KINH THỦ LĂNG NGHIÊM LƯỢC GIẢNG
ŚŪRAMGAMA-SŪTRA
Tuyên Hoá Thượng Nhân giảng thuật
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nhuận Châu

QUYỂN 6

TỨ CHỦNG THANH TỊNH MINH HỐI

1. PHẢI ĐOẠN TRỪ TÂM DÂM

Kinh văn:

A-nan vì sao thu nhiếp tâm niệm, Như Lai gọi là giới? Nếu các chúng sinh trong thế giới lục đạo tâm không dâm dục, thì sẽ không bị tương tục trong sinh tử.

Giảng giải:

A-nan vì sao thu nhiếp tâm niệm, Như Lai gọi là giới?

Bây giờ Như Lai sẽ nói cho ông. Nếu các chúng sinh trong thế giới lục đạo tâm không dâm dục. Lục đạo, tức sáu cõi giới: cõi trời, cõi người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, và chúng sinh trong địa ngục. Nếu các chúng sinh ấy không có niệm tưởng dâm dục. Thì họ sẽ không bị tương tục trong sinh tử. Họ sẽ cắt đứt được sinh tử.

Kinh văn:

Ông tu tam-muội, cốt là để thóat khỏi trần lao. Nếu không trừ lòng dâm, không thể ra khỏi trần lao được.

Giảng giải:

Đức Phật nói với A-nan: Ông tu tam-muội, cốt là để thóat khỏi trần lao. Ông muốn thóat khỏi sinh tử. Nếu không trừ lòng dâm, không thể ra khỏi trần lao được. Nếu ông không cắt đứt lòng ham muốn ái dục, thì sẽ không thể nào ra khỏi trần lao phiền não thế gian. Vì chính niệm tưởng ái dục là nhiễm ô. Chính nó là trần lao phiền não. Không nói là dự phần vào hành vi dâm dục, chỉ một ý tưởng nầy hiện tiền là nhiễm ô rồi. Nếu quý vị không từ bỏ tâm dâm dục, thì hoàn toàn không có lý do gì để hy vọng giác ngộ và thành Phật. Một bên vẫn giữ tâm dâm dục và một đằng mong thành tựu giác ngộ là thứ suy nghĩ đần độn nhất. Có người nghĩ rằng phương pháp đó khó truyền dạy được. Thậm chí dù Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngay bây giờ thị hiện trên thế gian, ngài cũng không có cách nào đưa những người như vậy đến chỗ giác ngộ. Những người như vậy là thuộc hạng chậm lụt nhất.

Kinh văn:

Dù có nhiều trí và thiền định hiện tiền, nếu không đọan trừ tâm dâm, chắc lạc vào ma đạo. Hạng trên thành ma vương, hạng giữa thành ma dân, hạng dưới thành ma nữ.

Giảng giải:

Dù có nhiều trí và thiền định hiện tiền, nếu không đọan trừ tâm dâm, chắc lạc vào ma đạo.

Quý vị có thể có trí, và khi quý vị ngồi thiền, quý vị có thể cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng và cảm thấy rất tự tại–có nghĩa là quý vị có thể nhập vào thiền định. Thế là quý vị cho rằng mình có trí huệ chăng? Nếu quý vị không dứt trừ tâm dâm, cuối cùng quý vị sẽ thành ma.

Hạng trên thành ma vương trong cõi trời Lục dục hạng giữa thành ma dân, thành loại ma bình thường. hạng dưới thành ma nữ. Chúng rất xinh đẹp, nhưng rất ác độc. Những người có trí huệ nên cẩn thận. Những người thông minh nên lưu ý đoạn kinh nầy. Đừng để cho thông minh rốt cuộc trở lại làm hại chính mình. Đừng có thái độ: “Anh không biết, nhưng tôi biết. Anh không rõ, nhưng tôi rõ.” Đó chỉ là thứ thông minh lặt vặt, hiểu biết tầm thường. Đừng để cho tương lai đầy hứa hẹn của mình phải bị tàn hoại.

Kinh văn:

Các loài ma kia cũng có đồ chúng. Đều tự xưng đã thành đạo vô thượng.

Giảng giải:

Những người nầy với một ít tri thức, không cắt đứt được tâm dâm dục, lại luôn luôn nói về ái dục. “Tôi yêu anh, và anh yêu tôi.” Và họ yêu qua yêu lại cho đến khi thành ma. Thế điều gì xảy ra?

Các loài ma kia cũng có đồ chúng. Đều tự xưng đã thành đạo vô thượng.

Chúng nó cũng vậy, cũng có đệ tử và người ủng hộ. Chúng hoàn toàn chẳng xấu hổ, luôn luôn lớn tiếng tuyên bố rằng mình đã thành đạo tối thượng. “Ta là Phật! Chúng ta đều là vô thượng và chẳng có ai sánh bằng!”

Vốn những kẻ như vậy là ma, nhưng họ chẳng thừa nhận điều ấy; họ tuyên bố thay thế cho chư Phật. Quý vị thấy, vẫn có chư Phật giả. Nhưng chúng không thấy chính họ là giả. Chúng thấy mình là thật. Họ tin rằng: Trên trời dưới đất, chỉ có mình ta là tôn quý.

Kinh văn:

Sau khi Như Lai diệt độ, có nhiều loại ma dân nầy náo loạn trong thế gian. Chúng gây nhiều việc tham dâm, xưng là thiện tri thức, khiến cho chúng sinh rơi vào hầm sâu ái kiến, lạc mất đường đến giác ngộ.

Giảng giải:

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói: “Khi Như Lai còn đang tại thế, loài ma nầy không dám tự phô bày, nhưng sau khi Như Lai diệt độ, có nhiều loại ma dân nầy náo loạn trong thế gian.

Đó chính là thời đại của chúng ta đang được đề cập trong kinh. Khi giáo pháp sắp tàn hoại, sẽ có rất nhiều loài ma nầy chung quanh, chúng đi khắp nơi rao giảng về tham dục. Và chính chúng say sưa trong dâm dục, hoặc là đàn ông hoặc là phụ nữ. Cùng lúc đó, chúng nghĩ rằng mình đã giác ngộ và đã thành Phật.

Làm thế nào để tôi có thể nhận ra những người như thế nầy, họ nói họ đã thành Phật–tôi không còn để ý đến tên của họ. Anh ta nói anh là Phật. Tôi nói anh là ma.

Anh ta hỏi lại: “Ai là ma?”

Tôi đáp: “Anh là ma.”

Tại sao tôi biết được? Vì anh ta giống như những điều tôi vừa mô tả trên. Anh ta luôn luôn nói về cảm xúc và tình yêu. “Tình yêu, tình yêu. Tôi yêu mọi người.”

Thật là xấu hổ. Ông có quyền gì khi yêu mọi người? Những loài ma nầy Chúng gây nhiều việc tham dâm.

Chúng rất dữ dội trong thế gian. Những người mê mờ sẽ bị dính mắc với chúng, họ cho rằng những gì chúng nói đều là có lý. Đặc biệt nó sẽ đồng ý với cách suy nghĩ của giới thanh niên. Nói như thế nầy, “Những người cùng có cảm giác tàn bạo (atrocious tastes) thường đến với nhau.” Chúng thường khen ngợi nhau khi đoạ lạc vào con đường nầy. Nếu chúng không tán thành ý kiến của ai, thì chúng sẽ không làm như vậy.

Nếu đường lối của người kia không phù hợp, thì chúng sẽ không cộng tác với nhau. Nhưng nếu suy nghĩ của chúng giống nhau, thế là kẻ đui dẫn người mù. Thật là đáng thương. Ở đây tôi không quở mắng ai, nhưng :

Nếu một người mê mờ

Truyền dạy sự mê lầm cho người khác

Khi mọi điều được nói và làm,

Thì chẳng có ai hiểu được.

Thầy đoạ vào địa ngục

Trò cũng phải vào theo.

Thầy cũng rơi vào địa ngục, và khi đệ tử cũng hiện ra trong đó, thầy ngạc nhiên hỏi, “Sao trò cũng đến đây? Đây là nơi rất khủng khiếp.”

Đệ tử trả lời: “Thầy đã đến đây trước, và thầy là thầy của chúng tôi, dĩ nhiên là chúng tôi phải theo thầy.”

Xưng là thiện tri thức.

Chúng khoa trương, “Tôi giảng dạy nhiều nơi cho rất nhiều người.” Thật lố bịch!

Khiến cho chúng sinh rơi vào hầm sâu ái kiến, lạc mất đường đến giác ngộ.

Chúng khiến cho những ai liên hệ với chúng đều rơi vào hầm hố ái dục, khiến họ bị mất tâm bồ-đề và kết thúc đời mình trong địa ngục.

Kinh văn:

Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, trước hết phải đoạn trừ tâm dâm. Đó là lời dạy bảo thanh tịnh, quyết định thứ nhất của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

Giảng giải:

Ma vương cổ xuý yêu đương. Sự khác nhau giữa ma vương và giáo pháp của Bồ-tát thì rất mỏng manh–giống như úp ngửa bàn tay. Khác nhau như thế nào?

Bồ-tát cũng thương yêu mọi người, nhưng tình yêu của họ là lòng từ bi che chở, tránh xa tham dục. Nhưng có một luồng ái dục chạy qua mọi điều mà ma vương nói. Ma vương công khai tán thành tham dục, đến mức nó nói rằng, càng tham đắm tham dục càng cao, thì càng mau đạt đến chứng ngộ. Loại tà thuyết nầy hãm hại mọi người. Bồ-tát thì không còn tham dục; các ngài không có khác biệt gì giữa chúng sinh và các ngài. Ma vương có động cơ riêng của chúng; nó tham lam của cải. Bồ-tát không có động cơ nào đàng sau và không tham lam. Liên quan đến điều nầy, là giáo pháp nói về 12 nhân duyên của Đức Phật.

Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, trước hết phải đoạn trừ tâm dâm. Dạy họ trừ bỏ niệm tưởng dâm dục. Đó là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ nhất của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước .

 Đây là phương pháp giáo hóa mà các Đức Phật Như Lai đã vận dụng. Đây là sự quyết định của các Đức Phật trong đời quá khứ. Đây là lời giáo huấn rõ ràng chỉ dạy cho mọi người làm thế nào để đạt được tâm thanh tịnh. Mọi người phải trừ tâm dâm dục. Không có một chút du di nào cả. Không thể nói rằng vừa có thể dâm dục vừa có thể không. Mọi người phải trừ bỏ nó. Nếu quý vị muốn đạt đến giác ngộ mà vẫn còn giữ niệm tưởng dâm dục, thì chắc chắn quý vị là đồ đệ của ma.

Kinh văn:

Thế nên, A-nan, nếu không đoạn tâm dâm mà tu thiền định, cũng như nấu cát mà mong thành cơm. Trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chỉ là cát nóng. Vì sao? Vì đó chẳng phải là bản nhân của cơm, đó chỉ là cát đá.

Giảng giải:

Quý vị thấy, bây giờ Đức Phật nêu lên một thí dụ. Ngài bảo A-nan, “Ông chưa tin điều nầy, nên Như Lai sẽ giải thích cho ông. Thế nên, A-nan, nếu không đoạn tâm dâm mà tu thiền định, cũng như nấu cát mà mong thành cơm.

Nếu mình không nghiêm khắc với ái dục mà vẫn tu tập thiền định hằng ngày, thì một mặt tu tập, mặt kia vẫn bị rỉ chảy (lậu hoặc). Mọi thứ mình có được trong công phu tu tập sẽ bị thất thóat gấp 10 lần do lậu hoặc; nếu mình tu gấp 10 lần, thì sẽ thất thóat nhiều gấp trăm lần do lậu hoặc. Nếu không thể trừ bỏ ái dục, mà vẫn ngồi thiền với lòng mong mỏi được giác ngộ, với mục đích có được một niềm vui điên đảo. Điều nầy cũng giống như nấu cát mà mong được thành cơm.

Trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chỉ là cát nóng. Chỉ là vô ích, Vì sao? Vì đó chẳng phải là bản nhân của cơm, đó chỉ là cát đá.

Quý vị mong được giác ngộ mà không chịu từ bỏ tham dục. Điều ấy cũng giống như nấu cát mà mong thành cơm.

Chẳng có gì để nói thêm ở đây. Nếu quý vị nghiêm khắc với tham dục, thì dù quý vị có cùng với những đối tượng tình dục suốt ngày, cũng chẳng có vấn đề gì. Sẽ chẳng có gì dâm dục, chẳng có tướng nam, tướng nữ, tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sinh, tướng thọ giả. Có người không biết xấu hổ, còn nói, “Đó là cách sống của tôi.” Chỉ nói đó là lối sống của quý vị thôi chưa đủ. Chưa có bằng chứng. Làm sao quý vị biết đó là cách sống của mình? Nếu quý vị sống theo cách đó, thì cơ bản là quý vị sẽ không biết mình là ai. Không lẽ quý vị cho rằng mình không có ý tưởng dâm dục nào?

Nếu không, đơn giản là không. Khỏi cần đi quanh quảng cáo về chuyện đó. Chỉ cần thể hiện rằng quý vị thực không sống theo cách đó. Nếu quý vị thực sự không có tham dục thì:

Nhãn kiến sắc, nội vô hữu

Nhĩ văn trần, tâm bất tri.

Bất luận tai có nghe được âm thanh dễ chịu nào, tâm ý bạn cũng chẳng bận lòng. Thế là quý vị đã có được chút ít hành trang với mình rồi. Và nếu quý vị có thể đạt đến mức độ đi đứng nằm ngồi cùng với người nào đó là đối tượng dâm dục mà không xảy ra một vấn đề nào cả–không khởi lên bất kỳ niệm tưởng tình dục nào–mới đáng kể. Không thể nói rằng tâm vẫn truy đuổi ái dục mà mình nghiến răng và nói cứng rắn, “Ta vẫn chịu đựng được.” Điều ấy chưa được. Phải chắc thật là trong tâm không có một niệm tưởng dâm dục sinh khởi, tâm phải bất động, đó mới thực là  không còn một dấu tích dâm dục nào trong tâm mình. Đó mới là chân chính. Nếu thỉnh thoảng quý vị vẫn còn biết người phụ nữ ăn thứ gì, thì quý vị vẫn bị đánh trượt như thường.

Một hôm có người được giác ngộ và tìm đến một vị thầy để cầu xin ấn chứng.

Vị thầy hỏi: “Ông khai ngộ được điều gì?”

Người ấy đáp: “Ồ! Trước đây tôi không bao giờ nhận ra được, nhưng nay tôi biết rõ tỷ-khưu-ni là phụ nữ.”

Bằng Phật nhãn, vị thầy thấy quả thực người kia đã chứng ngộ. Thầy nói để ấn chứng:

“Ông nói đúng.”

