SỐ 205
KINH TẠP THÍ DỤ
Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào dịch phẩm đời Hậu Hán.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN HẠ

15- Thuở xưa, trong nước Kế tân có một thầy Tỳ-kheo mở rộng việc dạy dỗ nên có hơn vài trăm người theo học. Trong đó, có người đắc tứ thiền, có người đắc ngũ thông, có người đắc Tu-đà-hoàn, có người đắc A-la-hán.

Lúc ấy, có người An tức đến nước Kế tân, thấy thầy Tỳ-kheo giáo hóa như thế, liền tin tưởng vui mừng xin làm đệ tử. Không bao lâu, ông ta thành tựu được ngũ thông rồi hiện thần túc ở trước mọi người.

Vị thầy bảo:

–Này con, tuy con đắc ngũ thông nhưng tâm còn phiền não chưa giải thoát, chớ có hiện thần túc để kiêu ngạo!

Sinh lòng giận thầy vì cho rằng thầy ganh ghét mình, ông ta nghĩ: “Ta nên trở về quê cũ phô trương đạo đức.” Rồi bay về nước mình, hiện thần túc bay đến trước cung điện vua An tức. Đức vua làm lễ và hỏi:

–Thưa đạo sĩ, ngài là người nước nào?

Tỳ-kheo nói:

–Thưa Đại vương, tôi là người ở nước ngài đến nước Kế tân học đạo, bây giờ trở về, muốn làm phước ở đất này để báo đền ân sinh sống!

Quá đỗi vui mừng, đức vua quỳ xuống thưa:

–Thưa đạo sĩ, từ hôm nay xin ngài thường xuyên ở trong cung điện nhận sự cúng dường của trẫm!

Thầy Tỳ-kheo đồng ý ngay. Đức vua tự tay cúng dường hoặc sai phu nhân cùng thể nữ đến cúng.

Thầy Tỳ-kheo có tình ý với cung nữ, các quan biết được liền tâu lên đức vua. Đức vua không những trách mắng họ mà còn không tin họ vì đức vua chẳng thấy có việc gì kỳ lạ trong việc đi lại của đạo sĩ. Không bao lâu, cung nữ có thai. Các quan lại tâu lên đức vua.

Ngài cho phu nhân xem xét mới biết việc ấy có thật, liền lột pháp y và sai người đuổi ra khỏi cung điện. Vì là Đạo nhân nên đức vua không hành phạt.

Đi ra ngoài, Tỳ-kheo làm kẻ cướp, không còn là người xứng đáng như trước. Không biết là Tỳ-kheo trước kia bị đuổi khỏi cung, đức vua mới cho mộ dũng sĩ, sai đi bắt sống đem về xét kỹ mới nhận là Tỳ-kheo trước kia.

Đức vua bèn hỏi:

–Trước kia, ngươi phạm tội dâm dục, cứ cho là mê lầm đi.

Nhưng bây giờ tại sao lại làm kẻ cướp?

Tỳ-kheo dập đầu thưa:

–Tâu Đại vương, trong bước đường cùng, tôi không còn kế sách nào khác!

Vua nói:

–Ta vốn thấy ngươi có thần túc bay đi nên không nỡ hại ngươi.

Nay tha tội cho ngươi, cấm ngươi xâm phạm lãnh thổ của ta. Hãy thả hắn đi đi!

Tỳ-kheo nghĩ: “Như thế ta phải làm thuê để kiếm sống”, rồi vào xin làm thuê cho nhà đồ tể giết trâu, dê; làm mọi công việc nhà.

Về sau, do đập xương cho chủ nên ông ta bị mảnh văng vào mặt làm mù mắt, không còn nhờ cậy được nên người chủ đuổi ông ta đi. Sau đó, ông ta trở thành kẻ nghèo hèn, cầm bát bể men theo ngõ hẻm đi xin.

Vị Tỳ-kheo này bị tai họa được vài năm, vị thầy ngày xưa dung đạo nhãn xem xét muốn biết ông ta ở đâu thì thấy ông ta đi xin ở chợ nước An tức.

Trong số đệ tử có hơn năm trăm người chỉ học ngũ thông mà không muốn diệt khổ, vị thầy bảo họ:

–Các con hãy mau chuẩn bị hành trang, bây giờ chúng ta cùng đi thăm một số đệ tử nước An tức thời trước!

Các đệ tử đều vui mừng thưa:

–Thưa thầy, đạo đức của thầy ấy chắc chắn rất rực rỡ nên thầy mới hạ mình đi thăm!

Tất cả đều dùng thần túc nên trong chốc lát đã đến trước mặt vị Tỳ-kheo kia.

Vị thầy gọi tên, ông ta liền thưa:

–Bạch Hòa thượng, có phải thầy đến không?

Vị thầy đáp:

–Đúng vậy, ta cố đến thăm con.

Vị thầy hỏi:

–Vì sao con phải nông nỗi như vậy?

Ông ta trình bày đầy đủ đầu đuôi mọi việc và thưa rõ sự sai phạm của mình. Vị thầy bảo các đệ tử:

–Đắc ngũ thông chưa hẳn đã được đạo vững vàng cho nên các con không thể ỷ vào đó được!

Khi vị thầy giảng về điều đó thì năm trăm vị đệ tử đều chứng lục thông đều thành A-la-hán quả.

Người đệ tử kia tủi thẹn nên im lặng. Tất cả thầy trò đều trở về nước.


16- Thuở xưa, có một nước vừa giàu có lại đông dân; nước khác muốn xâm chiếm nên đem binh đến đánh. Biết được, cả nước liền thành lập đạo binh, từ mười lăm tuổi trở lên và sáu mươi tuổi trở xuống đều phải đi đánh giặc.

Lúc ấy, có một người đàn ông làm nghề dệt tơ lụa gần sáu mươi tuổi, vợ ông ta đoan chánh nhưng hay khinh rẻ chồng. Người chồng rất sợ vợ. Một hôm, người chồng nói với vợ:

–Bây giờ anh phải thi hành theo sắc lệnh, tự mình lo liệu đủ vật dụng và lương thực của nhà binh, xin em đưa cho kịp lúc!

