LUẬN THẬP ĐỊA KINH
Tác giả: Bồ-tát Thiên Thân
Hán dịch: Đời Hậu Ngụy, Tam Tạng Pháp sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 12

Địa 10: ĐỊA PHÁP VÂN

Luận:

Bồ-tát ở trong chín địa đã làm thanh tịnh cõi Phật và giáo hóa chúng sinh. Trong Địa thứ mười là tu hành khiến cho trí giác viên mãn, đây là điều hơn hẳn. Trong địa này có tám phần sai biệt:

  1. Phần phương tiện tạo tác viên mãn của địa.
  2. Phần Tam-muội đầy đủ.
  3. Phần được tiếp nhận quả vị.
  4. Phần nhập đại tận.
  5. Phần giải thích tên gọi của địa.
  6. Phần diệu lực thần thông hữu thượng-vô thượng.
  7. Phần ảnh tượng của địa.
  8. Phần lợi ích của địa.

Thế nào là phần phương tiện tạo tác viên mãn nơi địa?

Kinh: “Bấy giờ, Bồ-tát Kim Cang Tạng nói: Này Phật tử! Nếu Bồ-tát đạt được trí vô lượng, trí khéo quán xét như vậy, cho đến trí khéo chọn lựa trong Địa thứ chín của bậc Bồ-tát, khéo hành đầy đủ pháp thanh tịnh, tích tập vô lượng pháp trợ đạo, khéo thâu nhiếp trí tuệ-đại công đức, hành rộng khắp theo tâm Đại Bi tăng thượng, nhận biết khắp về thế giới sai biệt, vào sâu vô số nẻo hành trong cảnh giới của chúng sinh, nhớ nghĩ và tùy thuận hội nhập trong cảnh giới hành của Như Lai, thâm nhập, hướng tới mười Lực-bốn Vô sở úy của Như Lai, mười tám pháp Bất cộng của Phật, gọi là đạt đến Trí nhất thiết chủng-Nhất thiết trí, tiếp nhận quả vị nơi địa”.

Luận:

Phần phương tiện tạo tác viên mãn của địa: tức là từ Địa thứ nhất đến Địa thứ chín với trí khéo lựa chọn về hành động, nên biết. Như kinh nói: “Phật tử! Nếu Bồ-tát đạt được trí vô lượng, trí khéo quán xét như vậy… cho đến; trí khéo lựa chọn trong Địa thứ chín của bậc Bồ-tát”.

Trí khéo lựa chọn này có bảy loại tướng:

1. Khéo tu hành: Có ba câu. Như kinh nói: “Khéo hành đầy đủ pháp thanh tịnh…”. Các câu ấy thứ tự cùng giải thích, nên biết.

2. Tùy thuận đủ khắp về tự lợi-lợi tha. Như kinh nói: “Hành rộng khắp theo tâm Đại Bi tăng thượng”.

3. Khiến cõi Phật thanh tịnh. Như kinh nói: “Nhận biết khắp về thế giới sai biệt”.

4. Giáo hóa chúng sinh. Như kinh nói: “Vào sâu vô số nẻo hành trong cảnh giới của chúng sinh”.

5. Khéo thông tỏ. Như kinh nói: “Nhớ nghĩ và tùy thuận hội nhập trong cảnh giới hành của Như lai”. Cảnh giới của Như lai, chính là pháp chân như

6. Không chán đủ. Như kinh nói: “Thâm nhập hướng tới mười Lực-bốn Vô sở úy của Như Lai, mười tám pháp Bất cộng của Phật…”.

7. Sự hội nhập tận cùng của địa. Như kinh nói: “Gọi là đạt đến trí Nhất thiết chủng Nhất thiết trí, tiếp nhận quả vị của địa”.

Như vậy đã nói về phần phương tiện tạo tác viên mãn của địa.

Thế nào là Phần chứng đắc Tam-muội đầy đủ?

Kinh: “Này Phật tử! Bồ-tát tùy thuận hành với trí như vậy, được tiến vào tiếp nhận quả vị của địa thì Bồ-tát đạt được Tam-muội, tên gọi Tam-muội Ly cấu luôn luôn hiện tiền, tên gọi Tam-muội Ly cấu của bậc Bồ-tát luôn hiện tiền, tên gọi Tam-muội Nhập pháp giới sai biệt, tên gọi Tam-muội Trang nghiêm đạo tràng, tên gọi Tam-muội Nhất thiết chủng hoa quang, tên gọi Tam-muội Hải tạng, tên gọi Tam-muội Hải thành tựu, tên gọi Tam-muội Hư không giới quảng, tên gọi Tammuội Thiện trạch nhất thiết pháp tánh, tên gọi Tam-muội Tùy nhất thiết chúng sinh tâm hành, tên gọi Tam-muội Hiện nhất thiết chư Phật hiện tiền trú Bồ-tát… tất cả đều hiện tiền. Mười A-tăng-kỳ trăm ngàn các môn Tam-muội thượng thủ như vậy, luôn hiện tiền. Bồ-tát ấy thảy đều hội nhập vào tất cả Tam-muội đó, khéo nhận biết về phương tiện của Tam-muội, cho đến nơi hành trì chánh thọ của Tam-muội. Bồ-tát này, cho đến mười A-tăng-kỳ trăm ngàn Tam-muội, Tam-muội cuối cùng đến gọi là Tam-muội Nhất thiết trí trí thọ thắng vị Bồ-tát luôn luôn hiện tiền”.

Luận:

– Chứng đắc Tam-muội đầy đủ: tức là Tam-muội Ly cấu… cùng với quyến thuộc hiện tiền.

– Tam-muội Ly cấu: là lìa cấu nhiễm của phiền não.

– Mà luôn hiện tiền: tức là không còn tăng thêm dụng công mà tự nhiên hiện tiền.

Tam-muội Ly cấu này lại có chín loại Tam-muội, lìa tám thứ cấu nhiễm, nên biết.

1. Hội nhập nẻo sâu kín không cấu nhiễm. Như kinh nói: “Tên gọi Tam-muội Nhập pháp giới sai biệt”.

2. Tiếp cận không cấu nhiễm. Như kinh nói: “Tên gọi Tam-muội Trang nghiêm đạo tràng”.

3. Phóng quang không cấu nhiễm. Như kinh nói: “Tên gọi Tammuội Nhất thiết chủng hoa quang”.

4. Đà-la-ni không cấu nhiễm. Như kinh nói: “Tên gọi Tam-muội Hải tạng”.

5. Khởi thần thông không cấu nhiễm. Như kinh nói: “Tên gọi Tammuội Hải thành tựu”.

9. Cõi Phật thanh tịnh, không cấu nhiễm; có hai câu nói về vô lượng chánh quán. Như kinh nói: “Tên gọi Tam-muội Hư không giới quảng. Tên gọi Tam-muội Thiện trạch nhất thiết pháp tánh”.

10. Hóa độ chúng sinh không cấu nhiễm. Như kinh nói: “Tên gọi Tam-muội Tùy nhất thiết chúng sinh tâm hành”.

11. Chánh giác không cấu nhiễm; khi thành tựu đạo quả Bồ-đề, hết thảy chư Phật lần lượt cùng hiện tiền, nhận biết. Như kinh nói: “Tên gọi Tam-muội Hiện nhất thiết chư Phật hiện tiền trú Bồ-tát, mà luôn hiện tiền”.

– Cho đến tên gọi Tam-muội Nhất thiết trí trí thọ thắng vị Bồ-tát, mà luôn hiện tiền: tức là trí Nhất thiết trí không phân biệt, trí Nhất thiết trí bình đẳng tiếp nhận quả vị.

– Khéo nhận biết về phương tiện của Tam-muội, cho đến nơi hành trì chánh thọ của Tam-muội: tức là chỉ rõ việc hành trì đầy đủ các sự việc của Tam-muội.

Như vậy đã nói xong phần chứng đắc Tam-muội đầy đủ.

Thế nào là phần được tiếp nhận quả vị?

Kinh: “Khi các Tam-muội này hiện tiền, liền có Hoa sen chúa báu lớn xuất hiện, chu vi bằng mười A-tăng-kỳ trăm ngàn Tam thiên đại thiên thế giới, hết thảy các thứ báu đều đan xen để trang nghiêm, hơn hẳn hết thảy mọi cảnh giới của tất cả thế gian, sinh ra từ căn thiện của xuất thế gian, thành tựu từ cảnh giới của hành các pháp với tánh như huyễn, ánh sáng tỏa chiếu khắp hết thảy pháp giới, vượt quá mọi cảnh giới hiện có của chư Thiên. Ma ni báu đại lưu ly làm thân, chiên đàn vương không thể lường tính làm đài, báu đại mã não làm nhị, vàng Diêm-phù-đàn làm cánh hoa, thân hoa có vô lượng ánh sáng. Tất cả các thứ báu đan xen bên trong, vô lượng màng lưới báu giăng phủ khắp phía trên, dùng số lượng hoa sen nhiều như số vi trần đầy trong mười Tam thiên đại thiên thế giới làm quyến thuộc.

Thành tựu đầy đủ các tướng như vậy rồi, bấy giờ thân tướng của Bồ-tát thù thắng vi diệu tương xứng với tai họa. Bồ-tát ấy, đạt được diệu lực của Tam-muội Nhất thiết trí trí thọ thắng vị, ngay lập tức thân an tọa ở trên tòa hoa sen chúa báu lớn. Lúc Bồ-tát này an tọa ở trên tòa hoa sen chúa báu lớn, bấy giờ trên các tòa hoa sen quyến thuộc của hoa sen chúa báu lớn đều có Bồ-tát, mỗi một Bồ-tát đều an tọa trên tòa hoa sen, vây quanh Bồ-tát ấy. Tất cả Bồ-tát đều đạt được mười-mười trăm ngàn Tam-muội, đều nhất tâm cung kính chiêm ngưỡng vị Đại Bồ-tát.” Luận:

Được tiếp nhận quả vị; tức là tùy theo những tòa thế nào, tùy theo thân lượng thế nào, tùy theo những quyến thuộc nào, tùy theo những hình tướng nào, tùy theo nơi chốn xuất hiện thế nào, tùy theo quả vị đã đạt được. Tùy theo thuyết giảng như vậy, có sáu sự việc, nên biết.

Ở đây, tòa xứ (Nơi chốn của tòa ngồi) có mười loại tướng:

1. Tướng sinh khởi. Như kinh nói: “Khi các Tam-muội này hiện tiền, liền có hoa sen chúa báu lớn xuất hiện”.

2. Tướng dung lượng. Như kinh nói: “Chu vi bằng mười A-tăng-kỳ trăm ngàn Tam thiên đại thiên thế giới”.

3. Tướng thù thắng. Như kinh nói: “Hết thảy các thứ báu đều đan xen để trang nghiêm”.

4. Tướng của địa. Như kinh nói: “Hơn hẳn hết thảy mọi cảnh của tất cả thế gian”.

5. Tướng nhân. Như kinh nói: “Sinh ra từ căn thiện của xuất thế gian”.

6. Tướng hành. Như kinh nói: “Thành tựu từ cảnh giới của hành các pháp với tánh như huyễn.”

7. Tướng Đệ nhất nghĩa. Như kinh nói: “Ánh sáng tỏa chiếu khắp tất cả pháp giới. “Do khéo tỏa chiếu cho nên gọi là chánh quán”.

8. Tướng công đức; hơn hẳn hết thảy chư Thiên. Như kinh nói:

“Vượt quá mọi cảnh giới hiện có của chư Thiên”.

9. Tướng thể: tức là thân, đài hoa… Như kinh nói: “Báu ma ni đại lưu ly làm thân…”.

10. Tướng trang nghiêm đầy đủ. Như kinh nói: “Thân hoa có vô lượng ánh sáng…”.

Tùy theo thân lượng thế nào; tức là thân tương xứng với tòa hoa. Như kinh nói: “Bấy giờ, thân tướng của Bồ-tát…”.

Tùy theo những quyến thuộc nào. Nơi tòa ngồi này, có các tòa quyến thuộc của Hoa sen chúa báu lớn, với các Bồ-tát quyến thuộc trú ở trong ấy. Bấy giờ trên các tòa hoa sen quyến thuộc…”.

