Lời tựa sách Pháp Hoa Nhập Sớ
Suốt một đời đức Như Lai nói các pháp môn Đại – Tiểu, Quyền – Thật, Thiên – Viên, Đốn – Tiệm, không pháp nào chẳng tùy cơ lập giáo, đối bệnh phát thuốc.
Cho đến hội Pháp Hoa, khai Quyền hiển Thật, hội tam quy nhất (quy ba thừa về Nhất Thừa), khai Tích hiển Bổn, nêu thọ lượng nơi Bổn, giơ tay, cúi đầu[1] đều thành Phật đạo. Lời lẽ, xử sự đều thuận chánh pháp. Từ hết thảy pháp hiển thị Thật Tướng, từ ngay nơi cái tâm bị mê chỉ ra bản thể giác đạo. Phàm mọi duyên do của cả một đời giáo pháp đều được hiển lộ, xiển dương, khen ngợi, chỉ dạy triệt để không nghi, khiến cho khắp thượng trung hạ căn đều được khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, rốt ráo tỏ rõ bổn hoài xuất thế của Phật. Hay đẹp thay! Mầu nhiệm thay! Vì thế, nghĩa lý sâu xa, u viễn, chẳng dễ suy lường.
Khi kinh Pháp Hoa được truyền đến Chấn Đán (Trung Hoa), hơn một ngàn năm qua, chú giải tuy nhiều, nhưng chỉ có bản của ngài Thiên Thai Trí Giả là nêu bật được tông chỉ. Do vì Ngài dùng ngũ trùng huyền nghĩa[2] để giải thích tổng quát tên kinh, dùng nhân duyên, ước giáo, bổn tích, quán tâm để giải thích trọn vẹn kinh văn, đặt tên là [Pháp Hoa] Văn Cú. Có thể nói: “Không nghĩa nào chẳng được hiển lộ, không căn cơ nào chẳng được thâu gồm!” Lại dùng Chỉ Quán để phát minh hành tướng, khiến cho ba thứ giáo – hạnh – lý của Pháp Hoa được phơi bày trọn vẹn triệt để, không còn che lấp chút nào. Do vậy, xưa kia những người y theo sách ấy tu tập đắc đạo như rừng. Đến đời Đường, Kinh Khê tôn giả[3] cho rằng ba bộ sách lớn ấy văn nghĩa quá sâu xa, chẳng thuận tiện cho hàng sơ cơ, nên đối với mỗi sách [Pháp Hoa] Huyền Nghĩa, [Pháp Hoa] Văn Cú, [Ma Ha] Chỉ Quán đều soạn chú thích. Bản chú thích sách Văn Cú mang tên là Văn Cú Ký.
Xưa kia, Kinh, Sớ, Ký[4] đều lưu hành, người mới học xem đến, khá phí tâm lực. Pháp sư Tứ Minh Đạo Oai đời Tống bèn tóm lược sách Văn Cú và Văn Cú Ký, gom chép vào bên dưới kinh văn, đặt tên là Pháp Hoa Nhập Sớ để người học khỏi mất công tìm đọc liền hiểu ngay, có lợi rất lớn. Do vậy, sách được lưu thông trong nước, ngoài nước, từ thời Nguyên – Minh trở đi, sách bị thất truyền ở Trung Quốc. Cuối đời Quang Tự nhà Thanh, Thức Định đại sư thỉnh Đại Tạng Kinh bản in mới của Hoằng Giáo Thư Viện ở bên Nhật, trong đó có sách này. Do vậy, ngài giao mấy trăm đồng cho pháp sư Diệt Tận ở chùa Tịnh Giới tại Kim Lăng bảo khắc in sách ấy. Thầy Diệt Tận chia thành hai mươi quyển. Bản thảo chép xong, giảo chánh hoàn thành, chỉ mới in được sáu quyển thì thầy Diệt Tận tạ thế. Do vậy, việc ấn loát bị gác lại mấy năm.
Vào năm Dân Quốc thứ tám (1919), Quang do khắc in các sách như An Sĩ Toàn Thư v.v… từ Phổ Đà đến Duy Dương[5], mới biết chuyện này. Ý muốn tiếp tục cho sách được hoàn thành, nhưng khổ vì không tài lực. Có cư sĩ Trương Thụy Tăng xưa đã gieo cội đức, dốc lòng tin tưởng Phật thừa, khá thương cho thế đạo nhân tâm ngày càng xuống dốc, cho rằng nếu không dùng đại pháp của Như Lai làm sao vãn hồi cho được! Vì thế, đối với việc kiêng giết phóng sanh đều tận lực phụng hành. Đối với văn giới sát phóng sanh đều lưu thông nhiều nơi. Cũng như đối với những loại cách ngôn khuyến thiện đều chẳng tiếc tiền của để khắc in truyền bá. Chỉ muốn cho đồng nhân cùng nghĩ đến cái tâm của cha trời mẹ đất, ai nấy ôm ý niệm coi dân như đồng bào, coi loài vật như chính mình, đều mong tự lập, lập người, tự lợi, lợi tha, cùng lên cõi thọ, đều gội Phật ân mới thôi!
