KINH TU-MA-ĐỀ TRƯỞNG GIẢ

Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật cùng với đại chúng Tỳ-kheo gồm năm trăm vị ở tại tinh xá Kỳ hoàn, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn cùng với A-nan đắp y, mang bát vào thành khất thực. Trong thành có con của đại Trưởng giả, tên là Tu-ma-đề vừa mới mất, cha mẹ, dòng họ và bạn bè đều khóc lóc thương tiếc, dậm chân than oán buồn rầu, tuyệt vọng, hoặc kêu cha mẹ, anh em, hoặc kêu chồng, gào khóc đủ cách như vậy. Lại có người cào nắm đất làm cho bụi bặm dính đầy mình, hoặc có người cầm dao cắt râu tóc mình, ví như bị người bắn tên độc vào tim, đau đớn vô cùng. Hoặc có người cào xé áo đang mặc mà than khóc, giống như gió lớn thổi mạnh, làm cho cây rừng cành lá rung động. Lại có người như cá mắc cạn, quằn quại trên đất, giống như cây lớn bị chặt đổ ngổn ngang. Khổ sở đau đớn như vậy.

Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi Tôn giả A-nan:

–Các người kia vì sao khóc lóc thảm thiết như vậy?

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Trong thành này, có con của đại Trưởng giả, tên là Tu-ma-đề vừa mới mất, cha mẹ, anh em, vợ con, dòng họ, bạn bè vì ân ái ràng buộc nên mê loạn như vậy. Nguyện xin Đức Thế Tôn đi đến nhà đó để cứu độ cho họ. Chư Phật Thế Tôn không ai thỉnh cầu thì không có chỗ để nói. Nay vì những người kia, con xin thỉnh cầu Phật Thế Tôn rũ lòng đại Từ bi đến đó.

Như Lai nhận lời thỉnh của A-nan, liền đến nhà kia.

Trong thấy Đức Thế Tôn đến, những người đó đều lấy tay lau mặt rồi đi ra tiếp đón Phật, đầu mặt lễ sát chân Phật, khóc lóc nghẹn ngào, không thể nói được. Họ muốn than lớn nhưng vì kính sợ Phật nên không dám than thở, mà chỉ đứng đó.

Khi ấy, Phật hỏi cha mẹ, anh em, dòng họ, bạn bè của con Trưởng giả:

–Vì sao các người than khóc, buồn rầu, đắm chìm vào pháp không thật này?

Những người này đều thưa:

–Bạch Thế Tôn! Trong thành chỉ có người này là thông minh trí tuệ, đẹp đẽ hơn hết, đã đến tuổi trưởng thành. Chúng con lúc nào cũng nhớ nghĩ đến, mọi người đều thích nhìn, ngắm không chán, lời nói hiền hòa, hiếu thảo với cha mẹ, kính thuận anh em. Lại có nhiều của báu: Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, kho tàng chứa đầy châu báu. Lại có xe, ngựa, thức ăn uống, thuốc thang, quần áo, đồ nằm, nô tỳ, tôi tớ. Tất cả đều đầy đủ. Bỗng một hôm, người này qua đời. Vì thế chúng con khóc than, thương tiếc không thể kìm chế được.

Lành thay! Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn vì chúng con, dùng phương tiện thuyết pháp để chúng con xa lìa được các khổ não. Từ nay về sau lại không còn chịu các khổ như vậy nữa, đoạn trừ được các gốc rễ của phiền não: tham dục, sân giận, ngu si, được qua khỏi bờ sinh, lão, bệnh, tử, vĩnh viễn xa lìa biển sầu bi khổ não, sinh ra nơi nào cũng được gặp chư Phật, bạn lành, không gặp duyên ác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo cha mẹ, dòng họ, bạn bè của con Trưởng giả và mọi người:

–Các người có bao giờ thấy, có ai sinh mà không già, không bệnh, không chết không?

Các người này thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con chưa từng thấy như vậy.

Phật lại bảo mọi người:

–Các ngươi muốn xa lìa sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ não thì chớ nghĩ đến sự ràng buộc ân ái này, giữ tâm ngay thẳng, quay về nương với Tam bảo. Vì sao? Vì ở đời, không ai hơn Phật. Phật có thể dẫn đường cho những người mê mờ, ngu si. Các người buôn bán và các thầy thuốc giỏi, có tướng tốt cũng không bằng Phật. Vì sao? Vì chính Như Lai là bậc thầy cho thuốc, lời Phật nói ra chính là thuốc hay.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Trong mười phương thế giới
Có sinh ắt có tử
Đường sinh tử qua lại
Chỉ pháp mới trừ diệt.
Không mười phương, cõi nào
Có thể vượt cái chết
Chỉ Phật mới dứt bỏ
Vì thế quy mạng Phật.

