LUẬN CHIẾT NGHI

Tỳ-kheo Sư Tử, người Tây Vức, ở chùa Đại Từ Ân tại Kim Đài thuật lại và chú giải.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

CHƯƠNG THỨ CHÍN: BÀN VỀ LỄ NGHI

Chương này bình luận về kiểm chế của lễ nghi, nên gọi là “Bàn về lễ nghi”.

Khách nói: Hoàng đế rũ áo mà tấn thân ăn mặc.

Để lại ở đời mà làm lợi cho dân chúng vậy. Nên áo mão, đầu tiên được chế ra từ hoàng đế.

Tố Vương chế lễ mà hình dáng cung kính.

Tố là không vậy. Nói Khổng Tử có đức làm vua mà không ngôi vị vua. Lời tựa của Tả truyện nói: Phu Tử sáng tác Xuân Thu là Tố Vương. Tả Khâu minh truyện Xuân Thu là Tố Thần. Nên lễ nhạc bắt đầu có ra từ Khổng Tử.

Phục (mặc) là đứng đầu trong ba đức

Trong Hiếu kinh nói: “Chẳng phải pháp phục của tiên vương thì không dàm mặc. Chẳng phải đức hạnh của tiên vương thì không dám làm. Chẳng phải pháp ngôn (= lời nói) của tiên vương thì không dám nói. Ba đức ấy, phục (mặc) là đầu nên nói là sơ (= trước tiên = đứng đầu).

Mạo đặt là đầu trong năm việc.

Thượng thư nói: Năm việc: 1/ mạo, 2/ ngôn, 3/ thị, / thính, 5/ tư. Chú thích rằng: mạo là cung, ngôn là tùng, thị là minh, thính là thông và tư là duệ. Cung làm túc, tùng làm hựu, minh làm triết, thông làm mưu và duệ làm thánh. Trong năm việc ấy, mạo liệt đứng đầu tiên, nên gọi là trước tiên (= đầu tiên = thủ).

Tử Lộ gặp nạn, không quên thắc giải mũ:

Anh là giải buộc mũ. Tử Lộ gặp nạn Thái tử Vệ, còn thắt dãi chỉnh mũ mà chết, tuy khốn cùng mà chẳng bỏ mũ miện ấy.

Nguyên Hiến tuy nghèo mà chẳng lìa mũ đẹp:

Nguyên Hiến người nước Lỗ, nghèo không nhà ở, thường hay đội mũ. Tử Cống đi ngang qua, nói: “Sao bệnh quá thế!” Nguyên Hiến nói: “Tôi nghe kẻ không có của cải là nghèo, có đạo lý mà không thực hành là bệnh,” tôi đây là nghèo chứ không phải bệnh.

Ngày nay các vị Sa-môn, cạo bỏ râu tóc, mặc áo nhuộm:

Âm y nghĩa là mặc, truy là màu đen, bào là đại y.

Ngoài không dung nghi quỳ đứng, trong không lễ phép ôn cung, vậy đối với pháp chế của tiên vương, không là trái ngược ư?

Ngoài là đối với vua quan, không lễ nghi quỳ lạy. Trong là đối với cha mẹ không có lễ mạo ôn hòa cung kính. Không thực hành pháp của các bậc tiên triết hiền vương chế định, vậy mà không trái ngược ư?

Diệu Minh nói: Ông rất không thông đạt lý ấy!

Quá lắm là trách lời khách hỏi, rất không thông hiểu lý ấy.

Ngày xưa, các vua thân rắn mũi cọp, các Thánh đầu trâu vảy rồng:

Phục Hy thân như rắn, vảy như rồng, Võ Vương mũi như hổ, Thần Nông đầu như trâu, đều là những bậc thánh, vua.

Ăn tanh uống thối

Đạm = thực là ăn. Thiên = tinh là tanh. Xú = thối là thịt đã hủy hoại. Trước kia con người chưa tìm được lửa, nên ăn thịt sống uống máu tươi, ngày nay dùng vật sống để cúng tế.

Mặc bằng lông da

Từ thời hoàng đế về trước, chưa có quần áo, đều dùng lông da của cầm thú làm đồ mặc.

Mùa hè ở trên ổ như chim

Tăng âm là tăng, là ổ chim. Thời thượng cổ, các bậc thánh không có nhà, mùa hè thì ở trên ổ chim.

Mùa đông thì ở trong hang động.

Doanh là tạo tác, mùa đông thì đào hang động để ở. Luận về đạo thì tôn sùng chất phác Luận về đạo thì tôn kính.

Luận về đức thì mến chuộng thanh hư

Luận về đức thì tôn trọng, mến chuộng thanh hư vô vi.

Chưa biết lễ nghi ôn hòa, cung kính, bái quỳ, không biết cái đẹp của chương phủ tấn thân.

Chương phủ, lễ quan

Cho nên phục hy quấn đầu mà chân chẳng mang giày

Quấn tóc trên đầu và chỉ đi chân không

Thần nông để đầu trần, không đội mũ

Đầu không đội mũ miện

Vào thời ấy đâu có phục sức trâm cài, giải thắt, áo mũ vậy ư?

Tóm kết văn trên, các vua thánh đức, hành đạo vô vi, làm lợi cho dân chúng đâu có các thứ trâm anh, mũ miện để trang sức vậy.

Mà trong sáu kinh và các nhà hiền triết đều tôn xưng họ là chí đức, không hề nghe vì thiếu mũ miện mà trách họ phi lý vậy! Ngày xưa, Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: “Vua Thuấn đội mũ gì?”:

Hỏi vua Thuấn đội mũ như thế nào?

Khổng Tử không trả lời. Lỗ Ai Công hỏi: “Quả nhân có hỏi mà ông không nói, ấy là có ý gì?”

Quả là ít vậy, là ngôn từ khiêm nhượng, nói tôi ít đức vậy.

Khổng Tử nói: “Câu hỏi của Ông không lớn, mới suy nghĩ lời để đáp”

Nhân thấy Lỗ Ai Công hỏi lời ấy không lớn, mới suy nghĩ lời để đáp.

Lỗ Ai Công bảo: “Sao là chẳng lớn?” Lỗ Ai Công nói: Sao là không lớn?

Khổng Tử nói: vua Thuấn làm vua là đức của Người ưa thích sự sống, chán ghét sự giết hại

Ác là chán ghét. Thuấn làm vua, lấy đức trị dân, ưa thích sự sống, trở thành chán ghét sự giết hại.

Chính sách của vua Thuấn là tín nhiệm người hiền, mà loại bỏ kẻ chẳng ra gì.

Người chẳng ra gì là không phải người hiền. Hành chánh thì chọn lựa người hiền đức, loại bỏ người không hiền đức. Đức tỏ sáng như mặt trời, mặt trăng Đức tỏ sáng ví như mặt trời, mặt trăng.

Hóa hành như thần

Phong hóa đại hành, cảm ứng như thần.

Rùa phượng tượng trưng cho điều lành, lân rồng kêu là điềm tốt.

Rùa, phượng, lân, rồng, gọi là bốn con vật linh thiêng là điềm tốt lành của vua. Nước nhà có bậc thánh vương minh chúa, thì bốn con vật này xuất hiện.

Ông chỉ hỏi về mũ miện, nên chẳng phải lớn.

Như chỉ hỏi về mũ miện, thì chẳng phải là việc lớn của Quốc chính vậy.

Như vậy, thì Đạo Đức Lễ nhạc do con người làm ra.

Bởi vì, Đạo Đức Lễ nhạc, đều do các vua đương thời chế ra vậy.

Chẳng phải mũ miện của chương phủ làm ra, nên Lão tử nói: “Mất Đạo thì sau đó dùng Đức”:

Đạo là tự nhiên, Đức là còn cái được. Nên Đạo suy thì dùng Đức để cai trị, nên nói mất Đạo thì dùng Đức.

Mất Đức thì sau đó dùng Nhân:

Nhân là tâm có sự mến thương, lợi lạc. Cho nên Đức suy thì thực hành Nhân, vì thế nói mất Đức thì dùng Nhân.

Mất Nhân thì dùng Nghĩa:

Nghĩa là tâm có đoán chế. Tâm Nhân suy thì thực hành Nghĩa, cho nên nói mất Nhân thì dùng Nghĩa.

Mất Nghĩa thì dùng Lễ:

Lễ, có ý nghĩa là cưỡng dân. Do nghĩa suy mà dùng Lễ, nên nói mất Nghĩa thì dùng Lễ.

Phàm, Lễ là sự mỏng manh của trung tín mà đứng đầu mọi loạn lạc:

Nói Lễ tức chẳng hợp với Đạo vô vi. Nên Lão tử nói Lễ là sự mỏng manh của trung tín mà đứng đầu mọi hoạn lạc. Bởi nó không phải việc chính bên trong mà chỉ là sự trang sức bên ngoài, nên từ Lễ phát sinh ra sự luống dối của con người.

Vì vậy, các vua Thánh Đức dùng Đạo vô vi để cai trị làm lợi ích cho dân chúng.

