LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Nguyên tác: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 43

GIẢI THÍCH PHẨM CHÍN: TẬP TÁN

Phần 2

KINH: Lại nữa, bạch Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát muốn tu hành Bát- nhã Ba-la-mật, nên suy nghĩ như vầy: Thế nào là Bát-nhã Ba-la-mật? Vì sao gọi là Bát-nhã Ba-la-mật? Bát-nhã Ba-la-mật của ai? Nếu Bồ-tát ma-ha-tát tu hành Bát-nhã Ba-la-mật suy niệm như vầy: “Nếu pháp không có gì, thì không thể có được”, thì đó là Bát-nhã Ba-la-mật.

Bấy giờ, Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Những pháp gì không có gì, không thể có được?

Tu-bồ-đề nói: Bát-nhã Ba-la-mật là pháp không có gì, không thể có được; Thiền Ba-la-mật, Tấn Ba-la-mật, Nhẫn Ba-la-mật, Giới Ba-la- mật, Thí Ba-la-mật, pháp ấy không có gì, không thể có được, vì trong không, ngoài không, trong ngoài không, không không, đại không, đệ nhất nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, rốt ráo không, vô thỉ không, tán không, tánh không, tự tướng không, các pháp không, bất khả đắc không, vô pháp không, hữu pháp không, vô pháp hữu pháp không vậy.

Này Xá-lợi-phất! Sắc pháp không có gì, không thể có được; thọ tưởng hành thức pháp không có gì, không thể có được; pháp trong không, không có gì, không thể có được; cho đến pháp vô pháp hữu pháp không, không có gì, không thể có được.

Này Xá-lợi-phất! Pháp Bốn niệm xứ không có gì, không thể có được, cho đến Mười tám pháp không chung không có gì, không thể có được.

Này Xá-lợi-phất! Các pháp thần thông không có gì, không thể có được. Pháp như như không có gì, không thể có được. Pháp tánh, pháp tướng, pháp trụ, pháp vị, pháp thật tế không có gì, không thể có được.

Này Xá-lợi-phất! Phật không có gì, không thể có được. Pháp Tát- bà-nhã không có gì, không thể có được. Trí nhất thiết chủng không có gì, không thể có được, vì trong không cho đến vô pháp hữu pháp không vậy.

Này Xá-lợi-phất! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát khi suy nghĩ như vậy, quán như vậy tâm không chìm đắm, không hối, không kinh, không hãi, không sợ, thì nên biết Bồ-tát ấy không lìa hạnh Bát-nhã Ba-la-mật.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Do nhân duyên gì nên biết Bồ-tát không lìa hạnh Bát-nhã Ba-la-mật?

Tu-bồ-đề nói: Sắc, lìa tánh của sắc, thọ tưởng hành, thức lìa tánh của… thức; sáu Ba-la-mật lìa tánh của sáu Ba-la-mật, cho đến thật tế tánh lìa thật tế.

Xá-lợi-phất lại hỏi Tu-bồ-đề: Thế nào là tánh của sắc, thế nào là tánh của thọ tưởng hành thức, cho đến thế nào là tánh của thật tế?

Tu-bồ-đề nói: Không có gì là tánh của sắc; không có gì là tánh của thọ tưởng hành thức, cho đến không có gì là tánh của thật tế. Này Xá-lợi- phất! Do nhân duyên ấy nên biết sắc lìa tánh của sắc,; thọ tưởng hành thức lìa tánh của… thức, cho đến thật tế lìa tánh của thật tế.

Này Xá-lợi-phất! Sắc cũng lìa tướng của sắc, thọ tưởng hành thức cũng lìa tướng của… thức, cho đến thật tế cũng lìa tướng của thật tế. Tướng cũng lìa tướng, tánh cũng lìa tánh.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Bồ-tát ma-ha-tát nếu học như vậy, được thành tựu Tát-bà-nhã ư?

Tu-bồ-đề nói: Đúng vậy, đúng vậy! Xá-lợi-phất! Nếu Bồ-tát ma- ha-tát học như vậy, thì được thành tựu Tát-bà-nhã. Vì sao? Vì các pháp chẳng sinh, chẳng thành tựu vậy,

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Do nhân duyên gì các pháp chẳng sinh, chẳng thành tựu?

Tu-bồ-đề nói: Sắc, sắc không nên sắc ấy sinh, thành tựu không thể có được; thọ tưởng hành thức,… thức không nên thức ấy sinh, thành tựu không thể có được; cho đến thật tế, thật tế không, nên thật tế ấy sinh, thành tựu không thể có được.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát học như vậy, dần dần gần Tát- bà-nhã; dần dần được thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh, tướng thanh tịnh; dần dần được thân thanh tịnh, tâm thanh tịnh, tướng thanh tịnh, nên Bồ- tát ấy không sinh tâm ô nhiễm, không sinh tâm giận, không sinh tâm si, không sinh tâm kiêu mạn, không sinh tâm xan tham, không sinh tâm tà kiến. Bồ-tát ấy không sinh tâm ô nhiễm, cho đến không sinh tâm tà kiến, nên trọn không sinh trong bụng mẹ, thường được hóa sinh, từ một nước Phật đến một nước Phật, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, cho đến chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trọn không lìa chư Phật.

Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát nên tu hành Bát-nhã Ba-la-mật như vậy, hãy học Bát-nhã Ba-la-mật như vậy.

LUẬN: Hỏi: Từ trước đến nay đã nói rộng Bát-nhã Ba-la-mật, sao nay Tu-bồ-đề còn nói rằng, Bồ-tát ma-ha-tát nên suy nghĩ như vầy: Thế nào là Bát-nhã Ba-la-mật?

Đáp: Tu-bồ-đề trước đây theo môn “khiêm nhượng” nói, còn nay theo môn “không trụ” nói. Nay nói rõ thể Bát-nhã Ba-la-mật.

Thế nào là Bát-nhã Ba-la-mật? Bát-nhã Ba-la-mật là thật tướng hết thảy pháp, không thể phá, không thể hoại, hoặc có Phật, hoặc không có Phật, thường trú các pháp tướng, pháp vị, chẳng phải Phật, chẳng phải Bích-chi Phật, chẳng phải Bồ-tát, chẳng phải Thanh-văn, chẳng phải trời người làm được, huống gì các chúng sanh nhỏ khác.

Lại nữa, thường còn là một bên, đoạn diệt là một bên, lìa hai bên ấy, hành theo trung đạo, ấy là Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, thường, vô thường, khổ, vui, không, thật, ngã, vô ngã v.v… cũng như vậy. Sắc pháp là một bên, vô sắc pháp là một bên, pháp có thể thấy, pháp không thể thấy, có đối ngại, không đối ngại, hữu vi vô vi, hữu lậu vô lậu, thế gian, xuất thế gian v.v… hai pháp cũng như vậy.

Lại nữa, vô minh là một bên, vô minh hết là một bên, cho đến già chết là một bên, già chết hết là một bên, các pháp có là một bên, các pháp không có là một bên, lìa hai bên ấy, hành theo trung đạo, ấy là Bát-nhãBa-la-mật.