Phật lại bảo mọi người:

–Các người biết thế nào gọi là tử không?

Mọi người thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con không biết.

Phật bảo mọi người:

–Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời hung dữ, nói thêu dệt, ganh ghét, sân giận, si mê, người nào làm mười điều ác này gọi là tử.

Phật lại bảo mọi người:

–Người nào trái nghịch, không hiếu thuận cha mẹ, không thực hành chánh pháp, không cung kính Sa-môn, Phạm chí và các bậc trưởng lão cũng goi là tử.

Phật lại bảo:

–Người nào không tôn kính Tam bảo và các Sa-môn trì giới, có đức, cũng gọi là tử.

Phật lại bảo:

–Người nào tham lam, bỏn sẻn, ganh ghét, kiêu ngạo, coi khinh, tự mình không giữ giới, người lớn nhỏ trong nhà cũng không giữ giới, lời nói thô lỗ, làm tổn thương đến người, cuồng si, biếng nhác, tâm ý không an ổn, sáu tình không đủ, trí tuệ kém cõi, không nghiêm khắc với chính mình, thích tin lời nói của người khac, thường ôm lòng ganh tỵ, sân giận, tự khen mình, ngăn cản việc thiện của người, khen ngợi việc quấy của người, cao ngạo tự thỏa mãn, không thân cận Sa-môn, Phạm chí, không nghe chánh pháp.

Người như vậy cũng gọi là tử.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Người nào tâm không tốt
Ưa làm mười điều ác
Thường ôm lòng cao ngạo
Không tôn kính Tam bảo.
Không giữ giới trong sạch
Lười biếng không tinh tấn
Những người nào như vậy
Đều được gọi là tử.
Người ưa làm điều ác
Sinh đọa vào đường ác
Người nào làm điều thiện
Mới được sinh cõi trời.
Nếu người không tin Phật
Cũng không hành chánh pháp
Mà thực hành phi pháp
Như vậy gọi là tử.

Phật lại bảo mọi người:

–Người nào giàu sang mà không kiêu mạn, tâm ý thường an vui, không tự cho mình cao, cũng không tự cho mình thấp, tâm bình đẳng với tất cả, xem mọi người như mình. Tuy được giàu sang, tâm vẫn bình thường không khác, thường xem tất cả đều là vô thường, biết chúng không phải là của ta, còn hơn oán độc, hiểu biết các pháp, hội họp là có ly tan. Biết vậy nên siêng năng tu tập, biết tất cả pháp không thể nương tựa, đối với danh lợi không màng đến, cũng không vướng mắc vào tất cả cảnh trần, thường tu dưỡng tâm, gần gũi người trí, không gần bạn ác, thường mong cầu sự xa lìa.

Pháp Phật nói ra, không khi nào sai trái. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Ít có chúng sinh
Ở tại thế gian
Được nhiều giàu sang
Mà không cao ngạo.
Tự cao coi thường
Không lìa được khổ
Nếu không cao ngạo
Mau được giải thoát.
Người không cao ngạo
Nhất định giải thoát
Người mà cao ngạo
Ắt đọa đường ác.
Người bỏ cao ngạo
Không gọi là tử
Người có cao ngạo
Mới gọi là tử.

Phật lại bảo mọi người:

–Các người có biết: Sinh, già, bệnh, chết ở đời này thì đời sau thần thức luân chuyển sẽ lại thọ thân khác không?

Mọi người thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con không biết.

Phật bảo:

–Các người nên biết! Chúng sinh do bốn nhân duyên trói buộc, thần thức luân chuyển trong năm đường, nên không biết từ đâu sinh đến, chết đi về đâu.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Vô thường cho là thường
Không sạch cho là sạch
Thật khổ mà nói vui
Vô ngã cho có ngã.
Chúng sinh trong sinh tử
Đắm trong kiến đảo điên
Trải ngàn vạn ức kiếp
Không biết gốc sinh tử.
Nếu có người hiểu biết
Pháp vi diệu chân thật
Biết đấy chẳng phải thường
Đúng là gốc lớn khổ.
Nếu người thấy ác xấu
Đoạn được gốc ba độc
Chắc chắn được thành tựu
Đạo Chánh giác Vô thượng.

Phật lại bảo mọi người:

–Do các phiền não nên phát sinh các nhân duyên. Do nhân duyên nên chịu các khổ não, những cái đó luân chuyển trong sinh tử. Sắc không đến đời sau, thọ, tưởng, hành, thưc cũng không đến đời sau. Vì sao? Vì năm ấm không thể nắm bắt được, không chắc chắn, không tạm dừng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Vì do các phiền não
Nên phát sinh điều ác
Vì các nhân duyên này
Lãnh chịu vô lượng khổ.
Do thọ các khổ não
Sinh vô lượng phiền não
Đó là gốc sinh tử
Luân chuyển luôn như vậy.
Các sắc đẹp thế gian
Ví như bọt trên nước
Tất cả các khổ, bệnh
Ví như bọt nước mưa.
Tất cả các tưởng nhớ
Như ngựa hoang không khác
Vô lượng các việc làm
Tánh như thân cây chuối.
Những cái biết của tâm
Đều là ảo không thật
Chánh pháp vi diệu này
Do Như Lai nói ra.
Là diệu pháp của Phật
Đã giảng cho các ngươi
Vì thương xót chúng sinh
Mà nói là cam lồ.

Phật lại bảo mọi người:

–Địa không đến tới đời sau, thủy, hỏa, phong cũng không đến tới đời sau. Vì sao? Vì địa vô giác, vô tri, vì bốn đại là vô thức. Địa tức là không thật, bốn đại phải hợp mới thành. Do nhân duyên này nên không đến tới đời sau.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Hết thảy trong các pháp
Không hình thể, không sắc
Cũng không chỗ hiểu biết
Giả dối, không chân thật.
Bốn đại giả hợp thành
Yếu mềm không chắc chắn
Muốn đến tới đời sau
Hoàn toàn không thể được.

Phật lại bảo:

–Nhãn không đến tới đời sau, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng không đến tới đời sau. Vì sao? Vì nhãn là không, vô ngã, vô thường, không có chỗ tạm trú. Nếu muốn làm cho dừng cũng không thể được, có duyên liền sinh, hết duyên liền diệt, sinh không tư đâu đến cũng không đi về đâu; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng như vậy.

Các người nên biết! Sáu tình này duyên hợp thì có, duyên tan thì không, ví như khách ở nhờ không lâu dài. Lại như người mắc nợ, tính số ngày công làm để trả nợ, hết số ngày liền đi không ở lại, đi rồi là hết sạch không còn gì, không còn qua lại. Sáu tình này cũng như vậy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Các tình không kiên cố
Pháp này như hư không
Không an, không lâu bền
Không thể là của ta.
Do nhân duyên mà có
Hoàn toàn không quyết định
Duyên hòa hợp tạo thành
Đời sau không thể được.

Khi Phật giảng nói kinh này, có ba trăm Tỳ-kheo diệt trừ hết các lậu, giải thoát khỏi phiền não, đắc quả La-hán. Lại có năm trăm chư Thiên xa lìa bụi bẩn cõi trần, được mắt pháp trong sạch. Lại có tám ngàn trời, người đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật lại bảo mọi người:

–Các người nên xem xét hết thảy là vô thường, không nên xa lìa nhớ nghĩ này. Ta biết chư Phật ở quá khứ, vì tất cả chúng sinh làm chiếc cầu lớn, có lòng đại Từ bi với tất cả chúng sinh. Phật ở quá khứ hiệu là Phật Ca-diếp, Phật Câu-tôn-đế, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Tùy Diệp, Phật Thi-khí, Phật Định Quang, có hằng hà sa số chư Phật Như Lai như vậy đã đoạn trừ tất cả pháp ác, tu tập vô lượng pháp thiện, sâu dày, ở trong các pháp không còn chướng ngại, nhưng cũng đều là vô thường. Đời quá khứ, cũng có vô lượng Bíchchi-phật, quyết tâm cầu sự vắng lặng, khéo tu tập tâm, cung đều là vô thường. Đệ tử chư Phật đời quá khứ có vô lượng, vô biên đều đoạn trừ hết các phiền não, chứng được ba minh, sáu thông và tám giải thoát, vĩnh viễn xa lìa sinh tử được đến bờ giác, cũng đều là biến đổi vô thường. Đời quá khứ, cũng có những Tiên nhân chứng được năm thông, tu hành giữ giới trong sạch, thọ vô lượng kiếp, cũng đều trở về vô thường. Thuở xưa cũng có vô lượng Chuyển luân thánh vương và các Tiểu vương, đầy đủ bảy báu, không thiếu thứ gì, rồi cũng lại vô thường.

