LUẬN KINH KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT PHÁ THỦ TRƯỚC BẤT HOẠI GIẢ DANH
Tác giải: Bồ-tát Công Đức Thí
Hán dịch: -Đời Đường Sa-môn Địa Bà Ha La
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN HẠ

Tôn giả Tu-bồ-đề nghĩ: Chư Phật đã lìa tất cả các tưởng, chứng được tánh của Pháp không, vậy thế gian này nương vào tướng nào mà tin mà biết? Thế nên kinh nói: “Như Lai là lời chân chánh, là lời nói thực, là lời đúng đắn, là lời không sai khác”.

Vì sao chỉ có bốn điều như thế, để chỉ bày là chư Phật đã chứng được chân thật và lìa các tưởng?

Vì ở thế gian, nhiều kẻ chỉ mong cầu danh lợi, nên đối với pháp của bậc thượng nhân chưa chứng mà họ nói đã chứng. Phật thì khác với kẻ đó, nên chỉ nói lời chân chánh.

Lại có kẻ tham lam hèn kém, nhiều kiêu căng dối trá,đã từng đã được thần thông, nhưng tự biết mình đã mất từ lâu, khi có người đến hỏi, thì chỉ ậm ừ bảo là: “Trước đây có lìa bỏ tâm ấy, nay xin nói thật.”

Lại có kẻ tu hành, được định thế gian, tâm tạm thời chẳng hoạt động, đồng với sự vắng lặng Niết-bàn, nhưng hướng về mọi người, nói là ta đã chứng Niết-bàn…”. Để dẹp hẳn các lầm lỗi đó, nên Như Lai nói lời đúng đắn. Lời nói này đúng như cái đang có, đúng nghĩa đó, và theo lời nói, từng chữ nghĩa so sánh thì biết ngay, đó tức là đồng hành vậy. Như lúc giảng giải nghĩa lý, tất có cái giống nhau hoặc trái nhau.

Đồng hành mà rộng nói, tức là như bò mẹ lúc nào cũng tìm đến với nghé con mình, đúng là như thế. Nên biết! Điều này chỉ rõ Như Lai đã dứt hết tất cả các chướng và đúng như quả đã chứng ra sao, thì nói như thế. Không như những kẻ học được thiền định thế gian, nói đã chứng Niết-bàn nhưng thật ra thì chẳng còn gì!

Thế nào là nói lời không sai khác? Vì các phàm phu đối với thành Kiền-thát-bà, theo như chỗ họ thấy, chỉ là những hình ảnh hư ảo, ánh sáng trời hoặc vòng lửa xoay, họ mê chấp cho là lạ, khác thật. Chư Phật thì không thế, nên nói Phật là lời không sai khác. Đây là thế nào? Vì các kẻ phàm phu chấp cho là thành quách… chứ chẳng phải là thành quách gì cả, chỉ có tên gọi sai khác mà thôi. Các thứ mà Như Lai đã chứng chẳng hề giả dối, nó có tánh không lừa dối nên gọi là chẳng sai khác. Thế cho nên, những điều nói ra chưa bao giờ là giả dối. Làm sao biết được? Vì Phật đã trừ sạch tất cả các chướng, có chứng, cùng những lời chỉ dạy theo đó xét luận ra mà biết rõ.

Thế nào là chứng? Thí dụ nói sắc là vô thường vv… thì sắc pháp hiện có thật, là vô thường.

Thế nào là giáo? Như kinh có nói: “Này Đồng Tử! Ta biết tất cả, thấy tất cả”. Nghĩa là vậy.

Lại nữa, các thứ rất chắc chắn đúng thì gọi là tứ đế. Như Lai đã chứng biết bốn nghĩa lý sâu xa này, nên mới trình bày ra. Những điều không biết mà vẫn nói thì không có chuyện đó!

Ở đây nói chân chánh là khi nói về Khổ Đế: Các uẩn như Sắc v.v.… thì đúng là khổ. Còn lời nói thực, là nói về Tập Đế, ở đây ái đúng là nhân gây ra khổ, không được tự tại là do nhân đó. Còn lời nói đúng, là nói về Diệt Đế là Niết-bàn Vô vi. Các pháp Hữu vi là giả dối, còn Vô vi thì trái lại. Như nói các pháp Vô vi tánh chẳng bao giờ giả dối, nên gọi là lời đúng đắn. Về lời chẳng sai khác, là nói về Đạo Đế. Nếu ai nói lìa xa Bát chánh đạo mà chứng được Niết-bàn, thì đó là nói dối, không đúng thực.

Vì Đạo này là đúng thực, không dối.

Có kẻ ngờ hỏi: Nếu chư Phật, đã lìa bỏ tất cả các tưởng thì làm sao đối với các pháp hiện tại mà chứng biết, để rồi nói Bát chánh đạo là thực, còn nhìn vào nước lửa vv… bảo là hư dối? Nói thật, dối như vậy là đã có các phân biệt?… Do đó mà kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Pháp của Như Lai đã được và pháp của Như Lai đã giảng nói, đều không thực mà cũng chẳng dối.” Nghĩa này là thế nào? Vì Như Lai đã chứng Đệ Nhất Nghĩa, thấy rõ tất cả pháp vốn là tánh vô sinh (không sinh). Vì không sinh, nên chẳng từng có. -Thế nào gọi là thực? Đã không sinh ra thì làm gì có diệt. Thế nên nói chẳng phải dối. Thực và dối, cả hai cảnh đều không nắm bắt được, thế thì làm sao sinh ra các tưởng phân biệt? Các pháp được nói đều có tính chất văn tự chữ nghĩa, mà văn tự là Hữu vi, cho nên chẳng phải là thực. Nhưng nương vào đó mà tu hành, để chứng đạo chân thực, nên chẳng phải là dối.

Lại có nghi: Nếu các pháp đã chứng là không sinh, không tính chấtkhông phải thực-chẳng phải dối, là thân chư Phật Đệ Nhất Nghĩa. Nếu lấy đó làm nhân, cả ba thân đều được thành tựu viên mãn, làm gì Bồ-Tát lại bỏ pháp đã chứng để trụ vào sự việc mà bố thí sao?

Để dẹp trừ nghi này, nên kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Ví như có người đi vào chỗ tối, thì không còn thấy gì. Nếu Bồ-Tát có tâm trụ vào sự việc mà bố thí v.v…” Đấy là hai dụ tối và sáng, để chỉ rõ lỗi lầm của công đức có trụ và công đức không trụ. Nghĩa đó thế nào? Tức là như người ở trong đêm tối, bỏ con đường bằng phẳng đi vào lối nhỏ quanh co-hiểm trở, để chịu lấy biết bao khổ nạn. Với chỗ vui sướng gần gũi đó mà chẳng thấy biết. Như thế, nếu các Bồ-Tát trụ vào việc để Bố Thí, thì khác nào bỏ con đường đất bằng phẳng mà đi vào ngõ hẹp vòng vèo đầy hiểm trở. Khác nào ở chốn sinh tử, chịu nhiều khốn khổ thì biết đến bao giờ mới đến được chốn Niết-bàn?

“Như người có mắt”, là chỉ cho người đã được Nhẫn Vô sinh.

“Phần đêm đã hết”, ý nói là lìa bỏ quả báo, ái dục.

“Ánh mặt trời chiếu sáng”, là thấu hiểu chắc chắn các pháp đều tánh không. Thấy đủ mọi thứ hình ảnh màu sắc, tức đã ngộ: Là tất cả các pháp đều chẳng giảm bớt, chẳng sinh thêm, chẳng dứt mất, chẳng là một, cũng chẳng là khác, chẳng hề đến, cũng chẳng ra đi, tất cả đều không nắm bắt được vv… Bồ-Tát nên trụ như thế mà bố thí, thì sẽ nhanh chóng được quả Chánh Giác, chứng Đại Niết-bàn.