Ngày xưa, có Đạo, nên các vua Thánh Đức dùng Đạo vô vi vô tác mà giáo hóa cho dân chúng được tốt đẹp. Do Đạo suy, Đức mất, mà chuộng đến Nhân. Do Nhân mất thì nghĩa mất, lại chuộng đến Lễ. Nên Lão Tử nói Lễ là sự luống dối trang sức ngoài thân.

Đâu nên câu thúc nơi lễ tiết ư!

Sao lại chấp trước sự trang sức của Lễ mạo tiểu tiết ấy ư?

Lễ là cung kính mà thôi!

Lễ là Dung nghi cung kính mà thôi.

Kinh xuất phát từ tâm:

Nên sự kính Lễ xuất phát từ bản tâm.

Mà chẳng phải ở mũ miện.

Chẳng phải mũ mạo sinh ra kính lễ vậy.

Phàm đạo của bậc Thánh đâu hạn cục ở nghi tiết mà thôi ư:

Các bậc thánh ngày xưa dùng thật chất thuần đức, hành đạo để giáo hóa chúng sinh, đâu hạn cuộc nơi mũ mạo nghi tiết mà thôi vậy.

Nên Khổng Tử nói: “Lễ ư, Lễ ư, Ngọc lụa gọi là Lễ ư? Nhạc ư, nhạc ư, chuông trống gọi là nhạc ư?”.

Kính mà lấy đó dùng Ngọc lụa thì là Lễ, Hòa mà phát đó dùng chuông trống thì là Nhạc. Nếu bỏ mất gốc mà chỉ lấy ngọn nhành đâu thể gọi là Lễ nhạc.

Lễ chủ yếu là kính. Không chỉ tôn trọng Ngọc lụa, mà quý ở chỗ trên an để trị dân:

Lễ là rõ ràng an định trên dưới để trị dân. Nên trên an mà trị Dân, chẳng cần thêm lễ.

Nhạc chủ yếu là Hòa, không chỉ ở chuông trống, mà quý ở chỗ sửa đổi phong tục vậy:

Nhạc sở dĩ nhờ trị mà hòa được tiếng của dân, cho nên sửa đổi phong tục không cần phải thêm Nhạc.

Vì thế, Quân tử không thể cho cái biết nhỏ là lớn vậy.

Quân tử là lời tôn xưng đối với Bậc Thành Đức, không thể lấy cái biết nhỏ nhặt mà có thể chấp nhận, cho đó là lớn.

Nhưng sự chế tác của các Bậc thánh đã trải qua nhiều đời phục sức, để cho người Dân Trung Quốc thực hành theo Lễ của Trung Quốc. Tuy không thể phế bỏ:

Từ Hoàng Đế chế tác y phục, chu công chế tác lễ nhạc, lấy đó mà trang sức, làm lợi cho người Dân của Trung Quốc, thực hành theo Lễ của Trung Quốc, tuy nhiên không thể phế bỏ nó.

Nhưng những kẻ sĩ lìa trần tục, vượt ngoài vạn tượng, sống với cao hạnh, đâu có thể bắt chước theo đó ư?

Nếu là những bậc cao sĩ vượt ngoài trần tục, ra ngoài vạn tượng mà thực hành công hạnh cao xa, sao lại bắt chước theo lễ nghi khúc cung, mũ miện ấy để hạn cuộc ư?

Vả lại, Lịch Sinh chẳng vái chào Đế cao:

Hán Cao Tổ có ra lệnh gọi Ẩn sĩ Lịch Sinh tên Thực ở đất Tần đến ban thưởng, xong rồi, thấy thị nữ rửa chân cho vua, cho rằng vua không tôn trọng người Hiền, bèn không vái chào; mà nói rằng: “Cảm ơn Người ngồi giữa trong chiếu”.

Hứa Do từ chối mệnh lệnh của Đế Nghiêu:

Trang Chương Nhượng Vương, Trang Tử nói: Vua Nghiêu nhường ngôi cho Hứa Do, Hứa Do từ chối không nhận lấy.

Hà Thượng Công ngồi nhìn Hán Văn Đế:

Liệt Tiên truyện chép: Hán Văn Đế ưa mến đạo đức, sai sứ đến thưa hỏi Nghĩa lý đối với Hà Thượng Công. Hà Thượng Công nói: “Đạo cao đức quý, không thể từ xa mà nghe được”. Sau, vua đích thân đến tận am của Hà Thượng Công, Hà Thượng Công ngồi nhìn vua đến.

Gia cát Khổng Minh nằm ngủ khinh ngạo tiên chúa:

Trong Sử ký chép: Gia Cát Khổng Minh ẩn cư ở am Nam Dương, Từ thứ tâu cùng Tiên chúa, Tiên chúa đến xem, Khổng Minh vẫn nằm ngủ không dậy.

Đó đều là những vị đạo đức sáng soi bốn biển, đức trùm khắp mọi nơi, từ xưa đều tôn xưng, cho là cao thượng, cũng không vì thiếu quỳ lạy mà trách cứ là trái Lễ nghi:

Đây là nêu điều hỏi ở trước. Nghĩa là những người nêu trên, cũng không vì thiếu quỳ lạy mà trách cứ là trái với Lễ nghi.

Các vị Sa-môn ngày nay, với đạo thì tôn sùng chữ tín, ý chí mến mộ vô vi:

Chư tăng ngày nay, noi theo phong tục của Phật tổ, đạo thì tôn sùng cao xa mà đôn hậu tín thật. Quyết chí mến mộ sâu sắc đạo vô vi.

Trong nhà thì không bái lạy mẹ cha:

Gia quân là cha vậy.

Ở ngoài thì không lạy vua chúa.

Nhân chủ là Quốc vương vậy.

So với những người như Hà Thượng Công, cũng giống như vậy:

Những bậc Cao tăng hữu đức so với những người như Hà Thượng Công v.v… cũng đều giống nhau.

Y cứa vào đó mà xét, thì từ xưa, những bậc hiền đức vẫn có ở vị ở trên cao hay trong tỉnh lý, hoặc thong dong cùng mây núi.

Mạnh tử nói: chín trăm mẫu là tỉnh điền, năm lân là lý. Kể từ xưa, các bậc hiền nhân đức sĩ, mến mộ Đạo, hoặc cao ẩn nơi tỉnh lý, hoặc tiếu ngạo lánh đời mà ẩn cư giữa khoảng mây núi.

Đối với thiên tử chẳng được làm tôi, với vương hầu chẳng được làm bạn.

Trong lễ ký, chương nho hành nói: “Nhà Nho có người trên không làm quan cho vua, dưới không phụng sự chư hầu”. Trong Trang Tử, chương Thiên Đạo nói: “Tăng Tử ở nước vệ, vua không có quan, chư hầu không được phản”. Nên người dưỡng chí thì quên mình, dưỡng thân thì quên lợi, chí Đạo thì quên tâm.

Chế độ lễ nghi không thể được ép buộc. Tóm kết văn trên. Vua không có quan, chư hầu không có bạn. Với ý nghĩa ấy thì đâu thể bó buộc nơi chế độ lễ nghi được ư?

Huống gì là Thánh giáo vượt ngoài vạn tượng ư?

Huống gì là Sa-môn, Thánh giáo thoát trần vượt ngoài vạn tượng vậy.

Vì thế, quân tử tùy theo sở nghi, chẳng thích hợp thì không dùng.

Cho nên, quân tử chỉ theo nghĩa, và chỉ có sở nghi, còn không thích hợp thì không dùng.

Đâu có khư khư nơi mũ miện lễ nghi mà ngăn cấm.

 

CHƯƠNG THỨ MƯỜI: NÊU BÀY THÍ DỤ ĐỂ HỎI

Chương này nêu bày thí dụ việc khác mà hỏi, nên gọi là “Nêu bày thí dụ để hỏi”.

Khách nói: Lý Lộ hỏi việc quỷ thần.

Lý Lộ tức là Tử lộ.

Khổng Tử nói: “Chưa thể làm việc người, sao làm được việc của quỷ”. Lý Lộ nói: “Muốn hỏi chuyện chết”. Khổng Tử bảo: “Chưa biết được sự sống, làm sao biết được sự chết”.

Luận ngữ chú thích rằng: Ngày đêm là đạo sống chết. Biết được đạo của sự sống thì biết được đạo của sự chết. Rõ được đạo lý của việc người, thì rõ được đạo lý của việc quỷ. Sống, chết; người, quỷ tuy một mà hai, tuy hai mà một”. Hoặc nói: “Khổng Tử không trả lời, Tử lộ không biết”. Đó là sự chỉ bảo sâu xa.

Đó là điểm cùng tuyệt của bậc Thánh.

Đó là việc mà Khổng Tử là bậc Thánh tuyệt đối không nói.

Nay, Phật giáo thì nói việc sinh tử đến đi và việc quỷ thần báo ứng.

Nay Phật giáo chỉ nói những việc sinh tử đến đi luống dối.

Tôi sợ đó chẳng phải lời của bậc Thánh triết vậy.

