KINH PHẬT LÂM NIẾT BÀN KÝ PHÁP TRỤ
Hán dịch: Đại Đường – Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang
Việt dịch: Thích Nữ Như Tuyết
Chứng nghĩa: Thích Đổng Minh, Thích Tâm Hạnh
Tôi nghe như vầy, một thời ở rừng Sa La, vùng đất Lực Sĩ thuộc thành Câu Thi, đức Thế Tôn cùng vô lượng Thanh Văn, đại Bồ Tát và chư Thiên, Nhơn, A Tố Lạc,… Tất cả đại chúng đều vây quanh Ngài.
Bấy giờ sắp nhập Niết Bàn, vì thương tưởng chúng sanh, với lời từ hòa, đức Thế Tôn bảo Ngài A Nan: Không bao lâu nữa, ta sẽ nhập Niết Bàn, tất cả pháp hữu vi đều bị hư hoại, tất cả Phật sự đều viên mãn. Ta đã nói pháp thoát ly sanh tử, cam lồ vi diệu, tự tại tối thượng và cực kỳ an lạc. Các pháp ấy sâu xa, vi diệu, khó hiểu, khó biết, không thể suy luận, vượt khỏi phạm trù suy luận mà các bậc đại thánh đã tự chứng ngộ. Ta đã chuyển ba lần pháp luân vô thượng oai lực của pháp luân ấy đủ mưòi hai hành mà các Sa môn, Bà la môn, Thiên, Ma, Phạm, v.v…đều không thể chuyển pháp luân chân thật như vậy được, vì chư Thiên và nhân loại ta thổi kèn pháp, đánh trống pháp để thức tỉnh họ khỏi giấc ngủ trong đêm dài vô minh; Ta dựng cờ pháp, đốt đuốc pháp soi khắp tất cả, trừ diệt tối tăm. Vì loài hữu tình, ta bắt cầu pháp lớn, làm thuyền pháp lớn để đưa tất cả vượt qua dòng nước dữ; Ta rót nước pháp, tuôn trận mưa pháp làm tất cả cây khô héo được tươi tốt; ta đã khai mở con đường giải thoát để dẫn dắt những người bị lạc đường trong thế gian. Nếu những hữu tình nào đáng được độ đã được ta độ rồi, còn những ai chưa được độ thì ta cũng tạo điều kiện cho được độ. Ta đã hàng phục tất cả ngoại đạo, đã bẻ gãy tất cả tà thuyết, đã lật đổ cung điện của các loài ma, đã phá tan trận ma quân, đã làm phật sự lớn bằng tiếng rống sư tử, đã thành tựu bổn nguyện của bậc trượng phu, giữ gìn pháp nhẫn làm cho không hủy hoại, giáo hóa thanh văn, thọ ký Bồ Tát, làm phật nhãn vô thượng chiếu đến đời vị lai, thường còn không đoạn tuyệt.
Này, A Nan! Đối với chánh pháp vô thượng này, các thầy phải nên nổ lực, hộ trì để không bị mai một.
Này, A Nan! Nay ta không còn việc gì để làm nữa, chỉ còn hướng đến Niết Bàn thôi.
Sau khi nghe Phật dạy, Ngài A Nan khôn xiết đau buồn, nghẹn ngào hồì lâu mới thưa :
Bạch Thế Tôn! Không biết rằng chánh pháp vô thượng mà Như Lai đã vì loài hữu tình, trải qua vô số kiếp siêng năng, khổ nhọc mới đạt được. Vậy sau khi Ngài diệt độ chánh pháp này trụ thế bao lâu, để làm lợi ích cho Chư Thiên, Nhơn, A Tố Lạc, v.v…rồi mới bị suy tàn?
Một lần nữa với lời từ ái Đức Thế Tôn bảo A Nan rằng:
Pháp mà chư Phật để lạI đều như vậy, A Nan chớ có lo buồn, sau khi ta diệt độ, chánh pháp vô thượng sẽ trụ thế một nghìn năm, làm lợI ích Chư Thiên, Nhơn, A Tố Lạc, v.v…từ đây về sau từ từ chấm dứt.
A Nan, ông nên biết sau khi ta diệt độ, một trăm năm đầu, trong giáo pháp của ta, thời gian chánh pháp vững chắc, các đệ tử của ta thông minh trí tuệ, đa văn, biện tài, vô ngại, có thể hàng phục các tà thuyết, đầy đủ thần lực, làm lợi ích cho các loài hữu tình.
Do sự kiện này, nên trời rồng hoan hỷ nỗ lực hộ trì, kể cả quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ cũng biết phước điền, có lòng tin sâu xa, cúng dường, cung kính, tôn trọng tán thán đối với Phật, Pháp, Tăng. Cuối 100 năm sau đó, có một vị quốc vương tên A Du Ca (A Dục) xuất hiện ở đời, đầy đủ oai lực, làm vua cõi Thiệm Bộ Châu, xây dựng tám vạn, bốn ngàn tháp cao rộng trang nghiêm cúng dường xá lợi của ta, làm cho vô lượng chúng thấy nghe đều hoan hỷ, đều trồng thiện nghiệp sanh thiên giải thoát.
Vào 100 năm thứ hai, sau Niết Bàn, giáo pháp của ta thuộc thời kỳ tịch tịnh kiên cố, các đệ tử của ta, thông minh, đa văn trí tuệ, đáng là bậc thầy của trời, người, đầy đủ oai đức làm lợI ích cho nhiều người. Do sự kiện này, nên trời rồng hoan hỷ, nỗ lực hộ trì, kể cả quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ cũng hiểu rõ phước điền, có lòng tin sâu xa thanh tịnh, cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán đối với Phật, Pháp, Tăng.
Vào 100 năm thứ ba, sau Niết Bàn, giáo pháp của ta thuộc thời kỳ chánh hạnh kiên cố, đệ tử của ta chứng huệ giải thoát và câu phần giải thoát (tâm giải thoát và tuệ giải thoát) các bậc thân chứng và kiến đạo số đến trăm nghìn. Do vì nhiều người chứng quả thánh nên được trời rồng hoan hỷ, nỗ lực hộ trì, kể cả quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ cũng hiểu rõ phước điền, có lòng tin sâu xa thanh tịnh, cúng duờng, cung kính, tôn trọng tán thán đối với Phật, Pháp, Tăng.
Vào 100 năm thứ tư, sau Niết Bàn, giáo pháp của ta thuộc thời kỳ viễn ly kiên cố, đệ tử của ta ưa thích ở chỗ thanh vắng siêng năng tu thiền định. Do sự kiện này, nên được trời rồng hoan hỷ, nỗ lực hộ trì, kể cả quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ cũng hiểu rõ phước điền, có lòng tin sâu xa thanh tịnh, cúng dường, cung kính, tôn trọng tán thán đối với Phật, Pháp, Tăng.
Vào 100 năm thứ năm, sau Niết Bàn, giáo pháp của ta thuộc thời kỳ pháp nghĩa kiên cố, đệ tử của ta ưa thích chánh pháp, siêng năng tu học, biết chọn lựa khi bàn luận. Do sự kiện này, nên được trời rồng hoan hỷ, nỗ lực hộ trì, kể cả quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ cũng hiểu rõ phước điền, có lòng tin sâu xa thanh tịnh, cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán đối với Phật, Pháp, Tăng.
Vào 100 năm thứ sáu, sau Niết Bàn, giáo pháp của ta thuộc thời kỳ giáo pháp kiên cố, đệ tử của ta đối với các giáo pháp của ta phần nhiều siêng năng đọc tụng, tâm không mệt mỏi, hay làm lợi ích cho vô lượng hữu tình. Do sự kiện này, nên trời rồng hoan hỷ, nỗ lực hộ trì kể cả quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ cũng hiểu rõ phước điền, có lòng tin sâu xa thanh tịnh, cúng dường, cung kính, tôn trọng đối với Phật, Pháp, Tăng, nhưng phần nhiều có lòng nghi ngờ đối với nghĩa lý.
Vào 100 năm thứ bảy, sau Niết Bàn, giáo pháp của ta thuộc thời kỳ lợi dưỡng kiên cố. Trời rồng Dạ xoa, A Tố Lạc, v.v…cúng dường, cung kính, tôn trọng tán thán đối với Phật, Pháp, Tăng, các đệ tử của ta phần nhiều tham đắm lợi dưỡng, cung kính, khen ngợi, không siêng năng tu tập tăng thượng học giới, định, huệ.
