KINH TUỆ ẤN TAM-MUỘI
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt Thị
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Laduyệt-kỳ, cùng với cả chúng đại Tỳ-kheo gồm đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị, Bồ-tát có bốn mươi ức vị. Các vị đều đắc Đà-lân-ni, đều đắc các Tam-muội, đều đạt được pháp Không, đều đạt được pháp Tịch vô tưởng, đều đạt nguyện không lay động, đều đạt được hạnh Vô sở trước Đà-lân-ni, đều đạt được vô ương số môn Đà-lânni.
Bấy giờ, Đức Phật liền nhâp vào Tam-muội Tam-ma-việt, bỗng nhiên không còn bóng dáng, không thể thấy, không thể nắm bắt; như hư không, không thể biết, không chỗ trụ, không thể được, không ngã, không tạo tác, không đến, cũng không đi, chẳng trụ, cũng chẳng dừng, chẳng phải ngẫu nhiên, cũng chẳng phải không ngẫu nhiên, cũng chẳng phải thân, chẳng buồn, cũng chẳng vui, chẳng phải tâm, cũng chẳng phải không tùy tâm, chẳng làm theo lời nói, cũng chẳng có lời nói nào rỗng không, cũng chẳng dính mắc.
Lúc Đức Phật thi triển Tam-muội Tam-ma-việt sẽ không được thấy thân Phật, cũng không thể tưởng tượng được. Chẳng những thân Phật, tâm ý Phật không thể tưởng tượng được, mà cũng không thấy y trong, y ngoài và chỗ ngồi, không thấy lúc kinh hành, cũng chẳng nghe tiếng.
Khi ấy, oai thần của Tam-muội, chiếu khắp tam thiên đại thiên nhật nguyệt; cùng với tam thiên đại thiên cõi Phật; các ánh sáng của mặt trời, mặt trăng đều bị che phủ, không thấy; những ngọc báu ma-ni, các ngọc quý du chấn, các trời và những chỗ ngồi của trời, các loại danh hương của hàng Trời, Người, Thích, Phạm đều không phát huy được khả năng của nó. Đó là do sức oai thần của Tam-muội phủ kín. Tam thiên đại thiên cõi nước, chỉ nghe hương Tam-muội ấy, nó chiếu khắp các cõi Phật, nhân dân ở trong ấy, mắt không bị núi Thiết vi, núi Đại thiết vi, núi Tu-di, các núi đen làm cản trở. Lúc ấy, lại có bảy báu xen nhau che phủ khắp tam thiên đại thiên cõi nước, tất cả cõi Phật và cả vườn trúc. Núi Kỳxà-quật có vô số loài hoa, nở rộ khắp trong ấy. Vùng đất ấy bằng phẳng, trên mặt đất hoa sen mọc. Hoa sen ấy lớn như bánh xe. Mỗi hoa sen có mười vạn cánh, trên hoa đều có lọng bảy báu. Mặt đất của nước Ma-kiệt-đà trở nên mịn màng, giống như tơ lụa trời. Có vô số Đức Phật ở phương Đông, sai vô ương số Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ, đến cõi nước Sa-ha-lâu-đà, có Đức Phật, hiệu là Thích-ca Văn, Đa-đà-kiệt, A-la-ha, Tam-da-tam Phật, hiện đang ở tất cả cảnh giới chư Phật, thâm nhập Đa-đà-kiệt, Tuệ-ấn Tam-muội Tam-ma-việt. Ngoài phương tiện quyền xảo ra; nếu có Bồ-tát, trải qua trăm kiếp, phụng hành sáu pháp Ba-la-mật, tích lũy công đức thì không bằng nghe Tam-muội ấy trong chốc lát. Các Bồ-tát vâng lời dạy của Đức Phật ở cõi ấy, giữ lấy thần túc, bay đến trong vườn trúc, đảnh lễ Đức Phật, rồi lui ngồi trên hoa sen. Cũng vậy, vô số Đức Phật ở phương Nam, cũng sai vô ương số Bồ-tát. Phương Tây, phương Bắc, phương Đông nam, phương Đông bắc, phương Tây nam, phương Tây bắc, phương Trên, phương Dưới; vô số chư Phật như thế đều sai vô ương số Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ, đi đến cõi nước Sa-ha-lâuđà, có Đức Phật, hiệu là Thích-ca Văn, Đa-đà-kiệt, A-la-ha, Tamda-tam Phật đang ở tất cả cảnh giới chư Phật, thâm nhập Đà-kiệt Tuệ ấn Tam-muội Tam-ma-việt. Ngoài phương tiện quyền xảo ra, nếu có Bồ-tát nào trải qua trăm kiếp phụng hành sáu pháp Ba-lamật, tích lũy công đức thì không bằng nghe Tam-muội ấy trong chốc lát. Các Bồ-tát vâng lời dạy Đức Phật ở cõi ấy, giữ lấy thần túc bay đến trong vườn trúc, đến đảnh lễ Đức Phật, rồi lui ra, ngồi trên hoa sen.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo tăng và các vị Bồ-tát, ở các phương xa, trong tam thiên đại thiên cõi nước, đều tập họp đến pháp hội, ở trước Đức Phật, trong vườn trúc. Nhờ oai thần của Tam-muội ấy, mà vô ương số Bồ-tát và bốn mươi ức Tỳ-kheo, đều đã tập họp đông đủ đến pháp hội, ở trong vườn trúc. Do đó, cả tam thiên đại thiên thế giới, chư Thiên ở cõi trời Đế Thích, chư Thiên ở cõi trời Phạm thiên, chư Thiên ở cõi trời Ma-di-hoàn, chư Thiên ở cõi trời Biến tịnh, tất cả các vua: Rồng, các vua quỷ thần, các vua Kiền-đà-la, vua A-tuluân, các vua Ca-lưu-la, các vua Chân-đà-la, các vua Ma-hưu-lặc… Vua của các loài ấy, mỗi vị đều dẫn theo vô ương số quyến thuộc, đi đến chỗ Đức Phật. Đến nơi đảnh lễ trước Đức Phật, rồi lui đứng sang một bên.
Khi ấy, các trời, người, phi nhân, trong tam thiên đại thiên cõi nước, từ dưới lên đến hai mươi tám tầng trời đều chật ních cả hư không. Các đệ tử lớn của Đức Phật như: Xá-lợi-phất-la, Ma-ha Mụcca-lan, Câu-đề-ca-chiên-diên, Bân-nậu-văn-đề-ni-phất-la v.v… liền đến trước Văn-thù-sư-lợi, hỏi:
–Thưa Tôn giả Văn-thù-sư-lợi! Nay Đức Phật, nhập vào Tammuội Tam-ma-việt, chúng tôi hoàn toàn không thấy, không biết Phật đã đến nơi nào? Xin nói cho chúng tôi biết điều đó.
Văn-thù-sư-lợi nói với Xá-lợi-phất-la:
–Các nhân giả đều có đầy đủ trí tuệ, sao các vị không vào Tam-muội của mình, cùng nhau tìm xem khắp vô ương số cõi Phật, để biết thân Phật đang ở đâu?
Ngay lúc ấy, Xá-lợi-phất-la… mỗi vị đều vào Tam-muội của mình, cùng nhau tìm khắp vô ương số cõi Phật, nhưng hoàn toàn không thấy thân Phật, cũng không biết Phật đến nơi nào. Xá-lợiphất-la liền xả định, đến trước Văn-thù-sư-lợi, hỏi:
–Chúng tôi dùng mọi thứ Tam-muội, tìm khắp vô ương số cõi Phật nhưng không thấy thân Phật, cũng không biết nơi Phật đến.
Chúng tôi muốn nghe biết, cúi xin Tôn giả nói cho điều ấy.
Văn-thù-sư-lợi bảo:
–Thưa Hiền giả Xá-lợi-phất-la! Ai không biết thân Phật đến nơi nào, thì hãy ngồi yên, chốc lát nữa đây, tự Đức Phật sẽ trở về.
Khi Đức Phật ra khỏi Tuệ ấn Tam-muội, tức thời cả ba ngàn cõi Phật đều chấn động. Xá-lợi-phất-la… liền đến trước Phật, bạch:
–Bạch Thế Tôn! Phật trụ trong Tam-muội gì, mà chúng con dùng con mắt trí tuệ tìm, mà hoàn toàn không biết Phật ở đâu?
Đức Phật bảo Xá-lợi-phất-la:
–Này Xá-lợi-phất! Nơi Phật đến, không ở trong phạm vi hiểu biết của A-la-hán, Bích-chi-phật… chỉ riêng Phật tự biết mà thôi. Và sao? Vì không có sự nhớ nghĩ, không động, không quấy nhiễu.
Này Xá-lợi-phất-la! Thân Phật có một trăm sáu mươi hai việc, khó có thể biết được. Một trăm sáu mươi hai việc ấy là gì? Là chẳng phải thân hình, không tạo tác, không khởi, không diệt, chưa từng có, không thể so sánh, cũng không có vật gì để so sánh, không đi, cũng không nơi đến, không thể biết, không có tâp tất cả định, không sở hữu, cũng không có, chẳng hành, cũng chẳng trụ, chẳng sinh, cũng chẳng thọ, chẳng nghe, cũng chẳng thấy, chẳng có mùi hương, cũng chẳng có vị, không trơn lán, không đến thưa hỏi, không đáp lại, cũng không thưa hỏi đáp lại. Chẳng tâm, cũng chẳng niệm, chẳng tâm niệm lìa tâm và tâm đẳng, tâm vô đẳng, vô sở dữ, không đến, không đi, không thấm nhuần, không thấm sạch, lại không có, chẳng khiếp, cũng chẳng sợ, chẳng dao, cũng chẳng động, chẳng tạo ra, cũng chẳng thành tựu, chẳng đầy, cũng chẳng vơi, cũng chẳng thấy, chẳng sáng, cũng chẳng không sáng, chẳng tối tăm, cũng chẳng không tối tăm, chẳng diệt, đã lìa diệt, tịnh ở trong diệt và tịnh ở trong thanh tịnh, đối với sắc không chỗ có, không ái dục, hoàn toàn chẳng có ngã, lìa chẳng có ngã, trụ nơi không chỗ trụ, cũng không nơi chốn, không thuận theo, cũng chẳng không thuận theo, chẳng có pháp, cũng chẳng không pháp, chẳng ruộng phước, cũng chẳng không ruộng phước, chẳng hết, cũng chẳng không hết, không có gì cả, lìa sự không có gì, xa lìa văn tự, xa lìa tiếng vang, xa lìa lời dạy, xa lìa hạnh, xa lìa niệm, chẳng họa, cũng chẳng không họa, chẳng lượng, cũng chẳng không lượng, chẳng lại, cũng chẳng qua, chẳng song song, cũng chẳng không song song, chẳng nương, cũng chẳng không nương, không tướng, cũng không phải không tướng, không có tướng, có khả năng hiện tướng, không có các nhập, chẳng có đắm say, lìa các đắm say, khiến mọi người được tin, không thọ nhập trú, chắc chắn lại ở trong chắc chắn, tất cả không phải hoàn toàn ta độ, cũng không thấy đối tượng của ta độ, tịnh không có đối tượng để tịnh, vượt qua mọi ách nạn, không thấy có ách nạn vượt qua, nói và không nói cả hai đều bình đẳng, đẳng vô sở đẳng, vô lượng đẳng, dữ không đẳng, vô xứ đẳng, vô sinh đẳng, bất khả đắc đẳng, nơi an ổn không có nơi nào an ổn hơn, vắng lặng càng vắng lặng, vắng lặng trong sáng suốt lại càng sáng suốt, đối với hành không chuyển không thể chuyển hành, hoàn toàn dứt bặt những đối tượng chấp trước, sự chắc chắn của các pháp không có hai, từ xưa đến nay không có gì cả, điều người giác ngộ đã giác chắc chắn, đã trải qua tất cả hạnh, thực hành việc độ mà không độ gì cả, chẳng đúng, cũng chẳng sai, chẳng dài, cũng chẳng ngắn, chẳng tròn, cũng chẳng vuông, chẳng thân, cũng chẳng thể, chẳng nhập, cũng không sở nhập, chẳng thế gian, cũng chẳng có sở hữu thế gian, chưa từng có người thấy, cũng chưa từng có người biết, chẳng bỏ, cũng chẳng không bỏ, chẳng có nhân duyên với đời, cũng chẳng không nhân duyên với đời, như vậy thân không thể được, chẳng có, cũng chẳng không, không có quá khứ, cũng không có vị lai, chẳng có tâm niệm, cũng chẳng lo buồn, chẳng làm, cũng chẳng không làm, chẳng tranh chấp, cũng chẳng không tranh chấp, chẳng Niết-bàn, cũng chẳng không Niếtbàn, chẳng hạnh, cũng chẳng không hạnh. Đó là một trăm sáu mươi hai việc.
Đức Phật bảo Xá-lợi-phất-la:
–Này Xá-lợi-phất-la! Thân Phật như thế, muốn tưởng, để thấy thân Phật nhưng không ai có khả năng thấy. Vì sao? Vì thân Phật không thể dùng tưởng để thấy biết.
Khi ấy, Đức Phật muốn cho Tuệ ấn Tam-muội được trải rộng khắp mười phương nên liền nói kệ:
Thân này, chẳng phải thân
Với thân đã giải thoát
Không tạo, cũng không có
Hư hoại, không được gì.
Tướng của tất cả pháp
Song cũng chẳng không song
Muốn thấy thân chư Phật
Nơi chốn đều như thế.
Không phải, chẳng không phải
Chẳng lo, chẳng không lo
Không giữ, cũng không buông
Không bằng, cũng không hơn,
Không vui, cũng không trú
Tất cả không sinh theo
Thân Phật đã như thế
Mới đến chỗ an ổn.
Chẳng tạo, cũng chẳng thể
Trống rỗng, không có tưởng
Không tâm, cũng chẳng sắc
Có ngã, chẳng phải một,
Với thọ, không chỗ thọ
Với hữu, không có chi
Tất cả Bậc Chánh Giác
Thân ấy chắc như thế.
Không mạnh cũng không yếu
Không tốt cũng không xấu
Không đứt cũng không liền
Không có, cũng không mất,
Cũng không được chi cả
Nhiều, ít không chỗ quên
Muốn thấy các thân Phật
Hoàn toàn không nhơ bẩn.
Không thấy, cũng không nghe
Chẳng hương, không trơn láng
Không biết, cũng không động
Vì đó giống như hình,
Thân trú ở mọi nơi
Rõ tâm người dính mắc
Phật đã thành thân ấy
Tất cả đều như thế.
Chẳng thân, cũng chẳng thể
Chẳng bằng, chẳng chắc chắn
Chẳng sạch, chẳng không sạch
Các căn không chỗ có,
Không chứa, chẳng không chứa
Ví như trăng trong nước
Muốn thấy các thân Phật
Tất cả đều như thế.
Từng thân nối tiếp nhau
Nhân duyên vốn tự nhiên
Không sinh, cũng không diệt
Không đến, cũng không qua,
Không thấy ở ba cõi
Chợt hiện, giống như huyễn
Muốn thấy thân chư Phật
Không dao, cũng không động,
Chẳng tiếng, cũng chẳng tranh
Chẳng im, cũng chẳng lặng
Chẳng được, chưa từng có
Chẳng đây, cũng chẳng kia,
Giống như tánh hư không
Tự nhiên không có gì
Đã thấy Phật như thế
Sớm tối nên cúng dường,
Khắp tất cả mười phương
Ngàn ức các cõi Phật
Trên đến trời hăm tám
Đầy ắp các châu báu,
Đều làm vật cúng dường
Cho đến vô số kiếp
Không bằng chép kinh ấy
Phước này vượt hơn kia.
Ví như cát sông Hằng
Lại gấp vô số kiếp
Lần lượt ở trong ấy
Hành tâm Từ bình đẳng,
Không bằng tuệ rõ ràng
Hiểu ấn Tam-muội ấy
Như vậy vô số giới
Đức ấy hơn hẳn kia.
Như ở trong năm đường
Xoay vần vô số kiếp
Bao nhiêu kiếp như thế
Tất cả đều chịu được,
Không bằng tuệ chốc lát
Hiểu ấn Tam-muội ấy
Phước ấy như hạt cải
Sánh với núi Tu-di.
Như người ở ba cõi
Sinh ra rồi lớn lên
Tất cả đều gánh vác
Chịu đựng vô số kiếp
Thân ấy chẳng biết mệt
Không than van khổ nhọc
Đều chịu đựng như thế
Không bằng hiểu Tam-muội.
Như người sinh cùng khắp
Lại ở nhiều kiếp số
Trăm kiếp cát sông Hằng
Tất cả dùng làm số,
Không bằng sớm tối gắng
Hành ấn Tam-muội ấy
Phước ấy muốn thí dụ
Không thể sánh bằng tuệ.
Người trí như thế đó
Làm y như lời nói
Ở trong vô số kiếp
Ví như một hạt bụi,
Chắc chắn rõ ràng là
Bậc Tuệ Ấn Tam-muội
Phước ấy muốn thí dụ
Như một giọt nước biển.
Chớ đem sắc tướng tốt
Quen tưởng muốn gặp Phật
Chớ như người chấp có
Muốn gặp Đa-đà-kiệt,
Phải như người giác ngộ
Người thấy là thấy Phật
Thấy Phật như thế rồi
Tất cả không ba ngàn.
Này Xá-lợi-phất-la! Đó là Đa-đà-kiệt Tuệ ấn Tam-muội. Các Đại Bồ-tát ở khắp mười phương, không bị ngăn ngại đều mong được gặp chư Phật, muốn vậy trong lòng phải chí thành, sớm tối thực hành Tam-muội này. Đã thấy có vô ương số Bồ-tát khắp mười phương, thực hành môn Tam-muội, trụ ở pháp không chỗ chướng ngại và đạt được pháp môn nương tựa Đà-lân-ni. Từ đó thành tựu tướng của mình; thành tựu sự tốt đẹp cho mình. Người thực hành như thế thì các tội lỗi được tiêu trừ, vượt qua tất cả các việc ma. Lời Phật nói ra đều rõ ràng chắc chắn. Nơi ở và lời nói của Phật, không trống rỗng hay khiếm khuyết mà đều đầy đủ. Việc làm của thân không có tỳ vết, mọi ý tưởng nhớ nghĩ đều sạch không nhơ. Nếu muốn rõ những gì Phật đã làm, muốn hiểu rõ ý của mọi người, Phật sẽ khiến cho đạt được sở nguyện. Người muốn khởi nguyện thành tựu ở cõi Phật đó, thì phải thực hành Tam-muội ấy. Người muốn được ánh sáng trong đảnh của Phật, người muốn làm Tỳ-kheo tăng, người muốn trang nghiêm cõi nước mình; tự tại với điều mình muốn, làm những điều mình cần làm, thì phải phụng hành Tam-muội ấy. Vì sao? Ví như tất cả cây thuốc, dù ở đâu, nếu muốn tìm, thì đều có đầy đủ. Tam-muội ấy cũng như thế, Bồ-tát ở trong Tam-muội này, mong cầu những điều gì cũng đều được đầy đủ.
Đức Phật liền nói kệ:
Tuệ vô thượng là vua của tuệ
Tuệ có thể phá mê đắm dục
Tuệ cao tột vào cửa trí tuệ
Đó là ấn kinh vô lượng tuệ.
Ở trí địa biết căn, hành, trụ
Trí không ngại, trí trừ tối tăm
Trí thuyết pháp, trí diệt mê đắm
Kinh như mặt trời chiếu ba cõi.
Luôn bình đẳng thực hành Tam-muội
Mọi dính mắc chắc chắn dứt trừ
Giữ gìn các Tam-muội tuệ ấn
Chư Phật bình đẳng với tất cả.
Muốn được của báu Độ vô cực
Nguyện cầu phước tướng, phước thần túc
Chí thành nguyện chi, đều được cả
Chư Phật vui với Tam-muội ấy.
Vua yêu nước và cả thần dân
Như Lai là báu trên các báu
Tiêu trừ sạch ham muốn, giận, nhơ
Tam-muội quý báu nói là kinh.
Theo ta học, hết lòng kính thuận
Giữ thanh tịnh, trừ bỏ chấp ngã
Tuệ dũng mãnh phá tan sinh tử
Trì pháp vững vàng, đắc Tam-muội.
Tuệ đáng nói, đều cần phải nói
Trì tuệ này, trí càng thêm nhiều
Tuệ có thể phóng ánh sáng khắp
Kinh ấy là cánh cửa trí tuê
Có khả năng dẹp hết chấp ngã
Sáu mươi hai tà kiến nghi hoặc.
Đến cửa Phật, không còn sợ hãi
Từ pháp này đủ tướng tốt đẹp
Ba ngôi báu, Phật đứng hàng đầu
Có khả năng nói bảy Giác ý.
Vì biếng nhác, chỉ bày phương tiện
Tam-muội ấy, không bao giờ hết
Tất cả pháp sẽ nói rộng ra
Vào Đà-lân-ni không ngằn mé.
Mang pháp ấy vào khắp mười phương
Đà-lân-ni thí như biển cả
Ở trong đó thành tựu Bố thí
Trì giới, Nhẫn nhục và Tinh tấn
Thiền định, Trí tuệ, không cùng tận
Trụ kinh ấy, thành tựu vô cực
Chẳng sợ hãi với bao tội lỗi
Cùng các ma chướng và ác đạo.
Hành Tam-muội không thể bị hại
Như điều mong cầu được thành Phật
Bồ-tát trụ ở trong pháp ấy
Lấy cả mười phương để chứng minh.
Người nào đến mong cầu pháp khí
Gìn giữ kinh ấy được pháp trụ
Như Phật quá khứ, kinh là mẹ
Chư Phật vị lai cũng thế thôi
Chư Phật hiện tại từ đó ra
Người thực hành đúng là con Phật.
Tội lỗi diệt trừ, hạnh không lay
Vượt qua đệ thất, trụ pháp khứ.
Có ai trú ở nơi kinh ấy
Mới đầy đủ báu của chư Phật.
Khi Đức Phật nói pháp ấy, có các vị Bồ-tát, nhiều như ba mươi số cát sông Hằng, đều đạt được Tam-muội ấy; có sáu mươi tám nathuật Bồ-tát khác, các tội chướng đều tiêu trừ và trụ ở địa vị không thoái chuyển và đều đắc Bất khả tận sở nhập thanh Đà-lân-ni; có sáu mươi ức trời và người, từ xưa đến nay, chưa từng khởi tâm Bồtát, nay đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và đều nguyện muốn được nghe Tam-muội ấy. Sau khi nghe xong, liền trụ ở địa vị không thoái chuyển và sẽ được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ, Đức Phật liền thọ ký cho những Bồ-tát ấy. Về sau, trải qua ba mươi ức trăm ngàn kiếp đều sẽ được thành Phật, hiệu là Ly ư khủng bố. Các Bồ-tát đều tự phát nguyện, liền đắc Vô sở tùng sinh pháp nhẫn. Sau đó, ở cõi nước các vị sẽ được thành Phật và đồng một chữ.
Bấy giờ, Đức Phật nhìn khắp pháp hội, bảo Văn-thù-sư-lợi:
–Vì lẽ đó, này Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát nào, muốn giữ gìn pháp ta, phải làm sao trụ được vào Vô sở trước, phải biết hối, phải giữ gìn, phải thuyết giảng, luôn luôn ở một mình nơi thanh tịnh, không nên có chỗ ỷ lại nương vào!
