SỐ 152
KINH LỤC ĐỘ TẬP
(Truyện Tiền Thần của Phật và Các Vị Đệ tử)

Hán dịch: Đời Đông Ngô, Sư-môn Khương Tăng Hội, người nước Khương cư
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Chương I: Bố Thí Vô Cực

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại Diêu sơn thuộc thành Vương xá, cùng với năm trăm vị Ứng Nghi (A-La-hán), một ngàn vị Bồ-tát cùng an tọa. Trong số này có vị Bồ-tát tên A-nê-sát, khi Đức Phật nói kinh giảng đạo, thường tịnh tâm lắng nghe, lặng lẽ không nghĩ ngợi, ý chuyên chú nghe kinh, Đức Thê Tôn đều biết.

Đức Phật vì chúng hội, thuyết giảng về sáu pháp Độ vô cực (sáu pháp Ba-la-mật) hạnh cao khó đạt của Bồ-tát, là con đường mau chóng để thành Phật.

Sáu hạnh cao độ vô cực là những gì?

Một là Bố thí. Hai là Trì giới. Ba là Nhẫn nhục. Bốn là Tinh tấn. Năm là Thiền định. Sáu là Trí tuệ (minh).

Sao gọi là Bố thí độ vô cực (Bổ thí ba-la-mật)?

Lành nuôi người vật, thương xót cả đám tà, vui mừng vì người hiền đạt giải thoát, cứu giúp chúng sinh hơn cả trời đất, ân thấm nhuần khắp biển sông. Bố thí cho chúng sinh, người đói cho ăn, người khát cho uống, lạnh cho áo, nóng cho mát, tật bệnh giúp thuốc thang, xe, ngựa, thuyền, kiệu, các thứ châu báu, vợ con, đất nước… hễ ai cầu xin là cho ngay. Như thái tử Tu-đại-noa, bố thí cho bao kẻ nghèo cùng, khác nào như cha mẹ nuôi con, bị vua cha đuổi đi, thương mà không oán.

******

01. Kinh Bồ Tát Tát Bố Thí Rộng Khắp (Đế Thích Dối Gạt Bồ Tát)

 Xưa có vị Bồ-tát lòng thông nẻo chánh, thấy đời vô thường, mạng sống khó giữ nên đem hết của cải bốthí. Trời Đế Thích thấy Bồ-tát đem lòng Từ nuôi dưỡng muôn loài, bố thí cứu giúp mọi người, công cao vòi vọi, đức dội mười phương, ông sợ Bồ-tát đoạt mất ngôi vị của mình nên hóa ra cảnh địa ngục trước mặt Ngài, rồi hiện đến nói:

– Bố thí giúp người, sau khi chết thần hồn đi vào địa ngục Thái sơn, bị thiêu nấu vạn lần đau khổ. Bố thí mà phải chịu hại như vậy thì ông bố thí làm gì?

Bồ-tát đáp:

– Lẽ nào người có công đức bố thí mà phải vào địa ngục Thái sơn?

Đế Thích bảo:

– Bồ-tát không tin thì cứ hỏi tội nhân.

Bồ-tát hỏi tội nhân:

– Ông vì sao mà vào địa ngục?

Tội nhân thưa:

– Tôi ở đời đem hết của cải ra giúp kẻ bần cùng, cứu vớt ách nạn cho mọi người, nên nay phải chịu tội trong địa ngục Thái sơn!

Bồ-tát hỏi Đế Thích:

-Người nhân đức bố thí thì chuốc lấy tai ương, còn người thọ của bố thí thì sao?

Đế Thích đáp:

– Kẻ thọ thí thì mạng chung sẽ sinh lên trời!

Bồ-tát nói:

– Ta cứu giúp chỉ vì chúng sinh, nếu như lời ông nói là thật thì với sở nguyện của ta, dù từ bi bố thí mà phải chịu tội, ta cũng quyết làm. Cứu vớt người, nguy hại mình, đó là chí cao cả của Bồ-tát!

Đế Thích hỏi:

-Tại sao chí nguyện của ông lại chuộng các hạnh cao ấy?

Đáp:

– Ta muốn cầu thành Phật để cứu vớt chúng sinh, đưa họ đến Nê-hoàn, không còn bị sinh tử nữa.

Đế Thích nghe rõ tâm nguyện của bậc Thánh liền cúi đầu thưa:

– Thật sự không có việc bố thí, thương giúp chúng sinh mà xa phước, bị họa đọa vào địa ngục Thái sơn ấy đâu! Vì đức của Ngài động cả đất trời, sợ đoạt mất ngôi vị, nên tôi hiện ra cảnh địa ngục để mê hoặc chí Ngài thôi! Ngu si lừa dối Thánh nhân, nguyện xin tha tội nặng ấy.

Đế Thích sám hốì tội lỗi xong, liền cúi đầu từ tạ.

Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

******

02. Kinh Bồ Tát Tát Ba Đạt Bồ

Xưa có vị Bồ-tát tên hiệu Tát-ba-đạt, là vua một nước lớn, bố thí cho chúng sinh thỏa theo đòi hỏi của họ, cứu giúp ách nạn, luôn có lòng thương xót. Trời Đế Thích thấy đức từ bi thi ân của nhà vua trùm khắp mười phương. Trời, Thần, Quỷ, Rồng đều cho rằng:

– Ngôi vua trời cao quý xưa nay thường không phải của một người. Bậc nào giới đủ, hạnh cao, đức từ, phước lớn, sau khi mạng chung nhất định sẽ làm vua trời.

Đế Thích sợ nhà vua đoạt mất ngôi của mình nên muốn đến thăm dò thực hư thế nào, Đế Thích lệnh cho Biên vương:

– Nay vị nhân vương kia lòng Từ nhuần thấm như mưa, phước đức vòi vọi, e rằng chí của ông ấy muốn đoạt mất đế vị của ta. Vậy ngươi phải hóa thành chim bồ câu, mau bay đến chỗ vua, làm ra vẻ sợ hãi, cầu sự thương xót. Nhà vua vốn nhân từ tất nhận ngươi về. Ta sẽ tìm đến sau, theo vua ấy đòi ngươi lại. Nhà vua hẳn là không trả phải ra chợ mua thịt, bằng với thịt ngươi để đổi. Ta sẽ tiếp tục dối gạt, lòng vua trong sạch chân chất, đã hứa thì nhất định không trái lời, sẽ đồng ý tự cắt thịt nơi thân mình tương đương với trọng lượng của thân ngươi để đổi. Nếu thịt cân cứ theo đây nặng dần lên thì khi thịt hết, thân đau, ắt vua phải hối hận. Nếu ý có chút hối hận thì chí nguyện không thành.