Kinh: “Bồ-tát ấy, bước lên tòa hoa sen chúa báu lớn, cùng với các Bồ-tát quyến thuộc an tọa trên tòa hoa sen, nhập Tam-muội rồi. Bấy giờ, tất cả thế giới trong mười phương đều chấn động lớn, tất cả cõi Ác thảy đều dừng lại, ánh sáng tỏa chiếu khắp tất cả pháp giới, tất cả thế giới thảy đều thanh tịnh trang nghiêm, đều được thấy-nghe tất cả đại hội của chư Phật. Vì sao? Này Phật tử! Vì lùc Bồ-tát ấy an tọa trên tòa hoa sen chúa báu lớn, lập tức từ phía dưới hai chân phóng ra mười Atăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng, xuất hiện rồi tỏa chiếu khắp vô lượng địa ngục A-tỳ trong mười phương, diệt trừ mọi khổ não của chúng sinh. Từ hai đầu gối phóng ra mười A-tăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng, xuất hiện rồi tỏa chiếu khắp vô lượng cõi Súc sinh trong mười phương, trừ diệt mọi thứ khổ não. Từ vùng rốn phóng ra mười A-tăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng, xuất hiện rồi tỏa chiếu khắp vô lượng cõi Ngạ quỷ trong mười phương, diệt trừ mọi thứ khổ não. Từ hai bên hông phóng ra mười Atăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng, xuất hiện rồi tỏa chiếu khắp vô lượng thân người trong mười phương, diệt trừ mọi thứ khổ não. Từ hai tay phóng ra mười A-tăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng, xuất hiện rồi tỏa chiếu khắp vô lượng cung điện của chư Thiên A-tu-la trong mười phương. Từ hai vai, phóng ra mười A-tăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng, xuất hiện rồi tỏa chiếu khắp vô lượng bậc Thanh văn nơi mười phương. Từ cổ-lưng phóng ra mười A-tăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng, xuất hiện rồi tỏa chiếu khắp vô lượng thân Bích-chi-Phật trong mười phương. Từ diện môn, phóng ra mười A-tăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng, xuất hiện rồi tỏa chiếu đến vô lượng Bồ-tát trong mười phương từ hàng mới phát tâm cho đến bậc đạt được Địa thứ chín. Từ tướng bạch hào phóng ra mười A-tăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng, xuất hiện rồi tỏa chiếu đến vô lượng thân tướng của Bồ-tát đạt được quả vị trong mười phương, trú nơi thân ấy khiến cho hết thảy cung Ma đều bị che khuất không còn hiện bày. Từ trong đỉnh đầu phóng ra mười A-tăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng nhiều như số vi trần trong ba ngàn đại thiên thế giới, xuất hiện rồi tỏa chiếu tất cả đại hội của chư Phật trong mười phương, vòng quanh hết thảy thế giới mười vòng, trú giữa hư không, làm thành đài tròn tỏa ánh sáng lớn, gọi là Ánh sáng cao lớn, thực hiện sự cúng dường lớn để cúng dường chư Phật. Như vậy, sự cúng dường Bồ-tát từ hàng mới phát tâm cho đến bậc đạt được chín địa, so với việc cúng dường chư Phật, trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, trăm ngàn na-do-tha phần không bằng một, ức phần không bằng một, trăm ức phần không bằng một, ngàn ức phần không bằng một, trăm ngàn ức phần không bằng một, trăm ngàn ức na-do-tha phần không bằng một, cho đến đúng toán số, thí dụ cũng không thể đạt tới. Đài tròn tỏa ánh sáng lớn này hơn hẳn mọi thứ vật dụng cúng dường hiện có trong mười phương thế giới như hoa hương, hương bột, hương đốt, hương xoa, hương tán, vòng hoa, y phục, lọng báu, cờ phướn, các thứ báu, chuỗi anh lạc, ngọc báu ma ni, vượt quá tất cả cảnh giới thế gian, bởi vì sinh ra từ căn thiện xuất thế gian. Trên mỗi mỗi đại hội của Phật đều rưới xuống các thứ báu, giống như cơn mưa lớn. Nếu có chúng sinh nào hiểu rõ việc cúng dường như vậy, thì nên biết chúng sinh ấy đều nhất định không thối chuyển đối với đại đạo vô thượng. Các thứ ánh sáng rưới xuống để cúng dường lớn như vậy rồi, tỏa chiếu đến tất cả đại hội của chư Phật trong mười phương, vòng quanh hết thảy các thế giới mười vòng rồi nhập vào dưới chân của chư Phật. Bấy giờ, chư Phật cùng các đại Bồ-tát nơi ấy, đều nhận biết trong thế giới đó có Bồ-tát danh hiệu là…, đã hành đạo Bồ-tát như vậy, đến lúc thành tựu quả vị của địa Bồ-tát. Này Phật tử! Lập tức vô lượng vô biên Bồ-tát trong mười phương, cho đến các Bồ-tát trú trong chín địa, đều đến vây xung quanh, thiết lễ cúng dường lớn, nhất tâm chiêm ngưỡng, tất cả đều đạt được mười-mười trăm ngàn Tam-muội. Các Bồ-tát chứng đắc quả vị của địa, từ nơi công đức trang nghiêm là chữ Vạn bằng kim cương ở ngực, hiện ra một vầng ánh sáng lớn, gọi là Hoại ma oán, có mười A-tăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng dùng làm quyến thuộc, xuất hiện rồi tỏa chiếu đến vô lượng thế giới trong mười phương, hiện rõ vô lượng thần lực, cũng đến nhập vào chữ Vạn bằng kim cương ở ngực, là chốn công đức trang nghiêm của đại Bồ-tát ấy. Ánh sáng này tắt rồi, Bồ-tát ấy lập tức đạt được trăm ngàn Đại uy lực tăng thượng và công đức trí tuệ luôn luôn hiện tiền”.

Luận:

Tùy theo những hình tướng nào? Tức là tướng làm chuyển động tất cả thế giới. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy bước lên tòa hoa sen chúa báu lớn… cho đến: Đều được thấy nghe tất cả đại hội của chư Phật”.

Tùy theo nơi chốn xuất hiện thế nào? Tức là do xuất hiện ánh sáng. Lại nữa, ánh sáng ấy có ba loại tạo tác, nên biết:

  1. Tạo tác đem lại lợi ích.
  2. Tạo tác hiện bày sự hiểu biết.
  3. Tạo tác để thâu nhiếp điều phục.

Như kinh nói: “Vì sao? Này Phật tử! Bồ-tát ấy an tọa trên tòa hoa sen chúa báu lớn, lập tức từ phía dưới hai chân phóng ra mười A-tăng-kỳ trăm ngàn ánh sáng… cho đến: Công đức trí tuệ luôn luôn hiện tiền”.

Nhất định không thối chuyển đối với đại đạo vô thượng; là nghĩa quyết định ở trong địa. Lại có nghĩa khác là quyết định không phóng dật, mọi sự tạo tác đều do tâm quyết định.

Nơi công đức trang nghiêm là chữ Vạn bằng kim cương ở ngực; tức là giữa ngực của Bồ-tát có chữ Vạn là tướng công đức trang nghiêm kim cương, gọi là Vô tỉ (không gì có thể so sánh).

Kinh: “Như vậy, này Phật tử! Bấy giờ, chư Phật từ tướng bạch hào giữa chặng mày phóng ra ánh sáng tên là “Ích Nhất Thiết Trí Thông”, có A-tăng-kỳ ánh sáng làm quyến thuộc, tỏa chiếu hết thảy thế giới nơi mười phương, không còn sót một chốn nào, vòng quanh tất cả thế giới mười vòng, thị hiện diệu lực nơi đại thần thông của chư Phật, khuyến phát vô lượng trăm ngàn vạn ức chư Phật, hết thảy cõi nước của chư Phật khắp mười phương hiện bày sáu loại chấn động, diệt trừ khổ não của tất cả cõi Ác, hết thảy cung điện của Ma đều bị che khuất, không còn hiện hữu, thị hiện tất cả chư Phật đạt được trú xứ Bồ-đề, thị hiện sự việc thần thông trang nghiêm trong đại hội của tất cả chư Phật, chiếu sáng phạm vi của tất cả pháp giới, tất cả hư không giới, tận cùng mọi thế giới rồi quy tụ trở lại, vòng quanh vây tròn ở phía trên đại hội của tất cả Bồ-tát, thì hiện các sự việc trang nghiêm của ánh sáng đại thần thông. Ánh sáng này nhập vào đỉnh đầu của đại Bồ-tát ấy các ánh sáng quyến thuộc ấy nhập vào đỉnh đầu của các Bồ-tát an tọa trên các tòa hoa sen quyến thuộc. Lúc ánh sáng nhập vào thân tướng của Bồ-tát này các vị Bồ-tát kia đều đạt được mười, mười trăm ngàn Tam-muội mà trước đây chưa đạt. Lúc các ánh sáng kia trong một lúc nhập vào đảnh đầu của Bồ-tát ấy thì Bồ-tát ấy gọi là chứng đắc quả vị, hội nhập cảnh giới của chư Phật, đầy đủ mười Lực của Như Lai, thuộc về số lượng của Phật.

Này Phật tử! Ví như Trưởng tử của Chuyển luân Thánh vương, do Ngọc nữ báu sinh ra, đầy đủ vương tướng. Chuyển luân Thánh Vương đưa con đặt trên tòa ngồi bằng vàng Diêm-phù-đàn trên lưng bạch tượng báu, lấy nước trong bốn biển lớn, phía trên giăng các màng lưới, lọng báu, phướn báu, cờ hoa, vô số các thứ trang nghiêm, tay cầm chum vàng đựng đầy nước thơm, rưới lên đỉnh đầu con trai, thì gọi là phép Quán đảnh đưa vào số của Sát Lợi vương, chuyển hóa đầy đủ bằng mười thiện đạo, cho nên được gọi là Chuyển luân Thánh vương. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát ấy, được tiếp nhận quả vị từ các đức Như Lai rồi, gọi là đạt được quả vị của trí, đầy đủ mười lực, thuộc về số lượng Phật.

Này Phật tử! Đó gọi là quả vị Đại thừa trong địa của Bồ-tát. Bồtát vì quả vị này mà tiếp nhận thực hành vô lượng trăm ngàn vạn ức sự việc gian khổ và khó làm. Bồ-tát này đạt được quả vị này rồi, vô lượng công đức trí tuệ đầu chuyển tăng, gọi là an trú trong địa Pháp Vân của bậc Bồ-tát”.

Luận:

Tùy theo quả vị đã được; tức là ánh sáng của Như Lai, Bồ-tát kia lần lượt cùng nhận biết và thâu nhiếp bình đẳng. Như kinh nói: “Như vậy, này Phật tử! Bấy giờ chư Phật từ tướng bạch hào giữa chặng mày, phóng ra ánh sáng tên là Ích Nhất Thiết Trí Thông…”. Thế nào là đạt được ngôi vị như Trưởng tử của Chuyển luân Thánh vương? Như kinh nói: “Ví như trưởng tử của Chuyển luân Thánh vương…”.

Bồ-tát này cùng đạt được quả vị, gọi là khéo an trú trong địa này, như kinh nói: “Bồ-tát này đạt được quả vị đó rồi, vô lượng công đức trí tuệ đều chuyển tăng…”.

Như vậy đã nói về Phần được tiếp nhận quả vị.

Thế nào là Phần nhập đại tận? Phần này có năm loại:

  1. Trí lớn (Đại).
  2. Giải thoát lớn.
  3. Tam-muội lớn.
  4. Đà-la-ni lớn.
  5. Thần thông lớn.

Sự việc này dựa vào năm loại nghĩa để phân biệt:

1. Dựa vào nghĩa về chánh giác thật trí.

2. Dựa vào nghĩa tâm tự tại.

3. Dựa vào nghĩa về phát tâm liền thành tựu tất cả sự việc.

4. Dựa vào nghĩa thuận theo việc làm lợi ích cho chúng sinh trong tất cả thế gian.

5. Dựa vào nghĩa có thể có năng lực để hóa độ chúng sinh.

Thế nào là thành tựu về trí?