Văn-thù-sư-lợi, liền từ chỗ ngồi, đứng dậy, sửa sang y phục, đảnh lễ Phật sát đất, rồi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Con có khả năng hộ trì pháp Vô sở trước ấy, đối với đạo Bồ-tát, không có ngã và ngã chấp, không có, cũng chưa từng có, không thấy cũng không nghe, không được cũng không mất.
Bấy giờ, trong chúng hội, ba mươi ức Bồ-tát đều chắp tay đứng dậy, bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con có khả năng ủng hộ hạnh Bồ-tát, trải qua vô số a-tăng-kỳ kiếp.
Các vị Bồ-tát đều đem y trên người, cúng dường Đức Phật và phát nguyện.
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Nếu như nhớ lại hạnh nguyện thuở xưa, thì về sau phải giữ gìn pháp này.
Lúc đó, trong ba mươi ức Bồ-tát, chỉ có tám ngàn Bồ-tát, có khả năng giữ gìn pháp này mà thôi. Còn những Bồ-tát khác đều hời hợt không thể giữ gìn pháp. Về sau pháp ta sẽ bị nhầm lẫn, cũng không hối, cũng không giữ gìn!
–Này Di-lặc! Có bảy việc, phát tâm Bồ-tát, đó là:
- Phát tâm Bồ-tát.
- Khi pháp sắp diệt hết, thì phát tâm Bồ-tát để giữ gìn pháp, không cho đoạn mất.
- Phát tâm Bồ-tát, khởi lòng thương xót nhân và phi nhân khắp mười phương.
- Thấy Bồ-tát, liền phát tâm Bồ-tát.
- Phát tâm Bồ-tát và bố thí.
- Gặp người khác phát tâm Bồ-tát, liền phát tâm Bồ-tát theo.
- Nghe Phật có ba mươi hai tướng đoan chánh, mọi người đều hướng đến ca ngợi, liền phát tâm Bồ-tát.
Này Di-lặc! Đó là bảy việc. Trong đó, ba hạng Bồ-tát đầu, có thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các Bồ-tát này giữ gìn pháp không để diệt hết. Các Bồ-tát vì thương xót nhân và phi nhân mà phát tâm Bồ-tát. Những Tam-muội này có khả năng giữ tâm Bồ-tát mau đắc địa vị không thoái chuyển. Còn bốn hạng phát tâm Bồ-tát sau, đều là hạng Bồ-tát hời hợt.
Đức Phật lại bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Có năm pháp trụ, mau đắc quả vị không thoái chuyển:
- Tâm bình đẳng đối với nhân, phi nhân trong mười phương.
- Không ham thích đến tiền tài châu báu của người khác.
- Nếu có người nói khinh pháp, sau khi người ấy chết không được nói lỗi của người ấy.
- Có người cúng dường y phục, mùng mền, giường chõng, đồ ngồi, thuốc thang chữa bệnh, nếu thấy đáng nhận thì đến nhưng không vì chỗ mến mộ gì cả.
- Thâm nhập pháp nhiệm màu.
Đó là năm pháp. Nếu Bồ-tát trụ, thì biết đó là tướng của Bồ-tát thoái chuyển.
Lại có năm pháp, Bồ-tát trụ hạng hời hợt:
- Mặt mày xấu xí.
- Làm việc gì cũng đều nhút nhát.
- Bỏn sẻn, tham lam.
- Dụ dỗ, dua nịnh.
- Miệng chỉ nói suông.
Đó là năm pháp trụ, là tướng của Bồ-tát hời hợt.
Lại có năm pháp, Bồ-tát trụ, biết là pháp không thoái chuyển.
- Không có ngã.
- Không có nhân.
- Không ở trong pháp có hai.
- Không chấp vào địa vị Bồ-tát.
- Không dùng tưởng để gần Phật.
Đó là năm pháp trụ của Bồ-tát mau đắc không thoái chuyển.
Lúc ấy, Đức Phật liền nói kệ:
Không nên cao ngạo
Cũng không ganh ghét
Làm dối, nói quấy
Tìm xấu, tốt người.
Nói không chân thật
Và hay khiếp nhược
Hạng người như thế
Không thể giữ pháp.
Nếu có hành giả
Ở nơi vắng lặng
Rất hay nhẫn nhịn
Không chỉ nói suông.
Ví như Tê giác
Thích sống một mình
Những hạng như thế
Giúp được sau này.
Thường thích sống riêng
Thích nơi thanh tịnh
Như chim nhút nhát
Thích ở rừng sâu.
Chẳnh thích cúng dường
Ví như hư không
Hạng người như thế
Giữ được tôn pháp.
Thân thể thọ mạng
Đều chẳng màng đến
Huống gì trân bảo
Có ở thế gian.
Nỗ lực tinh tấn
Không chấp vào đâu
Pháp khí như thế
Giữ pháp sau này.
Ở đời vị lai
Có hạng người này
Sẽ tự khoe khoang
Tôi hành Bồ-tát.
Ý chí mê loạn
Đắm nhiễm thế gian
Không thể phụng hành
Giữ gìn minh pháp.
Ta nhớ quá khứ
Đề-hòa-kiệt Phật
Quá hơn thế nữa
Tám mươi ức kiếp
Lúc ấy có Phật
Hiệu là Quang Minh
Vì cả mọi người
Nói Tam-muội này.
Đại hội thứ nhất
Tám mươi na-thuật
Đại hội thứ hai
Sáu bảy na-thuật
Đại hội thứ ba
Bảy ba na-thuật
Tất cả đạt được
Vị không thoái chuyển.
Thọ mạng Phật kia
Trụ ba mươi ức
Sau ót chiếu sáng
Bảy mươi do-tuần.
Số Tỳ-kheo tăng
Chín mươi chín ức
Đều được tự tại
Chứng A-la-hán.
Bấy giờ có vua
Thống lãnh nhân dân
Tên là Tuệ Thượng
Là Chuyển luân vương.
Lúc ấy khắp cả
Cõi Diêm-phù-lợi
Vùng ấy khoảng chừng
Hai vạn do-tuần
Bốn phía cõi ấy
Cũng đều như thế.
Thể nữ của vua
Sáu mươi ức người
Có ngàn người con
Thảy đều đầy đủ
Nước ấy tên là
Cực lạc Vô Yểm
Vua trị các nước
Hai vạn quận huyện.
Nhân dân trong nước
Đều có vườn chơi
Thường vui, an ổn
Ngũ cốc, sung túc
Ví như trên trời
Mọi thứ đầy đủ.
Bấy giờ nhà vua
Trong mộng được nghe
Có Phật ở đời
Hiệu là Quang Minh
Sau khi thức dậy
Vội đến chỗ Phật
Quần thần theo hầu
Sáu mươi ức xe.
Lúc ấy từ Phật
Nghe Tôn kinh này
Tam-muội mầu nhiệm
Tạng Phật sâu xa
Liền đem cả nước
Dâng lên chư Phật.
Nơi đáng cúng dường
Chẳng thiếu điều chi.
Tất cả các nước
Vì cúng dường Phật
Dùng Chiên-đàn hương
Xây dựng giảng đường,
Tất cả giảng đường
Nhà vua cúng dường
Nơi để kinh hành
Vàng mỏng trải đất
Suốt trong tám vạn
Bốn ngàn năm ấy
Chẳng màn việc nước
Chỉ cung phụng Phật
Không thích ngủ nghỉ
Nỗ lực thờ Phật
Chẳng khởi tâm tục
Không tiếc giang sơn.
Giả sử có người
Nói công đức vua
Nói mãi việc ấy
Không thể nói hết.
Những gì cúng Phật
Không thể tính đếm
Vì sao như thế?
Vì cầu Tam-muội.
Phải ở một mình
Suy xét nội tâm
Với Tam-muội này
Sâu xa, mầu nhiệm
Mà ta không thể
Ngay nơi ăn uống
Muốn đạt điều mong
Thành Tam-muội ấy.
Lập tức bỏ nước
Cạo bỏ râu tóc
Vào chốn rừng sâu
Thọ, hành chánh giới
Suốt ba ngàn năm
Không có nghỉ ngơi
Hành Tam-muội này
Chưa từng ngủ nghỉ.
