SỐ 232
KINH VĂN-THÙ-SƯ-LỢI SỞ THUYẾT MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Dịch Phạn ra Hán: Đời Lương, Tam tạng Mạn-đà-la-tiên, người nước Phù Nam.
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN THƯỢNG
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, Đức Phật cùng một ngàn vị đại Tỳ-kheo và mười ngàn vị Đại Bồ-tát tập hợp đầy đủ. Các vị đều dùng Đại trang nghiêm để tự trang nghiêm thân và tất cả đã trụ vào địa vị không thoái chuyển. Tên của các vị Bồ-tát ấy là Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Vô Ngại Biện, Bồ-tát Bất Xả Đởm… đầy đủ các Bồ-tát như vậy.
Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Đồng chân vào sáng sớm một mình đi đến chỗ Đức Phật, nhưng đứng ở bên ngoài. Bấy giờ các Tôn giả Xá-lợi-phất, Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử, Đại Mục-kiều-liên, Ma-ha Ca-diếp, Ma-ha Ca-chiên-diên, Ma-ha Câu-hy-la… cùng tất cả các đại Thanh văn cũng đều đến chỗ Đức Phật và đứng bên ngoài.
Biết chúng hội đã tập hợp, Đức Như Lai đi ra khỏi phòng và trải tòa ngồi. Đức Thế Tôn dạy Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Vì sao mới sáng sớm mà ông đến đứng ở ngoài cửa rồi?
Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Đồng chân, đã đến
đây và đứng ngoài cửa trước tiên. Thật ra con đến sau.
Bấy giờ Đức Phật hỏi Văn-thù-sư-lợi:
–Ông đến đây trước tiên là ý muốn gặp Như Lai chăng?
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, đúng vậy! Đúng là con đến đây để gặp Thế Tôn. Vì sao? Vì con ưa thích chánh quán để làm lợi ích cho chúng sinh. Con quán Như Lai tướng như như, chẳng phải tướng dị, chẳng phải tướng động, chẳng phải tướng tạo tác, không phải tướng sinh, không phải tướng diệt, chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng không, không phải ở một chỗ, không phải rời khỏi chỗ không phải ba đời, không phải không ba đời, không phải hai tướng, không phải không hai tướng, chẳng phải tướng cấu, chẳng phải tướng tịnh… Con chánh quán tất cả tướng Như Lai như vậy, để làm lợi ích cho chúng sinh.
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu thấy được tướng Như Lai như vậy, thì tâm không nắm lấy, cũng không phải không nắm lấy. Không phải tích tụ, cũng không phải không tích tụ.
Khi ấy, Xá-lợi-phất nói với Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu ông nói như vậy, thì việc thấy Như Lai là rất hiếm có; vì tất cả chúng sinh thấy Như Lai mà tâm không chấp lấy tướng chúng sinh. Giáo hóa tất cả chúng sinh hướng đến Niết-bàn mà cũng không nắm lấy tướng đến Niết-bàn. Vì tất cả chúng sinh, làm trang nghiêm vĩ đại nhưng tâm không thấy tướng trang nghiêm.
Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Đồng chân nói với Xá-lợi-phất:
–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như những điều Tôn giả nói! Tuy vì tất cả chúng sinh, phát tâm làm Đại trang nghiêm nhưng thường không thấy có tướng chúng sinh. Vì tất cả chúng sinh phát Đại trang nghiêm nhưng cảnh giới của chúng sinh thì không tăng, cũng không giảm. Giả sử có một Đức Phật trụ ở đời một kiếp hay hơn một kiếp; từ cảnh giới của một Đức Phật đó, lại có vô lượng, vô biên hằng hà sa chư Phật; như vậy, mỗi mỗi Đức Phật trụ một kiếp hay hơn một kiếp, ngày đêm thuyết pháp, tâm không dừng nghỉ.
Tất cả chư Phật đó cứu độ vô lượng hằng hà sa chúng sinh, làm cho nhập vào Niết-bàn, nhưng cảnh giới của chúng sinh cũng không tăng, không giảm. Cho đến mười phương thế giới chư Phật, cũng lại như vậy. Mỗi mỗi chư Phật thuyết pháp giáo hóa, đều độ vô lượng hằng hà sa chúng sinh, làm cho nhập vào Niết-bàn nhưng cảnh giới của chúng sinh thì không tăng, cũng không giảm. Vì sao? Vì định tướng của chúng sinh là không thể nắm bắt, cho nên cảnh giới của chúng sinh là không tăng không giảm.
Xá-lợi-phất lại nói với Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu cảnh giới của chúng sinh không tăng không giảm thì làm sao Bồ-tát vì chúng sinh mà cầu Chánh đẳng Chánh giác, thường thực hành việc thuyết pháp?
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Nếu tất cả chúng sinh đều là tướng không thì không có Bồ-tát cầu Chánh đẳng chánh giác. Cũng không có chúng sinh để thuyết pháp. Vì sao? Vì trong pháp tôi nói, không có một pháp nào có thể nắm bắt.
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu không có chúng sinh, vì sao nói có chúng sinh và cảnh giới của chúng sinh?
Văn-thù-sư-lợi nói:
–Cảnh giới của chúng sinh tương tự cảnh giới của chư Phật.
Đức Phật lại hỏi Văn-thù-sư-lợi:
–Cảnh giới của chúng sinh có lường được chăng?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Số lượng cảnh giới của chúng sinh cũng như số lượng cảnh giới của Phật.
Đức Phật lại hỏi:
–Số lượng cảnh giới của chúng sinh có xứ sở không?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Số lượng cảnh giới của chúng sinh là không thể nghĩ bàn.
Đức Phật lại hỏi:
–Tướng cảnh giới của chúng sinh có trụ không?
Thưa:
–Chúng sinh không có trụ, giống như trụ hư không.
Đức Phật hỏi Văn-thù-sư-lợi:
–Như vậy, khi tu Bát-nhã ba-la-mật, nên trụ Bát-nhã ba-la-mật như thế nào?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Không trụ vào pháp nào cả, là trụ Bát-nhã ba-la-mật.
Đức Phật lại hỏi:
–Vì sao nói không trụ vào pháp nào gọi là trụ Bát-nhã ba-lamật?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Vì không có tướng trụ tức là trụ Bát-nhã ba-la-mật.
Đức Phật hỏi Văn-thù:
–Như vậy, khi trụ Bát-nhã ba-la-mật, thì các căn lành ấy tăng trưởng ra sao? Tổn giảm thế nào?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Nên trụ Bát-nhã ba-la-mật, thì các căn lành không tăng, không giảm; đối với tất cả pháp cũng không tăng, không giảm. Tánh, tướng của Bát-nhã ba-la-mật đó cũng không tăng, không giảm.
Bạch Thế Tôn! Như vậy tu Bát-nhã ba-la-mật thì không xả pháp phàm phu, cũng không giữ lấy pháp của Hiền thánh. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật không thấy có pháp để nắm bắt hay xả bỏ. Như vậy, tu Bát-nhã ba-la-mật cũng không thấy Niết-bàn, sinh tử đáng vui hay đáng nhàm chán. Vì sao? Vì không thấy sinh tử thì lam sao nhàm chán, xa lìa? Không thấy Niết-bàn thì làm sao ưa thích? Như vậy, tu Bát-nhã ba-la-mật không thấy phiền não, cấu bẩn để xả bỏ; cũng không thấy công đức để bắt lấy. Đối với tất cả các pháp, tâm không tăng không giảm. Vì sao? Vì không thấy pháp giới có tăng giảm. Bạch Thế Tôn! Nếu đúng như vậy thì gọi là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Thế Tôn! Không thấy các pháp có sinh có diệt, đó là tu Bát-nhã ba-la-mật. Bạch Thế Tôn! Không thấy các pháp có tăng có giảm, đó là tu Bát-nhã ba-la-mật. Bạch Thế Tôn! Tâm không muốn nắm bắt, không thấy tướng của pháp để có thể mong cầu; đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Đức Thế Tôn! Không thấy đẹp xấu, không có so đo cao thấp, không nắm bắt hay xả bỏ. Vì sao? Pháp không có đẹp xấu, vì pháp xa lìa các tướng; pháp không cao thấp, vì tánh của pháp bình đẳng; pháp không nắm bắt hay xả bỏ, vì pháp trụ vào thật tế. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Đức Phật hỏi Văn-thù-sư-lợi:
–Có pháp nào hơn Phật pháp không?
Văn-thù thưa:
–Con không thấy các pháp nào thù thắng hơn Phật pháp. Như Lai tự giác ngộ tất cả pháp không, đó là điều có thể chứng tri.
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Đúng như vậy, Như Lai chánh giác tự chứng pháp không.
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Trong pháp không đó sẽ có pháp thắng mà có thể chứng đắc ư?
Đức Phật nói:
–Lành thay, Văn-thù-sư-lợi! Những lời ông nói, đúng là pháp chân chánh.
Đức Phật lại hỏi:
–Vô thượng Chánh đẳng có gọi là Phật pháp không?
Thưa:
–Như lời Phật nói, Vô thượng Chánh đẳng gọi là Phật pháp. Vì sao? Vì không có pháp nào được gọi là Vô thượng Chánh đẳng.
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Như vậy, tu Bát-nhã ba-la-mật không gọi là pháp khí, không có pháp để giáo hóa phàm phu, cũng không có Phật pháp, không có pháp tăng trưởng. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Đức Thế Tôn! Khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy có pháp, có thể phân biệt tư duy.
Đức Phật hỏi:
–Ông không tư duy về Phật pháp ư?
Thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn, không! Theo con, tư duy không thấy Phật pháp, cũng không thể phẩn biệt đây là pháp phàm phu, là pháp Thanh văn, là pháp Bích-chi-phật, như vậy gọi Phật pháp vô thượng.
Lại nữa, khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy tướng phàm phu, không thấy tướng Phật pháp, không thấy các pháp có tướng cố định. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Đức Thế Tôn! Khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy Dục giới, không thấy Sắc giới, không thấy Vô sắc giới, không thấy Tịch diệt giới. Vì sao? Vì không thấy có pháp nào là tướng diệt tận. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Bạch Đức Thế Tôn! Khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy người ban ân, không thấy người trả ân. Tư duy hai tướng như vậy tâm không phân biệt. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Lại nữa, khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy Phật pháp có thể nắm bắt, không thấy pháp phàm phu có thể xả bỏ. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Lại nữa, khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy pháp phàm phu có thể diệt, cũng không thấy Phật pháp để chứng tri. Đó là tu Bátnhã ba-la-mật.
Đức Phật dạy Văn-thù:
–Lành thay! Ông đã khéo nói đúng về tướng thâm sâu của Bátnhã ba-la-mật. Đó là pháp ấn mà các Đại Bồ-tát đã học. Cho đến Thanh văn, Duyên giác, bậc Hữu học và Vô học cũng sẽ không lìa ấn ấy, để tu đạo quả.
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Nếu người nào được nghe pháp ấy mà không kinh nghi, sợ sệt. Phải biết rằng người ấy từ xa xưa đã trồng các căn lành với ngàn Đức Phật, cho đến trăm ngàn vạn ức Phật, cũng đã trồng sâu căn đức nên không kinh nghi, sợ sệt đối với Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy.
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Con xin nói lại nghĩa Bát-nhã ba-la-mật. Đức Phật dạy:
–Hãy nói đi!
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Bạch Đức Thế Tôn! Khi tu Bát-nhã ba-la-mật, không thấy các pháp nào là nên trụ là không nên trụ; cũng không thấy cảnh giới có tướng để nắm lấy hay bỏ đi. Vì sao? Vì chư Như Lai không thấy tướng cảnh giới của tất cả các pháp, cho đến không thấy cảnh giới của chư Phật, huống chi phải nắm bắt cảnh giới của Thanh văn, Duyên giác và phàm phu, không nắm giữ tướng có thể nghĩ bàn, cũng không nắm giữ tướng chẳng nghĩ bàn; không thấy các pháp có bao nhiêu tướng; tự chứng pháp không, chẳng thể nghĩ bàn. Như vậy, Đại Bồ-tát đã cúng dường và trồng các căn lành với vô lượng trăm ngàn vạn ức Phật, cho nên không kinh nghi, sợ sệt Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy.
Lại nữa, khi tu Bát-nhã ba-la-mật không thấy buộc, không thấy mở, không thấy tướng sai biệt của phàm phu cho đến Tam thừa. Đó là tu Bát-nhã ba-la-mật.
Đức Phật hỏi Văn-thù:
–Ông đã cúng dường bao nhiêu chư Phật?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Tướng của con và chư Phật như huyễn hóa, nên không thấy được sự cúng dường và người thọ sự cúng dường.
Đức Phật hỏi:
–Nay ông không thể trụ vào Phật thừa ư?
Văn-thù thưa:
–Như con đã tư duy, không thấy một pháp nào thì làm sao được trụ vào Phật thừa.
Đức Phật hỏi:
–Ông không chứng Phật thừa ư?
Văn-thù thưa:
–Như Phật thừa thì chỉ có danh tự, không thể chứng đắc cũng không thể thấy, thì làm sao con chứng đắc được?
Đức Phật hỏi:
–Ông có chứng đắc trí vô ngại không?
Văn-thù thưa:
–Con tức là vô ngại, thì làm sao mà dùng vô ngại chứng vô ngại?
Đức Phật hỏi:
–Ông có ngồi đạo tràng không?
Văn-thù thưa:
–Tất cả Như Lai không ngồi đạo tràng thì làm sao riêng con ngồi đạo tràng. Vì sao? Vì hiện tại thấy các pháp đều trụ vào thật tế.
Đức Phật hỏi:
–Thế nào gọi là thật tế?
Văn-thù thưa:
–Thân kiến… là thật tế.
Đức Phật hỏi:
–Thế nào là thân kiến, là thật tế đó?
Văn-thù thưa:
–Thân kiến tướng của Như là chẳng thật, chẳng phải không thật; không đến, không đi; là thân, không phải thân. Đó gọi là thật tế.
Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Nếu hiểu rõ nghĩa này thì nhất định gọi là Đại Bồ-tát. Vì sao? Vì được nghe tướng Bát-nhã ba-la-mật sâu xa ấy mà tâm không kinh nghi sợ sệt, không lùi, không hối hận.
Di-lặc Bồ-tát bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Được nghe đầy đủ pháp tướng của Bát-nhã ba-la-mật tức là gần ngôi vị Phật. Vì sao? Vì hiện tại Như Lai đã giác ngộ pháp tướng này.
Văn-thù thưa:
–Bạch Thế Tôn! Được nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu, thì không kinh nghi sợ sệt, không lùi, không hối hận. Nên biết người này đã thấy Phật.
Bấy giờ có Ưu-bà-di Vô Tướng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Các pháp phàm phu, pháp Thanh văn, pháp Bích-chi-phật, pháp Bồ-tát, pháp Phật đều là vô tướng. Cho nên được nghe Bát-nhã ba-la-mật, tất cả đều không kinh nghi sợ sệt, không lùi, không hối hận. Vì sao? Vì tất cả các pháp vốn là vô tướng.
Đức Phật dạy Xá-lợi-phất:
–Thiện nam, thiện nữ nào, được nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu ấy thì tâm nhất định, không kinh nghi sợ sệt, không lùi, không hối hận. Nên biết, người ấy đã trụ vào địa vị không thoái chuyển. Nếu người nào nghe Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu này mà không kinh nghi, sợ sệt, lại tin ưa, nghe, thọ, vui mừng không biết chán; tức là người ấy có đầy đủ Bố thí ba-la-mật, Trì giới ba-la-mật, Tinh tấn ba-la-mật, Nhẫn nhục ba-la-mật, Thiền định ba-la-mật và Trí tuệ ba-la-mật; cũng có thể chỉ bày, phân biệt cho người khác để tu hành đúng pháp.
Đức Phật hỏi Văn-thù:
–Ông quán xét nghĩa gì, mà chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà trụ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?
Văn-thù thưa:
–Con không chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, con không trụ Phật thừa thì làm sao chứng được? Với những điều con nói tức là tướng Bồ-tát.
Đức Phật khen Văn-thù-sư-lợi:
–Lành thay! Ông đã khéo nói nghĩa trong pháp thâm sâu này. Trước đây ông đã trồng sâu các căn lành với Phật, lấy pháp vô tướng mà thanh tịnh tu hành phạm hạnh.
Văn-thù thưa:
–Nếu thấy có tướng thì nói vô tướng. Nay con không thấy có tướng, cũng không thấy vô tướng, thì làm sao nói là dùng pháp vô tướng để thanh tịnh tu hành phạm hạnh?
Đức Phật hỏi Văn-thù:
–Ông có thấy giới luật Thanh văn chăng?
Văn-thù thưa: –Dạ thấy.
Đức Phật hỏi:
–Ông thấy như thế nào?
Văn-thù thưa:
–Con không tạo tri kiến phàm phu, con không tạo tri kiến bậc Thánh, không tạo hữu giác kiến, không tạo vô giác kiến, không tạo đại kiến, không tạo tiểu kiến, không tạo điều phục kiến, không tạo không điều phục kiến, chẳng phải kiến, chẳng phải không kiến.
Xá-lợi-phất hỏi Văn-thù:
–Ông quán Thanh văn thừa như vậy, còn quán Phật thừa thì sao?
Văn-thù nói:
–Tôi không thấy pháp Bồ-đề, không thấy người tu hành Bồ-đề, cũng không thấy người chứng Bồ-đề.
Xá-lợi-phất hỏi Văn-thù:
–Sao gọi là Phật? Thế nào là quán Phật?
Văn-thù hỏi lại:
–Thế nào là ngã?
Xá-lợi Phật nói:
–Ngã chỉ có trong danh tự, tướng danh tự là trống không.
Văn-thù nói:
–Đúng vậy, nếu ngã chỉ là danh tự thì Phật cũng chỉ là danh tự. Tướng của danh tự trống không tức là Bồ-đề. Không dùng danh tự để cầu Bồ-đề. Tướng của Bồ-đề là không lời, không nói. Vì sao? Vì lời nói và Bồ-đề, cả hai đều trống không.
Này Xá-lợi-phất! Sao gọi là Phật? Quán Phật thế nào? Nghĩa là không sinh, không diệt, không đến, không đi, không tên, không tướng; đó gọi là Phật. Quán thật tướng của thân mình thì quán Phật cũng như vậy. Chỉ người có trí tuệ mới có thể biết được thôi. Đó gọi là quán Phật.
Bấy giờ Xá-lợi-phất bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như Văn-thù-sư-lợi nói với Bát-nhã ba-la-mật thì hàng Sơ học Bồ-tát không thể hiểu biết được.
Văn-thù thưa:
–Không những hàng Sơ học Bồ-tát không thể biết mà hàng Nhị thừa đã chứng đắc cũng chưa chắc đã biết rõ được. Nói pháp như vậy, không có ai biết cả. Vì sao? Vì tướng Bồ-đề, thật không có pháp nào mà có thể biết, nó không thấy, không nghe, không đắc, không nghĩ, không sinh, không diệt, không nói, không tiếng. Như vậy, tánh tướng của Bồ-đề là không tịch, không chứng, không biết, không hình, không tướng, thì làm sao có người chứng đắc Bồđề?
Xá-lợi-phất hỏi Văn-thù:
–Đối với pháp giới, Phật không chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ư?
Văn-thù trả lời:
–Xá-lợi-phất! Không chứng. Vì sao? Vì Thế Tôn tức là pháp giới. Nếu dùng pháp giới chứng pháp giới tức là tranh luận. Này Xá-lợi-phất! Tướng của pháp giới tức là Bồ-đề. Vì sao? Vì trong pháp giới ấy không có tướng của chúng sinh vì tất cả pháp là không; tất cả các pháp là không, tức là Bồ-đề; vì không hai, không phân biệt. Xá-lợi-phất! Trong cái không phân biệt tức có cái không biết. Nếu không biết tức là không nói năng. Không có tướng nói năng tức là chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng biết, chẳng phải không biết. Tất cả các pháp cũng đều như vậy. Vì sao? Vì tất cả các pháp không thấy có xứ sở, không có tánh nhất định, nên có thêm tướng nghịch tội cũng chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì thật tướng của các pháp, không thể hư hoại. Như vậy nghịch tội cũng không phải bản tánh, nó không sinh lên trời, không đọa địa ngục, cũng không nhập Niết-bàn. Vì sao? Vì tất cả nghiệp duyên đều trụ vào thật tế, không đến, không đi, không nhân, không quả. Vì sao? Vì pháp giới là vô biên, không trước không sau.
Cho nên, này Xá-lợi-phất! Nếu thấy Tỳ-kheo phạm trọng tội mà không đọa địa ngục, dù có tu hành thanh tịnh nhưng không nhập Niết-bàn. Tỳ-kheo như vậy chẳng phải bậc Ứng cúng, chẳng phải không Ứng cúng, chẳng phải đã hết lậu, cũng chẳng phải không hết lậu. Vì sao? Vì các pháp trụ trong bình đẳng.
Xá-lợi-phất nói:
–Sao gọi là pháp nhẫn không thoái?
Văn-thù trả lời:
–Không thấy một pháp nhỏ nào, có tướng sinh diệt; gọi là pháp nhẫn không thoái.
Xá-lợi-phất hỏi:
–Sao gọi là Tỳ-kheo chẳng điều phục?
Văn-thù trả lời:
–Là A-la-hán đã sạch các lậu, gọi là chẳng điều phục. Vì sao? Vì đã diệt sạch các kết sử, không có gì để điều phục nữa nên gọi là chẳng điều phục. Nếu tâm và hành động tội lỗi gọi là phàm phu. Vì sao? Vì phàm phu chúng sinh, không thuận với pháp giới, cho nên gọi là tội lỗi.
Xá-lợi-phất nói:
–Lành thay! Nay ông đã khéo giảng cho tôi về nghĩa lậu tận Ala-hán.
Văn-thù nói:
–Đúng vậy, đúng vậy! Tôi đã lậu tận, là A-la-hán chân thật. Vì sao? Vì tôi đoạn trừ sự mong cầu Thanh văn và Bích-chi-phật. Do nhân duyên này gọi là lậu tận chứng A-la-hán.
Đức Phật nói Văn-thù:
–Các Bồ-tát, khi ngồi đạo tràng có giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?
Văn-thù thưa:
–Bồ-tát ngồi đạo tràng, không có giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì tướng như Bồ-đề, không có pháp nhỏ nào, có thể chứng đắc, nên gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-đề là vô tướng thì ai có thể ngồi, cũng không có ai đứng dậy. Vì thế mà không thấy Bồ-tát ngồi đạo tràng, cũng không có ai giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Văn-thù bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Bồ-đề tức là năm nghịch, năm nghịch tức là Bồ-đề. Vì sao? Vì Bồ-đề và năm nghịch không có hai tướng, không học điều không học, không thấy điều không thấy, không biết điều không biết, không phân biệt điều không phân biệt. Tướng như vậy gọi là Bồ-đề. Thấy tướng năm nghịch cũng như vậy. Nếu nói thấy có Bồ-đề và người chứng đắc thì nên biết, hạng người này là kẻ tăng thượng mạn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Văn-thù:
–Ông nói ta là Như Lai, vậy ta là Như Lai phải không?
Văn-thù thưa:
–Không, bạch Thế Tôn! Con không nói Như Lai là Như Lai. Không có tướng Như, không thể gọi là Như, cũng không có trí Như Lai mà có thể biết Như. Vì sao? Vì Như Lai và trí không có hai tướng, là trống không; vì Như Lai chỉ có danh tự, thì làm sao con nói là Như Lai?
Đức Phật dạy Văn-thù:
–Ông nghi Như Lai ư?
Văn-thù thưa:
–Không có, bạch Thế Tôn! Con quán Như Lai không có tánh nhất định, không sinh không diệt, cho nên con không có gì để nghi ngờ.
Phật dạy Văn-thù:
–Ông không nói Như Lai xuất hiện ở đời ư?
Văn-thù thưa:
–Nếu có Như Lai xuất hiện ở đời thì tất cả pháp giới cũng xuất hiện.
Phật dạy Văn-thù:
–Ông cho rằng hằng hà sa chư Phật nhập Niết-bàn ư?
Thưa:
–Chư Phật một tướng, nhưng chẳng thể nghĩ bàn!
Phật dạy Văn-thù:
–Đúng vậy, Phật một tướng nhưng chẳng nghĩ bàn.
Văn-thù thưa:
–Bạch Thế Tôn! Phật đang trụ ở đời phải không?
Phật dạy:
–Đúng vậy.
