KINH THỦ LĂNG NGHIÊM LƯỢC GIẢNG
ŚŪRAMGAMA-SŪTRA
NĂM MƯƠI LOẠI ẤM MA
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại
Phật Giáo Giảng Ðường San Francisco
California _ USA _ 1968
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nhuận Châu
QUYỂN 9
I. SẮC ẤM
TRẠNG THÁI TÂM LÝ THANH TỊNH TRƯỚC KHI VÀO CẢNH GIỚI SẮC ẤM
Kinh Văn: A-nan đương tri, nhữ tọa đạo tràng, tiêu lạc chư niệm. Kì niệm nhược tận. Tắc chư li niệm nhất thiết tinh minh. Động tĩnh bất di, ức vong như nhất.
Việt dịch: A-nan nên biết, ông ngồi nơi đạo tràng, phải dứt sạch các vọng niệm. Khi vọng niệm đã dứt sạch, thì các ly niệm sáng tỏ rõ ràng. Động tịnh không đổi đời, nhớ quên đều như một.
Giảng: A-nan nên biết, khi ông ngồi nơi đạo tràng, phải tiêu trừ các vọng niệm. A-nan ông nên biết rằng: Ông chỉ là người đang tu pháp phản văn văn tự tánh (hướng tánh nghe vào bên trong để nhận ra tự tánh của mình).
Khi công phu như vậy thì ông đã làm tiêu trừ mọi vọng niệm. Khi các vọng niệm đã hết sạch, chẳng còn niệm phân biệt trong tâm ông. Trạng thái thanh tịnh, sáng suốt, đầy trí huệ và định lực này, sẽ an trú trong ông. Khi động tịnh không đổi đời, nhớ quên đều như một, tâm ông không thay đổi, dù ông nhớ hay quên trạng thái đó đều như nhau, không sai không khác.
PHẠM VI SẮC ẤM
Kinh Văn: Đương trụ thử xứ, nhập tam-ma-đề, như minh mục nhân xử đại u ám. Tinh tính diệu tịnh, tâm vị phát quang. Thử tắc danh vi sắc ấm khu vũ.
Việt dịch: Khi an trụ trong trạng thái đó mà vào được chánh định, như người sáng mắt ở nơi tối tăm. Dù chân tánh nhiệm mầu thanh tịnh, nhưng tâm chưa tỏa phát được trí huệ sáng suốt. Đây gọi là phạm vi của Sắc ấm.
Giảng: Khi an trụ trong trạng thái đó mà vào được chánh định.
A-nan nên biết, khi tu tập chánh định này, an trụ trong trạng thái thanh tịnh, động tịnh không thay đổi, nhớ quên đều như một.Như người sáng mắt nhận ra được chính mình ở nơi tối tăm. Như người có đôi mắt sáng tỏ, sống trong ngôi nhà tối tăm, dù bản tánh thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, nhưng tâm chưa tỏa phát trí huệ sáng suốt. Dù chân tánh thanh tịnh nhiệm mầu, nhưng tâm chưa phát sanh được sự chiếu sáng của trí huệ sáng suốt chân thực. Thì đây gọi là phạm vi của Sắc ấm .
KHI VƯỢT QUA SẮC ẤM, THẤY ĐƯỢC CỘI GỐC CỦA SẮC ẤM
Kinh Văn: Nhược mục minh lãng, thập phương đỗng khai, vô phục u ám, danh sắc âm tận. Thị nhân tắc năng siêu việt kiếp trược. Quán kì sở do, kiên cố vọng tưởng dĩ vi kì bản.
Việt dịch: Như mắt sáng tỏ, rõ thấu mười phương, không còn tối tăm, gọi là dứt sạch sắc ấm. Người ấy có thể vượt ra khỏi kiếp trược. Xem kỹ nguyên do của sắc ấm, nhận ra vọng tưởng kiên cố chính là cội gốc.
Giảng: Như mắt sáng tỏ, rõ thấu mười phương, không còn tối tăm. Trạng thái này gọi là gì? Gọi là dứt sạch sắc ấm. Trong năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức; sắc ấm đã tiêu trừ. Người này có thể vượt ra khỏi kiếp trược. Xem kỹ nguyên do của sắc ấm, nhận ra vọng tưởng kiên cố chính là cội gốc. Khi hành giả vượt qua kiếp trược, mới thấy mọi hành vi của mình đều phát xuất từ vọng tưởng kiên cố (3).
MƯỜI CẢNH GIỚI SAI BIỆT CỦA SẮC ẤM
(NẾU BỊ MÊ LẦM KHÔNG VƯỢT QUA ĐƯỢC SẮC ẤM)
1. TÂM THOÁT NGẠ
Kinh Văn: A-nan, đương tại thử trung, tinh nghiên diệu minh, tứ đại bất chức. Thiểu tuyển chi gian, thân năng xuất ngại. Thử danh tinh minh lưu dật tiền cảnh. Tư đản công dụng tạm đắc như thị, phi vi thánh chứng. Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới. Nhược tác thánh giải tức thọ quần tà.
Việt dịch: A-nan, ngay trong định ấy, quán xét thật kỹ bản tánh diệu minh, thấy tứ đại không còn đan dệt với nhau nữa. Trong chốc lát, thân thoát ra khỏi sự ngăn ngại. Trạng thái này gọi là tinh minh trôi vào tiền cảnh. Đó chỉ là trạng thái nhất thời do dụng công, không phải là biểu hiện sự chứng quả thánh. Nếu không khởi tâm chứng thánh thì đó là cảnh giới tốt. Nhưng nếu nghĩ mình chứng thánh, liền rơi vào tà kiến.
Giảng: Bây giờ chúng ta sẽ đề cập đến sự liên hệ của ma sự và ngũ uẩn (ấm): sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Có mười loại ma trong mỗi uẩn. Nên có tất cả là Năm mươi hiện tượng ấm ma. Hành giả phải có sự hiểu biết rõ ràng về Năm mươi hiện tượng ấm ma này. Nếu quý vị không biết rõ những hiện tượng này, quý vị sẽ dễ dàng kết thúc huệ mạng của mình trong quyến thuộc của ma vương mà vẫn không hay biết tại sao mình lại rơi vào đó? Đó là lý do tại sao quý vị phải hết sức thận trọng khi tu tập.
A-nan, ngay trong định ấy, quán xét thật kỹ bản tánh diệu minh, khi sắc ấm sắp sửa tiêu dung, ông sẽ thấy mười phương rỗng rang, và cảm nhận được một loại ánh sáng. Do vì ông đã dụng công cứu xét trạng thái vi tế nhiệm mầu và sáng suốt.