Kinh: “Này Phật tử! Bồ-tát ấy, trú trong địa Pháp Vân của bậc Bồ-tát, nhận biết đúng như thật về Tập của ba cõi Dục-Sắc-Vô sắc. Nhận biết đúng như thật về Tập của Chúng sinh giới, Thức giới-Hữu vi giới, Vô vi giới, Hư không giới-Pháp giới. Nhận biết đúng như thật về Tập của Niết-bàn giới. Nhận biết đúng như thật về Tập trong cảnh giới của các phiền não-tà kiến, Tập của thế giới thành-hoại; Tập trong hành của hàng Nhị thừa; Tập trong hành của Bồ-tát; Tập của pháp thân-sắc thân Phật, mười Lực-bốn Vô sở úy-mười tám pháp Bất cộng của Phật; Tập của trí Nhất thiết chủng Nhất thiết trí, Tập của việc chứng đắc Bồđề, chuyển pháp luân và thị hiện diệt độ. Lược nói cho đến nhận biết đúng như thật về Tập của sự hội nhập tất cả pháp thành tựu trí sai biệt. Bồ-tát ấy, dùng trí như vậy thông đạt tuệ thù thắng, nhận biết đúng như thật về sự chuyển hóa của nghiệp chúng sinh, của phiền não, của kiến giải, của thế giới, của pháp giới, của hàng Nhị thừa, của Bồ-tát, của Như Lai. Nhận biết đúng như thật về sự chuyển hóa của tất cả phân biệt-không phân biệt. Bồ-tát ấy, nhận biết đúng như thật về sự duy trì của Phật lực, của Pháp-Tăng, nghiệp-phiền não-thời, nguyện-cúng dường, hành-kiếp. Bồ-tát ấy, nhận biết đúng như thật về trí nhập vi tế hiện có của chư Phật, đó là trí nhập vi tế của hành, trí nhập vi tế thối chuyển, trí nhập vi tế vào thai-sinh ra, phát tâm xuất gia, chứng đắc Bồđề, chuyển pháp luân, trì thọ mạng, thị hiện Bát Niết-bàn. Nhận biết đúng như thật về trí nhập vi tế của pháp trú lâu dài. Bồ-tát ấy, nhận biết đúng như thật về mật xứ hiện có của chư Phật, đó là mật xứ của thânkhẩu-ý, mật xứ của sự trù lượng đúng thời, phi thời, mật xứ của việc thọ ký cho Bồ-tát, mật xứ của việc nhiếp phục dẫn dắt chúng sinh, mật xứ của các loại Thừa, mật xứ của tất cả căn hành sai biệt, mật xứ của tất cả niềm tin đúng như thật mà thực hiện. Nhận biết đúng như thật về mật xứ của sự hành trì chứng đắc Bồ-đề. Bồ-tát ấy, nhận biết đúng như thật về trí nhập kiếp hiện có của chư Phật, đó là một kiếp nhập vào A-tăngkỳ kiếp, A-tăng-kỳ kiếp nhập vào một kiếp; Hữu số kiếp nhập vào Vô số kiếp, Vô số kiếp nhập vào Hữu số kiếp, một niệm kiếp nhập vào vô lượng kiếp, vô lượng kiếp nhập vào một niệm kiếp; kiếp nhập vào phi kiếp, phi kiếp nhập vào kiếp; kiếp có Phật nhập vào kiếp không Phật, kiếp không Phật nhập vào kiếp có Phật; kiếp có Phật nhập vào kiếp có Phật, kiếp không Phật nhập vào kiếp không Phật; kiếp quá khứ vị lai nhập vào kiếp hiện tại, kiếp hiện tại nhập vào kiếp quá khứ vị lai; kiếp vị lai quá khứ nhập vào kiếp hiện tại, kiếp hiện tại nhập vào kiếp vị lai quá khứ; kiếp dài nhập vào kiếp ngắn, kiếp ngắn nhập vào kiếp dài; kiếp ngắn nhập vào kiếp ngắn, kiếp dài nhập vào kiếp dài, tướng của tất cả kiếp cùng nhập. Bồ-tát ấy, nhận biết đúng như thật về trí nhập hiện có của chư Phật, đó là: Trí nhập vào nẻo phàm phu, trí nhập vào vi trần, trí Bồ-đề nhập vào thân cõi nước, trí Bồ-đề nhập vào thân tâm chúng sinh, trí Bồ-đề nhập vào tất cả xứ tùy thuộc, trí thị hiện nhập vào hành loạn động, trí thị hiện nhập vào hành thuận hợp, trí thị hiện nhập vào hành nghịch đối, trí nhập vào nghĩ bàn không nghĩ bàn, trí nhập vào thế gian xuất thế gian, trí hành thị hiện, trí nhập vào Thanh văn, trí nhập vào Bích-chi-Phật, trí Bồ-tát, trí Như Lai hành trí. Này Phật tử! Trí tuệ của chư Phật rộng lớn vô lượng vô biên như vậy, Bồ-tát trú trong địa này thì có thể được nhập vào trí tuệ như vậy”.

Luận:

Về trí lớn lại có bảy loại:

  1. Trí tập lớn.
  2. Trí ứng hóa lớn.
  3. Trí gia trì lớn.
  4. Trí nhập vi tế lớn.
  5. Trí mật xứ lớn.
  6. Trí nhập kiếp lớn.
  7. Trí nhập đạo lớn.

Trong đó:

– Thứ nhất: Dựa vào diệu lực có thể đoạn trừ nghi. Nên biết!

– Thứ hai: Dựa vào diệu lực phát khởi thân ấy.

– Thứ ba: Dựa vào diệu lực của hành chuyển như vậy-như vậy.

– Thứ tư: Dựa vào sự tạo tác của trí bất nhị khéo tích tập-gia trì và ứng hóa của Bồ-tát.

– Thứ năm: Dựa vào sự hộ trì chúng sinh căn tánh chưa thành thục không khiến cho kinh sợ.

– Thứ sáu: Dựa vào sự gia trì hành mạng với ý xả bỏ tự tại.

– Thứ bảy: Dựa vào ý đối trị để giảng giải.

Trong này:

Trí tập: là trí tích tập nhân duyên.

Trí ấy lại tùy theo phần nhiễm hiện có, hoặc tịnh, hoặc vắng lặng. Tùy theo nơi chốn của ba cõi hiện có. Tùy theo chúng sinh hiện có. Tùy theo tâm nhiễm-tịnh… Tùy theo pháp hữu vi-pháp vô vi hiện có, nhận biết và không nhận biết. Tùy theo xứ-hư không hiện có. Tùy theo pháp thuyết giảng đúng-không đúng. Tùy theo sự chứng đắc-không chứng đắc, tức là đối với Niết-bàn. Tùy theo tà kiến vượt quá những ngoại đạo khác mà không thể chứng đạt. Tùy theo khí thế gian thành-hoại hiện có. Tùy theo ba Thừa hiện có. Trí ấy tích tập mọi sai biệt, nên biết! Như kinh nói: “Này Phật tử! Bồ-tát ấy, trú trong địa Pháp Vân của bậc Bồtát này, nhận biết đúng như thật về Tập của cõi Dục…”.

Trí ứng hóa: tức là sự sai biệt tùy theo chúng sinh mà ứng hóa. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, dùng trí như vậy thông đạt tuệ thù thắng”.

Nẻo hóa của phiền não tạo tác kiến chấp; tức là thị hiện sự ứng hóa phiền não cấu nhiễm tạo kiến chấp.

Pháp giới hóa; tức là nẻo hành của giáo pháp được giảng nói. Sự ứng hóa về tất cả thứ phân biệt không phân biệt, đều nhận biết đúng như thật.

Trí gia trì. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy nhận biết đúng như thật về sự duy trì của Phật lực… cho đến: Nhận biết đúng như thật về trí trì”.

Trí trì: tức là trí Nhất thiết trí. Trí này có thể tạo ra tất cả sự việc.

Trí nhập vi tế. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, nhận biết đúng như thật về trí nhập vi tế hiện có của chư Phật…”.

Phấn tiến; tức là hiện hành bảy bước đi.

Trí mật xứ. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, nhận biết đúng như thật về mật xứ hiện có của chư Phật…”.

Trí nhập kiếp; đó là vào kiếp. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, nhận biết đúng như thật về trí nhập kiếp hiện có của chư Phật”.

Nhập; tức là bình đẳng giải thoát trong tất cả kiếp, lần lượt cùng hội nhập.

Trí nhập đạo; tức là dựa vào hàng phàm phu, dựa vào kẻ hành ngã mạn, dựa vào người tin cầu sinh Thiên, dựa vào giác quán. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, nhận biết đúng như thật về trí nhập hiện có của chư Phật…”.

Như vậy là đã nói về bảy loại trí lớn.

Thế nào giải thoát lớn?

Kinh: “Này Phật tử! Bồ-tát ấy, thông đạt về nảo hành của địa này như vậy được gọi là Bồ-tát đạt môn giải thoát không thể nghĩ bàn, giải thoát không chướng ngại, giải thoát của trí thanh tịnh sai biệt, giải thoát của ánh sáng tỏa khắp chốn, giải thoát của Như Lai tạng, giải thoát tùy thuận luân không thối chuyển, giải thoát nơi sự hội nhập thông đạt về ba đời, giải thoát của pháp giới tạng, giải thoát của quang luân giải thoát, gọi là Bồ-tát đạt được giải thoát trọn vẹn trong tất cả cảnh giới.

Này Phật tử! Bồ-tát ấy là vị đứng đầu trong mười môn giải thoát

của bậc Bồ-tát, chứng đắc vô lượng vô biên trăm ngàn vạn A-tăng-kỳ môn giải thoát của bậc Bồ-tát như vậy, đều ở trong Địa thứ mười của bậc Bồ-tát mà đạt được, như vậy cho đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn A-tăng-kỳ Tam-muội, vô lượng vô biên trăm ngàn vạn A-tăng-kỳ Đà-la-ni, vô lượng vô biên trăm ngàn vạn A-tăng-kỳ thần thông, cũng lại như vậy”.

Luận:

Giải thoát lớn: có mười loại:

1. Dựa vào cảnh giới của thần thông. Như kinh nói: “Phật tử! Bồtát ấy, thông đạt về nẻo hành của địa này như vậy…”.

2. Có thể đi đến vô lượng thế giới với nguyện-trí vô ngại. Như kinh nói: “Giải thoát không chướng ngại”.

3. Nhận biết về các bậc Hữu học-Vô học thế gian-xuất thế gian, các bậc thuộc hàng Nhị thừa, Bồ-tát, Như Lai với trí giải thoát. Như kinh nói: “Giải thoát của trí thanh tịnh sai biệt”.

4. Theo ý chuyển sự. Như kinh nói: “Giải thoát của ánh sáng tỏa khắp chốn”.

5 Đà-la-ni về pháp. Như kinh nói: “Giải thoát của Như Lai tạng”.

6. Có thể phá trừ ngôn thuyết của kẻ khác. Như kinh nói: “Giải thoát tùy thuận luân không thối chuyển”.

7. Tùy ý trú trì với kiếp trong ba đời. Như kinh nói: “Giải thoát của sự hội nhập thông đạt về ba đời”.

8. Đạt trí tích tập nhân duyên trong tất cả pháp, tất cả chủng loại. Như kinh nói: “Giải thoát của pháp giới tạng”.

9. Ánh sáng không lìa thân mà có thể tỏa chiếu khắp. Như kinh nói: “Giải thoát quả quang luân giải thoát”.

10. Dựa vào năng lực trong một lúc nhận biết tâm niệm của các chúng sinh vô lượng thế giới. Như kinh nói: “Gọi là Bồ-tát đạt được giải thoát trọn vẹn trong tất cả cảnh giới”. Ở đây:

Tam-muội lớn. Như kinh nói: “Như vậy, cho đến vô lượng vô biên trăm ngàn vạn A-tăng-kỳ Tam-muội”.

Đà-la-ni lớn. Như kinh nói: “Vô lượng vô biên trăm ngàn vạn Atăng-kỳ Đà-la-ni”.

Thần thông lớn. Như kinh nói: “Vô lượng vô biên trăm ngàn vạn A-tăng-kỳ thần thông cũng lại như vậy”.

Như vậy là đã nói xong Phần nhập đại tận của Thập địa.

Thế nào là Phần giải thích tên gọi của địa?

Kinh: “Bồ-tát ấy, thông trí tuệ đạt, tùy thuận Bồ-đề như vậy, thành tựu trọn vẹn phương tiện của vô lượng niệm lực. Bồ-tát ấy, ở trong vô lượng trú xứ của Phật khắp mười phương, trong vô lượng pháp minh lớn, nơi vô lượng pháp tỏa chiếu lớn, trong vô lượng pháp rưới mưa lớn, trong khoảng một niệm đều có thể tiếp nhận-gánh vác-tư duy-gìn giữ được tất cả.

Này Phật tử! Ví như mây Sa Già La rưới xuống trận mưa lớn, thì lượng nước ấy các vùng đất khác không thể tiếp nhận-dung nạp-tư duygìn giữ, chỉ trừ ra biển cả. Như vậy, này Phật tử! Tất cả nơi chốn bí mật của Như Lai, đó là Pháp minh lớn, Pháp tỏa chiếu lớn, Pháp rưới mưa lớn, thì hết thảy chúng sinh kia, hết thảy hàng Nhị thừa đều không thể tiếp nhận-gánh vác-tư duy-gìn giữ được . Bồ-tát từ địa thứ nhất cho đến địa thứ chín, cũng không thể nào tiếp nhận-gánh vác-tư duy-gìn giữ được. Chỉ có Bồ-tát trí trong địa Pháp Vân này mới có thể hoàn thành các sự việc trên.

