LUẬN BÍCH CHI PHẬT NHÂN DUYÊN
Hán dịch: Mất tên người dịch, nay căn cứ vào bản sao lục của đời Tần
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN HẠ

– Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của Đại trưởng giả thành Vương-xá.

– Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của của Quốc vương Bala-nại là Nguyệt Xuất.

– Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của Quốc vương Câu-xá-di là Đại Đế.

– Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của Quốc vương Câu-xádi.

– Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của Quốc vương Ba-la-nại là Thân Quán.

– Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của vị Thái tử con út Chuyển Luân Thánh Vương.

1. Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của Đại Trưởng giả thành Vương-xá

Ví như trong rừng rậm
Muốn kéo cây lớn ra
Cành nhánh làm trở ngại
Không cách nào ra được.
Tại gia như rừng rậm
Muôn việc như nhánh cành
Dù có muốn xuất gia
Cũng khó lòng làm được.
Ngồi yên nơi rừng hoang
Quán cảnh, tu tâm mình
Cốt thoát khỏi muôn duyên
Lìa xa mọi thân ái.
Riêng một mình tu hành
Chẳng khác nào Tê giác
Nhờ Tiên đức truyền trao
Tôi nghe được việc này.

Xưa có một vị Bích-chi Phật, ở vào thời năm Đức Phật trong quá khứ thường tu các việc thiện, làm một Ưu-bà-tắc, rất ham việc nhà, dù thấy chư Phật nhưng không cầu xuất gia, nhưng giới luật của người tại gia thì chuyên tâm giữ gìn, không mảy may phạm giới. Vào thời Phật Ca Diếp, Ngài xuất gia học đạo, tu hạnh Đầu đà, chỉ dùng sáu vật dụng của Tỳ-kheo, chán lìa mọi thứ dục lạc. Sau đó, Ngài mạng chung sinh lên cõi trời. Tuổi thọ ở cõi trời hết, Ngài sinh xuống nhân gian, đầu thai làm con của Đại Trưởng giả trong thành Vương-xá. Ông Trưởng giả này của cải vô lượng, kho đụn tràn đầy, giàu có chẳng khác Na La Cứu Phục La, con của Tỳ Sa-môn. Thế rồi, Ngài đam mê việc nhà, con cái đến ba mươi người, kho tàng nô bộc cùng nhiều vô kể, rồi nào là việc dựng vợ gả chồng cho con v.v.. Ngài lo việc nhà đến nỗi quên cả việc tu tập. Vì việc nhà trói buộc, không bỏ nổi thế duyên, nào là nghe gia nô tâu trình, nào là nghe thân thích bệnh chết, nghe người này dựng nhà, người kia gặp họa thất nghiệp. Toàn nghe những lời đau thương như vậy, nên Ngài thường ưu sầu, đau khổ, chẳng khác nào cả trăm mũi tên đồng loạt bắn vào tim mình. Ngài cũng được nghe những lời tốt đẹp, an lành như khách buôn trong nhà vừa được lợi to, an ổn trở về, rồi con mình đứa thì sanh được con trai, đứa thì sanh được con có phước tướng v.v.. Khi nghe những việc này, Ngài lại thấy vui mừng. Cứ thế, nào lợi, nào hại làm Ngài vui buồn lẫn lộn, như người diễn trò quay cái bánh xe.

Một hôm, Ngài cùng người bạn thân đi thăm vườn ruộng, khi ngang qua một cánh rừng, Ngài thấy một tiều phu đốn một cây gỗ lớn, do cành nhánh quá nhiều, cây cối rậm rạp, đến nổi dùng mấy con voi nhưng vẫn không thể kéo cây gỗ ra khỏi rừng được. Tiều phu lại đốn một cây nhỏ, không có cành nhánh, và một mình kéo ra, xem dễ như không. Khi thấy việc ấy, Ngài suy nghĩ: Hôm nay ta mới thấy được nhân duyên này, và Ngài nói kệ:

Ta thấy chặt cây lớn
Cành nhánh lá quá nhiều
Muốn kéo khỏi rừng rậm
Không cách nào kéo được.
Thế gian cũng như vậy
Các quyến thuộc nam nữ
Yêu ghét trói buộc tâm
Trong rừng rậm sinh tử.
Không thể nào giải thoát
Cây nhỏ không nhánh cành
Rừng rậm không cản trở
Nhờ đấy thức tỉnh ta.
Cắt đứt mọi ân ái
Trong rừng rậm sinh tử
Tự nhiên được giải thoát.

