LUẬN CHIẾT NGHI
Tỳ-kheo Sư Tử, người Tây Vức, ở chùa Đại Từ Ân tại Kim Đài thuật lại và chú giải.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 5
CHƯƠNG THỨ MƯỜI CHÍN: BÀN VỀ SỰ PHÙ HỢP.
Chương này nói về nghĩa lý hợp nhau giữa ba tôn giáo nên gọi là: “Bàn về sự phù hợp”.
Khách nói: Đối với đạo lý khác nhau cũng như hợp nhau giữa Phật giáo và Nho giáo, hoặc tạm biết được đại khái.
Đạo lý hợp nhau hay khác nhau giữa Phật giáo và Nho giáo, hoặc tạm đã biết được đại khái.
Chẳng hay lời của Lão Tử và lời của Phật giáo và Nho giáo, xin hỏi có giống nhau không?
Diệu Minh nói: Có. Chỉ vì thời thế có thuần túy có khinh bạc, căn cơ có lớn nhỏ, tùy sự thích hợp.
Giáo lý có cạn sâu, tuy không thể hoàn toàn giống nhau, nhưng cũng có những lời giống nhau. Khổng Tử nói: “Người căn tánh bậc trung trở lên có thể nói chuyện của người bậc thượng, còn người căn tánh bậc trung trở xuống, không thể đem chuyện của bậc thượng để nói”.
Ý nói để dạy người cần phải tùy sự cao thấp ở người mà dạy, thì lời nói ấy dễ vào và không có cái tệ vượt qua.
Lão Tử nói: người bậc thượng nghe đạo thì siêng năng thực hành, người bậc trung nghe đạo thì hoặc còn hoặc mất, người bậc Hạ nghe đạo thì cười lớn.
Người bậc thượng toàn là người hiểu biết, chẳng phải người ngu nên siêng năng thực hành theo đạo, người bậc trung nghe đạo chì hoặc tiến lên hoặc thối lùi, người bậc hạ chỉ có người ngu chẳng có người hiểu biết, nên trở lại cười thánh đạo. Cho nên, người bậc thượng thì ngộ, người bậc trung thì nghi còn người bậc hạ thì hoàn toàn mê mờ.
Phật dạy: Thân lớn, cành lớn và lá lớn, thân cây bậc vừa, cành vừa lá vừa, thân cây bậc nhỏ cành nhỏ, lá nhỏ.
Kinh pháp hoa chép: ba bậc thượng, trung, hạ tức ba thừa.
Đạt Ma chín năm không nói.
Tổ sư Đạt-ma đến chùa Thiếu Lâm bằng đường biển, ngồi xoay mặt vào tường suốt chín năm.
Nhan Hồi suốt ngày như ngu.
Khổng Tử nói: Ta nói chuyện với Nhan Hồi suốt ngày, song chẳng trái như ngu.
Lão Tử nói: Nói nhiều thì số sẽ hết, chẳng bằng giữ bậc trung.
Đạo không thuộc nơi lời nói, nói nhiều thì tầng số và hơi sẽ hết, không bằng giữ đạo bậc trung.
Quý Khang Tử lo sợ trộm cướp, bèn hỏi Khổng Tử, Khổng Tử đáp: Nếu ông không ham muốn, dù đem thưởng cho cũng không lấy.
Nếu không tham dục thì dù có đem thưởng cho dân khiến họ trộm cướp, dân vì biết xấu hổ nên họ không trộm cướp.
Lão Tử nói: Không quý của cải khó được, khiến dân chẳng làm kẻ trộm cướp. Phật dạy: không được cất chứa vàng bạc và vật quý như vàng bạc, trong Thượng thư nói: Chỉ cần ông chẳng khoe công thì mọi người chẳng có ai tranh giành công lao với ông.
Nếu chẳng khoe mình có công thì mọi người không ai tranh đoạt công lao với ông.