Trong tất cả các pháp tu hành này, đều có lợi mình và lợi người. Tự lợi lại có giáo tu hành và nghĩa tu hành. Giáo tu hành, tức là thọ trì đọc tụng -Nghĩa tu hành, tức là lắng nghe và suy nghĩ kỹ lưỡng. Lợi tha, tức là vì người mà giảng nói. Như kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Nếu thiện nam, thiện nữ nào, đối với kinh này mà thọ trì-đọc tụng-tu tập-diễn nói… Thì Như Lai đều thấy người ấy và đều biết người ấy, sẽ tạo ra được vô lượng khối phước đức như thế và cũng được thọ nhận vô lượng phước đức như thế.

Trong đấy, “Thọ” tức là chỉ cho người có tâm lãnh nhận. “Trì”, tức là ôn nhớ mãi không quên. “Đọc tụng” tức là ngâm đọc lời văn .“Tu tập” tức là lắng nghe và suy tư tìm hiểu. Còn cái tướng của vô lượng khối phước đức thì như thế nào? Kinh nói: Nếu có thiện nam-thiện nữ nào, buổi sáng đem Hằng sa thân bố thí… cho đến… đối với pháp môn này, tâm tin tưởng, không chê bai v.v… Thì phước Bố thí này, sẽ hơn hẳn phước trước, vì sự việc và thời gian của cả hai thứ đều lớn và nhiều. Sự việc lớn, là như kinh đã nói, lấy Hằng hà sa thân mà Bố thí. Còn thời gian lớn là như kinh nói: Trải quả trăm ngàn ức Na-do-tha kiếp.

Tu hành được quả mặc tình. Nay hỏi quả tự nhiên là thế nào? Tức là người tu hành, từ đầu cho đến lúc chưa thành Chánh Giác, từ kiếp này sang đời khác, có được bao nhiêu công đức, thảy đều ước hẹn cho quả vị Phật cả. Công đức là gì? Tức là không bị các thứ ma và ngoại đạo ngăn trở rối loạn. Công đức lớn, là Phước quả bền chắc, đặc biệt cao tột không ai bằng, là thứ pháp khí cao quí nhất, là hành trang của cải vẹn toàn đầy đủ nhất. Như thế mới có thể đảm trách thực hiện được nhân phước đức, sự tin hiểu sâu xa khó vượt hơn. Từ đó có thể diệt hết mọi tội lỗi và mau chứng quả vị.

Ở đây, nói Ma và bọn ngoại đạo không thể ngăn trở, rối loạn; thì kinh có nói: “Pháp môn này, chẳng thể nghĩ bàn” Nghĩa này là thế nào? Vì oai lực của pháp này là chẳng thể nghĩ bàn vậy. Người này, có phước Tuệ, vượt hơn các trí cảnh, nên các thứ tà quấy chẳng thể ngăn cản, phá rối được, đó là vì có công đức lớn. Còn “đặc biệt thù thắng không gì bằng”, kinh nói: Chẳng thể xưng kể suy lường, vì người này có thể thọ trì pháp môn; chẳng thể suy lường, vì oai lực các công đức khác, không thể sánh bằng. Thế nên mới nói, người này rất là tuyệt diệu và cao tột. “Phước quả bền chắc”, kinh nói: Có vô lượng quả báo ác xấu, cũng không làm trở ngại được, vì có công đức rộng lớn. Khi kẻ này, ở trong cõi Trời và Người, sẽ nhận được các phước báo đặc biệt tốt đẹp mà không ai có thể bức bách, cướp đoạt của họ được. “Loại pháp khí cao quí nhất”, kinh nói: Pháp môn này Như Lai nói cho người phát tâm Đại thừa, cho người phát tâm tối thượng thừa, Pháp như vậy, đâu dám lấy sự hư dối mà trao cho để dùng làm pháp khí?!

“Tài sản riêng tư vẹn toàn nhất”, thì kinh nói: Nếu có người nào thọ trì-đọc tụng, vì người khác mà giảng nói, thì phước đức tăng trưởng thêm nhiều, còn lắng nghe và suy nghĩ, thì trí tuệ tăng trưởng thêm nhiều.

Sự tăng trưởng như thế nào? Như kinh nói: Mọi thành tựu có được đều không thể nghĩ, không thể xưng kể, chẳng có ranh giới, đạt được vô lượng khối công đức.

Nói “Vô lượng” Là ý muốn chỉ rõ công đức này, không phải là lãnh vực suy lường của tất cả tâm. Cho nên nói suy nghĩ là chẳng thể biết được, chẳng thể chấp lấy được, chỉ có thể xưng kể là vô biên không ngăn mé mà thôi!

“Có thể gánh vác việc rất khó”, thì kinh nói: Những người như thế, tức là có thể đảm trách, gánh vác đạo Chánh Đẳng Chánh Giác vô thượng của Như Lai. Nghĩa này thế nào? Ví như Phật đã thành tựu được pháp mầu khó nghĩ bàn, dạy dỗ cứu độ quần mê-khổ não, không sót một người nào. Người trì kinh này, cũng phải như thế.

“Tin hiểu sâu sắc rộng lớn”; kinh nói: Nếu những kẻ nào chỉ ưa thích những pháp nhỏ nhặt-thấp bé thì đối với kinh này không thể thọ trì đọc tụng vv… “Tin hiểu rộng lớn”, tức là không có tính ưa thích chi li. “Tin hiểu sâu xa”, tức là không có các thứ ngã kiến v.v… “ Chỗ nhân của phước”, kinh này nói: Ở mọi chỗ nào, mọi nơi nào có nói kinh này v.v…, đó là nơi tập họp phước đức, bỏ các tội lỗi, gọi đó là linh tháp.

Người hay diễn nói pháp này, thì có công đức ngang bằng với nơi chốn có sự thuyết pháp. Tuy ở đó, không có việc suy nghĩ-thọ trì-diễn nói… nhưng mà trừ được tất cả tội ác. Như kinh nói: “Nếu có thiện namthiện nữ nào, thọ trì-đọc tụng kinh này, bị người khác chê v.v…”

Thọ trì kinh này tất sẽ được thành Phật, nhưng trái lại bị người khác khinh chê, là vì cớ gì? Kinh nói: Người ấy đời trước có tội ác, nghiệp báo, đáng lẽ phải bị đọa vào cõi ác, nhưng đời này chỉ bị người khinh khi, là vì các tội nghiệp đời trước đã được tiêu diệt.

Trong Phẩm Như Lai có nói: Nếu lại có người thọ trì kinh này, cho đến chỉ diễn nói thì khi người ấy sống ở đời hiện tại, nếu có nhiều ác mộng khi ngủ, hoặc bị trọng bệnh, hoặc khi bị rượt bắt, cưỡng ép, bức bách đuổi đi xa, hay bị mắng nhiếc làm nhục, đánh đập… cho đến làm tổn hại mạng sống, với bao nhiêu nghiệp ác như vậy, thì cũng đều được tiêu trừ. Cho nên có lời tụng:

Nếu người tạo nghiệp ác,

Đã làm sinh sợ hãi,

Nếu trước người tự hối,

Sẽ nhổ cả gốc tội.