Mạnh Tử nói: “Đại mà hóa, gọi đó là Thánh”. Kinh thư nói: “Biết điều ấy gọi là Minh, Triết nghĩa là biết Đạo vậy”. Nên khách nói tôi sợ Đạo của Phật đây không phải là lời nói chân thành của bậc Thánh Triết.

Phàm người hành đạo, phải hòa hợp uẩn tố.

Phàm người thực hành Đạo ấy, cần phải bao hàm xung hòa uẩn tích thuần tố.

Chỉ thuần nhất Đức tin, chuyên làm việc chân thật.

Đốc là thuần hậu, Tín là thành thật, vụ là chuyên tâm nơi việc làm, và Thành là thành tín không luống dối. Nghĩa là chỉ thuần hậu thành tín mà chuyên làm việc chân thật.

Cần gì phải nói sinh tử để bị loạn tâm, nói quỷ thần mà mê hoặc ý chí ư?

Nếu như hòa hợp uẩn tố, chỉ thuần đức tin, chuyên làm việc chân thật, thì cần gì nói đến sinh tử, khiến cho loạn tâm, bàn về quỷ thần làm mê hoặc ý chí.

Diệu Minh nói: Như điều ông nói có thể gọi là thấy được bên ngoài mà chưa thấy bên trong.

Diệu Minh trách người khách rằng: Ông có thể thấy trong giáo lý của ngoại giáo nói về việc sinh tử quỷ thần, mà chẳng thấy trong giáo lý mình đang tôn sùng cũng có chỗ nói. Như trong Trung Dung, Khổng Tử nói: “Quỷ Thần tức là Đức vậy”. Trong Thái Cực Đồ nói: “Nguyên thỉ phẩn chung, nêu biết thuyết sinh tử”. Và chú thích rằng: “Chỗ gọi Thỉ đó là sống, ý nói lúc ban đầu của sự sống. Chỗ gọi chung tức là dĩ, ý nói nhất định phải chết.

Tìm cái gần, mà không tìm cái xa, chỉ tìm việc cạn cợt, mà không tìm cầu Lý sâu xa.

Vì Tử Lộ tánh khí cứng rắn nóng nảy, hổ dữ qua sông, chẳng khéo nhiếp phục sự sống. Nên Khổng Tử nói: “Chưa biết được sự sống, làm sao biết được sự chết”.

Vì Tử Lộ tánh tình thô tháo, dỏng khí cứng rắn, mạnh mẽ, bạo ngược, không sùng phụng mà đả phá. Như người qua sông mà không có thuyền thì không qua được, chẳng khéo quyền biến tu bổ sự sống nên nói: “Chưa thể biết được việc của người, làm sao biết được việc của quỷ, chưa biết được sự sống làm sao biết được sự chết”. Đó là lời khiển trách của Khổng Tử đối với Tử Lộ.

Hông ngực sinh khởi.

Nghĩa là trong lòng Tử Lộ sinh khởi sự buông lung.

Nói năng không dè dặt, nhường nhịn.

Việc con người còn chưa biết được, làm sao biết được việc của quỷ thần.

Đó là Khổng Tử ức chế mà can ngăn, chứ đâu phải lời nói hoàn toàn thật sự như vậy.

Ý Khổng Tử là đè nén, dứt bặt, chứ đâu phải không nói đến quỷ thần.

Khổng Tử nói: chẳng phải là quỷ mà cúng tế họ, đó là dua nịnh.

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói: Chẳng phải là quỷ, nghĩa là không cần phải cúng tế, nhưng cứ vẫn cúng tế. Ấy là dua nịnh, bợ đỡ.

Thần người gọi là quỷ:

Duỗi ra mà sống gọi là thần, co lại mà chết gọi là quỷ.

Quỷ là nói quay trở về vậy:

Đến mà duỗi ra gọi là thần, trái lại trở về gọi là quỷ.

Nơi hồn phách con người trở về:

Xuân Thu Tả Truyện nói: “Nhân sinh mới hóa thành hồn, đã sinh phách dương gọi là hồn”. Hoài Nam Tử nói: “Khí trời làhồn, khí đất là phách”. Trong lễ ký nói: khí hồn trở về trời, thể phách còn trong đất.

Bởi vì Hồn là Thần, là Dương, là Khí. Phách là Tinh, là âm, là hình. Tóm kết văn trên nói Hồn phách của người có chỗ trở về mà qua lại vậy.

Ý nói chẳng phải là tổ khảo Quỷ thần mà cúng tế thì đó là dua nịnh mong cầu.

Ông và cha, khi đã chết đều gọi là khảo. Ý nói nếu không phải hồn thần tổ khảo của mình, mà cúng tế thì đó là dua nịnh mong cầu.

Lại nói: Nên vì cúng tế nơi Tông miếu để Quỷ thọ hưởng.

Người chết, chôn đã ba năm, lập thần chủ ở gia miếu, cúng tế theo lễ Quỷ thần vào mùa xuân mùa thu mà hưởng thọ.

Cúng tế vào mùa xuân mùa thu, do vì thời tiết mà cảm tư hiếu đạo.

Mưa mốc mùa xuân đã mãn, mưa mốc mùa thu đã xuống, đều nên thiết lễ cúng tế. Do sự biến đổ nóng lạnh mà cha mẹ cảm kích hiếu hạnh.

Lại nói: Sống thì thương kính.

Cha mẹ còn sống thì thương kính phụng thờ.

Việc chết thì buồn bã.

Cha mẹ đã chết thì phụng thờ bằng sự đau buồn thương tiếc.

Lại nói: việc tang thì rất đau buồn.

Cha mẹ chết, chịu tang thì rất đau buồn.

Việc cúng tế thì rất trang nghiêm:

Theo thời tiết hằng năm mà cúng tế, phải rất mực nghiêm túc.

Lại nói: Chu Công cúng tế Hậu Tắc Giao để phối hòa với trời.

Hậu Tắc là Thỉ tổ của Chu Công. Ngày xưa Chu Công nhiếp chính, nhân hành lễ cúng tế giao thiên, còn Thỉ Tổ Hậu Tắc thì phối hòa với trời mà hưởng thọ.

Cúng tế Văn Vương nơi Minh Đường, để phối hòa với thượng Đế:

Văn Vương là cha của Chu Công. Minh Đường là cung điện, của vua Bố Chánh. Chu Công nhân cúng tế thượng Đế nơi Minh Đường, mới tôn xưng là cha để phối hưởng. Đó là Tông miếu cha của vua Văn Vương, để phối hợp với thượng đế.

Lại nói: Còn sống thì gần gũi, an ủi.

Từ vua đến dân thường, đều được hân hoan vui vẻ, thì cha mẹ sống được an vui vinh hiển.

Cúng tế thì Quỷ hưởng thọ.

Cha mẹ chết mà làm Quỷ thì được hưởng sự cúng tế của con cái.

Lại nói Trời Đất xét rõ, thần minh rõ ràng:

Thờ trời mà xét rõ thì cha mới hợp với Đạo Trời. Thờ Đất mà xét rõ thì mẹ mới hợp với Đạo Đất vậy. Đã có hiếu như vậy thì lý trời đất thần minh tự rõ ràng vậy.

Lại nói: nơi tông miếu hết mực chí kính thì Quỷ thần linh ứng vậy.

Nếu rất mực tôn kính nơi tông miếu, thì lý quỷ thần Tông miếu rất rõ ràng linh hiển.

Rất mực hiếu Để thì thông cảm đến thần minh.

Đạo hiếu để thực hành đạt đến điểm rất mực u huyền thì có thể cảm thông với thần minh.

Lại nói: Lúc sống thì phụng thờ bằng lễ.

Cha mẹ còn sống thì lễ là yêu kính.

Cha mẹ đã chết thì mai táng bằng lễ.

Cha mẹ chết, thì mai táng bằng lễ.

Cúng tế bằng lễ cha mẹ chết, thì cúng tế bằng lễ.

Lại nói: Đối với vua Võ, ta không vạch bày khuyết điểm, giảm bớt sự uống ăn mà rất mực hiếu kính với Quỷ thần.

Khổng Tử nói: Đối với việc làm của vua Võ, ta không chỉ điểm sai sót. Có thể rất hiếu kính Quỷ thần, Nghĩa là hưởng sự cúng tế rất dồi dào tinh khiết. Giảm bớt sự uống ăn, để cúng tế Quỷ thần hậu hĩ.

Trong Lễ ký có nghi quỹ cúng tế, chỉ nói đạo lý phối hòa với trời cúng tế Thượng Đế, Tổ phụ cùng hưởng, phụng thờ thần quỷ:

Tóm kết ý văn trên. Trong Lễ ký có nói rõ về nghi Quỹ cúng tế, ở đây trích dẫn để làm chứng. Riêng chỉ nói đạo lý cúng tế thượng đế, tổ tông cùng hưởng, đạo cúng tế thần quỷ là sai. Đó là chỉ trích chê trách Tử Lộ tánh khí cứng rắn nóng nảy, không thể nói những lời hòa dịu khiêm nhường thành ý vậy.

Đâu phải không có người phụng thờ Quỷ thần mà biết được sống chết ư? Sao riêng Ông không biết việc ấy?

Trách người khách riêng mình là người không biết lý ấy.