Đế Thích liền hóa làm chim ưng, Biên vương hóa làm bồ câu. Bồ câu vội bay đến đáp dưới chân vua, sợ hãi nói:

– Đại vương ơi, mạng tôi cùng rồi!

Vua bảo:

– Chớ sợ, chớ sợ! Ta nay sẽ cứu sống ngươi!

Chim ưng liền bay đến sau, hướng về chỗ vua nói:

– Bồ câu của tôi vừa đến đây, bồ câu là món ăn của tôi, xin nhà vua giao trả lại cho!

Nhà vua nói:

– Bồ câu đem thân mạng đến nương tựa vào ta, ta cũng đã nhận sự nương nhờ đó rồi. Ta nói ra là phải thủ tín, trước sau không trái! Ngươi muốn có thịt thì ta sẽ nạp đủ hơn trăm lần!

Chim ưng nói:

– Tôi chỉ muốn thịt bồ câu thôi, không dùng thịt khác. Mong vua cho lại, chứ sao đoạt lấy miếng ăn của tôi?

Vua đáp:

– Ta đã nhận cho chim nương nhờ, chữ tín nặng ngang trời đất, thì lòng nào mà trái được? Theo ngươi, thì ta phải lấy vật gì để ngươi cho bồ câu ở lại và vui vẻ ra đi?

Chim ưng nói:

– Nếu vua từ bi suy xét, nhất định muốn cứu giúp chúng sinh, vậy xin vua cho cắt thịt vua cho bằng thịt bồ câu, thì tôi vui lòng nhận ngay.

Vua nói:

– Rất tốt.

Vua liền tự cắt thịt đùi của mình để cân cho bằng thịt của bồ câu. Chim bồ câu cứ nặng dần, nhà vua tự cắt thịt mình như vậy, cho tới khi thịt hết mà trọng lượng vẫn chưa bằng. Nổi đau đớn của thân xác bị thương kia thật không kể xiết. Nhà vua vì lòng Từ bi mà chịu đựng mong cho bồ câu được sống, nên ra lệnh cho cận thần:

– Ngươi mau giết ta, lấy tủy để cân cho bằng với thịt của bồ câu. Ta kính thờ chư Phật, thọ trọng giới chân chánh nhằm cứu nguy ách của chúng sinh. Tuy có bị lũ tà quấy nhiễu, nhưng cũng như làn gió thoảng nhẹ, đâu có thể lay động được núi Thái?

Chim ưng biết rõ chí của nhà vua giữ đạo không đổi, lòng Từ

bi thi ân khó ai bằng được, nên cả hai liền hiện lại nguyên hình như trước. Đế Thích, Biên vương cúi đầu sát đất thưa:

– Đại vương mong đạt điều gì mà chịu khổ não như vậy?

Vua người trả lời:

– Chí của ta không cầu ngôi vị vua trời Đế Thích hay Phi hành hoàng đế… Ta thấy chúng sinh mãi chìm đắm trong tăm tối, không thấy ba ngôi báu, không nghe lời Phật dạy, buông lòng làm những việc hung ác, ném thân vào chốn địa ngục Vô trạch, thấy họ ngu si, mê lầm như vậy mà thương xót nên lập thệ nguyện cầu đạt quả Phật để cứu vớt chúng sinh khỏi mọi khổ ách, khiến họ chứng đắc Nê- hoàn.

Trời Đế Thích kinh hãi thưa:

– Tôi ngu si cứ tưởng đại vương muốn đoạt ngôi vị của mình nên đã quấy nhiễu đến ngài, vậy ngài có điều gì để dạy bảo?

Nhà vua nói:

– Hãy khiến cho thương tích nơi thân thể ta lành lại như cũ, để cho chí của ta vốn ưa chuộng các hạnh bố thí, cứu giúp còn cao cả hơn hôm nay.

Trời Đế Thích liền sai lương y cõi trời đem thần dược truyền vào thân vua, thương tích của vua liền lành, sắc lực hơn trước, những dấu bị cắt cứa nơi thân thể, trong giây lát bỗng nhiên lành lặn. Đế Thích cúi đầu từ tạ, nhiễu quanh ba vòng rồi vui vẻ ra về.

Từ đó về sau, nhà vua lại bố thí hơn trước.

Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

****

03. Kinh Bồ Tát Hóa Cá Nuôi Dân Đói

Xưa có vị Bồ-tát nghèo cực khốn khó, cùng với các thương nhân đi sang nước khác. Những người này đều có lòng tin Phật, bố thí kẻ nghèo thiếu, cứu giúp chúng sinh. Mọi người đều nói:

-Chúng tôi đều có lòng thương xót, giúp cho, còn ông thì lấy gì để bố thí?

Bồ-tát đáp:

-Ôi! Thân mạng là thứ mượn tạm, không gì là chẳng thể từ bỏ.

Tôi thấy cá dưới biển, lớn bé ăn nuốt lẫn nhau, nên lòng ngậm ngùi thương xót. Vậy tôi sẽ đem thân này thay cho đám cá nhỏ, để chúng được sống trong chốc lát.

Nói rồi liền tự gieo mình xuống biển, cá lớn nhờ đấy được no, cá nhỏ được sống. Hồn linh của Bồ-tát hóa làm vua cá Chiên, thân dài đến mấy dặm.

Bên bờ biển có một đất nước đang bị hạn hán, dân chúng đói khát nên ăn thịt lẫn nhau. Vua cá thấy vậy, rơi nước mắt, nói:

-Chúng sinh hỗn loạn, nỗi khổ ấy thật bức bách! Thân ta thịt nhiều đến mấy dặm, có thể cung ứng cho sự túng thiếu của lê dân trong mười tháng.

Cá bèn tự phơi thân lên bãi biển của đất nước đang bị khô hạn. Cả nước nhờ ăn thịt cá mà bảo tồn được sinh mạng. Dân chúng lấy thịt ăn đến mấy tháng mà cá vẫn sống. Thiên thần xuống nói với cá;

-Người có thể kham chịu nỗi khổ đến thế sao? Sao không chết đi để khỏi phải chịu nỗi đau đớn như vậy?

