Lời tựa trình bày duyên khởi của Đôn Luân Liên Xã
(năm Dân Quốc 20 – 1931)
Phật pháp là tâm pháp. Tâm pháp ấy chúng sanh, Phật, phàm, thánh, ai nấy đều có. Chúng sanh thì toàn thể là mê trái nên dẫu có vẫn như không. Phật thì triệt ngộ, triệt chứng, đích thân được thọ dụng, lại còn dấy lòng đại từ bi, đem sở ngộ sở chứng của chính mình chỉ dạy hết thảy chúng sanh ngõ hầu họ đều triệt ngộ, triệt chứng mới thôi! Nhưng vì chúng sanh mê muội, trái nghịch đã lâu, dù nghe đủ mọi pháp môn đối trị, nhưng bởi Hoặc nghiệp sâu dầy, phước huệ cạn mỏng nên khó lòng đạt được hiệu quả thành công ngay trong đời này. Do đã khó thể đạt được hiệu quả thành công ngay trong đời này nên lại phải thọ sanh, quá nửa bị mê mất, đến nỗi trải kiếp lâu xa luân hồi sanh tử, không do đâu thoát lìa được! Đức Như Lai thương xót, đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương ngõ hầu hết thảy dù thánh hay phàm, thượng trung hạ căn đều nương vào đại bi nguyện lực của đức Phật Di Đà cùng trong đời này thoát cõi Sa Bà đây, sanh về cõi Cực Lạc kia, khiến cho kẻ đã đoạn Hoặc mau chứng Vô Sanh, kẻ chưa đoạn Hoặc cũng lên Bất Thoái.
Pháp này vừa cạn vừa sâu, vừa là Quyền vừa là Thật, thượng thượng căn chẳng thể vượt khỏi cửa thành này. Vì thế, bậc đã chứng Đẳng Giác còn phải dùng mười nguyện dẫn về, kẻ hạ hạ căn cũng có thể đạt đến cõi này. Do vậy, kẻ sắp đọa A Tỳ địa ngục vẫn có thể dự vào chín phẩm. Thực hiện dễ, thành công cao, dùng sức ít, đạt hiệu quả nhanh, thỏa thích bản hoài xuất thế của Như Lai, là đạo thông đạt để chúng sanh thoát khổ. Vì thế, các vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ… các tổ sư như Viễn Công, Trí Giả, Thanh Lương, Vĩnh Minh… đều cùng hiện tướng lưỡi rộng dài để tán dương, phát tâm Kim Cang để lưu truyền rộng khắp; bởi pháp này chính là pháp môn tổng trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh vậy. Chúng sanh đời Mạt căn cơ kém hèn, bỏ pháp môn này thì làm sao yên được?
Tần Xuyên chính là cõi đất hoằng dương Tịnh Độ của các đại sư Thiện Đạo, Pháp Chiếu, Phi Tích, Huệ Nhật[1] v.v… xưa kia, hết thảy tứ chúng xưa kia cũng đã gieo thiện căn sâu đậm, nhưng do từ sau đời Đường hiếm có người hoằng dương pháp này đến nỗi túc căn chẳng thể phát sanh tăng trưởng, đáng than thay! Gần đây thế đạo nhân tâm chìm đắm đến cùng cực, thiên tai nhân họa liên tiếp giáng xuống, vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống. Người có tâm lo cho thế đạo đều cùng đề xướng Phật học, bởi trong đời hiện thời nếu chẳng cực lực đề xướng sự lý nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi… thì thiện không có gì để khuyên, ác không có gì để phạt, muốn cho con người chẳng ăn nuốt lẫn nhau há có được chăng? Nếu chẳng đề xướng kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, trì trai, ăn chay thì sát kiếp ngập trời làm sao dứt được? Nếu chẳng đề xướng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành thì phế kinh điển, phế luân thường, phế hiếu, chẳng thẹn, tranh thành, giành đất, tàn sát lẫn nhau, những tà thuyết bạo hành sẽ khiến cho nhân dân trong khắp cõi đời cùng mắc nỗi khổ tử vong. Nếu chẳng đề xướng tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương thì lục đạo luân hồi ai có thể thoát được? Đây chính là lý do những bậc quân tử hiểu lý đề xướng Phật học trong thời gần đây.
