Đ a n g t i d l i u . . .

Lời tựa ấn hành sách Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận Giảng Nghĩa

Lời tựa ấn hành sách Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận Giảng Nghĩa

Lời tựa ấn hành sách Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận Giảng Nghĩa

Pháp môn Tịnh Độ lớn lao không gì ra ngoài được, hết thảy pháp môn không pháp nào chẳng lưu xuất từ pháp giới này; hết thảy hạnh môn không môn nào chẳng trở về pháp giới này, thật sự là đạo thành thủy thành chung để chư Phật viên mãn Bồ Đề mà cũng là pháp để chúng sanh cậy vào Phật từ lực hòng liễu thoát ngay trong đời này. Lý ấy rất sâu, sự ấy cực dễ. Vì thế con người phần nhiều chẳng thể thấu hiểu những chỗ ẩn kín, nên hoặc cầu phước báo trời người, chẳng dám gánh vác ngay, hoặc bỏ tín nguyện cầu sanh để chuyên khán câu “người niệm Phật là ai”, khiến cho pháp do đức Như Lai đặc biệt lập ra để khắp hết thảy thượng thánh hạ phàm sẽ cậy vào Phật từ lực được cao dự Liên Trì hải hội ngay trong đời này bị trở thành pháp tự lực.

Do đã không có tín nguyện, dẫu có đích thân thấy được [người niệm Phật] là ai thì cũng chỉ là đại triệt đại ngộ mà thôi! Nếu Phiền Hoặc chưa hết thì vẫn luân hồi y như cũ. Do cảnh duyên trược ác, kẻ mê mất đông đảo, muốn liễu sanh thoát tử ắt phải đợi đến năm con lừa! Chẳng đáng buồn sao? U Khê đại sư[1] nương theo bổn nguyện, thị hiện giáng sanh, hiểu trọn vẹn Giáo, ngộ tự tâm nơi Thiền, dốc lòng tu Tịnh nghiệp, lợi khắp trời người, thương những kẻ mê muội trong cõi đời, chẳng biết “Tây Phương Cực Lạc thế giới vốn là duy tâm Tịnh Độ; đạo sư A Di Đà Phật vốn là tự tánh Di Đà”, bèn bỏ sự thực để chấp lấy lý Không rồi dạy người khác niệm “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”. Rốt cuộc cho rằng “đạo lợi khắp thánh phàm của đức Như Lai chỉ nhằm biểu thị pháp hoặc là chuyện ngụ ngôn”, chỉ mong khai ngộ, mặc kệ những điều khác, đến nỗi kẻ cao minh đâm ra chẳng bằng phường ngu phu ngu phụ cắm cúi niệm Phật mà có thể ngầm thông Phật trí, thầm hợp diệu đạo, cảm ứng đạo giao, được Phật tiếp dẫn liền được vãng sanh. Căn bệnh là do ham cao chuộng xa, chứ chưa thật sự hiểu sâu xa nguồn cội của sự cao xa. Rốt cuộc biến khéo thành vụng, cầu thăng lên đâm ra bị đọa xuống, thật đáng buồn thương! Đại Sư buồn xót khôn cùng, riêng soạn bộ [Tịnh Độ] Sanh Vô Sanh Luận nhằm chỉ thẳng tâm tánh của ba thứ tâm – Phật – chúng sanh không sai biệt.

Tâm tánh ấy có đủ vô lượng đức, bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến, nơi phàm chẳng giảm, tại thánh không tăng. Do mê hay ngộ khác nhau đến nỗi có mười giới sai biệt. Nhưng ngay trong mười giới ấy, mỗi mỗi không gì chẳng phải là “tâm sẵn đủ, tâm tạo, tâm làm, tâm là”. Cầu sanh Tây Phương chính là chân vô sanh, do sanh về cõi Tây Phương “tâm sẵn đủ, tâm tạo, tâm làm, tâm là”; không phải như kẻ chấp Lý phế Sự chỉ có cái danh xuông, chứ thật sự chẳng có cảnh Tây Phương! Ấy chính là “quyết định sanh nhưng không có tướng sanh, quyết định vô sanh nhưng không có tướng vô sanh”, sanh mà vô sanh vậy. Lấy tín nguyện niệm Phật để cầu sanh vào cõi Tây Phương “tâm sẵn đủ, tâm tạo, tâm làm, tâm là” của chính mình, cho nên tuy sanh mà không có tướng sanh, tuy không sanh nhưng chẳng trụ vào tướng vô sanh. Đấy chính là ý chỉ tổng quát của Sanh Vô Sanh Luận.

