PHẬT THUYẾT TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG KINH
Tuyên Hóa Thượng Nhân Lược Giảng
Giảng năm 1974 Tại Kim Sơn Tự, San Francisco, California, Hoa Kỳ
Đề Mục
Tên đề của bộ kinh này có bảy chữ “Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương Kinh” và bảy chữ ấy bao gồm cả tên chung (thông danh) lẫn tên riêng (biệt danh). Trong đó, chữ “Kinh” là tên chung. Tất cả kinh điển do Đức Phật thuyết giảng đều có cùng một tên chung là “Kinh”; và những chữ còn lại nằm trong tên đề thì thuộc về phần tên riêng. Tên riêng là tên gọi đặc biệt của bộ kinh, không hề trùng hợp với tên riêng của bất kỳ một bộ kinh nào khác.
Chữ ‘Kinh” ở đây cũng giống như trường hợp chữ “người” là tên chung để chỉ nhân loại chúng ta vậy. Bên cạnh đó, mỗi người lại còn có một tên gọi riêng biệt, như kẻ thì xưng là Trương Tam, người thì gọi là Lý Tứ…Kinh điển do Đức Phật thuyết giảng cũng tương tự như vậy, cũng đều có cả tên chung và tên riêng. Tên riêng của bộ kinh này là “Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương”. Phần tên riêng ấy cho thấy bộ kinh này thuộc loại Nhân Pháp Lập Đề, tức là dùng tên của người nói ra giáo-pháp và tên của giáo-pháp mà người ấy nói ra, để lập thành tên đề của bộ kinh; trong đó, “Phật” là người và “Tứ Thập Nhị Chương” là pháp.
Bộ kinh này chứa đựng giáo-pháp do chính Đức Phật thuyết giảng. Trong thời kỳ Kết Tập Kinh Tạng, các đệ tử của Ngài đã kết nối từng chương một lại với nhau để hình thành một bộ kinh. Đây cũng có thể xem như một tập Ngữ Lục của Đức Phật, và bốn mươi hai chương sách chính là bốn mươi hai đoạn ngữ lục, hay bốn mươi hai lời dạy bảo của Ngài!
Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương Kinh là một bộ kinh được truyền đến nước Trung Hoa trước nhất. Lúc bấy giờ, vào đời vua Minh Đế nhà Hậu Hán, có hai Tôn giả là Ca-Diếp-Ma-Đằng và Trúc-Pháp-Lan dùng ngựa trắng để chuyên chở kinh điển từ nước Ần Độ sang Trung Hoa. Và sau đó, vua Hán-Minh-Đế đã cho cất Chùa Ngựa Trắng (Bạch Mã Tự) ngay tại kinh đô Lạc Dương.
Như vậy, Phật pháp được truyền bá đến nước Trung Hoa vào đời nhà Hán. Tuy nhiên, vì Đạo giáo tại Trung Hoa thời ấy đang rất thịnh hành, nên khi Phật giáo lan truyền đến quốc gia này thì có nhiều đạo sĩ sanh lòng ganh ghét và tâu với vua rằng: “Phật giáo chỉ là thứ giả. Đó là tôn giáo của ngoại bang chứ không phải của Trung Hoa. Vậy, xin Bệ hạ hãy ngăn cấm việc truyền bá đạo Phật và trục xuất Phật giáo ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa! Nếu Bệ hạ không muốn xóa bỏ Phật giáo, thì xin hãy tổ chức một cuộc so tài!”
So tài như thế nào ư? Các đạo sĩ yêu cầu nhà vua cho mang tất cả kinh điển do Đức Phật thuyết giảng và kinh điển do Đạo giáo đến xếp chung vào một chỗ rồi châm lửa đốt. Hễ kinh điển của bên nào bị cháy thì bên ấy thứ giả; và kinh điển của bên nào không bị cháy thì bên đó là thứ thiệt!
Đương thời bên Đạo giáo có đạo sĩ tên Chử Thiện Tín, là một trong những vị thủ lãnh của Đạo giáo. Ông ta dẫn theo 500 đạo sĩ, tất cả cùng nhau khuân vác các kinh điển, linh văn của Đạo giáo xếp vào một chỗ; rồi lâm râm khấn vái với Thái Thượng Lão Quân: “Kính bạch Đại Đức Thiên Tôn! Xin Ngài hãy thị hiện oai linh, xui khiến cho kinh sách của Đạo giáo chúng ta đều không bén lửa, còn kinh điển của Phật giáo thì bị cháy rụi hết thảy!”
