LONG THƯ TĂNG QUÃNG TỊNH ĐỘ VĂN
SỐ 1970
QUYỂN 07
Quốc học tiến sĩ Vương Nhật Hưu soạn
Người tham thiền phần lớn không tin Tịnh độ, bởi họ cho rằng Tịnh độ là chấp tướng. Họ chỉ muốn “Chỉ thẳng tâm người; thấy tánh thành Phật” mà thôi! Giáo thuyết ấy quả là siêu việt nhưng không dễ gì đạt được. Cũng vì vậy mà có rất nhiều người bị lầm lạc.
Vì lý do đó tôi nói rõ về chỗ hỏng của việc tham thiền đồng thời dẫn sự tích làm bằng chứng để nói với những người tu tập nhưng không biết những điều quan trọng của nó. Cho nên, quyển này có tên là “Chỉ mê quy yếu” (Chỉ ra điều sai để quy về điều quan trọng).
Tằng Lỗ Công là hậu thân của Thanh Thảo Đường.
Đời Tống có hai vị Thanh Thảo Đường. Vị trước năm ngoài chín mươi tuổi, có người đàn bà họ Tằng thường cúng thức ăn và bố thí vật dụng cho Hòa thượng. Vì cảm ân đức đó nên Hòa thượng nói với bà: “Lão tăng sẽ làm con trai phu nhân.” Một hôm, trong khi sinh nở, bà sai gia nhân đến chùa xem thật hư thế nào. Người nhà đến chùa và về nói với bà rằng Hòa thượng Thảo Đường đã ngồi mà viên tịch. Đứa bé tức là Tằng Lỗ. Do đời trước thường tu tập phước và tuệ nên đời này ông đỗ đạt cao, sau này làm đến chức Tể tướng. Dưới nhãn quan của thế gian thì danh lợi như thế đã là cùng tột, nhưng dưới nhãn quan của nhà Phật thì quả là một sự mê lầm. Vì sao? Vì phú quý trần gian vốn chóng tàn, lúc hưởng hết thì vẫn hoàn toàn tay trắng phải tùy nghiệp mà đi và lại bị luân hồi không có ngày thoát khỏi. Như thế sao bằng sinh về Tây phương để được thấy Phật, được thoát vòng sinh tử rồi trở lại thế gian làm Tể tướng? Nhờ vậy mà dẫu thọ sinh trong bào thai nhưng không bị mê muội vì nhất tánh đã sáng suốt; dẫu ở tại luân hồi nhưng vẫn tự tại và đi hay ở đều tự biết. Nếu chúng sinh ta chưa thoát được sinh tử mà vẫn cố chấp ân nghĩa thì không thể thoát vòng tham ái và sẽ ở mãi trong luân hồi. Tính toán sai lầm đến thế quả là hết mực!
Tô Đông Pha là hậu thân của Thiền sư Ngũ tổ giới.
Ngũ tổ giới thiền sư là tiền thân của Tô Đông Pha. Do đời trước tu tập nên đời này thông minh xuất chúng; nhưng do tập khí ngũ độc chưa trừ hết, nên đời này có duyên nặng với thi ca; và cũng vì “Ý tại ngôn ngoại” nên bị đày ải. Đó cũng là sự mê lầm lớn! Nếu đời trước, lúc làm Tăng ông ta vừa tham thiền vừa tu tập Tây phương thì chắc được sinh về Cực lạc để thành tựu đại phước tuệ, và tất nhiên là không bị sinh vào lại cõi này để chịu bao đau đớn.
Tôi nghe nói, khi đi về phương Nam ông chỉ mang theo quyển A- di-đà. Mọi người hỏi lý do. Ông đáp: “Đây là sổ công cứ để sinh về Cực lạc.” Nếu thật thế thì bây giờ Đông Pha học sĩ mới tìm ra phương sách. Âu đó cũng là nhờ thiện căn đời trước và sự thông minh xuất chúng nên nay mới ngộ được cái lý của Tịnh độ.
Nghe nói, đời trước Lỗ Trực là phụ nữ chuyên tụng kinh Pháp Hoa; nhờ công đức ấy nên đời này thông minh và được làm quan. Đó là nghiệp duyên mà đến. Nếu sinh Tây phương thì phước báo đâu chỉ chừng ấy.
Hậu thân của Triết lão nhiều sầu khổ.
Triết Lão trụ ở ngôi chùa lớn tại Kinh đô. Bốn mươi năm sư không bao giờ ngủ. Do sự tọa thiền tinh khổ như vậy nên sau này khi viên tịch ngay cái áo giấy khi đốt cũng có xá-lợi. Trong số những người làm quan, có vị đem ba mươi hai ngàn tiền vàng để mua một cái, bởi nó có xá-lợi. Hiệu nghiệm tu tập của sư siêu việt đến thế, nếu tu Tây phương thì sẽ là Bồ-tát Bất thoái chuyển địa. Tức là bậc đã “Sinh tử tự như”. Nếu trở lại cõi này để tế độ chúng sinh thì có gì mà không làm được. Do sư không tu pháp môn này nên sinh vào gia đình quá sức giàu sang, mà suốt đời chỉ chịu nhiều buồn khổ. Thật đáng buồn thay! Bởi lẽ có đại giàu sang chăng nữa rồi cũng hết và cũng bị luân hồi như cũ.
