KINH TƯ-HA-MUỘI
Hán dịch: Đời Đông Ngô, Cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật cùng với đại chúng Tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị trú tại vườn Trúc, thuộc nước Vương xá.
Bấy giờ, có con của Trưởng giả Thệ Tâm tên là Tư-ha-muội, cùng năm trăm đệ tử ra khỏi thành Vương xá, để đến vườn Trúc. Chưa đến nơi, nhưng từ xa đã trông thấy Phật đi kinh hành, hào quang chiếu sáng khắp nơi mà người đời không thể có được. Năm trăm đệ tử cùng nhau bàn luận: “Phật trang nghiêm không ai bằng, oai than đến như vậy. Vì nhân duyên gì lại có ở đời? Do làm những hạnh gì, tích chứa công đức gì mà được thân như vậy? Chúng ta nên đến thưa hỏi.” Năm trăm đệ tử đều cung kính, run sợ, lông tóc dựng đứng, đến trước Phật làm le rồi lui qua một bên.
Tư-ha-muội đứng ra bạch Phật:
–Thân Phật trang nghiêm như vậy, chẳng phải ở đời có được!
Nhờ đâu được như vậy? Do đã làm hạnh gì, tích chứa công đức gì?
Phật hỏi Tư-ha-muội:
–Do thấy được điều gì mà nói thân Phật trang nghiêm như vậy, chẳng phải ở đời có được?
Tư-ha-muội liền ở trước Phật, nói kệ, thưa:
Dùng tưởng để nhìn, không thể thấy
Đấng Trung Tôn trong lúc kinh thành
Cất mỗi bước chân, hoa sen hiện
Hình tướng trang nghiêm, không thể lường.
Không tuệ, ngã, năng hiện chánh pháp
Khắp cả mặt đất đều chấn động
Đất cao thấp, tự nhiên bằng phẳng
Chỗ gập ghềnh, làm cho dễ đi.
Khi cất bước kinh hành nơi ấy
Chân kinh hành đặt lên mặt đất
Thân đứng lại mà đất chuyển phải
Đất xoay chuyển mà không thể biết.
Khi bước chân đạp xuống đất này
Đi kinh hành nhưng lại không thấy
Dấu vết của chân như bức vẽ
Tất cả tướng đều hiện rõ ràng.
Tướng bánh xe đó vô sắc
Nhưng đều hiện rõ trên mặt đất
Những điều thấy đó, đời chẳng có
Vì thế, nên biết phải tôn quý.
Không thể thấy được ở trên đảnh
Ở bên trái hay ở bên phải
Ở phía trước hay ở phía sau
Tất cả chỗ, đều không thể thấy.
Do nhân nào mà ý biết rõ?
Do duyên nào mà trí tỏ tường?
Vì thế, nên tâm lấy làm lạ
Nguyện xin Ngài giảng giải rõ cho.
Thân trí tuệ do đâu lại được?
Gốc rễ này làm sao đến nơi?
Hành bố thí là những pháp nào?
Phải làm gì để thành sự thật?
Xin Ngài vì con đoạn trừ nghi
Giải rõ cho chúng con được hiểu
Làm sao để được trí tuệ Phật
Để chúng con bắt đầu phát tâm.
Theo thứ lớp xin Ngài giải rõ
Các hạnh nguyện Bồ-tát đang hành
Để tự mình thành tựu mọi việc
Được thần túc, đến khắp mười phương.
Phật nói:
–Lành thay, lành thay! Tư-ha-muội! Những điều ông hỏi thật là dày sâu, thật là bổ ích, nhiều mối suy nghĩ, nhiều điều sâu kín, chỉ có lòng thương xót cõi trời, người khắp mười phương, muốn độ thoát cho họ, mới phát khởi tâm Bồ-tát Đại sĩ, làm cho sáng suốt tiến tới.
Phật bảo Tư-ha-muội:
–Ta sẽ giảng rõ cho ông. Ông hãy lắng nghe và lãnh thọ.
Tư-ha-muội liền thưa:
–Con xin lãnh thọ sự chỉ dạy.
Phật nói:
–Nếu thiện nam, thiện nữ nào thực hành sáu việc sau đây, nếu chưa phát tâm Bồ-đề thì liền phát tâm. Những gì làsáu?
