SỐ 198
PHẬT NÓI KINH NGHĨA TÚC
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt chi.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN HẠ

11- KINH PHẠM CHÍ MÃNH QUÁN

Nghe như vầy:

Đức Phật trụ dưới một cội cây tại thành Ca-duy-la-vệ thuộc vương thổ họ Thích cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo đều là bậc A-la-hán, đã cất gánh nặng xuống, văn nghĩa đều thông suốt, không còn phải thọ thân sau.

Bấy giờ từ mười phương thế giới, các vị trời có sức thần diệu cùng vân tập xuống, đến chỗ Đức Phật mong được diện kiến Đức Thế Tôn và chư vị Tỳ-kheo Tăng. Bốn vị Phạm thiên vương cùng bảo với Thiên chúng:

–Các vị Sơ học nên biết, Đức Phật đang trụ dưới một cội cây tại thành Ca-duy-la-vệ thuộc vương thổ dòng họ Thích cùng với năm trăm vị A-la-hán và có cả các vị trời có sức thần diệu ở mười phương thế giới cùng đến để lễ Phật, muốn được chiêm ngưỡng uy thần của Đức Thế Tôn và chư vị Tỳ-kheo. Nay sao ta lại không đến đó để chiêm ngưỡng uy thần của Ngài.

Bốn vị Thiên vương liền cùng Thiên chúng ở cõi trời thứ bảy bay xuống, trong khoảng thời gian một người co duỗi cánh tay đã đến gần bên cạnh Đức Thế Tôn. Tất cả các vị trời đều đến đảnh lễ Đức Phật và chư Tỳ-kheo, rồi mỗi vị đều ngồi xuống. Vị Phạm thiên vương thứ nhất ngồi trên tòa nói kệ:

Nay hội lớn ở giữa rừng
Chư Thiên chiêm bái Thế Tôn
Con nay đến để nghe pháp
Và mong gặp chúng Ứng chân.

Vị Phạm thiên thứ hai cũng ngồi trên tòa nói kệ:

Học chúng này nên nhiếp ý
Học và hành theo chánh hạnh
Như xa phu khéo giữ cương
Phòng hộ mắt, tâm tỉnh giác.

Vị Phạm thiên thứ ba ngồi trên tòa nói kệ:

Tận lực đoạn bảy niệm tà
Tâm định tĩnh như gang sắt
Ý quán tịnh, xả cấu trần
Tuệ nhãn sàng, tâm thông suốt.

Vị Phạm thiên thứ tư ngồi trên tòa nói kệ:

Dốc lòng quy mạng Thế Tôn
Chết không sinh theo tà ám
Xả thân người sau chuyển sinh
Được thân trời lìa tai hoạn.

Lúc đó, có một vị Phạm chí tên Mãnh Quán ngồi một chỗ trong đại chúng sinh tâm nghi các lời ấy. Đức Phật biết ý niệm nghi ngờ của Phạm chí Mãnh Quán nên hiện ra một Đức Hóa Phật, dung tướng đẹp đẽ tuyệt trần, mọi người thấy qua đều hoan hỷ. Ngài có ba mươi hai tướng của Bậc Đại Nhân, thân tỏa ra ánh sáng màu hoàng kim, vận Đại y, trên y cũng tỏa ánh sáng như thế. Đức Phật Hóa than hướng về Đức Phật chắp tay nói kệ khen:

Ai mong hiểu việc, cần biết
Muốn Thắng Tuệ nên tự thuyết
Người nắm rõ được pháp này
Cầu chánh hạnh, đừng hiểu sai.
Chấp như vầy sinh tranh cãi
Cho người mê, ta tuệ sáng
Bình đẳng thuyết lời thật tâm
Tất cả là lời thiện thuyết.
Không hiểu rõ pháp Hữu, Vô
Mê, vô tuệ, không trí sáng
Đều khổ, mê, xa tuệ rạng
Các niệm tâm đều u ám.
Bỏ niệm chấp, hành theo đó
Tuệ được tịnh,ý thiện lành,
Lầm chấp đó, tuệ suy giảm
Mọi chấp trước cần lắng tịnh.
Không chấp ngã là tối thắng
Chuyển tâm si, không bị buộc
Điều tự thấy cho chánh chân
Thân tự si, thêm ngã chấp,
Tự nói pháp độ vô cùng
Tự thân không, tham trộm lấy
Tám niệm si mãi chuyển xoay
Học điều gì cũng vô lý.
Tuệ quán suốt hữu và vô
Rõ chân lý không ngược đổi
Theo tư ý, chưa đạt lý
Nên học mãi vẫn lặng câm.
“Đạt không nói là pháp gì?”
“Ai là bậc thuyết lý chân?”
“Cần theo gì đạt viên lý?”
“Từ đâu khởi ý thức sinh?”
“Tâm chưa thoát sao nói thoát?”
Từ dị tưởng khởi phân suy
Mắt thấy cảnh liền bị trói
Thức dối lừa chấp thành hai.
Nghe, thấy chỉ bởi ý hành
Đắm dục, thức tạo tranh chấp
“Ngưng thẩm suy phải quán gì?”
Do si ấy càng chấp thủ.
“Đã si mê sao thuyết lý?
Người thuyết lý nên tuệ rạng”
Ta cũng tự thuyết thiện pháp”
Tranh công người oán liền sinh.
Mãi tà kiến theo lầm thầy
Trí tà ác luôn lôi kéo
Thường phỉ báng không ngừng nghỉ:
“Ta trì giới luôn quang minh.”
Thấy chân lý, tà không thẹn
Có tự thẹn, trí sáng hiện.
Mọi chấp trí do phân biệt
Lòng si mê không trí hạnh:
“Ta theo đế nên tuyên thuyết
Khiến mọi người tự tịnh pháp.”
Chấp theo đó bị loạn tâm
Do niệm ấy khổ, ô nhiễm
Theo dị hành được hiểu tịnh
Tuy như thế không toàn thịnh.
Chúng dị học nghe ngồi an
Lòng tham, ngã thêm kiên cố
Tự ngã nặng nên phòng tham
Có si mê, nào được thuyết.
Tùy lời thuyết chưa tịnh thanh
Nhưng độ người thành pháp diệu
Đạt lý rồi giảng tự tại
Dù cõi trần đầy loạn suy
Rời tất cả không khởi niệm
Không diệu ngữ vẫn tuyên thuyết.

Phật nói kinh Nghĩa Túc này xong, các Tỳ-kheo đều hoan hỷ.


12- KINH PHẠM CHÍ PHÁP QUÁN

Nghe như vầy:

Đức Phật trụ dưới một cội cây tại thành Ca-duy-la-vệ, vương thổ dòng họ Thích cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo đều đã đạt quả Ứng chân, đã đặt gánh nặng xuống, theo nghĩa tự chứng, không còn tái sinh.

Khi ấy các vị trời có sức thần diệu ở mười phương thế giới đến lễ Phật muốn xem đức độ của Thế Tôn và chư Tỳ-kheo Tăng. Bốn vị Thiên vương ở tầng trời thứ bảy cùng bảo các Thiên chúng:

–Học chúng nên biết, Đức Phật đang trụ dưới một cội cây tại thành Ca-duy-la-vệ, vương thổ dòng họ Thích cùng năm trăm vị Chân nhân, và có cả các vị trời có sức thần diêu ở mười phương thế giới đều đến lễ Phật, muốn xem uy thần của Đức Thế Tôn và chư Tỳ-kheo. Chúng ta nay sao không đến để xem uy thần của Ngài.

Bốn vị Thiên vương liền cùng Thiên chúng ở tầng trời thứ bảy bay xuống, trong khoảng thời gian một người co duỗi cánh tay đã đến bên cạnh chỗ Đức Phật. Các vị cùng tới lễ Phật và các vị Tỳ-kheo Tăng rồi mỗi người ngồi trên tòa của mình. Vị Phạm thiên thứ nhất ngồi trên tòa nói kệ:

Nay hội lớn ở giữa rừng
Chư Thiên chiêm bái Thế Tôn
Con cũng đến để nghe pháp
Và mong gặp chúng Ứng chân.

Vị Phạm thiên thứ hai ngồi trên tòa nói kệ:

Học chúng này nên nhiếp ý
Học và hành theo chánh hạnh
Như xa phu khéo giữ cương
Phòng hộ mắt, tâm tỉnh giác.

Vị Phạm thiên thứ ba ngồi trên tòa nói kệ:

Tận lực đoạn bảy niệm tà
Tâm định tĩnh như gang sắt
Ý quán tịnh, xả cấu trần
Được tuệ nhãn, tâm thông suốt.

