KINH THỦ LĂNG NGHIÊM LƯỢC GIẢNG
ŚŪRAMGAMA-SŪTRA
Tuyên Hoá Thượng Nhân giảng thuật
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nhuận Châu
QUYỂN THỨ TƯ
CHƯƠNG 5
NGHE KHÔNG PHẢI LÀ TIẾNG
Kinh văn:
A-nan bạch Phật rằng, “Bạch Thế tôn, như Phật đã dạy, ‘Muốn cầu quả thường trụ, khi phát tâm tu đạo giác ngộ ở nhân địa, phải tương ưng với quả vị. ”
Giảng giải:
Một lần nữa, A-nan phát khởi nghi ngờ, thế là ngài đứng dậy và có câu hỏi khác. A-nan bạch Phật rằng, “Bạch Thế tôn, như Phật đã dạy, theo như giáo lý đã được nói đến trong phần trước, ‘Muốn cầu quả thường trụ, khi phát tâm tu đạo giác ngộ ở nhân địa’”– ở trong nhân địa phát tâm chân chính cầu đạo giác ngộ, nguyện sẽ không bao giờ bị thối chuyển. Phải tương ưng với quả vị. Điều ấy phải không ngược với đạo lý của quả địa tu chứng.
Kinh văn:
Bạch Thế tôn, như trong các quả vị Bồ-đề, Niết-bàn, Chân như Phật tính, Am-ma-la thức, Không Như Lai tạng, Đại viên cảnh trí. Bảy danh hiệu ấy tên gọi tuy khác, mà thể tánh thanh tịnh viên mãn vững chắc như kim cương vương, thường trụ bất hoại.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, như trong các quả vị Bồ-đề, Niết-bàn, Chân như Phật tính, Am-ma-la thức, Không Như Lai tạng, Đại viên cảnh trí. “Bồ-đề” Hán dịch là giác đạo. Niết-bàn Hán dịch là Bất sinh bất diệt. Chân như có nghĩa là không hư vọng, là cái chân thật duy nhất, bất nhị. Chân như không phái là một “vật.” Nó giống như hư không. Chân như chính là chân không. Nhất chân nhất thiết chân, đã là chân rồi thì hết thảy đều là chân. Chỉ thiếu một chút chân thật, thì không được gọi là chân như
Phật tánh là tự tánh mà mỗi chúng sinh đều vốn có đầy đủ. Am-ma-la thức là vô cấu thức. Trước khi giác ngộ, thức nầy gọi là thức thứ tám, tức A-lại-da thức, có nghĩa là tàng thức, tên gọi cho ta biết trong đó chứa đựng mọi thứ. Am-ma-la thức là sự chuyển hoá của thức thứ tám thành thanh tịnh thức. Không Như Lai tạng là một tên gọi khác và Đại viên cảnh trí cũng chỉ là một tên. Bảy danh hiệu ấy tên gọi tuy khác, dù trong quả địa danh xưng có khác, mà thể tánh thanh tịnh. Mà đạo lý của nó, về phương diện bản thể, vẫn là thanh tịnh viên mãn vững chắc như kim cương vương, thường trụ bất hoại. Không bao giờ bị biến hoại .
Kinh văn:
Nếu cái thấy nghe nầy, rời các tướng tối sáng, động tỉnh, thông bít, thì rốt ráo nó không có tự thể. Cũng như tâm niệm, nếu rời khỏi tiền trần, là vốn không thật có.
Giảng giải:
Nếu cái thấy nghe nầy, rời các tướng tối sáng, động tỉnh, thông bít, thì rốt ráo nó không có tự thể, thể của nó sẽ không hiện hữu. Cũng như tâm niệm, nếu rời khỏi tiền trần, là vốn không thật có. Các niệm tưởng của tâm cũng không có thực thể. Khi ta tách rời chúng ra khỏi tiền trần tương ưng với nó, thì các niệm tưởng ấy hoàn toàn không hiện hữu.
Kinh văn:
Sao lại đem cái tâm hoàn toàn đoạn diệt ấy làm nhân tu hành, mà mong đạt được bảy quả vị thường trụ của Như Lai?
Giảng giải:
Niệm tưởng của tâm chính là thức thứ sáu, đúng thật là ‘ly khai pháp trần thì sẽ không hiện hữu, không có tự thể.’ Sao lại đem cái tâm hoàn toàn đoạn diệt ấy làm nhân tu hành, mà mong đạt được bảy quả vị thường trụ của Như Lai? Làm sao có thể dùng nó để để tu chứng bảy quả vị thường trú, Bồ-đề, Niết-bàn, Chân như Phật tính, Am-ma-la thức, Không Như Lai tạng, Đại viên cảnh trí được ?
Kinh văn:
Bạch Thế tôn, nếu rời sáng tối thì cái thấy rốt ráo là không. Như không có tiền trần thì vọng niệm trong tự tánh bị diệt mất.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, nếu rời sáng tối–nếu tách rời khỏi hai tướng sáng tối–thì cái thấy rốt ráo là không. Như không có tiền trần thì vọng niệm trong tự tánh bị diệt mất. Niệm tưởng không còn sinh khởi nữa.
Kinh văn:
Xoay vần tới lui chiêm nghiệm chính chắn, thấy vốn không có tâm và tâm sở của con. Vậy con lấy gì làm nhân để cầu vô thượng giác?
Giảng giải:
Xoay vần tới lui chiêm nghiệm chính chắn. Con suy xét thật kỹ tiến trình ấy trước sau lui tới nhiều lần, thấy vốn không có tâm và tâm sở của con. Tâm con không thực có. Nó hoàn toàn không hiện hữu. Vậy con lấy gì làm nhân để cầu vô thượng giác, để thành tựu giác ngộ trong quả địa? Con suy xét khắp nơi, không có chỗ nào là tâm con cả. Con không thể dùng tâm sinh diệt. Và con cũng không thể tìm ra chân tâm. Thế làm sao để lấy một tâm trong nhân địa mà cầu giác ngộ trong quả địa?
Kinh văn:
Trước đây Như Lai đã nói, tánh hay biết vốn vắng lặng, viên mãn, thường trụ, thật là lời nói trái ngược, rốt ráo thành hí luận. Làm sao để nhận ra lời dạy của Như Lai là chân thật?