Có người biện bạch rằng: “Do Triết Lão tu hành quá cần khổ, nên đời này chịu lắm nỗi sầu đau. Ý Ngài thế nào?” Đáp: Đức Phật dạy:
“Dẫu trải trăm ngàn kiếp,
Nghiệp đã làm còn nguyên,
Lúc đầy đủ nhân duyên,
Tự mình mang quả báo”.
Đại sư Vĩnh Gia cũng nói:
“Thoát thì không cả nghiệp xưa và nay,
Chưa thì phải bồi hoàn nợ trước”.
Lý do Triết Lão chưa thoát được sinh tử, đời này sinh vào nơi đại phú quý là do tâm nguyện của đời trước. Sở dĩ đời này chịu trăm cay ngàn đắng là vì lúc đấy đủ nhân duyên thì phải trả nợ cả trăm ngàn đời
trước. Nếu được sinh về Tây phương thì làm gì có thảm trạng như thế? Bởi vì sinh về Cực lạc thì được thoát vòng sống chết, nhờ vậy, dẫu vào trong thế giới sinh tử của tất cả chúng sinh để thực thi công cuộc tế độ rộng lớn, nhờ nhất tánh đã sáng suốt, nên vẫn siêu thoát ngoài ba cõi.
Vả lại, sở dĩ Triết Lão tu hành tinh khổ như thế mà vẫn bị trôi lăn trong ba cõi là bởi bờ của ba cõi quá cao, biển khổ quá sâu và ba đào quá dữ dội.
Người tu Tây phương được siêu thoát là nhờ nương tựa vào Phật lực. Đã có Phật lực mà không chịu cậy nương, nào khác kẻ bần cùng đói khát gặp người giàu sang nhưng không chịu nhờ vả! Thật đáng buồn thay!
Hậu thân của Cổ lão say đắm cảnh giàu sang.
Trước kia, trưởng lão Huệ Cổ trụ ở Thư châu tỉnh Thái Bình. Kế đến Sư lại trụ ở ngôi chùa lớn tại tỉnh Triết Đông. Sư còn có tên là Hành Tôn Túc. Sau khi mất, sư sinh vào gia đình tể tướng và đỗ đạt cao, người đời đều cho là vinh hoa phú quý. Nhưng dưới nhãn quan Phật giáo thì hiện trạng ấy quả là vô cùng thất sách. Vì sao? Vì đời trước thì trai giới nhưng đời này lại ăn thịt cá và lẽ tất nhiên sẽ cho thịt cá là ngon; đời trước thì thanh tu nhưng đời này lại cận kề với sắc dục và cố nhiên sẽ cho sắc dục là tuyệt vời nhất; đời trước điềm đạm thanh tịnh còn đời này lại hưởng thụ giàu sang và dĩ nhiên sẽ cho phú quý là chân lý!
Ví như con voi to lớn đi vào đầm lầy, càng bước càng lún sâu mà không biết làm thế nào để thoát nạn. Kinh Lăng Nghiêm nói:
“Văn sở văn tận,
Tận văn bất trụ;
Giác sở giác không,
Không giác cực viên”.
(Nghe và điều được nghe chấm dứt; không trú ở nghe. Biết và cái được biết thành không; không giác là giác cực tròn đầy).
Nghĩa là, kinh nói điều được nghe đến sự nghe đều chấm dứt, cả sự chấm dứt và sự nghe đều không đình trụ. Vì vậy, sống giữa thế gian tuy được hưởng thụ dục lạc, nhưng dục lạc ấy không đình trụ. Cái gì không đình trụ thì cái ấy là quá khứ; đã quá khứ thì không bền lâu. Lại nữa, “Sự nhận biết và cái được nhận biết đều quy về không”. Không tức là giả. Nếu kẻ nào tri nhận được không ấy thì tánh của chân giác vô cùng tròn đầy và không bị đọa lạc nữa. Nếu Cổ lão ngộ được chân lý đó thì sẽ không sinh vào gia đình tể tướng. Trái lại, dẫu chưa giác ngộ được chân tánh, nhưng nếu có tu Tây phương thì Cổ lão có thể thoát
khỏi luân hồi. Kinh Lăng-già nói: “Người tu hành giống như gạn nước đục, tuy đã gạn cho trong nhưng chưa vét hết bẩn ở đáy nên khi quậy lên thì nước lại vẫn đục như cũ.” Đó là trường hợp của Cổ lão thiền sư. Còn nếu được sinh Tây phương, được thấy Phật và được thành đạo, rồi sinh lại cõi này thì giống như nước đã được vét hết bẩn nên trong veo, dẫu khuấy nữa cũng không bị đục. Bởi vậy, dẫu Cổ lão có tên là Hành Tôn Túc đi nữa cũng phải tu tập Tịnh độ.
Quả thật tấm gương của Cổ lão đủ cho chúng ta soi ngắm bản thân mình!
Sinh về tây phương như việc nhận quan ở hiện đời.
Như người có chức quan nhưng không nhận mà lại muốn học tập nữa để đạt đại khôi. Cố nhiên, chí hướng ấy thật vô cùng cao cả. Nhưng đại khôi đâu dễ dàng đạt được. Vì vậy không bằng người vừa nhận chức quan, vừa tiếp tục học tập. Nếu được đại khôi thì như vẽ thêm hoa trên gấm; nếu không được thì cũng còn có chức quan. “Người tu Tây phương” tức là nhận chức quan. “Vừa tiếp tục học tập” tức là kiêm cả việc tu thiền. “Không được đại khoa” tức là tham thiền chưa được khai ngộ. “Không mất chức quan” tức là thoát sự luân hồi và thọ nhận niềm an lạc lớn. Một khi đã sinh về Cực lạc, được thấy Phật, được nghe pháp, thì sao lại không được đại ngộ? Bởi vậy chúng ta không thể phế bỏ giáo lý Tịnh độ!
Ba vị Bồ-tát tu Đâu-suất.
Trong “Thập nghi luận”, Ngài Trí Giả nói rằng: “Có ba vị Bồ-tát tu Tịnh độ Đâu-suất. Vị thứ nhất tên Vô Trước, vị thứ hai tên Thế Thân và vị thứ ba tên Sư Tử Giác. Họ hẹn nhau rằng, ai sinh vào Đâu-suất trước và được thấy Ngài Di-lặc thì quay về báo cho nhau biết. Sư Tử Giác viên tịch trước, nhưng qua mấy năm sau mà vẫn không thấy trở về. Sau đó Bồ-tát Thế Thân viên tịch, mãi đến ba năm sau mới về báo rằng: “Ngày ở cõi Trời rất dài. Tôi vừa sinh vào Đâu-suất và lễ Đức Phật Di-lặc, nghe người thuyết pháp xong lập tức quay về đây mà đã ngót ba năm!” Vô Trước hỏi tình hình của Sư Tử Giác thì Thế Thân đáp: “Sư Tử Giác sinh vào Đâu-suất ngoại viện, vì ông ta luyến tiếc nhạc Trời nên chưa được thấy Đức Phật!”.
Vì Bồ-tát ở Đâu-suất còn luyến tiếc nên không được thấy Phật. Bởi lẽ, luyến tiếc là gốc rễ của luân hồi. Qua đó, ta biết rằng Tịnh độ Đâu-suất rất khó, mà lại có sự đọa lạc, nên không thể nào so sánh với hoàn cảnh dễ tu và không có tình trạng đọa lạc của Tây phương được.
Đại sư Trí Giả lại nói: “Có người được thấy Đức Phật Thích-ca
nhưng vẫn không thành đạo, nhưng người tu Tây phương được thấy Phật A-di-đà thì ai cũng được thành Phật.” Như vậy, ai cũng nhận thấy rằng nguyện lực để gia bị cho hành giả của Phật Thích-ca và A-di-đà là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy kệ của Bồ-tát Đại Từ viết rằng:
“Phật A-di-đà,
Là tối thắng nhất,
Trong tất cả Phật,
Ba đời mười phương.
Niệm danh hiệu Ngài,
Trừ tất cả tội,
Liền sinh Tịnh độ”.
Chí lý thay là những lời kệ trên!
Hậu thân của Ni sư Pháp Hoa làm cô hát ở nhà quan.
Trong nhà của Âu Dương Vĩnh Thúc Tri người tỉnh Dĩnh Châu, có một cô đào hát ở cửa quan, miệng có mùi thơm của hoa sen. Có vị tăng biết đời trước nói rằng kiếp trước cô đào ấy là ni cô chuyên tụng kinh Pháp Hoa suốt ba mươi năm, nhưng chỉ vì sai lầm trong một niệm mà đời này lâm vào cảnh ngộ ấy. Hỏi cô đã từng đọc kinh Pháp Hoa chưa? Cô đáp: “Đã thất thân vào chỗ xướng ca thì làm gì có thời gian để tụng kinh!”. Người nhà mang kinh Pháp Hoa cho cô, cô liền đọc tụng như nước chảy, nhưng khi mang kinh khác ra thì cô không đọc được. Qua thử nghiệm ấy, người ta mới tin lời vị Tăng nói. Nếu ni cô biết pháp môn Tây phương thì đời trước đã được sinh lên Thượng phẩm thượng sinh rồi; nhưng vì không biết nên đọa vào làng ca kỷ. Quả là vô cùng đau xót!
Cũng từ chuyện đó ta biết rằng, người luôn đem pháp môn Tây phương để giáo hóa cho mọi người, thì công đức cứu độ thật hết sức vĩ đại và phước báo của họ cũng không thể lường đo được.