Phật pháp chứa trọn cương thường, luân lý thế gian, lại còn nói rõ quả báo thiện ác do trọn hết hay không trọn hết tình nghĩa, bổn phận. Quả thật là đạo trọng yếu để trị quốc bình thiên hạ. Những kẻ đố kỵ là vì chẳng suy xét nghĩa lý, bài xích xằng bậy, nói nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi đều là những lời Phật dối trá để bịp người! Do vậy, mọi người đều coi nhân quả luân hồi là chuyện mông lung, khi gió Âu vừa thổi qua, đều tranh nhau hùa theo. Nếu tin sâu nhân quả luân hồi, những tà thuyết ấy dù có dữ dội đến mấy, làm sao gây mê hoặc rối ren cho được? Đây chính là nguyên do các nơi đề xướng Phật học.
Cư sĩ Đức Tấn Ninh Chí Vũ thừa dịp phát khởi, đặc biệt lập một chỗ niệm Phật ở làng mình, đặt tên là Đôn Luân Liên Xã. Do Phật pháp gặp cha nói Từ, gặp con nói Hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tôi tớ trung thành, khiến cho ai nấy trọn hết bổn phận, trước hết làm người hiền, người thiện trong thế gian, lại còn sanh lòng tin, phát nguyện khẩn thiết niệm Phật, cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, ngõ hầu đoạn sạch Phiền Hoặc, khôi phục tâm tánh, viên mãn Bồ Đề, thành vô thượng đạo, lại còn dùng sở ngộ sở chứng của chính mình để dẫn dắt hết thảy hàm thức. Nguyện những người cùng quê với tôi đều cùng dấy lòng [tin tưởng, tu tập] thì may mắn lắm thay!
***
[1] Huệ Nhật (680-748) là một vị cao tăng Tịnh Độ đời Đường, quê ở Đông Lai (tỉnh Sơn Đông), từ nhỏ đã theo học với pháp sư Nghĩa Tịnh sau khi Ngài cầu pháp từ Thiên Trúc trở về, tự thề sẽ noi gương thầy sang Ấn Độ. Năm Tự Thánh 19 (702), Sư ngồi thuyền qua các quần đảo Côn Luân (nay là nhóm đảo Mã Lai, Nam Dương), Phật Thệ (nay là Sumatra), qua Sư Tử Châu (Sri Lanka), rồi đến Ấn Độ, triều lễ thánh tích, tìm cầu kinh điển bằng Phạn văn, tham phỏng các vị thiện tri thức suốt mười ba năm không nề hà gian khổ. Qua gian khổ, ý nguyện nhàm chán Sa Bà, sanh về Phật quốc yên vui càng sâu đậm, các vị Tam Tạng pháp sư mà Sư được tiếp xúc đều nồng nhiệt khen ngợi Tịnh Độ A Di Đà thù thắng. Khi Sư đến nước Ma Kiệt Đà, ở phía Đông kinh đô có một quả núi trên đó có tượng Quán Âm, Sư đến lễ thánh tượng, nhịn ăn cầu nguyện, đến ngày thứ bảy mới cảm được Đại Sĩ hiện thân sắc vàng, xoa đầu khai thị. Sư tiếp tục đi tham học nơi bảy tiểu quốc nữa, đến năm Khai Nguyên thứ bảy (719) mới trở về Trường An, dâng lên tượng Phật và kinh điển. Huyền Tông sắc tứ danh hiệu Từ Mẫn Tam Tạng. Sư siêng tu pháp môn Niệm Phật, hoằng dương giáo nghĩa Tịnh Độ, biên soạn các tác phẩm như Vãng Sanh Tịnh Độ Tập (3 quyển), Ban Châu Tam Muội Tán v.v…