Lời tựa cho tác phẩm Kim Cang Thứ Hỗ[1]
Kinh Kim Cang từ nơi Hữu bàn về Không, chẳng đọa nơi Không; từ Không luận về Hữu, chẳng đọa vào bên Hữu. Không lẫn Hữu cùng mất, Chân – Tục bất nhị, chúng sanh và Phật nhất trí, lý – sự viên dung, hạnh khởi giải tuyệt, tiến thẳng vào biển giác. Hết thảy Bồ Tát nương theo đây tu nhân, tam thế chư Phật nương vào đây chứng quả. Kinh này chính là cương yếu của giáo pháp suốt cả một đời đức Như Lai, quả thật là chuẩn mực để thượng hoằng hạ hóa của hàng Bồ Tát. Chỉ bày bổn thể của Như Như, cơ lẫn lý đều khế hợp. Chứng Không Không tam-muội, giải lẫn hạnh đều viên. Diệu lại càng diệu, huyền càng thêm huyền. Khéo thay, cao quý thay! Há có thể nghĩ bàn được nổi ư? Thế gian thường chẳng xem xét, cho là Không Tông, cô phụ Phật ân quá đáng! Độ tận hết thảy chúng sanh chẳng thấy tướng người độ, kẻ được độ, chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để hành bố thí, cho đến lục độ cũng như vạn hạnh. Dùng không “ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả” để tu hết thảy thiện pháp, không trụ vào đâu để sanh tâm, tuy thuyết pháp nhưng không có pháp gì để thuyết; tuy thành Phật nhưng không có Bồ Đề để đắc. Ấy là mây bay biển Hạnh, sóng dậy cửa Độ, chính là đạo xứng tánh duyên khởi, không có sự để hành.
Do vậy, trong chẳng thấy có cái ta là người độ, ngoài chẳng thấy có người và chúng sanh được độ, giữa chẳng thấy có tướng thọ giả để chứng Vô Dư Niết Bàn. Cái thấy “có mình lẫn người” cùng mất, tình kiến phàm lẫn thánh đều hết. Tam luân thể không, một đạo thanh tịnh. Thật Tướng diệu lý như như bất động, triệt để phô bày trọn vẹn. Vì thế được phước đức bằng với mười phương hư không vậy! Còn như thọ trì kinh này, vì người khác nói, dù chỉ bốn, ba, hai, một câu, phước ấy còn hơn dùng bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới để bố thí suốt vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp, hơn phước của việc hằng ngày ba thời dùng thân mạng nhiều như số cát sông Hằng để bố thí. Ấy là vì hết thảy chư Phật và pháp vô thượng giác đạo của chư Phật đều từ kinh này mà ra. Do đó, người thuyết pháp chính là dùng sự trang nghiêm của Phật để tự trang nghiêm và trang nghiêm hết thảy chúng sanh. Công đức chân thật tự hành hóa độ người ấy được gọi là Không, há chẳng đáng sao!
Vì thế, dù chỉ nói kinh này bốn, ba, hai, một câu thì hết thảy trời người đều nên cúng dường như cúng dường tháp miếu Phật. Do người trì kinh tâm hợp với đạo, tâm hợp với Phật, nên chuyển được hậu báo nặng nề nhất thành hiện báo nhẹ nhàng nhất, lại còn sẽ đắc Bồ Đề. Do tự hành, dạy người, tâm chẳng trụ vào tướng chính là dùng Trí Như Như để khế hợp Lý Như Như, ngay khi đó dung hợp thành một với Bồ Đề, Niết Bàn, như nước lẫn vào nước, như không trung hợp với không trung. Dù có thánh trí, chẳng thể phân biệt được! Những pháp môn đức Như Lai đã giảng trong suốt một đời đều dùng trí này chiếu thấu để tu thì nước chảy đến liền thành kênh, mây tan trăng rạng, một trần chẳng lập, vạn đức trọn phô!
Cư sĩ Mã Thông Bạch xưa đã trồng cội đức, dốc lòng tin tưởng Phật thừa, phẩm hạnh thanh cao, trước thuật phong phú, thật là bậc văn chương lỗi lạc hiện thời, có học thức cao tuyệt. Nhưng do dốc chí nơi Nho Tông, chưa rảnh rỗi tinh chuyên nội điển. Mãi đến khi tuổi tròn hoa giáp (sáu mươi), thấy lẽ tang thương biến đổi, ngộ thân thế vô thường, bèn buông bỏ hết thảy, chuyên xem kinh Phật. Mới biết lời Như Lai nói đều chỉ tâm ta, viên châu sẵn có nơi vạt áo cơ hồ quên mất. Mừng rỡ cùng cực, chuyển thành bi cảm. Về sau đọc kinh này, tâm hoa bừng nở; do đấy, thuận theo kiến giải của mình soạn thành bộ Kim Cang Thứ Hỗ. Đối với chỗ văn từ quyện lẫn vào nhau bèn phân chương đoạn cho rõ, đối với nghĩa huyền diệu bèn dùng lời lẽ bình dị để giảng rõ. Khế lý, khế cơ, thông trên thấu dưới, đúng là hướng dẫn tốt lành cho hàng sơ cơ, thật là cửa trọng yếu để nhập đạo. Các môn nhân muốn khắc bản để lưu truyền mãi mãi, ngõ hầu những Nho sĩ thông suốt thảy đều ngưỡng mộ học theo, lợi ích ấy chỉ có đức Phật mới có thể biết được nổi. Gắng đem nỗi niềm ngu thành để làm lời tựa dẫn nhập.
***
[1] Hỗ là giải thích những nghĩa lý trong sách cổ bằng những ngôn từ bình dị, đương thời cho người ta dễ hiểu. Do cư sĩ Mã Thông Bạch đem nghĩa lý kinh Kim Cang giải thích bằng văn tự hiện thời một lần nữa, trước ông đã có nhiều người làm chuyện đó, nên đặt tên tác phẩm là Thứ Hỗ (giải thích bằng thể văn đơn giản một lần nữa).