LUẬN THẬP ĐỊA KINH
Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân
Hán dịch: Đời Hậu Ngụy, Tam Tạng Pháp sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 7
Địa 5: ĐỊA NAN THẮNG
Luận: Trong địa này, phân biệt có ba phần:
- Thắng do đối trị mạn.
- Thắng do hành đạo không trú.
- Thắng của quả ấy.
Thế nào là thắng do đối trị mạn?
Kinh: “Bấy giờ, Bồ-tát Kim Cang Tạng nói: Này các Phật tử! Nếu Bồ-tát đạt được Địa thứ tư của bậc Bồ-tát, khéo thực hiện đủ các hành rồi, muốn bước vào Địa thứ năm cho nên dùng mười loại tâm thanh tịnh, sâu xa, bình đẳng để hội nhập nơi địa ấy. Những gì là mười? Đó là:
1. Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với pháp Phật quá khứ.
2. Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với pháp Phật vị lai.
3. Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với pháp Phật hiện tại.
4. Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với giới tịnh.
5. Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với tâm tịnh.
6. Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với việc dứt trừ kiến-nghi-hối, đạt thanh tịnh.
7. Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với trí đạo phi đạo thanh tịnh.
8. Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với trí hành đoạn thanh tịnh.
9. Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với việc lượng xét về tất cả pháp phần Bồ-đề thanh tịnh tối thượng.
10. Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với việc hóa độ tất cả chúng sinh đạt thanh tịnh.
Này các Phật tử! Bồ-tát dùng mười loại tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng ấy cho nên có thể đi vào Địa thứ năm của bậc Bồ-tát”.
Luận:
Đối trị mạn thắng; tức là mười loại tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng, cùng niệm về tâm không thối chuyển. Trước đã nói về việc đối trị mạn với lãnh hội pháp. Nay trong địa này nói về đối trị mạn nơi phân biệt thanh tịnh. Trong đó:
– Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng; là ở trong sự bình đẳng, tâm được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh sâu xa ấy phân biệt có mười loại.
– Mười loại tâm thanh tịnh sâu xa; là pháp của chư Phật cùng sự tùy thuận nơi pháp của chư Phật. Sự phân biệt ấy, nên biết.
Thế nào là pháp của chư Phật? Tức là diệu lực… của ba đời, như kinh nói: “Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với pháp Phật quá khứ-vị lai-hiện tại”. Như vậy, diệu lực của pháp Phật nơi ba đời đã nêu bày.
Tiếp theo là nói về sự tuỳ thuận với pháp của chư Phật.
Pháp của chư Phật kia do đâu mà được thành? Tức là dựa vào giớiđịnh-trí cùng việc hóa độ chúng sinh, trong ấy: Dựa vào giới thanh tịnh. Như kinh nói: “Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với giới thanh tịnh”.
Dựa vào định thanh tịnh. Như kinh nói: “Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với tâm định”.
Dựa vào trí thanh tịnh. Như kinh nói: “Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với việc dứt trừ kiến-nghi-hối-đạt thanh tịnh…”.
Ở đây: Trí hành đoạn; là lượng xét về tất cả pháp phần Bồ-đề chuyển sang thù thắng tối thượng, dựa vào sự giáo hóa chúng sinh. Như kinh nói: “Tâm thanh tịnh sâu xa bình đẳng với việc hóa độ tất cả chúng sinh đạt thanh tịnh”.
Kinh: “Này các Phật tử! Bồ-tát ấy an trú nơi Địa thứ năm của bậc Bồ-tát rồi, khéo tu hành pháp phần Bồ-đề, khéo thành tựu tâm thanh tịnh sâu xa, chuyên cầu đạt hành thượng thắng, tùy thuận hành như đạo, đạt nguyện lực lớn, do tâm từ bi, không xả bỏ tất cả chúng sinh, tu tập hành công đức trí tuệ, các hành không ngừng nghỉ, dấy khởi phương tiện thiện xảo, soi chiếu, thấy rõ địa tối thượng, chính thức thọ nhận sự gia hộ của Như Lai, đạt được trí lực niệm ý khứ, thành tựu tâm không thối chuyển”.
Luận: Trong đoạn này:
– “Khéo tu hành pháp phần Bồ-đề”, cho đến “Tùy thuận hành như đạo”; đều là chính thức tu tập các hành.
– Khéo tu hành pháp phần Bồ-đề; trong Địa thứ tư của bậc Bồ-tát tu tập pháp phần Bồ-đề, khéo đạt tâm sâu xa thanh tịnh. Còn tâm thanh tịnh sâu xa kia thì cùng cầu đạt hạnh thù thắng. Như vậy mà hành đạo không trú, hơn hẳn để phá trừ các mạn.
– Tùy thuận hành như đạo; là tâm thanh tịnh sâu xa, tâm không thối chuyển, trong sự bình đẳng kia hiện bày thành tựu, tùy theo sự bình đẳng ấy, trú nơi pháp thanh tịnh. Như vậy, tâm sâu xa của Bồ-tát an trú gọi là tùy thuận hành như đạo.
Tùy thuận hành như đạo, có tám loại:
1. Tu tập tâm Bồ-đề. Như kinh nói: “Đạt được nguyện lực lớn”.
2. Không mệt mỏi. Như kinh nói: “Do tâm Từ Bi cho nên không xả bỏ tất cả chúng sinh”.
3. Đạt được diệu lực của căn thiện. Như kinh nói: “Tu tập hạnh công đức, trí tuệ”.
4. Không bỏ các hành. Như kinh nói: “Các hành không ngừng nghỉ”.
5. Tu hành chân chánh. Như kinh nói: “Phát khởi phương tiện thiện xảo”.
6. Không chán đủ. Như kinh nói: “Soi chiếu thấy rõ địa tối thượng”.
7. Đạt được lực thù thắng của kẻ khác. Như kinh nói: “Chính thức thọ nhận sự gia hộ của Như Lai”.
8. Tự thân đạt được diệu lực thù thắng, niệm thù thắng của ba tuệ. Như kinh nói: “Đạt được trí lực niệm ý khứ, thành tựu tâm không thối chuyển”. Khứ là quán tu tuệ, có nghĩa là không bị chướng ngại.