Quý vị sẽ bảo: “Ai chẳng biết điều đó?”

Nếu quý vị chưa chứng ngộ, quý vị không thể nào nói được như vậy. Vì vị tăng đó là người đã chứng ngộ nên phát ra cái thấy như vậy. Đây là điều mà quý vị không thể nào dối gạt mọi người–đặc biệt là do thầy của anh ta đã có được Phật nhãn. Thầy nhìn vị tăng và thấy vị tăng đã chứng sơ quả A-la-hán.

Kinh văn:

Ông đem thân dâm dục cầu diệu quả chư Phật, dù được diệu ngộ, cũng chỉ là gốc dâm. Cội gốc đã thành dâm, thì phải trôi lăn trong tam đồ, chắc không ra khỏi được. Còn đường nào để tu chứng niết-bàn của Như Lai?

Giảng giải:

Đức Phật nói với A-nan, “Việc ông ưa thích con gái của Ma-đăng-già không chỉ liên quan đến niệm tưởng dâm dục, mà còn do căn gốc dâm dục của ông.”

Ông đem thân dâm dục cầu diệu quả chư Phật, dù được diệu ngộ, cũng chỉ là gốc dâm.

Dù ông có chứng được phần tinh yếu của đạo lý vi diệu, thì ông vẫn chưa trừ bỏ được gốc dâm.

Cội gốc đã thành dâm, thì phải trôi lăn trong tam đồ, chắc không ra khỏi được.

Trong tương lai, ông chắc sẽ rơi vào địa ngục. “Tam đồ” là những cõi giới của loài súc sanh, quỷ đói, và địa ngục. Ông chắc sẽ dính líu với ba cõi nầy và không thể nào thóat ra khỏi được.

Còn đường nào để tu chứng niết-bàn của Như Lai?

Trong những cõi giới nầy, đường nào dẫn ông đến các quả vị?

Kinh văn:

Ắt phải khiến cho thân tâm đều đọan trừ hết căn dâm. Tánh đoạn cũng trừ. Mới mong chứng quả bồ-đề của chư Phật.

 Giảng giải:

Ắt phải khiến cho thân tâm đều đọan trừ hết căn dâm.

Ông nhất định phải trừ bỏ mọi niệm tưởng dâm dục dù nhỏ nhặt và vi tế nhất. Điều ấy có nghĩa là chính vô minh phải được dứt sạch. Phải được thực hiện bằng cả thân và tâm.

Tánh đoạn cũng trừ.

Ngay cả ý niệm dứt trừ vô minh cũng phải dứt sạch.

Mới mong chứng quả bồ-đề của chư Phật.

 Kinh văn:

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói. Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói.

Giảng giải:

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói. Đây là cách thức chư Phật giảng nói Phật pháp.

Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói. Là cách nói của ma vương.

Ba-tuần, tiếng Sanskrit là Papiyan, có nghĩa là ‘người ác’, chỉ cho Māra, tức ma vương.

Những ai đến nghe giảng kinh chắc chắn phải là người có thể thấy được. Người mù không thể đến nghe kinh, người bị điếc và người câm ngọng cũng vậy. Người càng đến nghe giảng kinh, sẽ càng trở nên thông minh lanh lợi hơn. Mọi người nên mở ra con mắt huệ chân thật và thực sự xoay nhĩ căn trở vào tự tánh của mình. Đừng mong tìm cầu bên ngoài.

 

2. PHẢI ĐOẠN TRỪ TÂM SÁT HẠI

Kinh văn:

Lại nữa, A-nan, nếu các chúng sinh trong sáu cõi khắp các thế giới, nếu họ không có tâm sát hại, ắt sẽ không tương tục theo dòng sanh tử.

Giảng giải:

Nếu loài trời, loài người, a-tu-la, súc sanh, quỷ đói, loài chúng sinh ở địa ngục, không mang nặng niệm tưởng sát hại, thay vào đó lại dừng hẳn nghiệp sát và giải thóat cho mọi loài chúng sinh, thì họ có thể ra khỏi vòng luân hồi sinh tử. Ở đây chỉ đề cập đến niệm tưởng về sát hại (ý nghiệp), chứ chưa nói đến hành vi sát hại (hành nghiệp). Nếu mọi người dừng lại nghiệp sát, thì họ sẽ khỏi phải chịu trôi lăn luân hồi sinh tử trong sáu đường, và là chủ tể của nghiệp rồi phải theo đó mà trải qua sinh tử luân hồi.

Kinh văn:

Ông tu tam-muội, cốt là ra khỏi trần lao. Tâm sát hại không trừ, thì không thể nào ra khỏi trần lao được.

Giảng giải:

A-nan, ông muốn tu tập định lực. Ông tu tam-muội, cốt là ra khỏi trần lao.

Từ ban đầu, ông đã mong được thóat ra khỏi trần lao.

Tâm sát hại không trừ, thì không thể nào ra khỏi trần lao được.

Làm thế nào để chúng ta có thể trừ bỏ niệm tưởng sát hại? Dừng hẳn việc giết hại và giải thóat cho mọi loài chúng sinh. Ở trên Kinh văn có nói, “Nếu không trừ bỏ niệm tưởng dâm dục, thì không thể nào ra khỏi trần lao.” Nên quý vị phải nghiêm khắc với niệm tưởng dâm dục để mong thóat ra khỏi trần lao. Đó là cách duy nhất để quý vị có thể thóat khỏi vòng luân hồi sinh tử. Nhưng nếu quý vị vẫn tán tâm vào niệm tưởng dâm dục và vẫn ôm nặng tâm sát hại, thì quý vị không thể nào ra khỏi thế gian. Quý vị không thể nào siêu việt sanh tử.

Kinh văn:

Dù có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu như không đoạn trừ tâm sát hại, ắt rơi vào thần đạo. Bậc cao thì làm đại lực quỷ. Bậc trung thì làm quỷ phi hành dạ-xoa và các loài quỷ soái. Bậc thấp thì làm quỷ địa hành la-sát.

 Giảng giải:

Dù có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu như không đoạn trừ tâm sát hại, ắt rơi vào thần đạo.

“Trí” ở đây là chỉ cho trí thông minh thế gian và tài giỏi biện luận, chứ không phải là trí huệ siêu việt. Đó là một dạng trí thông thường khiến cho người ta có một khả năng nhất định để tranh luận. Và dù quý vị có tu đến mức độ có công phu trong thiền định–quý vị có được một vài sự cảm ứng– thì, nếu quý vị không trừ bỏ nghiệp sát, quý vị vẫn bị rơi vào cảnh giới của các thần. Có nghĩa là có thể quý vị sẽ trở thành một vị thần thống lãnh các cõi trời.

Bậc cao thì làm đại lực quỷ. Có nghĩa là  binh tướng hùng mạnh của cõi trời

Bậc trung thì làm quỷ phi hành dạ-xoa và các loài quỷ soái.

Phi hành dạ xoa là loài quỷ bay đi trên không. Hoặc là trở thành kẻ chỉ huy của loài quỷ.

Bậc thấp thì làm quỷ địa hành la-sát.

Kinh văn:

Các loài quỷ thần ấy cũng có đồ chúng. Chúng đều tự cho rằng mình đã thành đạo vô thượng.

Giảng giải:

Các vị thần thống lĩnh, loài đại lực quỷ ở cõi trời, loài quỷ dạ-xoa và quỷ la-sát ở cõi người, loài quỷ ở cõi địa ngục cũng có đồ chúng. Có khoảng chừng 10 ngàn loài quỷ khác nhau. Kuan Ti Kung ở Trung Hoa là một ví dụ của thần tài. Nhưng sau khi ông ta quy y Phật, ông ta được gọi là Bồ-tát Ch’ieh Lan, là một vị thần hộ pháp. Trong pháp hội của Phật, ông ta chỉ đứng, không được phép ngồi.

Tuy nhiên, các loài quỷ nói ở đây đều tự tuyên bố là chúng đã thành đạo vô thượng.

Kinh văn:

Sau khi Như Lai diệt độ, trong thời mạt pháp, nhiều loại quỷ thần nầy sôi nổi trong thế gian. Chúng tự tuyên bố rằng ăn thịt sẽ chứng được đạo bồ-đề.

Giảng giải:

Sau khi Như Lai diệt độ, trong thời mạt pháp, nhiều loại quỷ thần nầy sôi nổi trong thế gian.

Đó chính là Đức Phật nói đến thời đại ngày nay– thời kỳ mà quý vị và tôi đang sống. Có vô số quỷ thần trong thời mạt pháp nầy, tất cả là do trong đời trước chúng không từ bỏ nghiệp sát. Chúng có tu tập, nhưng không thể dừng bỏ việc sát hại, nên chúng đoạ vào cõi giới của các thần. Trong thời mạt pháp, những loài nầy sẽ tự tuyên bố rằng ăn thịt sẽ chứng được đạo bồ-đề.

Chúng nói rằng, “Ăn thịt và thành Phật là như nhau. Ta chẳng cần từ bỏ việc sát hại hoặc phải ăn chay, mà ta vẫn giác ngộ và chứng được đạo bồ-đề, có nghĩa là ta là Phật. ”

Điều nầy giống như có người tuyên bố mình đã thành Phật nhưng ăn thịt, uống rượu, hút thuốc, có một nhóm đồ đệ trẻ và dạy cho họ hút cần sa, chơi ma tuý.

Có ai từng nghe người giác ngộ mà hành xử như vậy chăng? Khi Đức Phật thành đạo, ngài không dùng những chất ma tuý như vậy. Nay quý vị dùng thuốc để đầu độc hệ thống thần kinh của mình, làm đảo lộn nội lực quân bình của mình, và đưa mình đến bờ vực cái chết, mà vẫn khăng khăng cho mình là đã giác ngộ. Tôi hỏi quý vị, vậy có điên đảo không?

Kinh văn:

A-nan, Như Lai cho phép hàng tỷ-khưu ăn năm loại tịnh nhục. Thịt ấy đều do thần lực của Như Lai hóa ra, vốn chúng không có mạng căn. Xứ Bà-la-môn của các ông, đất đai phần nhiều ẩm thấp và nóng, lại thêm cát đá, rau cỏ không sinh được. Như Lai dùng thần lực từ bi gia hộ. Do tâm đại từ bi giả gọi là thịt. Các ông cũng nhận được vị như thịt. Cớ sao sau khi Như Lai diệt độ, những người ăn thịt chúng sinh lại xưng là Thích tử?

Giảng giải:;

A-nan, Như Lai cho phép hàng tỷ-khưu ăn năm loại tịnh nhục.

Giáo pháp Đức Phật cho phép dùng năm thứ thịt như sau:

1) Thịt của súc vật mà mình không thấy chúng bị giết.

2) Thịt của súc vật mà mình không nghe chúng bị giết.

3) Thịt của súc vật mà mình biết chắc là chúng không bị giết để cho mình ăn.

4) Thịt của súc vật đã chết (không do người nào giết).

5) Thịt còn sót lại sau khi chim đã rỉa.

Thịt ấy đều do thần lực của Như Lai hóa ra, vốn chúng không có mạng căn.

Chính Đức Phật đã tạo nên các loài thịt nầy; nó vốn không xuất phát từ các sinh vật. Chúng không có mạng căn; có nghĩa là không có tâm thức, không có hơi ấm; không có hơi thở.

Xứ Bà-la-môn của các ông, đất đai phần nhiều ẩm thấp và nóng, lại thêm cát đá, rau cỏ không sinh được.

Các ông là những người tu hành hạnh thanh tịnh, lại sống trong vùng đất đầy cát đá và ẩm thấp.

Như Lai dùng thần lực từ bi gia hộ. Nhân tâm đại từ bi giả gọi là thịt. Các ông cũng nhận được vị như thịt.

Đó là thực chất những thứ các ông đang ăn. Nay Như Lai cho phép các ông ăn thứ thịt như vậy. Nhưng, sau khi Như Lai diệt độ, sao những người ăn thịt chúng sinh lại xưng là Thích tử được?

Chẳng phải là họ ăn năm thứ thịt thanh tịnh, mà chính họ hoàn toàn đã ăn thịt chúng sinh. Họ có được gọi là đệ tử Phật không? Họ không xứng đáng được xem là đệ tử của Thích-ca, có nghĩa là không xứng đáng là những người xuất gia.

Kinh văn:

Các ông nên biết những người ăn thịt đó, dù tâm được khai ngộ, như tam-ma-đề, đều là loài đại la-sát. Khi quả báo hết, lại phải chìm đắm trong biển khổ sinh tử. Họ chẳng phải là đệ tử của Phật. Những người ấy giết hại, thôn tính lẫn nhau, ăn nuốt nhau không thôi. Những người như vậy làm sao ra khỏi ba cõi?

Giảng giải:

Các ông nên biết những người ăn thịt đó, dù tâm được khai ngộ, như tam-ma-đề, đều là loài đại la-sát.

Không không cần để ý đến mình đang ăn thứ thịt gì. Họ không bận tâm đó là một trong ba thứ thịt thanh tịnh hoặc trong năm thứ thịt thanh tịnh. Nếu đó là thịt, thì họ cứ ăn. A-nan, ông nên biết rằng sau khi Như Lai diệt độ, những người như vậy sẽ giả dạng làm đệ tử Phật và  họ sẽ dùng cả rượu và thịt. Họ rất phóng túng, nói rằng mọi người đều tự do, tuỳ ý muốn làm gì thì làm. Dù họ có chút giác ngộ hay được chút ít trí huệ, họ chỉ tương tợ như ở trong định.” Thực sự là chẳng phải như vậy. Họ giống như những người đã đến đây và tự xưng mình là Lục tổ.

Tôi hỏi: “Bằng chứng nào mà anh tự xưng mình là Lục tổ?”

Người ấy đáp: “Tôi chẳng có bằng chứng nào chứng tỏ là không giống.”

Anh ta tưởng rằng đó là câu đối đáp thông minh. Thực sự, anh ta thuộc cùng loại với những người đang mô tả trong đoạn kinh nầy. Những người như vậy như thể có chút định lực, nhưng thực tế họ là loài đại la-sát, đại ma vương, đại quỷ thần.

Khi quả báo hết, lại phải chìm đắm trong biển khổ sinh tử. Họ chẳng phải là đệ tử của Phật.

Dù những người như vậy đáp y ca-sa của Phật, ăn thực phẩm của Phật, nhưng họ chẳng phải là đệ tử Phật.

Những người ấy giết hại, thôn tính lẫn nhau, ăn nuốt nhau không thôi.

Họ sống và ăn thịt, không ngại một điều nào cả. Họ cứ ăn nuốt lẫn nhau. Họ giết hại lẫn nhau; anh ăn tôi, tôi ăn lại anh; giết và ăn; rồi trở lại bị giết và bị ăn.

Những người như vậy làm sao ra khỏi ba cõi?

Sông như vậy là tạo nên một vòng luân hồi sinh tử bất tận. Đời này anh ăn thịt tôi; và đời sau tôi ăn thịt anh. Đời sau nữa, trở lại anh ăn thịt tôi, và cứ tiếp diễn như vậy. Những chúng sinh ấy làm sao ra khỏi được Dục giới, Sắc giới, và Vô sắc giới?

 Kinh văn:

Ông dạy người đời tu pháp tam-ma-địa, phải đoạn trừ việc sát sanhĐó là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ hai của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

Giảng giải:

Ông dạy người đời tu pháp tam-ma-địa, phải đoạn trừ việc sát sanh. Trước tiên, phải đoạn trừ dâm dục; rồi còn phải cấm chế niệm tưởng sát hại. Đó là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ hai của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

Đây là giáo lý được Đức Phật xiển dương. Cả chư Phật trong quá khứ và chư Phật đời nầy để chỉ dạy giáo pháp rõ ràng thanh tịnh và quyết định nầy. Quý vị phải chắc chắn tôn trọng giáo pháp nầy. Nếu không, quý vị không thể nào ra khỏi ba cõi được.

Kinh văn:

Thế nên A-nan, nếu không đoạn trừ việc sát hại mà tu thiền định, ví như có người tự bịt tai mình, rồi kêu lớn tiếng, mà mong mọi người chẳng nghe tiếng mình. Loại người nầy gọi là muốn dấu nhưng càng lộ bày.

Giảng giải:

Thế nên A-nan, nếu không đoạn trừ việc sát hại mà tu thiền định. Họ phải nghiêm khắc với hạt giống từ bi của mình. Khi đã bỏ mất tâm từ bi, ví như có người tự bịt tai mình, rồi kêu lớn tiếng, mà mong mọi người chẳng nghe tiếng mình.

Điều nầy cũng như có người bịt tai mình mà ăn cắp chuông, họ cho rằng nếu mình không nghe tiếng chuông thì người khác cũng không nghe.

Loại người nầy gọi là muốn dấu nhưng càng lộ bày.

Họ càng muốn dấu diếm những hành vi của mình, thì nó càng lộ bày ra. Cũng như vậy, những người tu thiền định mà không chịu dừng lại việc sát hại thì khó đạt được điều mình mong đợi.

Kinh văn:

Tỷ-khưu thanh tịnh và các vị Bồ-tát khi đi trên đường còn không đạp cỏ non, huống là dùng tay nhổ. Tại sao thực hành tâm đại bi mà lại lấy máu thịt chúng sinh làm thức ăn?

Giảng giải:

Tỷ-khưu thanh tịnh và các vị Bồ-tát tu tập công hạnh cực kỳ thanh tịnh, khi đi trên đường còn không đạp cỏ non.

Ở nơi có vài lối đi, thường có cỏ mọc bên vệ đường. Tỷ-khưu thanh tịnh và các vị Bồ-tát sẽ không bao giờ dẫm lên cỏ non, vì  sợ sẽ làm cho cỏ chết.

Huống là dùng tay nhổ. Các ngài cũng không nhổ một cây cỏ nào.

Tại sao thực hành tâm đại bi mà lại lấy máu thịt chúng sinh làm thức ăn?

Điều ấy không thể được

 Kinh văn:

Nếu các tỷ-khưu không mặc tơ lụa, là lượt của phương đông, và không dùng giày dép, áo cừu, áo len, hay các thứ sữa, lạc, đề hồ. Những tỷ-khưu ấy, thật là giải thóat trong pháp thế gian. Trả hết nợ cũ xong, sẽ không vào trong ba cõi nữa.

 Giảng giải:

Nếu các tỷ-khưu không mặc tơ lụa, là lượt của phương đông, và không dùng giày dép, áo cừu, áo len, hay các thứ sữa, lạc, đề hồ. Những tỷ-khưu ấy, thật là giải thóat trong pháp thế gian.

Lụa, da, lông thú, lông tơ (chim) đều xuất phát từ sinh vật. Sinh mạng của chúng phải bị cướp đoạt để tạo ra những thứ nầy. Vải thường không bao hàm trong các loại nầy. Do vậy, các ngài không dùng giày da hay túi xách làm bằng da. Họ cũng không dùng các thực phẩm chế biến từ sữa.

Trả hết nợ cũ xong, sẽ không vào trong ba cõi nữa.

Ở đây nói rằng sữa và các thực phẩm chế biến từ sữa đều không nên dùng, nhưng trong giới luật của Đại thừa và Tiểu thừa đều không cho rằng điều nầy không hoàn toàn bị cấm dùng. Đoạn kinh nầy nói về những người giữ giới với mức độ thanh tịnh nhất. Họ hoàn toàn giữ giới không giết hại. Họ không dùng bất cứ thứ gì liên quan đến sinh mạng chúng sinh. Họ không mặc đồ tơ lụa vì một số sinh mạng của loài tằm phải chết trong quá trình dệt thành lụa. Họ không dùng mật ong vì mật là từ ong. Nhưng riêng trong giới luật vấn đề nầy vẫn còn được khai mở.

Giới có một ý nghĩa rất linh hoạt. Giới không chuyên biệt cấm đoán mọi thứ nầy. Đối với quý vị tránh dùng những thứ đó là người rất thanh tịnh. Điều ấy rất tốt.

Kinh văn:

Tại sao dùng những bộ phận thân thể chúng sinh, đều có ảnh hưởng đến chúng. Như con người ăn trăm giống cốc loại trong đất, thì chân không rời đất. Dứt khóat thân tâm mình, đối với thân thể hay chi phần của chúng sinh, quyết không dùng, không ăn không mặc. Những người như vậy, Như Lai mới thật xem là giải thóat.

Giảng giải:

Tại sao dùng những bộ phận thân thể chúng sinh, đều có ảnh hưởng đến chúng.

Chẳng hạn, khi quý vị mặc đồ tơ lụa, thì quý vị đã có liên quan với loài tằm đã nhả ra tơ. Nếu quý vị không muốn thành loài sinh vật ấy, thì đừng nên liên hệ với chúng. Đó là Như con người ăn trăm giống cốc loại trong đất, thì chân không rời đất. Đó chính là loài người đầu tiên trên trái đất, họ vốn là chúng sinh từ cõi trời Đại phạm xuống. Điều nầy xảy ra trong quá khứ khi kiếp hoả lan khắp trái đất cho đến khi thiêu huỷ mọi dấu hiệu của loài người. Sau đó bắt đầu một thời kỳ cằn cỗi khô khan, kéo dài không biết bao lâu. Và sau đó, một hôm có vài chúng sinh từ cõi trời Đại phạm đậu xuống thế gian.

Vào lúc nầy, thế gian được bao phủ bởi một chất liệu đặc biệt hoàn toàn tốt đẹp. Họ bốc lên một nắm và ngửi thấy rất thơm ngon. Nên họ ăn. Khi họ đã ăn thứ “màu mỡ của đất” nầy rồi thì họ không còn bay được nữa. Họ không thể cưỡi mây và lái sương mù được nữa. Họ không còn di chuyển được. Họ ở lại trần gian và rủ những anh chị em của họ đang ở trên trời. Những người nầy xuống trần gian rồi lại ăn thứ “màu mỡ của đất”, thế là họ cũng bị trở thành bị chất ngại bởi đất. Họ không thể nào trở về cõi trời; và đó là lý do loài người đến ở trần gian. Có người cho rằng chúng ta xuất phát từ loài khỉ. Nhưng nếu điều đó là đúng, thì cái gì khiến cho chúng ta trở thành khỉ? Thực tế, tất cả bắt đầu từ khi loài trời hạ xuống trần gian. Khi dân số trên mặt đất gia tăng, chất “màu mỡ của đất” hoàn toàn bị cạn kiệt, các giống thực vật bị chết. Thế là họ phải ăn bách cốc (100 giống cốc loại). Đó là:

  1. Hai mươi loại lúa khác nhau.
  2. Hai mươi loại kê.
  3. Hai mươi loại đậu
  4. Hai mươi loại rau.
  5. Hai mươi loại dưa.

Mỗi thứ có hơn hay kém hai mươi loại, làm thành 100 thứ tất cả. Khi họ đã ăn bách cốc, thì “chân không lìa khỏi mặt đất.” Chúng ta quy cho điều nầy là lực hấp dẫn, trọng lực của trái đất (gravity), nhưng lý do sâu xa là do con người đã ăn thực phẩm nầy.

Dứt khóat thân tâm mình, đối với thân thể hay chi phần của chúng sinh, quyết không dùng, không ăn không mặc. Loài người chúng ta muốn giữ cho thân và tâm mình thoát khỏi sự tạo nghiệp do từ mối quan hệ với thân mạng của chúng sinh hoặc bất kỳ mọi thứ làm bằng thân thể chúng, thì chúng ta không nên chiếm đoạt thân mạng chúng, cũng chẳng xâm hại tinh thần chúng. Chúng ta chẳng nên mặc thứ gì làm từ sinh mạng của các loài vật và ăn thịt chúng. Những người như vậy, Như Lai mới thật xem là giải thóat.  Như Lai bảo những người ấy là chân thật giải thóat.

Kinh văn:

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói. Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói.

Giảng giải:

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói.

Lời giảng giải của Như Lai là giáo pháp đã được chư Phật trong mười phương ba đời giảng nói.

Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói.

Mọi giáo lý khế hợp với đạo lý do Như Lai nói tức là lời dạy của chư Phật. Mọi học thuyết mà không khế hợp với đạo lý Như Lai đã tuyên bày ở đây là lời nói của ma vương.

Bây giờ quý vị đã nghe Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Quý vị có thể dùng kinh nầy như tấm kính chiếu yêu. Nếu có ai giả dạng làm người, khi quý vị chiếu tấm kính nầy vào nơi họ, họ sẽ hiện ra nguyên hình– là yêu quái. Có khi họ là ma heo, ma bò hoặc là ma ngựa, hoặc là thần núi, hoặc là thuỷ quái. Có khi đó là ma vương. Bất luận họ là gì, tấm kính đều chiếu soi rõ ràng. Bây giờ quý vị đã nghe Kinh Thủ-lăng-nghiêm, quý vị sẽ nhận ra được ai là người giảng pháp chân thực bằng cách đối chiếu những điều được giảng trong kinh. Thế nên kinh giống như tấm kính chiếu yêu. Đó là lý do tại sao từ trước, tôi đã nói rằng người điếc, người mù, người câm không có cơ duyên nghe tôi giảng kinh. Người điếc vốn không nghe được rồi, nhưng ở đây tôi không có ý nói người bị tai điếc, mà nói đến người nghe pháp mà chẳng biết gì cả. Lặng thinh và quên mất những điểm tôi đã giảng. Tôi hy vọng rằng tất cả quý vị, ai đã nghe được kinh Kinh Thủ-lăng-nghiêm đều sẽ trở thành thiện tri thức trong tương lai; quý vị sẽ trở nên hiểu biết Phật pháp một cách chắc thật. Rồi quý vị sẽ dạy cho những người mù, đui, điếc, câm. Khi quý vị giảng kinh, dù quý vị có dùng đến hệ thống âm thanh, và thậm chí dù họ ở bên ngoài, họ vẫn nghe được và không còn bị điếc hay câm nữa. Người không hiểu Phật pháp là đáng thương nhất. Thế nên, khi quý vị đã thông đạt Phật pháp, quý vị nên đi giảng dạy cho họ nghe. Đó có nghĩa là ở mức độ đó, quý vị nên có sự chú tâm đặc biệt như mình đang tu học vậy.

 

3. DỨT TRỪ TÂM TRỘM CẮP

Kinh văn:

Lại nữa A-nan, nếu như chúng sinh trong thế giới lục đạo, tâm không trộm cắp, thì họ sẽ không bị tương tục trong dòng luân hồi sinh tử.

Giảng giải:

Đức Phật lại gọi A-nan.

Lại nữa A-nan, nếu như chúng sinh trong thế giới lục đạo, tâm không trộm cắp, thì họ sẽ không bị tương tục trong dòng luân hồi sinh tử.

Loài trời, loài a-tu-la, loài người, súc sinh, quỷ đói, và loài ở địa ngục nếu không trộm cắp, dù chỉ có niệm tưởng trong tâm. Họ sẽ không lấy cắp bất cứ thứ gì của bất kỳ ai, vật hữu hình hoặc vô hình, giá trị hoặc không giá trị. Không những thực sự không lấy, mà còn không có niệm tưởng lấy cắp chúng. Đó có nghĩa là không trộm cắp. Nếu các chúng sinh ấy giữ tâm không trộm cắp cũng như tâm không sát hại, tâm không dâm dục, thì chúng sẽ không bị tương tục trong vòng luân hồi sinh tử, và họ cũng sẽ không bị quả báo tương tục trong thế gian.

Kinh văn:

Ông tu tam-muội, cốt là ra khỏi trần lao. Tâm trộm cắp không trừ, thì không thể nào ra khỏi trần lao được.

Giảng giải:

Ông tu tam-muội, cốt là ra khỏi trần lao.

Ông muốn phát huy định lực chân chính. Động cơ chính của ông trong việc tu tập là cốt để ra khỏi vòng luân hồi sinh tử trong thế gian. Nhưng, nếu ông vẫn có ý tưởng trộm cắp. Tâm trộm cắp không trừ, thì không thể nào ra khỏi trần lao được.

“Trần lao” ở đây là chỉ cho nhà lửa trong ba cõi.

Kinh văn:

Dù có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn trừ tâm trộm cắp, ắt phải rơi vào tà đạo. Hạng trên thành tinh linh, hạng trung thành yêu mị, lớp dưới thành người tà đạo, bị yêu mị gá vào.

Giảng giải:

Dù có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn trừ tâm trộm cắp, ắt phải rơi vào tà đạo.

Cơ bản là loại người nầy không có trí huệ chân chính, vì nếu họ có trí huệ, họ đã không trộm cắp, họ cũng không dâm dục, cũng không sát hại. Chỉ do vì thiếu trí huệ mà họ làm những việc như vậy. Nhưng nếu chúng ta cho hạng người nầy có một chút trí huệ và chỉ một chút thông minh vặt hơn những người bình thường, và khi họ ngồi, họ lẩn vào sự lãng quên mà ít nhiều giống như thiền định. Thế nhưng, hạng người nầy lại nghĩ rằng mình đã chứng được vài cảnh giới kỳ đặc mà những người khác chưa từng đến được. Anh ta cảm thấy mình có công phu vượt qua mọi người khác. Cái nhìn của anh ta đầy ngã mạn, và nếu anh ta không chịu dừng lại việc trộm đạo, anh ta sẽ rơi vào đường tà. Dù với một chút trí huệ và một ít định lực, họ sẽ bị rơi vào cảnh giới không chân chính vì việc trộm cắp. Trong con đường tà vạy nầy, họ lại dạy chúng sinh trong các đường khác vốn đầy tăm tối và bất chính. Họ lại dạy người khác tà tri và tà kiến.

Hạng trên thành tinh linh,

Khi quý vị gặp loại nầy, chúng rất thông minh; nhưng thực ra, nó là tà nguỵ. Trong cuốn Tánh dược (The Nature of Medicine) của Trung Hoa, có đề cập đến loại thảo mộc có tính chất nầy. Nhưng thực tế, yếu tính đó không thực.

Hạng trung thành yêu mị, một loại dị nhân, có được năng lực thần thông, thường hãm hại người.

Lớp dưới thành người tà đạo, bị yêu mị gá vào.

Quý vị nhớ rằng loài quỷ Cưu-bàn-trà là một loài quỷ mị (mei), thường gây ra tình trạng hôn mê, tê liệt cho người đang ngủ. Loài quỷ nầy chiếm đoạt thân xác của người đang tỉnh, rồi điều khiển thân, miệng, ý người nầy làm những việc riêng cho chúng. Nó nói qua trung gian người và dành hoàn toàn sự kiểm soát người ấy. Những người bị chiếm thân xác như vậy còn được gọi là xác đồng, hoặc có khi chúng trở thành phù thuỷ (sorcerers) hoặc thầy trừ tà (exorcists). Ở Mỹ, tôi đã gặp một người như vậy, một người Mỹ tự bảo rằng mình là Jesus. Một phút sau, anh ta nói rằng Thượng đế đã nhập vào trong anh ta bảo anh ta nói. Rồi một lát sau anh ta nói rằng Thượng đế đã đến và muốn nói chuyện với anh ta. Chừng 5 năm sau, anh ta trở lại gặp tôi. Tôi mắng anh ta: “Ông thậm chí chẳng nhận ra chính ông nữa. Ông là yêu ma hoàn toàn, và ông không được tốt.” Thế là anh ta bỏ đi. Anh ta đến để nói pháp với tôi, nhưng anh ta không bao giờ trở lại khi tôi mắng anh ta. Và tôi lại tự nghĩ rằng: “Tôi không hiểu làm sao để nói với mọi người. Tại sao mình đuổi được gã Jesus–Thượng đế đó?”

Dù sao, đó cũng là một ví dụ của loại người tà mị. Tại sao họ bị mắc phải quả báo như vầy? Là vì trong những đời trước, họ trộm cắp. Thế nên họ buộc phải rơi vào một trong những phẩm loại như thế nầy.

Đôi khi ở Trung Hoa, loại xác đồng nầy rất hấp dẫn. Họ có thể cắm cây dao trên đỉnh đầu mà không chết. Loài quỷ mị đang đoạt hồn họ sẽ gỡ lưỡi dao bằng cách dùng một thần chú, thế nên người ấy không đổ một giọt máu. Có người có thể đóng những cây đinh vào bên vai, từ những cây đinh, họ treo những thanh gươm mỗi cây nặng hơn 10 pounds. Họ có thể treo bốn thanh gươm như vậy rồi quay tròn chúng. Xem rất là kinh khủng. Mọi người đều kinh hãi. Có khi chúng thực sự có khiếu. Tôi đã gặp nhiều loại quỷ mị nầy và quyến thuộc của ngoại đạo. Khi quý vị xem Kinh Thủ-lăng-nghiêm, quý vị sẽ thấy rằng từ lâu, Đức Phật đã mô tả mọi loài chúng sinh trong thế giới rất là rõ ràng. Do vậy, đã được nghe giảng Kinh Thủ-lăng-nghiêm rồi, quý vị sẽ nhận biết được bất luận điều gì mình phải đề phòng.

Chương nầy gọi là “Tứ chủng thanh tịnh minh hối.” Là

Phần rất quan trọng trong bộ Kinh nầy. Nên hãy hết sức chú ý.

Nếu chúng ta không dừng lại việc trộm cắp, chúng ta sẽ thấy rằng mình rất khó thành Phật. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hy vọng thành Phật. Nay chúng ta đã hiểu được giáo lý nầy rồi, người nào đã mắc phải tội trộm cắp thì nên thay đổi. Những người không mắc phải lỗi nầy thì không nên để cho niệm tưởng trộm cắp khởi dậy. Đó là cách hay nhất tương ưng với đạo.

Kinh văn:

Các nhóm tà đạo kia cũng có đồ chúng. Họ đều tự xưng đã thành đạo vô thượng.

Giảng giải:

Các nhóm tà đạo kia là yêu ma quỷ quái, ly mị võng lượng hại người. Họ cũng có đồ chúng.

Trên thế gian nầy, mọi loài đều có đồ đệ của nó. Nên có câu:

Người tốt tìm đến với nhau.

Người xấu lập bè đảng.

Người cùng hội cùng thuyền tìm đến với nhau.

Thế nên, ngay cả những loài tà ma yêu quái nầy cũng tụ họp lại với nhau và có quyến thuộc của chúng.

Họ đều tự xưng đã thành đạo vô thượng.

Họ không nhận ra được cái gì là chân thật vô thượng, thay vào đó, họ cho rằng cách sinh hoạt của mình là hay nhất. Họ nói rằng họ đã đạt được đạo vô thượng, đến mức họ cho rằng niệm Phật là nhọc công vô ích, và nói rằng họ là như vậy. Họ biện luận: “Hãy xem năng lực thần thông của tôi.”

Thực ra, họ là yêu ma quỷ quái. Họ hoàn toàn đều theo tà hạnh.

Kinh văn:

Sau khi Như Lai diệt độ, trong thời mạt pháp, có nhiều loại yêu ma tà đạo ấy sôi nổi trong thế gian, lén lút gian dối xưng là thiện tri thức. Họ đều tự xưng đã được pháp thượng nhân. Dối gạt kẻ không biết, doạ dẫm khiến họ mất lòng tin. Chúng đi đến đâu, gia đình người ta đều bị hao tán.

Giảng giải:

Tôi đã gặp rất nhiều loại tà ma nầy. Người Tây phương không quen lắm với loại yêu quái nầy, nhưng không phải như vậy vì người Trung Hoa tin vào quỷ thần. Đúng như vậy, càng lúc, các hiện tượng kỳ dị xảy ra trên thế gian ngày càng nhiều hơn.

Sau khi Như Lai diệt độ, trong thời mạt pháp, có nhiều loại yêu ma tà đạo ấy sôi nổi trong thế gian,

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong kinh nầy đã nói với chúng ta rằng thời đại ta đang sống sẽ bị hoành hành bởi loại tà ma nầy. Chúng ta không nên nhìn vào những việc mình thấy để tin rằng chúng tồn tại. Đơn giản vì còn nhiều việc trên đời mà mình chưa thấy được. Nếu chúng ta phải đợi cho đến khi mình thấy được mỗi thứ bằng chính con mắt của mình, thì không thể nào nhìn hết được trong đời nầy. Còn có một số điều mà quý vị phải nghe lời nói của người khác mới biết.

Chúng sôi nổi trong thế gian. Chúng giống như lửa đang thiêu cháy mọi người. Những người không nhận biết những loài tà ma nầy, sẽ dính mắc vào chúng và như thể bước vào đống lửa hừng hực cháy. Những người nầy sẽ bị thiêu đốt. “Bí mật” là nghĩa mà chúng đi khắp nơi để dối gạt mọi người.

 Chúng lén lút gian dối xưng là thiện tri thức. Họ đều tự xưng đã được pháp thượng nhân.

Chúng tự xưng mình là Thiện tri thức mắt sáng Thượng nhân là chỉ cho Bồ-tát. Nói cách khác, chúng tự xưng mình là Bồ-tát. Trong đạo Phật, dù quý vị là một vị Bồ-tát, thậm chí là một vị Phật thị hiện, quý vị cũng không nên nói mình là Phật hay là Bồ-tát. Quý vị phải giữ im lặng về điều ấy khi nào mình còn sống, cho đến hơi thở cuối cùng.

Quý vị không thể nói: “Tôi là Phật! Tôi là Bồ-tát! Tôi là A-la-hán!” Người nào nói như vậy thì đó là yêu ma, giống như người được mô tả trong kinh nầy. Khi nào quý vị mới để cho mọi người biết? Sau khi quý vị chết. Lúc ấy mọi người mới biết.  Nhưng quý vị không được để cho họ biết khi quý vị chưa chết. Có ý nghĩa gì trong lời tuyên bố mình là Phật? Có ý nghĩa gì? Quý vị nói rằng mình là Bồ-tát? Sao vậy? Có ý nghĩa gì trong lời nói như vậy? Chẳng có lý do gì khác hơn là khiến cho người khác tin vào mình. Và tại sao quý vị muốn mọi người tin vào mình? Để họ cho quý vị tiền? Quý vị làm việc ấy vì muốn lợi dưỡng và tâm phan duyên. Nếu đó không phải là ý định của quý vị, thế tại sao quý vị nói với mọi người mình là Phật sống? Nếu quý vị là Bồ-tát. Được rồi! Quý vị là Bồ-tát; tại sao quý vị lại đi nói với mọi người như vậy?

Điều nầy nhắc tôi nhớ một số chuyện đã diễn ra ở Trung Hoa.

Một hôm có một vị quan đến chùa Quốc Thanh trên núi Thiên Thai để hỏi thăm thầy trụ trì Phong Can. Hai người nói chuyện với nhau. Quý vị sẽ hỏi viên quan ấy tên gì? Đừng hỏi tôi, Tôi quên mất rồi. Có thể người đó là quý vị, có thể là tôi, không chắc chắn. Vị quan nói với thầy trụ trì: “Trong quá khứ, thường có nhiều Bồ-tát thị hiện ở thế gian, nhưng thời đại nầy lại không có. Tôi muốn được diện kiến một vị Bồ-tát chân thực nhưng không thấy.”

Trụ trì Phong Can nói, “Ồ! Ông muốn gặp Bồ-tát? Có hai vị đang ở đây. Tôi sẽ giới thiệu cho ông được gặp.”

Vị quan hoàn toàn ngạc nhiên. “Có hai vị Bồ-tát đang ở đây? Ý ngài muốn nói là một vị bằng đất sét, và một vị tạc bằng gỗ?”

Thầy trụ trì trả lời: “Không phải vậy. Hai vị Bồ-tát nầy là người thật. Họ là những vị Bồ-tát sống.”

Vị quan hỏi, “Ngài không đùa chứ?”

Trụ trì đáp: “Tôi là trụ trì ở đây. Làm sao tôi nói đùa chuyện như vậy. ”

“Họ đâu rồi?”

“Một vị đang nấu cơm và một vị đang đun nước. Một vị là Hàn Sơn và một vị là Thập Đắc. Một vị là hóa thân của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, một vị là hóa thân của Bồ-tát Phổ Hiền. Họ thực hành pháp tu khổ hạnh trong chùa nầy, chuyên làm những việc phục dịch. Họ làm những việc không ai muốn làm. Nếu ông muốn gặp họ, rất đơn giản, hãy vào nhà bếp và sẽ thấy họ đang ở đó. Ông thấy hai vị tăng lấm lem, rách rưới, râu tóc bù xù, mặt đầy bụi bẩn, với một dáng dấp rất xấu xí. Nhưng thầy Trụ trì bảo đó là hai vị Bồ-tát, nên ông chẳng dám xem thường họ. Thay vì vậy, ông xá chào họ. Hai vị ấy hỏi: “Ông làm gì vậy? Tại sao ông vái chào tôi?”

“Trụ trì Phong Can nói rằng các ông là hóa thân của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và Bồ-tát Phổ Hiền, thế nên tôi xá chào các ông.”

Hai vị nói: “Lão Phong Can ba hoa!”

Có ý muốn nói thầy trụ trì là người hay dính vào chuyện kẻ khác.

Một vị nói:

“Lúc nầy ông ta nói quá nhiều!”

Thế nên khi viên quan đang cúi chào, họ liền rút lui và biến mất, không ai biết họ đã  đi cách xa chừng nào– có lẽ cách xa đến cả trăm bước từ nhà bếp đến bờ đá dưới chân núi. Tiếng hai người vọng lại, “Lão Phong Can hay bép xép. Ông không chịu lạy Phật A-di-đà, lạy chúng tôi làm gì? ”

Viên quan hỏi: “Ai là Đức Phật A-di-đà? ”

“Trụ trì Phong Can. Ông ta là Đức Phật A-di-đà tái thế. Hãy để mặc chúng tôi. Về lạy ông ta đi.”

Khi viên quan vẫn còn đứng đó trong kinh ngạc, thì hai vị tăng lem luốc kia đã đi xa và biến mất sau rặng núi đá.

Nơi đó bây giờ gọi là Nguyệt Quang Nham trên núi Thiên Thai–nơi mà hai vị Hàn Sơn và Thập Đắc đã biến mất.

Viên quan vội vã trở về chùa Quốc Thanh để đảnh lễ Trụ trì Phong Can–Đức Phật A-di-đà. Nhưng khi ông vào trong chùa, thấy thầy trú trì đã ngồi an nhiên thị tịch. Ngài đã nhập niết-bàn. Viên quan bây giờ biết rằng Trụ trì chính là Đức Phật A-di-đà thị hiện, nhưng đã quá trễ rồi! Ông ta không thấy được những gì là chân thực ngay trước mắt của mình. Đức Phật A-di-đà đã đi rồi.

Tại sao chư Phật và Bồ-tát khi biến mất rồi mới cho mọi người biết các ngài là ai? Nếu mọi người biết, thì họ sẽ đến để đảnh lễ các ngài suốt ngày đến mức sẽ quá phiền phức. Sẽ không còn thời gian nào để tu tập. Thế nên các ngài không muốn cho biết mình là ai.

Đó là cách thức trong đạo. Người ta không bao giờ nói: “Hãy nhìn xem! Tôi là người đã giác ngộ! Tôi là Phật!”

Người như vậy thì chẳng khác gì người được đề cập trong kinh nầy. Tôi chưa từng gặp người nào công nhận là mình đã giác ngộ. Hoà thượng Hư Vân cũng vậy, và các vị Hoà thượng khác đã giác ngộ ở Trung Hoa cũng không nói một lời nào là họ đã giác ngộ, dù hỏi họ trực tiếp. Không bao giờ có chuyện đó trong đạo Phật. Ngoài ra, có lẽ có trong đạo Phật tân thời.

Người được mô tả trong kinh tuyên bố rằng họ là thượng nhân. “Các ông có biết tôi là ai không? Tôi là Bồ-tát Di-lặc. Các ông có biết tôi là ai không? Tôi là Bồ-tát Quán Thế Âm. Nay các ông đã biết, đừng bỏ mất cơ hội. Hãy lạy tôi làm thầy. Nếu các ông không muốn lạy tôi, thì hãy lạy thầy tôi. Tôi sẽ cấp cho các ông cái giấy chứng nhận và 65 đô-la. Tôi sẽ truyền pháp cho ông.”

Họ đi khắp, Dối gạt kẻ không biết. Họ gạt gẫm người cả tin. Tôi đã gặp hạng người nầy rất nhiều. Họ nói rằng: “Tôi có pháp bảo, tôi sẽ bán cho các người, một người 300 đô-la. Đó là bởi vì tôi rất thích các người, nên tôi sẽ để dành cho quý vị. Nếu tôi không thích quý vị, tôi sẽ không trao cho quý vị  đâu. ”

Thế là đệ tử đưa cho thầy 300 đô-la để lấy pháp bảo. Có người đòi quý vị đến 1000 đô-la. Chẳng bao lâu, ví của vị thầy già nặng túi. Khi ông ta chuyển tài sản của mình từ chỗ an toàn nầy đến chỗ an toàn khác, ông ta phải dùng xe lửa! Nhiều người đã thất vọng vì việc nầy. Khi quý vị giảng nói pháp chân chính cho họ nghe, như bảo họ “Đừng sát sanh.” Họ không tin điều đó. “Đừng trộm cắp.” Họ cũng không tin điều đó. “Đừng dâm dục.” Họ cũng không tin điều đó. Nhưng nếu quý vị nói với họ rằng mình có một điều gì đó sẽ đem đến cho họ lợi ích thì họ sẽ trả tiền cho quý vị liền.

Chúng doạ dẫm khiến họ mất lòng tin.

Chúng khiến cho quý vị mất sạch trí huệ mà quý vị vốn có. Họ làm cho quý vị mê mờ.

Chúng đi đến đâu, gia đình người ta đều bị hao tán.

Họ thực sự là kẻ giàu có bẩn thỉu, nhưng bất kỳ đi đâu, họ cũng đều tích luỹ thêm nhiều của cải, lột sạch chủ nhà những thứ tài sản, chìa khóa, chứng khóan và ruột tượng.

Kinh văn:

Như Lai dạy hàng tỷ-khưu theo thứ tự khất thực, là khiến họ xả trừ lòng tham, thành tựu đạo bồ-đề. Các hàng tỷ-khưu không tự nấu ăn, gửi cái thân sống nhờ như khách trọ trong ba cõi. Hiện thân một lần qua lại, đi rồi không trở lại nữa.

 Giảng giải:

Như Lai dạy hàng tỷ-khưu theo thứ tự khất thực, là khiến họ xả trừ lòng tham.

Khi đến giờ khất thực, mỗi vị tỷ-khưu nhắm đến một phương nhất định và đi quanh một chỗ nhất định. Các vị mang bình bát đi khất thực. Tại sao Đức Phật dạy họ phải khất cầu thực phẩm? Trước hết, khi các vị cư sĩ Phật tử dâng tặng thức ăn cho người xuất gia, là họ có được quả báo phước đức và chấm dứt khổ đau. Thứ hai, khi tỷ-khưu đi khất thực, họ sẽ dùng bất cứ thức gì xin được. Nếu ngon, thì ăn ngon; nếu dở, thì ăn dở. Do vậy họ sẽ xả bỏ được lòng tham. Nếu mình tự nấu nướng, quý vị sẽ nghĩ, “Những thức ta nấu ngày hôm nay không được ngon; Tuy nhiên, ngày mai ta sẽ nấu thứ ngon hơn, và ngày kia ta sẽ làm thứ tuyệt diệu hơn nữa.” Sẽ không có chỗ tận cùng. Khi đi khất thực, sẽ không có cơ hội để chọn lựa. Ta không thể nào phân biệt thức ăn thức uống nào ngon hay dở. Ta không thể nói: “Thức ăn mình xin được ngày hôm nay rất ngon.” Rồi ăn với sự thích thú. Và ngày sau, nếu thức ăn không được ngon, ta ăn không nổi. Cách thức ấy không được phép. Mình ăn cả thứ ngon lẫn không ngon. Tinh thần chung là ăn để no và quên bẵng mọi thứ. Đó là để đối trị lòng tham.

Theo cách nầy, hành giả có thể thành tựu đạo bồ-đề.

Đó là vì có câu nói: “Kẻ trí quan tâm đến đạo, chẳng bận tâm đến thức ăn.

Những người đến để tham cứu Phật pháp, không nên bận tâm đến thức ăn.

Các hàng tỷ-khưu không tự nấu ăn, gửi cái thân sống nhờ như khách trọ trong ba cõi. Hiện thân một lần qua lại, đi rồi không trở lại nữa.

Họ chỉ cần ăn đủ để duy trì thân mạng. Cuộc đời chúng ta, dù ở trên đất liền hay ở trên nước, cũng giống như đang ở trong một khách sạn–ngắn ngủi phù du trong chốc lát. Đứng để dính mắc với nó. Các vị tỷ-khưu đã chấm dứt tâm tham, thế nên khi sinh mạng trong ba cõi nầy chấm dứt, thì họ không còn trở lại nữa. “Nơi nầy là uế độ, tôi không trở lại nữa.” Đó là tâm niệm của các vị tỷ-khưu. Dù ở Mỹ, với những nhà vệ sinh rất đẹp dẽ và những ngôi nhà rất tráng lệ–cũng đủ để ở đó một lần. Đừng trở lại! Đừng tham muốn các nhà vệ sinh ấy. Trước tiên là nó rất hôi thối, tại sao quý vị lại thích nó? Thực ra cả thế gian nầy đều hôi thối. Quý vị chớ cho rằng đó là chỗ sạch sẽ. Thế gian nầy chính nó là một cái nhà vệ sinh.

Kinh văn:

Tại sao loại giặc ấy lại mượn y của Phật, buôn bán Như Lai, tạo vô số nghiệp, nói rằng đó đều là Phật pháp. Lại chê hàng xuất gia thọ giới tỷ-khưu là đạo Tiểu thừa. Do chúng làm cho vô lượng chúng sinh mắc phải nghi lầm, nên sẽ bị đoạ vào địa ngục vô gián.

Giảng giải:

Tại sao loại giặc ấy lại mượn y của Phật.

Họ mặc y phục của hàng xuất gia và nói với mọi người rằng; “Tôi là Pháp sư giảng kinh. Quý vị nên hoàn toàn tin vào tôi.”

 Chúng buôn bán Như Lai. Họ dùng Phật pháp để đổi chác. Họ buôn bán Phật pháp. Tất cả điều họ cần làm là nghĩ cách để kiếm tiền. Họ nói rằng; “Đó đều là Phật pháp.” Họ bảo rằng tất cả đều là Phật pháp. Khiêu vũ là Phật pháp, uống rượu là Phật pháp, chơi nhạc là Phật pháp. Đây là các thứ trong 84.000 pháp môn.”

Họ thật là những kẻ rất ba hoa. “Hút thuốc là Phật pháp, đánh bạc là Phật pháp, ai muốn làm gì tuỳ thích.” Họ rất tuỳ tiện, thậm chí đến mức độ ai muốn làm điều gì, họ đều cho là đúng.

Lại chê hàng xuất gia thọ giới tỷ-khưu là đạo Tiểu thừa.

Nếu có ai gọi họ và hỏi, “Anh đã thọ giới Cụ túc chưa?” Thậm chí họ chẳng hiểu là quý vị đang nói điều gì. Thậm chí họ không hiểu về năm giới cấm, nói gì đến 8 giới, hoặc 10 giới trọng và 48 giới khinh. Chính họ không đáng được người đời tin cậy là hàng xuất gia. Tầm nhìn của họ rất hạn hẹp và đầy tự ngã.

Do chúng làm cho vô lượng chúng sinh mắc phải nghi lầm, nên sẽ bị đoạ vào địa ngục vô gián.

Họ khiến cho người khác mê lầm, và vốn chính họ cũng không hiểu. Ban đầu những người theo họ đều có ý định tốt, nhưng khi đã dính mắc với một vị thầy điên đảo như vậy rồi nên cuộc đời họ sẽ được kết thúc trong tình trạng đã nêu ra trước đây:

Nếu một người mê mờ

Truyền dạy sự mê lầm cho người khác

Khi mọi điều được nói và làm,

Thì chẳng có ai hiểu được.

Thầy đoạ vào địa ngục

Trò cũng phải vào theo.

Trong địa ngục vô gián, không lúc nào cảnh khổ bị gián đoạn. Một người chóan đầy cả địa ngục bằng những cảnh khổ, và nhiều người cũng chóang đầy địa ngục theo cách như vậy. Chỉ một người trong địa ngục, đã không còn thừa chỗ. Và bất luận có bao nhiêu người trong đó, địa ngục vẫn chứa trọn. Chúng sinh ở địa ngục ấy không bao giờ ra khỏi chỗ nầy. Thế nên rất nguy hiểm khi gieo nhân duyên với chỗ đó.

Kinh văn:

Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có tỷ-khưu phát tâm quyết định tu tam-ma-đề. Có thể trước hình tượng Như Lai, tự mình thắp một ngọn đèn, đốt một ngón tay; hay ở trên thân đốt một liều hương. Như Lai nói người nầy, nợ nần từ kiếp lâu xa, nay được trả hết trong một đời, xa lìa thế gian, vĩnh viễn thóat khỏi các lậu hoặc. Người ấy tuy chưa hiểu rõ đạo vô thượng giác, nhưng đối với Phật pháp đã có tâm quyết định.

Giảng giải:

Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có tỷ-khưu phát tâm quyết định tu tam-ma-đề. Có thể trước hình tượng Như Lai, tự mình thắp một ngọn đèn, đốt một ngón tay; hay ở trên thân đốt một liều hương. Như Lai nói người nầy, nợ nần từ kiếp lâu xa nay được trả hết trong một đời.

Những vị tỷ-khưu nầy, dưới sự hướng dẫn chân chính, vào đúng thời điểm, và với oai nghi nghiêm chỉnh, vị ấy dùng dao cắt thịt trên thân mình, rồi rót một ít dầu vào nơi thịt đã bị khoét ra, rồi từ đó thắp lên một ngọn đèn để cúng dường chư Phật. Hoặc có khi các vị ấy đốt một ngón tay theo đúng nghi thức, hoặc họ đốt một vài liều hương trên thân mình, chẳng hạn trên cánh tay. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy rằng, những người như vậy, nghiệp chướng nợ nần họ đã tạo trong vô lượng kiếp trước đều có thể tiêu trừ qua việc làm đơn giản nầy.

Xa lìa thế gian, vĩnh viễn thóat khỏi các lậu hoặc. Người ấy tuy chưa hiểu rõ đạo vô thượng giác, nhưng đối với Phật pháp đã có tâm quyết định.

Họ đã có sự phát tâm dứt khóat và sẽ không bao giờ thối chuyển.

Kinh văn:

Nếu không gieo được cái nhân xả thân nhỏ bé ấy, dù có thành đạo vô vi, cũng phải sanh lại làm người, hoàn trả các nợ cũ, như quả báo ăn lúa ngựa của Như Lai.

Giảng giải:

Nếu không gieo được cái nhân xả thân nhỏ bé ấy, dù có thành đạo vô vi, cũng phải sanh lại làm người, hoàn trả các nợ cũ.

Nếu mình không làm những hạnh hy sinh thân mạng, như đốt đèn trên thân hay đốt một ngón tay, hoặc đốt hương trên cánh tay, như gieo trồng vài thiện pháp, thì dù có thành tựu đạo nghiệp, dù trở thành giác ngộ, thậm chí thành Phật, thì mình vẫn phải trả các món nợ cũ. Mình vẫn phải thọ thân người trở lại và trả các nghiệp đã vay trong quá khứ,

Như quả báo ăn lúa ngựa của Như Lai.

“Như Lai đã phải ăn lúa dành cho ngựa suốt 90 ngày trong đời nầy.” Đức Phật nói.

 Tại sao Đức Phật Thích-ca Mâu-ni phải chịu quả báo như vậy? Chuyện xảy ra từ thời quá khứ, khi ngài là một vị Bà-la-môn nhận dạy 500 vị thanh niên cách  thức tu đạo. Lúc đó, có một Đức Phật đang thị hiện trên thế gian. Mọt hôm, Đức Phật kia cùng các vị tỷ-khưu đi khất thực, Đức Phật dạy các vị tỷ-khưu nhận được vật phẩm cúng dường thì nên trích bớt một phần ngon trong bát của mình dành cho vị tỷ-khưu đang bị bệnh không thể đi khất thực được. Khi họ đi khất thực về, họ đi qua vùng núi nơi mà vị Bà-la-môn tức tiền thân của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đang tu nhân địa. Khi vị Bà-la-môn chỉ nhận được một chút ít thực phẩm từ bát rất đầy của họ, ông ta trở nên ghen tức, “Tại sao các lão tăng kia được ăn nhiều thế? Các ông ấy chỉ đáng được ăn lúa ngựa.”

Năm trăm đệ tử của vị Bà-la-môn hoà theo ông ta: “Đúng vậy! Họ chỉ đáng được ăn lúa ngựa.”

Sau khi vị Bà-la-môn thành Phật, ngài phải đưa 500 vị đệ tử tỷ-khưu của mình sang một nước khác để an cư. Ngoài mặt, quốc vương nước ấy thân mật đón tiếp ngài, nhưng vua không cúng dường cho chư tăng an cư. Sau cùng, một người buôn ngựa trong nước biết được rằng Đức Phật và giáo đoàn tỷ-khưu không được cúng dường thực phẩm, thế nên ông ta chia cho chư tăng phần thực phẩm dùng để nuôi ngựa. Dù vị Bà-la-môn đã thành Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, và 500 vị đệ tử trẻ của ngài đã thành 500 vị A-la-hán, Đức Phật vẫn phải trả nghiệp cũ trong đời quá khứ qua việc 90 ngày phải ăn lúa ngựa.

Thế nên, Đức Phật nói rằng nếu người nào không làm được những hạnh xả thân nầy, thì trong tương lai họ phải trả những nghiệp đã tạo trong đời trước, như họ đã gây ra.

Kinh văn:

Ông dạy người đời, tu pháp tam-ma-địa, sau nữa, dứt trừ tâm trộm cắp. Đó gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ ba của các Đức Phật Như Lai Thế tôn trong quá khứ.

Giảng giải:

Ông dạy người đời, tu pháp tam-ma-địa, sau nữa, dứt trừ tâm trộm cắp.

Khi họ muốn tu đạo, họ phải trừ bỏ tâm trộm cắp.

Đó gọi là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ ba của các Đức Phật Như Lai Thế tôn trong đời trước.”

Kinh văn:

Cho nên A-nan, nếu không dứt trừ tâm trộm cắp mà tu thiền định, cũng như rót nước vào bình thủng, mà mong cho đầy. Dù trải qua nhiều kiếp số như vi trần, rốt cục vẫn không đầy được.

Giảng giải:

Cho nên A-nan, nếu không dứt trừ tâm trộm cắp mà tu thiền định, cũng như rót nước vào bình thủng, mà mong cho đầy. Dù quý vị cố gắng rót đầy nước vào một cái chén bị thủng dưới đáy, thì

Dù trải qua nhiều kiếp số như vi trần, rốt cục vẫn không đầy được.

Kinh văn:

Nếu các tỷ-khưu, ngoài y bát ra, không tích trữ mảy may. Khất thực có thừa, bố thí cho chúng sinh đói. Nơi hội lớn đông người, chắp tay lễ bái đại chúng. Nếu có người đánh mắng, xem như khen ngợi mình. Xem thân thịt máu xương của mình giống như thân của chúng sinh. Nếu không đem lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ tỏ ngộ của mình, khiến cho kẻ sơ học khỏi bị lầm lạc, thì Như Lai ấn chứng người ấy chân thực được tam-muội.

Giảng giải:

Nếu các tỷ-khưu, ngoài y bát ra, không tích trữ mảy may.

Các vị tỷ-khưu chỉ có ba y, một bình bát, và toạ cụ. Họ không cần thêm thứ gì khác. Họ không tích lũy của cải.

Khất thực có thừa, bố thí cho chúng sinh đói.

Họ ban tặng những vật phẩm thừa khi khất thực cho những người không có gì để ăn.

Nơi hội lớn đông người, chắp tay lễ bái đại chúng.

Các vị tỷ-khưu chắp tay cung kính vái chào mọi người trong hội chúng. Nếu có người đánh mắng, xem như khen ngợi mình.

Xem lời chửi mắng cũng như là lời khen tặng. Họ không phản ứng với lời mắng nhiếc.

Xem thân thịt máu xương của mình giống như thân của chúng sinh.

Tâm của các vị không ôm ấp tâm niệm kiêu mạn và thân không phản ứng theo lối thể hiện sự kiêu ngạo và tự ái. Khi có người nào mắng nhiếc mình, quý vị nên xem như họ đang hát tặng mình. Nếu mình chẳng mắng ai mà họ mắng mình, thì hay nhất là quý vị đừng cần hiểu những gì họ đang nói. Những lới ấy đối với quý vị chẳng có nghĩa gì cả. Như thể họ nói một thứ tiếng gì đó mà mình chẳng hiểu, như tiếng Nhật, tiếng Anh, hay tiếng Hoa, nhờ đó mà quý vị chẳng hiểu gì cả.

Khi có người thực sự mắng mình, quý vị hãy nghĩ rằng: “Ồ! Ông ta đang nói với tôi những điều tốt đẹp biết bao!” Hãy nhìn ngược lại. Nếu có người đánh mình, chỉ giả vờ như mình đụng vào tường. Giả như mình bất cẩn chạy va vào tường và để lại một cục u lớn trên đầu.

Nếu quý vị quay lại và đấm vào tường rồi nói, “Tại sao lại va vào tôi?” Quý vị chỉ kết thúc bằng bàn tay đau. Khi có người đánh quý vị, nếu mình xem đó như là va vào tường, thì mọi chuyện xem như kết thúc ngay ở đó.

Hàng tỷ-khưu phát tâm bồ-đề chân chính, nên xả bỏ thân máu thịt của mình cho những chúng sinh khác nếu họ cần sự chia xẻ của mình. Có một lần Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đang trong lúc tu hành nhân địa, ngài thấy một con cọp đói, ngài hiến thân mình cho cọp đói ăn. Cọp là loài thú dữ nhất trên đời, thế nên Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong lúc đang tu hành nhân địa, ngài đã từ bỏ thân mạng mình, thí cho cọp đói.

Nếu không đem lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ tỏ ngộ của mình, khiến cho kẻ sơ học khỏi bị lầm lạc,

Hàng tỷ-khưu không rao giảng giáo lý Tiểu thừa theo cách như thể hiểu theo ý mình. Nói cách khác, nếu không nói đúng như lời Phật dạy, thì chính mình đã hiểu sai và làm mê mờ người mới học. Nếu các vị tỷ-khưu không rơi vào lỗi ấy, Như Lai ấn chứng người ấy chân thực được tam-muội.

Đức Phật sẽ ấn chứng cho những người như vậy. Họ chân thực chứng được tam-muội.

Kinh văn:

Như lời Như Lai nói đây, tức là lời của chư Phật. Nếu không đúng như lời nói đó, tức  ma ba-tuần nói.

Giảng giải:

Đây là cách thức Đức Phật giảng pháp. Mọi lời giảng khác là của ma vương.

 

4. DỨT TRỪ VỌNG NGỮ

Kinh văn:

A-nan, chúng sinh trong thế giới lục đạo như thế, tuy thân tâm không còn sát đạo dâm, ba hạnh đều đã viên mãn, nếu mắc phải đại vọng ngữ, thì tam-ma-đề không được thanh tịnh, sẽ thành giống ma ái kiến, và làm mất chủng tử Như Lai.

Giảng giải:

A-nan, chúng sinh trong thế giới lục đạo như thế, tuy thân tâm không còn sát đạo dâm,

Thân không phạm vào việc sát hại, trộm cắp, dâm dục. Trong tâm cũng không có niệm tưởng sát hại, trộm cắp, dâm dục.

ba hạnh đều đã viên mãn, nếu mắc phải đại vọng ngữ, thì tam-ma-đề không được thanh tịnh,

Đây có nghĩa là một thói quen, tập khí của họ; luôn luôn nói lời đại vọng ngữ. Do vậy, họ không được thanh tịnh. Họ sẽ thành giống ma ái kiến, và làm mất chủng tử Như Lai.

Họ sẽ trở thành ma ái, hoặc ma tà kiến. Tại sao họ làm mất chủng tử Như Lai? Vì họ nói quá sai sự thật.

Kinh văn:

Chưa được gọi là đã được, chưa chứng nói rằng đã chứng. Hoặc để mong cầu thế gian tôn trọng tột bậc, bảo người khác rằng: Nay tôi đã đắc quả Tu-đà-hoàn quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, được đạo A-la-hán, Bích-chi Phật thừa, hay các quả vị bồ-tát trong Thập địa hay trước Thập địa. Mong được mọi người lễ bái, tham được cúng dường.

Giảng giải:

Họ nói nối kiểu nào? Bỏ sang một bên những lời nói dối bình thường.

Chưa được gọi là đã được, chưa chứng nói rằng đã chứng.

Họ chưa chứng đạo. Căn bản là, họ chẳng hiểu chút nào về tu đạo. Họ không biết cách niệm Phật. Họ không biết cách giữ giới, họ không biết cách ngồi thiền.

Họ làm như họ đã hiểu, nhưng họ chẳng hiểu gì cả.

Họ nghe người khác giảng giải thích vài đạo lý, và họ liền ngắt lời: “Tôi hiểu rồi. Tôi đã biết điều ấy từ lâu.” Hoặc họ nói: “Nầy! Tôi đã chứng đạo. Tôi là người giác ngộ. Tôi là Phật.”

Chưa chứng nói rằng đã chứng.

Họ chưa đạt được quả vị thứ nhất của A-la-hán, ít nhiều gì họ phải hiểu các quả vị đó, nhưng họ bảo, “Các ông có biết tôi là ai không? Tôi là A-la-hán.” Hoặc nói, “Tôi là Phật.” Hoặc nói, “Tôi là Bồ-tát.” Tại sao họ nói những điều nầy?

Hoặc để mong cầu thế gian tôn trọng tột bậc,

Đó như là gần đây có người nói với một vị đệ tử của tôi rằng: “Ông theo tông phái nào? Chúng ta nên theo phẩm trật, tôi sẽ là thủ lĩnh. Tôi là người sáng lập Phật giáo Mỹ quốc. Tôi là sơ tổ của Phật giáo Mỹ quốc.” Đó là “mong cầu thế gian tôn trọng tột bậc.”

Họ Bảo người khác rằng: Nay tôi đã đắc quả Tu-đà-hoàn quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, được đạo A-la-hán.

Họ bắt đầu nói quanh là họ đã chứng sơ quả A-la-hán. Nhưng rồi mức độ đó không đủ cao quý, nên họ nói, “Ồ!, tôi vừa chứng quả vị thứ hai của A-la-hán.” Và một giây sau, họ lại tuyên bố họ đã chứng đến quả vị thứ tư. Tuy vậy, quả vị thứ tư cũng chỉ là A-la-hán, không phải là quả vị cao nhất, thế nên họ chưa hài lòng. Họ tuyên bố mình đạt đến Bích-chi Phật thừa, hay các quả vị bồ-tát trong Thập địa hay trước Thập địa.

Họ bắt đầu nói với mọi người rằng họ là Bích chi Phật, hoặc họ tuyên bố rằng mình đã đến một giai vị của Bồ-tát hạnh, hoặc thậm chí cả đến Thập địa. Tại sao những người như vậy tuyên bố rằng mình là A-la-hán, Bích chi Phật, và Bồ-tát? Chung quy là họ đang dối gạt mọi người và họ nói lời đại vọng ngữ để khiến mọi người tin vào họ. Nếu không có ai tin họ, họ sẽ không có lợi dưỡng. Ngay khi mọi người đã tin, của cải liền chảy về. Thế nên ý định của họ là Mong được mọi người lễ bái, tham được cúng dường.

Họ không sợ bị đoạ vào địa ngục rút lưỡi. Nếu là người nói dối, sau khi chết, họ liền bị rơi vào địa ngục nầy, nơi đó có những lưỡi câu bằng sắt móc vào trong lưỡi họ rồi kéo ra, rồi có một lưỡi gươm cắt đứt lưỡi. Đó là quả báo của tội nói dối. Thế mà vẫn có người dám làm chuyện đó. Thậm chí chúng ta không dám nhìn qua cảnh giới nầy. Hãy lấy chuyện bị câm làm ví dụ. Tại sao bị câm? Vì họ phải chịu quả báo nói dối quá mức (cường điệu). Họ được làm người, nhưng không nói được “Hãy xem bây giờ anh nói dối được chừng nào.” Đó là thông điệp.

Tại sao họ không nói được? Do họ đã bị cắt lưỡi. Dù họ có lưỡi, nhưng bản tính của nó đã bị mất, nên lưỡi ấy không có thực tính. Tại sao người ta bị mù? Là vì họ xem thường người khác. Họ luôn luôn xem chính mình là tốt hơn mọi người khác. Họ xem mình là thông minh hơn và lanh lẹ hơn trong mọi cách, thế nên đời nầy họ không thấy được mọi người. Bây giờ họ phải tự hỏi chính mình có thực sự tốt hơn mọi người khác nữa không? Người điếc là do bị quả báo nghe lén các cuộc bàn luận. Họ thường đặt tai vào lỗ khóa để nghe điều gì đang bàn bạc. Những gián điệp đời nay với vô số cách thức để nghe trộm người khác, để đánh cắp những bàn luận riêng tư, có thể sẽ chịu cùng quả báo như vậy và sẽ bị điếc trong một lúc nào đó ở tương lai.

Tuy nhiên, khi quý vị đã biết được đạo lý, quý vị sẽ từ bỏ việc nói dối, mình sẽ không bị câm. Nếu quý vị không nghe lén người khác bàn luận, quý vị sẽ không bị điếc. Bị câm, bị gù lưng, và bị mù đều là quả báo do báng bổ Tam bảo.

Kinh văn:

Những kẻ nhất-điên-ca ấy tự tiêu diệt chủng tử Phật. Như người dùng dao chặt cây đa-la. Phật ấn ký người ấy mất hẳn thiện căn, không còn chánh tri kiến, chìm đắm trong ba bể khổ, không thành tựu được pháp tam-muội.

Giảng giải:

Những kẻ nhất-điên-ca ấy tự tiêu diệt chủng tử Phật.

Những người nói lời đại vọng ngữ, chưa chứng nói mình đã chứng, chưa được nói mình đã được, và chưa hiểu nói mình đã hiểu–những người như vậy gọi là nhất-xiển-đề, có nghĩa là ‘người đoạn thiện căn.’ Nếu quý vị cắt đứt thiện căn mình, có nghĩa là các căn xấu ác sẽ chất chồng. Những người nói lời đại vọng ngữ và dối gạt người khác trên thế gian sẽ huỷ họai chủng tử Phật trong chính họ

Như người dùng dao chặt cây đa-la.

Cây đa-la, trồng ở Ấn Độ, mọc ở vùng đất cao, nhưng nếu chặt đứt ngọn thì nó không mọc được nữa. Những người đoạn trừ chủng tử Phật tương tự như chặt đứt ngọn cây đa-la, sẽ không bao giờ chủng tử Phật có lại được nữa.

Phật ấn ký người ấy mất hẳn thiện căn, không còn chánh tri kiến.

Thọ ký của Đức Phật về hạng người nầy là họ huỷ hoại thiện căn và trở thành bị tước mất mọi điều hay biết hoặc tri kiến.

 Chìm đắm trong ba bể khổ, không thành tựu được pháp tam-muội.

Ba biển khổ nói ở đây là:

  1. Khổ đao kiếm (Kiếm đồ): chỉ cho địa ngục đao sơn.
  2. Khổ máu huyết (Huyết đồ): Chỉ cho địa ngục máu huyết, nơi toàn thân người bị hành cho chảy máu thường xuyên.
  3. Khổ nạn lửa (Hoả đồ): chỉ cho địa ngục hoả thiêu.

Những người nầy sẽ bị đoạ vào ba địa ngục khủng khiếp nầy.

Kinh văn:

Sau khi Như Lai diệt độ, dạy hàng A-la-hán và Bồ-tát hãy ứng thân sinh trong đời mạt pháp, hiện ra nhiều hình tướng khác nhau để độ những chúng sinh còn trong vòng luân hồi.

Giảng giải:

Sau khi Như Lai diệt độ, dạy hàng A-la-hán và Bồ-tát hãy ứng thân sinh trong đời mạt pháp.

Các vị nên dùng báo thân và hóa thân sinh ra nơi thế gian nầy, nơi có nhiều khổ nạn. Trong thời mạt pháp, các vị phải dùng nhiều thân tướng, hiện ra trong vô số cảnh giới–có thể là loài người, có thể là súc sinh, hoặc có thể là trong một cách thức nào đó. Họ sẽ tuỳ thuận chúng sinh để độ những chúng sinh còn trong vòng luân hồi.

Họ sẽ cứu độ rộng rãi các chúng sinh. Các vị Bồ-tát sẽ trở lại thọ thân súc sinh. Quý vị đừng nghĩ rằng nói như vậy là không cung kính, vì các ngài thực sự làm điều đó. Trong các hạnh Bồ-tát, các ngài sẽ đến để hóa độ hàng súc sinh, như khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong đời quá khứ đã làm thân Lộc vương để cứu độ đàn nai.

Kinh văn:

Hoặc làm sa-môn, cư sĩ bạch y, vua chúa, quan lại, đồng nam đồng nữ. Như vậy cho đến làm dâm nữ, làm người quả phụ, người gian dối, trộm cắp, người hàng thịt, kẻ buôn bán. Để cùng với họ đồng sự, xưng tán Phật thừa, khiến cho thân tâm họ nhập vào tam-ma-địa,

Giảng giải:

Các vị Bồ-tát và A-la-hán nầy dùng hóa thân mình để thành các vị sa-môn, là người đã xuất gia, hoặc đã thọ giới cụ túc, hoặc thọ giới sa-di. Hoặc các vị hóa thành cư sĩ bạch y. Cư sĩ không sống đời từ bỏ gia đình, và ở Ấn Độ họ được gọi là ‘hàng bạch y.’ Họ hộ trì tam bảo. Đây là do vì hàng xuất gia

Không cày cuốc, nhưng vẫn phải ăn

Không dệt vải, nhưng vẫn phải mặc.

Thế nên cần phải có hàng cư sĩ tại gia cúng dường,

Hoặc có vị Bồ-tát hóa thành vua chúa trong cõi người, hoặc là quan lại, Hoặc các ngài hóa thành đồng nam đồng nữ. Như vậy cho đến làm dâm nữ, làm người quả phụ. Thậm chí các ngài có thể hóa thành người gian dối, trộm cắp, người hàng thịt, kẻ buôn bán.

Ngay cả họ có thể hóa ra kẻ trộm đạo, kể đồ tể, hoặc giới buôn bán những thứ như ma tuý. Các vị Bồ-tát và A-la-hán cùng với họ đồng sự,

Tại sao các ngài lại hóa thành các hạng người như vậy? Là vì các ngài muốn chuyển hóa những hạng người nầy. Để làm được việc đó, các ngài phải dùng Tứ nhiếp pháp.

  1. Bố thí
  2. Ái ngữ
  3. Lợi hành
  4. Đồng sự.

Trước hết các ngài nhiếp phục chúng sinh bằng bố thí. Có ba dạng bố thí:

  1. Tài thí
  2. Pháp thí
  3. Vô uý thí.

Nếu mình có tiền, thì cho tiền. Nếu biết giáo pháp, thì giảng pháp cho họ nghe. Nếu có người sợ hãi, bối rối, thì mình an ủi và giúp đỡ cho họ, qua đó khiến cho họ hết sợ, đó là bố thí sự không sợ hãi. Nhưng để thực hiện những phương pháp nầy, mình phải không được tham cầu và mong được đáp trả. Quý vị không nên suy nghĩ, “ A! Nay mình bố thí theo cách nầy, trong tương lai mình sẽ được nhiều điều tốt đẹp.” Hãy làm và quên đi. Hãy buông bỏ. Thế mới gọi là “Tam luân thể không.”

Ba phương diện đó là: người bố thí, vật phẩm đem bố thí và người nhận. Quý vị nên thực hành việc bố thí với phong thái đó là một việc mình nên làm, hơn là việc tích luỹ các thứ công đức.

Bố thí pháp cũng như vậy. Khi quý vị giảng pháp cho người nghe, quý vị đừng nên nghĩ rằng, “Công đức giảng pháp của tôi lớn vô cùng, quý vị nên cúng dường cho tôi.”

Bố thí sự không sợ hãi cũng như vậy. Khi bố thí, quý vị không nên tính toán có bao nhiều lợi lạc mà mình có được từ việc ấy. Cũng không nên có ý định bố thí khi thấy rằng sẽ có sự lợi lạc cho mình, trong khi đó, từ chối việc bố thí khi thấy mình chẳng được lợi lạc.

Thứ hai là nhiếp phục họ bằng ái ngữ. Chẳng hạn,, Đức Phật nói với A-nan, “Thiện tai! Thiện tai!” Và bằng cách đó, các vị Bồ-tát khen ngợi các chúng sinh, nói rằng, “Con thực là một chú bé ngoan. Con thật là thông minh. Con rất có thiện căn.”

Thứ ba, các ngài nhiếp phục chúng sinh bằng lợi hành, có nghĩa là làm mọi việc để giúp ích cho người khác.

Thứ tư, các ngài nhiếp phục chúng sinh qua việc đồng sự. Có nghĩa là bất cứ họ làm việc gì, các ngài cũng làm với họ. Có khi Bồ-tát muốn cứu độ một cô gái điếm vốn có thiện căn đã đến lúc chín muồi, như con gái của Ma-đăng-già đề cập trong kinh nầy là một ví dụ.

Con gái của Ma-đăng-già là gái điếm, nhưng thời của cô đã đúng lúc, khi A-nan trở về Kỳ-viên tịnh xá, cô đi theo. Ngay sau khi nghe Đức Phật giảng pháp, cô ta chứng quả vị thứ ba của hàng A-la-hán. Sau cùng cô ta chứng quả thứ tư A-la-hán. Và cô ta là cô gái điếm đầu tiên chứng quả.

Thế nên để cứu độ các cô gái điếm, các vị Bồ-tát có thể hóa thân thành gái điếm, vì nếu họ tham dự vào cùng nghề nghiệp và thân thiện, những gì họ nói đều được tin tưởng bởi những người mà các ngài muốn cứu độ. Chẳng hạn, một sinh viên đại học có thể nói rằng, “Tôi tin Phật pháp, thật là vi diệu. Tôi sẽ tham cứu kinh nầy, kinh nầy ngay bây giờ.” Vị sinh viên kia sẽ nói: “Tôi cũng muốn đi. Tôi cũng muốn tìm hiểu kinh ấy.” Thế là họ cùng nhau đi nghiên cứu Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Đó cũng như vậy.

Do vậy quý vị sẽ không thể nào hiểu được ai là Bồ-tát, ai là A-la-hán. Nhưng nếu quý vị là một trong các vị đó, thì đừng nói cho ai biết.  Quý vị đừng có đi quanh rồi rao lên rằng, “Tôi là Bồ-tát. Các ông nên lắng nghe những gì tôi nói.” Tại sao quý vị không được làm như vậy? Vì Đức Phật cấm không được làm điều đó. Thế nên các vị Bồ-tát và A-la-hán cùng làm những việc như mọi người đang làm, nhưng khi làm việc đó, thì các ngài xưng tán Phật thừa, khiến cho thân tâm họ nhập vào tam-ma-địa.

Họ có thể đắm mình vào trong cùng một công việc với người khác, nhưng để giảng nói Phật pháp vào mọi lúc thích hợp. “Phật pháp rất hay! Không có gì sánh bằng.” Và với cách nầy, họ sẽ khiến cho người nghe bị lôi cuốn, như thể họ đang ăn một cây kẹo.

Điều đó nhắc tôi nhớ một câu chuyện trong Ngữ lục. Thời xưa ở Trung Hoa, vào đời Đường có một vị tăng pháp danh là Đỗ Thuận. Ngài thường giảng kinh và thuyết pháp, và ngài còn dạy tham thiền. Có khi ngài lại dạy mọi người niệm Phật. Ngài dùng mọi phương pháp để giáo hóa mọi người. Ngài có một đệ tử đã xuất gia theo học với ngài hơn 10 năm. Thường  ngày, chú đệ tử rất để tâm đến công hạnh của thầy mình. Chú cố gắng hiểu xem thầy mình là ai, có nghĩa là, thầy là Bồ-tát, là A-la-hán, hay có khi là Phật? Cuối cùng, sau 10 năm, chú đi đến kết luận rằng thầy mình, Pháp sư Đỗ Thuận, là một người bình thường, chẳng có điều gì khác lạ nơi thầy mình cả. Thầy ăn cũng như mọi người khác ăn. Thầy mặc cũng như mọi người đều mặc. Thầy ngủ cũng như mọi người ngủ. Thầy không có điều gì khác hơn mọi người. Thế nên chú đệ tử dứt khóat thầy mình không phải là Phật hay là Bồ-tát hay là A-la-hán. Do vậy, nên chú đến bên thầy vái tạ, xin rời khỏi thầy.

Ý định của chú là gì?

Chú định lên núi Ngũ Đài Sơn để đảnh lễ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi.

Chú có ý định tìm cầu trí huệ nơi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi với hy vọng được giác ngộ. Chú thưa:

“Bạch thầy, con đã ở với thầy hơn 10 năm, và con chẳng thấy mình học được điều gì. Con không hiểu điều gì cả, con thật là ngu đần, và con quyết định đi lễ bái Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi với hy vọng rằng con sẽ có được trí huệ.”

“Được rồi!” Thầy nói, “Con muốn triều bái Ngũ Đài Sơn, thì hãy đi. Thầy có hai phong thư, trên đường đi nhờ con trao giúp. Một cái trao cho cô Thanh Lương và một trao cho Trư Lão Mẫu.”

Khi chú đệ tử đến nơi địa chỉ được ghi trên phong bì là Cô Thanh Lương, cô ta đã trở thành một cô gái điếm. Chú đệ tử quá đỗi ngạc nhiên, “Cớ gì mà thầy mình viết thư cho một cô gái điếm?” Chú tự hỏi, “Hay cô ta là người yêu của thầy, và thầy nhờ mình làm người môi giới?”

Nhưng chú trao thư, rồi nói, “Thầy tôi, Đỗ Thuận, có gửi thư cho cô.”

Cô Thanh Lương nhận thư đọc rồi ngồi xuống, nói, “Tốt! Ông ấy đi. Ta cũng sẽ đi.”

Rồi cô chết ngay trên chỗ ngồi. Cô ta đã nhập niết-bàn. Chú đệ tử thấy toàn bộ sự kiện quá lạ, và chú cầm bức thư lên đọc. Chú mới biết Cô Thanh Lương thực ra là Bồ-tát Quán Thế Âm, vì lá thư viết rằng, “Quán Thế Âm, tôi đã xong việc ở đây và sẽ ra đi. Ngài nên đi với tôi.”

Chú đệ tử thở dài tiếc nuối, “Nếu mình biết đó là Bồ-tát Quán Thế Âm, mình sẽ quỳ xuống trước ngài, ta sẽ không đứng dậy cho đến khi ngài nhập niết-bàn, thế là ta có thể có được trí huệ giác ngộ. Sẽ hay biết bao. Nhưng  nay ta đã bỏ mất cơ hội.”

Điều ấy thật đúng với ý nghĩa của câu:

Trước mặt ngài

Vẫn không nhận ra ngài là Quán Thế Âm

Chú ta cầm phong thư kia và nhắm hướng chỗ ở của Trư Lão Mẫu mà đến

Nhưng khi chú đến địa chỉ trong thư, không ai biết về người nầy. Nhưng khi chú đi ngang qua một chuồng heo, một con lợn nái già hỏi chú. “Chú tìm Trư Lão Mẫu có việc gì?”

Chú đệ tử ngạc nhiên và không biết mình đang gặp thứ quái vật nào. Chú vội vàng trả lời. “Thầy tôi bảo tôi trao một bức thư cho Trư Lão Mẫu.”

Con lợn nái già nói, “Ồ! Tốt. Ta là Trư Lão Mẫu đây. Chú có thể đưa thư cho ta.”

Con lợn nái già nhận thư và xem. Thật khó hiểu ra làm sao bà ta có thể biết được trong thư nói gì. Tuy nhiên, khi xem xong, bà ta ngồi xuống và nói, “Ồ!, Việc của ông ấy đã xong. Ta cũng sẽ đi.” Và bà ta chết.

Khi chú đệ tử xem thư, biết bà ta chính là hóa thân của Bồ-tát Phổ Hiền. “Có lẽ nào Bồ-tát Phổ Hiền đúng thực là con heo kia?” Chú vẫn còn vướng mắc những mối nghi ngờ. Chú chẳng quan tâm đến công việc gì mà thầy chú đã làm xong như lời trong thư.

Chú lên núi Ngũ Đài Sơn. Ở đó, chú gặp một lão tăng rất già, ông ta hỏi chú, “Chú đến đây làm gì?”

“Tôi đến để lễ bái Bồ-tát Đại trí Văn-thù-sư-lợi và mong được trí huệ giác ngộ.”

“Cái chú nầy!” Lão tăng nói, “Chú lên đây để lễ bái Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, nhưng lễ bái thầy chú còn tốt hơn gấp ngàn lần.”

Chú đệ tử hói, “Tại sao?”

“Thầy chú, Hoà thượng Đỗ Thuận, chính là Đức Phật A-di-đà tái thế. Ngài thị hiện ở cõi nhân gian để giáo hóa chúng sinh. Chú đã là đệ tử của ngài hơn 10 năm. Sao chú không nhận ra được điều đó?  ”

“Ồ! Thầy tôi là Đức Phật A-di-đà!” Chú đệ tử nói, “Trông thầy chẳng giống Đức Phật tí nào!”

Khi chú nhìn lại, lão tăng đã biến mất.

Rồi chú thấy một bức thư ngắn bảo rằng: “Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bảo chú hãy quay trở về tức khắc với thầy mình là Hoà thượng Đỗ Thuận, ngài chính là Đức Phật A-di-đà.”

Sau cùng, chú đệ tử tin vào điều đó. Chú đã gặp được Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bằng xương thịt, và ngài bảo chú hãy quay trở về với thầy mình.

Chú vội vã quay trở lại, Hoà thượng Đỗ Thuận đã viên tịch hôm qua. Một lần nữa, chú bỏ mất cơ hội. Chú đã là đệ tử của Đức Phật A-di-đà hằng 10 năm mà không nhận biết điều ấy.

Chủ bỏ mất những điều trong tầm tay để tìm kiếm những gì quá xa xôi, chỉ tìm thấy được một điều là nên quay trở về với thầy mình. Bây giờ còn ai để gặp nữa?

Kinh văn:

Rốt ráo không tự bảo mình thật là Bồ-tát, là A-la-hán. Khinh xuất nói với người chưa học, tiết lậu mật nhân của Phật.

Giảng giải:

Họ có thể là Bồ-tát, là A-la-hán, là chư Phật đã thị hiện nơi thế gian nầy. Nhưng dù chính đó là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hay Đức Phật A-di-đà, Đức Phật Dược sư Tiêu tai Diên thọ, hay Đức Phật Bảo Sanh, Đức Phật Thành Tựu, hoặc là các Đức Phật, Bồ-tát, A-la-hán nào khác, họ cũng không bao giờ nói “Ta thực sự là Bồ-tát. Đúng thực như vậy, các ông nên tin vào tôi. Tôi thực sự là một vị Bồ-tát.” Không thể nói như vậy. Nếu họ tự xưng mình thật là Bồ-tát, là A-la-hán. “Các ông có nhận ra tôi là ai không? Tôi là A-la-hán.” Thì quý vị sẽ biết ngay họ là thành viên quyến thuộc của ma vương. Nếu có người khen ngợi quý vị bằng cách nói rằng quý vị là Bồ-tát, là A-la-hán, thì quý vị đừng thừa nhận điều ấy cho dù quý vị đúng thực là như vậy. Quý vị đừng nên

Khinh xuất nói với người chưa học, tiết lậu mật nhân của Phật.

Quý vị không nên tiết lộ mật nhân của chư Phật. Quý vị không chỉ khinh suất tiết lộ gốc tích của mình. Thế khi nào là có thể thừa nhận được? Quý vị chỉ có thể tiết lộ khi mình sắp chết. Đừng tiết lộ trước khi mình ra đi.

Khi tiết lộ, thì đừng nên lưu lại.

Khi còn ở lại, đừng nên tiết lộ.

Ngay khi quý vị tiết lộ tông tích mình, chẳng hạn, mình là hóa thân của Bồ-tát đó, thì quý vị phải lìa bỏ sự hiện hữu đời này ngay tức thì. Miễn khi lời nói chưa phát ra, thì quý vị có thể lưu lại cõi đời, nhưng khi đã nói ra rồi, thì quý vị sẽ gặp rắc rối đầy mình nếu không chịu rời xa.

 Kinh văn:

Chỉ trừ khi đến lúc lâm chung, âm thầm có lời di chúc. Tại sao những người ấy lừa gạt chúng sinh, thành tội đại vọng ngữ.

Giảng giải:

Chỉ trừ khi đến lúc lâm chung, âm thầm có lời di chúc. Tại sao những người ấy lừa gạt chúng sinh, Nếu quý vị là một bậc thánh, thì lúc đến cuối đời, quý vị có thể nói với mọi người điều ấy. Nhưng từ đây đến lúc đó, quý vị không thể nói cho ai biết cả. Đến lúc đó, quý vị có thể tiết lộ cho những người gần gũi nhất của mình, có thể là một hai vị đệ tử nhập thất của mình.

Những người làm những việc ngược lại, chỉ dối gạt và làm mê mờ chúng sinh bằng cách tạo nên tội đại vọng ngữ.

Nếu quý vị chưa đắc đạo, mà nói rằng mình đã được, nếu quý vị chưa chứng quả, mà nói rằng mình đã chứng, đó là quý vị đã nói lời đại vọng ngữ.

Vào đời Thanh ở Trung Hoa, có vị cao tăng là Pháp sư Ấn Quang. Ngài là người Giang Tây.

Sau khi xuất gia, ngài chiêm bái Phổ-đà Sơn, đạo tràng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Ngài nhập thất ở núi đó. Ngài tự ẩn mình trong một căn phòng nhỏ và đọc Đại tạng kinh. Nếu ngày nào cũng đọc, phải cần đến ba năm mới đọc hết Tạng nầy. Ngài đã đọc đi đọc lại nhiều lần Tạng kinh nầy suốt 18 năm. Suốt những năm đó, ngài không xuống núi. Cuối cùng, một nhóm Phật tử ở Thượng Hải thỉnh ngài giảng kinh A-di-đà. Ngài đồng ý, nhưng chẳng có nhiều người đến nghe kinh, có lẽ do họ không hiểu được phương ngữ Thượng hải của ngài. Nhưng trong số đó có một cô học sinh trung học từ Thượng Hải có một giấc mơ bảo cô hãy đến nghe giảng kinh. Trong mộng báo rằng, “Cô nên đến đạo tràng cư sĩ đó…, để nghe kinh A-di-đà do Bồ-tát Đại Thế Chí giảng.”

Hôm sau, cô học sinh đọc báo thấy có đăng tin Pháp sư Ấn Quang đang giảng Kinh A-di-đà tại đạo tràng đó. Cô tự hỏi:

“Tại sao trong giấc mơ báo rằng Pháp sư Ấn Quang là Bồ-tát Đại Thế Chí?

Đêm đó, cô tham dự pháp hội, sau khi mọi người ra về hết, cô kể lại giấc mơ của mình cho Pháp sư Ấn Quang nghe. Khi cô ta kết luận rằng ngài chính là Bồ-tát Đại Thế Chí, Pháp sư Ấn Quang không hài lòng, nhắc nhở cô, “Cô không được đem nói cho mọi người chuyện vô nghĩa nầy!” Thế nên cô không kể cho ai nghe chuyện giấc mơ. Nhưng cô xin quy y với Pháp sư Ấn Quang. Ba năm sau, Pháp sư Ấn Quang nhập diệt, chỉ đến lúc đó cô mới kể về giấc mơ của mình. Mọi người đều bực tức vì cô đã không nói chuyện nầy sớm hơn, để họ có thể thỉnh pháp được nhiều hơm ở Pháp sư. Nhưng cô cho họ biết rằng chính Pháp sư đã cấm không cho cô được tiết lộ. Từ sự kiện nầy, rõ ràng Pháp sư Ấn Quang là hóa thân của Bồ-tát Đại Thế Chí. Khi làm lễ trà tỳ, có rất nhiều xá-lợi (Sarira)

Thế nên, khi sắp mạng chung, một số tung tích mới được tiết lộ. Tuy vậy, cũng không được nói một cách khoa trương về chuyện nầy. Như trong trường hợp trên, có thể là trong giấc mơ, có một ít chỉ dẫn được đưa ra. Nhưng quý vị không nên nói lộ liễu như, “Tôi là Bồ-tát Đại Thế Chí.” Đó là cách thức không nên làm.

Người thời nay thường đi quanh tự tuyên bố rằng mình là Phật. Điều nầy trái ngược hoàn toàn với giáo lý trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Tất nhiên mọi người đều là Phật, nhưng quý vị phải tu mới thành Phật. Nếu quý vị không tu, quý vị chẳng khác gì hơn một con ngựa, con bò, con heo, con cừu, con gà. Quý vị hầu như sẽ trở thành quỷ đói, hay đoạ trong địa ngục; chẳng có gì chắc chắn.

Kinh văn:

Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, sau rốt phải đoạn trừ nói lời đại vọng ngữ. Đó là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ tư của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

Giảng giải:

“A-nan, ông có nghe điều nầy không? Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, sau rốt phải đoạn trừ nói lời đại vọng ngữ.

“Đây có nghĩa là mọi lời nói phóng đại khoa trương. Dù vì thiện ý, cũng đừng nói, “Tôi đã giác ngộ.” Hoặc là “Tôi đã chứng quả,” hoặc là “Tôi là Bồ-tát.” Hoặc là “Tôi là A-la-hán.” Điều đó quá rẻ tiền.

Đó là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ tư của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

Đừng dạy mọi người nói dối và tuyên bố khoa trương. Lời dạy nầy là của chư Phật trong hiện đời và chư Phật trong quá khứ.

Kinh văn:

Thế nên A-nan, nếu không đoạn trừ lời đại vọng ngữ, như khắc phân người làm hình cây chiên đàn, mà muốn được hương thơm. Thật không có chuyện đó.

Giảng giải:

Như Lai sẽ đưa ra ví dụ, Thế nên A-nan, nếu không đoạn trừ lời đại vọng ngữ, như khắc phân người làm hình cây chiên đàn, mà muốn được hương thơm.

Những người muốn được trở nên thanh tịnh mà không dứt trừ lời đại vọng ngữ thì cũng giống như người cố gắng tìm cách khắc hình cây chiên đàn hương từ phân người. Thật không có chuyện đó.

Anh ta sẽ không bao giờ khiến cho phân người có được mùi hương thơm như cây chiên đàn. Điều nầy có nghĩa là nếu quý vị nói lời đại vọng ngữ, giống như là quý vị có mùi rất thối. Nếu quý vị tu tập thiền định, nỗ lực thành Phật, mà vẫn tiếp tục nói dối, thì quý vị cũng giống như một cục phân. Vì người nói dối mà mong thành Phật thì cũng giống như cố gắng làm cho cục phân trở nên có mùi thơm của tượng Phật. Điều ấy không hợp lý.

Kinh văn:

Như Lai dạy hàng tỷ-khưu, lấy trực tâm làm đạo tràng. Trong các hành xử từ bốn uy nghi, còn không được hư dối. Làm sao có kẻ tự xưng là đã được pháp thượng nhân?

Giảng giải:

Như Lai dạy hàng tỷ-khưu, lấy trực tâm làm đạo tràng.

 Tỷ-khưu đề cập ở đây gồm cả tứ chúng. Đến đây, quý vị không thể nói rằng, “Tôi là cư sĩ, thế nên Đức Phật không nói đến tôi.”

Quý vị phải ngay thẳng khi nói và nghĩ, Đừng có quanh co, đừng dối trá. Không có trực tâm cũng như cố gắng làm thành hương chiên đàn từ phẩn uế.

Như Lai dạy họ phải nên Trong các hành xử từ bốn uy nghi, còn không được hư dối.

Những oai nghi nầy đã được trình bày chi tiết từ trước. Mỗi tư thế đi đứng, nằm, ngồi đều có 250 oai nghi. Quý vị nên luôn luôn thực hành thật chân chính, thực sự tu tập trong đó.

Làm sao có kẻ tự xưng là đã được pháp thượng nhân?

Tại sao mình lại tự tuyên bố đã chứng được quả vị Bồ-tát hay A-la-hán? Không nên nói như vậy. Trước quý vị nghe giảng kinh, quý vị có thể vô tình nói lên điều ấy. Nhưng nay đã nghe giảng kinh rồi, quý vị biết là mình không còn được nói rằng mình đã chứng được đến quả vị nào. Nói như vậy là nói lời đại vọng ngữ.

Quả báo của hành vi nầy là đoạ vào địa ngục Bạt thiệt. Trong đời sau, lưỡi quý vị sẽ bị móc bằng lưỡi câu sắt và kéo ra. Sau đó, quý vị sẽ không còn cơ hội để nói dối, vì trong tương lai, quý vị đã bị câm rồi.

Kinh văn:

Ví như người bần cùng, tự xưng là đế vương, tự chuốc lấy sự tru diệt. Huống gì là ngôi vị pháp vương, sao dám xưng càn! Nhân đã không thật, quả ắt quanh co. Cầu đạo bồ-đề của Phật, như người muốn cắn rốn, làm sao thành tựu được?

Giảng giải:

‘Ông có biết không?’ Có người nói, ‘Tôi là vua của nước nầy?’

Nói như vậy, Ví như người bần cùng, tự xưng là đế vương, tự chuốc lấy sự tru diệt.

Vua sẽ bắt nhốt người ấy liền, và toàn bộ gia đình của người ấy cũng bị tội chết luôn. Toàn thể bạn bè và họ hàng cũng sẽ bị khép vào tội chết. Thế thì ‘vua’ đi về đâu? Tuyên bố rằng mình đã chứng quả thánh khi mình chưa chứng cũng giống như người bần cùng kia tự nói rằng mình là vua. Anh ta sẽ bị tru diệt vì tội ấy.

Và nếu mình không thể nào tuỳ tịện tự nói mình là vua trong phương diện thế gian,

Huống gì là ngôi vị pháp vương, sao dám xưng càn!

Sao lại dám xưng càn Phật vị?

Nhân đã không thật, quả ắt quanh co.

Trong nhân địa, khi quý vị đang tu đạo, nếu không tu hành chân chính, thì kết quả quý vị hưởng được trong tương lai sẽ cong vạy. Sẽ có rất nhiều khúc mắc. Quý vị sẽ không thể nào thành tựu quả vị một cách thẳng tắt. Nếu quý vị tu kiểu nầy, phải trải qua vô số đại kiếp, mà vẫn không thành tựu được.

Cầu đạo bồ-đề của Phật, như người muốn cắn rốn, làm sao thành tựu được?

Nếu quý vị tự thực hành theo kiểu nầy–tiếp tục đắm mình trong nói dối và khoa trương mà tìm đạo bồ-đề của chư Phật, thì quý vị giống như người tìm cách cắn cái rốn của mình.

Làm sao mà thành tựu được?

Quý vị sẽ không bao giờ cắn cái rốn mình được, vì miệng mình không thể nào đến đó được.

Kinh văn:

Nếu hàng tỷ-khưu, tâm thẳng như dây đàn, hành xử mọi việc chân thật, nhập vào tam-ma-đề, ắt hẳn không có ma sự. Như Lai ấn chứng cho người nầy, thành tựu được vô thượng trí giác của hàng Bồ-tát.

Giảng giải:

Nếu hàng tỷ-khưu, và giới cư sĩ, tâm thẳng như dây đàn, hành xử mọi việc chân thật, nhập vào tam-ma-đề, ắt hẳn không có ma sự.

Tâm quý vị nên thẳng như dây đàn, đừng cong queo, như thân cây đàn. Quý vị nên chân thật trong mọi vấn đề và đừng bao giờ nói dối. Nói dối là trường hợp của:

Khởi đầu chỉ bằng một mảy lông

Sẽ kết thúc bằng ngàn dặm trong tương lai.

Nếu quý vị nói dối trong đời nầy, sẽ kéo sự thành tựu của quý vị lùi lại vài triệu đại kiếp trong đời sau. Hãy xem xét kỹ lưỡng và xem người nào đang bỏ mất điều đó. Nếu quý vị có thể trực tâm và chân thật, quý vị có thể nhập vào tam-ma-đề, và không có một ma sự chướng ngại nào sinh khởi.

Như Lai ấn chứng cho người nầy, thành tựu được vô thượng trí giác của hàng Bồ-tát.

Ai đã có tâm chân thật và ngay thẳng như dây đàn thì đều có thể trở thành Bồ-tát. Họ có thể thành tựu trí huệ vô thượng và tuệ giác của một vị Bồ-tát.

Kinh văn:

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói. Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói.

Giảng giải:

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói.

Nếu quý vị giải thích giống như Như Lai đã giảng giải trong kinh nầy, đó chính là giáo pháp của chư Phật đã giảng nói. Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói.

Người nào không diễn bày giáo pháp nầy, mà còn tuyên bố những giáo lý nghịch với giáo pháp nầy, đó chính là lời của ma vương nói.”

Ba-tuần là chỉ cho Ma vương.

 

Hết quyển 6

(Bản tiếng Hán )