KINH THUẦN CHÂN-ĐÀ-LA SỞ VẤN NHƯ LAI TAM-MUỘI
Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng Pháp sư Chi-lâu-câu-sấm, người nước Nhục Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN THƯỢNG
Nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật cùng với sáu vạn Tỳ-kheo ngụ trong núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành La-duyệt-kỳ và còn có bảy vạn ba ngàn Bồ-tát đều là những bậc tôn túc từ mười phương cõi Phật đến.
Các vị Bồ-tát đều đã đắc pháp Đà-la-ni, ý thích không bị chướng ngại, lòng luôn nghĩ tới sự hổ thẹn, chú trọng tu hành nhẫn nhục, do đó mà được chứng đắc.
Tâm của các vị như kim cương, không gì có thể chặt đứt được, tu tập giáo pháp của Phật, muon đầy đủ pháp Phật, việc làm muốn thù thắng, ý không lìa bỏ tâm Bồ-tát và cũng chỉ bảo người khác như vậy; thực hành bố thí, kiềm chế tâm không tán loạn, đem cho những vật ưa thích mà không uổng tiếc, giữ giới thanh tịnh, trang nghiêm thân, khẩu, ý, nhẫn nhục, hòa nhã. Đó là lực, đó là lời thệ nguyện. Trải qua nhiều a-tăng-kỳ kiếp với trăm ngàn việc làm luôn tinh tấn, không biếng trễ, thiền định nhất tâm vào Tam-muội tam-ma-việt.
Tâm của các vị ấy biết ý người khác, lấy đó để tự vui.
Công đức trí tuệ của các vị thông suốt mọi vấn đề.
Tâm vững như núi Tu-di, không gì ví dụ được.
Tâm ấy như địa, thủy, hỏa, phong, không yêu không ghét, luôn có lòng Từ.
Ánh sáng nơi thân sáng rỡ không bị chướng ngại, có lòng trắc ẩn yêu thương chúng sinh, lấy pháp tâm bình đẳng làm niềm vui, cứu giúp mọi người không để rơi vào hai đường có lợi hay không có lợi, khen hay chê, có tiếng tăm hay không có tiếng tăm, khổ hay vui đều vượt qua tất cả pháp thế gian; không tụ tập nơi hội hè, tránh xa các ngoại đạo, hàng phục quân ma.
Các vị này khó gặp, giống như hoa Ưu-bát-la lâu lắm mới nở một lần, làm người không đợi phải thỉnh mời cho tất cả mọi người, nên gọi là bạn. Bạn chính là sự đạt đến Niết-bàn với áo giáp đại thệ nguyện vô cùng cực làm pháp sâu xa, mạnh mẽ như sư tử, được dấu ấn của Như Lai ấn chứng, được thọ ký không chướng ngại.
Lời nói của các vị ấy chân thật, dùng đế pháp để suy xét, có ánh sáng chiếu sáng hơn ánh sáng mặt trời, mặt trăng, danh tiếng vang khắp mười phương, được tất cả chư Phật hộ trì, không làm cho lìa xa pháp.
Các vị đều giư gìn kho pháp sâu rộng, không đoạn mất Tam bảo, công đức lan khắp vô số cõi.
Tâm các vị ấy thanh tịnh. Ở cõi của mình dù có qua lại đến chỗ Phật cũng không nhầm lẫn, luôn giáo hóa hướng dẫn chúng sinh, đã nhập vào phương tiện thiện xảo của trí Bát-nhã ba-la-mật.
Đó là niềm vui mừng của tâm người hành Đầu-đà. Nhờ giáo pháp chiếu sáng, chúng sinh được thanh tịnh, biết tướng mọi người, làm việc vui vẻ, không làm mất tâm ý, là vị thầy thuốc có ân đức trị bệnh lão tử, cúng dường vô số chư Phật ở quá khứ.
Nhờ công đức ấy mà được tướng tốt đẹp, thông suốt pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, thấy các pháp không thật, như huyễn, như sóng nắng, như mộng, như bóng trong nước, như âm thanh vọng lại trong núi. Biết rõ âm thanh của tất cả, thâm nhập các pháp, trả lời thông suốt tất cả vấn nạn, làm theo ý mình, vận dụng trí tuệ để hiểu rõ đạo pháp, lần lần gần với mười Lực của Phật; dùng Nhục nhãn, Tuệ nhãn, Đạo nhãn, Pháp nhãn và Phật nhãn cứu vớt những kẻ bị mê lầm tăm tối, thể nhập sâu các hạnh công đức. Hiểu biết tạng Bồ-tát, nghe pháp không lay động, đắc được Tam-muội Tướng ấn, Tam-muội Kim cang hạnh, Tam-muội Kỳ pháp tại sở tác, Tammuội Bảo minh trì, Tam-muội Bất xả nhất thiết nhân. Sau khi biết rõ các tâm Tam-muội thì chứng đắc được trí tuệ của Phật, làm theo những hạnh của Phật đã làm, vốn đầy đủ tướng tốt đẹp.
Trong đó:
Có Bồ-tát tên Nhạo Tác.
Có Bồ-tát tên Nhạo Đẳng Hữu.
Có Bồ-tát tên Bảo Thủ.
Có Bồ-tát tên Minh Hoa.
Có Bồ-tát tên Bảo Diệm.
Có Bồ-tát tên Hỷ Kiến.
Có Bồ-tát tên Ý Hỷ.
Có Bồ-tát tên Hỷ Dĩ Nhãn Kiến.
Có Bồ-tát tên Trì Địa.
Có Bồ-tát tên Hoan Hỷ Tác.
Có Bồ-tát tên Đại Xứ Phế.
Có Bồ-tát tên Đại Lợi.
Có Bồ-tát tên Tịch Ma.
Có Bồ-tát tên Ý Hỷ Hương.
Có Bồ-tát tên Nhân Trung Chi Thiên.
Có Bồ-tát tên Đế Nguyện.
Có Bồ-tát tên Đẳng Thị.
Có Bồ-tát tên Tận Kiến Đẳng Bất Đẳng.
Có Bồ-tát tên Chấp Ngự.
Có Bồ-tát tên Nhất Thiện Vô Thiện Nhi Tác Thiện Chi.
Có Bồ-tát tên Di-lặc.
Có Bồ-tát tên Vũ Âm
Có Bồ-tát tên Lưỡng Nhược Sơn Bán.
Có Bồ-tát tên Lưỡng Sơn Đảnh.
Có Bồ-tát tên Từ Hạnh.
Có Bồ-tát tên Quang Anh.
Có Bồ-tát tên Quang Thanh Dương.
Có Bồ-tát tên Khải Minh Vương.
Có Bồ-tát tên Như Đương Nhãn Sở Kiến.
Có Bồ-tát tên Quang Đẳng Tri.
Có Bồ-tát tên Tôn Quan.
Có Bồ-tát tên Thiên Quan.
Có Bồ-tát tên Thiên Nhãn.
Có Bồ-tát tên Thị Xứ Tất Cát.
Có Bồ-tát tên Khoái Tý.
Có Bồ-tát tên Đế Nghị Ý.
Có Bồ-tát tên An Xứ Ý.
Có Bồ-tát tên An Xứ Độ.
Có Bồ-tát tên Vô Sở Động Nhi Độ.
Có Bồ-tát tên Kim Cương Hành Độ.
Có Bồ-tát tên Tam Thế Hành Độ.
Có Bồ-tát tên Đế Như Sự Bất Dị.
Có Bồ-tát tên Trì Nghiêm Dục Hảo.
Có Bồ-tát tên Bất Tận Dục.
Có Bồ-tát tên Bất Khể Lưu Dục.
Có Bồ-tát tên Ý Âm.
Có Bồ-tát tên Tịnh Âm.
Có Bồ-tát tên Bão Mãn Nhất Thiết Âm.
Có Bồ-tát tên Văn-thù-sư-lợi…
Bảy vạn ba ngàn Bồ-tát ấy ở cõi tam thiên đại thiên.
Lại có Thích, Phạm, Hộ thế, tất cả trưởng giả, chư Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-đà-la, A-tu-luân, Ca-lưu-la, Ma-hầu-lặc, Nhân phi nhân… đều đến chúng hội, ai cũng muốn nghe pháp của Đức Phật giảng nói.
Bấy giờ, Bồ-tát Đề-vô-ly đứng dậy, sửa pháp phục, quỳ thẳng, chắp tay khen ngợi Đức Phật:
–Ánh sáng nơi thế gian không bằng ánh sáng của đạo, vì nó làm nền tảng cho thế gian và chiếu sáng, cứu giúp cho những người tăm tối.
Nay con xin tự quay về với Bậc độ đời. Nhờ bố thí mà giữ gìn được mười lực, tự điều phục tâm mình và giáo hóa người khác. Đó là vị cứu độ tất cả, ai nấy đều tuân theo.
Nay con xin quay về với Đấng ba cõi không ai sánh bằng, làm việc gì cũng đều có lợi ích. Ánh sáng đó giống như vàng ròng, âm thanh hòa nhã, thân tướng đẹp đẽ, không ai sánh bằng.
Nay con xin quay về với Đấng được tất cả chúng sinh cung kính, đã vượt qua những gì cần vượt qua, thu phục hàng ngoại đạo, trí tuệ rất thù diệu, vượt lên trên những người có trí, không ai lay chuyển được, biết rõ hành vi của tất cả chúng sinh, công đức của Ngài rất thù thắng.
Nay con xin quay về với Đấng có lòng đại Bi vô tận. Đối với ái dục, Ngài đạt được vô sở đắc. Chúng ma dù chống đối thế nào cũng không thể tùy tiện; giữ gìn giới thanh tịnh an lạc. Đối với chư Thiên, Ngài là trời trong hàng trời, tâm không hề vướng mắc.
Nay con xin quay về với Đấng không ai chống lại nổi. Nghe đức của Ngài, ai nấy đều hoan hỷ. Hình tướng sáng như châu báu, ai thấy cũng yêu mến. Thực hành bố thí, lìa bỏ tham, san, si.
Nay con xin quay về với Đấng có đức như bầu trời bao trùm tất cả, dùng bốn đế để vượt qua bốn hang sâu, dù người mù cũng đều trông thấy, nói pháp không cùng tận, làm nền tảng cho tất cả chúng sinh trong ba đời.
Nay con xin quay về với Đấng dưới chân có dấu bánh xe ngàn căm. Ngài được chư Thiên và tất cả loài người phụng thờ, dù không phải nam hay không phải nữ đều được nương nhờ, chúng ma không dám quấy phá. Ngài được chúng sinh cung kính, tôn quý, tu tập và giữ gìn các đế chánh pháp, lòng Từ bi bao la cùng khắp, làm người dẫn đường cho chúng sinh trụ vào pháp bình đẳng.
Nay con xin quay về với Đấng không ai sánh bằng. Âm thanh hòa nhã, thanh tịnh, ai nghe cũng đều vui thích, tiếng như trời Phạm thiên, vang khắp mọi nơi, chúng sinh đều nghe đầy đủ âm thanh ấy.
Nay con xin quay về với đấng có chánh pháp chắc thật, tôn quý. Ngài đã giác ngộ Không, Vô tướng, Vô nguyen, trí tuệ sâu xa không có hạn lượng, đã thể nhập vào môn giải thoát, đó là công đức.
Nay con xin quay về với Đấng được giải thoát, biết rõ các pháp do nhân duyên sinh, công đức đạt được của vị ấy không ở trong, không ở ngoài, đều bình đẳng, giảng nói như thế nào thì đều thực hành như thế đó.
Nay con xin quay về với Đấng vượt qua những sự hiểu biết, không từ đâu sinh, cũng không đi về đâu; thấy các pháp đều giải thoát vì nó như huyễn, như sóng nắng.
Nay con xin quay về với công đức của pháp, chỗ sinh hay không có chỗ sinh đều vô sinh; sinh rồi diệt không cùng tận, chỗ an trụ đúng như pháp, giống như nẻo hội nhập của Đát-tát; suy xét rồi nói đúng vơi pháp; như Đát-tát không bị lay chuyển, đức như núi lớn, thân như Kim cương.
Nay con xin quay về với Đấng an ổn như núi, thân tâm hợp ý nhau, tiếng tốt lưu cả ba đời, ai cũng nghe biết; tất cả những câu hỏi đều được trả lời, không chút phiền muộn.
Phật bảo:
–Sau khi tán thán Phật xong nếu muốn xin hỏi điều chi thì cứ hỏi.
Đề-vô-ly thưa:
–Bạch Thế Tôn! Con có điều xin muốn thưa!
Phật dạy:
–Ông hỏi điều gì cứ tự nhiên.
Bồ-tát Đề-vô-ly thưa:
–Bạch Thế Tôn! Làm thế nào mà Bồ-tát nói pháp một cách tự tại để trang nghiêm thân? Vì sao nói rằng Bồ-tát thích pháp thâm diệu, pháp nào cũng thể nhập vào được?
Vì sao nói rằng Bồ-tát biết tâm của chúng sinh?
Vì sao nói rằng Bồ-tát giáo hóa tùy hỷ?
Vì sao nói rằng Bồ-tát tâm hành là một?
Vì sao nói rằng Bồ-tát biết nhân duyên tạo tác?
Vì sao nói rằng Bồ-tát vì trang nghiêm thân mà bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm và trí tuệ?
Vì sao nói rằng Bồ-tát ở cõi Phạm thiên?
Vì sao nói rằng Bồ-tát có trí tuệ sâu xa?
Vì sao nói rằng Bồ-tát luôn có sự thù thắng?
Vì sao nói rằng Bồ-tát đối với Thanh văn, Bích-chi-phật, tất cả chúng sinh dù thị hiện các pháp nhưng không nhập vào trong pháp đó?
Vì sao nói rằng Bồ-tát lìa sinh tử mà không nhập Niết-bàn?
Vì sao nói rằng Bồ-tát biết tất cả chúng sinh không lìa pháp thân?
Vì sao nói rằng Bồ-tát không rời bản vị mà thị hiện khắp nơi?
Vì sao nói rằng Bồ-tát được tôn quý, phước của chư vị như kho tàng?
Vì sao nói rằng Bồ-tát tùy ý mà được nhập đạo?
Vì sao nói rằng Bồ-tát biết rõ các pháp?
Vì sao nói rằng việc làm của Bồ-tát luôn an ổn chắc chắn?
Vì sao nói rằng Bồ-tát dù ở thế gian, nhưng không vướng mắc?
Vì sao nói rằng Bồ-tát tự tại, đoan nghiêm, không ai sánh bằng?
Vì sao nói rằng Bồ-tát không lìa Phật?
Vì sao nói rằng Bồ-tát tu học an ổn, chắc chắn?
Vì sao nói rằng Bồ-tát với pháp không có tâm chấp giữ, không buông bỏ?
Vì sao nói rằng Bồ-tát cứu hộ chúng sinh?
Vì sao nói rằng Bồ-tát đạt chuyển pháp luân?
Vì sao nói rằng Bồ-tát đạt A-duy-nhan?
Đức Phật dạy:
–Lành thay, lành thay! Này Bồ-tát Đề-vô-ly! Ông hỏi rất đúng, làm cho những vị ở trong hội này được lợi ích. Tương lai, chắc chắn sẽ làm người dẫn đường cho chúng sinh, chính là người làm cho Maha-diễn được tồn tại lâu dài.
Phật dạy tiếp:
–Ông hãy lắng nghe cho kỹ những lời ta nói hôm nay.
Bồ-tát Đề-vô-ly thưa:
–Bạch Thế Tôn! Con muốn được nghe!
Phật dạy:
–Bồ-tát nhờ bốn việc ma được tự tại. Bốn việc đó là gì?
- Ánh sáng chiếu khắp tất cả không chướng ngại.
- Đối với tất cả châu báu nổi tiếng đem cho người đến xin, không luyến tiếc.
- Nếu có người hiểu kinh đang giảng nói pháp thì không nên làm gián đoạn nửa chừng, mà phải luôn ở một bên giúp đỡ.
- Nếu được mời giảng pháp, không nên từ chối, nương dựa chỗ chẳng thể nghĩ bàn của Như lai mà hoan hỷ nói pháp. Đối với việc làm, Bồ-tát không mong cầu chi cả, đem pháp để bố thí.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc thể nhập sâu vào các pháp, những gì làm ra bằng trí tuệ không lìa các công đức. Thế nào là bốn?
- Đối với mười hai nhân duyên, nhận biết một cách đúng đắn.
- Thương mình và người, vì cả hai không khác.
- Đối với sinh tử không nghĩ rằng từ đâu đến hay đi về đâu.
- Đối với tất cả pháp lấy không để thấy không.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc biết rõ tâm người và công đức của họ tang hay giảm. Bốn việc đó là gì?
- Hội nhập Pháp thân hoàn toàn thanh tịnh.
- Thị hiện những sự tốt đẹp.
- Lấy bốn việc để quán.
- Tâm không bị hoại, đạt được Tam-muội.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc theo những việc làm của chúng sinh mà giáo hóa họ. Bốn việc đó là gì?
- Trí tuệ bình đẳng.
- Giáo hóa tất cả mọi người.
- Quán biết các pháp.
- Tâm đã thanh tịnh và làm mọi người thanh tịnh.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc biết rõ hành vi nơi tâm của mọi người mà giáo hóa. Bốn việc đó là gì?
- Trí thể nhập vào các pháp.
- Tuệ không bị chướng ngại.
- Tâm không hai.
- Các triền cái tiềm phục không còn khởi lên nữa.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc biết tội phước tạo ra không mất. Bốn việc đó là gì?
- Tất cả không có gì để đoạn.
- Không có gì để chấp trước.
- Biết do nhân duyên tạo ra rồi tùy theo đó mà thị hiện, lấy pháp để giữ pháp.
- Không nghĩ có ngã, không nghĩ có người, theo đây giáo hóa thì không mất đạo pháp.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc dùng bố thí để trang nghiêm. Bốn việc đó là gì?
- Lấy tướng để trang nghiêm.
- Theo sở thích của người mà thị hiện làm cho họ tốt đẹp.
- Sắc tướng rất đẹp đẽ.
- Việc làm không cùng tận.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc dùng giới thanh tịnh để trang nghiêm. Bốn việc đó là gì?
- Làm Chuyển luân vương không mất tâm Bồ-tát.
- Được làm Thích Đề-hoàn Nhân, lấy tâm Bồ-tát để tự trang nghiêm.
- Làm Phạm thiên, lấy tâm Bồ-tát để trang nghiêm.
- Lìa xa tất cả đường ác, chỉ sinh lên cõi trời và làm người trong thế gian, lấy tâm Bồ-tát để trang nghiêm.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc lấy nhẫn nhục trang nghiêm. Bốn việc đó là gì?
- Âm thanh như tiếng trời Phạm âm, ai nghe cũng đều được lợi ích.
- Âm thanh hòa nhã như chim Ca-lăng.
- Mọi người ai cũng ưa thích.
- Có công đức kiên cố.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc lấy tinh tấn trang nghiêm. Bốn việc đó là gì?
- Thân như Kim cương, các tà đạo không hại được.
- Làm bạn với tất cả chúng sinh.
- Làm việc gì đều hoàn tất đầy đủ, không hối hận giữa chừng, học hỏi không nhàm chán.
- Tâm mong thích gì đều có nấy.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc lấy thiền định trang nghiêm. Bốn viec đó là gì?
- Làm việc không xúc phạm đến ai.
- Không cười nhạo.
- Không làm điều xấu ác.
- Tự làm chủ tâm mình.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc lấy trí tuệ trang nghiêm. Bốn việc ấy là gì?
- Không nghĩ có ngã, không nghĩ có nhân, không nghĩ có thọ, không nghĩ có mạng, không chấp thường, không chấp đoạn.
- Việc làm rất thù thắng.
- Thể nhập tất cả.
- Nói pháp không sợ sệt. Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc trí tuệ đạt đến bằng Phạm thiên. Bốn việc đó là gì?
- Lấy tâm Từ không để nghĩ đến chúng sinh.
- Giáo hóa mọi người bằng cách tăng thêm lòng thương yêu.
- Giữ gìn các pháp đã được giữ gìn.
- Bình đẳng với tất cả nhưng không lìa bỏ Phật. Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc không lìa trí. Bốn việc ấy là gì?
- An trụ trong bốn bậc thiền, không làm Bồ-tát lay động.
- Vận dụng Tam-muội Tam-ma-việt và phương tiện thiện xảo nên không sinh cõi Vô sắc.
- Tâm tự tại, nói năng không rời chánh pháp.
- Thấy chư Phật khắp mười phương. Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc tự tại. Thế nào là bốn?
- Bên trong tịch tĩnh, bên ngoài cũng tịch tĩnh.
- Hiểu rõ các pháp như huyễn.
- Lấy trí tuệ làm năng lực.
- Không tự cao mà phải vượt qua.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc để nhập sâu vào trí tuệ. Bốn việc đó là gì?
- Biết dục nhưng không đoạn dục, thủ chứng trung đạo.
- Biết sinh tử nên trong đó sử dụng phương tiện thiện xảo.
- Nghe những gì đều biết rõ là chánh đạo hay phi đạo mà không bỏ cái được nghe.
- Biết vô minh để tiếp cận mười hai nhân duyên.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc dùng pháp thị hiện La-hán, Bích-chi-phật, tất cả mọi người, nhưng trong đó không mong cầu. Thế nào là bốn?
- Thấy các Tam-muội như huyễn.
- Hiểu rõ các pháp để trang nghiêm.
- Xem xét kỹ những sự vui thích do mình đã hành động.
- Tự tâm biết rõ tất cả như huyễn.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc xa lìa sinh tử không thủ chứng Bát-niết-bàn. Bốn việc ấy là gì?
- Nhớ nghĩ chư Phật.
- Tâm Từ bi bình đẳng.
- Dùng phương tiện thiện xảo.
- Không quên thệ nguyện đã phát tâm.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc biết tất cả mọi người không lìa Pháp thân. Bốn việc ấy là gì?
- Thấy tất cả mọi người đều tự nhiên, họ thể nhập Pháp thân cũng tự nhiên.
- Biết tất cả mọi người tự nhiên.
- Người tự nhiên, tuệ tự nhiên, không nghi ngờ.
- Người tự nhiên, Nê-hoàn tự nhiên mà chứng đắc pháp Nhẫn. Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc không lìa cội gốc mà thấy không cội gốc. Bốn việc ấy là gì?
- Luôn nghĩ nhớ Nê-hoàn, muốn đầy đủ pháp Phật, tâm ý biết khắp tất cả.
- Thân thị hiện Chuyển luân vương, Phạm, Ma, Thích. Trong cõi ấy tu tập tạo các công đức khiến do pháp ấy mà được lãnh hội.
- Thân thị hiện ngu tối để làm cho kẻ thấp kém có được công đức.
- Cầu xin được gì, đích thân đem bố thí. Đối với hàng tôn quý thì thị hiện rất giàu sang đến giáo hóa họ.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc đem tưởng nhập vào vô tưởng. Thế nào là bốn?
- Dù trong sinh tử vô thường nhưng giữ tâm thanh tịnh.
- Do trước đã chịu khổ nên nay được đắc trí tuệ.
- Thấy tất cả pháp là vô ngã.
- Thấy Nê-hoàn tịch tĩnh.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc lìa các kiến chấp nơi pháp. Bốn việc đó là gì?
- Thanh tịnh.
- Với Tuệ nhãn thấy khắp mọi nơi.
- Phật nhãn chắc chắn ở ngay hiện tiền.
- Đã giác ngộ các pháp, được ấn chứng Nhất sinh bổ xứ. Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc quyết định một cách tự tại không nghi ngờ. Bốn việc đó là gì?
- Cầu mong điều gì đều không chướng ngại.
- Thể nhập vào trí tuệ chân thật.
- Không bị che phủ.