Thời bấy giờ có rất nhiều đạo sĩ có thần thông. Người thì có thể cỡi mây lướt gió; kẻ lại có thể bay lên trời hoặc chui xuống đất. Có Đạo sĩ còn biết cả thuật ẩn hình (ẩn hình tức là quý vị vừa mới thấy họ sờ sờ ngay trước mắt thì đột nhiên lại biến mất, không còn thấy tăm dạng của họ đâu nữa)…; những đạo sĩ bản lãnh như thế đều có cả. Có đạo sĩ còn biết dựa vào phép độn, tức là phương pháp “kỳ môn độn giáp” mà chạy thoát thân. Nhờ dựa vào nào phù, nào chú, nào bùa phép của Đạo giáo nên các đạo sĩ có được rất nhiều pháp thần thông; song, đến lần dùng lửa đốt kinh sách này thì thế nào?
Kinh điển của Phật giáo chẳng những đã không bốc cháy mà lại còn phát hào quang! Bấy giờ, xá lợi của Đức Phật phóng hào quang năm màu, kinh điển cũng tỏa hào quang rực rỡ. Các đạo hào quang tỏa ánh sáng chan hòa khắp không trung, trông chẳng khác nào vầng thái dương đang soi tỏ cả thế gian vậy!
Còn kinh điển của Đạo giáo vừa đốt, thì đều bén lửa cháy rụi ngay, không còn sót lại gì cả! Bấy giờ, những đạo sĩ từng biết cỡi mây cỡi mưa lại chẳng thể cỡi mây cỡi mưa được nữa vì không còn phép thần thông! Kẻ biết bay lên trời thì chẳng thể bay đi, biết chui xuống đất lại chẳng tài nào chui lọt mình xuống đất, biết ẩn hình cũng chẳng thể ẩn nấp ở đâu được nữa! Lúc ấy, tất cả phù, chú của họ đều hết linh nghiệm, không còn công hiệu nữa. Bấy giờ, toàn bộ kinh sách của Đạo giáo đều bị cháy sạch khiến cho các đạo sĩ như Chử Thiện Tín, Phí Chánh Thanh đều tức tối tưởng chết đi được ngay giữa công chúng. Trong khi họ đang trong cơn tức giận như thế, thì có đến hai, ba trăm đệ tử của họ lại cắt bỏ râu tóc ngay tại hiện trường để xuất gia đầu Phật! Đây là cuộc “đấu phép” xa xưa nhất giữa Phật giáo và Đạo giáo; và Đạo giáo đã chuốc lấy phần thảm bại!
Sau đó, hai Tôn giả Ca-Diếp-Ma-Đằng và Trúc-Pháp-Lan cùng bay vọt lên hư không, thị hiện 18 phép biến hóa như thân trên ra lửa thân dưới ra nước, thân dưới ra lửa thân trên ra nước, đi lại trong hư không, nằm ngủ trong hư không…, và vô số phép thần thông biến hóa khác. Cho nên, những người đương thời và luôn cả Hoàng Đế thảy đều dốc lòng tin theo đạo Phật.
Vì vậy bộ kinh này rất quan trọng và đây cũng là bộ kinh đầu tiên được truyền đến nước Trung Hoa, cho nên hôm nay tôi muốn cùng quý vị nghiên cứu bộ kinh này.
Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của chữ “Phật”. “Phật” tức là Phật-Đà-Da, và là tiếng Phạn; dịch sang tiếng Trung Hoa là Giác giả, nghĩa là Đấng Giác Ngộ. Có ba loại giác ngộ là Tự-giác, Giác-tha, và Giác-hạnh-viên-mãn.
1. Tự-giác (tự trở nên giác ngộ). Bậc tự giác thì không giống như hạng phàm phu là kẻ chưa được giác ngộ. Những người tu theo Nhị thừa đều có thể tự họ trở nên giác ngộ; vì thế, họ đều khác hẳn kẻ phàm phu.
