KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH CỨU CÁNH KIÊN CỐ VÀ MẬT NHÂN CỦA NHƯ LAI
VỀ CHƯ BỒ-TÁT VẠN HẠNH ĐỂ TU CHỨNG LIỄU NGHĨA

 KINH SỐ 945
  Hán dịch: Đời Đường, Thiên Trúc Sa Môn BÁT LẠT MẬT ĐẾ
  Việt dịch: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận

 

QUYỂN THỨ NĂM

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Tuy Như Lai đã thuyết giảng đệ nhị nghĩa môn, nhưng nay hãy quán sát về người cởi trói ở thế gian. Nếu họ chẳng biết nguyên gốc của chỗ bị buộc, thì con tin rằng người ấy sẽ không bao giờ có thể gỡ ra.

Bạch Thế Tôn! Con và những vị Hữu Học thuộc hàng Thanh Văn thì cũng lại như vậy. Từ vô thỉ, chúng con sanh ra trong vô minh và diệt mất trong vô minh. Mặc dù chúng con đa văn, có thiện căn, và còn được xuất gia, nhưng chúng con như những kẻ cách vài ngày lại bị sốt. Kính mong Như Lai đại từ mà thương xót cho những kẻ chìm đắm trong luân hồi. Làm sao thân và tâm của chúng con hôm nay bị siết buộc và chúng con phải gỡ trói từ đâu? Xin Thế Tôn hãy chỉ dạy và hầu cũng khiến cho những chúng sanh khổ nạn ở vị lai được thoát miễn luân hồi và không còn rơi vào ba cõi.”

Khi tác bạch xong, ngài Khánh Hỷ cùng toàn thể đại chúng cúi đầu đảnh lễ sát đất. Rồi Tôn Giả rơi lệ như mưa và thành tâm chờ đợi lời khai thị vô thượng của Đức Phật Như Lai.

Lúc bấy giờ Thế Tôn thương xót ngài Khánh Hỷ cùng những vị Hữu Học ở trong Pháp hội, và cũng vì hết thảy chúng sanh ở vị lai mà làm nhân xuất thế và làm con mắt cho tương lai. Đức Phật dùng bàn tay xoa lên đỉnh đầu của ngài Khánh Hỷ, và từ nơi đó phóng ra ánh sáng vàng tím như vàng ở dưới sông tại châu Thắng Kim. Lập tức khắp thế giới của chư Phật đều chấn động sáu cách. Số lượng Như Lai đang trụ thế nhiều như vi trần, mỗi vị phóng ra ánh sáng báu từ đỉnh đầu. Những ánh sáng đó đồng thời ở các thế giới kia chiếu đến Rừng cây Chiến Thắng và rót vào đỉnh đầu của Như Lai. Khi ấy toàn thể đại chúng được điều chưa từng có.

Tiếp đến Tôn giả Khánh Hỷ và các đại chúng đều nghe chư Như Lai trong mười phương nhiều như vi trần, dị khẩu đồng âm, bảo ngài Khánh Hỷ rằng:

“Lành thay, Khánh Hỷ! Ông muốn nhận biết vô minh đã sanh cùng lúc với ông, là căn gốc kết buộc đã khiến ông luân chuyển trong sanh tử, chính là sáu căn của ôngkhông có vật nào khác. Ông lại muốn biết Đạo vô thượng để khiến ông mau chứng giải thoát an lạc, tịch tĩnh vi diệu và thường hằng, thì cũng sẽ do sáu căn của ôngkhông có vật nào khác.”

Tôn giả Khánh Hỷ tuy nghe Pháp âm như thế, nhưng tâm vẫn chưa hiểu.

Ngài cúi đầu và bạch Phật rằng:

“Làm sao sáu căn này mà không phải bất cứ vật nào khác, đã khiến con sanh tử luân hồi mà đồng thời cũng sẽ giúp con được an lạc vi diệu thường hằng?”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Căn và trần đồng đến từ một nguồn gốc. Giải thoát và trói buộc chẳng phải hai. Tánh của thức là hư vọng và tựa như hoa đốm.

Này Khánh Hỷ! Do bởi các trần mà phát khởi tri kiến, và nhân bởi các căn mà có tướng. Tướng và tri kiến đều chẳng có tự tánh. Chúng phụ thuộc lẫn nhau, tựa như cỏ lau đan siết với nhau. Cho nên ông nay dựa vào tri kiến để nhận biết, nhưng nó chính là gốc của vô minh. Nếu nhận biết tri kiến vốn không thì chính là chân tánh thanh tịnh, tịch diệt vô lậu. Tại sao ông lại chứa thêm vật khác vào trong chân tánh chứ?”

Lúc bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa lý ở trên nên nói kệ rằng:

“Hữu vi rỗng không trong chân tánh
Do từ duyên sanh nên như huyễn
Vô vi vô khởi bất sanh diệt
Nhưng cũng chẳng thật như hoa đốm

Giảng nói hư vọng để hiển chân
Nhưng vọng lẫn chân đều hư vọng
Bởi chân và vọng vốn phi chân
Năng kiến sở kiến làm sao có?

Ở giữa hai chúng không thật tánh
Cho nên đan siết như cỏ lau
Trói buộc giải thoát đồng sở nhân
Thánh nhân phàm phu chẳng hai lối

Ông hãy quán sát trong tánh siết
không cả hai đều chẳng phải
Si mê tối tăm tức vô minh
Phát huy diệu minh liền giải thoát

Tháo gút cần phải theo thứ tự
Khi sáu đã gỡ một cũng vong
Tuyển chọn một căn đắc viên thông
Bước vào dòng thánh thành chánh giác

Như Lai tịnh thức rất vi tế
Tập khí kết thành dòng chảy xiết
Chân với phi chân e sẽ mê
Nên Ta hiếm nói về điều ấy

Khi tâm của ông giữ tâm ông
Phi huyễn sẽ thành pháp huyễn hóa
Huyễn và phi huyễn chẳng nắm giữ
Phi huyễn mà còn chẳng sanh ra
Huống là huyễn pháp sao thành lập?

Pháp này gọi là diệu liên hoa
Kim cang kiên cố bảo giác vương
Như Huyễn Chánh Định ai tu hành
Thoáng khảy móng tay vượt Vô Học

Đây là diệu Pháp không gì sánh
Chư Phật Như Lai khắp mười phương
Một đường thẳng đến tịch diệt môn”

Khi ngài Khánh Hỷ và các đại chúng nghe được bài kệ giáo hối từ bi vô thượng của Đức Phật Như Lai, kết hợp với diệu lý thanh tịnh oánh triệt, mắt tâm của họ mở sáng và tán thán là điều chưa từng có.

Ngài Khánh Hỷ chắp tay đảnh lễ, rồi thưa với Phật rằng:

“Nhờ lòng đại bi vô tận của Phật mà con nay nghe được Pháp cú chân thật về tánh tịnh diệu thường hằng. Tuy nhiên, tâm con vẫn chưa thông đạt phương pháp thứ tự tháo gút và khi sáu đã gỡ ra thì một cũng sẽ tiêu vong. Kính mong Thế Tôn rủ lòng đại từ mà xót thương chúng hội này thêm một lần nữa và cũng như chúng sanh ở vị lai, xin hãy ban thí Pháp âm để tẩy trừ cáu bẩn của trầm luân.”

Bấy giờ Như Lai vẫn đang ngồi ở trên tòa sư tử, Ngài chỉnh sửa áo trong và đại y khoác ở ngoài, rồi đưa tay tới cái bàn bảy báu ở trước mặt để lấy tấm khăn choàng hoa văn mà một vị thiên thần ở trời Thiện Thời đã dâng lên.

Ở trước đại chúng, Thế Tôn buộc nó thành một nốt gút, rồi chỉ cho ngài Khánh Hỷ thấy và bảo rằng:

“Đây là gì?”

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng đều thưa với Phật rằng:

“Dạ đó là một nốt gút.”

Tiếp đến Như Lai buộc thành một nốt gút khác chồng lên ở tấm khăn choàng hoa văn và lại bảo ngài Khánh Hỷ:

“Và đây là gì?”

Ngài Khánh Hỷ và đại chúng lại thưa với Phật rằng:

“Dạ đó cũng là một nốt gút khác.”

Lần lượt như vậy, Đức Phật tổng cộng buộc thành sáu gút chất chồng lên ở tấm khăn choàng hoa văn.

Mỗi nốt gút khi đã buộc xong, Ngài đều cầm lên và hỏi ngài Khánh Hỷ rằng:

“Và đây là gì?”

Mỗi lần như thế, ngài Khánh Hỷ và đại chúng cùng đều thưa với Phật rằng:

“Dạ đó cũng là một nốt gút khác.”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Khi Ta buộc nốt gút đầu tiên ở tấm khăn choàng, ông nói là một nốt gút. Ngay từ đầu, tấm khăn choàng hoa văn thật sự chỉ là một tấm khăn. Cho đến lần thứ nhì và thứ ba, tại sao các ông đều gọi là một nốt gút khác?”

Ngài Khánh Hỷ bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Mặc dù tấm khăn choàng hoa văn quý báu này được dệt thành và nó vốn là một vật, nhưng theo sự suy nghĩ của con khi Như Lai buộc nó lại thì đó gọi là một nốt gút. Cho dù Thế Tôn buộc nó 100 lần thì chúng con vẫn mãi gọi đó là 100 nốt gút. Hà huống chỉ có sáu nốt gút ở tấm khăn này. Đức Phật đã không buộc thành nốt gút thứ bảy và cũng không dừng lại ở nốt gút thứ năm. Thế thì tại sao Như Lai chỉ thừa nhận nốt gút thứ nhất nhưng phủ nhận nốt gút thứ nhì và thứ ba?”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Ông biết tấm khăn choàng hoa văn quý báu này vốn chỉ là một tấm khăn. Khi Ta buộc nó sáu lần thì gọi là có sáu nốt gút. Ông hãy quán sát tường tận, thể của tấm khăn thì giống nhau, nhưng nhân bởi thắt gút mà ông nói rằng nó có sai khác. Ý ông nghĩ sao? Khi Ta buộc thành nốt gút đầu tiên thì ông gọi là nốt gút thứ nhất. Ta nay muốn mang nốt gút thứ sáu để trở thành nốt gút thứ nhất có được chăng?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn! Do bởi có sáu nốt gút, chúng ta vĩnh viễn không thể gọi nốt gút thứ sáu là nốt gút thứ nhất được. Suốt đời con chuyên chú vào sự học hỏi và biện luận, làm sao có thể khiến con lẫn lộn tên gọi của nốt gút thứ sáu và thứ nhất chứ?”

Đức Phật bảo:

“Như thị! Sáu nốt gút chẳng giống nhau. Bây giờ chúng ta hãy thứ tự nhìn lại nguồn gốc hình thành của chúng. Chúng đều do một tấm khăn tạo thành và dù muốn khiến chúng tạp loạn chẳng theo thứ tự thì vĩnh viễn không thể được. Sáu căn của ông thì cũng lại như vậy. Ở trong một cứu cánh, sự khác biệt tất sẽ khởi sanh.”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Giả sử ông chẳng thích sáu nốt gút ở trong tấm khăn choàng mà chỉ muốn nó là một tấm khăn dài. Thế thì làm sao sẽ được?”

Ngài Khánh Hỷ thưa rằng:

[Thưa Thế Tôn!] Những nốt gút này vẫn còn thì sẽ tự nhiên sanh khởi trái phải ở trong đó. Nốt gút này chẳng phải là nốt gút kia, hoặc nốt gút kia chẳng phải là nốt gút này. Nhưng nếu Như Lai hôm nay giải trừ tất cả và không còn nốt gút nào, thì sẽ chẳng có sự phân biệt đây kia. Tên gọi của nốt gút thứ nhất mà còn chẳng có, huống nữa là nốt gút thứ sáu ư?”

Đức Phật bảo:

“Khi sáu đã gỡ ra và một sẽ tiêu vong thì cũng lại như vậy. Do sự cuồng loạn về tâm tánh của ông từ vô thỉ nên tri kiến hư vọng phát sanh và những sự phát sanh hư vọng này chưa từng thôi nghỉ. Sự căng thẳng đè lên nhận biết thì sẽ phát khởi trần cảnh. Đây ví như cứ nhìn trừng mắt đến hồi lâu tức sẽ có hoa đốm. Ở giữa tánh trạm nhiên tinh nguyên minh liễu, sự cuồng loạn khởi sanh mà chẳng do nguyên nhân. Tất cả vạn vật trên thế gian, sơn hà đại địa, và cũng như sanh tử tịch diệt đều chỉ là do căng thẳng cuồng loạn điên đảo và chúng tựa như hoa đốm.”

Ngài Khánh Hỷ bạch rằng:

“Sự căng thẳng này giống như những nốt gút. Làm sao giải trừ nó đây?”