- Không lìa các pháp Đà-la-ni.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc mặc dù tùy thuận theo thế tục nhưng không vướng mắc. Thế nào là bốn?
- Biết tường tận việc thế gian.
- Độ thoát tất cả mọi người.
- Không còn tánh thương ghét.
- Làm thanh tịnh nguồn gốc, không bị cấu nhiễm. Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc an trụ trong chánh pháp. Bốn việc ấy là gì?
- Tâm tự tại.
- Tuệ tự tại.
- Trí tự tại.
- Phương tiện thiện xảo tự tại. Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc. Bốn việc gì?
- Không lìa Như Lai.
- Trước mọi người khen ngợi thân tướng Phật.
- Đem giáo pháp chiếu rọi vào người để họ phát tâm làm Bồ-tát.
- Luôn nghĩ nhớ đến Phật.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc tịch tĩnh biết rõ các pháp:
- Dùng đạo pháp biết rõ tận tường việc thế tục.
- Hiểu rõ các tuệ của mọi người.
- Nghe việc gì đều không nghi ngờ nên đạt được pháp Nhẫn.
- Không nghĩ hữu hay vô, không theo tập tục người đời. Đó là bốn.
Lại có bốn việc làm thầy không tham chấp. Bốn việc ấy là gì?
- Tạo điều kiện làm nhân duyên cho mọi người.
- Tâm chất phác, thật thà, không dua nịnh.
- Vì sự an vui của mọi người mà xả thân mạng, luôn lo lắng cho họ.
- Trí tuệ đạt được không vì bản thân mà chỉ vì mọi người. Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc được mọi người khen ngợi. Bốn việc ấy là gì?
- Tự xả bỏ thân mình, thương yêu người khác.
- Bỏ tất cả sự vui thích, lấy chánh pháp để tự vui.
- Nghe điều gì không tự cho là thông suốt.
- Tự trưởng dưỡng bằng chánh pháp.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc sẽ thành tựu mọi thứ luân chuyển. Bốn việc ấy là gì?
- Chứng đắc các Đà-la-ni, chứng đắc tùy theo ý muốn.
- Vô tận diệt.
- Thể nhập vào tâm, bên trong hiểu rõ các pháp.
- Hiểu rõ người khác.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn pháp dần đến A-duy-nhan. Những gì là bốn?
- Đã vượt khỏi sinh tử nhưng không lìa đạo Bồ-tát.
- Đã đạt pháp Nhẫn vô sở tùng sinh nên thọ nhận sinh tử do không lìa pháp.
- Đã đạt được pháp ấn Bất thoái chuyển.
- Nay chứng đắc pháp ấn Đát-tát-a-kiệt, đạt đến mười đạo địa, do đấy, theo thứ lớp thảy đều thấu tỏ.
Sau khi Đức Phật giảng nói bốn việc của Bồ-tát thì tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách, ánh sáng chiếu khắp cùng tận. Chư Thiên bay trên hư không tấu trăm ngàn âm nhạc để cúng dường Đức Phật.
Mưa hoa trời phát ra tiếng:
–Lành thay, lành thay! Những công hạnh của Đức Phật đã tu hành từ vô số kiếp, hôm nay con mới được nghe. Trong chúng hội, ai nghe pháp này đều do kiếp trước đã tạo nhiều công đức, nghe rồi đọc tụng thọ trì, lại giảng nói cho người, tâm vị ấy không bao giờ quên. Những công hạnh của các vị ấy tu hành cũng sẽ giống như Đức Phật. Hôm nay chúng con được lợi ích ấy. Vì sao? Vì đã được nghe pháp này.
Bấy giờ chư Thiên và tám vạn bốn ngàn người đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề, một vạn hai ngàn Bồ-tát pháp Nhẫn vô sinh.
Bồ-tát Đề-vô-ly thưa:
–Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người nghe kinh này rồi đọc tụng, thọ trì, khen ngợi, phụng thờ thì sẽ được bao nhiêu pháp công đức?
Đức Phật dạy:
–Sẽ được tám công đức:
- Có lòng tin kiên cố, không khác gì Bồ-tát.
- Đích thân đem công đức ban bố cho người để họ tăng trưởng lợi ích mà lòng không bao giờ hối hận.
- Nuôi tâm Từ bi vô lượng, đem giáo pháp chiếu soi vào mọi người.
- Vì pháp nên học hỏi không bao giờ nhàm chán, giống như biển cả luôn đón nhận các dòng nước.
- Muốn hộ trì chánh pháp.
- Tự trưởng dưỡng bằng công đức của giáo pháp. Mặc dù thân chết nhưng sắc tướng vẫn đẹp gấp bội.
- Thể nhập vào các phước công đức, đầy đủ nguyện xưa, được chư Phật ủng hộ.
- Thu phục quân ma, xa lìa mọi sợ hãi.
Bồ-tát nhờ tám sự việc này, sau khi Như Lai diệt độ sẽ được các pháp công đức.
Khi ấy, đại địa ở tam thien đại thiên thế giới chấn động sáu cách, tất cả đất đai đều bằng phẳng như lòng bàn tay. Núi non, đất liền, sông biển, rạch ngòi, khe hố đều thấy giống như đất ở trong nước, những loài trong nước đều không thấy điều này. Cây cối khô héo đã trăm năm, nay đều trổ rất nhiều hoa.
Ở chỗ Đức Phật, những cánh hoa ấy đều chỉa ra nghiêng về phía Ngài. Những cây tốt tươi khác cũng như vậy. Mặt đất mọc ra hoa sen lớn như bánh xe, có vô số màu sắc và ánh sáng chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới. Từ dưới nhìn lên chẳng thấy gì cả, chỉ nghe tiếng của âm nhạc rất hay.
Khi ấy, từ núi Băng, núi Hương, cây ấy tỏa ra mùi thơm thấu khắp mọi nơi. Hoa ấy cũng từ đất hiện ra, đến rải trên chỗ Đức Phật, đầy tràn nơi mặt đất ngập cả lối đi.
Cây Phật đang ngồi cũng trổ hoa, có tiếng nhạc như nhạc trời, phía trên Đức Phật có ba mươi vạn dặm lọng hoa bằng châu báu, che kín tam thiên đại thiên thế giới.
Tôn giả Xá-lợi-phất quỳ thẳng chắp tay:
–Bạch Thế Tôn! Vì nguyên nhân gì mà hiện ra những điềm lành này?
Đức Phật dạy Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Có vua tên Thuần-chân-đà-la ở núi Hương, cùng vô số trăm ngàn Thuần-chân-đà-la, vô số Kiền-đà-la, vô số chư Thiên cùng nhau đến đây nên có điềm lành ấy.
Đức Phật nói chưa dứt lời thì thấy Thuần-chân-đà-la với tám vạn bốn ngàn kỹ nhạc và vô số người cùng nhau đi đến. Hoa từ hư không rơi xuống giống như mưa từ trên cao đổ xuống. Tất cả những người đến cung kính, lễ Phật rồi đi nhiễu ba vòng rồi đứng ra phía trước. Vua Thuần-chân-đà-la cầm đàn lưu ly. Vì sao? Vì đó là bản nguyện.
Bốn phía có bốn vạn hai ngàn kỹ nhạc. Thuần-chân-đà-la đứng ở giữa, đồng thời đánh đàn; tiếng đàn vang khắp tam thiên đại thiên thế giới. Các kỹ nhạc của các cõi trời thuộc Dục giới đánh nghe không hay bằng tiếng đàn này. Vì sao? Vì bị tiếng đàn này lấn át nên các vị trời nơi cõi Dục, cõi Sắc không sánh bằng.
Khi Thuần-chân-đà-la đến chỗ Phật đánh đàn thì các cây cối, núi lớn, núi Bang, núi Mục-chân-lân tự nhiên lay động nhè nhẹ giống như múa và tất cả đều cung kính hướng về Đức Phật, như là lễ bái. Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả đều tôn trọng cung kính. Các vị Tỳ-kheo và Bồ-tát mới phát tâm, người trong chúng hội, trời, rồng đang ngồi cũng đều reo hò vui mừng, muốn đứng dậy múa.
Bồ-tát Đề-vô-ly hỏi:
–Thanh văn đã lìa các dục, đã chứng đắc tám Duy-vụ thiền, thấy rõ bốn Đế, nay sao lại múa?
Các Thanh văn trả lời:
–Chúng tôi không tự chủ được với tiếng đàn ấy. Đang ngồi mà nghe tiếng đàn thì không sao chịu nổi và cũng không thể kiềm chế tâm mình cho yên ổn.
Bồ-tát Đề-vô-ly hỏi Tôn giả Ma-ha Ca-diếp:
–Thưa Tôn giả! Tôn giả là vị tuổi cao đức trọng, biết nhàm chán, tự giữ đúng theo giới luật, được chư Thiên và người kính mến, tôn trọng, vì sao không thể kiềm chế tâm mà lại múa giống như trẻ con vậy?
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp trả lời:
–Ví như một cơn gió lớn nổi lên thì cây cối dù to như cây đại thụ cũng không tự kiềm chế được. Vì sao? Vì tôi không tự chủ được trước tiếng đàn của vua Thuần-chân-đà-la, ví như khi gió lớn nổi lên. Đó là nguyên do khiến chúng tôi không tự giữ tâm mình được. Hôm nay mới biết điều của Thượng nhân làm, công đức ấy không thể sánh bằng. Các Thanh văn đều bị tiếng đàn kia che lấp.
Bồ-tát Đề-vô-ly nói với Tôn giả Ma-ha Ca-diếp:
–Thấy việc làm của các vị A-duy-việt-trí, nghe tiếng đàn ấy không vị nào rung động. Người có trí nghe vậy thì rối tâm nên không thể phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Tất cả thần lực của Thanh văn đều bị tiếng đàn ấy che lấp, nhưng âm thanh ấy không thể nào làm lay động các vị Ma-ha-diễn. Tất cả tám vạn bốn ngàn âm điệu kỹ nhạc của Thuần-chân-đà-la được oai thần Phật đón nhận, làm cho phước đức nơi bổn nguyện của ông ta được thành tựu.
Cac tiếng nhạc ấy ai cũng nghe và họ nói:
“Các pháp bình đẳng và đều giải thoát. Thượng trung hạ đều thanh tịnh hoàn toàn như nhau. Với tất cả mọi người không chấp về người. Quá khứ, vị lai, hiện tại cũng đều như vậy. Nhưng tiếng nhạc được nghe đó, hiểu rõ ra là không sở hữu. Các pháp, tất cả mọi người và âm thanh cũng đều như vậy.”
“Tất cả cõi giống như một cõi. Vì đã đồng đẳng nên không có cõi khác.”
“Hiểu rõ không có sở hữu. Vì đồng đẳng nên nói các cõi không sinh, cũng không trưởng thành. Cho nên hoàn toàn không có thức mà tự nhiên; các sở hữu không sở hữu mà tự nhiên.”
“Không thể đắc ngoại hành, không đắc nội hành. Tuệ vốn không giống với pháp, nhưng chữ và pháp cũng không có sở hữu, nên cái tên cũng như vậy.”
“Biết danh sắc không sở hữu, hành đã không chấp trước thì quá khứ an trụ không cùng cực.”
“Đã được nghe pháp căn bản diệt tận không có sở hữu, không có chỗ đến, cũng không có chỗ trụ.”
“Những gì chấp trước chỉ có danh tự, nhưng khi đã biết rõ danh tự thì danh tự và pháp đều bình đẳng như nhau.”
“Tâm bình đẳng, vì bình đẳng nên không có sở hữu. Nó vốn co lay động nhưng không biết nhau. Dù tâm có đối tượng và suy nghĩ nhưng không có chỗ sinh. Với trí tuệ biết rõ như vậy tức là thể nhập vào pháp.”
“Các căn đã đoạn trừ bình đẳng, pháp trước và sau bình đẳng.
Biết ba đời bình đẳng thì trí tuệ thể nhập vô số.”
“Con người bị danh sắc trói buộc, đó là do con người tạo ra. Từ xưa đến nay, từ sinh đến lão nó đã không có. Đã biết do nhân duyên thì còn phải diệt. Nếu nói rằng có ngã, có nhân, đó là ngược lại với căn bản.”
“Chốn trụ của ngã là bình đẳng nên không có chỗ trụ. Các pháp cũng không có chỗ trụ. Biết trụ không có chỗ trụ, đó là nghe và tin một cách hoan hỷ.”
“Ví như mưa thì có sấm chớp, đó là cách tự nhiên trên trời. Tất cả các pháp giống như ngã nên nói rằng tự nhiên.”
“Ngã và nhân là tự nhiên không. Đã biết như vậy thì thể nhập vào dấu ấn Đà-la-ni, biết rõ các cửa đã được mở tung; vì tướng đồng với tướng nên không có tướng của pháp và không có không, không có hy vọng dùng chữ. Cho nên khác với pháp mà có thượng trung hạ. Chữ nó không tự biết dùng khác bởi vì không thể thấy.”
“Tâm ấy từ xưa nay hễ có nguồn gốc là tương tục, đã biết các pháp không sở hữu vì đoạn trừ bổn tế, đã đoạn trừ bản tế thì tất cả có hành động, đã biết bản tế bình đẳng thì đó là Từ bi. Lòng Từ bi thanh tịnh thì bình đẳng với khổ vui, không mừng không buồn; đó là bậc thượng nhân đã thể nhập vào bản tế.”
“Pháp học tịch tĩnh lại càng tịch tĩnh, dù nói hay không nói thì pháp đó không tăng giảm. Cho nên không mong cầu tịch tĩnh.”
“Tiếng giữa hư không không thể nào nắm bắt được, chỉ nghe mà không thể nói. Nếu có chỗ nghe, chỗ nói thì đều không thành thật.”
Khi nghe âm thanh ấy thì tám ngàn Bồ-tát chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh.
Bồ-tát Đề-vô-ly thưa Phật:
–Âm thanh khen ngợi ấy từ đâu phát sinh?
Đức Phật dạy:
–Vua Thuần-chân-đà-la làm ra. Như vừa nói ra thì lập tức ghi nhận lời nói.
Đức Phật hỏi Thuần-chân-đà-la:
–Âm thanh khen ngợi ấy từ đâu phát ra?
Thuần-chân-đà-la thưa:
–Do tiếng người phát ra.
Hỏi:
–Tất cả tiếng người từ đâu phát ra? Từ hư không phát ra sao?
Bồ-tát Đề-vô-ly nói:
–Này Thuần-chân-đà-la! Tất cả tiếng người không phải từ ý phát ra.
Thuần-chân-đà-la hỏi Bồ-tát Đề-vô-ly:
–Tiếng ấy từ thân phát ra hay từ tâm phát ra?
Bồ-tát Đề-vô-ly nói:
–Không phải do thân hay do tâm phát ra. Vì sao? Vì thân không thường trụ, giống như cây cỏ không sống mãi, như tường vách không tồn tại lâu dài, có lúc nghiêng đổ. Còn tâm thì không hình tướng, không thể thấy, không thể nghe, không thể nói, nó như huyễn.
Thuần-chân-đà-la hỏi Bồ-tát Đề-vô-ly:
–Nếu không phải thân, không phải tâm thì tiếng ấy do đâu phát ra?
Bồ-tát Đề-vô-ly trả lời:
–Tất cả do niệm tự nhiên mà có âm thanh.
Thuần-chân-đà-la hỏi:
–Nếu Bồ-tát nói âm thanh từ nơi miệng mà có thì nay âm thanh khen ngợi của tôi do hư không mà phát ra ư? Do đó, các âm thanh không lìa hư không?
Thuần-chân-đà-la nói:
–Nếu Bồ-tát muốn biết rằng âm thanh đều do hư không mà tự nhiên có tiếng, thì chỉ nghe âm thanh chứ không thể thấy, vì nó liền diệt; cái diệt ấy cũng là không. Cho nên nói là tự nhiên.