Khi đó, Ngài được chứng quả Bích-chi Phật ngay trong khu rừng ấy. Lúc này người thân nói với Ngài: Trời sắp tối rồi, nay ta về thôi! Ngài đáp: Ông về một mình đi, nay tôi đã cắt đứt mọi ràng buộc của gia đình! Người bạn thân hỏi: Vì sao lại cắt đứt? Ngài đáp: Ngày trước do luyến tiếc nên tôi mê đắm việc nhà, nay thì đã dứt sạch tâm tham luyến ấy. Con người ta tham luyến vợ con, quyến thuộc, con trẻ, cháu thơ, nuôi lớn ân ái. Như lúc thấy cha, con trẻ vui mừng, chạy tới ôm chầm, do luyến ái như vậy nên sanh lòng mê đắm. Còn tôi ngày nay đã cắt đứt tâm luyến ái vợ con, quyến thuộc, đến như những việc kinh doanh làm giàu, chi ra thu vào, nên cho thứ này, nên giữ vật kia, việc ấy nên làm, việc kia không nên v.v.. những việc như thế nay tôi không còn bận tâm nữa. Tôi đã bỏ cái vui dục lạc, được cái vui giải thoát, đã chặt đứt gốc ái, đã đóng chặt cửa các nẻo, trừ ám chướng lớn, con đỏ ngày nay đối với tôi chẳng khác oan gia. Tôi nay đã như vậy thì làm sao về lại nhà được!

Người bạn thân của Ngài trở về báo tin cho con cháu Ngài biết. Toàn thể trai gái già trẻ trong nhà nghe Ngài không về liền kéo đi thăm. Lúc họ đến, chỉ thấy cha mình mặc pháp phục Sa-môn, bay bổng lên hư không. Đám con liền thưa: Nay vì việc gì mà cha lại chán ghét quyến thuộc? Từ trên hư không, Ngài nói lại bài kệ đó để đáp lời con cái. Nói kệ xong, Ngài bay thẳng vào Tuyết Sơn, cùng nhóm họp với vị Bích-chi Phật khác. Sau đó Ngài trở về lại nơi mình đã chứng đạo và xả thân nhập Niết-bàn. Bấy giờ, quyến thuộc của Ngài dựng một Bảo tháp, đương thời người ta gọi tháp này là tháp Đa Tử, Phàm là người trí, thiện căn đã thuần thục, chỉ cần một nhân duyên nhỏ, liền được khai ngộ.

2. Nhân duyên giác ngộ Bích-chi Phật của Quốc vương Ba-la-nại là Nguyệt Xuất.

Vợ con, bạn, của cải
Lo lắng trong sống chết
Ở yên với rừng sâu
Giải thoát như Tê giác.
Đức Thiện Thệ nói ra
Truyền mãi đến thầy tôi
Tôi được thầy truyền lại
Nay xin được diễn nói.

Xưa, vào thời Đức Phật Ca Diếp, có một vi Bích-chi Phật trong mười hai ngàn năm tu hành phạm hạnh, thường hành Nhẫn nhục thương xót chúng sinh, dù là giới nhỏ nhưng chưa hề phạm. Đến lúc mạng chung, Ngài sinh lên cõi trời. Tuổi thọ ở cõi trời hết, Ngài sinh xuống nhân gian, đầu thai trong nhà của Quốc vương nước Ba-la-nại. Ngài sinh vào đúng lúc trăng mọc, vì vậy có tên là Nguyệt Xuất.

Đến lúc trưởng thành, Ngài được lập làm Thái tử. Vua cha mất, Ngài lên kế thừa ngôi vua. Nhờ sức nghiệp thiện của đời trước, nên Ngài dùng chánh pháp để trị nước an dân, sai con của Phụ tướng quản lý mọi việc thống lĩnh nước nhỏ và gả con gái mình cho con của Phụ tướng.

Con trai của Phụ tướng là một người văn võ song toàn, có nhiều quyến thuộc nên thường cậy tài buông thả quá mức. Lúc này, con của Quốc vương rất thân với con của Phụ tướng, nhân đó con của Phụ tướng ngầm mở yến tiệc, mời Vương tử đến dự, đồng thời bàn mưu tính kế tranh ngôi và nói với Vương tử: Anh em trong dòng tộc của Ngài rất nhiều, mà người đời thường nghe lời của đàn bà, Phụ vương của Ngài một mai nằm xuống, thì những người mẹ kế của Ngài sẽ to nhỏ với nhà vua rồi đưa con mình lên ngôi. Từ đó mà xét, ngôi vua ắt sẽ không đến tay Ngài. Nay trong lúc ai nấy chưa biệt ta nên toan tính trước đi. Phàm ngôi vua là ngôi cao quý nhất trong thiên hạ, là nơi an vui chẳng khác cõi trời, tất cả thần dân đều phải kính phục. Nếu Ngài làm Quốc chủ, dùng chánh pháp trị nước, thì sau khi mạng chung, Ngài sẽ sinh lên cõi trời. Như miếng thịt ngon ai cũng muốn ăn, ngôi vua cũng như vậy, không ai chẳng mong muốn, và con của Phụ tướng nói kệ:

Thí như nước chưa đến
Nên lo làm cầu đường
Một mai nước dữ tới
Không thể nào làm kịp.
Ngôi vua cũng như vậy
Phải nên toan tính trước
Nắm chắc trong tay mình
Tức mới thấy yên tâm.
Anh em cùng ghét nhau
Ngày sau đâu dễ giành
Vương tử bèn suy nghĩ
Như vậy người bạn này
Đang muốn xô đẩy ta
Vào trong hầm lửa lớn
Hiện tại không an lạc
Đời sau chuốc khổ lớn.

Bấy giờ, Vương tử kể lại việc này cho vua cha nghe. Nhà vua nghe xong đùng đùng nổi giận, hai mắt trợn tròn, liền sai sứ giả tìm bắt con của Phụ tướng dẫn về khi mọi việc còn chưa ai biết. Lúc này, Vương tử nghe con của Phụ tướng đến, Ngài ra đón tiếp. Sau khi gặp xong, Ngài quá lo lắng và ngã bệnh. Sứ giả về tâu nhà vua rằng Vương tử bệnh nặng, tình trạng rất nguy ngập. Nhà vua nghe tin liền vội đến thăm. Thấy con mình bệnh tình quá nặng, mạng sống nguy khốn, toàn thân đau đớn, nhà vua liền suy nghĩ: Ngôi vua thật là họa lớn, thế mà con của Phụ tướng kia ngấm ngầm bày con ta làm nghịch mệnh trời, muốn làm kẻ trái đạo, nhưng ngôi vua của ta nói làm sao giành được. Con ta ngày nay, bệnh sắp mất mạng, tất cả thần dân đều sinh oán ghét. Từ đó mà xét, phải biết ngôi vua là nơi xấu ác vô cùng. Vì sao? Vì ngôi vua mà bỏ mất hạnh lành của mình, vì ngôi vua mà hại đến cha ông, những kẻ thân thích gây ra hoa lớn vì tranh giành, đánh mất tâm hổ thẹn, gây lớn lòng kiêu ngạo, vì một chút lợi nhỏ mà chẳng sợ quả báo đời sau, và nhà vua nói kệ:

Thiêu thân vào lửa dữ
Kẻ tham nước cũng thế
Xét kỹ được và mất
Việc nên làm, không làm.
Chìm vướng trong quốc sự
Chẳng được nơi an lạc
Lúc suy nghĩ như vầy
Thân tâm rất thanh tịnh
Liền được tâm nhàm chán
Chứng ngộ Bích-chi Phật.

