KINH THẾ TÔN THUYẾT A DỤC VƯƠNG THÍ DỤ

Hán dịch: Người dịch bị thất truyền. – Đời Đông Tấn có người tên Phụ, trích lục
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Xưa có đại quốc vương tên gọi là A-dục, thống lãnh khắp các nước, chư hầu khắp nơi đều phải khuất phục. Đại vương là bậc thông minh trí tuệ vô lượng. Ông hỏi chư thần:

– Thiên hạ còn có ai không quy phục ta?

Chư thần đáp:

– Thiên hạ đều thần phục đại vương, không có ai chống lại cả.

Có một vị quan có trí đáp: Ở trong nước của vua có người không quy phục, đó là Long vương. Lúc đầu có sai sứ đến khiển trách mà vẫn không cống hiến, như thế đủ biết là không quy phục vua, vua có thể trừng phạt.

Vua A-dục liền đem binh mã cả vạn cùng đánh trống khua chiên, trước sau giăng cờ phướn đi đến bờ biển.

Long vương tuyệt nhiên không ra.

Vua gọi lớn:

– Ngươi ở trong nội giới của ta, vì sao lại không ra? Long vương cũng vẫn im lặng không trả lời vua.

Vua liền hỏi vị đại thần có trí:

– Làm cách nào để cho Long vương ra?

Trí thần đáp:

– Long vương này phước đức rất lớn, do đó mà không chịu quy phục. Nay Đại vương lấy hai thẻ vàng đúc thành hai tượng. Một là tượng Đại vương, còn một là tượng Long vương. Đem đi cân thì tượng của Long vương nặng hơn tượng Đại vương, cho biết là phước của Long vương nhiều hơn của Đại vương.

Vua hiểu ý liền vui vẻ làm theo, bảo cho dân chúng biết là ở các quận huyện đều lập Thiên tôn tự để nuôi kẻ mồ côi cô độc già yếu và người nghèo khổ túng quẫn bần cùng và lập Thiên tôn xá-lợi để cúng dường chúng Tăng. Trong ba nắm lại lấy tượng Long vương ra cân thì tượng Long vương nhẹ mà tượng Vua nặng hơn.

Trí thần tâu:

– Nay Long vương có thể hàng phục được rồi.

Vua lại thiết bày binh mã như trước mà đến bờ biển. Long vương bèn hóa ra vị thiếu niên Bà-la-môn, ở trước mặt vua quỳ dài thưa hỏi nguyên do nào đi đến đấy, muốn cống hiến thì trong biển có đủ các loại trân châu kỳ bảo, tự lấy mà thọ dụng. Nếu vua không khởi binh thì dân chúng sẽ vui mừng biết bao.

Đoạn kinh này nói rõ cho người sau hiểu, dù đa lực cũng không qua phước đức. Người hộ kinh pháp như mẹ hộ con. Há chẳng phải là không suy nghĩ sao?

Xưa lúc Thế Tôn còn tại thế, cùng với đệ tử đi giáo hóa chúng sinh, thấy tờ giấy dưới đất. A-nan liền lấy tay cầm lên, Thế Tôn bảo Anan thả xuống đất, A-nan liền thả xuống, tay lúc đó có mùi hương, một lát có gió thổi cỏ bay đến, A-nan cũng lấy tay cầm nắm cỏ này, Thế Tôn cũng bảo bỏ xuống, tay A-nan có mùi hôi. A-nan không hiểu, lúc đó đã về đến tinh xá, A-nan bạch Thế Tôn:

– Vì sao cầm giấy thì tay có mùi hương, mà cầm cỏ tay lại hôi?

Thế Tôn bảo:

– Giấy vốn từ hương dưới đất lên, hương dính vào giấy làm cho tay người cầm lấy có mùi hương, còn cỏ từ mùi hôi của đất dính vào, cho nên làm cho tay người hôi. Nếu gần người hiền thì như giấy dính mùi hương, gần người ác thì giống như cỏ dính mùi hôi. Thế nên kinh nói: Gần người hiền thì có trí, gần người ác càng mê hoặc. Sự lợi ích và tổn hại này không thể không lợi ích.

Xưa Đức Thế Tôn đem đệ tử đến bên bờ sông. Thế Tôn bảo đệ tử:

– Lấy viên đá này ném xuống nước thì đá sẽ nổi hay chìm?

Đệ tử đáp:

– Đá sẽ chìm trong nước.

Thế Tôn nói:

– Không có duyên cớ đó.