Khi ấy Như Lai dùng tay kéo những nốt gút ở tấm khăn choàng về bên trái, rồi hỏi ngài Khánh Hỷ rằng:

“Có phải tháo ra như thế chăng?”

“Dạ không, thưa Thế Tôn!”

Đức Phật lại dùng tay kéo những nốt gút về bên phải, rồi cũng hỏi ngài Khánh Hỷ rằng:

“Có phải tháo ra như thế chăng?”

Dạ không, thưa Thế Tôn!

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Ta nay đã dùng tay kéo những nốt gút về bên trái và phải, nhưng Ta vẫn không thể tháo ra. Ông có cách nào để tháo gút chăng?”

Ngài Khánh Hỷ thưa với Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn! Ngài phải tháo ra từ ở giữa mỗi nốt gút thì mới nới lỏng chúng được.”

Phật bảo ngài Khánh Hỷ:

“Như thị, như thị! Nếu ai muốn cởi gút thì họ phải tháo ra từ ở giữa mỗi gút.

Này Khánh Hỷ! Ta thuyết giảng Phật Pháp từ nhân duyên sanh, nhưng các Pháp này không phải nắm lấy từ tướng hòa hợp thô kệch của thế gian. Như Lai hiển thị rõ pháp thế gian và Pháp xuất thế gian. Ta biết bổn nhân của chúng tùy theo duyên mà sanh ra. Thậm chí cho đến có bao nhiêu giọt nước mưa đang rơi ở thế giới cách xa các thế giới nhiều như số cát sông Hằng, Ta cũng biết được. Ta đều thấu hiểu nguyên do của muôn sự việc ở hiện tiền, như là vì sao cây tùng thẳng đứng, gai góc uốn cong, chim ngỗng màu trắng, hay chim quạ màu đen.

Cho nên, Khánh Hỷ! Ông hãy lựa chọn kỹ càng từ một căn ở trong sáu căn. Nếu ông gỡ nốt gút của căn đó thì trần tướng của nó sẽ tự động diệt trừ và những hư vọng liền tiêu tan. Vậy những gì còn lại sao không thể là chân thật chứ?

Này Khánh Hỷ! Bây giờ Ta hỏi ông, làm sao chúng ta có thể đồng thời tháo gỡ hết sáu nốt gút ở chiếc khăn choàng bông gòn này?”

“Không thể, thưa Thế Tôn! Do những nốt gút này được buộc theo thứ tự, nên bây giờ chúng cần phải gỡ ra theo thứ tự. Mặc dù sáu nốt gút ở cùng một chiếc khăn choàng, nhưng chúng được buộc ở mỗi thời điểm khác nhau. Vì vậy làm sao mà có thể đồng thời gỡ ra hết được chứ?”

Đức Phật bảo:

“Giải trừ sáu căn thì cũng lại như vậy. Một khi căn đầu tiên được gỡ ra, họ trước tiên sẽ hiểu rằng ngã là không. Một khi hiểu rõ thấu triệt không tánh, họ sẽ có thể giải thoát khỏi các pháp. Một khi đã giải thoát khỏi các pháp, thì cả ngã lẫn pháp đều không và chẳng còn sanh nữa. Đây gọi là Bồtát từ chánh định mà được Vô Sanh Nhẫn.”

Khi ngài Khánh Hỷ và các đại chúng tiếp thọ lời khai thị của Phật, họ được tuệ giác viên thông và không còn hoài nghi.

Bấy giờ ngài Khánh Hỷ chắp tay, rồi đảnh lễ với trán chạm sát đôi chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Hôm nay thân tâm của chúng con tỏa sáng và mau được sự hiểu biết vô ngại. Mặc dù chúng con giác ngộ về ý nghĩa khi sáu đã gỡ ra thì một sẽ tiêu vong, nhưng vẫn chưa thấu rõ căn nào sẽ dẫn chúng con đạt đến viên thông.

Thưa Thế Tôn! Chúng con phiêu dạt trong sanh tử đến nhiều kiếp như kẻ xin ăn cô độc. Chúng con không bao giờ lại ngờ rằng mình sẽ gặp được Phật và có quan hệ mật thiết với Ngài? Chúng con như các đứa trẻ thất lạc hốt nhiên gặp lại mẹ hiền. Do nhân ấy mà chúng con có cơ hội thành Đạo. Nhưng lời mật ngôn mà chúng con nghe được lại đồng như giác ngộ căn bổn. Như thế với việc chưa hề nghe chẳng có khác biệt gì. Kính mong Thế Tôn rủ lòng đại bi mà huệ thí cho con Pháp bí mật uy nghiêm và đó sẽ là lời khai thị tối hậu của Như Lai.”

Khi nói lời ấy xong, ngài cúi đầu đảnh lễ sát đất và lui xuống, rồi ẩn tàng vào tâm bí mật và hy vọng Đức Phật sẽ mật truyền cho ngài.

Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo toàn thể chư đại Bồtát và những vị đại Ứng Chân với các lậu đã tận ở trong chúng hội rằng:

“Chư Bồtát và những vị Ứng Chân các ông đây đã sanh trưởng trong Pháp của Ta và được thành bậc Vô Học. Ta bây giờ hỏi các ông. Khi phát khởi Đạo tâm lúc tối sơ, cái nào trong 18 giới mà các ông đã sử dụng để chứng viên thông, và từ phương tiện nào mà vào chánh định?”

[1] Bấy giờ Tôn giả Giải Bổn Tế và những vị khác ở trong nhóm năm vị Bhikṣu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Khi ở vườn Nai và vườn Gà, chúng con đã nhìn thấy Như Lai thành Đạo ở lúc ban sơ. Khi nghe âm thanh của Phật, chúng con liền giác ngộ Bốn Thánh Đế. Bấy giờ Đức Phật hỏi các vị Bhikṣu, và con là người liễu giải đầu tiên. Như Lai ấn chứng và đặt tên cho con là Giải. Âm thanh vi diệu bí mật đã hiển lộ khắp nơi đến con. Do từ thanh âm mà con được thành bậc Ứng Chân.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, quán sát âm thanh là phương pháp đệ nhất.”

[2] Bấy giờ Tôn giả Trần Tánh liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Con cũng thấy Đức Phật thành Đạo ở lúc ban sơ. Con quán tướng bất tịnh và sanh tâm nhàm chán vô cùng. Con giác ngộ rằng các sắc tánh khởi sanh từ bất tịnh. Xương trắng trở thành vi trần và tan biến trong hư không. Do con hiểu rằng hư không và hình sắc đều chẳng thật sự tồn tại nên thành tựu Đạo Vô Học. Như Lai ấn chứng và đặt tên cho con là Trần Tánh. Hình sắc vi diệu bí mật đã hiển lộ khắp nơi đến con. Do từ sắc tướng mà con được thành bậc Ứng Chân.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, quán sát hình sắc là phương pháp đệ nhất.”

