KINH THỦ LĂNG NGHIÊM LƯỢC GIẢNG
ŚŪRAMGAMA-SŪTRA
Tuyên Hoá Thượng Nhân giảng thuật
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nhuận Châu
QUYỂN 5
PHẦN CHÁNH VĂN VÀ GIẢNG GIẢI
Kinh văn:
Đó gọi là Bồ-tát do tam-ma-điạ mà chứng được vô sanh nhẫn.
Giảng giải:
Bồ-tát đạt được định lực, như vậy có thể chứng được vô sinh pháp nhẫn, đó là cảnh giới của hàng Bồ-tát.
HAI MƯƠI LĂM PHÁP MÔN VIÊN THÔNG.
Kinh văn:
A-nan và đại chúng nhờ Phật khai thị, tuệ giác được viên dung thông suốt, không còn điều gì nghi hoặc.
Giảng giải:
A-nan và đại chúng nhờ Phật khai thị, tuệ giác được viên dung thông suốt. Vào lúc nầy, trí huệ của A-nan và đại chúng đều được viên mãn và đều chứng được viên thông. Đại chúng đều không còn điều gì nghi hoặc.
Kinh văn:
Cùng lúc chắp tay, đảnh lễ sát hai chân Phật mà thưa rằng, “Ngày nay thân tâm chúng con được sáng suốt, vui mừng được điều vô ngại.”
Giảng giải:
Cùng lúc chắp tay, đảnh lễ sát hai chân Phật mà thưa rằng–Đại chúng đồng cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, và A-nan bạch Phật, “Ngày nay thân tâm chúng con được sáng suốt. ” Đại chúng đều hiểu được rõ ràng. Và “Vui mừng được điều vô ngại. Chúng con vui mừng khi đạt được sự hiểu biết thông suốt, không còn ngăn ngại bởi những mối nghi ngờ.”
Kinh văn:
Tuy hiểu ra nghĩa một và sáu đều không còn, nhưng còn chưa rõ được căn tính bản lai của viên thông.
Giảng giải:
Tuy hiểu ra nghĩa một và sáu đều không còn. Chúng con tuy đã hiểu ra được đạo lý khi sáu căn được mở thì một cũng không còn. Nhưng còn chưa rõ được căn tính bản lai của viên thông. Cái gì là cội nguồn của viên thông? Chúng con còn chưa hiểu.
Kinh văn:
Bạch Thế tôn, chúng con đã phiêu dạt bơ vơ từ nhiều kiếp. Không biết do đâu mà được dự vào dòng Phật. Như trẻ con khát sữa, bỗng gặp mẹ hiền.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, chúng con là hàng Thanh văn còn trong hàng hữu học, đã phiêu dạt, trôi nổi chìm đắm trong biển khổ luân hồi sinh tử, không thể nào thoát ra khỏi vòng luân hồi, bơ vơ từ nhiều kiếp–không được cha mẹ chăm sóc, những kẻ mồ côi cha mẹ thường phải sống đầu đường xó chợ, đêm đến không nhà. Không biết do đâu mà được dự vào dòng Phật. Không biết do cơ may nào mà chúng con được dự vào trong dòng giống Phật, giống như người mẹ hiền của chúng con. Như trẻ con khát sữa, bỗng gặp mẹ hiền. Trẻ con mất mẹ nay tìm lại được mẹ hiền và không còn khát sữa.
Kinh văn:
Nếu nhân trong hội nầy mà được thành đạo, chỗ bản ngộ phù hợp với đạo lý vi mật được nghe, thì với những người chưa được nghe
Giảng giải:
Nếu nhân trong hội nầy, cơ duyên mà nay chúng con có được, nhờ Đức Phật giảng dạy giáo pháp, mà được thành đạo, chỗ bản ngộ phù hợp với đạo lý vi mật được nghe. Giáo lý vi diệu, ẩn mật mà Đức Phật giảng dạy cho chúng con để chúng con nhận ra các pháp sai biệt, và đó chính là bản giác của mỗi chúng con, thì với những người chưa được nghe, sẽ không có gì sai khác. A-nan thưa rằng, “Giáo pháp Đức Phật giảng dạy giúp cho chúng con được giác ngộ. Giáo pháp là do Đức Phật giảng nói, còn sự chứng ngộ là tự thân của riêng mỗi người trong chúng con. Chúng con nhận ra bản tâm, thấy được bản tánh, là chẳng phải cái gì do từ bên ngoài mà có. Đó là lý do tại sao nó chẳng khác với những điều chúng con chưa từng được nghe.”
Kinh văn:
“Xin Đức Phật rủ lòng đại bi ban cho chúng con những pháp bí mật trang nghiêm như là lời khai thị tối hậu của Như Lai.” Nói lời ấy xong, A-nan gieo năm vóc xuống đất, lui về an trụ trong chánh niệm, trông chờ lời chỉ dạy vi mật của Đức Phật.
Giảng giải:
A-nan tiếp tục cầu xin Đức Phật. Xin Đức Phật rủ lòng đại bi ban cho chúng con những pháp bí mật trang nghiêm như là lời khai thị tối hậu của Như Lai.” A-nan lại xin Đức Phật khởi lòng từ bi ban cho đại chúng giáo pháp vi diệu sâu mầu–Thủ-lăng-nghiêm đại định. A-nan mong muốn có được nước của tam-muội. “Như là lời khai thị tối hậu của Như Lai. Chúng con xem đây là lời chỉ dạy tối thượng của Như Lai ban cho chúng con.” Khi dâng lời thỉnh cầu nầy, A-nan gieo năm vóc xuống đất, lui về an trụ trong chánh niệm. A-nan lui lại nơi chỗ ngồi của mình và chờ đợi Đức Phật sẽ bí mật truyền trao giáo pháp vi diệu cho mình. “Bí mật–minh冥” có nghĩa là dù có nhiều người đang có mặt, nhưng Đức Phật truyền trao giáo pháp cho A-nan mà họ không biết. Thế nên kinh văn nói: trông chờ lời chỉ dạy vi mật của Đức Phật.
Kinh văn:
Bấy giờ Thế tôn bảo khắp các vị đại Bồ-tát và các vị A-la-hán đã sách các lậu hoặc trong đại chúng rằng; “Các ông là những vị Bồ-tát và A-la-hán sinh trưởng trong Phật pháp, đã chứng được quả vô học. Nay Như Lai hỏi các ông, lúc ban đầu mới phát tâm, ngộ tính viên thông ở giới nào trong mười tám giới? Do phương tiện gì mà được tam-muội? ”
Giảng giải:
Đức Phật biết rằng A-nan đã lui về chỗ ngồi và đang am thầm chờ đợi cơ duyên vi mật để nhận lời khai thị của Đức Phật. Đức Phật biết rõ những điều đang diễn ra trong tâm thức A-nan. Nhưng lúc nầy, Đức Phật chưa đáp ứng những mong mỏi của A-nan. Trước tiên Đức Phật hỏi 25 vị thánh. Ngài hỏi vị nào đã chứng được viên thông và do giới nào trong mười tám giới mà họ chứng được? Đức Phật hỏi nhờ căn nào mà các ngài được giải thoát?
Bấy giờ Thế tôn bảo khắp các vị đại Bồ-tát và các vị A-la-hán đã sách các lậu hoặc trong đại chúng rằng–Câu nầy được thêm vào như là lời kể chuyện khi kinh nầy được kết tập. Tiếp theo là lời của Đức Phật. “Các ông là những vị Bồ-tát và A-la-hán sinh trưởng trong Phật pháp, đã chứng được quả vô học– các ông là:
Tùng Phật khẩu sanh
Tùng pháp hoá sanh.
Các ông đã chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán, thuộc hàng vô học, hoặc quý vị là những vị đại Bồ-tát. Nay Như Lai hỏi các ông, lúc ban đầu mới phát tâm, ngộ tính viên thông ở giới nào trong mười tám giới? Rốt cuộc, do căn nào, giới nào là viên thông? Do phương tiện gì mà được tam-muội? Do phương tiện nào mà ông đạt được tam-ma-đề? ”
VIÊN THÔNG SÁU TRẦN
VIÊN THÔNG THANH TRẦN–Kiều-trần-na
Kinh văn:
Nhóm năm vị tỷ-khưu Kiều-trần-na liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi thưa rằng, “Chúng con khi ở Lộc uyển và Kê viên, thấy Như Lai khi mới thành đạo, nhờ nghe được pháp âm của Như Lai mà ngộ được lý Tứ diệu đế.”
Giảng giải:
Kiều-trần-na (Kaundinya) còn gọi là A-nhã Kiều-trần-như (Ajnatakaundinya), là một trong những đệ tử của Đức Phật. Tên của ông có nghĩa là Giải bổn tế, 解本際là hiểu rõ tận căn nguyên; và Tối sơ giải, 最初解là người hiểu được giáo pháp đầu tiên. Ngài là người đệ tử đầu tiên của Đức Phật được giác ngộ. Ngài là bậc trưởng lão trong đạo, ngài ngộ đạo rất sớm. Lúc ấy, ngài đã lớn tuổi.
Nhóm năm vị tỷ-khưu Kiều-trần-na liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi thưa rằng, “Chúng con khi ở Lộc uyển và Kê viên, thấy Như Lai khi mới thành đạo.”
Tương truyền rằng Kê viên là một vườn cây có nhiều loài gà sinh sống. Một hôm vườn cây phát hoả, các con gà nhúng ướt lông của mình rồi dập tắt lửa. Người ta cho rằng đây là điểm rất kỳ đặc. Nên có không khí kỳ diệu khác thường ở nơi nầy. Đặc điểm địa lý rất là tốt lành. Những người tu tập nên tìm đến những nơi nầy, vì sẽ hưởng được cảnh giới thiện lành ở đây.
Nhờ nghe được pháp âm của Như Lai–âm thanh mà Đức Phật giảng pháp–mà ngộ được lý Tứ diệu đế.” Đức Phật chuyển pháp luân Tứ đế. Tức gọi là Tam chuyển tứ đế. Nghĩa là Đức Phật chỉ dạy, “Đây là khổ, tánh bức bách. Đây là tập, tánh chiêu cảm. Đây là diệt, tánh khả chứng. Đây là đạo, tánh khả tu.”
Tiếp theo, ngài dạy, “Đây là khổ, ông nên biết. Đây là tập, ông nên dứt. Đây là diệt, ông nên chứng. Đây là đạo, ông nên tu.”
Lần thứ ba, ngài dạy, “Đây là khổ, Như Lai đã biết. Đây là tập, Như Lai đã dứt. Đây là diệt, Như Lai đã chứng. Đây là đạo, Như Lai đã tu.”
Sau khi Đức Phật chỉ dạy những điều nầy, Kiều-trần-na liền được giác ngộ. Trước đây trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm, đã giải thích về Kiều-trần-na rằng ngài được giác ngộ nhờ hai chữ ‘khách trần.’ Ngài nhận ra rằng khách chẳng phải là chủ. Chủ thì chẳng đi đâu, trong khi khách thì có đi có đến.
Kiều-trần-na nghe pháp âm của Đức Phật và ngộ đạo. Thanh âm của con người rất là quan trọng. Tiếng nói của quý vị nếu có âm vang, âm thanh mạnh mẽ và rõ ràng, mọi người sẽ rất thích thú khi nghe quý vị giảng pháp. Nếu lời nói không rõ và nói lắp bắp, ngập ngừng, thì người ta sẽ không muốn nghe quý vị nói. Âm thanh của Đức Phật trong như pha lê, như tiếng gầm của sư tử. Bất luận chúng hội có đông bao nhiêu người, họ đều nghe được pháp âm của Đức Phật, và họ đều hiểu được nghĩa lý. Chẳng có một ai không hiểu được. Không những loài người hiểu được, mà các loài thú cũng hiểu ra những gì Đức Phật nói. Nên có câu:
Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp
Chúng sinh tuỳ loại các đắc giải.
Kinh văn:
Phật hỏi trong hàng tỷ-khưu chúng con (về viên thông). Con là người đầu tiên giải ngộ, nên Như Lai ấn chứng cho con là A-nhã-đa. Tính vi diệu của âm thanh vốn là nhiệm mầu và viên mãn, con nhờ âm thanh mà chứng được A-la-hán.
Giảng giải:
Phật hỏi trong hàng tỷ-khưu chúng con. Nay Đức Phật hỏi trong hàng tỷ-khưu chúng con bằng cách nào mà chứng được viên thông. Con là người đầu tiên giải ngộ, nên Như Lai ấn chứng cho con là A-nhã-đa. Con là người đầu tiên ngộ đạo và giải thoát. Tính vi diệu của âm thanh vốn là nhiệm mầu và viên mãn. Con nghe âm thanh vi diệu của Phật, âm thanh ấy khế hợp với bản tâm của con. Nó vốn vi mật và viên mãn, hoàn toàn tương ứng, viên dung tâm tánh của con. Con nhờ âm thanh mà chứng được A-la-hán. Con tu tập qua phương tiện âm thanh và chứng được A-la-hán.
Quán Thế Âm Bồ-tát tu tập viên thông ở nhĩ căn, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát chọn nhĩ căn là tốt nhất để A-nan tu tập viên thông. Ngài Văn-thù-sư-lợi nói rằng tu tập viên thông ở nhĩ căn là pháp môn thù thắng nhất.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, theo sở chứng của con, âm thanh là hơn cả.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông,
Đức Phật hỏi trong 18 giới, giới nào mà nhờ đó, tu tập để chứng được viên thông. Theo sở chứng của con, âm thanh là hơn cả. Sự chứng ngộ của con là nhờ vào âm thanh. Chính nhờ vào phương tiện ấy mà con chứng được A-la-hán. Thế nên con nghĩ rằng âm thanh là quan trọng nhất. đó là phương pháp thù thắng để tu tập viên thông.
VIÊN THÔNG SẮC TRẦN
Ưu-bà-ni sa-đà
Kinh văn:
Ưu-ba-ni-sa-đà (Upaniṣad) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng: “Con cũng được gặp Phật lúc mới thành đạo. Con quán tướng bất tịnh, sanh lòng nhàm chán, ngộ thể tánh của sắc, từ tướng bất tịnh, đến tướng xương trắng, tướng vi trần, đều quy về hư không. Thấy cả cái không và cái sắc đều là không, nên thành bậc vô học. ”
Giảng giải:
Ưu-ba-ni-sa-đà (Upaniṣad) có nghĩa là ‘sắc tánh không色性空’. Ông luôn luôn bị quấy rầy bởi ham muốn tình dục mạnh mẽ. Do đó, Đức Phật dạy ông tu tập pháp quán bất tịnh. Việc nầy giúp cho ông quán sát được thân thể mình cũng như của người khác đều là bất tịnh. Pháp thực hành chính gọi là cửu tưởng quán.
- Trướng tưởng: Sau khi chết, tử thi bắt đầu phồng lên.
- Thanh ứ tưởng:Sau khi phồng lên, thây chết vỡ ra ở những vùng bị thâm tím.
- Hoại tưởng:Sau khithây chết ngã màu xanh, nó bắt đầu vỡ ra.
- Huyết đồ tưởng: Khi thân thể tan hoại, máu và các thứ dịch chảy ra.
- Nùng lạn tưởng: Mủ bắt đầu rỉ ra ngoài thân và bắt đầu mục nát.
- Trùng đạm tưởng: Mủ vỡ ra, thân rã mục, côn trùng đục khoét phần còn lại.
- Phân tán tưởng: Thị bắt đầu tiêu tan mất.
- Bạch cốt tưởng: Khi thịt đã tiêu sạch, chỉ còn xương trắng.
- Thiêu tưởng: Toàn thân bị thiêu và chỉ còn tro. Tro bay vào hư không và trở thành cát bụi, cuối cùng chẳng còn gì.
Ưu-ba-ni-sa-đà rất thăm đắm sắc dục, ông ta để ý mọi người phụ nữ mà ông đã gặp và để ý đến sắc đẹp của họ, người nấy đẹp như thế nào, đặc điểm của họ là gì, và họ hấp dẫn ở điểm nào. Ông ta để hết mọi tâm lực vào việc nầy.
Sau khi ông gặp Đức Phật, Đức Phật dạy ông quán tưởng về chín thứ bất tịnh nầy.
Ưu-ba-ni-sa-đà (Upaniṣad) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng: “Con cũng được gặp Phật lúc mới thành đạo. Con quán tướng bất tịnh, sanh lòng nhàm chán.
Con cũng vậy, gặp được Đức Phật ngay saukhi thành đạo, Thế tôn dạy cho con pháp cửu tưởng quán, quán tưởng về chín pháp bất tịnh. Từ đó con nhận ra bất luận con người nào, khi còn sống, dù có đẹp đến đâu, đến mức quý vị càng nghĩ rằng cô ta đẹp, càng khiến cho cô ta càng hấp dẫn; Tuy nhiên, khi cô ta chết đi, xác của cô ta sẽ trương phồng lên ghê tởm như bầt kỳ xác chết nào khác. Xác ấy sẽ trở nên thâm tím, thịt da rữa ra. Liệu quý vị có còn yêu cô ta nữa không? Rồi máu mủ từ trong xác sẽ rỉ ra, xác chết bắt đầu thối rữa. Chó rất thích xác chết trong giai đoạn nầy, nhưng con người thì lại tránh xa. Chỉ nghĩ đến thôi là muốn nôn mửa ra rồi! Chẳng thể nào hôn cô ta trong lúc nầy được nữa. Rồi trùng từ trong xác sinh ra, loài lớn có loài nhỏ có. Ruồi nhặng bay đền từng đàn. Chúng đến bên xác và lúc nầy thì quý vị không còn thấy ghen tương gì nữa. Thịt tan rữa ra và chỉ còn xương. Lúc ấy được thiêu cháy và chẳng còn lại thứ gì. Nói cho tôi biết, người đẹp ấy di đâu mất? Qua pháp quán nầy, con thấy chán tất cả mọi thứ sắc. Ngộ thể tánh của sắc, từ tướng bất tịnh. Ưu-ba-ni-sa-đà nhận ra rằng dù con người có đẹp đẽ đến đâu, căn nguyên của nó cũng là bất tịnh. Tinh cha huyết mẹ là cội nguốn bất tịnh của thân người.
Tướng vi trần, đều quy về hư không. Thấy cả cái không và cái sắc đều là không, nên thành bậc vô học, đó là quả vị thứ tư của hành A-la-hán.
Kinh văn:
Như Lai ấn chứng cho con tên là Ni-sa-đà. Sắc của trần cảnh đã tận diệt, thì thể của sắc tinh diệu được viên mãn. Con do (quán tưởng) sắc tướng mà chứng đắc A-la-hán. Nay Đức Phật hỏi về pháp tu viên thông, như sở chứng của con, thì sắc trần là hơn cả.
Giảng giải:
Như Lai ấn chứng cho con tên là Ni-sa-đà. Đức Phật ấn chứng cho con, đặt cho con tên gọi là Upaniṣad, có nghĩa là ‘sắc tánh không; 色性空’. Con quán sát sắc trần, thấy thể tánh của nó là không, nagy đó nó liền tiêu mất, từ đó con thoát khỏi mọi đắm chấp vào sắc. Sắc của trần cảnh đã tận diệt. Do sắc trần bất tịnh của con không còn nữa, nên thể của sắc tinh diệu được viên mãn. Trong thể tính chân không, nó chuyển hoá thành thể tính vi diệu viên mãn.
Con do (quán tưởng) sắc tướng mà chứng đắc A-la-hán. Con được ngộ đạo, vốn con là kẻ rất ham mê sắc dục, nhưng con đã vượt qua được điều ấy.
Nay Đức Phật hỏi về pháp tu viên thông, như sở chứng của con, thì sắc trần là hơn cả. Con nhờ quán tưởng về sắc trần mà chứng được đạo quả.
VIÊN THÔNG HƯƠNG TRẦN
Hương Nghiêm đồng tử
Kinh văn:
Hương Nghiêm đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nghe Như Lai dạy con quán sát thật kỹ về tường hữu vi.”
Giảng giải:
Hương Nghiêm đồng tử, Hương Nghiêm là trang nghiêm bởi hương trầm. Đồng tử không có nghĩa là đứa trẻ–là người quả nhỏ không biết điều gì cả. Đồng tử ở đây có nghĩa là vào đạo khi còn là một thiếu niên. Là người xuất gia khi còn nhỏ, chưa lập gia đình. Sau khi Ưu-ba-ni-sa-đà giải thích xong về nhân duyên ngộ đạo của mình, đến phiên Hương Nghiêm đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nghe Như Lai dạy con quán sát thật kỹ về các hiện tượng hữu vi. Đức Phật dạy con rằng hãy quán sát các hiện tượng hữu vi thật tường tận chi tiết.”
Kinh văn:
Khi con từ giã Phật, về ngồi yên tĩnh trong liêu vắng. Thấy các tỷ-khưu đốt hương trầm, mùi hương lặng lẽ xông vào mũi con. Con quán sát hương nầy, vốn chẳng phải là cây, chẳng phải là hư không, chẳng phải là khói, chẳng phải là lửa. Đến chẳng dính mắc vào đâu, đi cũng chẳng do đâu. Do đó mà mọi ý niệm (phân biệt) đều được tiêu sạch, và con đạt được vô lậu.
Giảng giải:
Khi con từ giã Phật, về ngồi yên tĩnh trong liêu vắng. Đức Phật dạy con quán sát các hiện tượng hữu vi, con liền đi tìm chỗ để ngồi công phu. Thanh trai là nơi mọi người đều ăn chay và cảnh trí rất thanh tịnh. Hương Nghiêm đồng tử dùng ý nầy để xưng tán Đức Phật. “Khi con ngồi nơi tĩnh lặng để công phu quán chiếu, Thấy các tỷ-khưu đốt hương trầm thuỷ.” “Hương trầm thuỷ” tiếng Sanskrit là agaru. Loại hương trầm nầy chìm xuống khi thả vào nước nên có tên gọi như vậy.
Con quán sát hương nầy, vốn chẳng phải là cây, chẳng phải là hư không. Con quán sát căn nguyên của mùi hương nầy, nó vốn chẳng phải là từ cây gỗ. Nếu nó chỉ do từ gỗ, thì chẳng cần phải đốt lên nó mới có mùi hương. Nếu nó có do từ hư không, thì mùi hương phải luôn luôn có, nhưng phải nhờ đốt lên mới có hương; trước khi đốt lên, thì mùi hương không hiện hữu. Mùi hương ấy chẳng phải là khói, hương cũng chẳng đến từ khói, cũng chẳng phải là lửa. Đến chẳng dính mắc vào đâu, đi cũng chẳng do đâu. Do đó mà mọi ý niệm (phân biệt) đều được tiêu sạch, và con đạt được vô lậu.
Nhờ con quán chiếu theo phương pháp nầy, mà tâm phân biệt và sinh diệt của con tiêu mất. Con chứng được quả vô lậu.
Kinh văn:
Như Lai ấn chứng cho con tên Hương Nghiêm. Tướng của hương trần bỗng tiêu tan, thể tính của hương là vi mật và viên mãn. Con từ hương nghiêm mà chứng được A-la-hán. Nay Đức Phật hỏi về pháp tu viên thông, như sở chứng của con, thì hương trần là hơn cả.
Giảng giải:
Như Lai đã ấn chứng cho con, đặt tên con là Hương Nghiêm. Hương trần bỗng dưng tiêu mất, và thể tính của hương là vi diệu ẩn mật và viên mãn. Nhờ mùi hương mà con chứng được quả A-la-hán.
Nay Đức Phật hỏi về pháp tu viên thông. Đức Phật muốn biết căn nào là viên thông. Như sở chứng của con, thì hương trần là hơn cả.
VIÊN THÔNG VỊ TRẦN
Dược Vương, Dược Thượng Bồ-tát
Kinh văn:
Hai vị Pháp vương tử Dược vương, Dược thượng cùng với năm trăm vị Phạm thiên trong chúng hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Từ vô thuỷ kiếp đến nay, chúng con làm lương y trong thế gian, miệng thường nếm các thứ cỏ cây, đá, kim loại trong cõi giới ta-bà nầy, số mục có đến tám vạn bốn ngàn thứ. Chúng con biết hết các vị đắng, chua, mặn, nhạt, ngọt, cay…, cùng sự hoà hợp và biến đổi từ các vị ấy sinh ra. Thứ nào là lạnh, thứ nào tính nóng, thứ nào độc, thứ nào không độc, chúng con đều biết rõ.”
Giảng giải:
Hương Nghiêm đồng tử ngộ đạo là do quán sát hương trần. Ưu-ba-ni-sa-đà ngộ đạo là nhờ quán sát sắc trần. Kiều-trần-na ngộ đạo là do quán sát thanh trần. Hai vị Bồ-tát Dược vương, Dược thượng ngộ đạo là nhờ quán sát vị trần.
Hai vị Bồ-tát Dược vương, Dược thượng là hai anh em. Trong thời quá khứ, Bồ-tát Dược vương có phát lời nguyện sẽ làm vị lương y cho thế gian, thế nên ai đến gặp ngài đều được chữa lành bệnh, bất luận họ bị bệnh nặng đến mức nào. Ngài phát lời nguyện này vào thời Đức Phật Lưu ly quang Như Lai. Có tỷ-khưu Nhật Tạng giảng nói diệu pháp, trong pháp hội có vị trưởng giả tên là Tinh tú quang, nghe pháp sanh lòng vui mừng, nên đã cùng với người em của mình phát nguyện như vậy trước tỷ-khưu Nhật Tạng.
Ở Trung Hoa, có Vua Thần Nông (Emperor Shen Neng) cũng nếm được 100 loại thảo mộc và phát minh ra cách trị bệnh bằng dược thảo. Dạ dày của ông giống như tấm gương, có thể thấy được thức ăn là độc hay hiền. Nhưng không may, dân Trung Hoa ngày nay hoàn toàn không hiểu được những tinh tuý từ lịch sử như thế nầy, họ cho rằng đó chỉ là những truyền thuyết. Thực ra, đây là những sự kiện rất bình thường, đều có ghi trong các tài liệu y học của Trung Hoa. Nhưng sinh viên Trung Hoa thời hiện đại không đọc những sách cổ, thế nên họ không hiểu được những chuyện nầy. Chính tôi đã đọc được chuyện nầy, tôi tin rằng Vua Thần Nông là thân tái sinh của Bồ-tát Dược vương, ngài thị hiện ở Trung Hoa để giúp cho nền tảng nghiên cứu y học ở đó.
Hai vị Pháp vương tử Dược vương, Dược thượng cùng với năm trăm vị Phạm thiên trong chúng hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy.
Đức Phật là Pháp vương, nên tên gọi dành cho các vị Bồ-tát là Pháp vương tử.
Hai vị Bồ-tát cùng năm trăm đồ chúng của họ liền từ chỗ ngồi của mình đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Từ vô thuỷ kiếp đến nay, chúng con làm lương y trong thế gian, miệng thường nếm các thứ cỏ cây, đá, kim loại trong cõi giới ta-bà nầy, số mục có đến tám vạn bốn ngàn thứ.”
