LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 11
Phẩm 6: NĂM PHÁP, phần 1
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử lại nói với đại chúng: Các Cụ thọ nên biết! Đức Phật đối với năm pháp đã tự khéo thông đạt, hiện Đẳng giác rồi, vì các đệ tử tuyên thuyết khai thị. Nay chúng ta nên hòa hợp kết tập, để sau khi Đức Phật diệt độ chớ nên có tranh cãi, chống đối. Nên khiến cho pháp luật thuận theo phạm hạnh được trụ lâu, đem lại lợi lạc cho vô lượng hữu tình. Lại thương xót các chúng trời, người ở thế gian, khiến họ đạt được nghĩa lợi an lạc thù thắng.
Những gì là năm pháp? Ở đây có 2 Tụng nêu tổng quát.
**
1. Tụng nêu tổng quát thứ nhất:
Một: Năm pháp có mười
Là uẩn, thủ, dục diệu
Xan, thú, cái, tài, phược
Kiết trên dưới đều năm.
Gồm có: Năm uẩn, năm thủ uẩn, năm dục diệu, năm xan, năm thú, năm cái, năm tâm mới sinh khởi, năm tâm bị trói buộc, năm kiết thuận phần dưới, năm kiết thuận phần trên.
*
* Năm uẩn: 1. Sắc uẩn. 2. Thọ uẩn. 3. Tưởng uẩn. 4. Hành uẩn. 5. Thức uẩn.
1. Thế nào là sắc uẩn?
Đáp: Nghĩa là các sắc hiện có, hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hay ngoài, hoặc thô hay tế, hoặc kém hay hơn, hoặc xa hay gần, v.v…, tất cả như thế lược làm một nhóm gọi là sắc uẩn.
2. Thế nào là thọ uẩn?
Đáp: Nghĩa là các thọ hiện có, hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hay ngoài, hoặc thô hay tế, hoặc kém hay hơn, hoặc xa hay gần, v.v…, tất cả như thế lược làm một nhóm gọi là thọ uẩn.
3. Thế nào là tưởng uẩn?
Đáp: Nghĩa là các tưởng hiện có, hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hay ngoài, hoặc thô hay tế, hoặc kém hay hơn, hoặc xa hay gần, v.v…, tất cả như thế lược làm một nhóm gọi là tưởng uẩn.
4. Thế nào là hành uẩn?
Đáp: Nghĩa là các hành hiện có, hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hay ngoài, hoặc thô hay tế, hoặc kém hay hơn, hoặc xa hay gần, v.v…, tất cả như thế lược làm một nhóm gọi là hành uẩn.
5. Thế nào là thức uẩn?
Đáp: Nghĩa là các thức hiện có, hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong hay ngoài, hoặc thô hay tế, hoặc kém hay hơn, hoặc xa hay gần, v.v…, tất cả như thế lược làm một nhóm gọi là thức uẩn.
Ở đây:
1. Các sắc hiện có: Thế nào gọi là các sắc hiện có? Hết thảy các sắc hiện có: Nghĩa là bốn đại chủng đất, nước, lửa, gió và các thứ sắc do bốn đại chúng tạo ra. Như thế gọi là các sắc hiện có. Lại nữa, hết thảy các sắc hiện có, tức là mười sắc xứ và phần sắc thuộc về pháp xứ. Như thế gọi là các sắc hiện có.
Hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại: Thế nào là sắc quá khứ? Như các sắc đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã hiện chuyển, đã tụ tập, đã xuất hiện, đã từ tạ đi qua, đã diệt hết, đã lìa biến, là tánh quá khứ, thuộc loại quá khứ, thuộc đời quá khứ. Đó gọi là sắc quá khứ.
Thế nào là sắc vị lai? Như các sắc chưa khởi, chưa cùng khởi, chưa sinh, chưa cùng sinh, chưa chuyển đổi, chưa hiện chuyển đổi, chưa tụ tập, chưa xuất hiện, là tánh vị lai, thuộc loại vị lai, thuộc đời vị lai. Đó gọi là sắc vị lai.
Thế nào là sắc hiện tại? Như các sắc đang khởi, đang cùng khởi, đang sinh, đang cùng sinh, đang chuyển đổi, đang hiện chuyển đổi, đang tụ tập, đang xuất hiện, đang trụ, đang từ tạ đi qua, đang diệt mất, đang lìa biến, có sự hòa hợp hiện tiền, là tánh hiện tại, thuộc loại hiện tại, thuộc đời hiện tại. Đó gọi là sắc hiện tại.
Hoặc trong hay ngoài: Thế nào là sắc bên trong? Như sắc ở tại đây nối tiếp, đã được không mất, đó gọi là sắc bên trong. Thế nào là sắc bên ngoài? Như sắc ở tại đây nối tiếp, hoặc vốn chưa được, hoặc đã được nhưng bị mất, hoặc có sự nối tiếp khác, hoặc thuộc loại phi tình, đó gọi là sắc bên ngoài. Như thế gọi là hoặc trong hay ngoài.
Hoặc thô hay tế: Thế nào là thiết lập sắc thô, sắc tế? Tức quán đối để thiết lập sắc thô, sắc tế. Sự việc ấy như thế nào?
Nếu quán đối sắc không thấy, có đối, thì sắc có thấy, có đối gọi là thô. Nếu quán đối sắc có thấy, có đối, thì sắc không thấy, có đối gọi là tế. Nếu quán đối sắc không thấy, không đối, thì sắc không thấy, có đối gọi là thô. Nếu quán đối sắc không thấy, có đối, thì sắc không thấy, không đối gọi là tế.
Nếu quán đối sắc của cõi Sắc thì sắc của cõi Dục gọi là thô. Nếu quán đối sắc của cõi Dục thì sắc của cõi Sắc gọi là tế. Nếu quán đối sắc không hệ thuộc thì sắc của cõi Sắc gọi là thô. Nếu quán đối sắc của cõi Sắc thì sắc không hệ thuộc gọi là tế.
Như thế là thiết lập sắc thô, sắc tế, nên gọi là hoặc thô hay tế.
Hoặc kém hay hơn: Thế nào là thiết lập sắc kém, sắc hơn? Tức quán đối để thiết lập sắc kém, sắc hơn. Sự việc ấy như thế nào?
Nếu quán đối sắc hữu phú vô ký thì sắc bất thiện gọi là kém. Nếu quán đối sắc bất thiện thì sắc hữu phú vô ký gọi là hơn. Nếu quán đối sắc vô phú vô ký thì sắc hữu phú vô ký gọi là kém. Nếu quán đối sắc hữu phú vô ký thì sắc vô phú vô ký gọi là hơn. Nếu quán đối sắc thiện hữu lậu thì sắc vô phú vô ký gọi là kém. Nếu quán đối sắc vô phú vô ký thì sắc thiện hữu lậu gọi là hơn. Nếu quán đối sắc thiện vô lậu thì sắc thiện hữu lậu gọi là kém. Nếu quán đối sắc thiện hữu lậu thì sắc thiện vô lậu gọi là hơn.
Nếu quán đối sắc của cõi Sắc thì sắc của cõi Dục gọi là kém. Nếu quán đối sắc của cõi Dục thì sắc của cõi Sắc gọi là hơn. Nếu quán đối sắc không hệ thuộc thì sắc của cõi Sắc gọi là kém. Nếu quán đối sắc của cõi Sắc thì sắc không hệ thuộc gọi là hơn.
Như thế là thiết lập sắc kém, sắc hơn, nên gọi là hoặc kém hay hơn.
Hoặc xa hay gần: Thế nào là các sắc xa? Nghĩa là các sắc ở quá khứ, vị lai. Thế nào là các sắc gần? Nghĩa là các sắc ở hiện tại. Lại nữa, thế nào là các sắc xa? Như các sắc ở quá khứ không phải là vô gián diệt, hoặc các sắc ở vị lai không phải là hiện tiền khởi, đó gọi là các sắc xa. Thế nào là các sắc gần? Như các sắc ở quá khứ là vô gián đã diệt, hoặc các sắc ở vị lai là hiện tiền đang khởi, đó gọi là các sắc gần. Như thế gọi là hoặc xa hay gần.
Tất cả như thế lược làm một nhóm: Thế nào là tất cả lược làm một nhóm? Nghĩa là suy xét, tư duy, lượng định, quan sát, tụ tập làm một nhóm.
Gọi là sắc uẩn: Vì sao gọi là sắc uẩn? Vì nơi sắc uẩn này đã hiển bày về sắc, hiển bày về uẩn, hiển bày về thân, hiển bày về sự tích tụ, thế nên gọi là sắc uẩn.
2. Các thọ hiện có: Thế nào gọi là các thọ hiện có? Hết thảy các thọ hiện có: Nghĩa là sáu thọ thân. Những gì là sáu? Đó là thọ do nhãn xúc sinh. Các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc sinh. Như thế gọi là các thọ hiện có.
Hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại: Thế nào là thọ quá khứ? Như các thọ đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã hiện chuyển, đã tụ tập, đã xuất hiện, đã từ tạ đi qua, đã diệt mất, đã lìa biến, là tánh quá khứ, thuộc loại quá khứ, thuộc đời quá khứ. Đó gọi là thọ quá khứ.
Thế nào là thọ vị lai? Như các thọ chưa khởi, chưa cùng khởi, chưa sinh, chưa cùng sinh, chưa chuyển đổi, chưa hiện chuyển đổi, chưa tụ tập, chưa xuất hiện, là tánh vị lai, thuộc loại vị lai, thuộc đời vị lai. Đó gọi là thọ vị lai.
Thế nào là thọ hiện tại? Như các thọ đang khởi, đang cùng khởi, đang sinh, đang cùng sinh, đang chuyển đổi, đang hiện chuyển đổi, đang tụ tập, đang xuất hiện, đang trụ, đang từ tạ đi qua, đang diệt mất, đang lìa biến, có sự hòa hợp hiện tiền, là tánh hiện tại, thuộc loại hiện tại, thuộc đời hiện tại. Đó gọi là thọ hiện tại.
Hoặc trong hay ngoài: Thế nào là thọ bên trong? Như thọ ở tại đây nối tiếp, đã được không mất, đó gọi là thọ bên trong. Thế nào là thọ bên ngoài? Như thọ ở tại đây nối tiếp, hoặc vốn chưa được, hoặc đã được nhưng bị mất, hoặc có sự nối tiếp khác, đó gọi là thọ bên ngoài. Như thế gọi là hoặc trong hay ngoài.
Hoặc thô hay tế: Thế nào là thiết lập thọ thô, thọ tế? Tức quán đối để thiết lập thọ thô, thọ tế. Sự việc ấy như thế nào?
Nếu quán đối thọ không tầm chỉ có tứ, thì thọ có tầm có tứ gọi là thô. Nếu quán đối thọ có tầm có tứ, thì thọ không tầm chỉ có tứ gọi là tế. Nếu quán đối thọ không tầm không tứ, thì thọ không tầm chỉ có tứ gọi là thô. Nếu quán đối thọ không tầm chỉ có tứ, thì thọ không tầm không tứ gọi là tế.
Nếu quán đối thọ của cõi Sắc thì thọ của cõi Dục gọi là thô. Nếu quán đối thọ của cõi Dục thì thọ của cõi Sắc gọi là tế. Nếu quán đối thọ của cõi Vô sắc thì thọ của cõi Sắc gọi là thô. Nếu quán đối thọ của cõi Sắc thì thọ của cõi Vô sắc gọi là tế. Nếu quán đối thọ không hệ thuộc thì thọ của cõi Vô sắc gọi là thô. Nếu quán đối thọ của cõi Vô sắc thì thọ không hệ thuộc gọi là tế.
Như thế là thiết lập thọ thô, thọ tế, nên gọi là hoặc thô hay tế.
