KINH PHẬT DIỆT ĐỘ HẬU QUÁN LIỆM TÁNG TỐNG
Hán dịch: Mất tên người dịch, phụ vào Dịch phẩm đời Tây Tấn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật du hóa ở nước Hoa Thị, theo phong tục đương thời, Tôn giả A-nan bạch Phật:

–Kính thưa Thế Tôn! Sau khi Thế Tôn nhập diệt, nghi lễ tẩm liệm nhục thân tôn quý của Thế Tôn sẽ thực hiện như thế nào?

Phật bảo:

–Hãy lo tu tập, đừng quan tâm tới việc tống táng Ta. Sau khi Ta diệt độ sẽ có các hàng Phạm chí, Trưởng giả tổ chức chu toàn nghi lễ ấy.

Tôn giả A-nan lại hỏi:

–Bạch Thế Tôn! Nghi lễ ấy được tổ chức như thế nào?

Đáp:

–Như nghi lễ tống táng bậc Chuyển luân Thánh vương.

Tôn giả A-nan thưa tiếp:

–Con xin được nghe về nghi lễ ấy.

Đức Phật nói:

–Khi Chuyển luân Thánh vương băng hà, thân thể được quấn bằng một ngàn tấm vải kiếp ba và tẩm nước thơm toàn thân, làm giàn hỏa bằng củi thơm, xếp củi trên, dưới, bốn bên, châm lửa để trà-tỳ, thu nhặt di cốt, rửa bằng nước thơm và đặt vào một bình vàng, sau đó an trí vào một hộc do sáu miếng đá ghép lại, mỗi miếng đá dài, rộng ba thước, trang hoàng cờ phướn và các thứ vật phẩm cúng dường thích ứng, ngay tại đó xây tháp bằng đất dùng hoa hương cúng dường. Nghi lễ đối với Như Lai còn hơn thế nữa. Vì sao? Vì Ta trải qua vô số kiếp thực hành bốn tâm vô lượng, sáu pháp Ba-la-mật, cứu độ chúng sinh khắp mười phương. Với công đức vô lượng ấy, Ta mới thành bậc Như Lai, Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Giác, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Chí Tôn, không ai bằng. Người nào dùng đất cúng dường để xây dựng tháp thì được vô lượng phước đức.

Vào đời mạt pháp uế trược, mọi người bị nguy hại đến tánh mạng, tài sản bị phân tán do năm nhà, vì thế Ta lưu xá-lợi và bình bát để cứu giúp sự nguy khốn nơi thế gian, ban phước cho mọi người, làm biểu tượng tôn thờ để mọi người đến chiêm ngưỡng. Nhân đó, Sa-môn thuyết pháp, giáo hóa người chưa ngộ, khiến cho người sống thì vĩnh viễn xa lìa chốn lao ngục, người chết thì thoát khỏi tội nơi ba đường dữ, quyết chắc được sinh lên cõi trời. Nếu ai xây tháp phụng thờ Phật thì công đức còn hơn trước nữa.

Tôn giả A-nan hỏi:

–Đối với bát của Đức Thế Tôn thì phụng thờ như thế nào?

Đức Phật đáp:

–Bát của Ta do bốn đại Thiên vương dâng cúng, hợp bốn cái làm một để làm vật đựng thức ăn cho Phật, mọi người không được sử dụng bát này. Sau khi Ta diệt độ, các nước sẽ tranh giành, lòng người điên đảo, xem thường mạng sống, tham đắm dâm dục, trái với hiếu đạo, tôn trọng gian tà, khi ấy bát sẽ hóa hiện hào quang năm màu, bay lên hư không, giáo hóa lòng người, mọi người chiêm ngưỡng, nhớ đến ân đức để dứt bỏ mê tỏ ngộ, thuận theo chánh pháp, chùa tháp hưng thịnh. Lúc ấy giáo pháp của Phật chuyển sang phía Đông, lưu hành nơi các nước, trừ diệt ôn dịch, vua, quan an ổn, sự ăn mặc phát triển, mọi người vui vẻ, không bị hoạn nạn, vĩnh viễn ra khỏi ba đường dữ, đều được sinh lên cõi trời.

Quốc vương ở vùng cực Đông nhân từ, sáng suốt, bình bát sẽ đến vị ấy. Sau khi vua băng hà, con cháu nối nghiệp trở nên dâm loạn, bỏ chánh theo tà, lòng dân cũng thế, họ thấy bát mà không cung kính lễ bái; chúng trời, rồng thấy vậy, vừa buồn rầu vừa vui, rước bát đem về biển phụng thờ.

Vua mất bát quý, buồn giận tức thời, truyền rao khắp nước chuộc lại bát với giá ngàn vàng, liên tục nhiều năm tìm kiếm cho ra manh mối. Người dân ham trọng thuởng, tìm kiếm khắp nơi nhưng không được. Khi ấy, có một người nghèo tên Sư, giả làm Tỳ-kheo, ham rượu thịt, sống với vợ con, đang lúc say rượu, cao hứng, ông ta đến cửa thành nói: “Tôi biết bát kia để ở đâu?”.

Nghe nói, vua rất mừng, mời Sa-môn vào, hỏi: “Bát để ở đâu?”.

Sư đáp: “Trước hết hãy đem vàng ra”.

Vua ban cho một ngàn lạng vàng.

Sư nói: “Tôi biết chính các Sa-môn đang cắp giấu bát đó”.

Vua liền hạ chiếu bắt bớ tra khảo các Sa-môn rất dữ, thấy vậy quan, dân đều oán trách vua.

Vua hỏi: “Ông là hạng Sa-môn nào?”.

Đáp: “Sư tôi thờ Đức Phật”.

Vua hỏi: “Phật có những giới nào?”.

Đáp: “Phật có hai trăm năm mươi giới”.

Vua hỏi: “Giới đầu tiên là gì?”.

Đáp: “Thứ nhất là phải thực hành sự nhân từ, ban ân huệ khắp quần sinh, xem thân mạng của chúng sinh trong thiên hạ như thân mạng mình, từ bi tế độ, thương xót hết thảy, đem lòng tha thứ của mình để đối với người khác, hướng dẫn, giáo hóa, che chở cho người cũng như mình, thấm nhuần đến cả cỏ cây, không dối trá, không dứt mất”.

Vua khen: “Lành thay! Sự giáo hóa nhân từ của Đức Phật bao trùm cả trời đất, lẽ nào chúng sinh không nương nhờ được”.

Sư nói tiếp: “Thứ hai là noi theo sự trong sạch, không cất chứa vật báu phi pháp, tôn trọng làm phồn vinh đất nước, không được lấy vật, cho đến loài cây cỏ như hạt cải không cho thì không được lấy”.

Vua khen: “Lành thay! Có thể gọi là người trong sạch”.

Sư nói tiếp: “Thứ ba là tuân theo sự trinh khiết, tâm không nghĩ việc dâm, miệng không nói bậy, không được nghe tiếng dối trá, nhìn sắc tà vạy, xem vợ của người khác như mẹ, như chị, như em, như con gái của mình, thà đốt thân này chứ không làm việc dâm loạn”.

Vua khen: “Lành thay! Thật là khuôn vàng thước ngọc, sự giáo hóa của Đức Phật là trên hết”.

Sư nói tiếp: “Thứ tư là phải cẩn thận nơi lời nói, không nói hai lưỡi, không nói thô ác, không nói dối, không nói thêu dệt, không khen trước mặt, chê sau lưng, không làm chứng mà không có cớ, không làm yêu quỷ, tà quái, yếm bùa, chú thuật, thà nuốt cục lửa, chớ nói ra lời độc ác”.

Vua khen: “Lành thay! Sự giáo hóa của Đức Phật thật đáng kính sợ, thức tỉnh, phải luôn cẩn thận với lời nói đến như vậy đấy”.

Sư nói tiếp: “Thứ năm là không uống rượu, rượu làm cho vua không nhân từ, bề tôi không trung tín, người thân bất nghĩa, con cái bất hiếu, vợ xa xỉ, dâm dật, quyết mắc ba mươi sáu thứ lỗi, mất nước, tan nhà đều do rượu gây ra. Vì vậy, thà uống chất độc mà chết chớ nên uống rượu mà sống”.

Vua khen: “Lành thay! Sự giáo hóa sáng suốt của Phật làm cho con người thấm nhuần đạo đức, diệt sạch các điều ác, phát triển các điều lành, làm cho thân tâm thanh tịnh, sống đạm bạc, giữ chí hướng. Kinh dạy nhân từ mà ông lại bảo ta giết hại, giới dạy phải thanh tịnh, không tham lam mà ông lại nhận vàng, giới dạy không dâm mà ông lại nuôi vợ, giới dạy phải thành thật mà ông lại dối trá”.

Sư nói: “Người trộm bát làm tôi mắc tội vô cớ”.

Vua nói: “Giới dạy không uống rượu mà ông lại say sưa đến như vậy, các Sa-môn khác có đủ năm đức như thế không?”.

Đáp: “Họ làm việc xấu ác còn hơn tôi nữa”.

Vua hỏi quan bên cạnh: “Các Sa-môn sống bằng nghề gì?”.

Quan đáp: “Họ khất thực, làm nhiều việc xấu ác còn hơn ông sư này”.

Vua nói: “Giới Phật có hai trăm năm mươi giới, nhân từ, đạo nghĩa, thanh tịnh rất trong sạch, rộng lớn như hư không, đáng tin như bốn mùa, sáng hơn mặt trời, mặt trăng”.

Dựa vào các sự việc ấy, trộm pháp phục, lấy bình bát, giả hình Sa-môn, làm loạn chánh đạo đến như thế, một giới không vâng giữ làm sao giữ được hai trăm năm mươi giới? Vua lại ra lệnh cho các quan: “Điện Phật thanh tịnh được các Hiền Thánh tôn thờ, không phải hang ổ của loài chim thú, hãy đuổi người xấu ác đi, không cho ở nơi điện Phật nữa. Người quân tử trong nước muốn làm hưng thịnh chùa tháp, không gì bằng ưa thích, thân cận người hiền và truyền bá lời giáo hóa của Phật”.

Vua lau nước mắt, tự suy nghĩ đến đạo lớn bị xuống dốc, sự giáo hóa của Phật ngày càng suy đồi.

Phật bảo Tôn giả A-nan:

–Tuy Ta diệt độ rồi nhưng vẫn lưu lại Bát và Xá-lợi, nếu có người hiền nào với tâm cung kính, cúng dường, chắc chắn sẽ được sinh thiên.

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Cuối một ngàn năm sau, bát sẽ hiện thần đức, biến hóa như vậy, huống chi là giáo pháp chân chính của bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì linh hiển biết chừng nào.

Khi Phật nói kinh này, các chúng trời, rồng, quỷ thần, vua, quan, bốn chúng đệ tử, ai ấy đều nghẹn ngào, cúi đầu đảnh lễ cáo lui.