Người vợ đưa cho chồng một cái túi chứa năm thăng để đựng lương thực, tấm đệm lụa và một cây giáo dài một thước rồi nói:

–Anh hãy đem những thứ này đi đánh giặc, chứ không có gì khác nữa! Nếu anh làm mất túi này và cây giáo gỗ thì tôi sẽ bỏ anh!

Từ biệt vợ ra đi, người chồng không nghĩ đến việc bị quân địch làm hại mà chỉ sợ thất lạc hai món đồ là bị mất vợ thôi. Trên đường gặp quân địch, đánh nhau với họ bị thua, mọi người rút lui bỏ chạy, riêng anh ta do sợ thất lạc hai vật kia là mất vợ nên cầm cây giáo để trên đầu một mình tiến về phía quân địch.

Thấy anh ta, quân địch cho là dũng mãnh nên không dám tiến lên mà rút lui. Như thế binh lính nước anh ta chỉnh đốn lại được hang ngũ và ra sức tiến đánh giành được thắng lợi lớn. Quân địch thua, chết gần hết. Đức vua rất vui mừng, thưởng người có công. Mọi người tâu với đức vua:

–Tâu Đại vương, người thợ dệt xứng đáng được thưởng công lao trên hết!

Nhân đó, đức vua kêu anh ta lên bảo:

–Vì lý do gì một mình ngươi đánh đuổi địch quân?

Anh ta thưa:

–Tâu Đại vương, thật ra thần không phải là võ sĩ, nhưng lúc lên đường đánh giặc, vợ thần có đưa hai vật và nói nếu để mất nó thì cô ấy sẽ không còn cùng thần thành gia thất. Do đó phải liều chết để giữ hai vật này. Nhờ thế thần đánh đuổi được quân địch, chứ thật không phải là khỏe mạnh mà làm được như vậy!

Đức vua nói với các quan:

–Vị ấy vốn sợ vợ nhưng điều quan trọng là giúp nước trong lúc nguy nan nên trẫm ban cho công lao nhiều nhất!

Tức thời phong cho anh ta làm quan, ban cho của cải quý giá, nhà cửa, thế nữ chỉ kém thua vua, con cháu đời đời nối nhau hưởng phước.

Những sự kiện đã được hiển bày ở thế gian này, Đức Phật mượn làm thí dụ. Vợ trao chồng vật dụng năm thăng và cây giáo một thước ví như Đức Phật trao cho đệ tử năm giới, mười điều thiện. Vợ dặn chồng giữ gìn cẩn thận hai vật không để hư mất mới có thể sống chung với mình. Đây là nói người giữ gìn giới pháp dẫu có chết cũng không phạm thì được cùng với Đức Phật đi lên nhà đạo lý. Đã đuổi được quân địch lại còn được phong thưởng là ví cho những oan gia ngang trái ở đời này của người giữ giới được tiêu trừ, đời sau được hưởng phước tự nhiên ở cõi trời.


17- Thuở xưa, trong thành Xá-vệ có một Phạm chí giàu sang, của cải vô số, trí tuệ thông minh nhưng sa ngã tà kiến, không tin điều lành mà còn cho là vô ích.

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất dùng đạo nhãn quan sát, thấy trưởng giả này đời trước có nhiều phước nên được giàu có; nếu bây giờ chỉ hưởng lộc không lo tạo phước mới thì nhất định trở lại trong ba đường ác nên đến độ. Tôn giả hiện thần túc, cầm bát đứng trước chỗ ngồi của ông ta.

Khi vừa ngồi xuống định ăn cơm thì trông thấy Xá-lợi-phất, Phạm chí rất tức giận, liền đóng cửa lại, đánh Tôn giả rồi rửa tay, trở lại ngồi ăn như cũ, không thèm mời ngồi cũng không đuổi đi. Ăn xong, ông ta rửa tay, súc miệng; ngậm một miệng nước nhổ vào bát ngài Xá-lợi-phất, rồi nói:

–Đem cái này đi đi, xem như là bố thí vậy!

Xá-lợi-phất nói:

–Mong cho ông đêm ngày hưởng phước vô lượng!

Sau đó Tôn giả trở về. Sợ ngài Xá-lợi-phất giận, vui miệng nói xấu, vị trưởng giả bèn sai người theo dõi. Ngài Xá-lợi-phất đi thẳng về tinh xá, lấy nước đó hòa với bùn để nơi Đức Phật kinh hành.

Ngài Xá-lợi-phất bạch với Đức Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, con được trưởng giả tham lam keo kiết kia bố thí một ngụm nước. Bây giờ con lấy nước đó nhào với bùn tret nơi Đức Phật kinh hành, cúi mong Ngài đi trên đó để ông ta ngày đêm hưởng phước vô lượng.

Đức Phật liền kinh hành thiền định trên đó. Người được vị trưởng giả sai đi dò xét thấy đầy đủ mọi việc như thế liền trở về thưa với ông ta:

–Thưa trưởng giả, Đức Phật đã bỏ địa vị Luân vương đi làm Sa-môn, cầm bát xin ăn không phải là tham cầu điều gì, mà muốn độ cho chúng sinh vậy!

Người dò xét tin tức kể đầy đủ đầu đuôi mọi việc. Vị trưởng giả hối hận vì đã không có tâm tôn kính. Cả nhà lớn nhỏ tất cả đều đến nơi Đức Phật để sám hối tạ tội:

–Bạch Thế Tôn, chúng con ngu si không biết, cúi xin Ngài lượng thứ.

Được Đức Phật cho quy y và thuyết pháp, họ hết nghi ngờ, dứt trừ kết sử, chứng quả Bất thoái chuyển.


18- Thuở xưa, có nước Ba-lợi-phất rất thịnh vượng hơn các nước khác. Trên từ bậc Chân nhân, Thần nhân; dưới đến hàng quan cửu phẩm kém tài đều có đạo đức. Kinh Phật nhiều bằng sách thế tục; lại có đầy đủ vàng bạc, lụa là không thiếu thứ gì cả. Đức Phật thường gọi nước đó là nước Văn vật.

Lúc ấy, chín mươi phái ngoại đạo cùng bàn với nhau:

–Đức Phật nói nước đó là nước có đầy đủ mọi vật không thiếu thứ gì cả. Chúng ta nên đến xin cái không có của nước đó nhân đây bắt bẻ ông ta không thành thật, sau đó chắc chắn chúng ta sẽ được tôn kính.

Có một Phạm chí bàn:

–Tôi chưa nghe nước này có quỷ La-sát, chúng ta cố xin nó, chắc chắn không thể nào có được, điều này rõ ràng là Đức Phật chứng đắc đạo lý tà vạy.

Họ đi khắp làng chợ mong muốn mua được quỷ nhưng không có. Phạm chí vui mừng nói:

–Họ đã trúng kế của ta rồi!

Biết mưu kế của Phạm chí, Đế Thích đi xuống hóa làm người lái buôn ngồi trên cửa hàng như có bán vật gì. Đi lần lượt theo các cửa hàng, khi đến trước cửa hàng kia, những người mua quỷ hỏi:

–Này ông chủ, ông có bán quỷ không?

Đế Thích đáp:

–Thưa ông, có. Ông muốn mua bao nhiêu?

Các Phạm chí nói với nhau:

–Ông này nói láo khoét thật! Quỷ ở đâu có mà bán lại còn dám nói muốn bao nhiêu nữa chứ!

Các Phạm chí nói:

–Chúng tôi muốn vài con.

Đế Thích mở cửa hàng liền có vài chục con quỷ dữ. Thấy nó, các Phạm chí hết sức sợ hãi. Trong tâm niệm mỗi người lúc này mới biết Đức Phật không hề gian dối. Họ đều đến quy y và được Đức Phật dạy:

– Nước Ba-lợi tuy có nhiều thứ nhưng các ngươi tay không đến đó thì một vật cũng không thể nào có được còn đem tiền của mua thì không thiếu thứ gì cả!

Truyện này, Đức Phật thị hiện ở thế gian cũng nhằm giảng dụ cho thành Tát-vân-nhược vì trong đó không thiếu một thứ gì từ bốn Vô lượng tâm, sáu Độ, ba mươi bảy Phẩm trợ đạo, Thanh văn, Bích-chi, cho đến Như Lai. Nếu ai không tu đức hạnh mà ở trong thành Tát-vân-nhược mong muốn có một thứ gì thì không thể nào có được cả. Còn ai tôn kính, phụng hành giáo pháp của Như Lai, biết kiềm chế thân, miệng, ý giống như có tiền muốn mua thứ gì cũng có vậy.


19- Thuở xưa, tại nước Thiên trúc có chùa Tùng, trong đó có bốn Đạo nhân đều chứng lục thông. Có bốn cư sĩ trong nước mỗi vị đều thỉnh một Đạo nhân để cúng dường thường xuyên.

Bốn ngài thường xuyên đi giáo hóa cả. Một người đến chỗ trời

Đế Thích; một người đến chỗ Hải long vương; một người đến chỗ Kim sí điểu và một người đến chỗ vua.

Lúc ấy bốn Đạo nhân được cúng dường đem thức ăn dư trong bát về chia cho bốn người đàn-việt này cả trăm món thức ăn mà các vị đều chưa bao giờ thấy cả. Họ hỏi Đạo nhân từ đâu có những thức ăn này. Các Đạo nhân kể rõ đầu đuôi cho họ nghe. Thế rồi bốn vị cư sĩ, mỗi người phát một lời nguyện. Một người nguyện sinh lên cung trời Đế Thích, một người muốn sinh trong biển làm rồng, một người muốn sinh trong loài Kim sí điểu và một người muốn làm con của vua. Sau khi qua đời, họ đều đươc vãng sinh làm bốn vương thần, đồng thời có ý niệm muốn thọ Bát quan trai. Họ tìm kiếm nơi thanh vắng nhưng chỉ có sau vườn của vua Ma-kiệt là yên tĩnh, nên họ đến ngồi dưới gốc cây trong vườn đó. Họ phát tâm từ, giữ gìn trai giới, thực hành sáu niệm. Sau một ngày, một đêm đến sáng mai mọi việc hoàn tất họ mới nói với nhau. Vua Ma-kiệt nói:

–Các khanh là ai?

Một người nói:

–Tôi là Thiên vương.

Một người nói:

–Tôi là Long vương.

Một người nói:

–Tôi là Kim sí điểu vương.

Và một người nói:

–Tôi là vua.

Bốn người kể rõ ngọn ngành xong, đều rất vui mừng. Thiên vương nói:

–Chúng ta đều giữ gìn trai giới nên ai cũng được nhiều phước!

Đức vua nói:

–Tôi muốn ở ngoài vườn để không còn nghe tiếng âm nhạc, nên tâm được chuyên chú, do đó phước đệ nhất.

Thiên vương nói:

–Cung điện bảy báu trên trời của tôi có các ngọc nữ, kỹ nhạc, y phục, thức ăn tự nhiên, không còn phải lo nghĩ; nhưng đi xa, tôi giữ trọn vẹn trai giới nên có phước đệ nhất.

Kim sí vương nói:

–Đối với năm việc ưa thích của tôi, chỉ có ăn thịt rồng là ngon nhất. Bây giờ cùng ở một chỗ không còn một chút niệm ác nào cả, phước tôi là đệ nhất.

Long vương nói:

–Loài rồng của tôi là mồi của Kim sí điểu nên thường sợ bị ăn thịt vì thế phải luôn luôn trốn núp. Bây giờ chúng tôi ở một chỗ, khỏi phải chết mà còn được giữ trai giới trọn vẹn. Phước tôi là đệ nhất!

Vua Ma-kiệt nói:

–Tôi có bề tôi trí tuệ tên là Phi-đà-loại, tôi sẽ mời ông ta phán quyết nghĩa này.

Đức vua mời bề tôi đến rồi nói đầy đủ ý của họ. Phi-đà-loại lấy bốn tấm lụa xanh, vàng, trắng, đen treo lên trên không, rồi hỏi bốn vua:

–Xin bốn ngài xem bốn màu ở trên không có khác nhau không?

Bốn vua đáp:

–Đương nhiên là màu sắc khác nhau rồi!

Đà-loại hỏi:

–Vậy các ngài thấy bóng lụa in trên đất có khác nhau không?

Đáp:

–Giống nhau.