Chỉ cần ông không tự kiêu thì mọi người không ai tranh đoạt khả năng với ông cả. Thái thượng nói: tự thấy thì không sáng suốt, tự cho là phải thì không tỏ rõ, tự khoe thì không công lao gì và tự kiêu thì không lâu dài.
Tự chuyên chỗ thấy của mình thì chắc chắn không rõ được đạo, tự nói mình là phải thì đạo đức chắc chắn không hiển bày, tự khoe khoan thì chẳng có công lao gì, tự kiêu căng tài năng không được lâu dài.
Trong kinh Phật dạy: Không được cố ý tự khen mình chê người, tức giống như ở đây nói.
Kinh dạy: Không được khen ngợi khoe khoang mình mà phỉ báng người khác.
Các thứ như thế.
Những lời nói giống như vậy rất nhiều.
Vì thế các bậc thánh, tuy ở khác địa vực, nhưng cơ phong hoàn bị đồng một chỗ nên như từ một miệng nói ra.
Các bậc thánh của ba tôn giáo, tuy thời đại và cõi nước khác nhau, nhưng cơ duyên được hóa độ giống nhau, nên như từ miệng một người nói ra.
Chỉ vì bệnh có nặng nhẹ, thuốc có khác nhau, mà trị liệu bệnh khổ
mong cầu bình an thì việc ấy chỉ có một.
Tóm kết ý văn trên, chỗ thiết lập của ba tôn giáo có sự cạn sâu khác nhau, chỉ là bệnh khổ, Ngôn giáo của ba vị Thánh chính là thuốc, tuy nhiều phẩm loại khác nhau bất đồng. Song việc chữa trị bệnh khổ và mong cầu sự an lạc thì cùng một lý.
Riêng vì ở thời Chiến Quốc mọi sự tung hoành, không có những người căn khí lớn, nên hai vị thánh Khổng Tử và Lão Tử không nói những kinh sách vượt ngoài thế tục.
Chỉ đem đạo lý ba cương, năm thường, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ mà giáo hóa làm lợi ích cho dân chúng, còn kinh sách xuất thế nhiệm mầu thì không nói.
CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI: GIẢI THÍCH TÊN GỌI
Chương này giải thích tên gọi của các bậc Thánh trong ba tôn giáo, nên gọi là “giải thích tên gọi”.
Khách nói: Nghĩa lý giống nhau và khác nhau của các bậc Thánh trong ba tôn giáo thiết lập giáo pháp, thì đã được nghe và được hiểu như vậy, xin hỏi về đạo lý từ nguyên thỉ cho đến chung cùng của các bậc Thánh, có thể được nghe chăng?
Vốn từ đầu biết được chỗ phát sinh, đến điểm chung cùng biết được sự chết. Đạo lý ấy, có thể cho phép được nghe chăng.
Diệu Minh nói: Sâu xa thay, câu hỏi của ông!
Đó là khen ngợi câu hỏi của khách.
Tôi là hạng tầm thường theo chúng ăn cơm cháo:
Lời nói khiêm nhường, tôi là hạng tầm thường hằng ngày tùy theo chúng vào trai đường ăn cơm cháo.
Đâu thể thấu rõ được mọi sự từ khởi đầu cho đến tận cùng của các bậc thánh, nhưng theo sự hiểu biết, tôi xin nói với ông: Xưa Phật ở tại cung trời Đổ-sử-đa.
Tiếng Phạn gọi là Đổ-sử-đa, còn gọi là Đâu-suất-đà, Hán dịch là Tri Túc.
Nêu tên là Bồ-tát Hộ Minh:
Thời ấy Phật hiệu là Bồ-tát Hộ Minh, cũng gọi là thiên tử Thắng Thiện.
