KINH NHỮNG ĐIỀU BỒ-TÁT HẢI Ý HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Sa-môn Duy Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Bấy giờ, Thế Tôn lặp lại bằng bài tụng:

Nếu Bồ-tát nghe tâm Bồ-đề
Có thể suốt thông tất cả pháp
Tức trí xuyên suốt tất cả ấy
Ở trong các pháp, không chấp trước.
Lại tuy hiểu rõ pháp sâu xa
Bồ-tát trong đó, không sợ hãi
Và cũng không khởi tâm khiếp nhược
Vị ấy thường được đạo tối thắng.
Các pháp, hoặc nhân hoặc sở duyên
Biết rõ như thật pháp duyên sinh
Bậc trí tuệ thuận các pháp sinh
Nhưng thật chẳng chấp vào biên kiến.
Trong các pháp hoặc đoạn hoặc thường
Người trí không sinh sự vướng mắc
Hiểu rõ trong ấy cũng như vậy
Vì vậy thật tế bất tư nghì.
Tự tánh các pháp vốn vô ngã
Trong đó, ngã cũng khong tự tánh
Các pháp không tánh cũng như vậy
Xưa nay không sinh đều vắng lặng.
Các pháp không sinh cũng không khởi
Không, không chỗ nắm, thường thanh tịnh
Xa lìa hý luận cửa vô tướng
Tất cả bình đẳng như hư không.
Vô tâm lại cũng không cầu nguyện
Xa lìa tất cả các tham dục
Hiện quán các sắc trong tự tánh
Giống như bọt nước, biết không thật.
Thọ như bọt nổi tạm sinh, diệt
Tưởng như sóng nắng, do vọng sinh
Hành như cây chuối không bền chắc
Thức như trò huyễn chẳng lâu bền.
Bốn giới hiện có tánh không động
Cùng cõi hư không kia đồng đẳng
Các nhập trong ngoài cũng như vậy
Cảnh cùng sinh ra nhưng thầm lặng.
Nên biết tâm, pháp không ở trong
Cũng chẳng hiện hữu ở bên ngoài
Ý pháp vô ngã cũng như vậy
Trong đó, các thức đều vô trụ.
Tất cả pháp ấy không tác ý
Và cũng xa lìa hẳn tướng ngã
Trong tất cả pháp đều bình đẳng
Biết rõ như thật nơi chánh tánh.
Pháp chỉ một vị, không tánh khác
Nhất đạo Nhất thừa đều đồng đẳng
Nếu hiểu rõ trí đạo như thật
Nghĩa này hiển bày nơi thắng nghĩa.
Người trí với nghĩa được ngộ nhập
Quán thanh phi thanh được tỏ ngộ
Tất cả âm thanh trong thế gian
Đời trước, đời sau đều dứt hết.
Hoặc văn, hoặc nghĩa tuy hiểu rõ
Trong ấy biết rõ không hai pháp
Hiểu nghĩa môn bất khả thuyết này
Tức thời hiện chứng tánh chân thật.
Các pháp không sinh là Khổ trí
Các pháp bình đẳng là Trí
Các pháp nghĩa tận là Diệt trí
Các pháp vô vi là Đạo trí.
Ở trong thân, thọ, tâm, pháp kia
Như lý tùy quán mỗi một pháp
Vô niệm lại không hành tác ý
Đây gọi là quán bốn Niệm xứ.
Quán pháp giới chẳng phải tánh giới
Bình đẳng, rốt cùng cũng bình đẳng
Pháp môn chánh đoạn mà không đoạn
Thì đấy gọi là bốn Chánh đoạn.
Với tâm nếu đắc tự tại lớn
Thì đấy gọi là bốn Thần túc.
Siêu vượt tất cả tâm chấp trước
Chính đây được gọi là tín căn.
Với tất cả pháp được tịch tĩnh
Thì đấy gọi là tinh tấn căn.
Chánh pháp môn niệm mà vô niệm
Thì đấy được gọi là niệm căn.
Nếu không tác ý, rõ các pháp
Thì đấy được gọi là định căn.
Siêu vượt các pháp cửa hý luận
Thì đấy được gọi là tuệ căn.
Nếu không dấy khởi tin pháp khác
Thì liền đạt được trí chân thật.
Vơi tâm cũng không chỗ tri giác
Đây là tín lực, tinh tấn lực.
Nếu hiểu trí vô sinh vô diệt
Thì đấy được gọi là niệm lực.
Tịch tĩnh nơi tâm, không chốn hành
Đây là thành tựu được định lực.
Chẳng có, chẳng lìa sự phân biệt
Thì đấy được gọi là tuệ lực.
Thật hiểu rõ nghĩa của các pháp
Thì đấy gọi là bảy Giác phần.
Nơi pháp bình đẳng không sai khác
Thì đây được gọi là chánh kiến.
Như thật quán chiếu pháp vô nhị
Vô sinh là quán các Chánh đạo.
Vô sinh chính là nghĩa vô thường
Vô khởi thì gọi là nghĩa khổ.
Vô hành gọi là nghĩa vô ngã
Dừng nghỉ gọi là nghĩa tịch tĩnh.
Tâm điều phục tức là Bố thí,
Tâm tĩnh lặng tức là Trì giới,
Tùy thuận vạn pháp là Nhẫn nhục,
Quán kỹ chánh tuệ là Tinh tấn,
Rốt ráo tĩnh lặng là Thiền định,
Biết đúng như thật là Trí tuệ.
Tâm chúng sinh xưa nay thanh tịnh
Biết rõ việc này gọi là Từ,
Ngang bằng với hư không là Bi,
Vui thích thanh tịnh gọi là Hỷ,
Tất cả sở duyên không trụ tâm
Thì đấy được gọi là hành Xả.
Lại nếu ba luân được thanh tịnh
Có thể hiểu rõ tất cả pháp
Thông suốt các pháp môn như thế
Mà còn dứt hẳn các kiến chấp
Trong đó có cả định và tuệ
Tức hai pháp này được thông suốt
Vào khắp vô lượng cửa cảnh giới
Thì đấy gọi là trí chánh pháp.

Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo Đại Bồ-tát Hải Ý:

–Này Hải Ý! Nếu Bồ-tát được sự thanh tịnh khắp như thế rồi, đối với tất cả chúng sinh khởi ý không hư dối thì dù bị chúng sinh bức hại cũng không sinh phiền bực và chướng ngại, đắc trí biết rõ hoàn toàn, đắc tuệ quyết định. Bồ-tát ấy liền có thể, đối với Tam-ma-địa căn bản Tịnh ấn tự thuyết này, an trú trong vô trụ.

Thế nào là an trú Tam-ma-địa căn bản? Nghĩa là đối với tất cả chúng sinh không chướng ngại nên khởi tâm đại Bi; vì khởi tâm đại Bi nên thường được tất cả chúng sinh cung kính, tâm cũng không tự cao, hoặc không được cung kính thì tâm cũng không tự ty. Vì vậy cho nên, pháp không có chỗ sinh khởi, cũng không có tâm ngã mạn. Do đó mới có thể tùy thuận an trú nơi các pháp, không trụ pháp si, thường sinh pháp trí, khắp cùng đều được trí tuệ dẫn dắt thân nghiệp hoàn hảo, trí tuệ dẫn dắt ngữ nghiệp hoàn hảo, trí tuệ dẫn dắt ý nghiệp hoàn hảo. Nếu các việc làm của thân, ngữ, ý, tất cả đều do trí tuệ dẫn dắt thì Bồ-tát liền có thể chuyển theo trí.