- Nương theo Phật mà trụ.
- Vào chánh đạo không quay trở lại.
- Tự hiểu rõ bên trong tâm mình.
- Được gặp bạn lành để tự nương theo.
- Thường có nguyện lớn.
- Không khiếp nhược, không nhàm chán trí tuệ.
Đó la sáu việc.
Khi ấy, Phật nói kệ:
Nếu có người nương theo pháp Phật
Vào đường chánh rồi, không trở ra
Luôn biết nương tựa nơi bạn hiền
Liền theo đó có được nguyện lớn.
Trong tâm ý phải hiểu biết rõ
Được vậy là người không khiếp nhược
Chuẩn bị đầy đủ các trí tuệ
Người như vậy, mới lãnh thọ pháp.
Tư-ha-muội bạch Phật:
–Nếu phải phát tâm thì có bao nhiêu tâm vui?
Phật nói:
–Nếu phải phát tâm Bồ-tát thì sẽ có sau tâm vui. Những gì là sáu?
- Do được tâm vui, nên không xa lìa Phật.
- Quyết nhận lời để vào chánh đạo.
- Làm vị Y vương chữa trị sinh, già, bệnh, chết cho người.
- Ta làm vị dẫn đường đưa người trong năm đường thoát khỏi sinh tử.
- Ta làm vị thuyền trưởng quyết cứu thoát người đang trôi nổi trong biển lớn.
- Ta ở chỗ tối tăm làm vị Minh chủ phá tan mọi ngu si.
Đó là sáu tâm vui.
Bấy giờ, Phật nói kệ:
Do tâm vui nên không lìa Phật
Quyết giữ lời để vào chánh đạo
Làm Y vương chữa trị tất cả
Hạnh như vậy mới được vừa ý.
Ở thế gian, ta sẽ dẫn đường
Cho người ra khỏi mọi ách nạn
Hết thảy sinh tử và lão bệnh
Mọi người bị nó làm tham đắm.
Điều ta thấy luôn làm người khổ
Xoay chuyển, đọa đày trong năm nẻo
Ta sẽ làm vị thuyền trưởng lớn
Quyết cứu vớt người trôi trong biển.
Trong tăm tối ta làm minh chủ
Với người mù sẽ cho mắt sáng
Với người dua nịnh và ngu si
Tất cả đều được cho trí tuệ.
Tư-ha-muội bạch Phật:
–Do được tâm vui nên có bao nhiêu công đức được dừng nghỉ?
Phật nói:
–Do phát tâm Bồ-tát sẽ có sáu việc thân ý được an nghỉ.
Những gì là sáu?
- Do được thoát khổ nhọc trong địa ngục, cầm thú, ngạ quỷ, nên thân ý được an nghỉ.
- Được thoát khỏi tám điều tai nạn.
- Do được thoát khỏi các luận bàn, nên không còn rơi vào chín mươi sáu tà kiến.
- Được chư Phật và La-hán độ thoát.
- Do được an trụ trong pháp khí đệ nhất nên không còn lay chuyển.
- Do an trụ trong lời Phật dạy, nên không bỏ mất Phật đạo.
Đó là sáu công đức được an nghỉ.
Bấy giờ, Phật nói kệ:
Do được ra khỏi các đường ác
Mà thân xa lìa tám nạn khổ
Các ngoại đạo không màn tên gọi
Hạng như vậy đều phải xa lìa.
Được chư Phật và các La-hán
Và tất cả những bậc danh tiếng
Đều hóa độ để khởi tôn ý
Tất cả các pháp cao quý nhất.
Ta nay được làm các pháp khí
Tất cả chư Phật cùng với pháp
Cũng không dứt bỏ lời Phật dạy
Do đó nên mới được vừa ý.
Thể của hư không có thể tận
Bóng, tiếng vang cũng có thể thấy
Cũng không bằng người dùng mãnh này
Hành vô biên là không thể tận.
Tư-ha-muội bạch Phật:
–Người phát tâm
Bồ-tát còn phải thực hành các pháp nào?
Phật nói:
Người phát tâm Bồ-tát nên thực hành sáu việc. Đó là:
- Nên thực hành bố thí.
- Nên tự mình giữ gìn giới cấm.
- Nên nhẫn nhục.
- Nên tinh tấn.
- Nên nhất tâm.