Phi-đà-loại nói:

–Hiện tại bốn vị có thân hình khác nhau ví như màu sắc của lụa không giống nhau vậy, nhưng pháp trai giới của các ngài thọ trì chỉ có một vị trí như bóng lụa in dưới đất không có gì khác cả! Nếu ốn ngài phát tâm đạo lớn, từ bi tinh tấn, tu trì trai giới cùng một lúc được thành Phật thì hình dáng giống nhau không có gì khác cả.

Vui mừng, bốn vị tôn vương đắc được Đạo nhãn.


20- Thuở xưa, có một người giàu có tên là Già-la-việt. Ông ta có hai người con. Người cha bị bệnh rất nguy nan mới dặn dò người con lớn:

–Này con, em con còn nhỏ dại chưa hiểu biết gì, bây giờ làm khổ lụy đến con! Con phải khéo léo chăm sóc, giúp đỡ, chớ để em đói lạnh.

Cha con buồn rầu trăn trối, sau đó người cha qua đời. Về sau chị dâu nói với chồng:

–Anh à, chú nó lớn lên sẽ biết mọi việc nhà nên mình phải chia những vật sở hữu cho chú nó; sao ngay lúc chú nó còn nhỏ mình không chịu đuổi đi?

Lúc đầu, không bằng lòng nhưng bị vợ nói mãi nên người anh đành phải nghe theo. Người anh dắt em ra khỏi thành, đi sâu vào trong khoảng đất trống có nhiều mả cao, trói em vào cây bách nhưng không nỡ giết chỉ muốn để cọp, sói, quỷ dữ hại nó. Rồi người anh nói em:

–Mày thường có lỗi với tao, tao trói mày ở đây một đêm để suy nghĩ lỗi lầm của mình, rồi mai sáng đến đón về.

Nói xong, anh ta bỏ về. Trong chốc lát thì trời tối, chồn, cáo, diều hâu, kên kên ở đó kêu rú. Quá sợ hãi và không biết kêu cứu ai, người em ngước lên trời than thở:

–Chẳng hay trong ba cõi có bậc Nhân từ nào cho con quy y không? Bây giờ con đang bị tai họa nên sợ hãi vô cùng!

Lúc ấy Đức Như Lai đang ngồi chánh định, thấy người em cầu cứu, liền phóng ánh sáng lớn tên là Trừ tăm tối, chiếu sáng bừng khu gò mả. Kế đến Ngài phóng một luồng ánh sáng giải thoát chiếu đến chỗ người em, làm nới rộng dây trói để không còn đau đớn nữa. Kế đó, Ngài lại phóng một luồng ánh sáng no đủ tất cả để người em thấy ánh sáng này không còn đói khát nữa. Sau đó, theo ánh sáng

Đức Như Lai đi đến chỗ người em, tự tay mở trói và bảo:

–Này con, con muốn đi đến nơi nào?

Người em thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn, con nguyện làm Phật thoát khỏi tất cả tai họa giống như Đức Phật hiện nay!

Người em liền phát đạo tâm Vô thượng chánh chân. Đức Phật thuyết vô số pháp chánh yếu, người em chứng Vô sinh pháp nhẫn liền thưa với Đức Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, tuy anh con có tâm niệm xấu xa, trái hiếu đạo muốn sát hại con, nhưng nhờ đó mà con được trông thấy Đức Phật, đoạn trừ khổ sinh tử, nên con muốn đến báo ân.

Đức Phật dạy:

–Lành thay! Con phải biết nên làm những gì cho đúng lúc!

Người em liền dùng thần túc bay đến nhà người anh. Thấy em, vợ người anh vô cùng hổ thẹn và sợ hãi. Người em thưa với anh:

–Thưa anh, tuy anh nghe theo lời độc ác của vợ, trói em bỏ ở khu gò mả nhưng nhờ vào sự việc ấy mà bây giờ em đắc đạo. Đó đều là nhờ ân của anh vậy.

Được người em thuyết pháp, người anh và chị dâu đều đắc quả Tu-đà-hoàn.


21- Thuở xưa, khi Đức Phật còn tại thế, Thiên vương Đế Thích thường xuống cúng dường Tam bảo nhưng riêng ngài Ma-ha Ca-diếp là không chịu thọ nhận vì bổn nguyện của Tôn giả chỉ muốn độ người nghèo khổ.

Lúc ấy trời Đế Thích mới tìm cách quyền biến. Đế Thích và phu nhân giáng trần làm ông bà già nhà nghèo ở trong một căn nhà tranh rách nát. Lúc Tôn giả Ma-ha Ca-diếp vào thành đi khất thực, ông bà do Đế Thích biến hóa đón tiếp, đảnh lễ rồi trình bày nỗi nghèo khó của mình, xin ngài nhận thức ăn đạm bạc mà họ dâng cúng. Ngài không chối từ.

Trên đường trở về, Tôn giả Ca-diếp thấy trong bát có đầy những thức ăn như cam lộ. Tuy hình sắc món ăn tầm thường nhưng thơm ngon như hàng trăm thức ăn gộp lại. Đưa lên miệng thấy thơm ngon kỳ lạ, Tôn giả nhập định quán sát mới biết là của Đế Thích, liền nói:

–Phước đức các người chói lọi đến như vậy, tại sao lại muốn làm phước nữa?

Đế Thích thưa:

–Thưa Tôn giả, phước báu của Tam bảo rất sâu rất rộng, cho nên đã là bậc Trí thì không bao giờ nhàm chán cả.


22- Trước đây, ở ngoài nước, có một chùa Tùng. Trong chùa thường có hơn trăm chúng Tăng tu học. Cách chùa không xa, có một Ưu-bà-di tinh tấn thông suốt kinh sách, hằng ngày tự mình cúng dường cơm cho từng Sa-môn. Chúng Tăng sai từng vị theo thứ lớp từ đầu đến cuối đến nhận rồi giáp vòng trở lại. Trong số đó nếu có vị nào đến thì Ưu-bà-di liền theo hỏi nghĩa kinh. Do đó, vị nào che giấu sự học cạn cợt của mình thường không thích đến.