Thế nào là Bồ-tát được trí tuệ dẫn dắt thân nghiệp hoàn hảo? Nghĩa là, nếu chúng sinh cần thấy sắc thân để có thể hóa độ và điều phục thì Bồ-tát liền hiện tướng oai nghi khiến tâm chúng sinh ấy được điều phục. Bồ-tát tuy hiện tướng như thế nhưng không thấy thật có sự giác ngộ, cũng không phân biệt. Hoặc nếu thân Bồ-tát khởi lầm lỗi, đắm chấp nơi thân, thân khởi tướng kỳ dị, thân đi không thẳng, thân có loạn động, thân sinh so lường; nếu như thế thì các tội lỗi của Bồ-tát ấy nhóm tập hiện tiền, như chặt lõi cây đa-la, về sau các pháp không còn sinh lại nữa. Còn nếu Bồ-tát, thân được thanh tịnh thì tất cả tướng tốt đẹp trang nghiêm thân ấy, tay chân mềm mại, đẹp đẽ dễ mến, phước thành sinh thân, các căn không khuyết, thân phần đầy đủ. Tuy có thân đẹp đẽ hoàn toàn như thế nhưng Bồ-tát đối với sắc tướng cũng không kiêu hãnh; thân tuy đẹp đẽ mà không sinh ý tưởng ưa thích. Nếu Bồ-tát thấy các loại sắc tướng của tất cả chúng sinh có người nào bị khiếm khuyết thì bấy giờ Bồ-tát không khởi tâm kiêu mạn, mà vì cầu pháp nên khởi tâm khiêm hạ, cung kính. Vì sao? Vì pháp tánh của tự thân cùng với pháp tánh của tất cả thân chúng sinh đều bình đẳng, nương vào trí tuệ. Bồ-tát đối với thân và pháp tánh của thân đều biết rõ rồi, liền đắc Pháp thân, không thọ thân phần đoạn. Sao gọi là Pháp thân? Đó là thân dùng thiền duyệt làm thức ăn uống, không dùng đoàn thực. Bồ-tát vì muốn tùy thuận thế gian, vì thương yêu chúng sinh nên thị hiện thọ nhận thức ăn của thế gian, chứ không vì sự gầy ốm của thân. Bồ-tát chỉ đối với Pháp thân, dùng pháp mạng ấy mà nuôi dưỡng, chẳng nhờ đoàn thực của thế gian nuôi dưỡng. Sao gọi là pháp mạng? Nghĩa là chỗ nuôi dưỡng không do nhân duyên tạo tác, không vượt Thánh hạnh. Sao gọi là Thánh hạnh? Nghĩa là không tham, không sân, không si, lìa các phiền não, tùy chỗ hiện bày mà âm thầm hộ trì giới cấm thì gọi là Thánh hạnh. Bồ-tát do trí này dẫn dắt mà thân nghiep hoàn hảo, nên đạt được các trí thông, thành tựu thần lực, dùng tâm không phát khởi tỏ ngộ, ở trong tất cả cõi ấy, hiện thân cùng khắp, tùy theo từng loại chúng sinh nơi các cõi Phật mà ứng hiện thân hình trang nghiêm, sắc tướng sáng ngời của Bồ-tát. Bồ-tát an trú trong không phát, ngộ, không phân biệt, thân tướng trang nghiêm chói sáng hoàn hảo; ở trong thân ấy, phóng ra hào quang lớn; hào quang này chiếu khắp vô lượng, vô số quoc độ của chư Phật. Tất cả chúng sinh ở địa ngục, cõi ác đều nhờ xúc tiếp với ánh sáng chiếu đến mà được an vui. Do an vui nên ưa tiếp xúc với hiện tiền, vì ưa được tiếp xúc nên phiền não thiêu đốt tất cả chúng sinh đều tiêu trừ, tất cả đều được mát mẻ, thân tâm an lạc. Các chúng sinh ấy vì được an lạc nên khéo làm Phật sự.

Này Hải Ý! Các pháp như thế gọi là trí Bồ-tát dẫn dắt thân nghiệp hoàn hảo.

Lại nữa, Hải Ý! Thế nào là trí Bồ-tát dẫn dắt ngữ nghiệp hoàn hảo? Nghĩa là nếu Bồ-tát nói ra lời nào thì trong lời nói ấy, thường xa lìa tất cả tội lỗi thô ác.

Này Hải Ý! Thế nào là lỗi lầm thô ác trong lời nói? Nghĩa là Bồ-tát luôn luôn xa lìa sáu mươi bốn thứ lỗi lầm trong lời nói. Những gì là sáu mươi bốn?

  1. Bồ-tát không nói lời khúc mắc.
  2. Không nói lời thô tục.
  3. Không nói lời gây đổ vỡ.
  4. Không nói lời gây nhụt chí.
  5. Không nói lời quá cầu kỳ.
  6. Không nói lời quá kém cỏi.
  7. Không nói lời quá ác.
  8. Không nói cạnh khóe.
  9. Không nuốt lời.
  10. Không nói lời khiêu khích.
  11. Không nói chia rẽ.
  12. Không nói lời chọc giận.
  13. Không nói lời mê hoặc.
  14. Không nói lời oán hận.
  15. Không nói lời lén.
  16. Không nói lời ô nhiễm.
  17. Không nói lời như rên rỉ.
  18. Không nói lời như trẻ con.
  19. Không nói lời như rống.
  20. Không nói lời thô bạo.
  21. Không nói lời xúc phạm.
  22. Không nói phi thời.
  23. Không nói lời tham lam thấp kém.
  24. Không nói lời giận dữ ngăn cách.
  25. Không nói lời si mê cuồng loạn.
  26. Không nói lời kinh sợ.
  27. Không nói lời khinh mạn, cố chấp.
  28. Không nói lời phá hoại.
  29. Không nói lời dua nịnh.
  30. Không nói lời cao ngạo.
  31. Không nói lời tự tôn, tự ti.
  32. Không nói lời tùy theo sự yêu mến mà che giấu.
  33. Không nói lời bới móc không thương yêu.
  34. Không nói lời chẳng thật.
  35. Không nói lời thiếu sót.
  36. Không nói lời hư vọng.
  37. Không nói lời tranh chấp gây rối.
  38. Không nói lời hai lưỡi.
  39. Không nói lời ác độc.
  40. Không nói lời thêu dệt.
  41. Không nói lời phá hoại bè bạn.
  42. Không nói lời quá sắc bén.
  43. Không nói lời quá mềm mỏng.
  44. Không nói lời pham tục.
  45. Không nói lời không che chở.
  46. Không nói nhiều.
  47. Không nói lời giận dữ.
  48. Không nói lời tranh giành.
  49. Không nói lời thấp hèn.
  50. Không nói lời loạn động.
  51. Không nói lời khinh rẻ.
  52. Không nói lời chê bai trước mặt.
  53. Không nói lời bỡn cợt.
  54. Không nói lời như ca hát.
  55. Không nói lời phi pháp.
  56. Không nói lời ly gián.
  57. Không nói lời tự khen.
  58. Không nói lời chê bai người.
  59. Không nói lời khinh nhờn.
  60. Không nói lời kích bác.
  61. Không nói lời chống trái Phật, Pháp, Tăng.
  62. Không nói lời hủy báng Hiền thánh.
  63. Không nói lời làm chứng phi lý.
  64. Không nói tất cả lời thô ác tội lỗi.