Lược nói: Sáu căn trong là một bên, sáu trần ngoài là một bên; lìa hai bên ấy, hành theo trung đạo, ấy là Bát-nhã Ba-la-mật.

Đây Bát-nhã Ba-la-mật là một bên, đây chẳng phải Bát-nhã Ba- la-mật là một bên, lìa hai bên ấy, hành theo trung đạo, ấy là Bát-nhã Ba-la-mật. Có hai môn như vậy nên nói rộng vô lượng tướng Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, lìa có, lìa không, lìa chẳng có chẳng không, không rơi vào ngu si mà có thể tu hành thiện đạo, ấy là tướng Bát-nhã Ba-la-mật. Có ba môn như vậy, là tướng Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, Tu-bồ-đề nói trong đây: Pháp ấy không có gì, không thể có được. Vì Bát-nhã Ba-la-mật ấy không nên không có gì; vì các lối quán thường, vô thường v.v… tìm cầu không có tướng nhất định nên không thể có được.

Lại nữa, không có gì trong đây Tu-bồ-đề tự nói: Bát-nhã Ba-la-mật cho đến năm Ba-la-mật kia không có gì, không thể thủ, không thể thọ, không thể đắm trước.

Lại nữa, vì mười tám không, nên sáu Ba-la-mật không có gì, không thể có được; thí như gíó lớn phá tan đám mây, cũng như lửa lớn đốt cháy cỏ khô, cũng như Kim cang báu phá núi lớn; các Không cũng như vậy, hay phá các pháp.

Sao gọi là Bát-nhã Ba-la-mật? Bát-nhã, Trung Hoa dịch là trí tuệ. Đệ nhất trong hết thảy trí tuệ, không gì trên, không gì bằng, lại không gì hơn, cùng tận bờ mé như giữa hết thảy chúng sanh, Phật là đệ nhất; giữa hết thảy pháp, Niết-bàn là đệ nhất; giữa hết thảy chúng Tăng, Tỳ-kheo Tăng là đệ nhất.

Hỏi: Trước ông nói thật tướng các pháp là Bát-nhã Ba-la-mật, đó là pháp vị, pháp trụ, dù có Phật không Phật, vẫn thường trú không khác, sao nay nói giữa các trí tuệ, Bát-nhã Ba-la-mật là đệ nhất; ví như giữa các pháp, Niết-bàn là đệ nhất?

Đáp: Pháp thế gian, hoặc có khi trong nhân nói quả, có khi trong quả nói nhân, không lỗi. Như nói người ăn ngày hết vài xấp vải, vải không thể ăn, nhưng nhân vải mà được ăn ấy gọi là trong nhân nói quả. Và như thấy bức vẽ đẹp nói khéo tay, ấy gọi là trong quả nói nhân. Thật tướng các pháp sinh trí tuệ, ấy là trong quả nói nhân.

Lại nữa, Bồ-tát ấy vào pháp môn bất nhị, khi ấy có thể tu hành đầy đủ Bát-nhã Ba-la-mật, không phân biệt là nhân là quả, là duyên là trí, là trong là ngoài, là đây là kia v.v… nghĩa là nhất tướng vô tướng. Vì vậy nên không nên vấn nạn.

Lại nữa, có ba thứ trí tuệ thế gian: 1. Sự xảo diệu thế tục, hiểu rộng văn nghệ, nhân, trí, lễ kính v.v… 2. Trí tuệ lìa dục sinh, nghĩa là lìa cõi Dục cho đến vô sở hữu xứ. 3. Trí tuệ xuất thế gian, đó là trí tuệ của hàng Thanh-văn, Bích-chi Phật, lìa ngã, ngã sở, các lậu hoặc sạch hết. Bát- nhã Ba-la-mật là tối thù thắng, rốt ráo thanh tịnh, vì không nhiễm trước, vì lợi ích hết thảy chúng sanh. Trí tuệ Thanh-văn, Bích-chi Phật tuy sạch hết lậu hoặc nên được thanh tịnh, nhưng không có tâm đại từ-bi, không thể lợi ích hết thảy chúng sanh, nên không bằng, huống gì trí tuệ thế tục cấu, bất tịnh, giả dối? Ba thứ trí tuệ trên không bằng trí tuệ này, gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, trí tuệ này vì độ chúng sanh, vì cầu Phật đạo; thọ, tưởng, hành, thức tương ưng với trí tuệ này, và thân nghiệp khẩu nghiệp từ trí tuệ khởi lên, và các tâm bất tương ưng hành như sinh, trụ v.v… các pháp ấy hòa hợp, gọi là Ba-la-mật. Trong các Ba-la-mật ấy, phần trí tuệ nhiều nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật, phần niệm định nhiều nên gọi là Thiền Ba-la-mật, nghĩa các Ba-la-mật khác cũng như vậy.

Có vô lượng nhân duyên như vậy nên gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Bát-nhã Ba-la-mật ấy là của ai? Trong đệ nhất nghĩa (nghĩa tuyệt đối) không có kẻ biết, kẻ thấy, kẻ được; hết thảy pháp không ta, không của ta, các pháp chỉ là không, do nhân duyên hòa hợp tương tục phát sinh, nếu như vậy thời Bát-nhã thuộc về ai?

Phật pháp có hai thứ: 1. Thế đế. 2. Đệ nhất nghĩa đế. Theo thế đế thì Bát-nhã Ba-la-mật thuộc Bồ-tát, người phàm phu có nhiều tội lỗi, không thanh tịnh nên Bát-nhã không thuộc phàm phu. Bát-nhã Ba-la- mật rốt ráo thanh tịnh, phàm phu không ưa, như ruồi ưa ở chỗ nhơ nhớp, không ưa hoa sen. Người phàm phu tuy có lìa dục, song vì tâm chấp tôi, ta, đắm theo pháp lìa dục nên không ưa Bát-nhã Ba-la-mật. Thanh-văn, Bích-chi Phật tuy ưa thích Bát-nhã Ba-la-mật song không có tâm từ-bi sâu xa, rất chán thế gian, một lòng hướng thẳng Niết-bàn, cho nên không thể đầy đủ được Bát-nhã Ba-la-mật .

Bát-nhã Ba-la-mật này, khi Bồ-tát thành Phật, đổi gọi là Trí nhất thiết chủng (hoặc Nhất thiết trí trí – ND). Vì vậy nên Bát-nhã không thuộc Phật, không thuộc Thanh-văn, Bích-chi Phật, không thuộc phàm phu, chỉ thuộc Bồ-tát.

Hỏi: Trong kinh này thường nói Năm uẩn trước, nói Trí nhất thiết chủng sau, sao nay trước nói đến Sáu Ba-la-mật?