Chỉ vì lời nói của Khổng Tử có sự phảng phất tương tợ:

Chỉ vì lời nói của Khổng Tử, hơi có phảng phất tương tợ mà thôi.

Đức Như Lai phân tích sự sâu kín nhiệm mầu, phát minh rõ ràng nhân quả, chỉ bày bảo ứng. Làm lành thì hưởng phước, gây ác thì chịu ương báo, dạy chúng sinh thực hành điều lành.

Giáo lý của Đức Như Lai phân tích rõ ràng sự thật của nhân quả. Gieo trồng nhân lành ở nơi sâu xa kín đáo thì tôn kính sự ứng đáp của

phước báo. Gieo trồng nhân xấu ác thì tự chuốc lấy sự ứng đối của tai ương. Lấy đó mà phân chia mọi việc trong thiên hạ, thì ai cũng quy hướng về đường lành. Trong kinh thư nói: “Làm điều lành thì trăm điều tốt lành đến, làm điều ác thì trăm sự tai vạ đến”. Trong Chu Dịch nói: “Người gom chứa điều lành thì có hưởng phước thừa, người gom chứa điều bất thiện thì chắc chắn có tai ương”. Đó là nói về thiện ác báo ứng rất rõ ràng vậy.

Đâu thể cho rằng chỉ có nhà Phật ưa thích nói việc Quỷ thần?

Tóm kết ý văn trên, đâu thể cho rằng chỉ có Phật giáo thích nói những việc báo ứng của quỷ thần thiện ác.

Và như vậy thì, đâu có sự trái ngược giữa Nho giáo và Phật giáo ư?

Như trên đều là do Khổng Tử dạy rõ đạo lý vâng thờ lúc sống khi chết, phối hòa cùng trời, cúng tế thượng đế, ông cha, thờ phụng quỷ thần v.v… Nếu như vậy thì Phật giáo và Nho giáo đâu có sự trái ngược không hợp với nhau?

 

CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT: GIẢI THÍCH VỀ ĐỊA VỨC

Chương này vì phân biệt địa vức giữa Trung Hoa và các vùng mọi rợ mà khác nhau, nên gọi là “Giải thích về Địa vực”.

Khách nói: Khổng Tử nói rằng: Dẫu các vùng mọi rợ có vua, chẳng bằng ở Trung Hoa không có.

Trong Luận Ngữ nói: Nếu như ở vùng mọi rợ có Quân trưởng, không bằng ở Trung Hoa đang tiếm loạn phản nghịch, không phân trên dưới. Bởi vì Khổng Tử đương thời vua bị loạn lạc mà than như vậy, vì tuy có vua mà không thực hành đạo vua, chẳng bằng không có.

Mạnh Tử nói: Tôi nghe nói biến Trung Hoa thành mọi rợ, chứ chưa nghe nói biến để mọi rợ.

Đó là trách Trần Tướng Hứa Hành dùng lễ nghi của Trung Hoa để biến thành mọi rợ.

Vả lại, Ngày trước, Ông và tôi học đạo với hai đế Ba vua, học sáu kinh và sách của các nhà Hiền triết, trái lại, nay học ngôn giáo của Tây Vực, chẳng phải là thấp kém sao?

Trái lại học ngôn giáo của Phật ở Tây Vực, ấy chẳng phải là thấp kém sao?

Diệu Minh nói: Ngày trước, lúc tôi chưa thấy được tôn chỉ nhiệm mầu của bậc Đại Thánh, cũng có nói lời ấy, sự thấy biết không cách xa với ông, nay thì không như vậy, nếu ông nói biết được phù hoa của Lễ nhạc mà che khuất cái chân thật của đạo đức, thấy được ánh sáng của đóm lửa mà không thấy được ánh sáng của mặt trời mặt trăng.

Nay ông có thể hiểu biết được sự tươi đẹp của Lễ nhạc và mê mờ khuất lấp cái chân thật của đạo đức, thì đâu khác gì. Trang Tử nói: mặt trời đã lên vậy mà đóm lửa chưa tắt, thì nơi nó soi chiếu được cũng khó vậy. Nghĩa là sự thấy biết của khách chỉ bằng đóm lửa chứ không thấy ánh sáng của mặt trời, mặt trăng.

Điều Khổng Tử nói là thương vua thời ấy phá bỏ lễ nghi. Mạnh Tử chê trách sự chuyên nông của Trần tướng, ý có chủ lý chứ chẳng phải tự nhiên.

Nghĩa là Khổng Tử thương các vua thời ấy lọan lạc mà phá bỏ lễ nghi. Điều Mạnh Tử nói là chê trách cái thấy của Trần Tướng lại biến thành mọi rợ.

Ngày xưa Khổng Tử muốn sống ở Cửu Di:

Luận Ngữ chú thích rằng: Phương Đông có chín loại mọi rợ. Trong hậu Hán Dông Di truyện, nói: Quyến Di, Phương Di, Ư Di, Hoàng Di,

Bạch Di, Xích Di, Huyền Di, Phong Di, Dương Di. Muốn ở đó nên mới có ý thả bè trôi giữa biển.

Có người nói: Sao hẹp hòi như thế? Khổng tử bảo: Quân tử ở đó, làm gì có hẹp hòi xấu xa?

Quân tử ở đó thì sửa đổi tốt lành, làm gì có hẹp hòi xấu xa.

Đến lúc, Khổng Tử đi khắp trong nước, mà vua thời ấy không ai thực hành theo đạo của ông.

Đến lúc Khổng Tử đi khắp hơn bảy mươi nước, muốn thực hành đạo lý Nhân chính của Tiên vương. Nên vua các nước đương thời không ai thực hành đạo lý của ông.

Mạnh Tử suy nghĩ muốn cứu giúp dân thời ấy, mà các vua chư hầu không nghe lời Mạnh Tử.

Mạnh Tử cũng đi khắp các nước, rao truyền chánh sách các vua thực hành nhân nghĩa, muốn cứu giúp dân chúng thời ấy, các chư hầu cũng không nghe theo thuyết của Mạnh Tử.

Đâu xấu xa hẹp hòi gì đối với giáo thuật của Tây Vực mà chẳng dùng ư?

Như Khổng Tử thương các vua đương thời phá bỏ lễ nghi, Mạnh Tử chê trách sự chuyên nông của Trần Tướng, nên chư hầu không nghe lời ông nói. Các giáo lý của Tây Vực đâu xấu xa gì mà chẳng dùng?

Như Cơ Văn, Tự Võ là những vị vua Thánh Đức, Nhật Bi, Do Dư là các hiền thần, họ đều sinh ra từ những vùng mọi rợ.

Cơ là họ của Văn Vương, Tự là họ của Võ Vương. Văn Vương sinh ở Tây Bân, Võ Vương sinh ở Thạch Điền. Hai vị Thánh ấy đều sinh ở xứ mọi rợ, ở Trung Quốc làm vị vua thực hành nhân từ, lấy lòng nhân mà nhiếp chính, không hề nghe nói họ phá bỏ quốc chính. Kim Nhật Bi là bậc tôi trung thời Hán Văn Đế, có đức hiền nhân, Do Dư vào làm sứ ở đất Tần thời Tần Thỉ Hoàng, cũng là bậc hiền. Như Văn Vương, Võ Vương, Kim Nhật Bi, Do Dư v.v… là những bậc Minh Quân hiền thần đều là những người của Di Địch vậy.

Thái Khang, Chu U là những vị vua hoang đãng:

Sử ký nói: Thái Khang là con của Khải, là cháu của Võ Vương, rất ham thích săn bắn. Trong Thương thư nói: trong các thứ đam mê hoan lạc sắc dục, ngoài ưa thích săn bắn cầm thú, mua vui chén tạc chén thù, ham thích ca vũ, khoét tường, thì rất hoang dâm. Nếu vậy nước ấy không khỏi chẳng mất vậy. Sử ký nói: Chu U Vương sủng ái Bao Tự, vì Bao Tự biếng cười, U Vương vì đốt lửa, đánh trống và ban lệnh rằng: Nếu có giặc đến sẽ nổi lửa thì hãy đến cứu. Sau đó U Vương nổi lửa đốt núi, chư hầu thảy đều đến nhưng không có giặc, Bao Tự cười lớn, U Vương lấy làm hả dạ. Về sau giặc Hồ kéo đến, U Vương đốt núi, chư hầu không tin có giặc, ý cho rằng đó chỉ lấy làm vui nên không đến, giặc bèn giết U vương tại chân núi Lịch và bắt lấy Bao Tự.

Thạch Triệu, Doanh Tần là những vị vua bạo ngược:

Sử ký nói: Thạch Triệu chính là Thạch Lặc, là người sống vào thời Đông Tấn Nguyên Đế, chuyên giết hại. Sử ký nói: Doanh Tần tức Thỉ Hoàng, tung hoành vô đạo, hung bạo thôn tính đất nước.

Triệu Cao, Lý Tư là những bầ tôi dua nịnh:

Triệu Cao làm quan, Lý Tư làm tướng, cả hai đều là kẻ tôi của Tần Thỉ Hoàng, giết thái tử Phù Tô và Nhị Thế Hồ Hợi.