Này Hải Ý! Trong sáu mươi bốn thứ lời nói tội lỗi như thế, phàm nói ra điều gì Bồ-tát, đều mau xa lìa, liền được ngữ nghiệp thanh tịnh. Phàm nói ra điều gì đều nói lời không gián đoạn, nói lời như thật, nói lời chân chánh, nói lời thành thật rõ ràng, nói lời thuận theo sự thật, tùy theo ngôn ngữ của hết thảy chúng sinh, biết tâm ưa thích của tất cả các loài, khiến các chúng sinh đều sinh hoan hỷ, soi rõ căn tánh của tất cả chúng, dứt các phiền não, trụ trong oai thần của Phật, nắm giữ chánh pháp, nói ra điều gì phân minh rõ ràng, êm ái dễ mến, lìa các lầm lỗi; vì đều do phước hạnh thành tựu nên lời nói không sinh tham lam mà gồm thâu công đức, chẳng sinh sân giận, sâu xa vô cùng, không sinh si mê; ở trong mười phương thế giới hiện bày ngôn ngữ đều được lợi ích, đến tất cả nơi đều không hiện tướng.

Này Hải Ý! Đó là trí Bồ-tát dẫn dắt ngữ nghiệp hoàn hảo.

Lại nữa, Hải Ý! Thế nào là trí Bồ-tát dẫn dắt ý nghiệp hoàn hảo? Nghĩa là Bồ-tát trong một sát-na, nhất tâm vào khắp tâm hành của tất cả chúng sinh đều thấu rõ cả, an trú trong Tam-ma-sí-đa, hiện các việc oai nghi, nhưng cũng không hiện khởi Tam-ma-địa ấy; tất cả chúng ma đều không thể biết nghiệp tâm của Bồ-tát; vào khắp tâm của tất cả Thanh văn, Duyên giác, họ cũng không biết. Bồ-tát ấy không bao giờ sinh tâm tự hại mình và hại người, cũng không hại cả hai, chẳng biểu hiện ở tâm ý, không bị chướng ngại nơi một pháp nhỏ nào; ở trong tất cả pháp, khởi trí biết rõ. Vì tâm ý của vị ấy không biểu hiện nên không chỗ biết rõ được, không thọ mà thọ, chưa đủ pháp Phật, cũng không diệt thọ mà thủ chứng.

Này Hải Ý! Đây gọi là trí Bồ-tát dẫn dắt ý nghiệp hoàn hảo.

Này Hải Ý! Những pháp như thế là căn bản Tam-ma-địa Tịnh ấn của Bồ-tát an trú tự thuyết. Pháp căn bản này tức là thân, ngữ, ý nghiệp của Bồ-tát, đều dùng trí để dẫn dắt. Vì ba nghiệp ấy trí là dẫn đầu nên có thể đạt được pháp Tam-ma-địa Tịnh ấn tự thuyết.

Hải Ý nên biết! Có mười pháp mà Tam-ma-địa này được gọi là tự thuyết. Những gì là mười?

  1. Hạnh mới phát khởi, gọi là tự thuyết vì thâm tâm thanh tịnh.
  2. Hạnh Bồ-tát, gọi là tự thuyết vì sáu Ba-la-mật-đa thanh tịnh.
  3. Hạnh hiển bày sự trong sạch, gọi là tự thuyết vì tất cả pháp thiện thanh tịnh.
  4. Hạnh tướng hảo viên mãn, gọi là tự thuyết vì phước hạnh vô ngại thanh tịnh.
  5. Hạnh đắc biện tài, gọi là tự thuyết vì, nghe theo pháp hành thiện khiến người khác thanh tịnh.
  6. Trí niệm định không tán loạn, gọi là tự thuyết vì xa lìa tất cả sự ngăn che thô nặng, phiền não hiện khởi được thanh tịnh.
  7. Trí pháp phần Bồ-đề, gọi là tự thuyết vì bất phóng dật thanh tịnh.
  8. Trí biểu thị chỉ quán, gọi là tự thuyết vì tâm ý thức thanh tịnh.
  9. Trí nơi mười Địa thứ lớp, gọi là tự thuyết vì trong tất cả phap, kiến lập đối trị siêu vượt chướng ngại, đều được thanh tịnh.
  10. Trí trang nghiêm đạo tràng đại Bồ-đề, gọi là tự thuyết vì dứt trừ tất cả pháp bất thiện, tập hợp tất cả pháp thiện thanh tịnh.

Này Hải Ý! Vì đầy đủ mười pháp ấy nên Tam-ma-địa này gọi là tự thuyết.

Hải Ý nên biết! Lại có hai mươi pháp nên Tam-ma-địa này gọi là Tịnh ấn. Những gì là hai mươi?

  1. Nội tịnh, gọi là tịnh ấn vì ngã thanh tịnh.
  2. Ngoại tịnh, gọi là tịnh ấn vì ngã sở thanh tịnh.
  3. Thân tịnh, gọi là Tịnh ấn vì tất cả nhận thức đều thanh tịnh.
  4. Tất cả pháp vô ngã thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì xưa nay thanh tịnh.
  5. Đối với tất cả pháp bình đẳng, hiểu rõ thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì nhất vị thanh tịnh.
  6. Không, Vô tướng, Vô nguyện thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì tất cả giải thoát thanh tịnh.
  7. Hư không thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì rốt ráo thanh tịnh.
  8. Chúng sinh giới, pháp giới thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì xa lìa các sự tạo tác.
  9. Chỗ nhận biết hiện tại thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì tự trí thông thanh tịnh.
  10. Nhật luân quang minh thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì thường chiếu sáng thanh tịnh.
  11. Tri kiến ba đời vô ngại thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì lìa các chướng ngại, thanh tịnh.
  12. Môn biểu thị thấu đạt thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì thức trí vô trụ thanh tịnh.
  13. Vô vi thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì tự tánh hưu vi thanh tịnh.
  14. Hiểu rõ duyên sinh thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì khéo quán pháp duyên sinh.
  15. Tùy sức chứng vô sở úy, pháp Phật thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì thật trí thanh tịnh không thể sánh.
  16. Hiểu rõ tướng pháp Phật thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì nghiệp trước thanh tịnh.
  17. Đại Từ, đại Bi thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì không bỏ chúng sinh khiến họ thanh tịnh.
  18. Hàng phục các ma, ngoại đạo khiến họ thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì tất cả việc làm thanh tịnh.
  19. Phá trừ tất cả hạt giống tập khí phiền não khiến cho thanh tịnh, gọi là Tịnh ấn vì tự tánh các pháp thanh tịnh.
  20. Ở trong một sát-na tâm biết khắp tất cả môn pháp Phật, tùy theo chỗ biết thanh tịnh, gọi là tịnh ấn vì tích tập sự thanh tịnh viên mãn.

Này Hải Ý! Vì đầy đủ hai mươi pháp ấy nên Tam-ma-địa này gọi là Tịnh ấn.

Hải Ý nên biết! Bồ-tát khi ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề mới có thể đạt được Tam-ma-địa này; sau khi đắc Tam-ma-địa ấy, sẽ đạt được tám loại tướng đại thần thông Bất cộng. Những gì là tám?

  1. Bỗng nhiên cõi tam thiên đại thien này, đất đều biến thành kim cang.
  2. Tất cả rừng cây, hoa quả cành lá đều rộ nở, nẩy mầm và hướng về cây Bồ-đề, tất cả đều cong mình cúi xuống bày tỏ tướng cung kính.
  3. Tất cả chúng sinh, trong khoảng sát-na, không bị tất cả phiền não gây hại.
  4. Tất cả địa ngục, cõi ác, chúng sinh đều thấy Bồ-tát ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề; thấy rồi đều được an vui hoàn toàn.
  5. Tất cả thế giới, ở trên không đều hiện ra hào quang sắc vàng chiếu sáng rộng khắp.
  6. Đại địa chấn động, nhưng trong đó, không có một phần nhỏ chúng sinh nào bị nhiễu hại.
  7. Chư Phật Thế Tôn hiện trú thuyết pháp giáo hóa trong mười phương, dùng pháp vô úy thí để an ủi, nói thế này: Thiện nam! Các ngươi rất tốt, rất tốt, là Đạo sư lớn.
  8. Trong một sát-na, tất cả pháp Phật đều tập trung hiện ra trước tâm.