Đáp: Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề nghĩa không có gì. Năm uẩn dùng các nhân duyên quán, cưỡng làm cho nó không có gì, khó hiểu; Bát-nhã Ba-la-mật tức là không có gì, dễ hiểu. Thí như mặt trăng trong nước dễ rõ nó là không, còn mặt trăng trên trời khó làm cho nó không có gì. Năm Ba-la-mật cùng Bát-nhã Ba-la-mật đồng tên đồng sự, cho nên tiếp tục nói năm Ba-la-mật, vậy sau tiếp tục nói Năm uẩn, cho đến Trí nhất thiết chủng không có gì, không thể có được. Bồ-tát vào môn này, quán thật tướng các pháp mà không hãi không sợ, nên biết Bồ-tát không lìa Bát- nhã Ba-la-mật.

Không lìa là thường tập hành Bát-nhã Ba-la-mật không hư luống, chắc chắn có quả báo. Trong đây Tu-bồ-đề tự nói nhân duyên không lìa, đó là sắc lìa tánh sắc, trong sắc không có tướng sắc, hư dối, không có gì. Bồ-tát biết được như vậy, không lìa trí tuệ thật, cho đến Thật tế cũng như vậy. Bồ-tát hành được đạo không chướng ngại ấy, được đến Trí nhất thiết chủng, vì hết thảy pháp không sinh không xuất vậy.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Thế nào là hết thảy pháp không sinh?

Tu-bồ-đề đáp: Sắc, tướng sắc không, cho nên sắc không sinh không thành tựu, cho đến Thật tế cũng như vậy. Nếu Bồ-tát hành được như vậy là thanh tịnh đệ nhất, không gì trên, không gì so sánh, cho nên dần dần gần Trí nhất thiết chủng. Vì dần dần gần Trí nhất thiết chủng nên tâm không sinh tà kiến phiền não hý luận, liền được tâm thanh tịnh. Quả báo tâm thanh tịnh nên được thân thanh tịnh, có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, trang nghiêm thân. Được ba thứ thanh tịnh nên phá các pháp chấp thủ tướng hư dối, thọ pháp tánh sanh thân, tức là thường được hóa sinh, không ở bào thai.

Hỏi: Nếu có sức như thế, thì cần gì hóa sinh, tham trước thân mà không thủ chứng Niết-bàn?

Đáp: Có hai nhân duyên nên chư Phật là báu ở giữa chúng sanh, vì chúng sanh muốn cúng dường không chán; vì bản nguyện độ sinh, tịnh Phật độ chưa tròn.

Bồ-tát ấy do lực phương tiện, phước đức nên thường không xa lìa chư Phật.

 

GIẢI THÍCH PHẨM MƯỜI: HÀNH TƯỚNG

KINH: Bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát không có phương tiện thiện xảo mà muốn tu hành Bát- nhã Ba-la-mật, thì nếu tu hành sắc là tu hành theo tướng nó, nếu tu hành thọ, tưởng, hành, thức là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành sắc thường, là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành thọ, tưởng, hành, thức thường, là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành sắc vô thường là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành thọ, tưởng, hành, thức vô thường là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành sắc vui là tu hành theo tướng nó, nếu tu hành thọ, tưởng, hành, thức vui là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành sắc khổ là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành thọ, tưởng, hành, thức khổ là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành sắc có là tu hành theo tướng nó, nếu tu hành thọ, tưởng, hành, thức có là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành sắc không, là tu hành theo tướng nó, nếu tu hành thọ, tưởng, hành, thức không, là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành sắc ngã là tu hành theo tướng nó, nếu tu hành thọ, tưởng, hành, thức ngã là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành sắc vô ngã là tu hành theo tướng nó, nếu tu hành thọ, tưởng, hành, thức vô ngã là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành sắc xa lìa là tu hành theo tướng nó, nếu tu hành thọ, tưởng, hành, thức xa lìa là tu theo tướng nó; nếu tu hành sắc tịch diệt là tu hành theo tướng nó; nếu tu hành thọ, tưởng, hành, thức tịch diệt là tu hành theo tướng nó.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát không có phương tiện thiện xảo mà tu hành Bốn niệm xứ là tu hành theo tướng nó; cho đến tu hành Mười tám pháp không chung là tu hành theo tướng nó.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát lúctu hành Bát-nhã Ba-la- mật mà khởi niệm rằng: “Ta tu hành Bát-nhã Ba-la-mật có sở đắc” thì cũng là tu hành theo tướng nó.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát khởi niệm rằng: Ta tu hành như vậy là tu hành Bát-nhã Ba-la-mật, cũng là tu hành theo tướng nó.

Nên biết đó là Bồ-tát ma-ha-tát tu hành Bát-nhã Ba-la-mật, không có phương tiện thiện xảo (nên chẳng phải là tu hành Bát-nhã Ba-la-mật – ND).

Tu-bồ-đề nói với Xá-lợi-phất: Nếu Bồ-tát ma-ha-tát khi đang tu hành Bát-nhã Ba-la-mật, đối với sắc trú niệm tưởng vọng giải (phân biệt – Đại Bát-nhã ghi: thắng giải – ND) thì đối với sắc gia công tu hành; do gia công tu hành nên không giải thoát được sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não và khổ báo đời sau. Nếu Bồ-tát ma-ha-tát lúc tu hành Bát-nhã Ba-la-mật, mà không có phương tiện thiện xảo đối với mắt cho đến ý, sắc cho đến pháp, nhãn thức giới cho đến ý thức giới, nhãn xúc cho đến ý xúc, nhãn và xúc làm nhân duyên sinh thọ, cho đến ý và xúc làm nhân duyên sinh thọ, Bốn niệm xứ cho đến Mười tám pháp không chung, thọ nhận, suy tư và hiểu biết sai lầm, nên, đối với Mười tám pháp không chung gia công tu hành, mà gia công tu hành thì Bồ-tát ấy không giải thoát được sinh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, và khổ báo đời sau. Bồ-tát như vậy còn không chứng được địa vị Thanh-văn, Bích-chi Phật, huống gì chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác! (không có lẽ ấy.)

Xá-lợi-phất! Nên biết Bồ-tát ma-ha-tát ấy, tu hành Bát-nhã Ba-la- mật không có phương tiện thiện xảo.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Làm sao biết Bồ-tát ma-ha-tát tu hành Bát-nhã Ba-la-mậtcó phương tiện thiện xảo?

Tu-bồ-đề nói với Xá-lợi-phất: Nếu Bồ-tát ma-ha-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật không hành theo sắc, không hành theo thọ, tưởng, hành, thức; không hành theo tướng sắc, không hành theo tướng thọ, tưởng, hành, thức; không hành theo sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thường; không hành theo sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường; không hành theo sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vui, không hành theo sắc, thọ, tưởng, hành, thức là khổ; không hành theo sắc, thọ, tưởng, hành, thức là ngã, không hành theo sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã; không hành theo sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không, không hành theo sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô tướng; không hành theo sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô tác. Không hành theo sắc, thọ, tưởng, hành, thức là xa lìa; không hành theo sắc, thọ, tưởng, hành, thức là tịch diệt. Vì cớ sao? Xá-lợi-phất! Sắc ấy không là chẳng phải sắc; lìa không không có sắc, lìa sắc không có không, sắc tức là không, không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức không là chẳng phải thức; lìa không không có thức, lìa thức không có không; không tức là thức, thức tức là không; cho đến Mười tám pháp không chung không, là chẳng phải Mười tám pháp không chung; lìa không không có mười tám pháp không chung, lìa mười tám pháp không chung không có không; không tức là mười tám pháp không chung, mười tám pháp không chung tức là không.