Thế nào là sự thù thắng của hành đạo không trú? Thù thắng của hành đạo không trú có hai loại quán:
1. Thù thắng của trí thanh tịnh trong pháp đã được nhận biết.
2. Thù thắng của phương tiện siêng năng làm lợi ích cho chúng sinh.
Do hai pháp ấy, cho nên không trú nơi thế gian, không trú nơi Niết-bàn. Thế nào là sự thù thắng của trí thanh tịnh trong pháp đã được nhận biết?
Kinh: “Bồ-tát ấy nhận biết đúng như thật về: Khổ Thánh đế, Khổ Tập đế, Khổ Diệt đế. Nhận biết đúng như thật về Đạo Thánh đế diệt trừ hết mọi khổ. Bồ-tát ấy, khéo nhận biết về thế gian đế, khéo nhận biết về Đệ nhất nghĩa đế, khéo nhận biết về:
- Đế tướng.
- Đế sai biệt.
- Đế thuyết thành.
- Đế sự.
- Đế sinh.
- Đế tận vô sinh trí.
- Đế khiến nhập đạo trí.
- Đế thứ tự thành tựu tất cả địa của bậc Bồ-tát.
- Đế tập Như Lai trí.
Bồ-tát này thuận theo tâm ý của chúng sinh khiến họ hoan hỷ. Khéo nhận biết về thế gian đế, cho nên thông đạt về một tướng của tất cả pháp. Khéo nhận biết về đế đệ nhất nghĩa, cho nên biết rõ tự tướng, đồng tướng của pháp. Khéo nhận biết về đế tướng, cho nên biết rõ chỗ sai biệt của các pháp. Khéo nhận biết về đế sai biệt, cho nên biết phân biệt về ấm-giới-nhập. Khéo nhận biết về đế thuyết thành, cho nên biết rõ về thân tâm khổ não. Khéo nhận biết về đế sự, cho nên biết rõ về các nẻo sinh tương tục. Khéo nhận biết về đế sinh cho nên diệt trừ hoàn toàn mọi thứ nhiệt não. Khéo nhận biết về đế tận vô sinh trí cho nên phát khởi hành bất nhị. Khéo nhận biết về đế khiến nhập đạo trí, cho nên biết đúng đắn về tướng của tất cả các pháp. Khéo nhận biết về đế thứ tự thành tựu hết thảy địa của bậc Bồ-tát, và khéo nhận biết về đế tập Như Lai trí, do diệu lực tin hiểu, cho nên biết rõ chỗ nhận thức của trí phi đắc nhất thiết cứu cánh”.
Luận:
Sự thù thắng của trí thanh tịnh trong pháp đã được nhận biết, có hai loại:
1. Phân biệt pháp thật, nhận biết đúng như thật về bốn đế. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, nhận biết đúng như thật về Khổ Thánh đế”.
2. Chỗ sai biệt của phương tiện hóa độ chúng sinh, dựa vào trí phương tiện sai biệt của mười đế. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy khéo nhận biết về thế gian đế, cho đến: “Cùng khéo nhận biết về đế tập Như Lai trí”. Trong ấy:
– Phân biệt pháp thật: tức là dù có Phật hay không có Phật, thì hai đế khổ-tập với quả nhân sai biệt, Thể của chúng là vọng tưởng cấu nhiễm. Hai đế diệt-đạo với quả nhân sai biệt, Thể của chúng là pháp thanh tịnh.
– Chỗ sai biệt của phương tiện hóa độ chúng sinh; là sự sai biệt của chúng sinh được hóa độ. Phương tiện sai biệt cho nên nhận biết! Chúng sinh nơi đối tượng được hóa độ có bảy loại. Hàng Tiểu thừa có thể hóa độ có sáu loại:
1. Vì chúng sinh căn cơ chưa thuần thục, cho nên biết rõ phương tiện của thế gian đế.
2. Vì chúng sinh căn cơ thuần thục, cho nên biết rõ phương tiện của đế đệ nhất nghĩa.
3. Vì các chúng sinh nghi hoặc đối với pháp thâm diệu, cho nên biết rõ phương tiện của đế tướng.
4. Vì các chúng sinh hiểu sai lạc, mê lầm đối với pháp thâm diệu cho nên biết rõ phương tiện của đế sai biệt.
5. Vì các chúng sinh lìa chánh niệm, cho nên biết rõ phương tiện của đế thuyết thành.
6. Vì các chúng sinh có chánh kiến cho nên nhận biết phương tiện của đế sự, nhận biết phương tiện của đế sinh, đế tận vô sinh trí, đế khiến nhập đạo trí.
Bốn đế như đế sự… là thuộc về khổ đế…
1. Là hàng Đại thừa có thể hóa độ chúng sinh, cho nên khéo nhận biết phương tiện của đế thứ tự thành tựu tất cả địa của bậc Bồ-tát, và khéo nhận biết về phương tiện của đế tập Như Lai trí. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, tùy thuận tâm ý của chúng sinh, khiến họ hoan hỷ, khéo nhận biết về thế gian đế…”. Trong đoạn này:
– Thứ tự của địa Bồ-tát là khoảng giữa của từng địa, như từ địa của mình thứ tự mà hội nhập, thuận theo biết tất cả sinh xứ, thân tâm thọ nhận khổ não.
Khổ: tức là mọi sự thọ nhận hiện có đều là sự khổ.
– Phát khởi hành bất nhị; tức là một hành.
– Nhận biết đúng đắn về tất cả các tướng: là xứ luận của năm minh đều khéo léo nhận biết, là lực dụng của tin, hiểu.
– Nhận biết: là trí lực của quán xét hình tượng trong gương, trí lực của sự quán xét không thành tựu.
Như vậy là đã nói xong phần thù thắng của trí thanh tịnh trong pháp đã được nhận biết.
Thế nào là thù thắng của phương tiện siêng năng làm lợi ích cho chúng sinh? Do nhận biết tướng hư vọng của tất cả pháp hữu vi, cho nên dấy khởi niệm thương xót chúng sinh.
Kinh: “Bồ-tát ấy đã khéo phát khởi trí của các đế như vậy rồi, nhận biết đúng như thật về tất cả hành hữu vi đều là hư vọng, dối gạt, làm mê hoặc hàng phàm phu. Bồ-tát bấy giờ, lại ở giữa chúng sinh, tâm Đại Bi chuyển sang trội bật, luôn hiện tiền cùng phát khởi tâm Đại Từ sáng tỏ”.
Luận:
– “Bồ-tát ấy đã khéo phát khởi trí của các Đế như vậy rồi”, cho đến “Cùng phát khởi tâm Đại Từ sáng tỏ”: Trong đó, vọng tưởng về thường… là vì chẳng giống với không hoàn toàn (vô) cho nên là hư. Luôn tạo ra các sự việc kiêu mạn, tưởng chấp về ngã, cho nên là vọng. Pháp thế gian hoàn toàn hư hoại cho nên là dối. Pháp thế gian lôi kéo, trói buộc hàng phàm phu ngu si cho nên là trá…
– Phàm phu: là dựa vào chấp giữ về thân mà dấy khởi ngã mạn.
– Đại Bi, Đại Từ: là thương xót chúng sinh.
Lợi ích thù thắng là chỉ rõ chỗ hơn so với địa trước về Bi, cho nên nói Đại Bi thù thắng hành đạo không trú. Thành tựu trí phương tiện để cứu độ chúng sinh, cho nên gọi là tâm Đại Từ sáng tỏ.
Kinh: “Bồ-tát ấy đạt được diệu lực của trí tuệ như vậy, không xả bỏ tất cả chúng sinh, luôn cầu đạt trí tuệ Phật. Quán xét đúng như thật về hết thảy hành hữu vi, đối với thời gian trước-thời gian sau nhận biết các chúng sinh từ thời gian trước bởi vì vô minh-hữu ái mà sinh, lưu chuyển trong thế gian, quay về ngôi nhà năm ấm, không thể hành động tự tại mà khổ ấm càng tăng trưởng. Trong đó, không có ngã, không có thọ mạng, không có chúng sinh, lìa ngã, ngã sở, Bồ-tát đều nhận biết đúng như thật. Thời gian sau cũng như vậy. Ở đây, không thật có mà do tham chấp hư vọng về phần đoạn, tất cả đều sinh ra có không, Bồ-tát đều nhận biết đúng như thật”.
Luận:
– Bồ-tát ấy đạt được diệu lực của trí tuệ như vậy: tức là như trước đã nêu.
– Không xả bỏ tất cả chúng sinh: tức là tâm Đại Bi, Đại Từ sáng tỏ cũng như trước đã nói.
– Cầu đạt trí tuệ Phật: là nghĩa về cứu độ tất cả chúng sinh.
– Quán xét đúng như thật về hết thảy hành hữu vi đối với thời gian trước-sau: tức là tùy theo quán Đại Bi kia chỉ rõ hai loại tướng:
1. Quán như thật về nhân duyên của khổ là tập. Như kinh nói: “Nhận biết các chúng sinh, từ thời gian trước bởi vì vô minh-hữu ái mà sinh…”. Ở đây, từ thời gian trước bởi vì vô minh-hữu ái mà sinh”; tức là hiển bày về phàm phu sinh chứ không phải là Bồ-tát sinh. Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo để sinh. Vì sao không nói các phần nhân duyên khác? Vì vô minh, hữu ái là gốc rễ của phần Hữu.
Phàm phu sinh, tức là nói có ba loại chúng sinh: Chúng sinh cầu dục, chúng sinh cầu phạm hạnh không thật, chúng sinh cầu hữu. Cho đến dựa vào cõi trời Hữu Đảnh thì nỗi khổ của năm ấm cũng là vô ngã, trong ấy, tự thân vô ngã và vô ngã của chúng sinh thuộc đệ nhất nghĩa, cho nên là không có. Nhưng vô ngã của chúng sinh là dựa vào sức của mạng căn mà trú, luôn luôn thọ sinh, thân tâm của chúng sinh tương tục, không phải thường, không phải đoạn, mà cho là có thọ mạng và có chúng sinh. Phá trừ ý chấp giữ kiêu mạn kia, cho nên nói là không có thọ mạng-không có chúng sinh. Xa lìa ý ngã mạn của chủ thể chấp giữ, đối tượng chấp giữ, cho nên gọi là lìa ngã và ngã sở. Đối với thời gian trước, do nhân duyên gì mà tùy theo chúng sinh hiện có, tuỳ theo hành khổ hiện có? Bồ-tát quán xét đúng đắn rồi, đối với thời gian sau cũng như vậy. Tùy theo nhân của khổ kia là vô minh-ái dứt hẳn, đó gọi là diệt, hơn hẳn diệt của thế gian. “Ra khỏi” là đạo. “Không” cũng nhận biết đúng như thật. “Có” cũng nhận biết đúng như thật. Đó gọi là một thứ Đại Bi quán đúng đắn về nhân duyên tập, nhớ nghĩ đúng như thật về khổ.
2. Tiếp theo là nói đến Đại Bi thứ hai: Quán đúng đắn về các khổ sâu nặng mãi đeo đuổi nơi vô lượng đời cùng các loại khổ.
Kinh: “Bấy giờ, Bồ-tát suy nghĩ: Các kẻ phàm phu ấy thật hết sức kỳ dị. Ngu si, không có trí cho nên thọ nhận vô lượng vô biên A-tăng-kỳ thân, đã diệt, đang diệt và sẽ diệt. Luôn diệt như vậy, nhưng không thể đối với thân sinh tưởng chán lìa, lại càng làm tăng trưởng những yếu tố chính nơi thân khổ, luôn bị cuốn trôi theo dòng chảy của thế gian mà không thể lội ngược lại, chỉ quay về ngôi nhà năm ấm chứ không sao lìa bỏ được, chẳng sợ rắn độc bốn đại, không sao nhổ bỏ mũi tên kiến chấp-ngã mạn, không thể diệt trừ lửa tham sân si, không thể phá bỏ được vùng vô minh tối tăm, không thể làm khô cạn dòng sông lớn của ái chấp, không cầu đạt mười lực của bậc Đại Thánh-bậc Đạo sư, thường đi vào rừng rậm của ý ma, ở trong biển sinh tử luôn bị các thứ giác quán xấu ác xoay chuyển”.