- Nên thực hành trí tuệ.
Đó là sáu việc nên thực hành.
Khi ấy, Phật nói kệ:
Người thực hành nhiều bố thí
Hoặc thực hành việc giữ giới
Hành nhẫn nhục và tinh tấn
Tu thiền định và trí tuệ.
Trước Phật liền được thọ ký
Được hùng mạnh giữa loài người
Công đức này cao quý nhất
Các Bồ-tát nên thực hành.
Người như vậy với tất cả
Hạnh đặc biệt không ai bằng
Ở nơi nào cũng tôn quý
Được vô số người cúng dường.
Tư-ha-muội bạch Phật:
–Bồ-tát muốn chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh nên làm những pháp gì?
Phật nói:
–Bồ-tát có sáu việc thực hành để mau chứng được pháp Nhẫn vô sinh. Thế nào là sáu?
- Không xét đến có thân.
- Không xét đến có người.
- Không xét đến có thọ mạng.
- Không xét đến có hình tướng.
- Không xét đến sự có, không.
- Không xét đến sự thường có.
Đó là sáu việc, Bồ-tát thực hành sẽ mau chứng được pháp Nhẫn vô sinh.
Bấy giờ, Phật nói kệ:
Ngô, ngã, nhân, cùng với thọ.
Cũng không xét có hình tướng
Tâm không nghĩ, có hay không
Bậc trí tuệ nên xa lìa.
Miệng giảng nói pháp nhân duyên
Pháp nhân duyên vô sở hữu
Tất cả pháp không chỗ khởi
Do đó nên đắc pháp nhẫn.
Tư-ha-muội bạch Phật:
–Bồ-tát Đại sĩ đã chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh thì cần thực hành bao nhiêu việc nữa để đạt được Nhất thiết trí?
Phật nói:
–Bồ-tát Đại sĩ đã đạt được pháp Nhẫn vô sinh thì có sáu việc nên làm để chứng được Nhất thiết trí. Đó là:
- Được sức của thân.
- Được sức của miệng.
- Được sức của ý.
- Được sức của thần túc.
- Được sức của đạo.
Được sức của tuệ.
Tư-ha-muội bạch Phật:
–Thế nào là sức của thân?
Phật nói:
–Thân lực là thân bền chắc như kim cương, không có tỳ vết, lửa không thể thiêu đốt, dao không thể chặt được, tất cả mọi người không thể làm lay động. Đó là sức của thân.
–Thế nào là sức của miệng?
Phật nói:
–Khẩu lực là miệng có được sáu loại âm thanh, như từ miệng của Như Lai giảng nói, vang khắp tam thiên đại thiên thế giới. Đó là sức của miệng.
–Thế nào là sức của ý?
Phật nói:
–Ý lực là dù cho trăm ngàn ức ma có đến, cũng không thể lay động được một sợi lông của Phật. Đó là sức của ý.
–Thế nào là thần túc lực?
Phật nói:
–Thần túc lực là dùng một ngón chân có thể làm chấn động tam thiên đại thiên thế giới, mà dân chúng trong đó không chút kinh sợ. Đó là sức của thần túc.
–Thế nào là đạo lực?
Phật nói:
–Đạo lực là mười phương chư Phật thuyết pháp cho tất cả mọi người, không thiếu sót chỗ nào, tất cả đều được nghe. Đó là sức của đạo.
–Thế nào là tuệ lực?
Phật nói:
–Tuệ lực là có thể hiểu biết việc làm và ý nghĩ của tất cả mọi người, hiểu biết cả những lúc gặp gỡ. Trong khoảng khảy móng tay, bằng trí tuệ có thể biết, có thể thấy, có thể hiểu, tất cả đều thấy biết rõ. Đó là sức của trí tuệ.
Bồ-tát Đại sĩ đã được pháp Nhẫn vô sinh và có sáu pháp này thì thành tựu Nhất thiết trí.
Bấy giờ, Phật nói kệ:
Thân dũng mãnh không thể lường
Không có ai phá hoại được
Dù dùng lửa, hoặc dùng dao
Cùng không thể hại thân này.
Tất cả người và đao binh
Hoặc dùng gậy và mắng chửi
Muốn hại thân, không thể được
Cũng không làm động sợi lông.
