PHẬT NÓI KINH
THÍCH MA NAM BỔN   

 Hán dịch: Ðời Ngô, nước Nguyệt Chi, Ưu bà tắc Chi Khiêm.
Việt dịch: Thích Chánh Lạc

 

Kinh Thích Ma Nam Bổn

Nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại Thích Cơ Sấu, ngồi dưới một gốc cây trong vườn Nê Câu Loại, nước Duy La Vệ Ðâu. Bấy giờ có người họ Thích tên là Ma Nam, đi đến trước đức Phật, lấy đầu mặt lạy sát chân đức Phật rồi bạch đức Phật:

–Con thường nghe đức Phật dạy: “Phải thâu nhiếp tâm ý”. Con nghe đức Phật dạy: “Tâm con người có ba trạng thái: có dâm, nộ, và si”. Từ khi nghe được như vậy đến nay, con thường nhớ trong tâm, con tự suy nghĩ: “Nếu không có trạng thái dâm, tâm ta liền chơn chánh; nếu không có trạng thái sân, tâm ta liền chơn chánh; nếu không có trạng thái si, tâm ta liền chơn chánh”. Con tự suy nghĩ: “Mình đã thường giữ ba thứ này, ý bất động, do nhân duyên gì vẫn không được giải thoát?’.

Ðức Phật dạy:

–Nếu giải thoát được tâm dâm, tâm nộ và tâm si, vậy do nhân duyên gì mà vẫn còn sống chung với vợ con? Nên còn có tâm tham. Này hiền giả, hãy tự tư duy: “Nay ta tuy có chút khổ, nhưng về lâu sau sẽ được an lạc lớn; cùng ở chung với vợ con, tuy sướng vui trong chốc lát nhưng về sau sẽ hết sức đau khổ. Này hiền giả, hãy biết thế gian vui ít nhưng khổ nhiều”.

Ðức Phật dạy:

–Các Tỳ kheo đắc đạo A la hán biết thế gian vui ít khổ nhiều, cho nên ta cầu Phật đạo chỉ nghĩ thế gian là vui thì ít nhưng khổ nhiều. Khi ta làm Bồ tát, thường nghĩ vui ít khổ nhiều.

Ma Nam nói:

–Chỉ riêng đức Phật và A la hán có ý niệm này sao?

Ðức Phật bảo:

–Này Ma Nam, hãy nghe ta nói rồi để trong tâm: con người ở thế gian, những gì là thú vui của họ?

Phàm có năm thứ dục lạc làm con người hoan hỷ tham đắm: con mắt tham đắm sắc, liền để trong tâm, ngày đêm suy nghĩ, tham đắm sắc đẹp, tai nghe tiếng hay, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi thích vị ngon, thân ưa vật mềm dịu, liền đắm trước trong tâm. Vì tham đắm sắc đẹp, cũng vậy đối với năm thứ kia người trong thiên hạ đều tham đắm. Sự tham đắm của người đời đều không ngoài năm thứ này, được mấy người biết lo thoát ra? Người thế gian hoặc làm ruộng vườn để sinh sống, hoặc làm thợ thầy để mưu sinh, hoặc buôn bán ở chợ búa để kiếm sống, hoặc là quan chức để sinh sống, hoặc nuôi súc vật để sinh nhai, hoặc làm thợ vẽ để kiếm sống. Những người ấy nhẫn chịu sự lạnh lẽo, sự nóng bức, sự khổ sở, sự đói, sự khát. Họ đều bị ý tham nên phải nhẫn chịu sự lạnh, sự ấm, sự đói, sự khát, rồi tự oán rằng: “Ta sinh hoạt để sống, trải qua bao nhiêu năm trời, khổ sở muốn chết, nhưng vẫn không kiếm được tiền tài chi cả, vẫn sống với sự khổ lạnh, hoặc bệnh hoạn ốm yếu”.

Ðức Phật bảo:

–Này Ma Nam, đó là sự khổ thứ nhất.