Giảng giải:
Trước đây Như Lai đã nói, tánh hay biết vốn vắng lặng, viên mãn, thường trụ. Ngài dạy rằng tánh thấy biết vốn vắng lặng, viên mãn và thường trụ. Thật là lời nói trái ngược, rốt ráo thành hí luận. Nhưng giáo pháp mà Như Lai tuyên thuyết không phải là hí luận. Thế thì, làm sao để nhận ra lời dạy của Như Lai là chân thật? Giáo pháp Đức Phật đã Giảng giải tự nó mâu thuẫn. Trước hết ngài dạy, “Đừng dùng tâm sinh diệt,” rồi sau đó ngài lại nói rằng dùng chính tâm đó mà tu hành. “Con, A-nan, trong tâm không khỏi có nghi nan, và càng nghe càng thấy khó hiểu. Như Lai vẫn thường nói lời chân thật, chân ngữ, thật ngữ. Tại sao nay Như Lai lại nói lời mâu thuẫn như vậy?”
Kinh văn:
Cúi mong Như Lai rủ lòng đại từ khai ngộ chỗ mê lầm cho chúng con.
Giảng giải:
Bây giờ Cúi mong Như Lai rủ lòng đại từ khai ngộ chỗ mê lầm cho chúng con. Chúng con đang đắm chấp quá chặt vào pháp Tiểu thừa, ngại rằng phải từ bỏ giáo lý ấy.
Kinh văn:
Phật bảo A-nan, “Ông tuy học rộng nghe nhiều, nhưng mê lầm chưa sạch. Trong tâm chỉ biết suông cái nhân sở tri điên đảo. Cái điên đảo thật trước mắt, còn chưa biết được.”
Giảng giải:
Sau khi nghe A-nan mói như vậy, Đức Phật không biết phải khóc hay cười. Phật bảo A-nan, “Ông tuy học rộng nghe nhiều. Ông tuy thông minh và nhớ rất giỏi. Nhưng mê lầm chưa sạch. Ông vẫn chưa đạt đến quả vị vô lậu. Trong tâm chỉ biết suông cái nhân sở tri điên đảo. Cái điên đảo thật trước mắt, còn chưa biết được. Như đã nói trước, ông chỉ biết kê toa thuốc. Nếu thuốc có nằm trước mặt, ông cũng không biết. Thế nên Như Lai nói ông rất thông thạo trong những thứ điên đảo, nhưng khi ông đối diện thật sự với cái điên đảo thì ông không nhận ra được nó. Ông không nhận ra được cái gì là điên đảo.”
Kinh văn:
Ngại rằng tâm thành của ông chưa được tin phục. Nay Như Lai thử đem các việc thế gian để trừ mối nghi cho ông.
Giảng giải:
Ngại rằng tâm thành của ông chưa được tin phục. Như Lai e ngại rằng tâm thành của ông chưa đủ lớn mạnh, thế nên khi Như Lai nói triệt để, thì e rằng ông sẽ không tin. Ông vẫn chưa có đủ tín tâm. Ông vẫn chưa có đủ tâm kham nhẫn. Nay Như Lai thử đem các việc thế gian để trừ mối nghi cho ông. Như Lai sẽ cố gắng dùng các sự việc trong thế gian để giải thích đạo lý nầy cho ông. Như Lai sẽ giải trừ tâm nghi của ông bằng cách nầy.
Kinh văn:
Liền khi ấy, Như Lai bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông, rồi hỏi A-nan, “Ông có nghe không?”
A-nan và đại chúng đều đáp, “Chúng con có nghe.”
Giảng giải:
Quý vị đã nghe giảng rằng tánh nghe vốn không sanh không diệt, nhưng A-nan đã quên đạo lý Đức Phật đã dạy và phát khởi thêm mối nghi. Thế nên bây giờ kiểm chứng tánh nghe bằng âm thanh của tiếng chuông khi được đánh lên. Liền khi ấy, Như Lai bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông. La-hầu-la là con trai của Phật. Tên ông trong tiếng Sanskrit có nghĩa là Phú chướng, vì ông ta ở trong thai mẹ sáu năm mới chịu ra. Đây là điều bất thường. Ở Trung Hoa cũng có nhiều trường hợp như vậy. Trường hợp nổi tiếng nhất đó là Lão Lai Tử (Lao Lai Zi – 老萊子),[8] tóc bạc râu dài và biết nói vừa khi trong bụng mẹ sinh ra. Mới sinh ra ông ta đã già, nhưng tuy vậy, ông ta vẫn hành xử như trẻ thơ và rất bướng bỉnh. Còn có Lão Tử (Lao Zi – 老子), tương truyền ông đã ở trong bụng mẹ 81 năm. Họ của ông ta là Lý và ông có tên là Lão tử hay Lão Đam. So với hai trường hợp nầy, chuyện La-hầu-la sống trong bụng mẹ 6 năm chẳng có gì lạ. Vì là con trai của Phật, nên La-hầu-la rất vâng lời, thế nên Đức Phật bảo, “Con hãy thỉnh một tiếng chuông.” Rồi Đức Phật hỏi A-nan, “Ông có nghe không?”
A-nan và đại chúng đều đáp, “Chúng con có nghe.”
Kinh văn:
Khi chuông hết ngân. Đức Phật lại hỏi, “Nay ông có nghe không?”
A-nan và đại chúng đều đáp, “Chúng con không nghe.”
Giảng giải:
Khi chuông hết ngân. Âm thanh tiếng chuông không còn nữa. Tức không còn tiếng nữa. Đức Phật lại hỏi, “Nay ông có nghe không?” Đức Phật hỏi A-nan, “Thế bây giờ ông có còn nghe hay không?”
A-nan và đại chúng đều đáp, “Chúng con không nghe. Bây giờ chúng con không con nghe nữa.”
Kinh văn:
Khi ấy La-hầu-la lại đánh chuông. Đức Phật lại hỏi, “Nay ông có nghe không?” A-nan và đại chúng lại đều đáp, “Chúng con đều có nghe.”
Giảng giải:
Khi tiếng chuông hết ngân và Đức Phật hỏi như vậy, La-hầu-la biết việc mình phải làm tiếp theo; ông rất là thông minh. La-hầu-la nổi tiếng là người tu tập mật hạnh. Mọi người không biết là ông ta đang tu tập. Không ai biết hằng ngày ông thực hành công phu. Ông ta công phu như thế nào? Ông ta có thể nhập định vào mọi lúc, mọi nơi. Khi vào phòng tắm, ông ta cũng nhập định. Khi ăn, ông vẫn ăn nhưng ông đang ở trong định. Tâm ông không để vào thức ăn. Không ai biết được chuyện đó, thể nên ông được xem là người mật hạnh đệ nhất. Hãy lấy việc tụng Chú Thủ-lăng-nghiêm làm ví dụ, không ai thấy La-hầu-la trì tụng chú, nhưng ông ta có thể tụng thuộc lòng. Không ai biết ông học lúc nào, nhưng ông tụng làu làu. Vì La-hầu-la là đệ nhất tu tập mật hạnh, nên ông ta rất thông minh và nhận biết mọi ý định của Đức Phật. Thế nên sau khi tiếng chuông vừa dứt, La-hầu-la lại đánh chuông. Đức Phật lại hỏi, “Nay ông có nghe không?” Đức Phật lại hỏi dồn A-nan, “Thế nay ông có nghe không?”