Có lòng sợ hãi, biết ăn năn hối lỗi, dứt được cả gốc rễ của tội ác, huống chi đối với người biết thọ trì chánh pháp! Điều này đâu trái với lời dạy khác? Như nói:

Nghiệp dầu trải trăm kiếp,

Nhưng vẫn không mất mát,

Có điều kiện gặp nhau,

Thì quả ác liền sinh.

Đây chẳng có gì trái nhau cả. Nghĩa là thế nào? Lại như nghiệp quả phải đọa vào cõi ác của mười nghiệp chẳng lành, nhưng do thọ trì chánh pháp và biết ăn năn các tội đã làm trước, nên tuy phải chịu đọa cõi ác mà vĩnh viễn không sinh, nhưng thân hiện đang chịu các khổ quả, nào có mất mát gì! Chẳng đọa vào đường dữ, đâu phải là đã dứt gốc nghiệp ác? Như có người bị tội, nhất định phải đọa vào ngục vô gián, thì sau khi chết, nhất định là phải sinh vào địa ngục đó thôi! Nhưng đáng lẽ, phải ở đó trọn kiếp, thì chỉ ở phút chốc rồi lại ra ngay, như việc vua A-xà-thế vv… Vì vậy cho nên, không trái nhau.

“Mau chứng được quả vị”, kinh nói: Ta nhớ thời quá khứ, cách nay vô lượng A-tăng-kỳ kiếp, cho đến… nếu lại có người ở đời sau, có thể thọ trì, đọc tụng kinh này và diễn- giảng rộng rãi cho mọi người được nghe hiểu… thì bao nhiêu công đức của ta, đã cúng dường vô số chư Phật, trong suốt vô lượng A-tăng-kỳ kiếp đó, so với công đức này, cả trăm phần không bằng được một.

Như thế là nghĩa gì? Là vì phước đức cúng dường vô biên chư Phật kia, không thể chứng được pháp chân thật. Còn thọ trì pháp môn này thì nhanh chóng được chứng. Thế nên mới nói đó là oai lực của công đức thọ trì kinh. Giả sử, phước thọ trì kinh là một trăm phần, thì phước cúng dường Phật kia không bằng một, cho đến cũng không bằng một phần của ngàn phần, trăm ngàn phần và số phần… suy ra mà biết.

“Số phần”, thì gồm có sáu mươi mức, quá đấy là số rất bé, không bằng một Ca-la, tính đếm chẳng tới được, “Chẳng tới”, đây là nói số Cala bé nhất, không số nào bé hơn được nữa, nghĩa là phước thọ trì kinh, dù lấy phần bé nhất, nhưng phước ấy hãy còn là quá nhiều so với phước trước, tính toán đến cùng cực, cũng không bằng… Phần bé nhất mà còn thế, huống là tất cả. “Ưu-ba-ni-sa”, tức là nhân. Nghĩa nó thế nào? Tức là phần nhỏ của phước này, liền có thể làm nhân tố cho quả cao tột kia, còn nếu gom chung cả mấy khối phước trước kia, cũng không làm nhân được, vì nó không thể chứng được quả chân thực.

“Thí dụ như chẳng bằng”, là như có bé gái được khen là mặt đẹp như trăng rằm, nhưng mặt của bé ấy, đâu thể hoàn toàn như mặt trăng, vì chỉ có một vẻ tươi tắn-sáng sủa, giống nhau đó thôi. Còn khối phước đức trước kia, lại không bằng như thế, vì không có một tí nào giống nhau để thí dụ cả. Còn đây thì sao? Nghĩa là, chỉ cái phước thọ trì, đọc tụng lời văn, mà phước trước đối với đây, chẳng hề giống nhau. Còn người có tánh tình ngang ngược, phước mỏng mà hay lắng lòng nghe nhận văn tự kinh này. Như kinh nói: “Nếu ta nói đầy đủ, có người nghe được, thì tâm thần si dại-mê mờ, trở lại chê bai khinh rẻ; tức là khi nghe nói oai lực của công đức này, vừa suy nghĩ liền chẳng tin. Cho nên như kinh nói: Pháp môn này chẳng thể nghĩ bàn, quả báo cũng chẳng thể nghĩ bàn, cả hai đều cùng khó nghĩ bàn về sự hơn hẳn của oai lực công đức ấy.

Tu-bồ-đề! Tại sao lại nói về phát tâm Bồ-đề, nên trụ như thế nào v.v…? Ý ở đây là muốn hiển bày đầy đủ tướng của nhân thanh tịnh. Thế nào là hiển bày đầy đủ và chẳng đủ? Nghĩa là khi tu nhân, chẳng phải chỉ lìa bỏ ba sự, các tướng tưởng, thì liền được gọi là thanh tịnh; mà cần phải lìa bỏ cái ta trụ, ta tu, ta hàng phục tâm… và tất cả các tưởng như thế, mới được là thanh tịnh. Như kinh nói: Nên sinh tâm như thế.. đến… đến… thật không có một pháp nào, gọi là phát tâm của hàng Bồ-tát cả. Đây là sao? Theo Đệ Nhất Nghĩa thì không có chúng sinh nào được nhập Niết-bàn cả, cũng không có pháp nào gọi là Bồ-tát-Phát tâm, trụ quả-tu hành-hàng phục…, là đối với chỗ không có gì, mà lại nổi lên có tưởng, đó là cái hành điên đảo, chứ nào phải là cái nhân thanh tịnh!

Lại có nghi: Nếu không có Bồ-tát phát tâm hướng về Đại Thừa, thì không có cái nhân để chứng quả vị Phật, để hoàn thành trọn vẹn bốn thứ hạnh nghiệp lợi ích chúng sinh.. Vậy tạo sao, Thế Tôn ở chỗ Phật Nhiên Đăng, mà được thọ ký là: Ở đời vị lai ông sẽ được thành Phật, hiệu là Thích-ca-Mâu-ni, có thể hoàn thành bốn sự nghiệp lợi ích chúng sinh?

Để dẹp trừ nghi này, nên kinh có nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Thuở xưa Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, có pháp nào để được đạo Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng không?

Ở đây ý nói: Thuở xưa, Phật đã chứng nghĩa chân thật, nên khi được thọ ký thì chẳng thấy có một chút pháp nào gọi là Vô thượng Bồ-đề cả. Thể của nhân, vì không có chỗ nắm bắt, cho nên được trao lời thọ ký tôn quí. Đấy tức là đã chứng biết, tất cả các pháp đều không nắm bắt được. Như kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Như Lai là Chân như vậy”. Chân như, nghĩa là không nắm bắt được. Thầy Tu-bồ-đề nghĩ: Đối với lời nói này, ta không nghi ngờ chi cả, nhưng có người nói: Ở chỗ Phật Nhiên Đăng, không thấy có một pháp nào, mà lại được Bồ-đề và an tọa nơi tòa Giác Ngộ, đâu lại có chuyện như thế được? Thế nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nói: Như Lai có chứng được quả Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, thì người ấy chẳng nói thực… cho đến… pháp của Như Lai chứng được, thì nó không phải thực, cũng chẳng phải dối. Nghĩa này thế nào? Phàm đã có thực-có dối, thì nó sinh ra từ chỗ nắm bắt được. Có khi nói là thực, nhưng đến lúc hư mất, mới biết là dối. Còn đối với không nắm bắt được, “thì cả thực lẫn dối đều sai”.