Âm thanh lớn vang Phạm thiên
Ở trong đó không sợ hãi
Thuyết kinh pháp khắp thế giới
Không có thể ngăn cản được.
Ý cao quý khó sánh bằng
Tánh Bồ-tát thật tự nhiên
Một ức ma muốn quấy loạn
Cũng không thể làm động tâm.
Thần túc lực đều đầy đủ
Làm chấn động cả trời đất
Người thành tựu thần túc lực
Liền biết là bậc tôn quý.
Nếu đã được đạo giác ngộ
Liền biết là bậc tối tôn
Phật và pháp đều đầy đủ
Liền theo đó chuyển xe pháp.
Tư-ha-muội bạch Phật:
–Đã thành tựu Nhất thiết trí, Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Chánh Giác an trụ bao nhiêu pháp?
Phật nói:
–Thành tựu Nhất thiết trí, Thích-ca Như Lai an trụ sáu pháp.
Đó là:
- Mười Lực của Phật.
- Bốn Vô sở úy.
- Mười tám pháp Bất cộng.
- Có lòng xót thương lớn.
- Không ai có thể thấy được đảnh Phật.
- Có ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại nhân.
Đó là sáu pháp trụ.
Khi ấy, Phật nói kệ:
Phật là bậc đủ mười Lực
Bốn vô úy, đều vượt qua
Vượt lên trên tất cả pháp
Làm đại tướng trong loài người.
Được thành tựu lòng thương xót
Không ai thấy được đảnh Phật
Cho đến trời và loài rồng
Tất cả người không thể thấy.
Bậc như vậy, tướng dũng mãnh
Có đầy đủ ba hai tướng
Tất cả đều được thành tựu
Liền chứng đắc bậc Vô thượng.
Tư-ha-muội bạch Phật:
–Đã chứng đắc Nhất thiết trí, Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thực hành bao nhiêu pháp diệt độ?
Phật nói:
–Đã chứng đắc Nhất thiết trí, Thích-ca Như Lai thực hành sáu pháp diệt độ.
Lúc đó, Thích-ca Như Lai để lại năm phần diệt độ.
Thế nào là năm?
- Giới thân.
- Định thân.
- Trí tuệ thân.
- Giải thoát thân.
- Giải thoát tri kiến thân.
Đó là năm phần diệt độ để lại. Vì thương xót mọi người nên phải diệt độ…
Bấy giờ, Thích-ca Như Lai dùng vô số việc ca tụng, khen ngợi công đức của Tỳ-kheo Tăng dạy người bố thí. Vì thương xót mọi người nên phải diệt độ.
Lúc này, Thích-ca Như Lai tự làm tan hoại thân xương nát như hạt cải. Vì thương xót mọi người nên phải diệt độ.
Khi ấy, Thích-ca Như Lai nói với các Bồ-tát:
–Ta vì mong cầu đạo Chánh giác Vô thượng, vì thương xót mọi người nên diệt độ.
Khi đó, Thích-ca Như Lai thuyết mười hai bộ kinh cho chúng sinh trong mười phương, làm cho họ đều hiểu rõ. Mười hai bộ kinh đó là:
- Văn kinh.
- Thuyết kinh.
- Thính kinh.
- Phân biệt kinh.
- Hiện kinh.
- Thí dụ kinh.
- Sở thuyết kinh.
- Sinh kinh.
- Phương đẳng kinh.
- Vô tỷ pháp kinh.
- Chương cú kinh.
- Hàng kinh.
Đó là mười hai bộ kinh.
Vì thương xót mọi người nên Phật diệt độ.
Lúc ấy, Như Lai giảng nói bốn tự quy. Đó là:
- Chỉ lấy cốt yếu, không lấy thức.
- Chỉ lấy pháp, không lấy thức.
- Chỉ lấy tuệ, không lấy hình.
- Chỉ lấy chánh, không lấy lời nói.
Đó là bốn tự quy. Đã đạt được Nhất thiết trí, Thích-ca Như Lai thực hành sáu pháp diệt độ như vậy.
Bấy giờ, Phật nói kệ:
Khi Đức Phật sắp diệt độ
Vì muốn tất cả được an ổn
Để năm phần cho mười phương
Thương xót người và phi nhân.