Giáng thần nơi cung vua Tịnh Phạn, nước Ca-duy-la, vào thời vua Chu Chiêu Vương năm thứ 2, nhằm ngày mồng tám tháng tư năm Giáp dần, ở dưới gốc cây Ba-la-xoa, trong vườn Tỳ-bà-ni-lam sinh ra từ hông phải của hoàng hậu Ma-da. Đến năm mười chín tuổi vượt thành xuất gia thành Phật, đức tướng tốt đẹp, trụ thế bảy mươi chín năm, giảng nói kinh pháp, gồm ba trăm năm mươi lần:
Đức Phật từ lúc Đản sinh đến khi diệt độ nơi Sa-La song thọ, là bảy mươi chín năm. Từ sau ngày thành đạo trải qua bốn mươi chín năm, giảng nói kinh pháp hơn ba trăm hội.
Đến năm Chu Mục Vương thứ 52 nhằm ngày rằm thánh hai năm Nhâm Thân thì Ngài nhập Niết-bàn, đạo của Ngài vốn chia rõ thành hai pháp sắc và tâm.
Phật giảng nói giáo pháp ba thừa, đạo ấy vốn được chia rõ thành hai pháp sắc, tức chân đế và tục đế.
Chỉ bày nhân quả, nêu lên hành vi.
Chỉ điểm vạch nói, trước nhân sau quả, tùy đến chỗ rốt cùng mà chứng bày năm mươi hai hành vị giai cấp.
Rõ thoát sinh tử, vượt khỏi bốn dòng nước xoáy:
Suốt thấu giải thoát mọi sự sinh tử, vượt khỏi bốn dòng nước xoáy bạo ngược đó là: Dòng tham dục, dòng hữu nghiệp, dòng tà kiến và dòng vô minh.
Vượt ra ba cõi, đạt đến bờ kia.
Vượt khỏi ba cõi là: cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô Sắc. Tiếng Phạn gọi là Ba-la, Hán dịch là Bỉ ngạn (bờ kia).
Xả bỏ phàm phu, tu theo thánh đạo, đắc đại Bồ-đề.
Tiếng Phạn gọi là Bồ-đề, Hán dịch là “Giác”. Xả bỏ phàm phu mà chứng Đại Giác Bồ-đề.
Sau cùng, đưa lên cành hoa, cho đại chúng thấy, riêng truyền ngoài kinh giáo, chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, xưa nay vốn là Phật”, truyền trao Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết bàn Diệu Tâm cho Tôn Giả Ẩm Quang.
Tiếng Phạn là Ca-diếp, Hán dịch là Ẩm Quang.
Ngài Đạt-ma đến Trung Quốc, riêng phát huy Pháp ấy.
Tiếng Phạn là Bồ-đề Đạt-ma, Hán dịch là Giác Pháp, ở Tây Vực, từ Ca-diếp làm Sơ Tổ, tương truyền đến Đạt-ma là Tổ thứ 2. Đạt-ma đến Đông Độ phát huy đạo lý từ ban đầu cho đến cuối cùng.
Ngài đến truyền đạo, như mặt trăng hiện ở sông Tâm.
Tổ sư đến Đông Độ, chứng truyền Tâm ấn như trăng hiện sông Tâm.
Ngài thị tịch, như mặt trời khuất bóng trên đảnh núi cao.
Như Tử Cống nói: phu tử hiền như vua Nghiêu, vua Thuấn.
Phân thân truước lúc âm dương còn hỗn độn, truyền giáo trước lúc có thái cực.
Phật Tổ và tất cả chúng sinh vốn có từ trước khi còn là thái cực hỗn độn vô cực, thì đã có đạo lý ấy. Do đó truyền giáo từ lúc ban đầu của thái hư vậy.
Không sinh không diệt.
Bản thể vắng lặng xưa nay vốn không sinh diệt.
Vượt khỏi chín tầng trời trùm khắp tất cả.
Theo sách dịch, số chín (09) là chỗ tận cùng của Lão Dương. Đạo vượt khỏi trên chín tầng trời ấy.
Không đi không đến.
Bản thể như như đâu có đến đi.
Vượt khỏi tám hướng, hình chất cõi đất.
Vượt khỏi bốn phương bốn duy, hình chất cõi đất.