A-nan và đại chúng lại đều đáp, “Chúng con đều có nghe.” Đại chúng đồng thanh thưa, “Chúng con có nghe. Chuông vừa rung xong.”
Trường hợp nầy–chuông rung và đại chúng được hỏi có nghe hay không–là điều thường xảy ra khi Đức Phật muốn chúng ta để ý. Quý vị có nghĩ rằng có ai hiểu được việc đánh chuông rồi hỏi có nghe không chăng? Vì A-nan đã không hiểu được đạo lý được giảng giải từ trước nên bây giờ Đức Phật phải dùng ví dụ rất đơn giản để giải thích.
Kinh văn:
Đức Phật hỏi A-nan, “Thế nào là ông có nghe, thế nào là không nghe?” A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng, “Nếu chuông được đánh lên, thì con được nghe. Đánh lâu tiếng hết, âm vang đều dứt, gọi là không nghe.”
Giảng giải:
Đức Phật hỏi A-nan, “Thế nào là ông có nghe, thế nào là không nghe? Như Lai muốn biết ông trả lời như thế nào.” A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng, “Nếu chuông được đánh lên, thì con được nghe. Khi chuông được đánh lên, chúng con đều nghe được tiếng chuông. Đánh lâu tiếng hết–sau khi chuông được đánh lên một hồi lâu, thì tiếng không còn nữa, âm vang đều dứt. Cả âm và vang đều dứt. Thế nên gọi là không nghe. Đó là nghĩa không nghe.” Thế là vấn đề A-nan và đại chúng đang gặp phải là tìm cho ra cái ‘không nghe.’ Họ nghĩ rằng khi không có tiếng chuông thì không có cái nghe. Thực ra, khi không có tiếng, thì cái gì biết là không có nghe? Cái biết được không có cái nghe chính là tánh nghe. Nếu quý vị thực sự không có cái nghe, thì chắc chắn quý vị không biết được là mình có nghe hay không. Đó là điểm then chốt.
Kinh văn:
Như Lai lại bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông nữa và hỏi A-nan rằng, “Nay tai có nghe có tiếng không?” A-nan thưa, “Dạ có tiếng.”
Giảng giải:
Đức Phật Như Lai lại bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông nữa và hỏi A-nan rằng, “Nay tai có nghe có tiếng không?”
A-nan và cả đại chúng trong hội đều thưa, “Dạ có tiếng.”
Kinh văn:
Lát sau tiếng hết, Đức Phật lại hỏi, “Nay tai có nghe có tiếng không?” A-nan cùng đại chúng thưa, “Dạ không có tiếng.”
Giảng giải:
Lát sau, sau một hồi lâu, tiếng hết, chuông không còn vang nữa, Đức Phật lại hỏi, A-nan “Nay tai có nghe có tiếng không? Ông có còn nghe tiếng nữa không, hay là không nghe?” A-nan cùng đại chúng thưa, “Dạ không có tiếng.”
Kinh văn:
Lát sau La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông. Đức Phật lại hỏi A-nan, “Nay tai có nghe có tiếng không?” A-nan cùng đại chúng thưa, “Dạ có tiếng.”
Giảng giải:
Lát sau, La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông. Đức Phật lại hỏi A-nan, “Nay tai có nghe có tiếng không? Như thế nào, có tiếng không, hay không có tiếng?” A-nan cùng đại chúng thưa, “Dạ có tiếng.”
Kinh văn:
Đức Phật hỏi A-nan, “Ông cho thế nào là có tiếng, thế nào là không tiếng?” A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng, “Tiếng chuông được đánh lên, gọi là có tiếng. Đánh lâu tiếng hết, âm vang không còn, gọi là không tiếng.”
Giảng giải:
Đức Phật hỏi A-nan, “Ông cho thế nào là có tiếng. Hãy giải thích cho Như Lai biết sự khác nhau giữa có tiếng và không tiếng.” A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng, “Tiếng chuông được đánh lên, gọi là có tiếng. Đó là chúng con hiểu về tiếng. Đánh lâu tiếng hết, âm vang không còn, gọi là không tiếng–sau khi chuông được đánh lên hồi lâu, âm thanh tiêu mất–gọi là không tiếng.”
Kinh văn:
Đức Phật bảo A-nan và đại chúng, “Các ông hôm nay sao nói lộn xộn như vậy?” A-nan và đại chúng đều hỏi Đức Phật, “ Vì sao Thế tôn bảo chúng con nói lộn xộn?” Đức Phật bảo, “Như Lai hỏi ông có nghe không?” Các ông đáp, “Có nghe.” “Như Lai hỏi ông có tiếng không?” Các ông đáp, “Có tiếng.” Chỉ cái nghe và cái tiếng, mà ông trả lời không nhất định. Thế sao không gọi là lộn xộn?
Giảng giải:
Đức Phật bảo A-nan và đại chúng, “Các ông hôm nay sao nói lộn xộn như vậy? Sao các ông lại tự mâu thuẫn như vậy? Những điều các ông nói thậm chí quá vô lý.”
A-nan và đại chúng đều hỏi Đức Phật, “ Vì sao Thế tôn bảo chúng con nói lộn xộn? Chúng con nói vô lý điều gì?”
Đức Phật bảo, “Như Lai hỏi ông có nghe không?” Các ông đáp, “Có nghe.” “Như Lai hỏi ông có tiếng không?” Các ông đáp, “Có tiếng. Như Lai hỏi ‘Các ông có nghe hay không?’ Các ông trả lời ‘Có nghe.’ Rồi Như Lai hỏi, ‘Có tiếng không?’ Các ông trả lời ‘Có tiếng.’ Chỉ cái nghe và cái tiếng, mà ông trả lời không nhất định. Các ông trả lời vừa có nghe vừa có tiếng, vậy rốt cuộc là cái nào? Câu trả lời của các ông không chỉ rõ. Thế sao không gọi là lộn xộn?”