Nghe Quang đến Duy Dương, ông nhiều lần đến thăm. Nhân đó, đem chuyện này thuật lại, mong ông thành tựu cho. Ông vui vẻ bằng lòng, bảo Quang lo giảo chánh đối chiếu. Hiềm vì sách lưu truyền đã lâu, sai ngoa quá nhiều. Thoạt đầu chưa xem kỹ, tưởng thầy Diệt Tận đã giảo chánh rồi, ắt không sai lạc nhiều lắm. Đến khi khắc xong, soát lại, mới biết sót lỗi quá nhiều. Do vậy, bèn dựa theo sách Văn Cú và Văn Cú Ký, sửa lại cho đúng. Trong ấy, có những chữ, những câu không trọn vẹn, thông suốt, tựa hồ bị thiếu sót, hay sai lạc, nhưng không gây trở ngại gì đến đại ý thì cứ để nguyên vì bản in đã khắc xong, không tiện sửa chữa. Mong ai đọc đến sách này, đều trong một niệm tâm của chính mình, liền được khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, sẽ chẳng phụ Phật tánh chính mình sẵn có, cũng như chẳng phụ Như Lai nói kinh, Trí Giả tạo sớ, Kinh Khê tạo ký, Đạo Oai hội nhập, cũng như công Thức Định đại sư, cư sĩ Thụy Tăng lưu thông. Khắc đã xong bèn tự thuật duyên khởi.
***
[1] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện có câu: “Nếu người tâm tán loạn, chỉ dùng một cành hoa, cúng dường nơi tượng vẽ, dần thấy vô số Phật. Hoặc có kẻ lễ bái, hoặc lại chỉ chắp tay, cho đến giơ cánh tay, hoặc chỉ khẽ cúi đầu, dùng đó cúng dường tượng, tự thành vô thượng đạo”…
[2] Ngũ Trùng Huyền Nghĩa là năm tầng huyền nghĩa để giải thích một bộ kinh do ngài Thiên Thai Trí Giả đề ra, gồm: thích danh, biện thể, minh tông, biện dụng, phán giáo (giải thích đề mục kinh, biện luận bản thể của kinh, nêu rõ tông thú của kinh, luận về công dụng của kinh, phán định kinh này thuộc về giáo pháp nào trong Ngũ Thời Giáo, Tứ Hóa Nghi). Xin xem bộ A Di Đà Kinh Yếu Giải để hiểu rõ hơn về Ngũ Trùng Huyền Nghĩa.
[3] Ngài Trạm Nhiên (711-782), là cao tăng đời Đường, là Tổ thứ năm của tông Thiên Thai. Ngài là người xứ Kinh Khê, Thường Châu (nay thuộc tỉnh Giang Tô). Cả nhà theo Nho, mình Ngài học Phật. Năm 17 tuổi học Thiên Thai Chỉ Quán với sư Kim Hoa Phương Nham. Năm 20 tuổi theo học với ngài Tả Khê Huyền Lãng, học giáo nghĩa Thiên Thai. Năm 38 tuổi, xuất gia tại Hưng Tịnh Lạc Tự. Sư lại đến Triệu Châu học Luật với ngài Đàm Nhất. Sau về Ngô Quận, giảng bộ Ma Ha Chỉ Quán. Khi ngài Huyền Lãng tịch, Sư được chúng đề cử lãnh chúng. Sư tự đặt cho mình trách nhiệm trung hưng tông Thiên Thai, đề xướng thuyết “hữu tình lẫn vô tình đều có Phật tánh”. Các đời vua Đường như Huyền Tông, Túc Tông, Đại Tông nhiều lần xuống chiếu thỉnh Sư nhập cung dạy pháp, nhưng Ngài đều cáo bệnh không đến. Sư nhập diệt vào tháng Hai năm Kiến Trung thứ ba, thọ bảy mươi hai tuổi, pháp lạp 43 năm. Do ngài là Tổ trung hưng tông Thiên Thai nên đại chúng kính trọng thường gọi bằng danh xưng Kinh Khê Tôn Giả, chứ không gọi thẳng tên tục. Đời Bắc Tống Sư được phong tặng danh hiệu Viên Thông Tôn Giả. Ngoài bộ Pháp Hoa Văn Cú Ký nổi tiếng ra, Sư còn để lại nhiều tác phẩm giá trị, quan trọng nhất là các bộ Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa Thích Thiêm, Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, Chỉ Quán Sưu Ký, Chỉ Quán Đại Ý, Kim Cang Bề, Pháp Hoa Tam Muội Bổ Trợ Nghi, Thủy Chung Tâm Yếu, Thập Bất Nhị Môn.
[4] Kinh là kinh Pháp Hoa, Sớ là các bộ Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, Ký là bộ Văn Cú Ký.
[5] Duy Dương là một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô.