Lời tựa cho tác phẩm Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương Kinh Tân Sớ

Chân Như Phật Tánh, chúng sanh và Phật trọn không hai. Do tu trì nghịch hay thuận mà thánh – phàm khác biệt vời vợi một trời một vực! Ấy là vì chúng sanh tuy sẵn có Tánh Đức, nhưng trọn chẳng có Tu Đức. Dẫu có tu tập vẫn đều trái nghịch Tánh Đức, nên gọi là “nghịch tu”. Bởi vậy, Tánh Đức không có cách nào hiển hiện để thọ dụng được! Phật thì từ nơi Lý Thể của Tánh Đức sẵn có bèn dụng công Tu Đức về mặt Sự, do vậy Tam Hoặc[1] đều hết sạch, bởi đó Nhị Nghiêm[2] đều viên mãn. Công Tu Đức đến cùng cực thì Tánh Đức phô bày trọn vẹn, thường trụ Tịch Quang, hưởng thụ pháp lạc; nhưng do bi tâm vô tận, đức Phật lại thị hiện giáng sanh trong thế gian, thị hiện thành Chánh Giác, tùy thuận cơ nghi nói đủ mọi pháp khiến cho ai nấy đều biết lấy “hạt châu trong chéo áo”, theo đường trở về nhà.

Lại do chúng sanh đời Mạt Pháp chướng sâu, huệ cạn, nếu cậy vào tự lực quyết khó thể liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Do vậy, đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, khiến cho hàng phàm phu sát đất và các vị Bồ Tát tín giải tu chứng đều cùng nương theo hoằng thệ nguyện lực của A Di Đà Phật vãng sanh Tây Phương để mong triệt chứng Tánh Đức trọn chẳng tiếc nuối gì! Đấy chính là khuôn phép lớn lao xuất thế độ sanh của đức Như Lai. Đức Phật thị hiện giáng thế tại Ấn Độ vào năm thứ 26 (969 trước Công Nguyên) đời Châu Chiêu Vương. Trải qua một ngàn năm đến năm Vĩnh Bình thứ mười (67) đời Hán Minh Đế, vua mới thỉnh hai vị Phạm tăng là tôn giả Ca Diếp Ma Đằng (Kāśyapa Mātanga) và tôn giả Trúc Pháp Lan (Dharmaratna) mang kinh Phật, tượng Phật tới Lạc Dương. Hai vị tôn giả do thấy người Hoa mới nghe Phật pháp, nếu đem kinh viên đốn sâu xa chỉ dạy thì giáo pháp chẳng phù hợp căn cơ, khó thể được lợi ích! Do thấy Tứ Thập Nhị Chương Kinh văn lẫn nghĩa rõ ràng, con người dễ lãnh hội, nên dịch ra tiếng Hán trước.

Thế nhưng, Phật trí viên diệu, tuy cạn mà sâu, giáo lý viên đốn vẫn trọn đủ [trong bản kinh ấy]. Kẻ nhân thấy là nhân, người trí thấy là trí, tùy theo trí thức của đương sự mà thôi! Chú giải kinh này chỉ có bản của ngài Ngẫu Ích là nêu bật được tông chỉ, những bản chú giải khác cũng đều có lợi cho căn cơ một thời. Cư sĩ Quý Thánh Nhất đã có huệ căn từ đời trước, quy y với bậc tri thức của tông Thiên Thai là pháp sư Đế Nhàn, đích thân được nghe diễn giảng, khá có tâm đắc. Do vậy, bèn tùy duyên diễn nói, nhưng vẫn luôn chú trọng hướng dẫn về Cực Lạc. Đấy chính là tuân theo chỗ kết đảnh cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm, cũng giống như điều được đề xướng trong Thập Nghi Luận của Thiên Thai đại sư (Trí Giả đại sư). Bởi lẽ, pháp môn Tịnh Độ chính là chỗ quy túc của hết thảy các pháp môn. Hoa Nghiêm còn như thế, hậu học dám chẳng vâng theo ư?

Gần đây, do có người thỉnh giảng kinh này, [cư sĩ bèn] thuận theo thời nghi, đặc biệt viết lời sớ giải mới, lập ra cách thức hòng dễ dẫn dắt kẻ mới học sẽ được nhờ vào đây mà tiến đến chỗ cao hơn; do đây mà người ta sanh được lòng tin, ắt sẽ xoay vần khuyến hóa rộng rãi hơn. Bởi vậy, chẳng tiếc lời giảng giải tường tận để không một nghĩa nào bị ẩn kín. Một bữa, đưa cho Quang xem bản thảo, lại cậy viết lời tựa. Quang vừa sanh ra được sáu tháng liền bị bệnh mắt, trong suốt sáu tháng chưa từng mở mắt, nên mục lực kém xa người khác. Nay tuổi đã bảy mươi lăm, mục lực càng suy yếu, chẳng thể xem kỹ ý nghĩa, đành nêu lên những điểm chánh yếu cho xong trách nhiệm. Mong sao những ai đọc kinh này và bản sớ giải này đều chú trọng hiểu tâm, rõ gốc, hiểu rõ pháp vô vi và xa lìa tài sắc, kiên quyết, dũng mãnh tu trì để mong đích thân chứng được vô thượng giác đạo “vô niệm, vô tác, phi tu, phi chứng”.

***

[1] Tam Hoặc là ba loại phiền não căn bản tức Kiến Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc.

[2] Nhị nghiêm: Gọi đủ là “nhị chủng trang nghiêm”, có hai cách hiểu:

1) Trí Huệ Trang Nghiêm và Phước Đức Trang Nghiêm. Kinh Đại Bát Niết Bàn, quyển 27, giảng: “Nhị Chủng Trang Nghiêm, một là trí huệ, hai là phước đức. Nếu có Bồ Tát đầy đủ hai thứ trang nghiêm ấy thì sẽ hiểu biết Phật Tánh”. Cách hiểu này thông dụng nhất.

2) Nhị Nghiêm là hình tướng trang nghiêm và đệ nhất nghĩa trang nghiêm. Kim Cang Kinh Toản Yếu Sớ giảng:

a. Hình tướng trang nghiêm: Con người nhận biết cõi Phật có đủ mọi thứ hình tướng trang nghiêm, nhưng biết đấy chưa phải là trang nghiêm chân thật.

b. Đệ nhất nghĩa trang nghiêm: Tâm thanh tịnh không chấp trước, nương theo trí huệ chân thật, thông đạt cõi Phật nơi tự tánh, duy tâm hiển hiện.