Văn-thù thưa:
–Nếu Phật trụ ở đời thì hằng hà sa chư Phật cũng sẽ trụ ở đời. Vì sao? Vì tất cả chư Phật đồng một tướng, là tướng chẳng nghĩ bàn. Tướng chẳng nghĩ bàn không sinh không diệt. Nếu chư Phật đời vị lai xuất hiện nời đời thì tất cả chư Phật cũng xuất hiện. Vì sao? Vì trong chẳng nghĩ bàn, không có tướng quá khứ, tướng vị lai, tướng hiện tại; nhưng vì chúng sinh lại chấp trước, cho Phật xuất hiện nơi đời, cho là Phật diệt độ.
Đức Phật dạy Văn-thù-sư-lợi:
–Điều này chỉ có Như Lai, A-la-hán, Bồ-tát không thoái chuyển mới có thể hiểu được. Vì sao? Vì ba bậc này nghe pháp thâm sâu không chê bai, cũng không khen ngợi.
Văn-thù bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Như vậy với pháp chẳng nghĩ bàn, ai chê bai, ai khen ngợi?
Phật dạy Văn-thù:
–Như Lai chẳng nghĩ bàn, phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn.
Văn-thù bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn ư?
Phật dạy:
–Phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn. Vì sao? Vì tất cả tâm tướng đều chẳng nghĩ bàn.
Văn-thù nói:
–Nếu nói như vậy thì Như Lai chẳng nghĩ bàn, phàm phu cũng chẳng nghĩ bàn. Nay vô số chư Phật cầu Niết-bàn mệt mỏi uổng công. Vì sao? Vì pháp chẳng nghĩ bàn tức là Niết-bàn, bình đẳng, không khác.
Văn-thù thưa:
–Như vậy phàm phu chẳng nghĩ bàn, chư Phật chẳng nghĩ bàn. Nếu thiện nam, thiện nữ nào học tập căn lành vững chắc, gần gũi Thiện tri thức, mới có thể hiểu biết đầy đủ được.
Phật dạy Văn-thù:
–Ông có muốn Như Lai là tối thắng trong chúng sinh không?
Thưa:
–Con muốn Như Lai là tối thắng đệ nhất trong chúng sinh, nhưng tướng của chúng sinh cũng không thể nắm bắt được.
Phật nói:
–Ông có muốn Như Lai đắc pháp chẳng nghĩ bàn không?
Thưa:
–Con muốn Như Lai đắc pháp chẳng nghĩ bàn nhưng đối với các pháp không có ai thành tựu.
Phật dạy Văn-thù:
–Ông muốn Như Lai nói pháp để giáo hóa ư?
Văn-thù-sư-lợi thưa:
–Con muốn Như Lai thuyết pháp giáo hóa, nhưng người nói và người nghe không thể đắc. Vì sao? Vì trụ pháp giới và pháp giới của chúng sinh, không có tướng sai khác.
Phật dạy Văn-thù:
–Ông muốn Như Lai là vô thượng phước điền ư?
Thưa:
–Như Lai là ruộng phước vô tận, là tướng vô tận. Tướng vô tận tức là ruộng phước vô thượng. Chẳng phải ruộng phước, chẳng phải không ruộng phước, mà gọi đó là ruộng phước. Không có các tướng sáng tối, sinh diệt, đó là ruộng phước. Nếu hiểu rõ tướng ruộng phước như vậy thì việc trồng sâu căn lành cũng không tăng không giảm.
Phật dạy Văn-thù:
–Thế nào là trồng sâu căn lành không tăng không giảm?
Thưa:
–Tướng của ruộng phước, chẳng thể nghĩ bàn. Nếu ai ở trong đó, mà như pháp tu thiện thì cũng chẳng thể nghĩ bàn. Gieo trồng như vậy gọi là không tăng không giảm, cũng là ruộng phước tối thắng vô thượng.
Bấy giờ, với thần lực của Phật, mặt đất chấn động sáu cách, hiện ra tướng vô thường. Một vạn sáu ngàn người đều đắc Vô sinh pháp nhẫn. Bảy trăm Tỳ-kheo, ba ngàn Ưu-bà-tắc, bốn vạn Ưu-bàdi, sáu mươi ức na-do-tha cõi trời Lục dục được xa lìa trần cấu; trong các pháp, được đắc Pháp nhãn thanh tịnh.