CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

LỜI NÓI ĐẦU

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính thưa chư liên hữu gần xa, Đại Sư Ấn Quang là vị Tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông, chính là hóa thân của Đại Thế Chí Bồ Tát, Ngài đã từng chỉ dạy:

“…Không luận xuất gia, tại gia, đều phải trên kính dưới hòa, nhẫn điều người không thể nhẫn, làm việc người không thể làm, chịu thay khổ nhọc, thành tựu việc tốt cho người. Lúc tĩnh tọa thường xét lỗi mình, khi nhàn đàm đừng chê kẻ khác. Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, mặc áo, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ chuyên nhất một câu niệm Phật, hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm, không cho gián đoạn. Ngoài niệm Phật ra không khởi niệm khác. Nếu như vọng niệm chợt sinh, ngay đó liền phải dứt trừ. Thường luôn luôn hổ thẹn, sám hối lỗi lầm. Dù có tu trì vẫn thấy mình khiếm khuyết, không được kiêu căng, chỉ xét lỗi mình, không vạch lỗi người, chỉ nhìn cái hay, không tìm điều dở, luôn luôn nghĩ tất cả đều là Bồ Tát, ta chỉ là phàm phu. Nếu y lời này dụng công tu hành, quyết định vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

1. Hãy nên tìm một nơi chân thật tu đạo, giữ tâm khiêm hạ, chết sạch những vọng động, tu trì Tịnh Nghiệp.

2. Nghĩ không còn sống lâu trong thế gian, cái chết có thể đến trong sớm tối, nào còn dám xen vô chuyện người khác.

3. Sanh lòng chân thật, phát nguyện thiết tha, chí thành, cung kính trì danh hiệu Phật, nhiếp tai lắng nghe từng câu từng chữ nối với nhau đừng sót câu nào.Thường nghe cả ngày tiếng niệm Phật của mình thì tâm sẽ thanh tịnh, tâm sẽ quy nhất.

4. Dẫu cho tâm đã tịnh, vọng bị khuất phục rồi, chớ nên sanh tâm hoan hỷ, tự khoe khoang với người khác.

5. Gặp bất cứ ai đều khuyên họ niệm Phật, cầu sanh Tây Phương.

Con người ở trong thế gian chẳng thể siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử đều là vì vọng niệm gây nên. Ngay trong lúc Niệm Phật, liền nghĩ như chính mình đã chết, chưa được vãng sanh, trong mỗi một niệm đều gác bỏ tất cả hết thảy tình niệm thế gian ra ngoài. Trừ một câu Phật hiệu ra, không có một niệm nào để được! Làm thế nào để niệm được như thế? Là vì ta đã chết rồi, tất cả hết thảy vọng niệm đều chẳng vướng mắc nữa. Niệm được như thế ắt sẽ có lợi ích lớn lao. Những kẻ tri kiến nhỏ nhoi hiện thời hễ hơi có một chút cảnh giới tốt đẹp bèn tự mãn, tự cho là đủ, tưởng mình đã đắc tam muội rồi! Hạng người ấy mười người hết chín người đều bị ma dựa, phát cuồng vì tâm niệm cách ngăn với Phật, phù hợp với ma cho nên thành ra như vậy…”

Những ai chân thật thực hành theo lời dạy này thảy đều đạt được lợi ích chân thật, số người vãng sanh đông nhiều không thể tính đếm nổi!

Trong quá trình sưu tập chuyện vãng sanh, chúng tôi nhận thấy đa số hầu hết những vị vãng sanh đều có đặc điểm chung giông giống nhau, đó là tính tình thiệt thà chất phác, khiêm cung nhún nhường!

Cổ Đức cho biết rằng đối với Pháp môn Tịnh Độ có hai hạng người dễ dàng thành tựu, đó là bậc “thượng trí” và kẻ “hạ ngu”. Bậc “thượng trí” tức những người thông tông thông giáo, chúng ta không thể học theo được; còn “hạ ngu” chúng ta có thể miễn cưỡng học tập, chỉ cần cái gì ta cũng không biết, chỉ biết cuộc đời ta đang sống đây đầy dẫy khổ đau, mạng người mong manh trong hơi thở; chỉ biết danh hiệu Phật A Di Đà là chiếc phao duy nhất đưa ta ra khỏi dòng sanh tử luân hồi. Rồi buông xuống tất cả, chấp nhận mọi thua thiệt mộng mị của kiếp người, vả lại thua thiệt bất quá cũng chỉ một trăm năm là cùng, đời sau ta sẽ nhất định vãng sanh thành Phật!

Tập Chuyện Vãng Sanh tập 3 vừa hoàn tất chúng tôi xin ra mắt cúng dường khắp tất cả mọi nơi, việc làm này nếu có chút ít công đức nào, xin hồi hướng mười phương pháp giới chúng sanh, đồng sanh Tây Phương đồng thành Phật đạo!

Nam Mô A Di Đà Phật!                                               

Miền Tây, ngày rằm tháng bảy năm Đinh Dậu.
Thay mặt Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt.