Thế Tôn nhận cho con sự sám hối này. Đức Phật dạy:
– Ông quả là ngu si, thỉnh Phật và Tăng mà không cúng dường, sám hối là điều hợp lý. Nay Ta và chúng Tăng nhận sự sám hối của Ông.
Đức Phật lại bảo Bà-la-môn.
– Trong Thánh pháp của người biết sám hối thì pháp thiện được tăng trưởng.
Người Bà-la-môn lại bạch Phật:
– Nguyện xin Phật và Tăng lưu lại đây một tháng để con được cúng dường.
Đức Phật không nhận, lại có lời dạy:
– Ông là người Bà-la-môn lòng tin có khác, nhận thức có khác nhưng ông đã có thể thỉnh được Phật rồi, đó là việc lớn.
Bà-la-môn ba lần thỉnh mời như vậy, Đức Phật đều không nhận lời, Ngài nói:
– Ta đã an cư nơi đây ba tháng, nay cần du hóa, không thể ở lại được.
Người Bà-la-môn lại tha thiết bạch Phật:
– Cúi xin Đức Thế Tôn nhận bữa cơm cúng dường tiễn đưa của con vào ngày mai.
Đức Phật im lặng nhận lời.
Ngay trong đêm đó, Bà-la-môn cho chuẩn bị đầy đủ các thức ăn thượng vị.
Sáng ngày sau, đến gần thời thọ thực, ông ta trải phu cụ lên tòa ngồi rồi đúng thời thỉnh Phật quang lâm. Đức Thế Tôn cùng chúng đệ tử đến đông đủ rồi an tọa nơi các chỗ ngồi. Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã sau khi thiết lễ tác bạch cúng dường, đích thân hầu hạ dâng từng món ăn, lại tận tay đem nước đến. Sau khi ăn xong, ông ta dâng cúng lên Phật bốn trương vải Kiếp bối và một đôi dép, còn chúng Tăng hai trương vải Kiếp bối và một đôi dép. Đây gọi là phẩm vật cúng dường an cư. Các Tỳ-kheo nói:
– Đức Phật chưa cho chúng tôi nhận phẩm vật cúng dường an cư.
Nhân sự việc này, các Tỳ-kheo thỉnh thị ý kiến Phật. Đức Phật đã hết lời đề cao khen ngợi hạnh tri túc, thiểu dục, đề cao giới khen ngợi người trì giới rồi bảo các Tỳ-kheo:
– Nhân sự cúng dường của Tỳ-lan-nhã, từ đây về sau cho phép nhận phẩm vật an cư.
Phẩm vật cúng dường của Tỳ-lan-nhã, đã được phép, các Tỳ-kheo thọ nhận.
Về phía người Bà-la-môn, tâm ông vô cùng hoan hỷ. Ngồi trên chiếc ghế nhỏ đối diện với Đức Phật, ông ta lắng nghe Đức Phật nói kệ tùy hỷ:
Tất cả sự thờ cúng
Thờ lửa là hơn hết
Các học thuyết khác biệt
Tát Bà Đế cao nhất.
Trong tất cả hạng người
Vua Chuyển Luân hơn hết
Nước trong mọi dòng chảy
Nước biển cả nhiều nhất.
Mọi nguồn sáng chiếu rọi
Nguồn trời, trăng sáng nhất
Phước cả thế gian này
Ruộng phước Phật là nhất.
Ngay sau khi nói kệ này, Đức Thế Tôn thuyết pháp. Người Bà-lamôn vui mừng vì điều lợi ích được Đức Phật chỉ rõ ràng.
Rời ấp Tỳ-lan-nhã, Đức Phật cùng chúng Đại Tỳ-kheo đi về nước Tăng-già-thi, du hóa khắp cả nước này, sau cùng đến Tỳ-xá-ly trú tại giảng đường Trùng các bên bờ sông Di-hầu. Tại đây bốn chúng Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cùng quốc vương, Đại thần, Samôn, Bà-la-môn cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán Ngài.
Bấy giờ, các trưởng giả người ấp Ca-lan-đà nhân có sự việc vào thành, nghe Đức Phật – Thế Tôn ở tại giảng đường Trùng các, nên cùng rủ nhau đến chỗ Phật. Họ trông thấy Đức Phật Thế Tôn đang giảng nói pháp trước một rừng người, đủ mọi tầng lớp vây quanh. Trong rừng người ấy có con trưởng giả Ca-lan-đà tên là Tu-đề-na, Tu-đề-na nghe pháp rất hoan hỷ, liền gợi lên ý nghĩ: Như lời Phật dạy đã lý giải cho ta thấy: “Phàm người tại gia thì bị ân ái ràng buộc không thể trọn đời tu phạm hạnh được. Xuất gia không bị đắm vướng, ví như hư không. Nay ta đâu có thể đặt lòng tin vào gia đình mà phải xuất gia tu đạo”.
Chúng hội ra về, Tu-đề-na đến trước Đức Phật, đảnh lễ sát chân và thưa:
– Kính bạch Đức Thế Tôn! Con đã hết lòng nghe Ngài thuyết pháp, trong con gợi lên ý niệm: “Như lời Phật dạy đã lý giải cho thấy: Phàm người tại gia thì bị ân ái ràng buộc, không thể trọn đời tu phạm hạnh. Xuất gia không bị đắm vướng ví như hư không. Nay con đâu có thể đặt lòng tin vào gia đình mà phải xuất gia tu đạo”. Kính bạch Đức Thế Tôn! Con đã có ý niệm như vậy, nay muốn xuất gia, cúi xin Ngài nhận cho con được xuất gia thọ giới.
Đức Phật dạy:
– Tốt lắm, nhưng cha mẹ của con đã cho phép hay chưa?
– Dạ thưa chưa được phép, Tu-đề-na kính cẩn đáp lời.
Đức Phật dạy:
– Theo pháp của Phật, cha mẹ không cho phép thì không được nhận vào đạo.
Tu-đề-na liền bạch Phật:
– Nay con xin trở về để xin phép cha mẹ.
Đức Phật dạy:
– Con nên thực hiện ngay.
Tu-đề-na nhanh nhẹn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh bên phải ba vòng rồi trở về nhà. Tu-đề-na thưa với cha mẹ:
– Con nghe Đức Phật dạy: Tại gia luôn bị ràng buộc chặt chẽ, nay con xin phép cha mẹ được xuất gia tu phạm hạnh.
Cha mẹ gạt ngay:
– Thôi đi Tu-đề-na! Con đừng nói điều đó. Trước đây cha mẹ không có con, tế cúng cầu khẩn thần kỳ mới có được mụn con. Con là đứa con duy nhất của cha mẹ, tình thương của cha mẹ đối với con quá ư sâu nặng, dù chết cũng không muốn xa nhau, huống chi là sống biệt ly. Nhà mình nhiều của cải, vàng bạc, châu báu, con cứ tu phước theo ý muốn, với đời tận hưởng thú vui, không phiền gì phải xuất gia để lòng thương của cha mẹ bị tan nát.
Ba lần khẩn thiết cầu xin, cha mẹ vẫn không hứa nhận, Tu-đề-na liền từ chỗ ngồi đứng dậy, một mình đến ở nơi chốn vắng vẻ lập lời thề: “Nếu không được xuất gia, dứt khoát không bao giờ ăn uống, đối với nguyện này thà chết, đâu cần phải sống uổng phí”. Tu-đề-na không ăn cho đến ngày thứ sáu. Thần thích nghe tin động lòng đến khuyên bảo.
– Cha mẹ anh chỉ có một mình anh là con, tình thương rất là sâu nặng, chết không còn muốn xa lìa, huống chi là sống mà biệt ly. Nhà anh quá giàu có, có thể gieo trồng phước đức, đạo do nơi tâm chứ đâu ở nơi hình thức áo quần, hà tất phải sống với khổ cực, làm ngược lại ý của cha mẹ.
Khuyến dụ như vậy đến Ba lần, Tu-đề-na vẫn im lặng điềm nhiên không trả lời.
Bấy giờ tới lượt các bạn bè cùng đến, dùng hết lời can gián tha thiết như trên, cũng bị thất bại như vậy, tất cả đều rút lui.
Họ đến chỗ cha mẹ Tu-đề-na, đều nói:
– Theo nhận xét của chúng tôi, không thể thuyết phục làm lay chuyển được Tu-đề-na. Tốt hơn ông bà nên cho phép Tu-đề-na xuất gia, theo thời gian sẽ thấy rõ, người không vui sống với đạo ắt sẽ quay về, ngày ấy không xa, chứ đã trên sáu ngày tuyệt thực rồi, mạng sống mong manh, trong vài ngày nữa ắt phải đem bỏ nơi hoang dã, mặc cho chim quạ, cọp beo tranh nhau xâu xé. Làm cha, làm mẹ sao nỡ nhẫn tâm trước thảm cảnh này.
Cha mẹ Tu-đề-na ngậm ngùi nuốt lệ nói:
– Đành phải chấp nhận cho con tôi xuất gia tu phạm hạnh, nhưng làm thế nào phải hứa có thời gian trở về nhà để thăm viếng.
Thần thuộc bạn bè nghe ý kiến ấy đều vui mừng nhẹ nhõm, liền đến báo cho Tu-đề-na hay:
– Cha mẹ anh đã cho phép anh xuất gia rồi, nhưng đừng quên làvề nhà thăm viếng.
Tu-đề-na rất đỗi vui mừng đến gặp cha mẹ và thưa:
– Nay con đến với Đức Phật xuất gia tu đạo.
Cha mẹ nước mắt chảy ròng buồn rầu nói:
– Cha mẹ đồng ý cho con xuất gia tu phạm hạnh nhưng phải hứa đừng quên về nhà thăm cha mẹ.
Tu-đề-na ghi nhận, bái từ cha mẹ, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.
Trở lại với Đức Phật, Tu-đề-na đảnh lễ sát chân Ngài rồi thưa:
– Kính bạch Thế Tôn! Cha mẹ con đã cho phép rồi, cúi xin Ngài cho con xuất gia thọ giới.
Đức Phật dạy:
– Lại đây, này Tỳ-kheo để tu các phạm hạnh! Ta thuyết pháp hoàn hảo để đoạn trừ tất cả khổ ách.
Sau khi nghe Phật thuyết giáo, tóc râu Tu-đề-na tự rụng, thân khoác áo cà sa, tay bưng bình bát trở thành Sa-môn, đắc giới Cụ túc.
Xuất gia chưa được bao lâu gặp lúc mất mùa, các Tỳ-kheo vào thành khất thực đều không nhận được thức ăn. Trong chỗ thanh vắng, Tu-đề-na khởi lên ý nghĩ: “Hiện nay mất mùa, khất thực khó lòng ai cho, nơi quê nhà ta thức ăn lại dư dật, ta nên đưa các Tỳ-kheo về lại bổn ấp để được cúng dường tu phước, cơ hội tốt để độ giòng họ ta”.
Với suy nghĩ ấy, Tu-đề-na từ chỗ ngồi đứng dậy rồi cùng các Tỳkheo trở về quê quán, trú trong rừng cây.
Hay tin này, cha mẹ Tu-đề-na hối thúc người con dâu:
– Con phải trang điểm hết sức lộng lẫy với y phục mà con ta khi còn ở nhà đắc ý nhất.
Trang điểm xong cha mẹ đưa con dâu mình đến khu rừng, nơi trú ngụ của các Tỳ-kheo. Trông thấy cha mẹ đến, Tu-đề-na đứng lên tiếp đón chào hỏi. Cha mẹ Tu-đề-na nói với lời lẽ khó chịu:
– Tại sao con phải tự hủy thân mình nơi rừng sâu thế này? Con hãy bỏ đạo trở về nhà tu thiện?
Tu-đề-na ôn tồn thưa với cha mẹ:
– Con không thể bỏ đạo trở về nhà sống đời sống thấp kém như thế!
Có đến Ba lần cha mẹ khẩn khoản như vậy, song Tu-đề-na vẫn sắt son kiên định. Cha mẹ Tu-đề-na đành ngậm ngùi ra về.
Con dâu của ông bà trưởng giả Ca-lan-đà, tính theo nguyệt thủy, biết số ngày “Không an toàn” liền thưa với mẹ chồng. Bà mẹ chồng vui mừng nói: “Đó là thời kỳ có thể thụ thai”. Bà ta khuyên con dâu trang điểm mặc y phục lộng lẫy như trước. Cha mẹ lại đưa con dâu đến khu rừng các Tỳ-kheo đang trú ngụ. Tu-đề-na chào hỏi như lần trước. Song thân lại nói:
– Tại sao con lại tự hủy hoại thân hình mình nơi rừng cây này? Tại sao con phải chấp nhận gió sương, đói khát, lạnh lẽo, khốn khổ ấy? Nhà con giàu có, thiên hạ đều biết. Chỉ riêng về số châu báu của phần con đã chất cao quá đầu người, huống chi là của cải nơi cha mẹ gộp lại thì vô số, ai có thể sánh kịp. Con hãy trở về nhà tha hồ tu thiện. Hiện tại, với đời thọ hưởng thú vui, về sau lại hưởng cả phước đức.
Tu-đề-na thưa với cha mẹ:
– Như chỗ con biết thì năm dục làm tổn hại đến đức, hoan lạc chỉ trong chớp nhoáng mà ưu khổ thì lại kéo dài mãi, con không vì thế mà bỏ tu phạm hạnh.
Chiêu dụ đến ba lần nhưng Tu-đề-na vẫn trả lời kiên quyết như vậy. Song thân lại nói:
– Con tuy là con của ta, nay theo giòng họ Thích đó là đạo trái với ta, đâu còn lời gì để nói. Nghiệt một nỗi, tổ tiên thôi người kế thừa, nghĩa tình này nặng lắm con ơi! Theo luật nước không có người thừa kế thì toàn bộ tài sản thuộc về nhà quan. Cha mẹ đã chuẩn bị cả rồi, con đâu biết rằng tất cả kỳ vọng đều đặt nơi con là người kế tục giòng họ. Con hãy nghĩ kỹ về điều ấy! Cha mẹ đã nói hết lời rồi đó!
Khi nghe lời nói này Tu-đề-na bùi ngùi khóc, mặc nhiên chấp nhận, ông ta cùng với người vợ quay về chốn cũ. Tại bổn thất ba lần trở lại đường cũ hành dâm. Trong bối cảnh này, liền có vị thần hạ sinh ấy là vị trời Đại-oai-đức, nơi cõi Đâu Suất, mạng chung nhập vào thai.
Bấy giờ, Địa thần báo với thần Hư không: “Con của Ca-lan-đà ở trong chúng Tăng chưa từng sánh, lại làm cái việc chưa từng có”. Thần Hư không báo cho Tứ Thiên vương. Tứ Thiên vương báo cho Đao lợi Thiên và lần lượt báo cho nhau đến trời Phạm thiên. Vợ Tu-đề-na đủ tháng sinh con, thông minh đặt tên là Tục-chủng, lớn lên xuất gia tu thành bậc A-la-hán.
