SỐ 152
KINH LỤC ĐỘ TẬP
(Truyện Tiền Thần của Phật và Các Vị Đệ tử)

Hán dịch: Đời Đông Ngô, Sư-môn Khương Tăng Hội, người nước Khương cư
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Chương II: GIỚI ĐỘ VÔ CỰC

******

Sao gọi là Giới độ vô cực?

-Cuồng ngu, hung ngược, ưa tàn sát mạng sống, tham lam, trộm cắp, dâm dật uế tạp, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói dối, nói thêu dệt, lòng ganh ghét, giận dữ, ngu si, hại người thân, làm nhục bậc Thánh nhân, bài báng Phật, quấy nhiễu người hiền, lấy vật nơi tông miếu, mang lòng xấu ác, hủy hoại ba ngôi báu. Độc ác như thế thà chịu phanh thây, bị băm vằm nơi chợ, rốt cuộc quyết không bao giờ làm. Chỉ dốc tin Tam bảo, bốn ân cứu giúp khắp.

******

27. Kinh Bồ Tát Xả Thân Vì Đạo Không Thối Chí

Thuở xưa, Bồ-tát làm Thanh tín sĩ. Vua của đất nước ấy làm điều chân chánh, khuyên dặn các quan và dân chúng biết đến ba ngôi báu. Ai giữ giới, ăn chay thì được tha thuế má, miễn sưu dịch. Dân chúng lớn nhỏ đều thấy vua chuộng hiền đức, nên phần nhiều giả lương thiện mà âm thầm làm điều tà vạy. Nhà vua dùng giới luật của Phật để xem xét tiết tháo nơi dân chúng, thấy lắm kẻ chỉ tốt bề ngoài mà trong lòng thì xấu, trái với sự giáo hóa trong sạch của Phật. Nhà vua liền giả vờ xuống sắc lệnh:

-Ai dám tôn trọng đạo Phật thì bị tội chết bêu chợ.

Bọn giả làm lành không đứa nào là không bỏ điều chân chánh, buông lòng quay về gốc tà ngụy của chúng. Bồ-tát tuổi già, lòng giữ sự sáng suốt chân chánh rộng lớn, nghe lệnh vua thì cả kinh, nói:

-Bỏ chân theo tà, dù được làm đế vương, sống ngang trời đất, giàu không ai hơn, sáu vui thỏa lòng, ta trọn không làm. Tuy sống chỉ trong một bữa ăn mà được thấy sự giáo hóa chân thật của Tam bảo, ta cũng vui lòng phụng sự. Còn ôm nhớ hàng vạn sách vở ghi chép về thế tục, thân sống trong cung trời, thọ mạng ngang trời mà mờ mịt về ba ngôi báu, không nghe được kinh Phật, thì ta không mong cầu. Vâng theo lời Đức Phật dạy, dù gặp phải họa giết chóc ta cũng cam lòng.

Kinh dạy:

-Chúng sinh tự lao mình vào ba đường, có những cái khó: được làm người là khó; được ở vùng giữa là khó; sáu căn đầy đủ là khó; sinh trong nước có đạo là khó; thân cận với Bồ-tát là khó; gặp được kinh mà tin là khó; thấu hiểu điều sâu xa vi diệu là khó; gặp Sa- môn hạnh cao, tâm thanh tịnh, dốc lòng cúng dường là khó; gặp Phật và được thọ ký là khó.

Ta nhờ công đức đời trước, nay thấy kinh Phật, được thờ Tam bảo, nên dù gặp phải sự vô đạo tàn khốc, hoặc muối thịt, ngâm thân, hoặc nước sôi, lửa bỏng, ta trọn cũng không bỏ nẻo chánh chân để theo thứ yêu mị, độc hại kia.

Nhà vua giao cho quan Hữu Ty truy xét những người trái lệnh thì đem giết bêu chợ. Người tra xét thấy Bồ-tát bền chí phụng thờ Tam bảo không chuyển, lòng thành không suy giảm, liền bắt đem tâu lên vua. Nhà vua phán:

-Đem ra chợ chém!

Rồi kín đáo sai người theo nghe ngóng xem ông ấy nói gì. Bồ- tát sắp đến chết còn dạy con:

-Trời đất từ lúc mới dựng, có người sống đến nay, chúng sinh ở đời do sáu tình loạn hành, cuồng say quá lắm, ít được gặp Tam bảo dẫn dắt giáo hóa, để trở thành sáng suốt, trong sạch. Con nay may mắn biết được đạo pháp, hãy thận trọng không nên bỏ. Ôi! Bỏ hạnh của Phật pháp mà làm theo hành vi hư ngụy của quỷ yêu thì chắc chắn mất nước thôi. Ta thà bỏ thân mạng này, chớ không hề bỏ nẻo chân chánh. Nhà vua nay đã sai lầm, con không được nghe theo.

Người tra xét tâu lên vua những điều được nghe. Nhà vua biết Bồ-tát giữ hành chân chánh, liền vui mừng mời đến, nắm tay dắt lên điện, nói:

-Khanh chân chánh, đáng gọi là đệ tử của Phật.

Rồi vua phong làm tướng quốc, giao cho việc trị nước. Còn bọn người bỏ sự giáo hóa thanh tịnh của Phật thì lại phải đóng thuế, sưu dịch. Từ đây, trong nước không ai là không ham chuộng điều thiện.

Đức Phật bảo các vị Sa-môn:

-Vị quốc vương lúc đó là Di-lặc, còn vị Thanh tín sĩ là thân ta.

Bồ-tát giữ chí tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

******

28. Kinh Voi Chúa Xả Thân Không Oán

Thuở xưa, Bồ-tát thân làm voi chúa, tấm lòng rộng xa, biết có Phật, có Pháp, có Tỳ-kheo Tăng, thường quy y Tam bảo, luôn đem lòng Từ rộng lớn cứu giúp chúng sinh, nguyện khi thành Phật sẽ độ tất cả. Bầy voi đi theo có năm trăm con, trong đó có hai con là vợ voi chúa. Một hôm, voi chúa dầm mình trong nước hái được một cành hoa sen màu sắc rất đẹp đem về cho vợ cả. Vợ cả được hoa, vui sướng nói:

-Băng giá rất lạnh, làm sao có được hoa này?

Vợ nhỏ tánh tham lam ganh ghét, giận dữ thề: “Có cơ hội ta sẽ dùng thứ độc cực mạnh giết chết ngươi”. Sau đó, vì uất khí mà chết. Hồn linh hóa làm con gái của nhà Tứ tánh, nhan sắc hơn người, tâm trí thông sáng, hiểu rộng việc xưa nay, ngửa xem thiên văn, biết rõ thời suy thịnh. Nhà vua nghe được, nên cưới về làm phu nhân. Vừa vào cung là tâu rõ về chính sách trị nước, nghĩa lý phù hợp với một bề tôi trung thành. Nhà vua đẹp lòng nên càng yêu kính, mỗi lời nói ra liền được vua nghe theo. Một hôm phu nhân nói:

-Thiếp nằm mơ thấy con voi sáu ngà, lòng muôn lấy ngà ấy làm đồ trang sức, nếu nhà vua không cho, thiếp chắc không sống nổi.

Nhà vua nói:

-Đừng nói chuyện gàn dở, người nghe sẽ cười cho!

Phu nhân thưa rồi liền sinh mối ưu uất.

Vua cho mời bốn vị quan đến để luận bàn, tự cho rằng mình nằm mộng, rồi hỏi:

-Xưa nay có con voi như thế sao?

Một bề tôi thưa:

-Không hề có như vậy.

Một bề tôi khác nói:

-Nhà vua không nằm mơ như thế.

Một vị quan nữa tâu:

-Đã từng nghe có nó nhưng ở xa lắm.

Một ông khác nói:

-Nếu có thể đến đó được thì nay trời Đế Thích đang bay liệng ở chỗ ấy.

Bốn vị bề tôi liền cho gọi đám thợ săn bốn phương tới hỏi. Thợ săn phương Nam đáp:

-Người cha quá cố của tôi thường kể: Có con voi như thế nhưng ở xa và khó đến lắm.

Các quan tâu lên rằng có người kia biết. Nhà vua liền cho đòi hắn đến gấp. Hắn tới, phu nhân bảo:

-Ngươi đi thẳng về phương Nam chừng ba ngàn dặm thì gặp núi, vào núi, đi chừng hai ngày nữa thì đến chỗ voi ở. Rồi ngươi đào hầm bên đường, cạo bỏ râu tóc, mặc đồ Sa-môn, ngồi trong hầm bắn voi, cắt lấy hai ngà của nó rồi mang về đây.

Thợ săn theo lời chỉ bảo mà làm, đi đến chỗ voi ở. Trước khi bắn voi, hắn mặc pháp phục, mang bình bát, đứng đợi trong hầm. Voi chúa thấy Sa-môn liền cúi đầu nói:

-Kính chào đạo sĩ! Đạo sĩ vì việc gì mà muốn hại thân mạng tôi?

Đáp:

-Muốn được cặp ngà của ngươi.

Voi chúa nói:

-Ta đau đớn khó chịu nổi, ngươi mau lấy ngà đi đi, đừng khuấy động lòng ta khiến sinh niệm ác.Ai tâm đã nghĩ ác thì chết sẽ đọa vào đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Còn ai giữ nhẫn, làm từ, ác đến thiện đi là hạnh cao của Bồ-tát, cho dù có bị băm vằm xương thịt, trọn không hề trái với hạnh ấy. Ai tu theo hạnh đó, chết liền sinh lên cõi trời, chóng được diệt độ.

Người thợ săn liền cắt lấy ngà. Voi chúa nói:

-Đạo sĩ phải đi ngay, không nên để bầy voi tìm được dấu chân!

Voi chờ thợ săn đi xa, đau đớn khó nhịn nổi, liền lăn ra đất, rống to lên một lát thì chết, tức khắc được sinh lên trời. Bốn phía bầy voi chạy lại, chúng đều nói:

-Người nào đã giết hại vua ta.

Rồi chúng đi tìm, nhưng không thấy gì liền trở lại ôm lấy xác voi chúa thương khóc

Thợ săn đem ngà voi về triều. Nhà vua thấy ngà voi lòng liền hoảng sợ. Phu nhân lấy ngà voi cầm trong tay, vừa muốn xem thì sấm chớp nổ vang đánh bà hộc máu, chết đọa vào địa ngục.

Đức Phật bảo các vị Sa-môn.

-Chúa voi ấy là thân Ta, vợ lớn của voi nay là Cừu-di, thợ săn là Điều-đạt, vợ bé là Hảo Thủ.

Bồ-tát giữ chí tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

******

29. Kinh Bồ Tát Làm Vua Oanh Vũ

Thuở xưa, Bồ-tát làm vua Oanh vũ, thường vâng theo lời Phật dạy, quy mạng ba ngôi báu. Khi phải chết thì chết không hề phạm mười điều ác, đem lòng Từ giáo hóa, luôn lấy sáu độ làm đầu.

Bây giờ, quốc vương thích ăn thịt chim Oanh vũ, thợ săn tranh nhau tìm bắt, thấy đàn chim ấy, họ dùng lưới chăng bắt sạch hết chúng, đem dâng cho thái quan. Người lo việc giết thịt thâu nhận, con nào béo liền làm thịt nâu thức ăn dâng vua. Vua Oanh vũ thầm nghĩ:

-Chúng sinh quay cuồng vào ngục, mất thân, luân hồi trong ba cõi đều do ăn mà ra cả!

Rồi vua Oanh vũ bảo cả đàn:

-Bỏ tham, bớt ăn, thân gầy khổ ít thôi, toàn mạng mới là điều đáng mong. Kẻ ngu tham-ăn uống, lòng không lo xa, giống như người keo kiệt tham chút mật dính nơi lưỡi dao mà không biết cái họa bị đứt lưỡi. Ta nay bớt ăn các người hãy làm theo.

Vua Oanh vũ ngày một gầy đi, nhờ thế từ mắc cáo lồng nhảy thoát được ra ngoài. Rồi chim đứng trên lồng nói:

-Phàm tội lớn của tham ác chính là không muốn có được cảnh thiện.

Lại nói tiếp:

-Chư Phật cho tham là ngục, là lưới buộc, là thuốc độc, là đao gươm! Các ngươi cứ bỏ ăn thì sẽ được như ta.

Từ đó, Bồ-tát nếu làm người phàm thì ăn uống đạm bạc để giữ mạng sống, mặc đơn sơ để che thân, lấy tham để răn lòng, không một ngày lãng quên. Khi phước đến, được làm đế vương, liền dùng trí Phật để xem xét cách trị nước, phước cao rộng ấy thật khó tính toán hết được. Cuộc đời là vô thường không chắc chắn, chỉ khổ không vui, vừa có là mất ngay, thân là giả huyễn, khó giữ như trứng, khó thuần dưỡng như sói, người có mắt nhìn thấy không ai là không run sợ. Bồ-tát đời đời lấy giới làm hạnh, nên mới thành tựu đạo quả Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác, làm Thầy trời người.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Vua Oanh vũ khi đó là thân Ta, quốc vương ấy là Điều-đạt.

Bồ-tát giữ chí tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

******

30. Kinh Thái Tử Pháp Thí Thà Chịu Móc Mắt, Chớ Không Phạm Dâm Để Sống

Thuở xưa, Bồ-tát làm thái tử con vua, tên là Pháp Thí, trong ngoài đều trong sạch, thường lấy cái họa đi theo nẻo tà để tự răn lòng, tôn trọng Hiền thánh, hiếu đễ với người thân, luôn thương xót cứu giúp chúng sinh.

Mỗi khi thái tử vào chầu, thường đợi tướng quốc, tới lui đúng lễ, chưa từng mất oai nghi. Người thiếp yêu của vua, lòng dạ dâm tà, một hôm ra tay ôm kéo thái tử. Thái tử tận lực tránh né nên thoát được, tay đụng vào đầu tướng quốc, miệng thì bảo: “Đi đi”. Mũ của tướng quốc rơi xuống đất, để lộ cái đầu không tóc. Người thiếp yêu của vua cười, tướng quốc xấu hổ, ôm giận. Sau đó, người thiếp gặp vua tâu:

-Thiếp tuy hèn mọn nhưng cũng là vợ vua, mà thái tử không biết tự chế, có lòng ham muốn thiếp.

Nhà vua nói:

-Ta biết thái tử là người tiết tháo, không phải chí nguyện của Phật thì không nghĩ tới, không phải lời Phật dạy thì không nói ra, việc không đúng với giáo lý của Phật thì không làm bao giờ, tám phương khen ngợi đức hạnh, các nước không có ai bằng, há lại làm chuyện sai trái như thế sao?

Người thiếp yêu dùng bao lời tâu sàm tỉ tê để mê hoặc lòng vua. Nhà vua nói:

-Cốt nhục tương tàn, đó là giặc loạn, ta không thể làm!

Bèn phong cho thái tử làm vua vùng biên giới, cách đất nước tám ngàn dặm và dặn:

-Con trấn nhậm cõi ngoài thì nên theo phép trời làm nhân nghĩa, không được tàn hại dân lành, không nên vơ vét làm cùng khốn trăm họ, phải tôn trọng người già như cha mẹ, phải yêu thương dân như con, phải thận trọng tu trì giới cấm của Đức Phật, giữ đạo cho đến chết. Đời nhiều gian dối, khi có lời dạy từ ấn răn con mới nên tin theo.

Thái tử cúi đầu khóc, tâu:

-Con không dám bỏ qua lời dạy của cha.

Rồi thái tử liền đến nhận đất phong, đem năm giới, mười đức, thương xót giáo hóa dân trong nước mình. Thái tử lên ngôi được một năm, dân chúng xa gần mến mộ ân đức nên theo về đông đúc, hộ dân tăng hàng vạn. Thái tử viết biểu dâng lên, ca ngợi đức của vua cha chiếu thấu nơi xa nên mới được như vậy. Nhà vua cùng hoàng hậu, cung phi vui mừng khen thái tử, riêng người thiếp thì vẫn ôm mối oán thù, nên cùng với tướng quốc làm điều gian, mưu trừ thái tử, rình chờ nhà vua nằm ngủ, lén lấy sáp ong làm ấn, rồi dối viết thư:

-Người can tội phạm thượng, ta không nỡ giết ngay! Vậy nhận được thư này, mau móc đôi mắt giao cho sứ giả mang về kinh đô.

Khi sứ giả đến, xem thư xong, quần thần của thái tử đều nói:

-Đấy là sứ giả của kẻ yêu loạn, không phải của đại vương đâu!

Thái tử nói:

-Đại vương trước đã thân tình dặn dò, nay có dấu ấn răng làm tin đến đây rồi, nếu yêu quý thân mạng mình mà trái lệnh cha thì đó là đại nghịch.

Liền cùng với quần thần vui chơi ba ngày, dạo khắp trong nước, chu câp cho kẻ nghèo cùng, giúp đỡ người thiếu thốn, đem hình ảnh Đức Phật làm khuôn phép, lấy lòng Từ giáo huấn chúng dân, rồi tìm người có thể móc mắt mình. Có đứa trẻ bán cỏ đã giúp thái tử lấy mắt ra đem giao cho sứ giả. Hắn bỏ đôi mắt vào hộp rồi vội vã mang về nước. Tướng quốc đem đôi mắt ấy giao cho người ái thiếp của vua. Bà này treo đôi mắt trước giường, mắng:

-Không theo ý muốn của ta thì bị khoét mắt, vậy có thích không?

Đại vương nằm mộng thấy thái tử bị ong độc chích nơi mắt, tỉnh dậy nghẹn ngào nói:

-Con ta chắc có chuyện lạ gì đây?

Người thiếp yêu của vua tâu:

-Vua luôn nghĩ đến con nên nằm mơ thấy đấy thôi, ắt không có gì lạ đâu!

Thái tử dùng đàn hát kiếm ăn nuôi thân, lần hồi qua nhiều nước. Tới nước vua cha của hậu phi, là cung phi của vua cha thái tử. Nhà vua nước này có cây đàn kỳ diệu, nên gọi thái tử tấu đàn để nghe. Đầu tiên tiếng đàn khen ngợi công đức của tiên vương, sau là âm thanh buồn thảm nói về số phận của cô nhi không cha mẹ. Bà hậu phi kia thâu hiểu tiếng đàn ấy nên nghẹn ngào nói:

-Ôi! Thái tử con vua chồng ta cùng cực đến thế sao!

Nhà vua hỏi:

-Con nói cái gì?

Người phi thuật lại đầy đủ về sự việc của thái tử, rồi nói lời từ giã cha mẹ:

-Việc này là do lệnh của ả nghiệt thiếp kia. Đàn bà hai họ thì chẳng phải là trinh tráng, con xin được theo người quân tử chí hiếu ấy.

Cha mẹ bà đều buồn thương. Người phi đem thái tử trở về nước cũ. Nhà vua nghe có tiếng đàn kỳ diệu, liền gọi vào tấu nhạc để thưởng thức, thấy hình dung thái tử tiều tụy, chỉ nhận biết qua tiếng nói. Vua hỏi:

-Ngươi có phải là Pháp Thí, con của ta không?

Thái tử cúi đầu sát xuống đất, nghẹn ngào. Vua, hoàng hậu, cung nhân cả nước lớn nhỏ không ai là không thương xót. Người phi tâu rõ đầu đuôi sự việc. Nhà vua than:

-Hỡi ơi! Người nữ bất nhân! Chẳng khác nào chất độc lẫn lộn trong cơm gạo ngon! Đức Phật dạy nên xa lìa chúng, thật chẳng đúng lắm sao!

Rồi nhà vua liền cho bắt tướng quốc và người ái thiếp, dùng roi gai đánh chúng, rót nhựa cây nấu chảy vào vết thương, hơ lửa nóng cho nứt ra, sau đó đào hầm chôn sống chúng.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Túc mạng của thái tử từng là người bán ngọc trắng.

Người thiếp kia thời đó là con gái nhà giàu, ngồi xe đi đường, còn quan tướng quốc ngày ấy là người đánh xe. Hắn gọi đồng tử bán ngọc:

-Đem ngọc của ngươi lại đây nào!

Rồi họ cầm ngọc khen nhưng không mua, lại nhìn nhau có vẻ dâm đãm, buông lời đùa cợt. Đồng tử nổi giận nói:

-Không trả lại ngọc cho ta, lại còn nhìn dâm đãng, ta sẽ móc mắt các ngươi đấy.

Cô gái và người đánh xe đều nói:

-Ta lấy roi gai đánh, rồi đổ nhựa cây nóng vào vết thương cho nứt thịt ra, sau đó thì chôn sống ngươi được chăng?

Ôi, thiện ác đã làm, thì họa phước sẽ liền theo sau như bóng theo hình, ác chín mùi tội thành ngay, như âm vang ứng với tiếng. Làm ác mà muốn khỏi tai ương chẳng khác nào gieo giống mà không muôn mọc.