Phật Thiên Trung Thiên
Trong lúc hành đạo Pháp
Phật nói ra
Đều hiểu và thọ.
Phật Quang Minh ấy
Sau khi Niết-bàn
Cả nước xây tháp
Sáu mươi bốn ức.
Cúng dường mỗi tháp
Năm trăm lọng che
Bảy báu xen nhau
Cùng với hương hoa.
Gấm lụa, chư Thiên
Màn trướng, treo đầy
Đèn sáng trên cây
Có tới tám ngàn.
Ăn uống đạm bạc
Điều độ giữ gìn
Tích lũy số ấy
Tám mươi vạn năm
Vì cả mọi người
Nói ấn Tam-muội.
Chưa từng hy vọng
Với bất cứ ai
Nếu người tán thán
Chẳng lấy làm vui
Huống gì ở đời
Phải có ái dục.
Nếu có người thỉnh
Ý thường xa lìa
Nội hạnh chí tâm
Sau này hộ pháp.
Bảy mươi na-thuật
Cùng tám mươi ức
Ở trong số ấy
Đời đời gặp Phật
Tính đếm như thế
Cúng dường vô cực
Thường gặp Chánh pháp
Đắc Tam-muội này.
Nếu có phát tâm
Giữ hạnh Bồ-tát
Người muốn học ấy
Phải học như ta.
Không cần của báu
Muốn rõ nhiệm mầu
Trong hành chí tâm
Không có hư danh.
Người ở đời sau
Sẽ tự khoe khoang
Việc làm của tôi
Là hạnh Bồ-tát
Muốn được cúng dường.
Người chẳng cầu pháp
Trụ ở trong “Có”
Nói tất cả “Không”
Cũng chẳng rõ “Không”.
Thế nào là “Không”?
Trong tâm không trừ
Viêc làm phi pháp
Miệng chỉ nói suông.
Trụ ở trong “Có”
Nói hạnh Bồ-tát
Ta không chỗ nghi.
Vua Tuệ Thượng ấy
Là A-di-đà
Ngàn con của vua
Kiếp này thành Phật
Trong chúng hội đây
Người ở trước ta
Đồng loạt xuất gia
Đều làm Tỳ-kheo.
Ta nhớ quá khứ
Vô số chư Phật
Trụ ở danh tự
Thường làm Sa-môn
Kinh Phật nói ra
Thảy đều tụng đọc
Thực hành siêng năng
Nương ở trong “Có”
Tạo hạnh như thế
Không thể tính đếm
Sớm ở trong tưởng
Cúng dường chư Phật
Cúng dường như thế
Không được tuệ hạnh
Chuyển ý tác hạnh
Liền hướng tuệ môn
Về sau cùng hội
Đề-hòa-kiệt Phật
Đoạn nghi ngờ ta
Liền thấy bình đẳng
Lúc ấy Đức Phật
Thọ ký ta rằng
Ở đời vị lai
Sẽ được thành Phật.
Bấy giờ, Đệ nhất phu nhân của vua Bình-sa, tên là Bạt-đà-tưlợi, thân mẫu của A-xà-thế. Tuyên-na-lạp là con gái của Câu-lân. Đệ nhất phu nhân của vua Bình-sa, bà Bạt-đà-tư-lợi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến đảnh lễ trước Đức Phật, dùng y tạp thái châu và năm trăm lọng hoa bảy báu, cúng dường Đức Phật, rồi tự nói:
–Ở đời vị lai, con sẽ hiểu Tam-muội này, sẽ thọ trì Tam-muội ấy. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nào thọ trì pháp này, con sẽ ủng hộ vị ấy, cúng dường y phục, mùng mền, thức ăn uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc thang chữa bệnh; dạy mọi người phát tâm Bồ-tát, không chê bai pháp Không, không chỉ nói suông. Dù tan nát thân mạng cũng không tiếc sự sống, huống gì mọi thứ ở thế gian.
Lúc ấy, có tám vạn thể nữ trong cung vua Bình-sa và sáu vạn Ưu-bà-di trong nước Ma-kiệt-đề, nghe Tam-muội này đều phát tâm Bồ-tát, đều mong thích Tam-muội ấy. Như thế, đời sau họ sẽ thọ trì Tam-muội này.
Bấy giờ, Đức Phật mỉm cười, từ trong miệng, phóng ra vô số ánh sáng đủ loại màu sắc: Xanh vàng, đỏ, trắng chiếu khắp vô ương số cõi Phật, bao phủ cả ánh sáng mặt trăng mặt trời, trở lại nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, rồi nhập vào đảnh.
Lúc đó, ở trước Đức Phật, phu nhân Bạt-đà-tư-lợi, nói kệ khen ngợi Phật:
Trong loài người không ai hơn
Hạnh của Phật chẳng ai bằng
Nay ba cõi, không ai sánh
Oai thần Phật, như hoa nở.
Như chim bay trong hư không
Phật mỉm cười tất cả vui
Lời nói ra đều dịu dàng
Bao trùm khắp cả mười phương
Miệng nói năng như hoa sen
Cả trời, người thích ngắm nhìn
Nay nói ra đều ưa thích
Tiếng vang vọng như Phạm thiên
Cảm điều gì nay Phật cười?
Bấy giờ, Đức Phật vì Bạt-đà-tư-lợi Tuyên-na-lạp, phu nhân của vua Bình-sa mà nói kệ:
Ta tự nhớ vô ương
Hằng hà sa số kiếp
Lúc ấy, ở đời có
Phật hiêu là Phước Minh
Truyền dạy ở thế gian
Thọ sáu mươi bảy kiếp
Chúng Tăng của Phật ấy
Cũng có vô ương số.
Lúc ấy, có Chuyển luân
Vua tên là Tuệ Cương
Vua có hai người vợ
Một người tên Nguyệt Minh
Dục lạc không màng đến
Không chấp vào các pháp
Xuất gia đi học đạo
Hộ pháp một ức năm.
Như vậy không thể đếm
Vô số các Đức Phật
Sinh thời pháp sắp diệt
Hộ chánh pháp sau này
Mãi đến đời vị lai
Hằng hà sa Đức Phật…
Sẽ lại ở nơi ấy
Sinh ra giữ pháp sau.
Chuyển luân vương Tuệ Cương
Nhằm thời Phật A-súc
Vua cùng các phu nhân
Đều sinh ở nước ấy,
Đã giữ pháp thường còn
Mạng chung sinh thân nam
Ở Tu-ma-ha-đề
Gặp Phật A-di-đà.
Ưu-bà-di Ma-kiệt
Cùng tám ngàn thể nữ
Như khi pháp sắp diệt
Thường sẽ hộ pháp Phật,
Thân sau cùng sẽ được
Ba hai tướng như Phật
Ngồi trên tòa hoa sen
Đến trước Phật Di-đà.
Các thể nữ cúng dường
Sẽ như vua Tuệ Cương
Như thế kiếp vị lai
Tất cả không ái dục,
Ở cuối đời vị lai
Tất cả sẽ thành Phật
Dạy dỗ cả trời, người
Vì họ, nói chánh pháp.
Lúc ấy trong cõi Phật
Không có việc ma chướng
Cõi ấy không ái dục
Cũng không ba đường ác.
Thường lấy vô ương số
Các Bồ-tát làm Tăng
Không nghe ở trong đạo
Có tên A-la-hán.
Nếu có người muốn giữ
Pháp của các Đức Phật
Không muốn được danh tiếng
Chẳng mong được thọ mạng.
Người hành trụ như thế
Mau, gần thành Bồ-tát
Chí nguyện mình tự tại
Muốn sinh ở nước nào.
Giống như các Bồ-tát
Phải khởi ý cung kính
Ta khởi ý cung kính
Hộ pháp, không chỗ dựa
Hành giả làm như thế
Được lìa bỏ sinh tử
Ở thế gian chớ tạo
Thói quen tham đắm dục.
Ta ở vô số kiếp
Sở dĩ bỏ vợ con
Nước non và đầu, mắt
Vì lẽ cầu Phật pháp.