Ðiều thứ hai là trong con người có ý tham dâm, hoặc có người làm ruộng vườn, hoặc có người làm thợ thầy, hoặc có người mua bán ở chợ búa, hoặc có người làm quan lại, hoặc có người nuôi súc vật, hoặc có người làm thợ vẽ. Khi làm việc để sinh sống phải nhẫn chịu sự lạnh, nóng, đói, khát để có tiền tài. Nhờ đó được giàu có nhưng lại ôm lòng lo sợ huyện quan lấy hết tiền tài, hoặc sợ lửa cháy thiêu hết tiền tài, hoặc sợ lúc đi ghe, ghe chìm làm mất hết tiền tài, hoặc sợ giặc cướp, cướp hết tiền tài, hoặc sợ lúc mua bán đổi chác làm hết tiền tài, hoặc sợ những người thân thuộc nghèo khổ dùng thuốc độc để hại họ, hoặc bị con ruột làm tiêu hết tiền tài. Người ấy thường sống trong lo âu, ngày đêm ôm lòng lo sợ không phút nào ngơi. Trong đó lại có người đang cất giữ tiền tài thì hoặc gặp quan lại (chiếm đoạt), hoặc bị lửa cháy nước trôi, hoặc mua bán vay mượn tiền tài không trả, hoặc đem chôn dấu trong đất nay quên mất chỗ, hoặc bị vu khống, hủy báng làm cho mất hết, hoặc có con ruột tiêu hết tiền tài của cha mẹ. Người ấy tự nghĩ: “Từ lúc còn nhỏ ta đã mưu sinh, phải nhẫn chịu sự lạnh, nóng, đói, khát hoặc cần khổ để kiếm ra tiền, nay lại bị mất hết. Do đó nhớ nghĩ, lo sầu nên bị bệnh, hoặc bị chết, đều do tiền tài gây ra. Những việc ấy đều do ý tham ngũ dục mà ra. Ðó là khổ thứ hai.

Ðiều thứ ba là người thế gian vì có tiền của nên cha tranh với con, anh tranh với em, chồng tranh với vợ, hoặc bằng hữu tri thức tranh chấp nhau, hoặc nội ngoại các gia đình tranh chấp nhau, sau lưng nói xấu lẫn nhau. Các thứ ấy đều do tham dục lạc mà ra. Người thế gian nhân vì tiền tài mà vua đánh với vua, đạo nhân đánh với đạo nhân, điền gia đánh với điền gia, công sư đánh với công sư, do vì tiền tài nên dùng miệng chửi nhau, dùng gậy đánh nhau, dùng dao chặt nhau, hoặc làm cho bị thương, chết chóc lẫn nhau. Tất cả đều do lòng tham mà ra. Ðó là khổ thứ ba.

Ðiều thứ tư là người thế gian đi theo quân đội nhận tiền lương của quan phải đi chiến đấu, chẳng biết sống chết lúc nào, do lòng tham nên mới tòng quân, vì lãnh tiền của quan cho nên không thể dừng lại, phải chiến đấu, hoặc bị thương ở đầu, hoặc bị cắt đầu, hoặc bị thương ở tay, hay bị đứt tay, hoặc bị thương ở chân hay bị cắt chân, lần hồi đưa đến sự mất mạng. Ðó đều do tham lam mà ra. Ấy là khổ thứ tư.

Ðiều thứ năm là người thế gian có ý tham, ban đêm khoét tường nhà người ta để ăn trộm, hoặc cướp của người ta ở giữa đường, công pháp thành quách của người ta nên bị quan bắt được, hoặc chặt đầu, hoặc chặt tay, hoặc chặt chân, hoặc phanh thây, hoặc lóc thịt, hoặc dùng lửa đốt, hoặc lấy chày lớn đập bể trán, hoặc chém ngang lưng. Những thứ ấy đều do lòng tham mà ra. Ðó là khổ tứ năm.

Người thế gian vì tiền tài mà dối láo nhau, miệng cũng dối láo nhau, thân cũng dối láo nhau, ý cũng dối láo nhau. Bấy giờ tự họ cho đó là việc cần làm, không có tội lỗi gì cả, không biết sự tai ương độc hại của nó, về sau phải vào địa ngục. Trong đó nếu hiền giả hay Sa môn tự tư duy năm lạc của thế gian vui nhiều hay sự khổ não ưu sầu nhiều?

Ðức Phật bảo:

–Này Ma Nam, khi ta còn làm Bồ tát thường nghĩ thế gian thì vui ít mà khổ não lại nhiều, do đó mà ta cầu đạo Vô vi. Nếu có người tham dục cho rằng: “Thế gian là vui”, vì họ đều không biết con đường sanh tử. Nếu thế gian có vị tâm ý hiền thiện, có chí vô tham, lại muốn dạy cho con người chớ có tham dục. Ðó là vị Ðại đức tối thượng.