Tứ đại không còn đan dệt với nhau nữa, trong chốc lát thân có thể thoát ra khỏi mọi ngăn ngại.
Tứ đại sẽ không còn kết hợp với nhau, không còn tác dụng ngăn ngại. Chẳng bao lâu thân thể trở nên không bị chướng ngại, như hư không rỗng rang. Đó được gọi là ý sanh thân, nghĩa là có một thân khác tách rời khỏi thân vật chất (sự hiện thân tùy ý, không bị vật chất làm chướng ngại).Trước đây tôi đã kể chuyện về chú đệ tử của tôi đến các cung trời bằng pháp thân của chú ấy, thân ấy cũng được gọi là ý sanh thân. Ý đây liên quan đến thức, nó là một trong sáu thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Như sắc thân được tạo nên bằng tâm thức, thì cũng có khả năng vượt ra khỏi chướng ngại của sắc thân kết hợp bằng tứ đại.
Trạng thái này gọi là tinh minh trôi vào tiền cảnh. Tánh diệu minh cũng trôi vào cảnh giới bên ngoài (4).
Đó chỉ là trạng thái nhất thời, do dụng công
Cảnh giới này, bất quá chỉ do dụng công tu tập mà thôi, nó không thường, chỉ là sự ngẫu nhiên thôi. Quả thật, tùy mọi lúc có thể vào ra cảnh giới ấy, muốn đến nơi nào liền đến nơi ấy, muốn trở về lúc nào là trở về lúc ấy. Hoàn toàn được tự tại:
Phóng chi tắc di lục hợp
Quyển chi tắc thối tàng ư mật.
Nếu phóng thả ra, nó sẽ tràn ngập khắp cả trời đất. Và rồi người ta có thể thu lại bất kỳ lúc nào. Nếu ông không thể làm được việc này bất kỳ lúc nào ông muốn, thì việc của ông chỉ là sự dụng công nhất thời. Đó là một trạng thái mà ông sẽ đạt được khi mức độ tu tập của ông chín muồi. Tuy nhiên trạng thái này chỉ là tạm thời. Ông sẽ không thường xuyên có được một sắc thân vượt qua mọi sự chướng ngại, đây không phải là sự biểu hiện chứng quả thánh.
Ông chưa phải đã đạt được quả vị Thánh. Người chưa đạt được quả vị không phải có trạng thái như vậy.
Nếu không khởi tâm chứng thánh, thì đó là trạng thái tốt. Nghĩa là ông không nên nói: “Ồ tôi đã có chút ít công phu tu hành, tôi có thể thoát hồn ra khỏi thân từ một điểm trên đỉnh đầu.” Nếu ông trở thành kẻ tự mãn như vậy thì điều gì sẽ xảy ra? Hoàn toàn do ở nơi ông cả. Tuy nhiên, nếu ông không xem cảnh giới này như một bằng chứng của sự chứng đạt quả Thánh, thì cảnh giới ấy không phải là một chướng ngại to lớn, và cũng chẳng có gì sai lầm nghiêm trọng.
Nhưng một khi nghĩ rằng mình đã chứng thánh thì liền rơi vào tà kiến.
Nếu như ông nghĩ: công phu tu tập của mình hiện nay quá siêu tuyệt rồi. Ta thật là kỳ diệu, ta là Thánh nhân xuất thế, ta là a-la-hán. Nếu ông nghĩ như thế, ma quỷ sẽ tấn công ông ngay. Một khi ma quỷ đến phá, thì ông là người đầu tiên bị đọa vào địa ngục.
2. NHẶT TRÙNG SÁN TRONG THÂN
Kinh Văn: A-nan, phục dĩ thử tâm tinh nghiên diệu minh, kì thân nội triệt. Thị nhân hốt nhiên ư kì thân nội thiệp xuất nhiêu hồi, thân tướng uyển nhiên, diệc vô thương hủy. Thử danh tinh minh lưu dật hình thể. Tư đãn tinh hành tạm đắc như thị, phi vi thánh chứng. Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới. Nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà.
Việt dịch: Lại nữa, A-nan, nếu dùng tâm ấy cứu xét tánh diệu minh, thấy rõ suốt khắp thân. Bỗng nhiên có thể lượm ra những con trùng, con sán từ trong thân mình, mà thân thể vẫn nguyên vẹn, không bị tổn thương. Trạng thái này gọi là tinh minh tràn ra hình thể. Đây chỉ là trạng thái nhất thời do tinh tấn công phu, chẳng phải là chứng thánh. Nếu người ấy không nghĩ mình chứng thánh thì đó là trạng thái tốt. Nhưng nếu nghĩ mình chứng thánh thì liền rơi vào tà kiến.
Giảng: Đây gọi là cảnh giới thứ hai của hiện tượng Ngũ ấm ma. Ma cảnh này xuất hiện vì ông tinh tấn tu tập, nếu ông không tinh tấn trong việc hành trì, thì ông chẳng thể nào thu hút ma sự này.
Dù ông muốn, ma cũng chẳng thèm để ý tới ông. Dưới mắt nó ông chỉ là một kẻ nghèo nàn, nó chẳng có cớ thuận tiện để quấy phá ông.
Nhưng nay vì ông đang lúc công phu. Ông vừa tích trữ được chút ít của cải quý báu. Đó là lý do ma theo ông để quấy rối.
Vậy ông phải làm gì khi nó đến? Ông cần phải an trụ trong trạng thái như như bất động và tỉnh giác, sáng suốt; không dính mắc, không phan duyên với những hình tướng hiện ra bên ngoài.
Hoàn toàn không dính mắc vào mọi chuyện. Cũng đừng nên nghĩ: “Cảnh giới ấy quá tuyệt vời, ước gì nó lại hiện ra.”
Đừng mong ngóng nó, cũng đừng ruồng rẫy xua đuổi nó, mà chỉ xử sự như không có chuyện gì xảy ra cả. Nếu quý vị không tự xem mình là bậc thánh, thì đó là tình trạng tốt. Còn nếu quý vị nghĩ rằng mình đã là Thánh nhân. Bỗng nhiên thốt lên:
“Ồ! Ta là người phi thường, ta có thể nhặt từng loài chúng sanh từ trong thân mình ra.”
Nếu ông nghĩ rằng mình đã đạt được thần thông tự tại thì quý vị thực sự mê lầm. Chỉ với một niệm tự mãn ấy, ma quỷ liền len vào tâm và cai quản, nó điều khiển ông cho đến khi ông mất hết định lực.