Để xá-lợi cho thế gian
Vì tất cả làm tan thân
Như hạt cải rất nhỏ mịn
Người nào được đều tôn kính.
Và do đó nên cúng dường
Người, phi nhân rất vui mừng
Ở trong cõi trời và người
Sinh nơi nào cũng không khổ.
Khi diện kiến cúng dường ta
Hoặc xá-lợi sau diệt độ
Với tâm ý rất thanh tịnh
Phật dặn dò Tỳ-kheo Tăng.
Hai việc này không sai khác
Được quý trọng không ai bằng
Bố thí lớn trong thế gian
Hưởng phước đức trời và người.
Lưu lại mười hai bộ kinh
Phật để chúng khắp mười phương
Các Bồ-tát nên tu tập
Làm vô số phát tâm tốt.
Mười đạo địa, ba tạng kinh
Ánh sáng lớn độ không cùng
Thương tất cả người, chẳng người
Mà hiện ra ở đời sau.
Liền thuyết giảng bốn tự quy
Những ai không thọ trì pháp
Thương sự đời nói kinh này
Phật lúc này đã diệt độ.
Khi ấy, Đồng tử Tư-ha-muội, liền đứng trước Phật, nói kệ thưa:
Con cũng sẽ vâng lời Phật
Thật vui thay! Tuệ vô thượng!
Người nào được nghe pháp này
Mà không phát tâm Bồ-tát.
Năm trăm đệ tử hôm nay
Đang trụ tại thế gian này
Con sẽ làm cho phát tâm
Khuyến khích hành hạnh Bồ-tát.
Ví như các hạt giống cây
Do thấm ướt được sinh mầm
Có thấm ướt nên phát triển
Mọc ra thân và đốt cây.
Sau đó mọc cành và lá
Từ cành lá mà có hoa
Do có hoa nên có quả
Rồi sau đó sinh trở lại.
Tâm Bồ-tát cũng như vậy
Theo sáu pháp, liền phát sinh
Do tâm này có thể làm
Mà thực hành thì pháp sinh.
Nghĩa chân thật của kinh này
Tất cả Phật đều giảng nói
Kế đó được cành và lá
Để sau đó sinh trở lại.
Như vậy cây được sinh trưởng
Cây Bồ-tát là trên hết
Nếu muốn được tựa cây này
Làm an ổn cho tất cả.
Pháp như vậy là cây lớn
Vì thế nên xưng là Phật
Hay thương xót tất cả người
Chỗ thực hành hạnh Bồ-tát.
Tư-ha-muội lại bạch Phật:
–Sau khi Như Lai diệt độ, có bao nhiêu công đức mà chẳng phải như Phật, A-la-hán có thể đem lại?
Phật nói:
–Sau khi Thích-ca Như Lai diệt độ, có sáu công đức mà chẳng phải chư Phật, A-la-hán có thể đem lại. Sáu công đức đó là:
1. Sau khi Như Lai diệt độ, xá-lợi được cúng dường Trời, Rồng, Quỷ, Thần, thần Chất lượng, thần Chấp nhạc, thần Kim điểu, thần giống hình người, thần hành động bằng tấm lòng người, phi nhân đều đến cúng dường xá-lợi, việc hành lễ đến không cùng.
2. Sau khi Như Lai diệt độ, mọi người trong ba cõi đều được ra khỏi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới
3. Sau khi Như Lai diệt độ, bốn chúng đệ tử thực hành phước cúng dường Tỳ-kheo Tăng.
4. Sau khi Như Lai diệt độ, mười hai bộ kinh đều được ban bố khắp cõi Diêm-phù-đề.
5. Sau khi Như Lai diệt độ, ở chỗ hẻo lánh xa xôi và các nước lớn sẽ không hiểu kinh pháp, nghĩa lý. Các pháp ngoại đạo ở trong đó sẽ hưng thịnh.
6. Sau khi Như Lai diệt độ, người nào nghe được điều Phật đã làm, thần túc của Phật, sự biến hóa của Phật, trí tuệ Phật, sinh tâm mến mộ, phát tâm cung kính thanh tịnh, từ nhân duyên đó, sẽ được sinh vào cõi trời, người, thọ hưởng phước lành.
Đó là sáu công đức mà chẳng phải chư Phật, A-la-hán có thể đem lại được.