Này Phật tử! Ví như của biển cả, một đại Long vương dấy lên mây lớn, rưới mưa, thì lượng nước ấy, biển cả thảy đều có thể tiếp nhận-dung nạp, suy xét, giữ gìn. Nếu hai, hoặc ba-bốn-năm, hoặc mười-hai mươiba mươi-bốn mươi-năm mươi, hoặc một trăm Long vương, hoặc ngànvạn- ức, hoặc trăm ức-ngàn ức-trăm ngàn ức na-do-tha Long vương, cho đến vô lượng vô biên không thể nêu bày hết, số lượng đại Long vương như vậy, cùng dấy khởi mây lớn, rưới mưa, trong một niệm, cùng một lúc tuôn nước xuống, thì biển cả thảy đều có thể tiếp nhận-dung nạp-suy xét-gìn giữ được. Vì sao? Vì biển cả là vật chứa rộng lớn vô lượng. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát an trú trong địa Pháp Vân của bậc Bồ-tát này, trong trú xứ của một Đức Phật, với các pháp minh lớn, pháp tỏa chiếu lớn, pháp rưới mưa lớn, thảy đều có khả năng tiếp nhận-gánh vác-tư duy-gìn giữ được tất cả. Hoặc hai-ba-bốn-năm, hoặc mười-hai mươi-ba mươi-bốn mươi-năm mươi, hoặc một trăm chư Phật, hoặc ngàn, hoặc vạn ức-trăm ức-ngàn ức, trăm ngàn ức na-do-tha chư Phật, cho đến vô lượng vô biên trú xứ của chư Phật không thể tính kể, với các pháp minh lớn, pháp tỏa chiếu lớn, pháp rưới mưa lớn, trong khoảng một niệm, Bồ-tát trí trong địa Pháp Vân thảy đều có thể tiếp nhận-gánh vác-tư duy-gìn giữ được tất cả. Vì vậy, địa này gọi là địa Pháp Vân.

Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt nói:

Này Phật tử! Bồ-tát trí trong địa Pháp Vân này, ở trong bao nhiêu trú xứ của Phật, với các pháp minh lớn, pháp tỏa chiếu lớn, pháp rưới mưa lớn, trong khoảng một niệm, thảy đều có thể tiếp nhận-gánh vác-tư duy-gìn giữ?

Bồ-tát Kim Cang Tạng đáp:

Này Phật tử! Bồ-tát trí trong địa Pháp Vân này, ở trong trú xứ của Phật không thể tính, không thể nêu bày, với các pháp minh lớn, pháp tỏa chiếu lớn, pháp rưới mưa lớn, trong khoảng một niệm, thảy đều có thể tiếp nhận-gánh vác-tư duy- gìn giữ.

Này Phật tử! Ví như mười phương vốn có trăm ngàn vạn ức na-dotha cõi Phật nhiều như số vi trần không thể nói hết, trong các thế giới ấy vốn vô lượng vô số chúng sinh, trong số chúng sinh ấy có một chúng sinh đạt được pháp Đà-la-ni văn trì, là người giữ Phật pháp không sót điều gì, đó là bậc Thanh văn vĩ đại nhất đạt được pháp Đà-la-ni văn trì bậc nhất. Ví như Đức Phật Kim Cang Liên Hoa Thượng, có vị Tỳ-kheo tên là Đại Thắng, là người đạt được pháp Đà-la-ni Văn trì bậc nhất. Một chúng sinh kia thành tựu diệu lực của pháp Đà-la-ni Văn trì như vậy, như một chúng sinh ấy, hết thảy chúng sinh trong tất cả thế giới còn lại cũng đều thành tựu diệu lực Đà-la-ni Văn trì như vậy. Một người đã tiếp nhận pháp, người thứ hai tiếp nhận pháp không trùng lặp. Như vậy, tất cả mỗi mỗi chúng sinh đều tiếp nhận pháp không giống nhau. Này Phật tử! Ý ông nghĩ sao? Hết thảy các chúng sinh kia, đã tiếp nhận diệu lực của Đà-la-ni Văn trì, nên xem là nhiều chăng?

Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt đáp:

Thưa Phật tử! Tất cả chúng sinh ấy đã tiếp nhận diệu lực của Đàla-ni Văn trì thật là nhiều vô lượng.

Bồ-tát Kim Cang Tạng nói:

Này Phật tử! Tôi nay sẽ vì ông mà nói rõ. Bồ-tát ấy an trí trong địa Pháp Vân này, trong khoảng một niệm ở tại trú xứ của một Đức Phật hiệu là Tam Thế Pháp Giới Tạng, với các pháp minh lớn, pháp tỏa chiếu lớn, pháp rưới mưa lớn, thảy đều có thể tiếp nhận-gánh vác-tư duy-gìn giữ. Pháp minh lớn, pháp tỏa chiếu lớn, pháp rưới mưa lớn kia, đều làm phương tiện thọ trì như trên đã nói. Hết thảy chúng sinh đạt được diệu lực của pháp Đà-la-ni văn trì, so với Bồ-tát này thì trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần không bằng một, trăm ngàn na-do-tha phần không bằng một. Ức phần không bằng một, trăm ức phần không bằng một, ngàn ức phần không bằng một, trăm ngàn ức phần không bằng một, trăm ngàn ức na-do-tha phần không bằng một, cho đến dùng toán số-thí dụ cũng không thể nói hết.

Như một trú xứ của Phật đã nói trên, trú xứ của chư Phật nhiều như số vi trần trong mười phương thế giới. Lại vượt qua số lượng ấy, là vô lượng vô biên trú xứ của chư Phật, gọi là Tam Thế Pháp Giới Tạng, với các pháp minh lớn, pháp tỏa chiếu lớn, pháp rưới mưa lớn, trong khoảng một niệm Bồ-tát ấy thảy đều có thể tiếp nhận-gánh vác-tư duy-gìn giữ. Vì vậy, địa này gọi là địa Pháp Vân.

Lại nữa, này Phật tử! Bồ-tát ấy, trí trong địa Pháp Vân này, theo nguyện lực của chính mình, khởi áng mây Từ Bi lớn, làm chấn động với tiếng sấm pháp lớn, lấy sự thông sáng, vô úy làm ánh chớp rực rỡ, dùng ánh sáng của trí tuệ lớn làm gió thổi nhanh, dùng căn thiện của phước đức lớn làm đám mây dày đặc, hiện bày vô số thứ sắc thân làm vầng mây nhiều màu sắc, thuyết giảng về chánh pháp rưới mưa, phá trừ các thứ ma oán, trong khoảng một niệm như trước đã nói, số lượng vi trần hiện có trong các thế giới, trăm ngàn vạn ức na-do-tha thế giới như vậy thảy đều phủ khắp. Lại vượt qua số lượng ấy vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức na-do-tha thế giới cũng đều phủ khắp, tuôn xuống trận mưa pháp cam lồ lớn là căn thiện, diệt trừ mọi thứ lửa trong tâm chúng sinh vì đã vui với vô minh mà dấy khởi phiền não bụi bặm. Vì vậy, địa này gọi là địa Pháp Vân.

Lại nữa, này Phật tử! Bồ-tát ấy, trí trong địa Pháp Vân của bậc Bồ-tát này, ở trong một thế giới, từ cõi trời Đâu-suất đi xuống, vào thai, ở trong thai, sinh ra, xuất gia, chứng đắc Phật đạo, thỉnh chuyển pháp luân, thị hiện Đại Niết-bàn, tất cả Phật sự tùy theo sự hóa độ chúng sinh mà đạt được trí tự tại. Hoặc trong ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến như trước đã nói về các thế giới nhiều như số vi trần. Lại vượt qua số lượng ấy trăm ngàn vạn ức A-tăng-kỳ thế giới, từ cõi trời Đâu-suất bước xuống, cho đến thị hiện Đại Niết-bàn, tất cả Phật sự đều tùy theo sự hóa độ chúng sinh mà đạt được trí tự tại”.

Luận:

Ở đây, giải thích tên gọi của địa, có ba loại:

1. Pháp tương tự như mây; bởi vì giăng phủ khắp. Trong địa này, nghe pháp tương tự, như thân hư không trùm khắp.

2. Pháp tương tự như diệt trừ bụi bặm cấu uế; pháp này có thể diệt trừ phiền não cấu nhiễm của chúng sinh.

3. Hóa độ chúng sinh, từ cõi trời Đâu-suất bước xuống, cho đến thị hiện Đại Niết-bàn. Dần dần hóa độ chúng sinh, như đám mây lớn rưới mưa, sinh thành tất cả mầm non cho cây cỏ sự vật.

Thành tựu rốt ráo phương tiện của vô lượng niệm lực; là nói gần với nghĩa của sự thọ trì. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, thông đạt trí tuệ tùy thuận Bồ-đề như vậy, thành tựu trọn vẹn phương tiện của vô lượng niệm lực”.

Lại có thể thọ trì rất nhiều sự vi diệu bí mật, thọ trì nhanh chóng. Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, ở trong vô lượng trú xứ của Phật khắp mười phương, trong vô lượng pháp minh lớn…”.

Vô lượng trú xứ của Phật, vô lượng pháp minh lớn: là nói về số lượng rất nhiều trong việc hội nhập xứ bí mật vi diệu của Như Lai.

Trong khoảng một niệm; là tiếp nhận nhanh chóng.

Nghe pháp: tức là chỉ rõ về hai sự việc; là tánh, là tạo tác. Thế nào là tánh? Tức là ánh sáng của pháp lớn, trí Văn-Tự thâu nhận. Pháp tỏa chiếu lớn thì trí Tu tuệ thâu nhận. Thế nào là tạo tác? Tức là pháp rưới mưa lớn. Như đám mây lớn cùng với trận mưa pháp lớn khác, phát khởi sự tin tưởng từ trong đó.

Nói tiếp nhận: là tiếp nhận về câu chữ đã được thuyết giảng.

Nói gánh vác (kham): là có khả năng chọn lấy nghĩa.

Nói tư duy: là Bồ-tát thâu nhận hai sự việc trên không để mất.

Nói giữ gìn: tức là cũng như biển cả, do không ô trược.

Nói tiếp nhận: là có khả năng tiếp nhận tất cả nước.

Nói gánh vác: tức là các thứ nước khác luôn chảy vào đều mất tên gọi vốn có.

Nói tư duy: là dùng không thể hết.

Nói giữ gìn: nên biết! như kinh nói: “Gọi là Tam Thế Pháp Giới Tạng, với các pháp minh lớn, pháp tỏa chiếu lớn, pháp rưới mưa lớn, thảy đều có thể tiếp nhận-gánh vác-tư duy-gìn giữ… cho đến: Vì vậy địa này gọi là địa Pháp Vân”.

Gọi là Tam Thế Pháp Giới Tạng; tức là ở trong pháp giới, thâu nhiếp ba loại sự việc. Các thí dụ về mây, sấm, chớp, đối chiếu với pháp tương tự nên biết. Như kinh nói: “Lại nữa, này Phật tử! Bồ-tát ấy, trí trong địa Pháp Vân này, theo nguyện lực của chính mình… cho đến: Vì thế địa này gọi là địa Pháp Vân”.

Ánh sáng của trí tuệ lớn dùng làm ngọn gió thổi nhanh: là pháp tương tự nơi gió.

Hiện bày vô số sắc thân: là tùy theo thế gian với vô số các loại thân xoay chuyển, là pháp tương tự với mây nhiều màu sắc.

Thuyết giảng về trận mưa chánh pháp phá trừ ma oán: là pháp tương tự với mưa.

Như vậy đã nói xong về Phần giải thích tên gọi của địa.

Thế nào là Phần nói về diệu lực của thần thông hữu thượng-vô thượng?

Kinh: “Bồ-tát ấy, trú tại địa này, ở trong trí tuệ, đạt được diệu lực

tự tại hơn hết, khéo chọn lấy đại trí thông, tùy theo sự nhớ nghĩ của tâm, hoặc lấy cõi nước hẹp làm rộng, cõi nước rộng làm hẹp. Lại tùy theo suy niệm của tâm, hoặc lấy cõi nước cấu uế làm thanh tịnh, cõi nước thanh tịnh làm cấu uế. Trong vô lượng tất cả thế giới loạn trú, đảo trú, chánh trú rộng lớn như vậy, nhờ diệu lực tự tại, nên vô số các loại ấy đều có thể thành tựu. Bồ-tát ấy, lại tùy theo tâm niệm, hoặc ở trong một vi trần thị hiện một thế giới, có đủ hết thảy núi Thiết-vi…, nhưng vi trần kia vẫn không tăng trưởng.

Hoặc hai, ba, bốn, năm, hoặc mười-hai mươi-ba mươi-bốn mươinăm mươi, hoặc trăm-ngàn-vạn-ức, hoặc trăm ức-ngàn ức, hoặc trăm ngàn ức, hoặc trăm ngàn ức na-do-tha thế giới, cho đến số lượng thế giới không thể nói, không thể nêu bày hết, đều có đủ tất cả núi Thiếtvi… đều nhập vào trong một vi trần, nhưng vi trần đó cũng không tăng trưởng.

Bồ-tát ấy, lại tùy theo tâm niệm, hoặc dùng sự việc của một thế giới trang nghiêm mà thị hiện hai thế giới. Lại tùy theo tâm niệm, hoặc dùng sự việc của một thế giới trang nghiêm, cho đến thị hiện vô lượng thế giới không thể nêu bày- không thể nói hết. Lại tùy theo tâm niệm, hoặc dùng sự việc của hai thế giới trang nghiêm, thị hiện một thế giới, cho đến hoặc dùng sự việc của vô lượng thế giới trang nghiêm không thể nói-không thể nêu hết, thị hiện một thế giới. Lại tùy theo tâm niệm, cho đến hoặc đem số lượng chúng sinh trong vô lượng thế giới không thể nói không thể nêu, đặt vào trong một thế giới, nhưng các chúng sinh đều không sợ hãi, không biết không hay.

Lại tùy theo tâm niệm, hoặc đem chúng sinh trong một thế giới, cho đến đặt trong vô lượng thế giới không thể nêu không thể nói, mà các chúng sinh đó cũng không sợ hãi, không biết không hay. Lại tùy theo tâm niệm, hoặc đầu một sợi lông thị hiện sự việc của tất cả cảnh giới Phật trang nghiêm. Lại tùy theo tâm niệm, cho đến hoặc dùng sự việc của vô lượng tất cả cảnh giới Phật trang nghiêm không thể nêukhông thể nói hết, thị hiện nơi một sợi lông.

Lại tùy theo tâm niệm, trong khoảng một niệm, thị hiện số lượng thân nhiều như số vi trần trong vô lượng thế giới không thể nêu, không thế nói. Trong mỗi mỗi thân thị hiện số lượng tay nhiều như số vi trần, dùng các tay này với tâm ân cần cúng dường chư Phật khắp mười phương. Dùng mỗi mỗi tay cầm lấy hằng hà sa số các giỏ hoa tung rải cúng dường chư Phật. Giỏ hoa như vậy, tràng hoa như vậy, hương bột, hương xoa, hương xông, y phục, lọng báu, cờ hoa, phướn hoa cùng tất cả mọi sự trang nghiêm cũng lại như vậy.

Nơi mỗi mỗi thân thị hiện các đầu nhiều như số vi trần đã nói, trong mỗi mỗi đầu thị hiện các lưỡi nhiều như số vi trần đã nói. Dùng các lưỡi ấy, tán thán về công đức của chư Phật. Các sự việc như vậy, ở trong mỗi mỗi niệm, đều hiện bày đủ khắp mười phương. Ở trong mỗi mỗi niệm thị hiện vô lượng thế giới đạt được Bồ-đề, cho đến thị hiện Đại Niết-bàn, trú trì trang nghiêm.

Ở trong ba đời, thị hiện vô lượng thân, trong tự thân thị hiện có vô lượng chư Phật, thị hiện sự việc của vô lượng thế giới Phật trang nghiêm, cũng thị hiện sự việc của thế giới thành, hoại. Hoặc ở trong một lỗ chân lông của tự thân phát ra tất cả Phong tai, nhưng không làm não hại chúng sinh. Lại tùy theo tâm niệm, hoặc dùng vô lượng vô biên thế giới làm nước của một biển. Trong nước của biển này, làm ra hoa sen lớn, ánh sáng trang nghiêm trùm khắp vô lượng vô biên thế giới, trong đó, thị hiện cây Bồ-đề lớn với sự việc trang nghiêm vi diệu, cho đến thị hiện trí Nhất thiết chủng Nhất thiết trí.

Hoặc nơi tự thân thị hiện ngọc báu ma ni, ánh sáng tỏa khắp mười phương, cùng với ánh sáng của sấm chớp, mặt trời, mặt trăng, tinh tú…, cho đến các thứ ánh sáng của tất cả thế giới, đều từ trong thân mà hiện bày. Dùng miệng hà hơi, có thể làm chuyển động vô lượng thế giới trong mười phương, nhưng không khiến cho chúng sinh có ý tưởng sợ hãi. Thị hiện thế giới khắp mười phương với kiếp tận phong tai, đến kiếp tận hỏa tai và kiếp tận thủy tai. Tùy theo vô số các loại tâm niệm của tất cả chúng sinh mà ứng hiện sắc thân trang nghiêm thành tựu. Hoặc dùng tự thân làm thành thân Như Lai, dùng thân Như Lai làm thành tự thân. Dùng thân Như Lai làm thành cõi Phật của chính mình, dùng cõi Phật của chính mình tạo làm thành Như Lai.

Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát ấy, trú trong địa Pháp Vân của bậc Bồ-tát này, hiện bày thần biến như vậy. Lại vượt qua ở đây, còn có vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức na-do-tha thần thông, thị hiện sự trang nghiêm, tự tại”.

Luận: Diệu lực thần thông hữu thượng vô thượng; có sáu loại tướng, nên biết!

  1. Dựa vào bên trong.
  2. Dựa vào bên ngoài.
  3. Tự tướng.
  4. Làm trú trì.
  5. Khiến hoan hỷ.
  6. Thù thắng lớn.

Diệu lực thần thông vô thượng; là so sánh với thần thông lực của chúng sinh khác.

Diệu lực thần thông hữu thượng; là so sánh đối với diệu lực nơi thần thông của Như Lai.

Dựa vào bên trong; có bốn loại:

  1. Giải thoát không nghĩ bàn.
  2. Tam-muội.
  3. Khởi trí Đà-la-ni.
  4. Thần thông.

Như đã nói ở trước.

Dựa vào bên ngoài; là sự việc bên ngoài của địa. Lại có sự việc bên ngoài của tự thân-tha thân.

Tự tướng: có hai loại:

  1. Chuyển nơi sự việc bên ngoài.
  2. Tự thân ứng hóa …

– Chuyển; lại có ba loại:

  1. Chuyển lược, rộng.
  2. Chuyển biến sự việc khác lạ.
  3. Chuyển tự tại, có thể làm ra vô số trang nghiêm cho tất cả chúng sinh.

Thế nào là chuyển lược, rộng? Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, trú tại địa này, ở trong trí tuệ, đạt được diệu lực tự tại hơn hết, khéo chọn lấy đại trí thông, tùy theo sự nhớ nghĩ của tâm, hoặc lấy cõi nước hẹp làm rộng, cõi nước rộng làm hẹp”.

Thế nào là chuyển biến sự việc khác lạ? Như kinh nói: “Lại tùy theo tâm niệm, hoặc dùng cõi nước cấu uế làm thanh tịnh…”.

Thế nào là chuyển tự tại? Như kinh nói: “Bồ-tát ấy, lại tùy theo tâm niệm, ở trong một vi trần thị hiện một thế giới…”.

Thế nào là tự thân ứng hóa? Như kinh nói: “Lại tùy theo tâm niệm, hoặc đầu một sợi lông thị hiện sự việc của tất cả cảnh giới Phật trang nghiêm…”.

Làm trú trì: tức là là thành tựu các môn cúng dường, tích tập các pháp trợ Bồ-đề. Như kinh nói: “Lại tùy theo tâm niệm, trong một niệm thị hiện các thân tướng nhiều như số vi trần trong vô lượng thế giới không thể nêu không thể nói…”.

Thế nào là khiến hoan hỷ?

Kinh: “Bấy giờ trong pháp hội, tất cả chúng Bồ-tát, cùng hết thảy tám bộ chúng hộ pháp, Tứ Thiên Vương, Thích-đề-hoàn-nhân, Phạm Thiên vương, Ma-hê-thủ-la chủ cõi trời Tịnh Cư… đều suy nghĩ: Nếu thần thông và trí lực của Bồ-tát có thể như vậy, thì vô lượng vô biên Phật lại như vậy nào?

Khi ấy, Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt, nhận biết tâm niệm của các đại chúng rồi, bèn hỏi Bồ-tát Kim Cang Tạng:

Thưa Phật tử! Hiện nay các đại chúng, nghe nói về trí lực-thần thông của Bồ-tát ấy, đều rơi vào mạng lưới nghi hoặc. Vì đoạn trừ tâm nghi ngờ này, xin thị hiện một ít sự việc vi diệu trang nghiêm bằng diệu lực thần thông của Bồ-tát.

Bồ-tát Kim Cang Tạng, lúc này, liền nhập Tam-muội Nhất Thiết Phật Quốc Thể Tánh Bồ-tát. Khi Bồ-tát Kim Cang Tạng nhập Tammuội ấy, thì hết thảy chúng Bồ-tát kia cùng tất cả tám bộ chúng hộ pháp, Tứ Thiên Vương, Thích-đề-hoàn-nhân, Phạm Thiên vương, Mahê-thủ-la chủ cõi trời Tịnh Cư… đều tự thấy thân mình nhập vào trong thân Bồ-tát Kim Cang Tạng. Ở trong thân ấy thấy rõ cõi nước của Phật. Trong cõi nước đó đầy đủ các hình tướng trang nghiêm, các sự việc kỳ diệu, dù trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp nêu bày cũng không thể hết. Trong đó có cây đạo tràng, thân cây chu vi mười vạn Tam thiên đại thiên thế giới, cao trăm vạn Tam thiên đại thiên thế giới, che phủ khắp ba ngàn ức Tam thiên đại thiên thế giới. Xứng hợp với sự cao rộng của cây, có tòa sư tử. Trên tòa ấy có Phật hiệu là Như Lai Nhất thiết trí Thông Vương, tất cả đại chúng đều cùng trông thấy. Đức Phật an tọa trên tòa sư tử ở dưới tán cây đạo tràng. Trong đó có các hình tướng trang nghiêm, các sự việc kỳ diệu, dù trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp cũng không thể nói hết.

Bồ-tát Kim Cang Tạng thị hiện đại thần lực như vậy rồi, lại khiến cho hết thảy các chúng Bồ-tát, tám bộ chúng hộ pháp, chư vị Tứ Thiên vương, Thích-đề-hoàn-nhân, Phạm Thiên vương, Ma-hê-thủ-la chủ cõi trời Tịnh Cư… đều trở lại chỗ cũ. Bấy giờ, tất cả đại chúng đều vô cùng hoan hỷ, sinh ý tưởng hy hữu, im lặng mà an trú và nhìn về Bồ-tát Kim Cang Tạng. Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt nói với Bồ-tát Kim Cang Tạng:

Này Phật tử! Thật là hết sức hy hữu! Tam-muội này với thần thông trang nghiêm có uy lực vô cùng. Này Phật tử! Tam-muội này tên gọi là gì?

Bồ-tát Kim Cang Tạng đáp:

Này Phật tử! Tam-muội này gọi là Nhất Thiết Phật Quốc Thể Tánh.

Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt hỏi Bồ-tát Kim Cang Tạng:

Thưa Phật tử! Cảnh giới của Tam-muội này trang nghiêm với thần thông, các sự việc kỳ diệu như vậy thì ngang mức độ nào?