Vị Phạm thiên thứ tư ngồi trên tòa nói kệ:

Dốc lòng quy mạng Thế Tôn
Chết không sinh theo tà ám
Xả thân người sau chuyển sinh
Được thân trời lìa tai hoạn.

Trong chúng hội lúc đó, có một Phạm chí tên Pháp Quán cũng ở trong đại chúng suy nghĩ việc đó, thấy bậc đã giải thoát nơi Nê-hoàn mà còn có thân thể nên sinh ý nghi ngờ. Phật biết Phạm chí Pháp Quán sinh niệm nghi nên hiện ra một Đức Hóa Phật, dung tướng đẹp đẽ tuyệt trần, mọi người xem qua đều hoan hỷ, có ba mươi hai tướng của Bậc Đại Nhân, thân tỏa ra ánh sáng màu hoàng kim, vận Đại y, trên y cũng tỏa ánh sáng như thế. Đức Hóa Phật hướng về Đức Phật chắp tay, nói kệ khen:

Theo nhân duyên hiện có nói
Như đã đạt đến điều thiện
Niệm ta, người cũng nhẹ qua
Hay cũng trú trong duyên thiện.
Không tự tri nên xấu hổ
Do tranh biện nói thành hai
Biết như thế nên xả bỏ.
Quán nguyện yên, không loạn xứ
Mọi việc bình như đất phẳng
Chưa tỏ phân nên đẳng tâm
Theo điều gì sinh phân biệt?
Điều nghe thấy chớ tác tưởng
Nương đắm chúng khởi ác tâm
Chỉ hướng niệm theo nghe, thấy
Cả hai tịnh, ai tỏ sáng?
Chưa trừ ái, thân hoàn thân
Vì chấp giới phạm thanh tịnh
Quán và hành cùng thông suốt
Theo đó tu nên niệm tịnh.
Cần sợ trần nương thiện thuyết
Lìa chân lý cầu tu tập
Tất cả tội do duyên ấy
Theo đúng lời, siêng cầu tịnh.
Vì quên nghĩa, khổ luân hồi
Nổ lực cầu cũng không nói
Theo mắt hành và tư duy
Trầm sinh tử cũng từ đấy.
Tuệ như thật, thuyết như thật
Giới hạnh đó đều xả bỏ
Tội hay phước cũng xa lìa
Tịnh, bất tịnh không niệm tưởng,
Không nhiễm ô, không chấp tịnh
Tu pháp đó vượt thế trần.
Nói không hành vì khinh thị
Niệm như thế liền biến tâm
Tà lợi trần đều hoặc nhiễm.
Vì chấp ấy nên tự xưng
Thấy thiện pháp là dục cấu
Tâm phân biệt chuyển tương tranh
Tự thân hành không ô nhiễm
Với lời thế đều không ngại
Với các pháp không sở hữu.
Người không tuệ thuyết pháp tịnh
Mãi bị trói tâm cố chấp.
Chư Thế Tôn hành vắng lặng
Trí vô sư thuyết chân pháp
Không pháp hành chỉ tự thuyết
Vì nhất tâm nên đều tịnh.
Nói pháp ấy, cũng phê bình
Vì sở kiến đọa chấp tịnh
Tự thân chịu oán niệm khởi.
Trí muốn thắng nói lời kiêu
Cần giải thoát điều chấp trước
Không nương tựa, niệm bất tín
Nguồn cội ấy do ham nói.
Chấp tịnh hạnh, niệm chưa trừ
Quán thế trần theo danh sắc
Lấy trí đó mà lãnh thọ
Bị dục nhiễm, ngã tướng sinh.
Chẳng chịu theo pháp thiện tịnh
Có tuệ hạnh, đắm Hữu vô
Lòng biết chánh vẫn thủ chấp
Thấy vô nhiễm là pháp hành.
Vượt tưởng loạn không thọ lãnh
Tuệ ý giải, đến vô sinh
Không phân biệt theo thức trần
Phòng chấp trước như cửa đóng
Chỉ hành quán, không thủ chấp.
Thế tôn đoạn tâm luyến trần
Mọi niệm tưởng đều không vương
Tịnh với loạn đều xả niệm.
Mọi suy hoại của phàm phu
Bỏ thành cũ không xây mới
Không có dục sao đắm trước?
Thoát tà tín vượt dũng mãnh
Đã giải thích thế, phi thế
Với vạn pháp không còn nghi
Với sở tri, nào niệm tưởng?
Buông gánh nặng thành Chánh Giác
Không lỗi nguyện luôn an trụ.

Phật nói kinh Nghĩa Túc này xong, các Tỳ-kheo đều hoan hỷ.


13- KINH PHẠM CHÍ ĐÂU-LẶC

Nghe như vầy:

Đức Phật trụ tại Lê sơn, nước Vương xá. Khi ấy bảy vị quỷ tướng quân cùng với quỷ tướng quân Quyết-ma-việt hẹn ước: vùng cai trị của vị nào sinh ra báu vật phải thông báo cho nhau biết.

Trong cái ao thuộc vùng cai trị của quỷ tướng quân Quyết-ma-việt sinh ra một hoa sen ngàn cánh, cọng lớn như bánh xe đều có màu hoàng kim. Quỷ tướng quân Quyết-ma-việt dẫn năm trăm con quỷ đến chỗ bảy vị quỷ tướng quân kia bảo:

–Hiền giả nên biết, trong chiếc ao do tôi cai quản đã sinh một hoa sen ngàn cánh, riêng cọng của nó đã lớn như bánh xe, đều có màu hoàng kim.

Bảy vị quỷ tướng quân liền báo:

–Hiền giả cũng nên biết chỗ của tôi cai quản cũng xuất hiện điều thần diệu quý báu là Đức Như Lai Chánh Giác đi độ khắp ba cõi. Lời Ngài dạy đều làm cho người thế gian được an ổn, sinh pháp lạc vô thượng kiên cố vô song. Điều quý giá xuất hiện ở chúng tôi nào như bảo vật của Hiền giả. Vào ngày mười lăm trong tháng, Ngài thuyết giới giải tội.

Quỷ tướng quân Quyết-ma-việt bảo với bảy vị kia:

Nay mười lăm ngày tịnh
Đêm sáng như vầng dương
Cầu Phật kiếm phương nào
Không tỏ nơi Ngài trụ.
Phật nay trụ Vương xá
Truyền dạy Ma-đề-nhân
Người nghe đều dứt khổ
Thấy rõ pháp thế gian
Từ khổ lại sinh khổ
Đoạn rồi, khổ không sinh
Nghe Bát chánh đạo rồi
Ưa muốn pháp canh lộ.
Nay cùng đến lễ lạy
Bậc ta hằng tôn kính.
Khởi ý đi cầu học
Nhưng niệm Hữu không dừng
Nếu còn yêu và ghét
Hữu niệm liền khởi theo.
Khi đứng đi chánh niệm
Ý lặng không sở hữu
Niệm yêu, ghét không còn
Niệm Không chẳng lôi cuốn,
Chẳng nên vướng niệm tham
Não hại không y cứ
Bỏ niệm Hữu, hạnh chân
Liệt tuệ không đắm trước.
Bỏ tham không thủ giữ
Thương, buồn, tâm nhu động
Đoạn niệm không đắm tà
Biết khổ gần làm chi?
Nên giữ miệng không dối
Không ganh, đừng ác ngôn
Chánh ngữ không gièm pha
Không nghĩ lời tranh đấu
Giữ miệng tâm chớ xảo
Chẳng ganh, nói lời ác
Giữ hạnh sao thêu dệt?
Không có sao loạn tâm?
Nếu không nhiễm dục ác
Ý sẽ tịnh không dơ
Mọi chấp trước trừ hết
Với pháp nên thẩm suy
Ắt đến được tỉnh giác.
Sở hành đều đã tịnh
Đoạn trừ hết không đắm
Nên không còn thai sinh
Thấy chân lý ba đời
Sở hành tịnh không cấu
Thành tựu mọi pháp hành
Trừ pháp định tự tại,
Thế Tôn, đức toàn thiện
Thân,khầu đều an tĩnh
Phật trụ định trong rừng
Hãy cùng đến chiêm lễ.
La-hán Lộc Tồn Trường
Ăn ít diệt tà tham
Mau đến hỏi pháp độ
Do đâu diệt thoát khổ?
Chiếm ngưỡng Đức Như lai
Sợ hãi đều không còn
Cúi đầu đảnh lễ Phật.