Khi ấy, Phật nói kệ:
Người nào cúng dường xá-lợi
Được sinh vào cõi trời, người
Nếu cúng dường Tỳ-kheo Tăng
Được bốn chúng theo ủng hộ.
Người trụ pháp thực hành pháp
Được vượt qua khỏi ba cõi
Người nào nghe pháp yếu này
Nương theo đó mà thực hành.
Ở biên địa và các nước
Người nghe pháp Vô thượng này
Người nào nghe công đức Phật
Liền phát sinh tâm Bồ-tát
Tư-ha-muội bạch Phật:
–Thế nào là đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chân thật?
Phật nói:
–Có sáu pháp chân thật. Sáu pháp đó là:
- Mắt lìa sắc là chân thật.
- Tai lìa sắc là chân thật.
- Mũi lìa sắc là chân thật.
- Lưỡi lìa sắc là chân thật.
- Thân lìa sắc là chân thật.
- Ý lìa sắc là chân thật.
Bấy giờ, Phật nói kệ:
Chẳng phải tai, mắt và tiếng
Trong đó hiểu là vô sắc
Không hiện tưởng là chân thật
Người muốn học nên như vậy.
Tai và lưỡi không liên quan
Thân và miệng lại cùng ý
Chớ khiến tâm nghĩ việc đó
Không chỗ nghĩ là chân thật.
Không chỗ tưởng là chân thật
Nên xa lìa, tham đắm sắc
Các cái có không liên quan
Đó gọi là chánh chân thật.
Khi ấy, Tư-ha-muội liền ở trước Phật, nói kệ thưa:
Thật lành thay! Pháp không nghĩ
Người nào nghe, không ưa muốn
Điều lo sợ đều đã thoát
Không vướng mắc vào yêu thương.
Phật liền nói kệ cho Đồng tử Tư-ha-muội:
Nếu không lễ lạy chư Phật
Cũng không tôn kính chánh pháp
Không gần kề với chúng Tăng
Không thích nghe lời dạy bảo.
Nếu có người lòng không tin
Đối với giới, cũng yếu kém
Do khiếp nhược, không tinh tấn
Nên không thể hiểu pháp này.
Rất nóng giận và hung dữ
Ý mê loạn không cảm hóa
Tánh coi thường không trí tuệ
Đám người này không nên ưa.
Những con ma và lính ma
Hạng tà kiến, kẻ ngoại đạo
Mãi ở trong lưới nghi ngờ
Nghe lời này không tin nhận.
Tư-ha-muội bạch Phật:
–Hạng người này chẳng phải là bậc pháp khí. Con sẽ làm bậc pháp khí. Xin Phật truyền thọ cho con.
Tư-ha-muội liền ở trước Phật nói kệ, thưa:
Ví như người hoại pháp khí
Với chánh pháp không thể giữ
Nên đối với người ngu này
Con nguyện làm bậc pháp khí.
Xin Phật truyền thọ cho con
Ý này phát từ trong lòng
Sẽ gần gũi các bạn lành
Cùng đồng ý cầu Bồ-tát.
Người nghèo cùng, làm cho giàu
Người không tin, làm cho tin
Người xấu ác, khuyên giữ giới
Ủng hộ cho khắp mọi người.
Thường thuyết giảng nhãn, tinh tấn
Chỉ bày cho họ sám hối
Ánh sáng chiếu độ tất cả
Loài côn trùng, đều độ thoát.
Dùng pháp không chỉ dạy người
Khiến tất cả thoát sinh tử
Quyết phát tâm nhận Bồ-tát
Ở trong pháp mà thực hành.
Phần xá-lợi, đều chia khắp
Cho chúng sinh được an ổn
Kinh giới lưu khắp mười phương
Cho tất cả thường tu tập.
Phật bảo Đồng tử Tư-ha-muội:
–Chư Phật ở quá khứ đều là truyền thọ rồi, nếu quyết muốn nay ta cũng sẽ truyền cho hiện tại, vô số chư Phật ở các cõi nước đang chuyển pháp luân, chư Phật này đều cũng thọ nhận rồi.
Nghe Phật truyền thọ, Đồng tử Tư-ha-muội lòng rất vui mừng, từ chỗ đứng giữa hư không, cách mặt đất một trăm bốn mươi trượng, hạ xuống, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật.