Lớn thay, rộng thay! Sâu thay, rộng thay, vòi vọi như thế không thể suy nghĩ bàn luận.
Đó là khen ngợi đạo mầu của Phật tổ, như biển lớn sông rộng, lại như núi Ngũ nhạc cao vời, không thể suy nghĩ bàn luận.
Kinh Đại Quyền Bồ-tát chép: “Lão Tử là Bồ-tát Ca-diếp hóa hiện đi đến phương Đông”. Trong “Hưng Chánh Lục” chép: Thời vua Chu Định Vương năm thứ hai nhằm ngày rằm tháng hai năm Bính Thìn, Lão Tử giáng thần ở đất Bạc.
Lão Tử sinh tại Lý Nhân, Hương Lại, huyện Khổ, quận Trần, nước Sở.
Mẹ Ngài mang thai suốt tám mươi mốt năm, sinh Ngài dưới gốc cây lý, nên lấy họ là Lý.
Cha của Lão Tử họ Hàn, tên là Càn, tự là Nguyên Ty. Mẹ tên là Trịnh Phu, mang thai tám mươi mốt năm, sinh dưới gốc cây lý, bèn lấy họ là Lý, tên là Nhĩ, tự là Bá Dương. Thân cao bốn thước sáu tấc, trán lồi mắt to, môi lận mũi gãy, mông nhọn, khố rộng, tai lớn đầu vẹt, nên gọi là Lão Đam.
Mới sinh ra đầu đã bạc trắng.
Mới sinh ra mà đầu đã bạc.
Làm quan Trụ Hạ sử thời nhà Chu
Trụ Hạ Sử là Quan Chưởng Lễ thời nhà Chu.
Đạo đức thời nhà Chu đã suy, đến lúc thời Chiến Quốc tung hoành
Nếp sống thời nhà Chu đã suy đồi, phong tục thối hóa, vương đạo không hưng thạnh, đang lúc đến thời mất nước.
Phải đi xe trâu, nghĩ muốn đến Thiên trúc, qua ải Hàm Cốc được quan Lệnh Doãn Hỷ dạy cho hai chương đạo đức, đi dần về hướng Tây đến Lưu Sa và chết tại làng Hòe.
Lưu sa là địa danh, ải Hàm Cốc tức nay là ải Hồng, làng Hòe cũng là địa danh.
Đạo lý của Lão Tử vốn chuyên nơi khí dẫn đến thành đạt nhu hòa, ôm giữ nhất chân, lòng thật, tâm rỗng không.
Đạo của Lão Tử chuyên giữ tinh khí, khiến không tán loạn thì hình thể ứng hiện mà thường thuận phục. Nên sẽ đạt đến sự nhu hòa. Ôm giữ nhất chân, có nghĩa là đạo tự nhiên vô vi. Nhất là nói duy nhất (= chỉ một), vốn không hai. Nên ôm giữ một thứ tinh khí và cố giữ bổn chân. Trong Đạo Đức Kinh nói: “Lòng chân thật là mến đạo, ôm giữ nhất khí và giữ tinh thần chân thật ấy, Tâm rỗng không là dứt trừ mọi sự ham thích và loại bỏ các thứ phiền não”.
Bớt suy nghĩ, ít ham muốn.
Không có tâm riêng tư che lấp ít ham muốn.
Thấy mà như không thấy.
Đạo Đức Kinh nói: Thấy mà như không thấy, gọi đó là Di, Di nghĩa là không hình sắc. Đạo ấy không có hình sắc thấy được.
Nghe mà như không nghe.
Đạo Đức Kinh nói: Nghe mà như không nghe, gọi đó là Hy, Hy nghĩa là không âm thanh. Nên đạo ấy không âm thanh nghe được.
Vắng lặng vậy mênh mông.
Tịch (= vắng lặng) là không tiếng và không vang. Liêu (= mênh mông) là vô hình mà không. Như kinh thi nói thích lên trời không âm thanh, không trời xanh.