Kinh văn:
A-nan, khi tiếng hết không còn âm vang, ông cho là không nghe. Nếu thực không nghe, thì tánh nghe đã mất, giống như cây khô. Khi tiếng chuông lại được đánh lên, ông làm sao nghe?
Giảng giải:
“A-nan,” Đức Phật nói, “Ông không phân biệt rõ ràng giữa nghe và tiếng, và đây là điểm mà ông không hiểu; đây thực là chỗ điên đảo của ông. Tại sao ông không thể nói được sự khác nhau giữa nghe và tiếng?” A-nan, khi tiếng hết không còn âm vang, ông cho là không nghe. Nếu thực không nghe, thì tánh nghe đã mất. Như tánh nghe không còn nữa, Không còn khả năng để nghe được nữa. Và khi có âm thanh khác, mà tánh nghe vẫn còn đó, nó không đi đâu cả. Nếu thực sự không có tánh nghe, thì khi tiếng chuông lại được đánh lên, ông làm sao nghe?”
Đây là điểm quan trọng. Dù âm thanh không có, tánh nghe chẳng bị mất đi. Nó vẫn đang hoạt động, vì tánh nghe không phải là đối tượng của sinh diệt. Âm thanh là đối tượng của sinh diệt, nhưng tánh nghe thì không. Vẫn có tánh nghe dù có âm thanh hay là không. Thế nên khi âm thanh không còn, mà quý vị trả lời là không có tánh nghe, thì đó là sai lầm lớn. Đó là điểm A-nan lầm lẫn. Đó là chỗ điên đảo của A-nan.
Kinh văn:
Biết có biết không, chính là thanh trần hoặc có hoặc không. Chứ tánh nghe kia đâu có vì ông mà thành có thành không? Nếu nói tánh nghe thật là không, thì ai biết là không nghe?
Giảng giải:
Biết có biết không, chính là thanh trần hoặc có hoặc không. Dĩ nhiên, những gì ông để ý là có là không đều thuộc về thanh trần. Chứ tánh nghe kia đâu có vì ông mà thành có thành không? Có phải đó là cách mà tánh nghe hiện hữu không? Có phải tánh nghe hiện hữu khi có tiếng và không có tánh nghe khi không còn tiếng chăng? Khi có tiếng, tánh nghe vẫn hiện hữu; khi không có tiếng, vẫn có tánh nghe. Âm thanh là đối tượng của sinh diệt; khi có sự rung động, thì có âm thanh, và khi sự rung động ấy dừng, thì không có âm thanh. Nhưng tánh nghe thì không có chuyện mất hay còn. Tánh nghe không phải nhận lệnh của ông mà có. Nếu nói tánh nghe thật là không–Nếu ông nói tánh nghe thực sự không còn nữa khi không có âm thanh–thì ai biết là không nghe? Cái gì biết sự vắng bặt của âm thanh? Cái gì biết không có tánh nghe. Ông nói rằng ông biết ông không nghe, nhưng nếu ông không có tánh nghe ngay tại thời điểm đó, thì ông không thể nào biết được là mình không nghe.
Kinh văn:
Thế nên A-nan, tiếng trong cái nghe, tự có sinh diệt, chẳng phải vì ông nghe có tiếng và không có tiếng. Khiến ông nghĩ rằng tánh nghe của ông là có, là không.
Giảng giải:
Thế nên, vì lý do nầy, A-nan, tiếng trong cái nghe, tự có sinh diệt. Âm thanh mà ông nghe được là có sinh và có diệt. Chẳng phải vì ông nghe có tiếng và không có tiếng. Khiến ông nghĩ rằng tánh nghe của ông là có, là không. Khi âm thanh phát ra rồi biến mất, thì đó không phải là do tánh nghe của ông có hay không có. Chuyện đó không bao giờ xảy ra. Dù có âm thanh hay không, thì tánh nghe vẫn có đó.
Kinh văn:
Ông còn điên đảo, lầm cho tiếng là tánh nghe. Đâu có lạ gì khi cho thường là đoạn. Tóm lại, không nên nói rằng rời các tướng động tĩnh, bế tắc, khai thông thì cái nghe không có tánh.
Giảng giải:
Ông còn điên đảo, lầm cho tiếng là tánh nghe. A-nan, ông không nhận ra chính ông đang bị điên đảo. Đó là lý do Như Lai nói ông thậm chí không phân biệt được giữa cái thuận và cái nghịch. Ông cho rằng tiếng là nghe và nghe là tiếng. Làm sao như thế được? Âm thanh và tánh nghe hoàn toàn khác nhau. Đâu có lạ gì khi cho thường là đoạn. Chẳng ngạc nhiên gì khi ông quá hỗn loạn. Và ông không hiểu ra. Ông nghĩ rằng chân tâm thường trụ là đối tượng của sanh diệt. Có khi nào khi Như Lai nói với ông rằng bản tâm thanh tịnh sẽ biến mất hay không? Nó vốn là chân tân thường trụ, và ông cho rằng nó sẽ hoại diệt, sẽ không còn nữa. Ông thật là kẻ mê mờ. Thậm chí ông còn không phân biệt được sự khác nhau giữa tiếng và cái nghe sinh khởi và hoại diệt như thế nào. Rút cục. Nó là cái gì? Sao ông mê muội như vậy? Tóm lại, không nên nói rằng rời các tướng động tĩnh, bế tắc, khai thông thì cái nghe không có tánh. Ông không nên nói rằng tách khỏi các thứ âm thanh ấy là tánh nghe không có. Sao tánh nghe lại không có? Tánh nghe luôn luôn thường trụ.
Kinh văn:
Như có người ngủ say trên giường. Trong nhà, khi người kia đang ngủ, có người giặt áo quần hoặc giã gạo. Người ấy trong mộng nghe rõ tiếng giã gạo. Lầm cho là tiếng gì khác, hoặc là đánh trống, hoặc là đánh chuông.
Giảng giải;
Đoạn trên, âm thanh được nói đến là để nhận ra tánh nghe. Khi nói đến tiếng chuông, chúng ta biết rằng tánh nghe vốn không sanh không diệt. Nếu tánh nghe diệt mất, thì không còn cái nghe nữa, Nhưng, khi chuông lại được đánh lên, thì tánh nghe lại bất sanh bất diệt. Miễn là có âm thanh, thì tánh nghe còn đó mãi mãi. Bây giờ Đức Phật đem những chuyện thường tình để minh họa tánh nghe vốn bất sanh bất diệt.