Luận:
Đại Bi, quán xét đúng đắn về các khổ sâu nặng: là trong vô lượng đời luôn bị cuốn theo đủ thứ khổ.
Có vô lượng vô biên A-tăng-kỳ thân diệt: là bị cuốn theo trong vô lượng đời.
Thế nào là quán xét về vô số thứ khổ? Như quán về sinh khổ, nhân của khổ ấy, lìa nhân khổ kia là diệt, đạo. Cũng vậy, quán về già-bệnhchết khổ, nhân của khổ kia, lìa nhân khổ là diệt, đạo. Nơi đoạn này:
– Thân ấy dựa vào nhân duyên, có đủ yếu tố chính về thân khổ; là chỉ rõ về sinh khổ.
– Thường bị cuốn trôi theo dòng chảy của thế gian mà không thể lội ngược lại; là chỉ rõ về ái của tập (nguyên nhân).
– Quay về nơi ngôi nhà năm ấm chứ không sao lìa bỏ được: là chỉ rõ về diệt, đạo, lìa nhân khổ.
– Không sợ rắn độc bốn đại: là bệnh khổ nơi nhân kia phát sinh tăng-giảm.
– Chúng sinh cầu phạm hạnh hư vọng, chúng sinh cầu dục, thọ nhận dục, hành hạnh ác, chúng sinh cầu hữu: Tức là chỉ rõ không thể nhổ bỏ mũi tên kiến chấp-ngã mạn. Không thể diệt trừ lửa tham sân si, không thể phá bỏ vùng vô minh tối tăm, không thể làm khô cạn dòng sông lớn của ái chấp. Thứ tự như vậy, chỉ rõ về nguyên nhận của khổ kia cầu hướng tới nơi chốn vô úy.
– Không cầu đạt mười lực của bậc Đại Thánh-bậc Đạo sư: là chỉ rõ việc xa lìa sự diệt khổ kia.-
– Luôn đi vào rừng rậm của ý ma: là chỉ rõ việc thuận theo đạo ác, xa lìa đạo diệt khổ kia.
– Ở trong biển sinh tử luôn bị các thứ giác quán xấu ác xoay chuyển, tức là tướng của tất cả tâm, tâm số pháp nơi ba cõi đều là phân biệt hư vọng, cho nên biết.
Kinh: “Bồ-tát thấy rõ các chúng sinh kia thọ nhận khổ não như vậy, cô độc không ai cứu độ, không nơi nương dựa, không có nhà cửa, không có bến bãi, không có nẻo cứu cánh, mù lòa không mắt, bị màng tối vô minh che chắn trói buộc, ngu si trùm phủ. Vì các chúng sinh ấy, Bồ-tát phát tâm như vậy: Chỉ mỗi mình ta đơn độc không bè bạn sánh cùng, tu tập công đức trí tuệ trợ đạo, dùng công đức trí tuệ trợ đạo ấy làm hành trang, khiến cho hết thảy chúng sinh được an trú nơi chốn thanh tịnh trọn vẹn, cho đến khiến họ đạt được mười lực và trí hoàn toàn không chướng ngại của Phật”.
Luận:
– Các chúng sinh thọ nhận khổ não như vậy. Như trước đã nói.
– Cô độc: tức là ở trong khổ não không ai cứu vớt. Lại nữa, cô độc là đối với việc đã thọ nhận khổ, chưa thọ nhận khổ mà nói.
– Không người cứu độ, không nơi nương dựa: là xa lìa thiện tri thức.
– Không có nhà cửa: tức là lìa việc được nghe chánh pháp.
– Không có bến bãi: là lìa bỏ tư duy tịch tĩnh.-
– Không nẻo cứu cánh: là lìa bỏ chánh kiến.
– Mù lòa không mắt: tức là chỉ cho chướng ngại nơi các phiền não vốn có cùng với phiền não của khách trần, luôn khởi tà niệm, không nghe chánh pháp.
– Bị màng tối vô minh che chắn, trói buộc, ngu si trùm phủ, chỉ mỗi mình ta, đơn độc không bạn bè cùng sánh. Hiển bày sự việc dũng mãnh, thù thắng.
– Tu tập công đức, trí tuệ trợ đạo: là làm sáng tỏ việc tu hành tăng trưởng, dựa vào đó để giáo hóa chúng sinh, làm nhân của hàng trời, người, cho đến nhân của Niết-bàn.
– Thanh tịnh trọn vẹn: là sự thanh tịnh hơn hẳn thế gian.
– Đạt được mười lực của Phật: là hàng phục các thứ ma oán.
– Trí hoàn toàn không chướng ngại; là trí thanh tịnh của Phật hơn hẳn hàng Nhị thừa.
Kinh: “Bồ-tát khéo quán xét như vậy, khởi diệu lực của trí tuệ mà tu các thiện pháp, phát nguyện vì cứu độ tất cả chúng sinh, vì làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh, vì đem lại an lạc cho mọi chúng sinh, thương xót nhớ nghĩ đến muôn loài, vì khiến cho họ không còn khổ não, khiến họ đạt được giải thoát, vì thâu nhiếp dẫn dắt hết thảy chúng sinh, vì khiến cho tâm của tất cả chúng sinh được thanh tịnh, vì điều phục hết thảy các loài, cho nên Bồ-tát phát nguyện hóa độ khiến họ hội nhập nơi Đại Niết-bàn”.
Luận: Trong đoạn này:
Khéo quán xét-khởi diệu lực của trí tuệ; là dùng trí quan sát đúng đắn để điều phục dẫn dắt chúng sinh.
Đều vì cứu độ tất cả chúng sinh; tức là nhổ sạch mọi thứ khổ não.