Độc lập mà không thay đổi.
Độc lập nghĩa là đạo ấy không có hai, không thay đổi là thường hóa mà vẫn có thường.
Biến hành khắp nơi mà không nguy ngại.
Đã rõ đạo không hình không ảnh này thì biến hành khắp thiên hạ mà không có gì nguy ngại.
Sau đó, lập ra sự hóa giáo vô vi.
Sáng tỏ đạo chuyên nhất ôm giữ tinh khí, sau đó có thể gọi là sự giáo hóa vô vi.
Thực hành giáo lý vô ngôn.
Đã rõ được Đạo mầu thì có thể thực hành giáo lý không lời không nói.
Có thể đủ để đổi già thành trẻ.
Có thể chứng được lý, thay đổi già nua thành trẻ thơ.
Ngồi trên xe loan xe phụng, được sống mãi.
Ngồi trên xe loan xe phụng gọi là Vũ Giá. Bản thể bất diệt ấy gọi là đạo lý sống mãi nhìn lâu.
Cùng với âm dương để tối sáng.
Âm dương tức chỉ cho mặt trời mặt trăng, cùng với âm dương mà cùng tối cùng sáng.
Cùng với trời đất mà lâu dài, chẳng hàm dưỡng trung hòa, chứa nhóm thuần chân trong sạch, quên đi tình dục, giữ gìn diệu đạo duy nhất như gà ấp trứng, thì không thể đủ để luận bàn về đạo đức này.
Nếu chẳng phải hàm dưỡng trung hòa, chứa nhóm thuần chân, giữ gìn duy nhất sự ấp trứng của gà, chăm chăm mà hành đạo, thì không đủ để luận bàn về đạo đức này.
Mâu Tử nói: Trong kinh Thanh Tịnh Pháp Hạnh nói: “Người ở nước Chấn đán (= Đông Độ, Trung Quốc) khó dạy bảo, trước nên đưa ba vị thánh đến đó mà giáo hóa họ.
Đoạn văn này trích từ Phá tà luận, trong Đại tạng kinh, hộp chữ “ký” quyển thượng.
Bồ-tát Đại Ca-diếp xưng là Lão Tử, Bồ-tát Đồng Tử Tịnh Quang xưng là Trọng Ni, và Bồ-tát Nho Đồng xưng là Nhan Hồi.
Phật Thuyết Không Tịch Sở Vấn Kinh và Thiên Địa Kinh, đều chép: “Đệ tử ta, Ca-diếp đến đó là Lão Tử, hiệu là Vô Thượng Đạo, Tịnh Quang đến đó hiệu là Trọng Ni làm Thiên Tử dần dần giáo hóa. Nho Đồng đến đó hiệu là Nhan Hồi”. Trong kinh Tu Na chép: “Sau khi ta diệt độ khoảng ngàn năm, giáo pháp sẽ truyền bá đến Đông Độ, vua và nhân dân mọi nhà đều kính trọng giới và tu pháp lành vậy”. Trích từ Đại Tạng kinh hộp chữ “minh”.
Trong Hưng Chánh Lục chép: “Ngày mồng bốn tháng 11 năm thứ 21 thời vua Chu Linh Vương, là ngày Khổng Tử ra đời”. Trong Niên Phả chép: Triều đại nhà Chu, đời thứ 22 là chúa Linh Vương, ngày mồng 0 tháng 11 năm thứ 21, Khổng Tử sinh tại Lý Khuyết Đảng, Hương Bình, ấp Châu, Châu Duyện.
Tập sự ký chép: Chu Linh Vương làm vua 27 năm. Ngày mồng 0 tháng 11 năm Canh Tuất là năm thứ 21, năm ấy Lão Tử đã năm mươi lăm tuổi, Khổng Tử ra đời tại Lý Tấn Xương, ấp Châu, Châu Duyện nước Lỗ. Mới sinh đã có râu, thân cao chín thước sáu tấc, eo rộng mười vi, tay dài quá gối, mắt trong như sông, miệng rộng như biển, tướng mạo như rồng, trán vuông, nghiêm trang như phụng, cổ tợ yến, nhìn như hổ, nói như sấm rền, có đức trung hòa, ăn mặc trang nghiêm, sắc mặt ôn hòa mà nghiêm lệ, như thế gia nói.
Cha là Thúc Lương Hột, mẹ là Nhan Thị Trưng.
Sử ký thế gia chép: Trước kia là người nước Tống.
Gặp lúc đạo đức nhà Chu đã suy vi, thuần phong giảm sút, nên đi khắp trong nước.
Đi khắp trong nước để hành hóa dẫn dắt.
Đức cao vợi nhưng không địa vị.
Khổng Tử có đức làm vua, nhưng không ngôi vị vua.
Đến nước Tống thì đàm đạo dưới gốc cây đã chặt.
Khổng Tử thường đàm đạo tại nước Tống thì ở dưới gốc cây mà người nước Tống đã chặt.
Người nước Vệ bôi xóa vết chân.
Khổng Tử đến nước Vệ, thì người nước Vệ bôi xóa dấu chân.
Bị nhục ở Dương Hóa.
Dương Hóa nói với Khổng Tử rằng: “Nhường cái quý báu mà mê lầm cả đất nước, đáng gọi là nhân ư? Khéo rõ ràng mọi việc luôn thất thời, đáng gọi là trí ư?
Bị cười chê ở Tiếp Dư.
Người cuồng nước Sở là Tiếp Dư thấy Khổng Tử bèn hát rằng: “Phượng chừ, phượng chừ, sao đức suy vậy. Đi qua không thể can ngăn, trở lại còn có thể đuổi theo. Đã mà, đã mà, nay theo gốc chính, nguy mà.
Sợ người ở đất Khuông.
Khổng Tử đến đất Khuông, người nước Tống vây quanh mấy vòng, Khổng Tử gãy đàn cầm không nghỉ. Tử Lộ vào, trông thấy bèn nói: “Thầy sao cứ vui vậy? Người nước Tống muốn giết hại thầy đó”. Khổng Tử thôi đàn, nói với Tử Lộ: Nguyên nhân ta nói với ngươi, ta kỵ sự cùng kiệt đã lâu lắm vậy, mà không tránh khỏi mạng. Ta mong cầu sự tương thông đã lâu lắm vậy mà không gặp thời. Đương thời vua Nghiêu, vua Thuấn, dân chúng không cùng diệt mà người chẳng biết được vậy. Đương thời của Kiệt Trụ, dân chúng không được tương thông, ngươi chẳng biết là mất vậy. Cuộc đời là thế vậy. Phàm đi trên nước thì chẳng tránh né giao long, đó là sức mạnh của người đánh cá. Đi trên đất liền không tránh né tê giác, cọp beo, đó là sức mạnh của người thợ săn. Mũi nhọn trắng lòe bay trước mặt, thấy chết như thấy sống. Đó là sức mạnh của liệt sĩ vậy. Biết cùng kiệt là có mạng, biết tương thông là có thời, lâm vào đại nạn mà không khiếp sợ. Đó là sức mạnh của bậc thánh. Cho nên, nay ta tuy gặp nạn ở đây mà không lo sợ, nên đánh đàn cầm mà vui vậy”. Trong luận ngữ nói: Khổng Tử nói: “Trời sinh đức nơi ta, người đất Khuông sao bằng ta ư?”.
Gặp phải khốn khổ ở Trần thái.
Luận ngữ nói: Khổng Tử ở Trần Thái, hết lương thực, từ đó mà bệnh không thể thuyên giảm.
Hết lời khuyên bảo Đạo Chích, chịu sự hủy báng ở Hoàn Đồi.
Hoàn Đồi là Tư Mã đời Tống, muốn hại Khổng Tử. Khổng Tử nói:
“Trời đã ban cho ta cái đức như thế, Hoàn Đồi làm gì được ta ư?”.