Như có người ngủ say trên giường. Anh ta ngủ quá say đến nỗi khi có người gọi cũng không tỉnh nỗi. Nhưng dù anh ta chưa tỉnh, tánh nghe của anh ta vẫn hiện hữu. Anh ta nhận ra có tiếng, dù anh ta đang mê ngủ. Sự nhầm lẫn nầy không phải là do tánh nghe, mà do thức thứ sáu, tức ‘độc đầu ý thức’ khiến cho có sự nhầm lẫn nầy.
Thế thì, người đang ngủ sâu nầy không biết mọi điều chung quanh. Trong nhà, khi người kia đang ngủ, có người giặt áo quần hoặc giã gạo. Khi anh ta đang ngủ, có người trong nhà giặt áo quần hoặc giã gạo. Đảo luyện 擣練 là nói đến cách giặt áo quần vào thời xưa. Tôi nhớ mình thấy việc này khi còn nhỏ. Có một tảng đá phẳng và hai thanh gỗ dẹp. Họ để áo quần trên tảng đá và vỗ cho nó sạch bằng hai thanh gỗ kia theo một nhịp điệu điều đặn. Thung mễ 舂米 tức giã gạo. Nhớ đến Lục Tổ Đại sư Huệ Năng giã gạo trong tám tháng. Người ta dùng cái chày giã xuống thóc bằng chân đạp để tách trấu ra khỏi hạt gạo. Phương pháp nầy được dùng vào thời xưa ở Trung Hoa và dĩ nhiên nó cũng thông dụng trong đời sống Ấn Độ. Thế nên Đức Phật mới dùng nó làm ví dụ.
Người ấy trong mộng nghe rõ tiếng giã gạo. Lầm cho là tiếng gì khác. ‘Người ấy’ là chỉ cho người đang mê ngủ. Anh ta nghe tiếng áo quần đang bị đập và gạo đang được giã, nhưng trong giấc mơ, anh ta lầm tưởng là tiếng gì khác. Anh ta nghĩ đó là tiếng gì? Anh ta tưởng lầm hoặc là đánh trống, hoặc là đánh chuông. Ngay khi trong mộng, tự lấy làm lạ sao tiếng chuông lại như tiếng gỗ tiếng đá. Anh ta nghĩ, “Tại sao tiếng chuông mà nghe như tiếng va chạm của gỗ hoặc của đá?” Trong lúc mơ, thức thứ sáu, tức ‘độc đầu ý thức’ đã khiến cho lầm tưởng âm thanh như vậy.
Giấc mơ là trò đùa của thức thứ sáu. Nó chiếm quyền kiểm soát của mình và khiến mình mơ tưởng về mọi thứ khác. Sao người ấy xem âm thanh mình nghe trong mơ lại giống như tiếng chuông, trong khi, thực ra, không có âm thanh nầy? Nó đến từ ấn tượng nhầm lẫn trong một phần giấc mơ của anh ta. Và đó là điều anh ta ngạc nhiên vì sao âm thanh lại nghe như tiếng gỗ hoặc đá chạm nhau hơn là giống tiếng chuông. Anh ta lấy làm lạ.
Giấc mơ xảy ra khi ý thức, thức thứ sáu bị lệch lạc. Bất kỳ điều gì xảy ra lúc ban ngày, hoặc bất kỳ quý vị trải qua điều gì, nó đều ảnh hưởng trong giấc mơ của mình vào lúc ban đêm. Có người tu đạo đã dùng ý thức, thức thứ sáu để tu cho đến khi được ‘xuất huyền nhập tẫn–出玄入牝’, có nghĩa là phái một linh hồn đi ra từ trên đảnh đầu của người tu luyện. Linh hồn nầy có thể rời thân thể người ấy và đi khắp nơi. Nhưng điều nầy không phải là chân chính, vì linh hồn kia là một thứ khí thuần dương. Do vậy, khi nó ra khỏi thân, nó biết được một số việc, nên gọi là thần linh.
Thời đó có lão Đaọ sĩ thực sự đã tu luyện lâu năm, nhưng ông ta có tính khí rất cao ngạo. Đi đến đâu, ông ta cũng tự cao tự đại. Vì ông ta quá cao ngạo nên ông khinh thường tất cả. Ông ta tự xem mình là tu luyện cao nhất. Ông ta khoe khoang rằng ngay sau khi ngủ, ông ta sẽ phái đi loại thần linh nầy. Đó giống như là giấc mơ, nhưng ông ta biết và sau đó có thể nhớ rất rõ ràng.
Một hôm Lão Đạo sĩ gặp một Hòa thượng, cùng nhau đàm đạo. Lão Đạo sĩ nói, “Trong đạo Lão, có thể tu thành Tiên, trường sanh bất tử, sống mãi muôn đời. Trong đạo Phật có bản lãnh gì? Đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn phải chết. Trong khi không ai biết ông tổ của đạo Lão, tức Lý Lão Quân đi đâu? Họ cho rằng ngài chết, nhưng thực ra ngài lên trời, Thế nên công phu tu luyện của Lão giáo là xuất huyền nhập diệu vậy.”
Hòa thượng hỏi, “Ông xuất khiếu–tức thoát hồn– như thế nào?”
Lão Đạo sĩ đáp, “Khi tôi ngủ, tôi có thể đi đâu mà mình muốn.”
“Ồ! Được rồi, Thế thì bây giờ ông hãy ngủ và xuất hồn đi để tôi xem thử ra sao.” Hòa thượng trả lời.
Lão Đạo sĩ nằm xuống ngủ, ngay ông ta vừa ngủ lơ mơ, ông liền xuất hồn đi. Nhưng đó là cái gì? Đó là con rắn trườn ra trên đỉnh đầu ông ta. Con rắn trườn khỏi giường, xuống nền nhà và bò ra bên cạnh hầm phân. Nó uống chút nước dơ rồi nằm sát cạnh bờ nước. Lão Hòa thượng hái một nắm cỏ rồi đặt trên đường mòn, rồi nhổ một bụi cây khác đặt bên cạnh nắm lá. Khi con rắn thấy bụi cỏ, nó hoảng sợ chạy trốn và vội vã chui vào lại nơi mà nó vừa trườn ra. Sau khi trở vào lại trong đỉnh đầu lão Đạo sĩ. Lão già tỉnh ngủ với mồ hôi đầm đìa, hoảng sợ như vừa thoát chết.
“Ông vừa đi đâu về?” Lão Hòa thượng hỏi, “khi ông vừa ra khỏi đỉnh đầu?”