Có Sa-môn Ma-ha-lô, tuổi già mới xuất gia nên không biết gì cả, theo thứ lớp đến thọ thực. Vì đi đường chậm chạp nên ông ta đến không đúng giờ.

Gặp ông ta, Ưu-bà-di này cho rằng vị trưởng túc này tuổi già bước đi khoan thai chắc là bậc đại trí tuệ, nên càng thêm vui mừng, cúng dường thức ăn ngon rồi bố trí tòa cao để vị ấy thuyết pháp.

Ngồi trên tòa mà thật sự không biết điều gì nên Sa-môn trình bày sự thật về mình và cho rằng người ngu không biết gì thật là khổ.

Nghe xong rồi suy nghĩ, Ưu-bà-di mới hiểu: Ngu si không biết gì chính là căn bản của mười hai nhân duyên, làm cho sinh tử không chấm dứt đưa đến các khổ não; cho nên nói là rất khổ. Do suy nghĩ kỹ như vậy nên bà ta chứng Tu-đà-hoàn đạo; liền đứng dậy mở kho lấy vải cúng dường cho vị Sa-môn.

Lúc ấy vị Sa-môn xuống tòa, trở về tinh xá. Ưu-bà-di ở trong kho đi ra, không biết Sa-môn đi về hướng nào, bèn đứng trông chừng ở cửa nhưng cũng không thấy đâu cả, mới cho rằng Sa-môn đắc đạo đã dùng thần túc bay đi. Ưu-bà-di liền đem vải đến tinh xá tìm Sa-môn.

Sợ bị gọi đến, Sa-môn vào phòng đóng cửa trốn nhưng thầy ông ta đã đắc Lục thông, trông thấy có người đuổi theo, nên cho ông ta có phạm điều gì mới chú ý quán sát. Biết Ưu-bà-di đã đắc Tu-đà-hoàn đạo, vị ấy liền gọi Ma-ha-lô đi ra nhận đồ cúng dường.

Vị thầy nói rõ đầu đuôi, Ma-ha-lô vui mừng rồi cũng đắc quả Tu-đà-hoàn.


23- Thuở xưa, có bà lão chỉ có một người con nhưng bị bệnh hết. Khi đem thi hài đến nghĩa địa, bà ta đình chỉ việc chôn cất lại, lòng buồn rầu vô hạn, tự nghĩ rằng: “Ta chỉ có một người con, đáng lẽ nhờ nó lúc về già nhưng lại chết mất, ta làm sao sống nổi đây!” rồi không chịu trở về định chết chung một chỗ với con nên bà bỏ ăn, bỏ uống đã bốn năm ngày.

Biết được việc ấy, Đức Phật dẫn năm trăm Tỳ-kheo đến nghĩa địa. Từ xa, trông thấy Đức Phật đi đến với oai thần hào quang sáng chói, bà lão liền tỉnh táo đến trước Đức Phật đảnh lễ rồi đứng lui lại.

Đức Phật bảo bà lão:

–Này bà, bà làm gì trong nghĩa địa vậy?

Bà lão thưa:

–Bạch Thế Tôn, con chỉ có một người con nhưng nó đã chết mất! Vì yêu thương nó tha thiết nên con muốn chết chung một chỗ với nó.

Đức Phật bảo:

–Này bà lão, bà có muốn ta làm cho con bà sống lại không?

Bà lão vui mừng thưa:

–Bạch Thế Tôn, có thật vậy không thưa Ngài?

Đức Phật bảo:

–Bà hãy tìm lửa hương thơm đem đến, Ta sẽ chú nguyện để con bà sống lại.

Ngài lại bảo:

–Bà nên lấy lửa của nhà nào không có người chết!

Thế rồi bà lão đi tìm lửa, thấy người nào bà cũng hỏi trước:

–Nhà ông từ trước đến giờ có người nào chết không?

Mọi người đều đáp:

–Từ tổ tiên cho đến nay đều đã có người chết!

Những nhà được hỏi đều trả lời như thế. Đi được vài chục nhà thì bà lão không còn mong lấy lửa nữa liền trở về chỗ Đức Phật thưa:

–Bạch Thế Tôn, con đi khắp nơi tìm lửa nhưng không có nhà nào không có người chết, cho nên phải trở về tay không!

Đức Phật mới bảo bà lão:

–Từ khi khai thiên lập địa đến nay, không có ai sống hoài mà không chết. Người sống mong sống còn là được vui mừng lắm rồi, sao bà lại mê muội muốn chết theo con?

Tâm lý bừng tỉnh, bà lão hiểu rõ lý lẽ vô thường. Nhân đó, Đức Phật giảng rộng các pháp chủ yếu, bà lão liền đắc Tu-đà-hoàn đạo.

Trong nghĩa địa có hơn ngàn người đến nghe giảng, họ đều phát đạo tâm Vô thượng chánh chân.


24- Thuở xưa, dân chúng trong thành Vương-xá rất giàu có, chín phẩm quan ở riêng biệt không lẫn lộn nhau. Có một vùng riêng biệt chừng một ức dặm, nếu người nào có một ức tài sản thì được ở trong đó.

Lúc ấy, có một cư sĩ vì muốn ở trong đó, nên đã cố gắng làm lụng để kiếm tiền. Trong vài mươi năm làm lụng cực khổ, xoay xở nhiều cách, ông ta kiếm được chín mươi vạn nhưng chưa đủ một ức, thì bị bệnh rất nặng, tự biết không thể sống được. Vì có một người con trai được bảy, tám tuổi nên ông ta dặn dò vợ mình:

–Này bà, sau này con mình trưởng thành, bà hãy giao tài sản cho nó, mở rộng việc làm ăn, kiếm đủ một ức để được sống trong khu đặc biệt đó! Đó là điều mong muốn của đời tôi!

Nói xong, ông ta qua đời. Chôn cất chồng xong, người vợ dẫn con vào chỗ cất giữ tài sản rồi nói lại những gì cha nó đã di chúc:

–Con à, mẹ đợi con trưởng thành, kiếm mười vạn cho đủ một ức thì mình được ở trong vùng đặc biệt đó!

Đứa bé thưa với mẹ:

–Mẹ à, cần gì phải đợi lớn lên! Bây giờ mẹ hãy giao cho con để hai mẹ con mình sớm được ở trong đó!