Cá đáp:

-Nếu ta chết đi thì hồn lìa thân nát, sau này dân chúng đói khát, sẽ lại ăn thịt lẫn nhau. Ta chẳng nỡ nhìn, vì lòng thương cảm!

Thiên thần nói:

-Lòng từ bi của Bồ-tát thật khó sánh.

Thiên thần vì thế càng đau lòng, nói:

-Ngài ắt thành Phật để cứu độ chúng sinh thoát khổ.

Có người dùng búa chặt lấy đầu, nên cá chết, hồn linh của cá liền thác sinh làm thái tử con vua. Vừa sinh ra, thái tử đã có trí sáng của bậc Thượng thánh; lòng Từ tỏa rộng, bốn ân nhuần thấm khắp trời đất, thương dân khôn cùng, nói năng hiền hòa. Thế nhưng đất nước vẫn còn hạn hán. Vua tịnh tâm trai giới, từ chối mọi sự ăn uống, dập đầu hối lỗi nói:

-Dân tình không gặp điều tốt đẹp, lỗi tại thân ta! Nguyện bỏ thân mạng này, cho muôn dân được hưởng mưa móc nhuần thấm.

Tháng ngày buồn thương, vua như người con chí hiếu gặp phải tang cha lành lòng chí thành lan xa, liền có chư Phật gồm năm trăm vị đi đến nước ấy. Nhà vua nghe tin lòng vui mừng như

quên mình, cung kính nghinh đón, rước về chánh điện. Hoàng hậu, thái tử… ai ai cũng thành khẩn. Món ngon, pháp phục đẹp, đều cúng dường đầy đủ, năm vóc gieo xuống đất, cúi đầu khóc mà thưa:

-Con tâm hạnh uế trược, chẳng vâng theo lời dạy về bốn ân của Tam tôn, gây khổ cho nhân dân, tội thật đáng chém, hoặc đày nơi hèn khốn. Nhiều năm khô hạn, muôn dân đói khát, oán giận, thống khổ, thương tâm, nguyện xin dứt trừ tai ách cho dân, dồn tội họa cho con.

Đức Phật nói:

-Ông là vị vua biết thương người, có lòng nhân từ, luôn ban phát ân huệ, đức ngang với trời Đế Thích, chư Phật đều biết. Nay trao cho nhà vua hạnh phúc này, chớ có lo lắng, mau chỉ dạy dân gieo trồng lúa thóc.

Vua liền vâng theo lời dạy. Nam nữ có nghề, dân chúng thảy đều làm việc. Lúc lúa đã kết hạt, quan coi về nông nghiệp tâu lên vua. Vua nói:

-Phải để thật chín.

Kết quả khắp nước đều có lúa gạo, mỗi nhà mấy hộc, vị gạo thơm ngon, hương lan khắp chốn. Cả nước vui mừng, ngợi khen công đức của vua. Các nước bốn phía vốn thù địch nay đều đến xưng thần. Dân chúng thêm đông đúc, bờ cõi ngày một mở rộng, khắp nước đều giữ giới, quy kính Tam bảo. Vua và dân chúng sau khi lâm chung đều sinh lên cõi trời.

Đức Phật dạy:

-Người nghèo thuở ấy chính là thân Ta, vì nhiều kiếp thực hiện nhân từ bố thí, cứu vớt chúng sinh, công đức không hề bị hủy hoại, nên nay đắc quả Phật, hiệu Thiên Trung Thiên, là Bậc Đại Hùng trong ba cõi.

Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

****

04. Kinh Bồ Tát Đưa Đầu Cho Cọp Ăn

Xưa, Bồ-tát lúc làm Thệ tâm (Phạm chí) thường ở nơi núi đầm, chuyên cần giữ đạo, không phạm các việc ác, ăn trái cây, uống nước suối, không giữ lấy vật gì, luôn nghĩ thương chúng sinh ngu si tự khốn, thấy kẻ nguy ách thì xả thân cứu giúp.

Một hôm trên đường đi tìm hoa quả, gặp một cọp mẹ đang cho con bú. Cho cọp con bú xong, cọp mẹ vì thiếu ăn nên mệt đuối, do đói khát nên lòng hoang mang, muốn trở lại ăn thịt con mình. Bồ-tát thấy vậy động lòng thương xót, ngậm ngùi nghĩ đến chủng sinh sống ở đời ưu khổ thật không lường, mẹ ăn thịt con, nỗi đau đớn ấy thật khó nói nên nghẹn ngào rơi nước mắt. Bồ-tát bèn quay nhìn bốn phía tìm xem có gì cho cọp mẹ ăn, để cứu lấy mạng cọp con, nhưng đều chẳng thấy, trong lòng tự nghĩ: “Cọp là loài ăn thịt!”. Lại nghĩ tiếp: “Ta lập chí học đạo, chỉ vì chúng sinh bị chìm đắm trong biển khổ, lòng muốn cứu vớt khiến họ dứt bỏ tai họa, để thân mạng luôn được, yên ổn. Sau này, ta rồi cũng già chết, thân này rốt cuộc cũng bỏ đi, chi bằng đem thân bố thí cho chúng sinh để tạo thành phước đức”. Bồ-tát nghĩ như vậy rồi, bèn tự đưa đầu mình vào miệng cọp. Đem đầu cho cọp, là muốn mau chết để khỏi cảm thấy đau đớn. Cọp mẹ, cọp con đều được toàn mạng.

Chư Phật khen ngợi công đức ấy bằng công đức của bậc Thượng thánh. Trời, Rồng, Thiện thần, những người có tâm đạo… không ai là không thương xót. Ai tinh tấn tu tập hoặc chứng đắc quả Câu cảng (Tu-đà-hoàn),Tần lai (Tư-đà-hàm), Bất hoàn (A-na-hàm), Úng chân (A-La-hán, bậc Duyên nhất giác), có người phát tâm cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, do ý chí mạnh mẽ ấy mà vượt hơn trước các Bồ-tát được chín kiếp, thề ở trong đời năm thứ ô trược làm thầy cõi trời, người, hóa độ kẻ nghịch ác, khiến hạng tà vạy thuận theo chánh đạo.

Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

****

05. Kinh Thiện Duyệt Bố Thí Cho Kẻ Ác

Thuở xưa có vị Bồ-tát làm bậc đại quốc vương, nước tên Càn-di, vua hiệu là Thiên Duyệt, trong sáng, ngoài nhân, nét mặt luôn hiền hòa, thẳng thắn, muôn dân thuận theo đức giáo hóa của vua, ngục tù đều trống rỗng, dân chúng nghèo thiếu xin gì cũng cho, đức từ thấm nhuần, ân như Đế Thích. Các Thệ tâm nơi nước khác đều kính phục sự nhân từ, luôn bố thí theo ý muốn của mọi người của vua. Bọn tà ganh ghét, đem ngụy hủy chân, bèn đến cửa cung, nói:

-Ta nghe bậc vua sáng cứu giúp dân chúng nghèo thiếu như ân trời phủ khắp mọi nơi.

Rồi chúng bảo vệ sĩ:

-Ngươi có thể trình tấu lên vua chăng?

Cận thần tâu lên, vua liền xuất hiện, Thệ tâm đến thưa:

-Đức vua sáng suốt, lòng nhân thấm đến bốn cõi, các loài hữu thức, không loài nào là không khen ngợi. Dám xin chấp nhận nguyện vọng mà tôi muốn tâu lên.

Nhà vua nói:

-Rất tốt.

Thệ tâm tâu:

-Vua trời ưa bố thí, nếu cầu xin chắc không trái ý. Lúc này, tôi cần đầu người để làm một việc, nguyện xin đầu của đức vua để thỏa điều mong ước.

Vua nói:

-Đầu ta có gì tốt đẹp mà ngươi muốn xin? Ta có nhiều châu báu cho ngươi lợi hơn.

Thệ tâm không nhận. Nhà vua lại sai thợ khéo tạo ra đầu bằng bảy thứ châu báu, số lượng có đến mấy trăm cái để cho Thệ tâm.

Thệ tâm nói:

-Ta chỉ muốn cái đầu của nhà vua mà thôi.

Vua chưa từng trái ý người xin, liền tự bước xuống khỏi điện, dùng tóc buộc vào cây, bảo:

-Ta đưa đầu cho ngươi đây!

Thệ tâm rút dao nhanh chân bước đến. Thần cây thấy sự việc giận kẻ vô đạo kia, nên dùng tay tát vào má hắn, thân hắn liền xoay vòng, mặt bị trẹo ngược, buông tay rơi dao. Nhà vua được bình an, thần dân đến chúc thọ, vui buồn lẫn lộn. Chư Thiên tán thán công đức của vua: “Đáng gọi là nội thí”. Bốn vua trời ủng hộ, các độc tiêu tan, trong nước không tật bệnh, lúa thóc được mùa, nhà tù phá bỏ hết, vua tôi đều vui vẻ.

Phật bảo các vị Sa-môn:

-Vua nước Càn-di lấc đó là thân Ta, Thệ tâm kia là Điều-đạt.

Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như thế.

*****

06. Kinh Bồ Tát Làm Vua, Bị Đế Thích Ganh Ghét

–   Thuở xưa, có vị Bồ-tát làm đại quốc vương, dùng lòng nhân từ trị dân, quên mình giúp người. Hàng tháng vua đi tuần, gặp kẻ nghèo thiếu thì cứu giúp, kẻ cô quả bệnh tật thì cho thuốc thang, cơm cháo. Mỗi lần đi tuần thú thì lệnh cho xe chở theo sau nào châu báu, quần áo, thuốc men… Hễ gặp người chết thì lo chôn cất, thấy dân chúng nghèo thì tự trách lỗi mình:

-Vua thiếu đức nên dân phải khổ. Vua giàu nhân đức thì dân đầy đủ ấm no. Nay dân nghèo tức ta nghèo.

Vua nhân từ như vậy nên tiếng tốt đồn khắp mười phương. Vị trời Đế Thích thứ hai ngồi lo lắng bức rức. Lòng Đế Thích sợ nghĩ: “Đức của vua kia cao vòi vọi, ắt sẽ đoạt mất ngôi vị của ta. Ta phải hủy hoại chí nguyện của ông ấy, thì hạnh đó mới dứt”. Đế Thích bèn hóa làm một lão Phạm chí theo vua xin một ngàn đồng bạc. Nhà vua liền cho. Được bạc rồi, Phạm chí tâu:

-Tôi đã già cả, sợ người ta lấy trộm mất số bạc này, nên xin gởi lại nhà vua giữ giúp.

Nhà vua đáp:

-Nước ta không có kẻ trộm.

Phạm chí lại tâu:

-Cứ xin gởi cho vua.

Nhà vua liền nhận giữ. Trời Đế Thích lại hóa làm một Phạm chí khác đi đến cửa cung. Cận thần tâu lên, nhà vua liền đi ra. Phạm chí khen:

-Công trạng danh tiếng của đại vương truyền khắp tám hướng, đức hạnh hiếm có nên nay tôi từ xa đến đây có điều muốn xin.

Nhà vua nói:

-Rắt tốt.

Phạm chí tâu:

-Trước tôi vốn phước mỏng, nên sinh vào hàng tầm thường, nhưng rất ham thích sang quý, nên muốn xin cả đất nước này.

Nhà vua đáp:

-Tốt lắm!

Rồi liền cùng vợ con lên xe nhỏ ra đi. Vua trời lại hóa làm một Phạm chí, theo vua xin chiếc xe. Vua bèn đem xe ngựa trao cho, rồi cùng vợ con lên đường, dựa nơi núi dừng nghỉ, ngủ qua đêm. Có một vị đạo sĩ chứng được năm thần thông là bạn với vua, bỗng nhớ về đức độ của nhà vua; nên ngửa xem sao trời, biết vua đã mất nước, bèn tĩnh tâm thiền định, tức thì thấy trời Đế Thích vì tham lam ganh ghét đã chiếm đoạt mất nước, khiến vua phải khôn đốn, tiều tụy. Đạo sĩ liền dùng thần túc, trong chốc lát hiện đến chỗ vua, thưa:

-Vua mong cầu gì mà phải nhọc chí đến như vậy?

Nhà vua đáp:

-Chí của ta muốn gì thì ông đã biết rồi đó.

Vị đạo sĩ liền hóa ra một chiếc xe hai càng để đưa nhà vua trở về, lúc sao sớm đã mờ.

Trời Đế Thích lại hóa ra một Phạm chí khác theo xin chiếc xe ấy, nhà vua liền cho luôn. Rồi vua và gia đình đi dần về. Cách nước ấy chừng vài mươi dặm, trời Đế Thích lại hóa ra ông Phạm chí ban đầu đến đòi tiền bạc Nhà vua nói:

-Ta đã đem nước cho người nên quên mất tiền của ông rồi.