Lại có kẻ nghĩ: Nếu Như Lai chỉ chứng cái không nắm bắt được, thì Phật pháp tức là một, chứ không phải là vô biên. Thế nên kinh có nói: Như Lai nói tất cả các pháp đều là Phật pháp. Phật pháp là gì? Tức là không nắm bắt được. Vì chưa từng có một pháp nào, có tánh nắm bắt được cả, thế nên nói tất cả đều không, chẳng phải là Phật pháp. Vì sao tất cả pháp, đều không nắm bắt được? Kinh nói: “Tất cả pháp tức chẳng phải tất cả pháp”. Vì sao chẳng phải? Là vì tánh vô sinh. Nếu không sinh tức là vô tánh, thế tại sao lại gọi là tất cả các pháp? Đây là ở trong vô tánh, giả đặt để nói thế thôi. Tất cả các pháp, đều không có tánh, tức là tánh chứa cất chúng sinh của Như Lai. Thế nên Thế Tôn sắp hiển bày cho sáng tỏ. Kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Thí như có người, thân đẹp đẽ, to lớn v.v… Thân đẹp đẽ to lớn, tức là thân tánh không. Thế nào là đẹp lớn? Tức là tùy theo chỗ ở mà không đổi khác, vì tất cả chúng sinh đều cùng có. Như nói tánh không của một chúng sinh này và tánh không của tất cả chúng sinh kia, thì Như Lai có và chúng sinh cũng có.

Tại sao chỉ nói Như Lai chứa cất tất cả những cái chúng sinh có, mà không nói chúng sinh chứa cất những cái Như Lai có? Ấy là vì, các chúng sinh chưa chứng được lý không, còn Như Lai thì đã chứng. Như kinh có nói: Trong nội thân của chúng sinh đều có chứa cất, đầy đủ các tướng đẹp đẽ trang nghiêm của Như Lai. Như thế đâu có khác gì việc vọng chấp có thần ngã. Tuy nói như thế, nhưng hiểu rõ tánh không, thì gọi là pháp thân. Pháp nhân là nhân tố sinh ra sắc tướng, chứ không phải giống như cách nói của ngoại đạo về ngã đồng.

Như kinh Lăng Già nói: Bồ-tát Đại Tuệ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Trong các Tu-đa-la (kinh điển) có nói: Như Lai tạng, bản tánh thanh tịnh, đầy đủ ba mươi hai tướng, chúng luôn luôn hiện diện thường còn và không bao giờ thay đổi trong thân của tất cả chúng sinh. Nhưng vì thamsân-si và các tưởng phân biệt, cùng các uẩn-giới luôn luôn ràng buộc che kín, không khác gì một viên ngọc báu vô giá, bị gói bọc trong cái áo nhơ bẩn. Bạch Thế Tôn! Lời nói này là thế nào? “Khác với tà thuyết, tà luận của ngoài đạo, cho ngã là cái thường còn. Không cần tìm kiếm nó ở đâu cả, thể của nó biến khắp mọi nơi”. Phật bảo: Này Đại Tuệ! Những điều ta nói về nghĩa của Như Lai tạng, không giống như ngoại đạo nói, về các ngã của họ. Như Lai Tạng, tức là cái không tánh, thực tế Niết-bàn, không sinh-không diệt-không tướng-không nguyện… có các nghĩa như thế. Vì muốn ngăn ngừa kẻ phàm phu sợ hãi khi thấy không có ngã, nên Như Lai nói: môn Như Lai tạng, là cảnh giới không giả dối, không có các phân biệt đó thôi. Này Đại Tuệ! Ở đời hiện tại và vị lai, các Bồ-tát, Đại Bồ-tát chẳng nên căn cứ vào Như Lai tạng đã nói đó mà sinh ra ngã kiến, hoặc rộng nói cho các người khác nghe biết như thế!

– Tu-bồ-đề muốn trình bày rõ ràng về thân đẹp đẽ to lớn. Cái thân đẹp đẽ to lớn ấy, có nghĩa là tánh không vậy. Kinh nói: Như Lai nói: Người có thân đẹp đẽ, to lớn ấy, tức chẳng phải thân”. Chẳng phải thân, nghĩa là lấy sắc thân nương vào thật nghĩa mà nói, nó là tánh không sinh. Cho nên nói tính không sinh là thân đẹp đẽ to lớn, nó không phải là sắc thân. Ở trên, đã nói về tướng của nhân thanh tịnh, nhưng nghĩa chưa được đầy đủ. Vì muốn cho thật rõ ràng, đầy đủ hơn, nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát cũng như thế, nếu nói ta có diệt độ vô lượng chúng sinh, thì chẳng phải là Bồ-tát v.v…

Vì cần phải trừ bỏ tất cả mọi cái thấy phân biệt, về có kẻ độ và người được độ đi, thì nhân tu hành của Bồ-tát, mới được thanh tịnh.

Lại nữa vì muốn thành tựu tâm không phân biệt đó, nên kinh nói: Lại có pháp nào gọi là Bồ-tát chăng? Tu-bồ-đề thưa: Không có, Bạch Thế Tôn!… cho đến… Phật nói: Tất cả pháp đều không có ngã, không có chúng sinh v.v… Vì theo Đệ Nhất Nghĩa thì không có Bồ-tát, không có phàm phu… Còn nói,: “Ta phải trang nghiêm cõi nước Phật, thì không gọi là Bồ-tát.” Đó là nhân quả của sự vướng mắc. Đối với Sắc, v.v… gom tụ để thành cõi nước Phật, thì như vậy là còn chấp lấy “tức chẳng phải trang nghiêm”, đó là nói về thật nghĩa vô sinh. “Ấy gọi là trang nghiêm”, tức là theo Tục Đế mà nói. Khi đã thông suốt được pháp vô ngã, gọi là Bồ-tát. Lìa hết thảy tưởng, thì nhân mới được thanh tịnh.

Lại có nghi: Nếu nhân thanh tịnh là phải lìa hết các tưởng, như thế thì còn có cảnh để có thể nắm bắt hay không có cảnh? Thế nên ở đây lại nói về cảnh giới Phật.

Kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có mắt thịt không? Thầy Tu-bồ-đề thưa: Đúng thế, Bạch Thế Tôn! Như Lai có mắt thịt… cho đến… Như Lai có mắt Phật không? Tu-bồ-đề thưa: Đúng thế, Bạch Thế Tôn! Như Lai có Phật nhãn v.v… Vì sao lại nói Như Lai có đủ năm thứ mắt? Đây là chỉ rõ, Như Lai đều biết rõ tất cả mọi cảnh giới. Trong đó có những cảnh của chúng sinh, có những cảnh không phải chúng sinh… như kinh nói: Hết thảy chúng sinh, có bao nhiêu loại tâm trụ vv… Là chỉ rõ Phật hiểu rất rõ các cảnh quả chúng sinh –Còn “có Hằng hà sa số thế giới v.v…” là nói, Phật hiểu rõ những cảnh chẳng phải chúng sinh.

“Có bao nhiêu loại tâm trụ”, tức là nói về các sự ưa thích không giống nhau. “Trụ”, có nghĩa là liên tục chuyển đổi mãi.

Có kẻ nghĩ: “Tâm phải trụ vào đó, vì vậy mới có cái thể của nó”. Vì vậy kinh nói: “Như Lai nói: Các tâm trụ đều chẳng phải là tâm trụ”. “Chẳng phải tâm trụ”, đó là theo Đệ Nhất Nghĩa, tức là không liên tục.

Như kinh nói: “Vì sao? Này Tu-bồ-đề! Tâm quá khứ chẳng nắm bắt được, tâm hiện đại chẳng nắm bắt được, tâm vị lai cũng chẳng nắm bắt được”. Đấy là nghĩa thế nào? Vì tâm quá khứ đã mất rồi, tâm vị lai thì chưa sinh, còn tâm hiện tại thì không dừng trụ. Nó không có hình dáng gì cả!

Kinh Bảo Tích nói: Này Ca-diếp! Tất cả Phật, chẳng thấy tâm quá khứ, chẳng thấy có tâm vị lai, chẳng thấy có tâm hiện tại… cho đến rộng nói. Kinh nói: “Nếu khối phước đức là thật có, thì Như Lai chẳng nói là khối phước đức” Đây là ý gì? Khối là chỉ cho nghĩa các “uẩn”, nó chỉ là giả danh, chứ không có thật, vì thật tức là chẳng phải uẩn. Còn nói gì về khối? Vì sao mà biết nó giả danh, chẳng thực? Vì theo Đệ Nhất Nghĩa, thì không có chứa nhóm tích tụ. Chỉ theo Tục Đế mà nói có như thế thôi. Như thế cả năm thứ mắt đều không thể nắm bắt được, thì đó là cảnh giới Phật. Vì thế, nên biết: Phải lìa các tưởng, mới có nhân thanh tịnh và không có cảnh nào là có thể nắm bắt được cả. Thế nên trong Đại Bát Nhã-ba-la-mật có nói: Này Tu-bồ-đề! Như Lai có năm thứ mắt, nhưng đối với Đệ Nhất Nghĩa, thì đều không nắm bắt được. Nếu nói nắm bắt được thì đó là kẻ ngu si, chê bai ta đó.

Lại có nghi: Nếu theo Đệ Nhất Nghĩa, cảnh giới Phật, là không nắm bắt được, nhưng sắc tướng của Như Lai há cũng chẳng có sao?

Để dẹp cái nghi này, nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Có thể dùng Sắc thân đầy đủ mà nhìn thấy Như Lai không? Tu-bồ-đề thưa: Không nên, Bạch Thế Tôn! v.v… Đây là chỉ rõ về việc thấy pháp thân Phật. Thế nào là thấy? Như kinh nói: “Như Lai nói: Sắc Thân đầy đủ, tức chẳng phải là Sắc Thân đầy đủ v.v…” Đây là nương vào thật nghĩa, tức là đối với sắc tướng, mà thấy pháp thân. “ Chẳng phải là đầy đủ” thì đó là pháp thân… Như đã nói: “Tính vô sinh, chính là Như Lai thường trú”. Cho đến rộng nói…

Lại có nghi: Nếu theo Đệ Nhất Nghĩa thì cảnh giới Phật, và Thân Sắc Tướng, đều không có Thể của nó. Như thế thì các phước đức đầy đủ, tạo nên thân tướng Phật cũng lại chẳng có sao?

Để trừ cái nghi này, nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có nghĩ: Ta có nói pháp không? vv..

Ở đây có ý muốn, nhất định trừ chấp “có nói”. Kinh nói: Nếu người nào nói Như Lai có nói pháp, tức là chê bai Phật… đến… không có pháp nào có thể nói, ấy mới gọi là nói pháp.

Đây là nghĩa thế nào? Tức là: Lời nói không có cái thể của nó. Chẳng thấy nó có trong có ngoài, có lậu-không lậu, cũng không thấy có một chút pháp nào là chân thực có thể nói được cả!

Tu-bồ-đề muốn trình bày: Là lời nói đó, rất khó tin hiểu. Thế nên kinh nói: Lại có chúng sinh nào, ở đời vị lai, khi nghe nói pháp, mà sinh lòng tin chăng? … cho đến… Đó chẳng phải là chúng sinh, cũng chẳng phải là không chúng sinh v.v…

Thế nào là chẳng phải chúng sinh? Theo Đệ Nhất Nghĩa, thì từ uẩn này đến uẩn khác, cứ mãi tìm kiếm cái Thể của nó, thì chẳng nắm bắt được. Như kinh nói: Chẳng phải là chúng sinh, rồi lại nói chẳng phải không là chúng sinh. Đấy là vì Tục Đế, nương vào nghiệp quả tương ưng của năm uẩn mà đặt ra thế. Vì như kinh nói: Ấy gọi là chúng sinh.

Lại nữa, có nghi: Nếu theo Đệ Nhất Nghĩa, thì cảnh giới Phật và sắc thân Phật, đều nói là chẳng nắm bắt được, như thế Thể tánh pháp thân chẳng lẽ cũng vậy sao?

Để dẹp nghi này, nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Lại có pháp nào mà Như Lai chứng được Đạo Chánh Đẳng Chánh Giác Vô thượng chăng? Tu-bồ-đề thưa: Không có, Bạch Thế Tôn! v.v.. Đây là nghĩa gì? Tức là ý nói: Phật đã chứng pháp chân thật, nên không còn thấy có một chút pháp nào có thể nắm bắt. Vì không chỗ nắm bắt được, nên mới gọi đó là Chánh Đẳng Chánh Giác Vô thượng. Tại sao lại nói: “Không chỗ nắm bắt được?” Kinh nói: Vì là pháp bình đẳng, không có cao thấp. Thế nào là bình đẳng? Như kinh nói: Vì không có ngã, không có chúng sinh, không có mạng, không có chấp giữ. Như thân mạng này, không có vô ngã, nên bình đẳng! Không nắm bắt được, thì pháp vô ngã cũng như thế. Lý không được này, do nhân nào mà chứng được?

Kinh nói: Là tất cả pháp lành.

Vì sao Thể của pháp lành có thể nắm bắt được? Mà lại có thể chứng được lý không có chỗ nắm bắt? Pháp đã không giống nhau, tại sao nhân lại thành? Kinh nói: “Pháp lành đó, Như Lai nói là chẳng phải pháp” Vì sao là chẳng phải pháp? Vì tánh không sinh là Đệ Nhất Nghĩa. Phải nên biết, chính cái nhân này là không chỗ nắm bắt được. Còn pháp lành đó, là theo Tục Đế mà nói, chứ nó không phải là nghĩa chân thật.

Vì sao, lại lấy số lượng bụi li ti và núi Tu-di để đo lường phước Bố Thí các báu vật? Đó là vì muốn làm cho các kẻ tu hành, trì kinh, phát tâm mạnh mẽ hơn lên.

Lại có nghi: Nếu Như Lai nói: Chẳng phải chúng sinh; tại sao, đối với những lời dạy khác lại không trái nhau? Thí dụ như kinh có nói: “Có vô lượng chúng sinh, vì được ta làm bạn lành, cho nên thân mạng, cùng các khổ não, đều được giải thoát”.

Để dẹp trừ nghi này, nên kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có nghĩ là Ta độ chúng sinh chăng?…” đến “Thật ra không có chúng sinh nào, được Như Lai độ cả! v.v…” “Không chúng sinh”, đó tức là Đệ Nhất Nghĩa vậy. Lại vì tâm đại từ bi, coi tất cả chúng sinh, tất cả cũng như chính mình” Nếu thật có chúng sinh nào khác, để Như Lai cứu độ, lập tức Như Lai sẽ có bốn thứ: Chấp ngã, chấp chúng sinh v.v… Vì sao? Vì khi thấy có ta, tức là có độ chúng sinh, đó là chấp có ta (chấp ngã) rồi!

Vì sao chẳng muốn chấp ngã vv…? Vì kinh nói: “Chấp ngã đó, Như Lai nói là chẳng phải chấp”. “Chẳng phải” nghĩa là gì? Đó có nghĩa là không lành. Thế nào là không lành? Đó là chúng sinh bị trói buộc mãi trong sinh tử. Lại nữa, “chẳng phải” có nghĩa là không có thể tánh. Là sao? Nghĩa là không có ngã để chấp, và cũng không có người chấp ngã.

