KINH PHẬT A TỲ ĐÀM XUẤT GIA TƯỚNG
Hán dịch: Đời Trần, Tam Tạng Pháp Sư Chân Đế
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN THƯỢNG

Đem công đức hiện có của tất cả chúng sanh trong một nghìn Atăng-kỳ thế giới chỉ bằng công đức nơi một lỗ chân lông của Phật. Như vậy là thành tựu công đức nơi một lỗ chân lông của Phật. Công đức của các lỗ chân lông trên khắp thân Phật chỉ bằng một vẻ đẹp của Phật. Công đức thành tựu nơi tám mươi vẻ đẹp như vậy tăng lên một trăm lần mới bằng một tướng tốt trên thân Như Lai. Công đức thành tựu nơi ba mươi hai tướng tốt như vậy tăng lên một nghìn lần mới bằng một tướng ánh sáng giữa hai chân mày của Như Lai. Lấy công đức của một nghìn tướng ánh sáng giữa hai chân mày, tăng lên một trăm lần mới thành một tướng nhục kế trên đỉnh đầu của Như Lai, là tướng đỉnh đầu, tất cả chư thiên không thể nhìn thấy (Vô kiến đảnh). Đạt Công đức không thể nghĩ bàn như vậy mới thành tựu được thân Phật. Vì vậy, đức Như Lai ở trong hàng Trời, người là bậc tôn quý hơn hết.

Đức Phật dạy:

– Vào thuở xa xưa chư Phật đã giảng nói: Này các Tỳ-kheo! Nếu thấy tướng sinh của mười hai nhân duyên tức là thấy pháp. Nếu thấy được pháp tức là thấy Phật. Chư Phật nói như vậy có nghĩa là gì? Nghĩa là nhờ nhân duyên này, thấy được tướng sinh của mười hai nhân duyên có sinh và không sinh, tức là thấy pháp. Nếu thấy được pháp có sinh và không sinh, tức là thấy Phật, do tùy thuận theo Tuệ.

Lại nữa, tên của mười hai nhân duyên là gì? Chư Phật quá khứ đã giảng nói có hai nghĩa. Nói mười hai nhân duyên sanh: Một là từ nơi Nhân, hai từ nơi Duyên. Lại nên quán sát theo hai nghĩa này: Một là bên ngoài, hai là bên trong. Nhân duyên bên ngoài theo nghĩa của Nhân. Vì sao tất cả chư Phật ở quá khứ, vị lai với Chủng Trí, đều nói như vậy? Do từ hạt giống sanh ra mầm, từ mầm sanh ra lá, từ lá sinh ra đốt, từ đốt sinh ra cộng, từ cộng sinh ra gốc, gốc sinh ra cành, từ cành sinh ra đài, từ đài sinh ra hoa, từ hoa sinh ra hạt, nếu không có hạt thì không sinh ra mầm. Như vậy, không có hoa thì không sinh ra hạt, có hạt nên được sinh ra mầm. Như vậy, có hoa nên được sinh ra hạt, nhưng hạt cũng không nói ta có thể sinh ra mầm, mầm cũng không thể nói ta có thể tự sinh. Như vậy, tất cả các pháp như lý mà ổn định. Vì ý nghĩa này, nên nhân duyên bên ngoài theo nghĩa của Nhân, nên quán sát như thế. Đây là quán theo nghĩa của Nhân. Quán theo nghĩa của Duyên là gì? Như tánh đất, tánh nước, tánh lửa, tánh gió, tánh khoảng không. Tánh đất là có thể nhận hạt giống, tánh nước có thể tưới thấm hạt giống, tánh lửa có thể làm cho hạt giống thuần thục, tánh gió có thể làm cho hạt giống lớn lên, tánh hư không có thể làm cho hạt giống không bị trở ngại. Nếu không có duyên này thì hạt giống không thể nẩy mầm. Như tánh đất có thể thu nhận hạt giống, tánh nước có thể làm thấm nhuần hạt giống, tánh lửa có thể làm thuần thục hạt giống, tánh gió có thể làm cho hạt giống lớn lên, tánh hư không có thể làm cho hạt giống không bị trở ngại. Nhờ thời tiết nên hạt giống được lớn lên, hạt giống lớn lên nên nẩy mầm. Tánh đất cũng không nói ta có thể thu nhận hạt giống, tánh nước cũng không nói ta có thể tưới thấm hạt giống, tánh lửa cũng không nói ta làm cho hạt giống thuần thục, tánh hư không cũng không nói ta có thể làm cho hạt giống không bị trở ngại, hạt giống cũng không nghĩ ta nhờ các duyên này mà được lớn lên. Nhưng nếu không có các duyên ấy, thì hạt giống không thể nẩy mầm. Mầm ấy cũng chẳng phải tự làm, cũng không phải cùng làm, cũng không phải trời Tự Tại làm, cũng chẳng phải không có nhân mà sinh ra, đều do đất, nước, gió, lửa, hư không, thời tiết nên hạt giống mới nẩy mầm. Các nhân duyên bên ngoài này, nên quán sát năm điều: không phải thường, không phải đoạn, không phải truyền nhau, nhờ các duyên nên quả hạt được tăng lên và do tương tự sanh. Không phải thường nghĩa là hạt giống này diệt nên nói không phải thường. Lúc hạt giống này diệt cũng tức là lúc mầm sinh, không trở ngại, giống như cái cân một bên xuống một bên lên, vì vậy nói là chẳng phải đoạn. Giống và mầm cũng không giống nhau, nên nói không phải truyền nhau, như hạt giống gieo trồng ít nhưng khi thu hoạch thì rất nhiều, do đấy nói nhờ các duyên nên quả hạt được tăng thêm. Như đã gieo giống thì nẩy mầm…, sanh ra quả tương tự, đây là do tương tự sinh ra. Điều này không phải vậy, từ hoa nên sinh ra hạt, nên như lý mà ổn định. Thế nên nhân duyên bên ngoài, phải quan sát hai điều: một từ nhân, hai là từ duyên. Ý nghĩa của nhân duyên bên trong, cũng phải quan sát hai điều. Một là do nhân, hai là do duyên. Ý nghĩa của Duyên bên trong từ nhân là gì? Nghĩa là do Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Lão, Tử, Ưu, Bi, Khổ Não, theo thứ tự mà tăng trưởng. Như vậy, các khổ ấm tụ tập tăng trưởng. Như vậy, do có Vô minh nên Hành tăng trưởng, như vậy cho đến có Sanh, nên có Lão tử tăng trưởng. Nếu không có Vô minh thì không sinh ra Hành,… nếu không có Sanh thì không có Lão tử. Như vậy, có Vô minh nên có Hành tăng trưởng… do có Sinh nên có Lão tử tăng trưởng. Vô minh cũng không nghĩ ta có thể tạo ra Hành, Hành cũng không nghĩ ta là do Vô minh tạo ra, cho đến Sinh cũng không nói ta có thể tạo Lão tử, Lão tử cũng không nói ta là do Sinh tạo ra. Thế nên, có Vô minh nên có Hành tăng trưởng, cho đến có Sinh nên có Lão tử tăng trưởng. Vô minh là gì? Vô minh là nương vào sáu chủng tánh mà gọi là nam, nữ. Thế nào là sáu chủng tánh? Đó là tánh đất, tánh nước, tánh lửa, tánh gió, tánh hư không, tánh thức. Tánh đất là: Tướng bền chắc có thể tạo thành thân, làm cho thân không đổ nát. Tánh nước cũng có thể duy trì, có thể thấm nhuần, có thể mềm mại, có thể ẩm ướt. Tánh lửa cũng có thể duy trì, làm cho các thức ăn được nấu chín. Tánh gió cũng có thể giữ hơi thở vào hơi khí, hơi thở ra v.v…. Bên trong những vật chất đã thành do bốn đại này, có khoảng không, tức là không đại. Cho đến thành Danh sắc, ví như nguyên nhân của bó lau sậy, đó là tánh thức. Tánh đất không có ngã, không chúng sanh, không mạng sống, không nam, không nữ, không ta, không người, cho đến tánh thức cũng thế. Duyên sáu tánh đầy đủ như vậy, có tưởng về chúng sanh, tưởng về thường, tưởng về hằng, tưởng hữu, tưởng về Ngã, tưởng về dâm dục, tưởng về ngã sở, vô số những chúng sanh không hiểu biết, nên gọi là Vô minh. Vì có Vô minh nên đối với cảnh, sanh ra tham đắm, sanh ra sân hận, sanh ra ngu si; tham lam, sân hận, ngu si này đều nương vào cảnh mà sanh khởi nên gọi là Hành. Tùy theo sự việc phân biệt, nên gọi là Thức. Từ Thức này lại sanh ra bốn Ấm, nên gọi là