Lại nói:

– Có viên ngọc bích vuông ba tấc, bỏ lên mặt nước, đá đi trên nước mà vẫn không ướt, đó là vì sao? Chư đệ tử chưa hiểu đều cho là việc lạ, liền quỳ xuống bạch Phật:

– Thưa Thế Tôn! Vì sao như thế!

Thế Tôn bảo:

– Đây là có thiện duyên đá được để trên thuyền nên không ướt.

Đức Thế Tôn mượn đây để làm ví dụ, nếu gặp thầy lành thì tránh được khổ, nếu gặp thầy ác, thì huân tập điều ác khó mà tránh họa. Người đời sau hiểu rõ điều này, không thể không cẩn thận.

Xưa có một người già nghèo cùng cô độc, không có tự mình tạo dựng cơ nghiệp, một hôm lượm được cây búa ở chợ, búa đó chính là bảo vật, người này không biết, lấy nó đem về đốn củi để bán để tìm kế sinh nhai. Có một người ngoại quốc làm nghề phú thương tên là Tát-bạt, nhìn thấy búa thì biết, liền hỏi lão ông:

– Búa này có bán không?

Đáp:

– Tôi nhờ nó đốn củi để độ nhật qua ngày nên không thể bán.

Tát-bạt lại nói:

– Đổi ông một trăm tấm lụa, bán không?

Lão ông nói:

– Để nghĩ đã, cũng chưa đủ.

Tát-bạt nói:

– Vì sao chưa đủ, cho ông hai trăm tấm vậy.

Lão ông tỏ vẻ buồn bã không vui.

Tát-bạt lại hỏi:

– Chê ít hay sao mà ông không vui. Thôi cho ông năm trăm tấm.

Lão ông liền khóc lớn, tôi không chê lụa ít, bởi tôi ngu si đem búa chặt phá mòn quá nửa, còn dư có năm thốn mà còn được năm trăm tấm, thật là đáng tiếc.

Tát-bạt nói:

– Thôi chớ tiếc nữa. Nay tôi cho ông một ngàn tấm.

Xong rồi lấy búa mang đi, vì biết đây là búa báu.

Thế Tôn mượn đây làm ví dụ, thân này có đủ thông minh trí tuệ, thì nên tìm cầu thầy sáng suốt để cầu học đạo giải thoát, được thần thông tự tại, kẻ tục nhân không biết đâu là chân ngụy, rong đuổi theo duyên đời, đến lúc lão bệnh lại phải thọ khổ. Dụ như lão ông dùng bảo vật nơi búa cho hết, thật không lầm tiếc sao? Xưa trên núi cao có con chim Anh vũ, lần lửa bay đến phía Đông núi Thái sơn. Các loài chim khác đều yêu mến, vì cho là từ xa đến, nên tỏ ra thân tình yêu mến rất là sâu đậm. Đến mùa Xuân, lửa cháy đốt cả cánh đồng, chim thấm mình vào nước, xong bay vào lửa mà lông không bị cháy để cứu bằng hữu bị nạn, bay qua lại chẳng phải một lần. Cất tiếng kêu lớn bi ai mà không diệt được lửa. Sự thành khẩn cảm động trời đổ mưa xuống, lửa liền tắt.
Thế Tôn mượn đây làm thí dụ, kẻ hiền giả tôn kính Đạo sĩ từ xa đến chuyên cần hành đạo, nên giảm khẩu phần của mình và vợ con để cúng dường tăng chúng. Tuy không cảm động được thần thông, nhưng đến chỗ chí thành đốt hương cầu diệt độ, mà được phước vô lượng. Dụ như trời mưa, thì tai lửa đều hết.

Xưa có vua của một nước giàu có, an lạc không có sự thiếu thốn khổ sở. Mới nói với vị đại thần rằng:

– Sai một vị quan đến nước khác, xem khắp phố chợ có bán thứ gì mà ta không có?

Liền sai vị quan đi đến nước kia vào chợ cũng thấy bán các thứ vật dụng không có gì khác. Cuối cùng thì gặp một hiền giả ngồi không ở trên đầu chợ, liền đến hỏi:

– Sao không thấy ông bán gì? Mà lại ngồi đây chơi?

Đáp:

– Tôi ở đây chỉ bán trí tuệ thôi.

Hỏi:

– Trí tuệ ông bán bao nhiêu?

Đáp:

– Trí tuệ của tôi đáng giá năm trăm lượng vàng. Ông đưa vàng cho tôi trước, rồi tôi sẽ bán.

Vị quan kia liền nghĩ:

– Ở nước ta không có người trí tuệ, liền đưa vàng cho vị hiền giả.

Vị kia liền nói bài kệ hai chục chữ:

Lo lắng nhiều suy tư
Không biết mọi oán thù
Hôm nay tuy không được
Cũng có lúc sẽ dùng.

Ông đọc bài kệ này sẽ được lợi ích.

Vị quan mua được bài kệ liền trở về nước, rồi đi đường tắt về nhà. Nửa đêm trăng sáng đi vào phòng của vợ thấy có hai đôi dép ở giữa giường, nghi ngờ có người lạ liền khởi tâm xấu. Đây là do người vợ đột nhiên bị bệnh nên mẹ mới qua ở lại, người mẹ bỗng nhiên thức dậy nhìn xem con đã về chưa. Người con liền chạy ra ngoài cửa kêu to:

– Hà tiện, hà tiện.

Người mẹ hỏi:

– Con đi xa được vật gì mà sao lại nói hà tiện?

Con nói:

– Con mua được trí tuệ của người đáng giá một ngàn lượng vàng, mà chỉ đưa năm trăm lạng, chẳng phải là hà tiện sao? Thế Tôn mượn lời ví dụ này để chỉ về sự sai lầm của lời nói, lợi ích hơn cả ngàn lượng vàng. Chính là vậy.

Xưa Thế Tôn ở bên bờ sông Hằng rộng giảng kinh pháp, các hàng trời, rồng, quỷ thần, Đế Thích, trời người, phi điểu, cầm thú cũng đều đến nghe pháp. Có một ông lão chăn trâu chống gậy đứng nghe, không biết ở dưới gậy có một con each cùng nghe kinh pháp. Ếch nghe kinh tỏ ý rất thích, nên không biết trên lưng có gậy. Rồi ếch bị chết, thần hồn sinh lên cõi trời. Dùng thân nhãn quán xét thân trước xem ở trong đường nào. Liền biết là con ểnh ương, liền đem hoa trời rải trên thân đó, rồi nói rõ cho mọi người biết. Đây là ểnh ương vì nghe kinh tỏ ý thích được sinh lên trời. Huống gì bậc Hiền giả đến nghe Đức Phật thuyết pháp thì công đức thật vô lượng.

Xưa có hai anh em, người em đi tìm minh sư học đạo làm Sa-môn, đắc quả A-la-hán. Thường đến nói với anh:

– Nên làm điều phước đức.

Người anh nói:

– Ta nay công việc bề bộn cần gì biết đến đời sau. Sau đó người anh qua đời. Người em dùng thiên nhãn xem anh sinh vào cõi nào? Xem khắp cả cõi trời người đều không thấy, xem trong địa ngục, ngạ quỷ cũng không thấy. Khi xem trong cõi xúc sinh thì thấy anh sinh vào loài trâu. Khi ấy, người thương khách buộc đàn trâu lại để kiếm sống. Trâu đi trên đường xấu, chân lấm bùn không thể cất lên nổi. Người thương khách lại dùng gậy đánh, đau đớn mà cổ vẫn không kêu la được. Em thấy anh như vậy liền tìm cách đi lại gần đứng trước mặt trâu nói:

– Anh nói việc nay không lo, còn lo gì việc khác là như vậy sao? Trâu nghe thì xấu hổ, không bao lâu thì chết. Vị đạo nhân cũng bỏ đi.

Bọn thương nhân cùng nói với nhau:

– Vị Đạo sĩ chú nguyện gì khiến cho trâu chết.

Liền theo đuổi, bắt gặp cố gặng hỏi:

Đạo nhân nói lại các việc và nói trâu là anh của mình, vì không nghe lời tôi nên bị đọa.

Đạo nhân liền ném bát lên hư không, rồi cùng bay lên. Bọn thương nhân biết đây là Thánh nhân, liền tự trách rồi đến chỗ trâu thiêu hương tạo phước. Trâu được phước này liền sinh về cõi trời.

Xưa có vị Hiền giả ở trong thành Xá-vệ, ở phía Đông nam cách ba mươi dặm có nhà kia thường cúng dường cho đạo nhân. Người đàn ông trong nhà đó thường giết trâu lấy thịt đem bán. Đạo nhân dần dần biết chuyện đó chưa kịp khuyến hóa thì người ấy mạng chung. Sinh làm quỷ thần ở bên sông Hằng, có thiết luân dao bén ẩn hiện như sương tuyết theo dòng nước mà hại người khổ không kể xiết. Sau đạo nhân có đi qua dòng sông đó cùng với quỷ tương ngộ. Quỷ hiện nửa thân người trên nước. Kéo thuyền lại bảo và kéo đạo nhân xuống nước chứ không giết ai trên thuyền. Vị Hiền giả cũng đi trên đó mới hỏi quỷ. Vì sao chỉ có tìm đạo nhân.