Khi đã phạm phải điều ác rồi, Tu-đề-na liền tự hối trách: “Nay ta đánh mất điều ích lợi. Tại sao xuất gia trong chánh pháp của Đức Phật mà không tu phạm hạnh một cách rốt ráo, để rồi phải xanh xao, mất hết khí lực thế này?”. Các Tỳ-kheo thấy vậy hỏi:
– Trước kia sắc diện thầy rất tốt, tại sao nay lại tiều tụy như thế? Phải chăng thầy đã không vui với phạm hạnh? Phải chăng đã phạm phải tội ác?
Tu-đề-na trả lời:
– Tôi đã phạm phải tội ác nên mới ra nông nỗi này!
Các Tỳ-kheo liền hỏi tiếp:
– Thầy phạm tội ác gì vậy?
Tu-đề-na đáp:
– Tôi đã cùng với bổn nhị làm hạnh bất tịnh.
Các Tỳ-kheo nói:
– Việc thầy làm là bất thiện, chẳng phải hạnh thanh tịnh, chẳng phải pháp của Sa-môn, không tùy thuận chánh đạo.
Hằng loạt quở trách Tu-đề-na như thế và sau khi quở trách đúng như lời Phật dạy, các Tỳ-kheo đưa Tu-đề-na đến chỗ Đức Phật, trình bày lên Phật sự việc xảy ra. Đức Phật vì sự việc này, tập hợp các Tỳkheo Tăng. Pháp thông lệ của chư Phật có trường hợp biết mà vẫn hỏi, có trường hợp biết mà không hỏi, biết hỏi đúng lúc, không đúng lúc không hỏi, hỏi khi có lợi ích, không lợi ích thì không hỏi. Thường pháp của chư Phật là có năm trăm vị thần Kim cang hộ vệ ở hai bên. Nếu Đức Phật hỏi ba lần mà không trả lời như thật thì đầu bị đập vỡ làm bảy phần. Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:
– Các thầy muốn nói điều gì?
Các Tỳ-kheo trình bày lại vấn đề. Đức Phật hỏi Tu-đề-na:
– Thật sự ông có làm như vậy không?
Tu-đề-na thưa:
– Thật đúng như vậy, bạch Thế Tôn.
Đức Phật dạy:
– Ông là người ngu si, làm điều bất thiện, chẳng phải hạnh thanh tịnh, chẳng phải pháp của Sa-môn, không tùy thuận chánh đạo. Điều này không thể khiến cho người chưa tin, tin theo được, khiến cho người đã tin bị giảm sút lòng tin. Ông há không nghe Ta từng lập đi, lập lại sự quở trách về dục, tưởng dục, cảm giác dục, lửa dục và khen ngợi sự đoạn dục, xa lìa tưởng dục, trừ cảm giác dục, diệt lửa dục hay sao? Ta thường nói: Dục như đống xương đỏ, như hầm lửa lớn, như dao sắc bén, như mũi tên nhọn, như rắn độc, như thuốc độc, như huyễn, như mộng làm mê hoặc con người. Tại sao nay ông lại làm việc ác lớn như vậy? Ông đâu không nghe chỗ cốt yếu pháp Ta nói là cho người ta chưa lìa dục được lìa dục, người phóng dật khiến không phóng dật, có khả năng đoạn khát ái, xa lìa pháp hữu vi, là bậc vô học lìa dục hướng đến đạo vô vi, chỉ vẽ cho người con đường chính để cuối cùng đạt đến Niết-bàn hay sao? Ông đâu không sợ cái khổ của ba đường ác? Nếu ông không làm điều đại ác này, trong chánh pháp của Ta ắt sẽ được vô lượng điều công đức thiện. Ông là người đầu tiên mở cửa lậu hoặc, làm điều đại ác này. Ma Ba-tuần thường dò xét mọi lỗi lầm của các Tỳ-kheo, nay ông lại mở ra cho ma con đường tắt, xô ngã cờ pháp, xây dựng ngọn cờ đầu cho ma. Này Tu-đề-na! Thà là đem phần thân xác này để vào trong lò lửa lớn hay miệng rắn độc, chớ không nên đem nó xúc chạm đến thân người nữ. Việc ác ông đã phạm, vĩnh viễn trôi lăn trong đường sinh tử, hoàn toàn không thể nuôi lớn pháp thiện.
Sau khi Đức Phật bằng lòng thương, bằng sự nghiêm khắc quở trách Tu-đề-na rồi bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Ta vì các Tỳ-kheo mà kiết giới. Việc kiết giới có mười điều lợi. Mười điều lợi ấy là những gì?
- Tăng hòa hợp.
- Thâu tóm chúng Tăng.
- Điều phục người ác.
- Người có hổ thẹn được an lạc.
- Đoạn lậu hoặc đời này.
- Đoạn lậu hoặc đời sau.
- Khiến người chưa tin tin tưởng.
- Người đã tin rồi càng được tăng trưởng mở rộng lòng tin.
- Chánh pháp trụ lâu.
- Phân biệt Tỳ-ni khiến phạm hạnh lâu bền.
Từ nay giới này được nói như sau: “Nếu Tỳ-kheo nào hành pháp dâm dục thì phạm Ba-la-di, không được sống chung”.
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Có Tỳ-kheo A-lan-nhã sống một nơi thanh vắng, ở đấy có bầy khỉ sống gần bên Tỳ-kheo. Lúc này có một Tỳ-kheo khởi niệm nghĩ đến con khỉ cái, đã dùng thức ăn dụ nó để cùng hành dâm. Sau đó, có nhiều Tỳ-kheo đi tuần xét ngọa cụ đến trú xứ của Tỳ-kheo này. Trong khi Tỳ-kheo ấy vào thành khất thực, con khỉ cái kia đến chỗ các Tỳ-kheo biểu hiện tướng dâm dục. Các Tỳ-kheo cùng tuần xét ấy có chung nhận định: “Xét hiện tướng của con khỉ cái này ắt có vấn đề”. Và hiện trạng của vấn đề ấy đã xảy ra trước sự dò xét kín đáo của các Tỳ-kheo: Không bao lâu Tỳ-kheo ở nơi trú xứ này khất thực trở ve, con khỉ cái liền đến hiện tướng thọ dục, ngay lúc ấy Tỳ-kheo kia cùng với con khỉ cái hành dâm…
Thấy rõ vấn đề, các Tỳ-kheo nói:
– Thầy không nghe Đức Phật kiết giới: Tỳ-kheo hành dâm dục phạm Ba-la-di hay sao?
Thầy ta liền đáp:
– Phật cấm hành dâm với người nữ chứ đâu cấm với súc sinh.
Các Tỳ-kheo vặn lại:
– Người nữ với súc sinh có khác gì đâu? Thầy đã làm việc bất thiện, chẳng phải hạnh thanh tịnh, chẳng phải pháp Sa-môn, không hợp với chánh đạo. Chính việc làm này không thể khiến người chưa tin có được lòng tin, người đã có lòng tin rồi khiến họ thoái lui. Thầy đâu lại không nghe Đức Thế Tôn từng nhiều lần quở trách về dục, tưởng dục, cảm xúc về dục, lửa dục… (như trên).
Sau khi quở trách, các Tỳ-kheo đưa Tỳ-kheo ấy đến trước Phật trình bày đầy đủ mọi sự việc đã xảy ra. Nhân sự việc này, Đức Phật cho tập hợp các Tỳ-kheo Tăng. Ngài hỏi Tỳ-kheo ấy:
– Thật sự thầy có làm như vậy không?
Tỳ-kheo ấy thưa:
– Bạch Thế Tôn, thật đúng như vậy.
Đức Phật dạy:
– Thầy là người ngu si, việc làm của thầy là phi pháp.