Danh sắc, nương vào Danh sắc nên có các Căn, vì thế gọi là sáu Nhập, vì tích tụ nên có Xúc, vì tiếp xúc nên có Thọ, vì có Thọ nên sanh ra Ái, vì Ái tăng trưởng nên có Thủ, nương vào Thủ nên có Hậu Hữu, nghiệp Hữu sanh nên có Hữu vì nghiệp làm nhân nên có Ấm, Ấm khởi nên gọi là Sanh, ấm suy hao nên gọi là Già, ấm hư hoại nên gọi là Chết, phiền não bên trong nên gọi là Ưu, do tư tưởng mà có Bi. Thân, Thức, Ấm hòa hợp nên gọi là Khổ; Ý, Thức, Ấm hòa hợp cho nên không ưa thích. Những điều đó gọi là Tùy phiền não phần. Vì ý nghĩa tối tăm nên gọi là Vô minh. Vì nghĩa tạo tác nên gọi là Hành. Vì nghĩa nhận biết nên gọi là Thức. Vì nghĩa đứng bền nên gọi là Danh sắc. Vì nghĩa như cánh cửa thu nhận các trần nên gọi là Lục nhập. Vì nghĩa xúc chạm nên gọi là Xúc. Vì nghĩa lãnh nhận nên gọi là Thọ. Vì ý nghĩa ái thủ nên gọi là Thủ. Vì ý nghĩa tái sanh ở đời sau nên gọi là Hữu. Vì nghĩa sanh khởi nên gọi là Sanh. Vì nghĩa suy hao nên gọi là Già. Vì nghĩa hư hoại nên gọi là Chết. Vì nghĩa phiền não nên gọi là Ưu. Vì nghĩa tư tưởng nên gọi là Bi. Vì nghĩa bức ngặt thân thể nên gọi là Khổ. Vì nghĩa làm tâm bị phiền não bức bách nên gọi là không vừa ý. Vì nghĩa của Tùy phiền não phần nên gọi là Khổ não. Như vậy, không theo thực tướng tức là theo tà hạnh, không hiểu biết tức là Vô minh. Như vậy do Vô minh mà sanh ra ba loại Hành: Thiện, ác và vô ký. Cho nên, nói là Vô minh duyên Hành. Có các Hành như vậy cho nên có Thức thiện, Thức ác và Thức vô ký. Do đó, nên Hành duyên Thức. Vì có Thức thiện nên sanh ra Danh sắc thiện; ác và vô ký cũng sanh ra như vậy. Do duyên Thức mà gọi là Danh sắc, sáu căn là nơi làm những việc nên làm như hiểu biết, trí tuệ. Do duyên Danh sắc nên gọi là Lục nhập. Do Lục nhập nên sanh ra Lục Xúc, do duyên Lục nhập nên gọi là Xúc. Xúc này sanh nên Thọ sanh, vì thế gọi là do duyên Xúc mà sanh Thọ. Lãnh thọ các duyên, đắm nhiễm, nên gọi là Thọ. Do duyên Thọ nên có Ái. Vui thích, tham đắm sắc đẹp, đắm nhiễm Danh sắc không thể xa lìa, lại càng lún sâu, tham cầu, đó gọi là Ái. Do duyên Ái nên có Thủ, càng mong cầu nhiều thì đời sau có nghiệp nhân thân, khẩu và ý, nên gọi là Thủ duyên Hữu, nương vào nghiệp nên sanh ra Ấm. Đây là do duyên Hữu nên có Sanh. Ấm này sanh khởi cho nên có suy hao hư hoại, đó gọi là Sanh duyên Lão tử. Như vậy, mười hai Nhân Duyên sanh, lại làm nhân cho nhau, cùng nhau sanh trưởng, từ vô thỉ luân chuyển mãi không dứt.

Lại nữa, nghiệp và thức, sanh ra mười hai nhân duyên, nên sanh ra bốn chi, theo nghĩa của nhân này. Những gì là bốn? Đó là Vô minh, ái, nghiệp và thức. Hạt giống Thức là nhân hữu vi, Danh sắc do Nghiệp và “đám ruộng” làm nhân. Vô minh, ái là nhân phiền não. Không có nghiệp và phiền não này thì hạt giống Thức không sanh trưởng. Điều đó nói rõ: Nghiệp nhân này và hạt giống Thức là “đám ruộng”. Vì Vô minh làm hư hoại hạt giống Thức, Ái làm thấm nhuần hạt giống Thức. Nhưng Vô minh cũng không nghĩ: “Ta có thể làm hư hoại hạt giống thức”. Ái cũng không nghĩ: “Ta có thể làm thấm nhuần hạt giống thức”. Nghiệp cũng không nghĩ: “Ta làm đám ruộng của Thức”, hạt giống Thức cũng không nghĩ: “Ta nhờ những loại này mà sanh ra”.

Lại nữa, hạt giống Thức an trú vào trong ruộng nghiệp, vì Ái đã thấm nhuần, do Vô minh che lấp nên hạt giống lớn lên, nảy mầm Danh sắc. Đối với tất cả các Ấm không sanh, thì mầm Danh sắc này cũng không tự tạo ra được, cũng chẳng phải người khác tạo, cũng không phải mình và người đều tạo, cũng không phải Trời Tự Tại tạo và cũng không phải không có Nhân mà sanh ra. Do nghiệp phiền não như trên nên hạt giống Thức được lớn lên và nảy mầm Danh sắc; Cũng không từ đời này qua thẳng đời sau mà phải có sự tùy thuận nghiệp, quả nhân duyên đầy đủ. Ví như soi gương sáng thấy rõ mặt mày. Mặt cũng không rời khỏi thân, chạy vào gương chỉ có hình tượng tương tự, nhờ nhân duyên đầy đủ nên mới như vậy, vì thế thân này diệt ở chỗ này thì sanh ở chỗ kia là do nhân duyên của nghiệp đầy đủ.

Ví như vầng trăng cách xa ba vạn hai ngàn do tuần mà vẫn hiện rõ ở đây. Nhìn vào bát nước sạch để thấy ánh trăng thì ánh trăng không rơi từ hư không xuống chỗ này, cũng không đi thẳng đến đây mà vẫn có hình tượng ánh trăng, vì có nhân duyên đầy đủ.

Ví như đem lửa để vào đồ vật, lửa cháy không tắt, ngọn lửa cũng không rời khỏi ngọn lửa mà đi, tùy theo Nhân nên lửa cháy. Như vậy, nghiệp phiền não sanh ra hạt giống từ đó tương tục sanh, nhập. Mầm Danh sắc đối với pháp là không có chủ, nhờ nhân duyên đầy đủ nên nó như vậy, tất cả các chi đều như lý mà ổn định như thế. Nhân duyên bên trong là theo nghĩa của Nhân như thế, quán sát theo nghĩa của Duyên như thế, theo nghĩa của Nhân cũng như thế, nghĩa của Duyên cũng như thế, như trong Kinh nói: “ Duyên khởi như vậy, duyên tập như vậy và duyên như vậy”.

Như trong A Tỳ Đàm nói: “Tướng vi diệu thù thắng, như nam nữ gặp nhau, có dâm dục, thời gian hòa hợp liên tục, thì hạt giống Thức ở trong bụng của người nữ sanh ra mầm Danh sắc. Như mắt duyên với Sắc, nhờ ánh sáng, duyên sanh ý, ý sanh ra Nhãn thức. Như vậy, Sắc do Nhãn thức duyên với cảnh, ánh sáng thì mở đường, hư không thì không làm trở ngại. Nhờ vậy, sanh ra ý, nếu không có các duyên như thế thì Thức không sanh. Nếu mắt nhìn nhận không lầm lẫn thì các trần bên ngoài như sắc v.v… là đối tượng để duyên vào, ánh sáng thì mở đường, hư không không làm trở ngại, duyên sanh ý nương vào sự hoạt động của ý. Như vậy, mắt, Danh sắc, ánh sáng, hư không, duyên sanh ý hòa hợp nên sanh ra Nhãn thức. Nhưng mắt cũng không nghĩ: “Ta có thể làm chỗ nương cho Nhãn thức”. Sắc cũng không nghĩ: “Ta làm duyên cho Nhãn thức; Ánh sáng cũng không nghĩ: “Ta làm ánh sáng thông suốt cho Nhãn thức”; Hư không cũng không nghĩ: “Ta có thể làm chỗ không trở ngại cho Nhãn thức; duyên sanh ý cũng không nghĩ: “Ta có thể duyên ý cho Nhãn thức; Nhãn thức cũng không nói: “Ta nhờ các duyên ấy mà sanh ra”. Nếu có các duyên này thì thành ra Nhãn thức. Như vậy, Tỉ, Thiệt, Thân và Ý thức cũng đều theo đúng lý như vậy. An trụ trong ánh sáng, nương vào ý và pháp, duyên sanh ý, đều nên giảng nói như vậy. Nhân duyên bên trong theo nghĩa của duyên, như vậy nên quán sát ý nghĩa của nhân duyên bên trong như thế.

Quán sát có năm việc: Không phải thường, không phải đoạn; không lan truyền, nhờ các duyên nên kết quả tăng trưởng, theo tương tự mà sanh ra. Điều này không phải như vậy. Vì sao? Vì khi chết thì các Ấm diệt, nên không phải thường. Lúc chết thì các Ấm lập tức diệt, liền sanh ra trung Ấm khác, không có gián đoạn, như cái cân một bên thấp một bên cao lên, nên gọi là chẳng phải đoạn. Vì không phải giống nhau, nên từ tâm ban đầu mới sanh ra tâm thù thắng, nên gọi là không lan truyền, chỉ tạo nghiệp nhỏ mà chịu quả báo lớn, nên nói: Nhờ duyên mà kết quả của nó tăng trưởng. Đã tạo nghiệp gì thì chịu quả báo tương tự như vậy, nên gọi là theo tương tự mà sanh. Điều này đúng. Nếu nhân duyên này biết mười hai nhân duyên là Ấm sanh, có sanh và không sanh, thì lúc này dùng một thức vốn đã trải qua, tu tập bốn Đế thì có thể chứng đắc; Diệt thì nhờ hiện tiền chứng đắc; Đạo thì nhờ quán sát mà chứng đắc. Như vậy các đệ tử chân chánh thấy Chánh Đế, tức là thấy pháp, nếu thấy pháp tức là thấy Phật.

