Lời tựa cho lần tái bản tác phẩm sớ giải kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của ngài Thiện Đạo

Con người sống trong thế gian, họa – phước, cát – hung thay nhau xảy tới, nhưng bị tổn hại hay lợi ích chỉ là do con người khéo dùng tâm hay không. Chư Phật xót thương chính mình và hết thảy chúng sanh bị ba khổ, tám khổ, vô lượng các khổ bức bách não hại. Do vậy, suy nghĩ khổ báo đang phải chịu là ác nghiệp từ đời quá khứ cảm thành. Ác nghiệp đã tạo là do đối trước sáu trần cảnh, chẳng biết chúng như huyễn, như hóa, lầm khởi tâm tham – sân – si mà ra. Do vậy, biết phiền hoặc tham – sân – si chính là đại oán gia của hết thảy chúng sanh. Từ đấy, dùng Giới – Định – Huệ đoạn tham – sân – si, khôi phục thiên chân sẵn có để thành vô thượng giác đạo. Như vậy, ba khổ, tám khổ v.v… quả thật là người hướng dẫn tốt lành cho chư Phật ba đời, là duyên lành vô thượng để chúng sanh vĩnh viễn lìa các nỗi khổ, thường hưởng những sự vui.

Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh là đại pháp khiến cho khắp tất cả dù phàm hay thánh đều cùng trong một đời này vãng sanh Cực Lạc, dù Đốn hay Tiệm đều chứng Vô Sanh Nhẫn, cho đến viên thành Phật đạo. Do thánh thì tự lực đầy đủ, kiêm cậy vào Phật lực nên sự chứng nhập của họ thẳng chóng nhất; cho nên, Hoa Tạng hải chúng cùng nguyện vãng sanh. Còn kẻ phàm thì cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh, do vậy bèn siêu phàm nhập thánh, chứng địa vị Bất Thoái. Từ đấy, tu dần dần cho đến khi viên mãn Bồ Đề mới thôi. Trong kinh này, phần nói về Trung Phẩm dạy về giới thiện, phước thế gian, Hạ Phẩm nói về chúng sanh tạo các ác nghiệp và Ngũ Nghịch, Thập Ác sắp đọa địa ngục, do xưng niệm danh hiệu Phật bèn được vãng sanh. Lực dụng như thế rộng sâu bậc nhất. Ấy là do vua A Xà Thế nương đại nguyện luân, thị hiện hạnh ác nghịch, giam cha, ngăn mẹ để phát khởi [nhân duyên giảng kinh này]. Bà mẹ vua nhàm lìa Sa Bà, phát nguyện sanh về Cực Lạc, lại vì chúng sanh đời Mạt, cầu pháp vãng sanh. Thế Tôn bèn nói ra mười sáu phép quán, quán tưởng y báo của cõi nước Tây Phương đủ mọi trang nghiêm, chánh báo là tướng hảo, oai đức của Phật, Quán Âm, Thế Chí và nhân lẫn quả của cửu phẩm vãng sanh.

Trong phần đầu của phép Quán Tượng thứ tám, đã nêu tỏ tông yếu như sau: “Chư Phật Như Lai là pháp giới thân, vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Do vậy, khi tâm các ông tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật từ tâm tưởng sanh. Vì thế, hãy nên nhất tâm hệ niệm, quán tưởng kỹ càng đức Phật ấy”. Phải biết: Quán tưởng Pháp Thân, thật lý rất sâu. “Tâm làm Phật, tâm là Phật” sự vốn bình thường, bình thường nhưng phi thường, rất sâu nhưng chẳng sâu. Người viên ngộ lẽ này mới gọi là bậc thông đạt. Trong phép quán mười ba, đặc biệt mở ra phương tiện môn cho hàng chúng sanh căn cơ kém cỏi, dạy họ quán thân tướng một trượng sáu hay tám thước[1]. Phép quán thứ mười sáu lại khiến cho kẻ ác nghiệp nặng nề, xưng ngay vào danh hiệu Phật. Do xưng danh nên liền được vãng sanh. Do vậy, biết tướng có lớn – nhỏ, Phật vốn chỉ là một. Quán không được thì xưng danh bèn được lợi ích. Từ chỗ này suy nghĩ kỹ, biết một pháp Trì Danh thật là bậc nhất! Hành nhân đời Mạt muốn được quyết định vãng sanh ngay trong đời này há chẳng trân quý một hạnh Trì Danh này hay sao?

Xét từ khi kinh này được truyền sang đây, Trí Giả, Thiện Đạo, Thanh Lương, Linh Chi mỗi vị đều soạn sớ, về sau chỉ có mỗi bản sớ giải của ngài Trí Giả được lưu truyền. Ba bản kia đều bị ẩn kín. Vào đời Quang Tự nhà Thanh, cư sĩ Dương Nhân Sơn từ Đông Doanh (Nhật Bản) thỉnh về bản chú giải kinh này của ngài Thiện Đạo. Bản sớ giải kinh Vô Lượng Thọ của ngài Huệ Viễn, bản chú giải Vãng Sanh Luận của ngài Đàm Loan đều là những pháp bảo đã bị ẩn mất từ lâu, [nay] đều được khắc in, lưu hành. Bản sớ giải của ngài Thiện Đạo không luận đến thâm ý đế quán, chỉ giải thích thẳng vào kinh văn để hàng căn cơ trung hạ dễ dàng thâm nhập. Đến khi đã thâm nhập thì chẳng nói đến đế quán nhưng tự nhiên hiểu rõ phép đế quán. Có thể nói là khế lý, khế cơ, khéo nói pháp yếu. Hóa thân của Phật Di Đà chẳng phải là lời đồn hư huyễn[2]. Vị tổ thứ hai của Liên Tông, muôn đời kính ngưỡng. Hiềm rằng sách được lưu truyền đã lâu, sai ngoa quá nhiều; do đấy bèn lắng lòng giảo chánh kỹ càng để khắc lại vậy.

***

[1] Theo các kinh điển ghi chép, thời đức Phật tại thế, con người chỉ cao có tám thước [Tàu], đức Phật cao gấp đôi người thường, tức là một trượng sáu. Về sau, theo Quảng Hoằng Minh Tập và Pháp Uyển Châu Lâm, tại Trung Hoa có các quy định như tượng đứng cao một trượng sáu, tượng ngồi cao tám thước… Theo Wikipedia, một trượng khoảng 3.33 m. Một trượng bằng mười thước, như vậy một thước Tàu khoảng 33 cm (theo ngu ý, thời cổ, những đơn vị này phải nhỏ hơn nữa, vì nếu khi ấy, con người trung bình cao tám thước, tức khoảng 2.4m, quá cao, quá to lớn so với hiện thời!)

[2] Tương truyền ngài Thiện Đạo, Nhị Tổ Tịnh Độ Tông, chính là hóa thân của Phật A Di Đà.