Lão Đạo sĩ đáp, “Tôi lên trời, đến bên một cái hồ.” Ông ta đã nhớ lầm, hố phân thay vì cái hồ trên trời. “Khi tôi đến cái hồ trên trời, tôi uống chút nước cam lồ trong đó, rồi khi tôi cuộn mình, tôi thấy một ông thần mặc áo giáp vàng đứng bên hồ tay cầm kiếm. Ông ta định giết tôi, thế là tôi bỏ chạy.”
Lão Hòa thượng đáp, “Ồ! chuyện như vậy, Đối với ông, lên trời là vậy đó sao?” Rồi lão Hòa thượng nói cho Lão Đạo sĩ biết cái thấy của mình về sự kiện ấy hoàn toàn khác với lời kể của lão Đạo sĩ, và lão Hòa thượng kể lại những gì ngài đã thấy. “Lý do con rắn chui ra khỏi đầu ông có lẽ là do ông có tập khí quá nóng nảy và luôn luôn tỏ ra sân hận. Nếu ông không thay đổi tánh nóng, có khả năng ông sẽ biến thành rắn. Loài rắn thường có nọc độc trong tâm, và tính sân hận của ông cũng giống như nọc độc ngay trong người ông vậy.”
Lão Hòa thượng nói tiếp, “Ông đi ra bên ngoài để uống ít nước từ trong hố phân đầy nước tiểu. Đó là hồ nước cam lồ trên trời của ông đó! Và khi tôi để nắm cỏ và bụi cây trên đường ông đi, thì ông tưởng rằng đó là ông thần mặc áo giáp đến bắt ông. Đó là khi ông chạy vội vã chui vào trong đầu ông. Đó là những gì tôi thấy được.”
Lão Đạo sĩ thầm nghĩ, “Thế là mọi điều mình tu luyện được đều là sai lầm!” Rồi Lão đảnh lễ Lão Hòa thượng làm thầy và xin theo ngài tu học Phật pháp. Ông ta từ bỏ mọi công phu tu luyện trước đây. Thế nên, nếu có người nói rằng họ có thể xuất hồn khỏi xác trong lúc đang ngủ, thì đó là chỉ cho một loại khí dương. Khí dương nầy phản ánh mọi tính khí của quý vị; nếu quý vị là người nhân từ, thì đó là loại thần nhân từ; nếu quý vị là người sân hận, thì đó sẽ là loại thần tham độc. Nên người ta thường nói,
Nhất niệm sân tâm khởi
Bá vạn chướng môn khai.
Lão Đạo sĩ có tâm sân hận như vậy nên ông ta có thể biến thành thân rắn. Nhờ duyên lành mà ông ta gặp được Lão Hòa thượng cứu ông thoát khỏi thân rắn trong đời sau.
Kinh văn:
Lúc chợt tỉnh, liền biết là tiếng chày giã gạo. Tự nói với gia nhân, ngay khi trong mộng. lầm tiếng chày nầy cho là tiếng trống.
Giảng giải:
Lúc chợt tỉnh, người đang giấc ngủ sâu chợt tỉnh. Anh ta thoát ra khỏi âm thanh trong giấc mộng, có lẽ vì tiếng chày giã gạo quá lớn, và có lẽ do vì tiếng chày giặt áo quần quá ồn ào, khiến cho anh ta tỉnh ngủ. Liền biết là tiếng chày giã gạo. Anh ta nhận ra rất nhanh đó là tiếng chày giã gạo và biết đó không phải là tiếng chuông kêu.
Có nhiều cách để giã gạo. Có khi được dùng bằng sức nước, có khi dùng sức người. Hồi trước tôi thường dùng chày để giã ở chùa Ze Xing trên núi Da Yu. Nhưng tôi thường chỉ giã được một lát, sau đó nhiều người đến thay tôi. tại chùa Da Jiao ở Vân Môn, do Lão Hòa thượng Hư Vân lập nên, thường giã gạo bằng nước, rất là tiện lợi.
Khi người nầy tỉnh dậy, mới biết âm thanh mình nghe được trong mộng chính là tiếng chày giã gạo. Tự nói với gia nhân, ngay khi trong mộng. lầm tiếng chày nầy cho là tiếng trống.” “Khi tôi đang ngủ, tôi nằm mơ, tưởng tượng của tôi bị lệch lạc. Tôi lầm tưởng tiếng chày giã gạo là tiếng trống.” Trong đoạn kinh trên đề cập đến tiếng chuông cũng như tiếng trống, nhưng nguyên lý thì như nhau. Tiếng trống có thể thay cho tiếng chuông và ngược lại, Điều ấy không quan trọng. Khi giảng kinh quý vị phải biết uyển chuyển khi giải thích ý kinh. Đừng quá câu nệ. Khi giảng, quý vị cần giải thích rõ ràng đạo lý. Nếu giảng giải phần đạo lý rõ ràng, thì những thay đổi chút ít trong kinh văn không cần phải câu nệ lắm.
Kinh văn:
A-nan, người ấy khi trong chiêm bao, đâu có nhớ những tướng động tịnh, mở đóng, thông bít. Thân tuy ngủ, nhưng tánh nghe không mờ tối.
Giảng giải:
A-nan, nay ông có hiểu hay không? Người ấy khi trong chiêm bao–Tôi không biết người trong chiêm bao ấy là ai; có phải là tôi, có phải là quý vị, hay là người nào khác? Người ấy đâu có còn nhớ những tướng động tịnh nữa? Làm sao anh ta còn nhớ những gì lay động, yên tĩnh, dù anh ta đang trong giấc mơ? Làm sao anh ta nhớ lại những tướng mở đóng, thông bít được? Anh ta không có loại tâm phân biệt nầy trong giác chiêm bao. Anh ta không có sự phân biệt giữa động và tỉnh, giữa mở và đóng, giữa thông và bít. Thân tuy ngủ–thân anh ta tuy đang ngủ–nhưng tánh nghe không mờ tối. Tánh nghe anh ta không bị tối tăm; nó không bị anh ta kiềm chế. Ngay cả trong lúc ngủ, tánh nghe vẫn có. Nếu nó vẫn hiện hữu ở đó, tại sao anh ta lại nhầm lẫn tiếng đập áo quần và tiếng giã gạo với tiếng chuông và tiếng trống? Khi tỉnh anh ta đã quá quen thuộc với tiếng chuông tiếng trống, thế nên khi ngủ, những âm thanh nầy hiện hành trong thức thứ tám của anh ta, và bắt anh ta tin vào tiếng chuông tiếng trống. Anh ta đã tạo nên sự lầm tưởng.