Bảy vị tướng quân quỷ và Quyết-ma-việt, sau đó mỗi vị có năm trăm quỷ hợp làm Thiên chúng, cùng đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật xong đứng một bên. Quyết-ma-việt quỷ tướng quân bèn bạch Phật:

La-hán Lộc Tồn Trường
Ăn ít tu đẳng tâm
Thế Tôn định trong rừng
Chúng con xin thưa hỏi:
Khổ kia từ đâu diệt
Làm thế nào thoát khổ?
Bày nghĩa đoạn nghi vấn
Làm sao thoát, không khổ
Khiến diệt trừ khổ đau
Làm dứt đi đau khổ?
Lời diệu giải nghi ngờ
Theo nghĩa không còn khổ.
Ai tạo tác đời này,
Ai tạo tác vướng mắc,
Ai tạo sở hữu đời
Ai tạo làm đời khổ?
Sáu tạo tác đời này
Sáu tạo thành vướng mắc
Sáu tạo thành sở hữu đời
Sáu tạo làm đời khổ.
Đời này ai được độ
Đêm ngày trọn không nghỉ
Chẳng vướng cũng chẳng mắc?
Vực sâu ai chẳng chìm?
Tất cả theo thọ trì
Hành theo tuệ nghĩ tưởng
Lòng niệm theo ý thức
Là đức vượt bờ kia.
Lìa xa dục tưởng đời
Gặp sắc cũng chẳng màng
Chẳng vướng cũng chẳng mắc
Là chẳng chìm vực sâu.
Từ đâu còn sáu hướng
Làm sao không còn nữa
Ai khổ cũng nghĩ vui
Diệt tận chẳng còn gì?
Sau đó hoàn sáu hướng
Sinh ấy chẳng còn sinh
Danh diệt, dứt vô sắc
Hết tận còn lại gì
Vui mừng bước qua đường.
Bảy vị Đại tướng quân
Hiểu nên báo ân sâu
Đức Phật hiện khai đạo
Pháp thí là vô thượng.
Nay ma họp ngàn chúng
Đều chắp tay đứng yên
Tất cả tự quy mạng
Với Thế Tôn Đại Sư.
Nay tỏ lời cáo biệt
Thảy về trông việc nước
Đều lễ Bậc Chánh Giác
Niệm pháp nương pháp Phật.

Bấy giờ giữa tòa có vị Phạm chí tên Đâu-lặc, cũng ở trong chúng, nhân lúc ấy bèn khởi ý với Bậc Tịch diệt Giải thoát, sinh lòng nghi ngờ. Phật biết Đâu-lăc có ý sinh nghi ngờ, bèn hóa ra Đức Phật hình dung đoan chánh đẹp vô cùng, người trông thấy không ai là chẳng vui. Hình thể vượt hẳn chư Thiên, thân có ba mươi hai tướng Đại nhân, sắc vàng tía, mặc y đại pháp. Đệ tử cũng là hóa nhân. Hóa nhân vừa nói, đệ tử cũng nói. Đệ tử vừa nói, hóa nhân cũng nói. Hóa nhân do Phật tạo ra. Hóa nhân nói thì Phật im lặng.

Phật nói năng thì hóa nhân im lặng. Vì sao? Vì để chế phục mọi niệm. Hóa Phật bèn vén y bày vai phải, chắp tay dùng kệ tán thán:

Nguyện xin hỏi Đấng Hiền Thần
Xa lìa tịch tĩnh rất vui
Từ đâu học được diệt tận
Đều chẳng thọ sở hữu đời?
Do đa dục nên ngã hiện
Cứ nương theo tất phải loạn
Ấy là ái dục bên trong
Làm biến hoại đi giác thức.
Chẳng dùng thì liền tự thấy
Chi bằng giảm trừ các thứ.
Tuy nghe thính chúng xưng tán.
Chẳng khinh mạn với kẻ khác
Như sở pháp đã được biết
Hoặc bên trong, hoặc bên ngoài
Nẩy xin sức mạnh từ trong
Không chỗ nắm bắt có, không.
Nên tự giữ hạnh cầu diệt.
Chứ theo người học cầu diệt
Lấy ý tự hành đoạn diệt
Cũng chẳng tùy vào nơi nào.
Như ở giữa chỗ biển khơi
Không sóng dâng, rất yên lặng
Hết thảy dừng nghĩ như vậy
Chẳng giác cùng ý với thức.
Nguyện làm con mắt Đại tuệ
Đã chứng pháp lại hiện thấy
Nguyện làm thiện thứ quang nhân
Từ trí định biết các thứ.
Mắt nhiếp nhìn, hai bên khác
Bịt tay lại chẳng đón nghe
Theo vị giới, chẳng tham trước.
Ta chẳng có gì trong đời.
Thân có đây như thô tế
Chẳng nghĩ tưởng khởi sầu tư
Liền khởi sinh nguyện như vậy.
Gặp hãi sợ, tuệ chẳng ngại
Được lương thực và thức ăn
Như chiếc y đang dùng đây
Biết dừng đủ sau chẳng lo,
Theo định đó, chẳng tham thêm
Thường tu định vui trong rừng
Xả là lý không hí phạm
Khi ngồi cũng như lúc nằm.
Chỗ thanh tịnh nỗ lực học
Chẳng tự sợ mất khi ngủ
Việc học hành thường giữ nghiêm
Dứt mê mờ và bởn cợt.
Muốn đời tốt tất xa lìa
Dứt tổn hại liền rõ mộng
Đừng quán để hiện thiện ác
Đừng hiện tuệ nơi bào thai
Tất chẳng gần gũi với Thiên.
Đừng tạo tác nơi mua bán
Đừng theo đó làm tư lợi
Đừng tham đắm nơi quê nước
Chẳng theo đó cầu dục lợi.
Đừng mừng vui chẳng thành thực
Cũng chẳng nói lời đôi nghĩa
Sở hành tận vì cầu tuệ
Giữ giới chẳng chút xem thường.
Đến kết cùng chẳng sợ hãi
Gặp hiền nhân chẳng lớn lời
Bỏ lòng tham không đố tật
Bỏ hai lời pháp hận bi.
Lòng muốn học lời tham trước
Cũng chẳng buông tiếng thô lậu.
Không xấu hổ, chẳng học đòi
Hành buông xả, chẳng giữ oán
Bày thô ác lời chẳng thiện.
Cùng học đòi như phàm nhân
Khéo ngăn lại chớ theo cùng
Tuệ ứng hiện thân chẳng lỗi.
Theo Như Lai lấy làm chính.
Chẳng buông tâm ý vu vơ
Từ tĩnh lặng biết diệt tận
Chẳng nghi ngờ lời Phật dạy.
Tự trí tuệ pháp chẳng mất
Chứng pháp thấy biết vô số
Thường theo học tuệ Như Lai
Lại chẳng vướng theo tuệ ấy.

Phật giảng kinh Nghĩa Túc này xong, các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ.


14- KINH LIÊN HOA SẮC TỲ-KHEO-NI

Nghe như vầy:

Phật tại cõi trời Nhẫn lợi sắp mãn ba tháng an cư kiết hạ cây Ba-lợi-chất-đa trổ hoa rất nhiều. Ngài ngồi trên phiến đá nhu nhuyến, muốn thuyết kinh cho mẹ cùng chư Thiên trên cõi trời Đaolợi.

Bấy giờ Thích Thiên vương đến chỗ Phật hành lễ, rồi bạch Phật:

-Nay con nên dùng thời nào để đợi nghinh tiếp Đức Thế Tôn?

Phật bảo Thiên vương:

–Dùng thời Diêm-phù-lợi đợi Ta.

Thiên vương nghe dạy bèn lễ Phật và hoan hỷ lui ra.

Bấy giờ Hiền giả Đại Mục-kiền-liên cũng ở tại Xá-vệ, cũng an cư mùa hạ trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc vừa xong. Lúc ấy bốn chúng đều đến chỗ Tôn giả Mục-kiền-liên. Chúng Tỳ-kheo,

Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, bốn chúng đồng lễ Tôn giả Mục-kiềnliên, rồi đứng sang một bên, cùng hỏi:

–Thưa ngài Mục-kiền-liên, nay ba tháng hạ an cư đã xong, Đức

Thế Tôn đang ở tại nơi nào?

Mục-kiền-liên báo cùng bốn chúng:

–Nay Đức Phật đang ở tại cõi trời Đao-lợi. Sắp hết ba tháng hạ, nhớ mẹ mang thai cần khổ nên Ngài còn lưu lại thuyết kinh cho mẹ và chư Thiên cõi trời Đao-lợi, dưới cội cây Ba-lợi-chất-đa, trên phiến đá nhu nhuyễn. Cây ấy cao bốn ngàn, cành lá trải rộng hai ngàn dặm, rễ cây sâu xuống hai trăm lẻ tám ngàn dặm. Chỗ đá ngồi lún sâu xuống bốn tấc, khi bỏ ra thì nó trở lại như cũ.