Phạm chí nói:

-Hẹn vua trong ba ngày phải trả đủ tiền cho tôi.

Nhà vua liền đem vợ con đến cầm nơi một gia đình nọ, lấy được một ngàn đồng bạc để trả lại cho Phạm chí.

Vợ vua làm người hầu cho cô gái chủ nhà ấy. Cô gái đi tắm, cởi các thứ vàng ngọc châu báu treo lên giá, trời Đế Thích lại hóa làm chim ưng cắp lấy y phục và châu báu bay đi. Cô gái chủ nhà cho là người hầu đã trộm lấy nên buộc tội giam ngục. Đứa con của vua thì cùng ngủ với con của người chủ, đêm đến, trời Đế Thích tới giết con của người chủ nhà, gia đình người chủ ấy liền bắt con vua bỏ ngục. Như vậy cả hai mẹ con đều bị bắt giam, đói khát, tiều tụy, kêu than không ai cứu, suốt ngày chỉ biết khóc lóc. Khi tội đã định, đem bỏ ngoài chợ.

Nhà vua làm thuê kiếm được đủ một ngàn đồng bạc, liền đến để chuộc lại vợ con. Khi đi ngang qua chợ, thấy vợ con như vậy, nhà vua liền tưởng nhớ đến mười phương chư Phật và tự hối lỗi:

-Kiếp trước ta độc ác đến thế sao!

Rồi tĩnh tâm thiền định, nhờ ánh sáng của thần thông, nên thấy việc này do trời Đế Thích làm. Trên không trung có tiếng nói:

-Sao không mau giết nó đi!

Nhà vua đáp:

-Ta nghe Đế Thích cứu giúp khắp chúng sinh, lòng son thương xót, dưỡng nuôi hơn mẹ lành, cả đến loài ngậm máu phun người, không ai là không chịu ân giúp đỡ. Ông cũng vì không có duyên ác nên mới được ngôi vị Đế Thích đấy. Đế Thích vì ôm lòng độc dữ, khi ác độc chín muồi thì thành tội, thân còn sống mà đã đọa vào địa ngục Thái sơn.

Trời, Người, Rồng, Quỷ, không ai là không khen vua tốt. Vua chủ đất liền giải tội cho vợ con vua. Hai vua gặp nhau, tìm hỏi căn nguyên, kể rõ đuôi đầu, trong nước lớn nhỏ ai cũng rơi lệ. Nhà vua chủ đất cùng chia nước cho vua cai trị. Thần dân nước cũ tìm đến chỗ vua nước mình, rồi tổ chức nghinh đón. Vua tôi hai nước, bên buồn bên vui.

Nhà vua thời đó là thân Ta, người vợ nay là Câu-di, đứa con nay là La-vân, trời Đế Thích nay là Điều-đạt, đạo sĩ trong núi nay là Xá-lợi-phất, nhà vua chủ đất là Di-lặc.

Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh bố thí độ vô cực như vậy.

******

07. Kinh Bồ Tát Làm Vua Tham, Được Lý Gia Dạy Về Năm Nhà

  Xưa có vị Bồ-tát làm đại quốc vương, dùng lẽ chánh trực để trị dân, lòng không thiên lệch, nhưng chẳng chịu đi xem xét dân tình. Vị tướng quốc tâu:

-Xin vua rời cung đi xem xét dân tình một lần.

Nhà vua nói:

-Rất tốt!

Rạng ngày liền ra đi. Dân chúng vui mừng, đều được như ý. Vua thấy nhà giàu trong nước chỗ ở đẹp đẽ, lợp ngói vàng bạc, phục sức lộng lẫy. Vua rất vui mừng, bèn nói:

-Nước ta giàu có thay!

Trở về cung, nhớ việc này, nhà vua nói:

-Các Lý gia (Ly-xa) ấy đã đem lại ích lợi gì cho đất nước?

Bèn ra lệnh trưng dụng số tài sản kia để nuôi quân.

Có một Lý gia tài sản riêng có đến ba ngàn vạn, viết sớ trình lên vua. Vua giận, nói:

-Sao dấm khinh ta?

Người ấy thưa:

-Thần từ nhỏ đến lớn lo làm ăn, nói chung là có được ít nhiều của riêng. Còn châu báu trong nhà đều là phần của năm nhà, không phải của riêng thần có.

Nhà vua nói:

-Sao gọi là của riêng?

Người đó đáp:

-Lòng nghĩ đến công Phật, miệng nói lời Phật dạy, thân làm việc Phật, bỏ phần của năm nhà ra để xây dựng chùa am thờ Phật, thờ kính Thánh chúng, cúng dường thức ăn uống, y phục, từ bi nuôi dưỡng các loài bò, bay, máy, cựa… Việc gì lòng đã không ưa thì không đem đến cho kẻ khác. Phước đức ây gắn liền với ta như bóng theo hình, nên gọi là của riêng. Còn phần của năm nhà ấy, một là nước, hai là lửa, ba là giặc, bốn là quan, năm là vì mạng hết. Thân mất rồi của báu trong nhà bỏ lại cho đời, ra đi một mình, cửa họa phúc chưa biết về đâu. Thấy đời như mộng huyễn nên chẳng dám có. Nếu tính phần của năm nhà thì có đến hàng mười ức. Đấy chính là hang ổ của tai họa, thường sợ nguy đến mình nên đâu dám có của riêng. Xin quân sĩ hãy chở đi để trừ cái lo cho thần.

Nhà vua nói:

-Lời đó thật lòng thay!

Bèn cho phép người ấy ra đi. Vua lui vào trai phòng, tĩnh tâm suy nghĩ, liền tỉnh ngộ:

-Thân còn chẳng giữ được, huống chi là đất nước, vợ con, những thứ ấy có thể tồn tại lâu dài được sao?

Nhà vua liền soạn chép kinh Phật, đọc tụng, giải nghĩa, tâm cấu uế được trừ sạch, tiến cử quan trung hậu, nhận lời can gián đại xá cho cả nước, trả châu báu lại cho dân, hậu đãi quan lại, bàn việc khoan chánh. Vua gọi quần thần bảo:

-Phàm người không thấy được nghĩa sâu, trọng của kinh Phật thì chỉ là hạng mù điếc thôi! Lý gia kia giàu có, chỉ ta là nghèo thôi,

Vua liền ra lệnh phân chia của báu cho trong nước, cứu giúp những người nghèo khốn, cho dân chúng những gì họ muốn, lập chùa, am thờ Phật, thắp hương, cúng dường thức ăn uống cho các vị Sa-môn, bản thân nhà vua thực hiện sáu ngày trai. Cứ như vậy suốt ba năm, bốn cõi yên tịnh, trộm cướp đều dứt, năm thứ lúa thóc được mùa, dân chúng hết cảnh cơ hàn. Sau khi chết nhà vua liền được sinh lên cõi trời thứ hai.