Lại có thuyết nói: Nhà vua thấy con mình lâm bệnh nặng, liền buồn rầu trở về cung. Lúc đó, có một Quốc vương láng giềng rất thân với nhà vua vừa bị giặc loạn bức bách nên cho sứ đến xin viện binh. Nhà vua nghe xong, liền dẫn tướng sĩ đến cứu Quốc vương kia. Hai bên giao chiến dữ dội, giết người không gớm tay, đến nỗi mổ bụng đàn bà có mang, lôi thai nhi ra và giết. Tận mắt chứng kiến cảnh ấy, nhà vua phát khiếp, sinh lòng nhàm chán, và nói kệ:

Tham chút lợi đất nước
Trầm luân trong bùn dơ
Ham muốn, giận dữ tăng
Đánh nhau sinh thị phi.
Cũng vì tham tài lợi
Mà giết hại lẫn nhau
Chẳng cầu thắng giải thoát
Lại tàn diệt ngôi vua.
Chẳng khác con thiêu thân
Đâm đầu vào lửa chết
Lạ thay! Trong sinh tử
Toàn làm việc điên đảo.
Chẳng đáp nghĩa sinh thành
Lại gây bao họa khổ
Như trên vách núi cao
Có một chút mật ngọt
Người ngu tham chút vị
Chẳng biết khổ rơi xuống
Tư duy như thế rồi
Ngài chứng Bích-chi Phật.

Lúc ấy, nhà vua nói với con: Con không nên nghe lời kẻ xấu, đừng nên làm cái việc phản nghịch. Nếu con trị quốc phải dùng chánh pháp dạy dỗ muôn dân. Nay cha sẽ đem vận nước giao phó cho con. Cha sắp đi đây!

Vương tử, Phụ tướng và hết thảy quyến thuộc nghe nhà vua nói vậy, đều buồn thương rơi lệ. Vương tử vòng tay hỏi vua cha: Bây giờ cha định đâu đâu?

Lúc ấy, nhà vua bay bổng lên hư không, đứng trên ngon núi cao, nói kệ như trên, thân mặc pháp phục, hiện mười tám tướng biến hóa. Muôn dân thấy vậy vui mừng khôn xiết. Thí như con ngựa đã thuần phục, chỉ cần thấy bóng roi là ngoan ngoãn thuận theo, người trí cũng như vậy, thấy người khác chịu khổ, trong tâm liền khiếp sợ mà lo sửa mình.

3. Nhân duyên chứng ngộ quả Bích-chi Phật của Quốc vương Câu-xá-di là Đại Đế.

Cha mẹ và vợ con
Lúa thóc, vải, tiền của
Người trí quán xét kỹ
Xem như kẻ qua đường.
Xả bỏ hết ái dục
Đi riêng như Tê Giác
Xưa tôi nhờ Thầy truyền
Mà nghe được việc này.

Thuở xưa, trong thời Phật Ca Diếp, có một vị Tỳ-kheo thông minh lanh lợi, nhu hòa nhẫn nhục, hàng ngày ngài thường quán sát thể tính chân thật của các pháp. Đó là quán các pháp khổ, không, vô thường, vô ngã, như cây chuối đến thời kỳ khô rục, như huyễn như mộng, như bọt nước nổi tan. Ngài thường khéo quán sát như vậy mà tu tâm mình. Đến lúc mạng chung, được sinh lên cõi trời. Phước thọ ở cõi trời hết, ngài sinh xuống nhân gian, đầu thai làm con của Quốc vương thành Câu-xádi, tên là Đại Đế. Khi vua cha mất, Đại Đế nối nghiệp cha mình, kế thừa ngôi vua. Cũng như những vua trước, ngài chuyên tu giới hạnh, dùng chánh pháp cai trị muôn dân. Bấy giờ, trong thành có một Đại Trưởng giả, của cải vô lượng, vốn là bạn thân của ngài từ nhỏ.

Đại Trưởng giả ấy bỗng mang bệnh nặng, nhà vua nghe tin đích thân đến thăm. Thấy Đại Trưởng giả thân hình tiều tụy, nhà vua xót thương, cúi đầu buồn bã. Bấy giờ, Đại Trưởng giả dùng bình bằng bảy báu đựng đầy vàng ròng, dâng cho nhà vua. Vua bảo Trưởng giả: Ông bệnh năng, mạng sống nguy cấp phải chăng! Trưởng giả đáp: Xin nhà vua thương xót, hãy nghe tôi giải bày, và ông nói kệ:

Nhà tôi giàu có lớn
Chẳng khác Tỳ Sa-môn
Tiếng khen và của cải
Bạn thân đều đông vầy.
Vợ con cùng quyến thuộc
Nô bộc và tùy tùng
Tôi đều thương mến họ
Đãi ngộ rất hậu hỉ
Tôi nay bệnh sắp chết
Chẳng có ai làm bạn
Nhà vua liền an ủi
Lời này rất chân thật
Quyến thuộc và con ông
Của cải cùng kho tàng
Đến sức lực của ông
Voi, ngựa, xe, kẻ hầu
Dù nhiều tới như vậy
Chẳng ai cứu được ông
Chúng ta là bạn bè
Thấy ông chịu khổ nạn
Chỉ có lời an ủi
Ưu sầu rơi lệ thôi.
Dù mạng ông sắp mất
Cũng chẳng thể cứu được
Chỉ một người cứu ông
Đó là sức nghiệp thiện
Vua nhìn kỹ người bệnh
Trong tâm như được định
Tỏ ngộ các khổ hoạn
Chúng sinh đều phải chịu
Tất cả loài hữu tình
Đều bị bệnh bức bách
Bệnh thường làm khổ người
Chẳng có tâm thương xót
Hết thảy người thế gian
Đều phải vào đường chết
Nhưng chẳng ai nhàm sợ
Đến như vợ con ta
Là quyến thuộc của ta
Là tài sản của ta
Họ thân thiết với ta
Ta kết bạn với họ
Vì ngu mê thành bệnh
Nghĩ cặn kẽ như vầy
Thật họa lớn trước mắt
Kẻ ngu mà không thấy
Người thân khắp xưa nay
Chẳng ai cứu ta được
Suy nghĩ như thế rồi
Ngài chứng Bích-chi Phật

Hàng thân thích quyến thuộc của nhà vua khi thấy nhà vua đắc đạo, dứt bỏ việc đời, nỗi đau đớn của ái biệt ly khổ giày vò tâm can khiến ai nấy ưu sầu khổ não. Bấy giờ, vị Bích-chi Phật ấy, bay bổng lên hư không, hiện mười tám tướng biến hóa và nói lại bài kệ trên.

Lại có thuyết nói: Lúc nhà vua này còn làm vương tử, một hôm Ngài vào trong vườn thấy đám người mù đuổi bắt nhau. Nghe Vương tử đến nghĩ là sẽ có thức ăn, nên ai nấy tranh nhau chạy tới. Bên đường có vực thẳm, do không thấy đường nên đám người mù có người bị rơi hố sâu, chết ngay tại chỗ. Có người bể đầu, có người gãy chân gãy tay, thân thể nát nhừ. Vương tử thấy những cảnh tượng đau thương ấy. Ngài sinh tâm nhàm chán và suy nghĩ: Cảnh tượng này đã thức tỉnh ta, đám người mù này biết đâu đã từng là người giàu sang, do phóng túng nên nay phải chịu khổ. Ta nay chứng kiến cảnh tượng này rồi cần phải suy xét kỹ việc làm của mình, không nên phóng túng. Và Vương tử nói kệ:

Như lửa nung chảy vàng,
Kết thành chuỗi trang sức
Chuỗi vàng tuy quý thật
Trọn bị lửa nung chảy
Ngôi vua cũng như thế
Cẩn thận chớ phóng dật
Người mù thức tỉnh ta
Không nên dung túng mình
Không nên vì ngôi vua
Mà khởi tâm kiêu ngạo
Bức bách khiến muôn dân
Phải sinh lòng sầu não
Ngày sau tự chuốc khổ
Khổ gấp trăm ngàn lần
Đã thấy người chịu khổ
Làm sao mình thấy an
Họ là thầy của ta
Chỉ cho ta thống khổ
Suy nghĩ như thế rồi
Ngài chứng Bích-chi Phật.

Bấy giờ, Vương tử ban phát hết tiền bạc của cải cho đám người mù. Ngài mặc pháp phục của Sa-môn bay bổng lên hư không, hiện vô số thần biến và nói với đám quyến thuộc: Ta nay do không bị sân hận, sợ hãi làm cho khổ não, cũng không ghét các ông, ta bỏ thân thích, quốc thành, muôn dân, của cải, vật báu không phải vì chán ghét quyến thuộc, và Vương tử nói lại kệ trên.

4. Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của Quốc vương Câu-xá-di

Bỏ mọi thú vui đùa
Như ta bỏ đàm dãi
Nhẫn vui với xuất ly
Đoạn diệt mọi thống khổ
Dứt sạch tham ái si
Tâm ta được giải thoát
Do vì được giải thoát
Như Tê giác đi riêng
Từng được thầy chỉ dạy
Tôi nghe được việc này.