Ngài Đại Mục-kiền-liên lại rộng vì bốn chúng thuyết kinh pháp, rồi yên lặng. Bốn chúng nghe kinh, hoan hỷ ghi nhớ, đảnh lễ ngài Mục-kiền-liên trở về.

Ba tháng an cư đã xong, bốn chúng lại tập hợp đến chỗ ngài Mục-kiền-liên cúi đầu đảnh lễ xong, ngồi xuống rồi bạch ngài Mụckiền-liên:

Lành thay! Thưa Hiền giả, bậc có nhiều thần lực ở trong chúng mong làm phiền uy thần đến chỗ Phật, vì người thế gian mà đảnh lễ dưới chân Phật, chuyển lời chúng con bạch Phật: Bốn chúng cõi Diêm-phù-lợi đang khao khát muốn nhìn thấy Thế Tôn. Lành thay!

Đức Phật thương tình người thế gian nguyện xuống cõi Diêm-phù-lợi. Mục-kiền-liên nghe vậy im lặng. Bốn chúng lại được nghe qua giáo pháp và đồng hoan hỷ. Mục-kiền-liên từ biệt. Bốn chúng làm lễ, rồi nhiễu quanh Ngài xong ra về.

Bấy giờ ngài Mục-kiền-liên bèn dùng định ý, như tráng sĩ co duỗi cánh tay, từ cõi Diêm-phù-lợi biến mất đi đến cõi trời, cách Phật không xa. Bấy giờ Đức Phật ở giữa vô số chư Thiên, ngồi giảng kinh pháp. Mục-kiền-liên bèn khởi tưởng Như Lai đang ở giữa chúng chư Thiên, cách Diêm-phù-lợi như khoảng cánh tay co duỗi. Phật liền biết khởi niệm của ngài Mục-kiền-liên, bèn báo Mục-kiền-liên:

–Không như ở hàng thế gian, quyết đi thì liền đi, muốn đến là liền đến, đến đi là tùy sở niệm của ta.

Mục-kiền-liên bạch Phật:

–Thiên chúng này có nhiều vui thú. Trong chúng chư Thiên có người trước kia một lòng quy y Phật, sau khi thọ mạng tận lại sinh vào cõi Thiên. Hoặc có kẻ quy y Pháp hoặc quy y Tăng, sau khi thọ mạng lại sinh cõi Thiên. Hoặc có kẻ đời trước thanh tâm lạc đạo, sau khi mạng chung lại được sinh Thiên.

Phật bảo:

–Này Mục-kiền-liên, đúng như vậy. Trong cõi trời, những người trước kia có lòng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, tâm vui thích đạo, sau khi mạng chung đều sinh lên cõi trời.

Bấy giờ, Đế Thích ngồi bên Phật, lắng nghe lời Phật và Mụckiền-liên bèn lên tiếng:

–Lời của Hiền giả Mục-kiền-liên nói quả đúng như vậy. Thân đời trước quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng, và tâm thanh tịnh vui thích đạo, đều sinh lên cõi trời.

Khi ấy có tám vạn vị trời đều ngồi phía sau Đế Thích, chư Thiên đều muốn nghe lời Phật và Mục-kiền-liên cùng lời của Thiên vương, bèn nói:

–Hiền giả Mục-kiền-liên, đúng như lời Hiền giả đã nói, có những người đời trước kia thân quy y Tam chánh, tâm thanh tịnh vui thích đạo. Sau khi mạng chung đều sinh cõi trời.

Bấy giờ, tám vạn vị trời có duyên với ngài Mục-kiền-liên, thảy đều tự thuật đã chứng được quả Câu hạng.

Mục-kiền-liên bèn đến trước đảnh lễ, đầu mặt cuối xuống chân Phật, rồi bạch Phật:

–Bốn chúng ở Diêm-phù-lợi đang khao khát được gặp Phật. Lành thay, nguyện Thế Tôn thương tưởng thế gian mà xuống cõi Diêm-phù-lợi.

Phật bèn bảo ngài Mục-kiền-liên:

–Ông hãy xuống báo với bốn chúng thế gian, sau bảy ngày Phật sẽ từ cõi trời xuống hội An tường ở rừng cây Ưu-đàm. Mục-kiền-liên vâng nhận lời dạy, bèn làm lễ, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi dùng định ý, trong khoảnh khắc như tráng sĩ co duỗi cánh tay, biến mất nơi cõi trời Đao-lợi, và trụ tại đất Diêm-phù-lợi, báo cùng người thế gian:

–Đức Phật sau bảy ngày sẽ từ cõi trời xuống hội An tường, nơi rừng cây Ưu-đàm.

Phật nơi cõi trời bèn dùng định ý, như lực sĩ co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc, từ trời Đao-lợi lên đến cõi Diêm thiên, thuyết giảng kinh cho chư Thiên. Rồi rời cõi Diêm thiên đến Đâu-thuật thiên, lại rời Đâu-thuật thiên đến Bất kiêu lạc thiên, Hóa ứng thanh thiên, Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên, Đại phạm thiên, Thủy hành vi thiên, Vô lượng thủy thiện, Thủy âm thiên, Ước tịnh thiên, Biến tịnh thiên, Tịnh minh thiên, Thủ diệu thiên, Huyền diệu thiên, Phước đức thiên, Đức thuần thiên, Cận tế thiên, Khoái kiến thiên, Vô kết ái thiên, đều thuyết giảng kinh, khiến tất cả đều hoan hỷ.

Sau đó, Phật lại từ cõi Sắc thiên xuống trụ tại Tu đại thí thiên. Từ trên xuống tất cả là hai mươi bốn cõi trời. Đến trụ tại cõi trời thứ ba, xong lại dừng trên cõi Hữu sắc thiên, lại xuống Hữu dục thiên, đến trụ trên đỉnh Tu-di ở cõi trời thứ hai. Bấy giờ có vị Thiên tử theo giáo ý Xiêm Bị vương bèn hóa làm ba bệ: Một là bệ vàng, hai là bạc, ba là lưu ly. Phật từ đỉnh Tu-di bước xuống bệ lưu ly dừng lại.

Phạm thiên vương cùng các vị trời ở cõi Hữu sắc thiên đều theo bên phải, Phật trụ ở thềm vàng. Thiên vương Đế Thích cùng các chư Thiên Hữu dục theo bên trái Phật, trụ tại thềm bạc. Đức Phật cùng vô số chư Thiên cõi trời Hữu sắc Đế Thích, vô số chư Thiên cõi trời Hữu dục cùng nhau xuống Hội An tường ở cõi Diêm-phù-lợi, bên rừng cây Ưu-đàm. Điều này khiến cho vô số nhân dân đến dự hội  muốn thấy được Phật, muốn nghe pháp.

Lúc bấy giờ, Liên Hoa Sắc Tỳ-kheo-ni hóa mặc trang phục Kim luân vương mở ra lối đi bảy báu, cùng các binh lực sĩ bay mau đến Phật. Các đại chúng nhân dân cùng trưởng giả, Đế vương từ xa thấy Kim luân vương đáp xuống, chẳng ai dám ngăn, lại lánh rộng ra làm thành đường lớn. Liên Hoa Sắc Tỳ-kheo-ni đi đến chỗ Phật.

Khi ấy trời trông thấy người, người cũng nhìn thấy trời. Do uy thần của Phật mà trời xuống thấp, đất cao lên. Người đều như nhau, trời không ý tham nơi người, người cũng không ý tham nơi trời. Bấy giờ có người tham trước thích thú Kim luân vương. Khi ấy lại có một Tỳ-kheo đi đến cách Phật không xa, bèn ngồi xuống thân thẳng, ý giữ lấy giới. Vị Tỳ-kheo trông thấy trời tụ họp vui vầy, người cũng họp lại vui vầy, bèn tự phát khởi niệm: “Tất cả đều là vô thường, tất cả là khổ, tất cả là không, tất cả chẳng phải ngã thì còn tham gì, còn nguyện gì, cho đến nào có gì”. Vị Tỳ-kheo ngay tại chỗ này liền đắc quả Dự lưu và tự chứng. Phật biết người, biết trời, biết vị Tỳ-kheo kia ý sinh niệm tưởng như vậy, bèn thuyết kệ:

Có lợi được nhân tình
Trì giới được làm Thiên
Ở thế riêng làm vua
Kiến đế là tôn quý.

Lúc ấy Liên Hoa Sắc Tỳ-kheo-ni vừa đến trước Phật, liền thu nhiếp bảy báu thần túc và các chúng binh đều biến mất; riêng một mình không mũ che, mặc y pháp, đảnh lễ dưới chân Phật.