Này Hải Ý! Những Bồ-tát ấy đắc Tam-ma-địa Tịnh ấn, sau đạt được tám loại tướng đại thần thông bất cộng như thế rồi, có thể xuất sinh vô lượng việc công đức như vậy, tất cả đều đồng oai lực thần thông của Tam-ma-địa này.

*********

Bấy giờ, Thế Tôn lặp lại bằng bài tụng:

Pháp này thiện, tịnh lại sáng trong
Vốn không hòa hợp, ngang hư không
Không trụ, không diệt, không sinh khởi
Ấn ấy tùy thâu vào Phật ấn.
Trụ căn bản kia được Tổng trì
Tu tập lâu dài hành Từ bi
Thế gian cung kính hoặc xem thường
Trong tuệ bình đẳng, không vui, giận.
Trí bình đẳng trụ trong pháp tánh
Không trụ trong si và pháp si
Tuy trụ trong trí tâm vô đắc
Trụ trí bình đẳng thường thanh tịnh.
Trí thuờng hiểu rõ việc thân làm
Dùng các trí làm lợi thế gian
Chúng sinh nếu thấy thân thanh tịnh
Đắc trí Phật thù thắng lìa cấu.
Oai nghi, giới thiện không tán loạn
Theo việc làm phân biệt hữu, vô
Tội lỗi của thân tuy vô tận
Xưa nay không sinh cũng không mất.
Đạt được thân diệu tướng trang nghiêm
Tay chân mềm mại, phước nghiêm trang
Các thân căn viên mãn thanh tịnh
Không ỷ sắc tướng do trí tạo.
Nếu thấy chúng sinh nghèo hèn khổ
Khiêm hạ cung kính chứ chẳng khinh
Tôn phụng người trì giới biết pháp
Nghe pháp ở họ được Thánh đạo.
Thật biết pháp tánh thân mình, người
Biết thật tánh thân của chúng sinh
Đắc Pháp thân thắng diệu thanh tịnh
Chẳng thọ phần đoạn, thân lìa nhiễm.
Thường thọ thực thiền duyệt trong định
Chẳng dùng đoàn thực, thêm oai quang
Thuận đời thọ thực, chẳng giúp sức
Pháp mạng nuôi dưỡng thành cam lồ.
Thuờng đạt hạnh Thánh, luôn tĩnh lặng
Giải thoát khối nhiễm tham, sân, si
Âm thầm hộ giới, không thuận nghịch
Thà bỏ thân mình, không tạo tội.
Dùng thần lực thường đến ức cõi
Tùy thân ứng hiện mà thuyết pháp
Thế gian chiêm ngưỡng thân diệu tướng
Họ đều đạt được thân cao đẹp.
Thân phóng quang minh diệu thanh tịnh
Chiếu khắp vô biên các quốc độ
Thắng phước chói sáng, xúc mềm mại
Trừ hết phiền não hại chúng sinh.
Chúng sinh địa ngục thường chịu khổ
Tiếp xúc hào quang được an vui.
Thân ý ung dung, khổ đau ngừng
Do đấy được lìa khổ địa ngục.
Như vậy cùng các thân nghiệp khác
Tùy trí thù diệu thiện vô biên.
Khai mở Phật sự cửa điều phục
Bồ-tát thân nghiệp thanh tịnh ấy.
Ngôn ngữ diệu âm ý sạch vui
Trời người thế gian nghe đều thích.
Pháp đã nói ra đều như thật
Pháp này có thể thành cam lồ.
Ngôn ngữ lỗi lầm và đọa lạc
Phước trí thanh tịnh có thể đoạn.
Ngữ nghiệp và âm thanh chúng sinh
Khiến đồng đẳng khắp đều hoan hỷ.
Chân thật nói bình đẳng tương tục
Lời không đục loạn đều như thật.
Điều nói ra là hạnh thành thật
Trí theo sự thật thành thanh tịnh.
Lời nói ngọt ngào, tham chấm dứt
Gồm lời công đức giải thoát sân
Thâm diệu vô cùng, đoạn trừ si
Ở trong ngàn cõi làm thiện ích.
Nói ra lời này không phân biệt
Chẳng nhờ siêng năng mà giải thoát
Tùy căn chúng sinh, hoan hỷ sinh
Việc làm trí này lời thanh tịnh.
Khéo tu ý nghiệp thường vô chướng
Trong một sát-na, biết khắp đời
Chẳng định khởi diệt, hiện oai nghi
Ma không thể biết y Bồ-tát.
Thanh văn, Duyên giác, chẳng thể lường
Ý đạo sâu xa của Bồ-tát
Chẳng sinh tâm tổn hại mình, người
Không cao,vô ngại, trí bình đẳng.
Bồ-tát thuận đời, khéo giác ngộ
Không thọ, không nghĩ, không quán sát
Không nhập diệt định, chứng môn lạc
Biện tài vô biên, đủ Tổng trì.
Nghe pháp, việc làm trí thường trụ
Niệm định không loạn trụ bình đẳng
Các chướng thanh tịnh, phiền não dứt
Hoàn toàn không thấy lỗi lầm nhỏ.
Pháp phần Bồ-đề lượng vô biên
Đều gồm thâu hết, lìa phóng dật
Trí thường tùy, trụ trong chỉ quán
Mười địa thứ bậc, nay chứng thành.
Cho đến cây đạo thành quả trí
Nếu đủ mười loại pháp thanh tịnh
Bồ-tát đắc định gọi tự thuyết
Hiện tu các hành tịnh viên mãn.
Tất cả đạo thiện tịnh, thù thắng
Tùy các quả vị, tịnh các độ
Tất cả pháp thiện thật thù thắng
Tướng hảo thượng diệu phước quả tròn.
Ngồi tràng Bồ-đề thiện tột cùng
Pháp nhiễm, oán sâu đều dứt hết
Chứa các pháp thiện bằng Tu-di
Thành tựu tịnh quang bất tư nghì.
Đắc định ấy là đạt phúc đức
Đủ hai mươi pháp là Tịnh ấn
Như mặt trời chiếu sáng thế gian
Chứng đại Bồ-đề thắng trí Phật.
Bồ-tát khi ngồi Đạo thọ rồi
Đắc tướng tám thần thông bất cộng
Ở trong trăm quốc độ của Phật
Thường rộng làm lợi lạc thế gian.
Chư Phật đều đến ban vô úy
Ngợi khen rất dũng mãnh tối thắng
Có thể hàng phục các ma quân
Chứng Bồ-đề thù thắng vô thượng.
Được thân tâm ấy thắng công đức
Quyết định thành tựu Phật ấn này
Nếu muốn tu môn công đức ấy
Với tâm Bồ-đề phải kiên dũng.

Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo Đại Bo-tát Hải Ý:

–Này Hải Ý! Vì duyên cớ ấy, nếu Bồ-tát muốn đắc pháp môn Tam-ma-địa Tịnh ấn tự thuyết và tuệ vô cấu tự thuyết thì phải trụ nơi hai loại tâm.

