Làm Thế Nào Niệm Được Bền Lâu?
Trích Niệm Phật Thập Yếu của HT Thích Thiền Tâm
Phải Tuần Tự Tiến Tu
Người tu Tịnh Độ, muốn niệm Phật được bền lâu, phải tùy theo tinh thần, sức khỏe, và hoàn cảnh của mình mà đặt thời hạn, rồi lần lần tăng tiến, chớ nên bước đầu đã vội hành trì quá nhiều. Như người đi quá gấp, tất dễ bị vấp ngã. Kẻ chưa lượng sức mình, mà vội hành trì quá mức, sau có thể vì mệt mỏi chán nản rồi bỏ trôi luôn.
Đại để người tu môn Niệm Phật, nên phân làm định thời và không định thời. Định thời là mỗi ngày đều phải có thời khóa nhứt định, lại nên ghi số là bao nhiêu câu. Không định thời là ngoài các thời khóa, đi đứng nằm ngồi đều niệm thầm, nhưng niệm thả không ghi số. Điểm cốt yếu của sự Niệm Phật là dù niệm chậm hay mau, cũng phải rành rẽ rõ ràng, tâm bắt kịp tiếng niệm, tâm và tiếng dung hòa nhau. Cứ như thế niệm lâu thành thuần thục, sức niệm mau dần, có thể tăng từ một ngàn, hai ba ngàn, một muôn, bốn năm muôn, cho đến mười muôn câu trong mỗi ngày đêm.
Có người bảo: “Tôi đã nhiều lần thí nghiệm qua, dù với cách nào cũng không thể mỗi ngày đêm niệm đến mười muôn câu được. Cho nên lời xưa nói: Mỗi ngày đêm lấy mười muôn câu làm định khóa, đại khái nên hiểu một ước số để khuyến tấn mà thôi.”
Lời nói trên, chỉ đề cập đến sự “thí nghiệm” nhưng chưa bàn đến cách “tập luyện”. Theo Đạo Nguyên pháp sư, nếu tập luyện cho tinh thuần, mỗi ngày đêm hành giả có thể niệm đến mười muôn câu Phật hiệu, nhưng phải y theo mấy điều kiện như sau:
1. Phải ngồi mà niệm. Tuy đi đứng nằm ngồi đều có thể niệm Phật, nhưng muốn niệm cho mau mà vẫn nghe được rành rẽ rõ ràng, thì nên ngồi mới thích hợp.
2. Nên dùng chuỗi nhẹ và lấy mười câu làm một đơn vị. Bởi nếu niệm mau mà mỗi câu đều lần một hạt chuỗi, e tay lần không kịp, dù có kịp cũng dễ bị chứng đau gân tay và mỏi nhức chả vai.
3. Chỉ niệm bốn chữ A Di Đà Phật, không niệm sáu chữ. Bởi niệm sáu chữ một muôn câu, nếu rút ngắn niệm bốn chữ, có thể lên đến một muôn năm ngàn câu.
4. Phải niệm theo lối Kim Cang trì, nghĩa là chỉ sẽ động môi mà thôi. Nếu niệm thầm hoặc ra tiếng, sợ e niệm không được mau, và khi cổ động cho tiếng phát ra khỏi miệng, phải mất một khoảng thời gian. Niệm ra tiếng một muôn câu, đổi lại niệm theo lối Kim Cang trì, có thể lên đến hai ba muôn câu.
Nếu y theo bốn điều kiện trên đây tập luyện cho tinh thuần, lâu ngày lâu tháng sức niệm càng mau chóng, nhưng vẫn không mất sự rành rẽ rõ ràng. Như thế luyện cho đến khi nào niệm một ngàn câu chỉ mất năm phút làm mục đích. Thế thì trong một giờ niệm một muôn câu cộng lại tốn năm mươi phút, còn mười phút để thay đổi oai nghi cho khỏi mỏi nhọc hoặc đứng lên lễ Phật, hoặc buông chuỗi chắp tay vừa đi nhiễu Phật, vừa nhẹ hô hấp để lấy sức. Cách thức vừa niệm vừa nghỉ ngơi như thế, niệm mười muôn câu duy phí có mười giờ. Trong một ngày đêm hai mươi bốn giờ, trừ ngủ nghỉ sáu giờ, ăn uống đại tiểu tiện ba giờ, mười giờ để khóa niệm mười muôn câu, cộng lại hết mười chín giờ, hãy còn dư ra năm giờ đồng hồ. Năm giờ ấy, hoặc để làm công chuyện vặt, hoặc tĩnh tọa hay xem kinh vẫn còn thư thả.
Nên Cầu Tinh Thuần, Đừng Tham Nhiều
Có người niệm Phật không thích lần chuỗi, chỉ ước định mỗi thời khóa là bao nhiêu giờ. Niệm như thế được điểm lợi là dễ dưỡng tâm, mỗi câu Phật hiệu đều rành rẽ thâm nhập. Nhưng nếu không phải là người có tâm lực mạnh, chí kiên quyết, thì sẽ lạc vào khuyết điểm; niệm lực trì trệ khó thành tựu, mau sanh chán mỏi, thường nhìn vào đồng hồ để xem coi gần mãn giờ hay chưa? Còn lần chuỗi mà niệm theo định số, thì sức niệm tinh tấn mau thuần thục, ví như người tuy yếu chân nhưng nhờ nương nơi cây gậy, nên dễ tiến lên núi cao. Song nếu không khéo giữ đúng theo điểm căn bản của sự niệm Phật là: “Câu niệm rành rẽ rõ ràng, tâm cùng tiếng dung hòa nhau,” tất lại bị khuyết điểm bởi ham mau ham nhiều mà thành ra niệm dối! Nên biết lúc hành giả khởi niệm, thì mỗi câu Phật hiệu đều đi sâu vào tạng thức. Khi sức dồn chứa huân tập đã nhiều, tức câu niệm Phật từ nơi tạng thức tự phát hiện ra trong khi thức hoặc lúc ngủ. Đây gọi là cảnh giới “không niệm tự niệm.” Nếu bình thường niệm rành rẽ thì nó phát hiện rành rẽ, niệm giả dối không rõ ràng, tức câu Phật hiệu hiện ra không rõ ràng. Điểm thất bại của người niệm Phật là tại chỗ đó, nên phải dè dặt ngay từ lúc đầu. Lời tục thường nói: “Đa hư bất như thiểu thật.” Nếu vì ham mau ham nhiều để cầu danh là mình niệm mỗi ngày được mấy muôn câu rồi niệm hư dối không rõ ràng, tâm không bắt kịp tiếng, chẳng thà niệm ít mà chắc còn hơn.
Bút giả có biết một bà Phật tử tu Tịnh Độ. Bà này có lòng tin Tam Bảo, nhưng tánh còn thích rong chơi. Mỗi khi về tối, con cháu mời lại bàn cùng ăn cơm, bà nói: “Thầy dạy tao phát nguyện mỗi ngày niệm Phật mười chuỗi, nếu tao không giữ đúng lời hứa thì có tội với Tam Bảo. Bây hãy chờ một chút cho tao ‘làm đủ số’, rồi sẽ dùng cơm.” Nói đoạn, bà vội mặc áo tràng, niệm Phật lia lịa gấp như chữa lửa, chỉ mười lăm phút là xong việc. Niệm Phật như thế thì làm sao mà vãng sanh được? Chẳng những một bà này, mà còn nhiều Phật tử khác cũng niệm Phật theo lối “làm cho đủ số” đó. Vậy nên biết niệm Phật quí ở nơi phát tâm chân thật, câu niệm chắc chắn rõ ràng, gọi là “lão thật niệm Phật” mới mong có kết quả.