Hầu Cảnh, là kẻ tôi bội ngược của vua Lương Võ Đế, làm cho Vương Võ Đế khốn khổ ở Đài Thành mà chết. Vũ Văn là kẻ tôi bội ngược của Tùy Dạng Đế, giết Dạng Đế ở Lạc Kinh.

Những người đó đều sinh tại Trung Hoa:

Từ Thái Khang… trở xuống đều sinh ra tại Trung Hoa, lấy đó mà xem xét, đâu có thể bưng bít ngay địa vức mà hạn định kẻ ngu người hiền, và có văn hóa hay thấp kém ư?

Đâu có thể ngăn cách bởi địa vực mà bàn luận sự hạn cuộc về hiền; ngu hay có văn hóa hoặc là thấp kém hạn hẹp ư?

Vả lại, Văn Mạng sinh ra ở Tây Khương mà là bậc Thánh triết:

Thượng thư nói: Văn Mạng trải đều khắp bốn biển, là đức hiệu của Võ Vương. Tây Khương là vùng đất mọi rợ nay thuộc vùng Nhung Châu.

Cổ Du sinh ra ở Trung Hoa mà ngu càn dối trá:

Cổ Du là cha của Thuấn, tâm không thực hành theo phép tắc đức nghĩa của Tiên Vương, là ngu Càn, kế mẫu của Thuấn, miệng không nói lời trung tín là dối trá.

Văn Vương sinh ở Tây Ban mà tu nhân:

Văn Vương sinh ở biên giới Tây Bân, mà thực hiện chính sách nhân từ để tu đức.

Ân Trụ đều sinh ở Đông Lạc mà buông lung hung ác tàn bạo.

Ân Trụ, Húy pháp, tàn hại nhân nghĩa, tổn thương người hiền thiện, gọi là Trụ, đều là sinh ở Lạc Vương, tại vùng Trung Nguyên mà buông lung hung ác tàn hại vô đạo vậy.

Hoàng Đế nói hâm mộ Hoa Tư:

Liệt Tử nói: Hoàng Đế an ở Đại Đình để an tâm phục hình, ba tháng không tham gia chính sự. Ban ngày ngủ mộng thấy đến nước Hoa Tư, sau đến ở Hoa Tư trị vì.

Lão Tử nghĩa học ở Thiên trúc:

Chương Tôn Thích nói: ở Thiên Trúc, thầy Cổ Hoàng, tức thầy của ta, khéo vào nê-hoàn, du hóa tại Thiên trúc. Nay đã trở thành Thần, về với vô danh, dứt bặt thân hình, vô thỉ vô chung, tồn tại mãi mãi, ta nay đến đó vậy.

Mục Vương qua Chung Bắc mà quên trở về, tự hiềm chê Chu Thất không bằng ở Chung Bắc.

Liệt tử nói: Chu Mục Vương, theo hướng bắc đến nước ấy, ba năm quên trở về Chu Thất, vì mến mộ nước ấy, tuyệt nhiên tự mất, không tiến cống rượu thịt, chẳng triệu tôn ngự. Mấy tháng trở lại, khi đã về Chu Thất, hiềm chê sự bình trị ở nước Chu không bằng như ở nước phương Bắc.

Tề Hoàn đi đến Liêu Khẩu mà quên về, tự nghĩ nước Tề không bằng như ở đó:

Liệt Tử nói: Quản Trọng Miễn Tề Hoàn Công, nhân đến Liêu Khẩu, đều đi đến nước ấy. Cơ Khắc Cử Thấp đến can ngăn, nói rằng: Vua bỏ nước Tề rộng lớn, dân chúng đông nhiều. Nhìn núi sông đồi thực vật và nói: Ta tự nghĩ nước Tề không bằng ở đó vậy.

Thứ nữa, Thần của bắc tinh:

Trước bảy sao bắc đẩu, có năm sao. Thiên văn bộ thiên ca nói: ngôi thứ nhất tên là sao Tử Vi, ngôi thứ hai tên là sao Thái Tử, ngôi thứ ba tên là sao Thứ Tử, ngôi thứ tư tên là sao Hậu Cung, ngôi thứ năm tên là sao Thiên Xu. Nói theo tên sao thì tức là Bắc thần vậy.

Ở giữa trời:

Cũng trong Thiên bộ ca nói: nói giữa trời, có ba khu vực, nếu sắp xếp theo thứ tự thì khu vực một là Tử vi, khu vực hai là Thái vi và khu vực ba là Thiên thự. Ngoài ra, còn có hai mươi tám sao phân vị cùng các sao khác. Như y cứ theo lý thì Bắc Thần chính là ở giữa trời vậy.

Tức thuộc phía Bắc của nước Tề, lấy đó mà xem xét thì các địa vức như Tề, Lỗ, Hán, Ngụy chưa chắc là ở trung tâm:

Nói sao Thần Bắc Tinh ở phía bắc của địa vức nước Tề. Như vậy thì các nước Tề, Lỗ, Ngụy v.v… chưa phải là ở giữa vậy.

Như ở đây mà cho kia là Tây Nhung thì kia chắc chắn sẽ cho đây là Đông Di vậy:

Giả sử ở đây nhìn nước Thiên trúc kia mà cho là Tây Nhung, thì ở nước kia chắc chắn sẽ chỉ nước này cho là Đông Di vậy.

Và như vậy, thì ai là ở giữa?

Nếu quả thật như vậy thì lấy nước nào là nước trung tâm?

Từ sự che trùm của trời cao, sự nâng đỡ của đất dày, núi sông rộng rãi, bang vức có nhiều, không thể ghi chép bằng số muôn ức.

Theo toán số, thì mười muôn là một ức. Nói trong khoảng đất trời, núi sông rộng lớn, bang vức rất nhiều, nên không thể ghi chép bằng số lượng muôn ức.

Lại sao biết đây là chính giữa, kia là một bên?

Nếu nói như vậy, thì làm sao biết ở đây là nước chính giữa mà nước kia là nước bờ mé ư ?

Vả lại, trong kinh Phật lấy Tam thiên Đại Thiên thế giới, làm cõi nước của một vị Hóa Phật giáo hóa ở đó.

Ba ngàn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới, ba ngàn trung thiên thế giới là một Đại thiên thế giới, ba ngàn Đại thiên thế giới là khu vực của một một vị Hóa Phật giáo hóa.

Tôi vì tôn kính như thế nào mà Học và chấp nhận theo cái rộng lớn ấy:

Tôi do tôn kính mà học theo đó và thuận theo theo cái rộng lớn của Phật vậy.

Phàm, vàng ngọc không thương hại nhau.

Các báu vàng ngọc, mỗi thứ đều có cái quý riêng, sao làm thương hại nhau.

Mầu xanh và mầu ngọc bích, có gì phải chướng ngại nhau ư ?

Mầu xanh và mầu ngọc bích, mỗi thứ có chỗ dùng của nó, đâu chướng ngại nhau.

Thứ nữa, nếm một giọt nước của biển lớn thì đã đủ mùi vị của trăm sông:

Dụ như một giọt nước của biển lớn tức có đủ mùi vị của trăm sông. Tuy trăm sông lẫn lộn chảy về biển cả, mà mùi vị chỉ là một.

Với Đạo lý xuất thế, thì biết rất ít, nhưng đối với Đạo lý thế gian, không cần phải khổ nhọc mà biết được vậy:

Chỉ cần biết rất ít về Đạo lý xuất thế gian thì Đạo lý thế gian không cần phải khổ nhọc nghĩ suy mà vẫn biết được.

Và như vậy thì, Đạo lý của Chu Công Đán, Khổng Tử đâu có bỏ ư, và Thánh hiền chẳng hạn cuộc nơi mọi rợ hay Trung Hoa, mà con người tự là mọi rợ hay Trung Hoa vậy.

CHƯƠNG THỨ MƯỜI HAI: GIẢI THÍCH VỀ SỰ HỦY BÁNG

Chương này giải thích về sự nghi ngờ hủy Báng, nên gọi là “Giải thích về sự hủy báng”.

Khách nói: Tôi nghe người giữ giới phải là ngăn ngừa tất cả việc ác, phát huy tất cả mọi việc lành, trong sạch không nhuốm bẩn, không ăn mặn và các thứ tanh nồng:

Khách dẫn Pháp luật của Phật giáo nói: Tôi nghe nói người giữ giới, thì tất cả mọi việc ác đều phải dứt bỏ không được làm, tất cả mọi việc lành đều phải làm. Quyết phải phát huy sự trong sạch không nhuốm bẩn, lại không được dùng năm thứ rau tanh nồng, cho đó là khó.

Nay thấy các vị Sa-môn xúc nhiễm Phạm hạnh, đam mê ham thích, các chất rượu:

Tiếng Phạn gọi là Phạm, Hán dịch là Tịnh. Khách nói nay thấy chư tăng nhuốm bẩn tịnh hạnh, ưa thích rượu chè…

Cân, lường, buôn, bán, đổi chác của cải:

Cân bằng đồ vật là cân, đo đạc là lường, đi là buôn, ngồi là bán, trao đổi đồ vật ở chợ gọi là đổi, thay biến vô thường gọi là chác, giao hàng hóa gọi là của, chứa nhóm đồ vật gọi là cải.