Ðức Phật bảo:

–Này Ma Nam, ta thường đến Vương Xá có một hòn núi tên là Thiếc Ðề Ban Lãm A Ðọa Phu Sở Phái Thí. Ta thấy các Ni Kiền có hành giả xõa tóc, có hành giả còng lưng ngồi ở dưới đất, nằm ở dưới đất, thân thể không có y phục, họ đều mặc da nai. Ðức Phật từ xa trông thấy, đến phía trước nói với các Ni Kiền: “Do nhân duyên gì mà khiến các ông xõa tóc, do nhân duyên gì mà các ông ngồi, nằm ở dưới đất, cũng không mặc áo quần, tự làm sự độc hại như vậy?

Các Ni Kiền trả lời đức Phật:

–Ðời trước chúng tôi làm ác như thế nên mới khiến đời này bị khốn khổ như vậy, do hành vi ác chưa hết nên chúng tôi mới làm như vậy.

Ðức Phật nói:

–Do nhân duyên gì mà các ngươi nghe và biết được việc này? Vậy có phải theo người ta mà nghe biết được việc đã làm ở đời trước chăng? Hay là tự biết?

Các Ni Kiền đáp:

–Chúng tôi cũng không biết, cũng không nghe, cũng không nhờ ai dạy chi cả.

Ðức Phật bảo:

–Nếu dùng sự khổ hạnh này mà thoát được sanh tử chăng? Các ngươi cũng không nghe người ta nói, cũng không nghe thầy dạy như vậy. Khi không mà tự chuốc lấy sự khốn khổ. Vậy hãy bỏ việc làm ấy, đi đến mà tôn thờ Phật đạo.

Ðức Phật bảo:

–Ta chỉ tiếc cho các ngươi, hoặc thân suy nghĩ, hoặc con cháu đời sau đều bắt chước việc làm này của các ngươi.

Các Ni Kiền đều tức giận, đức Phật bảo rằng:

–Vua Bình Sa Vương tại sao lại cho Sa môn Cù Ðàm này truyền đạo trong nước?

Ðức Phật bảo các Ni Kiền:

–Nếu các ngươi có thể ngồi ngay thẳng trong bảy ngày bảy đêm, không ăn uống, không nói chuyện, như vậy là vui chăng? Hay nhà vua có cung điện, kỷ nhạc là vui?

Ni Kiền nói:

–Này Sa môn Cù Ðàm, chúng tôi vui.

Ðức Phật nói:

–Sao gọi là vui? Vua Bình Sa trong nước vì sao lại không vui?

Ni Kiền thưa:

–Này Sa môn Cù Ðàm, chúng tôi ít lo buồn cho nên vui hơn vua Bình Sa.

Ðức Phật nói:

–Này các Ni Kiền, vua Bình Sa có ý dâm, có ý nộ, có ý si, cũng muốn hàng phục các quần thần, cũng muốn hàng phục các dân chúng bên ngoài, ngày đêm suy nghĩ: “Phải trừng trị ai? Phải trói buộc ai?”.

Ðức Phật nói:

–Người có lòng dâm cũng sẽ tự sát, cũng muốn sát người khác. Người có lòng sân hận cũng tự sát, cũng muốn giết người khác. Người si mê cũng sẽ tự sát, cũng muốn giết người khác.

Các Ni Kiền đều đến trước đức Phật thưa rằng:

–Chúng tôi không có trạng thái dâm, cũng không có trạng thái sân, cũng không có trạng thái si, vậy có thể làm Sa môn được chăng?

Ðức Phật bảo:

–Hãy trở về báo cho cha mẹ các ngươi biết.

Các Ni Kiền thưa:

–Chúng con bỏ nhà học đạo, đều được sự đồng ý của cha mẹ rồi.

Ðức Phật dạy:

–Vậy các ngươi hãy quy y, thọ trì năm giới.

Các Ni Kiền đều thọ năm giới:

  1. Không sát.
  2. Không trộm.
  3. Không xâm phạm phụ nữ nhà người khác.
  4. Không dối láo.
  5. Không uống rượu.

Các Ni Kiền thọ trì năm giới, mặc áo, búi tóc lên, giữ chánh hạnh. Ai nấy đều trở về nhà của mình.

Ðức Phật bảo Ma Nam:

–Nếu nghe qua ý dâm, ý nộ, và ý si này, hoặc cho rằng ta thọ trì lời Phật dạy, hoặc suy tư chính chắn về năm điều này, vậy có nên tranh giành với người thế gian chăng?

Ma Nam thưa:

–Con sẽ trở về suy tư, đọc tụng kinh điển này, ngày mai sẽ đến chỗ đức Phật.

Ma Nam đến phía trước đức Phật đảnh lễ rồi đi.

PHẬT NÓI KINH MA NAM BỔN