Năm bảy mươi ba tuổi, Khổng Tử mất tại nước Lỗ.
Khổng Tử sống đến năm bảy mươi ba tuổi, mất tại nước Lỗ, an táng ở phía Bắc thành, nay là xứ Khổng Lâm.
Đạo lý của Khổng Tử vốn là Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, Lễ và Nhạc.
Khổng Tử thực hành đạo của ông, vốn là đạo đức tự nhiên vô vi của vua Nghiêu, vua Thuấn. Phàm Nhân tức là đức của tâm và lễ của kính ái. Nghĩa là trí của tâm và mọi thích nghi của sự. Lễ là tiết văn của lẽ trời. Nhạc là thay đổi phong tục mà chủ yếu chú trọng ở hòa vậy.
Cung, kiệm, ôn, lương, từ, nhượng.
Cung là trang nghiêm cung kính, kiệm tức là sự tiết chế, ôn là hòa hậu vậy. Lương là dễ dàng ngay thẳng. Từ là nhân mà có ái với mọi người. Nhượng là khiêm tốn.
Văn, hành, trung, tín.
Khổng Tử dùng bốn pháp để dạy đó là: văn, hành, trung và tín. Dạy người dùng học văn, tu hành lưu giữ sự trung tín, trung tín là cội gốc làm người vậy.
Bắt chước theo vua Nghiêu, vua Thuấn.
Xa thì bắt chước theo đạo lý của vua Nghiêu, vua Thuấn.
Giữ gìn theo pháp luật văn võ.
Gần thì giữ lấy pháp luật văn võ.
Gạn lọc kinh thi, kinh thư.
San (= gạn lọc) là gạt bỏ, bôi xóa, định ra năm tháng. Quý thị cưỡng chế chiếm đoạt, ở Dương Hổ thì làm loạn chuyên chính, Khổng Tử bèn thối lui, bôi xóa gạch bỏ ngôn từ sai khác và câu văn rườm rà trong kinh thi, ba phần ba điển trong kinh thư.
Đặt ra lễ nhạc.
Chương Phu Tử Thích Vấn chép: Khổng Tử học lễ với Lão Đam, học nhạc với Trường Hoằng, sau đó đặt ra lễ nhạc.
Ca ngợi đạo lý Chu Dịch.
Khen ngợi Chu Dịch mà giảng rõ đạo trời và nói Quẻ văn ngôn hệ từ v.v…
Bổ chú sách Xuân Thu.
Hàn Tuyên tử đến nước Lỗ, thấy Khổng Tử nói: Dịch tượng và
Xuân thu nước Lỗ là sách xưa cũ của nhà Chu, sao không sửa chữa nó. Vì sử sách của nước Lỗ viết thành văn, bèn dùng bút bôi xóa và bổ thích thêm vào đó là khôi phục nhân đạo và hoàn bị tương đạo.
Soạn ra Hiếu kinh.
Tức là những lời dạy bảo, nói với tăng tử.
Sửa trị y khí.
Khổng Tử xem ở miếu của Lỗ Hoàn Công có chiếc ghế dựa, bèn hỏi người giữ miếu ấy rằng: “Đó là vật gì vậy?”. Người giữ miếu đáp: đó là vật ở chỗ ngồi rộng rãi. Khổng Tử nói: Ta nghe vật ở chỗ ngồi rộng rãi, hễ hư thì là y, trung thì chánh và mãn thì phúc. Bậc Thánh cho là chí thành, nên thường đặt bên cạnh chỗ ngồi. Khổng Tử xoay lại bảo học trò thử đổ nước vào xem, khi đổ nước vào quả nhiên trung thì chánh, đầy thì úp, Khổng Tử bùi ngùi than rằng: “Than ôi! Phàm vật có đầy mà không úp như vậy ư? Tử Lộ đi đến hỏi: “Xin hỏi giữ đầy có đạo gì ư? Khổng Tử nói: Bậc thông minh thánh trí thì giữ vẻ ngu khờ, người công lao trùm thiên hạ thì giữ vẻ khiêm nhường, người có sức mạnh chấn động thế gian thì giữ vẻ khiếp sợ, giàu sang khắp bốn biển thì giữ vẻ cẩn thận. Đó gọi là đạo lý, đã tổn hại lại càng tổn hại.