Xét theo đó, há không phạm ư?

Lấy đó mà xem xét, há không trái phạm giới luật ư?

Diệu Minh nói: điều ông nói, lược gần mà quên xa, lấy nhỏ mà bỏ lớn.

Trách khách rằng: điều nói của Ông như lược cái việc cạn cợt mà bỏ quên cái sâu xa và chỉ lấy cái vụn vặt mà bỏ mất cái to lớn.

Phàm mặt trời, mặt trăng dù cao xa vẫn bị che khuất.

Trong Âm Dương chí nói: mặt trời là nguồn sáng lớn nhất, mặt trăng là tinh túy của các vì sao. Nói theo khoảng cách thì mặt trời, mặt trăng cách mặt đất hơn bốn muôn do-tuần. Một Do-tuần bốn mươi dặm.

Cao như vậy mà cũng vẫn bị nạn che khuất.

Ngọc Khuê Bích dù quý vẫn có vết:

Khuê Bích là Ngọc. Trong thuyết văn nói: hình dạng nó trên tròn dưới vuông. Mỗi lúc vua thăng triều, thì cầm theo. Nó là thứ báu quý nhất trong các vật báu. Hà (= vết) tức ngọc có sắc đỏ là vết. Vật rất mực quý trọng còn chưa khỏi có tỳ vết.

Công Du có khả năng trao khuôn thước cho người, nhưng không thể khiến người khéo sử dụng:

Công Du là tay thợ giỏi người nước Lỗ. Quy là đồ vật hình tròn, củ là đồ vật hình vuông. Có thể trao cho người cái khuôn thước, nhưng không thể khiến người vụng về sử dụng nó được.

Bậc Thánh có khả năng trao giới luật cho người, mà không thể ép buộc người thực hành theo.

Phật thánh tuy có khả năng trao truyền luật nghi giới pháp cho người, nhưng chắc chắn không thể khiến người bền giữ không phạm.

Cao Đào tuy khéo trị tội kẻ trộm cướp quậy phá, nhưng không thể dạy người trở thành Bá Di, Thúc Tề:

Cao Đào là bề tôi hiền của vua Thuấn, tuy có tài trừng trị những kẻ tội, nhưng không thể khuyến hóa những kẻ trộm cắp quậy phá trong ngục tù trở thành nghĩa nhượng như Bá Di, Thúc Tề.

Lã Hình tuy giỏi trừng phạt kẻ dữ dằn, nhưng không thể khuyên kẻ ác trở thành như Tăng Sâm Mẫn Tử:

Chương Lã Hình trong Thượng Thư nói: Lã Hầu là ty khấu của vua Chu Mục Vương ban lệnh hình phạt truyền khắp bốn phương, mà không thể tự giáo hóa sửa đổi việc ác của con mình trở thành hiếu hạnh như Tăng Sâm, Mẫn Tử Khiên.

Bậc Thánh triết như Đường Nghiêu, không thể sửa đổi sự ngu muội của Đan Chu:

Thượng Thư nói: Đan Chu là con của vua Nghiêu, vì quá ngu dốt, nên Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn.

Nhân Hiền như Trạng Ni, không thể ngăn can sự bạo ác của Đạo Chích:

Trang Tử nói: Đạo Chích là em của Liễu Hạ Huệ, vô đạo bạo ngược, khuấy phá dân chúng, nước lớn thì giữ thành, nước nhỏ thì vào lũy. Khổng Tử đến khuyên dạy, đến lúc trở về, nói cùng Liễu Hạ Huệ: Nó không khỏi cái nạn miệng hổ.

Nhân Đức như vua Thuấn, nhưng không thể thấm nhuần Thương Quân:

Ý pháp. Nhân thánh rất sáng gọi là Thuấn. Thương Quân là con của Thuấn, không có đức của bậc Đại nhân, nên Thuấn truyền ngôi cho Võ.

Ân Đức như Chu Công, không thể đượm nhuần Quản Thái:

Quản Thái là chú hai của Thành Vương, phỉ báng Chu Công.

Đâu phải hình pháp không cao và đạo đức không hoàn bị.

Tóm kết văn trên. Hình pháp của Cao Đào, Lã Hình đâu phải không cao hiểm. Thuấn, Nghiêu, Chu, Khổng đâu phải không đạo đức mà còn không thể phạt trộm cắp, dối trá, sửa đổi kẻ hung tàn, ngu si, để 10 dạy con em đều thực hành hạnh hiền hiếu vậy.

Đâu riêng chỉ vì việc ăn mặn hay ham thích rượu chè mà bị chê trách vậy ư?

Sao chỉ đem việc các Sa-môn ăn mặn uống rượu mà chê trách là sai quá vậy.

Ngày xưa, Nghiêm Lăng câu cá.

Nghiêm Quang, tự là Tử Lăng, người ở Nam Dương, là bạn cũ của Quang Võ, vì loạn Vương Mãng, nên ẩn câu nơi Thất Lý.

Tử Nha duỗi thẳng móc câu:

Tử Nha, họ Khương tên Thượng. Vì vua Trụ vô đạo nên ẩn cư nơi vị Tân, Văn Vương đi săn gặp được, bèn mời về làm Thái Công vọng, phá vua Trụ mà lập nhà Chu.

Thần Chu Mại vác củi:

Thần Chu Mại, nhà rất nghèo, thường vác củi đọc sách, về sau làm quan Thái Thú ở Cối Kê.

Côn Ngô un đúc nghề gốm:

Côn Ngô là người làm nghề gốm thời nhà Hạ, sau được hiển vinh.

Võ làm ngòi tháo nước:

Võ dẫn nước trăm sông xuôi chảy về biển đông, muôn họ khỏi bị nạn cá (?), nên công lao ấy lưu lại đời sau.

Thuấn cày đất núi Lịch:

Lịch Sơn là tên khác của núi Trung Điều, ở phía Đông của sông, khi vua Thuấn chưa gặp thời, từng cày đất ở đó.

Tướng Như Lâm Ngang mà tự nấu rượu:

Lâm Ngang là tên vùng đất. Tư Mã Tương Như lúc chưa gặp thời, ở tại Lâm Ngang nấu rượu bán, sau hiển danh, ngồi xe tứ mã.

Chu Hợi chưa gặp thời, tự thân làm nghề mổ thịt:

Chu Hợi lúc chưa gặp thời, tự thân từng làm nghề mổ thịt, sau gặp Phong Tín Lăng quân.

Đó là những bậc quân tử thành đạt thì cứu giúp cả nhân dân, không thành đạt thì tự tu tỉnh bản thân:

Như Nghiêm Lăng, Tử Nha, Chu Mại, Côn Ngô, Võ, Thuấn, Tướng Như, Chu Hợi v.v… đều là những vua thánh, tôi hiền, thân đã thông đạt thì Đạo giúp cả thiên hạ, thân chưa thông đạt thì giữ mình cho tốt.

Loài linh thiêng nhất trong mọi loài, chính là con người.

Trời sinh ra muôn vật đều gọi là Hữu sinh, trong đó loài người linh thiêng quý giá nhất.

Con người, đâu phải là quả bầu, sao treo mãi mà không ăn ?

Luận ngữ nói: Bào qua còn gọi Hỗ qua, tức là quả bầu. Quả bầu thì chỉ treo một nơi mà không ăn, con người thì không phải như vậy.

Thân chẳng phải gỗ đá, sao lại lõa lồ không mặc quần áo ? Tuy tay chân mạnh mẽ nhưng không đủ để trốn lánh sự đói khát, cần phải ăn uống để nuôi dưỡng thân mạng. Lông tóc tuy kín đầy, nhưng không đủ để chống ngăn sự giá lạnh, cần phải mặc áo để che kín thân thể. Nên biết ăn mặc có công năng nuôi dưỡng thân mạng. Thân mạng có thể dùng để giúp ích cho đạo nghiệp:

Ăn mặc đầy đủ thì sẽ nuôi dưỡng thân mạng. Thân mạng đã an ổn thì có thể giúp ích cho đạo nghiệp.

Nếu ăn mặc không đủ thì đạo nghiệp sẽ bị phế bỏ.

Ngạn ngữ nói: con người không ăn có uống căn bản, thành thật mà nói nếu con người không ăn mặc thì chắc chắn thân mạng chấm dứt.

Thân mạng đã chấm dứt, thì đạo nghiệp làm sao không phế bỏ được?

Vả lại, người tu đức không thích ngồi ăn không của người:

Tổ sư của ta có dạy: “Một ngày không làm một ngày không ăn”.

Lại muốn tự tìm cái ăn mặc cho mình, trải qua các gian khổ, mới biết sự cực nhọc của thế đạo.

Các Tổ của chúng ta muốn tự tạo sự ăn mặc, để trải qua các thứ gian nan khổ nhọc, mới biết được đạo lý gian khổ của những người cày ruộng dệt vải, nhờ đó tiết kiệm bớt sự tiêu dùng.