Nếu ngã v.v.. và các thứ chấp, là vô Thể và nắm bắt được, thì dùng cái gì mà trách ta nói là chẳng phải chấp? Vì các phàm phu ngu mê, vọng chấp, điên đảo. Nói chẳng phải chấp, là muốn cho chúng hiểu mà bỏ chấp đi. Như kinh nói: “Chỉ có những kẻ phàm phu vô trí, sinh những vọng chấp như thế v.v…» Những kẻ chưa được chứng thánh, mỗi người tự phong cho cái ngã của mình. Có khác nhau đó, mà sinh ra tên phàm phu sinh, nhưng nó chẳng phải sinh, mà do chẳng lành sinh ra. Cũng như người chẳng lành, bảo là chẳng phải người. Vả lại, các pháp, do các điều kiện họp lại mà thành, không phải do ngã tạo ra, cho nên gọi là chẳng sinh. Thế cho nên nói: Phàm phu sinh, đó là theo thế tục mà nói vậy. Vì chúng sinh, phần đông là ham chấp trước vào Sắc Thân Phật, do vậy mới nói Sắc thân là vô tánh. Kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Có thể thấy Như Lai bằng tướng thành tựu không? Cho đến … Chuyển Luân Thánh Vương… phải là Như Lai… như thế vv.. Muốn từ sắc thân, mà thấy ý nghĩa pháp thân, để dễ thọ trì, nên Phật nói bài tụng:

Nếu dùng sắc thấy ta,

Lấy âm thanh cầu ta,

Người ấy hành tà đạo,

Chẳng thấy được Như Lai.

Như Lai pháp là thân,

Chỉ nên quán pháp tánh,

Pháp tánh chẳng chỗ thấy,

Cũng lại không thể biết.

Lấy sắc mà thấy ta v.v.. là nghĩa gì? Nghĩa là: Có thấy tướng đẹp đẽ và hào quang, nên nói là thấy Phật, có nghe các văn tự lời lẽ của kinh giáo, rồi nói là ta đã theo đó mà được Như Lai. Người đó nói như thế, là vì đối với thân tướng đẹp đẽ và lời giảng pháp của thân ấy, rồi nương theo những điều kiện đó suy nghĩ tu tập mà đoạn trừ được phiền não.

Để dẹp bỏ cái thấy đó, nên kinh nói: Người ấy hành tà đạo, chẳng thể thấy được Như Lai. Nghĩa này là gì? Vì sắc và văn tự, tánh nó không chân thật, nhưng nó cứ chấp lấy vào những cái đó, tức là đạo tà, hành đạo như thế làm sao thấy được Phật!

Thế nào là thấy? Kinh nói: “Pháp Như Lai là thân, chỉ nên quán pháp tánh”. Pháp tánh, còn gọi là không tánh, không tự tánh, không sinh tánh vv… Đó là thân Đệ Nhất Nghĩa của chư Phật. Cho nên nếu thấy được như vậy thì gọi là thấy Phật. Như kinh có nói: “Không sinh, không diệt là Như Lai”.

Trong Kinh Thập Vạn Tụng có nói: “Đức Từ Thị vì nhờ thấy không tánh, nên gọi là thấy Như Lai». Trong Kinh Tát Già cũng nói: “Không chấp trước mà thấy, thì gọi là thấy Phật”. Không chấp trước gọi là thấy Phật, tức là nương vào pháp tánh và không chấp trước, dùng tâm trí thanh tịnh mà thấu rõ pháp tánh. Nhưng pháp tánh nào phải là cái có thể hiểu biết được đâu? Thế nên kinh nói: Pháp tánh chẳng có chỗ để thấy, nó cũng không thể biết được. Vì chỗ của pháp tánh, thì không có một vật nào, có tên gọi để được biết. Do đó mà trí kia cũng không thể biết được.

Như kinh có nói: Này Đại Vương! Tất cả các pháp, tánh của nó đều giống như hư không, đồng nhau với các vật, làm chỗ nương thân. Nhưng Thể tánh của nó, thì chẳng phải là có vật, cũng chẳng phải là không vật. Nếu có thể, ở chỗ vắng lặng này mà không thấy biết, thì gọi đó là thấu suốt. Gọi “biết”, là theo thế tục mà nói thôi!

Lại có nghi: Nếu trí tuệ, cũng chẳng thể biết được pháp tánh, thì tại sao chư Phật, lại thấy tướng trượng phu đầy đủ, mà chứng quả Bồ-đề? Như thế, là nhờ thấy tướng trượng phu đầy đủ, mà được chứng đạo Bồđề?

Để dẹp trừ nghi này, nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Ông nghĩ sao? Như Lai có lấy các tướng thành tựu mà chứng được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác Chăng? v.v.. Ở đây là chỉ rõ tướng của pháp giới. Nghĩa nó là gì? Nếu tướng thành tựu là do chân thật mà có, thì khi tướng này mất, tức là có đoạn diệt. Nhưng không có Bồ-tát nào, thấy pháp đoạn diệt cả. Vì sao? Là vì có sinh, tức phải có diệt; mà tất cả các pháp đều có tính không sinh, do đó nó lìa bỏ cả hai bên thường và đoạn. Lìa bỏ hai thứ đó, là tướng pháp giới. Thế nên, đối với lời này, mà tin hiểu, thì đó là phước vô sinh, nên phải nhiều hơn phước Bố thí châu báu. Như kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam-tín nữ nào lấy bảy báu, của Hằng hà số thế giới đem ra bố thí. Nếu Bồ-tát nào được Vô Ngã, Pháp Nhẫn Vô sinh v.v.. nhưng chỉ ham thích tu tập với pháp vô sinh thì phước sẽ nhiều hơn phước Bố Thí kia vậy. Như tụng nói:

Nếu người trì chánh pháp,

Và phát tâm Bồ-đề,

Không bằng hiểu tánh không,

Một trong mười sáu phần.

Lại có kẻ nghĩ: Nếu tất cả các pháp, đều là vô sinh thì tại sao có phước đức sinh ra? Thế nên kinh nói: “Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát chẳng nên chấp lấy phước đức v.v…» Nói “Chẳng nên chấp lấy phước đức”, tức là theo Đệ Nhất Nghĩa, thì không có phước nào có thể chấp lấy cả. Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ-tát chẳng chấp lấy phước đức đó, tức là Bồ-tát đối với phước đức đó đã được đầy đủ toàn vẹn. Phật bảo: Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên chấp lấy đó, là vì Tục Đế. Còn chẳng nên tham đắm, đó là Đệ Nhất Nghĩa Đế.

Lại có nghi: Nếu vì Đệ Nhất Nghĩa Đế mà không có phước nào, có thể chấp lấy, thì tại sao các kinh khác, lại nói như thế này: Như Lai có phước đức, trí tuệ, tư lương, đều đầy đủ vẹn toàn, ngồi tòa Bồ-đề mà chứng Niết-bàn…? Để dẹp nghi này, nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nói: Như Lai hoặc đi-hoặc lại-hoặc đứng-hoặc ngồi-hoặc nằm… thì người ấy không hiểu được nghĩa của Như Lai nói vv…

Vì Niết-bàn không có nơi chốn chân thật để đến với nó, nên gọi là đi. Còn Sinh tử cũng không có nơi chốn chân thật, để từ đó ra khỏi, nên gọi là lại. Chẳng đi chẳng lại, đó là nghĩa của Như Lai. Đấy là đã trình bày việc không trụ ở Niết-bàn . Tuy rằng Sinh tử và Niết-bàn không phải là một mà cũng không phải là khác, nhưng đối với ba cõi lao ngục, thì đó là những dẫn dụ phải luôn luôn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, mãi tận các đời vị lai, không có bờ mé-giới hạn nào.