Bồ-tát giữ giới thanh thịnh của Phật, thà chịu móc mắt mà chết chứ không phạm dâm để sống.

Thái tử Pháp Thí lúc ấy là thân Ta. Tướng quốc là Điều-đạt, người thiếp yêu của vua là vợ Điều-đạt.

Bồ-tát giữ chí tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

******

31. Kinh Bố Tát Giữ Giới Được Làm Vua

Thuở xưa, có vị Bồ-tát, anh em ba người gặp lúc đời khô hạn, dân chúng ăn thịt lẫn nhau. Họ cùng đi kiếm ăn để nuôi sống thân mạng hèn mọn. Trải qua núi non hiểm trở, có ngày thiếu ăn, hai anh nói:

-Phải dùng đến thịt vợ để cứu lấy mạng được chăng?

Người anh cả giết vợ mình trước, chia làm năm phần, người em út động lòng nhân, thương xót nên không ăn. Rồi người anh giữa cũng làm như vậy, người em út càng nghẹn ngào. Khi hai anh muốn giết đến vợ người em, người em nói:

-Giết người để bảo toàn mạng mình, không phải là con đường nhân từ của Phật, tôi khổng thể làm!

Rồi người em đem vợ vào núi hái trái cây nuôi thân, sống qua nhiều năm ở chốn ấy. Trong núi có một người thọt chân, người vợ tư thông với hắn nên mưu tính giết chồng, giả vờ thưa:

-Đáng lẽ thiếp phải làm nuôi chàng, mà trước nay đều để chàng làm hết. Ngày mai xin chàng cho thiếp theo phụ giúp, để được cộng khổ với chàng.

Người chồng nói:

-Núi non rất hiểm trở, nàng không đi được đâu!

Chồng từ chối ba lần, vợ vẫn không chịu nên đành cho đi theo. Người vợ thấy núi cao hang sâu, liền xô chồng rơi xuống đó. May thay bên mép nước có thần, vị thần tiếp đỡ nên người chồng được bình yên. Thực hiện được ý đồ, người vợ hý hửng trở về cùng với người thọt chân chung sống. Người chồng theo dòng nước để đi, gặp được một người lái buôn thương tình, đưa ông tới một nước giàu có. Gặp lúc vua nước ấy băng hà, không có thái tử kế vị, quần thần đang nhường nhau nên chưa biết lập ai lên ngôi. Họ lệnh cho một vị Phạm chí bói xem những người đi đường có ai hợp tướng thì làm vua. Vị Phạm chí này vừa thấy Bồ-tát, liền nói;

-Hay thay! Đây là một vị vua có đạo, đúng là kẻ đem lòng nhân của trời che phủ cho muôn dân.

Quần thần, bá quan, chúng dân gạt nước mắt khen là hay, không ai là khổng đến mừng thọ, nghinh đón đưa vào cung, đem ngôi vua trao cho. Từ đó, Bồ-tát đem bốn tâm vô lượng nuôi dưỡng muôn dân, các thuật tà mị đều phế bỏ hết, trao cho năm giới, ban bố mười điều lành, đốc suất mọi người trong nước giữ giới. Do vậy, Thiên đế hộ giúp đất nước, quỷ yêu tránh xa, khí độc tiêu trừ, lúa gạo, hoa quả được mùa. Dùng nẻo chánh cảm hóa các lân quốc, cừu địch trở thành thân thiện, người người dắt dìu bồng bế nhau quy tụ về đất nước ấy. Người vợ cũ dắt người chồng thọt kia cũng tìm vào nước xin ăn. Mụ kể lể, trước đây đem chồng đi lánh nạn trời, nay trở về nương nhờ lòng nhân từ của vua. Người trong nước không ai là không khen lạ, đều nói:

-Người vợ hiền này thật đáng ghi chép thành sách.

Phu nhân của vua nói:

-Nên trọng thưởng cho người ấy.

Nhà vua thấy và nhận ra ngay, liền hỏi người đàn bà ấy:

-Ngươi có biết Thiên tử là ai không?

Người đàn bà sợ hãi cúi đầu. Nhà vua đem câu chuyện về người đàn bà đó nói hết ngọn ngành cho mọi người trong cung nghe. Vị đại thần chấp chính tâu:

-Người này đáng chết.

Vua nói:

-Chư Phật lấy nhân từ làm của báu nhất trong ba cõi. Ta thà mất mạng chứ không bỏ nẻo nhân.

Phu nhân sai người đuổi chúng ra khỏi nước, quét sạch vết chân của bọn chúng.

Đức Phật bảo Tôn giả Thu Lộ Tử:

-Nhà vua thời ấy là thân Ta, người thọt chân là Điều-đạt, người đàn bà là Hảo Thủ.

Bồ-tát giữ chí tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

******

32. Kinh Bồ Tát Rõ Chân Lý Ẩn Tu Không Tranh Với Đời

Thuở xưa, Bồ-tát làm kẻ phàm phu, học rộng kinh Phật rõ sâu tội phước, các môn về y thuật, cả đến tiếng kêu hót của các loài cầm thú thảy đều thấu tỏ. Thấy đời rối loạn nhơ nhớp, nên ngài ở ẩn không ra làm quan, chuộng thờ giới cấm của Phật, chỉ tin theo điều chân chánh. Cuộc đời nghèo khốn, phải làm thuê vác đồ cho thương nhân. Một hôm, đến bên bờ sông ăn uống, đàn quạ kêu vang, khiến người lái buôn lo sợ nổi da gà, còn Bồ-tát thì mỉm cười. Ăn uống xong, liền ra đi.

Khi về lại nước mình, người chủ nhìn kỹ người gánh thuê, hỏi ngay:

-Quạ kêu ngươi cười, là có ý gì?

Đáp:

-Quạ kêu nói rằng: “Chủ có ngọc trắng quý, giá trị rất lớn, ngươi siết hắn lấy ngọc ấy, còn bọn ta thì ăn thịt hắn”, vì thế nên tôi cười.

Người chủ nói:

-Ngươi không giết ta vì sao vậy?

Đáp:

-Kẻ không thấy kinh Phật, thì làm ác đầy trời mà cho là không có tai họa, đó chỉ là tự lừa dối mình. Ta học kinh sách vô thượng chánh chân, quan sát hạnh nhân từ thanh tịnh của Bồ-tát, nên đối với loài vật bò, bay, máy, cựa, đều thương yêu không giết hại, còn rau cỏ nếu không phải của mình thì không lấy. Phàm kẻ ưa giết hại là bất nhân, ưa lấy của phi nghĩa là không trong sạch. Ta kiếp trước vì ham thích lấy nhiều, nên nay chịu tai ương, cuộc sống nghèo khốn, hèn mọn, phải làm thuê cho khách… giờ không lẽ phạm nữa, gieo nhân tội lỗi vô lượng thì không phải là đệ tử của Phật. Ta thà giữ đạo chịu nghèo hèn mà chết chứ không làm việc vô đạo, được giàu sang mà sống.

Người chủ nói:

-Hay thay! Chỉ có lời Phật dạy là chân chánh.

Bồ-tát giữ chí tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

******

33.Kinh Bồ Tát Trì Giới Thoát Nạn

Thuở xưa, Bồ-tát sống đời bần cùng, làm thuê cho thương nhân, theo họ vào biển tìm lấy tài lợi. Một hôm thuyền dừng lại không chịu đi, bọn thương nhân lớn nhỏ ai nấy đều sợ hãi, cầu đảo thần linh trên dưới giúp đỡ. Riêng người làm thuê này chỉ hướng về Tam bảo, giữ giới không phạm, ăn năn, tự trách lỗi của mình, mỗi ngày đêm ba lần, đem tâm Từ thệ nguyện:

-Nguyện cho mười phương chúng sinh không còn sợ hãi như hôm nay. Sau này ta thành Phật sẽ độ hết các loài ấy.

Mãi đến bảy ngày, thuyền vẫn không di chuyển được. Thần biển hiện mộng gạt chủ hàng, nói:

-Ngươi bỏ người nghèo này đi, ta sẽ cho thuyền ngươi chạy.

Chủ hàng được báo mộng, lòng xót xa thương người làm thuê, nên bí mật bàn với nhau. Người nghèo kia biết rõ hết việc đó, nói:

-Không vì một thân tôi mà làm tiêu tan mạng của mọi người!

Chủ hàng làm bè, cấp lương thực cho người ấy, rồi hạ bè xuống đẩy ra xa. Sau đó, có con cá lớn lật thuyền, nuốt hết các thương nhân. Còn người nghèo kia theo gió tấp vào bờ, trở về được nước mình, bà con quyến thuộc mừng rỡ. Người nghèo ấy nhờ công đức quy y Tam bảo, thọ trì năm giới, mười thiện, ăn chay và sám hối tâm từ luôn thương xót đến chúng sinh nên được phước.

Người nghèo ấy là thân Ta.

Bồ-tát giữ chí, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

******

34.Kinh Bồ Tát Làm Người Giữ Nghĩa Địa

Thuở xưa, Bồ-tát giữ giới ở ẩn, không chuộng nẻo vinh hoa, nương náu nơi nhà giàu làm người giữ nghĩa địa cho họ. Nếu có ai đến chôn cất, ngài liền ra sức giúp đỡ, tang chủ cảm động, đem của báu biếu cho. Có được ít nhiều đều đem nộp lại cho chủ. Nhà giàu nói:

-Ông ra sức mới có được của báu này, sao lại đem đưa cho ta?

Đạo sĩ trả lời:

-Tôi giữ đất cho ông, người ta đến mai táng trên đất của ông, luận theo đại nghĩa thì của báu ấy là của ông.

Người giàu khen:

-Hay thay! Người hiền thuở trước há có thể vượt được ông ư?

Bèn lựa trong đám con hầu một cô đức hạnh hiền thục, có nhan sắc, gả làm vợ, chia cho gia tài, để vợ chồng sinh sống. Đạo sĩ nói:

-Hạnh ấy càng tiến, đức ấy càng cao!

Đạo sĩ nghèo lúc bấy giờ là thân Ta, người vợ là Cừu-di.

Bồ-tát giữ chí, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

******

35.Bồ Tát Làm Người Buôn Không Tham

Thuở xưa, Bồ-tát, thân làm người phàm, quy mạng ba ngôi báu, giữ giới không thiếu sót, cùng người cậu đi buôn bán để nuôi thân. Họ đến một nước xa lạ kia, người cậu qua sông trước, nghỉ tạm ở nhà một người mẹ góa. Trong nhà có một cô gái nhỏ, thưa với mẹ:

-Sau nhà có cái chậu rửa, có thể đem đổi cho người lái buôn để lấy ngọc trắng.

Người mẹ thuận theo ý con gái, đem bày ra. Người lái buôn dùng dao cạo thử, thì thấy quả thật là vật báu, nhưng giả vờ quăng xuống đất nói:

-Đồ này làm bẩn tay ta!

Rồi hắn liền bỏ đi ra đường. Người mẹ và con gái lấy làm xấu hổ. Người cháu đến sau, cô con gái một lần nữa đem chậu ra bán để đổi ngọc. Người mẹ bảo:

-Việc xấu hổ vừa rồi đáng lấy làm điều răn cho hôm nay đấy. Người con gái nói:

-Con xem anh học trò này có tướng người nhân từ, không phải như kẻ tham tàn trước đấy đâu.

Rồi hai mẹ con lại bày chậu ra bán. Anh học trò xem xong nói: Đây quả là vàng ròng, tôi xin đổi hết của cải của tôi được chứ? Người mẹ nói:

-Được!

Người cháu lại nói:

-Cho tôi xin hai đồng tiền vàng để qua đò. Người cậu tìm trở lại, nói với bà mẹ:

-Nay ta đem ít ngọc cho bà, bà đem cái chậu ấy ra đây.

Người mẹ đáp:

-Vừa có cậu học trò tốt bụng đem hết ngọc quý đổi lấy cái chậu vàng của tôi rồi, còn cảm ân về việc đổi rẻ nữa, bảo: bà đừng vội đi đâu, tôi sẽ trả thêm cho bà.

Người cậu đến bờ sông, giậm chân xuống đất kêu:

-Trả lại của báu cho ta!

Do tánh nóng nảy, tự đấm vào ngực đến mửa máu mà chết. Người cháu đem vàng trả thêm thì thấy cậu đã chết rồi, nghẹn ngào than:

-Tham đến nỗi mất thân ư!

Bồ-tát giữ tín nên được của báu, Điều-đạt gian tham phải bị mất mạng. Người cháu ấy là thân Ta, người cậu là Điều-đạt.

Bồ-tát giữ chí, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

******

36.Kinh Tiền Thân Làm Con Vượn

Xưa, có Bồ-tát, trong vô số kiếp, anh em lo mua bán kiếm lời, nuôi dưỡng cha mẹ. Đi đến một nước khác, người anh bảo em đem châu báu dâng lên vua nước ấy. Nhà vua thấy người em vóc dáng đẹp đẽ nên mừng rỡ ưng ý, hứa gả công chúa cho. Kiếm được rất nhiều ngọc rồi, người em trở về nói lại với anh. Người anh tìm đến chỗ vua. Nhà vua thấy người anh dung mạo đường hoàng, nói năng hợp Thánh điển, hình tướng nho nhã khó ai bằng, nên càng mừng rỡ hơn, đổi ý đem công chúa hứa gả cho người anh. Người anh lòng nghĩ: “Anh của chồng như cha, em dâu như con! Ta với cô này có tình thân như cha con, há có chuyện thành vợ chồng được sao! Vua nước này ở địa vị nhân vương mà xử sự theo hành vi của loài cầm thú.

Bèn dẫn em đi về. Công chúa lên đài cao nhìn theo nói:

-Ta sẽ làm quỷ độc ăn gan người anh này mới đáng.

Lần hồi trong cõi sinh tử, một kiếp kia, người anh làm con vượn, công chúa và người em làm một cặp vợ chồng ba ba. Một hôm ba ba vợ bệnh, thèm ăn gan vượn. Con đực đi tìm, thấy vượn xuống uống nước, bèn nói:

-Người đã từng nghe nhạc chưa?

Đáp:

-Chưa!

Ba ba nói:

-Nhà ta cổ nhạc hay, ngươi muốn nghe không?

Đáp:

-Muốn chứ.

Ba ba nói:

-Ngươi lên lưng ta, ta đưa ngươi về nghe.

Vượn lên lưng ba ba, đi theo được nửa dòng suối, ba ba nói:

-Vợ ta thèm ăn gan ngươi, chứ trong suối làm gì có nhạc.

Lòng vượn có chút thẹn, nghĩ: “Phàm giới là đạo thường để giữ điều lành, quyền biến là việc lớn để cứu nạn.” Bèn nói:

-Ấy! Sao ngươi không nói sớm, ta đã đem gan treo lên cây kia rồi.

Ba ba tin thật, quay lại chỗ cây. Vượn nhảy lên bờ, nói:

-Đồ ba ba chết tiệt! Há có chuyện gan ở trong bụng mà lại đem treo ở trên cây sao?

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Người anh là thân Ta, thường giữ lòng trinh sạch, trọn không phạm điều dâm loạn, nghiệp cuối của kiếp trước còn tai ương nên phải đọa làm thân vượn. Người em và con gái vua đều làm thân loài ba ba. Con đực là Điều-đạt, con cái là vợ của Điều-đạt.

Bồ-tát giữ chí, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

******

37.Kinh Tiền Thân Làm Người Vượt Biển Tìm Châu Báu

Thuở xưa, có vị Bồ-tát đi thuyền vượt biển tìm kiếm châu báu để cứu giúp người nghèo khổ. Trên bờ biển có thành quách, vườn tược đầy đủ. Gái đẹp lên bãi đón họ, nói:

-Nước này giàu có, đẹp đẽ, châu báu muốn bao nhiêu cũng được, nên chịu khó vào thành xem dân có không?

Những lái buôn tin theo lời quỷ mị mê hoặc, bèn ở lại cùng sống với bọn chúng, kể đã năm năm. Bồ-tát cảm thấy nhớ quê hương, cha mẹ, ra khỏi thành lên núi, trông về bốn phía xa xăm, thấy một ngôi thành bằng sắt, trong thành có một người đàn ông, đầu đội mũ trời, nghiễm nhiên ngồi, gọi Bồ-tát, nói:

-Các ngươi điên hay sao, lại lấy quỷ mị làm vợ, bỏ hết tình sâu dày của cha mẹ, họ hàng. Lại bị quỷ nuốt, há chẳng lầm lạc lắm sao! Các người đừng ngủ để quan sát thì khắc biết sự thật. Đang có con ngựa thần bay đến đây cứu mọi người, nên nhờ nó giúp quay trở về quê thì được an toàn tánh mạng. Nếu như luyến ái những người vợ yêu mị, thì chết vào thành ấy, các độc đầy khắp nơi, dù có hối cũng không thể cứu.

Bồ-tát vâng lệnh, giả vờ ngủ để xem xét thì thấy quả đúng như đã nói, lòng sợ hãi lắm. Sáng ngày, bí mật bàn với nhau, mọi người đều đồng ý, cùng ngầm dò xem, thấy vợ biến thành thân chồn giành nhau ăn thịt người, không ai là không tái mặt, nói:

-Chúng ta chắc chết thôi!

Rồi cùng kinh sợ, chuẩn bị, nếu lười trễ là chết. Ngựa chúa kịp đến, nói:

-Có ai chịu rời chốn này, lòng nhớ người thân, thì mau đến đây ta giúp cho.

Những người lái buôn cả mừng nói:

-Đây nhất định là trời!

Cả đám vội đến nương thân. Vợ họ liền bế con theo dấu tìm kiếm, khóc than: “Oan lắm, hỡi trời cao! Làm vợ bao nhiêu năm mà nay cho là quỷ!”

Tiếng ai oán động lòng, lời bay tới cung vua, cũng tâu bày như trên:

-Bọn thiếp nay thật bàng hoàng, không biết nương dựa vào đâu, xin đức vua thương xót tình cảnh của bọn thiếp.

Nhà vua cho triệu Bồ-tát vào hỏi rõ nguyên nhân. Bồ-tát đem những điều đã thấy tâu rõ đầu đuôi. Vua thấy sắc đẹp, vội cho chồng ra đi, rồi cho vào hậu cung làm chuyện dâm tà. Từ đó việc nước rối loạn, quỷ hóa làm chồn, ngày đi ăn thịt người, tác hại quá lắm mà vua không hay biết gì.

Sau đó, tất cả đều mạng chung, sinh tử quay vòng. Bồ-tát nhờ tích chứa nhiều công đức nên được làm Phật. Hồn linh của quỷ cáo hóa sinh vào làm con gái nhà Phạm chí, nhan sắc tuyệt trần. Bấy giờ, Đức Phật đi khất thực giáo hóa ở vùng đó. Ăn xong, Ngài ra khỏi thành ngồi bên gốc cây. Phạm chí thấy Đức Phật tướng đẹp, sắc diện vàng rực, nơi đầu có hào quang, như mặt trăng giữa các vì sao. Thấy Phật như thế, ông vui mừng khôn xiết, về nói với vợ:

-Con gái ta được người chồng ấy là bậc hùng trong đời.

Rồi vội lấy áo quần tốt đủ thứ vào hạng đẹp nhất đời, mặc cho con gái, rồi cả nhà ông Phạm chí dẫn con gái đến dâng cho Đức Phật. Trên đường đi thấy dấu chân, người vợ nói:

-Vị thần ấy là Bậc vô dục, há đem dâm tà làm rối loạn được chí kia sao!

Người cha bảo:

-Con gái ta là hàng quốc sắc đứng đầu, sao bậc đức cao lại không ngó ngàng tới?

Người vợ liền đọc bài tụng ý:

Kẻ dâm lê chân đi

Giận nhiều giảm ý bước

Người ngu chân chạm đất

Trời, người tôn dấu này.

Không tự biết nhục, người cha còn nói:

-Bà sao trí cạn cợt thế, gắng mà thực hiện.

Bèn đem con gái đến dâng.

Đức Thê Tôn bảo:

-Trời Ma thứ sáu, đã hiến cho ta ba người con gái, đều biến thành quỷ già rồi, nay ngươi đem cái túi phân này đến làm gì?

Phạm chí bẽn lẽn, người vợ càng xấu hổ hơn. Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo tiến đến cúi đầu thưa:

-Xin để cho con.

Đức Thế Tôn dạy:

-Ngươi xưa làm vua, cô gái này làm quỷ, đã dùng sắc đẹp dối gạt ngươi, ăn hết dân chúng của ngươi mà ngươi không chán sao!

Vị Tỳ-kheo thẹn thùng trở về dốc tu thiền đạt định, chứng đạo quả Câu cảng.

Đức Phật bảo Tôn giả Thu Lộ Tử:

-Bồ-tát từ khi nghe lời dạy của người trong thành sắt, trở về nhà quy mạng ba ngôi báu, tự thề: “Cho dẫu đến chết cũng không phạm giới trọng thanh tịnh của Đức Như Lai Ứng Nghi Chánh Chân Giác. Rồi Bồ-tát Ma-ha-tát dốc giữ giới đức thêm rộng nhiều, nên thành Phật đạo. Trưởng giả bấy giờ là thân Ta, nhà vua thời ấy là vị Tỳ-kheo chứng quả Câu cảng, quỷ là con gái của Phạm chí, người trong thành sắt là Thu Lộ Tử.

Bồ-tát giữ chí tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

******

38.Kinh Thái tử Mộ Phách

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc thuộc nước Văn vật. Bấy giờ, Đức Phật bảo các vị Sa-môn:

-Xưa có quốc gia tên là Ba-la-nại, vua có thái tử tên là Mộ Phách, sinh ra đã thông minh vô cùng, các việc quá khứ, hiện tại, vị lai, trí đều thông suốt, không chút trở ngại, thân tướng tươi sáng như trăng giữa các vì sao. Là con một của vua, nên cả nước không ai là không yêu mến. Nhưng đã mười ba tuổi, mà vẫn ngậm miệng không nói như người câm. Vua và hoàng hậu lo rầu, gọi các Phạm chí đến hỏi nguyên do. Họ thưa:

-Đây là điềm chẳng lành. Đoan chánh mà không nói được thì có ích gì cho đại vương. Hậu cung không người nối dõi, há chẳng phải tại thái tử hại sao? Theo phép thì nên chôn sống ắt sẽ có quý tử nối dòng.

Nhà vua ngậm ngùi, vào bàn bạc cùng hoàng hậu. Hoàng hậu cùng cung nhân không ai mà không thương xót, than thở:

-Sao mà thái tử bạc phước, gặp phải tai ương này!

Người thương xót kéo đến chật đường, làm nghẽn tắc lối đi, như có đại tang. Hoàng hậu mặc cho thái tử đầy đủ y phục quý giá rồi đem giao cho táng phu. Táng phu đoạt lấy hết áo quần tốt, cùng nhau xây mộ. Mộ Phách nghĩ: “Vua cùng người trong nước đều tin ta câm thật”. Bèn lặng lẽ thu lại áo quần vào sông tắm rửa sạch sẽ, dùng hương thơm xoa lên thân, mặc đầy đủ áo quần quý giá, đi đến chỗ trên huyệt kêu:

-Các ngươi làm gì đó?

Táng phu đáp:

-Thái tử câm điếc, làm đất nước không người nối dõi, vua ra lệnh chôn sống, mong sinh được con hiền nối ngôi.

Thái tử nói:

-Ta là Mộ Phách.

Táng phu nhìn xe bỗng chốc thấy trống rỗng, xem kỹ hình dung, ánh sáng tỏa rực rỡ khắp đồng cỏ xa gần như ánh sáng mặt trời. Thánh linh thế lớn làm chấn động các thần. Táng phu lớn nhỏ không ai là không khiếp sợ, giương mắt nhìn nhau, mặt mày xanh mét, lời thành văn chương, thảy đều kinh hãi. Họ ngửa mặt lên trời, nói:

-Thái tử đức linh đến thế sao!

Liền cúi đầu thưa:

-Nguyện xin về tâu vua ngay, để mọi người không còn than thở nữa.

Thái tử bảo:

-Các ngươi mau về tâu vua rằng ta có thể nói được!

Họ liền về tâu lên vua. Vua và hoàng hậu cùng dân chúng lấy làm lạ về việc này, lòng mừng rỡ khen ngợi, không ai là không vui mừng. Xe ruổi dong, người chạy vội, người xe đông đảo làm tắc nghẽn cả đường đi. Mộ Phách nói:

-Muốn được làm Sa-môn, tu hạnh hư tĩnh, chẳng phải là tốt sao!

Ý vừa nghĩ như thế thì trời Đế Thích liền hóa ra vườn, ao, cây cối chưa hề thấy, lại cởi các y phục báu hóa làm ca-sa.

Vua đến nơi, thái tử gieo năm vóc xuống đất cung kính làm lễ. Nhà vua liền ngồi xuống, nghe tiếng con nói ấy, bóng dáng uy nghi, trời đất rúng động. Nhà vua vui mừng dụ:

-Ta có người con được cả nước kính yêu như thế, sẽ nối dõi ngôi trời, làm cha mẹ muôn dân.

Thái tử tâu:

-Nguyện xin đại vương thương nghe lời hèn này. Con xưa đã từng làm quốc vương nước này tên là Tu Niệm, trị nước an dân hai mươi lăm năm, thân phụng trì mười nẻo thiện, lấy từ bi nuôi dưỡng dân, roi gậy và các thứ binh khí đều bỏ hết không dùng đến, nhà ngục không nhốt tù nhân, trên đường đi không có tiếng ta thán, bố thí cùng khắp, không đâu là không nhuần thấm. Chỉ do lần đi dạo chơi, người theo hộ vệ rất đông, quan dẫn đường xua đuổi ráo riết khiến lê dân kinh hoàng, nên sau khi chết, bị đọa vào địa ngục Thái sơn, chịu khổ thiêu nấu, cắt, xé đến sáu vạn năm, muốn chết không được, kêu ca không ai cứu. Như vào lúc này, trong có bà con xa gần, ngoài thì thần dân của cải vô số, thú vui vô kể, có ai biết con đã từng đọa vào địa ngục Thái sơn, chịu bao khổ thiêu nấu, đau đớn vô cùng đâu! Vinh hoa của cuộc sống, vợ con, thần dân, ai có thể chia bớt nỗi khổ này đi cho! Chỉ một mình phải chịu hết các khổ độc thôi. Mỗi lần nghĩ đến điều này thì lòng dạ xót xa, xương cốt rã rời, thân toát mồ hôi, lạnh nổi da gà. Lời đi, họa đến, tai ương theo đuổi như bóng tìm hình, tuy muốn nói nên lời nhưng sợ phải chuốc lấy tội lỗi.

Nỗi khổ ở ngục Thái sơn, nào muốn tái diễn nữa! Do đó lưỡi rụt, không muôn nói ra, mới mười ba năm mà đạo sư yêu quái đã khiến phụ vương chôn sống con. Sợ đại vương bị tội phải vào địa ngục Thái sơn, buộc con phải nói một lời. Nay con muốn làm Sa-môn, giữ hạnh vô dục, thấy đủ cửa các tai họa rồi, không muốn làm vua nữa, xin cha chớ lấy làm lạ.

Nhà vua nói:

-Con làm vua hạnh cao đức trọng, đem đạo dạy dân, lỗi như tơ tóc, không ai nghĩ nhớ, vậy mà phải bị tội khốc liệt đến như thế sao! Còn như ta nay làm chủ loài người, lòng theo điều ham muốn, không phụng thờ chánh pháp, thì chết rồi sẽ ra sao đây?

Bèn thuận cho thái tử học đạo. Vua trở lại trị nước, dùng chánh bỏ tà, quốc gia trở nên giàu có, yên vui. Mộ Phách liền tự luyện tâm, dứt dục, chí dốc tiến theo đạo chân, đắc quả thành Phật, rộng nói kinh pháp, cứu độ chúng sinh, đưa đến giải thoát.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Mộ Phách lúc đó là thân Ta, phụ vương nay là vua Bạch Tịnh, mẹ thời ấy nay là Xá Diệu, mẹ Ta. Ôi! sắc đẹp dục tà là lò thiêu thân, còn thanh tịnh đạm bạc chính là nhà không còn hoạn nạn. Nếu người muôn khỏi nạn, khổng tội thì không được quên lời Phật dạy. Hành đạo tuy khổ còn hơn là sống trong ba đường ác. Làm người thì được xa cảnh bần cùng lam lũ, không bị tám nạn. Nếu chí dốc học đạo thì phải theo hạnh như Phật. Người muốn đạt được bậc Duyên giác, ứng chân, giải thoát thì phải theo đúng hạnh ấy mới có thểđạt được.

Đức Phật nói kinh xong, các vị Sa-môn đều vui mừng, cúi đầu làm lễ.

******

39. Kinh Di-lan.

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, các vị Sa-môn ở nơi vắng lặng, suy nghĩ sâu xa nhận thấy: người đời quen theo nẻo tà, ưa thích dục lạc từ đầu đến cuối, không hề biết chán năm dục. Năm dục là gì? -Đó là mắt ưa sắc, tai thích tiếng, mũi ưa mùi hương, miệng thích mùi ngon, thân ưa êm ái. Phàm năm dục này cho đến chết, há có người nhàm chán sao! Sau bữa trưa, các vị đều đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ nơi chân, lui ra đứng qua một bên, bạch:

-Thưa Đức Thế Tôn, chúng con nghĩ người ngu trên đời, mê đắm năm dục, cả đến lúc chết, cũng đâu có nhàm chán.

Đức Phật bảo:

-Xem ra cả đời không đủ đối với năm dục ấy.

Thuở xưa có năm trăm lái buôn, vào biển kiếm lợi, trong số họ có người trí tên là Di-lan, làm thuyền trưởng. Biển có con cá thần tên là Ma-kiệt, đã lật chìm thuyền kia, cả đám chết hết. Di-lan nhờ bám được tấm ván mà khỏi chết, gió thổi ông dạt vào bờ một đất khác tên là Tỷ ma. Ông lên bờ đi khắp để tự tìm lại cuộc sống, gặp một con đường nhỏ, theo đó đi tới, từ xa thấy một ngôi thành bằng bạc, cây cối sum suê, trong có ao tắm, giáp vòng bôn phía đều có nước ngọt chảy quanh. Có bốn mỹ nhân đẹp như Tiên nữ, đón mời nói:

-Trải vượt qua biển cả chắc là nhọc nhằn lắm, xin chúc mừng đến nơi được an lành. Hôm nay thành bạc này, trong có các thứ báu như vàng ròng, bạc trắng, thủy tinh, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ… làm cung điện, chúng thiếp bốn người xin dâng cho bậc nhân từ sai khiến, tối nghỉ sáng dậy theo lệnh ngài bảo ban, xin đừng đi nơi khác!

Di-lan vào thành, lên điện bảy báu, vui say theo ý muốn, cần gì. được nấy.