Cứu độ có chín loại:
1. Đối với chúng sinh trú trong bất thiện; khiến cho họ trú vào pháp thiện. Như kinh nói: “Vì tất cả chúng sinh mà làm lợi ích”.
2. Chúng sinh trú nơi pháp thiện; khiến cho họ đạt được quả an lạc. Như kinh nói: “Vì khiến cho hết thảy chúng sinh đạt được an lạc”.
3. Chúng sinh sống cảnh bần cùng thiếu thốn, thì ban cho họ tất cả vật dụng sinh sống. Như kinh nói: “Thương xót nhớ nghĩ đến hết thảy các loài”.
4. Chúng sinh bị bệnh khổ cùng các ngoại duyên não hại; đều khiến cho họ dứt trừ. Như kinh nói: “Vì khiến cho hết thảy chúng sinh không còn khổ não”.
5. Chúng sinh bị trói buộc nơi thế gian; khiến họ đều được lìa khỏi. Như kinh nói: “Vì khiến cho mọi chúng sinh đều được giải thoát”. Ở đây có bốn loại tướng.
6. Khiến các ngoại đạo tin hiểu chánh pháp. Như kinh nói: “Vì thâu nhiếp, dẫn dắt hết thảy chúng sinh”.
7. Chúng sinh nghi hoặc thì khiến họ khéo quyết định dứt trừ nghi. Như kinh nói: “Vì khiến cho tâm tất cả chúng sinh được thanh tịnh”.
8. Chúng sinh đã trú nơi quyết định; thì khuyến khích họ tụ tập ba Học. Như kinh nói: “Vì điều phục hết thảy các chúng sinh”.
9. Chúng sinh đã trú nơi ba Học; thì khiến cho họ đạt được Niếtbàn. Như kinh nói: “Phát nguyện vì tất cả chúng sinh khiến họ hội nhập nơi Đại Niết-bàn”.
Trong chín loại cứu khổ này thì hai câu đầu là cứu độ đời vị lai, các câu còn lại là cứu độ hiện tại và cũng cứu độ vị lai. Đó gọi là thù thắng do tu hành đạo không trú. (Phần hai)
Tiếp theo là nói về Quả của sự tu hành ấy (Phần ba). Có bốn loại tướng:
- Thù thắng do thâu nhiếp công đức.
- Thù thắng do tu tập, hành trì.
- Thù thắng do giáo hóa chúng sinh.
- Thù thắng do khởi trí tùy thuận thế gian.
Thế nào là thù thắng do thâu nhiếp công đức? Là thù thắng do thâu nhiếp Văn-Giới-Trí.
Kinh: “Bồ-tát ấy an trú nơi địa Nan thắng, là Địa thứ năm của bậc Bồ-tát rồi, được gọi là Niệm, vì không quên các pháp. Gọi là Ý vì trí tuệ khéo quyết định. Gọi là Khứ vì nhận biết thứ tự, ý nghĩa của kinh sách. Gọi là có Hổ thẹn vì tự giữ gìn và giữ gìn cho chúng sinh. Gọi là Tâm kiên cố vì không rời bỏ thực hành trì giới. Gọi là Giác vì khéo tư duy về xứ đúng và xứ không đúng. Gọi là Theo trí vì không tùy thuộc kẻ khác. Gọi là Theo tuệ vì khéo phân biệt về nghĩa đúng không đúng nơi chương câu của các pháp. Gọi là Đạt thần thông vì khéo tu tập thiền định. Gọi là Phương tiện thiện xảo vì tùy thuận hành pháp thế gian”.
Luận:
Thù thắng do thâu nhiếp Văn: là thù thắng do thâu nhiếp ba tuệ: Văn-Tư-Tu. Thế nào là thù thắng của tuệ? Như kinh nói: “Gọi là Niệm vì không quên các pháp. Gọi là Ý, vì trí tuệ khéo quyết định. Gọi là Khứ vì nhận biết thứ tự, ý nghĩa của kinh sách”. Ở đây, Niệm là thù thắng của Văn tuệ. Ý là thù thắng của Tư tuệ. Khứ là thù thắng của Tu tuệ.
Thứ tự của các câu ấy lại có cách giải thích khác:
Nghe và hành trì thù thắng cho nên gọi là Niệm. Pháp trí thâm diệu thù thắng cho nên gọi là Ý. Trí thâm diệu của ý thù thắng cho nên gọi là Khứ. Đây là lược nêu về hai loại thiện xảo: Pháp thiện xảo và nghĩa thiện xảo thành tựu.
– Thù thắng do thâu nhiếp Giới; có hai loại là nhẫn nhục nhu hòa và thù thắng do giới không thiếu sót. Như kinh nói: “Gọi là có Hổ thẹn vì tự giữ gìn và giữ gìn cho chúng sinh. Gọi là Tâm kiên cố vì không rời bỏ thực hành trì giới”.
– Thù thắng do thâu nhiếp Trí, có năm loại:
1. Trí nhân duyên tập, không có nhân của điên đảo và đối trị nhân của tà kiến. Như kinh nói: “Gọi là Giác, vì khéo tư duy về xứ đúng-xứ không đúng”.
2. Trí chứng đắc, đối trị ma sự. Như kinh nói: “Gọi là Theo trí vì không tùy thuộc kẻ khác”.
3. Trí nhận biết ngôn thuyết sai lạc và đối trị dị thuyết. Khéo nhận biết về câu nghĩa đúng, câu nghĩa không đúng, câu nghĩa xen tạp. Như kinh nói: “Gọi là Theo tuệ, vì khéo phân biệt nghĩa đúng-nghĩa không đúng nơi chương câu của các pháp”.
4. Trí thần lực, đối trị quy y tà vạy. Như kinh nói: “Gọi là Đạt thần thông vì khéo tu tập thiền định”.
5. Trí hóa độ chúng sinh, dùng phương tiện để thâu nhiếp. Như kinh nói: “Gọi là Phương tiện thiện xảo vì tùy thuận hành pháp thế gian”.
Đó gọi là thù thắng do thâu nhiếp công đức.
Thế nào là thù thắng do tu tập hành trì?
