KINH THỦ LĂNG NGHIÊM LƯỢC GIẢNG
ŚŪRAMGAMA-SŪTRA
Tuyên Hoá Thượng Nhân giảng thuật

QUYỂN 7

HAI NHÂN ĐIÊN ĐẢO

A Nan liền đứng dậy đảnh lễ bạch Phật: Chúng con ngu độn, ham được đa văn, chưa cầu thoát ly nơi tâm phiền não, nhờ Phật từ bi dạy bảo, tu theo chánh pháp, được lợi ích lớn, thân tâm an lạc.
  
Thế Tôn! Nếu tu chứng pháp Tam Ma Địa, chưa đến Niết Bàn, thì thế nào gọi là chỗ Càn Huệ? Nơi 44 tâm, được tu đến cấp bậc nào và đến chỗ nào mới gọi là nhập Sơ Địa? Thế nào gọi là Đẳng Giác Bồ Tát?
 
Nói xong, năm vóc gieo sát đất, đại chúng đều nhất tâm chăm chú, mong đợi từ âm của Phật.
 
Bấy giờ, Thế Tôn khen A Nan rằng: Lành thay! Lành thay! Các ngươi lại biết vì cả chúng trong hội này và tất cả chúng sanh tu Tam Ma Địa, cầu pháp Đại Thừa trong đời mạt pháp, xin ta chỉ rõ lối tu vô thượng chơn chánh, từ phàm phu đến Đại Niết Bàn. Nay các ngươi hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ngươi mà nói.
 
A Nan và đại chúng chắp tay lắng lòng, yên lặng thọ giáo.
  
Phật bảo: A Nan nên biết! Diệu tánh sáng tỏ, lìa những danh tướng, vốn chẳng có thế giới chúng sanh. Do vọng có sanh, do sanh có diệt, sanh diệt gọi là vọng, diệt vọng gọi là chơn, ấy tức là Vô Thượng Bồ Đề và Đại Niết Bàn, cũng là hai hiệu chuyển y của Như Lai.
 
A Nan! Nay ngươi muốn tu chơn Tam Ma Địa, thẳng đến Đại Niết Bàn, trước hết phải biết hai nhân điên đảo của thế giới và chúng sanh; nếu điên đảo chẳng sanh tức là chơn Tam Ma Địa của Như Lai.
CHÚNG SANH ĐIÊN ĐẢO
A Nan! Sao gọi là Chúng Sanh Điên Đảo?
 
Do tánh sáng tỏ nơi Tâm, vì chấp tánh sáng tỏ, nên từ sáng tỏ ấy phát ra vọng tánh; tánh vọng thì kiến chấp sanh khởi, từ bổn lai vô, thành cứu cánh hữu. Cái năng hữu sở hữu này, chẳng có tướng năng nhân sở nhân và năng trụ sở trụ, trọn chẳng nguồn gốc. Từ chỗ vô trụ này, kiến lập thế giới và chúng sanh.
 
Vì mê cái bổn tâm sáng tỏ, nên sanh ra hư vọng, tánh vọng chẳng tự thể, chẳng có chỗ nương tựa; toan muốn trở về chơn, thì cái “muốn chơn” ấy, đã chẳng phải là chơn tánh của Chơn Như. Chẳng chơn mà cầu trở về chơn, rõ ràng thành phi tướng, phi sanh phi trụ, phi tâm phi pháp, xoay vần phát sanh, sanh mãi không thôi, huân tập thành nghiệp, đồng nghiệp cảm nhau, do sự cảm nghiệp, nên có tương diệt tương sanh, do đó thành chúng sanh điên đảo.
THẾ GIỚI ĐIÊN ĐẢO
A Nan! Sao gọi là Thế Giới Điên Đảo?
 
Do năng hữu sở hữu phân đoạn vọng sanh, từ đó an lập Giới, từ chỗ chấp năng nhân sở nhân, năng trụ sở trụ, dời đổi chẳng ngừng, nên vọng lập Thế. Tam thế tứ phương hòa hợp lẫn nhau, chúng sanh biến hóa thành 12 loài.
 