Vào 100 năm thứ tám, sau Niết Bàn, giáo pháp của ta thuộc thời tranh cãi kiên cố, các đệ tử của ta phần nhiều ganh ghét, tật đố, kết cấu với kẻ ác, tụ hợp, phỉ báng, chê bai người trì giới, khinh chê bậc đa văn, không nhớ nghĩ pháp lục hòa, chỉ nhớ những việc tranh cãi, biểu hiện những xảo trá bất thiện, không cung kính sư trưởng, không sống theo chánh trí, dối trá siểm nịnh, nói lời thô bỉ như bọn chiên đà la, cậy vào thế lực của vua quan, trưởng giả bằng mọi cách tốn hao tài vật của Tam Bảo, kết cấu bạn ác, chia rẻ bạn hiền.
Vào 100 năm thứ chín, sau Niết Bàn, giáo pháp của ta thuộc thời sự nghiệp kiên cố, đệ tử của ta phần nhiều nuôi sống bằng cách làm các việc thế tục như: kinh doanh, gieo trồng, buôn bán, giao dịch làm sứ giả, … xem thường vi phạm học giớp của Như Lai đã chế định.
Vào 100 năm thứ mười, sau Niết Bàn, giáo pháp của ta thuộc thời kỳ hý luận kiên cố, đệ tử của ta phần nhiều siêng năng học tập các thứ hý luận, xả bỏ chánh pháp xuất thế gian của chư Phật. Đó là: Khế Kinh, Ứng Tụng, Ký Biệt, Phúng Tụng, Tự Thuyết, Duyên Khởi, Thí Dụ, Bổn Sanh, Bổn Sự, Phương Quảng, Hy Pháp và Luận Nghị. Chỉ siêng năng học tập các hý luận thế gian. Đó là: Vương Luận, Tặc Luận, Chiến Luận, Thực Luận, Ẩm Luận, Y Luận, Xa Luận, Ngã Luận, Dâm Luận, Nam Luận, Nữ Luận, Các Quốc Đô Luận, Các Hà Hải Luận.
Do ưa thích các loại hý luận này, khiến các Sa môn, Bà La Môn khinh hủy, tránh xa thánh giáo ta. Trong pháp luật của ta sẽ có chúng Bí xô, Bí xô ni ác như đây không khéo tu tập giới, định, huệ, chỉ cùng nhau tranh luận mưu mô, hủy báng, tham đắm các thứ y bát, phòng xá, ngọa cụ tốt đẹp, cùng bạn ác tập hội. Tuy trải qua nhiều năm giữ gìn tịnh giới, nhưng trong phút chốc đều hủy phạm tất cả, cũng như nhiều năm tu tập các căn lành, nhưng do nhiều giận hờn, ưu não nên liền đánh mất. Do sự kiện này, trời rồng bị thương, áo não xả bỏ không hộ trì quốc vương đại thần, trưởng giả, cư sĩ không còn phát sanh tịnh tín, phỉ bánh khinh chê đối với Tam Bảo làm cho chánh pháp hoại diệt.
Từ đó về sau, các Bí xô tạo ác ngày càng sâu, quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ càng không cung kính, nhưng oai lực Tam Bảo vẫn còn chưa mất, cho nên có những Bí xô, Bí xô ni thiểu dục tri túc, hộ trì cấm giới, tu hành thanh tịnh, ưa thích đa văn, thọ trì tam tạng giáo pháp của Như Lai, phân biệt giảng rộng cho bốn chúng, làm lợi ích an lạc vô lượng hữu tình. Lại có quốc vương đại thần, trưởng giả và cư sĩ hâm mộ chánh pháp, cúng dường cung kính tôn trọng tán thán Tam Bảo, hộ trì kiến lập không có hối tiếc, nên biết đều là do các vị Bồ Tát không thể nghĩ bàn dùng bổn nguyện của mình trong thời này, hộ trì chánh pháp vô thượng của Như Lai và làm lợi ích lớn cho các loài hữu tình.
Lúc bấy giờ Ngài A Nan, các hàng Thanh văn, Bồ Tát, Thiên Long, Dạ Xoa, Nhơn, Phi Nhơn, v.v…tất cả đại chúng nghe Đức Thế Tôn huyền ký thời gian chánh pháp tồn tại ở trong tương lai phân biệt hành nghiệp sai khác của các Bí xô càng thêm khen ngợi, tin thọ phụng hành.
Kinh Phật Lâm Niết Bàn Ký Pháp Trụ
Mùa AN CƯ năm ĐINH SỬU
Tỳ kheo ni NHƯ TUYẾT