Bồ-tát Kim Cang Tạng đáp:

Này Phật tử! Nếu Bồ-tát, tùy theo sự nhớ nghĩ của tâm, khéo tu tập thành tựu diệu lực của Tam-muội ấy, thì có thể thị hiện vô số, vô lượng cõi Phật như vậy. Cõi nước của chư Phật từ trong thân hiện bày, lại vượt qua số lượng ấy. Này Phật tử! Bồ-tát trí trong địa Pháp Vân của bậc Bồ-tát này, đạt được vô lượng trăm ngàn Tam-muội của bậc Bồ-tát như vậy. Do ý nghĩa ấy, cho nên Bồ-tát này, đạt được quả vị và Bồ-tát đạt vị, Bồ-tát trí trong địa Thiện tuệ (Địa thứ chín), cũng không thể lường biết. Hoặc nơi thân thì thân nghiệp khó có thể lường biết. Hoặc nơi khẩu thì khẩu nghiệp khó có thể lường biết. Hoặc nơi ý thì ý nghiệp, khó có thể lường biết. Hoặc nơi sự việc thần thông, hoặc nơi trí quán ba đời, hoặc hội nhập cảnh giới Tam-muội, hoặc cảnh giới của trí, hoặc diệu dụng của các giải thoát, hoặc những việc làm về ứng hóa, gia trì, hiện bày thần lực, cho đến những động tác đưa chân lên-hạ chân xuống thảy đều khó có thể lường biết. Hàng Bồ-tát đạt được quả vị và Bồ-tát trí trong địa Thiện tuệ cũng không thể lường biết được.

Này Phật tử! Địa Pháp Vân của bậc Bồ-tát vô lượng như vậy, nay đã lược nói, nếu nói rộng thì trong vô lượng trăm ngàn A-tăng-kỳ kiếp, vô lượng trăm ngàn vạn, vô lượng trăm ngàn ức A-tăng-kỳ kiếp cũng không thể nói hết được.

Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt hỏi Bồ-tát Kim Cang Tạng:

Thưa Phật tử! Nếu diệu lực trong cảnh giới thần thông hành của Bồ-tát là vô lượng như vậy, thì diệu lực trong cảnh giới thần thông hành của chư Phật lại như vậy nào?

Bồ-tát Kim Cang Tạng nói:

Này Phật tử! Ví như có người lấy hai-ba hòn đất nhỏ trong bốn cõi thiên hạ, dấy lên nói như vậy: Đất trong vô biên thế giới là nhiều hơn đất ở đây chăng? Điều mà ông đã hỏi thì tôi nói là như vậy. Trí tuệ vô lượng của Như Lai, làm sao lấy trí tuệ của Bồ-tát để lường xét? Này Phật tử! Như người lấy một chút đất trong bốn cõi thiên hạ, đất còn lại thì nhiều vô cùng. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát trong địa Pháp Vân, ở trong vô lượng kiếp nêu bày thì chỉ nói được một phần, huống hồ là địa Như Lai.

Bồ-tát Kim Cang Tạng nói với Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt:

Này Phật tử! Chư Như Lai chứng biết cho lời tôi nói. Giả sử trong mỗi mỗi phương khắp mười phương có cõi nước chư Phật nhiều như số vi trần của vô lượng thế giới, Bồ-tát mười địa đều hiện hữu đầy trong các cõi nước kia, ví như vô số các thứ mía, tre, lau, lúa, mè. Các vị Bồtát này, trong vô lượng kiếp, tu tập hành trì công đức trí tuệ, thì so với diệu lực công đức trí tuệ của Như Lai, trăm phần của các vị Bồ-tát kia không bằng một, ngàn phần không bằng một … trăm ngàn ức na-do-tha phần không bằng một, cho đến dùng toán số thí dụ cũng không thể đạt tới. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát ấy, trí tuệ thông đạt như vậy, thuận theo ba nghiệp thân, khẩu, ý của Như Lai, không rời bỏ lực dụng Tammuội của bậc Bồ-tát, thì có thể thấy chư Phật, dốc tâm cúng dường, ở trong mỗi mỗi kiếp, dùng tất cả vật dụng cúng dường tối thượng, cúng dường vô lượng chư Phật, mới có thể tiếp nhận đầy đủ thần lực gia hộ của chư Phật, càng trở nên sáng tỏ, thù thắng.

Bồ-tát ấy, ở trong pháp giới, mọi thứ vấn nạn hiện có, không ai có thể thắng. Trong vô lượng trăm kiếp, vô lượng ngàn kiếp, vô lượng trăm ngàn kiếp…, cho đến vô lượng trăm ngàn ức na-do-tha kiếp, đều không thể cùng tận.

Này Phật tử! Ví như người thợ kim hoàn thiện xảo, khéo sửa sang loại vàng này làm các vật dụng trang sức, lại dùng ngọc báu ma ni vô thượng gắn xen lẫn trong ấy, để cho Tự Tại Thiên vương, đeo ở trên cổ hoặc cài trên đầu, thì những vật dụng trang sức của các Thiên vương khác đều không thể sánh bằng. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát ấy, an trú trong địa Pháp Vân, là địa thứ mười của bậc Bồ-tát, thì trí hành của Bồ-tát kia không thể nghĩ bàn, tất cả chúng sinh, tất cả hàng Nhị thừa, các Bồ-tát từ Địa thứ nhất cho đến trí trong địa thứ chín, đều không thể sánh bằng.

Bồ-tát ấy, trú trong địa này, ánh sáng của trí lớn tỏa chiếu, có thể khiến cho hết thảy chúng sinh, cho đến trú trong trí Nhất thiết trí. Mọi ánh sáng của các thứ trí tuệ khác đều không thể phá hoại được.

Này Phật tử! Ví như ánh sáng của Thiên vương Ma-hê-thủ-la vượt qua tất cả sinh xứ của chúng sinh, ánh sáng ấy có thể khiến cho thân tâm chúng sinh mát mẻ. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát ấy, trú trong địa Pháp Vân, là Địa thứ mười của bậc Bồ-tát, thì ánh sáng trong trí tuệ của Bồ-tát đó, tất cả hàng Thanh văn, Bích-chi-Phật, các Bồ-tát từ Địa thứ nhất, cho đến trí trong địa thứ chín, đều không thể sánh kịp.

Bồ-tát ấy, trí trong địa này, có thể khiến cho hết thảy chúng sinh trú trong pháp của trí Nhất thiết trí.

Này Phật tử! Bồ-tát ấy, tùy thuận nơi trí tuệ như vậy, chư Phật nơi mười phương, vì Bồ-tát đó mà nói về trí tuệ, khiến thông đạt mọi nẻo hành của ba đời, nhận biết đúng về pháp giới sai biệt, trùm khắp tất cả cảnh giới thế gian, soi chiếu hết thảy cảnh giới thế gian, khiến cho tất cả chúng sinh giới có thể chứng đắc pháp. Lược nói, cho đến tùy thuận đạt được trí Nhất thiết trí. Bồ-tát ấy, trong mười Ba-la-mật, thì Trí Bala-mật luôn tăng thượng.

Này Phật tử! Đó gọi là trình bày tóm lược về địa Pháp Vân, là Địa thứ mười của bậc Bồ-tát. Nếu nói rộng, thì trong vô lượng vô biên Atăng-kỳ kiếp cũng không thể cùng tận.

Bồ-tát trí trong địa này, nhiều lần làm Thiên vương Ma-hê-thủ-la, tự tại đầy đủ, khéo trao truyền các hành Ba-la-mật cho chúng sinh và hàng Thanh văn, Bích-chi-Phật, Bồ-tát. Ở trong pháp giới, có người vấn nạn, không ai có năng lực làm cho tận cùng. Mọi nghiệp thiện đã làm như bố thí-ái ngữ-đồng sự-lợi hành, thì các phước đức ấy đều không lìa niệm Phật-niệm Pháp-niệm Tăng, niệm Bồ-tát và niệm hành của Bồ-tát, niệm Ba-la-mật… cho đến không lìa niệm đầy đủ với trí Nhất thiết chủng-Nhất thiết trí. Luôn sinh tâm niệm này: Mình phải ở trong hết thảy chúng sinh, là người đứng đầu, là hơn hẳn, là lớn, là diệu, là vi diệu, là trên, là vô thượng, là người dẫn dắt, là vị tướng, là bậc thầy, là bậc tôn quý, cho đến là nơi nương dựa của trí Nhất thiết trí. Lại từ tâm niệm ấy, phát khởi hành tinh tiến, nhờ lực dụng của tinh tiến cho nên trong khoảng một niệm, đạt được các pháp Tam-muội nhiều như số vi trần bằng mười lần không thể nêu bày trong trăm ngàn vạn ức na-dotha thế giới Phật. Được thấy các Đức Phật nhiều như số vi trần bằng mười lần không thể nêu bày trong trăm ngàn vạn ức na-do-tha thế giới Phật. Có thể nhận biết về thần lực của Phật nhiều như số vi trần bằng mười lần không thể nêu bày trong trăm ngàn vạn ức na-do-tha thế giới Phật. Có thể làm chuyển động các thế giới nhiều như số vi trần bằng mười lần không thể nêu bày trong trăm ngàn vạn ức na-do-tha thế giới Phật. Có thể đi vào các thế giới nhiều như số vi trần… có thể soi chiếu khắp các thế giới nhiều như số vi trần…

Có thể giáo hóa chúng sinh trong các thế giới nhiều như số vi trần… Có thể trú thọ trong số lượng kiếp nhiều như số vi trần… Có thể nhận biết các sự việc trong đời quá khứ-vị lai, mỗi đời với số lượng kiếp nhiều như số vi trần…

Có thể khéo hội nhập với các pháp môn nhiều như số vi trần… Có thể biến hóa thân thành số lượng thân nhiều như số vi trần… Nơi mỗi mỗi thân thị hiện các vị Bồ-tát nhiều như số vi trần…, dùng làm quyến thuộc. Nếu dùng nguyện lực tự tại, thì nguyện lực của Bồ-tát còn hơn hẳn, vượt qua số lượng trên, thị hiện vô số các loại thần thông, hoặc nơi thân, hoặc nơi ánh sáng, hoặc nơi mắt, hoặc nơi cảnh giới, hoặc nơi âm thanh, hoặc nơi hành, hoặc sự trang nghiêm, hoặc sự gia hộ, hoặc tin tưởng, hoặc tạo tác. Các thần thông ấy, cho đến vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp, cũng không thể tính biết”.

Luận:

Khiến hoan hỷ: tức là có thể đoạn trừ nghi hoặc. Đoạn trừ nghi có hai loại:

  1. Thị hiện diệu lực thần thông của chính mình.
  2. Thuyết giảng tất cả pháp.

Thế nào là thị hiện diệu lực thần thông của chính mình? Như kinh nói: “Bấy giờ, trong pháp hội, tất cả chúng Bồ-tát, cùng với hết thảy tám bộ chúng hộ pháp…”. Như vậy tự mình thị hiện diệu lực, đoạn trừ nghi hoặc của chúng sinh, khiến cho họ hoan hỷ.

Thế nào là thuyết giảng tất cả pháp? Như kinh nói: “Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát ấy, trí tuệ thông đạt như vậy, thuận theo thân-khẩu nghiệp của Như Lai, cho đến: Càng thêm sáng tỏ thù thắng. Bồ-tát ấy, ở trong pháp giới, mọi thứ vấn nạn hiện có, không ai có thể thắng…”.

Thù thắng lớn, có hai loại:

  1. Diệu lực thần thông thù thắng.
  2. Toán số thù thắng.

Hai loại này đều hơn hẳn so với tất cả các địa trước. Như kinh đã nói, nên biết!

Thông đạt mọi nẻo hành của ba đời: tức là là thông tỏ ba loại hành:

1. Hành có thể đoạn trừ nghi. Như kinh nói: “Này Phật tử! Bồ-tát ấy trú trong địa này, tùy thuận với trí như vậy, được chư Phật trong mười phương thuyết giảng về trí tuệ, khiến cho thông đạt về nẻo hành của ba đời”. Hành của ba đời; là nghĩa về thông tỏ, nên biết.

2. Hành của thần thông nhanh chóng. nghe giảng nói về pháp bí mật của Như Lai. Như kinh nói: “Nhận biết đúng về pháp giới sai biệt”.

3. Hành hỗ trợ tạo tác bình đẳng. Hành này có ba loại, nên biết!

4. Bình đẳng làm thanh tịnh cõi Phật, vì hóa độ chúng sinh.

5. Bình đẳng làm pháp minh.

6. Bình đẳng làm chánh giác.

Như kinh nói: “Trùm khắp tất cả cảnh giới thế gian. Soi chiếu tất cả cảnh giới thế gian…”.

Như vậy đã nói xong Phần thứ sáu: Diệu lực thần thông vô thượng hữu thượng. Tiếp theo là nói về Phần ảnh tượng của địa.

Ảnh tượng của địa: có bốn loại:

  1. Ao.
  2. Núi.
  3. Biển.
  4. Ngọc báu ma ni.

Để so sánh với bốn loại công đức:

  1. Công đức tu hành.
  2. Công đức thắng thượng.
  3. Công đức của quả lớn, có thể hóa độ các chúng sinh khó hóa độ.
  4. Công đức kiên cố chuyển tận.