Quỷ nói:

– Tôi lúc ở thế gian thường cúng dường vị đạo nhân này. Đạo nhân tâm biết tôi giết heo bán thịt mà không quở trách khuyên răn, vì vậy tôi phải giết đạo nhân.

Hiền giả nói:

Ông vì tội giết heo nên bị tội này, nay muốn giết đạo nhân, tội chẳng nặng hơn sao?

Quỷ thần suy nghĩ thấy đúng như lời Hiền giả nói, liền bỏ đi.

Đạo nhân trở về nói với cháu con của người đó hãy tạo phước cho thần hồn được siêu thoát khổ và khuyên răn dạy lại cho người sau. Đạo nhân thọ sự cúng dường không thể không khuyến hóa.

Xưa có người đi trên đường, gặp một thây chết, quỷ thần lấy roi đánh vào thây đó.

Người kia hỏi:

– Đây là xác chết vì sao lại đánh?

Quỷ thần nói:

– Đây là thân tôi, ngày trước vì bất hiếu với mẹ cha, với vua thì bất trung, không kính tin Tam bảo của thầy bạn, để nay phải chịu thống khổ không thể nói hết. Tất cả đều do thân này cho nên tôi đánh.

Đi một khoảng nửa, người này lại gặp một thây chết, có Thiên thần đến rải hoa lên xác đó và lấy tay xoa bóp.

Người đi đường hỏi:

Xem ông giống như Thiên thần, vì sao lại xoa bóp thây chết.

Đáp: Đây là thân trước của tôi. Vì hiếu thuận với cha mẹ, trung tín với vua, tôn kính Tam bảo, lãnh thọ lời dạy của thầy. Khiến nay tôi được sinh lên cõi trời, cho nên tôi mang ơn thân này và nay đến để báo đáp.

Người đi đường trong một ngày thấy được hai sự việc trái nghịch, liền trở về nhà, trì năm giới, tu mười thiện, hiếu thuận cha mẹ, trung tín với vua và khuyên răn mọi người nên tạo phước. Tôi phước theo người thật chẳng sai, không thể không cẩn thận.

Xưa có một đạo nhân vào trong núi học đạo, sai một vị Sa-di vào thành Vương xá đem về một đấu gạo và tụng một bài kệ. Trong chợ có một Hiền giả, thấy Sa-di vừa đi vừa nói, mới hỏi Sa-di rằng:

– Đi đâu mà vừa đọc gì vậy?

Sa-di đáp:

– Thầy tôi ở trên núi học đạo, sai tôi mỗi ngày đi lấy gạo thì mỗi ngày có thể thuộc bao nhiêu câu kệ. Cho nên tôi vừa đi vừa tụng kệ.

Hiền giả lại hỏi:

– Nếu không mang gạo thì mỗi ngày có thể thuộc bao nhiêu câu kệ?

Đáp:

– Có thể thuộc mười câu.

Hiền giả nói:

– Vậy chớ có đi, để tôi thay Sa-di mang gạo lên cho.

Sa-di vui mừng liền ở một chỗ tĩnh tọa học tập. Hiền giả vì Sa-di ngày ngày đem gạo lên núi. Sau cùng với Sa-di đều được thông lợi. Vị hiền giả này sau sinh vào thế gian làm đệ tử của Thế Tôn tên là A-nan. Thế Tôn nói mười hai bộ kinh. Vì phước báo nên A-nan rất thông minh có thể nghe một mà hiểu mười, lại khai thị cho người sau, biết được việc phước đức như bóng theo hình, tùy theo nhân tạo ra mà được phước, không thể không làm.

– Xưa có một kẻ đồ tể có một ngàn con trâu nuôi dưỡng chăm sóc rất béo tốt. Mỗi ngày giết một con đem bán, đã giết được năm trăm con. Còn năm trăm con kia thì lại đem cho húc nhau để làm trò chơi. Thế Tôn khi vào nước này, thấy bầy trâu như thế thì sinh lòng thương xót bỏ đi. Rồi nói chư đệ tử:

– Lũ trâu nầy thật ngu si, bạn bè cùng đâm húc nhau để cho người vui chơi. Con người cũng như thế. Một ngày qua đi, mạng sống ngày một hết không thể không nghĩ đến mà cần cầu đạo giải thoát.