Vào thời Phật quá khứ, có một vị Bích-chi Phật tu tập các thiện căn, lần thọ sinh sau cùng, Ngài đầu thai làm con của Quốc vương thành Câu-xá-di. Năm đó, nước này gặp phải đại họa hạn hán, gió lốc thổi tràn, lại có sao rơi. Quốc vương liền triệu quan Thái sử coi việc bói đoán đến và dùng kệ hỏi:

Nạn này do duyên gì
Hạn hán chẳng có mưa
Bầu trời không đám mây
Mỗi ngày càng nắng gắt.
Loài chim ác ăn thịt
Như quạ, thứu, kên kên
Bay đầy trên bầu trời
Ai thấy cũng khiếp sợ.
Họ đều hỏi nạn này
Là do ai gây nên
Có thể khiến yêu dị
Tai họa kia như thế?

Thái sử tâu: Theo như thần biết, muôn dân trong nước ắt đang bị những việc khổ não bức bách. Quốc vương hỏi: Phải cầu cúng giải nạn ở phương nào? Thái sử tâu: Nếu nhà vua muốn đất nước an ổn, phải làm đúng như lời thần, và ông nói kệ:

Nếu nhà vua nhường ngôi
Cởi áo cho người khác
Trong vòng đúng sáu tháng
Áo rách mà xin ăn
Tai nạn liền tiêu trừ
Công đức cũng viên mãn.

Bấy giờ, nhà vua làm theo lời Thái sử, bỏ ngôi vua giả làm kẻ ăn xin và đi khắp nước. Dần dần Ngài đến thành Bà-sí-đa, gặp phải lúc Quốc vương của thành khác đem binh đến đánh. Vì sự an nguy của đất nước, Quốc vương Bà-sí-đa liền đem binh chống giặc. Hai bên giao chiến ác liệt, hai Quốc vương đều chết. Các vị Vương tử của thành Bàsí-đa lại nổi lên tranh giành, dốc sức đánh nhau. Tỳ La Tiên vương thấy vậy, than: Lạ thay! Ngôi vua! Và Ngài nói kệ:

Ngôi vua tuy cao quý
An lạc thật mong manh
Tại sao phải làm vậy
Chịu đủ mọi tai ương.
Tranh giành rồi đánh nhau
Gây biết bao nghiệp ác
Như ruồi ham mật ngọt
Dính vào đều mất mạng.
Con người cũng như thế
Vì tham chút vui nhỏ
Đánh nhau tự hoại mình
Ngôi vua thật tai họa
Tích tụ bao khổ não
Họa hoạn và hủy diệt
Như uống nước nhiễm độc
Chất độc làm tan thân
Chỉ vì một thân mình
Làm hại bao kẻ khác
Kẻ ngu tham ngôi vua
Vui ít mà khổ nhiều
Ta từ nay về sau
Trọn chẳng cầu vui này
Lại trăm ngàn việc nước
Đầy dẫy sự lo sợ.
An vui chỉ chốc lát
Khổ lo lắng khôn cùng
Thí như nhà phết vàng
Bị lửa dữ thiêu trụi
Người trí sợ lửa dữ
Nên chẳng vào trong đó
Suy nghĩ như vậy rồi
Ngài chứng Bích-chi Phật
Do nhờ sức thần thông
Râu tóc tự nhiên rụng
Liền làm thân Sa-môn
Bay bổng lên hư không
Rồi từ hư không ấy
Ngài nói kệ như đây.

Nói kệ xong, Ngài bay thẳng vào trụ xứ của các Bích-chi Phật trong Tuyết sơn. Bấy giờ các vị Bích-chi Phật ấy hỏi vì nhân duyên gì mà Ngài chứng đạo? Quốc vương liền đọc bài kệ này mà đáp.

5. Nhân duyên chứng ngộ Bích-chi Phật của Quốc vương Ba-la-nại là Thân Quân.

Thú vui chơi ở đời
Cùng ái ngã, ngã sở
Cần phải buông bỏ hết
Tâm ý được giải thoát.
Các căn đều vắng lặng
Một mình như Tê giác
Xưa tôi nhờ thầy truyền
Mà nghe được việc này.