[3] Bấy giờ Đồng tử Hương Nghiêm liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Khi nghe Như Lai chỉ dạy rằng, con nên quán sát tường tận về các tướng hữu vi. Sau đó con từ biệt Phật và ẩn tu ở một nơi thanh tịnh yên tĩnh. Con quán sát khi các vị Bhikṣu thắp hương trầm thủy, mùi hương của nó lặng lẽ vào trong lỗ mũi. Con quán sát nguồn cội của mùi hương này chẳng phải từ gỗ, chẳng phải từ hư không, chẳng phải từ khói, và cũng chẳng phải từ lửa. Nó chẳng từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu. Do đó ý thức tiêu vong và vô lậu phát huy. Như Lai ấn chứng và đặt tên cho con là Hương Nghiêm. Mặc dù mùi hương hốt nhiên diệt mất, nhưng diệu hương bí mật đã hiển lộ khắp nơi đến con. Do từ hương thơm diệu nghiêm mà con được thành bậc Ứng Chân.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, quán sát hương thơm là phương pháp đệ nhất.”

[4] Bấy giờ hai vị Pháp Vương Tử là Dược Vương Bồtát và Dược Thượng Bồtát cùng với 500 Phạm Thiên đang ở tại chúng hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Từ vô thỉ kiếp, chúng con đã làm lương y ở thế gian. Trong miệng của chúng con đã nếm qua cỏ cây và kim thạch ở Thế giới Kham Nhẫn. Tổng số có đến 108.000 loại. Chúng con đều biết vị nếm của mỗi thứ, như là đắng, chua, mặn, lạt, ngọt, hoặc cay. Chúng con cũng đều biết tất cả đặc tánh khi chúng hòa hợp và phát sanh biến dị, như là nóng lạnh, có độc hay vô độc.

Giữa lúc phụng sự Như Lai, chúng con thấu hiểu rằng tánh của vị nếm chẳng phải không, chẳng phải có, chẳng phải từ căn lưỡi hay thức của lưỡi, chẳng phải lìa khỏi căn lưỡi hay thức của lưỡi. Nhân do phân biệt giữa các vị nếm mà chúng con được khai ngộ. Như Lai ấn chứng và đặt tên cho hai anh em chúng con là Dược Vương Bồtát và Dược Thượng Bồtát. Bây giờ ở giữa đại chúng, chúng con là hai vị Pháp Vương Tử. Nhân bởi vị nếm mà chúng con giác ngộ và thăng lên quả vị của Bồtát.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của chúng con, quán sát vị nếm là phương pháp đệ nhất.”

[5] Bấy giờ ngài Hiền Hộ và những vị khác ở trong nhóm 16 vị Khai Sĩ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Khi nghe Pháp của Đức Phật Uy Âm Vương ở thuở xưa, chúng con liền theo Ngài xuất gia. Vào lúc chư Tăng tắm gội, con cũng theo tục lệ mà vào nhà tắm. Nhân hốt nhiên tiếp xúc với nước, con ngộ rằng nước không tẩy trừ bụi bặm và cũng không tẩy rửa thân thể của con. Giữa lúc ấy, con được an nhiên và hiểu rằng chẳng có gì hết.

Kể từ đó, con không hề quên mất những việc đã xảy ra và cho đến đời hiện tại. Nhân do theo Phật xuất gia nên con trở thành bậc Vô Học. Đức Phật kia đã đặt tên cho con là Hiền Hộ. Xúc chạm vi diệu đã hiển lộ khắp nơi đến con và con trở thành một người con của Phật.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, quán sát xúc chạm là phương pháp đệ nhất.”

[6] Bấy giờ Tôn giả Đại Ẩm Quang cùng với Bhikṣuṇī Tử Kim Quang và những vị khác, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Khi Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng xuất hiện ở thế gian vào kiếp xưa trong thế giới này, con có cơ hội được thân cận, nghe Pháp, và tu học. Sau khi Đức Phật ấy diệt độ, con cúng dường xálợi, thắp đèn và để cháy sáng liên tục. Con lại mạ vàng hình tượng Phật và làm cho nó tỏa sáng với màu vàng tím. Từ đó về sau, đời đời sanh ra, thân con luôn hoàn chỉnh và tỏa sáng màu vàng tím. Bhikṣuṇī Tử Kim Quang cùng với những vị khác là quyến thuộc của con và tất cả đồng thời phát khởi Đạo tâm.

Con quán sát sự biến hoại của pháp trần thế gian. Duy chỉ tu hành quán sát rỗng không và vắng lặng của những pháp trần này mà con vào diệt tận định. Thân và tâm của con có thể vượt qua trăm ngàn kiếp mà giống như thời gian chừng khảy móng tay. Do con quán sát không pháp nên trở thành bậc Ứng Chân. Thế Tôn cũng ngợi khen con là vị tu khổ hạnh đệ nhất. Pháp trần vi diệu đã hiển lộ đến con và con trừ sạch các lậu.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, quán sát pháp trần là phương pháp đệ nhất.”

[7] Bấy giờ Tôn giả Vô Diệt liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Lúc mới xuất gia, con rất thích ham ngủ. Như Lai quở trách con chẳng khác nào như loài súc sanh. Khi nghe Phật quở trách, con khóc lóc tự trách đến bảy ngày chẳng ngủ nên khiến đôi mắt bị mù.

Thế Tôn thương xót nên đã khai thị cho con về Nhạo Kiến Chiếu Minh Kim Cang Chánh Định. Sau khi tu tập, con không cần nhờ con mắt mà vẫn có thể nhìn thấy thông suốt rõ ràng mọi thứ khắp mười phương, như nhìn trái xoài trong lòng bàn tay. Do đó con trở thành bậc Ứng Chân và được Như Lai ấn chứng.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, xoay ngược căn mắt và tìm về nguồn cội là phương pháp đệ nhất.”

[8] Bấy giờ Tôn giả Tiểu Lộ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Con có trí nhớ kém cỏi và lại không có căn tánh đa văn. Lúc vừa mới gặp Phật nghe Pháp rồi xin xuất gia, suốt 100 ngày con cố gắng ghi nhớ một câu kệ của Như Lai. Khi nhớ được câu đầu thì quên câu sau. Nhớ được câu sau thì lại quên câu trước.

Phật thương xót con tối dạ nên đã dạy con hãy tìm một nơi vắng vẻ để điều hòa hơi thở ra vào. Lúc ấy con quán sát hơi thở từng li từng tí cho đến khi con có thể phân biệt ở mỗi niệm sanh trụ dị diệt của các hành. Hoát nhiên tâm con hoàn toàn chẳng bị ngăn ngại, cho đến được lậu tận và thành tựu Đạo Ứng Chân. Thế Tôn ấn chứng cho con thành bậc Vô Học và được đứng ở dưới Pháp tòa của Phật.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, quán sát rỗng không của hơi thở là phương pháp đệ nhất.”

[9] Bấy giờ Tôn giả Ngưu Tướng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Ở kiếp quá khứ con đã tạo nghiệp xấu qua lời nói. Con đã khinh miệt người xuất gia. Thế nên đời đời sanh ra, con bị một chứng bệnh, khiến con nhai thức ăn giống như bò nhai cỏ. Như Lai khai thị cho con về tâm địa Pháp môn của một vị thanh tịnh. Nhờ đó vọng tâm dừng nghỉ và con vào chánh định. Rồi con quán sát và nhận biết vị nếm chẳng phải đến từ căn lưỡi hay từ vật nếm. Ứng theo tâm niệm, con liền siêu vượt các lậu của thế gian. Con thoát khỏi thân tâm ở trong, bỏ lại thế giới ở ngoài, và rời xa ba cõi như chim sổ lồng. Do con tách lìa cấu nhiễm và tiêu trừ trần lao nên được Pháp nhãn thanh tịnh và trở thành bậc Ứng Chân. Như Lai đích thân ấn chứng rằng con đã thăng lên Đạo Vô Học.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, chuyển vị giác ra khỏi vật nếm để trở về lại chính nó là phương pháp đệ nhất.”

[10] Bấy giờ Tôn giả Dư Tập liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Sau khi sơ phát khởi Đạo tâm, con theo Phật vào Đạo. Rất nhiều lần con nghe Như Lai nói rằng, những việc ở thế gian đều chẳng thể an vui. Đang giữa lúc tư duy Pháp môn này khi đi khất thực trong thành của một ngày nọ, con bất giác đạp trúng gai độc ở trên đường nên khiến toàn thân đau nhức. Con liền quán sát cảm giác đó. Con nhận biết sự đau đớn khổ xiết, nhưng con cũng nhận biết cái cảm giác của đau đớn. Nhờ đó con hiểu rằng ở trong tâm thanh tịnh thì không có đau đớn hay cảm giác của đau đớn. Con lại tư duy thêm: làm sao chỉ một thân mà có hai cảm giác? Khi con thu nhiếp niệm đó chẳng bao lâu thì thân tâm hốt nhiên rỗng không. Suốt 21 ngày tiếp theo, các lậu của con dần dần trừ tận và cuối cùng trở thành bậc Ứng Chân. Như Lai đích thân ấn chứng rằng con đã thăng lên Đạo Vô Học.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, thanh tịnh xúc giác cho đến khi quên hẳn có thân là phương pháp đệ nhất.”

[11] Bấy giờ Tôn giả Thiện Hiện liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Từ kiếp lâu xa về trước, tâm con đã được vô ngại và tự nhớ biết vô số đời thọ sanh nhiều như số cát sông Hằng. Dù ở trong thai mẹ, con cũng nhớ biết tịch tĩnh của không. Như vậy cho đến mọi thứ khắp mười phương cũng là không, và con cũng làm cho các chúng sanh chứng đắc không tánh. Nhờ được Như Lai hiển lộ rằng tánh của giác là chân không và tánh của không là viên minh, nên con đắc Đạo Ứng Chân. Con lập tức vào biển chân không sáng báu của Như Lai và đồng với tri kiến của Phật. Thế Tôn ấn chứng rằng con đã thành tựu Đạo Vô Học và là vị bậc nhất đã đạt đến giải thoát qua tánh không.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, các tướng đều rỗng không, cái biết về rỗng không và sự hiểu biết về rỗng không đều tan biến, xoay chuyển muôn pháp trở về không là phương pháp đệ nhất.”

[12] Bấy giờ Tôn giả Thu Lộ Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Từ kiếp lâu xa về trước, con đã thanh tịnh thức của mắt. Do đó vô số đời thọ sanh nhiều như số cát sông Hằng, con chỉ cần nhìn một lần là thông suốt không ngăn ngại về muôn sự biến hóa của pháp thế gian và Pháp xuất thế gian. Thuở xưa con đã gặp hai anh em Ẩm Quang ở giữa đường và con đã đi theo. Lúc ấy họ giải thích cho con về lý nhân duyên. Nhờ đó con giác ngộ về vô biên của tâm và theo Phật xuất gia. Sau đó thị giác của con được viên minh, chẳng còn sợ hãi bất cứ điều gì, và trở thành bậc Ứng Chân. Con được làm trưởng tử của Phật, sanh ra từ miệng của Phật, và hóa sanh từ Pháp.

Phật hỏi về viên thông. Nhân qua sự chứng đắc của con, thức của mắt phát ra ánh sáng và khi ánh sáng đó đến tột cùng, nó sẽ chiếu soi tri kiến của Như Lai. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[13] Bấy giờ Phổ Hiền Bồtát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Con đã từng làm Pháp Vương Tử cho chư Như Lai nhiều như cát sông Hằng. Đối với những đệ tử với căn tánh Bồtát, mười phương Như Lai đều dạy tu hạnh Phổ Hiền, là Pháp môn được đặt từ tên gọi của con.

Thưa Thế Tôn! Với thức của tai, con có thể phân biệt tri kiến của mỗi chúng sanh. Cho dù tại thế giới cách xa số lượng thế giới ở phương khác nhiều như số cát sông Hằng, nếu trong tâm của bất kỳ chúng sanh nào phát khởi hạnh Phổ Hiền. Lúc bấy giờ con sẽ phân ra trăm ngàn hóa thân, cưỡi voi trắng sáu ngà và đều đến nơi đó. Cho dù chúng sanh kia có nghiệp chướng thâm trọng nên chưa có thể thấy con, con cũng sẽ âm thầm xoa đỉnh đầu của người đó, ủng hộ an ủi và khiến họ thành tựu.

Phật hỏi về viên thông. Như con đã trình bày về bổn nhân tu hành của mình, tâm con lắng nghe rõ ràng và phân biệt tự tại. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[14] Bấy giờ Tôn giả Diễm Hỷ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Lúc mới xuất gia và theo Phật vào Đạo, tuy con đầy đủ giới luật, nhưng khi muốn vào chánh định thì tâm luôn tán loạn. Do vậy mà con vẫn chưa được vô lậu. Sau đó Thế Tôn đã dạy con và Bhikṣu Đại Tất về cách quán sát điểm trắng ở trên sống mũi. Trải qua 21 ngày quán sát tường tận, con thấy hơi thở ở trong lỗ mũi ra vào tựa như làn khói. Thân và tâm của con phát sáng bởi quang minh từ bên trong, rồi nó chiếu soi cùng khắp thế giới. Mọi thứ biến thành thanh tịnh trong suốt giống như lưu ly. Làn khói ở lỗ mũi dần dần tinh lọc cho đến khi trở thành màu trắng. Khi ấy tâm con được khai ngộ và dứt sạch các lậu. Hơi thở ra và hơi thở vào của con chuyển hóa thành quang minh và chiếu sáng khắp các thế giới trong mười phương. Sau đó con đắc Đạo Ứng Chân. Thế Tôn cũng thọ ký con sẽ thành Đạo ở vào đời vị lai.

Phật hỏi về viên thông. Con tinh lọc hơi thở cho đến khi nó phát ra ánh sáng, và khi quang minh chiếu khắp thì các lậu diệt trừ. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[15] Bấy giờ Tôn giả Mãn Từ Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Từ kiếp lâu xa về trước, con đã được biện tài vô ngại. Khi tuyên thuyết khổ và không, con có thể thông đạt thâm sâu vào thật tướng. Như vậy cho đến Pháp môn bí mật của chư Như Lai nhiều như cát sông Hằng, con có thể khai thị nghĩa lý vi diệu ở giữa đại chúng mà chẳng hề sợ hãi.

Biết con có đại biện tài, Thế Tôn chỉ dạy con hãy dùng âm thanh để tuyên dương Chánh Pháp. Và kể từ đó con theo Phật trợ chuyển Pháp luân. Với lời thuyết giảng như sư tử hống, con trở thành bậc Ứng Chân. Thế Tôn cũng ấn chứng con là vị thuyết Pháp đệ nhất.

Phật hỏi về viên thông. Con dùng Pháp âm để hàng phục ma oán và tiêu diệt các lậu. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[16] Bấy giờ Tôn giả Cận Thủ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Con là người đích thân hộ tống Phật vượt thành để đi xuất gia. Con tận mắt thấy Như Lai siêng tu khổ hạnh suốt sáu năm. Con tự mình thấy Như Lai hàng phục chúng ma, chế phục ngoại đạo, và giải thoát khỏi tham dục cùng các lậu của thế gian.

Nương vào giới luật của Phật đã dạy, con dần dần đầy đủ 3.000 uy nghi và 80.000 hạnh vi tế. Ba tánh nghiệp [nghiệp thiện, nghiệp ác, nghiệp chẳng thiện chẳng ác] và giới cấm thảy đều thanh tịnh. Do đó thân tâm tịch diệt và trở thành bậc Ứng Chân. Giờ đây con là vị giới sư ở trong đại chúng của Như Lai. Thế Tôn đích thân ấn chứng rằng con trì giới với thân lẫn tâm, và được đại chúng tôn là bậc nhất.

Phật hỏi về viên thông. Con gìn giữ thân nghiệp cho đến khi thân con được tự tại. Kế đến con gìn giữ tâm ý cho đến khi tâm con được thông đạt. Sau đó thân và tâm của con thảy đều thông suốt. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[17] Bấy giờ Tôn giả Đại Thải Thúc Thị liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Thuở xưa khi con đang trên đường đi khất thực thì gặp ba anh em Ẩm Quang, gồm có Mộc Qua Lâm Ẩm Quang, Thành Ẩm Quang, và Hà Ẩm Quang. Họ đã tuyên giảng về nghĩa lý thâm sâu của nhân duyên. Con lập tức phát khởi Đạo tâm và được thông suốt hoàn toàn. Khi được Như Lai từ bi thu nhận, Pháp y hốt nhiên khoác lên thân và râu tóc của con tự rụng. Bây giờ con có thể du hành đến khắp mười phương mà chẳng gì có thể ngăn ngại. Với thần thông hiển lộ, con đạt đến vô thượng và trở thành bậc Ứng Chân. Chẳng riêng Thế Tôn mà chư Như Lai trong mười phương cũng ngợi khen thần lực của con là viên minh thanh tịnh và tự tại vô úy.

Phật hỏi về viên thông. Con xoay ngược thức tâm để trở về chân tâm trạm nhiên. Như thế quang minh của tâm con sẽ chiếu sáng và hiển lộ dòng chảy ô trược, rồi lâu dần nó sẽ trở thành thanh tịnh óng ánh. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[18] Bấy giờ Hỏa Đầu Kim Cang Lực Sĩ đến trước Như Lai, chắp tay, rồi đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Nhớ lại nhiều kiếp xa xưa về trước, con có tánh tham dục rất nặng nề. Lúc ấy có một Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Không Vương. Ngài nói rằng một đám lửa hừng hực sẽ hình thành ở bên trong của những ai nhiều dâm dục. Ngài dạy con quán sát những dòng khí nóng lạnh chảy dọc theo khắp đốt xương và tứ chi. Khi đó một ánh sáng thần diệu ngưng tụ ở bên trong và chuyển hóa tâm dâm dục nặng nề của con để trở thành lửa trí tuệ. Kể từ ấy, chư Phật đều gọi con là Hỏa Đầu. Do năng lực của Hỏa Quang Chánh Định mà con trở thành bậc Ứng Chân.

Sau đó con phát đại nguyện rằng:

‘Hễ khi nào có ai thành tựu Phật Đạo, con sẽ làm lực sĩ hộ vệ và đích thân hàng phục ma oán.’

Phật hỏi về viên thông. Con quán sát tỉ mỉ những nơi ấm ở trong thân thể của con cho đến khi chúng lưu thông không trở ngại. Rồi khi các lậu đã tiêu vong, ở trong tâm con sanh ra một ánh sáng báu rực rỡ và thắp sáng con đường vô thượng giác. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[19] Bấy giờ Trì Địa Bồtát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Nhớ lại vào thuở xưa khi Phổ Quang Như Lai xuất hiện ở thế gian, con từng là một vị Bhikṣu. Ở tất cả đại lộ, bến đò, con đường ra đồng, hoặc những lối đi hiểm trở mà bị hư hoại và có thể gây thương tổn đến ngựa với xe, con đều làm cho bằng phẳng và vác cát với đất để sửa sang, hoặc có lúc con xây cầu. Trải qua vô lượng chư Phật xuất hiện ở thế gian, con siêng làm những việc khổ nhọc như thế. Hoặc nếu có ai ở trước cổng chợ mà cần người khiêng vác đồ vật, con liền vác giùm họ đến nơi đích rồi bỏ đi và không lấy tiền công.