Hoặc kém hay hơn: Thế nào là thiết lập thọ kém, thọ hơn? Tức quán đối để thiết lập thọ kém, thọ hơn. Sự việc ấy như thế nào?
Nếu quán đối thọ hữu phú vô ký thì thọ bất thiện gọi là kém. Nếu quán đối thọ bất thiện thì thọ hữu phú vô ký gọi là hơn. Nếu quán đối thọ vô phú vô ký thì thọ hữu phú vô ký gọi là kém. Nếu quán đối thọ hữu phú vô ký thì thọ vô phú vô ký gọi là hơn. Nếu quán đối thọ thiện hữu lậu thì thọ vô phú vô ký gọi là kém. Nếu quán đối thọ vô phú vô ký thì thọ thiện hữu lậu gọi là hơn. Nếu quán đối thọ thiện vô lậu thì thọ thiện hữu lậu gọi là kém. Nếu quán đối thọ thiện hữu lậu thì thọ thiện vô lậu gọi là hơn.
Nếu quán đối thọ của cõi Sắc thì thọ của cõi Dục gọi là kém. Nếu quán đối thọ của cõi Dục thì thọ của cõi Sắc gọi là hơn. Nếu quán đối thọ của cõi Vô sắc thì thọ của cõi Sắc gọi là kém. Nếu quán đối thọ của cõi Sắc thì thọ của cõi Vô sắc gọi là hơn. Nếu quán đối thọ không hệ thuộc thì thọ của cõi Vô sắc gọi là kém. Nếu quán đối thọ của cõi Vô sắc thì thọ không hệ thuộc gọi là hơn.
Như thế là thiết lập thọ kém, thọ hơn, nên gọi là hoặc kém hay hơn.
Hoặc xa hay gần: Thế nào là các thọ xa? Nghĩa là các thọ ở quá khứ, vị lai. Thế nào là các thọ gần? Nghĩa là các thọ ở hiện tại. Lại nữa, thế nào là các thọ xa? Như các thọ ở quá khứ không phải là vô gián diệt, hoặc các thọ ở vị lai không phải là hiện tiền khởi, đó gọi là các thọ xa. Thế nào là các thọ gần? Như các thọ ở quá khứ là vô gián đã diệt, hoặc các thọ ở vị lai là hiện tiền đang khởi, đó gọi là các thọ gần. Như thế gọi là hoặc xa hay gần.
Tất cả như thế lược làm một nhóm: Thế nào là tất cả lược làm một nhóm? Nghĩa là suy xét, tư duy, lượng định, quan sát, tụ tập thành một nhóm.
Gọi là thọ uẩn: Vì sao gọi là thọ uẩn? Vì nơi thọ uẩn này đã hiển bày về thọ, hiển bày về uẩn, hiển bày về thân, hiển bày về sự tích tụ, thế nên gọi là thọ uẩn.
3. Các tưởng hiện có: Thế nào gọi là các tưởng hiện có? Hết thảy các tưởng hiện có: Nghĩa là sáu tưởng thân. Những gì là sáu? Đó là tưởng do nhãn xúc sinh. Các tưởng do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc sinh. Như thế gọi là các tưởng hiện có.
Hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại: Thế nào là tưởng quá khứ? Như các tưởng đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã hiện chuyển, đã tụ tập, đã xuất hiện, đã từ tạ đi qua, đã diệt mất, đã lìa biến, là tánh quá khứ, thuộc loại quá khứ, thuộc đời quá khứ. Đó gọi là tưởng quá khứ.
Thế nào là tưởng vị lai? Như các tưởng chưa khởi, chưa cùng khởi, chưa sinh, chưa cùng sinh, chưa chuyển đổi, chưa hiện chuyển đổi, chưa tụ tập, chưa xuất hiện, là tánh vị lai, thuộc loại vị lai, thuộc đời vị lai. Đó gọi là tưởng vị lai.
Thế nào là tưởng hiện tại? Như các tưởng đang khởi, đang cùng khởi, đang sinh, đang cùng sinh, đang chuyển đổi, đang hiện chuyển đổi, đang tụ tập, đang xuất hiện, đang trụ, đang từ tạ đi qua, đang diệt mất, đang lìa biến, có sự hòa hợp hiện tiền, là tánh hiện tại, thuộc loại hiện tại, thuộc đời hiện tại. Đó gọi là tưởng hiện tại.
Hoặc trong hay ngoài: Thế nào là tưởng bên trong? Như tưởng ở tại đây nối tiếp, đã được không mất, đó gọi là tưởng bên trong. Thế nào là tưởng bên ngoài? Như tưởng ở tại đây nối tiếp, hoặc vốn chưa được, hoặc đã được nhưng bị mất, hoặc có sự nối tiếp khác, đó gọi là tưởng bên ngoài. Như thế gọi là hoặc trong hay ngoài.
Hoặc thô hay tế: Thế nào là thiết lập tưởng thô, tưởng tế? Tức quán đối để thiết lập tưởng thô, tưởng tế. Sự việc ấy như thế nào?
Nếu quán đối tưởng không tầm chỉ có tứ, thì tưởng có tầm có tứ gọi là thô. Nếu quán đối tưởng có tầm có tứ, thì tưởng không tầm chỉ có tứ gọi là tế. Nếu quán đối tưởng không tầm không tứ, thì tưởng không tầm chỉ có tứ gọi là thô. Nếu quán đối tưởng không tầm chỉ có tứ, thì tưởng không tầm không tứ gọi là tế.
Nếu quán đối tưởng của cõi Sắc thì tưởng của cõi Dục gọi là thô. Nếu quán đối tưởng của cõi Dục thì tưởng của cõi Sắc gọi là tế. Nếu quán đối tưởng của cõi Vô sắc thì tưởng của cõi Sắc gọi là thô. Nếu quán đối tưởng của cõi Sắc thì tưởng của cõi Vô sắc gọi là tế. Nếu quán đối tưởng không hệ thuộc thì tưởng của cõi Vô sắc gọi là thô. Nếu quán đối tưởng của cõi Vô sắc thì tưởng không hệ thuộc gọi là tế. Như thế là thiết lập tưởng thô, tưởng tế, nên gọi là hoặc thô hay tế.
Hoặc kém hay hơn: Thế nào là thiết lập tưởng kém, tưởng hơn? Tức quán đối để thiết lập tưởng kém, tưởng hơn. Sự việc ấy như thế nào?
Nếu quán đối tưởng hữu phú vô ký thì tưởng bất thiện gọi là kém. Nếu quán đối tưởng bất thiện thì tưởng hữu phú vô ký gọi là hơn. Nếu quán đối tưởng vô phú vô ký thì tưởng hữu phú vô ký gọi là kém. Nếu quán đối tưởng hữu phú vô ký thì tưởng vô phú vô ký gọi là hơn. Nếu quán đối tưởng thiện hữu lậu thì tưởng vô phú vô ký gọi là kém. Nếu quán đối tưởng vô phú vô ký thì tưởng thiện hữu lậu gọi là hơn. Nếu quán đối tưởng thiện vô lậu thì tưởng thiện hữu lậu gọi là kém. Nếu quán đối tưởng thiện hữu lậu thì tưởng thiện vô lậu gọi là hơn.
Nếu quán đối tưởng của cõi Sắc thì tưởng của cõi Dục gọi là kém. Nếu quán đối tưởng của cõi Dục thì tưởng của cõi Sắc gọi là hơn. Nếu quán đối tưởng của cõi Vô sắc thì tưởng của cõi Sắc gọi là kém. Nếu quán đối tưởng của cõi Sắc thì tưởng của cõi Vô sắc gọi là hơn. Nếu quán đối tưởng không hệ thuộc thì tưởng của cõi Vô sắc gọi là kém. Nếu quán đối tưởng của cõi Vô sắc thì tưởng không hệ thuộc gọi là hơn.
Như thế là thiết lập tưởng kém, tưởng hơn, nên gọi là hoặc kém hay hơn.
Hoặc xa hay gần: Thế nào là các tưởng xa? Nghĩa là các tưởng ở quá khứ, vị lai. Thế nào là các tưởng gần? Nghĩa là các tưởng ở hiện tại. Lại nữa, thế nào là các tưởng xa? Như các tưởng ở quá khứ không phải là vô gián diệt, hoặc các tưởng ở vị lai không phải là hiện tiền khởi, đó gọi là các tưởng xa. Thế nào là các tưởng gần? Như các tưởng ở quá khứ là vô gián đã diệt, hoặc các tưởng ở vị lai là hiện tiền đang khởi, đó gọi là các tưởng gần. Như thế gọi là hoặc xa hay gần.
Tất cả như thế lược làm một nhóm: Thế nào là tất cả lược làm một nhóm? Nghĩa là suy xét, tư duy, lượng định, quan sát, tụ tập thành một nhóm.
Gọi là tưởng uẩn: Vì sao gọi là tưởng uẩn? Vì nơi tưởng uẩn này đã hiển bày về tưởng, hiển bày về uẩn, hiển bày về thân, hiển bày về sự tích tụ, thế nên gọi là tưởng uẩn.
4. Các hành hiện có: Thế nào gọi là các hành hiện có? Hết thảy các hành hiện có: Nghĩa là sáu hành thân. Những gì là sáu? Đó là hành do nhãn xúc sinh. Các hành do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc sinh. Như thế gọi là các hành hiện có.
Hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại: Thế nào là hành quá khứ? Như các hành đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã hiện chuyển, đã tụ tập, đã xuất hiện, đã từ tạ đi qua, đã diệt mất, đã lìa biến, là tánh quá khứ, thuộc loại quá khứ, thuộc đời quá khứ. Đó gọi là hành quá khứ.
Thế nào là hành vị lai? Như các hành chưa khởi, chưa cùng khởi, chưa sinh, chưa cùng sinh, chưa chuyển đổi, chưa hiện chuyển đổi, chưa tụ tập, chưa xuất hiện, là tánh vị lai, thuộc loại vị lai, thuộc đời vị lai. Đó gọi là hành vị lai.
Thế nào là hành hiện tại? Như các hành đang khởi, đang cùng khởi, đang sinh, đang cùng sinh, đang chuyển đổi, đang hiện chuyển đổi, đang tụ tập, đang xuất hiện, đang trụ, đang từ tạ đi qua, đang diệt mất, đang lìa biến, có sự hòa hợp hiện tiền, là tánh hiện tại, thuộc loại hiện tại, thuộc đời hiện tại. Đó gọi là hành hiện tại.
Hoặc trong hay ngoài: Thế nào là hành bên trong? Như hành ở tại đây nối tiếp, đã được không mất, đó gọi là hành bên trong. Thế nào là hành bên ngoài? Như hành ở tại đây nối tiếp, hoặc vốn chưa được, hoặc đã được nhưng bị mất, hoặc có sự nối tiếp khác, hoặc thuộc loại phi tình, đó gọi là hành bên ngoài. Như thế gọi là hoặc trong hay ngoài.
Hoặc thô hay tế: Thế nào là thiết lập hành thô, hành tế? Tức quán đối để thiết lập hành thô, hành tế. Sự việc ấy như thế nào?
Nếu quán đối hành không tầm chỉ có tứ, thì hành có tầm có tứ gọi là thô. Nếu quán đối hành có tầm có tứ, thì hành không tầm chỉ có tứ gọi là tế. Nếu quán đối hành không tầm không tứ, thì hành không tầm chỉ có tứ gọi là thô. Nếu quán đối hành không tầm chỉ có tứ, thì hành không tầm không tứ gọi là tế.