Kinh: “Gọi là Không chán đủ vì khéo tích tập công đức, hành trợ đạo. Gọi là Tinh tiến không ngừng nghỉ vì thường cầu đạt trí tuệ, hành trợ đạo. Gọi là Không mệt mỏi vì tích tập Đại Từ Bi, hành trợ đạo. Gọi là Thường niệm pháp Phật, vì luôn cầu đạt mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của Phật. Gọi là Khéo nhớ nghĩ tu hành vì khởi phát việc làm trang nghiêm cõi Phật. Gọi là Tu hành đầy đủ các loại nghiệp thiện vì tích tập ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Gọi là Thường hành tinh tiến vì luôn cầu thân, khẩu-ý Phật trang nghiêm. Gọi là Ưa thích cung kính đại pháp vì luôn thân cận cúng dường hết thảy chư Bồ-tát cùng Pháp sư. Gọi là Khéo dấy khởi nguyện tự tại vì có phương tiện lớn để khéo hội nhập thế gian. Gọi là Ngày đêm xa lìa tâm khác, vì thường ưa thích giáo hóa hết thảy chúng sinh”.
Luận: Ở đây, nêu sự thù thắng do tu hành có mười loại:
1. Hành tăng trưởng nhân. Như kinh nói: “Gọi là Không chán đủ vì khéo tích tập công đức, hành trợ đạo”.
2. Hành nương vào nhân. Như kinh nói: “Gọi là Tinh tiến không ngừng nghỉ vì luôn cầu đạt trí tuệ, hành trợ đạo”.
3. Hành hóa độ chúng sinh không hề mệt mỏi. Như kinh nói: “Gọi là Không mệt mỏi vì tích tập Đại Từ Bi, hành trợ đạo”.
4. Hành hưng khởi pháp Phật. Như kinh nói: “Gọi là thường niệm pháp Phật vì dốc cầu đạt mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng của Phật”.
5. Hành phát khởi việc làm thanh tịnh cõi Phật. Như kinh nói: “Gọi là Khéo nhớ nghĩ tu hành, vì khởi phát việc làm thanh tịnh cõi Phật”. Thế nào là trang nghiêm? Tức là chúng sinh trú nơi cõi đó không có phiền não cấu uế, đạt trí tuệ kiên cố, cùng pháp Phật luôn trang nghiêm.
6. Hành dựa vào pháp Phật để phát khởi. Như kinh nói: “Gọi là Tu hành đầy đủ các loại nghiệp thiện, vì tích tập ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp”.
7. Hành dựa vào nẻo hành hóa của Phật để phát khởi. Như kinh nói: “Thường hành tinh tiến vì luôn cầu thân- khẩu-ý Phật trang nghiêm”.
8. Hành kính trọng pháp. Như kinh nói: “Ưa thích cung kính đại pháp vì luôn thân cận cúng dường hết thảy chư Bồ-tát và Pháp sư”.
9. Hành nguyện đạt được đầy đủ. Như kinh nói: “Gọi là Khéo dấy khởi nguyện tự tại vì có phương tiện lớn để khéo hội nhập thế gian”.
10. Hành lìa bỏ tâm Tiểu thừa. Như kinh nói: “Gọi là Ngày đêm xa lìa tâm khác vì thường ưa thích giáo hóa hết thảy chúng sinh”.
Đó gọi là sự thù thắng do tu hành.
Thế nào là thù thắng do giáo hóa chúng sinh?
Kinh: “Bồ-tát ấy, khi thành tựu hành như vậy, dùng bố thí để giáo hóa chúng sinh. Lại dùng ái ngữ-lợi hành-đồng sự để giáo hóa chúng sinh. Lại dùng việc thị hiện sắc thân để giáo hóa chúng sinh. Lại dùng việc thuyết pháp để giáo hóa chúng sinh. Lại thị hiện nhiều sự việc về thần không và hạnh của Bồ-tát để giáo hóa chúng sinh. Lại nói về đại sự của chư Phật để giáo hóa chúng sinh. Lại thị hiện sự xấu ác lỗi lầm của thế gian để giáo hóa chúng sinh. Lại nói về lợi ích nơi trí tuệ của chư Phật để giáo hóa chúng sinh. Lại hiện bày tướng trang nghiêm của đại thần thông, cũng giảng nói về vô số hành để giáo hóa chúng sinh. Bồ-tát ấy, giáo hóa chúng sinh như vậy, thành tựu phương tiện, thân tâm luôn hướng tới trí Phật mà không hề thối thất các hành của căn thiện, luôn siêng năng tu tập chuyển sang đạo thù thắng”.
Luận:
Ở đây, sự thù thắng do giáo hóa chúng sinh đã dùng bốn Nhiếp pháp để giáo hóa. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, khi thành tựu hành như vậy, dùng bố thí để giáo hóa chúng sinh…”.
– Vì đồng sự là tùy thuận chúng sinh, cho nên Bồ-tát ứng hóa tự tại. Như kinh nói: “Lại dùng viện thị hiện sắc thân để giáo hóa chúng sinh”.
– Vì các chúng sinh nghi hoặc, cho nên có thể thuyết pháp thành tựu. Như kinh nói: “Lại dùng việc thuyết pháp để giáo hóa chúng sinh”.
– Vì các chúng sinh không có phương tiện đối với Bồ-đề. Như kinh nói: “Lại thị hiện nhiều sự việc về thần thông và hạnh của Bồ-tát để giáo hóa chúng sinh”.
– Vì các chúng sinh đối với pháp Đại thừa tỏ ra mỏi mệt. Như kinh nói: “Lại nói về đại sự của chư Phật để giáo hóa chúng sinh”.
– Vì các chúng sinh ham thích nơi thế gian. Như kinh nói: “Lại thị hiện sự xấu ác lỗi lầm của thế gian để giáo hóa chúng sinh”.
– Vì các chúng sinh không tin pháp Đại thừa. Như kinh nói: “Lại nói về lợi ích nơi trí tuệ của chư Phật để giáo hóa chúng sinh”.