Thuận theo tuệ để tu hành nghĩa là gì? Đó là nhờ duyên thấy được Ấm sanh, có sanh, không sanh tức là thấy hai Đế, là Khổ đế và Tập đế. Như vậy nhân duyên nếu có thể thấy cả hai, thì thấy Đế thứ nhất tức là thấy hai Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Như vậy các đệ tử chân chánh thấy bốn Đế tức là thấy chư Phật, tùy theo trí tuệ nên sanh ra tâm niệm. Ví dụ ấy như thế nào? Như có người thấy một họa sĩ tài ba vẽ chân dung người rất đẹp, liền sanh khởi Thức: “Họa sĩ này vẽ giỏi thật”. Do đó, các đệ tử chân chánh thấy bốn Chánh Đế liền nghĩ: Đức Như Lai Ứng

Cúng Chánh Biến Tri giảng nói pháp này để đoạn trừ các khổ, liền khởi lòng tin tối thượng đối với Phật, tự nhiên giảng nói khéo léo về pháp Thinh văn ấy, vi diệu sâu xa, có thể khéo léo an trụ, đối với pháp, có niềm tin kiên cố. Khi ấy, tự nhiên giảng nói khéo léo về kinh A Tỳ Đàm để đoạn trừ tất cả các khổ. Nếu có thể tức là đi theo điều thiện, đối với Tăng, khởi lòng tin tối thượng, thấy thật đế nên được Giới phẩm thanh tịnh, được xa lìa thân kiến và giới cấm thủ v.v… Các nghi ngờ đều đã xa lìa. Như vậy các đệ tử chân chánh thấy được bốn Đế đầy đủ bốn lòng tin tối thượng tức là xa lìa ba thứ ràng buộc, đắc quả Tu-đà-hoàn, chứng pháp quyết định hướng đến con đường Chánh giác,an trụ vào quả thứ nhất. Làm mỏng bớt dâm dục, sân hận, ngu si, thì đắc quả Tư-đà-hàm, an trụ vào quả thứ hai. Xa lìa năm Ấm trói buộc và chín Kiết-sử, siêng năng tu tập, dứt trừ các lậu hoặc đắc quả A na hàm, an trụ vào quả thứ ba.Diệt trừ hoàn toàn sắc dục, ngã mạn, cao ngạo, Vô minh v.v… được quả Sa môn thứ tư tối thắng, thành tựu A-la-hán, an trụ vào Niết bàn Hưũ dư y dần dần xa lìa các Hữu, đến lúc thân hoại mạng chung liền nhập vào Niết bàn Vô dư. Quán sát tướng thân do Ấm sanh ra như vậy, thấu rõ bốn Thánh Đế, đạt được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-nahàm, A-la-hán, đều được hiện tiền. Quán sát nhiều loại tướng thân sanh ra như vậy, biết được bốn Thánh đế, xa lìa pháp quán tướng thân sanh ra này và sự biết rõ bốn Thánh đế thì không đạt được Đạo giải thoát. Muốn cầu Đạo giải thoát, cầu bốn Thánh đế, cầu lòng tin tối thượng, cầu thành tựu bốn quả Sa-môn cầu nhập vào Niết bàn vô dư y thì đối với Kinh A Tỳ Đàm phải siêng năng quán sát tướng của Ấm giáo pháp của Đấng Chánh Giác Vô Thượng như vậy.

Hôm nay luận bàn về tướng Luật. Các chúng Trời, rồng, Dạ xoa, A-tu-la, Ca-lầu-la, Càn-Thát-bà cung kính tôn trọng cúng dường Thế Tôn, đạt được lợi lớn, đã đạt tâm nguyện đầy đủ, xa lìa tất cả pháp bất thiện, đầy đủ tất cả pháp thiện, không tham ái, không chấp thủ, không còn các tướng về ngã và ngã sở, tất cả trí tuệ đều đã đạt tự tại, đã đoạn các cõi, để từ bỏ không còn các phiền não, đã giải thoát những pháp có thể giải thoát, vận chuyển bánh xe pháp trong luân hồi sanh tử, hậu thiện được tăng trưởng, tiền thiện được hiện tiền, căn lành khiến được giải thoát, giáo hóa tự tại. Đức Phật hiện ở đời để làm trang nghiêm tạo lợi ích cho chúng sanh. Thế Tôn là con mắt, là trí tuệ, là nghĩa lý, là giáo pháp, là pháp lớn, đối với ba loại chúng sanh, đức Phật là bậc Thầy dẫn dắt giáo hóa, khiến cho người cũng dẫn dắt; làm thầy, cũng khiến cho người làm thầy, là đại thương chủ, có thể biết được đường lớn, đường nhỏ, có thể nói được con đường hoàn hảo, là bậc đại y vương, chuyển luân tối thắng vô thượng trong loài người, là người thọ thân cuối cùng, Sa-môn, đại Sa-môn đạt đến Sa-môn không cấu không uế, thanh tịnh nhìn khắp, có thể ban ánh sáng, ban con mắt, diệt trừ được tối tăm, là ánh sáng vượt qua biển sanh tử, người chưa an thì khiến được an, đầy đủ tinh tế tối thượng, đầy đủ trí tối thượng, đại dũng mãnh, đại thâu tóm, đại oai đức, đại hùng, đại thần, đại lực, đại dẫn dắt, đức Thế Tôn là bậc nhất, Thế Tôn là bậc tối thắng, đức Thế Tôn thổi loa pháp, đánh trống pháp, dựng cờ pháp, treo phướn pháp và thắp sáng đèn pháp, ngăn đường ác, chỉ bày đượng thiện, diệt trừ điều ác ở thế gian, trừ hiểm nạn ở thế gian, dẹp đường xấu ác, khai mở đường Trời, dùng oai lực thần thông chỉ bày con đường giải thoát, ngoài ra còn bằng oai lực của tuệ, diệt tâm mê hoặc của tất cả chúng sanh, tuôn mưa pháp, hiện rõ bốn vô úy. Như mặt trời mới mọc ánh sáng soi chiếu thế gian, dẹp các con đường lầm lỗi, đưa chúng sanh đến cõi Trời an ổn và các quả vị giải thoát, đã tự độ và độ người khác, đã giải thoát và giải thoát cho người khác, đã an ổn và làm an ổn cho người khác, đã nhập Niết bàn và làm cho người khác được Niết bàn.

Đức Phật đang ở núi Linh-thứu thuộc nước Ma-già-đà. Vua nước Ma-kiệt-đà là Tần-bà-sa-la nghe đức Phật Thế Tôn cùng một ngàn đại Tỳ-kheo đều là những bậc học kỳ cựu của ngoại đạo, các lậu đã dứt, việc làm đã xong, đã đặt gánh nặng xuống, đạt được lợi mình, dứt hết các kiết sử, đối với các chánh lý tâm được giải thoát… Vua nghe như vậy nên rất vui mừng, đích thân ngự giá, binh lính trang nghiêm có oai thế lớn, dùng oai lực của Vua, xuất một vạn hai ngàn xe, một vạn tám ngàn binh lính cưỡi ngựa, cùng với vô số trăm ngàn Bà la môn, cư sĩ nước Ma-kiệt-đà, đã từ thành Vương xá đến chỗ đức Phật, để được gặp Phật và cúng dường. Kiệu xa đến nơi, vua liền bước xuống xe, đi vào trong khu vườn. Lúc này, vua Tần-bà-sa-la từ xa trông thấy Phật, liền cởi bỏ năm loại trang nghiêm như: Mũ báu, dù lọng báu, gươm báu, quạt báu, giày báu. Khi ấy, vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà sửa áo bày vai phải, chắp tay hướng về đức Phật, cung kính đảnh lễ ba lần, xưng họ tên:

– Thưa đại đức! Con là vua Tần-bà-sa-la, nước Ma-kiệt-đà.

Thưa ba lần như vậy.

Đức Phật nói:

– Đúng rồi. Ông là vua Tần-bà-sa-la, nước Ma-kiệt-đà.

Phật cũng nói ba lần như vậy, rồi Ngài nói tiếp:

– Này Đại Vương! Ông hãy tự về chỗ ngồi.

Vua Tần-bà-sa-la, nước Ma-kiệt-đà liền đảnh lễ nơi chân đức Phật, rồi lui ra một bên.

Bà-la-môn, cư sĩ nước Ma-kiệt-đà đều ở một chỗ, cũng đảnh lễ nơi chân Phật rồi ngồi qua một bên. Lúc đó, Bà-la-môn cư sĩ nước Makiệt-đà thưa hỏi đức Phật, đức Phật cũng thăm hỏi rồi bảo họ hãy lui ra ngồi một bên. Các Bà-la-môn cư sĩ nước Ma-kiệt-đà, chắp tay hướng về đức Phật đảnh lễ xong, lui ra ngồi một bên. Các Bà-la-môn cư sĩ nước Ma-kiệt-đà từ xa nhìn thấy đức Phật ngồi im lặng.

Bấy giờ, Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp (Âu-lâu-tỳ-loa-ca-diếp) đang ngồi gần đại chúng. Các Bà-la-môn cư sĩ nước Ma-kiệt-đà đều suy nghĩ:

– “Đại Sa-môn này theo Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp học đạo, hay là Ưu-lâu-tần-loa-Ca-diếp theo Đại Sa-môn này học Đạo”? Đức Phật biết được suy nghĩ của các cư sĩ, Bà-la-môn nước Ma-kiệt-đà, Ngài hương về Ưu-lâu-tần-loa-Ca-Diếp dùng kệ hỏi:

Ngươi Ưu-lâu-tần-loa
Nhờ đã thấy được gì.
Bỏ đạo cúng dường lửa
Mà theo học đạo này?
Những lý do như vậy
Ông hãy nói với Ta
Ông đã thờ cúng lửa
Thế sao lại bỏ đi?

Ưu-lâu-tần-loa-Ca-Diếp đáp:

Uống ăn các mùi vị
Tham đắm ba loại này
Các tai họa như vậy
Con đã thấy rõ ràng
Nên bỏ đạo thờ lửa
Tâm không sanh an vui.
Đức Phật dạy:
Tâm ông không an vui
Ăn uống các mùi vị
Vì sao tâm không vui
Đạo tối thắng trời, người.
Ông hãy trả lời Ta.

Ca Diếp thưa:

Con thấy Diệt vô dư
Đạo tối thắng bậc nhất,
Dục lạc ở thế gian
Tâm không sanh tham đắm.
Không có tướng khác biệt
Không theo lời dạy khác
Vì thế, bỏ thờ lửa
Tâm không sanh an vui.
Khi cúng dường, thờ lửa
Con bỏ tâm tà xưa
Nhờ đó được giải thoát
Con thật là mù tối.
Thuận theo dòng sanh tử
Không biết Đạo chân chánh
Nay mới gặp Vô vi
Như Lai khéo giảng nói.
Chỗ đại chúng về nương
Thế Tôn: Người dẫn đường
Nay con đã hiểu rõ
Chân lý của Cù Đàm.
Đức Phật dạy:
Đến với Đạo, tu hành
Những niệm ấy đều đúng
Khéo phân biệt pháp tướng
Là đạt được tối thắng.

Ca Diếp! Ông hãy giải đáp thắc mắc cho đại chúng!

Lúc ấy, Trưởng lão Ưu-lâu-tần-loa Ca Diếp liền nhập định, như chỗ tâm khởi, đến phương đông, ở giữa hư không hiện bốn oai nghi: Đi, đứng, ngồi, nằm, trong thân xuất ra lửa. Trưởng lão xuất ra vô số ánh sáng: xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, thủy tinh, hiện tướng thần thông dưới thân phun ra lửa, trên thân phun ra nước trong mát. Các phương Nam, Tây, Bắc, cũng hiện bày vô số thần thông biến hóa như vậy. Sau đó, thâu tóm trở về, chắp tay đảnh lễ đức Phật, thưa:

– Đức Phật là Thầy của con, con là đệ tử của đức Phật.

Tôn giả nói ba lần như vậy.

– Đúng vậy này Ca diếp! Ta là Thầy của ông, ông là đệ tử của Ta. Ca diếp! Ông hãy ngồi đi.

Trưởng lão Ưu-lâu-tần-loa Ca Diếp bèn trở về chỗ ngồi của mình.

Lúc đó cư sĩ Bà la môn nước Ma kiệt Đà đều nghĩ như vậy: “Nhất định không phải Đại Sa-môn này theo Ưu-lâu-tần-loa Ca Diếp học đạo, mà là Ưu-lâu-tần-loa Ca Diếp theo Đại Sa-môn này học đạo”.

Đức Phật Thế Tôn bảo vua Tần-bà-sa-la, nước Ma-kiệt-đà:

Này Đại vương! Sắc cũng sanh cũng diệt, sanh diệt này tương ưng, nên biết Thức, Tưởng,Thọ, Hành cũng sanh cũng diệt, sanh diệt này tương ưng.

– Này Đại vương! Sắc là pháp sanh diệt. Này Thiện nam! Biết việc này rồi thì Thức, Tưởng,Thọ, Hành cũng là pháp sanh diệt.

Này Đại vương! Thiện nam! Biết sắc không đắm trước, không chấp thủ, không an trụ, không hội nhập, chấp Tưởng, Thọ, Hành là ngã. Này Thiện nam! Biết như vậy thì không tham đắm, không chấp thủ, không an trụ, không hội nhập.

Này Đại vương! Thiện nam! Chấp sắc là ngã, không tham đắm, không chấp thủ, không hội nhập, khởi tâm vô ngã, Ta nói người này tức đạt được vô lượng vô biên giải thoát khỏi sanh tử.

Các Bà-la-môn cư sĩ nước Ma-kiệt-đà đều nghĩ: “Sắc không phải là ngã, thì Thức, Thọ, Tưởng, Hành cũng không phải là ngã, như vậy cái gì sẽ thành tự thể của ngã, nhân, chúng sanh, chủ thể làm, đối tượng làm, chủ thể khởi, đối tượng khởi chủ thể biết, đối tượng biết. Những việc như trên tức không thể sanh, bất cứ ở mọi chỗ mọi nơi, đã tạo ra các nghiệp quả thiện hay ác thì ai sẽ thọ nhận Ấm này, ai sẽ xả bỏ Ấm này và ai sẽ thọ nhận Ấm sau?”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết được những suy nghĩ của các Bà-lamôn cư sĩ nước Ma-kiệt-đà, nên bảo các Tỳ-kheo:

– Tự xưng có ngã đều là phàm phu ngu si, nghe theo lời nói của người khác, đều là không có ngã và ngã sở, vì khổ sanh nên sanh, vì khổ diệt nên diệt, vì Hành sanh nên sanh, vì Hành diệt nên diệt. Nương vào nhân duyên như vậy, chúng sanh sanh ra thân hành Như Lai biết chúng sanh nối tiếp nhau mà có sanh diệt. Các Tỳ-kheo! Ta thấy tất cả là nhờ mắt thù thắng, thanh tịnh hơn hẳn mắt của loài người. Nếu chúng sanh sanh diệt theo sắc thiện, sắc ác, hoặc là tối thắng, hoặc là thấp hèn, hoặc sanh vào đường thiện, hoặc sanh vào đường ác, theo các pháp nghiệp như vậy, Ta đều biết như thật. Các chúng sanh này đầy đủ nghiệp xấu ác của thân, nghiệp xấu ác của miệng, ý chê bai Thánh hiền, đầy đủ pháp nghiệp nhân duyên của tà kiến, nên sau khi qua đời sẽ bị đọa nơi đường ác, đọa trong địa ngục. Lại nữa, chúng sanh đầy đủ nghiệp thiện của thân, đầy đủ nghiệp thiện của miệng, ý không chê bai Thánh hiền, vì chánh kiến nên tạo ra pháp nghiệp chánh kiến, nhờ nhân duyên này nên sau khi qua đời, liền được sanh nơi đường thiện, sanh lên cõi trời. Những điều như vậy Ta đều thấy biết. Ta cũng không nói: “Đây là ngã, đây là chúng sanh, đây là mạng sống, đây là người, đây là tạo tác, đây là sanh, đây là chủ thể sanh, chủ thể khởi, đối tượng khởi, chủ thể biết, đối tượng biết… những việc như trên là không sanh, không có. Sự thọ nhận nghiệp quả thiện ác đã tạo tác, ở mọi chỗ mọi nơi, bỏ Ấm này theo Ấm sau, là các pháp khác nhau, nương tựa nhau. Các pháp nương tựa nhau là: Pháp này có nên pháp kia sanh. Như Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão tử, Ưu, Bi, khổ não, khởi lên Đại khổ Ấm tích tập như vậy.

Pháp này không nên pháp kia diệt Vô minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh sắc diệt, Danh sắc diệt thì Lục nhập diệt, Lục nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão tử, Ưu, Bi, khổ não… diệt, các Đại khổ Ấm diệt như vậy.

Như vậy này các Tỳ-kheo! Pháp hữu vi đều là khổ, Niết bàn là tịch diệt. Do tập nên Khổ tích tập, nhờ Diệt nên khổ trừ diệt. Đoạn vốn là không tương tục, không tương tục nên Diệt. Cuối cùng được chấm dứt khổ như vậy. Này Tỳ-kheo! Thế nào gọi là Diệt? Là cảnh giới Khổ đã chấm dứt, nên gọi là tịch diệt, tịch diệt cũng là đoạn tận. Đó là cảnh giới thanh tịnh tịch diệt. Nếu lìa tất cả các phiền lụy thì đoạn tận ái hết, lìa ham muốn, tức là Niết bàn tịch diệt.

Bấy giờ đức Thế Tôn lại bảo vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà:

– Này Đại vương! Sắc là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn! Là vô thường.

– Khổ là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn! Khổ là vô thường.

– Đối với pháp sanh diệt, các đệ tử Thanh văn lại khởi tưởng như vậy: “Ta chính là Ngã, những vật của Ta là Ngã sở”.

– Điều này không đúng. Bạch Thế Tôn.

– Này Đại vương! Ý ông như thế nào? Thức, Thọ, Tưởng, Hành là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn! Là vô thường.

– Các khổ này là thường hay vô thường?

– Khổ đều là vô thường. Bạch Thế Tôn.

Đức Thế Tôn nói:

– Nếu các khổ này là vô thường tức là pháp sanh diệt. Nhưng các đệ tử Thanh văn lại khởi tưởng như vầy: “Ta chính là Ngã, những vật của Ta là Ngã sở”.

– Việc này không đúng. Bạch Thế Tôn!

Theo những việc như vậy. Này Đại vương! Nếu có sắc nhỏ, quá khứ, vị lai, hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc rộng lớn, hoặc nhỏ hẹp, hoặc tăng, hoặc giảm, hoặc gần, hoặc xa… tất cả những sắc này đều chẳng phải là Ngã, ngã sở. Do đó, nên dùng chánh trí quán sát đúng như thật như vậy: Nếu có Thọ, nếu có Tưởng, nếu có Hành, nếu có Thức quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc rộng lớn, hoặc nhỏ hẹp, hoặc tăng, hoặc giảm, hoặc gần, hoặc xa v.v… thì tất cả những pháp này đều chẳng phải là ngã, ngã sở. Nếu dùng chánh trí quán sát đúng như thật như vậy: Đệ tử chân chánh như vậy, có tri kiến như vậy, nên nhàm chán Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức v.v… cũng sanh khởi nhàm chán. Nhàm chán nên xa lìa chán lìa nên được giải thoát. Vì giải thoát nên được kiến tuệ, sự sống của Ta đã hết, các lậu đã dứt, việc làm đã xong, không còn thọ thân đời sau.

Khi nghe Phật giảng nói các pháp như vậy, vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà không còn các đắm nhiễm, xa lìa cấu uế, đối với các pháp, đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Khi ấy, tám vạn chư thiên và vô lượng trăn ngàn Bà-la-môn cư sĩ nước Ma-kiệt-đà đối với pháp cũng đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà thấy pháp, đạt được pháp, hiểu rõ pháp, thể nhập pháp sâu xa, vượt qua tâm mong cầu, thoát được các lưới nghi, không theo lời người khác, lại càng không tin theo đạo khác, ở trong giáo pháp của Phật đạt được vô uý, nên từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai phải, chắp tay đảnh lễ Phật và thưa:

– Kính bạch Thế Tôn! Con đã được độ thoát, hôm nay con xin quy y Thế Tôn và Tỳ-kheo Tăng, xin đức Thế Tôn chấp nhận con làm Ưu bà tắc, từ nay cho đến suốt đời, con xin quy y, không sát sanh, các nghiệp luôn thanh tịnh. Xin đức Thế Tôn đến thành Vương Xá con xin được trọn đời cúng dường đức Thế Tôn các vật cần dùng: Y phục, thức ăn uống, đồ nằm, thuốc thang. Xin đức Thế Tôn và Tỳ-kheo Tăng đều nhận lời thỉnh mời của con.

Sau khi Vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà mời thỉnh, đức Phật ngồi im lặng. Vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà đã biết đức Phật im 2 lặng nhận lời, liền cúi đầu đảnh lễ nơi chân đức Phật, rồi từ tạ lui ra.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hướng về thành ấy, lần lượt đi đến thành Vương Xá, ở trong vườn trúc Kha-Lan-Đà.

Lúc ấy, ở thành Vương Xá có một vị đạo sĩ tên là San-đồ-di, giáo hóa chưa lâu, số người tôn kính vị ấy làm theo để tu tập rất đông. Vị này có hai người đệ tử thống lãnh đồ chúng: Một người tên là Ưu-bà-để-sa, một người tên là Cổ- lợi-đa. Hai người đó cùng nhau giao ước với nhau: “Nếu ai đạt được quả vị cam lồ tối thắngchắc chắn phải cùng nhau chia xẻ”. Bấy giờ, Trưởng lão A-thuyết-thị vào sáng sớm, ôm bình bát vào thành Vương Xá để khất thực. Khi đó, đạo sĩ Ưu-ba-để-sa từ trong thành Vương Xá đi ra, trên đường đi có vài duyên sự, đạo sĩ Ưu-ba-để-sa từ xa nhìn thấy Trưởng lão A-thuyết-thị, lòng rất vui mừng, trịnh trọng nhìn Trưởng lão đang mặc y, thấy vậy đạo sĩ suy nghĩ: “Trong thành Vươngxá này, những người xuất gia học đạo, không thấy có người nào oai nghi như thế. Hôm nay ta nên thưa hỏi người xuất gia này: Ai là Thầy ông? Ông đã xuất gia ở đâu? Ông theo học giáo pháp của ai?”. Vì muốn thưa hỏi nên đạo sĩ đứng bên đường để đợi Trưởng lão A-thuyết-thị đến. Đạo sĩ Ưu-ba-để-sa hỏi Trưởng lão A-thuyết-thị:

– Thưa Tôn giả! Ai là Thầy ông? Ông xuất gia với ai? Ông theo giáo pháp của ai?

Trưởng lão nói:

– Sa-môn Cù Đàm cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc, có lòng tin chân chánh, xả bỏ hữu vi, xuất gia học đạo, chứng đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, Đức Thế Tôn ấy là Thầy của tôi, tôi xuất gia theo Ngài, tôi theo giáo pháp của Ngài.

– Thưa Trưởng lão! Xin Trưởng lão giảng nói pháp ấy cho tôi được chăng? Trưởng lão A-thuyết-thị đáp:

– Tôi còn non kém, sở học cạn cợt nên chưa có thể giảng nói được pháp rộng lớn sâu xa của Như Lai Vô thượng chánh đẳng giác. Hôm nay, tôi chỉ xin lược nói một vài ý nghĩa trong giáo pháp.

– Xin giảng nói cho tôi, tôi chỉ cần nghĩa lý, không cần văn tự.

Lúc ấy, Trưởng lão A-thuyết-thị nói kệ:

Nếu pháp từ nhân sanh
Như Lai nói nhân ấy
Diệt các nhân như vậy
Đó là lời Phật dạy.

Khi Trưởng lão nói các pháp như thế, đạo sĩ Ưu-ba-để-sa không còn đắm nhiễm, xa lìa được cấu uế, đối với pháp đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Lúc đó, đạo sĩ Ưu-ba-để-sa thấy được pháp rồi đạt được pháp, hiểu rõ pháp, thể nhập pháp sâu xa, vượt khỏi tâm mong cầu, vượt khỏi lưới nghi ngờ, không còn tin vào đạo người khác, không theo lời dạy khác, ở trong giáo pháp của đức Thế Tôn, đạt được vô uý, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy sửa áo bày vai phải, chắp tay hướng về Trưởng lão A-thuyết-thị làm lễ và thưa:

– Giáo pháp sâu xa như vậy, đức Thế Tôn đã giảng nói, không lay động, không sầu não, vô số na-do-tha kiếp, từ xưa đến nay tôi chưa từng thấy nghe. Hôm nay đức Thế Tôn đang ở đâu?

– Ở tại khu vườn Trúc Kha-Lan-Đà, thuộc thành Vương-xá.

Bấy giờ, đạo sĩ Ưu-ba-để-sa nghe Trưởng lão A-thuyết-thị nói xong, vô cùng vui mừng, cúi đầu đảnh lễ nơi chân Trưởng lão A-thuyếtthị rồi đi.

Đạo sĩ Ưu-ba-để-sa đến chỗ đạo sĩ Cổ-lợi-đa, đạo sĩ Cổ-lợi-đa từ xa trông thấy đạo sĩ Ưu-ba-để-sa, liền nói:

– Các căn của ông sao hân hoan đến như vậy, sắc mặt lại thanh tịnh, màu da trắng sáng, Trưởng lão! Ông đã đạt được cam lồ phải không?

Nếu đúng như vậy, này Trưởng lão! Xin hãy giảng nói pháp cho tôi.

Khi ấy, đạo sĩ Ưu-ba-để-sa nói kệ:

Nếu pháp do nhân sanh
Như Lai nói nhân này
Diệt các nhân như thế
Đó là lời Phật dạy.

– Trưởng lão hãy nói lại một lần nữa cho tôi:

Nếu pháp do nhân sanh
Như Lai nói nhân này
Diệt các nhân như thế
Đó là lời Phật dạy.

Khi nghe nêu giảng các pháp như vậy, đạo sĩ Cổ-lợi-đa không còn đắm nhiễm, xa lìa cấu uế, đối với pháp đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Lúc này, đạo sĩ Cổ-lợi-đa thấy được pháp rồi đạt được pháp, hiểu rõ pháp, thể nhập pháp sâu xa, vượt khỏi tâm mong cầu, vượt khỏi lưới nghi ngờ, không còn tin vào đạo người khác, không theo lời dạy khác, ở trong giáo pháp của đức Thế Tôn đạt được vô uý, nên từ chỗ ngồi đứng dậy sửa áo bày vai phải, chắp tay hướng về Ưu-ba-để-sa làm lễ và tôn trọng thưa:

– Đức Thế Tôn đã chỉ dạy giáo pháp sâu xa như vậy, đã giảng nói, không lay động, không sầu não, vô số na-do-tha kiếp từ xưa đến nay tôi chưa từng thấy nghe. Hiện nay đức Thế Tôn đang ở đâu?

– Ở tại khu vườn Trúc ông Kha-Lan-Đà, thuộc thành Vương-xá. Chúng ta hãy cùng nhau đi đến chỗ đức Thế Tôn, ở đấy để tu hành phạm hạnh, cũng nên đến chỗ đồ chúng của Ngài, đại chúng đó cũng có trí tuệ bằng chúng ta.

Bấy giờ, đạo sĩ Ưu-ba-để-sa và Cổ-lợi-đa bảo với các đệ tử Bàla-môn :

-Chúng tôi muốn đến chỗ đức Thế Tôn tu hành phạm hạnh, hôm nay các ông thấy thế nào?

Đáp: – Chúng con có được trí tuệ đều nhờ thầy dạy, nếu Thầy nương theo đức Thế Tôn tu hành phạm hạnh thì chúng con cũng theo thầy xuất gia.

– Này Bà-la-môn các ông! Nên biết, hôm nay chính là đúng thời.

– Thế là Ưu-ba-để-sa, Cổ-lợi-đa cùng với hai trăm năm mươi quyến thuộc ra khỏi thành Vương-xá đi đến chỗ đức Thế Tôn.

Lúc ấy, đức Thế Tôn đang vì vô số trăm ngàn chúng sanh giảng nói giáo pháp. Đức Thế Tôn từ xa nhìn thấy hai đạo sĩ Ưu-ba-để-sa và Cổ-lợi-đa với hai trăm năm mươi người đi theo, liền bảo các Tỳ-kheo:

Các Tỳ-kheo! Các vị hãy xem hai người bạn ấy, họ đều là người đứng đầu, thống lãnh đồ chúng đang đến nơi này. Ưu-ba-để-sa và Cổlợi-đa theo Như Lai như vậy, sẽ thành hai đệ tử bậc nhất của Ta: Một người là thần thông bậc nhất, một người là trí tuệ bậc nhất. Trong đại chúng có Tỳ-kheo nói kệ:

Thấy hai người này đến
Tên Ưu-ba-để-sa
Cùng với Cổ-lợi-đa
Chưa đến vườn Trúc này
Nay Thế Tôn thọ ký
Trí tuệ Phật vô biên
Các căn hơn người đời
Đầy đủ Ba-la-mật.

Đức Thế Tôn là bậc tối thượng trong đời, hai vị ấy sẽ làm đệ tử lớn. Đức Thế Tôn đã thọ ký, một là thần thông bậc nhất, hai là trí tuệ bậc nhất.

Khi đó, Ưu-ba-để-sa và Cổ-lợi-đa đi đến chỗ Phật, đảnh lễ nơi chân Phật rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

– Chúng con nguyện được ở trong giáo pháp của đức Thế Tôn xuất gia thọ giới Cụ túc làm Tỳ-kheo, tu trì phạm hạnh. Như vậy là hai đạo sĩ ấy, đối với giáo pháp tự nhiên được xuất gia, thọ giới làm Tỳ-kheo. Bấy giờ, các Tỳ-kheo vào buổi sáng, mặc y, mang bình bát vào thành Vương-xá để khất thực, dân chúng trong thành này thấy đồ chúng của đạo sĩ San-đồ-di xuất gia thọ giới, nên đối với các Tỳ-kheo, họ liền trách mắng, nói kệ:

Phật đến thành Vương-xá
Thuộc nước Ma-kiệt-đà
Vì sao lại giáo hóa
Đồ chúng San-Đồ-di.

Các Tỳ-kheo đều im lặng không đáp lại, vì chưa hiểu rõ lại không có biện tài. Các Tỳ-kheo cứ theo thứ lớp khất thực, thọ thực xong, liền trở về chỗ của mình cất y bát, rửa chân rồi đi đến chỗ Phật. Đến nơi, họ cúi đầu đảnh lễ, lui ngồi một bên.

Các Tỳ-kheo thưa Phật:

– Kính bạch đức Thế Tôn! Chúng con cùng các Tỳ-kheo, vào buổi sáng, mặc y, mang bát vào thành Vương-xá để khất thực. Lúc đó, dân chúng trong thành thấy đồ chúng của đạo sĩ San-đồ-di xuất gia thọ giới, liền nói kệ trách mắng:

Phật đến thành Vương-xá
Thuộc nước Ma-kiệt-đà
Vì sao lại giáo hóa
Đồ chúng San-Đồ-di.

Các Tỳ-kheo đều im lặng không đáp lại, vì chưa hiểu rõ và không có biện tài. Đức Phật bảo:

– Nếu dân chúng trong thành Vương-xá nói như vậy, các ông nên trả lời như vầy:

Bậc Đại hùng cứu độ
Như Lai dùng chánh pháp
Pháp thiện dạy chúng sanh
Ai không biết mới trách.

Khi nói như vậy, mọi người trong thành Vương-xá sẽ im lặng không đáp, tức đều mất biện tài.

Các Tỳ-kheo vào sáng hôm sau, mặc y, mang bình bát vào thành Vương-xá khất thực, dân chúng trong thành Vương-xá thấy đồ chúng của đạo sĩ San-đồ-di hiện là Tỳ-kheo nên lại nói kệ trách mắng:

Phật đến thành Vương-xá
Thuộc nước Ma-kiệt-đà
Vì sao lại giáo hóa
Đồ chúng San-Đồ-di?

Lúc ấy, các Tỳ-kheo liền nói kệ đáp:

Bậc Đại hùng cứu độ
Như Lai dùng chánh pháp
Pháp thiện dạy chúng sanh
Ai không biết mới trách.

Chư vị nói như vậy rồi, dân chúng trong thành Vương-xá liền im lặng không đáp tức mất hết biện tài.

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ngươi còn mặc y phục ngoại đạo, không nên độ họ xuất gia.

Đức Phật liền chế giới: “Người mặc y phục ngoại đạo, không nên độ họ xuất gia”.

Lúc đó, các Tỳ-kheo không biết thế nào là độ ngoại đạo xuất gia, liền đem việc này lên thưa Phật, Phật dạy:

– Vì vậy, Tỳ-kheo cần phải học hỏi.

Trong lúc ấy, có ngoại đạo thuộc họ Độc Tử ở thành Vương-xá, ngoại đạo Độc Tử bèn đi đến chỗ đức Thế Tôn, thăm hỏi Phật rồi, nêu bày nhiều luận thuyết xong lui ra ngồi một bên. Sau đó, ngoại đạo Độc Tử thưa Phật:

– Hôm nay, tôi muốn hỏi Sa-môn Cù Đàm một vài nghĩa lý, xin ngài chấp nhận giảng nói cho tôi. Đức Thế Tôn im lặng.

Lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy, đức Thế Tôn cũng im lặng. Ngoại đạo Độc Tử lại thưa Phật:

– Tôi ở trong đêm tối đã lâu, thưa Thế Tôn Cù Đàm! Hôm nay, tôi xin hỏi một vài nghĩa lý, xin Ngài chấp nhận giảng nói cho tôi.

Lúc ấy, đức Phật nghĩ:

– Ngoại đạo Độc Tử này, từ lâu không dua nịnh, không giả dối, tánh ngay thẳng, trong sạch, nếu thưa hỏi điều gì cũng là để hiểu rõ về nghĩa lý, chẳng phải là để làm não loạn Ta. Ta nên theo như nghĩa bí mật của A-tỳ-đàm, nghĩa bí mật của Luật để giảng giải những điều nghi vấn ấy”. Biết tâm niệm của ngoại đạo Độc Tử rồi. Đức Phật nói:

– Này Độc Tử! Hãy hỏi tùy theo sở thích của ngươi.

– Thưa Cù Đàm! Thiện, bất thiện là có hay là không?

– Này Độc Tử! Có thiện có bất thiện.

– Lành thay! Thưa Thế Tôn Cù Đàm! Xin giảng nói pháp thiện, pháp bất thiện cho tôi, khiến tôi nhận biết về pháp thiện pháp bất thiện.

– Này Độc Tử! Ta sẽ giảng rõ về thiện ác cho ngươi. Bây giờ sẽ lược nói, hãy lắng nghe: Dục nhiễm là ác, từ bỏ dục nhiễm là thiện. Sân si là ác, không sân si là thiện. Sát sanh là ác, không sát sanh là thiện. Trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói thêu dệt, tham lam bỏn sẻn, tà kiến là ác, chánh kiến là thiện.

– Này Độc Tử! Ta đã nói ba loại pháp thiện, ba loại pháp ác. Như vậy, nếu đệ tử của Ta biết đúng như thật về ba loại ác, biết đúng như thật về ba loại thiện, mười loại ác, mười loại thiện, biết Dục đã hết, Sân đã hết, Si đã hết. Do Dục hết, Sân hết, Si hết, các lậu hết thì được tâm vô lậu giải thoát, được trí giải thoát, tự nhiên thấy pháp, chứng đắc pháp, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã xong không còn thọ thân đời sau nữa.

– Thưa Cù Đàm! Có một Tỳ-kheo nào đối với giáo pháp này, các lậu đã hết, đối với pháp vô lậu, tâm được giải thoát, như trên đã nói, mà không còn thọ đời sau không?

– Này Độc Tử! Chẳng phải một Tỳ-kheo, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm mà vô số Tỳ-kheo như vậy, ở trong pháp này, các lậu đã dứt, đạt được vô lậu, như trước đã nói, không còn thọ đời sau nữa.

– Thưa Cù Đàm! Như Tỳ-kheo, còn có một Tỳ-kheo ni nào, ở trong giáo pháp này, các lậu đã dứt, đạt được vô lậu, tâm được giải thoát, như trước đã nói, không còn thọ đời sau nữa chăng?

– Này Độc Tử! Chẳng phải một Tỳ-kheo ni, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm, mà là vô lượng Tỳ-kheo ni như vậy, ở trong pháp này, dứt sạch các lậu, đạt được vô lậu, tâm được giải thoát, như trước đã nói, không còn thọ đời sau nữa.

-Thưa Cù Đàm! Như Tỳ-kheo ni, còn có Ưu-bà-tắc ở trong giáo pháp này, tu hành phạm hạnh, vượt khỏi sự mong cầu, vượt khỏi lưới nghi chăng?

– Này Độc Tử! Chẳng phải một Ưu-bà-tắc, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm, mà là vô lượng Ưu-bà-tắc, ở trong giáo pháp này, đối với năm loại trói buộc khác nhau đều được giải thoát, hóa sanh, liền ở trong Niết bàn, không còn thối lui, theo đúng lẽ sẽ không trở lại cõi này.

– Thưa Cù Đàm! Giống như Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc lại có Ưu-bà-di tu hành phạm hạnh, vượt khỏi sự mong cầu, vượt khỏi lưới nghi chăng?

– Này Độc Tử! Chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm, mà là vô số Ưu-bà-di, ở trong giáo pháp này, đối với năm loại ràng buộc khác nhau, đều được giải thoát, hóa sanh, liền ở trong Niết bàn, không còn thối lui, theo đúng lẽ sẽ không trở lại cõi này.

– Thưa Cù Đàm! Ngoài Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc phạm hạnh, Ưu-bà-di phạm hạnh, có một Ưu-bà-tắc nào thọ năm dục lạc, ở trong giáo pháp này vượt thoát sự mong cầu, vượt thoát lưới nghi chăng?