Do đó, ông phải hiểu thật rõ những đạo lý của việc tu hành. Chỉ như thế mới có thể giữ cho ông khỏi bị rơi vào bẫy ma hay lạc vào đường tà. Nếu ông không hiểu Phật pháp thì rất dễ bị lạc đường. Ông có chút nào công phu không? Chuyện ấy chẳng thành vấn đề. Nhưng khi công phu có được chút ít định lực rồi thì ma vương liền luôn luôn để mắt tới ông, chỉ cần có được dịp thuận tiện thì nó liền đến quấy phá ông.
Lại nữa A-nan, nếu có người dùng tâm xét lại tánh diệu minh, sẽ thấy rõ suốt khắp thân.
Nếu ông siêng năng miệt mài trong việc tu tập, cuối cùng ông sẽ có khả năng thấy được mọi thứ bên trong thân ông. Đó là chuyện thường, nếu ông muốn thấy được như thế. Nhưng nếu ông chỉ có khả năng thấy được cảnh giới này trong phút chốc thôi, thì đó là trạng thái của sắc ấm.
Bỗng nhiên có thể lượm ra những con trùng, con sán từ trong thân mình, mà thân thể vẫn nguyên vẹn, không bị tổn thương.
Trong cảnh giới này, bỗng nhiên ông có thể lượm trùng sán từ trong bụng mình ra, đủ loại dài ngắn, lớn, nhỏ. Ông chỉ cần đặt tay vào là lôi nó ra được. Những loại trùng được lôi ra là có thực mà chẳng tổn thương đến khoang bụng. Ông nghĩ loài trùng được lấy ra như thế nào? Nếu ông đưa tay vào trong bụng để lấy được trùng sán ra thì khoang bụng sẽ bị tổn thương, nhưng khoang bụng hoàn toàn không bị rách bể, thân thể còn toàn vẹn. Trường hợp này có thể giải thích theo hai cách:
Một, có thể hiểu là: thân thể của nó vẫn còn toàn vẹn, nghĩa là: thân thể của loài trùng sán vẫn còn toàn vẹn chẳng bị tổn thương chút nào và vẫn sống khỏe mạnh. Còn hiểu theo cách thứ hai là: khoang bụng trong thân thể mình vẫn toàn vẹn không bị tổn thương.
Trạng thái này gọi là: tinh minh tràn ra hình thể.
Một loại ánh sáng rất trong suốt tràn ngập khắp thân thể của ông. Thực ra ông chẳng đưa tay vào khoang bụng mình để nhặt những con trùng sán ra, mà trùng sán tự thoát ra.
Đây chỉ là trạng thái nhất thời do tinh tấn công phu, chẳng phải là chứng thánh. Trạng thái này không phải như một việc gì đó thường xảy ra. Nếu đây là cảnh giới xảy ra thường xuyên thì tình huống khác hẳn. Đây không phải cảnh giới khi chứng quả thánh.
Nếu không nghĩ mình chứng thánh thì đó là trạng thái tốt.
Sẽ là tốt đẹp, không gây nên vấn đề gì nghiêm trọng. Còn nếu nghĩ mình đã chứng thánh thì liền rơi vào tà kiến.
Nếu quý vị cho rằng: “Ta vừa chứng quả vị thánh, ta có thể lấy những trùng sán này từ trong bao tử mình ra. Chẳng tuyệt diệu hay sao? Các người đâu được như thế!”
Nếu quý vị trở nên tự mãn, đắm chấp vào trạng thái vừa xảy ra thì quý vị sẽ bị ma vương quyến rũ thành quyến thuộc của nó.
3. NGHE TIẾNG THUYẾT PHÁP GIỮA HƯ KHÔNG
Kinh Văn: Hựu dĩ thử tâm, nội ngoại tinh nghiên. Kì thời hồn phách, ý chí tinh thần, trừ chấp thọ thân, dư giai thiệp nhập, hỗ vi tân chủ. Hốt ư không trung, văn thuyết pháp thanh, hoặc văn thập phương, đồng phu mật nghĩa. Thử danh tinh phách, đệ tương li hợp, thành tựu thiện chủng, tạm đắc như thị, phi vi thánh chứng. Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới. Nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà.
Việt dịch: Lại nữa, nếu đem tâm ấy quán xét tinh tường cả trong lẫn ngoài. Khi ấy hồn phách, ý chí, tinh thần, trừ ra sắc thân, đều giao tiếp lẫn nhau thay phiên làm khách chủ. Rồi bỗng dưng nghe giữa hư không có tiếng thuyết pháp, hoặc nghe mười phương đồng diễn bày nghĩa lý thâm mật. Cảnh giới này gọi là: “Tinh thần hồn phách thay phiên nhau khi rời xa, khi kết hợp để cùng nhau thành tựu những hạt giống tốt.” Nhưng đó chỉ là trạng thái nhất thời, chẳng phải là chứng thánh. Nếu chẳng nghĩ mình đã chứng thánh thì đó là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ mình đã chứng thánh thì liền rơi vào tà kiến.
Giảng: Lại nữa nếu có người đem tâm ấy quán xét tinh tường cả trong lẫn ngoài, cứu xét tinh sâu mãi không thôi, trong và ngoài nỗ lực đạt đến chỗ tuyệt đỉnh, không ngừng cố gắng tinh luyện tiến trình ấy. Hồn, phách trải qua một sự thay đổi. Có ba hồn và bảy phách (vía) ở trong thân thể con người. Tôi đã đề cập đến mười anh em này trước rồi. Một số trong mười hồn vía ấy, chỉ có tai hoặc mắt, có trường hợp chỉ có mũi nhưng không có môi, mắt, tai. Mỗi trường hợp chỉ làm chủ một giác quan, thiếu năm giác quan kia, thế nên nó không có tác dụng riêng lẻ, độc lập.
Nó phải hợp tác hỗ tương với nhau như một đội bóng. Những ai có tai sẽ giúp cho người không có tai, ai có mắt giúp cho người không có mắt. Nó hỗ trợ giúp đỡ cho nhau. (5)
Mười thứ hồn phách ấy cùng với ý chí, tinh thần sẽ xen vào nhau, thay phiên làm khách, làm chủ. Nó thay đổi vai trò hỗ tương giúp đỡ lẫn nhau. Nó thay nhau đóng vai chủ và khách.
Rồi bỗng dưng nghe giữa hư không có tiếng thuyết pháp. Có người đang thuyết pháp giữa hư không. Ai vậy? Ông nghe được tiếng nhưng không thấy được hình. Thực ra đó chỉ là ý chí, tinh thần của chính ông. Nó thay phiên nhau đóng vai chủ và khách để giảng pháp. Hoặc nghe mười phương đều diễn bày nghĩa lý thâm mật. Ông có thể nghe tiếng giảng pháp từ giữa không trung. Sao vậy? Vì sự công phu tu tập của ông trong những đời trước. Ông đã từng nghe giảng rất nhiều kinh pháp, nên trong tinh thần, ý chí, tư tưởng của ông không thể nào phai mờ được. Thế nên trong đời này, khi ông dụng công tu tập đạt đến đỉnh cao nhất thì những kinh nghiệm trong quá khứ trào ra.
Cảnh giới này gọi là: Tinh thần thay phiên nhau khi rời xa, khi kết hợp để cùng nhau gieo trồng những hạt giống tốt.
Nó cùng hợp tác với nhau, cùng lập thành một dây, cùng nhau kết nhóm, cùng nhau tách rời ra. Chúng có thể giảng nói Phật pháp khiến cho ông có thể hiểu được những điều mà trước nay ông chưa hiểu. Vậy nên ông có thể gieo trồng những chủng tử tốt cho đời sau.
Đó chỉ là trạng thái nhất thời, không phải là thường xuyên, không phải là chứng thánh. Đừng khởi ý tưởng cho rằng trạng thái này rất vi diệu, rồi nói: “Hãy xem ta đây, ta chẳng cần đến nơi pháp hội, ta có thể nghe giảng pháp ở trong không trung bất kỳ khi nào ta muốn.” Ông có thể được nghe giảng pháp nhưng cũng không có nghĩa là ông đã chứng thánh.
Nếu chẳng nghĩ mình đã chứng thánh thì đó là cảnh giới tốt, nếu ông không trở nên tự mãn, không tự cho rằng mình là kẻ phi thường, nếu không muốn dối gạt mọi người thì đó là trạng thái tốt. Giả sử như ông nói “Ồ ta có thể nghe pháp ngay cả khi chẳng ai giảng nói cả. Ai có được điều ấy chăng? Không! Thế mà chuyện ấy lại đến với ta.”
Nhưng nếu ông quảng cáo, khoe khoang trạng thái đó để mong có người tin ông, thì điều gì sẽ xảy ra?
Nếu ông nghĩ rằng mình đã chứng Thánh thì liền rơi vào tà kiến.
4. PHẬT HIỆN THÂN
Kinh Văn: Hựu dĩ thử tâm, trừng lộ hiệu triệt, nội quang phát minh. Thập phương biến tác, diêm-phù-đàn sắc. Nhất thiết chủng loại, hóa vi Như Lai. Ư thời hốt nhiên, kiến Tì-lô giá-na, cư thiên quang đài, thiên Phật vi nhiễu, bách ức quốc độ, cập dữ liên hoa câu thời xuất hiện. Thử danh tâm hồn, linh ngộ sở nhiễm, tâm quang nghiên minh, chiếu chư thế giới. Tạm đắc như thị, phi vi thánh chứng. Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới. Nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà.
Việt dịch: Lại đem tâm ấy lóng sạch, thấu triệt, bên trong hào quang toả chiếu sáng ngời. Mười phương biến thành sắc diêm-phù-đàn. Tất cả loài hữu tình đều hóa làm Như Lai.
Lúc ấy bỗng thấy Đức Phật Tỳ-lô-giá-nangồi trên đài thiên quang, có ngàn Đức Phật nhiễu quanh trăm ức cõi nước, cùng với hoa sen đồng thời hiện ra. Cảnh giới này gọi là tâm hồn được truyền dẫn bởi sự lĩnh ngộ, khi tập trung tham cứu đến tận nguồn tâm thì ánh sáng từ trong tâm chiếu khắp cõi nước. Đây chỉlà trạng thái tạm thời, không phải là chứng thánh. Nếu không nghĩ mình chứng thánh gọi là cảnh giới tốt, nếu tự cho mình đã chứng thánh thì liền rơi vào tà kiến.
Giảng: Lại đem tâm ấy lóng sạch, thấu triệt, bên trong hào quang toả chiếu sáng ngời, khi tâm lặng yên, thanh tịnh, hiển bày, tỏ lộ sáng suốt tột bậc. Ánh sáng từ trong tâm chiếu khắp cả, mười phương biến thành sắc diêm-phù-đàn. Ánh sáng rực rỡ tỏa chiếu từ trong tâm, khắp mười phương cõi nước đều phủ màu diêm-phù-đàn. Tất cả các loài hữu tình (thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, noãn sanh) và tất cả các loài chúng sanh khác đều hóa làm Như Lai.
Lúc ấy, bỗng thấy Đức Phật Tỳ-lô-giá-na. Tỳ-lô-giá-na nghĩa là “suốt khắp mọi nơi,” là danh hiệu của Đức Phật. Ngài không hiện hữu riêng ở một nơi nào, vậy nên chẳng nơi nào mà ngài không có. Thân thể của ngài trùm khắp mọi nơi. Người này bỗng nhiên thấy được Đức Phật Tỳ-lô-giá-na. Vì Đức Phật có thân trùm khắp mọi nơi.
Ngồi trên đài thiên quang, làm bằng ánh sáng của cõi trời, hiển bày thân cao ngàn trượng. Đức Phật Tỳ-lô-giá-na được ngàn Đức Phật vây quanh cùng trăm ức cõi nước cùng với hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng đồng thời hiện ra.
Cảnh giới này gọi là: “tâm hồn được truyền dẫn bởi sự lĩnh ngộ, ông đừng cho rằng cảnh giới này là thật. Tâm thức ông bị ảnh hưởng bởi một dạng linh cảm sự giác ngộ. Do vậy nó không thật. Do khi tập trung tham cứu đến tận nguồn tâm thì ánh sáng từ trong tâm chiếu khắp các cõi nước.
Khi tâm ông được sáng suốt, nó sẽ chiếu khắp tất cả mọi thế giới.
Đây chỉ là trạng thái tạm thời, không phải là chứng thánh. Những gì đang diễn ra không phải là lâu đài vĩnh viễn. Ông chẳng phải là đã chứng Thánh quả. Nếu không nghĩ mình chứng thánh thì gọi là cảnh giới tốt. Còn nếu tự cho mình chứng thánh thì liền rơi vào tà kiến.
Nếu ông nói: “Thật tuyệt diệu! Ta vừa thấy Đức Phật Tỳ-lô-giá-na . Ông có thấy chăng? Công phu của ông chẳng sâu bằng tôi, tôi thật là đã đạt được điều ấy.” Một khi ông khởi lên niệm như vậy thì ma vương liền đến lôi kéo ông vào địa ngục.
5. SẮC BÁU ĐẦY HƯ KHÔNG
Kinh Văn: Hựu dĩ thử tâm, tinh nghiên diệu minh, quán sát bất đình. Ức án, hàng phục, chế chỉ siêu việt. Ư thời hốt nhiên, thập phương hư không, thành thất bảo sắc, hoặc bách bảo sắc. Đồng thời biến mãn, bất tương lưu ngại. Thanh hoàng xích bạch, các các thuần hiện. Thử danh ức án, công lực du phận. Tạm đắc như thị, phi vi thánh chứng. Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới. Nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà.
Việt dịch: Lại đem tâm ấy, cứu xét tinh ròng mầu nhiệm sáng tỏ. Quán sát không ngừng. Đè nén, hàng phục ngăn dứt quá phần. Bấy giờ bỗng dưng thấy hư không mười phương biến thành màu sắc bảy loại châu báu, hoặc màu sắc của trăm loại châu báu. Xuất hiện đồng thời đầy khắp, không ngăn ngại lẫn nhau. Những mầu xanh, vàng đỏ, trắng hiện ra rõ ràng. Cảnh giới này gọi là “Sức công phu hàng phục vọng tâm quá phần.” Mới được cảnh giới như vậy, chẳng phải chứng thánh. Không khởi thánh tâm là trạng thái tốt. Còn nếu nghĩ rằng mình đã chứng Thánh thì liền rơi vào tà kiến.
Giảng: Lại đem tâm ấy, cứu xét tinh ròng mầu nhiệm sáng tỏ. Quán sát không ngừng. Đè nén, hàng phục ngăn dứt quá phần.Cố gắng kiềm chế hàng phục vọng tâm của mình đến nỗi nó không đạt đến chỗ siêu việt.
Bỗng dưng hư không trong mười phương biến thành mầu sắc của bảy loại báu, hoặc mầu sắc của trăm loại châu báu, xuất hiện đồng thời khắp trong không gian mà không ngăn ngại lẫn nhau, mà nó không hề chướng ngại lẫn nhau.
Những loại màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng đều hiện ra rõ ràng. Mỗi thứ đều phô bày mầu sắc riêng biệt của nó. Cảnh giới này gọi là: “sức hàng phục vọng tâm quá mức.”
Ông dụng công tu tập chế ngự vọng tâm, không để cho vọng tưởng xen vào, không để cho nó dấy khởi những tạp niệm. Sau khi sự kiềm chế ấy xảy ra một thời gian dài, trở nên căng thẳng quá mức. Đó là ông đã vượt quá mức độ bình thường lẽ ra nên có.
Mới được cảnh giới như vậy, chẳng phải chứng thánh. Ông chỉ tạm thời thấy được sắc mầu bảy báu trong không trung thôi. Vậy nên trạng thái này không có nghĩa là ông đã chứng được thánh quả.
Không khởi thánh tâm là trạng thái tốt. Còn nếu nghĩ rằng mình đã chứng thánh thì liền rơi vào tà kiến.
Sẽ là hoàn toàn tốt đẹp, không phải là tình trạng xấu. Còn nếu nghĩ rằng mình là bậc thánh, liền rơi vào tà kiến. Ông sẽ bị bao vây bởi bè lũ tà kiến và ông sẽ đọa lạc.
6. BAN ĐÊM NHƯ BAN NGÀY
Kinh Văn: Hựu dĩ thử tâm, nghiên cứu trừng triệt tinh quang bất loạn. Hốt ư dạ bán, tại ám thất nội, kiến chủng chủng vật, bất thù bạch trú, nhi ám thất vật, diệc bất trừ diệt. Thử danh tâm tế, mật trừng kỳ kiến, sở thân đỗng u. Tạm đắc như thị, phi vi thánh chứng. Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới. Nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà.
Việt dịch: Lại đem tâm ấy, cứu xét tinh ròng, sáng suốt không loạn. Bỗng nhiên giữa đêm có thể thấy các thứ hiện ra trong phòng tối không khác gì ban ngày, mà các thứ ở trong phòng tối cũng không biến mất. Đó gọi là: “Định tâm lặng đứng cái thấy, nên thấy suốt chỗ tối tăm.” Tạm được như thế, không phải chứng thánh. Nếu không khởi tâm chứng thánh, đó là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ là chứng thánh, liền rơi vào tà kiến.
Giảng: Lại đem tâm ấy, cứu xét tinh ròng, sáng suốt không loạn.
Lại nữa khi người ấy định tâm để quán sát mọi cảnh giới, cho đến khi linh quang từ bản tâm sáng suốt trở nên rất lắng đọng, và đạt được định lực.
Bỗng nhiên giữa đêm có thể thấy các thứ hiện ra trong phòng tối.
Trong ngôi nhà có ánh sáng, ban đêm không khác gì ban ngày, mà các vật ở trong phòng tối cũng không biến mất.
Không những ông chỉ có thể thấy các vật ở trong nhà mà ông còn có thể thấy được các vật ở bên ngoài ngôi nhà. Không những ông chỉ thấy được đồ vật đã có sẵn trong nhà, mà ông còn thấy được rất rõ ràng những vật đang từ bên ngoài đến hiện ra trong nhà.
Cảnh giới này gọi là: “Định tâm lặng đứng cái thấy, nên thấy suốt chỗ tối tăm.”
Tâm ông được tinh lọc đến chỗ cực điểm và cái thấy của ông được thanh tịnh đến mức tột cùng. Với cái nhìn trong suốt ấy, ông có thể nhìn được mọi vật ngay trong bóng tối.
Tạm được như thế, không phải chứng thánh
Nhưng đó chỉ là trạng thái tạm thời, không phải là chứng thánh. Ông không nên nghĩ đó là quả vị của bậc thánh. Chắc chắn quả vị thánh không phải là như vậy.
Nếu không khởi tâm chứng thánh, đó là cảnh giới lành. Nếu nghĩ mình chứng thánh, liền mắc vào tà kiến.
Nếu ông khởi tâm tự cao tự mãn, nghĩ rằng mình đã đạt được công phu lớn lao trong khi tu hành, thì ông sẽ tự rước lấy ma chướng vào mình.
Một số người tu đạo khi đạt đến trạng thái cực điểm vô cùng thanh tịnh và trong suốt như thế, đột nhiên họ thấy được mọi vật. Đó là vì họ đã mở được con mắt Phật (Phật nhãn). Tuy thế, không phải ai cũng có thể mở được Phật nhãn. Ngay cả nếu có người đạt được Phật nhãn, cũng không phải là có được mãi mãi. Cảnh giới được mô tả ở đây là hành giả chỉ được khai mở Phật nhãn trong nhất thời, khiến hành giả có thể nhìn thấy đồ vật trong nhà tối, y như ở đó có ánh sáng vậy.
Tôi lưu ý thêm là hành giả có thể thấy đồ vật từ bên ngoài đến hiện ra trong nhà. Sẽ thấy được cái gì? Ví dụ ông có thể thấy thần, ma quỷ, Bồ-tát hay Đức Phật từ bên ngoài đến hiện ra trong nhà tối, không nhất định là hình ảnh nào.
Không phải ai cũng trải qua cảnh giới này, nhưng có một số người sẽ có. Đây là cảnh giới sẽ hiện ra tại một thời điểm nào đó trong khi hành giả dụng công tu tập. Nhưng đừng nghĩ rằng tất cả mọi người tu đạo đều phải trải qua những cảnh giới giống nhau. Vì nó không phải là một dạng nhất định.
Có người được mở Phật nhãn thường xuyên. Điều đó được gọi là “thần thông có được như một phước báo.” Đó là những người trong đời trước đã tinh tấn tu tập pháp môn nghìn tay nghìn mắt (thiên thủ thiên nhãn), và kết quả dĩ nhiên là họ có thể mở được Phật nhãn đời này cho đến đời sau. Những người khác chỉ có thể mở được Phật nhãn nhất thời thôi, vì tâm họ không ở trong trạng thái hằng thanh tịnh. Nếu tâm họ thường thanh tịnh và họ đã tu tập pháp môn Đại bi trong những đời trước, họ cũng có thể mơr được Phật nhãn thường trực. Đó là những trường hợp khác biệt trong khi tu hành.
7. THÂN KHÔNG CÒN CẢM GIÁC, ĐỒNG NHƯ CÂY CỎ
Kinh Văn: Hựu dĩ thử tâm, viên nhập hư dung, tứ chi hốt nhiên đồng ư thảo mộc, hỏa thiêu đao chước, tằng vô sở giác. Hựu tắc hỏa quang, bất năng thiêu nhiệt, túng cát kì nhục, do như tước mộc. Thử danh trần tịnh, bài tứ đại tính, nhất hướng nhập thuần. Tạm đắc như thị, phi vi thánh chứng. Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới. Nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà.
Việt dịch: Lại đem tâm ấy, hoàn toàn nhập vào tánh hư dung, tứ chi bỗng nhiên đồng như cây cỏ, lửa thiêu dao cắt cũng không hay biết. Lửa đốt không cháy thân, dù bị lóc thịt cũng như chẻ cây. Đó gọi là: trần cảnh và tính tứ đại đều sạch hết, chỉ một hướng thuần chơn. Tạm được như thế, không phải là chứng thánh. Nếu không nghĩ mình chứng thánh, là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ mình chứng thánh, liền rơi vào tà kiến.
Giảng: Lại đem tâm ấy, hoàn toàn nhập vào tánh hư dung.
Lại nữa, khi tâm ấy hoàn toàn thể nhập vào tánh hư dung.
Tròn khắp đầy đủ mà lại hư dung. Tâm đó có rồi lại không đó. Quý vị có thể nói tâm đó không có, nhưng tôi biết là có.
Tứ chi bỗng nhiên đồng như cỏ cây, lửa thiêu dao cắt cũng không hay biết. Nếu ông lấy dao cắt hay lấy lửa đốt tay chân mình, sẽ không có một chút cảm giác nóng hay khó chịu nào cả.
Lửa đốt không cháy thân. Khi ông có đốt thân, thân vẫn không thấy nóng. Dù bị lóc thịt cũng giống như chẻ cây. Nếu ông lóc thịt ra khỏi tay chân, thì cũng chỉ như bóc vỏ cây, chẳng thấy đau đớn hay kinh động gì cả.
Cảnh giới này gọi là: trần cảnh và tính tứ đại đều sạch hết, chỉ một hướng thuần chơn.
Tướng tiền trần cùng nhau gom lại, và tánh đất, nước, gió, lửa hợp lại thành một thể. Tạm được như thế, không phải là chứng thánh. Tuy vậy, đó chỉ là cảnh giới tạm thời, một kinh nghiệm ngẫu nhiên, không phải là cảnh giới vĩnh viễn, không phải là chứng thánh. Đừng nghĩ rằng ông đã chứng được quả vị thánh.
Nếu không nghĩ mình chứng Thánh, gọi là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ là mình chứng Thánh, trở nên tự mãn, đại ngã mạn, khởi tâm kiêu ngạo liền rơi vào tà kiến, sẽ bị tấn công và bao vây bởi bè lũ ác kiến.
8. BIẾN THÀNH CẢNH GIỚI CHƯ PHẬT
Kinh Văn: Hựu dĩ thử tâm, thành tựu thanh tịnh. Tịnh tâm công cực, hốt kiến đại địa, thập phương sơn hà, giai thành Phật quốc, cụ túc thất bảo, quang minh biến mãn. Hựu kiến hằng diệu chư Phật Như Lai, biến mãn không giới lâu điện hoa lệ. Hạ kiến địa ngục, thượng quán thiên cung, đắc vô chướng ngại. Thử danh hân yểm, ngưng tưởng nhật thâm, tưởng cửu hóa thành, phi vi thánh chứng. Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới. Nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà.
Việt dịch: Lại đem tâm ấy, thành tựu tánh thanh tịnh, công phu tịnh tâm đến mức cùng tột. Bỗng thấy núi sông, đất liền khắp mười phương biến thành cõi Phật, đầy đủ bảy loại báu, ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Lại thấy chư Phật Như Lai nhiều như cát sông Hằng, khắp cõi hư không đầy lâu đài tráng lệ. Dưới thấy địa ngục, trên xem thấy thiên cung mà không ngăn ngại. Đó gọi là: tư tưởng thích, chán ngưng lắng ngày càng sâu, tưởng lâu mà thành như vậy, không phải là chứng thánh. Không khởi tâm chứng thánh, gọi là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ mình đã chứng thánh liền rơi vào tà kiến.
Giảng: Lại đem tâm ấy, thành tựu tánh thanh tịnh, công phu tịnh tâm đến mức cùng tột. Chuyên chú tâm mình vào công phu tu tập, thực hành pháp tu tam-muội (chánh định), đạt được trạng thái cực kỳ thanh tịnh.
Lúc đó bỗng thấy núi sông, đất liền, suốt khắp mười phương biến thành cõi Phật, có đầy đủ bảy loại châu báu, ánh sáng chiếu khắp mọi nơi.
Mỗi cung điện đều được trang hoàng bằng bảy loại châu báu: Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, san hô. Các loại châu báu này phát ra ánh sáng chiếu khắp mười phương.
Lại thấy chư Phật Như Lai nhiều như cát sông Hằng, khắp cõi hư không đầy lâu đài tráng lệ. Dưới thấy địa ngục.
Nhìn xuống dưới thấy được toàn cõi địa ngục. Nhìn lên phía trên có thể xem thấy được những gì xảy ra ở thiên cung mà không ngăn ngại. Có thể thấy bất kỳ cung điện, lâu đài nào mà mình thích thấy.