Nếu quán đối hành của cõi Sắc thì hành của cõi Dục gọi là thô. Nếu quán đối hành của cõi Dục thì hành của cõi Sắc gọi là tế. Nếu quán đối hành của cõi Vô sắc thì hành của cõi Sắc gọi là thô. Nếu quán đối hành của cõi Sắc thì hành của cõi Vô sắc gọi là tế. Nếu quán đối hành không hệ thuộc thì hành của cõi Vô sắc gọi là thô. Nếu quán đối hành của cõi Vô sắc thì hành không hệ thuộc gọi là tế.
Như thế là thiết lập hành thô, hành tế, nên gọi là hoặc thô hay tế.
Hoặc kém hay hơn: Thế nào là thiết lập hành kém, hành hơn? Tức quán đối để thiết lập hành kém, hành hơn. Sự việc ấy như thế nào?
Nếu quán đối hành hữu phú vô ký thì hành bất thiện gọi là kém. Nếu quán đối hành bất thiện thì hành hữu phú vô ký gọi là hơn. Nếu quán đối hành vô phú vô ký thì hành hữu phú vô ký gọi là kém. Nếu quán đối hành hữu phú vô ký thì hành vô phú vô ký gọi là hơn. Nếu quán đối hành thiện hữu lậu thì hành vô phú vô ký gọi là kém. Nếu quán đối hành vô phú vô ký thì hành thiện hữu lậu gọi là hơn. Nếu quán đối hành thiện vô lậu thì hành thiện hữu lậu gọi là kém. Nếu quán đối hành thiện hữu lậu thì hành thiện vô lậu gọi là hơn.
Nếu quán đối hành của cõi Sắc thì hành của cõi Dục gọi là kém. Nếu quán đối hành của cõi Dục thì hành của cõi Sắc gọi là hơn. Nếu quán đối hành của cõi Vô sắc thì hành của cõi Sắc gọi là kém. Nếu quán đối hành của cõi Sắc thì hành của cõi Vô sắc gọi là hơn. Nếu quán đối hành không hệ thuộc thì hành của cõi Vô sắc gọi là kém. Nếu quán đối hành của cõi Vô sắc thì hành không hệ thuộc gọi là hơn.
Như thế là thiết lập hành kém, hành hơn, nên gọi là hoặc kém hay hơn.
Hoặc xa hay gần: Thế nào là các hành xa? Nghĩa là các hành ở quá khứ, vị lai. Thế nào là các hành gần? Nghĩa là các hành ở hiện tại. Lại nữa, thế nào là các hành xa? Như các hành ở quá khứ không phải là vô gián diệt, hoặc các hành ở vị lai không phải là hiện tiền khởi, đó gọi là các hành xa. Thế nào là các hành gần? Như các hành ở quá khứ là vô gián đã diệt, hoặc các hành ở vị lai là hiện tiền đang khởi, đó gọi là các hành gần. Như thế gọi là hoặc xa hay gần.
Tất cả như thế lược làm một nhóm: Thế nào là tất cả lược làm một nhóm? Nghĩa là suy xét, tư duy, lượng định, quan sát, tụ tập thành một nhóm.
Gọi là hành uẩn: Vì sao gọi là hành uẩn? Vì nơi hành uẩn này đã hiển bày về hành, hiển bày về uẩn, hiển bày về thân, hiển bày về sự tích tụ, thế nên gọi là hành uẩn.
5. Các thức hiện có: Thế nào gọi là các thức hiện có? Hết thảy các thức hiện có: Nghĩa là sáu thức thân. Những gì là sáu? Đó là nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Như thế gọi là các thức hiện có.
Hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại: Thế nào là thức quá khứ? Như các thức đã khởi, đã cùng khởi, đã sinh, đã cùng sinh, đã chuyển, đã hiện chuyển, đã tụ tập, đã xuất hiện, đã từ tạ đi qua, đã diệt mất, đã lìa biến, là tánh quá khứ, thuộc loại quá khứ, thuộc đời quá khứ. Đó gọi là thức quá khứ.
Thế nào là thức vị lai? Như các thức chưa khởi, chưa cùng khởi, chưa sinh, chưa cùng sinh, chưa chuyển đổi, chưa hiện chuyển đổi, chưa tụ tập, chưa xuất hiện, là tánh vị lai, thuộc loại vị lai, thuộc đời vị lai. Đó gọi là thức vị lai.
Thế nào là thức hiện tại? Như các thức đang khởi, đang cùng khởi, đang sinh, đang cùng sinh, đang chuyển đổi, đang hiện chuyển đổi, đang tụ tập, đang xuất hiện, đang trụ, đang từ tạ đi qua, đang diệt mất, đang lìa biến, có sự hòa hợp hiện tiền, là tánh hiện tại, thuộc loại hiện tại, thuộc đời hiện tại. Đó gọi là thức hiện tại.
Hoặc trong hay ngoài: Thế nào là thức bên trong? Như thức ở tại đây nối tiếp, đã được không mất, đó gọi là thức bên trong. Thế nào là thức bên ngoài? Như thức ở tại đây nối tiếp, hoặc vốn chưa được, hoặc đã được nhưng bị mất, hoặc có sự nối tiếp khác, đó gọi là thức bên ngoài. Như thế gọi là hoặc trong hay ngoài.
Hoặc thô hay tế: Thế nào là thiết lập thức thô, thức tế? Tức quán đối để thiết lập thức thô, thức tế. Sự việc ấy như thế nào?
Nếu quán đối thức không tầm chỉ có tứ, thì thức có tầm có tứ gọi là thô. Nếu quán đối thức có tầm có tứ, thì thức không tầm chỉ có tứ gọi là tế. Nếu quán đối thức không tầm không tứ, thì thức không tầm chỉ có tứ gọi là thô. Nếu quán đối thức không tầm chỉ có tứ, thì thức không tầm không tứ gọi là tế.
Nếu quán đối thức của cõi Sắc thì thức của cõi Dục gọi là thô. Nếu quán đối thức của cõi Dục thì thức của cõi Sắc gọi là tế. Nếu quán đối thức của cõi Vô sắc thì thức của cõi Sắc gọi là thô. Nếu quán đối thức của cõi Sắc thì thức của cõi Vô sắc gọi là tế. Nếu quán đối thức không hệ thuộc thì thức của cõi Vô sắc gọi là thô. Nếu quán đối thức của cõi Vô sắc thì thức không hệ thuộc gọi là tế.