Như vậy, Xá-lợi-phất! Nên biết ấy là Bồ-tát ma-ha-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật có phương tiện thiện xảo. Bồ-tát ấy tu hành Bát-nhã Ba-la-mật như vậy, có thể chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát ấy khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật, hành cũng không chấp thọ, không hành cũng không chấp thọ, hành không hành cũng không chấp thọ, chẳng phải hành chẳng phải không hành cũng không chấp thọ, không chấp thọ cũng không chấp thọ.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề: Bồ-tát ma-ha-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật, vì nhân duyên gì nên không chấp thọ?

Tu-bồ-đề nói: Bát-nhã Ba-la-mật ấy tự tánh không thể có được, nên không chấp thọ. Vì cớ sao? Vì không có tánh gì, ấy là Bát-nhã Ba- la-mật. Xá-lợi-phất! Vì lẽ ấy, nên Bồ-tát ma-ha-tát tu hành Bát-nhã Ba- la-mật, hành không chấp thọ, không hành cũng không chấp thọ, hành không hành cũng không chấp thọ, chẳng phải hành chẳng phải không hành cũng không chấp thọ, không chấp thọ cũng không chấp thọ. Vì cớ sao? Vì hết thảy pháp tánh không có gì, không theo các pháp hành, không chấp thọ các pháp tướng, ấy gọi là công dụng rộng lớn của Tam- muội, không chấp thọ các pháp của Bồ-tát ma-ha-tát, không chung với Thanh-văn, Bích-chi Phật.

Bồ-tát ma-ha-tát ấy tu hành Tam-muội ấy không rời, mau chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

LUẬN: Phẩm trước dùng môn không phá các pháp, phẩm này muốn dùng môn vô tướng phá các pháp. Nếu Bồ-tát không có phương tiện quán sắc, thì đọa trong tướng. Vì đọa trong tướng nên mất Bát-nhã Ba-la-mật hạnh. Vì cớ sao? Vì hết thảy pháp không, nên không có tướng có thể chấp thủ.

Hỏi: Người biết quả báo thiện ác, chấp thủ tướng quả báo rồi phân biệt thiện ác, thiện thì lấy, ác thì bỏ; thế nên mới hành đạo, cớ sao nói tướng các pháp là vô thường?

Đáp: Chấp thủ tướng là vì hàng sơ học mà nói, còn vô tướng là vì hạng hành đạo, trú môn giải thoát mà nói, không nên đem việc thô thiển vấn nạn. Nay hành giả chấp thủ tướng lành phá tướng chẳng lành, nghĩa là chấp thủ tướng trai gái v.v… là nhân duyên sinh các phiền não, nên sau lấy tướng vô tướng phá tướng pháp lành; nếu phá tướng chẳng lành mà không phá tướng lành thì lành trở thành tai họa, vì sinh chấp trước. Lấy tướng vô tướng mà phá pháp lành, vô tướng cũng tự phá. Vì cớ sao? Vì vô tướng nhiếp vào trong pháp lành, ví như mưa đá hại lúa, rồi mưa đá cũng tự tiêu tan.

Lại nữa, hết thảy pháp tướng vô tướng là thật, ví như thân thể, đầy dẫy bất tịnh, chín lỗ thường chẩy nhơ, không có tướng sạch, mà người ta vì vô minh cưỡng cho là sạch, sinh phiền não, tạo các tội, như trẻ con đối với vật bất tịnh chấp thủ tướng sạch cho là vui, người lớn xem thấy liền cười, vì biết là hư dối.

Các lỗi chấp thủ tướng như vậy, đều là hư vọng, như ngọc pha lê, tùy theo sắc đối đãi mà đổi mầu, tự nó không có mầu nhất định. Các pháp cũng như vậy, không có tướng nhất định, tùy theo tâm mà đối ra tướng khác hoặc thường hoặc vô thường v.v…; như vì tâm giận mà thấy người này là xấu, khi tâm giận hết, tâm dâm dục sinh ra lại thấy người này là đẹp; nếu sinh tâm kiêu mạn thì thấy người này là ty tiện, nghe nói người này có đức lại sinh tâm cung kính. Ghét thương có lý, ghét thương vô lý cũng như vậy đều là ức tưởng hư vọng; nếu trừ tướng hư vọng thì cũng không có tướng không, tướng vô tướng, tướng vô tác, vì không có gì để phá.

Sắc ấy do nhân duyên hòa hợp mà có, ví như bọt nước, như huyễn, như mộng, nếu Bồ-tát đối với sắc chấp thủ tướng một, khác, liền mất Bát-nhã Ba-la-mật, vì tánh sắc là tướng vô tướng; chấp thọ sắc ấy rồi, thấy sắc tán hoại ma diệt cho là vô thường, nếu thấy nó hòa hợp tồn tại tạm thời thì cho là thường.

Thường có hai: 1. Hoặc tồn tại trăm năm, ngàn vạn ức năm, hoặc một kiếp, hoặc tám vạn kiếp, vậy sau tiêu diệt. 2. Thường trú không hoại. Bồ-tát nếu dứt biên kiến tà kiến, thì cũng không còn thấy chân thật thường; nếu thấy thường là thấy nó trụ lâu nên thường, chứ chẳng phải chân thật. Nếu không dứt biên kiến tà kiến thấy sắc là chân thật thường, nghĩ rằng cây cỏ, rụng xuống thành đất, đó chỉ là lúc nó ly tán sự hòa hợp mà thôi; thế nên nói Bồ-tát ấy tu Bát-nhã không có phương tiện thiện xảo.

Bồ-tát hoặc quán sắc vô thường. Vô thường cũng có hai: 1. Niệm niệm diệt, hết thảy pháp hữu vi trụ không quá một niệm. 2. Pháp tương tục hư hoại gọi là vô thường. Như người mạng chết, như lửa cháy cây cỏ, như nước nấu khô. Nếu Bồ-tát mới phát tâm tiếp tục tu như vậy, thì tâm nhàm chán, dứt được vô thường thô thiển, còn nếu Bồ-tát tu lâu thì có thể thấy các pháp niệm niệm vô thường. Cả hai Bồ-tát này đều đọa vào trong sự chấp thủ tướng. Vì cớ sao? Vì sắc tướng thường hay vô thường đều không thể có được, như trước nói thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Khổ, lạc, ngã, phi ngã cũng vậy.