Cảnh giới này gọi là: tư tưởng thích, chán ngưng lắng ngày càng sâu, tưởng lâu mà thành như vậy.
Tại sao ông lại có thể thấy được những cảnh này? Là vì ông thường có tâm yêu và ghét. Ông muốn lên cõi trời, cõi Phật và ghét việc xuống địa ngục.
Ông tập trung tư tưởng vào những niệm yêu, ghét này. Chú tâm vào đó như gà mái ấp trứng, như mèo rình chuột, như rồng nuôi ngọc vậy. Chẳng nghĩ đến chuyện gì khác, mà chỉ nghĩ về những cảnh giới tốt đẹp ở cõi Phật và cảnh khổ đọa đày nơi địa ngục. Tâm ưa thích những nơi chốn an vui thánh thiện và ghét nơi đau khổ bất hạnh… Cuối cùng những tư tưởng ấy đã tạo nên loại cảnh giới này.
Đó không phải là chứng thánh. Không nên nghĩ rằng mình đã chứng được quả vị Thánh và đạt được nhiều năng lực lớn trong công phu.
Nếu không khởi tâm chứng thánh, gọi là cảnh giới tốt. Thế thì không phải là xấu. Nếu nghĩ là chứng thánh, và nói: “Cảnh giới này thật tuyệt, ta đang ở với chư Phật. Thực vậy, chính ta là Phật.”
Liền rơi vào tà kiến. Nếu nghĩ như vậy thiên ma và ngoại đạo liền đến lôi kéo ông làm bạn đồng hành với nó. Ông nói ông đang ở nơi chư Phật phải không? Tốt lắm, chúng ta cùng kết bạn và chúng tôi sẽ theo thân cận với ông.
9. BAN ĐÊM NHÌN THẤY XA
Kinh Văn: Hựu dĩ thử tâm, nghiên cứu thâm viễn, hốt ư trung dạ diêu kiến viễn phương. Thị, tỉnh, nhai hạng, thân tộc, quyến thuộc, hoặc văn kì ngữ. Thử danh bách tâm, bức cực phi xuất, cố đa cách kiến, phi vi thánh chứng. Bất tác thánh tâm, danh thiện cảnh giới. Nhược tác thánh giải tức thọ quần tà.
Việt dịch: Lại đem tâm ấy, cứu xét sâu xa, bỗng nhiên giữa khuya thấy được những nơi chốn xa xôi. Thấy chợ, giếng nước, đường phố, ngõ hẻm, bà con thân quyến, cùng nghe họ đang nói chuyện với nhau.
Cảnh giới này gọi là: “Do dồn ép tâm đến mức cùng tột, nên tâm phóng vọt ra thấy được nhiều thứ ở xa và cách ngại như vậy,” chứ không phải là chứng thánh.
Nếu không nghĩ mình chứng thánh, là cảnh giới tốt. Còn nếu cho mình chứng thánh, liền rơi vào tà kiến.
Giảng: Lại đem tâm ấy, cứu xét sâu xa. Khi dụng tâm nghiên cứu sâu xa, bỗng nhiên giữa khuya thấy được những nơi chốn xa xôi. Bỗng dưng có thể thấy được những hiện tượng, những cảnh huống khác nhau ở những nơi chốn xa xôi vào lúc giữa đêm khuya.Thấy chợ, giếng nước, đường phố, ngõ hẻm, bà con thân quyến, cùng nghe họ đang nói chuyện với nhau. Có thể thấy được phố chợ, nơi hàng hóa được bán đầy trên phố, giếng nước công cộng, nơi mọi người lấy nước dùng đường phố lớn, ngõ hẻm nhỏ. Có thể thấy được luôn cả bà con, quyến thuộc họ hàng thân tộc, cùng nghe được những lời họ nói chuyện với nhau. Có thể nghe được họ bàn bạc nói chuyện với nhau.
Cảnh giới này gọi là: “Do dồn ép tâm đến mức cùng tột, nên tâm phóng vọt ra thấy được nhiều thứ ở xa và cách ngại như vậy.”
Trong công phu ông đã chế ngự tâm phóng túng buông thả theo vọng tưởng, thúc ép tâm mình đến mức cùng tột. Rồi trải qua cảm giác tâm được phóng vọt ra và thấy hết mọi vật bất kể nó ở bao xa, những cảnh vật mà khi bình thường dù cố gắng nhìn cũng không thể thấy được. Nhưng bây giờ bỗng dưng tâm ông vỡ rời ra và ông có thể thấy được mọi vật.
Đó không phải là chứng thánh, không nên nghĩ rằng đây là cảnh giới tốt.
Nếu không nghĩ mình đã chứng thánh thì đó là cảnh giới tốt. Còn nếu tự xem mình là thánh, liền rơi vào tà kiến.
Nếu quý vị tuyên bố rằng mình đã chứng được thánh quả, trong khi mình chẳng hề chứng được, hoặc quý vị tuyên bố đã chứng được những gì mình không thể chứng được. Thì quý vị sẽ thấy mình bị bao vây bởi quân ma.
10. THẤY THIỆN TRI THỨC BIẾN DẠNG MÀ KHÔNG HIỂU NGUYÊN NHÂN
Kinh Văn: Hựu dĩ thử tâm, nghiên cứu tinh cực, kiến thiện tri thức, hình thể biến di. Thiểu tuyển vô đoan, chủng chủng thiên cải. Thử danh tà tâm, hàm thọ li mị, hoặc tao thiên ma, nhập kì tâm phúc, vô đoan thuyết pháp, thông đạt diệu nghĩa, phi vi thánh chứng. Bất tác thánh tâm, ma sự tiêu yết. Nhược tác thánh giải, tức thọ quần tà.
Việt dịch: Lại đem tâm ấy, cứu xét tinh ròng, thấy hình thể của các vị thiện tri thức bị biến dạng. Chỉ trong chốc lát, thân họ biến thành nhiều dạng khác nhau mà không biết vì cớ gì. Đó gọi là: “Tà tâm bị loài lỵ mỵ hay bị thiên ma nhập vào, vô cớ thuyết pháp, rất thông suốt diệu lý,” chứ không phải là chứng thánh. Nếu không nghĩ mình chứng thánh thì các ma sự liền tiêu mất. Còn nếu nghĩ mình đã chứng thánh, liền rơi vào tà kiến.
Giảng: Đây là trạng thái ma sự thứ mười của sắc ấm, gọi là “vọng kiến” và “vọng thuyết.”
Lại đem tâm ấy, cứu xét tinh ròng, thấy hình thể của các vị thiện tri thức bị biến dạng. Người mà ông đã theo học giáo pháp trong quá khứ. Chỉ trong chốc lát, thân họ biến thành nhiều dạng khác nhau mà không biết vì cớ gì.