Vào khoảng cuối đời nhà Thanh bên Trung Hoa, ở Hàng Châu có một bà Phật tử đến am Hiếu Từ hỏi Đạo Nguyên hòa thượng: “Con niệm Phật đã lâu, nhưng chưa thấy có chi tiến bộ, không biết tại sao?” Hòa thượng bảo: “Niệm Phật không khó, mà khó ở giữ cho được bền lâu. Chắc có lẽ bà niệm không được đều và bền nên mới như thế.” Bà thưa: “Quả đúng như vậy. Con vì mắc gia duyên bận buộc, nên niệm Phật thường hay gián đoạn không được bền. Từ đây xin gát hết mọi duyên, nguyện giữ đúng như lời thầy dạy.” Cách ít lâu sau, bà lại đến hỏi: “Từ khi nghe lời chỉ giáo đến nay, con dẹp hết mọi việc ngoài, mỗi ngày niệm Phật đều đều, sao vẫn chưa thấy có hiệu lực?” Hòa thượng dạy tiếp: “Niệm Phật không khó, khó ở bền lâu. Niệm bền lâu không khó, mà khó ở nơi nhứt tâm. Bên ngoài tuy bà gát hết mọi duyên, nhưng trong tâm còn lo đến việc nhà cửa ruộng vườn, luyến tưởng đến cháu con quyến thuộc. Ý lo lắng chưa dứt, gốc tình ái vẫn còn, làm sao mà được nhứt tâm thấy Phật?” Bà nghe nói liền than: “Thật quả có như vậy! Con duyên ngoài tuy bỏ, nhưng tâm tưởng vẫn còn vấn vương. Từ đây xin trăm việc không quản đến, để nhứt tâm niệm Phật.” Sau khi lãnh giáo về nhà, con cháu hoặc người ngoài có bày tỏ hỏi han điều chi, bà đều bảo: “Tôi muốn yên tâm, trăm việc xin không quản đến.” Do duyên cớ này, mọi người đều gọi là bà lão Bá Bất Quản. Vài năm sau, bà đến am Hiếu Từ lạy ngài Đạo Nguyên thưa: “Nhờ ơn chỉ dạy, nay con niệm được nhứt tâm và đã thấy Phật. Xin đến lễ tạ giả từ hòa thượng, vì con sắp sẽ vãng sanh.”
Bà Bá Bất Quản trên đây, do lãnh ngộ hai nguyên tắc: bền lâu và nhứt tâm mà được kết quả giải thoát. Cho nên người niệm Phật muốn đi đến mức tinh thuần, phải xem từ nhà cửa ruộng vườn đến thân tình quyến thuộc như cảnh duyên giả tạm, hợp rồi lại tan. Nếu có lòng thương quyến thuộc, trước tiên phải làm sao cho mình được vãng sanh giải thoát, rồi sau sẽ độ người thân, mới là tình thương chân thật. Cho nên muốn niệm Phật, suy ra chẳng những trăm việc không quản, mà ngàn việc, muôn việc đều không quản đến mới được.
Chớ Để Mất Phần Nhập Phẩm
Người tu khi niệm Phật phát nguyện cầu sanh về Tây Phương, nơi ao thất bảo ở cõi Cực Lạc liền mọc lên một hoa sen. Nếu cứ tiếp tục niệm không gián đoạn, thì hoa sen ấy lần lần to lớn mãi lên. Trái lại tự nhiên hoa cũng héo tàn. Chừng nào phát tâm tinh tấn trở lại, sẽ có một hoa sen khác hóa hiện. Hoa sen đó do sức tu niệm của hành giả hiện thành, tùy nơi công hạnh cao thấp mà có hơn kém, chia thành chín phẩm, từ Hạ Phẩm Hạ Sanh lên đến Thượng Phẩm Thượng Sanh. Tuy nói khái ước có chín phẩm, nhưng vì công hạnh của người tu rất khác biệt, nên thật ra trong ấy bao hàm đến vô lượng phẩm. Chẳng hạn như trong xã hội đại khái có ba giai cấp: quyền quí, trung lưu và bần khổ; nhưng thật ra trong mỗi giai cấp đều có nhiều thứ bậc hơn kém khác nhau. Phẩm sen ở Cực Lạc cũng như thế.