Hỏi: Năm uẩn ấy có thể quán nó thường, vô thường v.v… cớ sao nói Năm uẩn là tướng tịch diệt xa lìa?

Đáp: Hành giả không thấy tướng Năm uẩn thường, vô thường, nên biết Năm uẩn lìa tự tướng; nếu biết Năm uẩn lìa tự tướng tức là Năm uẩn tịch diệt như Niết-bàn.

Hỏi: Nếu như vậy ban đầu tự không có tướng, tại sao nói vì không phương tiện nên đọa trong chấp tướng?

Đáp: Bồ-tát ấy căn độn không có tâm tự giác, lìa sự chấp trước năm uẩn trở lại chấp trước viễn ly tịch tịnh, đối với vô tướng sinh chấp trước. Ba mươi bảy đạo phẩm cho đến Mười tám pháp không chung cũng nên theo nghĩa phân biệt như vậy. Nếu Bồ-tát quán ngoại pháp đều vô tướng nói rằng: “Ta có thể quán như vậy, vì có tâm chấp ngã dư tàn nên cũng đọa trong tướng. Nếu Bồ-tát có thể xa lìa tâm trước tướng phi đạo ấy mà thực hành trí tuệ chân tịnh vô tướng, nghĩ rằng ta có thể tu hành trong ngoài thanh tịnh như vậy, ấy là tu hành Bát-nhã Ba-la-mật, thì người ấy cũng đọa trong tướng. Vì cớ sao? Vì không có thể trước mà chấp trước, không có thể thủ mà chấp thủ. Thế nên Bồ-tát ấy gọi là tu không có phương tiện thiện xảo, vì nương nơi ái và kiến mà chấp trước pháp lành. Bồ-tát ấy tuy có phước đức cũng không lìa được gìà, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Hỗn tạp hành đạo, còn không chứng được Tiểu thừa huống Đại thừa. Trái với trên đây, gọi là tu có phương tiện thiện xảo. Đối với hết thảy pháp không thọ không trước, vì các pháp hòa hợp, nhân duyên sinh không có tự tánh vậy.

Hỏi: Trước nói Tam-muội không thọ, ở đây nói Tam-muội chẳng thọ, có gì sai khác?

Đáp: Trước là không, đây là vô tướng.

Chẳng xa lìa là, thường hành không ngừng nghỉ, vì có tâm đại từ- bi.

Mau được thành Phật đạo là, vào Tam-muội ấy không chướng ngại, trí tuệ cùng với Phật tương tợ. Nếu phải trải qua A-tăng-kỳ kiếp mới được, thì hoặc có khi vượt qua một A-tăng-kỳ kiếp, trăm kiếp, cho đến sáu mươi mốt kiếp, như Phật Phất-sa nhờ tán thán Phật Thích-ca Văn, mà vượt qua chín kiếp (Hai câu này văn nghĩa tra in tuồng trái ngược, nguyên là Phật Thích-ca Văn nhờ tán thán Phật Phất-sa mà vượt qua chín kiếp. Dưới đây trong văn kinh, Tu-bồ-đề nói một trăm lẻ tám Tam- muội cùng với phẩm Ma-ha Diễn ở sau, Phật tự nói trong phẩm Tà Kiến cuốn 4 trang 8 nói một trăm lẻ tám Tam-muội thời đồng nhau, chỉ có hai câu ba chữ là hơi khác, nên đối chiếu nghiệm đọc).

KINH: Xá-lợi-phất hỏi: Chỉ không lìa Tam-muội ấy là khiến Bồ-tát mau chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay còn có Tam- muội khác?

Tu-bồ-đề đáp Xá-lợi-phất: Còn có các Tam-muội khác, Bồ-tát ma- ha-tát tu hành theo thì mau chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Xá-lợi-phất hỏi: Những Tam-muội gì Bồ-tátma-ha-tát tu hành theo mau chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Tu-bồ-đề đáp: Các Bồ-tát ma-ha-tát có Tam-muội gọi là Thủ Lăng- nghiêm, tu hành Tam-muội ấy, khiến Bồ-tát ma-ha-tát mau chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Có Tam-muội Bảo ấn, Tam-muội Sư tử du hý, Tam-muội Diệu nguyệt, Tam-muội Nguyệt tràng tướng, Tam-muội Chư pháp ấn, Tam-muội Quán đảnh, Tam-muội Tất pháp tánh, Tam-muội Tất tràng tướng, Tam-muội Kim cang, Tam-muội nhập pháp ấn, Tam-muội Vương an lập, Tam-muội Phóng quang, Tam-muội Lực tấn, Tam-muội Xuất sinh, Tam-muội Tất nhập biện tài, Tam-muội nhập danh tự, Tam-muội Quán phương, Tam-muội Đà-la-ni ấn, Tam- muội Bất vọng, Tam-muội Nhiếp chư pháp hải ấn, Tam-muội Biến phú hư không, Tam-muội Kim cang luận, Tam-muội Bảo đoạn, Tam- muội Phổ chiếu, Tam-muội Bất cầu, Tam-muội Vô xứ trú, Tam-muội Vô tâm, Tam-muội Tịnh đăng, Tam-muội Vô biên minh, Tam-muội Năng tác mimh, Tam-muội Phổ biến minh, Tam-muội Kiên tịnh chư

Tam-muội, Tam-muội Vô cấu minh, Tam-muội Tác nhạc, Tam-muội Điển quang, Tam-muội Vô tận, Tam-muội Uy đức, Tam-muội Ly tận, Tam-muội Bất động, Tam-muội Trang nghiêm, Tam-muội Nhật quang, Tam-muội Nguyệt tịnh, Tam-muội Tịnh minh, Tam-muội Năng tác minh, Tam-muội Tác hành, Tam-muội Tri tướng, Tam-muội Như Kim cang, Tam-muội Tâm trú, Tam-muội Biến chiếu, Tam-muội An lập, Tam-muội Bảo đảnh, Tam-muội Diệu pháp ấn, Tam-muội Pháp đẳng, Tam muội Sinh hỷ, Tam-muội Đáo pháp đảnh, Tam-muội Năng tán, Tam-muội Hoại chư pháp xứ, Tam-muội Tự đẳng tướng, Tam-muội Ly tự, Tam-muội Đoạn duyên, Tam-muội Bất hoại, Tam-muội Vô chủng tướng, Tam-muội Vô xứ hành, Tam-muội Ly ám, Tam-muội Vô khứ, Tam-muội Bất biến, Tam-muội Độ duyên, Tam-muội Tập chư công đức, Tam-muội Trú vô tâm, Tam-muội Diệu tịnh hoa, Tam-muội Giác ý, Tam-muội Vô lượng biện, Tam-muội Vô đẳng đẳng, Tam-muội Độ chư pháp, Tam-muội Phân biệt chư pháp, Tam-muội Tán nghi, Tam- muội Vô trú xứ, Tam-muội Nhất tướng, Tam-muội Nhất tánh, Tam- muội Sinh hành, Tam-muội Nhất hành, Tam-muội Bất nhất hành, Tam- muội Diệu hành, Tam-muội Đạt nhất thiết hữu để tán, Tam-muội Nhập ngôn ngữ, Tam-muội Ly âm thanh tự ngữ, Tam-muội Nhiên cự, Tam- muội Tịnh tướng, Tam-muội Phá tướng, Tam-muội Nhất thiết chủng diệu túc, Tam-muội Bất hỷ khổ lạc, Tam-muội Bất tận hành, Tam-muội Đa Đà-la-ni, Tam-muội Thủ chư tà chánh tướng, Tam-muội Diệt tắng ái, Tam-muội Nghịch thuận, Tam-muội Tịnh quang, Tam-muội Kiên cố, Tam-muội Mãn nguyệt tịnh quang, Tam-muội Đại trang nghiêm, Tam-muội Năng chiếu nhất thiết thế Tam-muội, Tam-muội Vô tránh, Tam-muội Vô trú xứ lạc, Tam-muội Như trú định, Tam-muội Hoại thân suy, Tam-muội Hoại ngữ như hư không, Tam-muội Ly trước hư không bất nhiễm.

Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát tu hành các Tam-muội ấy mau chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại có vô lượng vô số môn Tam-muội, môn Đà-la-ni. Các Bồ-tát ma-ha-tát học môn Tam-muội, môn Đà-la-ni ấy, mau chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tuệ mạng Tu-bồ-đề theo tâm Phật mà nói: Nên biết Bồ-tát ma-ha- tát tu hành Tam-muội ấy, đã được Phật quá khứ thọ ký, mười phương chư Phật hiện tại cũng thọ ký Bồ-tát ấy. Bồ-tát ấy không thấy Tam-muội ấy, cũng không niệm Tam-muội ấy, cũng không nghĩ rằng: Ta sẽ vào Tam-muội ấy, ta nay vào Tam-muội ấy, ta đã vào Tam-muội ấy. Bồ-tát ma-ha-tát đều không có niệm phân biệt.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Bồ-tát ma-ha-tát trú các Tam-muội ấy rồi mới theo chư Phật quá khứ được thọ ký ư?

Tu-bồ-đề đáp: Không phải, Xá-lợi-phất! Vì sao? Vì Bát-nhã Ba- la-mật không khác các Tam-muội, các Tam-muội không khác Bát-nhã Ba-la-mật; Bồ-tát không khác Bát-nhã Ba-la-mật, Bát-nhã Ba-la-mật không khác Bồ-tát; Bát-nhã Ba-la-mật tức là Tam-muội, Tam-muội tức là Bát-nhã Ba-la-mật; Bồ-tát tức là Bát-nhã Ba-la-mật và Tam-muội, Bát-nhã Ba-la-mật và Tam-muội tức là Bồ-tát.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Nếu Tam-muội không khác Bồ-tát, Bồ- tát không khác Tam-muội, Tam-muội tức là Bồ-tát, Bồ-tát tức là Tam- muội, thì vì sao Bồ-tát có Tam-muội biết hết thảy pháp v.v… ?

Tu-bồ-đề đáp: Bồ-tát vào Tam-muội ấy, lúc ấy không nghĩ rằng: Ta do pháp ấy vào Tam-muội ấy. Vì nhân duyên ấy, Xá-lợi-phất! Bồ-tát ấy đối với các Tam-muội không biết không niệm.

Xá-lợi-phất hỏi: Vì cớ sao không biết không niệm?

Tu-bồ-đề đáp: Các Tam-muội vì không có gì, nên Bồ-tát ấy không biết không niệm.

Bấy giờ, Phật tán thán: Lành thay, lành thay! Tu-bồ-đề, như Ta nói: Ông tu hành Vô tránh Tam-muội bậc nhất, tương ưng với nghĩa này.

Bồ-tát ma-ha-tát hãy học Bát-nhã Ba-la-mật như vầy: Thiền Ba-la- mật, Tấn Ba-la-mật, Nhẫn Ba-la-mật, Giới Ba-la-mật, Thí Ba-la-mật, Bốn niệm xứ cho đến Mười tám pháp không chung cũng nên học như vậy.

LUẬN: Hỏi: Như Phật dạy một đường đến Niết-bàn đó là không, vô tướng, vô tác, cớ sao Xá-lợi-phất lại hỏi còn có các Tam-muội khác khiến Bồ-tát mau thành Phật?

Đáp: Khi chưa gần Niết-bàn thì có nhiều đường khác, khi gần Niết- bàn thì chỉ có một đường là không, vô tướng, vô tác; các Tam-muội khác đều nhiếp vào trong ba môn giải thoát ấy, ví như thành lớn có nhiều cửa, đều được vào thành; lại như ngàn sông muôn dòng đều chảy về biển.

Những gì là các Tam-muội khác? Đó là các Tam-muội Thủ Lăng- nghiêm v.v… Trong phẩm Ma-ha Diễn, Phật tự nói: Điều sâu xa khó hiểu, Phật sẽ dạy ở trong đây. Nếu Bồ-tát thực hành được một trăm lẻ tám Tam-muội và các môn Đà-la-ni, thì mười phương chư Phật đều thọ ký cho. Vì cớ sao? Vì Bồ-tát tuy được các Tam-muội ấy, nhưng vì thật không có ngã, tâm ức tưởng phân biệt nên cũng không khởi niệm rằng: Ta sẽ vào Tam-muội ấy, nay vào, đã vào; ta sẽ trụ Tam-muội ấy, đó là

Tam-muội của ta. Vì tâm ấy thanh tịnh không chấp trước pháp vi diệu, nên chư Phật thọ ký cho.

Bấy giờ Xá-lợi-phất trở lại lấy trí tuệ về không nạn hỏi Tu-bồ-đề rằng: Bồ-tát trú Tam-muội ấy, thủ lấy tướng Tam-muội ấy, có được thọ ký không?

Tu-bồ-đề đáp: Không. Vì cớ sao? Vì ba việc không khác nhau: Bát- nhã không khác Tam-muội, Tam-muội không khác Bát-nhã; Bát-nhã không khác Bồ-tát, Tam-muội; Bồ-tát, Tam-muội không khác Bát-nhã; Bát-nhã, Tam-muội tức là Bồ-tát, Bồ-tát tức là Bát-nhã, Tam-muội. Nếu Bát-nhã, Tam-muội và Bồ-tát khác nhau thì chư Phật thọ ký cho, song vì không khác nên không thọ ký.

Xá-lợi-phất lại hỏi: Nếu như vậy, thì Tam-muội và hết thảy pháp bình đẳng không khác ư?

Tu-bồ-đề đáp: Bồ-tát có Tam-muội về các pháp v.v… vào trong Tam-muội ấy, các pháp không khác.

Lại nữa, như trước nói, đối với các Tam-muội không khởi ức tưởng phân biệt, không hay không biết, vì tự tánh các Tam-muội không có gì. Bồ-tát không biết không niệm, Phật vì Tu-bồ-đề chưa tự được Tam-muội ấy, mà khéo nói Tam-muội, Đà-la-ni vi diệu của Bồ-tát, đối với Bát-nhã Ba-la-mật không niệm không trước, thế nên Phật tán thán: Lành thay! Ta nói ông được vô tránh Tam-muội đệ nhất đúng như lời ta tán thán không sai.

KINH: Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bồ-tát ma- ha-tát học như vậy là học Bát-nhã Ba-la-mật ư?

Phật bảo Xá-lợi-phất: Bồ-tát ma-ha-tát học như vậy là học Bát-nhã Ba-la-mật, vì pháp ấy không thể có được; cho đến học Thí Ba-la-mật, vì pháp ấy không thể có được, học Bốn niệm xứ cho đến Mười tám pháp không chung vì pháp ấy không thể có được.

Xá-lợi-phất bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn! Như vậy, Bồ-tát ma-ha- tát học Bát-nhã Ba-la-mật, pháp ấy không thể có được ư?

Phật dạy: Đúng như vậy! Bồ-tát ma-ha-tát học Bát-nhã Ba-la-mật, pháp ấy không thể có được.

Xá-lợi-phất thưa: Bạch đức Thế Tôn! Những pháp gì không thể có được?

Phật dạy: Ngã không thể có được, cho đến kẻ biết, kẻ thấy không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh.

Năm ấm không thể có được, Mười hai nhập không thể có được, Mười tám giới không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. Vô minh không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh cho đến lão tử không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh; Khổ đế không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh; Tập, Diệt, Đạo đế không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. Cõi Dục không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh; cõi Sắc cõi Vô sắc không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh; Bốn niệm xứ không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh; cho đến Mười tám pháp không chung không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. Sáu Ba-la-mật không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh, Tu-đà-hoàn không không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh; Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. Bồ-tát không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh. Phật không thể có được, vì rốt ráo thanh tịnh.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là rốt ráo thanh tịnh?

Phật dạy: Chẳng xuất chẳng sinh, không được không làm, ấy gọi là rốt ráo thanh tịnh.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát học như vậy là học pháp gì?

Phật bảo Xá-lợi-phất: Bồ-tát ma-ha-tát học như vậy đối với các pháp không học gì. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Tướng các pháp không như tướng phàm phu chấp trước.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thật tướng các pháp có thế nào?

Phật dạy: Các pháp không có gì, có như vậy, không có gì như vậy, việc ấy không biết gọi là vô minh.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Không có những gì mà việc ấy không biết, gọi là vô minh?

Phật bảo Xá-lợi-phất: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không có gì, vì nội không cho đến vô pháp hữu pháp không. Bốn niệm xứ cho đến Mười tám pháp không chung không có gì, vì nội không cho đến vô pháp hữu pháp không. Trong đó phàm phu vì do vô minh khát ái nên vọng thấy phân biệt, gọi là vô minh. Kẻ phàm phu bị buộc vào hai bên, không biết không thấy các pháp không có gì, mà ức tưởng phân biệt đắm sắc, cho đến Mười tám pháp không chung. Hạng người ấy vì đắm trước nên đối với pháp không có gì khởi lên thức, tri, kiến. Ấy là phàm phu không biết không thấy. Không biết không thấy gì? Không biết không thấy sắc, cho đến Mười tám pháp không chung cũng không biết không thấy. Vì vậy nên đọa vào trong số phàm phu, như trẻ con. Hạng người ấy không ra khỏi. Không ra khỏi gì? Không ra khỏi cõi Dục, không ra khỏi cõi Sắc, không ra khỏi cõi Vô sắc; không ra khỏi pháp Thanh-văn, Bích-chi Phật.

Người ấy cũng không tín thọ. Không tín thọ gì? Không tin sắc không, cho đến không tin Mười tám pháp không chung. Người ấy không trú. Không trú gì? Không trú Thí Ba-la-mật cho đến không trú Bát-nhã Ba- la-mật, không trú địa vị bất thối chuyển cho đến không trú Mười tám pháp không chung. Vì nhân duyên ấy, nên gọi là phàm phu, như trẻ nít. Cũng gọi là người chấp trước. Chấp trước gì? Chấp trước sắc cho đến thức, chấp trước nhãn nhập cho đến ý nhập, chấp trước nhãn giới cho đến ý thức giới; chấp trước dâm, nộ, si, chấp trước các tà kiến, chấp trước Bốn niệm xứ cho đến chấp trước Phật đạo.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát học như vậy cũng chẳng phải học Bát-nhã Ba-la-mật, chẳng được Trí nhất thiết chủng ư?

Phật bảo Xá-lợi-phất: Bồ-tát ma-ha-tát học như vậy, cũng chẳng học Bát-nhã Ba-la-mật, chẳng được Trí nhất thiết chủng.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Vì sao Bồ-tát cũng chẳng học Bát-nhã Ba-la-mật, chẳng được Trí nhất thiết chủng?

Phật bảo Xá-lợi-phất: Bồ-tát ma-ha-tát vì không có phương tiện thiện xảo, nên ức tưởng phân biệt, chấp trước Bát-nhã Ba-la-mật, chấp trước Thiền Ba-la-mật, Tấn Ba-la-mật, Nhẫn Ba-la-mật, Giới Ba-la- mật, Thí Ba-la-mật, cho đến Mười tám pháp không chung, Trí nhất thiết chủng, cứ ức tưởng phân biệt chấp trước. Vì nhân duyên ấy, nên Bồ-tát ma-ha-tát học như vậy, cũng chẳng học Bát-nhã Ba-la-mật, chẳng được Trí nhất thiết chủng.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Hoặc có Bồ-tát ma-ha-tát học như vậy, chẳng học Bát-nhã Ba-la-mật, chẳng được Trí nhất thiết chủng ư?

Phật bảo Xá-lợi-phất: Bồ-tát ma-ha-tát học như vậy, chẳng học Bát-nhã Ba-la-mật, chẳng được Nhất chủng trí.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát nay nên làm sao học Bát-nhã Ba-la-mật, được Trí nhất thiết chủng?

Phật bảo Xá-lợi-phất: Nếu Bồ-tát ma-ha-tát, khi học Bát-nhã Ba- la-mật, không thấy Bát-nhã Ba-la-mật. Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha- tát học Bát-nhã Ba-la-mật như vậy, được Trí nhất thiết chủng, vì không thể có được.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Thế nào gọi là bất khả đắc?

Phật dạy: Vì các pháp nội không cho đến vô pháp hữu pháp không.

LUẬN: Xá-lợi-phất ở trên hỏi chỉ có vô thọ Tam-muội là mau được thành Phật hay còn có Tam-muội khác? Tu-bồ-đề đáp: Còn có Tam- muội khác mau được thành Phật. Bồ-tát không niệm, không chấp trước Tam-muội ấy nên được chư Phật quá khứ hiện tại, thọ ký. Phật tán thán: Lành thay! Bồ-tát ma-ha-tát hãy học Bát-nhã Ba-la-mật như vậy, cho đến học hết thảy Phật pháp.

