PHẬT THUYẾT PHẬT Y KINH

Hán dịch: Đời Ngô, Sa-môn Trúc Luật Viêm Cộng Chi Việt
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Thân người vốn có bốn bệnh:

  1. Đất.
  2. Nước.
  3. Lửa.
  4. Gió.

Gió tăng thì khí khởi lên, lửa tăng thì nhiệt khởi lên, nước tăng thì lạnh khởi lên, đất tăng thì lực mạnh lên. Vốn từ nơi bốn bệnh này, mà sinh ra bốn trăm bốn bệnh, đất thuộc về thân, nước thuộc về miệng, lửa thuộc về mắt, gió thuộc về tai, lửa ít lạnh nhiều thì mắt mờ. Mùa xuân từ tháng giêng, tháng hai, tháng ba lạnh nhiều; mùa hè từ tháng tư, tháng năm, tháng sáu gió nhiều; mùa thu từ tháng bảy, tháng tám, tháng chín nóng; mùa đông từ tháng mười, tháng mười một, tháng mười hai có gió có lạnh.

Vì sao mùa xuân lạnh nhiều? Vì vạn vật đều sinh ra, nhờ lạnh mà đâm chồi gọi là lạnh nhiều.

Vì sao mùa hè gió nhiều? Vì vạn vật hoa quả tươi tốt âm dương tụ họp gọi là gió nhiều.

Vì sao mùa thu nóng nhiều? Vì vạn vật bị khô héo gọi là nóng nhiều.

Vì sao mùa đông có gió và có lạnh? Vì vạn vật hoàn toàn đã mất hết nhiệt gọi là có gió có lạnh.

Từ tháng ba, tháng tư, tháng năm, tháng sáu, tháng bảy được nằm. Vì sao? Vì gió nhiều cho nên thân thể tỏa ra. Từ tháng tám, tháng chín, tháng mười, tháng mười một, tháng mười hai, tháng giêng, tháng hai không được nằm. Vì sao? Vì lạnh nhiều cho nên thân co lại.

Ba tháng mùa Xuân có lạnh, nên không được ăn mì đậu, nên ăn gạo tẻ, sữa đặc và những vật được nấu chín. Ba tháng mùa hè có gió, không được ăn khoai, đậu, lúa mì, nên ăn gạo tẻ, uống sữa. Ba tháng mùa thu có nóng, không được ăn gạo tẻ, sữa đặc, nên ăn gạo tấm, bột gạo rang, lúa mì. Ba tháng mùa đông có gió lạnh và âm dương hòa hợp, nên ăn gạo tẻ, canh đậu phụ, sữa đặc.

Khi nằm có lúc gió khởi có lúc diệt, có lúc lửa khởi có lúc diệt, lạnh có lúc khởi lúc diệt. Người bị bệnh có mười nguyên nhân:

  1. Người ngồi lâu không ăn cơm.
  2. Ăn không tiêu.
  3. Lo buồn.
  4. Lao lực.
  5. Dâm dục.
  6. Giận dữ.
  7. Nhịn đại tiện.
  8. Nín tiểu tiện.
  9. Ngăn chặn thượng phong.
  10. Bít hạ phong.

Đó là mười nguyên nhân sinh bệnh.

Đức Phật nói:

Có chín nguyên nhân, mạng sống chưa diệt tận mà bị chết bất ngờ:

  1. Không nên ăn cơm mà ăn cơm.
  2. Ăn cơm không chừng mực.
  3. Không tập cách ăn.
  4. Không xuất ra.
  5. Làm cho dừng lại.
  6. Không giữ giới.
  7. Gần gũi với ác tri thức.
  8. Vào trong nhà không đúng thời, không hành đúng như pháp.
  9. Có thể tránh mà không tránh.

Chín nguyên nhân như vậy làm cho mạng người chết bất ngờ.

Không nên ăn cơm mà ăn cơm: Nghĩa là ý không nên ăn cho thỏa ý, cũng không ăn theo bốn thời, vì đã ăn rồi lại ăn nữa, đó là không nên ăn mà ăn.

Ăn cơm không chừng mực: Nghĩa là không biết chừng mực ăn quá nhiều, đó là ăn không có chừng mực.

Không tập cách ăn: Nghĩa là ăn không đúng giờ, nếu đến nước khác, không biết tục lệ nên ăn cơm không tập theo, không ăn từ từ, đó là không tập theo cách ăn.

Không xuất ra: Nghĩa là ăn thức ăn chưa tiêu hết lại tiếp tục ăn vô, hoặc uống thuốc sổ ra chưa hết lại ăn vào, đó là không xuất ra.

Làm cho dừng lại: Nghĩa là đại tiểu tiện, tiện đi đúng giờ, mà không đi đúng giờ, đến lúc trôn ra thì chận lại, đó là làm cho dừng lại.

Không giữ giới: Nghĩa là phạm năm giới, hiện là kẻ trộm cắp ở thế gian, xâm phạm vợ của người khác, hoặc đưa vào quan huyện, hoặc ở tù, hoặc là chết, hoặc đánh đạp ghê tởm mà chết, hoặc đói chết, hoặc được thoát ra ngoài theo đám oan gia mà chết, hoặc sợ hãi lo buồn chết, đó là không giữ giới.

Gần gũi với tri thức ác: Nghĩa là thấy người ác lại đến giúp cho kẻ đó. Vì sao? Vì không xa được ác tri thức, người ác chịu ngồi ở đó, đó là gần gũi với tri thức ác.

Vào nhà không biết thời, không thực hành đúng pháp: Nghĩa là sáng chiều đi lại, còn tranh đấu với yêu quái, hoặc có trưởng sứ đuổi bắt mà không tránh né, hoặc vào nhà người khác, thấy sai không được nhìn mà nhìn, sai không nên nghe mà nghe, sai không nên phạm mà phạm, sai không nên suy nghĩ mà suy nghĩ, đó là vào nhà không biết thời, không thực hành đúng pháp.

Đáng tránh mà không tránh: Nghĩa là trâu ác, chó điên, rắn độc trùng dữ, lửa, nước, hầm hố, cạm bẫy, xe chạy, ngựa đuổi, dao kéo, người say rượu, người hung ác, ngoài những ngần ấy ra, đó là đáng tránh mà không tránh.

Chín nguyên nhân này làm cho mạng người chưa chết mà chết. Vậy người trí phải biết rõ, việc đáng tránh thì phải tránh sẽ được hai phước là sống lâu và được nghe lời hay về đạo, cũng được hành đạo lâu dài.

Đức Phật nói:

Ăn có bốn cách:

  1. Tử phạn.
  2. Tam bách mâu chước phạn.
  3. Bì cách trùng sinh xuất phạn.
  4. Tai phạn.

Tử phạn: Nghĩa là người ham thích mùi vị nên ăn thịt, vì vậy liền tự nghĩ, thịt này chính là cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc đời trước của ta, cũng vì không thoát khỏi được sinh tử, suy nghĩ như vậy liền ngăn chặn sự ham thích đó, gọi là tử phạn.

Tam bách mâu chước phạn: Nghĩa là dù ăn mùi vị đó luôn suy nghĩ có là tai họa cho mình, vô số kiếp không nghĩ đến mùi ấy sẽ được giải thoát; lại nữa, búa rìu chặt mất thân người, vì sinh ra bao nhiêu niệm thì thọ ngần ấy khổ, đó là tam bách mâu chước phạn.

Bì cách trùng sinh xuất phạn: Nghĩa là người nghĩ đến mùi vị, cũng như nghĩ đến tất cả vạn vật, lo lắng việc trong nhà, lại nghĩ đến tâm người khác, ý làm ra vạn thứ bị bỏ đi, đó là ăn da thuộc trùng sinh.

Tai phạn: Nghĩa là làm chết đi một đời đều là tai phạn, giống như ngọn lửa thiêu đốt vạn vật, mọi việc của con người làm đều sẽ mang họa đến thân, lửa mạnh thiêu đốt hết vạn vật cho nên nói là tai họa, sở dĩ nói người ăn, nghĩa là người nghĩ đến người một cách vừa ý nên nói ăn. Người ăn thịt ví như ăn con mình, các loài súc sinh đều bị ta giết như giết cha mẹ, anh em, vợ con, không không tính kể.

Cũng có sáu nguyên nhân không được ăn thịt:

  1. Tự mình không giết hại.
  2. Không dạy người giết hại.
  3. Không cùng đồng tâm giết hại.
  4. Thấy giết.
  5. Nghe giết.
  6. Nghi vì ta cho nên giết.

Không có sáu ý nghĩ này thì được ăn thịt, người không ăn có sáu nghi ngờ, người có thể không ăn thịt, được phước không có sợ hãi.

Đức Phật dạy:

Người ăn nhiều có năm tội:

  1. Ngủ nhiều.
  2. Nhiều bệnh.
  3. Nhiều dâm.
  4. Không đọc tụng kinh.
  5. Đắm nhiễm nhiều nơi thế gian.

Vì sao? Vì người tham dâm là người say mê vị sắc, người sân nhuế chỉ biết đến mùi vị, người ngu si tham ăn mùi vị. Kinh luật dạy: Người tham mùi vị, thì mùi vị này chồng lên mùi vị nọ, không được vị ngon.

Đức Phật nói:

Ăn là để đoạn trừ sinh tử nhưng lại rơi vào sự tham đắm thì không thể hành đạo. Vì đạt được Thiên nhãn, tự biết từ đâu đến và sinh đi về đâu, người không nghĩ về sự chết thì phần nhiều tham ăn thường nghĩ vợ người, đều rơi vào một trăm bốn mươi điều ác. Trung thiên đều dùng cách ăn này, cho nên phạm mười điều ác, đời sau bị mất thân người đọa vào trong súc sinh, nếu được làm người, đói khát máu chảy, bàng sinh sân nhuế nơi ái bên trong sinh ra tham đắm.

Đức Phật nói có phước lớn là:

Mình đói mà ăn với người, khiến người được sống, đó là phước lớn. Đời sau ăn uống thiếu thốn, sân nhuế, không có đối tượng bố thí cũng không được bố thí; tâm ý chỉ phóng túng tham dâm; cũng không có đối tượng bố thí; nếu được thỏa ý thì chẳng phải là sở hữu của ta, một đồng tiền trở lên, không được lấy, tạo tác tham dục không những tự khổ đau mà còn tạo tội. Đạo nhân không còn lo buồn, vì lo sẽ lệ thuộc theo buồn và tham đắm. Đời trước chúng ta có năm chết, tháng chết, ngày chết, giờ chết, cũng chẳng biết, chẳng sợ, cũng không hành đạo, chẳng trì giới, đi Đông chạy Tây, lo đồng lo sắt, lo ruộng đất, nhà cửa, nô tỳ, tuy có ích cho người, nhưng tăng thêm khổ não cho người, vì trồng tập khí súc sinh.

Đức Phật nói:

Người mới sinh ra, ví như loài ong lấy mật, chỉ hút lấy các thứ hoa, cần mẫn khổ cực tích chứa hằng ngày để thành được mật, nhưng bị người lấy mất, chúng rất khổ sở, không tự nuôi dưỡng mình được. Người mong cầu niệm này, lo lắng này là lo lắng không có đói khát khổ cực, góp nhặt của cải vật chất, lúc sống thì lo lắng về năm phần trong gia đình, hoặc về nước, lửa, trộm cắp giặc cướp, quan huyện, nghèo khổ, phần nhiều không được như ý. Mình chết rồi thì người khác hưởng, nhưng thân lại mang tội ấy, đau đớn cùng không thể nói được.

Năm phần:

Một là lửa, hai là nước, ba là giặc cướp, bốn là quan huyện, năm là anh em nghèo khổ. Vì sao không lo lắng về sở hữu? Vì người không lo lắng tính toán năm phần trên, thì rất khổ sở không được thọ nhận, lo khổ này có vạn thứ, xiết chặt trong lòng lìa đạo xa pháp. Đời sống nhân pháp là buôn bán tạo tác, nhưng được lợi không nên vui, không được lợi cũng chẳng nên buồn, đây chỉ là do mạng sống đời trước đã gây tạo. Người có tham đắm, tham thì chẳng được lợi lạc gì, giả sử được một ít tiền của vật chất ở trong thiên hạ, cũng không thể tự mình tiêu dùng, cũng không tùy thuộc vào người, nhưng lợi ích con người đã thu nhặt chỉ là khổ đau, chỉ gieo trồng nhân duyên cho đời sau, nhân duyên về lửa, như lửa không có chỗ nào mà không thiêu đốt. Chúng ta không biết rõ, nên phải xem xét không ôm chấp hư vọng, biết là sẽ tăng thêm khổ đau gieo trồng tội lỗi.