Sống trong thành ấy hơn ngàn năm, Di-lan nghĩ: “Các nàng ngọc nữ này chẳng muốn ta đi, chắc có duyên cớ gì?”. Bèn rình chờ cho bốn cô gái ngủ, vội trốn đi mất. Xa xa thấy một ngôi thành bằng vàng, ông liền đi tới, có tám ngọc nữ nghinh đón, nói những lời như trên. Tám ngọc nữ ở đây còn đẹp hơn bốn người trước. Bảo điện ở trong thành tên là Tiết mạt, các thứ báu minh nguyệt, trân châu cũng vượt xa thành bạc. Sống ở đây chừng vài vạn năm tuổi, ông lại ngờ tám nàng ngọc nữ này hẳn có lý do gì, nên không cho ông đi, bèn chờ cho họ ngủ, vội lén trốn đi mất. Lại thấy một ngôi thành bằng thủy tinh, có mười sáu cô ngọc nữ ra nghinh đón ông, cũng những lời lẽ như trước, mời mọc ông vào thành, lên điện bảy báu. Thành, điện, các thứ báu, ngọc nữ, còn rực rỡ hơn các thành trước, ông sống ở đó hơn vài ngàn vạn năm, cảm thấy chưa thỏa, lại chờ ngọc nữ ngủ, để trốn đi nữa. Ông lại thấy một ngôi thành bằng lưu ly sáng chói rực rỡ, có ba mươi hai nàng ngọc nữ ra tiếp đón, quỳ lạy, dùng những lời mời mọc như trên, thỉnh ông vào thành, lên điện bảy báu tên là uất-đan, ở đây các vật báu, kỹ nhạc, đồ ăn ngon, nữ sắc… đều hơn các điện trước. Ông ở đấy lâu năm như các thành trên, lại đợi cho các ngọc nữ ngủ và lén trốn ra đi. Lần này, ông thấy xa xa có một thành bằng sắt, nhưng không thấy người nào ra đón tiếp. Di-lan nghĩ: “Thành bạc có bốn ngọc nữ, thành vàng có tám cô, thành thủy tinh có mười sáu cô, thành lưu ly có ba mươi hai cô, thảy đều dung nhan tuyệt trần, lại cung kính tiếp đón, nay không có người nào đón tiếp cả, chắc có chuyện gì chăng?”, ông đi quanh một vòng thì có quỷ ra mở cửa. Di-lan vào thành liền thấy con quỷ, tên là Câu Dẩn, trên đầu hắn có bánh xe cháy rực đang xoay. Quỷ giữ tội nhân, lấy bánh xe trên đầu quỷ kia tròng lên đầu Di-lan. Não chảy, thân cháy, Di-lan rơi nước mắt nói:

-Từ bốn đến tám, từ tám đến mười sáu, từ mười sáu đến ba mươi hai ngọc nữ hầu hạ, sống sang trọng trong điện Tiết mạt, điện uất-đan! Ta do hạnh không biết đủ nên mới bị như thế, làm sao xa được nạn này?

Quỷ giữ tội nhân đáp:

-Số năm mang vòng lửa bằng số năm đã sống nơi các thành trên, thì ông sẽ thoát nạn này.

Từ đó, vòng lửa ở trên đầu Di-lan đến sáu ức năm mới khỏi.

Đức Phật bảo các vị Sa-môn:

-Di-lan đó nay là Ta. Sở dĩ như vậy là vì khi ấy chưa thờ phụng ba ngôi báu, ngu mê tin theo nẻo tà, có lần mẹ tắm gội xong, mặc áo mới nằm ngủ, ta đạp lên đầu mẹ, nên ở ngục Thái sơn bị bánh xe lửa chụp lên đầu. Lại từng lấy ngày mùng tám tháng tư thọ trì “bát quan trai”, trong lòng hoan hỷ nên đã được ở các thành báu, thọ mạng hàng ức ức năm, sở nguyện luôn như ý, muốn gì được nấy. Thấy đời không biết đủ, chỉ đạt được đạo quả mới thôi!

Đức Phật bảo các vị Sa-môn:

-Di-lan ra khỏi ngục Thái sơn, lòng ngăn ba ác, miệng dứt bốn dao, thân xét ba lỗi, hiếu thuận cha mẹ, phụng thờ ba ngôi báu, đội giới làm mũ, mặc giới làm áo. Mang theo giới làm lương thực, lấy hương vị giới làm món ăn, ngồi, đi, ăn, thở không hề quên giới luật của Phật, khắp nẻo hành hóa luôn nhờ giới đức mà nên, tự đạt đến thành Phật. Cái hạnh của người phàm tục, bất hiếu với cha mẹ, không tôn thờ thầy tổ, ta thấy họ về sau tự chuốc lấy tội nặng cùng một tội như Di-lan mà thôi. Phàm làm ác thì họa đuổi theo như bóng theo hình, còn dứt tuyệt tà ngụy, sùng tôn chân chánh thì các tai họa tự nhiên tiêu hết.

Đức Phật nói kinh xong, các vị Sa-môn đều hoan hỷ làm lễ.

******

40. Kinh Đảnh Sinh Thánh vương

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ. Khi ấy Tôn giả A-nan rảnh rỗi, nên suy nghĩ sâu xa: “Chúng sinh từ đầu đến cuối, ít người chán ghét năm dục”. Sau bữa trưa, Tôn giả đến chỗ Đức Phật, cúi đầu lễ xong lui ra, bạch:

-Thưa Đức Thế Tôn, nhân lúc ngồi rảnh con suy nghĩ kỹ, thấy rằng chúng sinh, ít người biết đủ, còn kẻ không biết chán năm dục thì rất đông.

Đức Thế Tôn khen:

-Hay thay! Hay thay! Đúng như ông nói đó. sở dĩ như vậy là vì. Đức Phật kể tiếp:

-Thuở xưa, có vị vua tên là Đảnh Sinh, Đông, Tây, Nam, Bắc không ai là không thần phục. Vua có bảy báu là: đao của bánh xe vàng bay, voi trắng, ngựa tía, ngọc minh nguyệt, vợ ngọc nữ, tôi phụ chính giỏi, tôi điều binh tài. Những thứ bảy báu của vua xem ra trên đời thật ít có. Vua lại có một ngàn người con đoan chánh, tươi đẹp, thông minh, trí rộng, thiên hạ xưng tụng là Thánh, có sức mạnh chế ngự mọi người, như là sư tử. Vua đã là Thánh lại nhân từ, khắp trời an vui thần thuộc, thọ mạng có đến hàng ức năm. Lòng vua thường nghĩ: “Ta có một cõi thiên hạ Câu-da-ni, đất đai ngang dọc ba mươi hai vạn dặm, dân chúng đông đúc, ngũ cốc dồi dào, nhà nhà giàu có, những gì đời hiếm thì nước ta gồm đủ cả. Tuy nhiên ta vẫn cầu nguyện vua trời kia hãy mưa xuống tiền vàng, tiền bạc bảy ngày bảy đêm, cho ta như thế, há chẳng tốt sao?”.

Trời theo ý nguyện của vua, mưa xuống hai thứ báu trên đầy cả mọi chốn. Ánh sáng của báu trời rực rỡ khắp nước. Nhà vua vui sướng không lường, thiên hạ lại tạ mừng rỡ. Hàng ngày cùng quần thần, nhà vua vui chơi thỏa thích. Muôn dân đều khen ngợi tốt đẹp vì luôn được an lạc vô bờ.

Qua được vài ngàn vạn năm, nhà vua lại nghĩ: “Ta có đất phía Tây rộng tới ba mươi hai vạn dặm, tốt tươi, đủ bảy báu, có ngàn đứa con, rạng rỡ cả đất nước, được trời mưa tiền báu, chưa từng có trên đời. Tuy nhiên, ta nghe ở phương Nam có cõi Diêm-phù-đề, đất rộng, dài có đến hai mươi tám vạn dặm, dân chúng đông đúc, cầu gì được nấy. Ta mà được đất ấy há chẳng sung sướng lắm sao!”.

Ý vua vừa nghĩ, thì bánh xe vàng hướng về Nam, bốn binh chủng bảy báu nhẹ nhàng bay đi, cùng tới trên đất ấy. Vua và thần dân nước đó không ai là không tùng phục. Vua dân nước đó trọn ngày hân hoan. Nhà vua dừng lại đó giáo hóa mọi người. Trải qua số năm như trên, nhà vua lại nghĩ: “Ta có đất phía Tây, nay lại có đất phía Nam, các báu nơi trời, người cầu gì mà không có. Bây giờ ta nghe ở phương Đông có cõi Phất-vu-đãi, rộng dài ba mươi sáu vạn dặm. Vua dân cõi đó, các báu, ngữ cốc, các thứ báu quý… mong gì được nấy. Nếu ta được đất ấy thì chẳng càng thích thú sao?”. Miệng vừa nói như vậy, thì bánh xe vàng liền hướng về phía Đông, bốn binh chủng đều bay đi đến đó. Vua, tôi, dân chúng nước ấy không ai là không tuân phục. Vua lại dùng chánh pháp, nhân từ giáo hóa muôn dân, số’ năm dài như trên, nhà nhà đều mang ân đức của vua. Rồi nhà vua lại nghĩ: “Ta có đất ở các cõi Tây, Nam, Đông. Trời, người các báu, không có báu quý gì mà ta không có. Nay nghe phương Bắc có cõi uất-đan-việt, nếu ta làm vua cõi ấy thì chẳng tốt lắm ư?’ Vừa mở miệng nói lời nguyện, thì bánh xe vàng đã hướng về phía Bắc, bốn binh chủng đều bay như trước. Vừa vào cõi ấy, xa xa thấy đất xanh như sắc lông chim thúy, nhà vua hỏi:

-Các người thấy đất xanh chứ?

Họ thưa:

-Dạ thấy.

Vua nói:

-Đây là đất uất-đan-việt.

Lại thấy đất trắng, vua hỏi họ thấy không, họ đáp:

-Có thấy.

Vua nói:

-Đất đây đã thành cơm gạo rồi, các ngươi ăn đi!

Rồi lại thấy các cây báu, trên đó nào là áo quần mịn đẹp, xuyến, nhẫn, chuỗi ngọc lạ lùng, nhà vua hỏi:

-Các ngươi thấy đó chứ?

Thưa:

-Dạ thấy.

Nhà vua bảo:

-Các ngươi lấy mà mặc vào đi!

Nhà vua cai trị bằng lòng nhân từ, giáo hóa dân bằng lòng khoan thứ, số năm ở đấy lâu như trên. Rồi lại sinh ý nghĩ: “Ta đã có ba cõi thiên hạ, nay được thêm cõi phương Bắc bốn mươi vạn dặm, bây giờ thì muốn lên cõi trời Đao-lợi, đến chỗ của Đế Thích”. Vua vừa nghĩ vậy thì bánh xe vàng liền hướng lên trên, bốn binh chủng bảy báu bay lên trời, vào cung Đế Thích. Đế Thích thấy nhà vua đến thì vui mừng nghinh đón, nói:

-Nghe cao danh đã lâu, muốn được gặp gỡ, nay ngài bay lên đây, thật là sung sướng lắm!