2. Giác-tha (làm cho người khác trở nên giác ngộ). Hàng Nhị thừa có thể trở nên giác ngộ, nhưng họ không giác ngộ người khác. Do đó, người có thể khiến cho người khác trở nên giác ngộ là bậc Bồ Tát, chứ không phải là hàng Nhị thừa. Bồ Tát đã có thể tự giác, lại có thể giác tha; và vừa làm lợi cho mình vừa có thể làm lợi cho người khác. Bồ Tát xem tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau; cho nên sau khi đã tự giác ngộ rồi, các Ngài mong rằng hết thảy chúng sanh cũng đều được giác ngộ, được sáng suốt như mình. Đó gọi là Giác tha.
3. Giác hạnh viên mãn: Bậc Bồ Tát tuy có thể giác ngộ người khác, nhưng vẫn chưa thể đạt được giác hạnh viên mãn. Trong khi đó, chư Phật đã có thể tự trở nên giác ngộ, lại có thể làm cho người khác được giác ngộ, và còn có thể hoàn thành mỹ mãn hạnh tự giác giác tha của mình nữa. Chính nhờ đã hoàn tất trọn vẹn cả ba hạnh nguyện giác ngộ này nên các ngài đã được thành Phật.
“Thuyết” nghĩa là nói. Bộ kinh này vốn do Đức Phật nói ra. Chữ “thuyết” còn bao hàm ý nghĩa “duyệt sở hoài”. Thế nào gọi là “duyệt sở hoài”? Tức là nói ra những điều mà trong lòng mình ưa thích, và một khi đã nói ra rồi thì càng cảm thấy hoan hỷ vui vẻ hơn.
“Tứ Thập Nhị Chương” nghĩa là bốn mươi hai chương. Bộ kinh này có bốn mươi hai chương. Đó là bốn mươi hai đoạn ngữ lục của Đức Phật và cũng là bốn mươi hai chương Phật pháp do chính Đức Phật tuyển thuyết.
“Kinh” có bốn ý nghĩa là: Quán (kết nối), Nhiếp (thâu về), Thường, và Pháp.
1. “Quán” là “quán xuyên sở thuyết nghĩa”; nghĩa là nối kết những nghĩa lý đã được thuyết giảng lại với nhau. Cũng giống như tràng chuỗi niệm Phật, các đạo lý trong Kinh được liên kết với nhau từng chữ, từng chữ một.
2. “Nhiếp” là “nhiếp trì sở hóa cơ” nghĩa là thâu phục, dẫn dắt tất cả chúng sanh có căn cơ và đã sẵn sàng để đón nhận sự giáo hóa.
3. “Thường“. Thế nào gọi là “thường”? “Cổ kim bất biến viết thường”, nghĩa là từ xưa đến nay không hề biến đổi thì gọi là “thường”. Những đạo lý chứa đựng trong Kinh vốn bất biến – trong quá khứ đã không thay đổi, ngay hiện tại cũng không thay đổi, và trong tương lai cũng sẽ không thay đổi, cho nên gọi là thường.
4. “Pháp“. “Tam thế đồng tuân viết Pháp”, nghĩa là những gì mà tam thế đều đồng tuân theo thì gọi là “Pháp”. “Tam-thế” là ba đời: Quá khứ, hiện tại và vị lai. Tất cả chúng sanh trong ba đời đều tôn thờ và noi theo giáo pháp trong Kinh mà tu hành.
Chữ “Kinh” còn bao hàm nhiều ý nghĩa khác như:
–Suối phun (dũng tuyền). Vì các đạo lý hàm chứa trong Kinh chẳng khác nào những mạch nước ngầm tuôn ra từ lòng đất cho nên Kinh cũng ví như suối phun vậy.
–Dây mực (thằng mặc). Kinh tựa như sợi dây có chấm mực mà thợ mộc thường dùng để vẽ đường thẳng. Tỷ dụ biểu thị Kinh là tiêu chuẩn mẫu mực của pháp.
Ngoài ra, vì Kinh dạy người đời phương pháp tu hành, cho nên “Kinh” cũng có nghĩa là “con đường” (kính lộ) – con đường tu hành.
Trên đây là phần giải thích sơ lược về đề mục của bộ Kinh Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương.
Dịch Giả
Nhà Hậu Hán, Ca-Diếp-Ma-Đằng (Kashyapa-maganta) và Trúc-Pháp-Lan (Gobharana) cùng dịch
Bộ kinh này là bộ kinh đầu tiên của Phật giáo được truyền từ Ần-Độ đến Trung Hoa, nên cần phải được phiên dịch sang Hoa-văn. Nhà Hậu Hán, Ca-Diếp-Ma-Đằng và Trúc-Pháp-Lan cùng dịch. Ca-Diếp-Ma-Đằng là một người, và Trúc-Pháp-Lan là một người khác nữa; cả hai Ngài đều là người miền Trung Ần. Bấy giờ, nhằm đời nhà Hậu Hán, hai người đã cùng nhau dịch bộ Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương Kinh này sang tiếng Trung-Hoa.
Triều đại nhà Hán gồm có Tây-Hán1 và Đông-Hán2; và nhà Hậu-Hán tức là nhà Đông-Hán. Năm Vĩnh Bình thứ ba3, đời vua Minh-Đế nhà Đông-Hán (Vĩnh-Bình là niên hiệu của triều vua Hán Minh-Đế, và bấy giờ là năm thứ ba của triều đại ấy), là nhằm năm Canh-thân. Vào năm Canh-thân này, một hôm, vua Hán Minh-Đế bỗng mộng thấy một người vàng (Kim-nhân) trên đỉnh đầu có vầng hào quang hình tròn sáng chói, từ không trung bay thẳng vào Hoàng-cung. Hôm sau, nhà vua bèn hỏi ý kiến các quan văn võ đại thần trong triều về điềm chiêm bao ấy.
Bấy giờ, trong triều có quan Thái-sử tên là Phó Nghị tâu rằng: “Hạ thần nghe nói là về phía tây tại nước Ần Độ, có một vị thần được mọi người tôn xưng là Phật. Nay người vàng mà Bệ hạ mộng thấy ấy nhất định là Phật rồi!” Tiếp đến, có một vị Học-giả tên Vương Tuân cũng tâu với vua rằng: “Nhà Chu có truyền lại một bộ sách tên Dị Ký, trong đó ghi chép toàn những sự kiện kỳ lạ, đặc biệt.”
Sách ấy ghi chép những gì? Trong bộ sách của nhà Chu ấy ghi chép rằng:
“Phật đản ư Chu-Chiêu-Vương nhị thập lục, niên Giáp-dần. Thời, giang hà phiếm dật, đại địa chấn động, ngũ sắc tường quang quán Thái-vi tinh.”
Nghĩa là: Đức Phật ra đời vào năm thứ 26 của triều đại Chu Vương4, và năm ấy là năm Giáp-dần. Lúc bấy giờ, tức là khi Đức Phật đản sanh, thì mực nước ở các sông hồ đều dâng cao và chảy tràn ra khỏi bờ, cả mặt đất đều rung chuyển. Đồng thời, trên trời có đạo hào quang năm màu báo điềm lành phóng xuyên qua sao Thái Vi.
Đương thời có viên quan Thái-sử (Thái-sử là chức quan trông coi về Thiên-văn học và khoa Toán-số) tên Tô Do. Thái-sử Tô Do dùng Kinh Dịch để bói quẻ; và vừa gieo thì được ngay quẻ Càn Cửu-ngũ, tức là quẻ Phi long tại thiênỂ (rồng bay giữa trời). Căn cứ vào quẻ này, quan Thái-sử chiêm đoán rằng có bậc Thánh nhân vĩ đại ra đời tại nước Ần Độ và sau khi xuất thế, vị Thánh nhân này sẽ đi truyền bá một giáo pháp mà khoảng một ngàn năm sau, giáo pháp ấy sẽ được truyền đến Trung Hoa. Vua Chu-Chiêu-Vương liền sai người ghi chép và khắc những dữ kiện ấy vào đá, rồi truyền đem chôn ở cổng thành phía nam. Nhà vua dự tính rằng như thế đời sau sẽ có bằng chứng để kiểm nghiệm, xem có đúng là một ngàn năm nữa thì giáo pháp ấy (tức là Phật giáo) sẽ được truyền đến Trung Hoa hay không.
Đến đời vua Chu-Mục-Vương, một hôm, cả đại địa bỗng nhiên rung chuyển và trên trời xuất hiện mười hai đạo bạch-hồng (chữ “hồng” này tức là chữ “hồng” trong từ ngữ “hồng-nghê” có được đề cập đến trong Kinh Lăng Nghiêm, và có nghĩa là mống vòng cầu). Đây là hiện tượng “bạch hồng quán nhật” tức là giữa ban ngày bỗng có mười hai mống cầu vòng màu trắng hiện ra, nằm bắt qua mặt trời; và hiện tượng này xảy ra lúc Đức Phật viên tịch. Tuy rằng Đức Phật viên tịch tại Ần Độ nhưng ở Trung Hoa cũng thấy được hiện tượng ấy. Như vậy, sự xuất thế của Đức Phật không phải là chuyện ngẫu nhiên hay tình cờ! Khi Đức Phật ra đời tại nước Ần Độ, thì ở Trung Hoa, mực nước của các sông, hồ đều dâng cao và chảy lênh láng ra khỏi bờ, toàn thể đại địa đều rung chuyển. Rồi đến khi Đức Phật viên tịch, ở Trung Hoa cũng thấy có mười hai mống cầu vòng màu trắng bắt qua mặt trời.
Lúc bấy giờ có viên Thái-sử tên Hỗ Đa cũng dùng Kinh Dịch để chiêm đoán. Sau khi gieo quẻ, Thái-sử Hỗ Đa thốt lên: “Ôi! Vị đại Thánh nhân ở Tây-Vực đã nhập diệt rồi!” Tức là, vị đại Thánh nhân ra đời tại nước Ần Độ vào năm Giáp-dần, đời vua Chu-Chiêu-Vương thứ 26 trước đây, nay đã nhập diệt đã vào cõi Niết-bàn rồi! Như vậy, tuy sự xuất thế và nhập diệt của Đức Phật đều xảy ra ở Ần Độ một quốc gia nằm cách nước Trung Hoa rất xa, nhưng ở Trung Hoa đều biết được cả. Đó là nhờ người Trung Hoa đương thời đã hiểu về Toán-số, nên đã có thể đoán biết được tình hình lúc ấy.
Tính từ đời vua Chu-Mục-Vương đến vua Minh-Đế nhà Hậu-Hán, thời gian cách nhau ước khoảng 1.000 năm. Nằm mộng thấy Đức Phật vào năm Vĩnh-Bình thứ 3, thì đến niên hiệu Vĩnh-Bình thứ 7, nhằm năm Giáp-tý, Hán-Minh-Đế truyền lệnh cho ba người là Thái-Ấm, Tần-Cảnh, và Vương-Tuân mang theo 18 người khác nữa, cùng nhau sang Ần Độ tìm cầu Phật pháp. Tại Trung Ần, họ gặp được Tôn giả Ca-Diếp-Ma-Đằng và Tôn giả Trúc-Pháp-Lan. Sau đó, hai tôn giả cùng theo phái đoàn của Thái-Ấm, Tần-Cảnh và Vương-Tuân trở về Trung Hoa. Tất cả về đến kinh đô Lạc-dương vào niên hiệu Vĩnh-Bình thứ 10, tức năm Đinh-mão. Vì lúc đến hai Ngài dùng ngựa trắng để chở kinh sách, nên vua Hán-Minh-Đế cho cất một ngôi chùa đặt tên là chùa Ngựa Trắng (Bạch Mã Tự).
Đến ngày mùng một tháng năm, niên hiệu Vĩnh-Bình thứ 14, thì nhóm đạo sĩ từ dãy Ngũ-nhạc-sơn5 của Trung Hoa rầm rộ kéo tới gây trở ngại cho Phật giáo. Và như đã tường thuật ở trên, họ đòi thiêu đốt kinh sách của đôi bên. Kết quả là tất cả kinh sách của Đạo giáo đều bị cháy sạch, trong khi kinh sách của Phật giáo thì lại không hề hấn gì cả! Xá lợi của Đức Phật còn phóng ra hào quang năm màu sáng rực cả bầu trời; và từ trên không trung, các đạo hào quang ấy kết tụ lại trông như một cái tàn khổng lồ bằng ánh sáng bao trùm lấy đại chúng! Trước cảnh tượng kỳ diệu ấy, mọi người đều đồng lòng kính tin Phật giáo.