Lời tựa cho Bôi Độ Trai Văn Tập

(năm Dân Quốc 22 – 1933)

Đời loạn đến cùng cực, phàm những người có tâm không ai chẳng ôm lòng lo lắng. Cư sĩ Quách Giới Mai do muốn cứu vãn nên trước kia đã từng soạn bộ Vụ Bản Tùng Đàm, tiếp đó lại chọn lọc từ văn cảo nhiều năm, gạn lọc thành sách. Phàm những gì được trước thuật đều là những sự tích thiện ác, lời hay hạnh đẹp trích từ Kinh, Sử, Tử, Tập[1], các kinh luận của Phật, Tổ, và đủ mọi ngôn luận cân nhắc cặn kẽ của người đương thời, chia thành bốn môn: Một là hiếu hữu (hiếu thảo, hòa thuận), hai là chánh trị (đường lối cai trị đúng đắn), ba là hoằng pháp, bốn là đức hạnh, đặt tựa đề chung là Bôi Độ Trai Văn Tập.

Vì sao lại dùng Bôi Độ để đặt tên cho Trai[2]? Ấy là vì muốn độ người nơi biển cả phiền não ác nghiệp thì phải dùng những lời hay hạnh đẹp của cổ thánh tiên hiền và sự lý nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo do đức Như Lai đã dạy để làm căn cứ, tùy sự tùy cảnh dùng văn tự của chính mình để tỏ rõ. Đối với những chỗ nào chẳng thể dùng lý luận giảng rõ được bèn dẫn những sự tích xưa nay làm chứng cứ ngõ hầu kẻ cứng cổ phải quay đầu, kẻ tánh tình buông lung phải sửa đổi cái tâm. Nhưng vì đạo đức của chính mình nhỏ bé, mỏng manh, chẳng thể cảm hóa lớn lao, giống như dùng cái chén (Bôi) để độ (cứu vớt) người, nên chỉ độ được hữu hạn. Đấy chính là danh xưng tự khiêm.

Phải biết: Cái chén này thuộc loại đại nguyện thuyền của Như Lai. Chịu lên cái chén ấy sẽ có thể ngay lập tức lên thẳng thuyền đại nguyện theo chiều dọc cùng tột ba đời, theo chiều ngang trọn khắp mười phương, rộng lớn không bờ bến. Chín pháp giới dù phàm hay thánh đều do thuyền này đến được bờ giác Bồ Đề. Nguyện những ai trong biển khổ phiền não gặp được cái chén này chớ thấy nó nhỏ nhoi mà vứt bỏ. Nếu không, dẫu gặp được đại nguyện thuyền ắt cũng chẳng hay biết để rồi bỏ lỡ, tự mình lầm lạc cũng lớn lắm đấy! Tôi thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian và xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”. Bỏ nhân quả mà bàn về bình trị thì chẳng qua là trị lành đôi chút căn bệnh ngoài da! Nếu là tâm bệnh thì ngược lại, bệnh càng tăng trưởng, chẳng lẽ nào chữa lành bệnh cho được! Những người nói giọng cao xa, cứ bảo “nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi chính là lời bàn luận hư vọng để dối người của đức Phật” chẳng những không biết nhân quả mà còn hoàn toàn u mê nơi chánh lý thế gian. Thánh nhân cùng lý tận tánh, đức Như Lai đoạn Hoặc chứng Chân, đều chẳng ra ngoài nhân quả! Nếu con người tin sâu nhân quả sẽ tự nhiên ý thành, tâm chánh, thân tu!

Họ dùng thành ý, chánh tâm, tu thân để làm căn cứ khiến cho đời yên dân hiền, mong thành thánh, thành hiền, nhưng cực lực bài xích nhân quả, luân hồi, chẳng biết “chỉ có sự lý nhân quả luân hồi là phương tiện làm cho con người thành ý, chánh tâm, tu thân!” Đã không có nhân quả, luân hồi thì có mấy ai chịu theo đuổi thành ý, chánh tâm, tu thân? Muốn cho ai nấy đều thành ý, chánh tâm, tu thân, mà trước đó đã bài xích phương tiện khiến cho con người không thể không thành ý, chánh tâm, tu thân, chẳng dám không thành ý, chánh tâm, tu thân! Cái tội đã vu báng bậc thánh đời trước, gây lầm lẫn cho người học đời sau, dù hết sạch trúc cũng khó ghi trọn được! Họ vẫn tự kiêu là “đề cao điều chánh, trừ bỏ lẽ tà, khiến đời yên dân lành”, đến nỗi xuất hiện những cảnh phế kinh điển, phế luân thường, phế hiếu thuận, bỏ hổ thẹn, tàn sát lẫn nhau, dân không lẽ sống v.v… đều là do sự bài xích nhân quả luân hồi ấy ươm thành!

Nếu họ mộng thấy được cái họa ấy, dù có bị hình phạt tan xương nát thân bức bách họ đề xướng bài xích, họ cũng chẳng dám làm! Huống là do chỉ cầu lấy hư danh chẳng liên quan khẩn yếu mà lại dám làm ư? Thật vậy, chúng sanh ác nghiệp sâu nặng, cảm phải học thuyết này, nghiệp tăng nặng thêm, há chẳng đáng thương quá ư? Nguyện cho hết thảy những người cùng hàng đều cùng ôm lòng tự lợi, lợi tha, đừng giữ những tri kiến môn đình đây kia! Do giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành mà đạt đến minh tâm kiến tánh, đoạn Hoặc chứng Chân, và tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì bởi cái chén này sẽ lên thẳng đại nguyện thuyền của đức Như Lai, đến được bờ giác kia, lại còn lần lượt độ thoát đến hết đời vị lai, ngõ hầu chẳng uổng cuộc sống này và dịp gặp gỡ này!

***

[1] Kinh, Sử, Tử, Tập là cách phân chia sách vở Trung Hoa theo quan điểm của nhóm biên soạn Tứ Khố Toàn Thư. Kinh là những trước tác của thánh hiền như Tứ Thư, Luận Ngữ, sáu kinh Nho Gia chẳng hạn. Sử là những trước tác về mặt lịch sử như Tả Truyện, Sử Ký, Hán Thư v.v… Tử là những trước tác của các triết gia thời Xuân Thu Chiến Quốc như Tuân Tử, Hữu Tử, Cáo Tử, Mặc Địch, Trang Tử… Tập là những trước tác của những văn hào các thời.

[2] Trai có nghĩa là trong sạch, chuyên chú vào một chuyện. Người xưa thường dành riêng một gian nhà cách biệt để học hành, nghiên cứu cho yên tịnh, thanh vắng, nên cũng gọi phòng học là Thư Trai, đôi khi cũng được gọi tắt là Trai. Vì thế, các danh sĩ thường thích đặt tên tự hoặc biệt hiệu có kèm theo chữ Trai như Nguyễn Trãi có tên tự là Ức Trai, Nguyễn Đình Chiểu có hiệu là Hối Trai.