Có một khoảng thời gian bị đói kém ở vào thời Đức Phật Biến Thắng còn tại thế, con cõng những người yếu đuối trên lưng. Bất kể là gần hay xa, con chỉ lấy một đồng tiền. Hoặc nếu có xe bò của ai bị lún trong bùn, con giúp họ thoát khỏi ách nạn, bằng cách dùng thần lực của mình mà đẩy xe lên cho đến khi nó có thể lăn bánh.

Một ngày nọ, vị vua của nước này thỉnh Phật vào cung để dọn thức ăn chay. Lúc đó con đã làm bằng phẳng đất và chờ đợi Phật đi qua.

Khi ấy Đức Phật Biến Thắng lấy tay xoa đỉnh đầu của con và bảo rằng:

‘Ông nên làm bằng phẳng đất tâm của mình thì tất cả đất đai ở khắp thế giới tất đều sẽ bằng phẳng.’

Tâm con lập tức mở thông và thấy vi trần trong thân thể cùng với vi trần tạo ra thế giới chẳng có gì khác biệt. Tự tánh của những vi trần này chẳng hề xúc chạm với nhau. Cho đến vi trần của binh khí cũng chẳng có chỗ xúc chạm. Thế là con ngộ Vô Sanh Nhẫn ở trong pháp tánh và thành bậc Ứng Chân, rồi hồi tâm để vào những quả vị của Bồtát. Khi nghe Như Lai tuyên thuyết Pháp vi diệu liên hoa, là căn bổn để đạt đến tri kiến của Phật, sự hiểu biết của con cũng được ấn chứng và trở thành thượng thủ trong chúng hội.

Phật hỏi về viên thông. Con quán sát tường tận về vi trần ở thân con và thế giới. Chúng chẳng có sai khác với nhau và vốn từ trong Như Lai tạng. Những vi trần này phát sinh từ hư vọng. Khi chúng tiêu tan, trí tuệ viên thành và con bước lên Đạo vô thượng. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[20] Bấy giờ Đồng tử Nguyệt Quang liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Con nhớ thuở xưa Hằng Hà sa kiếp, có Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Thủy Thiên. Ngài dạy các vị Bồtát về sự tu tập quán sát nước để vào chánh định. Con quán sát tánh nước ở trong thân chẳng tương đoạt lẫn nhau. Con bắt đầu quán sát từ nước mắt, nước mũi, nước miếng, và cho đến đàm, dịch, tinh, huyết, nước tiểu, và phân. Tất cả thể lỏng vận hành ở trong thân con đều giống nhau. Con thấy tánh nước ở bên trong thân con và nước ở thế giới bên ngoài đều chẳng sai khác. Cho dù xa tận ở biển Hương Thủy của quốc độ Phù Tràng Vương thì tánh của nước cũng chẳng có sự khác biệt gì với nhau.

Khi mới thành tựu Pháp quán này, con chỉ thấy nước ở trong thân thể của mình và chưa đạt đến vô thân. Lúc đó con là một vị Bhikṣu. Giữa lúc đang ngồi thiền yên tĩnh của một ngày nọ, có một đệ tử của con nhìn vào trong thất qua khung cửa sổ, và chỉ thấy toàn là nước trong veo tràn khắp ở trong thất mà chẳng thấy có gì khác. Do tiểu đồng tinh nghịch vô tri nên đã lấy một cục gạch ném vào trong nước và tạo ra tiếng khi va chạm với nước. Tiểu đồng nghoảnh nhìn rồi bỏ đi. Sau khi xuất định, con cảm thấy đau nhói ở tim. Sự đau nhức ấy giống như khi Bhikṣu Thu Lộ Tử gặp quỷ dữ gây hại.

Con tự suy nghĩ rằng:

‘Nay mình đã đắc Đạo Ứng Chân và từ lâu đã lìa khỏi các duyên để dẫn đến bệnh hoạn. Cớ gì hôm nay trong tim lại hốt nhiên nhức nhối như thế? Chẳng lẽ ta đã thoái chuyển rồi sao?’

Ngay lúc đó đồng tử chạy đến ở trước con và kể lại sự việc như trên.

Con liền dạy rằng:

‘Nếu thấy vũng nước như lúc trước, con hãy liền mở cửa và vào trong nước để lấy cục gạch ra.’

Đồng tử vâng lời căn dặn. Rồi sau khi con nhập định, đồng tử lại thấy nước và cục gạch giống hệt như trước đây. Đồng tử mở cửa và lấy cục gạch ra ngoài. Sau khi xuất định, thân thể của con bình thường như lúc trước.

Kể từ lúc tu tập Pháp quán này, con đã gặp vô lượng chư Phật. Như vậy cho đến khi Sơn Hải Tự Tại Thông Vương Như Lai xuất hiện ở thế gian thì con mới chứng đắc vô thân. Lúc ấy tánh nước ở bên trong thân con và tất cả nước của biển Hương Thủy ở khắp các thế giới trong mười phương đều hợp vào chân khôngchẳng hai, chẳng sai khác. Nay ở trước Như Lai, con được gọi là đồng chân và tham dự vào chúng hội của Bồtát.

Phật hỏi về viên thông. Con liễu đạt rằng tánh của nước là một vị lưu thông, rồi chứng đắc Vô Sanh Nhẫn và viên mãn tuệ giác. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[21] Bấy giờ Lưu Ly Quang Pháp Vương Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Con nhớ thuở xưa Hằng Hà sa kiếp, có Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Vô Lượng Thanh. Ngài khai thị cho các vị Bồtát về bổn giác diệu minh. Ngài dạy hãy quán sát thế giới này cùng thân của chúng sanh đều là duyên hư vọng bị chuyển động bởi sức của gió.