Mọi thứ điên đảo mà mọi người mắc phải đều giống như sự lầm tưởng âm thanh trong giấc chiêm bao. Sự lầm tưởng khiến cho mọi suy tính trở nên điên đảo, như lão Đạo sĩ kể trên. Ông ta tưởng mình lên trời và uống nước cam lồ, trong khi, thực tế là uống nước tiểu trong hố phân. Nếu ông ta nhận ra sự thật, thì chắc chắn phải nôn mửa ra. Nhưng lúc đó, ông ta biết mình làm gì. Ông ta cảm thấy như mình được đối xử rất đặc biệt, tất cả chỉ vì ông ta không nhận biết những gì đang xảy ra.
Kinh văn:
Dù cho thân hình ông có tiêu tan. Làm sao mà tánh nghe ấy vì ông mà tiêu mất?
Giảng giải:
Đoạn kinh trên đã giải thích tánh nghe của ông không ngủ dù ngay khi thân quý vị đang ngủ. Ngay cả trong giấc mơ tánh nghe cũng không mất. Nó ở bên trong. Không chỉ nó bị kiềm chế trong trạng thái mơ, mà nó còn không bị tiêu mất khi mình chết. Thế nên, nay kinh văn nói, dù cho thân hình ông có tiêu tan–khi quý vị chết và thân xác không còn–mạng căn có dời đổi và diệt mất. Khi đời sống quý vị chấm dứt, đó không phải là thực sự chấm dứt hẳn, đúng hơn, khi con người chết, đời sống chuyển sang dạng khác. Giống như có người sống trong khách sạn; họ sẽ chuyển sang khách sạn khác khi cái cũ sắp rã nát. Thế nên khi quý vị lột bỏ cái vỏ bọc của mình, khi quý vị xong phần việc với thân nầy, quý vị sẽ dời đi nơi khác. Làm sao mà tánh nghe ấy vì ông mà tiêu mất? Làm sao mà tánh nghe biến mất khi thân xác ông không còn nữa? Ngay cả lúc chết, tánh nghe nầy vẫn không bị mất.
Kinh văn:
Do các chúng sinh từ vô thủy đến nay, theo các thứ sắc thanh, truy đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển. Chưa từng khai ngộ bản tánh thanh tịnh thường trụ vi diệu.
Giảng giải:
Khi sự hiện hữu của thân xác đến tận cùng, khi thân thể tàn tạ và chết đi, thì mạng quang của quý vị dời chuyển; nhưng tánh giác, tánh nghe của quan niệm thì không biến hoại. Do các chúng sinh từ vô thủy đến nay, theo các thứ sắc thanh. Do đâu mà các chúng sinh chưa được thành Phật? Vì sao họ không hiểu đạo? Chỉ vì họ truy đuổi theo sắc thanh từ vô lượng vô biên kiếp trong quá khứ cho đến ngày nay. Họ đuổi theo sắc trần và thanh trần rồi dính mắc với chúng. Họ truy đuổi theo vọng niệm mà lưu chuyển, mãi mãi, và họ Chưa từng khai ngộ. Họ nhận lầm vọng rồi cho là chân và bị xoay chuyển theo các trần cảnh nầy. Họ quá dính mắc với những cái vọng và chẳng nhận ra cái gì chân, thế nên bây giờ họ chẳng biết bản tánh thanh tịnh thường trụ vi diệu. Họ không hiểu được đạo lý này, vốn rất vi diệu, chân thật và thường trụ.
Kinh văn:
Không theo cái thường, chỉ đuổi theo sanh diệt. Do vậy phải sanh mãi và chịu tạp nhiễm khi lưu chuyển.
Giảng giải:
Không theo cái thường. Họ không theo đạo lý lưu xuất từ bản tánh vi diệu thường trú trong chính mình; lại nữa, họ đi ngược lại với đạo lý nầy, và họ chỉ đuổi theo sanh diệt. Có thứ gì trên thế gian nầy không là đối tượng của sinh diệt? Mọi thứ có hình tướng đều là pháp sinh diệt. Pháp không sanh diệt không có sắc tướng. Nhưng phần nhiều chúng sinh trở nên dính mắc với sắc tướng và quên đi đạo lý thanh tịnh vi diệu chân thường. Do vậy phải sanh mãi. Đời nầy kế tiếp đời sau, đời sau kế tiếp đời sau nữa. Điều gì khiến cho đời nầy kế tiếp đời sau? Vì chúng sinh phải chịu tạp nhiễm khi lưu chuyển. Chữ ‘tạp nhiễm’ hàm ý rằng chúng sinh không duy trì được tinh thanh tịnh mà bị nhiễm phải cấu uế dơ bẩn, càng làm ô nhiễm thêm. Chúng sinh nhiễm phải những thứ gì? Nhiễm những gì trong cảnh giới mà họ lưu chuyển? Và nghĩa của lưu chuyển là gì?
Nếu đời nầy có người tên là Smith, đời sau được gọi là Jones. Đời sau nữa gọi là bò, đời sau nữa gọi là ngựa, đời sau nữa gọi là heo. Quý vị đừng nghĩ rằng mọi chuyện đều giống như hiện nay. Con heo già là thân trước của ông Jones. Anh chàng Jones chính là thân trước của con bò già kia. Chúng sinh bị trong vòng lưu chuyển; đó chính là cùng một tự tánh trong những thân khác nhau. Và vì cách thế đổi thay, nên quý vị không hiểu được. Quý vị không nhận ra được những gì đang diễn biến. Dù quý vị không nhận ra, nhưng tôi biết. Tôi biết quý vị là bò, là ngựa, là heo. Khi quý vị hành xử như ngựa, thì quý vị biến thành ngựa. Khi quý vị hành xử như heo, thì quý vị biến thành heo. Khi quý vị hành xử như chó, thì quý vị biến thành chó. Khi quý vị hành xử như bò, thì quý vị biến thành bò. Và nếu con heo có những tính như người–nếu nó làm điều gì đó tốt đẹp thì nó có thể biến thành người. Chúng sinh lưu chuyển theo con đường đầu thai. Có chúng sinh tạm lên trời, nhưng khi phước báo ở cõi trời hết thì lại đoạ vào địa ngục. Khi trả quả khổ ở địa ngục hết, thì lại sanh ở cõi người, hoặc làm súc sanh. Nếu người quá thô lỗ vụng về và chẳng biết tập tính người, thì khỏi bận tâm về họ làm gì. Trong đời trước chắc chắn họ là súc sanh.