Vị thiện tri thức ấy biến đổi hình dạng ngay trước mặt ông, chợt biến thành một ông lão, lát sau vị ấy biến thành một người trung niên, lát sau nữa vị ấy biến thành một người thiếu niên. Còn nếu thiện tri thức vốn là người nam biến thành người nữ, ông sẽ nghĩ rằng: Ồ người thiện tri thức của ta đời trước là một người phụ nữ. Thực ra, những gì ông thấy đều không có thực. Những sự biến đổi này là kết quả từ vọng tưởng của ông. Chỉ trong chốc lát, nhiều sự biến chuyển xảy ra mà không giải thích được. Mọi việc đều biến đổi và trở nên khác với bình thường.
Điều này tương tự với những gì mà người sử dụng ma túy đã trải qua. Đối với họ, mọi vật trở nên có màu sắc sáng chói, họ không thể nhìn rõ các vật thể ấy. Họ vẽ lên nhưng bức tranh kỳ quái không ai hiểu nỗi, vì họ chỉ làm văng tung tóe bừa bãi các mầu sắc trên khung vải. Sau khi họ vẽ xong, có người nói: “Ồ thật là một danh họa.” Có người đã khen thật. Quý vị thấy đó! Đó là một loại.
Quý vị thắc mắc: “Nhưng đây có phải là trường hợp của người tu đạo đã dùng ma túy không?
Không. Cảnh giới này gây nên do ma vương. Khi ông dùng ma túy, ma vương cũng có việc làm. Nó cũng làm cho mọi cảm giác trong quý vị biến đổi theo (6).
Những cảnh giới trong sắc ấm có thể biến chuyển thành tốt hoặc trở nên xấu đi. Nếu hành giả có đầy đủ thiện căn, thì sự chuyển biến sẽ theo chiều hướng tốt đẹp. Nếu hành giả có ít thiện căn, sẽ hướng sang chiếu bất thiện. Đó là tất cả các dạng biến đổi.
Đó gọi là: “Tà tâm bị loài ly mỵ hay bị thiên ma nhập vào, vô cớ thuyết pháp, rất thông suốt diệu lý.”
Khi loài ly mị hoặc thiên ma nhập vào, ông sẽ tự cho rằng: Mình biết giảng kinh, biết thuyết pháp. Tự cho mình đã được khai ngộ, tự cho mình là bậc Trưởng lão. Những người này bắt đầu giảng pháp mà không có nguyên nhân, và họ không biết mình nói điều gì nữa. Họ nói rằng họ đã thông đạt diệu nghĩa của Phật pháp, nhưng thật sự chẳng thông đạt được diệu nghĩa. Họ cũng chẳng phải đang diễn nói Phật pháp nữa. Họ đã lấy những điều sai, diễn nói thành đúng rồi tuyên bố rằng pháp của họ là vi diệu. Họ tự khen ngợi mình còn hủy báng người khác. Nó tự xưng là bậc Trưởng lão.
Chứ không phải là chứng thánh. Đây là một trạng thái không tốt.
Nếu không nghĩ mình chứng thánh, các ma sự liền tiêu tan. Bọn quân ma sẽ tự biến mất.
Còn nếu nghĩ mình đã chứng thánh, liền rơi vào tà kiến. Nếu ông nghĩ mình đã đạt được quả vị Thánh, ông sẽ nhận thấy mình đang ở địa ngục. Ông sẽ đạt được quả vị của mình ở nơi địa ngục.
LỜI KHUYÊN RĂN TỔNG KẾT CỦA ĐỨC THẾ TÔN VỀ SẮC ẤM
Kinh Văn: A-nan, như thị thập chủng, thiền-na hiện cảnh, giai thị sắc ấm, dụng tâm giao hỗ, cố hiện tư sự .
Việt dịch: A-nan, mười cảnh giới hiện ra trong thiền định như vậy, là do sắc ấm và tâm dụng công giao xen với nhau mà có.
Giảng: A-nan, mười cảnh giới đã được mô tả ở trên hiện ra khi tập trung quánchiếu trong thiền định. Do sắc ấm và tâm nôn nóngdụng công giao xen nhau mà hiện ra. Cảnh giới này có liên quan với sắc ấm, khi tâm dụng công hỗ tương với sự tham cứu về sắc ấm đến cùng cực. Người tu đạo ai cũng có thể trải qua cảnh giới này.
Kinh Văn: Chúng sanh ngoan mê, bất tự thổn lượng. Phùng thử nhân duyên, mê bất tự thức, vị ngôn đăng thánh, đại vọng ngữ thành, đọa vô gián ngục.
Việt dịch: Chúng sanh mê muội không tự xét kỹ. Gặp nhân duyên này, mê muội không tự biết, tự cho là chứng thánh, thành tội đại vọng ngữ, sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
Giảng: Chúng sanh mê muội không tự xét kỹ. Chúng sanh ngoan cố khó chuyển hóa, ngu mê khó thức tỉnh. Họ không tự duyệt xét lại mình để kiểm chứng lại mức độ tu học của mình ngay từ đầu. Gặp nhân duyên này, gặp các cảnh giới ma sự, mê muội không tự biếtmình, tự cho là chứng thánh.
Chúng tuyên bố: “Ồ! Ta là Phật. Ta giác ngộ rồi. Ta đã chứng được thánh quả rồi.”
Như vậy thành tội đại vọng ngữ, chúng thật sự đã nói những lời đại vọng ngữ, chắc chắn chúng sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
Kinh Văn: Nhữ đẳng đương y, Như lai diệt hậu, ư mạt pháp trung, tuyên kì tư nghĩa. Vô linh thiên ma, đắc kì phương tiện. Bảo trì phúc hộ, thành vô thượng đạo.
Việt dịch: Các ông phải nương theo, sau khi Như Lai nhập diệt, trong đời mạt pháp, phải truyền bá giáo pháp này. Đừng để cho thiên ma có cơ hội quấy phá. Giữ gìn che chở cho mọi chúng sanh, khiến họ được thành đạo vô thượng.
Giảng: Các ông phải nương theo, sau khi Như Lai nhập diệt, trong đời mạt pháp, phải truyền bá giáo pháp này.
A-nan, ông nên hết lòng nương theo và thực hành giáo pháp mà tôi đã giảng dạy cho các ông. Trong đời mạt pháp, sau khi Như Lai diệt độ, các ông phải truyền bá giáo pháp này.
Đừng để cho thiên ma có cơ hội quấy phá. Giữ gìn che chở cho mọi chúng sanh, khiến họ được thành đạo vô thượng. Phải nên duy trì và bảo hộ Phật pháp chân chính, mới mong được thành tựu đạo quả vô thượng.