Lúc ấy con quán sát sự thành lập của thế giới, quán sát khi thời gian di chuyển, quán sát thân con làm sao chuyển động rồi dừng lại, và quán tâm động niệm của chính mình. Con nhận ra rằng những sự chuyển động này đều giống nhaukhông chút sai khác. Khi ấy con giác ngộ rằng tánh của những sự chuyển động này đều chẳng từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu. Số lượng chúng sanh điên đảo nhiều như vi trần ở khắp mười phương đều đồng với hư vọng. Như vậy cho đến một tỷ thế giới tức là một Đại Thiên Thế Giới, tất cả chúng sanh ở trong đó tựa như đám muỗi bị nhốt ở trong lọ. Chúng kêu vo ve rối ren và bay náo loạn điên cuồng ở trong cái lọ nhỏ hẹp.

Khi mới vừa gặp Đức Phật Vô Lượng Thanh chẳng bao lâu, con liền đắc Vô Sanh Nhẫn. Lúc ấy tâm con mở thông và cho đến thấy quốc độ của Đức Phật Bất Động ở phương đông. Sau đó con trở thành Pháp Vương Tử và phụng sự chư Phật khắp mười phương. Thân và tâm của con phát ra ánh sáng và chiếu triệt vô ngại.

Phật hỏi về viên thông. Con giác ngộ Đạo tâm là do nhờ quán sát sức của gió không có chỗ nương. Con vào chánh định, hợp nhất với mười phương chư Phật, và truyền thọ diệu Pháp của Nhất Tâm. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[22] Bấy giờ Hư Không Tạng Bồtát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Khi con và Như Lai ở chỗ của Đức Phật Định Quang, con đã được thân vô biên. Lúc ấy trên tay con cầm bốn châu báu lớn. Chúng chiếu sáng vi trần số Phật độ ở mười phương và con thấy những quốc độ kia đều hóa thành hư không. Lại nữa, tâm con hiện ra như một cái gương tròn to lớn. Ở trong đó phóng ra mười loại quang minh báu vi diệu và chúng tuôn tràn khắp mười phương cho đến tận cùng ranh giới của hư không. Hết thảy cõi nước Tràng Vương đều phản chiếu ở trong gương, rồi vào trong thân con. Thân con đồng như hư không và chẳng hề chướng ngại lẫn nhau. Con có thể khéo vào cõi nước nhiều như vi trần để rộng làm Phật sự và được sự tùy thuận như ý.

Do con quán sát tường tận về bốn đại không có chỗ nương nên thành tựu sức đại thần thông này. Do vọng tưởng mà bốn đại sanh ra và diệt mất. Hư không và quốc độ của chư Phật vốn giống nhau và chẳng phải hai. Qua sự quán sát này mà con khai ngộ và đắc Vô Sanh Nhẫn.

Phật hỏi về viên thông. Con do nhờ quán sát hư không vô biên nên vào chánh định và được diệu lực viên minh. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[23] Bấy giờ Từ Thị Bồtát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Con nhớ thuở xưa vi trần số kiếp, có Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Con theo học Đức Phật kia và sau đó xin xuất gia. Tuy nhiên lòng con tham danh lợi của thế gian và thích lai vãng đến gia đình quyền quý.

Lúc ấy Thế Tôn kia đã dạy con tu tập để vào chánh định bằng cách tư duy tất cả đều chỉ tồn tại ở trong tâm thức. Từ khi vào chánh định này và trải qua nhiều kiếp cho đến nay, con phụng sự chư Phật nhiều như cát sông Hằng. Kể từ đó, lòng mong cầu danh lợi của thế gian xưa kia đã diệt mất không dấu vết. Mãi đến khi Đức Phật Nhiên Đăng xuất hiện ở thế gian, con mới được thành tựu Vô Thượng Diệu Viên Thức Tâm Chánh Định. Đến lúc này, con mới thấu hiểu rằng hết thảy quốc độ của chư Như Lai tận hư khônghoặc thanh tịnh, uế trược, hay cả haiđều là từ tâm của con biến hóa hiện ra.

Thưa Thế Tôn! Do bởi con liễu giải như thế, rằng tất cả đều chỉ tồn tại ở trong tâm thức. Con giác ngộ tánh của thức lưu xuất vô lượng Như Lai và nay được thọ ký sẽ làm vị Phật kế tiếp.

Phật hỏi về viên thông. Con quán sát tường tận, rằng mọi thứ ở mười phương đều chỉ tồn tại ở trong thức tâm. Do đó tâm con được minh liễu viên mãn và vào tánh viên thành thật. Con rời xa tánh y tha khởi cùng tánh biến kế chấp và đắc Vô Sanh Nhẫn. Đây là phương pháp đệ nhất.”

[24] Bấy giờ Đại Thế Chí Pháp Vương Tử và 52 vị Bồtát đồng hạnh như ngài, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ với trán chạm sát chân của Phật và thưa với Phật rằng:

“Con nhớ thuở xưa Hằng Hà sa kiếp, có Đức Phật xuất hiện ở thế gian, hiệu là Vô Lượng Quang. Khi ấy có 12 Đức Như Lai kế nhau xuất hiện ở thế gian trong một kiếp. Đức Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Đức Phật đó đã dạy con Niệm Phật Chánh Định.

Ví như có hai người, một người luôn nhớ, còn một người luôn quên. Hai người như thế, dù gặp cũng như chẳng gặp, dù thấy cũng như chẳng thấy. Nhưng nếu cả hai đồng nhớ nhau thì họ sẽ luôn nhớ mãi. Cho đến từ đời này sang đời khác, họ sẽ như hình với bóng và không bao giờ xa cách.

Chư Như Lai trong mười phương thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn thì dù mẹ có nhớ nhưng cũng chẳng biết làm sao. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì mẹ và con sẽ đời đời không bao giờ lìa xa.

Nếu tâm của chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, thì hiện tại cùng vị lai sẽ nhất định thấy Phật. Do cách Phật chẳng xa nên không cần dùng phương tiện, tâm sẽ tự khai mở, như người gần hương thơm thì thân sẽ có mùi hương. Đây gọi là hương quang trang nghiêm.

Lúc xưa con ở Nhân Địa đã dùng tâm niệm Phật mà vào Vô Sanh Nhẫn. Giờ con ở thế giới này nhiếp thọ những ai niệm Phật về tịnh độ.

Phật hỏi về viên thông. Con không có tuyển lựa [để xem căn nào dễ dàng đạt đến viên thông, mà con chỉ nhận thấy rằng], thu nhiếp trọn cả sáu căn, tịnh niệm kế nhau để đắc chánh định. Đây là phương pháp đệ nhất.”

Kinh Đại Phật Đảnh Cứu Cánh Kiên Cố và Mật Nhân của Như Lai về Chư Bồtát Vạn Hạnh để Tu Chứng Liễu Nghĩa ♦ Hết quyển 5

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10