Lại có nghi: Nếu Sinh tử và Niết-bàn đều chẳng nắm bắt được, cho nên không có sự đi lại, thì Như Lai đâu cần phải chứa nhóm, tích tụ, hay hợp làm một, như núi Tu-di kia, mà an trụ được sao?

Để dẹp bỏ cái nghi ấy, cho nên ở đây, nói về cái thấy nó là một, và thường còn, là không có phân chia, là không phân chia, là họp làm một. Nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Nếu có thiện nam-thiện nữ nào, lấy ba ngàn đại thiên thế giới, nghiền ra làm bụi nhỏ (vi trần), thì số đám vi trần ấy có nhiều không? v.v… Ở đây nói, đám vi trần ấy là rất nhiều, là để khiển trách cái thấy về tướng nhất hợp không phân chia. Còn nói chẳng phải là đám vi trần, là khiển trách cái thấy về tướng nhất hợp có phân chia.

Ấy gọi là đám vi trần, tức là chẳng phải vì vật có phân chia, mà gọi là đám. Lại để khiển trách cái thấy và có chứa nhóm tích tụ, nên kinh nói: Như Lai nói ba ngàn đại thiên thế giới, tức chẳng phải thế giới vv…

Vì sao lại nói chẳng phải thế giới? Kinh nói: Nếu thế giới thật có tức là thấy có nhất hợp. Vì sao chẳng muốn có cái thấy nhất hợp? Kinh nói: Tức là chẳng phải thấy. Vì sao chẳng phải thấy? Vì đối với cái chẳng có mà cứ vọng thấy. Như kinh nói: “Cái nhất hợp tức là chẳng thể nói. Chỉ vì có ngã kiến phàm phu, chấp cái đó thôi”. Nghĩa là sao? Nói nhất hợp, đấy là tướng Tục Đế, chẳng có thật Vì sao? Vì theo Đệ Nhất Nghĩa, tất cả các pháp, vốn là tánh không sinh. Vì không sinh, nên chẳng nắm bắt được. Vì chẳng nắm bắt được, nên lìa bỏ các lời lẽ nói năng, nhưng ngã chấp phàm phu tức là ở trong vọng chấp đó. Vì chẳng muốn có ngã kiến, cùng với lời dạy (giáo) trái nhau, nên có bài tụng nói:

Ngã lấy mình mà nương,

Há lấy khác mà nương,

Bậc trí điều khiển ngã,

Sinh lên Trời hưởng vui.

Để dẹp cái nghi trên, nên kinh nói: Này Tu-bồ-đề! Nếu có người nói: Như Lai thuyết ngã kiến, chúng sinh kiến, mạng kiến, thủ kiến… thì đây là lời nói có đúng không? v.v… Vì sao Phật lại nói, có thấy ta ư? Là vì muốn dẫn dụ nhiếp thọ những kẻ tin ưa.

Đây là đối với năm uẩn, tùy tâm tục mà gọi tên, chứ chẳng phải là nói thật. Thế nên, cái thấy có ta của chư Phật, là tánh xa lìa. Như kinh nói: “Tức chẳng phải ngã kiến vv…” Thế Tôn, vì đã xa lìa các cái thấy hợp nhau về Sinh tử, về Niết-bàn, về ngã vv… mà được Bồ-đề. Lại vì thương xót tất cả các loài, muốn làm cho chúng đồng chứng như mình, nên nói: Này Tu-bồ-đề! Kẻ phát tâm Bồ-tát Thừa, đối với tất cả các pháp, nên biến như thế, thấy như thế và tin hiểu như thế.

“Chẳng sinh pháp tưởng tri kiến”, tức là lúc chứng quả.

“Tin hiểu” là lúc tu tập. Người tin hiểu thì pháp tưởng còn chẳng sinh, huống chi là chẳng phải pháp tưởng.

Pháp tưởng và chẳng phải pháp tưởng, ở đây nói, tức là các pháp tưởng về phân biệt đúng pháp và phân biệt không đúng pháp.

Vì sao đúng pháp lại chẳng sinh? Kinh nói: Pháp tưởng đó, Như Lai nói là chẳng phải tưởng. Đây là thế nào? Nghĩa là tất cả pháp, đều là tính vô sinh. Nếu vô sinh tức là chẳng có, thì làm sao mà thấy biết (tri kiến), đây là vì Tục Đế vậy. Như kinh nói: Đó gọi là pháp tưởng.

Vì sao lại còn nói về phước thọ trì kinh?

Vì muốn cho tất cả chúng sinh hoàn toàn tin hiểu vậy. Kinh nói:

“Như không có diễn nói, ấy gọi là nói”. Đây muốn nói điều gì? Theo Đệ Nhất Nghĩa, thì không có thế gian và xuất thế gian, không có một chút pháp một chút vật nào có thể nói, thì có thể là nghĩa như thật.

Nói như thế đó, mới gọi là nói. Đấy là không trụ vào Niết-bàn mà quán sát pháp Hữu Vi, rồi sau đó mới chứng. Quán sát như thế nào? Khi đó, Đức Thế Tôn nói kệ:

Tất cả pháp Hữu Vi,

Như Sao-Màng-Đèn-Huyển

Sương Bọt-Mộng-Chớp-Mây

Nên quán xét như vậy.

Trong tụng này, là quán sát chín thứ Thể tướng Hữu vi. Chín pháp đó là gì? Đó là quán sát tự tại, quán sát cảnh vật, quán sát sự dời đổi, quán sát thể tánh, quán sát sự trẻ già, quán sát kiếp sống (thọ), quán sát kẻ tạo tác, qúan sát tâm, quán sát sự có-không.

Về quán sát sự tự tại, ví như các ngôi sao. Vì các ngôi sao ở trên khoảng cao xanh, vận chuyển theo phương hướng của mình, ánh sáng rực rỡ chói lòa trong một thời gian, rồi cũng lặn biến mất. Cũng như hàng Người-Trời, thọ nhận các phước báu giàu có sang trọng, được bao người tôn quí, kính phục, tuy được tự tại trong khoảng thời gian lâu nhưng rồi cũng trở về không!

Quán sát cảnh vật ví như màng mắt. Vì người bị đau mắt có màng, khi nhìn lên khoảng không trong vắt, thì lại thấy vô số những sợi lông nhỏ nhảy múa, hoặc có hai mặt trăng… các thức bị màng che u tối cũng như thế, đối với lý chân thật, là chỗ không có vật nào, nhưng lại thấy trong ngoài thế gian, xuất thế gian với vô số đủ các pháp….

Quán sát sự dời đổi ví như đèn. Như ngọn lửa của tim đèn, cháy sáng lên, hoặc tắt đi, cũng ở chỗ đầu tim đèn, chứ không phải chỗ khác. Nhưng cái nhân làm ngọn lửa đèn này cháy sáng lại ở chỗ khác. Từng niệm, từng niệm liên tục nhau mà dời đổi, chúng sinh cũng như thế, thân các uẩn ở cõi đời trước, thì cũng sinh và mất ở cõi đời trước, không chạy sang các cõi khác. Nhưng nhân của thân uẩn đời trước, thì các uẩn đời sau vẫn phải nhận quả. Cứ liên tục sinh mãi như thế, giống như luôn có sự biến chuyển đổi dời. Đấy là nói chúng phàm phu, nhiều lần qua lại các cõi.