Đức Phật nhân đó đến rừng Ưu-đàm, bày thành chỗ ngồi, vừa ngồi xuống liền vì đại chúng nhân dân giảng rộng kinh pháp. Ngài thuyết về Bố thí, Trì giới, khéo hiện ra cảnh trời. Thuyết về dục, năm điều ưa thích thống khổ đều là ác. Đức Phật biết mọi người cũng có ý xa lìa sự thô lậu bèn hiện Khổ đế, Tập, Tận, Đạo đế.

Trong chúng có người quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng; có người tùy lực giữ giới, có người đắc quả Câu hạng, tự chứng Nhất lai, cho đến chứng quả Bất hoàn. Bấy giờ Hiền giả Cung Tự Tại từ chỗ ngồi bèn đứng lên vén y bày vai phải, hướng về Đức Phật, chắp tay nói kệ xưng tán Phật:

Cung kính Bậc Hùng Biến quán
Thấy đế hiện thuyết độ chúng
Nghĩ tưởng phước thường xót thương
Được trời người đều khen ngợi.
Lại đạo ấy độ vô cùng
Bỏ sợ hãi được an lạc
Diễn rộng pháp soi khắp nơi
Trong an lạc đều bất tử.
Giới Phật biển rộng vô biên
Nghĩa sâu sáng đại thiện hạnh
Không trước nhiễm mọi uế tịnh
Thuyết tuệ độ qua ba cõi.
Không tổn thương, không tăng giảm
Phật chẳng trước nhiễm hành xả
Bậc Tôn Giới, Thầy ba cõi
Gặp tại thế, không trở lại
Tâm trụ hiền ai hơn Phật
Định tự tại vượt trời người
Sức tuệ sáng rực sắc vàng
Trời người nào chẳng lễ Phật.
Thầy quán thế hai hội chúng
Tuy quán xả, chẳng vướng qua
Ý quán tâm lại vô trước
Ba cõi không, Phật sở không
Nhổ tận gốc mọi tục hạnh
Dùng cam lộ, định chí định.
Nay Thiên thần quy phục Phật
Đều chắp tay quán giác thân
Tâm không nghi vui hiền pháp
Đều hiểu biết tâm trời người
Cũng như tâm hành trùng thú
An tịnh lại động lòng thương.
Tự phóng hóa lên cõi trời
Chân chánh định khéo thu nhiếp
Ngăn ý, giữ lấy niềm tin
Bậc Giác Thế cõi trời người
Đạo đức vượt có ai bằng
Quán hình Phật nào có chán.
Trong ba cõi riêng bước đi
Nghĩa giới vững như núi báu
Chẳng sợ hãi trong ba cõi
Bỏ tật niệm, không ái ân.
Tuệ, định sáng như mặt trời
Trăng trong đêm không tỳ vết.
Theo tịnh giới, hiện tịnh hạnh
Có tịnh tuệ hơn hẳn tịnh
Trụ pháp tịnh, hiện ánh tịnh,
Tuyết núi cao thấy sáng ngời
Đêm rằm, sao trong trăng sáng
Pháp tất chiếu sáng trời người
Thân tướng hiện châu Anh lạc.
Bậc đế trong đế khéo thuyết
Tự hành lấy vốn không thầy
Riêng con nhà Phật thấy diệu
Ngàn mắt tuệ trừ thương tật
Lời đầy ý thắm không thô
Trổi bi thanh chỗ trời người.
Nghe lời Phật, pháp dịu ngon
Khát uống no như sông biển
Sao lại không giữ pháp ấy?
Cứ trì hành đến an tịnh.
Thuyết nghĩa đọan sau không tưởng.
Lắng nghe Phật, mắt chú nhìn
Tuệ hiện đường chẳng tà vạy
Người đi trước vốn đã thành.
Nguyện ý nhắn người mê sau
Như Phạm vương chiếu khắp không
Thần, trời vẫn nghĩ thế nhân
Thần hành, nghĩa không chỗ sánh
Theo pháp ấy bỏ thế niệm
Phật vẫn tại chốn vô dư.

Bấy giờ Hiền giả Xá-lợi-phất ngồi ở giữa chúng, bèn rời khỏi chỗ ngồi, chắp tay nói kệ tán thán:

Chưa từng thấy có việc này
Chưa từng nghe có ai nói
Phật như vậy, uy Thiên thần
Từ trời Đâu-thuật đến đây.
Khắp trời người đều ủng hộ.
Trọng ái tục như thân mắt
Thảy an tịnh không lay chuyển
Tự vui lấy trong độc hạnh
Vô ưu, hiểu thấu, khéo hành
Dạy cõi trời lại xuống trần
Khiến tâm giải trừ thân dục
Ác hạnh dứt, hiện nghĩa thiện.
Nếu Tỳ-kheo có tâm chán
Hành có bại, có chỗ không
Dưới cội cây như đồng trống
Tại núi sâu trong am vắng
Như chỗ cao xuống đất nằm.
Bọn phàm phu lại lo sợ
Làm cách nào để không sợ?
Hoặc sở hành cho sau này?
Chúng trần kia lại đến nghe.
Như xưa nay theo phương tiện
Chỗ Tỳ-kheo không ý nhiễm
Chỗ lặng dứt không tiếng vang
Miệng nói ra là thiện ác.
Tại chỗ hành nên làm sao?
Giữ giới, trụ hạnh không buông
Tỳ-kheo cầu học an tường.
Sao là học giới bất lậu?
Riêng cứ thường hành không bạn
Diệt tối tăm cầu sáng mắt
Muốn thanh trong sạch bụi tâm..

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

–Ý ông còn có chỗ chán ghét, có chỗ trước nhiễm, trụ trong không, mãi hành dục học. Nay nói pháp Như khiến ông nghe biết:

Mọi khủng bố, tuệ không ngại
Chí tâm học lìa ham muốn
Loại châu chấu cũng loài sâu
Người ghét tiếng thú bốn chân.
Không pháp thân, chẳng ý thức
Không sắc thanh chẳng ánh quang
Thảy không ta nên xả, nhẫn
Chớ nghe thiện lánh xa tham.
Thân không bị điều đau đớn
Lo sợ tất phải nhận lấy
Gặp khổ đau khó chịu nỗi
Lấy tinh tấn làm chống đỡ.
Nguyện chẳng theo ý tưởng đẹp
Dứt trừ căn để điều ác
Không vướng mắc điều tham ái
Không chờ đón cái đã qua.
Trí, tưởng quen thành khéo léo
Vượt thoát khỏi tiếng thô tháo
Nhẫn không lạc mãi tu hành
Bốn điều nhẫn pháp ai bi.
Thườngđịnh nào, ăn thức gì?
Sợ nên khổ vì sinh định.
Nghĩa tưởng ấy rất đáng thương.
Đi nơi xa, học vất bỏ
Có vị khổ, có vị lạc
Biết độ thoát, biết chỗ dừng.
Chẳng nghe biết việc nước nhà.
Tiếng thô ác chẳng nên nghe
Đừng liếc mắt trộm nhìn người
Cùng hội thiền đừng nằm nhiều
Quán nhân duyên ý an tường
Ngừng vọng niệm, dứt niệm nghi
Đừng tà vạy cùng dối trá
Thấy xót thương chớ sợ hãi.
Hãy nhìn với tâm bình đẳng
Ít mong cầu, thấu vô minh
Lời ác kia đừng khởi ý.
Chẳng gieo oán bạn đồng học
Buông lời nói như nước mềm
Pháp thức hổ thẹn đừng nghĩ.
Như nhìn thấy bâc Tôn kính
Đừng để ý có cảm thọ
Như sắc thanh, như vị ngon
Hương tinh xảo muốn dẹp trừ.
Như vậy pháp chẳng buông lung
Học chế ý nên khéo nói
Pháp giới quán đều sáng rỡ.
Tu dứt bỏ mọi mê mờ.

Phật nói kinh Nghĩa Túc này xong Tỳ-kheo đều hoan hỷ.


15- KINH CHA CON CÙNG HỘI

Nghe như vầy:

Đức Phật ở tại vương quốc dòng họ Thích cùng với một ngàn vị đệ tử Phạm chí kỳ cựu, tất cả đều đã đắc La-hán, thông suốt lục đạt, sở cầu đều đầy đủ.