Thế nào là công đức tu hành?

Kinh: “Này Phật tử! Bồ-tát mười địa này, thứ tự thuận theo hành, hướng tới trí Nhất thiết chủng Nhất thiết trí. Này Phật tử! Ví như từ nơi ao lớn A Nậu, xuất phát bốn con sông, làm sung mãn khắp cõi Diêmphù-đề, không thể cùng tận, lại càng tăng trưởng, cho đến sung mãn trong biển cả. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát từ trong tâm Bồ-đề, xuất phát dòng nước của đại nguyện căn thiện, dùng bốn Nhiếp pháp làm sung mãn cảnh giới chúng sinh, không hề cùng tận, lại càng tăng trưởng cho đến chứng đạt trọn vẹn trí Nhất thiết chủng-Nhất thiết trí”.

Luận:

Công đức tu hành: là dựa vào lực dụng của bản nguyện để tu hành. Dùng bốn Nhiếp pháp làm lợi ích, là hành lợi tha. Căn thiện của chính mình tăng trưởng, cho nên đạt được Bồ-đề, là hành tự lợi, nên biết. Như kinh nói: “Này Phật tử! Ví như từ trong ao lớn A Nậu, xuất phát bốn con sông… cho đến, chứng đạt trọn vẹn trí Nhất thiết chủng-Nhất thiết trí”. Thế nào là công đức thắng thượng.

Kinh: “Này Phật tử! Bồ-tát mười địa ấy, nhờ vào trí Phật mà có sai biệt. Ví như dựa vào đại địa, cho nên có mười ngọn núi chúa lớn sai biệt. Những gì là mười? Đó là:

  1. Núi chúa Tuyết.
  2. Núi chúa Hương.
  3. Núi chúa Tỳ-đà-lược.
  4. Núi chúa Tiên Thánh.
  5. Núi chúa Do-càn-đà-la.
  6. Núi chúa Mã Nhĩ.
  7. Núi chúa Ni-dân-đà-la.
  8. Núi chúa Chước-ca-bà-la.
  9. Núi chúa Chúng Tướng.
  10. Núi chúa Tu-di.

Này Phật tử! Ví như núi chúa Tuyết, hết thảy các loại cỏ thuốc đều tập trung ở nơi ấy, các loại cỏ thuốc đó dùng không thể hết. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát trú trong địa Hoan hỷ của bậc Bồ-tát, hết thảy các loại sách vở, luận thuyết, kỹ nghệ, văn tụng, chú thuật của thế gian đều tập hợp trong đó, những thứ đó đều không thể cùng tận.

Này Phật tử! Ví như núi chúa Hương, tất cả các loại hương đều tập trung ở nơi ấy, các loại hương đều dùng không thể hết. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát trí trong địa Ly Cấu của bậc Bồ-tát, hết thảy các loại hương nơi hành trì giới, chánh thọ của Bồ-tát đều tập hợp trong đó, tất cả những thứ hương đó đều không thể cùng tận.

Này Phật tử! Ví như núi chúa Tỳ-đà-lược, tánh báu thuần tịnh, tất cả các thứ báu đều tập trung trong đó, các thứ báu ấy dùng không thể hết. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát an trú trong địa Minh của bậc Bồ-tát, tất cả các thứ thiền định, thần thông, giải thoát, Tam-muội, Tam-mabạt-đề của thế gian đều tập hợp trong đó, tất cả các thứ ấy hỏi đáp không thể cùng tận được.

Này Phật tử! Ví như núi chúa Tiên Thánh, tánh báu thuần tịnh, Thánh nhân đạt được năm thông tập trung trong đó, Thánh nhân đạt được năm thông không thể cùng tận. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát trú trong địa Diệm của bậc Bồ-tát, trí hành thù thắng trong tất cả các hành đều tập hợp trong đó, hết thảy các hành đó với vô số vấn nạn đều không thể cùng tận.

Này Phật tử! Ví như núi chúa Do-càn-đà-la, tánh báu thuần tịnh, tất cả Dạ xoa, các quỷ thần lớn đều tập trung trong đó, hết thảy các loại đó đều không thể cùng tận. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát trí trong địa Nan Thắng của bậc Bồ-tát, tất cả thần thông như ý tự tại, biến hóa trang nghiêm đều tập hợp trong đó, hết thảy các thứ ấy hỏi đáp không thể cùng tận.

Này Phật tử! Ví như núi chúa Mã Nhĩ, tánh báu thuần tịnh, tất cả các quả đều tập trung trong đó, tất cả các quả ấy dùng không thể hết. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát trí trong địa Hiện Tiền của bậc Bồ-tát, nói về quán nhập nhân duyên tích tập đều tập hợp trong đó, việc giảng nói đó, hỏi đáp về chứng quả Thanh văn đều không thể cùng tận.

Này Phật tử! Ví như núi chúa Ni-dân-đà-la, tánh báu thuần tịnh, tất cả Long thần đại lực đều tập hợp trong đó, hết thảy Long thần đại lực đó đều không thể cùng tận. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát trí trong địa Viễn Hành của bậc Bồ-tát, vô số các loại trí phương tiện đều tập trung trong đó, vô số trí ấy nêu bày chỗ hỏi đáp về sự chứng quả của Bích-chi-Phật đều không thể cùng tận.

Này Phật tử! Ví như núi chúa Chước-ca-bà-la, tánh báu thuần tịnh, chúng đạt được tự tại tập hợp trong đó, chúng đạt được tự tại đều không thể cùng tận. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát trí trong địa Bất Động của bậc Bồ-tát, phát khởi tất cả nẻo tự tại của bậc Bồ-tát đều tập hợp trong đó, sự việc phát khởi này, nói về tất cả cảnh giới thế gian sai biệt, hỏi đáp đều không thể cùng tận.

Này Phật tử! Ví như núi chúa Chúng Tướng, tánh báu thuần tịnh, đại chúng A-tu-la tập hợp trong đó, các đại chúng A-tu-la đó đều không thể cùng tận. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát trí trong địa Thiện tuệ của bậc Bồ-tát, sự nhận biết về hành thuận nghịch của tất cả chúng sinh đều tập hợp trong đó, sự nhận biết đó nói về tất cả tướng sinh diệt của thế gian, hỏi đáp đều không thể cùng tận.

Này Phật tử! Ví như núi chúa Tu-di, tánh báu thuần tịnh, đại chúng chư Thiên tập hợp trong đó, các chúng chư Thiên đó đều không thể cùng tận. Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát trí trong địa Pháp Vân của bậc Bồ-tát, các lực, vô úy của Như Lai, mười tám pháp Bất cộng của Phật đều tập hợp trong đó, các lực-vô úy… thị hiện Phật sự, hỏi đáp không thể cùng tận.

Này Phật tử! Mười núi chúa báu lớn này cùng ở nơi biển cả, dựa vào biển cả mà được mang tên. Như vậy, này Phật tử! Mười địa Bồ-tát cùng ở trong Nhất thiết trí, dựa vào Nhất thiết trí mà được mang tên”.

Luận:

Công đức thắng thượng; tức là dựa vào Nhất thiết trí tăng thượng, hành trì mười địa. Như kinh nói: “Này Phật tử! Bồ-tát mười địa ấy, nhờ vào trí Phật mà có sai biệt. Ví như dựa vào đại địa cho nên có mười ngọn núi chúa lớn sai biệt…”.

Dụ về các núi báu thuần tịnh; là dụ cho tám chủng địa, yếm địa khéo thanh tịnh. Lại nữa, các núi chúa không phải thuộc về số lượng chúng sinh, mà là chỗ dựa của phần thuộc về số lượng chúng sinh.

Không phải thuộc về số lượng chúng sinh; có hai loại:

  1. Sự vật thọ dụng.
  2. Sự vật quý báu được tích tụ, gìn giữ.

Sự vật thọ dụng có hai loại:

  1. Bốn đại của chúng sinh đối trị tăng giảm.
  2. Nuôi lớn chúng sinh.

Dựa vào núi Tuyết, núi Hương, núi Tỳ-đà-lược, núi Mã Nhĩ. Bốn núi này chẳng phải là chỗ dựa của phần thuộc về số lượng chúng sinh. Cỏ thuốc, các thứ hương, các loại báu, tất cả quả tập hợp trong những nơi ấy. Tất cả quả là phần thuộc về số lượng chúng sinh trong núi chúa thứ sáu. Lại có sáu loại nạn cần đối trị. Sáu loại nạn là:

  1. Nạn vì nghèo.
  2. Nạn vì chết.
  3. Nạn vì thiếu thốn.
  4. Nạn do không được điều phục.
  5. Nạn vì nghiệp ác.
  6. Nạn vì oán địch.

Trong núi chúa thứ tư, phước điền của năm thông đối trị nạn vì nghèo. Trong núi chúa thứ năm, đại thần thông biến hóa của Dạ xoa đối trị nạn vì chết. Trong núi chúa thứ bảy, các đại Long vương đối trị nạn vì thiếu thốn. Trong núi chúa thứ tám, chúng đạt được tự tại, đối trị nạn do không được điều phục. Nơi núi chúa thứ chín, A-tu-la nói chú, đối trị nạn vì nghiệp ác. Trong núi chúa thứ mười, bốn Thiên Vương tự tại, đối trị nạn vì oán địch.

Tất cả các núi chúa này, các sự vật được tập hợp trong đó, như sự việc được nêu bày, có thể sinh tất cả vật.

Tập hợp trong đó, không thể cùng tận; tức là hành thuận hợp, không dứt mất, không ngừng nghỉ. Mười núi lớn kia dựa vào biển cả mà được mang tên. Biển cả cũng dựa vào núi lớn mà được mang tên. Mười địa của Bồ-tát cũng lại như vậy. Cùng ở trong Nhất thiết trí, dựa vào Nhất thiết trí mà được gọi tên, tức là nhân quả cùng hiển bày. Như kinh nói: “Này Phật tử! Mười núi chúa báu lớn ấy, cùng ở giữa biển cả…”.

Thế nào là công đức của quả lớn; có thể hóa độ các chúng sinh khó hóa độ?

Kinh: “Này Phật tử! Ví như biển cả, do mười tướng cho nên luôn được gọi là biển cả, không gì có thể hủy hoại. Những gì là mười?

  1. Lần lượt sâu dần.
  2. Không tiếp nhận thây chết.
  3. Các dòng nước khác chảy vào đều mất tên gọi vốn có.
  4. Đồng một vị.
  5. Có vô lượng vật báu tích tụ.
  6. Hết mực sâu xa khó lường tính.
  7. Rộng lớn vô lượng.
  8. Có nhiều chúng sinh thân tướng lớn sinh sống.
  9. Thủy triều lên xuống không sai thời hạn.
  10. Có thể tiếp nhận tất cả mưa lớn, không hề thỏa mãn.

Như vậy, này Phật tử! Hạnh Bồ-tát cũng do mười tướng cho nên luôn gọi là hạnh Bồ-tát, không gì có thể hủy hoại. Những gì là mười tướng? Đó là:

1. Bồ-tát trong địa Hoan Hỷ, lần lượt phát khởi đại nguyện.

2. Bồ-tát trong địa Ly Cấu, không cùng trú với tử thi là kẻ phá giới.

3. Bồ-tát trong địa Minh (địa Phát Quang), xả bỏ các thứ giả danh của thế gian.

4. Bồ-tát trong địa Diệm, luôn cung kính Tam bảo, đạt được nhất vị (Pháp vị duy nhất) không hủy hoại.

5. Bồ-tát trong địa Nan Thắng, với vô lượng trí phương tiện khởi tạo các thứ báu của thế gian.

6. Bồ-tát nơi địa Hiện Tiền, quán xét pháp nhân duyên tích tập vô cùng sâu xa.

7. Bồ-tát nơi địa Viễn Hành, dùng vô lượng trí phương tiện, khéo chọn lấy các pháp.

8. Bồ-tát ở trong địa Bất Động, thị hiện dấy khởi các sự việc trang nghiêm lớn.

9. Bồ-tát trí trong địa Thiện Tuệ, đạt được giải thoát thâm diệu, thông tỏ các hành của thế gian, chứng đắc đúng như thật, không vượt quá giới hạn.

10. Bồ-tát trong địa Pháp Vân, có thể tiếp nhận tất cả các pháp minh lớn, pháp rưới mưa lớn của chư Phật, không có gì chán đủ”.

Luận:

Công đức của quả lớn; có thể hóa độ các chúng sinh khó hóa độ: Tức là nhân quả cùng thuận hợp. Mười địa như biển cả, có thể hóa độ các trường hợp khó hóa độ, đạt được quả đại Bồ-đề.