Như thế là thiết lập thức thô, thức tế, nên gọi là hoặc thô hay tế.
Hoặc kém hay hơn: Thế nào là thiết lập thức kém, thức hơn? Tức quán đối để thiết lập thức kém, thức hơn. Sự việc ấy như thế nào?
Nếu quán đối thức hữu phú vô ký thì thức bất thiện gọi là kém. Nếu quán đối thức bất thiện thì thức hữu phú vô ký gọi là hơn. Nếu quán đối thức vô phú vô ký thì thức hữu phú vô ký gọi là kém. Nếu quán đối thức hữu phú vô ký thì thức vô phú vô ký gọi là hơn. Nếu quán đối thức thiện hữu lậu thì thức vô phú vô ký gọi là kém. Nếu quán đối thức vô phú vô ký thì thức thiện hữu lậu gọi là hơn. Nếu quán đối thức thiện vô lậu thì thức thiện hữu lậu gọi là kém. Nếu quán đối thức thiện hữu lậu thì thức thiện vô lậu gọi là hơn.
Nếu quán đối thức của cõi Sắc thì thức của cõi Dục gọi là kém. Nếu quán đối thức của cõi Dục thì thức của cõi Sắc gọi là hơn. Nếu quán đối thức của cõi Vô sắc thì thức của cõi Sắc gọi là kém. Nếu quán đối thức của cõi Sắc thì thức của cõi Vô sắc gọi là hơn. Nếu quán đối thức không hệ thuộc thì thức của cõi Vô sắc gọi là kém. Nếu quán đối thức của cõi Vô sắc thì thức không hệ thuộc gọi là hơn.
Như thế là thiết lập thức kém, thức hơn, nên gọi là hoặc kém hay hơn.
Hoặc xa hay gần: Thế nào là các thức xa? Nghĩa là các thức ở quá khứ, vị lai. Thế nào là các thức gần? Nghĩa là các thức ở hiện tại. Lại nữa, thế nào là các thức xa? Như các thức ở quá khứ không phải là vô gián diệt, hoặc các thức ở vị lai không phải là hiện tiền khởi, đó gọi là các thức xa. Thế nào là các thức gần? Như các thức ở quá khứ là vô gián đã diệt, hoặc các thức ở vị lai là hiện tiền đang khởi, đó gọi là các thức gần. Như thế gọi là hoặc xa hay gần.
Tất cả như thế lược làm một nhóm: Thế nào là tất cả lược làm một nhóm? Nghĩa là suy xét, tư duy, lượng định, quan sát, tụ tập thành một nhóm.
Gọi là thức uẩn: Vì sao gọi là thức uẩn? Vì nơi thức uẩn này đã hiển bày về thức, hiển bày về uẩn, hiển bày về thân, hiển bày về sự tích tụ, thế nên gọi là thức uẩn.
*
* Năm thủ uẩn: 1. Sắc thủ uẩn. 2. Thọ thủ uẩn. 3. Tưởng thủ uẩn. 4. Hành thủ uẩn. 5. Thức thủ uẩn.
1. Thế nào là sắc thủ uẩn?
Đáp: Như các sắc hữu lậu thuận theo các thủ, nơi các sắc ấy, hoặc ở quá khứ, vị lai, hiện tại, sinh ra các thứ hoặc tham, sân, si, hoặc tùy theo mỗi mỗi tâm sở nơi tùy phiền não. Đó gọi là sắc thủ uẩn.
2. Thế nào là thọ thủ uẩn?
Đáp: Như các thọ hữu lậu thuận theo các thủ, nơi các thọ ấy, hoặc ở quá khứ, vị lai, hiện tại, sinh ra các thứ hoặc tham, sân, si, hoặc tùy theo mỗi mỗi tâm sở nơi tùy phiền não. Đó gọi là thọ thủ uẩn.
3. Thế nào là tưởng thủ uẩn?
Đáp: Như các tưởng hữu lậu thuận theo các thủ, nơi các tưởng ấy, hoặc ở quá khứ, vị lai, hiện tại, sinh ra các thứ hoặc tham, sân, si, hoặc tùy theo mỗi mỗi tâm sở nơi tùy phiền não. Đó gọi là tưởng thủ uẩn.
4. Thế nào là hành thủ uẩn?
Đáp: Như các hành hữu lậu thuận theo các thủ, nơi các hành ấy, hoặc ở quá khứ, vị lai, hiện tại, sinh ra các thứ hoặc tham, sân, si, hoặc tùy theo mỗi mỗi tâm sở nơi tùy phiền não. Đó gọi là hành thủ uẩn.
5. Thế nào là thức thủ uẩn?
Đáp: Như các thức hữu lậu thuận theo các thủ, nơi các thức ấy, hoặc ở quá khứ, vị lai, hiện tại, sinh ra các thứ hoặc tham, sân, si, hoặc tùy theo mỗi mỗi tâm sở nơi tùy phiền não. Đó gọi là thức thủ uẩn.
*
* Năm dục diệu: Cụ thọ nên biết! Những gì là năm? 1. Khi mắt nhận thức sắc sinh ra các thứ đáng yêu mến, vui thích, hợp ý. Chính sắc đáng yêu mến ấy có thể dẫn đến các dục thuận theo nhiễm chấp. Đó gọi là dục diệu của mắt nhận biết sắc. 2. Khi tai nhận thức tiếng sinh ra các thứ đáng yêu mến, vui thích, hợp ý. Chính âm thanh đáng yêu mến ấy có thể dẫn đến các dục thuận theo nhiễm chấp. Đó gọi là dục diệu của tai nhận biết tiếng. 3. Khi mũi nhận thức mùi sinh ra các thứ đáng yêu mến, vui thích, hợp ý. Chính hương đáng yêu mến ấy có thể dẫn đến các dục thuận theo nhiễm chấp. Đó gọi là dục diệu của mũi nhận biết hương. 4. Khi lưỡi nhận thức các vị sinh ra các thứ đáng yêu mến, vui thích, hợp ý. Chính vị đáng yêu mến ấy có thể dẫn đến các dục thuận theo nhiễm chấp. Đó gọi là dục diệu của lưỡi nhận biết vị. 5. Khi thân nhận thức xúc sinh ra các thứ đáng yêu mến, vui thích, hợp ý. Chính sự xúc chạm đáng yêu mến ấy có thể dẫn đến các dục thuận theo nhiễm chấp. Đó gọi là dục diệu của thân nhận biết xúc. Đấy gọi là năm dục diệu.