Phật từ nội thành giảng dạy, chuyển đến ngoài thành Ca-duyla-vệ, trong vườn Ni-câu-loại. Người dòng họ Thích ở thành Ca-duyla-vệ nghe Phật cùng một ngàn vị Tỳ-kheo La-hán chuyển chỗ giảng dạy, đã đến đất nước này ở trong khu lâm viên ngoài thành, bèn truyền nói với nhau. Trước lúc gà gáy đều phải tập họp. Họ cùng nhau bàn luận:

–Này chư Hiền giả, nếu Thái tử chẳng vui đạo, Ngài sẽ làm Chuyển luân vương. Chúng ta đều phải khuyên dân chúng trong thành này bỏ bảy báu, tu đạo, đạt đến quả vị Phật. Nay chúng ta đều chọn trong các gia đình trưởng giả một người xuất gia, cũng theo Phật cầu làm Sa-môn. Các người trong dòng tộc Thích đều như vậy.

Các chúng càng lúc càng đông, liền kéo nhau ra ngoài thành Ca-duy-la-vệ, muốn nhìn thấy Phật, muốn nghe chánh pháp. Các cô gái dòng họ Thích cũng hội nhau đi đến chỗ Phật, muốn nghe chánh pháp. Bấy giờ, Phật dùng thần túc định ý hiện biến đi giữa không trung. Những người trong dòng họ Thích nhìn thấy Đức Phật đi giữa không trung đều sinh tâm hoan hỷ, kính phục.

Bấy giờ vua Duyệt-đầu-đàn bèn cúi đầu xuống chân Phật đảnh lễ, rồi đứng sang bên. Dân chúng Ca-duy-la-vệ đều bất bình. Vua đã lễ Phật sao không thấy có pháp nào hoàn lễ. Vua nghe lời bất bình trong dân như vậy, bèn nói:

–Các Hiền giả, Thái tử đây lúc sinh ra, đại địa chấn động, ánh ánh chiếu khắp vô cùng. Ngài bước đi bảy bước, chẳng tựa nơi nào, nhìn trái phải cất tiếng nói: “Ba cõi rất khổ, nào có gì vui.” Chư Thiên trên hư không cầm lọng trắng, lại rải hoa Ma-ni, trổi trống Ngũ bách lạc, làm mưa hương thủy tắm gội Thái tử. Trong chúng dân bấy giờ, ta là người đầu tiên đảnh lễ Thái tử. Các Hiền giả, Thái tử ở dưới cội câu Diêm-phù, buổi sáng đi đến ngồi lại, rồi nằm xuống. Thái tử nằm về phía Đông thì bóng mát che khắp phía Đông, Thái tử ở về phía Tây thì bóng mát che về phía Tây. B

óng mát của cây không ngược hướng với thân Thái tử. Trong chúng dân bấy giờ, ta lần thứ hai làm lễ Thái tử.

Vua bấy giờ nói kệ:

Nay vì ba tuệ dũng mãnh
Cúi đầu lễ Bậc Biến Quán
Lúc vừa sinh động đất trời
Ngồi dưới tàn cây bóng mát.

Bấy giờ Phật thu nhiếp thần túc xuống tòa. Chư Tỳ-kheo Tăng cùng người dòng Thích và các Thích nữ phía trước tòa đều cúi đầu lễ Phật, rồi trở về chỗ ngồi. Đức vua cũng ngồi trên tòa nói kệ khen ngợi Phật:

Xe ngựa, voi vàng rực
Chạy đi trong đài các
Nay chân bước khắp nơi
Da chân sao dày lên?
Xe tôi là thần túc
Tâm ấy độ vô hạn
Cỡi lên xe thần diệu
Xe trần sao dài lâu!
Vận gấm lụa nhẹ mềm
Khoác lên thân hình đẹp
Sương vàng phủ thân hành
Vận đó có gì đẹp?
Vương pháp là áo tôi
Thực hành theo lời dạy
Trước vận đó học đạo
Nay được quả Như Lai.
Vốn vui nơi điện các
Theo thời lập lầu riêng
Nay chỉ ở cội cây
Sợ hãi nương nơi nào?
Cù-đàm chẳng oán đời
Đã dứt hẳn thù hận
Thoát tục niệm vô ưu
Không thù còn gì sợ.
Xưa ăn theo ý vị
Bình vàng, thức ăn ngon
Như nay được phần ăn
Thô ác có vui gì?
Tôi trước dùng vị pháp
Bỏ tham theo khổ không
Đã đoạn bốn bữa quen
Thương đời nên hành vậy.
Xưa tắm dùng hương hoa
Kỹ nữ vui hầu hạ
Thiền định trong rừng cây
Ai tắm gội bậc trí?
Giới pháp vui là sông
Bên trong là tuệ định
Náo loạn đều rửa sạch
Theo dòng chẳng trở về.

Bấy giờ Phật vì đức vua cùng các Thích nữ mà rộng giảng kinh pháp. Trước tiên Ngài giảng bày về Bố thí, Trì giới, nẻo trời vi diệu, khéo giảng về sự khổ, con đường khổ não, ba mươi bảy phẩm, theo đó sẽ đạt được an lạc. Phật dùng đạo ý biết vua Duyệt-đầu-đàn đã mãn ý, tâm như hòa hoan hỷ, giải thoát hệ lụy, nên Phật thuyết pháp giải thoát. Ngài giảng về Khổ, Tập, Diệt và Đạo đế. Phật thuyết pháp Tứ đế, nhà vua ngay tại tòa liền thông suốt, giải trừ ba độc, ngay trong thời pháp chứng được pháp nhãn. Ví như con mắt trong sáng, thấu rõ các sắc, vua cũng nhập pháp như vậy. Lúc ấy vua đã được kiến đế, đoạn nghi, thông tỏ pháp, bèn đứng lên, hướng về Phật chắp tay bạch:

–Điều thân cận đã thân cận, điều lánh xa đã lánh xa. Nay tôi thân quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Mong Đức Phật nhận tôi làm Thanh tín sĩ, từ đây cho đến cuối đời không phạm tịnh giới.

Do vậy trong họ Thích cũng có người quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Trong số nữ nhân họ Thích cũng có người quy y như vậy. Họ giữ giới không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không dối lừa, không uống rượu.

Vua Duyệt-đầu-đàn bấy giờ thấu rõ pháp, không còn nghi ngờ. Ý dũng mãnh nơi pháp, bèn đứng lên, chắp tay hướng về Đức Phật dùng kệ Nghĩa Túc này để tán thán:

Có đủ giới làm sao thấy?
Phải nói gì từ ấm khổ?
Nguyện Cù-đàm giải lời này
Bậc Thế Hùng giảng chánh ý.
Trước tu dứt oán hại nặng
Sau chẳng vướng lấy mong cầu
Trong hiện tại không chấp thủ
Cũng không thọ, tôn kính không.
Niệm vị lai chẳng vương ái
Tưởng xa lìa cũng chẳng buồn
Hạnh viễn ly, xả nhu nhuyến.
Mọi tà kiến đều trừ sạch.
Đã diệt hết mọi nỗi sợ
Tín không đổi, không còn nghi
Tâm không ganh, vui cùng người.
Hành như vậy yêu mạng quý.
Khéo tự giữ chẳng vọng cầu
Được nhiều tuệ không đố kỵ
Chẳng xấu xa, không diêm dúa
Không hai lời, chẳng cợt đùa
Ý thoát hẳn, chẳng vướng chi
Bỏ mắt nhìn, không kỳ vọng.
Hạnh an tường, khéo buông bỏ.
Cũng không muốn đoạn tưởng dục
Chẳng học cầu nơi dục lạc
Tất chẳng có cũng chẳng lo.
Không oán ghét, bỏ ái dục
Không thú gì còn sai khiến
Chẳng tự cao ta vô đẳng
Gặp hủy báng càng kính trọng.
Nên hành quán định tâm ý
Thấy thiện ác chẳng khởi vọng
Bỏ nơi đây không chỗ dừng
Pháp quán hướng dựa vào đâu?
Muốn sắc không cùng vô sắc
Theo trí lượng chẳng muốn thoát
Ái đã dứt chính dừng tâm
Ba cõi không, chẳng vui ý
Buông thoát hết còn được gì
Đã vượt biển không còn lo
Chẳng nguyện sau phải sinh lại.
Hạnh nguyện đất bày vật báu
Đến chẳng sinh, đi chẳng đến
Muốn buộc gì, từ đâu được?
Đều không sao nói tận cùng.
Chúng học Sa-môn nhất tâm
Tất khiến cầu nơi chốn đó
Như xúc chạm liền biết ngay
Chẳng ghen ghét, cũng không tham,
Tuy ở bậc cao chẳng vui
Giữa chẳng vui, dưới chẳng vui
Theo pháp sinh xả phi pháp
Tất cả không, cũng không có
Cùng không được, cũng chẳng cầu
Chẳng ham muốn tà lạc đời
Ý đã tịnh liền giải thoát

Phật nói kinh Nghĩa túc này xong, chư Tỳ-kheo cùng vua Duyệt-đầu-đàn và người dòng họ Thích thảy đều hoan hỷ.