– Này Độc Tử! Chẳng phải một Ưu-bà-tắc, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm, mà có vô lượng, ở trong giáo pháp này, có nhiều vợ con ở nhà, tham đắm hương hoa, chuỗi ngọc, mặc quần áo đẹp, có dầu xoa thân, trang sức nhiều châu báu, sai khiến các nô tỳ, đều được thoát khỏi ba loại ràng buộc, làm giảm dâm dục, sân hận, ngu si, đạt được quả Tư-đà-hàm, chỉ còn một lần trở lại thế giới này, dứt hết các khổ đau.

– Thưa Cù Đàm! Ngoài Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc phạm hạnh, Ưu-bà-di phạm hạnh, Ưu-bà-tắc thọ năm thứ dục lạc, có Ưu-bàdi nào thọ hưởng năm thứ dục lạc, ở trong giáo pháp này, vượt thoát sự mong cầu, vượt thoát lưới nghi chăng?

– Này Độc Tử! Chẳng phải một Ưu-bà-di, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải năm cho đến một trăm, mà có vô lượng, ở trong giáo pháp này, nuôi dưỡng con cái, sai khiến nô tỳ như trước, đều được giải thoát ba loại trói buộc, ngược dòng sanh tử, đạt tâm không thối lui, chắc chắn chứng thành chánh giác, bảy lần thọ thân ở cõi này, bảy lần sanh lên cõi trời, lại làm thân người dứt hết các khổ.

– Pháp của Sa-môn Cù Đàm thành tựu chánh giác như vậy, nếu các Tỳ-kheo đều được chứng đắc, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tu phạm hạnh, Ưu-bà-tắc thọ dục lạc, Ưu-bà-di thọ dục lạc cũng đều được như vậy.

Thưa Thế Tôn! Giáo pháp như thế thì không thành tựu đầy đủ, vì pháp của Cù Đàm đã thành tựu Chánh giác thì Tỳ-kheo đều chứng đắc, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc tu phạm hạnh, Ưu-bà-di tu phạm hạnh, Ưu-bàtắc thọ dục lạc, Ưu-bà-di thọ dục lạc cũng được như vậy, nhờ đó giáo pháp của Cù Đàm mới được đầy đủ. Thưa Cù Đàm! Hôm nay tôi muốn nói ví dụ:

– Này Độc Tử! Hôm nay chính là đúng lúc.

– Đúng vậy, thưa Cù Đàm! Như trời mưa nước chảy thành dòng. Cũng vậy, Thế Tôn! Cù Đàm chỉ dạy tất cả nam, nữ, đồng nam, đồng nữ, hoặc già, hoặc trẻ, thuận theo Niết bàn, trôi chảy theo dòng Niết bàn, chảy đến tận nguồn Niết bàn, tùy thuận nói Niết bàn. Kỳ lạ thay đấng khéo hiểu biết! Lạ thay bậc khéo nói pháp! Thưa Cù Đàm! Nếu có đạo sĩ ngoại đạo xuất gia, hoặc đến, hoặc mong cầu, ở trong pháp tự nhiên được xuất gia, thọ giới Cụ túc làm Tỳ-kheo, trong bao lâu thì được nương ở cùng chúng Tỳ-kheo?

– Này Độc Tử! Nếu đạo sĩ ngoại đạo xuất gia, hoặc đến, hoặc mong cầu, ở trong pháp tự nhiên được xuất gia, thọ giới Cụ túc làm Tỳ-kheo, thì nên nương vào Tỳ-kheo Hòa thượng, trong bốn tháng mỗi ngày đều khoác ca sa để thử, rồi theo hai điều để suy xét Ta đã nói như vậy.

– Thưa Cù Đàm! Nếu đạo sĩ ngoại đạo xuất gia, hoặc đến, hoặc mong cầu, ở trong pháp tự nhiên được xuất gia, thọ giới Cụ túc làm Tỳkheo thì nên nương vào Tỳ-kheo Hòa thượng, trong bốn tháng mỗi ngày đều khoác ca sa để thử. Hôm nay con muốn không những nương theo bốn tháng, mà còn nương theo bốn năm, hôm nay con nguyện ưa thích ở trong pháp tự nhiên được xuất gia, thọ giới cụ túc làm Tỳ-kheo, con nương theo Thế Tôn để tu phạm hạnh.

– Này Độc Tử! Nhưng trước đây Ta đã từng nói hai điều cứu xét.

– Thưa Cù Đàm! Ngài đã nói điều đó.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Này các Tỳ-kheo! Hãy độ đạo sĩ Độc Tử xuất gia, cho thọ giới Cụ túc.

Đạo sĩ Độc Tử đã ở trong giáo pháp, tự nhiên được xuất gia thọ giới cụ túc. Trưởng lão Độc Tử sau khi thọ giới Cụ túc được nửa tháng, mới đến học tuệ, nên học, nên quán sát, nên chí tâm, nên thấu hiểu. Các tuệ như vậy đã thấy, đã biết, đã hiểu và chứng đắc chánh pháp của Thế Tôn.

Lúc ấy, Trưởng lão Độc Tử suy nghĩ:

-“Ta đã học tuệ, nên học, nên quán sát, nên chí tâm, nên thấu hiểu, tất cả các tuệ này, đã thấy, đã biết, đã học, đã chứng đắc chánh pháp của đức Thế Tôn. Hôm nay chính là đúng lúc ta nên đi đến chỗ Thế Tôn”.

Trưởng lão Độc Tử bèn đi đến chỗ Thế Tôn, đến nơi đảnh lễ chân Phật, lui ra đứng một bên, sau đó Trưởng lão Độc Tử thưa Thế Tôn:

– Kính bạch đức Thế Tôn! Con đã học tuệ, nên học, nên quán sát, nên chí tâm, nên thấu hiểu, tất cả các tuệ này, đã thấy, đã biết, đã học, đã chứng đắc chánh pháp của đức Thế Tôn. Lành thay! Xin Thế Tôn giảng nói chánh pháp cho con, để con được gần gũi, không còn buông lung, cho đến chuyện cũ cũng không tái diễn.

– Như vậy, này Độc Tử! Nên gần gũi hai pháp quán sát, tu tập hai pháp như vậy, nếu gần gũi, quán sát, tu tập, thì được tánh tuệ, biết rõ các tánh, biết vô số tánh, biết vô lượng tánh, hiểu vô lượng tánh.

– Này Độc Tử! Nếu Tỳ-kheo sắp suy nghĩ: “Vui thay! Ta lìa các dục, ta xa lìa các pháp ác bất thiện, có mong cầu, có lường tính, tịch tĩnh an lạc trụ vào Thiền thứ nhất là diệt trừ mong cầu, không còn lường tính, khiến đạt Hỷ nên nhất tâm không còn mong cầu, không còn lường tính. An trụ vào thiền thứ hai, xa lìa Hỷ nên trụ trong Xả, an trụ trong niệm thì biết rõ chứng được chánh đế, xả niệm an lạc. An trụ vào thiền thứ ba, lìa lạc, lìa khổ, diệt Ưu, Hỷ, không khổ không lạc, đều xả niệm thanh tịnh. An trụ vào thiền thứ tư, Từ, Bi, Hỷ, Xả, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vui thay! Ta đã xa lìa ba loại trói buộc, đạt được quả Tu-đà-hoàn, xa lìa ba loại trói buộc rồi thì làm mỏng dâm dục, sân hận, ngu si, đắc quả Tư-đà-hàm, thành tựu các thần lực, nhãn căn thanh tịnh, ý căn thanh tịnh, ở nơi Bổn xứ, thoát khỏi sanh tử, dứt sạch các lậu, thành tựu như vậy, đầy đủ vô số năng lực thần thông, dùng một thân có thể làm thành vô lượng thân, dùng vô lượng thân làm thành một thân, có thể làm sáng, có thể làm tối, quán sát đầy đủ về các tuệ, đi qua đá, đi qua tường vách, đi qua bờ rào thân không bị chướng ngại, đi vào trong đất, giống như đi trong hư không, có thể xuất ra, có thể đi vào trong đất giống như vào ra ở trong nước, ngồi kiết già giữa hư không, bước đi giống như chim bay, mặt trời mặt trăng có ánh sáng, nhưng tay có thể sờ nắm, cho đến thân bay lên cõi Phạm thiên, dùng như ý thông (thần túc thông), luôn được tự tại ở trong pháp môn có sự mong cầu.

Vui thay! Ta là Tỳ-kheo, nhờ tai thanh tịnh vượt hơn tai của người thường, nghe được hai thứ tiếng, hoặc trời hoặc người, hoặc gần hoặc xa, tùy theo suy nghĩ liền được hiện tiền.

Đối với pháp môn nếu có mong cầu: “Vui thay! Ta là Tỳ-kheo được biết mong cầu của chúng sanh khác, biết được người khác đã có tâm lường tính, tâm nhớ nghĩ, đều biết đúng như thật”. Có tâm mong muốn như vậy đều biết đúng như thật, tâm xa lìa tham dục, tưởng lìa dục như vậy đều biết đúng như thật, có dục lìa dục, có sân lìa sân, có si lìa si, tâm chánh niệm, tâm buông lung, tâm cao thượng, tâm thấp kém, tâm tịch tĩnh, tâm rất tịch tĩnh, tâm tạo tác, tâm không tạo tác, tâm giải thoát, tâm không giải thoát, như vậy đều biết đúng như thật, tùy tâm hướng đến điều gì đều có thể được như ý, đối với pháp môn có sự mong cầu. “Vui thay! Ta là Tỳ-kheo, có vô lượng phân biệt, nhớ nghĩ biết việc đời trước, như vậy một đời, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười; hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi; trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời,vô lượng số kiếp quá khứ, hiện tại, vị lai như thế đều nhớ biết. Như đã từng có chúng sanh tên đó…, lúc ấy ta ở chỗ đó… tên đó…, giòng họ như vậy, ăn uống như vậy, biết khổ vui như vậy, tuổi thọ như vậy, sống lâu như vậy, mong sống, chấm dứt như vậy, đã chết ở chỗ đó lại sanh ở chỗ kia, hoặc chết ở chỗ kia lại sanh ở chỗ này, như tướng mạo, như xứ sở, vô số phân biệt, nhớ biết việc đời trước tùy theo tâm đã hướng đến điều gì đều được như ý”.

Đối với pháp môn đã có sự mong cầu: “Vui thay! Ta là Tỳ-kheo, dùng mắt thanh tịnh vượt hơn mắt của người thường, thấy các chúng sanh khi chết khi sống, sắc đẹp sắc xấu, hoặc tăng hoặc giảm, hoặc hướng đến cõi thiện, hướng đến cõi ác, tùy theo việc, tùy theo nghiệp của chúng sanh, đều biết đúng như thật. Những chúng sanh này thân đầy đủ nghiệp ác, miệng đầy đủ nghiệp ác, chê bai Thánh Hiền, tà kiến, đầy đủ nghiệp tà kiến. Do nhân duyên này, nên thân hoại mạng chung bị đọa vào đường ác, sanh trong địa ngục. Lại nữa, các chúng sanh này thân đầy đủ nghiệp thiện, ý đầy đủ nghiệp thiện, không chê bai Thánh Hiền, có chánh kiến, đầy đủ nghiệp chánh kiến, pháp theo nhân duyên. Nhờ nhân duyên này, nên thân hoại mạng chung được hướng đến cõi thiện, sanh lên cõi trời, tùy tâm hướng đến điều gì đều được như ý”.

Đối với pháp đã có sự mong cầu: “Vui thay! Ta là Tỳ-kheo, đã dứt sạch các lậu, tâm được vô lậu giải thoát, đạt được tuệ giải thoát, hoàn toàn chứng đắc pháp tự nhiên. Sự sanh của Ta đã hết, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong không còn trở lại đời sau nữa. Tùy tâm hướng đến điều gì đều được như ý”.

Đối với pháp môn có sự mong cầu, đã giác ngộ pháp, hỷ lạc là bằng chứng tùy tâm hướng đến điều gì đều được như ý. Các Tỳ-kheo này đối với các pháp môn nên gần gũi hai pháp như vậy, nên quán sát, nên tu tập. Đã tu tập hai pháp này rồi, nên gần gũi quán sát, tu tập thì thành tựu tánh tuệ, tánh giác, đầy đủ vô số tánh tuệ, vô lượng tánh tuệ, vô lượng tánh giác.

Trưởng lão Độc Tử nghe đức Phật giảng nói xong, hết sức vui mừng liền đảnh lễ nơi chân Thế Tôn, từ tạ đức Phật rồi lui ra.

Khi đó, Trưởng lão Độc Tử đã chứng đắc pháp tối thắng bậc nhất, không còn buông lung, không còn phiền não, tâm được tự tại an trụ.

Nếu thiện nam đã muốn làm người cạo bỏ râu tóc, mặc áo hoại sắc, có niềm tin chân chánh, xa lìa hữu vi, hướng đến pháp vô vi để xuất gia, thì đây là pháp phạm hạnh thanh tịnh vô thượng, tự biết mình đã chứng được pháp,“Sự sanh đã hết, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong không còn trở lại đời sau nữa”, đều đã biết rõ.

Lúc này Trưởng lão chứng đắc A-la-hán, tâm được giải thoát.

Bấy giờ, chúng Tỳ-kheo ân cần mong muốn gặp đức Thế Tôn, cúng dường đức Thế Tôn. Khi Trưởng lão Độc Tử thấy chúng Tỳ-kheo, lại nói:

– Các Trưởng lão muốn đi đến chỗ nào? Tôi muốn đến chỗ đức Thế Tôn, muốn gặp đức Thế Tôn, muốn cúng dường Thế Tôn, mong các Trưởng lão thưa cho tôi được kính lời đảnh lễ nơi chân Thế Tôn, thăm hỏi Ngài ít bệnh, ít não, đứng ngồi khinh an, đi đứng an vui.

Trưởng lão Độc Tử nói tiếp:

– Tôi đã an lập nơi đức Thế Tôn, tôi đã được an lạc lâu dài, lúc nào cũng an lạc, đệ tử của Thế Tôn nên làm như vậy, để cúng dường Thế Tôn. Tôi hoan hỷ làm, luôn hoan hỷ làm.

Các Tỳ-kheo cùng đi đến chỗ Phật, đến nơi, đảnh lễ nơi chân Phật, lui ra ngồi một bên. Sau đó, các Tỳ-kheo thưa Phật:

– Kính bạch đức Thế Tôn! Trưởng lão Độc Tử đảnh lễ nơi chân Thế Tôn, thăm hỏi Ngài ít bệnh, ít não đứng ngồi khinh an, đi lại khí lực an ổn, không bị chướng ngại, luôn an lạc. Trưởng lão Độc Tử đã nói như vầy: “Ở chỗ đức Thế Tôn tôi đã được an lập. Từ lâu tôi đã tu tập theo Thế Tôn, tôi được an lạc, luôn luôn an lạc. Như vậy, những việc đệ tử của Thế Tôn nên làm là cúng dường Thế Tôn tôi hoan hỷ làm, luôn luôn hoan hỷ làm.

– Này các Tỳ-kheo! Chư thiên đã nói việc này với ta trước rồi, các ông nói sau theo hành tri kiến nơi tuệ vô thượng của Như Lai, như vậy Tỳ-kheo ấy cũng là bậc đại thần lực, đại oai đức.

Khi đó, đức Thế Tôn khen ngợi Trưởng lão Độc Tử rồi nói:

– Nếu các Tỳ-kheo không đúng luật mà thi hành thì phạm Sađể-sa-la. Nếu đạo sĩ ngoại đạo đến cầu xuất gia, Tỳ-kheo không cho ở chung, nhưng độ cho họ xuất gia, liền phạm Sa-để-sa-la. Thế nào là cho ngoại đạo ở chung? Nếu có ngoại đạo đến cầu xin xuất gia, liền đến chỗ Tăng cầu xin ở bốn tháng, cúi đầu đảnh lễ đại chúng, “Con là ngoại đạo tên… dốc cầu giáo pháp của Như Lai đã giác ngộ, nên xin được xuất gia thọ giới Cụ túc, làm Tỳ-kheo. Con là ngoại đạo tên… xin được ở trong chúng Tăng bốn tháng, nguyện xin đại đức Tăng thương xót cho con được ở bốn tháng”. Thưa như vậy đến lần thứ hai, lần thứ ba. Vị thầy Yết ma nên bạch chúng:

– Đại đức Tăng lắng nghe! Ngoại đạo tên là… dốc cầu giáo pháp của Như Lai đã giác ngộ, nên xin được xuất gia thọ giới Cụ túc, làm Tỳ-kheo, ngoại đạo này tên là… xin Tăng cho ở bốn tháng, nếu Tăng thấy đúng thời, Tăng chấp nhận, nếu Tăng cho ngoại đạo tên là… được ở bốn tháng, bạch như vậy, nên làm Yết ma:

– Đại đức Tăng lắng nghe! Ngoại đạo này tên là… dốc cầu giáo pháp của Như Lai đã giác ngộ nên xin được xuất gia, thọ giới Cụ túc, làm Tỳ-kheo. Ngoại đạo này tên là… xin Tăng cho ở bốn tháng, nếu Tăng cho ngoại đạo tên là… ở bốn tháng, các Trưởng lão ai chấp nhận thì im lặng, ai không chấp nhận thì nói ra. Yết ma lần thứ nhất, yết ma lần thứ hai, yết ma lần thứ ba đều như vậy. Tăng cho ngoại đạo tên là… ở bốn tháng, Tăng đã chấp nhận vì im lăng, việc này nên biết như vậy.

Người đó ăn uống hoặc làm việc Tăng, được Tăng phân cho thức ăn, nếu không làm việc của Tăng thì nên nói với người đó “Ông tự tìm thức ăn!” Ngoại đạo này nên tự tìm thức ăn. Các Tỳ-kheo mỗi ngày phải ba lần trước ngoại đạo chê trách như vầy: “Ngoại đạo không có niềm tin cung kính, ngoại đạo phạm giới, ngoại đạo không biết hổ thẹn, ngoại đạo đọa lạc, ngoại đạo tà kiến”. Trưởng lão nên nói như vậy. Lúc đó nên tán thán năm loại công đức của các quả Tu-đà-hoàn, Tưđà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Ngoại đạo nên nói: “Đúng vậy! Thưa Trưởng lão, ngoại đạo thật không có niềm tin cung kính, cho đến ngoại đạo thật tà kiến, kính xin Trưởng lão cứu giúp cho con, kính xin Trưởng lão cứu giúp con, thương xót con ở bốn tháng”. Được các Tỳ-kheo đồng ý rồi thì được xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu ngoại đạo đến với hình tướng một cư sĩ cũng nên cho ở thử như vậy rồi mới cho xuất gia, thọ giới Cụ túc. Nếu ngoại đạo tuy có hiểu giáo pháp, cũng nên cho ở chung thử rồi mới cho xuất gia thọ giới Cụ túc. Nếu ngoại đạo không trải qua sự ở chung thử như trên, thì không được độ cho họ xuất gia thọ giới Cụ túc, nếu độ thì phạm Sa-để-sa-la.

 

Trang: 1 2