Đức Phật bằng mọi hình thức quở trách như trên, rồi bảo các Tỳkheo:
– Từ nay về sau giới này được nói như sau: “Nếu Tỳ-kheo hành pháp dâm dục, kể cả loài súc sinh, phạm Ba-la-di, không được sống chung”.
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ. Bấy giờ có số đông trong chúng Tỳkheo không vui thích với đời sống phạm hạnh, cùng nhau nói: “Xuất gia trong pháp của Phật thật là khổ sở. Chúng ta nên cùng nhau làm nghi pháp của bạch y, nghi pháp của ngoại đạo, làm việc của bạch y, làm việc của ngoại đạo, đúng thời cũng vào xóm, không đúng thời cũng vào xóm, làm việc sát sinh, trộm cắp, dâm dục, uống rượu, ăn thịt, ngày đêm xem hát, ca xướng tự do vui thích”. Số Tỳ-kheo này nói năng hành động như thế, không có sự xấu hổ nào cả. Trong khi ấy, các Tỳ-kheo trì giới, thiểu dục, tri túc, bằng mọi cách quở trách số Tỳ-kheo ấy rồi đưa họ đến trước Phật trình bày mọi sự việc đã xảy ra. Nhân việc này, Đức Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng. Ngài hỏi:
– Các thầy thật có nói như vậy không?
Các Tỳ-kheo thưa:
– Bạch Thế Tôn! Thật đúng như vậy.
Đức Phật bằng lời lẽ nghiêm khắc quở trách:
– Các thầy không được nói làm theo nghi pháp của ngoại đạo, làm theo nghi pháp của bạch y. Nếu nói, làm theo nghi pháp của ngoại đạo thì mỗi lời nói phạm một Thâu-lan-giá, làm theo nghi pháp bạch y thì phạm Đột-kiết-la.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Khi ấy có Tỳ-kheo sống nơi ấp Bạt-kỳ tên là Tôn-đà-la-nan-đà được nhiều người quen biết ở đây cúng dường, cung kính nhưng không vui thích tu phạm hạnh, làm theo nghi pháp của ngoại đạo, nghi pháp của bạch y, làm việc sát sinh, trộm cắp, dâm dục và mọi việc ác khác. Đối với các cư sĩ không có lòng tin ưa thích Phật pháp bèn chê bai: “Tại sao Sa-môn Thích tử lại làm các điều ác như vậy!”. Họ báng bổ khắp nơi. Tỳ-kheo Tôn-đà-la cũng thọ năm dục lạc. Các Tỳ-kheo này không có hạnh Sa-môn, không có hạnh Bà-la-môn, không thọ pháp Sa-môn, không thọ pháp Bà-la-môn. Các Tỳ-kheo này, nơi nào họ không đến, nơi đó có được điều thiện, điều lợi lạc. Tiếng xấu ác của họ như thế là lan truyền khắp thiên hạ. Khi ấy, Tôn-đà-la trở lại trong chúng tác bạch: “Cho tôi xuất gia, thọ giới”. Các Tỳ-kheo nói: “Cần phải bạch Đức Thế Tôn”, rồi các Tỳ-kheo bạch lên Phật. Nhân sự việc này Đức Phật cho tập hợp các Tỳ-kheo Tăng và bảo:
– Tôn-đà-la chẳng phải là Tỳ-kheo, nếu đã thọ giới thì Bạchtứ-yết-ma tác pháp diệt tẫn. Vị Thượng tọa hay tương đương cấp bậc Thượng tọa biết pháp luật nên tác bạch như sau:
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Tôn-đà-la giới bị sút kém, không xả, hành pháp dâm dục. Nay Tăng tác pháp Yết-ma-diệt tẫn Tỳ-kheo Tôn-đà-la. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đây là lời tác bạch”.
“Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Tôn-đà-la giới sút kém, không xả, hành pháp dâm dục. Nay Tăng trao cho Tỳ-kheo Tôn-đà-la pháp Yết-ma-diệt tẫn. Các trưởng lão nào đồng ý thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì xin nói”. Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy.
“Tăng đã trao cho Tỳ-kheo Tôn-đà-la pháp diệt tẫn rồi, Tăng đồng ý nên im lặng. Việc như vậy, thọ trì như vậy”.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu Tỳ-kheo nào nói, làm theo nghi pháp bạch y, nghi pháp ngoại đạo thì không gọi là xả giới. Nếu miệng nói: “Tôi xả giới” như vậy là xả giới. Từ nay về sau, giới này được nói như sau: “Nếu Tỳ-kheo cùng các Tỳ-kheo đồng học giới pháp, giới sút kém, không xả, hành pháp dâm dục, cho đến cùng với loài súc sinh, Tỳ-kheo như vậy phạm tội Ba-la-di, không được sống chung”.
Tỳ-kheo có nhiều hạng: Tỳ-kheo khất thực, Tỳ-kheo mặc y hoại sắc cắt rọc, Tỳ-kheo phá ác, Tỳ-kheo chân thật, Tỳ-kheo kiên cố, Tỳkheo thấy được lỗi lầm, Tỳ-kheo một lời thọ giới, Tỳ-kheo hai lời thọ giới, Tỳ-kheo ba lời thọ giới, Tỳ-kheo khéo đi đến thọ giới, Tỳ-kheo như pháp Bạch-tứ-yết-ma thọ giới. Như vậy gọi là Tỳ-kheo.
Đồng học: Như lời Phật dạy trọn đời không phạm, đồng học những học xứ như vậy gọi là đồng học.
Giới pháp: Giới đã thọ không có khiếm khuyết, không phát sinh pháp giới ác, thành tựu pháp giới thiện, định cộng giới.
Giới sút kém không xả: Xả giới khi ngủ, hướng đến người ngủ xả giới. Xả giới khi say, hướng đến người say xả giới. Xả giới khi cuồng, hướng đến người cuồng xả giới, hướng đến người tâm tán loạn xả giới, xả giới với tâm bệnh hoạn, hướng đến người tâm bệnh hoạn xả giới, hướng đến không phải chúng sinh, hướng đến không phải người, hướng đến súc sinh xả giới, sai sứ viết thư xả giới, ra dấu xả giới, cử động tay xả giới, nói lời tương tợ xả giới. Một mình tưởng một mình, một mình không tưởng là một mình, không phải một mình tưởng một mình xả giới. Người nói tiếng vùng giữa nước hướng đến người biên địa, người nói tiếng biên địa hướng đến người vùng giữa nước xả giới, vui đùa xả giới, nói lời bất định xả giới, tâm giận xả giới, cưỡng bức xả giới, không nên hướng đến người để xả giới mà nói xả giới. Tất cả điều nêu trên không gọi là xả giới. Không nói lên lời xả giới thì không gọi là xả giới. Như vậy gọi là không xả giới. Ngược lại với trên là xả giới. Hoặc giới sút kém nhưng chẳng phải là xả giới, hoặc xả giới nhưng chẳng phải sút kém, hoặc giới sút kém cũng là xả giới, hoặc chẳng phải giới sút kém cũng chẳng phải xả giới.
– Thế nào là giới sút kém nhưng chẳng phải là xả giới? Nếu Tỳkheo không ưa tu phạm hạnh, hay không thích tu phạm hạnh mà còn kính Phật, Pháp, Tăng, kính giới, kính pháp Sa-môn, kính pháp Tỳkheo, kính Tỳ-ni, kính Ba-la-đề-mộc-xoa, kính Hòa thượng, A-xà-lê, đồng Hòa thượng, A-xà-lê, kính người đồng phạm hạnh, không hủy Tam tôn, mà nhờ xóm làng, vườn tược, ao hồ, núi rừng, cây cối, cha mẹ, anh chị em, con trai, con gái cho đến đứa ăn, đứa ở v.v… nhớ nghĩ như vậy, sầu ưu không vui, suốt đời không phạm đến phạm hạnh, như vậy gọi là giới sút kém nhưng chẳng phải là xả giới.