16- KINH VUA DUY-LÂU-LẶC

Nghe như vầy:

Đức Phật ở tại nước Xá-vệ, vườn Kỳ thọ Cấp cô độc. Bấy giờ các người dòng tộc Thích xứ Ca-duy-la-vệ vừa xây mới đại điện chưa được bao lâu, người Thích cùng bàn với nhau:

–Từ nay về sau đừng để Sa-môn Phạm chí dòng họ Thích vận y quan cùng trưởng giả được vào trước trong điện này; trước tiên phải để cho Phật, thứ đến là các vị Tỳ-kheo Tăng đi vào, các người khác đi theo sau.

Bấy giờ con vua nước Xá-vệ là Duy-lâu-lặc có việc phải đến nước Thích, chưa đi vào thành, bèn đến nghỉ trong cung điện mới làm thành. Sáng hôm sau vào thành, việc xong bèn trở về nước.

Các người trong dòng họ Thích nghe thái tử Duy-lâu-lặc nghỉ tại cung điện mới, họ rất không vui, đâm ra oán ghét và lên tiếng mắng chửi: “Không biết sao nay lại để cho con của kẻ hèn mọn đi vào điện trước!”, rồi họ cùng đào xuống giữa điện sâu đến bảy thước (xưa) bỏ đi lớp đất đó, rồi lấy đất sạch khác đắp vào, lại dùng sữa bò rửa khắp điện. Thái tử Duy-lâu-lặc nghe các người trong dòng họ Thích nói những lời bất tịnh, ô nhục mình, đào sâu xuống bảy thước ở giữa điện rồi lấy đất mới lấp lên, lại dùng sửa bò rửa khắp điện, còn mắng chửi mình là con của kẻ hèn mọn đã làm nhơ bẩn điện mới. Nghe xong, lòng đầy bực tức, uất hận, tự nghĩ: “Ta sau này nắm việc nước phải làm cách nào để trừng trị dòng họ Thích.” Không bao lâu, vua nước Xá-vệ mất. Đại thần nghị bàn mời Thái tử làm vua.

Vua Duy-lâu-lặc bèn hỏi các đại thần:

–Có kẻ nói lời bất tịnh, làm nhục vua, tội ấy thế nào?

Các đại thần tâu:

–Tội như thế là phải chết.

Vua nói:

–Đúng vậy. Các người trong dòng họ Thích nói lời bất tịnh, làm nhục ta. Họ là thân quyến của Đức Phật. Phật còn có ân ái trong dòng Thích, cho nên trọn không thể trị kẻ có tội.

Các hạ thần bèn nói:

–Phật đã lìa bỏ thế tục, không có ân ái với thân thuộc. Muốn trị tội người dòng họ Thích chẳng có gì là khó.

Vua nghe nói như vậy, bèn tuyên lệnh huy động bốn loại binh: tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh tiến ra khỏi thành, tấn công thành Ca-duy-la-vệ.

Bấy giờ là lúc Phật thọ thực. Ngài mang bình bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, Đức Phật ra khỏi thành, đến dưới gốc cây ít bóng mát ngồi lại. Ngài thấy vua dẫn binh đi trên đường lớn.

Nhà vua nhìn thấy Đức Phật đang ngồi dưới bóng cây thưa nắng bèn bước xuống xe đến chỗ Phật, sau khi đảnh lễ bèn đứng một bên bạch
Phật:

–Như nay có nhiều cội đại thọ, cành lá sum suê nhiều bóng mát như là cội đại thọ tên là Ca-chiên. Ca-duy-la-vệ có nhiều cây Ưu-đàm-bát, Ni-câu-loại. Đức Phật sao chẳng ngồi đấy nhiều bóng mát, sao lại ngồi dưới cội cây Thích lá thưa, ít bóng mát?

Đức Phật bảo:

–Vì Ta ưa cái tên, vui thích cái bóng mát này, nên ngồi đây.

Vua nghe xong liền tự nghĩ: “Như vậy Đức Phật vẫn còn có ân ái với dòng họ Thích, vẫn còn có ý trợ giúp”, liền từ chỗ Phật quay lại, rút binh về nước.

Đức Phật truyền giảng đạo cho nhân dân Xá-vệ, rồi có ý muốn đến nước Ca-duy-la-vệ, bèn cùng các Tỳ-kheo đến vương thổ dòng họ Thích, ở tại vườn Ni-câu-loại giảng dạy.

Không lâu sau, vua nước Xá-vệ lại hỏi các cận thần:

–Nếu như có kẻ nói lời bất tịnh, làm nhục vua, tội ấy thế nào?

Các cận thần tâu:

–Tội như vậy phải xử chết.

Vua lại nói:

–Những người dòng họ Thích làm nhục ta, họ đều là than quyến của Phật. Đức Phật vẫn đang nhớ nghĩ đến những người trong dòng họ Thích. Ta rốt cục chẳng trị họ được.

Cận thần nói:

–Thần đã nghe các Sa-môn nói rằng Cù-đàm đã đoạn dứt dâm dục, làm gì có ân ái với thân quyến. Vua muốn trị tội họ cũng chẳng khó chi.

Vua nghe chúng thần nói vậy bèn truyền lệnh huy động bốn loại binh, ra hiệu xuất thành đến vương thổ dòng họ Thích. Đi đến tối thì cách thành trì dòng họ Thích bốn mươi dặm, liền dừng lại nghỉ.

Các người trong dòng họ Thích nghe vua nước Xá-vệ cử bốn loại binh tiến đánh, đã cách thành bốn mươi dặm, sợ ngày mai sẽ đến, bèn sai người phi ngựa đến chỗ Phật báo lại và xin Phật chỉ dạy phương cách. Đức Phật bảo các Thích đóng chặt cửa thành, vua sẽ không thắng được. Nếu bên trong mở cửa, vua Duy-lâu-lặc sẽ chắc chắn xông vào giết các người họ Thích. Người lính nghe Phật dạy bèn lễ Phật, cỡi ngựa trở về.

Bấy giờ Hiền giả Đại Mục-kiền-liên đang ở phía sau Phật, bèn bạch Phật:

–Bậc Minh Tuệ đừng vì các người trong dòng họ Thích lo buồn. Con nay muốn đem cả vương quốc họ Thích dời đến một nơi khác, hoặc sẽ dùng cái lồng sắt bao phủ lấy, như vậy tất cả thiên hạ sẽ làm gì được.

Phật bảo Đại Mục-kiền-liên:

–Làm như vậy thì tội ấy thế nào?

Ngài Mục-kiền-liên nói:

Tuy nói tội hữu hình là như vậy nhưng con không rõ tội vô hình thì như thế nào?

Bấy giờ Đức Phật nói kệ:

Làm thiện ác, chẳng hề mất
Theo phước lạc trong u khổ
Thiện, ác hiện theo vầng dương.
Rồi cũng đến thân nhận lấy.

Vua nước Xá-vệ dùng binh trang bị quân cụ cùng nhau công phá thành tộc Thích. Họ Thích cũng cử bốn loại tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh ra thành chiến đấu cùng vua Duy-lâu-lặc.
Người tộc Thích cũng dùng binh trang bị ứng chiến cùng quân đội Xá-vệ.

Lúc chưa giáp nhau, người tộc Thích dùng cung tên, đao sắc bén, bắn tên ngăn xe lại. Tên bắn phá càng xe, thân xe, phá hủy trục xe, thành xe, và bắn chặn người lại. Châu báu chẳng hề xúc chạm.

Vua Xá-vệ rất sợ hãi, bèn hỏi cận thần:

–Các người hẳn biết bọn Thích đã ra khỏi thành tử chiến, chúng ta không thắng được, chi bằng hãy sớm quay về.

Cận thần bẩm báo:

–Nay thần nghe bọn người họ Thích đều giữ năm giới, thảy đều trọn đời không sai phạm, chí đến mạng sống cũng chẳng dám làm thương hại, nếu gây thương hại là phạm giới. Chỉ cần ngài tự xông lên phía trước là sẽ thắng ngay.

Vua bèn dẫn binh đột phá thẳng vào thế trận họ Thích. Bên Thích tộc thấy vua tiến đánh rất nhanh thì rút vào thành đóng cửa lại.

Vua Xá-vệ bấy giờ sai người nói:

–Này các người dòng họ Thích, các anh em cô cậu cùng ta nào có thù oán gì mà chẳng mở cửa thành? Ta chỉ muốn mượn đường chốc lát, đi vào sẽ ra ngay, không ở lại lâu.