Các pháp sở dĩ bình đẳng vì bình đẳng như hư không. Dù có nói được hay không nói cũng đều bình đẳng cho nên nói bình đẳng như hư không.
Tất cả pháp chỉ có thể nghe mà không thể thay. Pháp mà được
nghe ấy đối với sự nghe thì không thấy pháp ấy. Nếu âm thanh của pháp không thấy được thì âm thanh ấy không biết pháp.
Các pháp không hay biết, sở dĩ nghe được là nhờ dùng phương tiện thiện xảo. Nếu như không được nghe thì dùng phương tiện thiện xảo để biết, đối với pháp không mong cầu gì cả. Không mong cầu cho nên cần phải có năng lực kiên cố, không yếu mà lại mạnh mẽ, không ai có thể dứt đoạn. Không bị dứt đoạn thì không có sinh, không sinh thì không bị lệ thuộc, không bị lệ thuộc thì nhẹ nhàng, nhẹ nhàng thì thanh tịnh, thanh tịnh thì không còn cấu bẩn, không cấu bẩn thì sáng suốt càng sáng suốt. Sáng suốt đó là gốc của tâm, gốc của tâm là lỗi lầm.
Tội lỗi ấy hết rồi thì không còn vọng tưởng. Các vọng tưởng không còn thì ngay xứ ấy từ từ chuyển lên. Chuyển lên là nhẫn nhục của Bồ-tát. Đạt nhẫn rồi thì không có đối tượng để nhẫn; nhẫn về không cũng như nhẫn về người. Vì sao? Vì cái không không lìa người.
Thế nào là không? Người là không.
Nhẫn với vô tưởng và nhẫn với hữu tưởng. Vì sao? Vì tưởng là tự nhiên nên vô tưởng. Nên nhẫn vô nguyện cũng như nhẫn hữu nguyện. Vì sao? Vì nguyện và tưởng là tự nhiên, không có gốc của nguyện.
Các pháp Nê-hoàn cũng là nhẫn sinh tử. Cho nên sinh tử ví như huyễn mộng.
Bồ-tát chứng đắc nhẫn thì không còn nghi ngờ về hữu và vô, chắc chắn biết rõ tất cả chúng sinh. Nhờ được nhẫn nên biết rõ tất cả pháp không đến không đi, biết rõ các pháp đều trụ. Các pháp đều trụ thì biết tất cả chúng sinh cũng đều trụ. Ai đã thể nhập vào pháp ấy thì được Vo sinh pháp nhẫn. Chỉ có âm thanh pháp nhẫn ấy không thể nói năng, vốn nó không thể nói. Đức Phật là Đấng Chí Tôn, dù không nói pháp nhưng khiến mọi người đều hiểu rõ.
Bồ-tát Đề-vô-ly bạch Phật:
–Lành thay! Lời nói của Thuần-chân-đà-la rất vi diệu, làm hiểu rõ pháp sâu xa, chứng đắc nhẫn, được mọi người tôn quý. Tất cả nhẫn đã thể nhập được ấy rất là sâu rộng.
Và thưa Phật:
–Vua ấy tạo bao nhiêu công đức với Đức Phật mà muon gì cũng đều được tự tại như vậy?
Đức Phật dạy Bồ-tát Đề-vô-ly:
–Ông nên biết! Sông Hằng có vô số cát, cứ lấy một hạt cát làm thành một cõi Phật, đếm hết số lượng tinh tú trong đó thì còn tính đếm được. Nhưng số lượng công đức cúng dường Phật của Thuầnchân-đà-la thì không thể nào tính đếm được.
Bồ-tát Đề-vô-ly hỏi Thuần-chân-đà-la:
–Cúng dường Phật nhiều quá như vậy, công đức tụ hội cao vòi vọi, vậy sao không mau thành Phật?
Thuần-chân-đà-la nói:
–Bồ-tát nhờ mười việc không nhàm chán. Mười việc đó là gì?
- Cúng dường Như Lai không nhàm chán.
- Tạo công đức không nhàm chán.
- Học hỏi giáo pháp không nhàm chán.
- Với năm thiền chi của bốn bậc thiền, biết không nhàm chán.
- Thấy các pháp không nhàm chán.
- Muốn giảng dạy rộng rãi về giáo pháp không nhàm chán.
- Muốn chỉ dạy mọi người không nhàm chán.
- Luôn luôn hộ trì Chánh pháp không nhàm chán.
- Muốn đầy đủ Ba-la-mật không nhàm chán.
- Muốn cảm hóa, dìu dắt, giúp đỡ người không nhàm chán.
Đó là mười việc không nhàm chán của Bồ-tát.
Thuần-chân-đà-la thưa:
–Con nghe Đại Bồ-tát có Tam-muội tên Bảo Như Lai, ai được Tam-muội ấy thì đều có đầy đủ các thứ quý báu. Nếu có ai hỏi pháp thì vị ấy giảng nói tự tại.
Phật dạy:
–Ông hãy lắng nghe Ta nói.
Thuần-chân-đà-la thưa:
–Xin vâng! Con muốn được nghe.
Phật dạy:
–Bồ-tát không đoạn mất Phật, Pháp, Tăng, đó là ba sự phát tâm, nó có tám mươi pháp báu. Tám mươi pháp báu là gì?
- Tâm không quên Nhất thiết trí, đó là báu.
- Tâm không lìa bỏ lòng tin, đó là báu.
- Tâm huân tập các cong đức, không giải đãi, đó là báu.
- Tâm kiên cố không xả bỏ lời nguyện cầu của mình, đó là báu.
- Đem bố thí tất cả, tâm không luyến tiếc, ngược lại còn làm tăng trưởng lợi ích, đó là báu.
- Làm điều gì tâm chỉ nghĩ đến Bồ-tát, đó là báu.
- Tâm trang nghiêm, thân không phạm ba điều thuộc thân, đó là báu.
- Tâm thanh tịnh, không nói lời ác, đó là báu.
- Tâm trang nghiêm, lòng không nghĩ điều ác, đó là báu.
- Tâm đã giữ giới, đem giới trang nghiêm lại thân, không ham muốn, không nghĩ đến cái xấu của người, đó là báu.
- Tâm không bị chướng ngại, bình đẳng với chúng sinh, đó là báu.
- Tâm đã nhẫn nhục được trang nghiêm, nhẫn tất cả điều ác, đó là báu.
- Tâm không thương tiếc thân mạng, sống theo hạnh Bồ-tát, đó là báu.
- Tâm không thương ghét, không bị nó làm lay động, đó là báu.
- Tâm kiên cố, tinh tấn, không biếng nhác, đó là báu.
- Tâm nghĩ làm điều gì cũng được thành tựu, đó là báu.
- Tâm nghĩ gì làm đúng, không quên muốn được đầy đủ hạnh Bồ-tát, đó là báu.
- Tâm hành thiền Tam-muội Tam-ma-việt; phát tâm rồi thì việc làm được tự tại, đó là báu.
- Tâm cầu pháp muốn thể nhập vào các trí, đó là báu.
- Được nghe pháp, tâm tu tập tụng đọc, liền được tinh tấn, đó là báu.
- Nói pháp, tâm không mong cầu điều gì vì vượt qua các mong cầu, đó là báu.
- Tâm không hư dối, đó là báu.
- Tâm nghĩ đến chánh đạo và làm đúng theo, đó là báu.
- Những gì nghe được, làm một cách cẩn thận, đó là báu.
- Tâm đầy đủ trí tuệ rồi, không theo sự chỉ dạy của người khác, đó là báu.
- Tâm có lòng Từ vô cực để tự hộ mình, đó là báu.
- Tâm thương yêu vô cực, bình đẳng với người, đó là báu.
- Tâm có sự bảo hộ vô cực rồi, lấy chánh pháp để tự vui, đó là báu.
- Tâm đã bình đẳng vô cực, quán thấy các pháp, đó là báu.
- Trong sinh tử, tâm không lấy làm đau khổ vì đã thể nhập vào công đức, đó là báu.
- Tâm muốn chỉ dạy mọi người, phần nhiều nghĩ nhớ đến người, không nghĩ đến bản thân mình, đó là báu.