Người mẹ liền giao cho con. Sau đó đứa bé lấy những tài sản quý báu nhất cúng dường Tam bảo, bố thí người nghèo khổ. Trong nửa năm, tài sản hết sạch. Người mẹ sầu não về việc làm kỳ quái của con mình. Không bao lâu, đứa bé bị bệnh nặng rồi qua đời. Đã mất tài sản lại còn mất con thơ, người mẹ rất đau buồn, thương tiếc.

Trong vùng có một người rất giàu đã tám mươi mà chưa có con cháu. Lúc ấy, đứa bé lại sinh vào nhà ông ta, làm con của người vợ cả. Đủ mười tháng, thì sinh ra một cậu con trai tướng mạo xinh đẹp, thông minh, biết được đời trước.

Người mẹ đích thân ẵm bồng bú mớm nhưng đứa bé không chịu ăn; người hầu ẵm bồng, nuôi nấng nó cũng như vậy. Người mẹ đời trước của nó nghe đứa bé sinh ra như thế đến xem thử thì mến ngay và ôm đứa bé than thở, nó há miệng đòi ăn. Quá vui mừng, trưởng giả thuê bà ta với giá rất cao để nuôi hộ đứa bé. Trưởng giả bàn với phu nhân:

–Này bà, con tôi người khắc ẵm bồng, nuôi nấng thì không chịu ăn uống gì cả, nhưng bà này ẵm bồng thì vui mừng. Bây giờ, tôi muốn cưới bà ấy làm vợ lẻ để chăm nom con tôi. Bà có bằng long không?

Được phu nhân bằng lòng, trưởng giả đem sính lễ cưới bà ta về rồi cất riêng một căn nhà, phân chia tài sản không thiếu thứ gì.

Đứa bé nói với mẹ:

–Mẹ à, mẹ có biết con không?

Quá sợ hãi, người mẹ nói:

–Không hề biết.

Đứa bé thưa với mẹ:

–Mẹ à, con chính là con trước kia của mẹ! Con đã lấy chín mươi vạn đem bố thí, bây giờ con và mẹ đã làm chủ được tám mươi ức, không cần mất sức mà được ăn và được hưởng phước như vậy.

Nghe nói, người mẹ vừa buồn, vừa vui. Đứa bé lớn lên, đem pháp lý Đại thừa hóa độ trong vùng một ức dặm. Cho nên nói đem sạch hết của cải trong nhà đến ức ngàn ra bố thí cả xóm làng để hành đạo thì Bồ-tát chúng ta thực hành như vậy đó.


25- Thuở xưa, có một người ở nước ngoài trồng nhiều loại cỏ bạch điệp. Nếu quá thời vụ không chịu thu hoạch thì nó mất màu sắc, không còn tốt nữa. Cho nên, đến thời vụ phải thuê nhiều người sớm tối ra sức lấy không ngừng. Người chủ cho rằng người làm công siêng năng, khổ cực, làm nhiều nên cho nấu canh thịt thật ngon để ăn cơm. Khi canh sắp chín, mùi thơm bay khắp nơi thì có một con kên kên già bay qua chỗ ấy, phẩn dính bên các móng của nó rơi ngay vào nồi canh. Người làm bếp thấy vậy, định vớt ra nhưng nó đã tan hết. Ông ta nghĩ: “Ta sẽ nấu lại canh khác”, nhưng đã trễ giờ, sắp đem thức ăn không được tinh sạch này cho người làm công rồi. Ông ta suy tính: “Chút ít phẩn này không đủ làm mất mùi vị, vì thế họ có thể ăn được, chỉ riêng mình đừng ăn thôi.”

Những người làm công đều đến ăn cơm với canh. Họ đã ăn xong, riêng người làm bếp tuy đói nhưng không chịu ăn canh đó. Những người làm công kêu người làm bếp:

–Ông hãy lấy thịt ngon ăn đi!

Biết canh không tinh sạch nhưng sợ phật ý mọi người, nên người làm bếp gượng nuốt đại, không còn biết mùi vị gì nữa.

Đức Phật mượn việc này làm thí dụ. Chúng sinh trong ba cõi nói rằng sắc dục tốt đẹp, mà không thấy nó ô uế cho nên lần lượt chìm đắm còn hơn người đói cho rằng ăn canh kia là ngon. Bồ-tát Đại sĩ vào trong sinh tử giáo hóa phải thọ nhận sắc nhưng hiểu rõ nó ô uế nên không ham thích, không vui sướng giống như người nấu bếp gượng nuốt đại canh thịt xuống cổ, không cần biết mùi vị gì cả vậy!


26- Một hôm, Tôn giả A-nan vào thành khất thực, lúc ấy có cô gái của gia đình chuyên làm điều ác độc đi ra múc nước. Thấy ngài A-nan ngay thẳng đẹp đẽ, cô ta có tình ý, liền về nhà thưa với mẹ:

–Mẹ à, ở bên ngoài có đệ tử của Cù-đàm quyến rũ con!

Người mẹ liền triệu thỉnh quỷ thần để mê hoặc ngài A-nan.

Bỗng dưng Tôn giả đến ngay nhà họ. Lúc ấy, bà mẹ nói với ngài:

–Bây giờ, tôi dâng con gái tôi cho ngài, về sau ngài không được đi đâu nữa!

Tôn giả đáp:

–Tôi không thể nghe theo lời bà.

Bà mẹ làm một cái hầm lửa, rồi nói với ngài A-nan:

–Sao, bây giờ thầy đến với lửa đốt hay đến với con gái tôi?

Tôn giả sợ hãi nên nhất tâm hướng về Đức Phật. Từ xa, Đức Phật duỗi tay xoa đầu ngài A-nan.

Thấy tay Đức Phật đi trong không trung với vô lượng oai thần, bọn quỷ dữ của gia đình chuyên làm điều ác độc đều bỏ chạy, tung bà mẹ rơi vào hầm lửa. Thân thể đã làm mồi cho lửa, sắp bị đốt cháy thì được cứu thoát. Ngay lúc ấy, ngài A-nan được trở về chỗ Đức Phật. Sau đó bà mẹ triệu quỷ thần đến trách mắng:

–Các ngươi không thể lay chuyển đệ tử Cù-đàm để mê hoặc thì thôi chứ tại sao lại xô ta vào hầm lửa?