1. Thế nào là dục diệu của mắt nhận biết sắc?
Đáp: Nếu các sắc ở cõi Dục được mắt tiếp xúc sinh ra ái làm đối tượng duyên, đó gọi là dục diệu của mắt nhận biết sắc.
2. Thế nào là dục diệu của tai nhận biết tiếng?
Đáp: Nếu các tiếng ở cõi Dục được tai tiếp xúc sinh ra ái làm đối tượng duyên, đó gọi là dục diệu của tai nhận biết tiếng.
3. Thế nào là dục diệu của mũi nhận biết hương?
Đáp: Nếu các hương ở cõi Dục được mũi tiếp xúc sinh ra ái làm đối tượng duyên, đó gọi là dục diệu của mũi nhận biết hương.
4. Thế nào là dục diệu của lưỡi nhận biết vị?
Đáp: Nếu các vị ở cõi Dục được lưỡi tiếp xúc sinh ra ái làm đối tượng duyên, đó gọi là dục diệu của lưỡi nhận biết vị.
5. Thế nào là dục diệu của thân nhận biết xúc?
Đáp: Nếu các xúc ở cõi Dục được thân tiếp xúc sinh ra ái làm đối tượng duyên, đó gọi là dục diệu của thân nhận biết xúc.
*
* Năm xan (Keo kiệt, bỏn sẻn): 1. Xan về chỗ ở. 2. Xan về nhà cửa. 3. Xan về sắc và tiếng khen. 4. Xan về lợi dưỡng. 5. Xan về pháp.
1. Thế nào là xan về chỗ ở?
Đáp: Như đối với chỗ ở sinh tâm luyến mến, hệ thuộc. Nghĩa là như có người nghĩ: Mong cho chỗ ở này thuộc về ta, không phải là kẻ khác. Ở chỗ này ta sẽ kinh hành cùng bày biện các thứ. Ta sẽ ở nơi đây thọ dụng chớ khiến kẻ khác có được. Người ấy đối với chỗ ở sinh tâm luyến mến, hệ thuộc, nên luôn ngăn cản gây chướng ngại các hữu tình khác, không hề giúp đỡ, nhường chia hay ban cho, cũng không từ bỏ hay xả bỏ tất cả. Đó gọi là xan về chỗ ở.
2. Thế nào là xan về nhà cửa?
Đáp: Như đối với nhà cửa của thí chủ sinh tâm luyến mến, hệ thuộc. Nghĩa là như có người nghĩ: Mong cho nhà cửa của thí chủ này thuộc về ta chứ không phải kẻ khác. Ở nơi nhà này chỉ riêng ta ra vào, tới lui, thân thuộc dừng trụ. Ta sẽ ở đây để thọ dụng chớ khiến kẻ khác có được. Người ấy đối với nhà cửa của thí chủ sinh tâm luyến mến, hệ thuộc, nên luôn ngăn cản gây chướng ngại các hữu tình khác, không hề giúp đỡ, nhường chia hay ban cho, cũng không từ bỏ hay xả bỏ tất cả. Đó gọi là xan về nhà cửa.
3. Thế nào là xan về sắc và tiếng khen?
Đáp: Như đối với sắc và lời khen sinh tâm luyến mến, hệ thuộc. Nghĩa là như có người nghĩ: Mong cho chỉ riêng ta có sắc đẹp vi diệu, ai cũng thích ngắm nhìn dung mạo đoan nghiêm, thành tựu thanh tịnh viên mãn bậc nhất. Các thứ hình sắc hiển sắc khác không thể sánh kịp. Nguyện cho ta riêng được danh tiếng rộng lớn, tiếng khen tiếng tốt vang khắp các phương chốn, tất cả thế gian đều cùng xưng tụng, không kẻ nào sánh bằng. Chỉ mình ta khéo biết thọ dụng các thức ăn uống cùng các vật dụng khác, khiến việc ăn uống theo thời thuận hợp, nuôi lớn thân tướng, sắc diệu càng thêm tươi đẹp, ai cũng mến thích, không người nào sánh kịp. Cũng chỉ riêng ta mới biết sử dụng các thứ như y phục, mũ nón, giày dép, các vật dụng trang sức, khiến cho hình mạo luôn được đẹp đẽ hơn người. Người ấy đối với sắc và tiếng khen sinh tâm luyến mến, hệ thuộc, nên luôn ngăn cản gây chướng ngại các hữu tình khác, không hề giúp đỡ, nhường chia hay ban cho, cũng không từ bỏ hay xả bỏ tất cả. Đó gọi là xan về sắc và tiếng khen
4. Thế nào là xan về lợi dưỡng?
Đáp: Như đối với lợi dưỡng sinh tâm luyến mến, hệ thuộc. Nghĩa là như có người nghĩ: Nguyện cho chỉ riêng ta có đủ các thứ lợi dưỡng của thế gian, kẻ khác không thể đạt được. Nguyện chỉ riêng mình ta thọ dụng các thứ lợi dưỡng, không khiến kẻ khác có được. Nguyện chỉ riêng ta có đủ phước tuệ lớn tùy thời đều được dâng cúng các loại y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, cùng các thứ tiền của vật dụng khác, tất cả thế gian không ai bằng ta. Người ấy đối với lợi dưỡng sinh tâm luyến mến, hệ thuộc, nên luôn ngăn cản gây chướng ngại các hữu tình khác, không hề giúp đỡ, nhường chia hay ban cho, cũng không từ bỏ hay xả bỏ tất cả. Đó gọi là xan về lợi dưỡng.