Tu Tịnh Độ tùy nơi căn cơ và hoàn cảnh nên công hạnh của mỗi người thành ra sai biệt. Có những vị mỗi ngày niệm tới số trăm, số ngàn, lên đến số nhiều muôn. Nhưng dù bận việc bao nhiêu, ít nhứt mỗi ngày hành giả phải có mười niệm, bằng không sẽ mất phần “nhập phẩm”, nghĩa là không được dự vào chín phẩm sen ở cõi Tây Phương. “Nhập phẩm” là danh từ riêng của người tu Tịnh Độ, nó gợi ý nhắc nhở hành giả đừng quên phần niệm Phật. Mười niệm cũng gọi là Thập Niệm Pháp. Đấy là phương thức của ngài Từ Vân sám chủ, căn cứ theo chương Hạ Phẩm Hạ Sanh của Kinh Quán Vô Lượng Thọ mà chế ra, để dành riêng cho những người quá bận về công việc nước hay nhà có thể niệm Phật và vãng sanh Cực Lạc. Phương pháp này gồm có mười niệm, mỗi niệm là một hơi thở, mật ý đi về chỗ “mượn hơi nhiếp tâm.” Người hơi dài có thể mỗi hơi niệm mười mấy câu, kẻ hơi ngắn chỉ bảy, tám câu cũng được. Cứ mỗi hơi niệm Phật gọi là một niệm, mười hơi là mười niệm. Sau khi niệm xong mười hơi, tiếp tục đọc bài kệ hồi hướng:
Nguyện sanh Tây Phương cõi Tịnh Độ.
Mẹ cha là chín phẩm sen lành.
Hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh.
Độ khắp tất cả loài hàm thức.
Nguyện xong, lễ Phật ba lạy rồi lui ra. Phương pháp này phát xuất bởi lòng từ bi vô lượng của Phật, Tổ, dù người đa đoan công việc thế mấy, cũng có thể thật hành để bước lên đường giải thoát.
Về chỗ niệm Phật mười hơi, có điểm cần chú ý là cứ để tự nhiên đừng kéo dài hoặc rút ngắn. Nếu chẳng thế tất sẽ mang chứng bịnh “thương khí.” Trung Luân pháp sư khi đến Bắc Bình giảng đạo, một hôm có ông lão đến nói: “Tại tôi niệm Phật, nên bây giờ sanh chứng lãng tai và đôi khi không nghe chi hết.” Pháp sư hỏi duyên cớ, ông lão đáp: “Có vị đại đức bí mật truyền cho tôi một phương pháp niệm Phật. Vị ấy bảo: “Phép niệm mười hơi, hiện tại các hòa thượng, thượng tọa không ai biết cả, bởi trong ấy có một khẩu quyết mà bây giờ đã thất truyền.” Tôi thành khẩn cầu pháp, vị đó dạy mỗi hơi phải niệm suốt một tràng chuỗi, gồm một trăm lẻ tám câu. Tôi y theo lời, cố gắng thật hành, và lỗ tai sanh ra lùng bùng rồi lãng điếc từ khi ấy. Vậy chẳng biết phương pháp niệm như thế có đúng lời Phật dạy chăng?” Ngài Trung Luân nghe xong bác bỏ, trách vị đại đức kia đem pháp Phật biến thành pháp ngoại đạo, diễn nên kết quả hại người. Rồi Ngài từ từ đem nguyên lý Thập Niệm Pháp giảng cho ông lão nghe.
Đây là một câu chuyện mà người niệm Phật phải lưu tâm, để rút lấy phần kinh nghiệm.