- Tâm không thấy thiếu pháp mà còn phân chia cho người để họ được học, đó là báu.
- Với đại trí, tâm hiểu tất cả vấn đề, có thần túc làm cảm động đến tất cả, đó là báu.
- Tâm gần gũi Ba-la-mật, điều gì không nghe thì học hỏi, đó là báu.
- Tâm xa lìa người ác, luôn tu tập các công đức, đó là báu.
- Tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh, nhờ sự tu tập ấy nên không có hai tâm, đó là báu.
- Tâm biết sinh tử là bệnh đau khổ nên thể nhập vào ý mọi người, đó là báu.
- Tâm làm thuốc hay để trị các chứng bệnh cho chúng sinh, đó là báu.
- Tâm không xem thường người thiếu trí, phải đem pháp tôn trọng họ, đó là báu.
- Tâm không tự cao mà nhẫn với tất cả mọi người, đó là báu.
- Tâm không dua nịnh, đó là báu.
- Nghe pháp, tâm không quên vì an trụ vào pháp, đó là báu.
- Tâm tận lực hộ trì chánh pháp, luôn nghĩ nhớ báo ân Phật, đó là báu.
- Tâm luôn muốn báo ân với sự kiên cố sâu dày, đó là báu.
- Nếu bị ai xâm hại, tâm không nghĩ báo thù, đó là báu.
- Tâm vui thích ở núi rừng vì muốn giữ gìn pháp thanh tịnh, đó là báu.
- Tâm luôn nghĩ đến từ giã gia đình, làm Sa-môn vì để đạt được Chánh giác, đó là báu.
- Tâm luôn hướng về đạo, tự kiềm chế mình, phòng hộ các điều ác, đó là báu.
- Tâm biết đủ, làm người khác hoan hỷ, đó là báu.
- Với việc đời, tâm biết đủ, đó là không nhàm chán pháp, đó là báu.
- Tự hộ mình, tâm không theo đến nơi đông đảo ồn náo, đó là báu.
- Tâm không nhàm chán các công đức, với các tướng đầy đủ những vẻ đẹp, đó là báu.
- Tâm không nhàm chán trí tuệ, vì muốn quyết nghi cho mọi người, đó là báu.
- Tâm luôn nghĩ đến Phật vì không lìa Phật, đó là báu.
- Tâm luôn nghĩ đến pháp vì lời nói không lìa pháp, đó là báu.
- Tâm luôn nghĩ đến Tăng đạt được A-duy-việt-trí tăng, đó là báu.
- Tâm luôn nghĩ đến giới, không lìa hạnh Bồ-tát, đó là báu.
- Tâm luôn nghĩ đến bố thí, không tham tiếc thân mạng, đó là báu.
- Tâm luôn nghĩ đến cõi trời, liền nhập vào Nhất sinh bổ xứ, đó là báu.
- Tâm biết rõ bản tế, tìm hiểu các sở hữu, đó là báu.
- Tâm biết pháp vì không hoại Pháp thân, đó là báu.
- Làm việc gì, tâm đều biết đúng như việc ấy, biết rõ lời nói của chúng sinh, đó là báu.
- Tâm biết tự tại làm no đủ cho mọi người, đó là báu.
- Tâm được Đà-la-ni, nghe pháp rồi không hề quên mất, đó là báu.
- Tâm biết bổn pháp, hiểu rõ một cách tự nhiên, đó là báu.
- Tâm hộ tuệ, biết thức như huyễn, đó là báu.
- Tâm học rất kỹ, chắc chắn, do đó mà được giải thoát, việc làm không bị hoại, đó là báu.
- Tâm hộ pháp, muốn biết cái tự nhiên của con người, đó là báu.
- Tâm biết vô thường, khổ, sinh tử ở trong ba cõi mà không bị vướng mắc, đó là báu.
- Tâm quán các pháp đều không có ngã, không có người, đó là báu.
- Tâm nhập Nê-hoàn, nguồn gốc vốn tịch tĩnh, đó là báu.
- Tâm biết Không, Vô tướng, Vô nguyện. Đã giải thoát vượt qua gần đến cửa Nê-hoàn, đó là báu.
- Tâm không sinh, không chỗ sinh, không bị hoại, không bị diệt. Ai vượt qua khỏi các điều này thì được nhẫn, đó là báu.
- Tâm biết như huyễn, như mộng, như sóng nắng, như tiếng vang trong núi, như bong bóng trong nước, không kiên cố, không có sự mong cầu, đó là báu.
- Tâm vui vẻ, biết mười hai nhân duyên trừ bỏ đoạn tận, đó là báu.
- Tâm hiểu biết rất rõ, không tìm cầu, không rơi vào nhị biên, đó là báu.
- Tâm không tham dự vào cả hai vấn đề, dùng một vấn đề mà biết tất cả các pháp, đó là báu.
- Tâm đầy đủ các hạnh, không thoái lui, vượt qua các danh sắc, đó là báu.
- Tâm nhẹ dần vì đầy đủ các pháp, đó là báu.
- Tâm hòa hợp ba mươi bảy phẩm để vượt các pháp, đó là báu.
Đức Phật dạy Thuần-chân-đà-la:
–Nếu tu tập đầy đủ tám mươi điều thì chứng đắc Tam-muội Bảo Như Lai. Ai đã chứng đắc Tam-muội này thì không vướng mắc vào Đạo bảo và Dục bảo.
Sao gọi là Dục bảo?
Sao gọi là Đạo bảo?
–Dục bảo là sự tôn quý trong loài người, chư Thiên, Thích, Phạm, Tứ Thiên vương, Chuyển luân thánh vương. Người tôn quý như các bậc vương hầu, người tôn quý thì ở cõi trời hay cõi người cũng tự được tôn quý. Ai đã được như vậy thì không gì mạnh mẽ bằng và vui muốn được làm Bồ-tát. Đó gọi là Dục bảo.
–Đạo bảo là lấy pháp để giáo hóa thế tục. Lấy pháp gì để giáo hóa thế gian? Đó là lấy giáo pháp. Vì sao? Vì muốn làm việc gì cũng nhờ nơi trí tuệ. Tuệ là đạo pháp. Giống như các dòng nước đều chảy về biển cả. Như núi Tu-di cao quý nhất trong các núi. Trong các vì sao, ánh sáng của trăng là sáng nhất. Như mặt trời chiếu sáng chỗ tối tăm. Trong các loài thú, sư tử là mạnh nhất. Trong loài người, vua là trên hết. Ở cõi Đao-lợi, Đế Thích là trên hết. Như trong chúng Phạm, Phạm thiên là hơn cả. Do đó, tuệ tôn quý hơn các pháp, cho nên nói là vua trí tuệ.
Vì thế, ai muốn giải thoát thì nhờ trí tuệ mà được độ, vì đó là đạo an ổn. Giống như nơi tối tăm được sáng là nhờ có ngọn đuốc, là người mạnh mẽ thu phục quân ma, là y vương điều chế thuốc thang, là thầy hiểu rõ các việc. Như giương cung bắn, dù có xa mấy cũng trúng đích. Như lực sĩ dẫn binh đi đánh được chiến thắng, địch không ai toàn mạng. Còn như dùng trí tuệ phá trừ ngu tối thì chúng đều tận diệt. Vì sao? Vì khử trừ dứt mọi cấu uế.
Tâm bình đẳng không sai khác, không tranh cãi giành giật với người, không hại hay oán hận người, việc làm đều được hoàn toàn rốt ráo vì tuệ ấy trung thực, chất phác, làm việc gì đều chí thành, đó là nhất tâm.
Tất cả đều bình đẳng, đó là nhân duyên để đoạn trừ.
Đem Thần túc hòa hợp với các công đức, đó là căn bản.
Những việc làm theo sau, đó là lực.
Đối với vô trí cho là trí, đó là giác.
Chỉ con đường tắt cho người, đó là đạo.