Nếu anh ta chẳng phải là súc sanh trong đời trước, thì đời nay anh ta sẽ không thô lỗ. Nhưng, dù biết họ từng là súc sanh trong đời trước, quý vị cũng đừng khinh khi anh ta bằng những lới nói như, “Mầy! Chắc đời trước mầy là con heo.” Hoặc là, “Trước đây chắc anh là con bò.” Dù họ là heo hay bò, thì mọi chúng sinh cũng đều có Phật tính và đều có thể thành Phật. Họ có thể u mê bây giờ và không biết mình phải tu; ngược lại nếu họ trở nên tinh tấn, họ có thể thành Phật trước cả quý vị. Chẳng có điều gì cố định. Dù cho anh ta là súc sinh, quý vị cũng không nên xem thường họ.
Trong một kiếp trước, Đức Phật là Thường Bất Khinh Bồ-tát, ngài luôn luôn nói, “Tôi không dám khinh quý ngài. Tất cả quý ngài đều sẽ thành Phật.” Chữ “Tất cả ” ở đây là bao gồm cả chúng sinh. Người chưa có được Phật nhãn và huệ nhãn không nên khinh thường mọi chúng sinh. Người đã có được Phật nhãn và huệ nhãn cũng không có dù một chút khinh thường chúng sinh! Vì mọi chúng sinh đều là cha mẹ nhiều đời trong quá khứ, và tương lai sẽ thành Phật. Có bao nhiêu cha mẹ của mình từ quá khứ, từ đời nầy đến đời khác? Không thể nào tính đếm hết được. Vì nguyên do nầy, ngày hội Vu-lan được cử hành vào ngày rằm tháng bảy hằng năm, là dịp đặc biệt để cứu độ vô số chúng sinh. Khi cử hành lễ nầy, chúng ta thiết bàn thờ trang nghiêm để tổ tiên ông bà, các vong linh có thể về đó để nghe kinh. Sau khi nghe kinh, có thể họ sẽ được vãng sanh, và ít nhất là sẽ thành người hữu dụng, trong tương lai sẽ hộ trì Phật pháp.
Kinh văn:
Nếu trừ bỏ sanh diệt, giữ tính chân thường, tính sáng suốt chân thường hiện tiền. Các thứ căn trần, thức tâm phân biệt đều tiêu mất.
Giảng giải:
Nếu trừ bỏ sanh diệt–nếu trong khi tu đạo, quý vị không dùng thức tâm làm tâm phân biệt, nếu quý vị giữ tính chân thường–nếu quý vị dùng tâm chân thật, bản tâm vi diệu, thường trú chân tâm thì tính sáng suốt chân thường hiện tiền. Sau cùng, trong quý vị sẽ phóng xuất ra ánh sáng, tự tánh quang minh–đó là tánh sáng suốt từ bản tâm. Do vậy, các thứ căn trần, thức tâm phân biệt đều tiêu mất. Các niệm vọng tưởng dính mắc với sáu căn, sáu trần, sẽ biến mất cùng một lúc.
Kinh văn:
Tướng của vọng tưởng là trần, thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Cả hai đều rời bỏ, làm sao không thành Vô thượng trí giác?
Giảng giải:
Tướng của vọng tưởng là trần. “Tướng” là chỉ cho một trong hai phương diện của thức thứ tám, tướng phần, có nghĩa là tất cả các pháp hữu vi. “Tưởng” là chỉ cho vọng tưởng. Vọng tưởng và tướng hư vọng kết hợp nhau để làm thành trần cảnh. Thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Điều nầy chỉ cho phương diện thứ hai của thức thứ tám, kiến phần, có nghĩa là tính suy lường phân biệt ở bên trong. Trong thức tâm phân biệt, quý vị phát khởi cảm xúc (tình), và từ đó phát sinh ra trần lao. Nguồn gốc của trần chính là cảm xúc (tình).
Điều làm tổn hại con người nhất chính là cảm xúc của họ. Bất luận khi gặp phải hoàn cảnh nào, họ cũng hành xử bằng cảm tính. Cảm xúc (tình) khiến cho con người sinh ra trong cơn say mơ màng và chết đi trong giấc mộng.
Cả hai đều rời bỏ, tướng của vọng tưởng, đem đến trần cấu, và thức tình, khiến tạo nên nhiễm ô–quý vị muốn tách rời hai khía cạnh của thức thứ tám, tướng phần và kiến phần–nếu có thể tách rời tưởng ra khỏi tình, thì pháp nhãn của ông liền được trong sáng. Pháp nhãn đề cập ở đây không nhất thiết phải là pháp nhãn trong ngũ nhãn lục thông, mà được hiểu là sự khai mở của trí huệ. Càng vi diệu hơn nếu quý vị khai mở được pháp nhãn, đại chúng như vậy, khắp ba đời, mười phương, cho đến tận hư không pháp giới, mọi thứ đều là pháp bảo. Nếu pháp nhãn của quý vị thanh tịnh, quý vị tức thời chấm dứt mê mờ, trong tâm thuần là trí huệ chân thật. Làm sao không thành Vô thượng trí giác? Làm sao mà quý vị không thành tựu Vô thượng trí giác? Chắc chắn quý vị sẽ có được. Chỉ cần từ bỏ sạch hết những vọng trần và thức tình.
Đây chỉ là một đoạn kinh ngắn, nhưng mọi người nên đặc biệt chú ý. Đừng dính mắc vào thức tình và rơi vào phân biệt vọng tưởng. Quý vị nên tách mình ra khỏi các thứ đó. Quý vị có nghe rõ không? Điều nầy rất quan trọng. Đừng xem thường. Đừng ngủ gật bây giờ. Nếu quý vị buồn ngủ và không nghe được kinh nầy, thì quả thực quý vị đã mất dịp may. Mọi người nên ghi nhớ đoạn kinh nầy và đừng bao giờ quên.
“Tướng của vọng tưởng là trần, thức tình phân biệt là cấu nhiễm. Cả hai đều rời bỏ, làm sao không thành Vô thượng trí giác?
Không những phải thuộc lòng chú Kinh Thủ-lăng-nghiêm, mà phải thuộc cả kinh văn nữa càng tốt. Năng lực hằng ngày của quý vị sẽ lớn hơn. Tôi không ở đây chỉ để vui chơi với quý vị. Tôi không làm trò mua vui cho quý vị. Nên quý vị không thể tuỳ tiện dù chỉ một chút ít.
HẾT QUYỂN 4
Bản dịch Việt ngữ: Thích Nhuận Châu
Hạ An cư, Ất Dậu 2005
Tịnh thất Từ Nghiêm, Đại Tòng Lâm. BR-VT.