  1. Tâm không trược loạn.
  2. Tâm không cấu bẩn.

Tâm không trược loạn là tự tánh của tâm thanh tịnh sáng suốt, không chấp chứa khách trần phiền não. Pháp tánh thường trú vốn tự sáng suốt, tất cả sự tác ý không có chỗ tích tập, vì không trần cấu nên lìa tham, vì không phân biệt nên lìa sân, vì vô ngã nên lìa si, hoàn toàn thanh tịnh, rốt ráo không cấu uế, quang minh tự tại. Như chỗ giải thoát, tất cả pháp cũng vậy, vì an trú theo chân như bình đẳng; như chỗ giải thoát, tất cả pháp cũng vậy, vì an trú theo pháp giới bình đẳng; như chỗ giải thoát, tất cả pháp cũng vậy, vì an trú theo thật tế bình đẳng; như chỗ giải thoát, tất cả pháp cũng vậy, vì an trú theo không bình đẳng, vì an trú theo vô tướng, vô nguyện, vô tạo, vô tác, vô sinh, vô khởi bình đẳng; như chỗ giải thoát, pháp hữu vi cũng vậy, vì an trú theo pháp vô vi bình đẳng, tức là pháp bình đẳng tùy trú này không tụ, không tan, chẳng phải là chỗ biết của trí, đây gọi là tâm khong trược loạn, tức là dùng pháp này vì chúng sinh và Bổ-đặc-giàla khác mà hiển bày khai thị; đối với pháp tự tha không khởi loạn động, đây tức là tâm không cấu bẩn.

Này Hải Ý! Đầy đủ tâm không trược loạn, tâm không cáu bẩn đó tức là có thể đạt đến môn Tam-ma-địa Tịnh ấn tự thuyết.

Bấy giờ, Hải Ý Bồ-tát bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này hết mực sâu xa.

Phật nói:

–Không đạt đến chỗ tột cùng.

Hải Ý lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này rất khó gặp!

Phật nói:

–Vì lìa hai pháp.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này rất khó hiểu.

Phật nói:

–Vì vô ngã và ngã sở.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này rất khó biết.

Phật nói:

–Vì biết hai pháp thức và trí đều bình đẳng.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này không trược loạn.

Phật nói:

–Vì đắc giải thoát vô ngại.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này rất vi diệu.

Phật nói:

–Vì lìa các ví dụ.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này rất tinh thật.

Phật nói:

–Vì đắc trí kim cang dụ.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này không hư hoại.

Phật nói:

–Vì trước sau không bị phá vỡ.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này không đắm chấp.

Phật nói:

–Vì siêu vượt tất cả tham đắm vướng mắc.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này đắc quang minh lớn.

Phật nói:

–Vì lìa các sự tăm tối.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này rất thanh tịnh.

Phật nói:

–Vì rốt ráo không nhiễm ô.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này bản tánh vô cấu.

Phật nói:

–Vì lìa mọi tham trần.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này không có chốn hành.

Phật nói:

–Vì ba cõi không hành.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này không hý luận.

Phật nói:

–Vì siêu việt hý luận.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này không động.

Phật nói:

–Vì rốt ráo vắng lặng.

Lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-ma-địa này thuận nhập hết thảy xứ.

Phật nói:

–Vì ngang bằng với hư không.

Bấy giờ, Bồ-tát Hải Ý lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu như thế thì làm sao có thể phát khởi thắng hạnh? Làm thế nào để đạt được môn Tam-ma-địa Tịnh ấn tự thuyết?

Phật nói:

–Này Hải Ý! Ví như có người muốn đánh nhau với hư không, khi ấy, đối với hư không kia bèn mang giáp mũ. Bồ-tát cũng như thế muốn đắc Tam-ma-địa tịnh ấn tự thuyết thì cần phải trang bị bằng giáp mũ các pháp bình đẳng. Vì sao? Này Hải Ý! Vì hễ có cái diệt liền có cái khởi. Lại nữa, Hải Ý! Chủng tử thức là hữu vi, chủng tử vô biểu là vô vi. Tam-ma-địa này chẳng phải chỗ biết của nhãn thức, chẳng phải chỗ biết của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Tam-mađịa này không thể biểu hiện, nên biết nó vô tri cũng chẳng phải vô tri. Tam-ma-địa này không có tướng biểu hiện, vì đối với tất cả pháp biết rõ bình đẳng, đây gọi là Chánh đẳng Chánh giác. Lại nữa, Hải Ý! Vì ta không thấy có pháp nào là tướng nhiễm nên thành Đẳng chánh giác, cũng chẳng thấy có pháp nào là tướng tịnh nên thành Đẳng chánh giác. Nếu có tướng la nhiễm thì chính tướng ấy là tịnh, chỗ gọi là tướng thì tự tánh thanh tịnh. Nếu là tướng với tự tánh thanh tịnh tức là vô tướng. Nếu là vô tướng tức là tướng vô hành. Nếu là tướng vô hành tức không có một pháp nhỏ nào có thể biểu hiện. Do không biểu hiện nên không biết được tất cả pháp. Nếu pháp không có chủ thể biểu hiện và đối tượng biểu hiện thì như vậy là không có văn tự ghi chép. Nếu không có văn tự ghi chép thì gọi là “như”. Nhưng tại sao gọi là “như”? Đó là đối với sau, trước, giữa cũng thế, tức tất cả pháp ba đời đều không. Sao gọi là không? Đó là vô tác, nghĩa là vô tác này cũng vô tác, cũng chẳng phải vô tác. Vì vậy, đây gọi là không. Nói vô tác, nghĩa là gì? Vô tác là không có các hành hiện tiền tạo tác, vì không có mảy may pháp nào có thể tạo tác, vì vậy đây gọi là vô tác. Còn tại sao gọi là không có hành hiện tiền? Nghĩa là không co hành hiện tiền của thân, hành hiện tiền của miệng và hành hiện tiền của tâm, đây gọi là không có hành hiện tiền. Nếu không có hành hiện tiền tức là vô vi. Nếu là vô vi thì không sinh không diệt, cũng không xứ sở, tức là pháp không sinh không diệt không xứ sở, lại cũng không xứ. Sao gọi là không xứ? Đó là hiện tiền các hành không có trú xứ, vì vậy gọi là không xứ. Vì sao? Nghĩa là thức không ở trong sắc, cũng không ở trong, thọ tưởng, hành. Nếu thức không chỗ trú tức là chánh trí, mà chánh trí ấy tức là trí không lãnh nạp. Nếu trí không lãnh nạp tức là không ý lạc tăng thượng; nếu không ý lạc tăng thượng tức là không tranh luận; nếu không tranh luận tức là không loạn động; nếu không loạn động tức là không bức não; nếu không bức não tức là không thiêu đốt; nếu không thiêu đốt tức được dừng nghỉ; nếu được dừng nghỉ tức là an trú sự vắng lặng cùng khắp; nếu an trú nơi sự vắng lặng cùng khắp tức là an trú gần sự vắng lặng; nếu an trú gần sự vắng lặng thì được gọi là sự vắng lặng lớn. Vì vậy, trước đã nói là trí không lãnh nạp. Đó là lời Phật dạy.

Này Hải Ý! Pháp này sâu xa khó thấy khó hiểu. Nếu có người được nghe pháp như thế mà phát sinh tin hiểu thì người ấy có tất cả pháp điên đảo, phiền não, chấp trước, ràng buộc… đều được giải thoát, tức là có thể nắm giữ tạng pháp của chư Phật, Thế Tôn ở quá khứ, vị lai, hiện tại; làm đại Đạo sư mở bày vô lượng chánh đạo cho tất cả chúng sinh; làm Đại y vương khéo trị lành tất cả bệnh phiền não vô tướng của chúng sinh. Như thế là dùng sự cúng dường to lớn cúng dường khắp Như Lai, chẳng bao lâu sẽ chứng đắc môn Tam-mađịa Tịnh ấn tự thuyết, việc làm quyết định; ở trong pháp Đại thừa này có thể khéo tích tập, làm thuyền pháp lớn có thể giúp đưa vô lượng chúng sinh ra khỏi biển sinh tử, làm Đại chánh sĩ hàng phục các ma, vĩnh viễn không rơi vào chốn dụ dẫn của ma.

