KINH PHẬT ĐẠI TĂNG ĐẠI
Hán dịch: Đời Lưu Tống, Cư sĩ Thư Cừ Kinh Thanh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Bấy giờ, Đức Phật ở tại thành Vương xá. Thành ấy, có một người giàu có tên là Lệ, của cải, vàng bạc, ruộng đất, nhà cửa, bò, ngựa, tôi tớ nhiều không kể xiết. Ông Le tuổi đã xế chiều mà không có được một đứa con nối dõi. Theo phép tắc thường lệ ở thành ấy, người nào không có con thì sau khi chết, tài sản đều phải sung vào của công. Ông luôn cầu đảo mặt trời, mặt trăng, các vị trời, quỷ thần, chín vị thần làm mẹ, thần núi, thần cây… để xin có được một đứa con, nhưng đều không được. Ông tự nghĩ: “Người có chậm nhanh, cứ luôn đến nương nhờ thần cây, thần núi thì chắc chắn cũng sẽ được. Của cải rồi cũng sẽ tiêu tán hết, sản nghiệp thì không tu bổ, tật bệnh vẫn hay xảy ra, tai họa thì hoặc sớm muộn, nô tỳ thì già chết, gia súc chẳng đông nhiều, đều là những yêu nghiệt, quỷ thần dẫn dắt, mê hoặc đảo điên, làm loạn vua và dân… Như vậy thì làm sao có phước. Chỉ thêm tai họa kéo đến, như do mù tối uống nhầm thuốc độc lại cho là thuốc hay, vô cùng hao tổn, thuốc độc mà ngấm vào thì phải mất mạng. Ngày nay, ta giết hại chúng sinh, thờ cúng quỷ thần, ta sẽ bị đọa vào địa ngục, còn mong gì được sinh lên cõi trời nữa. Thật là điều sai lầm, ở đời có đạo Phật, có bậc Thánh tiết tháo thanh cao, lại có vị tiên tên là Ứng Chân nhân (A-la-hán). Vị Chân nhân ấy thanh tịnh như ngọc lưu ly, ta hãy luôn tinh tấn đến đó để phụng sự đạo ấy, chỉ giữ tâm yên tĩnh, không mong không muốn, lấy đó làm niềm vui, hiện tại được an ổn, qua đời được sinh lên cõi trời.”
Trưởng giả Lệ lai nghĩ: “Ta phải thường xuyên cúng dường, phụng sự Phật và ba ngôi báu.”
Trưởng giả cúng dường Phật chừng một năm thì vợ ông sinh được một người con trai. Ông cho rằng nhờ cúng dường Phật mà được mãn nguyện, nên ông đặt tên cho con là Phật Đại. Trưởng giả lại cúng dường, làm lợi ích cho các vị Tỳ-kheo Tăng, là đệ tử của Đức Phật, được một năm thì vợ ông sinh tiếp một đứa con trai, ông đặt tên cho con là Tăng Đại. Trưởng giả Lệ nuôi dạy hai người con, chỉ bày Thánh đạo cho chúng. Bẩm tánh của Tăng Đại rất nhân từ, thương yêu người và vật, vô cùng hiếu thảo, tụng niệm kinh pháp và giới luật của Phật, gần gũi bậc Sa-môn, thanh tịnh biết đủ. Người cha thấy ý chí con như vậy nên thương yêu rất đặc biệt. Ông bị bệnh nặng, liền kêu người con lớn là Phật Đại đến, ông khóc và dặn dò:
–Phàm có sống thì phải có chết, vạn vật đều vô thường, giữ giới thì được an vui, phá giới thì bị nguy khốn, người nào giữ gìn giới luật của Phật dạy thì hoàn toàn không bị hoạn nạn. Tăng Đại còn nhỏ mà có lòng nhân từ, biết hiếu thảo và thanh bạch…
Trưởng giả Lệ dặn dò như vậy, vừa dứt lời thì ông qua đời. Tăng Đại như mất cả bầu trời, cô đơn không nơi nương tựa, sau khi cân nhắc, tăng Đại thưa với anh mình:
–Thưa anh, em muốn xuất gia làm Sa-môn.
Người mẹ lo nghĩ: “Con mình chắc muốn vợ, nhưng lại giả vờ nói dối là muốn làm Sa-môn.” Nên bà lo tìm hỏi vợ cho con. Phật Đại cũng nghĩ là em mình nói dối như người mẹ đã nghĩ, nên liền đi tìm kiếm người làm vợ cho em.
Trong thành, có người con gái nhà hiền lành, tên là Khoái Kiến, nàng rất xinh xắn, kiều diễm, đoan trang không ai sánh bằng, không cao không thấp, không mập không ốm, rất vừa người, lại thêm nết na trong trắng, hiền từ hiếu thảo, giống như vầng trăng giữa các vì sao. Nếu được nàng làm vợ hien, ai cũng đều ưa thích. Nàng được hỏi cưới về làm vợ Tăng Đại.
Hôm ấy, người anh mời rất nhiều khách quý, mọi người bà con, dòng họ ai ai cũng vui mừng hớn hở. Giữa lúc đông khách, người anh hỏi người em:
–Hôm nay, em có muốn làm Sa-môn hay không?
Tăng Đại đáp:
–Xin anh cho phép em làm Sa-môn, để em được thỏa mãn nguyện vọng từ lâu nay. Xin anh cho phép, em rất muốn làm Samôn.
Người anh liền cười bảo:
–Anh cho phép em được thỏa nguyện đó!
Người em rất vui mừng, liền đảnh lễ người anh, rồi ngay ngày hôm ấy đi vào núi, thấy một vị Sa-môn tuổi trẻ đầy đủ uy nghi đang sống một mình bên một gốc cây. Tăng Đại đi đến trước mặt vị Samôn, chắp tay cúi đầu đảnh lễ, rồi đứng thưa:
–Vì nhân duyên gì mà Tôn giả tu hành làm Sa-môn?
Vị Sa-môn ấy là người đã đạt đạo A-la-hán, vị ấy biết được các việc trong vô số kiếp về quá khứ và vị lai, liền nói với Tăng Đại:
–Kinh Phật có dạy: Con người ham dâm dục như lửa thiêu thân, như cầm đuốc cháy đi ngược chiều gió, sẽ bị lửa đốt cháy cánh tay nếu không chịu rời bỏ ngọn đuốc. Lại giống như con quạ ngậm miếng thịt, bị chim ưng, chim cắt đuổi theo để tranh giành, con quạ không chịu nhả miếng thịt ra nên bị tai ương đến thân mạng nhỏ bé… Dâm dục cũng vậy, vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế mà tôi xuất gia làm Sa-môn.
Lại như mật dính trên lưỡi dao bén, đứa trẻ ham vị ngọt dùng lưỡi liếm nên bị tai họa đứt lưỡi. Người dâm dục chỉ tạm vui tâm ngu trong phút chốc mà không nghĩ đến sau đó sẽ bị đốt cháy thân. Ví như chó đói được khúc xương khô gặm nhai ngấu nghiến, chỉ bị đau miệng mẻ răng, tự làm tổn hại chứ không lợi ích gì. Dâm dục cũng vậy, trăm ngàn ức kiếp chẳng được chút phước đức dù bằng tơ tóc mà chỉ bị tội báo trong ba đời. Vì nghĩ như thế nên tôi mới xuất gia làm Sa-môn.
Lại ví như cây có nhiều hoa quả tốt tươi, người qua đường vì tham lam nên lấy đá ném, lấy cây khều, chỉ trong chốc lát, hoa quả đều bị rơi rụng, cành lá tả tơi. Cây vì có hoa quả mà phải tự chịu lấy sự nát tan.
Lại như con phù du tham màu lửa, cứ đâm đầu vào ngọn đèn nên thân thể bị thiêu cháy rụi. Vậy thì sao lại không lo chế phục dâm dục.
Người mê mờ không biết phân biệt thiện, ác, rời xa người hiền, gần gũi kẻ ngu, càng ngày càng tối tăm, trôi nổi, bị mất nước, bỏ mạng, sau khi chết bị đọa vào địa ngục, điều ác đã tạo, tội lỗi đã mang, hối hận làm sao kịp nữa! Đức Phật đã thấu đạt chân lý, mở bày Thánh đạo. Tôi nhờ ân Phật, được gặp kinh pháp và giới luật, luôn giữ tâm thanh tịnh, ở riêng một mình không hề bị hoạn nạn, quay nhìn lại cuộc đời mới biết đó là lầm lạc. Vì vậy nên tôi đã xuất gia làm Sa-môn.
Tăng Đại nghe xong, liền cúi đầu đảnh lễ ngang chan vị Samôn, rồi quỳ thưa:
–Đức Phật thật là bậc Thánh tối thượng, là bậc tôn quý trong các vị trời, kinh pháp Ngài dạy để diệt trừ ngu si, xin nhập vào tâm con, con nguyện từ bỏ cuộc đời ô trược, thực hành theo đạo thanh tịnh, giữ gìn giới luật Sa-môn để tạo dựng phước đức.
Vị Sa-môn trở thành thầy dạy bảo cho Tăng Đại. Tăng Đại siêng đọc tụng giới luật, hầu thầy được mấy tháng thì bạch thầy:
–Con muốn vào núi sâu để tu thiền định tịch tĩnh, cầu đạo ứng chân cho đến khi diệt trừ hết các hoạn nạn.
Vị thầy nói:
–Ở một mình trong núi sâu rất khó khăn. Người ở trong rừng núi sâu phải học về tinh tú, biết rõ khí hậu, thời tiết, phải dự trữ nước, lưa, lương khô, mật… Vì sao? Vì bọn giặc trộm vào khoảng nửa đêm đến sáng sớm hay tìm tới xin lửa, nước, lương khô và mật, chúng có hỏi thì phải giải thích, chúng cần gì cũng phải cho chúng, nếu ta trái ý sẽ bị chúng giết.
Tăng Đại kính vâng lời dạy bảo Từ bi, ghi nhớ kỹ càng những lời dặn dò của thầy, rồi từ tạ thầy để đi vào núi.
Người anh nghĩ: “Em mình đã thành Sa-môn chắc không bao giờ giữ lại vợ.” Vợ Tăng Đại là Khoái Kiến, xinh đẹp không ai sánh bằng, nên người anh rất thích nàng. Phật Đại bèn đến chỗ Khoái Kiến, đàn lên khúc ca ủy mị, khơi dậy lòng dâm dục, như sau:
–Thương cho cây uất kim hương, mọc giữa cánh đồng hoang, đã qua bao mùa rồi mà không ai hái, tấm thân bé nhỏ muốn được tốt tươi, khoe sắc khoe hương đổi mới, hãy cùng tôi ở bên nhau, gắn chặt tình thắm thiết. Mỗi năm chỉ một ngọn gió tây, hỏi ai là người mà nàng yêu quý…
Khoái Kiến nghe xong, hiểu người anh chồng có ý xằng bậy, nàng cũng dùng một khúc ca để đáp lời Phật Đại:
–Đức Bổn sư của tôi cao vời, là bậc tôn quý trong cõi trời, người, chúng đệ tử thanh tịnh của Ngài gọi là các Sa-môn, ca tụng người chân chánh, tôn làm bậc Thánh. Còn hàng dâm dục chỉ là loài súc sinh. Tôi đã thọ giới trang nghiêm, không thờ hai chồng, không bao giờ sinh lòng dâm dục, thà cam chịu phận nhỏ bé yếu hèn.