Sự chua cay của người dân:

Tân toan nghĩa là cay chua đắng xót, dáng mạo đổ mồ hôi sôi nước mắt. Đàn ông cày ruộng, đàn bà dệt vải đều khổ nhọc đắng cay hao mòn sức lực.

Sau đó tiến bước trên đường thánh thiện, cắt đứt sinh tử:

Đã biết sự nhọc nhằn của thế đạo, thì mọi thứ cần thiết phải tự hoàn bị, sau đó mới có thể cắt dứt việc sinh tử.

Bởi vì nó được xuất phát từ tâm hổ thẹn và chí hàng phục tánh kiêu mạn:

Không phải để thất tiết, gọi đó là hổ. Tâm không sử dụng sai quấy, gọi là thẹn. Phàm đối với mọi vật dụng ăn mặc, đại khái cần phải biết chỗ có ra rất khổ nhọc thì có tâm hổ thẹn và chí hàng phục tánh kiêu ngạo ngã mạn.

Cũng chẳng phải là việc làm bất thiện.

Tóm kết ý văn trên. Như điều nghi ở trước, thì những việc đong lường buôn bán v.v… cũng chẳng phải là việc bất thiện.

Đâu chỉ vì buôn bán của cải mà chê trách.

Há chỉ vì những việc làm buôn bán của cải mà chê trách họ sao?

Vì vậy, Đạo của Quân tử, hoặc đi, hoặc ở, hoặc nín, hoặc nói, đáng sử dụng thì thực hành, đáng bỏ xả thì dẹp đi.

Cho nên đạo lý tu hành của người Quân tử, đối với việc nói năng hay im lặng, động hay tịnh, đáng tiến hành thì tiến hành, đáng ngừng nghỉ thì ngừng nghỉ.

Không hẹp hòi tình ý:

Việc làm của quân tử, không vì hẹp hòi tình ý.

Không quá lắm tâm tánh:

Cũng không dâm đãng tánh nết.

Đạo ấy quý ở chỗ sử dụng thích hợp:

Ý chí quyết định thực hành theo gọi là Thích, Đạo của Quân tử, không thể, không không thể, nên nói thích hợp với chỗ dùng mà thôi.

Đâu chỉ một đường mà cùng tận ư?

Đạo của bậc Thánh có muôn ngàn khác nhau, nhưng điểm đến chỉ là một, đâu chỉ hạn cuộc một lối đi mà có thể cho là tận thiện tận mỹ.

 

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BA: BÀN LUẬN VỀ XẢ THÍ

Chương này biện luận về xả thí nên gọi là “Bàn luận về xả thí”.

Khách nói: Khổng Tử nói: Vừa giữ lễ vừa xa xỉ, chẳng bằng tiết kiệm.

Lễ là ở chỗ được cái vừa chừng, vừa giữ lễ vừa xa xỉ chẳng bằng tiết kiệm mà không có giữ lễ, xa xỉ.

Lại nói: xa xỉ thì không thuận theo, tiết kiệm thì chắc chắn. Cùng với không thuận theo thì chẳng bằng chắc chắn.

Tốn là thuận theo, hẳn nhiên hạn hẹp và xa xỉ đều mất trong đó, song, cái hại của xa xỉ thì lớn vậy.

Lão tử nói: Vì thế, bậc Thánh bỏ cái quá lắm, bỏ cái xa xỉ, bỏ cái thái quá.

Điều Lão Tử nói là quá lắm, xa xỉ và thái quá đều là sai quấy không đúng đạo nghĩa, nên bậc Thánh dứt bỏ hết. Quá lắm về âm nhạc, xa xỉ sự ăn mặc, và thái quá về nhà cửa, nếu không có ba thứ ấy thì hợp với vừa chừng.

Ngày xưa, Sở Linh Vương ham thích xa xỉ, cuối cùng thì mất thân:

Sử ký nói: Sở Linh Vương, nhân xây dựng Đài Chương Hoa, khiến dân suy khổ, về sau bị Ngô Vương đánh bại đến nỗi mất thân.

Tần Chính thích xa xỉ, cuối cùng mất nước:

Tần là Quốc hiệu, Chính là tên của Thỉ Hoàng, Thỉ Hoàng là khi Trang Nhượng Vương thâu nạp vợ của Lã Bất Vi thì Hữu Cơ đã có thai mà sinh ra Chính. Vì vậy người đời nói Thỉ Hoàng là Lã Chính, đến lúc lên ngôi, thôn tính sáu nước, thống nhất đất nước, tự cho mình có đức của cả tam hoàng, công trội vượt hơn Ngũ đế, và lấy hiệu là Hoàng Đế, nên gọi là Thỉ Hoàng Đế, chuyên nhất hình uy mà lập nước, đốt sách chôn học trò, bạo ngược vô đạo, ưa thích xa xỉ, ra tận biển Đông tìm tiên, sau chết ở Sa Khâu, chưa đầy ba năm thì nước mất.

Ngày nay nhà Phật xả thí thân mạng, cho đó là Phước cao nhất.

Bố thí thân mạng thì được phước rất nhiều.

Xả thí bảy báu, cho đó là phước cao thứ hai.

Bố thí bảy báu như vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu, v.v… thì đều là phước cao thứ hai.

Dùng thiện ác để dẫn dụ người:

Dùng thí dụ để chuyển hóa người, thì dùng thiện để trừng trị ác.

Dùng nhân quả để khiến người hiểu rõ:

Thí dụ để dẫn dắt người hiểu rõ thì dùng Nhân để rõ Quả.

Khiến người dốc sạch kho lẫm đem hết của cải bố thí để cầu phước.

Vì làm việc lành sinh lên cõi trời, làm việc ác đọa xuống địa ngục chỉ rõ lý nhân quả, khiến tất cả mọi người dốc hết tư tài của cải, vi cầu phước mà khuyên người làm việc lành.

Rồi mà xây dựng chỗ ở rộng rãi tráng lệ, sửa sang không thôi, lầu cao gác lớn, vàng ngọc lấp lánh, chẳng là thái quá ư?

Nghĩa là chư tăng, tự mình xây dựng nhà cửa chỗ ở cao rộng đẹp đẽ, quanh năm sửa sang không thôi, như lầu cao gác lớn, trang hoàng bằng vàng ngọc mầu sắc lấp lánh, như vậy cũng chẳng là xa xỉ quá lắm sao?

Diệu Minh nói: Điều mà Ông hỏi, chỉ biết được lưu truyền ma không biết được cội gốc.

Trách khách chỉ biết sự lưu truyền của bậc thánh mà không biết cội gốc của bậc Thánh.

Chỉ thấy cải cạn cợt mà không thấu đạt cái sâu xa. Trọng Ni không thích sự xa xỉ buông lung của vua đương thời:

Trọng Ni trả lời câu hỏi của Lâm Phóng là: “Vừa giữ lễ vừa xa xỉ chẳng bằng tiết kiệm”. Đó là không thích sự xa xỉ buông lung của các vua đương thời nên nói như vậy.

Lão Tử cảnh tỉnh sự mê mờ dâm đãng của Nhân chúa đương thời:

Lão Tử nói những từ bỏ quá lắm, bỏ xa xỉ v.v… là cảnh tỉnh sự mê mờ dâm đãng của Nhân chúa ở đương thời.

Đâu phải lời nói bảo đừng bố thí?

Lúc Lão Tử, Khổng Tử nói những lời trên thì Phật giáo chưa truyền bá đến nước này. Đâu phải nói bố thí.

Ngày xưa, Ngu Thuấn cày đất ở Lịch Sơn, Ân Trạch chưa nhuần thấm nơi bạn bè bà con, cho đến sự ăn mặc còn chưa đầy đủ cho cha mẹ.

Vua Thuấn nước Ngu. Vua Thuấn lúc đầu cày đất ở núi Lịch, làm người câu cá ở Lôi Đầm, luyện nghề gốm ở Hà Tân, Trắc Lậu lúc nghèo đói khốn khổ, đối với chỗ bạn bè thân thích, cũng không biết lấy gì để đượm nhuần cha mẹ, cũng chẳng cấp dưỡng đầy cơm ăn áo mặc v.v… Như vậy là tại sao? Chỉ bởi chưa gặp thời vậy.

Thái Công câu cá ở sông vị Thủy, của cải không đủ để chu cấp cho vợ con, đâu có để giúp cho bà con xóm giềng:

Thái Công lúc chưa gặp thời, câu cá ở bờ sông Vị Thủy, đối với vợ con, còn chưa chu cấp đủ, thì làm sao giúp đỡ xóm giềng.

Đến lúc lên ngôi cửu ngũ (lên ngôi vua):

Trong sách dịch quẻ Càn tên là Hào. Quẻ 91 là rồng ẩn tiềm là chớ dùng, Thuấn đang ở tại Trắc Lậu, tức là rồng ẩn tiềm. Quẻ 92 thấy rồng ở dưới ruộng, vua Thuấn câu cá ở đồng ruộng, quẻ 93 là can càn, quân tử suốt ngày, danh đức vua Thuấn đang nổi lên vang vọng. Quẻ 9 là vọt lên cao từ vực sâu, Thuấn đến núi Lịch để thử thời. Quẻ 95 là rồng bay giữa trời, Thuấn lên ngôi vua, nên gọi là lên ngôi cửu ngũ.