Đức Phật bảo các Sa-môn:

-Nhà vua thời ấy chính là thân Ta, người Lý gia là Tôn giả Thu Lộ Tử (Xá-lợi-phất), người khuyên vua đi xem xét dân tình là Tôn giá A-nan.

Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

******

08. Kinh Tiên Thán Bị Hại Được Cứu

   Xưa, Bồ-tát là một đại Lý gia tên Tiên Thán giàu sang, của cải vô kể, thấy giáo pháp sáng tỏ của Phật, biết đời vô thường, thân mạng khó giữ, của cải không phải do mình có, chỉ có công đức bố thí là chẳng hư hoại, liền báo cho dân chúng biết: “Nếu ai nghèo thiếu thì cứ theo chỗ cần dùng mà đến lấy!”. Kéo dài trong nhiều tháng như thế.

Bấy giờ, nhà nước thi hành chính sách rộng rãi, dân chúng đều giàu có, không còn kẻ nghèo khó. Tiên Thán suy nghĩ: “Chỉ nên mua thuốc men, giúp người bệnh tật”. Liền mua thuốc hay, cứu mạng chúng sinh, lòng Từ bi nuôi dưỡng lan khắp, ân huệ không đâu là không thấm. Bố thí trải qua nhiều năm, hương đức tỏa xa, người bệnh từ bốn phương kéo đến, ai ai cũng khen ân kia thấm rộng, đức sánh cùng trời. Của cải hết sạch, nên tự mình đi tìm của báu. Cách nhà hơn trăm dặm, ở trên một bến sông, gặp mấy chiếc xe chở những người bệnh nặng, Tiên Thán hỏi:

-Các ông đi đâu vậy?

Họ đáp:

-Đi đến chỗ của Tiên Thán để mong được sống sót.

Tiên Thán liền quay về, đến chỗ vua vay năm trăm lượng vàng, mua thuốc trị lành bệnh hết số người đó. Rồi tự mình cùng với các thương nhân vào biển tìm châu báu. Khi đã kiếm được nhiều, họ bỏ thuyền đi bộ trở về nựớc. Trên đường đi thiếu nước uống, Tiên Thán tìm được một giếng nước, gọi mọi người lại múc, rồi tự mình lấy nước uốngĐám người buôn thấy Tiên Thán kiếm được viên ngọc trắng, sáng lóng lánh, tuyệt đẹp, lòng tham khiến con người thêm xấu ác, muốn hủy phạm bậc Thánh, hại người nhân nghĩa, nên họ cùng nhau xô Tiên Thán xuống giếng ấy. Nhưng vì Bồ-tát nhân đức nên cảm động đến Thần linh, Thiên thần đỡ nâng nên không bị thương tích. Đám người buôn về đến nước. Vua hỏi họ:

-Tiên Thán đi đâu rồi?

Đáp:

-Vừa rời khỏi nước liền biệt dạng, không biết đi đâu!

Vua nói:

-Lũ ngươi đã giết ông ấy rồi sao?

Họ trả lời:

-Không hề làm thế!

Tiên Thán ở dưới giếng, thấy bên cạnh có lỗ trống, nhờ đó mà ra khỏi giếng của nhà ấy. Chừng đúng bảy ngày, Tiên Thán về đến nước mình. Nhà vua hỏi:

-Vì sao về tay không vậy?

Tiên Thán thưa:

-Không tìm gặp châu báu.

Nhà vua yên lặng suy nghĩ: “Hẳn phải có duyên cớ gì đây.” Bèn triệu đám người buôn đến, hỏi:

-Các ngươi nếu thành thật thú nhận tội thì được sống, còn như, dối trá ta thì phải chết.

Những người buôn đều thú nhận, liền bị bắt bỏ ngục, chờ ngày định tội. Tiên Thán khóc lóc, vội đến cửa cung vua khâu đầu xin tội cho những kẻ kia. Vua nói:

-Điều ấy trái với phép nước.

Tiên Thán lại xin một lần nữa:

-Người ngu thấy biết luôn sai trái, chưa đủ sáng suốt, xin tha cho sự không hiểu biết của họ.

Nhà vua khen đức nhân từ bao trùm của Tiên Thán, tha tội dữ cho đám lái buôn kia, ra lệnh trả lại vật báu đã lấy. Đám người buôn đều nói:

-Nếu Tiên Thán không thờ Phật thì đâu có lòng nhân từ như vậy.

Đám kia đều lựa các châu báu để hoàn trả cho ông ấy. Tiên Thán chỉ nhận của mỗi người một nữa. Những người buôn ấy đều cúi thưa:

-Chịu ân ngài cứu mạng, xin thâu nạp hết cho!

Tiên Thán nhận lấy của ấy đem vàng trả lại cho vua, lại tiếp tục bố thí lớn hơn nữa. Vua và thần dân cùng nhau xin thọ giới. Con hiếu, tổi trung, trời thần phò hộ, nước giàu, dân an, bốn cõi chịu ân đức, không ai là không khen tốt đẹp.

Đức Phật nói:

-Tiên Thán lúc đó chính là thân Ta.

Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

******

09. Kinh Phổ Thí Bị Thần Biển Đoạt Ngọc

–   Xưa, có vị Bồ-tát sinh vào gia đình giàu sang. Vừa ra đời đã nói:

-Chúng sinh muôn vàn tai họa, ta phải cứu giúp. Họ chẳng thấy bóng Phật, chẳng được nghe pháp sáng, ta phải mở tai mắt, dứt trừ đui điếc cho họ, khiến họ nghe thấy được giáo pháp Chánh chân vô thượng, là vua của các Thánh, là cội nguồn của pháp tắc rõ ràng, dẫn dắt tinh tấn bố thí, không ai là không phục tùng.

Họ hàng kinh hãi, bảo:

-Xưa nay chưa từng nghe trẻ con nói những lời như thế. Đây chắc là sự linh ứng của Trời, Rồng, Quỷ thần chăng? cần bói thử xem sao?

Đứa bé liền đáp lời người thân:

-Tôi từ chỗ bậc Thượng thánh hóa ra, tự nhiên thấu suốt khắp chứ không phải là hàng yêu quỷ, hãy yên tâm, chớ nghi ngờ.

Nói rồi liền lặng yên. Cha mẹ nói:

-Con có chí lớn rộng khắp trời đất, sẽ là hạng khác thường chăng?

Bèn đặt tên cho con là Phổ Thí. Mới lên mười tuổi, mà các kinh điển Phật giáo, mọi học thuật thế gian, không gì là không thông suốt, liền từ giã cha mẹ đi cứu giúp mọi người, bố thí cho những kẻ nghèo cùng. Cha mẹ nói:

-Nhà ta có tiếng là rất giàu, con cứ mặc sức mà bố thí cho kẻ nghèo thiếu.

Phổ Thí đáp:

-Không đủ đâu! Con xin làm Sa-môn, cho con đủ y bát, tích trượng, để làm công việc cứu độ muôn người, đó là ý nguyện của cả đời con.

Cha mẹ nhớ lại lời thề của con khi mới sinh, nên không ngăn cản, từ chối. Họ liền theo ý nguyện, cho con làm Sa-môn, đi khắp chốn giáo hóa.

Qua một nước lớn, nước ấy có một nhà giàu, cũng thông hiểu sách vở, thấy Phổ Thí cung cách đàng hoàng, dung mạo đẹp đẽ, tánh tình chững chạc, sạch như vàng trời, có dáng dấp của bậc Thượng thánh, sẽ làm bậc anh hùng ở đời, nên gọi Phổ Thí, bảo:

-Muốn gì thì xin cứ nói, ta sẽ làm vừa lòng Thánh nhân. Ta có đứa con gái hèn, xin đem cho ngài sai khiến.

Phổ Thí đáp:

-Rất tốt. Nhưng phải đợi tôi trở về.

Phổ Thí liền lên đường đến ven biển, rồi ngồi thuyền qua biển, lên bờ vào núi, đến chỗ không người ở. Từ xa trông thấy một tòa thành bằng bạc, cung điện sáng đẹp, có một con rắn độc quấn quanh thành bảy vòng, thân lớn trăm khoanh, thấy Phổ Thí đến thì cất cao đầu lên. Phổ Thí nghĩ: “Đây là loài có độc ắt có tâm hại, ta phải khởi lên lòng Từ bao la để diệt độc ấy. Hung ác là lửa, từ bi là nước, dùng nước diệt lửa thì sao không được.” Bèn ngồi nhập định, khởi lên lòng Từ, nguyện cho chúng sinh sớm lìa tám nạn, lòng bỏ niệm ác, gặp Phật, thấy pháp, cùng với Sa-môn hội ngộ, được nghe đạo sáng Chánh chân vô thượng, lòng mở, diệt như chỗ thấy biết của ta. Khi khởi tâm Từ do pháp định ấy thì độc nơi rắn liền diệt, nên nó cúi đầu xuống mà ngủ. Phổ Thí bước lên đầu rắn vào thành. Trong thành có một vị Thiên thần, thấy Phổ Thí đến thì vui mừng, nói:

-Từ lâu vốn cảm phục Thánh đức, nay ngài đã cung dụng đến đây, thật hợp với bản tâm của tôi. Xin lưu lại một thời gian chín mươi ngày.

Phổ Thí nhận lời. Vua trời liền đem việc triều chính giao phó cho cận thần, tự mình dâng hầu các thức ăn uống, sớm tối vâng giữ, tu tập các hạnh cao của chư Phật về vô thường, khổ, không, vô ngã là các pháp sáng để cứu độ chúng sinh. Thời hạn cúng dường đã mãn, Phổ Thí lên đường, Thiên vương đem một viên ngọc báu minh nguyệt tặng rồi tiễn chân, nói:

-Đem viên ngọc báu này theo mình thì tỏa sáng bốn mươi dặm, như lòng khởi cầu mong gì thì các báu hiện ra đầy đủ. Nếu sau này ngài thành Phật thì tôi xin được làm đệ tử thân cận hầu hạ.

Phổ Thí đáp:

-Được.

Phổ Thí lại đi về phía trước, thấy một tòa thành bằng vàng, trang hoàng đẹp đẽ hơn hẳn thành bạc. Lại có con rắn độc quấn quanh thành mười bốn vòng, thân lớn gấp đôi con trước, đầu cất cao mấy trượng. Phổ Thí lại tư duy với pháp định thể hiện lòng Từ rộng lớn, độc của rắn liền tiêu nên rũ đầu xuống ngủ, Phổ Thí bước qua mình nó, vào thành. Trong thành ấy có vị Thiên nhân, thấy Phổ Thí đến thì mừng rỡ, nói:

-Từ lâu vốn mến phục bậc Thánh linh, nay ngài đã đến là rất tốt! Xin ở lại đây hai thời một trăm tám mươi ngày, tôi nguyện tận tình cúng dường, chỉ xin lưu lại uy thần.

Phổ Thí liền nhận lời ở lại, vì vị Thiên nhân ấy thuyết giảng đạo pháp về hạnh sáng vô thượng. Đủ một trăm tám mươi ngày từ giã ra đi. Vị Thiên nhân ấy lại dùng viên ngọc thần tiễn đưa. Ngọc chiếu sáng tám mươi dặm, chí vừa mong cầu thì các báu sẽ hiện đầy. Thiên nhân nói:

-Nếu ngài đắc đạo, tôi nguyện làm đệ tử có thần túc vô thượng.

Nhận viên ngọc thần xong Phổ Thí lại lên đường trong thấymột thành bằng lưu ly, rực rỡ hơn thành trước. Lại có con rắn độc, thân rất lớn, quấn quanh thành hai mươi mốt vòng, ngẩng đầu trừng mắt canh cửa thành ấy. Phổ Thí lại ngồi xuống, nhập định, tư duy sâu rộng về lòng Từ trùm khắp, thề tế độ chứng sinh. Rắn tiêu nọc độc, rũ đầu nằm yến, Phổ Thí lại bước qua nó mà vào. Trong thành có vị trời vui mừng tiếp đón như trước, thỉnh lưu lại ba thời, xin hết lòng cúng dường, đúng theo sở nguyện. Hạn kỳ hết, lại từ giã lên đường, cũng tiễn đưa bằng một viên ngọc thần chiếu sáng đến một trăm sáu mươi dặm. Ngọc ở đâu thì các loại báu sẽ hiện đầy cả trong vùng ánh sáng ấy theo ý mình muốn, không cầu gì mà không được. Vị trời cũng xin rằng:

-Nếu ngài đạt được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì tôi xin làm đệ tử có trí tuệ sáng suốt hơn hết.