– Thế nào là xả giới nhưng chẳng phải là giới sút kém? Nếu Tỳkheo không thích tu phạm hạnh, và tuy không thích tu phạm hạnh nhưng còn kính Phật cho đến kính người đồng phạm hạnh. Vị ấy với ý nghĩ muốn làm Sa-di, hoặc Ưu-bà-tắc, cho đến muốn làm Phạm chí ngoại đạo, chẳng phải Sa-môn Thích tử. Vị ấy lại nghĩ: “Nay ta muốn xả Phật, Tăng, xả giới, xả Tỳ-ni, xả Ba-la-đề-mộc-xoa, xả Hòa thượng, xả Axà-lê, đồng Hòa thượng, A-xà-lê, xả người đồng phạm hạnh, rồi liền nói như vầy: “Nay tôi xả Phật, Phật có ích gì? Phật có nghĩa gì? Nay tôi thoát khỏi Phật”, cho đến nói: “Nay tôi được thoát khỏi người đồng phạm hạnh”. Vị ấy lại nói: “Tôi thích hợp với nếp sống chẳng phải Samôn Thích tử”. Phỉ báng Phật, Pháp, Tăng như vậy cho đến phỉ báng người đồng phạm hạnh, khởi lên các ý niệm như thế, đối với trước một người lòng nghĩ, miệng nói như thế thì gọi là xả giới nhưng chẳng phải là giới sút kém.
– Thế nào gọi là giới sút kém cũng là xả giới? Nếu Tỳ-kheo không ưa tu phạm hạnh, ít kính Phật, Pháp, Tăng, cho đến ít kính người đồng phạm hạnh, nhớ nghĩ làng xóm cho đến đứa ăn, đứa ở, nghĩ như sau: “Nay ta muốn xả Phật, Pháp, Tăng cho đến xả người đồng phạm hạnh”, rồi liền nói: “Nay tôi xả Phật, Phật có ích gì? Phật có nghĩa gì? Nay tôi đối với Phật được thoát khỏi, cho đến thoát khỏi người đồng phạm hạnh”. Vị ấy lại nói: “Tôi thích sống chẳng phải Sa-môn Thích tử”. Hủy báng Phật, Pháp, Tăng như vậy, cho đến hủy báng người đồng phạm hạnh, khởi các ý niệm như thế rồi hướng đến người, tâm nghĩ miệng nói như thế thì gọi là giới sút kém cũng là xả giới.
– Thế nào gọi là chẳng phải giới sút kém, cũng chẳng phải xả giới? Nếu Tỳ-kheo đối với giới mình đã thọ, kiên trì không xả, không động, không chuyển. Như vậy gọi là chẳng phải giới sút kém, cũng chẳng phải xả giới.
Hành pháp dâm dục: Pháp dâm dục tức là chẳng phải là pháp phạm hạnh, là pháp biếng trễ, là pháp đáng ghét. Hai thân giao hợp, xuất bất tịnh là thực hiện pháp dâm dục.
Ba-la-di: Tức là pháp đọa, pháp ác, pháp đoạn đầu, chẳng phải pháp của Sa-môn.
Không sống chung: Như trước kia còn là bạch y, không được cùng với Tỳ-kheo học một loại, học như nhau, học không như nhau, học không cùng loại. Không cùng với Tỳ-kheo Yết-ma một loại, Yết-ma như nhau, Yết-ma không như nhau, Yết-ma không cùng loại. Không cùng với Tỳ-kheo cùng thuyết giới, thuyết giới như nhau, thuyết giới không như nhau, thuyết giới không cùng loại. Như vậy gọi là không sống chung.
Các Đức Phật Thế Tôn khéo nói chánh pháp, cũng khéo nói thí dụ: Người phạm dâm dục như cây kim bị sứt phần, không thể dùng được, như người đã chết không thể sống lại, như hòn đá bị vỡ không thể hợp lại, như cây Đa-la chặt đứt đọt không thể sống lại. Tỳ-kheo nào cùng ba loại chúng sinh sau đây hành dâm thì phạm Ba-la-di: nhân, phi nhân, súc sinh. Tỳ-kheo cùng ba giống cái hành dâm phạm Ba-la-di: nữ nhân, nữ phi nhân, súc sinh cái. Cùng ba giống đực: nam nhân, nam phi nhân, súc sinh đực. Ba loại huỳnh môn: nhân huỳnh môn, phi nhân huỳnh môn, súc sinh huỳnh môn. Ba loại vô căn: nhân vô căn, phi nhân vô căn, súc sinh vô căn. Ba loại hai căn: người hai căn, phi nhân hai căn, súc sinh hai căn. Hành dâm với những hạng trên cũng như vậy. Tỳ-kheo cùng nữ nhân, nữ phi nhân, súc sinh cái hành dâm ba nơi: đường đại, đường tiểu, và miệng, khi họ ngủ, khi say, khi cuồng, khi tâm tán loạn, khi tâm bệnh hoạn, thây chết bị ăn phân nửa, phạm Ba-la-di. Khi quá nửa, khi còn bộ xương mà xuất bất tịnh phạm Tăng-già-bà-thi-sa, không xuất bất tịnh phạm Thâu-lan-giá. Vô căn nữ, nhị căn cũng vậy. Tỳ-kheo cùng với người nam, nam phi nhân, súc sinh đực hành dâm hai chỗ: đường đại và miệng, khi ngủ cho đến khi bị ăn còn phân nửa phạm Bala-di. Khi quá phân nửa, còn bộ xương, xuất bất tịnh phạm Tăng-già-bàthi-sa, không xuất bất tịnh phạm Thâu-lan-giá. Vô căn nam huỳnh môn cũng vậy. Đối với các chỗ hành dâm như trên, mượn phương tiện bên ngoài, bên trong xuất bất tịnh, mượn phương tiện bên trong, bên ngoài xuất bất tịnh, khi ngủ cho đến khi bị ăn còn phân nửa phạm Ba-la-di. Khi quá phân nửa, khi còn bộ xương, xuất bất tịnh phạm Tăng-già-bàthi-sa, không xuất bất tịnh phạm Thâu-lan-giá. Nếu Tỳ-kheo vì cường lực cưỡng bức hành dâm các nơi đã nêu trên thì khi vào cảm nhận khoái lạc, lấy ra trụ lại không có cảm giác. Khi lấy ra cảm nhận khoái lạc, đưa vào, trụ lại không cảm giác. Khi trụ lại cảm nhận khoái lạc, đưa vào, lấy ra không cảm giác, vào, ra cảm nhận khoái lạc. Khi trụ lại không cảm giác, vào trụ lại cảm nhận khoái lạc. Khi lấy ra không cảm giác, lấy ra, trụ lại cảm nhận khoái lạc. Khi vào không cảm giác, khi lấy ra, đưa vào, trụ lại cảm nhận khoái lạc. Khi ngủ cho đến cả khi bị ăn còn phân nửa đều phạm Ba-la-di. Khi quá nửa, khi còn bộ xương, xuất bất tịnh phạm Tăng-già-bà-thi-sa, không xuất bất tịnh phạm Thâu-lan-giá. Khi lấy ra, đưa vào trụ lại đều không cảm nhận khoái lạc thì không phạm. Nếu Tỳ-kheo với tâm dâm dục, dùng nam căn để vào những chỗ nói trên, dù chỉ một phần thôi cũng phạm Ba-la-di. Nếu dùng ngón tay, với tất cả vật bên ngoài để vào trong các chỗ nói trên đều phạm Thâu-lan-giá. Tỳ-kheo-ni cũng xảy ra như thế, phạm Ba-la-di. Thứcxoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm thì tội Đột-kiết-la, đuổi đi.