Người không hạnh, nhận cúng
Phật pháp vì thế hoại
Lần hồi khởi tranh đua
Vì muốn được cúng dường
Ngồi đến tám mươi ức
Người rơi lệ mà nói:
Nếu khi pháp sắp hết
Chúng ta, phải giữ pháp!
Lời nói động ba ngàn
Chư Thiên rải hoa khen:
Hay thay! Cho thế gian
Người mới nghe kinh ấy
Tất cả cát sông Hằng
Vô số các cõi Phật
Đầy ấp các châu báu
Đều đem cúng dường Phật,
Không bằng tin chốc lát
Hiểu Tam-muội ấn này
Phước ấy muốn thí dụ
Không thể so với tuệ,
Không gắng sức vươn lên
Để được hạnh Bồ-tát
Nghe chánh pháp của Phật
Liền phát tâm Bồ-tát.
Nếu có người cung kính
Đối với tôn kinh này
Người tạo hạnh như thế
Sẽ mau được thành Phật.
Khi ấy, Bồ-tát Di-lặc bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Vị lai sẽ có bao nhiêu người thọ trì Tam-muội này?
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Này Di-lặc! Ở đời vị lai, hoặc có người trì tưởng khởi công đức, giả sử ta nói ra sẽ có người không thích.
Bồ-tát Di-lặc thưa:
–Bạch Thế Tôn! Mong Đức Phật thương xót cả mọi người, xin Thế Tôn nói cho điều ấy. Nếu có những Bồ-tát nào, tha thiết muốn học, thì Bồ-tát ấy, sẽ giữ gìn hạnh của mình, không để khuyết giảm tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc:
–Này Di-lặc! Có Bồ-tát đã ở trước môt trăm Đức Phật, phát tâm Bồ-tát, nhưng sau đó làm hư hoại hạnh Bồ-tát.
Hoặc có Bồ-tát đã ở trước ngàn Đức Phật phát tâm Bồ-tát nhưng sau đó phát tâm Bồ-tát trở lại, chê bai kinh điển Đại thừa và cũng không tìm hiểu kinh ấy.
Hoặc có Bồ-tát, đã ở trước mười vạn Đức Phật phát tâm Bồ-tát nhưng sau đó phát tâm Bồ-tát trởi lại, không chê bai kinh điển Đại thừa và cũng không đọc, không phúng tụng kinh ấy.
Hoặc có Bồ-tát, đã ở trước một trăm vạn Đức Phật phát tâm Bồ-tát nhưng sau đó, phát tâm Bồ-tát trở lại, không chê bai kinh điển Đại thừa và cũng không đọc không phúng tụng kinh ấy.
Hoặc có Bồ-tát đã ở trước một ức Đức Phật, phát tâm Bồ-tát, nhưng sau đó phát tâm Bồ-tát trở lại, nghe và ghi chép kinh điển Đại thừa mà trong lúc nghe kinh ấy không hiểu gì cả!
Hoặc có Bồ-tát đã ở trước mười ức Đức Phật, phát tâm Bồ-tát, nhưng sau đó phát tâm Bồ-tát trở lại, có được kinh điển Đại thừa biên chép đọc tụng kinh ấy, nhưng lại không thể đắc pháp nhẫn, cũng không thể đắc Tam-muội này và cũng không thích Tam-muội này.
Hoặc có Bồ-tát đã ở trước tám mươi ức Đức Phật, nghe Tammuội này, thọ trì, đọc tụng Tam-muội ấy. Đã phát tâm Bồ-tát ở trước tám mươi ức Đức Phật, có được kinh điển Đại thừa, thọ trì biên chép đọc tụng. Đạt được Tam-muội này, giữ vững không có vết nhơ, thực hành Tam-muội ấy không bao giờ bị ma quấy nhiễu, không bị phạm phải tội lỗi. Hoặc ở trong a-tăng-kỳ kiếp đã tạo ra các tội lỗi, hoặc bị nhức đầu, liền trừ hết tội ấy; hoặc loạn tâm ý, hoặc bị chê bai, hoặc bị coi thường, hoặc ít được cúng dường, trong một đời đều dứt hết tội lỗi ở đời trước của mình; hoặc cúng dường a-tăng-kỳ Đức Phật, sau đó, không bao giờ yếu đuối, hèn nhát, tâm trụ vững trong sự hiểu biết rõ ràng.
Hoặc có Bồ-tát mắc tội trong ác đạo, sẽ sinh ra nơi không đoan chánh, nhưng sau đó, tội ấy được tiêu trừ. Hoặc nhiều bệnh tật, gầy yếu, hoặc không được người kính trọng, sinh trong nhà thấp hèn, sinh trong nhà bị coi thường, sinh trong nhà nghèo khổ, sinh trong nhà xa xôi hẻo lánh; sinh trong nhà bỏn sẻn, tham lam, sinh trong nhà ngoại đạo; sinh cùng với kẻ oán ghét không thể sống chung; sống chung với người không hiểu về mình, trong lòng nhiều mối lo toan buồn phiền; sinh trong nước nào, thì nước đó thường xảy ra chiến tranh; sinh ở quận nào, thì quận đó thường xảy ra việc đánh nhau; sinh ở trong huyện nào, thì huyện đó thường xảy ra việc đánh nhau; sinh ở trong làng nào, thì làng đó thường xảy ra việc đánh nhau; sinh ở trong dòng họ nào, thì dòng họ đó thường chóng đối lẫn nhau; sinh ở những nơi đánh nhau; không gặp Thiện tri thức; chẳng từng nghe pháp; thiếu thốn y phục, mùng mền, cơm nước, giường chõng, ngọa cụ, thuốc thang chữa bệnh, dù được, thì chỉ chút ít mà thôi. Nói năng hợp với người thường, mà không hợp với hàng trưởng giả, họ cũng không thể hiểu ý mình. Đối với công đức, không thể làm cho tăng thêm. Luôn luôn sống trong lỗi lầm, luôn luôn bị người khác quấy rối, không thể nhận được những vật cúng dường. Hoặc được nghe pháp, nhưng không hiểu. Hoặc thấy ác mộng, ngay trong mông, trừ được tội lỗi đời trước của mình, bị tội lỗi lung lạc, bị ma quấy nhiễu mà không biết việc của ma, thường ở chung với những người không ưa thích. Nếu có y phục, mùng mền tốt đẹp, thức ăn uống ngon, thì đem biếu hết cho người khác. Đối với một trăm Đức Phật, tự mình tạo công đức, tâm không vết dơ, lúc ấy, những tội chướng kia thảy đều tiêu diệt. Thế nên, chắc chắn lại càng chắc chắn hơn, bên trong khởi lòng lành. Người có khả năng đảm nhận Tứ hoằng thệ của Bồtát, đối vơi pháp sâu xa mầu nhiệm vẫn trụ vững vàng để hành hạnh. Người ở đời vị lai, sẽ giữ lấy pháp này.
Lúc ấy, Bồ-tát Khả Ý Vương và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, cùng với sáu mươi Hiền giả lưu lại ở đời vị lai để giữ gìn pháp sau này.
Đức Phật liền nói kệ:
Chớ hành dua nịnh
Nương chấp nơi “Có”
Phải chánh ý mình
Trì tuệ đi đứng.
Vào sâu pháp mầu
Trụ nhẫn bất động
Nên tạo hạnh ấy
Mau cầu Tam-muội.
Chớ nên nịnh bợ
Xa lìa chấp nhơ
Chớ tham các cõi
Thích việc đua tranh.
Nên hành bình đẳng
Ví như hư không
Hành giả như thế
Mười thứ lực quý.
Thường phải vững tâm
Trú nơi Bồ-tát
Nên học pháp mầu
Ẩn sâu của Phật.
Tất cả các thọ
Tâm tuệ không ham
Đã có hạnh này
Đắc Tam-muội quý.
Tâm thường bình đẳng
Đối với thương ghét
Gặp Thiện tri thức
Như thấy chư Phật.
Thích hạnh bố thí
Trong hành bình đẳng
Người có hạnh này
Mau rõ Tam-muội.
Tuệ kinh sáng ngời
Báu không thể hết
Trụ Tam-muội ấy
Không thể tính kể.
Kinh ấy sáng ngời
Hơn ánh mặt trời
Nên nói kinh ấy
Phải vào tôn tuệ.
Ví như trời trăng
Các đèn báu sáng
Giống như mùa Đông
Tuyết trên núi cao.
Ví như Thích, Phạm
Cùng với Tứ thiên
Ánh sáng kinh ấy
Hơn hẳn với họ.
Kinh trừ phiền não
Và tội của tâm
Hàng phục các ma
Liền được an ổn.
Thần túc thấy khắp
Biết được mạng xưa
Biết rõ tất cả
Ý người muốn gì!
Ta nhớ đời trước
Trải vô số kiếp
Ái dục đều dứt
Tất cả không còn.
Lúc Phật khen ngợi
Nói ấn kinh này
Phải học như ta
Không lâu sẽ được.
Nếu có hành giả
Biết chắc rỗng “Không”
Trong tâm rõ “Không”
Nó vốn tự nhiên
Người tạo hạnh này
Là chấp nơi “Không”
Người giữ gìn pháp
Xa lìa nơi “Không”.
Sau ta Niết-bàn
Có người nói rằng:
Tất cả các pháp
Xem chúng như mộng.
Hoặc trì các pháp
Muốn hiểu biết rõ
Ý kia khởi gì
Nên vì chấp ấy
“Không” chẳng có sinh
Cũng không người tạo
Cũng không người đến
Không thấy có trụ
Không hành pháp này
Chấp ở trong “Có”
Liền tự nói rằng:
Ta đã rõ “Không”.
Được nghe chánh pháp
Từ Thiện tri thức
Rợn cả chân lông
Rơi lệ nói rằng:
Thầy thật tôn quý
Là bậc Hiền giả.
Về sau lại nói
Trăm điều xấu xa
Nhiều điều hèn hạ
Của hạng khốn cùng!
Vì mong cúng dường
Khen ngợi chính mình
Cầu được tiếng tăm
Nhờ làm Sa-môn.
Loạn nhơ chánh giáo
Đệ tử giữ pháp
Nương nơi Phật đạo
Mà làm Sa-môn.
Tu hạnh Bồ-tát
Bồ-tát bất trụ
Như tại bờ biển
Trông sang bờ kia.
Người hạnh không đủ
Chẳng phải Bồ-tát
Ở nơi vắng vẻ
Nói ta hành tịnh.
Hạnh trong người ấy
Không trụ thanh tịnh
Thường mong cúng dường
Gần gũi thiện tín,
Bèn tự nói rằng:
Ta là Sa-môn.
Nếu ở đạo ta
Làm vị Sa-môn
Trụ trong pháp Phật
Như hoa sen nước.
Ở trong kinh này
Như pháp thực hành
Người có hạnh ấy
Giữ được Phật pháp.
Nay Khả Ý Vương
Phải thọ giáo ta
Chớ tạo hạnh chấp
Như người thế gian.
Xa lìa thế tục
Được Phật khen ngợi
Cho nên phó chúc
Hãy giữ pháp sau.
Ví như na-thuật
Người trong cõi nước
Đem cát sông Hằng
Thảy đều rải khắp.
Mỗi một hạt cát
Đều thành một trái
Mỗi một trái này
Thành cát sông Hằng.
Số tính như thế
Ngàn lần gieo trồng
Lại tính như thế
Số cát sông Hằng.
Tính đếm như thế
Hơn vô số cõi
Đem mỗi hạt cát
Dùng làm số tính.
Đem số tính ấy
Phương Đông như thế
Tính số cát ấy
Đều tính cho hết
Khắp cả mười phương
Thảy đều như thế
Số cõi như vậy
Vô số chư Phật
Mỗi một Đức Phật
Số đều như nhau.
Tất cả Đức Phật
Có vạn thứ tiếng
Ở vô ương số
Hằng hà sa kiếp
Nói công đức kinh
Không khi nào hết.
Nếu người có hạnh
Với nghĩa kinh này
Luôn phải ghi nhớ
Trụ kinh pháp ấy.
Phụng hành bền vững
Như trên đã nói
Kinh ấy tôn tuệ
Không có ngằn mé.
Ví như hạt cải
Bên cạnh Tu-di
Như người đến biển
Lấy một giọt nước.
Công đức nói kinh
Cũng lại như thế
Tôn trọng kinh này
Tạo hạnh không chấp.
Bấy giờ, Bồ-tát Khả Ý Vương và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi cùng sáu mươi vị Hiền, hỏi Phật:
–Bạch Thế Tôn! Pháp gọi là pháp. Những gì là pháp? Làm sao biết được tướng trạng của pháp?
Đức Phật bảo Bồ-tát Khả Ý Vương và Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi cùng sáu mươi vị Hiền:
–Này thiện nam tử! Pháp là tướng trạng của sự không tạo tác.
Không tạo tác ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không thể được.
Không thể được ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không thể tận.
Không thể tân ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không chỗ khởi.
Không chỗ khởi ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không chỗ diệt.
Không chỗ diệt ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không chỗ được.
Không chỗ được ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không chỗ nương.
Không chỗ nương ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không xứ sở.
Không xứ sở ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không chỗ ra.
Không chỗ ra ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không dao động.
Không dao động ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của lìa dao động.
Lìa dao động ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không tâm.
Không tâm ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không niệm.
Không niệm ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không hai.
Không hai ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của bình đẳng.
Bình đẳng ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của chẳng có.
Chẳng có ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không chỗ trụ.
Không chỗ trụ ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không chỗ hành.
Không chỗ hành ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của không biếng nhác.
Không biếng nhác ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của pháp không nơi chốn.
Pháp không nơi chốn ấy, là tướng trạng gì?
–Là tướng trạng của Niết-bàn.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Giả sử pháp ấy xoay vần, không biết nhau, thì pháp nào sẽ tân, để cho chúng con giữ gìn pháp sau này?
Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Người khởi pháp pháp tưởng, muốn được độ. Người muốn được độ, trụ nơi pháp. Người trụ nơi pháp, liền ở hai pháp. Người ở hai pháp, là hạnh làm diệt pháp. Pháp cũng không diệt cũng chẳng phải không diệt. Ta nay bảo các ông giữ gìn pháp sau này.
Lúc ấy, Đức Phật liền nói kệ:
Đã trụ tôi, ta
Bèn nói có đời
Trì tưởng, tạo hạnh
Muốn thoát thế gian
Người khởi niệm ấy
Là trụ hai pháp.
Đó là mê hoặc
Chẳng hành chánh pháp
Pháp, không ai tạo
Cũng không ai hoại
Không thể thấy biết
Cũng không nơi người.
Người chấp nơi có
Do khởi hạnh tưởng
Bèn tự nói rằng:
Ta đã nhẫn “Không”
Khởi tưởng niệm “Không”
Đó là phi pháp.
Pháp không chỗ có
Bèn hành có pháp
Những điều khởi ra
Là không chỗ có
Hạnh luôn vắng lăng
Đó là pháp ấn.
Với tưởng, có động
Lập tức tự trói
Pháp vốn thanh tịnh
Bèn khởi “Có” pháp.
Tất cả các pháp
Giống như tiếng vang
Người chấp nơi có
Là ở hai pháp.
Tuệ pháp thanh tịnh
Tuệ, không được tuệ
Tuệ, ở trong tuệ
Không có ai được.
Tất cả không thấy
Người hay khởi tập
Si, tuệ đều không
Đều không chỗ có
Nếu để tự nhiên
Sẽ có chỗ có
Liền sẽ hoại diệt
Thành tựu Niết-bàn.
Giả sử các pháp
Có chỗ trụ ở
Người cùng phi nhân
Đều được Niết-bàn.
Như người ở đời
Tự nắm, tự buông
Nghĩ phải, nghĩ quấy
Mà cầu Niết-bàn.