Quỷ thần thưa:

–Trước đây, chúng tôi với Ba-tuần gom lại có tám mươi ức chúng cùng đến đầy đủ dưới cây Đa-la để phá hoại Bồ-tát. Bồ-tát lấy tay chỉ xuống đất; bàn tay ấy thon dài có màn lưới, trong và ngoài lòng bàn tay giống như ngàn căm xe vô lượng oai thần làm cho tám mươi ức chúng tôi ngã nhào bị thương. Bây giờ lại duỗi đến, chúng tôi thật tình sợ hãi cho nên phóng chạy không dám đứng lại.

Bọn quỷ thần chúng tôi hay bắt chước, nếu trong số có người chạy, người không chạy thì tưởng đâu họ hại mình nên cùng chạy. Biết vậy bà đừng trách chúng tôi làm gì.

Bà mẹ mới biết Đức Phật là Đấng Chí Tôn, liền xin quy y và về sau đắc quả Tu-đà-hoàn.


27- Có hơn năm trăm con khỉ ở trong vòng vài mươi dặm nơi rừng cây bên bờ biển. Khi nước biển dâng lên thì kết bọt nổi trên mặt nước cao vài mươi trượng giống như núi Tuyết, rồi theo thủy triều trôi vào bờ.

Thấy hiện tượng đó, bọn khỉ nói với nhau:

–Chúng ta leo lên đầu núi, vui chơi khắp nơi không vui sướng sao?

Lúc ấy, có một con khỉ bước lên chỗ cao nhất nhảy thẳng xuống và chìm dưới đáy nước. Bọn khỉ thấy lạ mà không thấy nổi lên cho là ở trong núi bọt vui sướng vô cùng nên không chịu về. Thế rồi tranh nhau nhảy vào núi bọt nước, cả bọn đều chết chìm cùng một lúc.

Đức Phật mượn sự việc này làm ví dụ. Biển là dụ cho biển sinh tử; núi bọt nước là thân ngũ ấm, còn bọn khỉ chỉ cho thần thức của người. Vì chẳng biết ngũ ấm vốn không có, nên bị ái dục làm si mê, chìm đắm trong biển sinh tử không có kỳ hạn ra khỏi. Cho nên ngài Duy-ma-cật nói: “Thân này như bọt nước tụ lại, phải chịu khó kiên nhẫn chà rửa cho sạch.”


28- Thuở xưa, có trưởng giả Tu-đạt bảy lần nghèo khổ. Lần sau cùng nghèo quá sức đến nỗi không có một đồng thì ông ta lượm được một cái đấu gỗ trong phân mục. Cái đấu gỗ ấy chính thật là vật báu chiên-đàn nên ông ta đem ra chợ bán được bốn đấu gạo. Ông ta bảo vợ:

–Bà nấu một đấu thôi, tôi sẽ hái rau về ăn!

Lúc ấy Đức Phật nghĩ: “Ta sẽ độ Tu-đạt có thêm phước.” Cơm vừa mới chín thì Tôn giả Xá-lợi-phất đến, bà vợ vui mừng bới hết một đấu cơm dâng cúng vào bát ngài, rồi nấu một đấu cơm khác.

Đấu cơm vừa chín thì Tôn giả Mục-liên lại đến, bà cũng vui mừng đem cúng dường hết. Lại nấu một đấu gạo nữa thì Tôn giả Ca-diếp đến, bà cũng vui mừng đem cúng. Còn một đấu cuối cùng, bà đem nấu cũng vừa chín thì Đức Như Lai đến, bà nghĩ: “Những ngày thiếu lương thực không có ai đến, bây giờ có gạo thì Đức Như Lai đích thân đến thăm không lẽ tội hết phước sinh sao?” Bà liền đem hết một đấu cơm cuối cùng cúng dường Đức Như Lai.

Đức Phật chú nguyện cho gia đình bà tội hết phước sinh. Hôm sau, Tu-đạt trở về. Sợ chồng giận, bà hỏi:

–Ông à, nếu như có Đức Như Lai và các Tôn giả Xá-lợi-phất,

Mục-liên, Ca-diếp đến khất thực mà trong nhà mình có gạo, vậy nên cúng dường không?

Tu-đạt đáp:

–Nên cúng chứ, vì ruộng phước khó gặp. Các Ngài đến khất thực là ta gặp sự may mắn.

Bà thưa:

–Tôi đem bốn đấu gạo nấu cơm cúng dường hết rồi!

Tu-đạt nghe vậy quá đổi vui mừng, cùng vợ uống sạch nước cơm thừa. Không bao lâu, tự nhiên ông ta có thật nhiều vàng bạc, nhà cửa, châu báu, lúa gạo, vải lụa. Giống như tới thời giàu có vậy. Tu-đạt nhận biết Đức Phật thương tưởng đến nên thường thỉnh Ngài cùng chúng Tăng đến cúng dường và được nghe Như Lai thuyết pháp nên cũng đắc đạo.


29- Có con của nhà trưởng giả mới cưới vợ, cả hai đều yêu thương, kính nhường nhau. Chồng nói với vợ:

– Em ơi, vào bếp lấy rượu bồ đào ra uống với anh!

Người vợ đến mở chum rượu, thấy bóng mình trong đó, cho chồng có người đàn bà khác nên rất tức giận đi ra nói với chồng:

–Anh đã có người đàn bà giấu trong chum rượu còn cưới tôi làm gì?

Người chồng đi vào trong bếp xem, khi mở chum rượu thấy

bóng hình, anh ta tức giận cho là vợ giấu đàn ông trong đó. Hai vợ chồng đều giận nhau và đều cho việc đó là thật. Lúc ấy, có một Phạm chí vốn là chỗ thân tình với con trưởng giả đi qua trông thấy hai vợ chồng gây gổ nhau, mới hỏi nguyên do. Ông ta đến xem, cũng thấy bóng hình nên tức giận trưởng giả, cho là có người thân thiết giấu trong chum mà còn giả vờ gây gổ nữa, liền bỏ đi.