Trong số Thích tộc, có người tin theo lời Phật, đã tu học kinh pháp, không nghi ngờ đạo nên bảo không nên mở cửa. Lại có người chưa tịnh tâm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng nên đâm ra nghi ngờ, cho rằng có thể mở thành và cùng nhau nói chuyện: “Ta người không được doạ nhau mà sinh ra đối địch.” Chúng ta phải bàn bạc cùng các bậc kỳ lão. Những người không chịu bàn bạc là không muốn cho vua kia vào thành; kẻ bàn bạc thì muốn cho vua vào thành. Kết quả phải tùy theo số đông mà hành động, vì số người không đồng ý ít hơn. Mọi người đồng bảo: “Nên mở cửa cho vua vào. Người họ Thích bèn mở cửa trong. Vua Duy-lâu-lặc tiến vào thành Ca-duy-la-vệ, liền bắt sống người dòng tộc Thích đem ra ngoài thành sát hại.

Bấy giờ Thích-ma-nam tâu vua nước Xá-vệ:

–Xin vua cho tôi một nguyện nhỏ.

Vua hỏi:

–Tướng quân muốn gì?

–Tôi nguyện nay được chết dưới lòng sông, cùng lúc ấy cho các người Thích được đi ra khỏi thành.

Các đại thần tâu:

–Đại vương nên theo sở nguyện của Thích-ma-nam, cứ cho xuống sông xem được bao lâu.

Vua bèn đồng ý theo yêu cầu đó. Thích-ma-nam bèn nhảy xuống đầm nước, lấy tóc quấn vào rễ cây mà chết.

Vua thấy lâu không trồi lên thì làm lạ, nên bảo người xuống xem Thích-ma-nam ở dưới nước làm gì. Người ấy thấy Thích-ma-nam chết dưới đầm bèn trồi lên tâu vua:

–Thưa Đại vương, Thích-ma-nam đã quấn tóc vào rễ cây chết rồi.

Vua bèn hỏi đến những người họ Thích còn lại trong thành bị bắt giữ đã giết hết chưa. Bọn cận thần thưa:

–Đã cho voi dày đạp chết cả!

Vua bèn rút quân về nước.

Vào lúc quá trưa, Đức Phật bảo các Tỳ-kheo đi đến chỗ giảng đường Thệ tâm Tu-gia-lợi. Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Đức Phật cùng chúng Tỳ-kheo đến giảng đường Thệ tâm, đi ngang qua chỗ các người Thích chết. Trong số người bị giết ấy có người còn nói được, nhìn thấy Phật bèn cất lời than oán. Đức Phật nghe tiếng bi ai thống khổ bèn nói với các Tỳ-kheo:

–Kẻ ngu si Duy-lâu-lặc gây tội không nhỏ.

Đức Phật đến giữa vùng đất của họ Thích, hóa hiện vô số sang tọa. Đức Phật cùng các Tỳ-kheo đều ngồi xuống. Phật lại vì các người trong dòng họ Thích diễn thuyết kinh pháp, xong nói cùng Tỳ-kheo:

–Ý các ông thế nào? Kẻ đồ tể lấy việc giết hại làm nghề nghiệp, lấy việc giếc hại làm sự sống, vậy từ nhân duyên ấy có được an vui cỡi lên voi thánh, ngựa thần, xe bảy báu không?

Các Tỳ-kheo nói thưa:

–Trọn không thể được.

Phật nói:

–Lành thay! Đúng như vậy. Ta chẳng hề thấy, chẳng hề nghe kẻ đồ tể lấy việc giết hại làm nghề nghiệp sinh sống lại được phúc lạc. Tại sao vậy? Vì kẻ đồ tể không có từ tâm thương cảm đối với các loài thú.

Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

–Ý các ông thế nào? Kẻ săn bắt cá cùng kẻ giết bò, lấy đó làm nghề nghiệp, lấy đó để sinh sống. Vậy có được cỡi lên voi thần, ngựa thánh, xe báu, có được phúc lạc không?

Các Tỳ-kheo đáp:

–Trọn không thể được.

Phật bảo:

–Lành thay! Ta cũng chẳng hề nghe, chẳng hề thấy kẻ nào săn bắt cá, giết bò làm nghề nghiệp sinh sống mà được phúc lạc. Tại sao vậy? Bọn họ đã không còn lòng thương xót, không có từ tâm đối với loài thú, cho nên làm sao được phúc lạc. Đấy là người ngu si, tất sẽ gặt lấy quả tổn hại. Nên biết kẻ kia lúc sống cũng bất thiện, trong bảy ngày tất sẽ bị nước cuốn trôi. Cho nên, các Tỳ-kheo phải có từ tâm, chớ học tâm tổn hại, tất bị thiêu cháy oan uổng, cũng chớ có sinh ý làm tổn hại.

Đức Phật bèn dùng ngay sự việc ấy nói rõ nhân duyên và ý nghĩa, bảo đệ tử hiểu rõ và ghi nhớ, kiểm lại lời dạy trong kinh để hậu thế tỏ tường, khiến kinh điển đạo Phật trụ lâu dài ở thế gian.

Bấy giờ Phật nói kinh Nghĩa Túc:

Chẳng xót thương đến khủng bố
Người đời truyền nhau nghe biết
Nay muốn thuyết nghĩa xót thương
Ta dứt đi mọi sợ hãi.
Người đời quẩn quanh khổ não
Như nước cạn ngăn cá lội
Trong khổ não sinh ý hại
Kẻ si thích khủng bố người.
Toàn cõi đời đều bốc cháy.
Khắp mười phương loạn chẳng an
Tự ngạo mạn chẳng yêu thương
Vì chẳng thấy nên ngu tối.
Chớ tự buộc cầu khổ não
Ta quán suốt ý chẳng vui
Thấy gai kia đâm đau đớn
Do nhìn thấy khó thể nhẫn.
Gai nhọn đau còn ra đấy
Mang gai châm đi khắp đời
Phật nhìn thấy, nhổ dứt đau
Không khổ cũng không niệm khổ.
Đời dẫy đầy song chẳng nhận
Chẳng y cứ vào loạn tà
Chán mọi dục, vượt tất cả
Học thoát khổ, tự thành tựu
Lòng chí thành chẳng hề quên.
Giữ hạnh lành, không hai lời
Diệt lửa oán, dứt lòng tham
Dứt phiền não, đại tri kiến
Chẳng nằm ngồi, dứt mê mờ
Chẳng đầy đủ, lìa vô độ
Điều đáng ghét chẳng giữ lấy
Cả niệm Không cũng tận diệt.
Chẳng cậy nhờ vào dối lừa
Thấy vật sắc chẳng mặc vào
Thân chẳng biết mặc lụa đẹp
Mặc vào thầm mong thoát bỏ.
Niệm xả lâu thành chẳng nghĩ
Cũng không mong được thân sau
Thấy đều mất chẳng buồn lo
Dù bốn biển cũng mau diệt.
Ta nói tham thật lớn mạnh
Khi vào dòng, phải ngăn si
Từ nhân duyên ràng ý niệm
Vương ý dục thật khó lìa.
Xả ly dục thật rất hiếm
Kể trong đời chẳng bao nhiêu
Xả, không dứt cũng chẳng thôi
Đoạn dứt dòng không trói buộc.
Thừa lực đế, tận ngăn ngừa
Khởi trí tuệ chẳng buồn lo
Là ngăn ngừa sự nguy hại
Tận sức giữ được an lành.
Đã tính xa lìa nỗi khổ
Chẳng bị đắm pháp quán không.
Theo chân kiến đạo rộng bằng
Tất chẳng vướng quan niệm đời.
Thân chẳng lo, tự xem thường
Kẻ như vậy còn liệu gì?
Đã không thể cũng chẳng còn
Ta chẳng có, còn lo gì?
Gốc ngu si, cành trống rỗng
Sau khi trồng lại không dưỡng
Đến giữa chừng chẳng giữ gìn
Chẳng cần bạn vất bỏ thù.
Bỏ tất cả mọi danh sắc
Chẳng niệm tưởng thu lấy được
Đã không có cũng không trụ
Tất cả đời không oán nhau.
Đoạn dứt tận vô tưởng sắc
Tất cả thiện cùng mọi loài
Đã theo học giáo lý này
Đến nơi hỏi chẳng sợ hãi.
Chẳng cùng nhất trí là tuệ
Sở cầu là không thể học
Xả yếm ly chẳng nhân duyên
Diệt tận mới thấy yên ổn.
Trên chẳng kiêu, dưới chẳng sợ
Chốn bình yên không nhìn thấy
Nơi thanh tịnh không oán tật
Tuy thấu rõ nhưng chẳng kiêu.

Phật nói kinh Nghĩa Túc này xong, các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ.

Trang 1 2