Hiểu rõ điều này thì ai chịu trái nghịch Tánh để tạo nhân quả trong tam đồ lục đạo nữa ư? Ngay cả nhân quả xuất thế trong tam thừa cũng chẳng coi là cao tột, tiến thẳng vào nhân quả Bồ Đề vô thượng vậy. Luận này gồm có mười chương, mỗi mỗi đều lấy ý chỉ “tâm sẵn đủ, tâm tạo, tâm làm, tâm là”, Tam Đế, Tam Quán để giảng rõ ý nghĩa khiến cho đứa con cùng quẫn lê la ăn xin đích thân thấy được hạt minh châu nơi chéo áo, gã lữ khách cô đơn lênh đênh trở về quê nhà sẵn có, trên khế hợp Phật tâm, dưới khế hợp thời cơ. Vì thế khi Ngài soạn luận xong, đem giảng diễn, nhạc trời vang rền khắp hư không để tạo chứng cớ rõ rệt.

Từ đời Minh cho đến nay, đã hơn ba trăm năm, đời nào cũng có người lưu thông truyền bá bộ luận này. Gần đây, thế đạo nhân tâm ngày càng đi xuống, người có lòng lo toan muốn vãn hồi biết rằng nếu chẳng nhờ vào sự lý “nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo” như đức Phật đã dạy thì chẳng thể biến đổi lòng người được! Nếu chẳng nhờ vào pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, sẽ chẳng thể liễu sanh tử. Do vậy, họ đều nghiên cứu Phật học, nhưng vẫn riêng dốc sức nơi pháp môn Tịnh Độ. Cư sĩ Quý Tân Ích[2] ở Hải Môn đã có huệ căn từ đời trước, dốc lòng tin tưởng Phật thừa, từng được đích thân theo học giảng kinh dưới tòa của ngài Đế Nhàn. Đối với ý chỉ Tam Đế, Tam Quán của tông Thiên Thai đã hiểu chắc chắn không còn sót gì. Do vậy các cư sĩ nơi thành Tô Châu thỉnh ông giảng giải luận này, ghi lại những lời giảng thành sách, đặt tựa đề là [Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận] Giảng Nghĩa, sai Quang viết lời tựa. Do vậy, tôi bèn đọc văn ấy, đáng gọi là “nêu tỏ được lý, phù hợp Thật Tướng sâu xa, lời lẽ hay khéo như hoa trời”. Nguyện những độc giả cùng vâng lãnh ý nghĩa “tâm sẵn đủ, tâm tạo, tâm làm, tâm là” để rồi chân tín, nguyện thiết, chí thành niệm Phật, cầu sanh Tây Phương thì mới chẳng phụ ngài U Khê một phen khổ tâm tạo luận cũng như ông Quý giảng nghĩa vậy!

***

[1] U Khê đại sư chính là ngài Truyền Đăng (không rõ năm sanh và năm mất), ngài họ Diệp, hiệu là Vô Tận. Xuất gia từ nhỏ với ngài Tiến Hiền Ảnh Am, sau theo học giáo nghĩa Thiên Thai với ngài Bách Tùng. Năm Vạn Lịch thứ mười (1582) đời Minh, do hỏi ngài Bách Tùng về ý chỉ của Lăng Nghiêm Đại Định, bị ngài Bách Tùng trừng mắt nhìn trân trối, Sư đột nhiên khế nhập. Năm Vạn Lịch 15 (1587), Sư sang chùa Cao Minh ở U Khê dạy dỗ đồ chúng, nghiên cứu Thiền lẫn Tịnh. Cuốn Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận được hoàn thành trong thời gian này, điểm đặc sắc là vận dụng ý chỉ Tam Quán của tông Thiên Thai để xiển dương pháp môn Tịnh Độ. Năm Vạn Lịch 25 (1597), Sư lại soạn những tác phẩm A Di Đà Kinh Lược Viên Trung Sao, Lăng Nghiêm Kinh Huyền Nghĩa, Tục Xuất Thiên Thai Sơn Phương Ngoại Chí, Lăng Nghiêm Kinh Viên Thông Sớ, Tánh Thiện Ác Luận, Duy Ma Kinh Vô Ngã Sớ, Thiên Thai Truyền Phật Tâm Ấn Ký Chú. Sư thường tu các sám pháp Pháp Hoa, Đại Từ, Quang Minh, Di Đà, Lăng Nghiêm v.v… mỗi năm hành bốn thứ tam-muội. Khi lâm chung, Sư viết năm chữ Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, cao giọng xướng đề kinh hai lượt, rồi thanh thản qua đời.

[2] Tức cư sĩ Quý Thánh Nhất đã được Tổ nhắc đến trong hai bài trên, Tân Ích là tên thật, còn Thánh Nhất là pháp danh.