Biển cả có tám loại công đức, nên biết!

1. Công đức dễ đi vào. Như kinh nói: “Lần lượt sâu dần”.

2. Công đức thanh tịnh. Như kinh nói: “Không tiếp nhận thây chết”.

3. Công đức bình đẳng. Như kinh nói: “Các dòng nước khác đổ vào đều mất tên gọi vốn có”.

4. Công đức che chở. Như kinh nói: “Đồng một vị”.

5. Công đức làm lợi ích. Như kinh nói: “Vô lượng các vật báu tích tụ”.

6. Công đức không khô cạn; tức là là sâu rộng. Như kinh nói: “Hết mực sâu xa khó lường tính, rộng lớn vô lượng”.

7. Công đức về trú xứ; tức là có các chúng sinh thân lớn nương tựa. Như kinh nói: “Có nhiều chúng sinh thân tướng lớn sinh sống”.

8. Công đức hộ trì thế gian: Thủy triều không sai thời hạn, dung chứa nước không chán đủ. Như kinh nói: “Thủy triều lên xuống không sai thời hạn. Có thể tiếp nhận tất cả mưa lớn, không hề thỏa mãn”. Pháp tương tự với biển cả, hành trong mười địa của Bồ-tát, cũng có mười loại tương ưng, như kinh nói: “Như vậy, này Phật tử! Hạnh Bồ-tát cũng do mười tướng cho nên luôn gọi là hạnh Bồ-tát, không gì có thể hủy hoại”.

Thế nào là công đức kiên cố chuyển tận?

Kinh: “Này Phật tử! Ví như ngọc báu ma ni vượt qua mười tánh báu:

  1. Sinh ra từ biển cả.
  2. Thợ khéo tay sửa sang tốt đẹp.
  3. Khéo léo càng đẹp đẽ kỳ diệu.
  4. Hết sức thanh tịnh.
  5. Hết sức trong sáng rực rỡ.
  6. Dễ dàng xuyên thủng.
  7. Dùng sợi quý báu luồn qua.
  8. Đặt ở cột cao bằng lưu ly.
  9. Phóng ra tất cả ánh sáng.
  10. Tùy theo ý của vua, mưa xuống các vật báu, có thể ban cho hết thảy chúng sinh tất cả vật báu.

Như vậy, này Phật tử! Bồ-tát phát tâm Nhất thiết trí, vượt qua mười tánh Thánh:

1. Đầu tiên là phát tâm bố thí, lìa keo kiệt.

2. Khéo tu tập trì giới, hành chân chánh sáng tỏ thanh tịnh.

3. Khéo tu các pháp thiền định, Tam-muội, Tam-ma-bạt-đề, khiến cho càng trở nên tinh, diệu.

4. Các pháp Bồ-đề phần hết sức thanh tịnh.

5. Phương tiện thần thông hết sức trong sáng rạng rỡ.

6. Quán xét nhân duyên tích tập dễ dàng xuyên suốt.

7. Vô số trí phương tiện, khéo dùng sợi tơ nối liền.

8. Đặt ở trên cột cao của thần thông tự tại.

9. Quán xét hành của chúng sinh, phóng ra ánh sáng trí tuệ đa văn.

10. Chư Phật trao cho địa vị trí tuệ, lúc bấy giờ có năng lực vì tất cả chúng sinh mà thị hiện làm những Phật sự, thì gọi là đạt được Nhất thiết trí”.

Luận:

Công đức kiên cố chuyển tận; là dụ về báu đại ma ni. Như kinh nói: “Này Phật tử! Ví như ngọc báu ma ni…”.

Vượt quá mười tánh báu; tức là ngọc báu ma ni vượt qua các thứ như tỳ lưu ly…, do vì sinh ra cho nên được chọn lấy, cho đến; phóng ra tất cả ánh sáng là chỉ rõ về báu này có tám loại công đức thâu nhiếp. Đó là:

1. Công đức xuất phát; tức là chọn lựa mà lấy, nhờ vào sự khéo léo quán xét.

2. Công đức màu sắc; người thợ khéo tay sửa sang tốt đẹp.

3. Công đức hình tướng; Khéo léo càng đẹp đẽ kỳ diệu.

4. Công đức không cấu uế; tức là hết sức thanh tịnh.

5. Công đức sáng, sạch; tức là hết sức trong sáng rực rỡ.

6. Công đức phát khởi hành; là dễ dàng xuyên thủng, dùng sợi quý báu luồn qua, đặt ở cột cao bằng lưu ly ba câu này đã chỉ rõ.

7. Công đức do thần lực; phóng ra tất cả ánh sáng, soi chiếu khắp mọi nơi chốn.

8. Công đức không giữ lấy; tức là tùy theo ý vua, mưa xuống các vật báu, có thể ban cho tất cả chúng sinh hết thảy vật báu. Tiếp nhận quả vị chánh trí, bởi vì chung một tạng thiện căn với tất cả chúng sinh.

Vượt quá mười tánh Thánh; tức là vượt quá tánh của hàng Nhị thừa. Hàng Thanh văn có tám chủng tánh: Bốn hành-bốn quả sai biệt.

Hàng Bích-chi-Phật chỉ có hai chủng tánh: Một hành-một quả sai biệt.

Như vậy đã nói xong Phần ảnh tượng của mười địa.

Thế nào là Phần lợi ích của địa?

Kinh: “Này Phật tử! Bồ-tát ấy hành hóa, khéo tích tập công đức của trí Nhất thiết chủng Nhất thiết trí, tích tập nhiều thứ pháp môn. Nếu chúng sinh nào không gieo trồng căn lành sâu xa, thì không thể nào nghe được.

Bồ-tát Giải Thoát Nguyệt hỏi:

Thưa Phật tử! Đối với sự khéo tích tập công đức của trí Nhất thiết chủng-Nhất thiết trí, tích tập nhiều loại pháp môn ấy, nếu người được nghe thì người ấy thành tựu được bao nhiêu công đức?

Bồ-tát Kim Cang Tạng đáp:

Này Phật tử! Tùy theo sự thâu nhiếp của trí Nhất thiết trí, quán xét tập hợp các công đức, thì sự tích tập công đức của trí Nhất thiết chủng Nhất thiết trí, tích tập các pháp môn cũng lại như vậy. Người này được nghe pháp môn này thì công đức đạt được cũng lại như vậy. Vì sao? Này Phật tử! Vì nếu chẳng phải là Bồ-tát thì không nghe được sự tích tập các pháp môn, tích tập công đức của trí Nhất thiết chủng-Nhất thiết trí, huống là có thể tin, có thể thọ trì, có thể tu tập đúng đắn hay sao?

Khi thuyết giảng kinh này, nhờ thần lực của Phật, nhờ đạt được diệu lực của pháp, thế giới của chư Phật nhiều như vi trần trong mười ức cõi Phật khắp mười phương thế giới, xuất hiện sáu loại chấn động với mười tám tướng, đó là: Chấn động khắp nơi-chấn động bằng nhautất cả cùng chấn động, vọt lên khắp nơi-vọt lên bằng nhau-tất cả cùng vọt lên; hiểu rõ khắp nơi-hiểu rõ như nhau-tất cả cùng hiểu rõ, tung lên khắp nơi-tung lên như nhau-tất cả cùng tung lên; rung chuyển khắp nơirung chuyển như nhau-tất cả cùng rung chuyển; gầm lên khắp nơi-gầm lên như nhau-tất cả cùng gầm lên. Nhờ thần lực của Phật, nhờ đạt được diệu lực của pháp, cho nên mưa xuống các loại hoa trời, như làn mây từ từ hạ thấp, mưa xuống các thứ y phục-vật báu-đồ dùng trang nghiêmtán che-cờ phướn-kỹ nhạc-âm thanh, tất cả đều là vật dụng của cõi trời, để tán thán địa Nhất thiết trí và tán thán những sự việc thù thắng trong mười địa.

Như bốn cõi thiên hạ thuộc thế giới này, trong cung điện Ma Ni Bảo Tạng của Tự Tại Thiên Vương ở cõi trời Tha-hóa-tự-tại, thuyết giảng về pháp của mười địa. Như vậy, tất cả thế giới khắp mười phương, đều thuyết giảng về pháp của mười địa này. Nhờ thần lực của Phật, các thế giới nhiều như số vi trần trong mười ức cõi Phật khắp mười phương, có các Bồ-tát nhiều như số vi trần trong mười ức cõi Phật đến quy tụ đầy khắp mười phương hư không. Đến rồi đều nói lời như vậy: Lành thay! Lành thay! Này Phật tử! Ông đã khéo thuyết giảng về tướng của Bồ-tát trú trong các địa. Này Phật tử! Tất cả chúng tôi cũng tên là Kim

Cang Tạng, từ thế giới Kim Cang Thắng, trú xứ của Đức Phật Kim Cang Tràng đến đây. Tất cả các thế giới ấy đều nhờ vào thần lực của Phật, đều thuyết giảng về pháp môn này, các chúng hội cũng như vậy, câu chữ cũng người, giải thích tên gọi cũng như vậy, nghĩa lý cũng như vậy chứ không tăng-không giảm.

Này Phật từ! Vì vậy chúng tôi vâng theo thần lực của Phật, đi đến chúng hội này để chứng minh đúng như pháp. Này Phật tử! Như chúng tôi đã đến tại pháp hội này, như vậy tất cả thế giới khắp mười phưởng, trong mỗi một thế giới có bốn cõi thiên hạ, trong cung điện Ma Ni Bảo Tạng của Tự Tại Thiên Vương trên cõi trời Tha-hóa-tự-tại, cũng có các Bồ-tát nhiều như số vi trần trong mười ức cõi Phật, đều đến để làm chứng.

Lúc bấy giời Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng vâng theo thần lực của Phật, khi thuyết giảng kinh này được Như lai tùy hỷ. Tất cả các chúng Bồ-tát ấy và tám bộ chúng hộ pháp, Tứ Thiên Vương, Thích Đề Hoàn Nhân, Phạm Thiên Vương, Ma-hê-thù-la cùng chúng cõi trời Tịnh Cư đều vô cùng hoan hỷ.

Đức Phật sau khi thành đạo chưa lâu, vào ngày thứ mười bốn tại cung điện Ma-Ni Bảo Tạng của Tự Tại Thiên Vương trong cõi trời ThaHóa-tự tại, thuyết cho Bồ-tát Kim Cang Tạng hoan hỷ phụng hành”.

Luận: Lợi ích của địa, có hai loại:

  1. Công đức phát sinh niềm tin.
  2. Công đức cúng dường.

Lại nữa, trong pháp môn này, chỉ rõ việc quyết định tin tưởng, nói về ý nghĩa của lợi ích to lớn. Như Kinh nói: “Này Phật tử! Bồ-tát ấy hành hóa, khéo tích tập công đức của trí Nhất thiết chủng-Nhất thiết trí, tích tập nhiều loại pháp môn… Bồ-tát Giải thoát Nguyệt hỏi… Bồ-tát Kim Cang Tạng đáp…”

Bởi vì từ trong kinh này, phát sinh niềm tin đạt được công đức. Lại có công đức phát sinh niềm tin, là nghĩa của duyên sinh này, nhờ thần lực của Phật, nhờ đạt được diệu lực của pháp…” Sáu loại chấn động:

  1. Chấn động.
  2. Vọt lên.
  3. Tung lên.
  4. Phát khởi.
  5. Tung xuống.
  6. Gầm thét.

Mười tám tướng là tướng trạng của sáu loại chấn động này, hiện bày theo thứ tự hạ-trung-thượng như vậy.

Trong khí thế gian, dựa vào bốn loại chúng sinh tu:

  1. Dựa vào chúng sinh bất thiện.
  2. Dựa vào chúng sinh tin theo các loại trời.
  3. Dựa vào chúng sinh .

Vì sự sai biệt theo thứ tự hạ-trung-thượng của các chúng sinh này, mà có các loại chấn động từ chấn động cho đến gầm thét. Mười tám câu với nghĩa khác nhau như vậy, nên biết!

Như vậy đã nói về công đức phát sinh niềm tin và nghĩa của duyên sinh.

Công đức cúng dường. Như kinh nói: “Mưa xuống các loại hoa trời…”

Tất cả các thế giới đều thuyết giảng về pháp môn này là chỉ rõ về vô lượng pháp môn, về mọi việc làm lợi ích cho tất cả chúng sinh mà thị hiện. Như kinh nói: “Như bốn cõi thiên hạ thuộc thế giới này…” Những phần còn lại thì dễ dàng hiểu được.