Bấy giờ, Bồ-tát Hải Ý bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát làm thế nào có thể hàng phục tất cả ma oán?

Phật nói:

–Này Hải Ý! Nếu Bồ-tát dùng tâm không tạo tác thì đối với tất cả có thể thâu nhận hết, tức là Bồ-tát ấy có thể hàng phục tất cả ma oán. Lại, nếu Bồ-tát dùng tâm không tạo tác thì ở nơi tất cả tướng của đối tượng duyên kia, có thể phát khởi, tức là Bồ-tát ấy có thể hàng phục tất cả ma oán.

Hải Ý nên biết! Ma có bốn loại. Những gì là bốn?

  1. Uẩn ma.
  2. Phiền não ma.
  3. Tử ma.
  4. Thiên ma.

Nếu quán sát kỹ pháp huyễn tưc là có thể hàng phục Uẩn ma; nếu an trụ pháp không thì có thể hàng phục Phiền não ma; quán sát kỹ pháp không sinh khởi là có thể hàng phục Tử ma; cùng lúc nương dừng tất cả pháp ý, hướng đến diệt đạo tức có thể hàng phục Thiên ma.

Lại nữa, biết Khổ có thể hàng phục Uẩn ma; đoạn Tập có thể hàng phục Phiền não ma; chứng Diệt có thể hàng phục Tử ma; tu Đạo có thể hàng phục Thiên ma.

Lại nữa, quán sát các hành là khổ, có the hàng phục Uẩn ma; quán sát các hành là vô thường, có thể hàng phục Phiền não ma; quán sát các pháp là vô ngã có thể hàng phục Tử ma; quán sát Niết-bàn tịch tĩnh có thể hàng phục Thiên ma.

Lại nữa, Bồ-tát bên trong đoạn trừ phiền não cấu bẩn nhưng không quên mất tâm đại Bồ-đề, thực hành bố thí tức là có thể thu phục Uẩn ma; nếu Bồ-tát không tiếc thân mạng cũng không bị ràng buộc, khi hành bố thí xong, có thể hồi hướng về Nhất thiết trí thì có thể thu phục Phiền não ma; nếu Bồ-tát luôn nghĩ, của cải giàu có là vô thường, ta sẽ cùng với tất cả họ sử dụng chung, thành thật với họ, bố thí như thế rồi, có thể hồi hướng về Nhất thiết trí, thì có thể thu phục Tử ma; nếu Bồ-tát ở chỗ tất cả chúng sinh, không bỏ mất tâm đại Bi, dùng trí tuệ giải thoát, thu phục khắp chúng sinh, thực hành bố thí rồi, có thể hồi hướng về Nhất thiết trí, thì như vậy là có thể thu phục Thiên ma.

*********

Lại nữa, này Hải Ý! Nếu Bồ-tát tuy sinh vào các cõi không chỗ mong cầu nhưng khéo giữ gìn giới hạnh thì có thể hàng phục Uẩn ma; nếu ngã kiến không chỗ nương tựa mà khéo giữ gìn giới hạnh thì có thể hàng phục Phiền não ma; nếu dùng tịnh giới khiến các chúng sinh xuất ly sinh tử, tự giữ gìn giới hạnh thì có thể hàng phục Tử ma; nếu khởi niệm này: Ta khiến cho tất cả chúng sinh hủy hoại giới cấm đều được an trú trong tịnh giới của bậc Thánh, tự giữ gìn giới hạnh thì có thể hàng phục Thiên ma.

Lại nữa, Bồ-tát ở nơi “ngã” không chỗ thủ đắc, tu hành nhẫn nhục thì có thể hàng phục Uẩn ma; đối với chúng sinh, không chỗ thủ đắc, tu hành nhẫn nhục thì có thể hàng phục Phiền não ma; đối với sinh tử, không chỗ thủ đắc, tu hành nhẫn nhục thì có thể hàng phục Tử ma; đối với Niết-bàn, khong chỗ thủ đắc, tu hành nhẫn nhục thì có thể hàng phục Thiên ma.

Lại nữa, Bồ-tát vì thân tịch tĩnh nên phát khởi tinh tấn, có thể vượt Uẩn ma; vì tâm tịch tĩnh nên phát khởi tinh tấn, có thể vượt Phiền não ma; vì thấu đạt vô sinh, vô khởi nên phát khởi tinh tấn, có thể vượt Tử ma; ở trong sinh tử chưa từng mệt mỏi, thành tựu đầy đủ cho chúng sinh, thâu nhận chánh pháp, phát khởi tinh tấn, có thể vượt Thiên ma.

Lại nữa, Bồ-tát không nương tựa Uẩn mà tu định, có thể vượt Uẩn ma; không nương tựa giới mà tu định, có thể vượt Phiền não ma; không nương tựa xứ mà tu định, có thể vượt Tử ma; đối với các thiền chi khác, tất cả đều hồi hướng đến Bồ-đề thì có thể vượt Thiên ma.

Lại nữa, Bồ-tát có thể dùng chánh tuệ biết rõ các uẩn, thì có thể hàng phục Uẩn ma; khéo biết các giới, có thể hàng phục Phiền não ma; khéo biết các nhập, có thể hàng phục Tử ma; tuy biết rõ duyên sinh nhưng đối với thật tế cũng không thủ chứng, tức có thể hàng phục Thiên ma.

Lại nữa, Bồ-tát hiểu các pháp Không thì Uẩn ma kia không thể thao túng; ý luôn tin các pháp là Vô tướng thì Phiền não ma không thể thao túng; biết tất cả pháp mà Vô nguyện thì Tử ma không thể thao túng; biết tất cả pháp mà không tạo tác, cũng không nghi hoặc, nhưng đối với hạnh lành tâm không nhàm chán thì Thiên ma không thể thao túng.

Lại nữa, Bồ-tát quán niệm xứ thân trong thân mà tu hành, cũng không cùng thân khởi sự tìm cầu thì có thể phá trừ Uẩn ma; theo quán niệm xứ thọ trong thọ mà tu hành, cũng không cùng thọ khởi sự tìm cầu thì có thể phá trừ Phiền não ma; theo quán niệm xứ tâm trong tâm mà tu hành, cũng không cùng tâm khởi sự tìm cầu thì có thể phá trừ Tử ma; tùy quán niệm xứ pháp trong pháp mà tu hành, cũng không cùng pháp khởi tìm cầu, đối với quả Bồ-đề, ý cung không động thì có thể phá trừ Thiên ma.

Lại nữa, Hải Ý! Nay ông nên biết, các loại ma nghiệp như thế này đều do ngã làm căn bản. Nếu Bồ-tát đối với ngã căn bản mà không khởi tức là đối với ngã là vô ngã. Trong đó không có một pháp nhỏ nào có thể khởi, như thế tức là dùng trí hiện lượng để biết.