Thuở xưa, Quốc vương thành Ba-la-nại tên là Thân Quân, ông có hai người vợ. Quốc vương thương yêu cả hai người, hễ vợ muốn gì, ông đều chấp thuận. Ông say mê hai người vợ chẳng khác con voi cuồng ở Hương Sơn, nếu mùi hương trên núi này bay đến núi Ma Lê thì nó liền theo mùi hương chạy đến đó đập phá. Hai người vợ ông thường ganh ghét nhau, người này dòm ngó người kia. Người vợ thứ hai đưa thuốc độc cho kẻ thân tín, bảo hãy đem dâng cho bà vợ thứ nhất. Người vợ này uống phải thuốc độc, chất độc quá mạnh nên sau đó thì chết. Người vợ thứ hai thấy vậy giả bộ sầu não, bứt tóc đấm ngực than khóc thảm thương, cả cung ai cũng cảm động. Quốc vương nghe tin vợ mất rất ưu sầu khổ não. Tả hữu của người vợ thứ nhất có người rất trung thành, thấy chủ chết, người ấy bứt hết những đồ trang sức quý giá trên người vất đi, rồi lấy bùn đất xoa khắp thân. Do khí độc ngấm vào tim, người ấy bỗng phát điên, lúc nào cũng hoảng sợ như có bầy chim két, chim ưng đuổi bắt mình, như Kim sí điểu, chim Thứu làm kinh động cả Long nữ. Thể nữ trong cung thấy chủ chết, ai nấy cũng khiếp sợ như vậy. Trong cung lúc này tang tóc chẳng khác nơi nghĩa địa, như bụi đen che phủ hết ánh sáng, tả hữu đều nơm nớp lo sợ. Quốc vương nghe nơi vương cung sầu não như vậy, lòng thấy hoảng sơ. Ông vất bỏ long bào, mũ miện cùng đồ trang sức nơi thân rồi vào bên quan tài. Thấy đám thể nữ vô cùng đau đớn, Quốc vương càng sầu não, ông suy nghĩ rồi nói kệ:

Ví như ánh mặt trời
Thiêu hoa tươi thành héo
Cái chết làm con người
Mặt mày đều u ám.
Môi miệng bụi bám đầy
Mắt sâu, mũi, tóc hôi
Ca múa hình dung đẹp
Bây giờ như gỗ đá.
Lúc sống hay khiến ta
Đam mê và vui sướng
Vì sao đến lúc chết
Lại làm ta hoảng sợ
Sống chết ôi! Đáng ghét
Hôi hám chẳng hề sạch
Hư huyễn như giấc mộng
Không thật như cây chuối
Không có tướng chắc thật
Giả tạm như bóng bọt
Tạm hiện như bóng nước
Người trí hay nhàm ghét.
Kẻ không biết xét suy
Thường sinh lòng đắm vướng
Ở ngay trong bất tịnh
Thường sinh ham thích thân.
Mê muội rồi chấp trước
Giống như kẻ ngủ mê.

Suy nghĩ thế rồi, Quốc vương cho thiêu xác vợ. Người vợ thứ hai giấu kín tội ác của mình, vẫn ăn ngon ngủ yên nhưng lại giả vờ sầu não, trá hiện buồn thương, bảo mình muốn tuyệt thực. Nhưng cứ lo sợ tội ác của mình bị phát giác, nên trong lòng bà thường lo lắng. Do quá lo lắng như thế nên bà ăn không tiêu và mang bệnh nặng. Quốc vương thấy vậy càng khổ não muôn phần, sinh tâm nhàm chán. Tất cả thống khổ đều do hoạ hoạn sinh tử gây ra. Quốc vương nói kệ:

Người nữ hay sinh ái
Càng ngày ái càng nặng
Con người ai cũng vậy
Do ái sinh vui thích.
Trở lại sinh đại ác
Ái là gốc của khổ
Lúc thấy ái gặp nhau
Phải biết là vô thường
Người mà ta yêu thích
Đoan nghiêm và tráng niên
Một mai cái chết đến
Do vậy cần phải biết
Tại sao có ham thích?
Ai người có trí tuệ
Khi ân ái gặp nhau
Lại sinh lòng vui thích?
Sợ họa già, bệnh, chết
Vì thế ta hằng lìa
Suy nghĩ như vậy rồi
Ngài chứng Bích-chi Phật.