– Vì các chúng sinh không có trí tuệ; Bồ-tát hiện bày thần thông trang nghiêm, thị hiện vô số các hành, dùng một thân thị hiện vô lượng thân. Các sự việc như vậy đều khiến cho chúng sinh quyết định tin tưởng. Như kinh nói: “Lại hiện bày tướng trang nghiêm của đại thần thông, cũng giảng nói về vô số hành để giáo hóa chúng sinh”.
– Bồ-tát ấy, giáo hóa chúng sinh như vậy, thành tựu phương tiện: Như trước đã nói.
– Thân tâm luôn hướng tới trí Phật; là cầu đạt diệu lực thù thắng để giáo hóa chúng sinh.
– Nhưng các hành của căn thiện không hề thối thất; tức là tùy theo công đức-trí tuệ đã đạt được đều không thối thất.
– Luôn siêng năng tu tập chuyển sang đạo thù thắng; tức là mọi chỗ tu tập các hành đều muốn khiến cho tăng trưởng tốt đẹp.
Đó gọi là sự thù thắng do giáo hóa chúng sinh.
Thế nào là thù thắng do khởi trí tùy thuận thế gian, đối trị các thứ chướng-nhiễm?
Kinh: “Bồ-tát ấy, vì làm lợi ích cho chúng sinh, mà khéo nhận biết về mọi thứ hiện có nơi thế gian như sách vở-luận thuyết-in ấn-toán số, các luận như Thạch tánh… các phương thức chữa trị các bệnh, các thứ làm tổn hại chúng sinh. Bồ-tát thảy đều có thể chữa trị, tạo luận, kinh sách, các loại nhạc hay, các sự việc đem lại vui thích. Khéo nhận biết về đất nước, thành ấp, xóm làng, nhà cửa, sông suối, ao hồ, vườn hoa, lầu gác, thảo dược, rừng núi… các loại vật báu như vàng, bạc, lưu ly, ngọc báu ma ni, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não… với những tính chất của chúng. Khéo nhận biết về; mặt trời, mặt trăng, tinh tú, động đất, mộng tưởng lành dữ, với các tướng trạng ảnh hưởng tới thân mạng. Bồtát trì giới, hành xử thiền định, thần thông, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, tất cả những sự việc không gây não hại chúng sinh, có thể đem lại lợi ích, an lạc cho chúng sinh, vì thương xót chúng sinh cho nên hiện ra, dần dần khiến họ tin vào pháp Phật vô thượng”.
Luận:
Trí thuận theo thế gian; là đối trị chướng, nhiễm. Như kinh nói: “Bồ-tát này, vì làm lợi ích cho chúng sinh, mà khéo nhận biết về mọi thứ hiện có nơi thế gian như sách vở, luận thuyết…”.
Trong đó về sách vở có bốn loại chướng ngại cần đối trị:
1. Chướng ngại do quên đối với việc sử dụng là chọn lấy, trao cho, nhờ vào, giao phó, nghe pháp, nghĩ bàn, làm việc, không làm việc, việc đã làm, chưa làm, việc cho nên làm, không cho nên làm. Đối trị điều này cho nên viết sách.
2. Chướng ngại do trí yếu kém đối với tà kiến: Như dùng Nhân luận, Thanh luận. Đối trị hai loại này cho nên tạo Luận.
3. Chướng ngại do dùng vật không thể giữ gìn: Đối trị điều này cho nên có in ấn.
4. Chướng ngại do lấy-trao mà sinh nghi. Đối trị điều này cho nên có toán, số. Số như các phép cộng-trừ… Toán như một dọc mười ngang.
Các Luận như Thạch tánh… Đối trị chướng ngại do bần cùng.
Những phương thức chữa trị các bệnh; là đối trị chướng ngại các bệnh do bốn đại không điều hòa, chúng sinh bị tướng độc…
Mặt trời, mặt trăng, tinh tú… Trong đó, chỉ có tướng của mặt trờimặt trăng… là thấy được, vì mặt trời, mặt trăng… là thuộc về ánh sáng. Nhập là nhập vào tám loại quả nghiệp. Các thứ tướng trạng ảnh hưởng tới thân mạng; là hành của quả yêu thích và không yêu thích.
Trì giới, hành xử thiền định, thần thông… Thứ tự như vậy là vì đối trị các thứ cấu nhiễm do:
- Phá giới.
- Tham dục.
- Quy y theo nẻo tà.
- Hành sai lầm về công đức.
- Tu tập sai lạc về giải thoát.
Như kinh đã nêu.
Tạo luận, sách, nhạc hay, các sự việc đem lại vui thích… là đối trị chướng ngại do buồn sầu, khổ não.
Đất nước, thành ấp, cho đến thảo dược, rừng núi… Đây là đối trị chướng ngại do không vui thích.
Các thứ vật báu như vàng, bạc, lưu ly… Ở đây là đối trị chướng ngại do bị trói buộc, giam giữ.
Mặt trời, mặt trăng, tinh tú… Ở đây là đối trị chướng ngại do chỗ thọ nhận quả báo vì gây lỗi lầm, tạo nhân ác.
Trì giới, hành xử thiền định… là đối trị năm loại cấu nhiễm. Đó là cấu nhiễm do phá giới, cho đến cấu nhiễm do tu tập sai lạc về giải thoát.