5. Thế nào là xan về pháp?
Đáp: Như đối với giáo pháp sinh tâm luyến mến, hệ thuộc. Nghĩa là như có người nghĩ: Nguyện cho riêng ta có thể giảng nói chánh pháp, người khác đều không thể làm được. Nguyện chỉ riêng ta mới có thể khiến nhiều người khác siêng năng tụng niệm kinh điển, không ai có thể làm được việc ấy. Chỉ có riêng ta là hỏi đáp, quyết đoán chọn lựa, ngoài ra chẳng ai kham nổi. Chỉ mỗi mình ta là thọ trì được các pháp nơi Tố-đát-lãm, Tỳ-nại-da, A-tỳ-đạt-ma, những người khác không thể đảm đương. Nguyện chỉ riêng ta mới có thể phân biệt, giải thích rõ về lý, giáo nơi các luận đã được tạo và ta cũng có thể tự tạo, hết thảy những kẻ khác không ai có thể thực hiện được. Người ấy đối với giáo pháp sinh tâm luyến mến, hệ thuộc, nên luôn ngăn cản gây chướng ngại các hữu tình khác, không hề giúp đỡ, nhường chia hay ban cho, cũng không từ bỏ hoặc xả bỏ tất cả. Đó gọi là xan về pháp.
*
* Năm nẻo (Thú): 1. Nẻo địa ngục. 2. Nẻo bàng sinh. 3. Nẻo ngạ quỷ. 4. Nẻo người. 5. Nẻo trời.
1. Thế nào là nẻo địa ngục?
Đáp: Các địa ngục cùng có một tánh, một loại nơi chúng đồng phần, do nương dựa, do sự việc và nơi chốn nên có được. Nếu các hữu tình hiện có sinh nơi địa ngục thì năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô phú vô ký. Đó gọi là nẻo địa ngục.
Lại nữa, do thân hành ác, ngữ hành ác, ý hành ác thuộc phẩm thượng, lại do luôn hành tập tạo tác nhiều các hành ác như thế nên dẫn đến nẻo địa ngục, sinh trong nẻo địa ngục, kết thành sự sống địa ngục. Đó gọi là nẻo địa ngục.
Lại nữa, nẻo địa ngục là danh, là hiệu, là dị ngữ, tăng ngữ, là tưởng cùng tưởng được thiết lập nêu bày, nên gọi là nẻo địa ngục.
2. Thế nào là nẻo bàng sinh?
Đáp: Các bàng sinh cùng có một tánh, một loại nơi chúng đồng phần, do nương dựa, do sự việc và nơi chốn nên có được. Nếu các hữu tình hiện có sinh nơi bàng sinh thì năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô phú vô ký. Đó gọi là nẻo bàng sinh.
Lại nữa, do ngu độn tạo ra các hành ác nơi thân, ngữ, ý, nên dẫn đến chốn bàng sinh, sinh trong nẻo bàng sinh, kết thành sự sống bàng sinh. Đó gọi là nẻo bàng sinh.
Lại nữa, nẻo bàng sinh là danh, là hiệu, là dị ngữ, tăng ngữ, là tưởng cùng tưởng được thiết lập nêu bày, nên gọi là nẻo bàng sinh.
3. Thế nào là nẻo quỷ?
Đáp: Các thứ quỷ cùng có một tánh, một loại nơi chúng đồng phần, do nương dựa, do sự việc và nơi chốn nên có được. Nếu các hữu tình hiện có sinh nơi quỷ giới thì năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô phú vô ký. Đó gọi là nẻo quỷ.
Lại nữa, do keo kiệt, biển lận tạo ra các hành ác nơi thân, ngữ, ý, lại do luôn hành tập tạo tác nhiều các hành ác như thế nên dẫn đến quỷ giới, sinh vào quỷ giới, kết thành sự sống quỷ giới. Đó gọi là nẻo quỷ.
Lại nữa, nẻo quỷ là danh, là hiệu, là dị ngữ, tăng ngữ, là tưởng cùng tưởng được thiết lập nêu bày, nên gọi là nẻo quỷ.
4. Thế nào là nẻo người?
Đáp: Các chúng người cùng có một tánh, một loại nơi chúng đồng phần, do nương dựa, do sự việc và nơi chốn nên có được. Nếu các hữu tình hiện có sinh trong nẻo người thì năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô phú vô ký. Đó gọi là nẻo người.
Lại nữa, do tạo các hành thiện nơi thân ngữ ý thuộc phẩm hạ, lại do luôn hành tập tạo tác nhiều các hành thiện như thế nên dẫn đến nẻo người, sinh vào nẻo người, kết thành sự sống nẻo người. Đó gọi là nẻo người.
Lại nữa, nẻo người là danh, là hiệu, là dị ngữ, tăng ngữ, là tưởng cùng tưởng được thiết lập nêu bày, nên gọi là nẻo người.
5. Thế nào là nẻo trời?
Đáp: Các trời cùng có một tánh, một loại nơi chúng đồng phần, do nương dựa, do sự việc và nơi chốn nên có được. Nếu các hữu tình hiện có sinh nơi nẻo trời thì năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô phú vô ký. Đó gọi là nẻo trời.
Lại nữa, do tạo các hành thiện nơi thân ngữ ý thuộc phẩm thượng, lại do luôn hành tập tạo tác nhiều các hành thiện như thế nên dẫn đến nẻo trời, sinh vào nẻo trời, kết thành sự sống nẻo trời. Đó gọi là nẻo trời.
Lại nữa, nẻo trời là danh, là hiệu, là dị ngữ, tăng ngữ, là tưởng cùng tưởng được thiết lập nêu bày, nên gọi là nẻo trời.
HẾT – QUYỂN 11