Học đạo với Ngư Phủ.
Sự việc như ở chương Trang Tử Ngư Phủ.
Hỏi Lễ với Lão Đam, chính là ba Cương.
Ba Cương tức là cha con, vua tôi, chồng vợ.
Rõ ràng ngũ kỷ.
Ngũ kỷ tức là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Phối hợp với trời, cúng tế vua, ông và cha mẹ, tôn thân đồng hưởng.
Việc này xuất xứ từ hiếu kinh.
Kẻ tớ nàng hầu hết lòng vui vẻ.
Hiếu kinh chép: Trị gia, không dám thiếu sót khuyết đối với tôi, thiếp, huống gì đối với vợ con ư? Nên được tâm tư vui vẻ của người.
Thần tôi, con cái dốc lòng trung hiếu
Thờ cha mẹ dốc hết sức lực, thờ vua tôi chẳng tiếc tự thân.
Ở nhà dùng đạo lý bình trị thì lớn nhỏ đều thuận hòa theo nhau.
Hiếu Kinh chép: Ở nhà sử dụng đạo lý nên bình trị thì có thể biến đổi đến vua, thờ anh em nên thuận hòa có thể thay đổi ở người lớn.
Thân gánh vác đạo sáng như trời trăng.
Yết là gánh vác. Ý nói thân gánh vác đạo ấy sáng đồng như mặt trời mặt trăng.
Đạo trải qua nhiều đời vững chắc như trời đất.
Đạo đức của Khổng Tử trải qua nhiều đời vẫn được giữ gìn tốt đẹp như sự vững bền của trời đất.
Đây là khái lược sự thật về Khổng Tử.
Đây là lược ít mà nói những sự tích thật có về Khổng Tử.
Nhưng, đạo của bậc Thánh, ngửa mặt nhìn lên, đã cao lại càng cao vời vợi.
Luận ngữ chép: Nhan Hồi bùi ngùi than rằng: đạo của bậc Thánh, ngửa mặt nhìn lên, đã cao lại càng cao vời vợi.
Khoan đâm thủng nó, lại càng bền chắc.
Khoan đâm mà bền chắc nên không thể vào.
Nhìn nó ở trước mặt, bỗng nhiên lại ở sau lưng.
Ở trước ở sau, hốt nhiên không thể cho là hiện tượng. Đó là Nhan Tử hiểu biết sâu sắc về đạo của Khổng Tử không cùng, không tận, không hình, không thể, nên than như vậy.
Ở thì đất lành, tâm thì nghĩ lành, đón rước nó thì không đầu mối, thuận theo nó thì không cuối cùng.
Đạo thể của Lão giáo mầu nhiệm mà không gì bằng.
Sinh mà không sinh, diệt mà không diệt.
Là đạo lý không sinh không diệt của Phật giáo.
Lìa tướng, vắng lặng, dứt bặt mọi lý luận.
Đây là hình dung đạo thể của Phật giáo nhiệm mầu không gì bằng.
Vả lại, ai có thể biết được đạo lý ấy cao thấp, ẩn hiện nguyên từ đầu đến đến cuối.
Đây là tổng kết sự nhiệm mầu của ba tôn giáo và bằng lời lẽ khiêm nhường rằng: vả lại, ngày nay, ai dám nói biết hết mọi sự cao thấp tối sáng, vốn từ khi mới phát sinh cho đến điểm chung cùng ở đạo ấy vậy ư!
Khách cúi đầu lễ bái, nói: chẳng phải điều ông nói, thì tôi không được nghe chỉ đạo của bậc Thánh rộng lớn như thế.