Khi ấy, Xá-lợi-phất nghĩ rằng: Bát-nhã Ba-la-mật là tướng không, còn các Tam-muội là các tướng có phân biệt, làm sao học các Tam-muội là học Bát-nhã Ba-la-mật, cho nên hỏi.

Phật đáp: Xá-lợi-phất: Học Bát-nhã Ba-la-mật như vậy đều vì bất khả đắc, vì tướng khí phần của Bát-nhã bala mật đều ở trong các Tam- muội, học được như vậy là học Bát-nhã Ba-la-mật, cho đến học Mười tám pháp không chung. Phật liền ấn khả cho.

Xá-lợi-phất lại hỏi: Pháp gì là không thể có được?

Trong đây Phật tự nói: Vì chúng sanh không, vì rốt ráo thanh tịnh nên ngã không thể có được, cho đến kẻ biết, kẻ thấy, Tu-đà-hoàn cho đến Phật không thể có được; vì pháp không, vì rốt ráo thanh tịnh, nên Năm uẩn không thể có được cho đến Mười tám pháp không chung không thể có được.

Rốt ráo thanh tịnh là không xuất không sinh, không được không làm v.v… Ở bên nhân không sinh khởi gọi là không xuất, ở bên duyên không sinh khởi gọi là không sinh. Tướng sinh nhất định không thể có được, nên gọi là không xuất không sinh. Vì không xuất không sinh nên gọi là không thể có được. Vì không thể có được nên gọi là không làm không khởi. Pháp có khởi, làm đều là hư dối; lìa tướng như vậy gọi là rốt ráo thanh tịnh.

Xá-lợi-phất hỏi Phật: Bồ-tát ma-ha-tát tu hành được đạo rốt ráo thanh tịnh như vậy vì học pháp gì, vì được pháp gì?

Phật đáp: Học được như vậy là vì không học gì, không được gì.

Hỏi: Bồ-tát dùng rốt ráo không ấy, học Sáu Ba-la-mật cho đến Mười tám pháp không chung, cớ sao nói không có pháp gì có thể học?

Đáp: Trong đây Phật tự nói, các pháp không giống như chỗ chấp trước của phàm phu. Tâm phàm phu có vô minh, tà kiến kiết sử, những điều nghe, thấy, biết đều khác với pháp tướng; cho đến nghe Phật thuyết pháp, đối với Thánh đạo và quả báo đều chấp trước, làm ô nhiễm đạo.

Xá-lợi-phất bạch Phật rằng: Nếu chỗ thấy của người phàm phu đều chẳng thật, vậy nay các pháp ấy làm sao có?

Phật dạy: Các pháp chẳng có gì, người phàm phu đối với chỗ chẳng

có gì cũng cho là có. Vì cớ sao? Vì người phàm phu ấy lìa vô minh tà kiến thì không thể có chỗ xem thấy, vì thế nên nói chấp trước chỗ không có gì nên gọi là vô minh. Ví như nắm tay trống không để gạt con nít, con nít chấp trước nên cho là có.

Xá-lợi-phất hỏi Phật: Những pháp gì không có vì chấp trước nên gọi là vô minh?

Phật đáp: Sắc cho đến Mười tám pháp không chung, trong đó vì vô minh tham ái nên ức tưởng phân biệt, thứ minh ấy là vô minh, rơi vào hữu biên vô biên, mất ánh sáng trí tuệ. Vì mất ánh sáng trí tuệ nên không thấy không biết sắc rốt ráo không, không có gì, mà tự sinh ức tưởng phân biệt rồi chấp trước, cho đến thức uẩn, Mười hai nhập, Mười tám giới, Mười hai nhân duyên, hoặc nghe pháp lành như Sáu Ba-la-mật cho đến Mười tám pháp không chung, cũng như pháp thế gian; ức tưởng phân biệt chấp trước thánh pháp cũng như vậy. Do vậy gọi là rơi vào số phàm phu, giống trẻ con, bị người khinh cười. Như người lấy ngón tay chỉ mặt trăng, người ngu chỉ thấy ngón tay không thấy mặt trăng; người trí khinh cười nói: Sao ông không hiểu được ý người chỉ, ngón tay là nhân duyên để biết mặt trăng, mà lại xem ngón tay không biết mặt trăng. Chư Phật hiển thánh nói pháp cho người phàm phu mà người phàm phu cứ chấp âm thanh ngữ ngôn, không nắm lấy ý thánh nhân, không được thật nghĩa. Vì không được thật nghĩa nên trở lại nơi thật nghĩa sinh chấp trước. Nay Phật chỉ lỗi của người phàm phu, nên nói không thể vượt qua ba cõi, cũng không thể lìa hai thừa. Vì không nắm được ý thánh nhân nên nghe nói các pháp không mà chẳng tin, vì không tin nên không thật hành, không an trú Sáu Ba-la-mật, cho đến Mười tám pháp không chung. Vì mất các công đức như vậy nên gọi là phàm phu, con nít. Con nít chấp trước Năm uẩn, Mười hai nhập, Mười tám giới, ba độc, các phiền não cho đến Mười tám pháp không chung; Vô thượng, Chánh đẳng, Chánh giác đều chấp trước, nên gọi là kẻ chấp trước.

Xá-lợi-phất hỏi: Nếu Bồ-tát tu hành như vậy, gọi là không hành Bát-nhã Ba-la-mật, không hành Bát-nhã Ba-la-mật nên chẳng được Trí nhất thiết chủng ư?

Phật đồng ý với Xá-lợi-phất: Đúng vậy, đúng vậy! Liền vì nói nhân duyên cho là Bồ-tát mới tu hành, không có sức phương tiện, nghe nói Bát-nhã Ba-la-mật ấy, ức tưởng phân biệt, tìm cầu muốn lấy, nghĩ rằng: Ta bỏ cái vui thế gian, lại không được Bát-nhã Ba-la-mật, ấy là mất cả hai, chuyên tìm cầu muốn được. Hoặc bảo nói không, là Bát-nhã Ba-la- mật; hoặc nói không cũng không, là Bát-nhã Ba-la-mật; hoặc nói các pháp như thật tướng là Bát-nhã Ba-la-mật. Như vậy dùng sáu mươi hai kiến, chín mươi tám tâm kiết sử phiền não, chấp trước cho là Bát-nhã Ba- la-mật, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng chấp như vậy. Lấy tâm chấp trước ấy mà học các pháp, không thể được Trí nhất thiết chủng. Cùng với đây trái nhau là có thể hành Bát-nhã Ba-la-mật, cũng có thể được Trí nhất thiết chủng; nghĩa là không thấy Bát-nhã Ba-la-mật, không thấy hành giả, không thấy duyên pháp, không thấy cũng không thấy.

Xá-lợi-phất lại hỏi nhân duyên không thấy, Phật đáp Bồ-tát ấy vào Mười tám Không, cho nên không thấy, chẳng phải vô trí nên không thấy.