Khi ấy, năm trăm đệ tử thấy sự biến hóa như vậy, liền ở trước Phật nói kệ, thưa:
Xin thương xót dạy chúng con
Cúi xin Phật truyền thọ cho
Đời sau năm trước xấu ác
Chúng con sẽ gìn giữ pháp.
Nếu có người tranh, mắng chửi
Người hung ác, dùng gậy đánh
Khi đời có hạng người này
Con dạy họ tự biết lỗi.
Chúng con vào lúc ở đời
Các khổ não đều sẽ nhịn
Vì tất cả người, chẳng người
Trao cho chúng con pháp yếu.
Chúng con đều hiểu rõ thân
Với mạng sống không tham tiếc
Chỉ thích ở nơi vắng vẻ
Với cúng dường không luyến tiếc.
Bấy giờ, Phật nói kệ cho trăm năm đệ tử:
Năm trăm đệ tử ở đây
Hôm nay đều đến hội này
Vào thời kỳ đời vị lai
Đều được phát tâm Bồ-tát.
Còn sẽ chịu ít khổ não
Với tuổi thọ sẽ ngắn đi
Vào lúc ấy, ở nơi nào
Được cúng dường vô lượng số.
Ta lúc đầu phát Bồ-tát
Cũng đời đời nhẫn chịu khổ
Người nào học được như ta
Sẽ được làm vua cõi người.
Pháp vốn không, ngã cũng không
Thương tất cả thuyết pháp này
Vào lúc ta ở thời đó
Vì tất cả hiện hình tượng.
Các Bồ-tát đều hoan hỷ
Khen ngợi Phật còn ở đời
Làm tất cả được an ổn
Người làm ra hình tượng Phật.
Tất cả cõi khắp mười phương
Chư pháp vương ở hiện tại
Phật vì các chúng Bồ-tát
Thường phóng ra ánh sáng lớn.
Đại sĩ lòng Từ rộng khắp
Hiện đang ở trời thứ tư
Thường khuyên mến các Bồ-tát
Cố chỉ bày pháp sâu dày.
Đời bấy giờ người thực hành
Phần nhiều người đều phát tâm
Như còn dư nghiệp đời trước
Hoặc ý loạn, sẽ hết tội.
Chí mong cầu không nhàm chán
Cũng không thể tự no đủ
Không ưa làm các việc khác
Thường cầu hạnh Phật, Bồ-tát.
Các đệ tử chớ âu sầu
Tuy khổ nhọc, nhưng không lâu
Lúc sau này, khi qua đời
Liền sinh lên trời Đâu-suất.
Nguyện được sinh cõi an ổn
Thọ vô lượng, trước pháp vương
Ở trong nước Diệu dược vương
Nơi Phật Vô Nộ truyền giáo.
Nguyện được sinh đến cõi đó
Lúc sau này, khi qua đời
Liền ở đó, đắc thần túc
Luôn cúng dường các Đức Phật.
Hành sáu pháp được thành tựu
Bấy giờ được Phật truyền thọ
Sẽ ra khỏi ba đường ác
Và xa lìa tám hoạn nạn.
Các lưới ngoại đạo, tà kiến
Bi tan hoại, được giải thoát
Do không vướng mắc, liền ngộ
Nên vượt qua các bọn kia.
Bấy giờ, năm trăm đệ tử được Phật truyền thọ đều rất vui vẻ, liền đứng giữa hư không, cách mặt đất hai mươi trượng, rồi mới hạ xuống lễ Phật, thưa:
–Thầy Tư-ha-muội của chúng con, vì sao được truyền thọ?
Khi ấy, Phật mỉm cười, vô số màu sắc khác nhau từ miệng Phật phóng ra. Ánh sáng chiếu khắp vô số cõi Phật, trở về xoay quanh Phật ba vòng rồi nhập vào đỉnh đầu.
Lúc này, Tôn giả A-nan rời khỏi chỗ ngồi, y phục chỉnh tề, gối phải quỳ sát đất, đầu mặt lễ sát chân Phật, chắp tay bạch Phật:
–Vì sao Phật mỉm cười? Phật mỉm cười tức là có ý nghĩa.
Phật nói kệ cho Tôn giả A-nan:
Tư-ha-muội là đứng đầu
Trong đệ tử, thầy bậc nhất
Đều ở chung trong một kiếp
Được tôn kính trong loài người.