Đã tịch tĩnh mà lại tịch tĩnh, hướng quán mà quán, muốn làm ánh sáng chiếu nơi tăm tối. Bóng tối hết rồi thì sáng. Vì ánh sáng ấy tự nhiên, không cấu bẩn, thanh tịnh trừ bỏ các ham muốn. Trừ bỏ ham muốn thì không còn thấy các cõi đã độ thoát. Nếu không còn các cõi thì bên trong đã tịch tĩnh, thông suốt các không vì thể nhập vào Không. Lìa các nẻo kiến chấp đó là Vô tướng. Không cầu tịch tĩnh là Vô nguyện.
Đã vượt qua ba cõi, vì tướng mà không có tướng đó là tướng. Tướng ấy bình đẳng với hư không. Vì sao? Vì vô cầu đó là Bố thí.
Vượt qua ngã sở chẳng phải là ngã sở, không còn mong cầu, đó là Giới.
Ngã không có chỗ trụ, đó là Nhẫn.
Không nắm bắt, không xả bỏ, đó là Tinh tấn.
Không tăng giảm, đó là Thiền.
Không biết xứ sở, đó là Tuệ.
Được thể nhập vào tất cả là đều do tuệ. Được rồi thì tương đắc với phương tiện thiện xảo, giống như mộng. Đã trang nghiêm bằng vô ngã thì mỗi hành động đều có công đức, lìa các nẻo trụ chấp.
Phật dạy Thuần-chân-đà-la:
–Đó là Tuệ bảo. Nếu Bồ-tát đầy đủ Tuệ bảo thì đạt được Tammuội Bảo Như Lai. Ví như biển cả dung chứa các dòng nước nên chữ “Bảo” do đây mà có. Bồ-tát nào đạt Tam-muội này thì dung nạp tất cả mọi người, là nơi tập hợp các pháp, là ánh sáng trong các báu, là nguồn gốc của các báu. Cho nên đối với Tam bảo, không thể biết hết được.
Bồ-tát Đề-vô-ly thưa:
–Vua Thuần-chân-đà-la có đạt được Tam-muội ấy không?
Phật dạy:
–Ông hãy đích thân đến hỏi Thuần-chân-đà-la ấy.
Bồ-tát Đề-vô-ly hỏi Thuần-chân-đà-la:
–Ông có chứng đắc Tam-muội ấy không?
Thuần-chân-đà-la trả lời:
–Tam-muội ấy không phải làm ra, đó là niệm trụ. Dù tôi chứng đắc, hay tôi không chứng đắc thì Tam-muội không có cái để chứng đắc.
Tam-muội ấy không có sắc nên không thể biết. Thọ, tưởng, hành, thức đều không thể biết.
Tam-muội ấy không thể dùng sắc để thấy, không thể nghe, không có tướng sinh, không có tướng tận, không có tướng có; đối với tướng và tướng của tướng không thể quán, không thể thấy. Nếu nói tôi có thể thấy, tôi có thể quán thì không phải là Tam-muội. Vì sao? Vì còn có tưởng về nhân duyên.
Tam-muội không có tưởng về nhân duyên, vì Tam-muội bình đẳng với pháp. Đã bình đẳng với pháp thì ngã cũng vậy. Tất cả mọi người bình đẳng với một người. Vì sao? Vì bình đẳng với tất cả không.
Tam-muội là tướng không, mọi người không có tưởng, nếu không có tưởng tức là tướng Tam-muội. Mọi người không có nguyện, không có nguyện là tướng Tam-muội. Mọi người đều thanh tịnh, đều thanh tịnh là tướng Tam-muội. Mọi người không có ngã, không có ngã là tướng Tam-muội. Không có thân, không có mềm mại, việc làm cũng không thể thủ đắc. Nếu nói tôi biết pháp, tôi thấy pháp thì đều không thể có. Vì vậy không thể theo sự hy vọng mà có được.
Bồ-tát Đề-vô-ly thưa Phật:
–Con thấy y phục của Thuần-chân-đà-la mặc là của thể nữ và kỹ nhạc. Vậy là dâm dật, không biết thể nhập vào pháp sâu xa vi diệu, mà lại nói là tự tại như pháp.
Phật dạy:
–Bồ-tát đã nhập vào tuệ sâu xa, rõ phương tiện thiện xảo. Đạo ấy không có gì mà không làm được. Thuần-chân đã cầm đàn đánh, ai cũng nghe tiếng đàn ấy, làm cho bảy mươi ức Chân-đà-la, ba mươi ức Kiền-đà-la, tám vạn bốn ngàn trời, người đi theo đều phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Bồ-đề.
Bồ-tát nhờ tuệ phương tiện thiện xao ấy mà liền được tiếng thơm vang lừng. Người ở địa vị tôn quý nhiều vô số nên làm nền tảng cho họ. Như người đốt lửa, nếu không bỏ thêm củi vào thì biết rằng không lâu lửa sẽ tắt.
Bồ-tát trụ một mình thì không thể làm gốc cho người, phải hòa hợp với người thì mới có thể làm lợi ích cho họ. Muốn làm cho lửa cháy lớn thì phải chất thêm củi vào. Cho nên để có ánh sáng lớn, Bồ-tát phải lấy người làm củi thì mới có ánh sáng lớn được.
Phật dạy:
–Người được Bồ-tát thọ nhận đều đã được đắc bổn.
Bồ-tát Đề-vô-ly thưa Phật:
–Thuần-chân-đà-la làm sao có thể đem những âm thanh kỹ nhạc để khiến người phát tâm cầu đạo quả Vô thượng Bồ-đề?
Đức Phật dạy:
–Vì Thuần-chân-đà-la, Kiền-đà-la đều thích kỹ nhạc nên lấy kỹ nhạc để làm cho họ vui, tất cả đều hoan hỷ.
Biết họ được vui vẻ rồi làm cho họ nghe tiếng Phật, nghe tiếng Pháp và nghe tiếng Tăng, khen ngợi Bồ-tát có đức cao quý; đem Nhất thiết trí huân tập vào tâm họ.
Chỉ cho họ nghe tiếng Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ, Từ bi, Ý chỉ, Ý đoạn, Thần túc, Căn, Lực, Giác, Đạo, hướng quán, duy vụ Tam-muội tam-ma-việt.
Nghe tiếng vô thường, khổ, vô ngã, tịch diệt; nghe tiếng không, vô tướng, vô tác, vô sinh, vô sở sinh, không sinh tử.
Nghe tiếng Đà-la-ni của Bồ-tát, Tam-muội Kim cương hạnh, Tam-muội Tịnh tạng chư pháp vương ấn hải ấn, Tam-muội Nhập nhất thiết chư pháp tự tứ chư pháp, Tam-muội Trang nghiêm, Tammuội Bảo Như Lai, Tam-muội Bảo tự nhiên, Tam-muội Tri thiền, Tam-muội Hoan hỷ, Tam-muội Linh địa tất tác liên hoa, Tam-muội Liên hoa tôn, Tam-muội Vô sở bất biến nhập, Tam-muội Kỳ ý sai đặc, Tam-muội Đại diện minh, Tam-muội Sư tử minh, Tam-muội Vô ương số nhân, Tam-muội Dĩ nhập bổn, Tam-muội Kim cương thự, Tam-muội Kim cương tràng phan, Tam-muội Nhược kim cương, Tam-muội Kim cương tế, Tam-muội Như địa, Tam-muội Nhược Tudi, Tam-muội Nhược kim cương trụ, Tam-muội Minh hoa, Tam-muội Kỳ tâm tự tứ, Tam-muội Tri nhất thiết nhập, Tam-muội Nhất thiết sở hành kỳ địa nhân thị, Tam-muội Thậm thâm toan, Tam-muội Khai minh, Tam-muội Tri nhất thiết nhân tâm hành, Tam-muội Sở lạc, Tam-muội Sinh tuần, Tam-muội Hàng phục chúng ma, Tam-muội Hiện chư sắc, Tam-muội Các nhập kỳ âm, Tam-muội Pháp hành, Tam-muội Tuệ địa thủ, Tam-muoi Địa thủ, Tam-muội Kiến đế sở hữu, Tam-muội Giải chư phược, Tam-muội Tắc nhập chư nhân duyên.