Vì giác tri của chúng sanh, nên trong thế giới, do động có thanh, do thanh có sắc, do sắc có hương, do hương có xúc, do xúc có vị, do vị biết pháp, sáu thứ vọng tưởng nhiễu loạn thành nghiệp tánh, nương theo tướng điên đảo luân chuyển này mà có 12 loài: Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, hoặc phi hữu sắc, hoặc phi vô sắc, hoặc phi hữu tưởng, hoặc phi vô tưởng, lưu chuyển chẳng ngừng.
12 LOÀI

1. A Nan! Bởi do thế giới có hư vọng luân hồi, điên đảo về động, hòa hợp thành khối, vọng tưởng thăng trầm, vì thế nên có loài noãn sanh lưu chuyển nơi quốc độ, như loài cá, chim, rùa, rắn, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
 
2. Bởi do thế giới có tạp nhiễm luân hồi, điên đảo về dục, hòa hợp thành sanh, vọng tưởng ngang dọc, vì thế nên có loài thai sanh lưu chuyển nơi quốc độ, như người, súc, rồng, tiên, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
 
3. Bởi do thế giới có chấp trước luân hồi, hướng về điên đảo, hòa hợp thành noãn (hơi ấm), vọng tưởng lăng xăng, vì thế nên có loài thấp sanh lưu chuyển nơi quốc độ, như loài côn trùng, sâu bọ, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
 
4. Bởi do thế giới có biến dịch luân hồi, điên đảo về giả, hòa hợp thành xúc, vọng tưởng mới cũ, vì thế nên có loài hóa sanh lưu chuyển nơi quốc độ, như loài thối xác phi hành, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
 
5. Bởi do thế giới có ngăn ngại luân hồi, điên đảo về chướng, hòa hợp thành trước, vọng tưởng tinh sáng, vì thế nên có loài hữu sắc lưu chuyển nơi quốc độ, như tất cả thần vật tinh sáng, đều hay dự đoán sự kiết hung, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
 
6. Bởi do thế giới có tiêu tán luân hồi, điên đảo về mê hoặc, hòa hợp thành ám, vọng tưởng u ẩn, vì thế nên có loài vô sắc lưu chuyển nơi quốc độ, như cõi vô Sắc và Thần Hư Không, cho đến quỷ mị u ẩn, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
 
7. Bởi do thế giới có mường tượng luân hồi, điên đảo về ảnh, hòa hợp thành nhớ, vọng tưởng thầm kết, vì thế nên loài hữu tưởng lưu chuyển nơi quốc độ, như loài thần quỷ tinh linh, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
 
8. Bởi do thế giới có ngu độn luân hồi, điên đảo về si, hòa hợp thành ngu, vọng tưởng khô khan, vì thế nên có loài vô tưởng lưu chuyển nơi quốc độ, tinh thần hóa ra đất, gỗ, kim thạch, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
 
9. Bởi do thế giới có đối đãi luân hồi, điên đảo về ngụy, hòa hợp thành nhiễm, vọng tưởng ỷ nhờ, vì thế nên có loài phi hữu sắc lưu chuyển nơi quốc độ, như loài thủy mẫu, lấy tôm làm mắt, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
 
10. Bởi do thế giới có dẫn dụ luân hồi, điên đảo về tánh, hòa hợp thành chú, vọng tưởng kêu gọi, vì thế nên có loài phi vô sắc lưu chuyển nơi quốc độ, như loài chú nguyền rủa, yêu mị, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
 
11. Bởi do thế giới có hợp vọng luân hồi, điên đảo về mường tượng, hòa hợp thành dị, vọng tưởng xoay vòng, vì thế nên có loài phi hữu tưởng lưu chuyển nơi quốc độ, như loài tò vò, hay bắt con vật khác làm con mình, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới.
 
12. Bởi do thế giới có oán hại luân hồi, điên đảo về sát (hại), hòa hợp thành quái, vọng tưởng ăn thịt cha mẹ, vì thế nên có loài phi vô tưởng lưu chuyển nơi quốc độ, như con thổ cưu và chim phá kính, ôm trái cây độc làm con, khi con lớn lên thì ăn luôn cả cha mẹ, đủ tám vạn bốn ngàn, đầy tràn thế giới. Ấy gọi là mười hai loại chúng sanh.