Phật Đại lại hát lên khúc tình cảm bi ai, lời lẽ ủy mị:
–Lòng ta yêu nàng từ lâu nay càng tăng thêm, đã nhờ mai mối và bói quẻ xem giờ lành, ta thật lo âu, sợ nàng không đến, nhưng rồi thấy được ánh sáng dung nhan của nàng, lòng ta rất đỗi vui mừng. Giờ đây nàng lại chẳng chịu cùng ta bên nhau, thật phí uổng công ta.
Ta đã thề nguyện một lòng, thục nữ còn nghi ngờ gì nữa?
Khoái Kiến rất sợ hãi, nàng đáp:
–Đức Phật đã dạy lễ nghi, phải có tôn ti thứ tự, vợ của em trai cũng tức là con, anh của chồng cũng như cha. Tôi đã vâng giữ giới luật, nguyện càng ngày càng chân chánh, thanh cao, như bậc Thánh, dâm dục chính là loài trùng, loài chuột. Hỡi người anh chồng của tôi!
Nghe những lời nói ấy, tâm ý người anh vẫn cứ mê hoặc, vì quá yêu mến Khoái Kiến, lòng đã sâu đậm, không thể chuyển dời được.
Khoái Kiến lại nói:
–Phàm người ở đời phải lìa xa hai điều: Không nên ham thích dâm loạn và làm trái với giới luật Phật dạy. Sao anh lại khác chồng tôi như thế?
Phật Đại nói:
–Nhan sắc của nàng thật yêu kiều rực rỡ, khắp các mỹ nữ cõi trời cũng không ai đẹp như nàng. Lòng ra rất say đắm, núi cao gì ta cũng sẽ vượt qua.
Khoái Kiến suy nghĩ: “Anh này vì muốn ta nên bừng bừng cuồng loạn, thật khó để ngăn cản.”
Rồi nàng nói về những sự bất tịnh, những điều xấu ác của thân thể để từ chối. Nàng nói:
–Anh yêu thân thể của tôi, vậy thân thể tôi có gì tốt đẹp? Đầu gồm chín mảnh xương hợp lại thành chiếc đầu lâu, bên trong chỉ toàn là não. Mặt thì có bảy lỗ, luôn chảy ra đờm giãi, nhờ da che bọc lấy xương. Ham thích đầu cổ thì chỉ là da thịt lẫn lộn nhau. Thân thể lại có lông, tóc, móng, răng, da, thịt trong da, máu, não, xương, thịt. Trong bụng thì có tim, lá lách, thận, ruột, dạ dày, mỡ, phổi, phân, nước tiểu, máu mủ, nóng lạnh… Bàn chân thì liền với cẳng chân, cẳng chân liền với đùi vế, đùi vế liền với xương cùn, xương cùn liền với lưng, lưng liền với xương sống, xương sống liền với xương sườn, xương sườn liền với cổ, cổ liền với đầu lâu. Cánh tay thì liền với khuỷu tay, khuỷu tay liền với vai… Tôi như chiếc bình vẽ, bên trong chứa đầy phân và nước tiểu. Trong thân toàn bộ bất tịnh, đáng nhờm gớm như vậy, có gì đáng để ham thích?
Phàm người ta thích điều gì thì nên nói cho họ nghe những chỗ xấu ác của điều ấy, tâm họ sẽ không còn thích điều đó nữa.
Phật Đại suy nghĩ: “Cô này nhớ chồng thì làm sao chịu lấy ta. Ta giết em mình thì cô ấy mới chịu theo ta.” Suy nghĩ xong, Phật Đại tức giận đi tìm những kẻ giặc. Phật Đại thấy một người dáng vẻ khinh bạc nơi quán rượu, liền nói với hắn:
–Nhà ta có nuôi một đứa ở, nó trốn đi làm Sa-môn, hiện nay nó đang ở trong núi.
Kẻ giặc nói:
–Ta biết chỗ đó.
Phật Đại liền đem vàng bạc cho hắn và bảo:
–Phải giết đứa tôi tớ ấy rồi nhanh chóng đem đầu của nó, cả y phục, gậy pháp thường dùng và giày dép của nó mang cũng đều phải đem hết về. Ta sẽ thưởng thêm cho ngươi nhiều vàng bạc.
Tên giặc rất vui mừng, nói:
–Các anh em, theo ta.
Rồi hắn liền vào núi, đến chỗ của Tăng Đại, nói:
–Này Sa-môn! Ông xuất gia nhanh thật.
Tăng Đại nói:
–Các ông muốn gì? Ở đây, tôi có nước, lửa, lương khô, mật… có thể sử dụng được.
Đến nửa đêm, tên giặc nói:
–Chúng tôi không cần lửa, nước… lương khô cũng chẳng cần biết thời gian của ông, chúng tôi chỉ muốn có được đầu của ông để đem đi mà thôi!
Tăng Đại nghe xong vô cùng sợ hãi, Tôn giả khóc, nói:
–Tôi chẳng phải Trưởng giả, cũng chẳng phải bậc công hầu gì cả, tôi bỏ thế tục tu hành theo đạo, không tranh cãi với đời, học đạo còn non kém, chưa đạt đạo quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và bậc A-la-hán có sáu thông. Các ông giết tôi thì được lợi ích gì?
–Chúng tôi đến đây là vì cần chiếc đầu lâu của ông, ông đừng van xin vô ích.
Tăng Đại suy nghĩ: “Chắc bọn giặc nghe nhà mình giàu có, họ cho rằng mình mang theo châu báu đến đây”, nên Tôn giả nói với bọn giặc:
–Nếu muốn được châu báu, có anh tôi còn ở nhà, anh ấy tên là Phật Đại. Tôi sẽ đưa thư về để anh tôi cho các ông, các ông sẽ có được châu báu như ý muốn.
Tên giặc đáp:
–Anh của ong sai tôi đến giết ông đấy.
Tăng Đại liền nói:
–Hôm nay, tôi bị giết, đấy cũng là do vợ tôi. Trước đây, thầy tôi đã dạy: “Người sống với dâm dục như cầm đuốc cháy đi ngược gió, không sớm bỏ đuốc xuống thì sẽ bị lửa đốt cháy tay, lại như mật dính trên lưỡi dao, như chim ưng đuổi bắt chim quạ, như chó được khúc xương khô, như cây do có hoa quả mà bị tai họa… Sắc dục là điều tai họa của thân, thật thấm thía làm sao những lời dạy của thầy.”
Rồi Tăng Đại lại khóc xin tên giặc:
–Xin hãy cho tôi được sống thêm một năm nữa để tôi tu hành
đắc đạo. Tôi vẫn luôn ở chỗ này, lúc ấy, đến giết tôi vẫn không muộn.
Tên giặc đáp:
–Ta muốn có được đầu của ông để đem đi ngay bây giờ. Một năm nữa là cái gì? Những người tu đạo ở trong núi đắc đạo rất nhiều. E đến lúc ông tu hành đắc đạo rồi vận thần thông biến đi mất. Thôi, ông đừng nhiều lời nữa, bắt được ông rồi, ta phải lấy đầu ông thôi.
Tăng Đại lại nói:
–Xin ông đừng giết tôi liền. Trước hết hãy chặt đứt một chân của tôi và đặt trước mặt tôi.
Tên giặc liền chặt đứt một chân của Tăng Đại và đặt trước mặt Tôn giả.
Tăng Đại vô cùng đau đớn, đến nỗi không thể nói được. Khi ấy, có một vị trời xuống chỗ của Tăng Đại, nói:
–Hãy cẩn thận, đừng kinh sợ, hãy giữ tâm kiên trì. Đời trước, Tôn giả đã bị sinh trong loài súc sinh, bị người mổ giết rồi rao bán thịt của Tôn giả chứ không phải chỉ một đời. Địa ngục, ngạ quỷ gì Tôn giả cũng đều đã bị đọa, thống khổ từ đó đến nay, không phải mới bây giờ.
Tăng Đại nói với vị trời:
–Xin hãy làm ơn báo cho thầy tôi biết để thầy tôi chỉ cho tôi biết con đường chết rồi sinh về chốn nào.
Vị trời liền đi đến nói với vị thầy:
–Đệ tử của thầy sắp bị người khác giết, đang khóc lóc cầu xin được gặp thầy.
Vị thầy liền bay đến chỗ của đệ tử mình, giảng nói kinh cho đệ tử:
–Trời, đất, núi Tu-di còn phải bị hoại diệt, biển cả cũng có lúc khô cạn, chỉ trong bảy ngày là bị hoại diệt. Dưới trời có một trận gió tên là Duy-lam, gió Duy-lam vừa nổi lên thì mọi ngọn núi đều bị đánh đổ, vậy mà trận gió ấy rồi cũng phải chấm dứt… huống gì là tấm thân nhỏ bé của con, làm sao sánh bằng được. Bây giờ, con chỉ nên niệm Phật. Đức Phật thường dạy về vô thường, có thịnh ắt có suy, có hợp rồi sẽ tan, vinh hoa cũng khó giữ, thân con cũng thế.
Tăng Đại nghe như vậy liền chứng đạo Tu-đà-hoàn. Tên giặc lại chặt đứt chân còn lại của Tăng Đại, Tăng Đại lại càng nhớ nghĩ đến lời dạy của thầy, Tôn giả liền chứng đạo quả Tư-đà-hàm. Tên giặc chặt đứt tay trái của Tăng Đại, Tăng Đại lại một mực nhớ nghĩ về lời dạy của thầy, Tôn giả liền chứng đạo quả A-na-hàm. Tên giặc chặt đứt tay phải của Tăng Đại, Tăng Đại lại càng nhất tâm nhớ nghĩ về lời dạy của thầy, Tôn giả liền chứng đạo quả A-la-hán, nên không còn sợ hãi đối với ba đường ác, sống chết rất tự tại, không có gì đáng sợ hãi. Tăng Đại nói:
–Hãy đưa cho tôi một miếng vỏ cây.
Tên giặc liền lột một miếng vỏ cây đưa cho Tăng Đại. Tăng Đại tự chích máu mình, viết thư lên vỏ cây: “Anh hãy sống tùy thời cho an lành và hiền lành. Khi cha mẹ còn sống đã gởi gắm tôi cho anh, anh chẳng những không nghe mà còn trái bỏ lời dạy của cha mẹ, chỉ vì một chút nữ sắc mà cốt nhục phải tương tàn. Trái lời cha mẹ, anh là đứa con bất hiếu, giết hại mạng người, anh là kẻ bất nhân, giết một súc vật thì tội đã không nhỏ, huống gì là giết bậc Ala-hán. Tội thì chẳng bị dừng nửa chừng, chỉ mình anh tự tạo tội ác. Hôm nay tôi còn có thân hình, anh còn có thể giết tôi, đến lúc tôi thành bậc Thiện Thệ tĩnh lặng, anh có muốn giết hại cũng luống uong. Tôi nguyện nỗ lực tôn sùng chánh đạo.” Rồi Tăng Đại duỗi cổ dài ra hai thước, Tôn giả nói với tên giặc:
–Ông hãy chặt đầu tôi đi. Đầu tôi bây giờ cũng giống như đầu bằng bùn, không có gì sợ hãi, tôi chỉ lo sợ các ông bị đọa vào địa ngục.
Tên giặc liền chặt đầu Tăng Đại, hắn lấy y phục, gậy, dép và bình bát của Tôn giả, đem đến chỗ người anh và đưa mọi thứ cho người anh. Người anh lại trả công cho hắn bằng nhiều vàng bạc.
Người anh làm thành một hình nộm rồi để đầu người em lên trên, lấy y phục của người em mặc vào hình nộm, gậy, bình bát và dép đều để một bên. Xong xuôi, người anh nói với nàng Khoái Kiến:
–Chồng của nàng mới về nhà, nàng hãy vào thăm hỏi chồng đi.
Khoái Kiến vô cùng vui mừng, nàng chạy đến chỗ của Tăng Đại, thấy Tăng Đại đang ngồi nhắm mắt, nàng nghĩ là chồng mình đang tư duy về đạo nên nàng không dám gọi. Nàng làm nhiều món ăn ngon để đợi lúc chồng tu niệm về đạo xong rồi sẽ dùng cơm. Đến trưa, thấy Tăng Đại vẫn chưa mở mắt, Khoái Kiến đến trước chồng thưa:
–Bây giờ đã trưa lắm, sợ sẽ bị quá ngọ.
Nàng lấy làm kỳ lạ, sao Tăng Đại chẳng đáp lời gì. Nàng lay áo Tăng Đại để đánh thức. Ngay khi ấy, đầu của Tăng Đại rơi xuống đất, thân thể đều bị phân tán mỗi thứ một nơi. Khoái Kiến vô cùng kinh hãi, nàng nhảy ra và la lên:
–Chàng vừa ngồi trước mặt tôi, sao lại bị giết hại thế này.
Nàng đau đớn, phẫn uất kêu trời, xót xa như xé nát tim gan, máu trào nơi miệng, đột ngột qua đời. Khoái Kiến giới hạnh thanh tịnh, trong sạch như hư không, tâm ý theo mô phạm của bậc Thánh, không thể lay động giống như đất, trinh tiết thanh cao, như bầu trời rất khó lường tính. Lúc Khoái Kiến còn sống, chư Thiên đã bàn bạc sắp đặt chỗ ở cho nàng, để nghênh đón thần thức của nàng lên cung trời Đao-lợi, cho đến chỉ trong chốc lát, nàng đạt được nhiều phước báo không cùng tận ở cõi trời.
Lúc ấy, Phật Đại vào nhà để xem thử Khoái Kiến thế nào rồi, anh ta thấy đầu và tay chân của Tăng Đại lăn tứ tán, Khoái Kiến thì bị thổ huyết chết một bên. Thấy vậy, Phật Đại la lên:
–Than ôi! Ta là kẻ trái đạo trời, gây ra điều tàn ác.
Rồi liền đến chỗ của tên giặc để hỏi:
–Em ta lúc sắp chết có trăng trối gì không?
Tên giặc bảo:
–Có gởi thư lại cho ông đây.
Phật Đại đọc thư, lời lẽ trong thư vô cùng khẩn thiết, xót xa. Đọc thư xong, Phật Đại đau đớn, nghẹn ngào, ngũ tạng gần như tắc nghẽn, khóc than, nước mắt ràn rụa:
–Ta trái lời cha mẹ, làm cho cốt nhục tương tàn, ta lại giết bậc A-la-hán.
Nói xong, Phật Đại bị xúc động quá mạnh mà chết, sau khi chết, ông ta bị đọa vào địa ngục.
Nghe chuyện này, nhà vua và dân chúng, ai ai cũng đều xót thương, ngậm ngùi. Để noi theo và khen ngợi đức hạnh thanh tịnh của người em là Tăng Đại, họ mai táng cho Tôn giả, bốn phía đều xây tháp. Trời, rồng, quỷ thần đứng đầy trong hư không, rải hoa, đốt hương thơm, ai ai cũng đều rất thương cảm.
Khoái Kiến được người trong cả nước chôn cất, ai ai cũng đều xót thương.
Các vị trời có bài tán: “Tinh tấn đạt đạo, giữ năm giới không thiếu khuyết, trinh lương thì được sinh lên cõi trời. Còn trái lời Phật dạy, bất hiếu với cha mẹ, giết hại bậc Thánh thì chết sẽ bị đọa vào địa ngục, bị nóng bức khổ đau, không biết khi nào mới hết….” Đức Phật bảo các đệ tử:
–Từ nay về sau, các ông hãy gắng sức tu hành để xa lìa ái dục.
Đức Phật giảng nói kinh này xong, các đệ tử đều hoan hỷ đảnh lễ rồi lui ra.