Lúc đó vào kiếp Hiền thiện
Đời xấu ác, năm thứ nhơ
Ở trong đó, hết tội báo
Cho nên được thần túc thông.
Sau khi đủ các thần túc
Liền bay khắc các cõi nước
Lo cúng dường được thành Phật
Danh hiệu là Liên Hoa Thượng.
Khi ấy, năm trăm đệ tử liền ở trước Phật nói kệ khen ngợi:
Phật đã nói cho chúng con
Được truyền thọ sẽ làm Phật
Dạy tất cả tạo công đức
Vô số lượng không nhớ hết.
Lúc đó, con không chánh pháp
Trụ nơi cõi Diêm-phù-đề
Giảng đạo Bồ-tát thọ kinh
Giảng chánh pháp cho tất cả.
Nếu có người nghe kinh này
Liền phát sinh tâm Bồ-tát
Thì chúng con nguyện xin Phật
Đấng Đại Hùng truyền thọ cho.
Phật là cha của tất cả
Luôn thương xót người, chẳng người
Vì chúng con nên thương xót
Bậc đại tướng phân biệt nói.
Lúc bấy giờ với kinh này
Về sau sinh tâm cung kính
Liền phát sinh tâm Bồ-tát
Vì người nên hỏi nghĩa này.
Đấng Đại Hùng thuyết đầy đủ
Tâm Bồ-tát có đức nào
Người sáng suốt nghe pháp này
Liền phát sinh tâm Bồ-tát?
Bấy giờ, Phật nói kệ cho năm trăm đệ tử:
Nếu có người nghe liền tin
Bậc Bồ-đề Vô thượng tôn
Ta truyền thọ cho tất cả
Đều sẽ được vua cõi người.
Ý mong muốn được dũng mãnh
Liền phát sinh tâm Bồ-tát
Ý chí ấy rất thanh tịnh
Sẽ được sinh quả trong sạch.
Từ sắc dục vượt ba cõi
Liền phát sinh tâm Bồ-tát
Dùng tâm này làm công đức
Mau được ra khỏi ba cõi.
Mọi việc làm của cõi người
Đều vướng mắc trong ba cõi
Nếu tâm ý không vướng mắc
Bậc Bồ-tát không ai hơn.
Nếu Bồ-tát phát sinh tâm
Vì tất cả thuyết đạo thọ
Có công đức liền chỉ dạy
Giữ kinh này và hiện rõ.
Thuyết đầy đủ việc Bồ-tát
Lời giáo hóa, phổ biến khắp
Các pháp khác vô số kể
Pháp tốt đẹp không thể nói.
Tuệ vô lượng đều đầy đủ
Do đó nên được làm Phật
Thương xót khắp tất cả người
Luôn tu tập hạnh Bồ-tát.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:
–Kinh này tên là gì? Nên phụng hành như thế nào?
Phật bảo Tôn giả A-nan:
–Kinh này tên là Bồ-tát Đạo Thọ Kinh, nên phải đọc tụng, thọ trì.
Tôn giả A-nan bạch Phật:
–Vì sao có tên là Bồ-tát Đạo Thọ Kinh?
Phật bảo Tôn giả A-nan:
–Ví như các loại cây, trước là phải nẩy mầm, sau mới mọc lên thân cây, cành cây, lá, hoa, quả. Như vậy, này Tôn giả A-nan! Đối với kinh này, từ khi mới phát tâm Bồ-tát, liền được vui vẻ. Do vui vẻ, thân ý được dừng nghỉ, đầy đủ sáu độ hoàn hảo, thực hành phương tiện thắng trí, liền chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh, đầy đủ tuệ Nhất thiết trí, chuyển pháp luân cho đến khi diệt độ, phân bố xá-lợi cho đời sau thờ cúng. Vì thế, này A-nan! Kinh này tên là “Bồ-tát đạo thọ kinh.”
Phật giảng nói kinh này xong, Đồng tử Tư-ha-muội và năm trăm đệ tử, các Tỳ-kheo Tăng, Trời, Người, Rồng, Quỷ, Thần chất lượng được nghe kinh rồi, tất cả đều rất vui vẻ, đầu mặt sát đất, làm lễ Phật rồi lui ra.