Tự khởi tôi, ta
Tất cả đều thế
Đã khởi các pháp
Cũng không hiểu, nhớ.
Ngu si và trí
Với hai việc này
Lời miệng nói ra
Là không chỗ có
Người khởi tưởng hành
Mù mịt trong ấy
Hoại diệt, sinh tử
Muốn cầu Niết-bàn.
Tâm không biết tâm
Nó vốn tự nhiên
Với vốn tự nhiên
Cũng không biết tâm.
Tất cả các pháp
Tự nhiên như mộng
Hễ muốn khởi hạnh
Chấp có chắc chắn
Người khởi có pháp
Chẳng phải hạnh vững
Người diệt hạnh pháp
Chẳng phải pháp bền
Giả sử diệt hạnh
Đó chính là chắc
Các khởi có pháp
Đều sẽ thành Phật
Cái giác của Phật
Là không chỗ giác,
Nói hay thuyết pháp
Là không chỗ thuyết
Nói hay độ người
Là không chỗ độ.
Phật vì chắc thấy
Không chỗ khởi pháp
Giả sử Niết-bàn
Thì đó là sắc
Các đệ tử Phật
Đều phải ở trong
Nếu khiến Niết-bàn
Pháp là thường trụ
Tứ đẳng thương xót
Các loại nhuyến động
Tất cả mọi người
Không thể gặp nhau.
Ở đời, tự đặt
Trì ngã, tác nhân
Xem kỹ thế gian
Không ngã, không nhân
Không còn chỗ chấp
Đó là Niết-bàn.
Chợt, đều nói là
Tự cho là chắc
Nhận sự hoại diệt
Muốn được vì đạo
Đã không khởi pháp
Bèn vì một pháp
Trì pháp hữu hành
Ở đó bốn Đế
Chỗ ở chư Phật
Đều ở một pháp
Ngồi cội Bồ-đề
Sao có bốn đế?
Hành giả như vậy
Không rõ Bồ-tát
Tạo hạnh như thế
Hủy hoại Phật pháp.
Người làm Sa-môn
Phải như pháp ấy
Nếu có ái dục
Không nên chất chứa.
Muốn thành Tam-muội
Hạnh luôn vững chắc
Ví như tê giác
Luôn thích sống riêng
Tám mươi ức Phật
Vua trong loài người
Hành Tam-muội ấy
Chư Phật đều biết.
Nếu có tôn thiên
Bậc đã thấy chắc
Sớm tối ủng hộ
Những người trì pháp.
Kinh qua không hết
Chiếu sáng tất cả
Vào pháp tạng này
Cửa không đầu mối.
Có hạnh tin ấy
Loại Tam-muội này
Thường ở trong mộng
Gặp gỡ chư Phật.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Nếu có người nào, muốn đắc đạo Bồ-tát thì Bồ-tát phải thực hành Tam-muội này. Nếu muốn thành tựu tướng, muốn thành tựu điều tốt, thành tựu mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng, muốn thương xót lớn mà không dính mắc vào đâu, muốn được Tuệ nhãn tự nhiên, muốn thành Tỳ-kheo tăng, muốn thành Bồ-tát, hoặc muốn thành tựu cõi Phật, muốn đắc tuệ Đà-la-ni nghe được tiếng nói tất cả mọi người, muốn lìa thế gian, muốn biết con đường sẽ đi đến của tất cả mọi người, muốn được sức mạnh, muốn hiểu rõ Tam-muội thì phải phụng hành như đã dạy ở trên, tức là ngang bằng Phật. Như tướng, như đại tướng, như tướng trong hàng tướng, được ở trên tất cả, được thương xót tất cả, được thành Như Lai. Những lời nói ra đều bình đẳng, vô lượng đẳng và không đẳng, vô xứ đẳng, sở thuyết đẳng, cao tột trong loài người. Vì sao? Vì ta trụ ở Tam-muội này, khi Đề-hòa-kiệt thành Phật, ta đã đạt Phật đạo.
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Giả sử khi Đề-hòa-kiệt thành Phật đạo, thì sao lại là thế gian?
Đức Phật bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi:
–Này Văn-thù-sư-lợi! Vì cần làm ba việc, nên ở tại thế gian:
- Để làm Phật sự.
- Độ Nhân phi nhân khắp mười phương.
- Không trái với bản nguyện.
Lúc đó, ta đã thành Phật đạo đã vào Niết-bàn rồi.
Đức Phật liền nói kệ:
Hành Tam-muội này
Nhớ nghĩ không đáy
Mau được thành Phật
Khắp cả mười phương
Vô ương số Phật
Người hộ trì pháp
Lại đều được nghe
Vô lượng vô biên
Các kinh chánh giáo
Người trì kinh này
Liền được vô cực
Môn Đà-la-ni.
Muốn biết tiếng người
Các tuệ Tam-muội
Phải nghe kinh này
Thông suốt bốn Đế,
Tuệ chẳng chỗ chấp
Hay dứt các cõi
Không khởi không diệt
Không có nơi chốn,
Đạt đến thanh tịnh
Liền được tướng tốt
Tất cả công đức
Và mười thứ Lực.
Muốn rõ nhiệm mầu
Tuệ pháp sâu xa
Phải hành kinh này
Muốn được hiểu rõ
Tất cả người đời
Ai đọa địa ngục
Muốn dạy họ chắc
Dứt trừ dâm, nộ
Hành giả thanh tịnh
Đối với kinh này
Sớm tối gắng sức
Tạo hạnh vô thượng,
Phải vui siêng năng
Trong hăm mốt ngày
Phụng hành ấn kinh
Chớ nên biếng nhác
Cùng với an ổn
Muốn cầu pháp này
Luôn giữ hòa diệu
Tâm không ganh ghét
Ở nơi tĩnh lặng
Đem pháp ban bố
Giữ giới cúng dường
Mới được nguyện ấy.
Giữ tâm bình đẳng
Dùng Tam-muội kinh
Chỉ dạy mọi người
Chớ thích ái dục
Phải như hoa sen
Không nhiễm bùn nước
Tinh tấn vững vàng
Như chim bay xa
Ở trong hư không
Hạnh này về sau
Liền được vô cực
Môn Đà-la-ni.
Khi Đức Phật nói kinh này, ba ngàn cõi nước chấn động sáu cách. Các chúng trời đem ức trăm thứ hoa, hương, kỹ nhạc, cờ phướn, lọng báu đan xen nhau, bảy báu, chuỗi ngọc vàng, hoa đủ màu sắc, ngọc ma-ni, thủy tinh, lưu ly để cúng dường Đức Phật, tất cả tôn thiên, chư Thiên, Ngọc nữ, Rồng, Quỷ thần, A-tu-luân, Calưu-la, Tỳ-kheo tăng, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di rất vui mừng, đều rời bỏ nhà cửa, xả bỏ vợ con, những đồ quý báu, phát tâm Bồ-tát. Trong một na-thuật, không thể nói đầy đủ hết về việc làm của Bồ-tát. Những người phát tâm Bồ-tát ấy, đều đạt được không thoái chuyển. Vô ương số người, nhiều như cát sông Hằng đều chứng quả A-lahán. Các vị Bồ-tát ở khắp mười phương bay đến đều hoan hỷ ra về.
Khi Đức Phật nói pháp ấy, có a-tăng-kỳ người đều phát tâm Bồ-tát, tám mươi na-thuật người đều được không thoái chuyển, ba ức sáu vạn Bồ-tát được Tam-muội này. Vô ương số người đều chứng quả A-la-hán. Các vị Bồ- tát từ khắp mười phương đến đều được Tam-muội này.
Khi Đức Phật nói kinh xong, Bồ-tát Khả Ý Vương, Bồ-tát Vănthù-sư-lợi sáu mươi vị Hiền sĩ, Bạt-đà-tư-lợi-tuyên-na-lạp, phu nhân của vua Bình-sa cùng với chư Thiên, Nhân dân, Rồng, Quỷ thần, Atu-luân… đều rất vui mừng, ở trước Đức Phật đảnh lễ, rồi lui ra.