Đế Thích bèn cầm tay cùng ngồi, nhường vua tòa ngồi. Nhà vua ngoái nhìn tả hữu thấy cung điện trên trời làm bằng vàng ròng, bạc trắng, thủy tinh, lưu ly, xa cừ, hổ phách, trân châu… lòng càng hớn hở, lại nghĩ: “Ta có bốn nước, tiền báu vô số, nhưng ở đây sang quý khó tả xiết, nếu khiến cho trời Đế Thích chết đi, để ta ở ngôi vị ấy thì chẳng thỏa nguyện lắm sao?”

Niệm dữ vừa dấy lên thì thần túc liền bị diệt hết. Đế Thích đưa về cung cũ thì lâm bệnh nặng, quan phụ chính tâu:

-Thiên vương bệnh nặng, nếu có mệnh hệ nào thì sẽ có di huấn gì không?.

Nhà vua nói: .

-Như có ai hỏi vì sao nhà vua mất đi thì hãy đáp như chỗ ngươi đã thấy. Do tham mà bị bệnh, đến nỗi mất mạng, ôi, tham lam là lưỡi dao hại mạng, là cái gốc của sự mất nước, xa ba ngôi báu để theo ba đường ác thảy đều do đấy mà ra cả. Kẻ nối dõi về sau phải lấy đó làm điều răn, xem lửa tham, si là gốc thiêu đốt thân mình, vậy nên cẩn thận chớ tham. Phàm càng sang quý nhiều thì họa càng cao, của báu nhiều thì oán kia càng lắm.

Sau khi vua mất rồi, những người nối tiếp thuộc nằm lòng những lời răn dạy về tham ấy, nương vào đó làm của báu truyền đời. Dân chúng trong bốn cõi thiên hạ tôn trọng sự giáo hóa nhân từ, phụng thờ ba ngôi báu, làm theo mười điều thiện nên được phước lâu đài.

Đức Thế Tôn nói:

-Xem ra ở đời ít kẻ có thể bỏ vinh quý, vứt năm dục. Chỉ có những bậc chứng được các quả Câu cảng, Tần lai, Bất hoàn, ứng nghi, Duyên giác, Vô Thượng Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác Đạo Pháp Ngự Nhân Thiên Sư, thì mới cỏ thể dứt tuyệt được. Phi hành hoàng đế sở dĩ mọi ước nguyện đều đạt được, không hề trái với ý là vì do kiếp trước đã tu tập các pháp Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, chứ không phải tự nhiên mà có. Vua Đảnh Sinh ấy chính là thân Ta.

Đức Phật nói kinh xong, Tôn giả A-nan vui mừng đảnh lễ Phật.

******

41. Kinh vua Phổ Minh.

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ, Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Thuở xưa, có Bồ-tát làm đại vương tên là Phổ Minh, lòng Từ thi ân tỏa trùm khắp, mười phương đều ca ngợi, dân chúng nguyện nhà vua luôn được an lành như con hiền hỏi thăm cha mẹ.

Nước bên cạnh có vị vua cai trị theo đúng phép, sức mạnh như sư tử, đuổi bắt được chim bay. Một hôm, người lo thịt ăn cho vua bị mất thịt, nên sáng sớm đã vội đến chợ tìm mua, trên đường đi hắn thấy thây người vừa mới chết, bèn lấy thịt đó về làm món ăn, hương vị ngon hơn thịt súc vật. Hôm sau, hắn làm đồ ăn không ngon bằng trước, nhà vua trách hỏi Thái quan, người phụ trách về thịt đến cúi đầu thú nhận sự việc. Lòng vua bẽn lẽn nói:

-Thịt người ngon đấy chứ!

Rồi vua ngầm ra lệnh cho đầu bếp dùng thịt ấy làm món ăn thường ngày.

Đức Thế Tôn nói:

-Con người, hễ đắm sâu nơi mùi vị thì đạo nhân mỏng, nẻo nhân mỏng thì lòng lang sói dấy mạnh. Ôi! Làm chó sói thì ham mùi vị thịt, giết hại mạng sống loài vật, nên thiên hạ oán thù.

Đầu bếp vâng lệnh, lặng lẽ đi giết người để cung phụng theo ý muốn của vua. Thần dân xôn xao, dâng biểu xin vua truy tầm kẻ giết người. Nhà vua đành phải đồng ý, nhưng mật bảo đầu bếp:

-Ngươi hãy cẩn thận đấy!

Một hôm, có quan chức bắt được kẻ giết người, hắn nói:

-Vua ra lệnh cho tôi đó.

Quần thần đến can vua:

-Chúng thần trộm nghe, bậc vua là đức theo pháp nhân từ, anh minh thì nhật nguyệt cùng tỏa sáng, đất dày thấm nhuần ân như trời đất, ôm giữ chúng sinh như là hư không, vậy mới đáng là vua của thiên hạ. Nếu bỏ nhân từ theo nẻo tàn bạo tức là loài sài lang, bỏ sáng theo tối, ấy là bọn đui mù, bỏ cứu vớt để tự đắm chìm là lũ đục phá thuyền, bỏ thấm ướt ưa thích khô ráo tức là giết mình trong lửa hạn. Quay lưng với chỗ rộng thoáng để hướng về chốn ngột ngạt tức là tâm của loài người đá. Ôi! Hành động của những kẻ lang sói tham tàn, mù tối, đắm chìm, thiêu đốt, người đá, thật không đáng làm người coi đám đầu bếp há đâu có thể làm vua trong thiên hạ? Nếu tôn sùng đức thì thạnh, ưa tàn hại thì vong, hai nghĩa thiện ác ấy, vua nghĩ thế nào?

Nhà vua nói:

-Trẻ sơ sinh dứt sữa được không?

Quần thần đáp:

-Không thể được.

Nhà vua bảo:

-Ta cũng như thế.

Quần thần đều nói:

-Sài lang không đáng nuôi dưỡng, kẻ vô đạo không đáng làm vua.

Thần dân một lòng đồng thanh đuổi đi. Vua chạy vào núi thấy thần cây, bèn cúi đầu thưa:

-Khiến tôi được trở về lại đất nước, tôi xin dâng cho thần một trăm vua.

Thề xong liền đi. Bèn rình chờ các vua ra ngoài, đột kích bắt lấy, như diều cắt tóm bắt chim én, sẻ. Hắn bắt giữ được chín mươi chín vị vua. Thần cây hiện hình người, dung mạo đẹp đẽ khác thường, gọi A Quần bảo:

-Người làm việc vô đạo, nên đánh mất ngôi vua sang quý, nay lại làm điều tàn ác lớn hơn, còn muốn trông chờ gì nữa?

A Quần chạy tới phía trước, bỗng nhiên người ấy biến mất. Vừa khi vua Phổ Minh đi quan sát dân tình khổ, vui thế nào. Trên đường gặp một Phạm chí, vị ấy nói:

-Xin đại vương trở về cung, tôi có điều muốn thưa.

Nhà vua bảo:

-Hôm qua đã ban lệnh rồi, nay phải thực hiện, chữ tín khó làm trái. Xin mời đạo sĩ đến cung ngồi, ta quay về ngay.

Rồi vua ra đi, thì bị A Quần bắt được, ném bên gốc cây. Nhà vua nói:

– Ta không sợ mất mạng, chỉ hận vì chữ tín của ta bị hủy bỏ.

A Quần hỏi:

-Vì sao vậy?

Nhà vua liền nói rõ về lời thề của mình khi gặp đạo sĩ và xin gặp ông ấy một lần để nhận giới trọng, đem ít của báu dâng lên, rồi trở lại chịu chết, không ân hận.

A Quần thả nhà vua trở về gặp đạo sĩ. Vua đích thân bày tòa cao mời đạo sĩ lên ngồi. Đạo sĩ liền nói bài kệ:

Số kiếp đã hết

Lửa cháy đất trời

Tu-di biển lớn

Đều ra tro rồi.

Trời rồng hết phước

Về trong tiêu tan.

Đất trời còn mất

Nước sao thường ngôi?

 

Sinh, lão, bệnh, tử

Luân chuyển không bờ.

Việc cùng nguyện trái

Buồn lo ấy hại

Dục chất họa chồng

Không ngoài bướu nhọt

Ba cõi đều khổ

Nước chỗ nào nhờ?

 

Có vốn từ không

Nhân duyên nên thành?

Thạnh ắt phải suy

Thật tất có hư!

Chúng sinh xuẩn ngu

Đều duyên chốn huyễn

Tiếng vang đều không

Đất nước cũng vậy

 

Thần thức vô hình

Xe kéo bốn rắn.

Vô mình quý dưỡng

Dùng làm xe vui

Hình, vô thường chủ

Thần, vô thường nhà

Ba cõi đều ảo

Nào có nước đâu?

Nhận bài kệ xong, nhà vua liền hiến cúng một vạn hai ngàn tiền vàng cho vị Phạm chí. Phạm chí lại dạy:

-Ông nên nhớ nghĩ đến bốn vô thường thì họa kia ắt tiêu diệt. Nhà vua đáp:

-Thưa vâng, không dám trái lời dạy sáng suốt.

Rồi nhà vua đến chỗ gốc cây đã hẹn. Thấy nhà vua vừa đi vừa mỉm cười, A Quần nói:

-Mạng nguy đến nơi sao vui được mà cười?

Đáp:

Lời dạy của Đức Thế Tôn, ba cõi ít kẻ nghe, nay ta được nghe và nhớ, sao lại còn tiếc đất nước, thân mạng?

A Quần vòi vĩnh nói:

-Xin được nghe lời dạy quý giá.

Nhà vua liền đem bốn bài kệ trao cho. A Quần vừa sợ vừa mừng, khen:

-Đức Thế Tôn lồng lộng thay! Đã nêu bày rõ bốn vô thường. Ôi! Ta vì không được nghe, thấy, nên đã làm những việc ngông cuồng, sai trái.

Rồi ông liền thả một trăm vị vua, ai về nước nấy. A Quần sám hối lỗi lầm, tự sửa đổi, lấy gốc cây làm chỗ ở, ngày ngày luôn nhớ nghỉ về bốn bài kệ. Đến khi lâm chung, hồn chuyển đến làm Vương thái tử. Cưới vợ không sinh được con trai, nhà vua càng thêm lo buồn, nhân đó tuyển mộ con gái trong nước rồi dạy dỗ, khiến có con trai, về sau, thái tử trở nên dâm dật, phóng đãng, không theo đạo chân, nhà vua giận dữ sai phơi thây thái tử ở ngã tư đường, ra lệnh cho người đi đường dùng ngón tay gõ vào đầu để làm nhục. Gõ vừa đúng chín mươi chín người thì thái tử mới chết. Linh hồn ông biến hóa, luân chuyển mãi không thôi, đến khi sinh ra ở nước Xá-vệ thì gặp Phật tại thế. Ông sớm mồ côi cha, cùng mẹ sống cô đơn theo đạo Phạm chí, tánh thuần, lời tín, sức mạnh địch cả voi, được thầy yêu, bạn kính, gần xa đều khen là hiền.

Mỗi lần đi du hóa, thầy đều giao cho ông trông coi việc nhà. Một hôm, người vợ yêu của thầy kéo tay ông, dùng lời dâm dục dụ dỗ. A Quần từ chối:

-Bạn già ở đời, đàn ông là cha ta, đàn bà là mẹ ta, huống chi thầy là chỗ ta kính trọng! Bảo thiêu đốt thân mạng còn có thể làm theo, chớ loạn luân thì ta không dám thuận.

Vợ thầy xấu hổ lui vào nghĩ kế, chồng về, vợ nói:

-Ông khen hắn hiền, đủ rõ là ông không biết gì về hắn cả.

Rồi mụ đặt điều nói đủ lỗi của ông. Lời yêu nữ nói ra như thật, khiến Phạm chí tin. Phạm chí nói với A Quần:

-Ngươi muốn thành Tiên không?

Thưa:

-Dạ muốn.

Thầy bảo:

-Ngươi giết một trăm người, chặt lấy một trăm ngón tay của họ là được thành tiên ngay.

Vâng lời thầy, A Quần vác kiếm tìm gặp người là giết, thu được chín mươi chín ngón tay, mọi người đều chạy trốn hết, cả nước chấn động. Không còn ai, hắn thấy mẹ mình, mừng rỡ nói:

-Mẹ nữa là đủ số, ta sẽ thành Tiên ngay thôi!

Thấy cảnh ấy, Đức Phật nghĩ: “Tà đạo mê hoặc mọi người, hạng ấy có mặt ở khắp nơi.” Ngài liền hóa làm một vị Sa-môn, đi ở đàng trước A Quần. Hắn nói:

-A, có người này là đủ sốrồi!

Bèn chạy đuổi theo sau mà không kịp được. Hắn kêu:

-Này! Sa-môn, hãy dừng lại.

Đức Phật đáp:

-Ta dừng đă lâu rồi, chỉ có ngươi là không dừng thôi.

Hắn hỏi:

-Dừng nghĩa là thế nào?

Đức Phật đáp:

-Ta, các việc ác đều dừng, còn ngươi thì các việc ác đều bừng lên.

A Quần tâm mở rộng, bỗng như mây tan, gieo năm vóc xuống đất, cúi đầu hối lỗi, chắp tay xin theo.

Đức Phật đem về tinh xá, cho làm Sa-môn, lại vì ông thuyết giảng về hạnh kiếp trước, hiện rõ bốn vô thường, ông chứng được đạo quả Câu cảng, lui về bên gốc cây ngồi nhắm mắt chắp tay, tu luyện trừ bỏ các thú cấu nhiễm còn sót lại, tiến lên chứng được đạo quả Vô trước.

Trong khi ấy, quốc vương triệu tập quân sư, chiến sĩ vài vạn, ra lệnh tìm bắt yêu tặc giết người, chưa biết đi đâu. Trên đường đi qua chỗ Đức Phật, thấy vua, Đức Phật hỏi:

-Nhà vua từ đâu đến mà thân lấm bụi đất?

Vua đáp:

-Trong nước có yêu tặc giết hại quá nhiều mạng dân, nay đi tìm bắt nó.

Đức Thế Tôn hỏi:

-Nếu dân chúng trước tu đức hạnh, mà sau thoái lui chuộng tà đạo thì phép trị nước xử như thế nào?

Vua đáp:

-Trước quý, sau hèn thì dùng phép chánh mà trị.

Đức Phật hỏi tiếp:

-Còn nếu trước mang lòng súc vật, sau bỏ đi mà giữ lấy đức Thánh thì chánh pháp ra sao?

Vua đáp:

-Trước hèn, sau quý thì dùng chánh pháp mà ban thưởng.

Đức Phật nói:

-Yêu tặc mà ngài tìm, nay đã bỏ tà chuộng chân rồi, hiện đang làm Sa-môn.

Nhà vua khen:

-Hay thay, Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư đã giáo hóa cao thượng, thần diệu đến như thế ư! Trước là kẻ sài lang, nay là người có lòng nhân từ của trời đất.

Nhà vua cúi đầu dưới chân Như Lai, rồi lại khen:

-Việc hóa độ này lạ lắm, con nguyện được một lần nhìn thấy người này.

Đức Thế Tôn nói:

-Được.

Vua cùng các quan đi theo kéo đến chỗ A Quần, nói:

-Này hiền giả đức cao! Hãy một lần mở mắt để thấy nhau được không?

Nhà vua nói như vậy ba lần, A Quần mới đáp:

-Tia mắt sáng ngời của ta chiếu tỏa ra, thật khó mà đương nổi!

Nhà vua cúi đầu nói:

-Ngày mai, bày một buổi tiệc nhỏ, xin được đón đến.

Đáp:

-Dọn nơi nhà xí thì đến, còn dọn ở cung điện thì không.

Nhà vua nói:

-Xin vâng

Trở về, nhà vua cho phá nhà xí, đào bỏ đất cũ, thay vào đất mới. Những thứ gỗ quý như chương tử, chiên-đàn được dựng làm rường cột, nước thơm rải thấm đất. Các thứ hương như chiên-đàn, tô hợp, uất kim, hòa với nhau làm vữa, tô vách, len, dạ, lụa là, dùng làm tòa ngồi. Chạm khắc hoa văn, đem các thứ vật báu làm đẹp tăng thêm rực rỡ, huy hoàng, có khi còn hơn cả cung điện. Rạng ngày đích thân         nhà vua bưng lư hương đến đón. A Quần vào chỗ ngồi, nhà vua vén áo, đi gối hầu hạ. Thọ cúng dường xong, liền thuyết giảng kinh.

-Ngày trước nhà xí ô uế, há có thể dọn ăn được ư?

Đáp:

-Không được.

Hỏi:

– Nay thì dọn được ư?

Vua nói:

Được vậy.

A Quần nói:

– Ta khi chưa gặp Phật thì tin thờ yêu quái, lòng nghĩ, miệng nói, thân làm toàn các việc tà vạy, đạo tà dơ bẩn nên chúng trở thành hôi thối càng quá hơn nhà xí. Phân dơ còn rửa sạch còn cấu uế thì khó trừ, nhưng nhờ phúc kiếp trước nên sanh vào đời có Phật, được tắm gội bằng sự giáo hóa sạch trong, khử mùi thối, thấm hương thơm. Trong ngoài thanh tịnh như trân châu của trời. Ôi! Nếu không gặp được Phật, không nhận biết bốn vô thường, thì xem ra cái chí kia chẳng khác nào người cuồng dại do say rượu, Không gần gũi bậc Hiền mà nương theo mưới ác, thì hẳn cùng với sài lang cùng một bè vậy.

Nhà Vua nói:

Hay thay! Lạ thay! Chỉ có sự giaó hóa của đức Phật mới khiến cho mùi hôi thối của nhà xí hóa thành hương chiên đàn.

Nói Kinh xong, A Quần liền đi ngang qua chợ, nghe có người đàn bà sinh ngược, mạng sống chỉ trong hơi thở, liền trở về thưa rõ lên đức Phật. Đức Phật nói:

Ngươi nhìn người sinh và nói như thế này. Ta từ khi sinh ra đến nay, đem lòng Từ hướng về chúng sinh, cứu giúp thấm nhuần khắp trời đất, mẹ con ngươi đều được an toàn!

Ông nhận lời dạy bảo rồi ra đi, đến nơi, đem lời ân đức của Phật đọc lên thì người đàn bà kia được mẹ tròn con vuông. Trên đường trở về, ông ngỡ mình có tội ác giết người mà nói là thương khắp. Bèn cúi đầu hỏi lại Đức Phật. Đức Phật bảo A Quần:

-Ngày mà lòng phàm của ngươi mở ra thọ nhận đạo pháp, có thể gọi là mới sinh. Không gặp ba ngôi báu, không thọ giới trọng, như đứa trẻ còn trong thai, có mắt mà nào thấy được gì, có tai mà nào nghe được gì, nên nói là chưa sinh!

A Quần tâm mở liền chứng được đạo quả Ứng chân.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Vua Phổ Minh thưở ấy chính là thân Ta. Ta đời trước đã trao cho A Quần bốn bài kệ, một lúc đã cứu sống một trăm vua, nay khiến đắc đạo, không chịu tội nặng. A Quần kiếp trước đã từng làm Tỳ- kheo vác một hộc gạo đưa vào trong chùa, làm một lưỡi dao dâng cúng, hoan hỷ, ca ngợi Đức Thế Tôn, cúi đầu mà đi. Vác gạo nên có nhiều sức mạnh, dâng cúng dao nên được nhiều của báu, hoan hỷ nên được đoan chánh, ca ngợi Đức Thế Tôn nên được làm vua, cúi đầu làm lễ Phật nên được người trong nước sùng bái. Còn chín mươi chín người gõ vào đầu cho đến chết là trả oán trước đã chặt ngón tay của họ. Người đến sau muốn gõ nữa thì thấy đã chết, lại thấy Sa-môn, liền có Từ tâm. Người đến sau tức là mẹ A Quần bây giờ, ban đầu có ý ác, nên A Quần ban đầu cũng có ý ác (định giết mẹ), thấy Sa-môn lại có tâm Từ nên thấy Phật là hiếu thuận ngay. Gieo giông tinh thuần thì được thuần, gieo giống tạp thì được tạp, thiện ác làm ra, phước họa tìm đến, như bóng theo hình, vang ứng theo tiếng, tất cả đều có nguyên do, không phải là tự nhiên. Các Tỳ-kheo nguyện:

-Khiến người gặp được Phật, đắc đạo được như sở nguyện, cúng dường ba ngôi báu, dù có ít như tơ tóc. Sa-môn đem lòng Từ chú nguyện cho người bố thí, nói như lời người ấy nói thì được cả vạn mà không sót một người nào.

Bồ-tát giữ chí tu hạnh Độ vô cực, đã thực hiện trì giới như vậy.