Lại nữa, nếu Bồ-tát vì các chúng sinh vô trí kia mà mang giáp Đại thừa thì Bồ-tát cần phải cùng lúc không nương tựa vào mình và người thì mới nên mang áo giáp ấy. Bồ-tát bèn tự tư duy: Ta sẽ làm thế nào để được áo giáp kiên cố bất hoại này. Lại tư duy: Áo giáp mà ta mang không làm hoại ta, cũng không hoại chúng sinh, cũng không hoại các loại thọ nhận, sĩ phu, nuôi dưỡng, Bổ-đặc-già-la, ý sinh… Hoặc nếu nương tựa vào các kiến về ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, Bổ-đặc-già-la… tức là có chấp trước. Vì vậy, ta nay bỏ hết các thứ nương tựa. Vậy nương tựa cái gì? Nghĩa là nương tựa điên đảo trong uẩn, xứ, giới. Điên đảo chỗ nào? Vì các chúng sinh ở trong vô thường, tưởng là thường, khổ tưởng là vui, vô ngã tưởng là ngã, bất tịnh tưởng là tịnh. Nếu Bồ-tát có thể biết đúng về cac tưởng ấy tức là đáp ứng đúng căn cơ mà thuyết pháp yếu. Thế nào là biết đúng tưởng? Nghĩa là nếu không lãnh thọ, không nắm bắt thì có thể biết đúng. Vì sao? Vì nếu đây không lãnh thọ thì kia không nắm bắt; nếu đây không nắm bắt thì kia không lãnh thọ. Nếu như thế thì không si mê, có thể biết đúng tưởng.

Bồ-tát Hải Ý bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Làm sao biết tưởng là quá khứ, vị lai và hiện tại?

Phật nói:

–Chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại. Vì sao? Vì tưởng quá khứ đã qua, tưởng vị lai chưa đến, tưởng hiện tại không đứng yên. Vì vậy nên biết, tưởng trong ba đời không thể nắm bắt được. Như thế mới có thể biết đúng tưởng. Do biết đúng tưởng nên có thể làm thanh tịnh tất cả hành của đối tượng hành nơi Bồ-tát, lại hiểu rõ các loại hành của tất cả chúng sinh.

Này Hải Ý! Nếu Bồ-tát không thể làm thanh tịnh các hành của Bồ-tát thì không thể biết việc làm của chúng sinh. Lại nữa, nếu có thể biết các việc làm của chúng sinh thì mới có thể làm thanh tịnh các hành của Bồ-tát. Vì hiểu rõ việc làm của chúng sinh như thế nên vì chúng sinh thuyết pháp đúng căn cơ, mới có thể tùy theo tâm của các chúng sinh mà chuyển hóa, chỗ cần thị hiện đều có thể biết hết.

Hải Ý nên biết! Hoặc có chúng sinh hành sân với ý tham, có chúng sinh hành tham với ý sân, có chúng sinh hành san với ý si, có chúng sinh hành tham với ý si, có chúng sinh hành si với ý tham, có chúng sinh hành si với ý sân, có chúng sinh hành tham với ý sân si, có chúng sinh hành sân với ý si tham. Lại có chúng sinh giả hiện tham mà thủ sân, giả hiện sân mà thủ tham, giả hiện sân mà thủ si, giả hiện si mà thủ sân, giả hiện si mà thủ tham, giả hiện tham mà thủ si, giả hiện tham sân mà thủ si, giả hiện sân si mà thủ tham, giả hiện si tham mà thủ sân. Lại có chúng sinh trước tham sau sân, trước sân sau tham, trước sân sau si, trước si sau sân, trước si sau tham, trước tham sau si, trước tham sân sau si, trước sân si sau tham, trước si tham sau sân, trước si sân sau tham. Lại có chúng sinh đối với sắc khởi tham, đối với thanh khởi sân, đối với thanh khởi tham, đối với sắc khởi sân, đối với hương khởi tham, đối với vị khởi sân, đối với vị khởi tham, đối với hương khởi sân, đối với xúc khởi tham, đối với pháp khởi sân, đối với pháp khởi tham, đối với xúc khởi sân. Lại có chúng sinh do lìa sắc nên được điều phục chứ không do lìa thanh; có chúng sinh lìa thanh nên được điều phục chứ không do lìa sắc; có chúng sinh lìa hương nên được điều phục chứ không do lìa vị; có chúng sinh lìa vị nên được điều phục chứ không do lìa hương; có chúng sinh lìa xúc mà được điều phục chứ không do lìa pháp; có chúng sinh lìa pháp mà được điều phục chứ không do lìa xúc. Lại có chúng sinh do lìa thân mà được điều phục chứ không do lìa tâm, do lìa tâm mà được điều phục chứ không do lìa thân; Lại có chúng sinh cũng do lìa thân, cũng do lìa tâm mà được điều phục; có chúng sinh không do lìa thân, không do lìa tâm mà được điều phục. Lại có chúng sinh do âm thanh vô thường mà được điều phục, chứ không do âm thanh khổ, vô ngã, tịch tĩnh…; có chúng sinh do âm thanh khổ chứ không do âm thanh vô thường, vô ngã, tịch tĩnh; có chúng sinh do âm thanh vô ngã chứ không do âm thanh vô thường, khổ, tịch tĩnh; có chúng sinh do âm thanh tịch tĩnh chứ không do âm thanh vô thường, khổ, vô ngã. Lại có chúng sinh do có thuyết pháp thần biến mà được điều phục, chứ không do giáo giới thần biến; có chúng sinh do giáo giới thần biến mà được điều phục, chứ không do thuyết pháp thần biến; có chúng sinh do thần cảnh thần biến mà được điều phục, chứ không do thuyết pháp giáo giới thần biến. Lại có chúng sinh do thuyết pháp thần biến mà sinh tin hiểu; có chúng sinh do giáo giới thần biến mà được xa trần; có chúng sinh do thần cảnh thần biến mà được giải thoát. Lại có chúng sinh lợi căn siêng tu hành giải thoát độn căn; có chúng sinh độn căn siêng tu hành giải thoát lợi căn; có chúng sinh độn căn siêng tu hành giải thoát độn căn, có chúng sinh lợi căn siêng tu hành giải thoát lợi căn. Lại có chúng sinh do nhân mà được giải thoát chứ không do duyên; có chúng sinh do duyên mà được giải thoát chứ không do nhân; cũng có chúng sinh do nhân cũng do duyên mà được giải thoát; có chúng sinh không do nhân, không do duyên mà được giải thoát. Lại có chúng sinh do quán tội lỗi bên trong mà được giải thoát, chứ không do quán tội lỗi bên ngoài; có chúng sinh do quán tội lỗi bên ngoài mà được giải thoát, chứ không do quán tội lỗi bên trong; có chúng sinh cũng do quán các tội lỗi bên trong cũng do quán tội lỗi bên ngoài mà được giải thoát; có chúng sinh không do quán các tội lỗi bên trong, không do quán tội lỗi bên ngoài mà được giải thoát. Lại có chúng sinh tu lạc mà chứng thành giải thoát chứ không do tu khổ; có chúng sinh do tu khổ, chứ không do tu lạc; có chúng sinh cũng do tu khổ cũng do tu lạc; có chúng sinh không do tu lạc cũng không do tu khổ. Lại có chúng sinh do tướng cảnh phát khởi mà được điều phục, do tướng an chỉ mà được điều phục, do tướng hàng phục mà được điều phục, do tướng khéo thâu nhiếp mà được điều phục; có chúng sinh do tướng thiện mà được điều phục; có chúng sinh do tướng bất thiện mà được điều phục, có chúng sinh do tướng sân mà được điều phục, có chúng sinh do ba tướng mà được điều phục; có chúng sinh do tướng hòa hoãn mà được điều phục; có chúng sinh do pháp duyen sinh mà được điều phục; có chúng sinh do hạnh im lặng mà được giải thoát; có chúng sinh do hạnh sai biệt mà được giải thoát; có chúng sinh do tiếng pháp niệm xứ, có chúng sinh do tiếng chánh đoạn, có chúng sinh do tiếng thần túc; có chúng sinh do tiếng căn, có chúng sinh do tiếng lực, có chúng sinh do tiếng giác chi, có chúng sinh do tiếng chánh đạo, có chúng sinh do tiếng Xa-ma-tha, có chúng sinh do tiếng Tỳ-bát-xá-na, có chúng sinh do tiếng bốn Thánh đế mà được giải thoát.