Khởi trí thuận theo thế gian ấy có đủ bốn loại tướng:
1. Không có chướng ngại trong chướng khác. Như kinh nói: “Tất cả những sự việc không gây não hại cho chúng sinh”.
2. Ban sự an lạc không lỗi lầm. Như kinh nói: “Có thể đem lại lợi ích an lạc cho chúng sinh”.
3. Phát khởi thanh tịnh. Như kinh nói: “Thương xót chúng sinh cho nên hiện ra”.
4. Chỗ thọ dụng thanh tịnh. Như kinh nói: “Dần dần khiến họ tin vào pháp Phật vô thượng”.
Kinh: “Này các Phật tử! Bồ-tát ấy, an trú nơi địa Nan thắng của bậc Bồ-tát rồi, được thấy nhiều chư Phật. Do diệu lực của đại thần thông-đại nguyện, cho nên được thấy nhiều trăm Phật cho đến nhiều trăm ngàn na-do-tha Phật, nhiều ức Phật, cho đến nhiều trăm ngàn vạn ức na-do-tha Phật. Do diệu lực của đại thần thông-đại nguyện, Bồ-tát ấy khi gặp chư Phật, đều dùng tâm sâu xa, tối thượng mà cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, mọi thứ vật dụng cúng dường thảy đều phụng thí, dùng các vật dụng tạo an lạc thượng diệu của bậc Bồ-tát để cúng dường chúng Tăng, đem các căn thiện này, đều nguyện hồi hướng về đạo quả Bồđề Vô thượng, nơi trú xứ của chư Phật luôn khởi tâm cung kính tột bậc, hết lòng nghe pháp, nghe rồi thọ trì tùy sức tu hành, ở trong pháp Phật xuất gia, xuất gia rồi thì luôn có mặt nơi trú xứ của Phật, nghe nhận kinh pháp, làm vị pháp sư, thuyết pháp làm lợi ích, chuyển được pháp Đà-la-ni đa văn, thành tựu bậc pháp sư. Bấy giờ, Bồ-tát ấy, trú trong địa Nan thắng của bậc Bồ-tát, trải qua vô lượng trăm kiếp, các căn thiện kia càng trở cho nên thanh tịnh, sáng tỏ thù thắng. Trải qua vô lượng ngàn kiếp, cho đến vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp, các căn thiện kia càng chuyển sang, sáng sạch, thù diệu. Bồ-tát ấy đã thành tựu pháp giáo hóa chúng sinh như vậy. Này các Phật tử! Ví như vàng ròng từ ban đầu, dùng xa cừ để mài bóng thì màu sắc ánh sáng càng trở cho nên sáng đẹp hơn hết. Này các Phật tử! Bồ-tát này, trú nơi địa Nan thắng của bậc Bồ-tát, những căn thiện kia nhờ diệu lực của trí phương tiện suy xét, cho nên càng chuyển sang, trở cho nên sáng, sạch hơn hết. Căn thiện được trí tuệ kia suy xét đã thành tựu, không thối chuyển, cho nên càng thù thắng, căn thiện của địa dưới không thể sánh kịp.
Này các Phật tử! Ví như vầng sáng của mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cung điện của chư thiên, ánh sáng ấy đều thành tựu viên mãn, không bị hủy hoại, gió không thể lay động. Cũng vậy, Bồ-tát ấy, an trú trong địa Nan thắng của bậc Bồ-tát, các căn thiện kia, nhờ diệu lực của trí phương tiện suy xét, cho nên thành tựu không thối chuyển hết thảy căn thiện của thế gian, của hàng Nhị thừa đều không thể sánh kịp. Bồ-tát ấy, trong mười Ba-la-mật thì Thiền Ba-la-mật tăng thượng, các pháp Ba-la-mật khác không phải là không tu tập, nhưng tùy theo sức và tùy phần. Này các Phật tử! Đó gọi là lược nêu về địa Nan thắng, là Địa thứ năm của bậc Bồ-tát.
Bồ-tát an trú trong địa này, nhiều lần làm Thiên vương của cõi trời Đâu-suất-đà, mọi nẻo hành hóa đều tự tại, hàng phục các thứ tà kiến của hết thảy ngoại đạo, có thể khiến cho chúng sinh trú trong Thật đế, các nghiệp thiện đã làm như bố thí-ái ngữ-lợi hành-đồng sự, các phước đức ấy đều không lìa niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng, niệm Bồ-tát, niệm hành của Bồ-tát… cho đến không lìa niệm trí Nhất thiết chủng, trí Nhất thiết trí mà thường khởi tâm này: Mình nên ở trong tất cả chúng sinh, là người đứng đầu, là thù thắng, là lớn, là diệu, là vi diệu, là bậc trên, là vô thượng, là người dẫn dắt, là vị tướng, là bậc thầy, là bậc tôn quý, cho đến là chỗ dựa của trí Nhất thiết trí. Lại từ ý niệm này, phát khởi hành tinh tiến, nhờ diệu lực của tinh tiến, cho nên trong khoảng một niệm, đạt được ngàn ức Tam-muội, được thấy ngàn ức Phật … có thể khéo hội nhập ngàn ức pháp môn, có thể biến hóa thân thành ngàn ức thân, nơi mỗi mỗi thân có thể thị hiện ngàn ức Bồ-tát dùng làm quyến thuộc. Nếu dùng nguyện lực tự tại thù thắng, tối thượng, thì nguyện lực của Bồ-tát vượt hơn số lượng ấy. Thị hiện đủ các loại thần thông, hoặc nơi thân, hoặc ánh sáng, hoặc thần thông nơi mắt, hoặc nơi cảnh giới, hoặc âm thanh, hoặc hành hóa, hoặc trang nghiêm, hoặc gia hộ, hoặc tin tưởng, hoặc tạo nghiệp. Các thần thông biến hóa, cho đến trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp cũng không thể tính biết”.
Luận:
Đạt được Đà-la-ni đa văn càng trở cho nên thù thắng, thành tựu bậc Pháp sư: Không phải là đạt được nghĩa nơi Đà-la-ni, mà do tâm thanh tịnh bình đẳng hết sức khó đạt. Lại ưa thích trí xuất thế gian, hiện bày trí thế gian là vô cùng khó. Do đạt được Đà-la-ni văn và trì, cho nên ánh sáng của Trí – Địa này là chỉ rõ về “Sự chân như”. Như kinh nói: “Này các Phật tử! Ví như vàng ròng từ ban đầu… cho đến căn thiện của địa dưới không thể sánh kịp”.
Vầng sáng của mặt trời, mặt trăng; là dựa vào pháp thù thắng làm tăng trưởng ánh sáng của trí tuệ, hơn hẳn trí của địa trước. Như kinh nói: “Này các Phật tử! Ví như mặt trời, mặt trăng, tinh tú … cho đến căn thiện của thế gian đều không thể sánh kịp”.