Nói kệ xong, Quốc vương mặc long bào, đeo anh lạc, bay bổng lên hư không. Từ trên hư không Ngài nói lại bài kệ này rồi biến thành Samôn, bay thẳng vào trú xứ các Bích-chi Phật trong Tuyết Sơn.

6. Nhân duyên chứng ngộ quả Bích-chi Phật của vị thái tử con út Chuyển Luân Thánh Vương.

Trong vô lượng kiếp về quá khứ, có một vị Chuyển Luân Thánh Vương sinh đủ ngàn người con. Đứa con út thấy cha ngồi Kim Luân Bảo bằng bảy báu, có bốn thứ lính tùy tùng, lại có đủ cờ xí, phướn lọng để trang sức, bèn hỏi mẹ: Khi nào con sẽ có đầy đủ những đồ trang sức đó?

Người mẹ đáp: Đến mục xương con cũng chẳng có được.

Ngài lại hỏi mẹ: Tại sao chẳng có?

Mẹ ngài đáp: chín trăm chín mươi chín người anh con sẽ lần lượt được truyền ngôi, cứ theo thứ tự như vậy, thì ngôi vua dễ gì đến tay con.

Ngài liền suy nghĩ: Ta đã không được những đồ trang sức ấy, thì chắc sống đến chết, thân rã xương khô. Cứ thế Ngài suy nghĩ vô số họa hoạn sống chết như vậy, và bỗng nhiên chứng đạo Bích-chi Phật. Ngài bay bổng lên không, hiện bày mười tám tướng biến hóa. Người mẹ thấy vậy cầu xin Ngài đừng đi xa, hãy ở nơi khu vườn trong cung để bà cúng dường.

Bấy giờ, vị Bích-chi Phật nhận lời thỉnh của mẹ và ở trong khu vườn sau, ngày ngày nhận sự cúng dường, cứ thế trải qua nhiều năm. Ngày nọ, Ngài nhàm chán vì còn có thân, nên Ngài liền xả thân nhập Niết-bàn. Bà mẹ luyến tiếc, liền dùng củi thơm hỏa thiêu thân Ngài, thâu lấy xá lợi dựng trong bình báu và dựng tháp lớn ở ngay vườn sau để an trí xá lợi. Lúc này, Chuyển Luân Thánh Vương đi tuần du bốn thành và hỏi, người giữ vườn thưa nhà vua: Con út của nhà vua chứng đắc quả Bích-chi Phật, nhập Niết-bàn ở đây, người mẹ đã dựng tháp này để cúng dường.

Nghe vậy, Chuyển Luân Thánh Vương liền mời người mẹ đến hỏi: Con ta vì sao chết và tại sao lại dựng tháp này?

Người mẹ bèn tâu rõ mọi chuyện cho vua nghe. Nhà vua trách: Con ta muốn vậy, sao nàng không nói ta biết. Nay tuy nó đã nhập Niếtbàn nhưng ta vẫn dùng đồ trang sức của vua an trí trên tháp.

Do nhân duyên đó, nên trong vô lương kiếp, nhà vua thường làm Chuyển Luân Thánh Vương, thức ăn tự nhiên có sẵn, phước ấy không khi nào cùng tận. Nếu ở trong sinh tử, nhà vua có hai ngàn năm trăm đời làm Chuyển Luân Thánh Vương và sau thành Phật, có đủ hai ngàn năm trăm lọng báu. Vua A-xà-thế cúng Phật năm trăm lọng báu, Tỳxá-ly Luật Xa Tử cúng Phật năm trăm lọng báu, Hải Long vương cúng Phật năm trăm lọng báu, A-tu-la vương cúng Phật năm trăm lọng báu. Thiên Đế thích cũng dâng Phật năm trăm lọng báu. Bấy giờ, Đức Thế Tôn chỉ không nhận một lọng báu. Vì sao? Vì chúng đệ tử đời sau nếu thiếu y phục, vật thực, thì nhờ phước lực của lọng báu này sẽ khiến cho Trời người tự nhiên phát tâm cúng dường. Do vậy, cần phải biết, phước điền của Thánh hiền rộng sâu vô lượng.

Trang: 1 2