Này Hải Ý! Những pháp như thế, chẳng thể nghĩ bàn, việc làm của chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn, tâm ý của chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới của chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn. Neu Bồ-tát nhập trí chẳng thể nghĩ bàn, thì khi nhập rồi, liền có thể vào khắp cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chúng sinh.

Này Hải Ý! Ví như có người đi khắp bốn phương dùng dây đan lưới; vì nhân duyên ấy, người đó bỗng nhiên ở trong lưới. Người này muốn thoát ra khỏi lưới đó, khéo dùng sức thần chú, nên sau đó, lưới này bị sức thần chú gia trì nên đều bị đứt hết. Người ấy tùy ý ra khỏi, không vướng mắc. Bồ-tát cũng giống như thế, do đầy đủ phương tiện khéo léo nên vào khắp tất cả tâm ý chúng sinh, vào rồi liền có thể dùng sức minh chú Bát-nhã ba-la-mật-đa dứt hết phiền não buộc ràng của tất cả chúng sinh, nhưng Bồ-tát cũng không chứng Phật trí mà vì khắp tất cả chúng sinh hiện khởi, hành dụng tất cả Phật sự.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi Tử tiến tới trước, thưa với Thế Tôn:

–Hy hữu thay, Thế Tôn! Có vô lượng tâm hành của chúng sinh cho đến trí Phật chẳng thể nghĩ bàn, thật rất kỳ diệu! Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát mới phát tâm, nghe nói vô lượng tâm hành này của chúng sinh và vô lượng trí Phật thì khi nghe rồi có sinh kinh sợ không?

Phật nói:

–Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Theo ý ông thì sao? Ví như sư tử con mới sinh nghe tiếng sư tử gầm có kinh sợ chăng?

Xá-lợi Tử thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không!

Phật nói:

–Này Xá-lợi Tử! Bồ-tát mới phát tâm, cũng giống như thế, nghe Phật Như Lai gầm lên tiếng gầm sư tử rồi, chẳng sinh kinh sợ. Nghe nói vô lượng tâm hành của chúng sinh rồi cũng không kinh sợ. Này Xá-lợi Tử! Lại như một đốm lửa nhỏ không sợ hãi tất cả cỏ cây, lửa cũng không nghĩ: Ta không có năng lực thiêu đốt các cỏ cây. Bồ-tát mới phát tâm cũng giống như thế, ánh sáng trí tuệ tuy rất nhỏ nhưng đối với phiền não của tất cả chúng sinh không sinh sợ hãi. Bồ-tát cũng không nghĩ thế này: Ta không thể dứt phiền não của chúng sinh. Vì sao? Nếu Bồ-tát khởi ý sâu xa kiên cố và dùng tuệ thành tựu mà quán sát như thật thì liền có thể dứt trừ phiền não của chúng sinh.

Này Xá-lợi Tử! Lại như vào thời kỳ kiếp tận, có lửa cùng với tất cả cỏ cây, lùm rừng, hoa quả trên mặt đất hẹn sẽ đánh nhau; đến ngày thứ bảy, sẽ khởi chiến. Khi ấy, cỏ cây trên mặt đất và tất cả cỏ cây khác nhóm họp lại, bàn luận với nhau: “Quý vị có sức mạnh có thể viện trợ cho chúng tôi”. Bấy giờ, các loại cây cỏ dồn chứa lại thành đống cao như núi Tu-di. Có người đến bảo với lửa: “Cỏ cây dồn lại quá nhiều, ngươi chỉ lẻ loi một mình, tại sao ngươi không cầu trợ giúp cho nhiều? Sức của ngươi làm sao có thể địch lại với số đông cỏ cây?” Lửa kia đáp: “Tôi nay không cần cầu ai giúp sức. Vì sao? Vì các cỏ cây tuy nhiều, nhưng sức của tôi có thể địch lại tất cả, làm cho lũ cỏ cây kia đều bị tiêu diệt, không còn gì.” Bồ-tát cũng vậy, tùy theo tất cả phiền não của vô lượng chúng sinh, Bồ-tát tức thời phóng vô lượng lửa trí tuệ, sức lửa ấy sẽ thắng địch. Lại nữa, Bồ-tát phát khởi ý sâu xa kiên cố, ở trong khối phiền não của tất cả chúng sinh, dùng tuệ đã thành tựu mà quán sát như thật, liền có thể dứt trừ phiền não của các chúng sinh. Hoặc nếu Bồ-tát thủ chứng pháp lìa phiền não mà xả phiền não thì liền nhanh chóng rơi vào quả vị Thanh văn, Duyên giác.

Này Xá-lợi Tử! Vì vậy cho nên, ông phải biết, nếu Bồ-tát nào ở trong khối tất cả phiền não mà có thể tác ý sâu xa kiên cố, quán sát như thật thì đối với sức của tất cả các loại phiền não đều có thể thắng phục. Này Xá-lợi Tử! Nếu có người được nghe nói như thế rồi, mà chẳng kinh sợ thì nên biết, đó là Bồ-tát có phương tiện khéo léo.

Này Xá-lợi Tử! Lại như rắn độc khi cắn thì không có bạn giúp sức. Bồ-tát mới phát tâm cũng vậy, khi tu tập pháp phần Bồ-đề, cũng một mình, không có bạn bè giúp sức, chỉ tự tu tập pháp phần Bồ-đề. Lại như lửa đom đóm chẳng thể hơn ánh sáng to lớn của trăm ngàn mặt trời, tất cả phiền não, cũng lại như thế, chẳng thể địch nổi ánh sáng trí tuệ của Bồ-tát. Lại như loại thuốc trừ độc, hình dạng tuy rất nhỏ nhưng có thể giải trừ sự độc hại to lớn. Bồ-tát cũng vậy, loại thuốc trí tuệ, tuy rất nhỏ nhưng có thể dứt trừ các độc phiền não. Lại như trời mưa, cơn mưa đồng một vị, tùy theo chỗ mưa rơi, đồ chứa có khác nên thành ra các loại mùi vị sai khác. Bồ-tát cũng vậy, tu tập trí Nhất vị giải thoát, tùy theo căn tánh của các loài chúng sinh mà có các loại thuyết pháp khác nhau. Lại như vàng Diêm-phù-đàn xuất hiện trên đời, sáng chói, làm lu mờ các loại châu báu khác. Bồ-tát đại bảo xuất hiện thế gian cũng giống như vậy, sáng chói che mờ tất cả Thanh văn, Duyên giác. Lại như Chuyển luân thánh vương xuất hiện ở thế gian, tất cả tiểu vương đều quy hướng. Bồ-tát là con của đấng Pháp vương, cũng lại như thế, nếu phát tâm đại Bồ-đề, tất cả Trời, Người, A-tu-la… ở trong thế gian, đều đảnh lễ quy hướng. Lại như chúng sinh mỏng phước, tuy gặp được cơn mưa báu nhưng không tiếp nhận được gì. Các loại chúng sinh không trồng thiện căn, cũng giống như vậy, tuy phát tâm Bồ-đề nhưng không thành tựu. Lại như thế gian nếu không có giống mía thì không thể sinh vị ngọt. Bồ-tát cũng vậy, nếu không có hạt giống tâm đại Bồ-đề thì không thể thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Trang: 1 2 3 4 5 6