Lại có một Tỳ-kheo-ni mà trưởng giả tôn kính, nghe việc gây gổ như thế liền đến xem, thấy có Tỳ-kheo-ni trong chum cũng tức giận bỏ đi.

Một lúc sau, có một Đạo nhân cũng đến xem, biết đó chỉ là cái bóng thôi nên thở dài than:

–Thương thay, người đời ngu si cho cái không là thật!

Và ngài kêu người vợ nhìn vào, rồi bảo:

–Ta sẽ đem người trong chum ra cho ngươi.

Ngài lấy một hòn đá to đập vỡ chum rượu, khi rượu hết rồi thì không còn có bóng nữa. Hai người hiểu rõ đó là bóng mình nên xấu hổ. Đạo nhân vì họ mà thuyết pháp cơ bản, cả hai vợ chồng đều được Bất thoái chuyển.

Đức Phật lấy sự việc này làm ví dụ. Người thấy bóng rồi gây gổ ví cho người trong ba cõi không biết thân năm ấm, bốn đại là khổ, nên không dứt hết ba độc sinh tử.

Khi Đức Phật nói việc này có vô số ngàn người hiểu thấu được vô ngã.


30- Khi Đức Phật còn tại thế, có một gia đình gồm sáu người rất giàu, tôi tớ, vàng bạc, châu báu nhiều vô số kể.

Đức Phật cùng với Tôn giả A-nan trên đường đến làng để khất thực. Biết gia đình này đã từng tạo nhân từ trước, nên Đức Phật đến nhà họ. Tất cả cha mẹ, vợ chồng, con cháu đều phấn khởi vui mừng thỉnh Đức Phật an tọa. Trong nhà trải toàn thảm, đồ đựng thức ăn cúng dường đều bằng vàng bạc, lưu ly. Tôn giả A-nan quỳ xuống bạch Đức Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, vị ấy vốn có công đức gì mà quá sức giàu có vậy?

Đức Phật dạy:

–Khi ở trên đời, gặp lúc đói kém, gia đình nghèo khổ, cây cỏ khô hạn, vị ấy đến bờ sông để tìm cách giữ mạng sống. Khi nấu canh vừa chín thì ở bên ngoài có một Sa-môn đi ngang qua. Nhìn ra thấy Sa-môn, cha mẹ liền bảo: “Con hãy lấy phần của ta cúng dường cho Sa-môn đi!” Con cháu đều lấy phần mình nhường cho cha mẹ ăn rồi cả sáu người cùng một lúc phát tâm cúng dường một bữa ăn nhưng tiếc rằng nhà nghèo không có gì để dâng cúng Sa-môn cả. Nhờ phước này nên họ được sinh cõi trời và cõi người thường được an ổn, giàu có. Do họ phát tâm giống nhau nên đời đời cùng làm chung một việc. Bây giờ, họ lại gặp nhau. Cha mẹ, con cái lớn nhỏ, tất cả cùng một lúc thọ năm giới, sau khi qua đời được sinh lên trời hưởng phước vô lượng.


31- Thuở xưa có ba người đều nghèo khổ, chỉ đi bán củi để sống. Vào ngày mùng tám tháng tư, các thầy Tỳ-kheo ở trong chùa tắm tượng Phật. Thời bấy giờ, tiền thân của Đức Thích-ca Văn cũng ở trong đó làm vị Duy na.

Ba người đi qua trước chùa, nghe hôm nay tắm tượng Phật, liền vào xem rồi cùng phát tâm và đem một đồng đặt trước tượng, cầu nguyện: Một người cầu nguyện:

–Nguyện đời sau con được giàu có, không còn gặp cảnh nghèo khổ này nữa!

Khi qua đời, ông ta được sinh vào nhà rất giàu có, chí có một con và về già ông ta làm đệ tử Đức Phật, thường sinh lên trời hoặc trong nhân gian.

Một người cầu nguyện:

–Nguyện cho con biết làm thầy thuốc chữa trị tất cả bệnh nhân và có nhiều của cải.

Khi qua đời, ông ta được sinh vào nhà đại y sư, hiểu biết y thuật, trị bệnh tài giỏi và cũng được sinh lên trời hoặc trong nhân gian được giàu có, an vui.

Một người cầu nguyện:

– Nguyện đời sau con sống lâu không chết yểu.

Về sau, vị ấy sinh lên cõi trời thứ hai mươi bốn sống thọ sáu mươi kiếp.

Đức Phật dạy:

–Ba vị ấy đều cùng một lần cầu nguyện mà đời đời được phước vô lượng. Bây giờ cả ba đệ tử này đều làm đệ tử ta, được đắc đạo A-la-hán.


32- Người thế gian vào biển lấy châu báu có bảy việc khó:

  1. Bốn phía có gió lớn cùng lúc thổi lên làm thuyền nghiêng ngã.
  2. Thuyền sắp hư nên lủng và chìm.
  3. Người rơi xuống nước sắp chết mới được lên bờ.
  4. Hai con rồng trên bờ muốn ăn thịt.
  5. Bị ba con rắn độc ở đất liền đuổi theo muốn ăn thịt.
  6. Bị bỏng chân vì chạy trên đất có cát nóng.
  7. Người nhìn không thấy mặt trời, mặt trăng thường tối tăm không biết phương hướng.

Các nạn này rất nguy hiểm.

Đức Phật dạy các đệ tử:

– Các thầy cũng có bảy việc này:

  1. Gió to thổi bốn phía nghĩa là sinh, lão, bệnh, tử.
  2. Sáu căn hưởng thụ vô vàn ví như thuyền lủng.
  3. Rơi xuống nước sắp chết nghĩa là bị ma chiếm đoạt.
  4. Bị hai con rồng trên bờ ăn thịt nghĩa là mạng sống chết theo ngày tháng.
  5. Ba con rắn độc ở đất liền là ba độc trong thân người.
  6. Cát nóng làm bỏng chân là lửa trong địa ngục.
  7. Nhìn không thấy trời trăng nghĩa là nơi chịu tội tối tăm không có kỳ hạn ra khỏi.

Đức Phật dạy các đệ tử phải biết điều ấy; đừng nên gặp gỡ nó, phải siêng năng thực hành sáu độ để giải thoát.

Trang: 1 2