Lời tựa cho bản quy củ Hương Tích Trai Tăng Hội

Trộm nghĩ Tăng mang tên là phước điền, lợi khắp tứ sanh cửu hữu[1]. Làm chay có thể giúp cho đạo, giúp khắp tam thừa lục hòa. Do [Tăng] là phước điền cho nên cúng dường thì gần là trừ được cái nhân đói kém, xa thì là được quả Ứng Cúng. Do là trợ đạo nên nhận lãnh thì tu được hạnh Lục Độ, dùng để nêu bày thân tam đức. Kinh dạy: “Đối với thức ăn bình đẳng, thì đối với pháp cũng bình đẳng. Hai thứ Tài Thí và Pháp Thí, bình đẳng không sai biệt”, chính là ý này vậy. Chung Phương đại sư thấy được việc này, liền mời mấy người tịnh hữu, ai nấy bỏ ra bao nhiêu tiền, giữ vĩnh viễn trong quỹ chùa Phổ Tế hòng kiếm chút tiền lời, để chi phí vào lễ Trai Tăng ngày 25 tháng Chạp mỗi năm. Một bữa, Sư đem bản quy ước đã lập đến chỗ tôi, nhờ viết lời tựa hòng lưu lại mãi mãi. Lại nói:

– Xưa cư sĩ Duy Ma dùng sức thần thông qua khỏi bốn mươi hai Hằng sa cõi Phật trên thượng phương, nơi cõi Chúng Hương là chỗ của đức Hương Tích Như Lai, xin được cơm thơm, đặt ở trong trượng thất[2], cúng cho khắp các đại chúng để làm Phật sự khiến cho người chưa đắc bèn đắc, chưa chứng bèn chứng. Bọn Phương tôi thẹn không có được thần lực như vậy, kính cẩn dọn cơm chay đạm bạc để biểu thị tấm lòng thành nhỏ bé. Muốn cho mười phương tam thế hết thảy đại chúng đều nhờ vào bốn mươi tám nguyện rộng lớn của Phật Di Đà, cùng lìa ngũ trược, cùng lên chín phẩm, vĩnh viễn hầu đại sĩ Phổ Môn, tự chứng viên thông chân thật.

Tôi nói: Thần thông ai nấy vốn sẵn có, lẽ nào Sa Bà chẳng có cơm thơm? Cần gì phải hiển lộ thần thông, vượt lên cao Hằng sa cõi cầu cơm thừa của họ để no bụng đại chúng cõi này mới được ư? Nên biết rằng bữa cơm chay này các thầy thật tâm sắp đặt, đại chúng lòng rỗng rang lãnh nhận. Người sắp đặt, người lãnh nhận đều đầy đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; nhưng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý xét về bản thể vốn là không, đó là loại thần thông nào? Vật được chuẩn bị, vật được lãnh nhận lại là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, nhưng Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp thật sự giống như hư huyễn, đó là loại cơm thơm nào? Huống chi Căn – Trần đã mất, nhân – ngã nào còn? Tam luân không tịch, nhất đạo thanh tịnh. Ấy là thần thông, là cơm thơm vậy! Chẳng lìa chỗ này, mặc tình đến khắp mười phương. Chẳng qua một niệm, pháp nhĩ[3] xông khắp ba đời. Huyễn uế trong tâm bèn tiêu ngay, chân tịnh nơi tự tánh hiển hiện trọn vẹn. Ngay trong niệm này tự thấy Phật Di Đà, lâm chung quyết định được nhiếp thọ. Từ đấy thường nghe viên âm, hằng thân cận ánh sáng tốt lành, ắt sẽ mau mãn quả hải, nhập Đại Niết Bàn, nào đợi phải đắc Tam Ma Địa, chứng chân Viên Thông mới được ư? Như vậy, xét ra, việc làm này của các thầy sánh bằng[4] lão cư sĩ Duy Ma Cật, không hề cao – thấp! Công đức đã làm ấy có thọ lượng bằng với mười phương hư không, không bút mực, văn tự nào có thể hình dung được nổi! Nếu như không biết nhân quả, bỏ bê, xâm phạm thì như xưa kia có người dùng tiền trai tăng đem lợp tăng thất còn bị đọa vào Hỏa Già địa ngục (địa ngục gông lửa), huống gì bỏ vào túi xài riêng để béo thân mình. Gương rành rành đã sớm treo, ai nấy đều nên xét kỹ.

***

[1] Tứ sanh: Bốn cách sanh ra của chúng sanh, tức noãn (sanh ra bằng trứng), thai (sanh bằng thai), thấp (sanh từ chỗ ẩm ướt), hóa (sanh bằng cách biến hóa, như chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỷ, thiên giới).

Cửu hữu: Tức tam hữu. Ba cõi Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, nếu chia nhỏ ra sẽ thành chín nên gọi là cửu hữu. Do có phiền hoặc, nghiệp báo, sanh tử nên gọi là Hữu.

[2] Trượng thất: Cái thất rộng một trượng vuông. Theo kinh Duy Ma Cật Sở Vấn, cư sĩ Duy Ma thị hiện mắc bệnh, nằm trong thất này, ngài Văn Thù dẫn đại chúng vào trong thất ấy thăm bệnh. Những vấn đáp giữa hai ngài được chép thành kinh Duy Ma Cật Sở Vấn.

[3] Còn gọi là pháp nhiên, tự nhiên, thiên nhiên, tự nhĩ, pháp nhĩ tự nhiên, tự nhiên pháp nhiên. Vốn là từ dùng để chỉ các pháp trong trạng thái tự nhiên không qua tạo tác nào, nói cách khác, “pháp nhĩ” là tướng trạng tự nhiên vốn sẵn có của bất cứ sự vật nào. Theo Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký, quyển 3 giải thích:

1) Xét trong hình thức tồn tại của các pháp thì hết thảy không gì chẳng do nhân duyên hòa hợp thành, như nước luôn chảy xuống, lửa luôn bốc lên đều là những sự hoàn toàn tự nhiên như thế.

2) Nếu nói trên phương diện Chân Như, vạn pháp tự nhiên tùy duyên, tự nhiên quy về tánh, đều vốn sẵn bình đẳng.

Sách Du Già Sư Địa Luận cho rằng “pháp nhĩ đạo lý” chính là đạo lý tự nhiên sẵn có của bất cứ sự vật nào như tánh của lửa là nóng, tánh của nước là thấm ướt. Tịnh Độ Chân Tông của Nhật còn đưa ra khái niệm “pháp nhĩ vãng sanh”, tức là nương vào nguyện lực của Phật A Di Đà tự nhiên vãng sanh về Báo Độ.

[4] Nguyên văn “tịnh tiêu tề khu, vô hoặc hiên điệt” (rong cương cùng đi, mũi xe không chênh nhau). Tiêu là cái hàm thiếc ở mõm ngựa. Ý nói: Sánh ngựa cùng đi ngang nhau, xe đi ngang nhau không trước sau, chúng tôi dịch gọn là “sánh bằng, không có hơn kém”.