Trường hợp không phạm: Tâm cuồng, tâm loạn, tâm bệnh hoạn, phạm trước khi kiết giới, bốn trường hợp này đều không phạm. Tất cả các giới đều như vậy, khỏi phải chép lại.
Xong giới thứ nhất.
Đức Phật ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là Đạtni-ca, con nhà làm đồ gốm, làm cái am bằng cây cỏ để ở tại núi Ất-la. Đến giờ, Đạt-ni-ca bưng bát vào thành khất thực, ngay sau đấy người hái củi phá am lấy củi mang đi. Sau khi khất thực xong trở về, Đạt-ni-ca tu bổ am trở lại. Tình trạng này xảy ra cho đến lần thứ ba, Đạt-ni-ca hết kiên nhẫn, giận lắm, lại có ý nghĩ: Chính bản thân ta có thừa khả năng khéo nhồi đất sét, tại sao ta không làm cái am toàn bằng gạch nung để tránh khỏi cái họa phá nhà này? Đạt-ni-ca liền thực hiện ngay ý nghĩ, làm một cái am bằng đất, có nóc, có trụ cột, rui kéo, có cửa lớn, cửa nhỏ, cửa sổ v.v… rất khéo léo. Làm xong chất củi đốt thành màu đỏ, tươi đẹp vô cùng. Khi có gió lớn thổi đến tạo nên âm thanh vi vu của ống tiêu, ống sáo. Đức Phật ở trên núi Kỳ-xà-quật, từ xa trông thấy cái am kia màu đỏ tươi, đẹp đẽ, bèn hỏi Tôn giả A-nan:
– Nhà của ai vậy?
Tôn giả A-nan thưa:
– Đạt-ni-ca tự lực làm cái am bằng đất nung.
Đức Phật bảo A-nan:
– Đạt-ni-Ca-làm điều phi pháp, tại sao người xuất gia lại làm nghiệp ác, tổn thương đến mạng sống sinh vật, không có lòng thương xót? Trước đây Ta đã bằng nhiều cách nói pháp từ bi, tại sao Tỳ-kheo lại đánh mất tâm từ?
Đức Thế Tôn bằng mọi cách khéo léo quở trách rồi bảo các Tỳkheo:
– Các ông nên đến phá bỏ cái nhà ấy.
Các Tỳ-kheo vâng lệnh liền đến triệt hạ nhà Đạt-ni-ca. Lúc ấy, Đạt-ni-ca từ trong nhà bước ra, hỏi các Tỳ-kheo:
– Tôi không xúc phạm quý vị, tại sao quý vị rủ nhau đến phá nhà tôi?
Các Tỳ-kheo trả lời:
– Chẳng phải chúng tôi tự ý làm mà chúng tôi làm theo lệnh Đức Thế Tôn.
Đạt-ni-ca nói:
– Đức Pháp Vương ra lệnh phá thì tôi đâu dám nói gì.
Các Tỳ-kheo liền phá hủy toàn bộ rồi dẫn Đạt-ni-ca đến trước Phật và trình bày đầy đủ mọi sự việc lên Ngài. Đức Phật dùng nhân duyên này tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, hỏi Đạt-ni-ca:
– Thật sự ông có làm cái nhà đó không?
– Thật đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn! Đạt-ni-ca thưa.
Đức Phật bằng mọi cách quở trách như trên rồi bảo các Tỳ-kheo:
– Từ nay nếu có Tỳ-kheo nào làm nhà bằng đất nung chín, phạm Thâu-lan-giá, tự mình thi thố nghề giỏi, phạm Đột-kiết-la.
Đạt-ni-ca-lại khởi ý niệm: “Trước đây ta làm am bằng tranh bị tiều phu phá để lấy củi, sau làm nhà bằng đất nung thì trái với thể thống người xuất gia của đấng Pháp Vương. Nay ta có thể tìm gỗ tốt để làm một cái nhà lớn cho được lâu bền, khỏi phải khổ não”.
Đạt-ni-ca-lại nghĩ: “Người coi cây gỗ trong thành Vương-xá là bạn học của ta, ta sẽ đến đó để xin gỗ”. Làm theo ý nghĩ, Đạt-ni-ca đến nói với người bạn:
– Tôi cần gỗ bạn có thể cho tôi?
Người coi giữ cây gỗ trả lời:
– Tôi chỉ có bổn phận giữ chứ không có quyền cho.
Đạt-ni-ca hỏi:
– Vậy thì ai có quyền?
– Nhà Vua mới có quyền.
Đạt-ni-ca nói:
– Vua đã cho tôi rồi.
Người bạn coi giữ cây gỗ nói:
– Nếu Vua đã cho thì tùy ý cứ lấy.
Đạt-ni-ca bèn đốn lấy những cây gỗ lớn dùng để phòng vệ thành mang đi. Khi ấy Đại thần Vũ-xá đi thanh tra các nơi, trên đường bắt gặp, đến hỏi người giữ gỗ:
– Tại sao lại cho Tỳ-kheo kia đốn những cây gỗ lớn dùng để bảo vệ thành như vậy?
Người giữ cây gỗ trả lời:
– Chẳng phải tôi cho.
– Như vậy ai cho? Đại thần hỏi?
– Vua cho. Người coi giữ cây gỗ đáp lời.
Đại thần Vũ-xá không chút dè dặt đến gặp nhà Vua hỏi ngay:
– Vì lý do gì Đại vương lại cho Đạt-ni-ca những cây gỗ lớn dùng để bảo vệ thành.
Nhà Vua hỏi:
– Ai nói ta cho?
Vũ Xá tâu:
– Người giữ cây gỗ nói.
Nhà Vua liền ra lệnh quan hầu cận bắt người giữ cây gỗ. Quan hầu cận thừa lệnh bắt giải đến Vua. Thời điểm ấy Đạt-ni-ca vào thành khất thực, trên đường đi thấy vậy hỏi:
– Bạn phạm tội gì mà bị bắt trói như thế?
Người giữ cây gỗ nói:
– Do Đại đức mà tôi phạm phải tội như thế này. Xin Đại đức cứu tôi thoát khỏi chết.
Đạt-ni-ca nói:
– Bạn đến trước, tôi sẽ đến sau.
Khi người giữ gỗ đã được giải đến, Vua hỏi:
– Tại sao ngươi lại cho Đạt-ni-ca đốn những cây gỗ lớn dùng để bảo vệ thành.
Người giữ gỗ tâu:
– Tâu Đại vương! Con đâu dám lạm quyền cho như vậy. Đạt-ni-ca bảo đã được phép nhà Vua nên con mới cho đốn.
Nhà Vua lệnh gọi đương sự đến. Khi ấy Đạt-ni-ca đã có mặt ngoài cửa. Nhà Vua bảo vào trình diện, Đạt-ni-ca liền vào trước Vua, Vua hỏi:
– Trẫm cho Tỳ-kheo gỗ vào lúc nào?
Đạt-ni-ca nói:
– Nhà Vua há không nhớ, khi mới lên ngôi, nhà Vua có nói: “Tất cả cỏ cây cũng như nước trong quốc nội, bố thí cho Sa-môn, Bà-lamôn”.
Nhà Vua thở ra nói:
– Trẫm nói bố thí là đối với những vật không có chủ, quái thay Tỳkheo lại lạm dụng điều này để lấy vật của người. Nhà Vua nói: Ta là vị Vua Quán-đảnh, đâu nên cầm tù hay giết hại Sa-môn. Thầy nên sớm về gặp Đức Phật, Ngài là vị Pháp Vương sẽ dùng pháp trị thầy.
Khi ấy có người nghe đều kinh ngạc nói:
– Đạt-ni-ca phạm tội đáng chết, tại sao chỉ quở trách rồi cho đi. Tội như vậy được tha thì ai không làm việc ăn trộm.
Người ta lại dị nghị: “Sa-môn Thích tử được nhà Vua cung cấp, lại ăn trộm gỗ của Vua, như thế chúng ta đâu còn gì để lo sợ. Sa-môn Thích tử thường ca ngợi người không ăn trộm, dạy người bố thí, tại sao chính mình lại làm việc của kẻ giặc? Những kẻ này không có hạnh của Samôn, phá pháp Sa-môn”. Tiếng xấu này theo thời gian lan khắp. Trong nước, các Trưởng giả, Cư sĩ, Bà-la-môn v.v… không tin ưa Phật pháp cứ trông thấy Sa-môn liền bằng mọi cách mắng nhiếc. Các Tỳ-kheo nghe cùng hỏi ai ăn trộm gỗ của nhà Vua mà có tiếng xấu như thế. Đạt-ni-ca nói: “Điều đó chính tôi làm”. Các Tỳ-kheo dùng mọi cách quở trách:
– Thầy làm điều phi pháp, không hợp đạo. Đức Thế Tôn bằng nhiều cách chê bai việc lấy của không cho, khen ngợi người không lấy trộm. Tại sao nay thầy làm việc của kẻ giặc?
Các Tỳ-kheo quở trách như vậy rồi dẫn đến chỗ Phật, trình bày đầy đủ sự việc. Đức Phật nhân việc này tập hợp Tỳ-kheo Tăng, hỏi Đạt-ni-ca:
– Thật sự ông có làm như vậy không?
– Bạch Thế Tôn có. Đạt-ni-ca thưa.
Đức Phật bằng mọi hình thức quở trách như Tu-đề-na.
Khi ấy, có vị Đại thần nước Ma-kiệt xuất gia hành đạo đang đứng hầu Phật, Đức Phật hỏi:
– Vua A-xà-thế quy định người trong nước ăn trộm bao nhiêu thì thọ tội tử hình?
– Từ năm tiền trở lên thì thọ tội tử hình. Tỳ-kheo thưa.
Đức Phật quở trách rồi bảo các Tỳ-kheo:
– Để có mười điều lợi nên Ta vì các Tỳ-kheo mà kiết giới. Từ nay giới này nên nói như vầy: “Nếu Tỳ-kheo ăn trộm năm tiền trở lên thì phạm tội Ba-la-di, không được sống chung”.
Đức Phật ở tại thành Xá-vệ, khi ấy có số đông Tỳ-kheo nói:
– Đức Phật chế giới cấm lấy vật nơi xóm làng chứ đâu có cấm lấy vật nơi đất trống.
Các Tỳ-kheo khác lại nói: Phạm cùng chẳng phạm, chế cấm hay không chế cấm, chẳng sao cả, cứ dụng tâm ăn trộm vật nơi đất trống, có chủ hay không chủ thì sự lấy cắp này có can gì ai đâu?
Kiểu ăn cắp này đã xảy ra và lòng sinh nghi ngờ, hối hận. Các thầy đến chỗ Tôn giả A-nan hỏi, Tôn giả liền đến bạch Phật, Đức Phật dùng nhân duyên này tập hợp Tỳ-kheo Tăng và hỏi:
– Thầy có như vậy không?
– Kính bạch Thế Tôn, có thật như vậy.
Đức Phật bằng mọi hình thức quở trách:
– Xóm làng cùng đất trống khác nhau ở chỗ nào?
Quở trách rồi Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: Từ nay giới này được nói như sau: “Nếu Tỳ-kheo nơi xóm làng hoặc chỗ đất trống lấy vật không cho với tâm trộm cắp, hoặc Vua hoặc Đại thần bắt, trói giết, đuổi ra khỏi nước, nói: Ngươi là giặc, ngươi là kẻ tiểu nhân, ngươi là kẻ ngu si. Tỳ-kheo này phạm Ba-la-di không được sống chung”.
Xóm làng: Là nơi có thành quách, có hàng bao quanh ba do-tuần, cho đến chỉ một cái nhà.
Ngoài xóm làng: Ngoài xóm làng, trừ nơi đường đi của xóm làng gọi là đất trống. Ngoài xóm làng trong tầm tên bắn, có lối đi vệ sinh cho người biết xấu hổ, gọi là nơi đi lại của xóm làng.
Tâm ăn trộm: Vật thuộc về người khác, hay vật đã có người bảo hộ không cho mà lấy, lại dùng tâm dối trá, quanh co, giận dữ, khủng bố để lấy vật của người cũng gọi là tâm ăn trộm.
Mình lấy, sai người lấy, vật rời khỏi chỗ cũ gọi là không cho mà lấy.
Chủ nước, chủ xóm làng, Vua Quán đảnh, Vua Chuyển luân đều gọi là chủ.
Đại thần là vị trông coi việc nước.
Nắm tay hay nắm tóc thì gọi là bắt. Dùng gông cùm, xiềng xích gọi là trói. Dùng dao gậy v.v… để chấm dứt mạng sống gọi là giết. Đuổi ra khỏi một trú xứ, cho đến ra khỏi nước gọi là đuổi.
Xa lìa pháp thiện, pháp vô ký, rơi vào chỗ bất thiện gọi là giặc. Không có sự hiểu biết gọi là tiểu nhân. Sống trong sự tối tăm gọi là si.
Trường hợp phạm: Vật ở trong đất, vật ở trên đất, vật ở trong hư không, xóm làng, vật của xóm làng, tiệm, quán, vật của tiệm quán, ruộng đất, vật của ruộng đất, vườn tược, vật của vườn tược, phòng xá, vật của phòng xá, xe cộ, vật của xe cộ, gánh xách, vật của gánh xách, thuyền bè, vật của thuyền bè, ao hồ, vật của ao hồ, gởi, trả, ngăn đường, rình đường, chỉ chỗ, dẫn đường, dạy cách lấy, cùng lấy, không nộp thuế.
Vật trong đất: Nếu vật còn ở trong lòng đất, Tỳ-kheo với ý niệm: “Ta sẽ trộm lấy”, khởi tâm và tạo điều kiện đều phạm Đột-kiết-la. Đào đất phạm Ba-dật-đề. Nắm lấy vật phạm Đột-kiết-la. Động đến vật phạm Thâu-lan-giá. Vật lìa khỏi chỗ trị giá năm tiền phạm Ba-la-di, dưới năm tiền phạm Thâu-lan-giá.
Vật ở trên đất: Vật ở trên đất như giường, giá, ghế, sập, cửa, cây xà ngang, đòn tay, rui mè, cho đến vật trên nhà, trên cây. Tất cả các vật như vậy đều gọi là vật trên đất. Tỳ-kheo khởi ý niệm: “Ta sẽ lấy vật ấy”, dấy tâm tạo phương tiện cho đến nắm lấy vật đều phạm Đột-kiếtla, động đến vật phạm Thâu-lan-giá, vật rời khỏi chỗ cũ trị giá năm tiền phạm Ba-la-di, dưới năm tiền phạm Thâu-lan-giá.
Vật ở trong hư không: Nếu dùng thần lực để lấy trong hư không, hoặc có chủ, hoặc do chim tha, hoặc gió thổi đến, Tỳ-kheo với ý niệm: “Ta sẽ lấy vật ấy”, khởi tâm tạo phương tiện đều phạm Đột-kiết-la. Động đến vật phạm Thâu-lan-giá. Dời vật khỏi chỗ cũ trị giá năm tiền phạm Ba-la-di, dưới năm tiền phạm Thâu-lan-giá.
Xóm làng: Xung quanh ba do-tuần, cho đến chỗ một cái nhà, Tỳkheo với ý niệm: “Tôi sẽ trộm lấy nhà ấy”. Dấy tâm, tạo phương tiện đều phạm Đột-kiết-la. Đóng nọc lấy vồ nện xuống phạm Ba-dật-đề. Dùng dây đo lường tranh cho được, trị giá năm tiền phạm Ba-la-di, dưới năm tiền phạm Thâu-lan-giá.
Vật trong xóm làng: Tùy theo trong xóm làng có vật gì, Tỳ-kheo có ý niệm: Ta sẽ lấy trộm vật ấy, lấy được phạm Ba-la-di.
Tiệm quán: Tỳ-kheo với ý niệm: Ta sẽ lấy trộm quán, tiệm ấy. Khởi tâm, tạo phương tiện đều phạm Đột-kiết-la. Đóng nọc, lấy vồ đập nện phạm Ba-dật-đề. Dùng dây đo lường tranh cho được, phạm Ba-ladi.
Vật nơi quán tiệm: Tùy theo trong quán, tiệm có vật gì, Tỳ-kheo với ý niệm: Ta sẽ lấy trộm vật ấy, lấy được phạm Ba-la-di.
Ruộng: Có loại ruộng có nước hay không nước, Tỳ-kheo với ý niệm, ta sẽ lấy trộm ruộng ấy. Khởi tâm, tạo phương tiện đều phạm Đột-kiết-la. Đóng nọc, lấy vồ nện xuống phạm Ba-dật-đề. Lấy dây đo để tranh cho được, phạm Ba-la-di.
Vật trong ruộng: Trong các thứ ruộng sản xuất năm thứ lúa, Tỳkheo với ý niệm: Ta sẽ trộm với vật ấy, lấy được, phạm Ba-la-di.
Vườn: Các vườn trồng cây trái, Tỳ-kheo với ý niệm: Ta sẽ trộm vườn ấy. Khởi tâm, tạo phương tiện đều phạm Đột-kiết-la. Đóng nọc, lấy vồ nện xuống phạm Ba-dật-đề. Dùng dây đo để tranh cho được, phạm Ba-la-di.
Vật trong vườn: Tùy theo trong vườn ấy có sản xuất thứ gì, Tỳkheo với ý niệm, tôi sẽ trộm lấy vật ấy, lấy được, phạm Ba-la-di.
Nhà: Nhà trệt hoặc nhà lầu, nơi người tại gia hay xuất gia ở. Tỳ-
kheo với ý niệm, tôi sẽ trộm lấy nhà ấy. Khởi tâm, tạo phương tiện đều phạm Đột-kiết-la. Đóng nọc, lấy vồ nện xuống phạm Ba-dật-đề. Dùng dây đo để tranh cho được, phạm Ba-la-di.
Vật trong nhà: Tùy theo trong nhà có vật gì, Tỳ-kheo với tâm niệm, ta sẽ lấy vật ấy, lấy được phạm Ba-la-di.
Xe: Chỉ chung các loại xe như: xe voi, xe ngựa, xe cộ v.v… Tỳkheo với ý niệm ta sẽ trộm lấy xe ấy. Khởi tâm, tạo phương tiện cho đến nắm cầm đều phạm Đột-kiết-la. Động đến vật phạm Thâu-lan-giá. Vật lìa khỏi chỗ trị giá năm tiền phạm Ba-la-di, dưới năm tiền phạm Thâu-lan-giá.
Vật trong xe: Tùy theo trong xe có vật gì, Tỳ-kheo với ý niệm: Ta sẽ trộm lấy vật ấy, lấy được, phạm Ba-la-di.
Gánh: Đội trên đầu, gánh nơi vai, vác nơi lưng, xách nơi tay đều gọi là gánh cả. Tỳ-kheo với ý niệm: Ta sẽ trộm vật gánh này. Khởi tâm, tạo phương tiện đều phạm Đột-kiết-la. Động đến vật phạm Thâulan-giá, dời vật khỏi chỗ trị giá năm tiền phạm Ba-la-di, dưới năm tiền phạm Thâu-lan-giá.
Vật của gánh: Tùy theo trong gánh có những vật gì, Tỳ-kheo với ý niệm ta sẽ trộm lấy vật ấy, lấy được, phạm Ba-la-di.
Thuyền: Thuyền bằng da, thuyền bằng đất nung, thuyền bằng cây, bằng tre v.v… đều gọi là thuyền. Tỳ-kheo với ý niệm ta sẽ lấy trộm thuyền này. Khởi tâm, tạo phương tiện đều phạm Đột-kiết-la. Động đến vật phạm Thâu-lan-giá, vật rời khỏi trị giá năm tiền phạm Ba-la-di, dưới năm tiền phạm Thâu-lan-giá.
Vật trong thuyền: Tùy theo trong thuyền có những vật gì, Tỳ-kheo với ý niệm ta sẽ trộm lấy vật ấy, lấy được, phạm Ba-la-di.
Ao: Tất cả các vũng, các hồ chứa nước đều gọi là ao, Tỳ-kheo với ý niệm ta sẽ trộm ao này. Khởi tâm, tạo phương tiện đều phạm Độtkiết-la. Đóng nọc, lấy vồ nện xuống đều phạm Ba-dật-đề. Dùng dây đo để tranh cho được trị giá năm tiền phạm Ba-la-di, dưới năm tiền phạm Thâu-lan-giá.
Vật trong ao: Tùy theo trong ao có sản xuất thứ gì, Tỳ-kheo với tâm niệm ta sẽ lấy trộm vật ấy, lấy được, phạm Ba-la-di.
Gởi: Người đem gởi vật cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo với tâm niệm trộm không trả vật, tâm người chủ coi như mất rồi, trị giá năm tiền phạm Bala-di, dưới năm tiền phạm Thâu-lan-giá.
Trả: Tỳ-kheo nhận vật của người khác gởi, với tâm trộm không trả lại cho người kia, trị giá năm tiền phạm Ba-la-di, dưới năm tiền phạm Thâu-lan-giá.
Ngăn đường: Tỳ-kheo vì giặc ngăn đường không cho người khác đến.
Rình đường: Rình mò thấy người báo với giặc.
Chỉ chỗ: Tỳ-kheo chỉ cho giặc đường đi chỗ đến.
Dẫn đường: Tỳ-kheo dẫn đường cho giặc.
Dạy cách lấy: Tỳ-kheo dạy cho giặc phương pháp lấy trộm.
Cùng lấy: Tỳ-kheo cùng giặc lấy trộm đồ.
Không nộp thuế: Tỳ-kheo nên nộp thuế mà không nộp.
Như các trường hợp trên, lấy vật trị giá năm tiền phạm Ba-ladi, dưới năm tiền phạm Thâu-lan-giá. Nếu vật của người không cho mà lấy từ năm tiền trở lên, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phạm Ba-la-di. Thứcxoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm Đột-kiết-la đuổi ra khỏi chùa. Vật của phi nhân không cho mà lấy, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phạm Thâu-lan-giá. Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di ni phạm Đột-kiết-la. Vật của súc sinh không cho mà lấy đều phạm Đột-kiết-la.
Bốn trường hợp lấy trọng vật của người mà không phạm:
- Tưởng của mình lấy.
- Tạm lấy.
- Đồng ý lấy.
- Không có tâm trộm lấy.
Xong giới thứ hai.