Quán sát thể tánh ví như ảo thuật như nhà ảo thuật biến hóa làm hiện ra hình dạng trai gái, có thể quán xét và biết rõ thể tánh nó là không có, nhưng vẫn có kẻ không hiểu, cứ chấp cho là thật có. Tất cả các pháp trên đời này cũng thế. Từ vọng duyên mà sinh ra, chứ từ xưa đã không hề có thật Thể. Kẻ chưa hiểu sự thật đó, nên cái thấy đó cho là Thể.

Quán sát trẻ già ví như sương sớm, như hạt sương buổi sớm, khi gặp mặt trời lên thì liền tan ngay, hình dung đẹp đẽ của thời xuân sắc cũng như thế, tất cả đều là vô thường, gặp đó rồi rời xa đó.

Quán sát kiếp sống ví như bọt nước, vì như bọt nước, có cái mới sinh chưa đủ hình thể, có cái vừa sinh ra, có cái tạm nằm đó… nhưng rồi thì tất cả vỡ tan hết. Kiếp sống con người cũng thế. Hoặc mới thác sinh vào bào thai, đang là thai nhi nằm trong tử cung, rồi thì đang chui ra, sinh ra rồi, đang là một cô cậu bé con, thiếu niên, trung niên rồi thì suy tàn về chỗ hoại diệt.

Quán sát kẻ tạo tác ví như một giấc mơ. Vì trong giấc mơ, các việc thấy nghe hoạt động trước đó, chỉ còn trong trí nhớ, rồi phân biệt ôn nhớ để dành đó. Tuy không có ai tạo nên, nhưng mọi hình ảnh-cảnh vật đó, hiện ra rõ ràng trước mắt. Cũng như thế, tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay, có vô số phiền não, đủ các thứ nghiệp lành dữ, huân tập-gom gópchứa nhóm ở đó. Tuy không có cái ngã, là người tạo tác, nhưng hiện ra biết cơ man nào về những chuyện Sinh tử.

Quán sát tâm ví như ánh chớp. Vì như ánh chớp vừa lóe lên, liền tắt ngấm. Tâm cũng thế, từng sát na một hiện ra rồi vụt mất.

Quán sát có và không ví như đám mây trời. Đám mây trên trời, mới có đó thoáng chốc đã mất. Các pháp Hữu vi cũng thế, Thể tánh nó vốn không, chỉ do các vọng duyên mà có. Các điều kiện, còn hội họp, thì còn đó, khi các điều kiện tan rã, thì trở về không. Lại nữa, trước đây nương dựa vào Tục Đế lấy Sao-Màng v.v… chín dụ để chỉ các pháp Hữu vi. Sau đó dựa vào trung luận Đệ Nhất Nghĩa, thì tất cả pháp chẳng sinh-chẳng diệt-chẳng đoạn dứt-chẳng còn hoài-chẳng một, cũng chẳng khác, chẳng lại cũng chẳng đi. Và trong Bát Nhã ba-la-mật thì tất cả các pháp không có tính chứa nhóm, tích tụ trụ yên.

Giải thích bài tụng này, có nghĩa như thế nào?

Ví như ánh sáng sao, tự thể của nó là thường mất. Pháp Hữu Vi cũng như thế, tánh luôn đổi dời biến mất. Như người đau mắt, tuy không có ai làm, chỉ do bệnh mà có. Pháp hữu vi cũng vậy, chỉ từ duyên mà khởi lên. Ví như ánh lửa ngọn đèn, từng niệm từng niệm luôn dứt mất. Pháp hữu vi cũng thế, từng sát na chẳng dừng, những thứ do người ảo thuật đã làm, kẻ không hiểu thì chấp cho là thật, là còn hoài. Kẻ ngu si mê muội, chấp pháp Hữu Vi cho là thật, cũng y như thế.

Ví như hạt sương mai tươi mát, ở trên các vật với nhiều hình dạng, nhưng Thể chỉ là một. Đó là các nội uẩn Hữu Vi thắm đượm, cứ mãi sinh sôi, dù mỗi thứ có riêng bản chất, nhưng đồng chung một gốc ái dục. Như vũng nước, đón giọt mưa rào mà nên. Có biết bao bong bóng nước, óng ánh tự nổi lên, nhưng thoáng chốc tự tan vỡ… Các hạnh nghiệp chúng sinh cũng thế. Tám vạn bốn ngàn thứ riêng sinh, riêng diệt. Như cảnh trong mơ, không biết từ đâu ma đến, nhưng tâm mê vẫn vọng thấy rõ ràng. Pháp Hữu Vi cũng như thế. Nó không hề có vậy, vì mộng thức vô minh mà vẫn thấy rõ từ xa. Ví như ánh chớp sáng lòe, tánh chẳng hề dời đổi, chỗ trước diệt trước, ở sau sinh sau. Vì tướng nó giống nhau, nên bảo là đi. Các pháp Hữu Vi ra đi cũng y như thế. Ví như đám mây giữa khoảng cao xanh, vẫn mãi bồng bềnh trôi nổi, có khi nào tụ họp đứng yên. Các tướng Hữu Vi so đấy ắt biết. Như thế gọi là nương vào Tục Đế, mà an lập pháp Hữu Vi.

Còn ở Trung Luận, thì lập nghĩa chân thật chẳng sinh. Đối với pháp Hữu Vi cũng nên biết như thế. Đây lại thế nào? Trong luận ấy, mình và người đều không có nhân; quán sát các pháp, thấy chúng vốn là nghĩa vô sinh. Như thế khác nào vì đau mắt mà thấy pháp Hữu Vi hiện ra khắp chốn. Nhưng nên biết, nó là chẳng sinh. Vì chẳng sinh, nên ánh sáng sao trời luôn mất, trái với lý đạo nhiệm mầu. Pháp Hữu Vi cũng thế, nên biết nó là chẳng diệt.

Lại nữa, vì chẳng sinh nên tự Thể ngọn đèn kia còn chẳng nắm bắt được, huống là có sát-na nào mà bảo là đoạn dứt. Hữu vi là không đoạn. Hãy so đây nên biết.

Lại vì chẳng sinh, nên giống kẻ ảo thuật làm trò. Pháp Hữu Vi cũng không có nghĩa là thường còn, nên biết là chẳng thường.

Lại còn vì chẳng sinh, nên giống như sương sớm. Các pháp Hữu Vi, nghĩa “một” không thành, còn bị ái dục nó thấm đầy, cho nên chẳng thể nào khế hợp đạo lý, nên biết là chẳng phải một.

Lại còn vì chẳng sinh, cho nên giống bọt nước. Pháp Hữu Vi có sai khác, nhưng không thành tánh khác, nên biết là chẳng phải khác.

Lại còn vì chẳng sinh, nên giống cảnh trong mơ. Pháp Hữu Vi vốn không có nghĩa là lại, nên biết là chẳng lại.

Lại còn vì chẳng sinh, nên giống với ánh điện chớp. Pháp sinh diệt vì có sự giống nhau, cho nên nói đó là đi. Lý dầu chẳng tương ưng, nên biết nó là chẳng đi.

Lại còn vì chẳng sinh, pháp ấy như mây trời, Thể còn chẳng có, lấy đâu mà hợp nhau, mà đứng yên (trụ). Như thế cần nên biết. Tụng nói:

Con nay, Công Đức Thí,

Vì phá các mê chấp,

Mở lớn cửa trung quán,

Lược thuật nghĩa kinh này,

Nguyện tất cả quần sinh,

Thấy nghe và thọ trì,

Rõ chân không hư tục,

Tâm hiểu rõ không ngại.

Trang: 1 2