Ta, vô lượng kiếp đời quá khứ làm các quốc vương, đem đầu, mắt, tủy, não, tay, chân, đất nước, thành lũy, vợ con, voi ngựa, bảy báu, cung điện, lâu đài và cả nam thú vui, tất cả đều ban cho khắp.

Bấy giờ, ta cũng tu hành giữ giới, không có khuyết phạm. Nếu có người đến xin các vật thì cũng vui vẻ ban cho, không sinh tâm sân giận, cũng không có tâm ganh ghét, thân tâm luôn dũng mãnh sáng suốt, tấn tới, không biếng nhác, chuyên tu thiền định giải thoát Tammuội. Do trí tuệ nhạy bén, rộng lớn không ngại, sâu xa không ai bằng, đầy đủ vô lượng công đức như vậy, nên khi hành đạo Bồ-tát, với công đức này, ta ngồi bên cội Bồ-đề, với tâm kim cang mà lập thề nguyền: “Quyết không rời khỏi chỗ này trừ phá được bốn ma, đắc Nhất thiết chủng trí, mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng.” Vừa phát tâm niệm nay, thiên ma Ba-tuần dẫn quyến thuộc đến, trang bị binh khí, vây quanh cây Bồ-đề, cách ba mươi hai do-tuần, phát lòng suy nghĩ ác: “Ta đem binh chúng, quyết phá hoại người này, làm cho không thành đạo.” Khi ấy, ta duỗi tay vỗ xuống đất, các quyến thuộc của ma liền bị phá tan. Pháp mà ta hiểu biết, chứng đắc và hiểu rõ hiện đang chứng nghiệm, nên ta được thành đạo.

Bấy giờ, ta liền tập hợp vô lượng công đức, trí tuệ, dùng một niệm tương ưng với tuệ, thành được đạo Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng, rồi chuyển xe pháp, tự mình thành tựu, rồi cũng lại thành tựu giáo hóa cho tất cả chúng sinh. Khi ấy, lại có ba Dạ-xoa, một tên là A-la-bà-già, hai tên là Tỳ-sa-na-gia, ba tên là Tu-chỉ-lam, cùng với những Dạ-xoa, như vậy còn có vô lượng quỷ thần biến hóa, biết giữ giới, ở trong chín mươi lăm ngoại đạo, họ là bậc cao quý hơn hết, không ai bằng, đã đoạn trừ tất cả gốc rễ của ba độc, không có khổ về sinh, lão, bệnh, tử, thành tựu được đạo quả vô thượng, nhưng rồi cũng sẽ bị vô thường biến chuyển. Sau ba tháng, ta cũng sẽ nhập Niết-bàn.

Phật lại bảo đại chúng:

–Này các người! Hãy xem xét vô thường với tất cả mọi người, Như Lai đắc Nhất thiết chủng trí, thân tướng tốt đẹp, thành tựu đầy đủ mà cũng không thể thoát khỏi. Chư Phật đời quá khứ, vị lại, hiện tại cũng lại là vô thường, vì thế các người phải xem xét kỹ pháp vô thường. Nếu có thể được như vậy thì không có tâm yêu đương, quyến luyến, cũng không có ý tưởng ham muốn, sân giận, ngu si, đoạn trừ hẳn các khổ của sinh, già, bệnh, chết, xa lìa tất cả pháp ác, tăng thêm vô lượng hạnh trong sáng, thông đạt các pháp phát khởi từ mười hai nhân duyên. Do nhân duyên này, thường gặp chư Phật. Vì sao? Vì người nào thông đạt mười hai nhân duyên tức là thấy pháp. Nếu thấy pháp tức là thấy Phật. Muốn thấy Phật, nên trong sạch giữ gìn giới oai nghi không để khuyết.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Các vua quá khứ
Sinh trưởng cung cấm
Hùng mạnh, đoan chánh
Trang sức đẹp đẽ.
Voi ngựa xe cộ
Của báu rất nhiều
Các vua như vậy
Rồi cũng vô thường.
Chư Tiên quá khứ
Mặc áo da nai
Như Đề-bà-diên
Chư Thiên, Tiên nhân.
Sách vở ngoại đạo
Đều thông suốt hết
Chư Tiên như vậy
Cũng lại vô thường.
La-hán quá khứ
Đã đoạn ba độc
Ba minh, sáu thông
Không đắm ba cõi.
Lìa các si, dục
Nhiều ruộng phước tốt
Thánh chúng như vậy
Cũng lại vô thường.
Không nghe một câu
Đoạn hết phiền não
Tự mình tinh tấn
Là ruộng phước lớn.
Như con tê giác
Độc chiếm núi rừng
Tiếng tăm Duyên giác
Cũng về vô thường.
Quyến thuộc của ma
Phá tan một lúc
Đoạn trừ phiền não
Được thành Phật đạo.
Đã thành đạo rồi
Sau chuyển xe pháp
Phật tuy như vậy
Cũng là vo thường.
Chư Phật quá khứ
Biết việc ba cõi
Chư Phật vị lai
Bền chí chúng sinh.
Chư Phật hiện tại
Hằng sa ức cõi
Chư Phật như vậy
Cũng là vô thường.
Sức mạnh vô thường
Không bỏ cõi Dục
Cõi Sắc, Vô sắc
Tiên nhân, quốc vương.
Sang hèn, cao thấp
Cũng đều không bỏ
Chư Phật, Duyên giác
Học và Vô học.
Không sợ vô thường
Không chọn tài sắc
Không kể mạnh yếu
Cùng bậc Đại trí.
Làm người bền vững
Vì thế nên biết
Vô thường rất khổ
Nên cầu chánh pháp.
Ta xưa làm vua
Bố thí cung điện
Lầu vườn ao tắm
Hoa quả sum suê.
Quốc thành, vợ con
Đầu, mắt đều cho
Đem công đức này
Mong cầu Phật đạo.
Ta thuở xa xưa
Bố thí tay chân
Do sự việc này
Tu tập nhẫn nhục.
Ưng đuổi bồ câu
Cắt thịt đổi mạng
Vì đạo Vô thượng
Nhẫn chịu bệnh khổ.
Thực hành khổ hạnh
Tập hạnh khó làm
Phá trừ ma vương
Nơi cây đạo tràng.
Đắc thanh Phật đạo
Không còn bẩn nhơ
Ta chuyển xe pháp
Nơi vườn Lộc dã.
Ta hàng phục được
Dạ-xoa hung dữ
Ở trong bảy núi
Trụ ở Tuyết sơn.
Ta hàng phục được
Quyến thuộc của chúng
Mà không thể hàng
Sức mạnh vô thường.
Có thể hàng phục
Giống như đỉnh núi
Voi dữ như vậy
Độ làm đệ tử.
Và các quyến thuộc
Ta đều hàng phục
Mà không thể hàng
Sức mạnh vô thường.
Ta với luận sư
Cùng với ngoại đạo
Đem chánh pháp luận
Thảy không bằng ta.
Chúng sinh các đường
Độ làm để tử
Nhưng không hàng phục
Sức mạnh vô thường.
Ta thấy tham muốn buộc
Nên sân giận, ngu si
Pháp mê mờ như thế
Đều đã được trừ diệt.
Đèn trí tuệ lớn soi
Chiếu tam thiên thế giới
Mà không thể hàng phục
Sức mạnh của vô thường.
Hàng phục Thiên ma vương
Và quyến thuộc của ma
Phá tan mọi u ám
Đem chánh pháp chiếu sáng.
Hàng phục các luận sư
Và những người xem tướng
Nhưng không thể hàng phục
Sức mạnh của vô thường.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan ở trước Phật, thưa:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã khéo phân biệt, giảng rõ pháp này. Kinh này tên là gì? Phụng trì như thế nào?

Phật bảo:

–Kinh này tên là Trừ Chư Ưu Não, các ông nên thọ trì. Còn có tên khác là Hội Chư Phật Tiền, cũng có tên là Như Lai Sở Thuyết Thị Hiện Chúng Sinh, các ông nên thọ trì.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Vào đời sau, thiện nam, thiện nữ nào thọ trì kinh Như Lai Sở Thuyết Thị Hiện Chúng Sinh trong bảy đời thì tự mình biết rõ được đời trước, độc không thể làm hại, lửa không thể đốt cháy, nước không thể làm trôi, không đọa vào địa ngục, ngạ quy, súc sinh và tám nạn, xả thân này được sinh vào cõi nước của Phật Di-lặc, được ở trong hội thứ nhất của Phật Di-lặc.

Phật giảng nói kinh này xong, Tôn giả A-nan và các đại chúng Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân… nghe Phật nói đều vui vẻ lãnh nhận để tu hành.