Vào thời đó, ở Ấn Độ các chất của thuốc được hoà hiệp từ bốn thứ, cỏ, cây, kim loại và đá. Chúng con biết hết các vị đắng, chua, mặn, nhạt, ngọt, cay…, cùng sự hoà hợp và biến đổi từ các vị ấy sinh ra. Chúng con biết rõ vị nào thích hợp vị nào không. Vị nào có thể hoà hiệp để trị một số bệnh, vị nào không thể hoà hiệp, nhưng khác với loại trước, có thể gây chết người nếu khi hoà hiệp chúng lại. Thế nên trong Dược tính bộ (Yao Xing Pu (Treatise on the Nature’ of Medicines) có nói, “Căn bản về thảo mộc, có mười tám loại độc và 19 loại hiền. Ô đầu (烏頭wu dou) tương kị với các thứ Bán hạ (半夏ban xia), Bạch liễm (白蘞bei lian), Qua lâu (瓜 顱guo lou). Cam thảo được trình bày trong Dược tính bộ như là thảo dược có ưu thế hoà hiệp với nhiều thứ thuốc khác, nhưng nếu đem cam thảo dùng chung với Hải tảo (海藻hai zao), Đại kích (大戟da ji), Cam toại (甘遂 gan sui), Nguyên hoa (元花yuan hua) mà cho bệnh nhân dùng thì họ có thể chết. Lê lô (蔾蘆Li lo) và Tế tân (細莘xi xin) dùng chung cũng có thể làm chết người. Nhưng Tế tân dùng riêng thì có thể chữa được bệnh nhức đầu.
Chúng con biết rõ những dược thứ thuốc nầy thích hợp hay nghịch nhau khi chúng hoà hiệp lại, và thứ nào sẽ biến đổi tính chất, hoặc điều gì sẽ xảy ra khi chúng hoà hiệp với những thứ có độc tính, cũng như biết được thứ nào là lạnh, thứ nào tính nóng, thứ nào độc, thứ nào không độc, chúng con đều biết rõ.”
Dược tính của nó có thể là hàn, nhiệt, ôn, bình. Những người tánh hàn thì không thể dùng thuốc có vị hàn, những người có tánh ôn thì không thể nào chịu được thuốc có vị ôn. Hai vị Bồ-tát đều biết rõ tính độc của từng vị thuốc như thế nào trong từng loại dược thảo.
Kinh văn:
Chúng con (nhờ) thừa sự Như Lai, (mà) rõ biết bản tính của vị trần vốn chẳng phải là không, chẳng phải là có; không phải chính là thân tâm, chẳng phải tách rời thân tâm. Do phân biệt được bản nhân của vị trần mà được khai ngộ.
Giảng giải:
Chúng con (nhờ) thừa sự Như Lai. Chúng con đã quy y và phụng thờ chư Phật. Nhờ đó (mà) rõ biết bản tính của vị trần vốn chẳng phải là không, chẳng phải là có. Vị trần chẳng đến từ hư không, chẳng phải vốn có. Vị trần không phải chính là thân tâm, chẳng phải tách rời thân tâm. Bản tánh của vị trần chẳng phát sinh từ cái lưỡi nếm mùi vị; chẳng phải tánh của vị trần có được bên ngoài việc nếm mùi vị của cái lưỡi.
Do phân biệt được bản nhân của vị trần mà được khai ngộ.
Chúng con quán chiếu tường tận căn nguyên bản tính của mùi vị và nhờ đó mà được giác ngộ. Khi chúng con phát huy tính phân biệt đến tột đỉnh–tới mức không còn phân biệt được nữa– thì trở nên chứng ngộ. Chúng con nhận ra rằng căn nguyên của mùi vị vốn chẳng phải là mùi vị.
Kinh văn:
Nhờ Phật ấn chứng cho anh em chúng con tên gọi là Dược Vương Dược Thượng Bồ-tát. Nay trong chúng hội, chúng con là pháp vương tử. Nhờ vị trần mà được chứng ngộ trong hàng Bồ-tát .
Giảng giải:
Nhờ Phật ấn chứng cho anh em chúng con tên gọi là Dược Vương Dược Thượng Bồ-tát. Đức Phật ban cho hàng Bồ-tát chúng con hai tên gọi như vậy. Nay trong chúng hội, chúng con là pháp vương tử. Nhờ vị trần mà được chứng ngộ trong hàng Bồ-tát. Chúng con nếm các vị trần cho đến khi được chứng ngộ đến giai vị Bồ-tát.
Kinh văn:
Nay Đức Phật hỏi về viên thông. Như chỗ chứng ngộ của chúng con, căn nguyên từ vị trần là hơn cả.
Giảng giải:
Vị trần là phương pháp tu tập viên thông thù thắng nhất. Mùi vị là điều cần nhất cho chuyện ăn uống. Nó có thể là ngon nhất và cũng có thể là dở nhất. Vị dở nhất là vị diệu lạc tối thượng. Nhưng chính quý vị phải tự mình nếm được và nhận ra nó có ngon hay không.
VIÊN THÔNG XÚC TRẦN
Bạt-đà-bà-la
Kinh văn:
Bạt-đà-bà-la cùng đồng bạn là mười sáu vị khai sĩ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng.
Giảng giải:
Bhadrapāla là tiếng Sanskrit, Hán dịch là Hiền thủ còn dịch là Hiền đức. Khi Bhadrapāla mới xuất gia tu đạo, ông ta rất ngã mạn. Khi đó có một vị Bồ-tát tên là Thường Bất Khinh, thường tu tập hạnh kính trọng mọi người. Bất kì khi gặp ai, Bồ-tát nầy cũng thường chắp tay cung kính nói với họ rằng, “Tôi không dám khinh quý ngài, vì trong tương lai các ngài sẽ thành Phật.” Khi Bồ-tát Thường Bất Khinh làm điều nầy đối trước Bhadrapāla, ông ta liền mắng Bồ-tátThường Bất Khinh rằng, “Ông thực là kẻ khờ dại! Sao ông lại làm cái dở hơi? Ông thực là ngớ ngẩn!” Sau lần đó, Bhadrapāla thậm chí còn xúi giục người khác đánh đập Bồ-tát. Khi Bồ-tát cúi lạy những người nầy, họ còn đá vào ngài khi ngài cúi xuống lạy họ. Có khi họ véo mũi ngài, có khi họ đánh ngài đến gãy răng. Do tính ngã mạn nầy mà Bhadrapāla bị đoạ vào địa ngục. Ông ta phải chịu ở đó một thời gian dài trước khi được làm người.
Bạt-đà-bà-la cùng đồng bạn là mười sáu vị khai sĩ–tức chỉ cho các vị Bồ-tát–liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng.
Kinh văn:
Chúng con ban đầu nghe pháp từ Đức Phật Oai âm vương mà xuất gia. Trong khi chư tăng đang tắm, theo thứ tự đi vào phòng tắm, bỗng nhiện ngộ ra bản tính của nước. Vốn nó không tẩy được bụi, cũng chẳng tẩy được mình. Ở giữa hai điều ấy, con được rỗng rang tịch lặng, con nhận ra cái không có gì.
Giảng giải:
Chúng con ban đầu nghe pháp từ Đức Phật Oai âm vương mà xuất gia.
Đức Phật Oai âm vương là vị Phật đầu tiên trong chư Phật. Nay nếu có người hỏi quý vị rằng vị Phật đầu tiên là ai, quý vị có thể trả lời chính xác cho họ rồi. Bhadrapāla xuất gia từ thời Đức Phật Oai âm vương. Có lần trong khi chư tăng đang tắm, con theo thứ tự đi vào phòng. Chư tăng vào thời ấy, theo lệ, cứ nữa tháng tắm một lần. Bỗng nhiên con ngộ ra bản tính của nước. Vốn nó không tẩy được bụi, cũng chẳng tẩy được mình. Nhờ quán sát từ nước mà Bhadrapāla được giác ngộ. Ông ta ngộ ra đối tượng của sự xúc chạm.
Ở giữa hai điều ấy, con được rỗng rang tịch lặng. Có nghĩa là không có đối tượng của xúc chạm.
Kinh văn:
Đến nay con vẫn chưa quên điều sở chứng trong quá khứ, đến khi theo Phật xuất gia, con được quả vị vô học. Đức Phật ấy gọi con là Bạt-đà-bà-la. Do phát minh diệu tính của xúc trần, nên thành bậc Phật tử trụ.
Giảng giải:
“Đến nay con vẫn chưa quên điều sở chứng trong quá khứ. Con chưa quên những gì con nhận biết về bản tính của nước khi con vào phòng tắm lúc ấy.” Dù Bạt-đà-bà-la bị đoạ vào địa ngục sau đó, nhưng ông ta vẫn không quên những điều ông đã chứng ngộ được.Từ thời Đức Phật Oai âm vương, cho đến khi Bạt-đà-bà-la trình bày những điều nầy trong hội chúng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là một khoảng thời gian không thể tính đếm được. Bồ-tát Thường Bất Khinh chính là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong một kiếp trước. Và Bạt-đà-bà-la, trong chúng hội của Đức Phật Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngày nay, chính là người trong kiếp trước đã cho người mắng nhiếc đánh đập Bồ-tát Thường Bất Khinh. Bạt-đà-bà-la chính là vị tăng rất ngạo mạn và đầy tự cao nên đã đoạ vào địa ngục.
Đến khi theo Phật xuất gia, con được quả vị vô học. Bạt-đà-bà-la nói rằng: “Nay con xuất gia và đã thành tựu được quả vị vô học. Đức Phật kia đã ấn chứng cho con và đặt tên con là Bạt-đà-bà-la. Do phát minh diệu tính của xúc trần, nên thành bậc Phật tử trụ. Đối tượng của xúc trần không còn, nhưng diệu tính của xúc trần hiển lộ.” Khi Bạt-đà-bà-la nói rằng mình là ‘Phật tử’ có nghĩa là là ông đã chứng được giai vị Bồ-tát.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, theo sở chứng của con, do xúc trần là hơn cả.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông, theo sở chứng của con, do xúc trần–đối tượng của xúc trần–là hơn cả.
VIÊN THÔNG PHÁP TRẦN
Ma-ha Ca-diếp
Kinh văn:
Ma-ha Ca-diếp cùng tỷ-khưu ni Tử Kim Quang cùng những người khác liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng:
Giảng giải:
Ma-ha Ca-diếp; Ma-ha (s: mahā) là lớn; Ca-diếp (s: Kaśyapa) là tên. Do thời ấy nhiều người có họ Kaśyapa nên chữ mahā–đại được thêm vào để gọi tên ngài. Kaśyapa dịch theo tiếng Hán có nghĩa là Đại quy thị–大龜氏. Tổ tiên của ngài là loài rùa khổng lồ với những đồ hình trên lưng, và có tên gọi ấy do sự kiện trên. Mahā–kaśyapa còn được địch là Đại ẩm quang 大飲光. Ánh sáng trên thân ngài như thể nuốt trọn hết mọi thứ ánh sáng khác, vì các thứ ánh sáng ấy biến mất vào trong ánh sáng của thân ngài
Tên của ngài là Pippala, là tên của một loại cây. Cha mẹ ngài hiếm muộn con, nên họ đến cầu đảo ở thần cây Pippala; kết quả là họ có được người con, họ lấy tên cây đặt tên cho con mình. Ma-ha Ca-diếp vốn là ngoại đạo thờ lửa. Ông tu tập công phu ngửi mùi khói. Có rất nhiều loại ngoại đạo ở Ấn Độ, ngoại đạo thờ nước, ngoại đạo thờ lửa, ngoại đạo thờ đất. Ngoại đạo thờ đất tu theo lối chuyên vùi mình trong đất, nếu còn sống sót sau một số ngày nhất định nào đó, thì sẽ được thành thần. Những ngoại đạo nầy thật là mê lầm.
Tỷ-khưu ni Tử Kim Quang là vợ của Ma-ha Ca-diếp. Vào thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, Ma-ha Ca-diếp 120 tuổi và vợ ông có lẽ phải gần 100 tuổi. Từ kiếp lâu xa, vào thời Đức Phật Ca-diếp, bà thấy một tượng Phật bị mòn vẹt bởi gió mưa, đến mức chẳng còn chút sắc vàng nào trên thân Phật. Bà ta phát tâm sửa lại ngôi chùa, nhưng không có đủ tiền. Nhưng bà ta cũng hy vọng mạ vàng tựơng Phật, nhưng việc ấy đòi hỏi chi phí rất nhiều. Tuy nhiên, ở đâu có tâm nguyện, ở đó liền có con đường mở ra, tâm nguyện của người phụ nữ nầy rất mạnh và chân thực. Cô ta đi khắp nơi để quyên góp tiền bạc, sau một thời gian dài, cô ta quyên được số tiền tương đương 100.000 dollars Mỹ. Cô ta nhờ thợ kim hoàn mạ vàng tượng Phật. Người thợ kim hoàn cảm động bởi quyết định tu sửa tượng Phật dù cô ta rất nghèo, nên anh ta chỉ làm công với một nửa chi phí. Thế nên hai người ấy chia nhau công đức việc nầy. Chẳng bao lâu ngôi chùa được tu sửa xong, không còn bị dột nữa, tượng Phật đã được mạ vàng. Từ đó về sau, thân thể người phụ nữ phát ra ánh sáng màu tím. Còn người thợ kim hoàn, chính là Ma-ha Ca-diếp, sau khi hoàn thành việc mạ vàng tượng Phật, đã có một chuyện rất kỳ lạ diễn ra giữa ông và người phụ nữ. “Tâm của cô rất tốt.” Ông nói với cô ta, “Tôi sẽ cưới cô làm vợ, ta sẽ thành vợ chồng. Không phải chỉ trong đời nầy, mà trong muôn vàn đời sau, chúng ta sẽ là vợ chồng của nhau.” Đó là lý do tôi đoán chừng Ma-ha Ca-diếp 120 tuổi, và vợ ít nhất là 100 tuổi. Dù vậy, họ vẫn rất mạnh khỏe và tinh cần tu tập. Người vợ của Ma-ha Ca-diếp cũng siêng năng tu tập và chứng được đạo quả.
Cùng những người khác–trong quyến thuộc– liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng:
Kinh văn:
Con từ kiếp trước, trong cõi nầy, có Đức Phật ra đời hiệu là Nhật Nguyệt Đăng. Con được thân cận, nghe pháp tu học với ngài. Khi Phật diệt độ, chúng con thắp đèn sáng mãi để cúng dường xá-lợi, lại lấy vàng thếp hình tượng Phật. Từ đó đến nay, đời nầy qua đời khác, thân chúng con đều viên mãn sáng ngời như sắc vàng thắm. Tỷ-khưu ni Tử kim quang đây là quyến thuộc, cùng phát tâm một lần như chúng con.
Giảng giải:
Chúng ta đều phải nhớ một điểm quan trọng: mối quan hệ vợ chồng của hai người nầy từ đời nầy sang đời khác không phải dựa trên tình cảm luyến ái. Đúng hơn, họ kết hôn trong mỗi đời rồi cùng nhau tu tập. Họ cùng tham thiền tập định. Đời nầy sang đời khác, họ tu học theo Phật pháp.
Ma-ha Ca-diếp giải thích: Con từ kiếp trước, trong cõi nầy, có Đức Phật ra đời hiệu là Nhật Nguyệt Đăng. Con được thân cận, nghe pháp tu học với ngài. Vào thời quá khứ lâu xa, có Đức Phật hiệu là Nhật Nguyệt Đăng thị hiện trên đời. Mặt trời chiếu sáng vạn vật ban ngày. Mặt trăng chiếu sáng vạn vật ban đêm. Đèn có thể chiêú sáng cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày biểu tượng cho hiện hữu (cái có), và ban đêm biểu tượng cho cái không. Đó là cả hai mặt hiện tượng và bản thể, bản thể và hiện tượng. Đó cũng chẳng phải là hiện tượng và bản thể, và chẳng phải là hiện tượng, chẳng phải là bản thể. Nghĩa là chẳng vướng mắc vào có hoặc không.
Khi Phật diệt độ, chúng con thắp đèn sáng mãi để cúng dường xá-lợi. Công đức cúng dường xá-lợi Phật tương đương với việc cúng dường chính Đức Phật. Chúng con thắp đèn sáng mãi–để Phật pháp được trường tồn và lan rộng–để cúng dường xá-lợi, lại lấy vàng thếp hình tượng Phật. Từ đó đến nay, đời nầy qua đời khác, thân chúng con đều viên mãn sáng ngời như sắc vàng thắm.
Thân tướng của ngài Ma-ha Ca-diếp rất là hoàn hảo. và tôi chắc rằng người vợ của ông cũng rất đoan nghiêm.
Tỷ-khưu ni Tử kim quang đây là quyến thuộc, cùng phát tâm một lần như chúng con. Điều quan trọng là họ cùng tu tập với nhau. Mối quan hệ của họ không dựa trên tình cảm luyến ái.
Kinh văn:
Con quán sát trong thế gian, sáu trần đều biến hoại, chỉ dùng pháp không tịch tu diệt tận định, thân tâm mới có thể trải qua trăm ngàn kiếp như khảy móng tay.
Giảng giải:
Ma-ha Ca-diếp trình bày tiếp tục: “Con quán sát trong thế gian, sáu trần đều biến hoại.” Căn bản, vốn ngài muốn nói về đối tượng của tâm ý, nhưng ở đây ngài đề cập đến sáu trần, vì đối tượng của tâm ý vốn không có hình tướng; chúng chỉ là bóng dáng của 5 giác quan. Nếu 5 giác quan trước đó không tồn tại, thì đối tượng của tâm ý cũng không còn, vì chúng không có tự thể riêng của nó. Sắc thanh hương vị xúc pháp, sáu trần–dời đổi, biến hoại. Chỉ dùng pháp không tịch tu diệt tận định. Chúng chỉ là không tịch. Thể tính của chúng là không. Vốn chẳng có gì cả. Căn cứ vào yếu tính nầy, chúng con tu tập diệt tận định. Có nghĩa là diệt hẳn thức thứ sáu và không còn y cứ vào thức phân biệt nầy nữa.” Đây cũng gọi là diệt thọ tưởng định.
Nay thân tâm mới có thể trải qua trăm ngàn kiếp như khảy móng tay. Tâm của Ma-ha Ca-diếp có thể trải qua một thời gian dài hằng trăm ngàn kiếp như trong một khoảnh khắc ngắn–như khảy móng tay. Nay Ma-ha Ca-diếp thực sự đang nhập định–trong Diệt tận định–trong Kê túc sơn ở tỉnh Vân nam Trung Hoa.
Kinh văn:
Con do quán các pháp là không nên thành A-la-hán. Thế tôn nói con tu hạnh đầu-đà bậc nhất. Khai ngộ được diệu tính của các pháp, thì các lậu hoặc tận diệt. Nay Phật hỏi về pháp tu viên thông, theo điều sở chứng của con, thì do pháp trần là hơn cả.
Giảng giải:
Ma-ha Ca-diếp thưa rằng: “Con do quán các pháp là không nên thành A-la-hán. Thế tôn nói con tu hạnh đầu-đà bậc nhất.” Đầu-đà là tiếng Sanskrit, còn phiên âm là Đẩu-tẩu 抖 擻. Có nghĩa là phát tâm tu hành tinh tấn dõng mãnh, công phu miên mật không nghỉ ngơi. Mười hai hạnh đầu-đà là:
- Mặc y chắp vá bằng vải vụn (trước tệ nạp y).
- Chỉ có 3 y (dẫn tam y).
- Thường đi khất thực (thường hành khất thực ).
- Theo thứ tự khất thực từng nhà không kể giàu nghèo (thứ đệ khất thực).
- Ngày ăn một bữa (thọ pháp nhất thực).
- Không ăn quá nhiều, chỉ vừa đúng lượng (tiết lượng thực).
- Sau buổi trưa không dùng nước trái cây (trung hậu bất đắc ẩm tương).
- Xa lìa nơi đông đảo, ở nơi yên tĩnh (trụ A-lan-nhã).
- Ngủ dưới gốc cây (thọ hạ chỉ).
- Ngồi ở chỗ đất trống (lộ địa toạ).
- Ở trong nghĩa địa (trủng gian trụ).
- Thường ngồi không nằm (đản toạ bất ngoạ).
Khai ngộ được diệu tính của các pháp, thì các lậu hoặc tận diệt. Nay Phật hỏi về pháp tu viên thông. Nay Như Lai hỏi chúng con về nhân duyên của pháp tu viên thông–phát tâm ban đầu khiến chúng con tu tập được chứng ngộ.
Theo điều sở chứng của con, thì do pháp trần là hơn cả.
Dùng pháp trần để quán chiếu là phương tiện thù thắng hơn cả.
VIÊN THÔNG NĂM CĂN
VIÊN THÔNG NHÃN CĂN
A-na-luật-đà
Kinh văn:
A-na-luật-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng: “Khi mới xuất gia con thường thích ngủ. Như Lai quở trách con là loài súc sinh. Con nghe Phật mắng, khóc thầm tự trách mình, suốt bảy ngày đêm không ngủ, bị mù hai mắt.”
Giảng giải:
A-na-luật-đà, tiếng Sanskrit là Aniruddha, Hán dịch là Vô bần無貪, Như ý 如意. liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng: “Khi mới xuất gia con thường thích ngủ. Như Lai quở trách con là loài súc sinh.
Đức Phật nói với ông rằng:
Này ông! Sao quá mê ngủ
Như con sò trong vỏ cứng?
Ông ngủ suốt cả ngàn năm
Tên Phật rồi chẳng nghe thấy.
Khi Đức Phật quở trách ông như vậy, ông rất hối lỗi. Con nghe Phật mắng, khóc thầm tự trách mình. “ Tại sao mình quá mềm yếu?” Con tự hỏi mình. “Sao ngươi cứ thích ngủ suốt ngày? được rồi. Từ nay ta không cho phép ông ngủ nữa.” Suốt bảy ngày đêm không ngủ. Có lẽ A-na-luật-đà đã luân phiên đi kinh hành và ngồi để giữ cho mình khỏi buồn ngủ, đến bị mù hai mắt.” Mắt phải làm việc suốt ngày, nhưng ban đêm phỉ được nghỉ ngơi. Nếu quý vị không để cho nó nghỉ ngơi và khiến nó quá mệt, thì nó sẽ không còn thấy được nữa. Nó sẽ đình công. Thế nên A-na-luật-đà phải bị mù mắt.
Kinh văn:
Thế tôn dạy con tu pháp nhạo kiến chiếu minh kim cang tam-muội. Con bị mù mắt, nhưng thấy mười phương rỗng suốt tinh tường như thấy trái cây trong lóng bàn tay. Như Lai ấn chứng cho con đạt quả vị A-la-hán.
Giảng giải:
Thế tôn thương xót con vì đã bị mù, nên đã dạy con pháp tu gọi là nhạo kiến chiếu minh kim cang tam muội. Con tu tập pháp môn nầy một thời gian dài, và đạt được thiên nhãn, gọi là bán đầu thiên nhãn (半頭天眼)
Con bị mù mắt, dù con không thấy được các thứ bằng mắt thường, nhưng với thiên nhãn, con thấy mười phương rỗng suốt tinh tường như thấy trái cây trong lóng bàn tay. Giống như thấy được trái xoài (s: amala) trong bàn tay. Như Lai ấn chứng cho con đạt quả vị A-la-hán.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, như chỗ sở chứng của con, xoay cái thấy trở về căn nguyên, đó là pháp môn hay nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi các vị Bồ-tát và các vị đệ tử về viên thông mà các ngài đã chứng được, như chỗ sở chứng của con, xoay cái thấy trở về căn nguyên, đó là pháp môn hay nhất. Như con, A-na-luật-đà, đã nhận ra rằng, quay cái thấy trở về lại với bản tánh căn nguyên của mình mà tu tập. Đây là phương pháp tốt nhất.
VIÊN THÔNG TỊ CĂN
Châu-lợi Bàn-đặc-ca
Kinh văn:
Châu-lợi Bàn-đặc-ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng:
Giảng giải:
Châu-lợi (Kshudra) có nghĩa là ‘sinh trên đường–đạo sinh.’ Phong tục Ấn Độ là sau khi người phụ nữ lấy chồng và sắp sinh, cô ta sẽ trở về nhà mẹ để sinh con. Trong trường hợp Châu-lợi, mẹ ngài đáng ra phải về nhà mẹ một hai tháng trước khi sinh, nhưng nà đợi đến giờ phút lâm bồn mới lên đường. Quãng đường từ nhà chồng về nhà mẹ khá dài–chừng một hoặc hai trăm dặm. Vì bà ta đợi cho đến khi chuyển bụng mới đi, nên đi nữa đoạn đường thì ba đã chuyển bụng đau đẻ, và bà ta sinh ngay trên đường. Nên Châu-lợi được đặt tên như vậy. Em trai của Châu-lợi là Châu-lợi Bàn-đặc-ca (Kshudrapanthaka), cũng được đặt tên theo cách như vậy. Bàn-đặc-ca (panthaka) có nghĩa là ‘sinh cùng một cách– kế đạo 繼道.’ Trong trường hợp của Bàn-đặc-ca, người mẹ cũng đợi gần ngày mới về nhà mẹ và cũng sinh giữa đường. Đứa bé được đặt tên là Bàn-đặc-ca, em của Châu-lợi.
Châu-lợi Bàn-đặc-ca rất là đần độn. Khi mới xuất gia, ban đầu người nào cũng được dạy những bài kệ ngắn để đọc vào lúc sáng sớm. Trước đây tôi có đọc cho quý vị nghe một bài rồi, nay tôi đọc thêm bài khác:
Thân ngữ ý nghiệp bất tác ác,
Mạc não thế gian chư hữu tình
Chánh niệm quán tri dục cảnh không.
Vô ích chi khổ đương viễn ly.
Có nghĩa là người xuất gia cần nhất là phải giữ cho ba nghiệp thân khẩu ý được thanh tịnh. Không được làm não loạn chúng sinh, phải quán chiếu để biết các cảnh của ngũ dục vốn là không. Chớ học tập những pháp tu khổ hạnh vô ích của ngoại đạo.
Khi Châu-lợi Bàn-đặc-ca cố gắng học bài kệ nầy, ông được sự trợ giúp của 500 vị A-la-hán, nhưng sau 100 ngày, ông không còn nhớ một chữ nào cả. Quá chậm lụt! Phải không? Ông nhớ được “Thân ngữ ý nghiệp,” nhưng không nhớ nỗi “bất tác ác.” Hoặc ông nhớ được “bất tác ác” thì lại quên “Thân ngữ ý nghiệp.” Tôi nghĩ trong quý vị đây không có ai chậm lụt như vậy. Khi Châu-lợi thấy em mình được 500 vị A-la-hán hộ trì cho để học bài kệ trong 100 ngày mà vẫn không thuộc được một dòng, ông mới bảo em mình hãy trở về nhà sống đời cư sĩ. Ông bảo “Hãy về nhà lập gia đình.” Ông đưa em mình ra đường, không cho ở trong tịnh xá làm một vị tỷ-khưu.
Châu-lợi Bàn-đặc-ca nghĩ rằng: “Mình muốn thành một vị tỷ-khưu như những người kia, có ý nghĩa gì khi trở về nhà?” Thế là ông lấy y bát, lui sau vườn, chuẩn bị để tự vẫn. Khi ông sắp treo cổ, Đức Phật thị hiện thành thần cây hỏi ông ta rằng: “Ông định làm gì đó?”
-Tôi không muốn sống nữa.
-Thế sau khi ông chết, ông sẽ làm gì?
-Tôi không biết.
-Đừng chết! Thần cây bảo,–Đừng phí sinh mạng mình. Đó là lí do tại sao ông quá đần độn. Ông hãy cố gắng sửa đổi lỗi lầm của mình trong quá khứ. Khi đã thay đổi, mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.
-Thế chuyện nhân quả từ quá khứ khiến cho tôi bị u mê đời nầy là sao? Bàn-đặc-ca hỏi.
Nhớ rằng thần cây là hoá thân của Đức Phật, khi Bàn-đặc-ca hỏi vấn đề đó, do trở lại nguyên hình và trả lời:
– Trong một đời trước, ông là một pháp sư tinh thông tam tạng có 500 đệ tử. Ngày nào họ cũng muốn học với ông nhưng ông không muốn dạy họ. Ông không muốn giảng kinh thuyết pháp, dù họ cầu thỉnh. Họ phải quỳ trước ông 3 ngày ba đêm mà ông vẫn không nói cho họ một lời. Vì ông không chịu giảng pháp, nên ông trở nên đần độn đến mức không nhớ nỗi một dòng kệ.
Khi nghe như vậy, Bàn-đặc-ca rất xấu hổ. “Tại sao mình tệ đến mức như vậy?” Điều ấy được gọi là bỏn xẻn pháp (stingy with the dharma). Quý vị nên nhớ kỹ điều nầy. Sau khi quý vị nghe tôi giảng pháp, đến đâu quý vị cũng phải nên giảng giải lại cho mọi người cùng hiểu. Đừng bao giờ nuôi dưỡng thái độ, “Ta sẽ không giảng giải Phật pháp cho các người, nếu các người hiểu ra, ta sẽ ra sao đây?” Đừng có đố kỵ với sự hiểu biết Phật pháp của người khác. Quý vị càng đố kỵ bao nhiêu, thì mình càng trở nên kém hiểu biết. Bàn-đặc-ca đã bỏn xẻn pháp, nên quả báo là ông bị ngu đần. Nhưng vì ông còn nhiều thiện căn, nên ông được sinh vào thời gặp Đức Phật.
Đức Phật nói cho Bàn-đặc-ca biết rõ nguyên nhân trong quá khứ rồi, ngài liền cầm cái chổi lên và hỏi:
-Ông biết cái gì đây không?
-Thưa, cái chổi.
-Ông có nhớ được chăng?
-Thưa, nhớ được.
Rồi Đức Phật dạy ông:
– Hãy lặp lại suốt ngày chữ nầy: ‘Chổi, chổi, chổi.’
Bàn-đặc-ca lặp đi lặp lại chữ chổi liền vài tuần lễ. Đức Phật bảo ông dừng lại và hỏi
– Như thế nào, ông có nhớ được chăng?
Bàn-đặc-ca trả lời:
-Bạch Thế tôn, con nhớ được.
-Được rồi! Như Lai sẽ đổi chữ ấy thành ‘quét sạch.’ Hãy cố gắng học thuộc.
Bàn-đặc-ca liền học, ‘quét sạch, quét sạch, quét sạch.’ Và ông đã dùng cái chổi vô hình đó quét sạch những phiền não nhiễm ô của ông. Điều ông đang làm là quét sạch tính bỏn xẻn pháp của chính mình. Quý vị hãy ghi nhớ điều nầy. Hãy nhớ những đạo lý tôi đã giảng trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm và giảng giải cho nhiều người cùng nghe. Nếu quý vị làm việc đó, trong đời sau quý vị sẽ được trí huệ và thông minh. Nếu quý vị muốn thực hành hạnh pháp thí, quý vị sẽ không bao giờ bị ngu đần.
Kinh văn:
Con không có khả năng trì tụng, không có khiếu đa văn. Khi mới được gặp Phật, nghe pháp xuất gia, con cố nhớ một câu kệ của Như Lai, nhưng trong 100 ngày, nhớ trước quên sau, nhớ sau quên trước.
Giảng giải:
Bàn-đặc-ca trình bày lại những điều mình đã trải qua. Con không có khả năng trì tụng, không có khiếu đa văn. A-nan không bao giờ quên điều gì khi đã đọc qua. Ông có khả năng ghi nhớ rất sâu và rất thông minh. Nhưng con, Bàn-đặc-ca, thì quá chậm lụt. Khi mới được gặp Phật, nghe pháp xuất gia. Dù con đã xuất gia, khi con cố nhớ một câu kệ của Như Lai–dòng kệ đó là “Thân ngữ ý nghiệp bất tác ác,” –nhưng trong 100 ngày, nhớ trước quên sau, nhớ sau quên trước. Con cố gắng nhớ được vài chữ đầu lại quên mấy chứ sau. Khi con nhớ được mấy chữ sau lại quên mấy chữ đầu. Thế nên suốt thời gian dài, con không bao giờ thuộc được dù chỉ một câu kệ. Con thật là đần độn.
Bàn-đặc-ca chậm lụt là vì trong quá khứ ông đã từ chối giảng kinh và thuyết pháp cho mọi người. Nay bất kỳ quý vị ở đâu, cũng nên cố gắng giúp cho mọi người đọc kinh hoặc giảng nói Phật để giáo hoá cho mọi chúng sinh. Quý vị làm việc nầy như là sứ mệnh của chính mình. Đừng có tâm bỏn xẻn pháp.
Tôi đã nói chuyện nầy rồi, nhưng muốn lặp lại, Bàn-đặc-ca phải chịu quả báo đần độn vì ông ta không tu hạnh bố thí pháp– ông ta bỏn xẻn pháp. Việc giảng kinh thuyết pháp của tôi hiện nay chính là đang bố thí pháp. Tại sao tôi giảng pháp cho quý vị? Vì nếu tôi hiểu Phật pháp mà không chịu giải thích cho quý vị thì trong đời sau, thậm chí tôi còn không được như Bàn-đặc-ca; ông ta không nhớ được một dòng kệ trong suốt 100 ngày, còn tôi thì có lẽ không nhớ được một chữ trong suốt cả năm. Đó là lí do tôi không nhận tiền khi giảng pháp. Tôi không mong quý vị hoàn đáp lại cho tôi điều gì cả, tôi chỉ giảng kinh và thuyết pháp cho quý vị. Tôi không muốn mình bị ngu đần. Nếu trong quý vị có ai không muốn mình bị ngu đần thì hãy thử nghiệm. Hãy tỏ ra thái độ, “Tôi thông hiểu Phật pháp, nhưng không muốn Giảng giải cho quý vị. ” Hãy thử xem, trong đời sau, khi quý vị còn ngu đần hơn cả Bàn-đặc-ca nữa, thì quý vị mới thấy những điều tôi nói là đúng. Quý vị sẽ kết thúc đời mình bằng những gì mình đã trải qua. Từ rất lâu, tôi được nghe một vị pháp sư dạy rằng nếu người nào không tu tập hành bố thí pháp thì quả báo sẽ chịu ngu si, tôi không bao giờ quên điều ấy.
Viẹc nầy nhắc tôi nhớ lại một chuyện dân gian (public record). Thời nọ có một vị quan, có lẽ đến chức đầu tỉnh, là người rất sùng kinh kinh Pháp Hoa. Nhưng có điều rất lạ, trong bộ kinh Pháp Hoa gồm 7 quyển, ông ta nhớ rất kỹ 3 quyển rưỡi đầu. Ông ta ghi nhớ ngay khi mình đọc kinh xong. Nhưng 3 quyển rưỡi sau thì ông ta không thể nhớ được điều gì cả, dù ông có đọc nhiều lần đi nữa. Ông không thể nào hiểu nổi sao lại như vậy, thế nên ông đến hỏi một vị cao tăng của thời ấy, vốn là một vị thiện tri thức có đạo nhãn và lục thông.
Khi vị quan đầu tỉnh đến, Lão thiền sư ra tiếp, và vị quan trình bày vấn đề. “Trong các kinh Phật, kinh Pháp Hoa thu hút tôi nhất. Tôi rất quý kinh nầy, nhưng tôi chỉ nhớ được 3 quyển rưỡi đầu. Lý do tại sao như vậy?”
Lão thiền sư đáp, “Ồ! Nay ông muốn biết. Được rồi, nhưng khi tôi nói thì ông đừng sửng sốt hoặc không tin.”
thưa, “Xin vâng. Nguyện sẽ tin những lời Thầy dạy.”
Lão thiền sư giải thích, “Nguyên nhân đời nầy ông làm quan là do trong đời trước ông đã làm nhiều công đức. Trong quá khứ ông từng làm thân bò, và ông giúp cày ruộng cho chùa. Từ đó ông đã cúng dường cho Tam bảo, và ông đã có công đức. Nguyên nhân ông chỉ nhớ được 3 quyển rưỡi đầu của kinh Pháp Hoa là như sau: Theo lệ thường, trong chùa phơi kinh vào mỗi ngày mồng sáu tháng 6 trong năm để phòng mối mọt. Vào lúc ấy, ông tiếp xúc được với kinh Pháp Hoa và ông chỉ ngửi. được bộ thứ nhất, chưa tới bộ thứ hai. Đó là lí do tại sao ông chỉ thuộc 3 quyển rưỡi đầu cuốn kinh Pháp Hoa trong đời nầy.”
Vị quan đảnh lễ Lão thiền sư, sau đó ông càng tinh tấn hơn trong việc tham cứu kinh Pháp Hoa.
Một con bò ngửi kinh mà được thông minh đến như vậy, trong khi Bàn-đặc-ca từ chối giảng pháp mà trở nên bị ngu si. Nếu quý vị biết so sánh hai chuyện trên đây và chiêm nghiệm thật sâu, cũng đủ để biết những gì mình sẽ nếm trải. Thực vậy, tôi mong rằng quý vị đừng có thử, vì bị chìm đắm như Bàn-đặc-ca sẽ khổ vô cùng. Mặt khác, chúng ta không nên xem thường Bàn-đặc-ca. Dù ông ta chậm lụt, nhưng đã được giác ngộ sau khi niệm mãi “chổi” và ‘quét sạch’ trong một thời gian ngắn. Chúng ta có thể thông minh hơn Bàn-đặc-ca, nhưng chúng ta không được giác ngộ nhanh như ông ta. Thế nên về mặt nầy, chúng ta không được như Bàn-đặc-ca.
Kinh văn:
Đức Phật thương con ngu muội, dạy con pháp an cư, điều hoà hơi thở ra vào. Con quán sát hơi thở của con đến chỗ rốt ráo, từng chi tiết của các hạnh sinh, trụ, dị, diệt trong từng sát-na.
Giảng giải:
Đức Phật thương con ngu muội. Đức Phật thấy thương xót con vì con chậm lụt, nên ngài dạy cho con đọc chữ “chổi” và ‘quét sạch.’ Dạy con pháp an cư, điều hoà hơi thở ra vào. Pháp tu nầy là duy trì hơi thở vào trong khi đếm từ 1 đến 10, rồi duy trì ý thức khi thở ra và đếm từ 1 đến 10. Bất luận dù ai có đần độn đến đâu cũng có thể đếm từ 1 đến 10. Một hơi thở vào và một hơi thở ra được đếm là 1. Con quán sát hơi thở của con đến chỗ rốt ráo, từng chi tiết của các hạnh sinh, trụ, dị, diệt trong từng sát-na. Trong một hơi thở, thời điểm mà quý vị bắt đầu thở ra được gọi là sinh, và tiến trình tiếp theo được kể là một hơi thở kế tiếp. Tông Thiên thai chia việc quán sát nầy thành sáu giai đoạn–sáu phương pháp quán sát hơi thở. Chúng ta sẽ không đi sâu vào chi tiết việc nầy ở đây. Chỉ nên biết rõ rằng khi bắt đầu thở ra được gọi là sinh, hơi thở tiếp tục được gọi là trụ, khi hơi thở đến gần dứt gọi là dị, khi hơi thở đến cuối gọi là diệt. Điều nầy diễn biến trong từng sát-na. Trong một niệm tưởng có 90 sát-na. Trong mỗi sát-na có 900 lần sinh diệt. Những chi tiết nầy mắt thường không thể nào thấy được.
Kinh văn:
Tâm con bỗng nhiên đạt được đại vô ngại, cho đến hết sạch các lậu hoặc, thành A-la-hán. Trước pháp toà của Phật, con được ấn chứng là bậc vô học.
Giảng giải:
Lúc ấy, con quán sát hơi thở của mình cho đến khi đạt được cảnh giới vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả tướng. Con thở vào thở ra một cách không cần dụng công và tâm con được hợp thành một. Con không còn niệm tưởng phân biệt và tâm phan duyên. Mọi niệm tưởng đều dừng bặt. Tâm con bỗng nhiên đạt được đại vô ngại. Ồ! Con đã quay trở lại và đến được cội nguồn! “Bỗng nhiên” ở đây là chỉ cho sự giác ngộ. Giống như cánh cửa gian phòng bỗng dưng bị bật tung ra. Không khí trong phòng trở nên tức thời thanh tịnh. Chẳng còn không khí ẩm mốc. Quý vị có để ý rằng dù có nhiều người trong giảng đường này nhưng không vẫn thanh tịnh? Nếu quý vị hỏi tôi tại sao, sẽ rất khó trả lời cho quý vị. Chỉ nói rằng trong một bồ-đề đạo tràng, có sự thanh tịnh bất khả tư nghì cho đến cả bầu không khí.
Khi quý vị đến nghe giảng pháp, điều cần nhất là phải vô cùng cung kính. Đó là vì chư Phật và Bồ-tát sẽ nói rằng, “Ông là đồ trứng thối! Tại sao ông đến đạo tràng mà lại hành xử như vậy?” Mọi người nên kính trọng nhau và khiêm tốn, hoà hợp với nhau, Đừng tự mãn hay tự cao. Đừng nói nghiệp chướng câu như thế nầy, “Hãy xem ông đần độn đến mức nào! Tôi giỏi hơn ông nhiều.” Ngay khi quý vị nghĩ như vậy, là mình đã tự làm ngu muội mình đi. Đừng xem thường người khác. Những người trong pháp hội nầy đều là cha mẹ trong quá khứ của mình và là chư Phật trong tương lai. Nếu quý vị xem thường những người nầy, là chẳng khác gì xem thường Phật. Thế nên khi quý vị tu học Phật pháp, quý vị nên nhìn mọi người không phân biệt.
Trong bồ-đề đạo tràng, quý vị phải giữ quy luật. Khi đang nghe kinh, không được đứng dậy và đi lang thang. Đừng ngồi dựa ngửa ra hoặc dựa vào vật gì khác. Hãy ngồi thật ngay thẳng. Đừng có thái độ lười biếng trễ nãi. Thậm chí dù quý vị là một con trùng lười biếng, cũng không nên làm như vậy. Quý vị nên phát huy chính mình thành một người nghiêm túc. Cũng vậy, đừng ngủ khi nghe giảng kinh, nếu như vậy, trong tương lai, quý vị sẽ giống như A-na-luật-đà.
Đoạn kinh tiếp tục: cho đến hết sạch các lậu hoặc. Sau khi chứng ngộ, A-na-luật-đà dần dần đạt được quả vị vô lậu. Và thành A-la-hán. A-na-luật-đà chứng được qaủ vị thứ tư của hàng A-la-hán. Trước pháp toà của Phật, con được ấn chứng là bậc vô học. Con luôn luôn theo Phật và ngồi dưới chân Phật để nghe giảng kinh. Đức Phật đã ấn chứng cho con và nói rằng con cũng đã đạt được quý vị thứ tư của hàng A-la-hán.
Một người đần độn như vậy mà cũng chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. Còn chúng ta thì quá thông minh nhưng chưa chứng được đến sơ quả. Quý vị có thấy hổ thẹn không?
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, như điều chứng được của con, quay hơi thở trở về với tánh không, đó là phương pháp hay nhất.
Giảng giải:
“Đưa hơi thở ra vào trở về lại, hoà hợp với tính không– trở về lại với thể tính tịch lặng; đây là phương pháp hay nhất.”
Tôi đã qua đây (Mỹ quốc) nhiều năm, nhưng tôi không bao giờ dám nói đến luật lệ. Vì sao? Xứ nầy tán thành tự do. Cha mẹ không kiểm soát con cái, con cái họ muốn làm gì thì làm. Sau khi tôi đến Mỹ quốc, tôi có nhận đệ tử, nhưng tôi cũng vậy, không kiểm soát họ. Tôi để họ muốn làm gì mặc tình. Họ muốn đi đâu tuỳ ý, họ có thể làm việc theo ý riêng của họ. Họ rất độc lập. Nhưng trong hội giảng kinh, tôi để ý thấy rằng có người rất tuỳ tiện–trên mức bình thường cho phép. Đó gọi là:
Bất y quy cũ, bất thành phương viên.
Trong tiếng Hán, chữ phương viên đi với nhau tào thành từ kép, có nghĩa là ‘quy cũ’. Nếu quý vị không dùng quy– 規, thì không thể nào có được vòng tròn. Nếu không dùng cũ 矩, thì hình vuông mà quý vị vẽ nên sẽ thành hình chữ nhật hoặc hình tam giác.
Vậy nên, hôm nay trong pháp hội giảng Kinh Thủ-lăng-nghiêm, tôi yêu cầu quý vị đừng lười biếng. Hãy lắng nghe kinh với tâm cung kính, như thể Đức Phật đang giảng pháp cho quý vị nghe. Quý vị đừng nên nghĩ rằng, “Pháp sư nầy giảng pháp bằng cách kể chuyện tiếu lâm, như là đang dụ con nít.” Nếu quý vị có thể tìm hiểu được ý nghĩa những điều tôi vừa nói, quý vị có thể được giác ngộ, chứng được quả vị ngay tức khắc. Tất cả mọi điều cần làm là chân chính quyết tâm tìm cầu Phật pháp, và điều ấy sẽ xảy ra. Nếu quý vị thành tâm khi nghe giảng chương hai mươi lăm pháp tu viên thông nầy, quý vị có thể được giác ngộ ngay liền. Là vì hai mươi lăm bậc thánh nầy đã phát nguyện rằng họ sẽ hộ trì cho bất kỳ người nào tu tập theo phương pháp của họ cho đến khi được giác ngộ. Cho nên quý vị hãy chú tâm tham cứu vào ý nghĩa của kinh.
VIÊN THÔNG THIỆT CĂN
Kiều-phạm-bát-đề
Kinh văn:
Kiều-phạm-bát-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi bạch Phật rằng, “Con bị khẩu nghiệp, khinh chê một vị sa-môn trong thời quá khứ, nên đời đời mắc bệnh nhai lại như bò.”
Giảng giải:
Kiêu-phạm-bát-đề phiên âm tiếng Sanskrit là Gavāṃpati, Hán dịch là ngưu ti 牛司. Khi loài bò ngủ, chúng ngáy, và lưỡi của chúng liếm từ trước ra sau, tạo nên tiếng động rất lớn. Kiêu-phạm-bát-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi bạch Phật rằng, “Con bị khẩu nghiệp, khinh chê vị sa-môn trong thời quá khứ.” Loại khẩu nghiệp mà ông mắc phải là gì? Một hôm ông để ý có một vị sa-môn, vị nầy không có răng, phải mất một thời gian rất lâu để ăn cơm. Kiều-phạm-bát-đề trêu chọc vị sa-môn già, “Ông già, ông ăn như bò nhai cỏ.”
Vị sa-môn già là người đã chứng quả A-la-hán. Ông ta nói rằng, “Ồ! Ông không nên nói như vậy. Ông sẽ phải chịu quả báo trong đời sau. Tốt hơn ông nên sám hối ngay tức khắc. Tốt hơn ông nên rút lại lời ấy ngay.”
Kiêu-phạm-bát-đề hối lỗi, thế nên ông không bị quả báo làm thân bò, tuy vậy, muôn đời sau ông ta chịu quả báo mắc tập khí của loài bò. Lưỡi của ông ta dài như lưỡi bò, và ông ta luôn luôn nhai lại và thở như loài bò. Dù ông đã chứng quả A-la-hán, Đức Phật vẫn ngại rằng loài người sẽ trêu chọc ông, họ cũng sẽ nói rằng, ông ta giống như bò, và người ấy sẽ phải chịu quả báo làm bò. Vì lí do nầy, Đức Phật bảo Kiêu-phạm-bát-đề hãy lên sống ở cõi trời và nhận sự cúng dường của chư thiên. Vì chư thiên đều có năng lực thấy rõ đời quá khứ, nên họ sẽ không dám báng bổ ngài.
Trong kinh văn, Kiêu-phạm-bát-đề tiếp tục giải thích: Con tạo khẩu nghiệp là do khinh chê một vị sa-môn trong thời quá khứ. Ông ta giễu cợt một vị sa-môn. Sa-môn là tiếng phiên âm từ chữ śramaṇa trong tiếng Sanskrit, Hán dịch là cần tức 勤息.
Sa-môn là người siêng năng tu trì giới định huệ, và trừ sạch tham sân si. Nên đời đời mắc bệnh nhai lại như bò. Đó là quả báo mà con phải chịu.”
Kinh văn:
Như Lai dạy con pháp môn nhất vị thanh tịnh tâm địa. Con đạt được chỗ tận diệt tâm phân biệt, nhập vào được tam-ma-đề. Quán sát tính biết của vị, nó vốn chẳng phải thể, chẳng phải vật. Ngay đó siêu việt các lậu hoặc thế gian.
Giảng giải:
Như Lai dạy con pháp môn nhất vị thanh tịnh tâm địa, có nghĩa là thể tính thành tựu của nhất chân tâm. Khi lưỡi không có mùi vị phân biệt–khi không có tâm phân biệt– thì tất cả mùi vị đều trở về lại thể tính thanh tịnh. Điều nầy, trở lại, là tu tập định vô phân biệt–samadhi of non-discrimination. Con đạt được chỗ tận diệt tâm phân biệt–thức tâm được vắng lặng tịch diệt, có nghĩa là, nhập vào được tam-ma-đề –đạt được chánh định hoặc chánh thọ
Và ông quán sát tính biết của vị, nó vốn chẳng phải thể, chẳng phải vật. Tính biết của mùi vị chẳng phải đến từ thể của thiệt căn, cũng chẳng phải đến từ vị trần. Ngay đó siêu việt các lậu hoặc thế gian. Ngay khi tâm ý được thanh tịnh, con liền được vượt qua các cõi giới lậu hoặc ở thế gian.
Kinh văn:
Bên trong thân tâm giải thoát, bên ngoài rời bỏ thế giới, xa lìa ba cõi như chim sổ lồng. Rời hết cấu nhiễm, tiêu diệt trần tướng nên pháp nhãn thanh tịnh, thành A-la-hán. Như Lai ấn chứng cho con đạt đạo vô học.
Giảng giải:
Bên trong thân tâm giải thoát. Thân và tâm đều được giải thoát–con được thóat ly khỏi chúng. Bên ngoài rời bỏ thế giới. Cũng như con quên hẳn thế giới bên ngoài. Xa lìa ba cõi. Điều nầy chỉ cho sự hiện hữu ở các cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Vào lúc nầy, con như chim sổ lồng. Rời hết cấu nhiễm, tiêu diệt trần tướng nên pháp nhãn thanh tịnh. Điều nầy có nghĩa là pháp nhãn của Kiêu-phạm-bát-đề đã được khai mở, và ông đã chứng ngộ thành A-la-hán. Như Lai ấn chứng cho con đạt đạo vô học.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, trả tính của vị về khỏi sự phân biệt, xoay tính biết về với tự tánh, đó là điều tốt nhất.
Giảng giải:
Trả tính của vị về khỏi sự phân biệt không có nghĩa là khởi sự phân biệt từ các vị ấy. Đó chính là hồi quan phản chiếu, quay lại tánh thấy vào bên trong. Xoay tính biết về với tự tánh là chỉ cho sự xoay chuyển tính phân biệt của thiệt căn. Đây chính là phương pháp hay nhất.
VIÊN THÔNG THÂN CĂN
Tất-lăng-già Bà-ta
Kinh văn:
Tất-lăng-già Bà-ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng:
Giảng giải:
Tên của Tất-lăng-già Bà-ta (s: Pilindavatsa) trong tiếng Sanskrit có nghĩa là Dư tập 餘習. Tên gọi nầy chỉ cho biết rằng tuy ông đã xuất gia nhưng vẫn còn những tập khí trong kiếp trước. Ông là một vị A-la-hán đã chứng quả, thế nên mỗi khi qua sông, ông có thể khiến cho nước phải ngừng chảy. Thần sông vốn thường là thần nữ, và khi Tất-lăng-già Bà-ta đến bên bờ sông, ông liền kêu lớn, “Nầy tiểu tì, hãy ngừng chảy!” Thần sông theo lệnh của ông, liền ngưng chảy để ông qua sông. Nhưng thần sông rất khó chịu mặc dù không thể hiện ra. Tuy nhiên, thần sông lại đến bạch với Đức Phật.
“Con là nữ thần cai quản khúc sông nầy, ông ta đến và bảo con, ‘Nầy tiểu tì, hãy ngừng chảy!’ Ông ta là một vị A-la-hán, lẽ ra không nên gọi con như vậy.”
Đức Phật bảo Tất-lăng-già Bà-ta hãy xin lỗi thần sông. Tất-lăng-già Bà-ta chắp tay lại và nói. “Tôi xin lỗi, Tiểu tì!” Lúc ấy toàn thể đại chúng gồm các vị A-la-hán đều bật cười.
Tại sao Tất-lăng-già Bà-ta lại gọi thần sông là “Tiểu tì?” Vì trong quá khứ, thần sông là người giúp việc của Tất-lăng-già Bà-ta. Ông đã quen gọi người giúp việc theo cách ấy, thế nên bay giờ, ngay khi cô ta đã là một nữ thần sông, ông vẫn gọi cô ta như vậy. Lý do chính khiến ông phải xin lỗi là vì đã xúc phạm cô ta khi gọi cô là “Tiểu tì,” nhưng tập khí của ông quá sâu đến nỗi ông cũng gọi bằng cách ấy khi xin lỗi.
Kinh văn:
Khi con vừa mới phát tâm xuất gia theo Phật nhập đạo, thường nghe Thế tôn dạy về những điều trên thế gian không thể đem lại niềm vui. Có lần con đang khất thực trong thành, tâm đang quán chiếu vào pháp môn nầy, đột nhiên giữa đường bị gai độc đâm vào chân. Toàn thân đau nhức. Tâm con biết mình biết có cái đau ấy, nhưng biết rõ tự tâm vốn thanh tịnh, không có cái đau và cái biết đau.
Giảng giải:
Khi con vừa mới phát tâm xuất gia theo Phật nhập đạo, thường nghe Thế tôn dạy về những điều trên thế gian không thể đem lại niềm vui. Nhiều lần con được nghe Đức Phật Giảng dạy về bản chất của thế gian nầy là khổ, không vô thường và vô ngã. Có lần con đang khất thực trong thành, tâm đang quán chiếu vào pháp môn nầy, đột nhiên giữa đường bị gai độc đâm vào chân. Con đang tập trung suy nghĩ về pháp môn mà Như Lai đã dạy cho con, đến mức con không còn để ý đến đường đi, và con dẫm phải gai độc, nó đâm vào chân con đau nhức vô cùng. Toàn thân đau nhức. Tâm con biết mình biết có cái đau ấy, nhưng biết rõ tự tâm vốn thanh tịnh, không có cái đau và cái biết đau.
Trong chân tâm thanh tịnh sáng suốt của con thì không có cía đau hoặc biết có cái đau ấy. Khi con nhận ra điều nầy, mọi thứ đều rỗng rang, thân tâm con trở nên thanh tịnh. Do vậy, con không còn thấy có ai là người bị đau.
Kinh văn:
Con lại suy nghĩ, một thân nầy lẽ ra phải có hai cái biết? Nhiếp niệm chưa lâu, thân tâm bỗng nhiên rỗng lặng. Trong hai mươi mốt ngày, các lậu hoặc dứt sạch, thành bậc A-la-hán. Được Phật ấn chứng là bậc vô học.
Giảng giải:
Con lại suy nghĩ, một thân nầy lẽ ra phải có hai cái biết? Lẽ nào mình có cùng lúc hai cái biết? Lẽ nào một cái biết mình đau và cái biết khác lại biết về cái biết đau ấy? Chẳng phải như vậy. Nhiếp niệm chưa lâu–Con chiêm nghiệm về vấn đề đề một thời gian không lâu– thân tâm bỗng nhiên rỗng lặng. Trong hai mươi mốt ngày, các lậu hoặc dứt sạch. Trong vòng ba tuần lễ, mọi tập khí hữu lậu trở nên vắng bặt, nó đã được trừ sạch. Thành bậc A-la-hán. Được Phật ấn chứng là bậc vô học. Chính Đức Phật ấn chứng cho con, là con đã chứng qủa vị thứ tư của hàng A-la-hán.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, thìthuần tịnh cái tính biết, quên bẵng thân thể, là điều tốt nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về từng vị đệ tử chúng con về phương pháp tu tập ban đầu để đạt được giác ngộ. Điều mà con, Tất-lăng-già Bà-ta tu tập là duy trì tâm giác ngộ cho đén khi tâm ấy hoàn toàn thanh tịnh, và con quên bẵng đi thân thể của mình, Đây là phương pháp tu tập viên thông của con.
VIÊN THÔNG VỀ THÂN CĂN
Tu-bồ-đề
Kinh văn:
Tu-bồ-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con từ nhiều kiếp đến nay, tâm đạt được vô ngại, tự nhớ rằng mình đã thọ sanh nhiều đời như cát sông Hằng. Lúc còn trong thai mẹ, đã biết tính không tịch. Như thế cho đến mười phương đều rỗng lặng và cũng khiến cho chúng sinh chứng được tánh không.”
Giảng giải:
Tu-bồ-đề có nghĩa là không sinh, vì ngay khi ông sinh ra, mọi của cải trong nhà ông ta bỗng dưng trống không. Chẳng còn một viên ngọc nào còn sót lại. Sau khi ông khinh được bảy ngày, tài sản của cải lại hiện ra. Thế nên đặt tên ông là Thiện Hiện. Cha mẹ ông đi nhờ người đoán số mệnh cho ông, họ nói: “tức thiện thả cát 即善且吉 ” Nên đặt tên cho ông là Thiện Cát 善 吉.
Tu-bồ-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Còn từ nhiều kiếp đến nay, tâm đạt được vô ngại. Tâm và tánh của con đạt so sánh sự vô ngại. Tự nhớ rằng mình đã thọ sanh nhiều đời như cát sông Hằng. Lúc còn trong thai mẹ, đã biết tính không tịch–con đã nhận ra được tánh không (śūnyatā)– Như thế cho đến mười phương đều rỗng lặng. Tất cả các cõi giới trong mười phương đều là rỗng lặng. Và cũng khiến cho chúng sinh chứng được tánh không. Con đã giúp cho chúng sinh đồng thời chứng nhập được tánh không (śūnyatā).”
Kinh văn:
Nhờ được Như Lai chỉ bày cho tánh giác vốn là rỗng lặng, nên tính không được viên minh. Nhờ đó con chứng được A-la-hán, liền thể nhập vào Bảo minh không hải của Như Lai. Tri kiến của con được đồng như Phật, được Phật ấn chứng thành bậc vô học. Trong sự giác ngộ về tánh không (śūnyatā), con được viên mãn nhất.
Giảng giải:
Nhờ được Như Lai chỉ bày cho tánh giác vốn là rỗng lặng, nên tính không được viên minh. Tánh giác đồng như tánh không. Tánh Như Lai tạng–giác ngộ về tánh không–là viên mãn và sáng suốt rõ ràng. Tánh không và tánh Như Lai tạng đều viên mãn và sáng suốt rõ ràng. Nhờ đó con chứng được A-la-hán. Do con đã nhận ra được thể tánh của Như Lai tạng, nên con chứng được A-la-hán, liền thể nhập vào Bảo minh không hải của Như Lai. Bảo minh không hải lại chính là tánh Như Lai tạng. Nó giống như biển lớn tánh không (śūnyatā). Tri kiến của con được đồng như Phật, được Phật ấn chứng thành bậc vô học. Đức Phật ấn chứng cho con là bậc vô học. Trong sự giác ngộ về tánh không (śūnyatā), con được viên mãn nhất. Tri kiến của con có được là nhờ vào thể nhập đạo lý tánh không. Con là người thể nhập vào tánh không bậc nhất.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, các tướng đều nhập vào phi tướng, năng phi, sở phi đều tận diệt, xoay các pháp về chỗ rỗng lặng, đó là thù thắng nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông. Nay Đức Phật hỏi chúng đệ tử, các vị Bồ-tát, về chỗ chứng ngộ của họ khi đạt được viên thông. Như sở chứng của con, các tướng đều nhập vào phi tướng, năng phi, sở phi đều tận diệt. Cái khiến cho trở thành không và cái trở nên không đều tiêu sạch. Có nghĩa là chẳng có gì, thậm chí cả cái không. Trong đạo Lão (Taoism), điều nầy được gọi là Sở không cập vô 所空及無, cái không cũng chẳng có. Trong đạo Phật , điều nầy được gọi là phi sở phi tận–非所非盡. Xoay các pháp về chỗ rỗng lặng, đó là thù thắng nhất. Đưa các pháp trở về lại với thể tánh rỗng lặng là thù thắng nhất. Thể nhập lý tánh không (śūnyatā) là phương pháp hay nhất.
SÁU THỨC
VIÊN THÔNG VỀ NHÃN THỨC
Xá-lợi-phất
Kinh văn:
Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, chỗ thấy của con được thanh tịnh, tuy con thọ sanh nhiều đời như cát sông Hằng, mà đối với với các pháp biến hoá trong thế gian và xuất thế gian, hễ con thấy được là liền thông suốt, được điều không chướng ngại.”
Giảng giải:
Tên của mẹ ngài Xá-lợi-phất là Śari, và tên của ngài có nghĩa là ‘con của Śari–Thu tử鶖子’ có nghĩa là loài chim diệc. Ngài là người có trí huệ đệ nhất. Khi Xá-lợi-phất còn ở trong thai mẹ, người mẹ thường thắng cuộc mỗi khi tranh luận với anh mình là Câu-hi-la, cậu của Xá-lợi-phất. Câu-hi-la biết em gái mình đang hoài thai một đứa bé thông minh xuất chúng.
Liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, chỗ thấy của con được thanh tịnh, tuy con thọ sanh nhiều đời như cát sông Hằng, mà đối với với các pháp biến hoá trong thế gian và xuất thế gian, hễ con thấy được là liền thông suốt, được điều không chướng ngại. Con có thể trình bày ngay về các sự việc như thế nào, dù ở tầm mức thông thường hay vào mức độ uyên bác, con đều đạt được sự vô chướng ngại.”
Kinh văn:
Con gặp anh em Ca-diếp-ba ở giữa đường, cùng đi theo họ. Họ nói về thuyết nhân duyên, con ngộ được tâm không có bờ mé.
Giảng giải:
Con gặp anh em Ca-diếp-ba ở giữa đường. Khi anh em Ca-diếp-ba cùng đi với con, nghe họ nói về thuyết nhân duyên. Nhờ nghe được thuyết nhân duyên, con trở nên được giác ngộ, và con ngộ được tâm không có bờ mé.
Trước khi Xá-lợi-phất xuất gia, ông gặp Mã Thắng (Ashvajit) khi cùng đi trên đường. Mã Thắng là một trong năm anh em Kiều-trần-na được Đức Phật chuyển pháp luân trước hết ở vườn Nai (Lộc dã uyển). Xá-lợi-phất thấy Mã Thắng đang đi với dáng dấp đầy oai nghi nghiêm túc khả kính.
Mắt không liếc nhìn cảnh vật,
Tai không nghe trộm chuyện gì.
Ông ta không lén trốn qua bên đường để nhìn ngắm người ta, và không lắng nghe những gì họ đang bàn tán.
Mắt ông ta nhìn sống mũi, mũi nhìn miệng, miệng chú ý đến tim.
Trước đó, Xá-lợi-phất đã thọ giáo với một ngoại đạo gọi là Sa Nhiên Phạm Chí. Sau khi vị nầy qua đời, ông không còn biết học với ai. Đó là khi ông gặp Mã Thắng ở trên đường và thán phục oai nghi đoan nghiêm của tỷ-khưu nầy. Xá-lợi-phất hỏi tỷ-khưu Mã Thắng, “Oai nghi của ông thật trang nghiêm. Thầy của ông là vị nào?”
Tỷ-khưu Mã Thắng trả lời bằng bài kệ: Chư pháp tùng duyên sanh, Chư pháp tùng duyên diệt. Ngã Phật đại sa-môn, thường tác như thị thuyết.
諸法從緣生 諸法從緣滅 我佛大沙門 常作如是說.
Khi Xá-lợi-phất nghe bài kệ nầy, ngài liền giác ngộ và chứng được sơ quả A-la-hán. Ngài liền trở về trụ xứ của mình và nói lại bài kệ ấy cho Mục-kiền-liên nghe. Khi Mục-kiền-liên nghe được bài kệ ấy, ngài cũng chứng ngộ. Rồi cả hai dẫn 200 đệ tử của mình đến quy y với Đức Phật. Họ cùng xuất gia và trở thành tăng chúng trong giáo đoàn của Đức Phật.
Đó là điều được kể lại ở một nơi khác, Ở đây kinh văn nói rằng Xá-lợi-phất gặp anh em ông Ca-diếp-ba. Vì có bản kinh nói rằng Xá-lợi-phất gặp anh em ông Ca-diếp-ba, và có bản kinh lại nói rằng Xá-lợi-phất gặp tỷ-khưu Mã Thắng. Tôi nghĩ rằng Xá-lợi-phất đã gặp cả hai vị ấy. Anh em ông Ca-diếp-ba và tỷ-khưu Mã Thắng lúc ấy đều cùng đi trên đường. Lưu ý rằng kinh nói, “cùng đi với các huynh đệ.” “Huynh đệ.” Không có nghĩa là chỉ có anh em ông Ca-diếp-ba, mà gồm có cả tỷ-khưu Mã Thắng, vốn là một pháp hữu. Họ đang bàn luận về thuyết nhân duyên, và một vị nói:
Nhân duyên sở sanh pháp, Ngã thuyết tức thị không. Thị danh vi giả danh, diệc danh trung đạo nghĩa.
Có lẽ là khi Xá-lợi-phất nghe bài kệ trên, ông ta liền hỏi, “Ông nói điều gì vậy? Ai là thầy của ông?” Và tỷ-khưu Mã Thắng nói bài kệ ấy. Xá-lợi-phất nghe xong, liền được giác ngộ. Sau đó Xá-lợi-phất trở về kể cho Mục-kiền-liên, và cả hai cùng đến quy y với Đức Phật.
Kinh văn:
Con theo Phật xuất gia, cái thấy biết của con trở nên sáng suốt viên mãn, được đại vô uý và trở thành bậc A-la-hán. Là một trong những trưởng tử của Đức Phật, từ miệng Phật mà sinh ra, từ pháp Phật mà hoá sinh.
Giảng giải:
Con theo Phật xuất gia, cái thấy biết của con trở nên sáng suốt viên mãn. Tính thấy của Xá-lợi-phất trở thành thể giác ngộ viên mãn. Con được pháp đại vô uý và trở thành bậc A-la-hán. Là một trong những trưởng tử của Đức Phật, từ miệng Phật mà sinh ra, từ pháp Phật mà hoá sinh. Trong số các đệ tử của Đức Phật, Xá-lợi-phất thuộc hàng đệ tử lớn nhất.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, tính thấy của tâm thể phát ra sáng suốt, cùng tột các tri kiến, đó là bậc nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, Xá-lợi-phất, tính thấy của tâm thể phát ra sáng suốt, cùng tột các tri kiến, đó là bậc nhất. Khi tính sáng suốt của tâm thể phat huy đến cực điểm, thì tính thấy và tính biết trở thành không. Đây là phương pháp tu tập đạt đến viên thông tối thắng nhất.
VIÊN THÔNG NHĨ THỨC
Bồ-tát Phổ Hiền
Kinh văn:
Bồ-tát Phổ Hiền liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con đã từng làm Pháp vương tử cho chư Phật nhiều như cát sông Hằng. Mười phương Như Lai dạy các đệ tử có căn cơ Bồ-tát tu hạnh Phổ Hiền, hạnh đó, là theo tên con mà đặt tên. ”
Giảng giải:
Bồ-tát Phổ Hiền là vị Bồ-tát có hạnh nguyện rất rộng lớn. Ngài phát 10 đại nguyện vương mà chúng ta thường tụng vào thời công phu khuya. Mười nguyện đó là:
- Lễ kính chư Phật.
- Xưng tán Như Lai.
- Quảng tu cúng dường
- Sám hối nghiệp chướng.
- Tuỳ hỉ công đức.
- Thỉnh chuyển pháp luân.
- Thỉnh Phật trụ thế.
- Thường tuỳ Phật học.
- Hằng thuận chúng sinh.
- Phổ giai hồi hướng.
Đây gọi là Mười đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền. Trong kinh Hoa Nghiêm, có nguyên một phẩm, gọi là ‘Phổ Hiền hạnh nguyện.’ Công hạnh và nguyện lực của ngài rất lớn, và vì thế nên ngài có cơ cảm rất lớn với chúng sinh. Ngài cỡi trên voi trắng sáu ngà. Màu trắng tượng trưng cho Nhất Phật thừa, và sáu ngà tượng trưng cho Lục độ ba-la-mật-đa.
Bồ-tát Phổ Hiền liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con đã từng làm Pháp vương tử cho chư Phật nhiều như cát sông Hằng. Trong quá khứ, con đã từng là Pháp vương tử. Mười phương Như Lai dạy các đệ tử có căn cơ Bồ-tát tu hạnh Phổ Hiền–có nghĩa là những vị có thiên hướng tu tập hạnh Bồ-tát–hạnh đó, là theo tên con mà đặt tên.”
Kinh văn:
Bạch Thế tôn, con dùng tâm để nghe và phân biệt mọi tri kiến của chúng sinh. Nếu ở phương khác, cách hằng sa cõi giới bên ngoài, nếu có một chúng sinh, trong tâm họ phát tâm tu tập hạnh nguyện Phổ Hiền, lúc ấy con sẽ phân thân thành trăm ngàn, cỡi voi sáu ngà liền đến chỗ người ấy. Dù người ấy nghiệp chướng sâu nặng, không thấy được con, con cũng thầm xoa đầu người ấy, ủng hộ an ủi, khiến họ được sự thành tựu.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, con dùng tâm để nghe–Con không dùng nhĩ căn để nghe mà dùng tâm–phân biệt mọi tri kiến của chúng sinh. Khi con phân biệt rõ về mọi tri kiến của chúng sinh, con không dùng tâm phân biệt, mà dùng chân tâm, để xác định rõ căn tánh của từng chúng sinh. Con làm được việc nầy không những chỉ trong thế giới nầy, mà cả trong các cõi giới khác. Nếu ở phương khác, cách hằng sa cõi giới bên ngoài–dù những nơi rất xa, cách xa cõi nước nầy rất nhiều–nếu có một chúng sinh, trong tâm họ phát tâm tu tập hạnh nguyện Phổ Hiền, lúc ấy con sẽ phân thân thành trăm ngàn, cỡi voi sáu ngà liền đến chỗ người ấy. Con liền phân thành trăm ngàn thân rồi đến chỗ người ấy. Dù người ấy nghiệp chướng sâu nặng, không thấy được con, Con vẫn giúp cho, thầm xoa đầu người ấy, ủng hộ an ủi,
Những người siêng năng tu đạo có khi cảm thấy như có kiến bò, hoặc như có ai đang xoa nhẹ trên đỉnh đầu. Đôi khi có người cảm thấy như có con gì bò trên mặt. Khi có điều nầy xảy ra, quý vị đừng có cố gắng lấy tay mình xua tan cảm giác đó đi. Nguyên nhân đó là chư Phật và Bồ-tát đang xoa đầu quý vị. Nếu quý vị để ý, sẽ thấy được điều nầy. Các ngài đang an ủi, động viên chúng ta, thế nên quý vị đừng tìm cách xua tan cảm giác ấy đi. Nếu quý vị thành tâm, sẽ cảm nhận được điều nầy.
Con khiến cho họ được sự thành tựu. Con giúp cho họ được thành tựu trong việc tu đạo.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con trình bày bản nhân của con là phát minh tính nghe của tâm thể, phân biệt tự tại, đó là thứ nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông, con trình bày bản nhân basic cause–của con–kinh nghiệm con đã thực hành trong nhân địa, là phát minh tính nghe của tâm thể, phân biệt tự tại, đó là thứ nhất. Con lắng nghe để phân biệt rõ tri kiến của từng chúng sinh. Sự phân biệt nầy do từ chân tâm và được thể hiện một cách tự tại, và con đạt được sự tự chủ. Đây là phương pháp thù thắng nhất.
Chúng ta không nên nổi sân hận, vì nếu nổi sân, thì ma chướng sẽ đến ngay. Hãy bớt nóng giận một chút và để tâm nhiều hơn vào việc tu học Phật pháp.
VIÊN THÔNG TỊ THỨC
Tôn-đà-la Nan-đà
Kinh văn:
Tôn-đà-la Nan-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Lúc con mới xuất gia, theo Phật nhập đạo, tuy giữ đúng giới luật, nhưng trong pháp tam-ma-đề, tâm thường tán loạn, nên chưa đạt được quả vị vô lậu. Thế tôn dạy con cùng với Câu-si-la quán tướng đầu chót mũi trắng.”
Giảng giải:
Nan-đà, A-nan-đà và Tôn-đà-la Nan-đà là ba anh em họ của Phật. Tôn-đà-la là gọi theo tên người vợ của ông là Sundari, có nghĩa là đẹp. Cô ta rất quyến rũ. Nan-đà, phần sau trong tên gọi ấy có nghĩa là ‘thiện.’ Vì có nhiều đệ tử cùng tên, nên Nan-đà được đặt rên như vậy, có nghĩa là là Nan-đà của Tôn-đà-la.
Tôn-đà-la Nan-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Lúc con mới xuất gia, theo Phật nhập đạo, tuy giữ đúng giới luật, nhưng trong pháp tam-ma-đề, tâm thường tán loạn, nên chưa đạt được quả vị vô lậu.
Con theo Phật tu đạo, tuy giữ giới luật nghiêm túc nhưng định lực chưa tròn đầy. Tâm con luôn luôn dao động. Con chưa thành tựu được quả vị vô lậu.
Thế tôn dạy con cùng với Câu-si-la quán tướng đầu chót mũi trắng. Vì tâm con quá tán loạn, Đức Phật dạy con và Ma-ha Câu-hi-la, cậu của Xá-lợi-phất, hãy quán sát tướng chót mũi,và hãy quán tưởng điểm màu trắng trên chóp mũi trong khi cả hai mắt đều chăm nhìn vào đó.”
Kinh văn:
Ban đầu con con tu quán, trải qua hai mươi mốt ngày, thấy hơi thở ra vào qua mũi như làn khói trắng, thân tâm bên trong sáng suốt viên mãn đồng như thế giới. Khắp nơi thanh tịnh như ngọc lưu ly. Tướng khói dần dần tiêu mất. Hơi thở trong mũi trở nên màu trắng.
Giảng giải:
Tôn-đà-la Nan-đà tiếp tục trình bày: Khi con hành trì theo phương pháp nầy, Ban đầu con con tu quán, trải qua hai mươi mốt ngày, thấy hơi thở ra vào qua mũi như làn khói trắng. Con tập trung sức chú ý vào choý mũi. Sau hai mươi mốt ngày, hơi thở giống như khói, thân tâm bên trong sáng suốt viên mãn đồng như thế giới. Bên trong như có ánh sáng và con thấy rõ những gì đang diễn ra trong các cõi giới, đến mức thấy khắp nơi thanh tịnh như ngọc lưu ly. Thân tâm của con và thế giới trở thành rỗng không và thuần một thể thanh tịnh. Tất cả đều rõ ràng rỗng suốt như ngọc lưu ly. Hơi thở nơi mũi con biến thành màu trắng, nhưng nó dần dần giảm đi. Tướng khói dần dần tiêu mất. Hơi thở trong mũi trở nên màu trắng. Từ sự quán tưởng hằng ngày như vậy, hơi thở con trở nên trắng như điểm sáng trắng trên chót mũi của con.
Kinh văn:
Tâm được khai ngộ, các lậu hết sạch, hơi thở ra vào hoá thành hào quang chiếu khắp mười phương thế giới. Con chứng quả A-la-hán. Thế tôn thọ ký cho con sẽ thành tựu quả vị bồ-đề.
Giảng giải:
Tâm được khai ngộ, các lậu hết sạch. Khi hơi thở của con trở nên màu trắng, tâm con bỗng nhiên được giác ngộ, sạch hết mọi lậu hoặc. Mỗi hơi thở ra vào hoá thành hào quang chiếu khắp mười phương thế giới. Con chứng quả A-la-hán. Ban đầu hơi thở của con giống như khói, rồi nó trở thành màu trắng như điểm sáng trắng trên chót mũi, và cuối cùng nói biến thành hào quang! Ánh sáng chiếu khắp pháp giới trong mười phương. Thế tôn thọ ký cho con sẽ thành tựu quả vị bồ-đề. Đức Phật bảo rằng trong tương lai, con chắc chắn sẽ thành Phật.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con dùng phép nhiếp niệm vào hơi thở, dừng lặng lâu ngày nên phát ra sáng suốt. Sự sáng suốt viên mãn, trừ sạch các lậu hoặc, đó là phương pháp hay nhất.
Giảng giải:
Tôn-đà-la Nan-đà trình bày rằng pháp tu tị thức là thù thắng hơn cả. Đối với ông ta, đó là phương pháp hay nhất.
VIÊN THÔNG THIỆT THỨC
Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử
Kinh văn:
Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con từ nhiều kiếp đến nay được biện thuyết không ngại. Con tuyên thuyết các pháp khổ, không, thâm đạt tướng chân thật. Như thế cho đến các pháp môn bí mật của Như Lai nhiều như cát sông Hằng, con đều dùng phương tiện khai thị ở trong chúng. Con đạt được sức vô uý.”
Giảng giải:
Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử (Purnamaitreyaniputra) là tên gọi theo họ cha và họ mẹ. Phú-lâu-na (Pūrṇa) có nghĩa là Mãn-滿 đó là họ của cha. Di-đa-la-ni–Maitreyani có nghĩa là Từ慈; Putra có nghĩa là con (子tử). Thế nên tên của ngài có nghĩa là con trai của người có lòng từ rộng lớn.
Liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con từ nhiều kiếp đến nay được biện thuyết không ngại.
Có bốn loại biện tài vô ngại:
1- Pháp vô ngại biện法無礙辯: có năng lực giảng nói các pháp một cách viên dung vô ngại.
2- Nghĩa vô ngại biện義無礙辯: có khả năng gỉang nói nghĩa lý các pháp dung thông vô ngại.
3- Từ vô ngại biện 辭無礙辯: Có năng lực sử dụng một câu, một lời nói, mà diến bày vô lượng nghĩa lý mầu nhiệm một cách vô ngại. Lại có khả năng đem vô lượng diệu nghĩa quy nạp thành trong một lời nói, một câu chữ
4- Nhạo thuyết vô ngại biện 樂說無礙辯: Có năng lực tuỳ thuận niềm hỷ lạc của mọi chúng sinh, khéo léo dùng các phương tiện để thuyết pháp cho mọi người nghe mà không mệt mỏi nhàm chán.
Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử không giống như Châu-lợi Bàn-đà đã từ chối giảng pháp khi mình đã là một vị Tam tạng Pháp sư. Và quả báo là ông ta đã bị ngu đần. Phú-lâu-na không như vậy, rất hoan hỷ trong việc giảng pháp.
Con tuyên thuyết các pháp khổ, không, thâm đạt tướng chân thật.
Ngài giảng giải rõ ràng về bản chất vô thường, khổ, không, vô ngã của các pháp. Cho đến giải thích rõ ràng diệu lý chân như thực tướng của các pháp, thực tướng tức là vô tướng, nhưng chẳng có pháp nào là chẳng có tướng.
Như thế cho đến các pháp môn bí mật của Như Lai nhiều như cát sông Hằng, con đều dùng phương tiện khai thị ở trong chúng.
Phú-lâu-na có thể giảng nói về các pháp bí mật vi diệu của Như Lai và khiến cho họ thâm nhập nghĩa lý sâu mầu.
Con đạt được sức vô uý. Con đã thành tựu được năng lực nhạo thuyết biện tài và vô uý.
Kinh văn:
Thế tôn biết con có tài giảng thuyết, nên dùng pháp luân âm thanh, dạy con tuyên dương chánh pháp. Con theo giúp Phật chuyển pháp luân, nhờ pháp âm như tiếng sư tử mà con thành A-la-hán. Thế tôn ấn chứng cho con là thuyết pháp bậc nhất.
Giảng giải:
Phú-lâu-na thành tựu đạo quả là nhờ thiệt thức–tongue- consciousness. Ngài được như vậy là nhờ siêng năng giảng pháp. Thế nên quý vị thấy, có thể ngộ đạo và chứng quả nhờ siêng năng giảng pháp. Tất cả việc cần làm là quý vị đi sâu vào pháp môn mình đang hành trì. Hãy quyết định dứt khoát một pháp môn và tu tập thật siêng năng. Đừng tán loạn tâm ý khi tu tập, ngày nay áp dụng phương pháp nầy, ngày mai đổi sang pháp môn kia, rồi ngày sau đổi ý, chọn phương pháp khác nữa. Khi thay đổi như vậy, quý vị chỉ phí thời gian vô ích, và quý vị không bao giờ thâm nhập vào một pháp tu nào cả. Quý vị phải chọn dứt khoát một pháp môn và tinh cần công phu vào pháp môn ấy.
Thế tôn biết con có tài giảng thuyết, nên dùng pháp luân âm thanh, dạy con tuyên dương chánh pháp. Không có người nào có thể tranh luận hơn Phú-lâu-na. Khi ngài giảng pháp, âm thanh tròn đầy, vang vọng rất mạnh. Với số đông chừng một ngàn hay một vạn người, cũng chẳng cần micro hay loa phóng thanh, họ vẫn có thể nghe được rất dễ dàng. “Đức Phật dạy con hãy giảng kinh và thuyết pháp.” Con theo giúp Phật chuyển pháp luân, nhờ pháp âm như tiếng sư tử mà con thành A-la-hán. Con sẽ tuyên dương giáo pháp của Đức Phật, lời giảng của con như tiếng gầm của loài sư tử. Khi sư tử rống lên, các sinh vật khác đều sợ hãi.
Khi thiên ma và ngoại đạo nghe tiếng rống nầy, chúng đều quy phục. Thế tôn ấn chứng cho con là thuyết pháp bậc nhất.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con dùng pháp âm hàng phục ma oán, diệt sạch các lậu hoặc, đó là phương pháp tốt nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông. Với lời nói, con diễn bày pháp âm hàng phục ma oán. Con hàng phục thiên ma và chuyển hoá ngũ dục, tài sắc danh thực thuỳ. Năm món dục nầy là kẻ cướp lấy sạch tài sản quý báu của con người. Theo phương pháp nầy, con diệt sạch các lậu hoặc, đó là phương pháp tốt nhất. Con dùng thiệt thức, con tuyên bày diệu pháp. Đây là phương pháp thù thắng nhất.
VIÊN THÔNG VỀ THÂN THỨC
Ưu-ba-ly
Kinh văn:
Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con được theo Phật vượt thành xuất gia, tự mình thấy Như Lai sáu năm tinh cần khổ hạnh, đích thân thấy Như Lai hàng phục các ma, chế ngự các ngoại đạo, và giải thoát hẳn mọi tham dục thế gian.”
Giảng giải:
Ưu-ba-ly là người trì giới đệ nhất. Tên ngài trong tiếng Sanskrit có nghĩa là Thượng thủ–superior leader. Ngài không bao giờ phạm một điều giới dù là nhỏ nhất. Tên ngài lúc còn cư sĩ là Channa (Xa-nặc 車匿). Ông là người cùng với Thái tử rời bỏ hoàng cung rồi vào rừng xuất gia. Ông rất quen thuộc với những sự kiện trong đời Đức Phật vì ông là người sống với Đức Phật lâu nhất. Khi năm vị tỷ-khưu (năm anh em ông Kiều-trần-na) rời bỏ Đức Phật, Ưu-ba-ly không đi mà vẫn ở với ngài và giúp đỡ cho Thái tử khi ngài đang tu đạo. Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con được theo Phật vượt thành xuất gia. Lúc đó, Ưu-ba-ly, khi đó chưa xuất gia, còn gọi là Xa-nặc, đầu tiên theo Thái tử ra cổng thành về hướng Đông. Thái tử lúc ấy rất vui thích, vì lâu ngày ở trong cung điện rất buồn chán. Ngài thấy một người phụ nữ đang sinh một đứa bé bên lề đường. Cô ta đang khóc lóc than vãn trong cơn quặn đau. Thái tử hỏi Xa-nặc, “Điều gì vậy? Sao cô ta khóc lóc đau đớn như thế?” Khi Xa-nặc giải thích xong, Thái tử xúc động và nhận ra rằng sự sinh nở có liên quan rất nhiều đến cái khổ. Sau khi người mẹ sinh xong, đứa bé được chào đời, Thái tử cảm thấy không còn vui thú gì nữa nên bảo Xa-nặc, “Chúng ta trở về thôi! Hôm nay xem thế là đủ rồi!”
Ngày hôm sau họ cùng đi về cổng thành phía nam. Thái tử thấy một lão già. Đầu ông ta lắc lư, mắt mờ, răng đã rụng sạch, và hầu như không còn đi được. Thái tử hỏi Xa-nặc, “Người đó sao vậy?”
-Người ấy quá già. Xa-nặc trả lời.
-Ồ! –Thái tử kêu lên–Người già như vậy đó sao! Thật là quá khổ.
Lần nầy nữa, Thái tử cũng không muốn đi đâu nữa, bảo Xa-nặc trở về.
Ngày thứ ba họ cùng đi về cổng thành phía tây, họ thấy một người đang mắc phải cơn bệnh rất ngặt nghèo. Thái tử hỏi Xa-nặc, “Tại sao thân thể người đó lại khủng khiếp như vậy ?” Xa-nặc trả lời, “Người ấy đang bị bệnh.” Một lần nữa, Thái tử thấy thương cảm trong lòng và không muốn đi chơi xa nữa.
Ngày thứ tư họ cùng đi về cổng thành phía bắc họ thấy một người vừa chết. Khi Thái tử hỏi về sự kiện nầy, Xa-nặc trình bày sự chấm dứt cuộc sống của con người–cái chết–là như vậy.
Thái tử choáng váng với các cảnh vừa thấy, sinh lão bệnh tử. Vào lúc đó, có một vị tỷ-khưu đắp y ca-sa đi qua. Khi Thái tử thấy vị tỷ-khưu, ngài hỏi Xa-nặc đó là ai? Xa-nặc trả lời:
–Ngài hãy hỏi vị ấy để được nghe lời giải thích.
Thái tử, mà sau nay là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni liền hỏi vị tỷ-khưu:
-Ngài là ai?
-Tôi là người xuất gia.
-Có nghĩa là sao?
-Người đã từ bỏ cuộc sống gia đình, tu đạo, được gọi là tỷ-khưu. Họ xuất gia để mong thoát khỏi những cái khổ của sinh lão bệnh tử. Khi đã thể nhập vào Đạo, sẽ thấy không còn có sinh cũng như chẳng còn có diệt–nên chúng ta không còn bị rơi vào sinh hoặc chết, chúng ta có thể đạt được đạo quả.
-Ngài có thể cho tôi biết làm sao để được xuất gia? Ngài có thể nhận tôi làm đệ tử được không?
Vị tỷ-khưu vốn là chư thiên từ cõi trời Tịnh cư –Heaven of Pure Dwelling. Thất nhân duyên đã chín muồi, vị ấy liền hoá thân để gặp Đức Phật Thích-ca Mâu-ni giữa đường. Khi Thái tử xin vị tỷ-khưu hãy làm thầy của mình thì vị tỷ-khưu liền buông gậy xuống đất và bay về trời. Thái tử không còn cách nào để học đạo và chẳng biết làm sao để xuất gia, nên chỉ còn cách trở về hoàng cung.
Lúc ấy, một vị thầy tướng số xem tướng mạo của Thái tử nói cho Vua rằng, “Trong vòng bảy ngày nữa nếu Thái tử không xuất gia, ngài sẽ làm một vị Chuyển luân thánh vương, ngài sẽ trị vì khắp các cõi nước trên thế gian. Việc bệ hạ cần làm là giữ Thái tử trong hoàng cung suốt bảy ngày sắp tới.”
Từ đó, vua Tịnh Phạn canh chừng và cắt phiên cho ngự lâm quân canh gác quanh hoàng cung, cắt đứt mọi phương tiện ra vào cung điện. Lệnh giới nghiêm được ban ra và không ai được ra vào hoàng cung. Như vậy Thái tử bị giam lỏng và canh chừng suốt mọi lúc. Với cách nầy, vua Tịnh Phạn hi vọng rằng con của ngài, Thái tử Tất-đạt-đa sẽ đạt được ngôi vị của một bậc Chuyển luân thánh vương.
Chuyển luân thánh vương là người trị vì bốn châu thiên hạ: Đông thắng thân châu, Tây ngưu hoá châu, Nam thiêm bộ châu và Bắc-câu-lư châu. Một thế giới hệ bao gồm bốn đại châu nầy, một mặt trời, một mặt trăng và núi Tu-di. Một ngàn tiểu thiên thế giới hệ là một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới được gọi là một đại thiên thế giới. Đây là ý nghĩa của Tam thiên đại thiên thế giới. Một vị Chuyển luân thánh vương cai trị một tiểu thiên thế giới.
Thái tử có thiện căn rất lớn, nên dù có bị canh chừng rất nghiêm ngặt, ngài vẫn không hề bối rối. Vua Tịnh Phạn cho dẫn đến cung điện của Thái tử rất nhiều phụ nữ đẹp. Nhưng thái tử vẫn xem họ với đôi mắt bàng quan, như là không thấy, như là không nghe. Đúng là:
Mắt thấy sắc nhưng trong tâm chẳng có gì.
Tai nghe tiếng nhưng tâm chẳng hề biết.
Hoặc là:
Trong chẳng có thân tâm,
Ngoài chảng có thế giới.
Thế rồi vị thiên thần ở cõi trời Tịnh cư lại hiện ra bảo với Thái tử rằng, “Thái tử, ngài ham vui ngũ dục thế gian mà quên đi lời phát nguyện trong đời trước hay sao? Ngài có còn nhớ lời nguyện trong kiếp trước không?”
Thái tử Tất-đạt-đa trả lời, “Tôi không quên, nhưng nay tôi không biết phải làm sao để thực hiện lời nguyện ấy.”
Vị thiên thần ở cõi trời Tịnh cư lại nói, “Nếu ngài không quên lời nguyện, và vẫn còn ý định xuất gia thì tôi sẽ giúp ngài.”
Thái tử nói, “Thế thì rất hay!”
Thiên thần bảo Xa-nặc–có nghĩa là Ưu-ba-ly mà bây giờ chúng ta đang được đề cập đến–hãy chuẩn bị ngựa, rồi bảo Thái tử và Xa-nặc ra sau vườn hoàng cung để trốn đi. Lúc ấy, Tứ thiên vương xuất hiện, mỗi vị đỡ lấy một chân ngựa rồi nhấc bổng cả ngựa xe, Thái tử và Ưu-ba-ly lên không trung và bay theo. Họ vượt qua mây trời và cỡi sương mù đi xa hơn 3 do-tuần rồi dừng lại trong Núi Tuyết.
Thái tử tu tập ngay khi đến núi. Như lời hứa của thiên thần, ở đó đã có đủ lúa gạo và mè. Mỗi ngày Thái tử dùng một hạt mè để sống. Rồi có ba người trong dòng họ của vua cha, hai người thuộc dòng họ mẹ cùng đến để tu tập với ngài. Có ba người không chịu nỗi cảnh cực khổ của đời tu nên bắt đầu hoài nghi, “Tu tập khổ như thế nầy, bao giờ mới thành Phật được? Hãy về đi thối!” ba người nầy bỏ đi và đến Vườn Nai (Lộc dã uyển) để tu tập. Sau có một thiên nữ dâng cúng một bát sữa cho Thái tử, vì thấy thân thể ngài chỉ còn da bọc xương. Sau khi uống sữa, ngài thấy thân thể trở nên bình thường. Nhưng hai người còn ở lại tu tập với ngài thấy vậy liến nghĩ rằng, “Trước đây Thái tử chịu được khổ hạnh, nhưng nay thì hết chịu nỗi được rồi. Thái tử đã uống sữa, ông ta sẽ chẳng thành tựu được điều gì. Lẽ ra Thái tử đừng dùng thứ ấy. Chúng ta hãy đi thôi!” Thế nên những người thân cận thuộc dòng họ cha và dòng họ mẹ rời bỏ ngài ra đi, chỉ còn lại Ưu-ba-ly. Nên Ưu-ba-ly nói rằng, “Chính con đã cùng Phật vượt thành xuất gia. Chính con đã ở cùng ngài trong vườn hoàng cung khi ngài lên ngựa ra khỏi thành. Tự mình thấy Như Lai sáu năm tinh cần khổ hạnh, trong sáu năm ngài đã chịu đựng sự khổ hạnh, chịu đựng những điều khõ nhẫn chịu. Con đích thân thấy Như Lai hàng phục các ma, chế ngự các ngoại đạo và giải thoát hẳn mọi tham dục thế gian. Đáng lẽ Thái tử thành Phật ngay khi còn ở trong Núi Tuyết, nhưng ngài còn e ngại rằng chúng sinh đời sau sẽ hiểu lầm rằng, để thành Phật, họ phải tu tập vô cùng khổ hạnh. Thế nên ngài không thiền định trong núi vắng nữa mà đi đến cây bồ-đề, ngài ngồi dưới cây nầy và thệ nguyện rằng sẽ không rời cây nếu chưa thành Phật.
Sau khi Đức Phật ngồi thiền định dưới gốc cây bồ-đề 49 ngày, ma vương trong cõi Lục dục thiên được báo mộng. Ông ta mơ thấy có 32 hoá thân. Khi tỉnh dậy, ông ta suy gẫm để tìm ra nguyên nhân đã dẫn đến giấc mơ, ông ta phát hiện ra có một vị Bồ-tát đang ngồi thiền dưới gốc bồ-đề và sắp thành Phật. Ông ta nghĩ, “Điều nầy không thể nào xảy ra được. Ta phải tìm mọi cách phá huỷ định lực của người nầy.” Ông ta liền phái đi bốn ma nữ, họ đều rất đẹp. Ma quỷ là loài yêu quái, nhưng họ cũng không thích sự xấu xí. Họ được phái đến để quấy rối định lực Đức Phật Thích-ca Mâu-ni bằng sự biểu hiện 32 tướng biến hoá rất hấp dẫn. Họ cố gắng quyến rũ cho được Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Họ muốn Đức Phật cũng có những ý tưởng tham muốn tầm thường và xả bỏ định lực. Họ muốn kích động ham muốn của Đức Phật. Nhưng Đức Phật chẳng hề thích họ cũng như chẳng ghét họ. Dù ngài chẳng phải là rơm rạ hay gỗ đá, như dân gian có câu, “Người chẳng phải là gỗ đá, sao nỡ vô tình?” Nhưng Đức Phật đã vượt thắng nghiệm nầy và không hề bị chúng xoay chuyển. Ngài không bị dao động bởi ma lực của loài yêu nữ nầy. Ngài an trụ trong trạng thái như như bất động. Tâm ngài chẳng lay động mảy may, ngài không hề khởi niệm ái dục.
Gặp những cảnh nầy, ngài chẳng khởi niệm. Vào lúc nầy, Đức Phật quán chiếu về sự bất tịnh, tương tự như chín đề mục đã nói ở trên (Cửu tưởng quán). Ngài nghĩ rằng, “”Ồ! Các người đến để thử thách ta. Dù bây giờ các người rất đẹp, nhưng rồi các người sẽ trở thành những bộ xương khô. Chín huyệt trên thân thể các người thường xuyên tiết ra những thứ bất tịnh. Mắt tiết ra ghèn, tai tiết ra chất ráy, mũi tiết ra nước nhầy, mệng tiết ra đờm dãi, toàn là những thứ dơ dáy. Thêm vào đó, thân còn tiết ra phân và nước tiểu, các người lại càng bẩn thỉu hơn. Thêm vào đó, còn có nhiều vi trùng trong mỗi lỗ chân lông trên cơ thể các người. Toàn thân ấy đều là chất hôi thối.” Sự quán chiếu của ngài chuyển sang nhìn thấy bốn cô gái đẹp trở thành bốn bà phù thuỷ già nua. Họ nhìn nhau, thấy da của mỗi người nhăn nheo như chân gà và tóc họ bạc trắng như lông hạc. Mũi họ đang chảy nước nhờn và miệng đầy nước dãi. Thân thể họ vô cùng tiều tuỵ. Họ nhìn nhau rồi bắt đầu kinh tởm. Nhận ra rằng họ đã trở nên già cỗi và chẳng còn cách nào lừa phỉnh được Đức Phật nữa, nên chúng bỏ đi. Khi ma vương thấy bốn ma nữ thất bại trở về thì nó đích thân thống lĩnh ma con và ma cháu của nó đến để giết Đức Phật. Nhưng Đức Phật vẫn bất động. Ngài chẳng sợ. Ngài nhập vào Vô tránh tam-muội. Nếu tâm quý vị dao động, ma liền hại quý vị. Còn nếu tâm quý vị bất động, thì nó chẳng làm gì mình được.
Còn có một ngoại đạo khác tên Thân Mục 申目 ( Shen Jih) trộn chất độc trong thức ăn rồi đem dâng cho Đức Phật. Khi Đức Phật thấy thức ăn, ngài nghĩ, “Nguyện rằng, như trong tâm ta chẳng có gì độc địa, thì khi ăn thực phẩm nầy, nó sẽ chẳng hại gì mình.” Rồi ăn thực phẩm ấy.
Các ngoại đạo khác ghen tức với Đức Phật. Trước khi Đức Phật đạt đến cảnh giới nầy, các giáo sĩ Bà-la-môn được xem là tối thượng. Mọi người đều quy hướng về họ. Nhưng sau khi Đức Phật tu tập khổ hạnh sáu năm và thành chánh giác, thì các đệ tử của ngoại đạo đều quy hướng về Đức Phật. Như Ca-diếp, Mục-kiền-liên, và Xá-lợi-phất đều đã từng là đệ tử của các ngoại đạo. Bởi vậy nên thủ lĩnh của các nhóm ngoại đạo rất ghen tức. Họ cho voi điên uống rượu–năm con voi điên như vậy–thả ra để hại Đức Phật. Ai có ngờ rằng khi 5 con voi dữ đến gần Đức Phật, ngài xoè bàn tay ra và 5 con sư tử hiện ra từ 5 ngón tay của ngài, 5 con voi điên run sợ gần chết. Đức Phật có năng lực hàng phục thiên ma và ngoại đạo thật là to lớn.
Ngài cũng đã hàng phục được ái dục. Ái là điều khó hàng phục nhất. Nó khiến cho con người sống như kẻ say và chết trong mộng mị. Nếu quý vị không trừ bỏ được ái dục, thì quý vị không thể nào trừ diệt được lậu hoặc. Quý vị còn lậu hoặc vì mình còn tham ái. Chúng sinh đều bị đắm chìm trong ái dục.
Nghiệp nặng tình mê là chúng sinh.
Nghiệp dứt tình không là chư Phật.
Chư Phật thành Phật là do các ngài đã dứt sạch ái dục. Chúng sinh mãi mãi làm chúng sinh vì nghiệp ái dục của họ qua sâu dày, không thể nào thaót khỏi vòng trói buộc của luân hồi sinh tử, khiến họ phải trôi lăn trong tam giới.
Nếu không còn lậu hoặc, thì:
Biển khổ mênh mông,
Quay đầu là bờ.
Đó là sự thoát ly hẳn tham dục thế gian.
Kinh văn:
Con nương vào giới luật do Đức Phật dạy, nên ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, cho đến tánh nghiệp, giá nghiệp đều được thanh tịnh. Thân tâm con được vắng lặng, thành bậc A-la-hán.
Giảng giải:
Con nương vào giới luật do Đức Phật dạy. Ưu-ba-ly đích thân theo Đức Phật từ khi ngài xuất gia, chính Ưu-ba-ly thấy Đức Phật tu khổ hạnh sáu năm trong núi Tuyết; chính Ưu-ba-ly đã thấy Đức Phật ngồi dưới cây bồ-đề, và chứng ngộ khi nhìn thấy sao mai mọc; chính Ưu-ba-ly thấy được Đức Phật hàng phục thiên ma ngoại đạo, cho đến khi thành tựu qủa vị Phật. Ưu-ba-ly đều chứng kiến những sự kiện ấy. Sau khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo, ngài bắt đầu giảng dạy giáo pháp mà ngài đã chứng ngộ, ngài thấy Ưu-ba-ly là người khéo trì giới đệ nhất trong đại chúng từ vô lượng chư Phật trong quá khứ. Khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện ở cõi ta-bà và tu tập thành tựu đạo nghiệp, Ưu-ba-ly cũng liền thị hiện đến thế giới nầy. Thế nên Đức Phật dạy Ưu-ba-ly hãy tập trung hành trì giới luật trong Phật pháp.
Nay tôi sẽ giảng giải về giới luật, và các vị đều Phật tử đang học Phật pháp nên phải nghe cho kĩ.
Đầu tiên là năm giới:
- Không sát sanh.
- Không trộm cắp.
- Không tà dâm.
- Không nói dối.
- Không uống rượu.
Kế tiếp là 8 giới, gồm 5 giới đã nêu ở trước, cùng với 3 giới là,
- Không trang sức thân thể mình bằng hương hoa, dầu thơm.
- Không nằm ngồi giường cao rộng; và không xem, nghe ca nhạc.
Nhờ không nằm ngồi trên giường cao rộng, quý vị sẽ trừ được tâm ngã mạn tự cao.
- Không ăn phi thời– eat at improper times.
Không ăn phi thời có nghĩa là không ăn sau giờ ngọ. Không ăn sau giờ ngọ giúp cho quý vị chế ngự được lòng tham, vì nếu quý vị muốn ăn lúc nào mình thích, thì quý vị sẽ thích ăn mọi thời. Cư sĩ cần nên giữ giới nầy.
Sa-di có 10 giới khác với giới của hàng cư sĩ tại gia. Không phải là sau khi thọ 5 giới xong là quý vị được xem như mình là người trong tăng đoàn. Giữ 8 giới cũng chưa được xem là thành viên trong tăng đoàn. Người thọ 10 giới trọng và 48 giới khinh của Bồ-tát giới cũng chưa được xem là thành viên trong tăng đoàn. Để được làm thành viên trong tăng đoàn trước hết quý vị phải thọ 10 giới sa-di, rồi 250 giới tỷ-khưu, hoặc 348 giới tỷ-khưu ni, và thêm 10 giới trọng 48 giới khinh của Bồ-tát giới. Chẳng phải ngày nay quý vị đang ở nước Mỹ mà muốn lập nên một cách thức khác. Quý vị không thể lập nên một hệ thống giới điều khác rồi nói rằng, “Mọi người đều là thành viên của Tăng đoàn.” Tôi đã nghe nói rằng ngay cả bàn ghế cũng là thành viên của tăng đoàn! Ly tách chén đũa cũng là thành viên của tăng đoàn–mọi thứ đều là Tăng đoàn! Điều nầy thật là kì cục–lạ kỳ không thể nói được. Trong trường hợp nầy, thì toàn thể thế giới không có gì chẳng phải là tăng già. Nếu toàn vũ trụ vạn vật đều là Tăng-già, thế thì tại sao Tăng-già lại phải hoà hợp lại với nhau mà thành. Tôi thấy đây là chuyện chưa từng được nghe bao giờ–nó thực là chưa từng có.
Chữ ‘giới luật’ xuất phát từ chữ prātimokṣa trong tiếng Sanskrit. Còn gọi là śīla. Nghĩa theo tiếng Hán là phòng phi chỉ ác.
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Một hôm có vị Ưu-bà-tắc lớn tuổi hỏi một vị Bồ-tát trưởng lão vốn là người đã xuất gia lâu năm rằng, làm sao để tu đạo. Vị trưởng lão trả lời, “Không làm các việc ác. Siêng làm các việc lành.”
Vị Ưu-bà-tắc lớn tuổi nói rằng. “Tôi đâu có cần ngài giải thích như vậy. Ngay cả trẻ con ba tuổi cũng biết điều ấy rồi. ”
Vị trưởng lão giải thích, “Trẻ con lên ba có thể biết được điều ấy, nhưng ông lão tám mươi thì không chịu làm việc nầy.”
Thời đại ngày nay một số người lập thành nhóm và tự gọi mình là ‘Tăng-già.’ Quý vị hãy coi lại thử họ giữ được bao nhiêu giới? Nếu chẳng giữ giới đầy đủ trọn vẹn thì chẳng được gọi là Tăng-già. Nếu họ phản đối và nói rằng họ là khác và mới cải cách, thế thị họ đừng nên gọi mình là đạo Phật. Nếu họ vẫn không tôn trọng và vẫn bám chặt vào những giới luật lâu đời của đạo Phật, thế thì đạo Phật mà họ đang theo là như thế nào? Họ sẽ trả lời, “Tân Phật giáo–New-Buddhists.” Thế thì hãy hỏi họ có cái gì mới trong đó? Chính Đức Phật có khả năng giảng dạy giáo pháp ở cõi trời, ở địa ngục, ngài có năng lực giáo hoá trong cõi người và đến cả long cung để thuyết pháp. Thế những người thuộc Tân Phật giáo nầy giảng pháp ở chỗ nào? Hãy hỏi họ như vậy.
Họ sẽ trả lời rằng, “Đó là chuyện hoang đường. Dĩ nhiên là chúng tôi không thể đến đó được. Các ông có thể tạo ra chuyện huyền thoại của riêng mình. Các ông cứ sống với chuyện hoang đường ấy. ”
Nếu có người nào đó có được năng lực giống như bất kì một đệ tử nào của tôi (đã khai ngũ nhãn) trong hội chúng nầy, thì họ vẫn không có quyền thay đổi nền tảng giáo lý Phật pháp, và họ vẫn không được tỏ ra là mình quá thông minh linh lợi. Họ có quyền gì mà sửa đổi Phật pháp? Khi quý vị kinh doanh, phải có vốn liếng. Nếu quý vị muốn làm quan chức cao trong chính phủ, quý vị phải học hành đỗ đạt có bằng cấp. Nếu những người nầy muốn lập thành Tân Phật giáo, nền tảng của họ là gì?
Lời họ đối đáp sẽ là, “chúng tôi dạy giáo lý Tứ diệu đế của Đức Phật, dạy Lục độ, mười hai nhân duyên, và tụng thần chú của chư Phật. Chúng tôi đọc tụng các kinh điển của Phật.”
Hãy hỏi lại họ, “Nếu quý vị đọc kinh Phật và trì tụng thần chú của Phật, thì có gì mới?” Đó thật là điều nghịch lí.
Tôi mong rằng quý vị Phật tử ở Mĩ hãy nỗ lực phản ứng với những sai lầm nầy. Nếu không, sự suy tạn của đạo pháp chắc chắn sẽ xảy ra. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tiên đoán rằng trong thời mạt pháp, ma con và ma cháu sẽ đến thế giới nầy với lục lượng rất hùng hậu. Khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hàng phục ma vương và thu nhiếp ngoại đạo, ma Ba-tuần, đã biết việc nầy. Nó nói rằng, “Tôi biết là lúc nầy không làm được gì ngài, nhưng trong tương lai tôi sẽ phá hoại giáo pháp của ngài.”
Đức Phật hỏi lại, “ Làm sao mà ông làm được việc ấy ?”
“Tôi sẽ cho con cháu tôi len vào trong Tăng đoàn của ông. Ăn uống như các ông, đắp y như các ông, và đại tiểu tiện phân và nước tiểu vào trong bình bát của các ông. Con cháu tôi sẽ phá hoại Phật pháp từ chính trong Tăng đoàn các ông.”
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ lâu đã thấy được những điều đang diễn ra ngày hôm nay.
Họ đắp y Như Lai.
Họ dùng thực phẩm của Như Lai.
Nhưng trong đạo Phật, họ không làm đúng như những gì Đức Phật đã làm.
Ngài Ưu-ba-ly là vị giữ giới luật hàng đầu trong số các đệ tử của Đức Phật. Trong đạo Phật, có những vị Luật sư chuyên nghiêm trì giới luật, có những vị Pháp sư chuyên giảng kinh thuyết pháp. Pháp sư có hai nghĩa: một là những vị chuyên giảng pháp cho người khác, và hai là người nhận giáo pháp làm thầy của mình, họ tham cứu kinh luận để tu tập. Còn có những vị Thiền sư, họ chuyên tham thiền và tĩnh toạ.
Khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế, mọi chúng sinh đều nương vào Đức Phật như là bậc thầy dẫn dường. Khi Đức Phật nhập diệt, ngài khuyên tỷ-khưu, tỷ-khưu ni hãy nhận giới luật làm thầy. Thế nên điều quan trọng nhất đối với chư tăng ni là phải nghiêm trì giới luật. Luật sư như ngài Ưu-ba-ly là vị đặc biệt tinh nghiêm giới luật. Ngài nói, Con nương vào giới luật do Đức Phật dạy, nên ba ngàn oai nghi,
Con số ba ngàn oai nghi là do từ 250 giới của tỷ-khưu nhân với bốn oai nghi–đi đứng nằm ngồi, thành 1000; nhân với 3 nghiệp, thân khẩu ý, thành 3000.
Mỗi oai nghi đi đứng nằm ngồi đều có điểm đặc biệt của nó.
1- Đi như gió. Gió đây không phải là bão tố cuồng phong, mà như hơi thở nhẹ, như gió thu. Nên đi chậm rãi với phong cách vững chãi, không nên đi vội vã như chạy về phía trước.
2- Đứng như cây thông: Đứng thẳng mình như cây thông, không nghiêng ngã hoặc dưạ bên nầy bên kia.
3- Ngồi như chuông: Ngồi như cái chuông lớn, nặng được treo chắc chắn và không lay động.
4- Nằm như cung: Nên nằm theo thế cát tường,nằm nghiêng phía ben phải, tay phải đặt trên má phải và tay trái để xuôi theo chân trái.
Tám vạn tế hạnh, Tám vạn là con số tròn. Chỉ cho tám vạn bốn ngàn tế hạnh. Số này là do 3000 oai nghi của thân khẩu ý nhân với 7 (thất giác ý; thân 3, khẩu 4) thành 21.000, nhân với 4 (tứ đẳng phần: tham, sân, si, đẳng phần) tức là 84.000.
Ưu-ba-ly trình bày tiếp cho đến tánh nghiệp, giá nghiệp đều được thanh tịnh. ‘Tánh nghiệp’–Direct karma, là chỉ cho bốn giới câm căn bản: sát đạo dâm và vọng ngữ. Bất kì hành vị nào thuộc trong 4 việc nầy đều là sai phạm và phạm giới luật ngay. Nếu có vị nào phạm vào một trong bốn giới nầy, thì đều không còn cơ hội để sám hối nữa. Đó là nói dứt khoát như vậy. Còn nếu có người vi phạm một trong bốn giới nầy mà hết sức thành tâm sửa đổi, thì họ vẫn có được cơ hội.
‘Giá nghiệp’là chỉ cho những hành vi khiến dẫn mình đến việc phạm những giới cấm mà vốn mình suốt đời không được phạm. Chẳng hạn, có người đã thọ năm giới, nhưng thấy mình khó giữ được, có ngày anh ta nghĩ rằng cũng chẳng mất gì nếu mình uống chút rượu. “Tôi hiểu ý nghĩa của việc giữ các giới sát đạo dâm vọng, nhưng tôi nghĩ cũng sẽ chẳng có vấn đề gì nếu phạm vào giới uống rượu.” Anh là lý luận. Thế là anh ta đi ra ngoài và mua rươụ uống. Anh ta trở về nhà với chai rượu trên tay. Nhưng lúc đó thấy ra rằng chẳng có gì để nhắm. “Có gà chiên để đưa cay thì quá tuyệt.” Khi anh nghĩ như vậy, thì con gà từ bên nhà hàng xóm chạy qua sân nhà anh. Liếc nhìn ngang dọc thấy không có ai, anh liền bắt trộm con gà, như vậy là anh ta đã phạm giới ăn cắp. Rồi anh ta cắt cổ gà. lại phạm thêm giới sát sanh.
Mãi mê trong ly rượu và thịt gà, anh thấy người phụ nữ nhà bên đến gần, “Tôi mất con gà.” Cô ta nói, “Anh có thấy nó chạy qua đây không?”
“Tôi chẳng thấy.” Anh lại phạm thêm giới nói dối nưã. Rôid liếc nhìn người phụ nữ, dù cô ta không đẹp lắm, nhưng cũng còn được. Lòng dục anh ta nỗi dậy, anh xâm phạm tiết hạnh cô ấy. Tất cả mọi việc xảy ra chỉ vì phạm giới uống rượu. Đó là cách thức mà nghiệp được tạo ra.
Đó cũng là lý do để nói rằng ăn thịt là phạm vào giới sát. Nếu quý vị không ăn thịt, thì quý vị chẳng có liên quan gì đến lò mổ hay súc vật. Điều nầy tương tự như việc cày xới đất đai, những người nghiêm trì giới luật họ không bao giờ cày xới đất đai, vì nếu làm thế sẽ khiến cho nhiều côn trùng bị chết. Đây là những ví dụ của sự tạo nghiệp.
Ưu-ba-ly giải thích, “Con nghiêm trì giới luật cho đến khi các nghiệp của mình được thanh tịnh. Thân tâm con được vắng lặng, thành bậc A-la-hán. Khi đạt đến chỗ tuyệt đối thanh tịnh, con chứng được Thánh quả.”
Kinh văn:
Nay làm vị cương kỉ trong chúng hội của Như Lai. Chính Đức Phật ấn chứng cho là người con giữ giới tu thân, được đại chúng suy cử là bậc nhất.
Giảng giải:
Nay làm vị cương kỉ trong chúng hội của Như Lai. Ngài là một bậc Thượng toạ. Ngài là mẫu mực cho mọi người, là mô phạm trong giáo pháp. Nhiều người phải học hỏi ở ngài. Giới luật trong chúng là Ưu-ba-ly đứng đầu trong việc nghiêm trì. Chính Đức Phật ấn chứng cho là người con giữ giới tu thân. Thế tôn đích thân ấn chứng cho con giỏi trì giới. Con nghiêm trì giới luật và tu tập trong đó. Con được đại chúng suy cử là bậc nhất. Do đó trong đại chúng, con được xem là người giữ giới bậc nhất.
Kinh văn:
Nay Đức Phật hỏi về viên thông. Con do giữ giới nơi thân mà thân được tự tại, giữ giới ở tâm thì tâm được thông suốt, sau đó thân tâm đều được viên thông tự tại, đó là phương pháp tốt nhất.
Giảng giải:
Nay Đức Phật hỏi về viên thông. Đức Phật muốn biết sự thành tựu đạo nghiệp của từng vị trong chúng hội. Con do giữ giới nơi thân mà thân được tự tại. Con giữ giới để tu dưỡng từ thân. Giữ giới ở tâm thì tâm được thông suốt. Khi con tu tập về thân đến mức độ không phạm những giới liên quan đến thân. Con giữ những giới trong tâm. Những giới luật liên quan đến thân là thuộc về công hạnh của hàng Thanh văn, còn những giới trong tâm là thuộc công hạnh của hàng Bồ-tát. Hàng Bồ-tát không phạm giới dù những giới thuộc về tâm.
Sau đó thân tâm đều được viên thông tự tại. Thân tâm con rất là tự tại và an lạc. Đó là phương pháp tốt nhất. Phương pháp giữ giới để tu tập thân tâm, theo ý kiến của con đó là thù thắng nhất.
VIÊN THÔNG Ý THỨC
Mục-kiền-liên
Kinh văn:
Đại Mục-kiền-liên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Ban đầu con đi khất thực, giữa đường gặp ba anh em Ca-diếp-ba là Ưu-lâu-tần-loa, Già-da, Na-đề, họ giảng nói nghĩa lý thâm diệu của pháp nhân duyên của Như Lai. Con liền phát tâm, được sự thông đạt sâu xa.”
Giảng giải:
Đại Mục-kiền-liên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng. Tên của Mục-kiền-liên có nghĩa là Thái thúc thị–con cháu của dòng họ những người ăn rau đậu. Ngài nói, “Ban đầu con đi khất thực, giữa đường gặp ba anh em Ca-diếp-ba là Ưu-lâu-tần-loa, Già-da, Na-đề.”
Tên của Ưu-lâu-tần-loa (Uruvilvā) có nghĩa là ‘rừng cây papaya.’ Ông được đặt tên nầy là vì thân ông lớn nhanh như thân cây papaya. Già-da (Gaya) là tên một dãy núi, Na-đề (Nadī) là tên một dòng sông. Ba anh em giảng nói nghĩa lý thâm diệu của pháp nhân duyên của Như Lai. Họ bàn luận về giáo pháp của Như Lai, đặc biệt là giáo lý Nhân duyên sinh.
Nhân duyên sở sanh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Thị danh vi giả danh
Diệc thị trung đạo nghĩa.
Khi họ phân tích kỹ lưỡng về giáo lý nầy, Con liền phát tâm, được sự thông đạt sâu xa.”
Trước đó, Xá-lợi-phất đã được nghe bài kệ trên và đã được chứng ngộ, đạt quả vị sơ quả A-la-hán. Ngài liền trở về báo tin cho Mục-kiền-liên, “Hôm nay tôi vừa gặp được các vị tỷ-khưu đệ tử của Đức Phật. Họ có nói cho tôi một bài kệ.”
Khi Xá-lợi-phất đọc lại bài kệ ấy, Mục-kiền-liên cũng chứng ngộ. Cả hai đều đến chỗ Phật xin quy y và đảnh lễ Thế tôn, cầu thỉnh ngài làm bậc Đạo sư của mình. Có vài kinh luận khác nói rằng ngài Xá-lợi-phất gặp tỷ-khưu Mã Thắng (Aśvajit), vị nầy nói cho Xá-lợi-phất bài kệ:
Chư pháp tùng duyên sinh
Chư pháp tùng duyên diệt
Ngã Phật đại sa-môn
Thường tác như thị thuyết.
Bài kệ nầy đã khiến cho Xá-lợi-phất giác ngộ. Nói chung, Xá-lợi-phất đã nghe đệ tử Phật nói về lý nhân duyên và được giác ngộ, cũng như Mục-kiền-liên.
‘Nghĩa lý thâm diệu’ là chỉ cho giáo pháp dạy cho hàng Bồ-tát. Giáo pháp dành cho hàng A-la-hán có nghĩa lý còn đơn giản. Thế nên ‘Nghĩa lý thâm diệu’ là chỉ cho giáo pháp Đại thừa.
Kinh văn:
Như Lai ban cho con y ca-sa đắp trên thân, râu tóc tự rụng. Con có thể đi khắp mười phương mà không ngăn ngại. Có được thần thông, được đại chúng suy cử là đệ nhất, thành bậc A-la-hán.
Giảng giải:
Như Lai ban cho con y ca-sa đắp trên thân, râu tóc tự rụng. Khi con đến trụ xứ của Đức Phật, ngài nói, “Thiện lai! Tỷ-khưu. Hãy để cho râu tóc ông tự rụng và thân được đắp ca-sa.” Nhờ năng lực thần thông cuả Phật mà râu tóc của Mục-kiền-liên sạch ngay sau lời tán thán của Thế tôn. Vào thời đó, những ai quyết định xuất gia, họ liền thực hiện ngay tức khắc, họ không dừng lại để tính toán suy nghĩ. Họ không giống như những người hôm nay, vốn thường do dự, không dứt khoát khi quyết định. Khi râu tóc của Mục-kiền-liên rơi rụng sạch sẽ rồi, ngài liền có hình tướng của một vị tỷ-khưu. Ngài thuật lại: Con có thể đi khắp mười phương mà không ngăn ngại. Mục-kiền-liên là vị có thần thông bậc nhất. Sau khi ngài xuất gia, ngài thành tựu được năng lực thần thông, ngài có thể đi khắp mười phương và thể hiện các tướng biến hoá như ý muốn. Năng lực thần thông của ngài là không ngằn mé, không có gì làm chướng ngại. Có được thần thông, được đại chúng suy cử là đệ nhất, thành bậc A-la-hán.
Kinh văn:
Không chỉ riêng Thế tôn, mà mười phương Như Lai đều tán thán năng lực thần thông của con được thanh tịnh, viên mãn, sáng suốt và không sợ hãi.
Giảng giải:
Không chỉ riêng Thế tôn, mà mười phương Như Lai đều tán thán năng lực thần thông của con. Không riêng chỉ Thế tôn, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, khen tặng con. Chư Phật Như Lai khắp mười phương cũng đều tán dương năng lực thần thông diệu dụng của con. Các ngài khen ngợi năng lực ấy là thanh tịnh, viên mãn, sáng suốt và không sợ hãi.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con xoay ý niệm trở về bản thể tròn đầy sâu lắng, tâm thể sáng suốt được hiển bày, như nước đục lắng trong, lâu ngày thành trong suốt, đó là phương pháp tốt nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông. Nay Đức Phật hỏi chúng đệ tử, những người đang tu tập, họ đã vận dụng công phu theo phương pháp nào mà có được sự chứng ngộ. Con xoay ý niệm trở về bản thể tròn đầy sâu lắng–Con công phu bằng cách quay trở về với tâm thể thanh tịnh sâu lắng–cho đến khi tâm thể sáng suốt được hiển bày. Bản tâm con phát ra anh sáng, như nước đục lắng trong. Như để nước đục lâu ngày cho đến khi trở nên lắng trong. Lâu ngày thành trong suốt. Khi nước đục để lâu ngày, nó tự nhiên được trong suốt. Đó là phương pháp tốt nhất. Con tu tập theo phương pháp xoay ý niệm trở về lại với tánh Như Lai tạng sâu mầu vi diệu. Đó là phương pháp thù thắng nhất.
VIÊN THÔNG BẢY ĐẠI
VIÊN THÔNG HOẢ ĐẠI
Ô-sô-sắc-ma
Kinh văn:
Ô-sô-sắc-ma đến trước Phật, chắp hai tay đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch rằng, “Con thường nhớ trước đây, trong nhiều kiếp xa xưa, tánh con nhiều dâm dục. Có Đức Phật ra đời, hiệu là Không Vương, nói rằng người đa dâm giống như đống lửa dữ, ngài dạy con quán khắp hơi nóng lạnh trên khắp trăm vóc tứ chi. ”
Giảng giải:
Ô-sô-sắc-ma là một vị thần Kim cang hộ pháp. Ngài là một trong những vị mà trong kinh nầy thường gọi là Kim cang Mật tích密迹金, có nghĩa là vị Hộ pháp. Lịch sử của các vị Hộ pháp nầy như sau: Vô lượng kiếp trong quá khứ, có một vị Chuyển luân thánh vương mà người vợ đầu của ông sinh được 1000 người con. Vị Chuyển luân thánh vương nầy là người thấm nhuần Phật pháp. Ông bắt các con của mình rút thăm; và chúng phải tu hành thành Phật theo thứ tự số thăm mà họ đã rút được. Một ngàn vị Phật của kiếp nầy, tức Hiền kiếp, chính là những con trai của Chuyển luân thánh vương ấy.
Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni (Kanakamuni Buddha) thành vị Phật đầu tiên, và Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là vị Phật thứ tư của Tinh tú kiếp. Có tên gọi như vậy là vì đó là lúc mà chư Phật và Hiền thánh xuất hiện ở thế gian.
Người vợ khác của Chuyển luân thánh vương có hai người con trai. Người anh phát nguyện rằng khi 1000 người anh của mình đã thành Phật hết rồi, sẽ đi đến quốc độ của họ để cúng dường. Người em phát nguyện khi 1000 người anh của mình đã thành Phật, sẽ đến để hộ trì cho họ–người nầy chính là Kim cang Lực sĩ.
Tại sao ở đây lại nói đến trước Phật chứ không nói từ chỗ ngồi đứng dậy? Là vì Kim cang Lực sĩ là thần Hộ pháp, và thần Hộ pháp thì không thể ngồi khi có sự hiện hữu của chư Phật. Họ phải đứng. Họ không được phép ngồi trong chúng hội của chư Phật. Như loài ma, không những họ không được phép ngồi mà thậm chí còn không được phép đứng. Họ phải quỳ. Các vị Hộ pháp phải quỳ khi nghe giảng pháp. Trong các pháp hội giảng kinh, có rất nhiều loài ma quỷ đang quỳ quanh đây để nghe giảng kinh. Nếu quý vị không thể thấy được chúng, đó là do quý vị không học được cách nói như tôi dành cho chúng. Quý vị có thể hỏi những vị đệ tử của tôi đã được khai ngũ nhãn. Họ sẽ nói cho quý vị nghe.
Ô-sô-sắc-ma đến trước Đức Phật chắp hai tay đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch rằng, “Con thường nhớ trước đây, trong nhiều kiếp xa xưa, tánh con nhiều dâm dục. Người nầy có lòng dâm dục rất mạnh. Ông ta bị ám ảnh bởi phụ nữ. Có lẽ ông ta bị di truyền tính nầy từ người cha của ông, là vị Chuyển luân thánh vương, có lòng dâm dục rất mạnh. “Lúc ấy, Có Đức Phật ra đời, hiệu là Không Vương, ngài dạy Phật pháp cho con, ngài nói rằng người đa dâm giống như đống lửa dữ. Trong tương lai họ sẽ bị đoạ vào địa ngục và bị thiêu đốt bởi lửa dữ. Đức Phật Không Vương dạy con quán khắp hơi nóng lạnh trên khắp trăm vóc tứ chi.”
Tại sao con người lại có lòng dâm dục mạnh mẽ? Vì nó đến từ ‘lửa dục–fire of desire’ trong thân thể. Thế nên Đức Phật Không Vương– King of Emptiness, đã dạy Ô-sô-sắc-ma xoay trở lại tánh sáng suốt và nhìn vào tính lửa trong thân thể. Ô-sô-sắc-ma đã thấy được lửa dục trong mình.
Kinh văn:
Được giác tánh sáng suốt ngưng lặng bên trong, tâm đa dâm hoá thành lửa trí huệ. Từ đó, mỗi khi chư Phật triệu mời con, thường gọi là Hoả đầu.
Giảng giải:
Con quán sát tính lửa trong thân con, sau một thời gian, con ghê tởm nó và được báo động về nó. Con không còn thích những niệm tưởng dâm dục nữa, con dần dần xa lìa được chúng. Khi nó đã không còn nữa, thì con Được giác tánh sáng suốt ngưng lặng bên trong.” Ô-sô-sắc-ma phát ra tánh sáng suốt từ bên trong, tâm đa dâm hoá thành lửa trí huệ. Có sự chuyển hoá xảy ra từ tâm niệm ám ảnh bới dâm dục; nó đã chuyển thành lửa trí huệ. Từ đó, mỗi khi chư Phật triệu mời con, thường gọi là Hoả đầu. Chư Phật thường gọi Ô-sô-sắc-ma là Hoả đầu Kim cang.
Kinh văn:
Con dùng sức hoả quang tam-muội mà thành A-la-hán. Tâm phát nguyện lớn rằng khi chư Phật thành đạo, con sẽ làm vị lực sĩ thân cận chư Phật, hàng phục ma oán.
Giảng giải:
Con dùng sức hoả quang tam-muội mà thành A-la-hán. Tâm phát nguyện lớn rằng khi chư Phật thành đạo, con sẽ làm vị lực sĩ thân cận chư Phật, hàng phục ma oán.
Khi 1000 Đức Phật trong Hiền kiếp đã thành tựu đạo nghiệp, con phát nguyện sẽ làm vị Kim cang Đại lực sĩ, là Đại Hộ pháp, để uốn dẹp mọi tà ma ngoại đạo.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con dùng pháp quán sát hơi ấm nơi thân tâm đều lưu thông không ngăn ngại. Khi các lậu hoặc đã tiêu trừ, liền phát ra lửa đại trí huệ quý báu, được bậc giác ngộ vô thượng. Đó là đệ nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi các đệ tử về viên thông, con dùng pháp quán sát hơi ấm nơi thân tâm đều lưu thông không ngăn ngại. Khi các lậu hoặc đã tiêu trừ. Kết quả là hơi nóng trong thân đã chuyển thành lửa trí huệ, và tự tánh trong tâm là vô ngại thông suốt. Nó đốt cháy sạch mọi lậu hoặc của con, và liền phát ra lửa đại trí huệ quý báu, được bậc giác ngộ vô thượng. Đó là đệ nhất.
VIÊN THÔNG ĐỊA ĐẠI
Trì Địa Bồ-tát
Kinh văn:
Trì Địa Bồ-tát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nhớ vào kiếp trước, khi Đức Phật Phổ Quang Như Lai ra đời, con là tỷ-khưu thường ở những nơi đường sá, bến đò, đất đai hiểm trở, eo hẹp, không được an toàn; đề phòng cho sự tổn hại đến xe ngựa, con đều san bằng, con làm cầu hoặc đắp đất. ”
Giảng giải:
Trì Địa Bồ-tát– Maintaining the Ground, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nhớ vào kiếp trước, khi Đức Phật Phổ Quang Như Lai ra đời, con là tỷ-khưu thường ở những nơi đường sá, bến đò
Khi Đức Phật Phổ Quang Như Lai thị hiện trên đời, con xuất gia làm vị tỷ-khưu, thường phát tâm sửa sang những đoạn đường hiểm trở. “Bến đò–tân khẩu” ở đây là chỉ cho các khúc sông cạn, nơi mà các dòng suối chảy qua đường đi. Ngài Trì Địa Bồ-tát liền lấy cây gỗ ngăn dòng chảy lại để cho người dễ dàng qua lại. Ngài còn sửa sang những chỗ đất đai hiểm trở, eo hẹp, không được an toàn. Có khi trên mặt đất bỗng nhiên bị lún sâu hoặc gồ ghề, không đủ rộng và an toàn để đi qua được. Đây là những nơi cần sửa sang. Đề phòng cho sự tổn hại đến xe ngựa, con đều san bằng, con làm cầu hoặc đắp đất. ”
Con san phẳng mặt đường, nếu chỗ ấy bị lún và nhiều ổ gà, con sẽ lấp bằng chúng. Nếu chỗ ấy gồ ghề, con sẽ san bằng chúng. Con làm cho mặt đường bằng phẳng.
Kinh văn:
Con siêng năng khó nhọc như vậy, trải qua vô số chư Phật ra đời. Hoặc có chúng sinh, ở nơi chợ triền cần người mang đồ vật, trước hết con mang giúp cho họ, đến nơi để đồ vật xuống, con liền đi ngay, không nhận tiền công.
Giảng giải:
Con siêng năng khó nhọc như vậy, trải qua vô số chư Phật ra đời.
“Việc khó nhọc như vậy” là chỉ cho các việc như gánh đất, làm cầu đường. Trì Địa Bồ-tát tiếp tục làm những công việc như vậy đời nầy sang đời khác.
Hoặc có chúng sinh, ở nơi chợ triền cần người mang đồ vật, trước hết con mang giúp cho họ, đến nơi để đồ vật xuống.
Nếu có người bán rong dọc phố chợ, cần người mang vác hàng hoá, con sẽ mang giúp cho họ, hoặc là mang trên lưng hoặc đội trên đầu, hoặc xách trên tay. Khi mang đến nơi họ yêu cầu, con đặt hàng hóa xuống. Con liền đi ngay, không nhận tiền công. Có nghĩa là Trì Địa Bồ-tát không những chẳng đòi tiền công mang vác mà còn từ khước những lời cảm ơn của họ. Đây là một dạng tu tập khổ hạnh mà Trì Địa Bồ-tát đã từng làm.
Kinh văn:
Khi đó vào thời Đức Phật Tì-xá-phù ra đời, thế gian phần nhiều đói kém, con cõng giúp người không kể gần xa, mà chỉ nhận một tiền. Hoặc có xe trâu mắc phải sình lầy, con dùng sức mạnh đẩy xe lên, giúp họ khỏi khổ não.
Giảng giải:
Khi đó vào thời Đức Phật Tì-xá-phù ra đời, thế gian phần nhiều đói kém. Người ta không có gì để ăn. Tì-xá-phù có nghĩa là Biến nhất thiết tự tại. Khi nạn đói xảy ra, mọi người đều di tản từng đoàn, tìm cách ra khỏi vùng bị nạn đói đe doạ. Có người trên đường di cư quá yếu không thể đi nỗi, nên Trì Địa Bồ-tát phải cõng họ đi. Con cõng giúp người không kể gần xa, mà chỉ nhận một tiền. Bất luận đó là đoạn đường ngắn hay dài, ngài luôn luôn nhận một khoản tiền nhất định–chỉ một đồng tiền. “Con không nhận nhiều hơn, hoặc có xe trâu mắc phải sình lầy, con dùng sức mạnh đẩy xe lên, giúp họ khỏi khổ não.” Khi trời mưa lớn, nước chảy tràn qua mặt đường gây nên sình lầy rất dày khiến người xe khó đi. Khi xe trâu cố đi qua, nó sẽ bị mắc lầy. Trì Địa Bồ-tát nói rằng ngài sẽ dùng sức mạnh–năng lực tinh thần, để đẩy giúp xe ra khỏi sình lầy, thoát khỏi tình trạng khó xử.
Kinh văn:
Lúc ấy trong nước có vị quốc vương thiết trai cúng dường Đức Phật, con liền sửa sang đường đất bằng phẳng đón Phật đi qua. Tì-xá-phù Như Lai xoa đầu con nói rằng, “Nên bình tâm địa, thì tất cả đất đai trên thế giới đều được an bình.”
Giảng giải:
Lúc ấy trong nước có vị quốc vương thiết trai cúng dường Đức Phật. Quốc vương là một Phật tử thâm tín chư Phật, vua thỉnh Đức Phật đến để cúng dường. Lúc đó, con liền sửa sang đường đất bằng phẳng đón Phật đi qua. Trên đường Đức Phật sẽ đi qua, con sửa sang lại cho bằng phẳng những nơi gồ ghề. Tì-xá-phù Như Lai xoa đầu con nói rằng, “Nên bình tâm địa, thì tất cả đất đai trên thế giới đều được an bình.”
Khi tâm địa được an bình, thì mọi đất đai trên thế giới tự nhiên sẽ đều bằng phẳng cả. Trì Địa Bồ-tát đã làm việc như vậy một thời gian rất dài để san bằng mặt đất, vốn là nền tảng để thực hiện mọi sự bình đẳng. Nhưng Trì Địa Bồ-tát đã làm bằng phẳng các hiện tượng bên ngoài, trong khi cơ bản là trong tâm tánh mình thì ngài chưa làm được. Nên Đức Phật Tì-xá-phù dạy Trì Địa Bồ-tát hãy làm bình tâm địa của chính mình, vì một khi bình được tâm địa của mình rồi, thì các mặt đất trên thế gian đều được bằng phẳng cả. Tâm địa chính là bản tâm của mình.
Kinh văn:
Tâm con liền được khai ngộ, thấy vi trần nơi thân cùng với vi trần tạo nên thế giới vốn chẳng sai biệt. Tự tánh của vi trần không cọ xát nhau, cho đến đao binh cũng không đụng chạm được gì.
Giảng giải:
Khi con nghe nơi Đức Phật Tì-xá-phù dạy về phương pháp nầy, tâm con liền được khai ngộ, con liền được giác ngộ, thấy vi trần nơi thân cùng với vi trần tạo nên thế giới vốn chẳng sai biệt. Thân thể con vốn được tạo thành bởi vô số vi trần, chẳng có gì khác hơn, và nó cũng giống như các vi trần tạo nên các thứ khác trong thế giới. Tự tánh của vi trần không cọ xát nhau. Chúng không xúc chạm lẫn nhau. Cho đến đao binh cũng không đụng chạm được gì. Ngay cả gươm đao cũng chẳng cắt đứt được chúng, thế nên nó chẳng làm hại gì được đến thân thể của mình, vì thân thể của mình cũng đều là rỗng không. Con vốn chẳng có ngã tướng.
Kinh văn:
Con do nơi pháp tánh mà ngộ vô sanh nhẫn, thành bậc A-la-hán. Nay hướng tâm thể nhập Bồ-tát đạo. (Trong pháp hội) nghe các Đức Như Lai giảng bày Tri kiến Phật như Diệu liên hoa, con liền được chứng minh là vị thượng thủ.
Giảng giải:
Con do nơi pháp tánh mà ngộ vô sanh nhẫn, thành bậc A-la-hán. Nay hướng tâm–hồi tiểu hướng đại– thể nhập Bồ-tát đạo. (Trong pháp hội) nghe các Đức Như Lai giảng bày Tri kiến Phật như Diệu liên hoa, có nghĩa là Diệu pháp đại định Thủ-lăng-nghiêm, con liền được chứng minh là vị thượng thủ. Con được ấn chứng đã thể nhập được pháp môn nầy.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con do quán sát kỹ về hai thứ trần nơi thân và thế giới đều không sai biệt, vốn là tánh Như Lai tạng, hư vọng phát ra trần tướng. Khi trần tướng tiêu sạch, thì trí huệ được viên mãn, thành đạo vô thượng, Đó là thứ nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông, con do quán sát kỹ về hai thứ trần nơi thân và thế giới dều không sai biệt. Chẳng có gì sai khác giữa thân tâm và thế giới. Con quán sát thấy rằng tất cả đều vốn là tánh Như Lai tạng, hư vọng phát ra trần tướng. Trần tướng phát sinh trong cái hư vọng. Khi trần tướng tiêu sạch, thì trí huệ được viên mãn, thành đạo vô thượng. Đó là phương pháp hay nhất.
VIÊN THÔNG THUỶ ĐẠI
Nguyệt Quang đồng tử
Kinh văn:
Nguyệt Quang đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nhớ hằng hà sa kiếp từ trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Thuỷ Thiên, dạy cho các hàng Bồ-tát tu pháp quán về nước để nhập chánh định. ”
Giảng giải:
Nguyệt Quang đồng tử nhập đạo khi còn tuổi thiếu niên. Ngài xuất gia khi còn nhỏ tuổi. Tuy nhiên, bây giờ, khi ngài trình bày về viên thông, thì ngài không còn là một đồng tử nữa, mà là một vị trưởng lão trong hàng Bồ-tát. Đại chúng gọi người là Đồng tử vì ngài nhập đạo khi còn nhỏ tuổi và hoàn toàn thanh tịnh. Ngài Nguyệt Quang đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nhớ hằng hà sa kiếp từ trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Thuỷ Thiên, dạy cho các hàng Bồ-tát tu pháp quán về nước để nhập chánh định.” Ngài tu tập chánh định bằng cách quán tưởng về nước.
Kinh văn:
Quán sát trong thân, tính nước không xâm đoạt lẫn nhau. Ban đầu từ nước mũi, nước dãi, cho đến các thứ tân dịch tinh huyết, đại tiện, nước tiểu, châu lưu trong thân đều cùng một thể tính. Con quán sát thấy nước trong thân cùng nước trong các biển hương thuỷ trong quốc độ của Phù Tràng Vương đều không sai biệt.
Giảng giải;
Quán sát trong thân, tính nước không xâm đoạt lẫn nhau–nó không xung đột lẫn nhau. Ban đầu từ nước mũi, nước dãi, cho đến–quán sát chi tiết các thứ tân dịch tinh huyết, đại tiện, nước tiểu, châu lưu trong thân đều cùng một thể tính. Nó chảy luân lưu khắp cơ thể bắt đầu và kết thúc liên tục như chúng luân lưu. Suốt khắp các bộ phận, bản tính của nước là cùng một thể. Con quán sát thấy nước trong thân cùng nước trong các biển hương thuỷ trong quốc độ của Phù Tràng Vương đều không sai biệt. quốc độ của Phù Tràng Vương là chỉ cho nền tảng của núi Tu-di (s: sumeru). Tất cả các thứ nước đều có thể tính giống nhau. Chẳng có gì khác biệt giữa chúng.
Kinh văn:
Lúc ấy, ban đầu con mới thành tựu được phép quán nầy, chỉ thấy được nước, chưa đạt được chỗ không thấy có thân.
Giảng giải:
Lúc ấy, ban đầu con mới thành tựu được phép quán nầy, chỉ thấy được nước. Tất cả các thứ nước trong thân con đều hợp nhất thành một, và nước trong thân cùng nước ngoài thế giới cũng hoà thành một. Nhưng con chưa đạt được chỗ không thấy có thân. Con vẫn thấy mình còn có thân. Con chưa chứng được cảnh giới thấy mình chẳng có thân.
Kinh văn:
Lúc ấy con là vị tỷ-khưu đang ngồi thiền trong thất. Có vị đệ tử khi nhìn qua cửa sổ, thấy trong phòng chỉ toàn nước trong, chứ không thấy gì khác.
Giảng giải:
Lúc ấy con là vị tỷ-khưu đang ngồi thiền trong thất. Con đang ngồi toạ thiền trong thất, quán tưởng về nước–Có vị đệ tử khi nhìn qua cửa sổ, thấy trong phòng chỉ toàn nước trong, chứ không thấy gì khác. Chú đệ tử chuyên quét sân, lau nhà, nấu ăn, hộ thất cho vị tỷ-khưu. “Ngày nọ chú nhìn vào trong thất nhưng chẳng thấy gì ngoài nước đang tràn ngập cả căn phòng. Ngoài nước ra chẳng thầy gì khác.”
Kinh văn:
Đồng tử không biết, lấy miếng ngói ném vào trong nước, rơi xuống nước phát ra tiếng, chú nhìn quanh rồi bỏ đi. Sau khi con xuất định, mới thấy đau tim, như Xá-lợi-phất bị quỷ Vi hại đánh.
Giảng giải:
Đồng tử không biết, lấy miếng ngói ném vào trong nước. Chú đệ tử còn nhỏ tuổi và chưa hiểu biết gì nhiều. Chú lấy viên gạch ném vào trong phòng đầy nước. Rơi xuống nước phát ra tiếng, chú nhìn quanh rồi bỏ đi. Chú đứng đó nhìn quanh một lát và tự hỏi, “Thầy mình ngồi thành trong phòng, tại sao trong phòng ngập đầy nước?” Rồi chú ném viên gạch vào trong nước, nhìn quanh, rồi bỏ đi. Sau khi con xuất định, mới thấy đau tim, như Xá-lợi-phất bị quỷ Vi hại đánh.
Nguyệt Quang đồng tử nhớ đến lúc Xá-lợi-phất đang nhập định, có hai con quỷ từ trên không đi đến. Một con tên là Vi Hại 違害鬼, một con tên là Phục Hại–復害鬼. Quỷ Vi Hại nói với quỷ Phục Hại, “Nếu ta đánh vào đầu vị sa-môn đó thì sao nhỉ–người đang ngồi thiền đó?”
Quỷ Phục Hại nói, “Đừng! Không nên đánh một vị sa-môn. Tốt nhất là không nên quấy rối người đang tu đạo.” Sau khi Quỷ Phục Hại đi rồi, Quỷ Vi Hại không nghe lời khuyên, nó lấy khúc cây đánh vào đầu Xá-lợi-phất. Khi Xá-lợi-phất xuất định, ngài nghĩ rằng, “mình đã chứng quả A-la-hán, mình chẳng còn bệnh, tại sao đầu đau như thế nầy?” Rồi ngài đến thưa hỏi Đức Phật chuyện ấy.
Đức Phật bảo, “Ông vừa bị quỷ Vi Hại đánh vào đầu, quả báo là nó sẽ bị đoạ vào địa ngục vô gián–tức địa ngục A-tì. Sức lực của nó rất mạnh có thể khiến cho núi Tu-di vỡ đôi. Rất may, nhờ ông có định lực. Nếu không ông đã bị nát thành bụi.” Đó là lí do Xá-lợi-phất bị nhức đầu. Bây giờ chú đệ tử của Nguyệt Quang đồng tử ném viên ngói vào trong nước do ông quán tưởng khi nhập định, và khi ông xuất định, tim ông thấy bị đau.
Kinh văn:
Con tự nghĩ, nay con đã thành bậc A-la-hán, đã lâu không còn bệnh duyên, tại sao hôm nay bỗng dưng đau tim? Phải chăng đã bị thối thất?
Giảng giải:
Bồ-tát Nguyệt Quang tự nghĩ, nay con đã thành bậc A-la-hán, đã lâu không còn bệnh duyên. Con không mắc bệnh, thế tại sao hôm nay bỗng dưng đau tim? Phải chăng đã bị thối thất? Có phải con đã mất quả vị A-la-hán mà con đã chứng được? Có phải con đã lui sụt sự phát tâm từ ban đầu?
Kinh văn:
Lúc bấy giờ, chú đệ tử đi đến, kể lại những việc như trước. Con bảo chú rằng, về sau khi nào lại thấy nước trong phòng thì hãy mở cửa, vào trong nước lấy viên ngói ra. Chú đệ tử theo lời con dặn, khi con nhập định, chú thấy viên ngói trong nước rõ ràng. Chú mở cửa vào lấy viên ngói đi. Sau khi con xuất định, thân thể bình thường như trước.
Giảng giải:
Lúc bấy giờ, chú đệ tử đi đến, kể lại những việc như trước. Con bảo chú rằng, về sau khi nào lại thấy nước trong phòng thì hãy mở cửa, vào trong nước lấy viên ngói ra. Chú đệ tử theo lời con dặn, khi con nhập định, chú thấy viên ngói trong nước rõ ràng.
Khi Bồ-tát Nguyệt Quang nhập định, chú đệ tử lại thấy trong nước có viên ngói rõ ràng. Chú mở cửa vào lấy viên ngói đi. Chú đi vào phòng và nhặt viên ngói ra. Sau khi con xuất định, thân thể bình thường như trước. Tim con không còn thấy đau nữa.
Kinh văn:
Con đã gặp được vô lượng chư Phật, cho đến khi gặp Đức Sơn Hải Tự Tại Thông Vương Như Lai, con mới chứng được không thân, cùng với thể tánh của nước biển hương thuỷ trong mười phương cùng thể nhập với chân không, chẳng hai chẳng khác. Nay ở trong pháp hội của Như Lai, con được danh hiệu là Đồng chân, được dự vào chúng hội của hàng Bồ-tát.
Giảng giải:
Con đã gặp được vô lượng chư Phật, cho đến khi gặp Đức Sơn Hải Tự Tại Thông Vương Như Lai. Con tu tập theo pháp quán nước như vậy trải qua vô số vô lượng chư Như Lai. Cho đến khi Đức Phật Sơn Hải Tự Tại Thông Vương Như Lai thị hiện ra đời, con mới chứng được không thân. Đến mức độ trong định khi quán tưởng về nước, con thấy nước ở bên ngoài và nước trong thân con là đồng một thể, và thân con biến mất. Cùng với thể tánh của nước biển hương thuỷ trong mười phương cùng thể nhập với chân không, chẳng hai chẳng khác.
Khi Bồ-tát Nguyệt Quang thành tựu đại định do thuỷ quán, ngài thấy thể tánh mình đồng nhất với thể tánh của nước.
Nay ở trong pháp hội của Như Lai, con được danh hiệu là Đồng chân, được dự vào chúng hội của hàng Bồ-tát.
Nay đối trước Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, con công nhận là Đồng chân nhập đạo và được dự trong chúng hội của hàng Bồ-tát.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con do quán tánh nước lưu thông thuần một vị, nên chứng được vô sinh nhẫn, viên mãn đạo quả bồ-đề. Đây là phương pháp thứ nhất.
Giảng giải:
Nay Đức Phật hỏi các đệ tử về phương pháp tu tập để đạt viên thông mà họ đã được thành tựu. Con do quán tánh nước lưu thông thuần một vị. Con dùng pháp quán tánh nước–về thể tánh cuả nước–nhận ra tánh nước chỉ thuần một vị châu lưu khắp mọi nơi. Nên chứng được vô sinh nhẫn, viên mãn đạo quả bồ-đề. Đây là phương pháp thứ nhất. Theo ý kiến của con, quán nước là phương pháp thù thắng nhất.
VIÊN THÔNG PHONG ĐẠI
Lưu Ly Quang Pháp vương tử
Kinh văn:
Lưu Ly Quang Pháp vương tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Thanh, ngài khai thị cho hàng Bồ-tát tính bản giác diệu minh. Ngài dạy quán sát thế giới nầy và thân chúng sinh đều là do sức lay động của nhân duyên hư vọng mà ra.”
Giảng giải:
Lưu Ly Quang Pháp vương tử. Lưu Ly (s: Vaiḍūrya) là ngọc quý màu xanh. Pháp vương tử là danh hiệu để gọi hàng Bồ-tát. Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Thanh. Đức Phật hiệu Vô Lượng Thanh ngài khai thị cho hàng Bồ-tát tính bản giác diệu minh. Ngài dạy quán sát thế giới nầy và thân chúng sinh đều là do sức lay động của nhân duyên hư vọng mà ra.”
Lưu Ly Quang Pháp vương tử thành tựu đạo quả nhờ vào phong đại.
Kinh văn:
Lúc ấy, con quán sự an lập của thế giới, quán sự thiên lưu của thời gian, quán thân khi động khi yên, quán tâm khi khởi khi diệt. Thấy các tính động ấy đều bình đẳng như nhau, vốn không sai biệt.
Giảng giải:
Lúc ấy, con quán sự an lập của thế giới, có nghĩa là, các hiện tượng trong thế giới, các thế giới hệ– world-system– được hình thành như thế nào. Con quán sự thiên lưu của thời gian. Con quán sát các thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Con quán thân khi động khi yên, quán tâm khi khởi khi diệt. Ngay khi niệm tưởng vừa sinh khởi trong tâm, chúng ta đã tạo nên lực lay động của gió ngay trong tâm. Một khi có sức lay động của gió trong tâm, thì liền có nhiều loại gió bên ngoài sanh khởi. Thấy các tính động ấy đều bình đẳng như nhau. Thể tính và tướng trạng của các thứ lay động ấy đều vốn không sai biệt.
Kinh văn:
Bấy giờ con nhận ra các tánh lay động ấy, đến không do đâu, đi chẳng về đâu. Mười phương chúng sinh điên đảo nhiều như số vi trần đều đồng một tính hư vọng.
Giảng giải:
Bấy giờ con nhận ra các tánh lay động ấy, đến không do đâu, đi chẳng về đâu. Lúc ấy, con đã giác ngộ rõ ràng thể tính của sự lay động ấy. Mười phương chúng sinh điên đảo nhiều như số vi trần đều đồng một tính hư vọng. Chúng đều là hư vọng, chúng được tạo ra từ một tính hư vọng như nhau.
Kinh văn:
Như thế cho đến hết thảy chúng sinh trong một tam thiên đại thiên, cũng như hằng trăm loài muỗi mòng có trong đồ chứa, kêu vo ve ẫm ĩ, ở trong gang tấc, ồn ào rối rít. Con gặp Phật chưa bao lâu, liền được vô sinh pháp nhẫn.
Giảng giải:
Như thế cho đến hết thảy chúng sinh trong một tam thiên đại thiên–cứ như vậy, từ một thế giới cho dến một tiểu thiên thế giới, cho đến 1000 tiểu thiên thế giới, có nghĩa là một trung thiên thế giới và cứ như thế cho đến một đại thiên thế giới. Suốt tất cả tam thiên đại thiên thế giới, cũng như hằng trăm loài muỗi mòng có trong đồ chứa, kêu vo ve ẫm ĩ. Chúng sinh trong các cõi ấy cũng giống như vô số muỗi mòng bị nhốt trong cái hũ, Mỗi con muỗi trong ấy đều kêu vo ve loạn xạ. Chúng bị nhốt trong gang tấc, ồn ào rối rít. Trong mỗi không gian rất nhỏ, chúng kêu la rối rít. Con quán sát theo cách nầy, và chẳng bao lâu sau khi con gặp Phật, liền được vô sinh pháp nhẫn.
Kinh văn:
Bấy giờ tâm con khai ngộ, mới thấy được cõi Phật Bất động ở phương đông. Con thành vị Pháp vương tử, thừa sự mười phương Phật. Thân tâm phát ra ánh sáng rỗng suốt không ngăn ngại.
Giảng giải:
Bấy giờ tâm con khai ngộ, mới thấy được cõi Phật Bất động ở phương đông. Con tập trung công phu tu tập theo phương pháp nầy một thời gian rất lâu , không để cho một niệm hư vọng xen vào. Cuối cùng, con được giác ngộ, tâm con khai mở, và con có thể thấy được Đức Phật Bất động Dược sư Như Lai ở phương đông. Ngài còn được gọi là Bất động Phật và Kim cang Phật. Còn thành vị Pháp vương tử ở quốc độ ấy, và con thừa sự mười phương Phật. Thân tâm phát ra ánh sáng rỗng suốt không ngăn ngại. Con tiếp tục công phu tu tập cho đến khi tâm con phát sáng và thân cũng phát sáng. Nó xuyên suốt lẫn nhau và hoàn toàn không ngăn ngại.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con do quán sát sức lay động của gió vốn không nương vào đâu, nên ngộ ra tâm bồ-đề, thể nhập vào chánh định. Hợp với diệu tâm của chư Phật trong mười phương đã truyền dạy. Đó là phương pháp tốt nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông, con do quán sát sức lay động của gió vốn không nương vào đâu.
Có nghĩa là, gió vốn không có tự thể riêng của nó –không có tự tánh. Từ đó, nên con ngộ ra tâm bồ-đề, thể nhập vào chánh định. Hợp với diệu tâm của chư Phật trong mười phương đã truyền dạy. Con nhận được pháp môn truyền tâm ấn của chư Phật. Đó là phương pháp tốt nhất. Pháp môn quán sát tính bất động của gió là phương pháp hay nhất. Con nghĩ như vậy. Con đã thành tựu đạo quả bằng cách quán chiếu phong đại.
VIÊN THÔNG KHÔNG ĐẠI
Hư Không Tạng Bồ-tát
Kinh văn:
Hư Không Tạng Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con cùng Đức Như Lai chứng được vô biên thân nơi Đức Phật Định Quang.”
Giảng giải:
Hư Không Tạng Bồ-tát thành tựu đạo quả bằng cách quán chiếu không đại là một trong bảy đại đã nói đến trước đây. Bây giờ ngài Hư Không Tạng Bồ-tát thuật lại phương pháp quán chiếu về không đại.
Hư Không Tạng Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con cùng Đức Như Lai chứng được vô biên thân nơi Đức Phật Định Quang.”
Như Lai ở đây là chỉ cho Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Hư Không Tạng Bồ-tát là chỉ cho thân thể giống như hư không–vô biên, không ngằn mé. Đức Phật Định Quang là chỉ cho Nhiên Đăng Phật. Khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tu hành vào đại a-tăng-kỳ kiếp thứ hai, ngài được Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký sẽ thành Phật.
Kinh văn:
Lúc ấy tay con cầm bốn hạt châu lớn, chiếu sáng khắp mười phương cõi Phật nhiều như vi trần, và biến các cõi nước ấy thành hư không.
Giảng giải:
Lúc ấy, là khi Hư Không Tạng Bồ-tát đã chứng được vô biên thân. Con cầm–Ngài có trong tay bốn hạt châu lớn, chiếu sáng khắp mười phương cõi Phật nhiều như vi trần, và biến các cõi nước ấy thành hư không. Việc nầy diễn ra trong vô lượng cõi nước của chư Phật nhiều như vi trần.
Kinh văn:
Lại trong tự tâm hiện ra đại viên kính trí, trong đó phóng ra 10 loại hào quang báu vi diệu, đều soi khắp cùng tận hư không khắp mười phương.
Giảng giải:
Hư Không Tạng Bồ-tát, từ trong chân tâm thường trú hiện ra đại viên kính trí. Kính nầy biểu tượng cho đại trí huệ. Khi thức thứ 8 được chuyển thành thanh tịnh, thì nó trở thành đại viên kính trí. Trong đó phóng ra 10 loại hào quang báu vi diệu, đều soi khắp cùng tận hư không khắp mười phương. Ánh sáng hào quang rất rực rỡ, chiếu khắp cùng tận hư không ở mười phương.
Kinh văn:
Các cõi nước Phù tràng vương đều hiện ra trong kính nầy và nhập vào thân con. Thân con đồng như hư không, không phương ngại lẫn nhau.
Giảng giải:
Các cõi nước Phù tràng vương–có nghĩa là, các Phật độ– đều hiện ra trong kính nầy và nhập vào thân con. Hư Không Tạng Bồ-tát đều gom vào trong kính tất cả các quốc độ của chư Phật trong cùng tận hư không, khắp 10 pháp giới. Khi các quốc độ ấy hiện ra trong gương, chúng liền nhập vào thân ngài. Thân con đồng như hư không, không phương ngại lẫn nhau. Thân của ngài Hư Không Tạng Bồ-tát tự nó là hư không, hư không chính là thân ngài. Tuyệt đối chẳng có gì khác biệt nhau giữa thân ngài và hư không.
Kinh văn:
Thân con khéo nhập vào các quốc độ nhiều như vi trần. Làm nhiều Phật sự, được sự tuỳ thuận.
Giảng giải:
Hư Không Tạng Bồ-tát nhận ra rằng thân mình chính là hư không. Do vậy, chẳng có gì ranh giới để phân biệt giữa hai thực thể ấy, và cũng chẳng có gì phương ngại giữa chúng. Chúng dung thông nhau. Từ ý nghĩa đó, thân con khéo nhập vào các quốc độ nhiều như vi trần. Làm nhiều Phật sự, được sự tuỳ thuận.
Thân của ngài Hư Không Tạng Bồ-tát rộng khắp nhiều quốc độ. Ngài sẽ làm gì khi ngài có thể đi đến khắp các cõi nước như vậy? Ngài phụng sự các Đức Phật. Ngài làm việc ấy như thế nào? Ngài chuyển các việc làm ở thế gian thành Phật sự. Ngài có được sự tuỳ thuận, có nghĩa là ngài đạt được năng lực lớn nhất để tuỳ thuận, hoà hiệp với chúng sinh.
Kinh văn:
Có được thần lực lớn nầy là do con quán chiếu rõ ràng, thấy tứ đại không nương vào đâu, do vọng tưởng mà có sanh diệt. Hư không vốn chẳng phải hai, quốc độ Phật vốn đồng nhau. Do thấy được thể tính đồng mà được vô sinh pháp nhẫn.
Giảng giải:
Có được thần lực lớn nầy–năng lực tuỳ thuận tất cả chúng sinh–là do con quán chiếu rõ ràng, thấy tứ đại không nương vào đâu. Con chiêm nghiệm và quán chiếu thật chi tiết về bốn đại: đất, nước, lửa, gió, đều không có tự thể. Chúng chẳng y cứ vào một cái gì cả. Con nhận ra rằng, do vọng tưởng mà có sanh diệt. Hư không vốn chẳng phải hai. Do hư vọng mà khởi dậy có phân biệt sinh tử. Con quán chiếu thấy được rằng, thân thể con vốn chẳng khác biệt với hư không. Ngay cả các quốc độ Phật cũng đồng nhau. ‘Đồng’ có nghĩa là các cõi nước của chư Phật, vốn cũng là không. Chính Bồ-tát Hư Không Tạng nhận ra các pháp đều vốn là không. Ngài xoay chuyển các pháp đều quy về hư không, gồm cả những nơi là cõi nước của chư Phật và cả những nơi chẳng phải là cõi nước của chư Phật. Do thấy được thể tính đồng mà được vô sinh pháp nhẫn. Con nhận ra tính không nầy, và điều thực chứng ấy đã khiến cho con đạt được vô sinh pháp nhẫn.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con do quán chiếu hư không vốn không ngằn mé, nên được thể nhập vào chánh định, có được diệu lực viên minh. Đây là phương pháp tốt nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông, con do dùng năng lực quán chiếu hư không vốn không ngằn mé. Vì hư không chẳng có ranh giới, nên thấy thân thể con cũng trở nên không có ranh giới. Từ sự quán chiếu về hư không, mà con nhập được vào chánh định–hư không định và con chứng được diệu lực viên minh. Hư không định nầy vô cùng vi diệu. Năng lực của định nầy hoàn toàn viên mãn và sáng suốt. Đây là phương pháp tốt nhất. Do vậy nên đối với con, Bồ-tát Hư Không Tạng, như con đã từng tu tập, thấy đây là phương pháp thù thắng nhất.
VIÊN THÔNG THỨC ĐẠI
Di-lặc Bồ-tát
Kinh văn:
Di-lặc Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nhớ trong kiếp trước nhiều như vi trần, có Đức Phật ra đời hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh, con theo Phật xuất gia. Nhưng tâm con còn trọng hư danh thế gian, thích giao du với hàng quyền quý.”
Giảng giải:
Di-lặc Bồ-tát, còn gọi là A-dật-đa (Ajita). Di-lặc (Maitreya) là họ của gia đình. Còn A-dật-đa (Ajita) là tên của ngài. Di-lặc (Maitreya) có nghĩa là Từ thị. A-dật-đa (Ajita) Hán dịch là Vô năng thắng. Chắc quý vị đã từng thấy hình ảnh vị tăng to béo mập mạp trong trai đường của các ngôi chùa. Di-lặc chính là vị ấy. Có lẽ là vị Bồ-tát nầy thích ăn ngon nên hình dáng to lớn như vậy. Ngài cũng rất thích cười, nhưng tiếng cười của ngài không thô tháo. Đúng hơn, ngài luôn luôn nở nụ cười rất tươi trên mặt. Ngài rất thích chơi với trẻ con, và đáp lại, trẻ con cũng rất thích chơi với ngài. Khi nào quanh ngài cũng có nhiều trẻ con vây quanh. Sau khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhập diệt, không còn là bậc đạo sư giáo hoá chúng sinh ở cõi nầy nữa, thì Đức Phật Di-lặc sẽ ra đời để tiếp tục việc giáo hoá chúng sinh. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni được gọi là Hồng Dương Phật. Khi Bồ-tát Di-lặc thành Phật, ngài sẽ được gọi là Bạch Dương Phật. Điều nầy có nghĩa là khi Đức Phật Di-lặc thị hiện ra đời, thì máu của chúng sinh sẽ là màu trắng, không còn màu đỏ như thời trước nữa. Loài người hiện nay có máu màu đỏ vì đang ở trong thời giáo hoá của Hồng Dương Phật.
Khi nào Đức Phật mới Di-lặc thị hiện ra đời? Nghe thật là lâu xa khi quý vị được kể ra, nhưng thực sự là chẳng xa chút nào, vì theo cái nhìn của một vị Bồ-tát thì đó chỉ là trong nháy mắt. Vậy thời gian từ đây đến khi ngài ra đời là bao lâu? Như hiện nay, mạng sống của con người vào khoảng chừng 60 năm. Cứ 100 năm, mạng sống của con người giảm xuống một tuổi và chiều cao trung bình giảm đi 1 inch. Giảm như vậy cho đến khi mạng sống của con người còn lại chừng 30 tuổi, thì sẽ có một cơn dịch bệnh. Con người sẽ chết rất nhanh vì bệnh tật, đến mức họ chết một giờ ngay sau khi mắc bệnh. Người ta có thể gọi bác sĩ, nhưng bác sĩ cũng chết như những người khác. Chừng 50% số dân còn lại kháng cự được với bệnh tật. Khi mạng sống của những người nầy còn lại 25 tuổi, thì sẽ có một cơn thiên tai khác. Tại sao những người nầy phải chết? Vì thời ấy, tinh thần của những người nầy quá suy đồi. Có quá nhiều người ác, thế nên trời đất phải trừ diệt những người căn tính thô bạo nầy. Họ sẽ chịu không nỗi và phải đổi lấy một thân thể tốt hơn. Thế nên, trong đợt dịch bệnh đầu tiên, 50% số người phải chết. Khi mạng sống trung bình của con người giảm xuống 25 tuổi, sẽ có một trận hoả tai. Không chỉ loài người trên thế giới bị đốt cháy, mà cả những chúng sinh ở cõi trời thiền thứ nhất (sơ thiền thiên) cũng bị thiêu rụi.
Hoả tai tận sơ thiền.
Các biển cả trên thế gian đều khô kiệt. Không biết bao nhiêu người bị chết trong lửa. Tuy vậy, cũng có người thoát được kiếp thiêu. Khi mạng sống trung bình của con người còn lại chừng 20 tuổi, sẽ có nạn thuỷ tai.
Thuỷ tai tận nhị thiền.
Khi mạng sống trung bình của con người còn sống sót giảm xuống dưới 20 tuổi, sẽ có nạn phong tai, nó sẽ thổi đến cõi trời thiền thứ ba.
Phong tai tận tam thiền.
Nên kinh nói rằng trong cõi trời Lục dục thiên, có 5 dấu hiệu báo trước tai hoạ.
Trước hết, ở cõi trời thiền thứ ba, sẽ có phong tai.
Dù ai có công phu tu tập, đạt đến cõi trời phi tưởng phi phi tưởng xứ,
Cũng không bằng vãng sanh về cõi Tây phương Tịnh độ.
Cõi Lục dục thiên như chúng ta đã nghe giảng từ trước, đó là cõi trời Tứ thiên vương, Đao lợi thiên, Tu-dạ-ma thiên, Đâu-suất thiên, Hoá lạc thiên và Tha hoá tự tại thiên. Chúng sinh trong các cõi trời nầy phải chịu năm tướng suy.
1- Hoa trên đầu khô héo. Chư thiên ở cõi trời thường có vòng hoa trên đầu. Vòng hoa nầy không do họ làm ra, mà hoa tự hiện ra để trang nghiêm cho thân tướng của họ. Nhưng khi một chúng sinh ở cõi trời gần mạng chung, thì điều gì sẽ xảy ra? Hoa sẽ rụng xuống. Trước khi một chúng sinh ở cõi trời chấm dứt thọ mạng, thì hoa trên đầu họ vẫn còn tươi.
2- Y phục dơ bẩn. Áo quần của chư thiên nam nữ trên cõi trời không phải giặt như áo quần của loài người ở thế gian. Áo quần của chư thiên sẽ không bao giờ bị dơ bẩn mãi cho đến khi có năm tướng suy hiện ra. Đây là kết quả của quả báo. Sự dơ bẩn trên áo quần của họ là có từ nghiệp chướng. Tại sao mọi người có mùi rất nặng khi họ sắp chết? Người khác lại có mùi nặng khi chết. Đó cũng là nghiệp báo.
3- Nách đổ mồ hôi. Chư thiên không đổ mồ hôi như loài người. Họ không có mồ hôi, ngoại trừ khi họ sắp mạng chung.
4- Toàn thân hôi thối. Bình thường, chư thiên thường toát ra mùi hương từ thân họ. Tuy nhiên, khi sắp mạng chung, thì có mùi rất khó chịu. Thông thường, họ chẳng phải xông ướp thân thể bằng các thứ hương hoa, vì thân họ vốn tự nhiên đã có mùi hương.
5- Không ngồi được lâu. Họ không ngồi được lâu như thường ngày. Họ bồn chồn đứng dậy rồi ngồi xuống như thể họ điên dại. Giữa cơn xáo động nầy, họ rất bối rối, và chẳng bao lâu nữa là họ qua đời. Họ lại đầu thai xuống cõi trần.
Khi ba thảm hoạ (tam tai) nầy xảy ra, mạng sống trung bình của con người giảm xuống còn 10 tuổi. Lúc đó, chiều cao trung bình của con người sẽ bằng như con chó bây giờ. Họ rất đồi bại và hành xử chẳng khác gì loài bò, heo, ngựa. Họ ham muốn tình dục ngay khi vừa mới sinh ra. Họ cũng biết nói ngay khi sinh ra. Họ liền có bản năng tình dục là vì,
Tình sinh ái, ái sinh dục.
Lúc đó, loài người tự buông mình vào sự phóng đãng. Họ kết hôn vào tuổi lên hai hoặc lên ba. Họ sinh con và họ chết lúc 10 tuổi. Nhưng khi mạng sống trung bình của con người giảm xuống còn 10 tuổi, thì kiếp tăng lại bắt đầu.
Tiến trình cũng giống nhau: cứ mỗi 100 năm, họ được tăng thêm 1 tuổi. Mạng sống trung bình của con người tăng dần cho đến khi được 84.000 tuổi. Lúc đó kiếp giảm lại bắt đầu. Rồi đến kiếp tăng. Khi mạng sống trung bình của con người tăng dần cho đến khi được 84.000 tuổi thì Đức Phật Di-lặc ra đời.
Có một vài tôn giáo khác đã cho rằng Đức Phật Di-lặc đã thị hiện thành Phật rồi. Đây chỉ là lời nói mớ, căn bản là do họ không hiểu gì về Phật pháp. Sự thị hiện của Đức Phật Di-lặc sẽ diễn ra theo một cách thức nhất định, quý vị không thể giải thích theo lối như vậy được.
Khi Đức Phật Di-lặc còn trong thời gian tu tập, ngài thường tìm cầu sự thuận lợi cho riêng mình, người Trung Hoa gọi là ‘phan duyên.’ Ngài thường thích giao du với kẻ giàu sang quyền quý. Thế nên mặc dù ngài và Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng tu tập một thời gian, mà Di-lặc không thành Phật nhanh như Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vì Bồ-tát Di-lặc mãi còn thích phan duyên. Tôi tin là ngài còn thích mong cầu sự tiện nghi thoải mái, nên thấy ngài mập mạnh làm sao? Ngài mập vì ngài thích ăn ngon, chẳng phải chỉ vì ngài hay cười.
Di-lặc Bồ-tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nhớ trong kiếp trước nhiều như vi trần, có Đức Phật ra đời hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh, con theo Phật xuất gia. Nhưng tâm con còn trọng hư danh thế gian, thích giao du với hàng quyền quý. Con thích giao hảo với những người có danh vọng giàu sang trong xã hội.” “Hàng quyền quý” là chỉ cho những gia đình giàu sang. Quốc gia nào cũng có những người giàu, và bất kỳ khi Di-lặc Bồ-tát đến đâu, ngài cũng không để ý đến người nghèo, nhưng chỉ thích đến những gia đình giàu sang để giao du với họ. Đi đến đâu ngài cũng tự khoa trương chính mình. Ngài giả mạo theo cách này khi mới phát tâm tu tập. Nhưng quý vị đừng cho rằng Di-lặc Bồ-tát chỉ là một người phan duyên, vì cuối cùng ngài đã dừng lại điều ấy. Đoạn kinh văn tiếp theo sẽ nói rõ ngài đã từ bỏ việc ấy vào lúc nào.
Kinh văn:
Lúc ấy Đức Thế tôn dạy con tu tập pháp định duy tâm thức, con được nhập vào chánh định. Từ nhiều kiếp nay, nhờ chánh định nầy, mà con được phụng sự chư Phật nhiều như cát sông Hằng. Tâm cầu danh thế gian đã diệt sạch không còn.
Giảng giải:
Lúc ấy tâm mong cầu sự thuận lợi tiện nghi cho riêng mình và tâm phan duyên dã dừng lại. Tâm ấy của Di-lặc Bồ-tát đã dừng lại từ lâu. Chúng ta nên học theo cách ngài đã dừng bặt tâm phan duyên hơn là thay vì bắt chước các tập khí xấu.
Lúc ấy Đức Thế tôn, tức là Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh dạy con tu tập pháp định duy tâm thức,
Tam giới duy tâm
Vạn pháp duy thức.
Đó là nguyên lý của pháp Duy thức quán
con được nhập vào chánh định. Từ nhiều kiếp nay, nhờ chánh định nầy, mà con được phụng sự chư Phật nhiều như cát sông Hằng. Con được cúng dường chư Phật nhiều như cát sông Hằng. Tâm cầu danh thế gian đã diệt sạch không còn. Cả lòng ham thích danh tiếng và thói quen thích giao du với người giàu có đều biến mất, Bây giờ con không còn phan duyên nữa, không còn mong cầu sự tiện lợi cho riêng mình nữa.
Kinh văn:
Cho đến khi Đức Phật Nhiên Đăng thị hiện ra đời, con được thành tựu vô thượng diệu viên thức tâm tam-muội.
Giảng giải:
Di-lặc Bồ-tát thưa tiếp, “Cho đến khi Đức Phật Nhiên Đăng thị hiện ra đời, con được thành tựu vô thượng diệu viên thức tâm tam-muội.” Ngài chứng đắc được pháp viên thông rất vi diệu, đó là định lực thức tâm tam-muội.
Kinh văn:
Cho đến cùng tận hư không các cõi nước của Như Lai, dơ sạch, có không, đều là biến hiện từ tâm con.
Giảng giải:
Cho đến cùng tận hư không các cõi nước của Như Lai, dơ sạch, có không, đều là biến hiện từ tâm con.
Ngay cả sự biến hiện của cùng khắp các cõi hư không của các Đức Như Lai, các thứ thành tựu, cấu uế, đều là do từ tâm con biến hiện mà có.” Các hiện tượng ấy đều biến hiện từ định lực thức tâm tam-muội của Di-lặc Bồ-tát.
Kinh văn:
Bạch Đức Thế tôn, do con rõ được tánh duy thức như vậy, nên từ thức tánh lưu xuất vô lượng Như Lai. Nay được Phật thụ kí, kế tiếp thành Phật ở cõi nầy.
Giảng giải:
Di-lặc Bồ-tát thưa cùng Đức Phật Thích-ca Mâu-ni rằng: “Bạch Đức Thế tôn, do con rõ được tánh duy thức như vậy–nguyên lí đã được nói ở trên–nên từ thức tánh lưu xuất–là biến hiện từ tâm thức–vô lượng Như Lai. Biến hiện ra vô lượng vô biên chư Phật. Nay được Phật thụ kí, kế tiếp thành Phật ở cõi nầy. Con được Thế tôn thọ kí sẽ thành Phật, trong tương lai, khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhập diệt, con sẽ thị hiện thành Phật ở cõi ta-bà nầy.”
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con dùng pháp quán tường tận mười phương đều do thức biến. Thức tâm được tròn sáng, thể nhập tánh viên thành thật, rời xa các tánh y tha khởi và tánh biến kế sở chấp, được pháp vô sanh nhẫn. Đó là phương pháp tốt nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về viên thông, con dùng pháp quán tường tận mười phương đều do thức biến. Vạn pháp trong mười phương đều là biến hiện từ tâm thức. Thức tâm được tròn sáng, thể nhập tánh viên thành thật. Đây có nghĩa là trí huệ. Rời xa các tánh y tha khởi và tánh biến kế sở chấp, được pháp vô sanh nhẫn. Đó là phương pháp tốt nhất.
Có ba tánh:
- Y tha khởi.
- Biến kế chấp
- Viên thành thật.
Từ tánh Viên thành thật, tâm niệm chúng sinh do dựa vào cái khác sinh khởi rồi khởi dậy tâm tính toán suy lường không ngừng. Chúng ta có thể ví rằng tánh Viên thành thật cũng như dây gai, tánh y tha khởi cho đó giống như sợi dây thừng, tánh Biến kế chấp là nhìn sợi thừng trông tựa như con rắn. Chẳng hạn, ban đêm có người trông thấy sợi dây thừng được bện bằng gai và nhầm đó là rắn và sợ hãi. Đó là tác dụng của biến kế sở chấp, nhầm dây thừng là con rắn nên có phản ứng như vậy. Họ trở thành chấp trước vào ý tưởng đó là con rắn, trong khi vốn chẳng phải như vậy. Khi họ nhận ra đó chỉ là sợi dây thừng, anh ta nhận ra tánh y tha khởi nơi mình. Khi anh ta biết sợi day thừng làm bằng gì, là anh ta trở về lại với tánh viên thành thật nơi mình. Anh ta nhận ra được nó thực sự là gì. Di-lặc Bồ-tát tu tập duy thức quán mà được giác ngộ. Trong đoạn kinh văn này, ngài đề cập đến ba tánh khi ngài nói, “thể nhập tánh viên thành thật” và “rời xa các tánh y tha khởi và tánh biến kế sở chấp.”
VIÊN THÔNG KIẾN ĐẠI
Bồ-tát Đại Thế Chí
Kinh văn:
Đại Thế Chí Pháp vương tử cùng 52 vị Bồ-tát cùng tu tập, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng:
Giảng giải:
Đại Thế Chí Pháp vương tử và Bồ-tát Quán Thế Âm đều là con trai của Đức Phật A-di-đà khi Đức Phật còn là vị Chuyển luân thánh vương. Khi Đức Phật A-di-đà đã thành tựu quả Phật, hai vị Bồ-tát nầy đến để trợ thủ cho ngài. Hai vị Bồ-tát là hai người bạn đồng hành hằng ngày của Đức Phật A-di-đà, một vị bên trái, một vị bên phải. Khi Đức Phật A-di-đà nhập diệt, không còn là bậc giáo chủ của cõi Cực lạc phương Tây, trong nửa đêm, giáo pháp sẽ suy tàn, và đến cuối nửa đêm đó, Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ thành Phật tại cõi Cực lạc phương Tây. Khi Bồ-tát Quán Thế Âm nhập diệt, không làm bậc giáo chủ của cõi Cực lạc phương Tây nữa, thì Bồ-tát Đại Thế Chí sẽ thành Phật cùng một cách như Bồ-tát Quán Thế Âm, ngài làm giáo chủ cõi Tây phương Cực lạc. Bồ-tát Đại Thế Chí còn được gọi là Đắc Đại Thế–得大勢. Ngài rất mạnh, đến mức độ mỗi khi ngài nhấc tay, động chân, hay lắc đầu, thì đất bằng chuyển động. Khi ngài đi, thì đất rung chuyển. “Pháp vương tử” có nghĩa là Bồ-tát.
Cùng 52 vị Bồ-tát cùng tu tập, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng:
Năm mươi hai Bồ-tát ở đây biểu tượng cho thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác, diệu giác–Năm mươi hai giai vị tu chứng của hàng Bồ-tát.
Kinh văn:
Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang. Lúc ấy có 12 Đức Như Lai kế tục nhau thành Phật trong một kiếp. Đức Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang, ngài dạy con pháp niệm Phật tam-muội.
Giảng giải:
Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang. Lúc ấy có 12 Đức Như Lai kế tục nhau thành Phật trong một kiếp. Đức Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Vào kiếp đó, có 12 Đức Phật Như Lai thị hiện ra trên đời, Đức Phật thứ 12 hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Ngài dạy con pháp niệm Phật tam-muội. Đức Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy con niệm danh hiệu ‘Nam-mô A-di-đà Phật.’
A-di-đà (Amitābha) có nghĩa là ‘Vô lượng quang’ và ‘Vô lượng thọ’; có phải ngài là Đức Phật A-di-đà mà chúng ta thường biết đó chăng? Có lẽ không. Vì Đức Phật A-di-đà lúc đó là Đức Phật đã thành tựu Phật quả từ 10 kiếp trước. Nhưng danh hiệu vẫn đồng là một. Có nhiều Đức Phật có danh hiệu giống nhau, cũng như người thường có tên hoặc họ trùng nhau vậy.
Kinh văn:
Ví như có người, một đằng chuyên nhớ, một đằng chuyên quên, thì hai người ấy, dầu gặp cũng không là gặp, dầu thấy cũng không là thấy.
Giảng giải:
Ví như có người, một đằng chuyên nhớ, một đằng chuyên quên. Đây là một ví dụ. Có hai người, một người luôn luôn nhớ đến người kia, trong khi người kia không bao giờ nhớ đến người khác. Có lẽ họ là bạn bè hay bà con. Hai người nầy dụ cho Đức Phật và chúng sinh. Đức Phật thường nhớ đến chúng ta, các ngài luôn luôn thương xót chúng sinh, nhưng chúng sinh thì không bao giờ nhớ đến Phật. Chúng ta có thể có ít cơ may để học Phật pháp, nhưng chúng ta hoàn toàn không biết rõ những gì đang được giảng giải. Chúng ta hoàn toàn không biết những điều ấy vi diệu như thế nào. Tại sao chư Phật lại nhớ nghĩ đến chúng sinh. Vì các ngài thấy rằng chúng sinh vốn có cùng bản tánh Phật như các ngài. Chư Phật nhìn chúng sinh như là cha mẹ của các ngài trong quá khứ, và sẽ là chư Phật trong tương lai. Thế nên Đức Phật dạy rằng, “Mọi chúng sinh trên cõi giới nầy đều có Phật tánh. Đều có thể thành Phật.” Không có riêng một chúng sinh nào mà chẳng được thành Phật. Đây chính là điểm then chốt đã khiến cho đạo Phật trở nên cao quý và lan rộng khắp mọi nơi. Đó là lí do tại sao chư Phật không tán thành các việc sát hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu. Giữ và thực hành năm giới là cách thể hiện lòng thương tưởng đến chúng sinh. Vì chư Phật thấy rõ rằng chúng sinh có cùng thể tánh như các ngài, ngài muốn giáo hoá họ, để giúp cho họ tiến lên, thành tựu Phật quả.
Chúng sinh chúng ta đến thế giới nầy và bỏ gốc để theo ngọn. Chúng ta quên đi nguồn gốc, bối giác hiệp trần–turn our backs on enlightenment and unite with the dust–trần lao phiền não nơi thế gian. Đó là lí do khiến cho chúng ta quên đi chư Phật và không nhớ gì đến các ngài.
Có nhiều phương pháp thực hành niệm danh hiệu Phật.
1-. Trì danh niệm Phật: Quý vị có thể niệm danh hiệu của Đức Phật nào mà mình thích. Chẳng hạn, nếu quý vị thích Đức Phật A-di-đà, quý vị có thể niệm ‘Nam-mô A-di-đà Phật.’ Hoặc có thể quý vị thích niệm ‘Nam-mô Bổn sư Đức Phật Thích-ca Mâu-ni Phật.’ Hoặc có thể quý vị thích niệm ‘Nam-mô Tiêu tai Diên thọ Dược sư Lưu ly Quang Vương Phật.” Đó chính là đồng như danh hiệu với chư Phật trong khắp mười phương–quý vị có thể chọn danh hiệu nào để niệm tuỳ ý. Mục đích của việc niệm Đức Phật là nhằm gom niệm tưởng lăng xăng thành nhất tâm nhớ nghĩ về Đức Phật–là để trừ đi những vọng tưởng. Nếu quý vị không dính líu với những vọng tưởng, thì quý vị sẽ không sinh khởi vọng tưởng, và khi quý vị không tạo nên các việc ác, có nghĩa là quý vị đang trên đường làm việc thiện.
2-. Quán tưởng niệm Phật. Quán tưởng Đức Phật A-di-đà từ tướng lông màu trắng ở giữa trán đang phóng ra hào quang. Có bài kệ tán thán việc này,
Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu-di
Hám mục trừng thanh tứ đại hải.
Quý vị có hình dung ra được không? Nếu quý vị có tâm lượng nhỏ hẹp, thì ý niệm của quý vị về Đức Phật cũng sẽ rất yếu khi quán tưởng về ngài. Nếu quý vị có tâm thiết tha rộng lớn, thì sự quán tưởng về hình tượng Phật sẽ to lớn vô cùng.
3-. Quán tượng niệm Phật: Theo phương pháp nầy, quý vị nhìn vào tượng Phật A-di-đà khi niệm danh hiệu ngài. Và khi niệm Phật quý vị quán tưởng đến những thân trang nghiêm và các tướng tốt của ngài. Nhưng tôi báo quý vị biết rằng, điều nầy có thể xảy ra khi quý vị bị một loài ma gá vào khi quý vị niệm Phật. Nói chung, bất kỳ quý vị tu tập pháp môn nào, cũng cần phải có giới hạnh–đức hạnh trong tu đạo. Khi tôi ở chùa Ze Xing, núi Da Yu tại Hông Kong, có một vị tỷ-khưu muốn tu một khoá Phật lập tam-muội. Khi tu tập pháp nầy, người tu phải ở trong thất và đi kinh hành liên tục, nên gọi đó là pháp Thường hành tam-muội–hoặc Phật lập tam-muội. Trong 90 ngày, hành giả đi liên tục trong phòng, không nằm, không ngủ. Đây là pháp môn đòi hỏi nhiều nghị lực. Vị tỷ-khưu ấy phải niệm Phật suốt trong thời gian tu tập pháp Thường hành tam-muội nầy. Một hôm, tôi để ý thấy rằng càng ngày vị ấy niệm Phật càng lớn tiếng hơn, cho đến một hôm ông ta rống lên, “Nam-mô A-di-đà Phật! Nam-mô A-di-đà Phật! ” Khi tôi nghe như vậy, tôi biết ông ta đã gặp một cảnh giới nào đó, thế nên tôi đến để xem thử sao. Ông ta chạy quanh thất như điên. Điều gì đã xảy ra? Trong kiếp trước, vị tỷ-khưu nầy là một con bò. Vì ông ta đã làm được một số công đức ở một ngôi chùa nhờ cày ruộng cho chùa, nên đời nầy, ông được làm vị tỷ-khưu. Tuy nhiên, mặc dù là một tỷ-khưu, tập khí của loài bò vẫn chưa được thay đổi. Ông ta có một thói quen thật kỳ lạ.
Lí do mà ông ta chạy quanh phòng là vì ông ta thấy Đức Phật A-di-đà hiện ra, và ông ta đuổi theo ngài. Điều gì thực sự đã xảy ra? Vị tỷ-khưu ấy đã gặp phải ma sự. Vốn thực chẳng có Đức Phật A-di-đà nào đến cả, đó chỉ là một con trâu nước hiện lên từ biển. Nó là loài thuỷ quái biến hiện thành Đức Phật A-di-đà để gạt vị tỷ-khưu. Vị nầy tưởng đó là Đức Phật A-di-đà hiện ra, nên chạy theo ngài.
Khi tôi đến đó, tôi dùng một phương pháp để giải trừ ma sự cho vị tỷ-khưu. Thế nên cũng có khi quý vị gặp phải ma sự khi trì niệm danh hiệu Phật.
4-. Thực tướng niệm Phật:Đây có nghĩa chính là tham thiền–investigating dhyāna. Chúng ta ngồi thiền và tham công án ‘Ai là người niệm Phật?’
Trong đoạn kinh nầy, một người luôn luôn nhớ đến Phật, một người thường chẳng bao giờ nhớ đến chúng sinh. Thì hai người ấy, dầu gặp cũng không là gặp, dầu thấy cũng không là thấy.
Dù họ có gặp nhau, cũng như thể là họ chưa từng thấy nhau. Có thể họ đã gặp nhau ở một nơi nào đó, nhưng “chẳng hợp nhãn nhau.” Vì năng lượng của họ không giao thoa nhau, vì một người thì nhớ một người quên. Họ không thể gặp được nhau. Dù họ có đối diện nhau, cũng như thể họ không thấy nhau.
Kinh văn:
Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ nhau thật sâu trong tâm niệm, như thế cho đến đời nầy sang đời khác, như hình với bóng, không bao giờ cách xa nhau.
Giảng giải:
Nếu cả hai người đều nhớ nhau, hai bên nhớ nhau thật sâu trong tâm niệm–nếu họ nhớ nhau rất sâu đậm– như thế cho đến đời nầy sang đời khác, như hình với bóng, không bao giờ cách xa nhau. Cái bóng của mình dù mình có đi đâu nó cũng đi theo, nó không bao giờ rời bỏ hình ảnh của nó. Hai người nầy cũng sẽ như vậy và không bao giờ tách rời ra. Họ sẽ không bao giờ còn có việc chẳng nhận ra nhau hay quên nhau.
Kinh văn:
Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ thương con. Nếu con trốn tránh, tuy nhớ, nào có ích gì. Nếu con nhớ mẹ, như khi mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không cách xa nhau.
Giảng giải:
Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ thương con–Chư Phật trong mười phương thường thương nhớ chúng sinh như mẹ thương con. Nếu con trốn tránh, tuy nhớ, nào có ích gì. Dù mẹ thường nhớ con mọi thời, nhưng con quên mẹ, thì thật vô ích. Nếu con nhớ mẹ, như khi mẹ nhớ con, thì mẹ con đời đời không cách xa nhau. Nếu mẹ và con cùng nhớ đến nhau trong theo cách ấy, thì mẹ con sẽ nhớ nhau suốt đời, từ đời này sang đời khác. Họ sẽ không bao giờ tách lìa nhau.
Có nghĩa là, nếu chư Phật thương tưởng, hằng nhớ đến chúng sinh, mà nếu chúng sinh cũng nhớ đến chư Phật, thì đời nầy sang đời khác, chúng sinh và Phật chẳng lìa xa nhau. Chúng ta sẽ ở bên Phật mãi mãi.
Kinh văn:
Nếu tâm chúng sinh, nhớ Phật, tưởng đến Phật, thì đời nầy, đời sau, nhất định thấy Phật.
Giảng giải:
Nếu chúng sinh tưởng nhớ đến Phật, niệm danh hiệu Phật, thì chắc chắn họ sẽ được thấy Phật trong đời nầy hoặc đời sau.
Kinh văn:
Họ đã cách Phật không xa, nên không nhờ vào phương tiện mà được tâm khai ngộ.
Giảng giải:
Họ chắc chắn sẽ được giác ngộ.
Kinh văn:
Như người xông hương thì thân thể có mùi thơm. Đó gọi là hương quang trang nghiêm.
Giảng giải:
Như người xông hương thì thân thể có mùi thơm. Nếu có người xông ướp thân thể mình băng hương thơm, thì mùi hương ấy sẽ thấm đượm quanh thân. Đó gọi là hương quang trang nghiêm.
Kinh văn:
Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật mà thể nhập vô sanh nhẫn. Nay con trong cõi nầy, tiếp dẫn những người niệm Phật trở về cõi Tịnh độ.
Giảng giải:
Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật mà thể nhập vô sanh nhẫn.
Bồ-tát Đại Thế Chí nói rằng từ trong nhân địa tu hành của ngài, có nghĩa là, từ khi mới phát tâm tu đạo làm vị tỷ-khưu, ngài chứng được vô sinh pháp nhẫn nhờ vào pháp niệm Phật. Nay con trong cõi nầy–cõi ta-bà, tiếp dẫn những người niệm Phật. Như thỏi nam châm sẽ thu hút hết thảy các vụn sắt, Bồ-tát Đại Thế Chí tiếp độ và dẫn dắt mọi chúng sinh nào tu tập pháp niệm danh hiệu Phật, đưa họ trở về cõi Tịnh độ. Ngài dẫn dắt họ trở về với cõi Cực lạc.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi về viên thông, con do thu nhiếp tất cả sáu căn mà không cần lựa chọn, tịnh niệm liên tục. Đó là phương pháp hay nhất.
Giảng giải:
Đức Phật hỏi về phương pháp để tu tập đạt được viên thông, con do thu nhiếp tất cả sáu căn mà không cần lựa chọn, tịnh niệm liên tục. Con không có sự lựa chọn nào khác. Con chỉ có một pháp phương pháp là niệm danh hiệu Phật. Con dùng pháp môn nầy để thu nhiếp sáu căn và các vọng tưởng khởi dậy từ sáu căn ấy. Con điều phục sáu căn không để cho chúng khởi dậy vọng tưởng nữa. Con niệm Phật với tâm thanh tịnh mãi không gián đoạn, cho đến khi con đạt được chánh định. Đó là phương pháp hay nhất.
大佛頂萬行首楞嚴經卷第五
(Hết quyển 5 bản Hán)
Thích Nhuận Châu
Tịnh thất TỪ NGHIÊM
Mùa Phật Đản Pl. 2550
Bính Tuất–2006.