Ứng mộng gấu bay:

Sử ký nói: Tây Bá sắp đi săn, bốc quẻ nói: gặp được chẳng phải là con gấu, con bi, con man, con cọp. Sư giúp đỡ của Bá vương quả gặp được Lã Thượng ở bờ sông Vị Thủy, cùng nhau nói chuyện rất vui vẻ, bảo: từ Tiên Quân Thái Công tôi có nói là sẽ có bậc Thánh giúp nhà Chu. Thái Công trông Ông lâu lắm, nên hiệu là Thái Công vọng, tôn xưng làm thầy, về sau giúp cho Võ Vương diệt Trụ, để muôn dân được sống yên ổn khốn khổ lấm mình tro bụi. Đó là chẳng phải điềm mộng thấy gấu.

Tuệ thấm nhuần tám phương, ân đức thấm đượm bốn biển:

Tuệ là lợi ích của Bố thí, trạch là nhuận trạch, nghĩa là thấm nhuần vậy. Khi Thuấn làm vua, tuy không làm gì nhưng dân chúng được bình trị. Thái Công giúp Võ diệt trừ bạo ngược của Trụ. Tám phương tức bốn phương và bốn duy, bốn biển tức là bốn biển đông nam tây bắc. Nên trong tám phương bốn biển, nhân dân đều được đượm nhuần ân đức của Thuấn.

Nhưng nhiều của cải thì quý trọng việc Tuệ thí:

Những bậc vua Thánh tôi hiền có được nhiều của cải thì giúp ích dân chúng.

Nghèo thiếu thì quý trọng sự hành đạo:

Lũ tức là nghèo nàn túng thiếu. Đã nghèo lại không địa vị thì quý trọng sự an nhiên, mà thực hành đạo ấy.

Khổng Tử nói: Giàu có mà không bố thí, đến lúc nghèo khổ không ai cứu giúp.

Nếu như người giàu có mà không bố thí của cải thì khi nghèo khổ không ai cứu giúp mình.

Thuở xưa, Triệu Thuẫn biếu thức ăn cho Linh Chiếp, sau cùng cảm được sự báo đáp giúp đỡ xe đi:

Sử ký: Triệu Thuẫn là quan nước Tấn, thường lui tới trong vườn dân, thấy người đói khổ bèn đem thức ăn cho. Triệu Thuẫn ưa can ngăn thẳng. Một hôm, vua Tấn bảo rang khô mà ăn, lại dự định muốn tháo bỏ xe của Thuẫn đang đi, bỏ mất một bánh xe, xe ngựa bốn con, bớt hai con, đến lúc Thuẫn lên xe không đi được, chợt có người đến đẩy xe giúp mà đi thì thoát khỏi nạn ấy, bèn hỏi: người đẩy chiếc xe ấy là ai? Đáp: “Tôi là người đói ở trong vườn dân, vì báo ân một bữa ăn nên giúp Ngài”.

Phiêu Mẫu biếu cơm cho Hàn Tín, về sau được đáp trả bưng mâm vàng.

Sử ký nói: Phiêu Mẫu tức là Phiêu Nhứ, thời Hàn Tín còn mặc áo vải, thường ngồi câu ở dưới thành, Phiêu Mẫu mỗi lần mang cơm đến, thì biếu cho Hàn Tín trước, về sau làm vua Tề, hồi hương dùng bưng mâm vàng ròng để báo ân của Phiêu Mẫu.

Âm thầm bố thí không hề để ý, mà quả báo đến rõ ràng như ban ngày.

Âm là tối tăm = âm thầm, Dương là hiển hiện. So sánh như Triệu Thuẫn, Phiêu Mẫu, lúc đem cơm bố thí hoàn toàn vô tâm, sau gặp được quả báo đẩy giúp xe, bưng mâm vàng ròng, đó là dương báo rõ ràng như ban ngày.

Huống gì dốc hết gia sản, phát tâm lành, phước lợi mà họ được, cao như núi Thái, thấm nhuần khơi thông như sông biển.

Khuynh là đảo phúc; dốc hết vậy, tuấn là thâm sâu thấm trầm, như Triệu Thuẫn, Phiêu Mẫu chỉ chút ân qua bữa cơm mà còn được quả báo, giúp đỡ đẩy xe, bưng mâm vàng ròng, huống gì dốc hết gia tài của cải, phát tâm lành để bố thí thì được phước lợi đâu chẳng cao lớn như núi Thái, thâm sâu như sông biển.

Cho nên có tâm lành thì sẽ được ứng đáp tốt lành, cậy ác thì sẽ có tai ương báo ứng. Trồng lúa nếp mà gặt lúa mì, làm họa mà được phước, là điều không bao giờ có.

Làm điều lành được phước, làm điều ác bị tai ương, nhất định không thể thay đổi. Nên trồng lúa nếp mà gặt lúa mì, làm ác mà được phước, thì việc ấy không bao giờ có.

Ngày nay, các vị sa môn dùng phước giúp người, dùng điều lành khuyên người.

Lấy phước để giúp đỡ cho người, dùng điều lành để khuyên nhủ người.

Khiến người bố thí cái cầu, cái nhà, một cây hương, một bông hoa, như bóng theo hình:

Khuyên người bố thí một vật, như bóng theo hình, không bao giờ mất.

Quả lành sẽ trang nghiêm ở đời sau:

Quả lành ấy chắc chắn sẽ trang nghiêm ở đời sau.

Đâu chỉ ở trong ngôi nhà đẹp hoa mà hưởng lạc ư?

Đã khuyên tất cả mọi người làm lành, thì mỗi người đều được an vui, đâu chỉ vì mình ở trong phòng ốc đẹp lệ mà hưởng lạc.

Vả lại, sự xa xỉ của Linh Vương, xây dựng đài thất ở chương hoa, giàu sang cùng tận nhân gian, vàng châu ngọc bội, trang sức tươi sáng trong đó, vui chơi ca múa với người, phế bỏ việc nước buông lung kiêu xa, thì làm sao chẳng mất thân mạng.

Nếu tham dâm, ưa đắm dục lạc, không dẫn đến phế bỏ nước nhà tan thân mất mạng thì làm sao được.

Tần Chính xây dựng cung điện, chứa cả muôn người:

Tần Chính, tức là Thỉ Hoàng, đóng đô ở Hàm Dương, xây dựng cung thất chứa cả muôn người.

Tại thành của A Phòng, từ đông sang tây đến năm trăm bộ, từ nam sang bắc đến năm mươi trượng.

Trong thành A Phòng có cung điện, bốn phía điện có phòng cao rộng, trên có thể ngồi được muôn người, dưới có thể dựng trụ cờ cao năm trượng.

Phía đông đến Ly Sơn, chỉ 50 dặm, trong khoảng đó, cứ mười bộ là một tòa lầu, năm bộ là một gác.

Phía đông đến Ly Sơn, phía Tây đến Hàm Dương trong khoảng năm mươi dặm, trừ cung điện chứa cả muôn người ra, cứ mười bộ, năm bộ, đều có xây dựng lầu gác.

Xe giá qua lại, không ngại mưa gió, nó cao rộng, rực rỡ hùng vĩ, lớn như thế chỉ biết thao túng sự ham muốn của tai mắt, mà không biết sự khổ nhọc của người dân làm việc nặng nhọc. Chỉ tự do, kiêu ngạo, xa xỉ, không sửa đổi quốc chính thì không mất nước làm sao được, nay các vị Sa-môn, tuy ở nhà đẹp thất xinh, chỉ vì chuông sớm mõ chiều, theo gió thoảng vang xa, khen ngợi lời Phật để sinh phước đức sinh lên cõi trời, cõi người:

Ngày nay, các vị sa môn tuy sống như thế, chỉ dùng sáng chuông tối mõ để khen ngợi trì tụng kinh điển, trên thì cầu chúc Hoàng Vương thánh thọ, dưới thì cùng với dân chúng cầu phước lâu dài, mở mang đến phong tục tốt lành.

Chỉ như thế mà thôi, đâu bằng cùng Tấn Sở xa hoa thường ngày mà nói ư? Mạnh Tử nói: Như đạo ấy, tuy vua Thuấn nhận ngôi báu của vua Nghiêu, chẳng lấy làm thái quá:

Như vua Thuấn lúc còn nghèo nàn khổ cực, vì có đạo đức nên vua Nghiêu trao cho hai người nữ để làm vợ, trao thiên hạ bốn biển và cả ngôi vị cho, không phải là quá lắm vậy.

Nếu chẳng phải Đạo ấy, thì tuy chỉ một miếng thức ăn cũng không thể thọ nhận của người được:

Nếu không khế hợp với lý đạo đức, thì tuy có thức ăn chỉ một miếng, cũng không thể thọ nhận của người được.

Đâu phải là lời luống dối.

 

Trang: 1 2 3 4 5