Phổ Thí đáp:

-Chắc chắn sẽ thỏa nguyện của ông.

Phổ Thí được ngọc báu rồi, nói:

-Chừng ấy là đủ để cứu giúp mọi sự khôn khó của chúng sinh!

Bèn lên đường trở về chốn cũ. Các Thần rồng ở biển cùng nhau bàn rằng:

-Biển lớn của chúng ta chỉ cần ba viên ngọc thần diệu ấy làm cho chúng ta vinh hoa, nay đạo sĩ kia đã được cả, thì chúng ta lấy gì để được giàu sang? Thà mất hết các thứ của báu khác chứ không thể để mất ba viên ngọc báu ấy.

Thần biển hóa làm người phàm, chận đường Phổ Thí nói:

-Tôi nghe ngài có được của báu nhất trên đời, có thể cho xem được chăng?

Phổ Thí vừa bày ngọc ra, Thần biển liền đập vào đầu Phổ Thí để đoạt số ngọc ấy. Phổ Thí nghĩ: “Ta trải qua hiểm nguy, vượt qua biển lớn mới có được ngọc báu ấy, muốn đem nó để cứu giúp mọi sự khốn khó của chúng sinh. Ngờ đâu lại bị vị thần này xem thấy mà đoạt mất”. Nghĩ xong liền bảo:

-Ngươi trả ngọc báu lại cho ta, nếu không ta sẽ làm cạn biển của ngươi đấy!

Thần biển đáp:

-Ngươi nói khoác lác gì thế? Đây là biển lớn, sâu rộng khó lường, ai có thể làm khô cạn được? Mặt trời có thể rơi rụng, gió bão có thể dừng lại, còn biển thì dễ gì làm cho cạn kiệt, cũng như hư không khó có thể hư hoại được!

Phổ Thí nói:

-Xưa kia, trước Đức Phật Định Quang ta đã phát nguyện đạt được đạo lực lật úp các biển, tay nâng Tu-di lên, lay động đất trời, chuyển dời các cõi. Đức Phật theo ý muốn ấy, cho ta đạt được như nguyện. Nay ta đã được đạo lực đó rồi, còn người chỉ có sức tà như tơ tóc các loài yêu quỷ, làm sao có thể ngăn cản được sức mạnh chân chánh của ta.

Liền nói kinh:

-Ta từ vô sốkiếp đến nay, uống dòng sữa mẹ, nước mắt khóc, máu chảy thân chết, biển đã không nhận, ân ái khó tuyệt, sinh tử khó dừng. Ta vẫn muốn dứt tuyệt gốc ân ái, ngừng hẳn thần sinh tử. Đời nay tháo gỡ không dứt thì đời đời xin tháo gỡ.

Liền đứng thế hai chân bằng nhau, tháo bầu nước biển mà quăng ra ngoài núi Thiết vi.

Bấy giờ có vị trời tên Biến Tịnh, từ xa nghe được lời thâm diệu ấy, nên tự nghĩ: “Xưa kia, trước Đức Phật Định Quang, ta từng nghe người này có được chí nguyện ấy, ắt sẽ làm Bậc Thế Tôn tế độ tất cả chúng sinh”. Vị trời ấy liền xuống trợ lực, giúp tháo bầu nước, nước mười phần mất hết tám. Thần biển hốì hận, sợ hãi nói:

-Ôi, người này là ai mà linh ứng vô biên như vậy? Nước ở đây mà hết thì chỗ ở của chúng ta sẽ không còn!

Liền đem hết mọi vật báu nơi các kho tàng trao cho Phổ Thí. Phổ Thí không nhận, nói:

-Ta chỉ muốn nhận lại ngọc báu thôi.

Các thần biển trả lại ngọc báu. Phổ Thí thì trả lại nước, rồi đi khắp đất nước mình, tìm đường để bố thí. Những nước Phổ Thí đi qua thì dân nước ấy không còn nghèo nữa. Tất cả các nước, không nước nào là không cải cách thay đổi, đều lấy năm giới, mười điều thiện làm chính sách trị nước của quốc gia, mở ngục đại xá. Ân đức thấm khắp chúng sinh, Ngài bèn đạt được quả vị Phật-đà.

Đức Phật bảo các Sa-môn:

-Phổ Thí chính là thân Ta, người cha là vua Bạch Tịnh, người mẹ nay là Diệu Xá mẹ ta, vị nữ đại sĩ là Câu-di, vị trời trong thành bạc nay là A-nan, vị trời trong thành vàng nay là Mục-kiền-liên, vị trời trong thành lưu ly nay là Xá-lợi-phất.

Bồ-tát nhiều kiếp siêng năng, thực hành bốn ân, thệ nguyện cầu thành Phật để cứu vớt chúng sinh.

Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

******

10. Kinh Trường Sinh Tha Chết Cho Vua

– Xưa, Bồ-tát làm đại quốc vương tên là Trường Thọ, thái tử tên là Trường Sinh. Vua ấy nhân từ, luôn mang lòng thương xót chúng sinh, thệ nguyện tế độ, tinh tấn không hề biết mệt mỏi. Dao gậy không dùng đến, thần dân không oán thán, gió mưa thời tiết thuận hòa, lúa quý dồi dào.

Tiểu vương nước bên cạnh tánh nết bạo ngược, phép nước tham tàn nên dân nghèo nước rỗng. Vua nước đó gọi quần thần, bảo:

-Ta nghe vua Trường Thọ, nước ấy giàu có, cách đây không xa, luôn có lòng nhân nên không giết hại, không có quân đội phòng bị, ta muôn chiếm lấy nước đó, nên chăng?

Quần thần tâu:

-Nên.

Vua ấy liền khởi binh kéo đến biên giới nước lớn. Quan giữ cửa ải vội dâng biểu tâu rõ tình trạng xin sớm tìm cách phòng bị. Vua Trường Thọ bèn họp quần thần, bảo:

-Vua kia đến đây chỉ vì tham nước ta dân đông, nhiều của báu. Nếu cùng giao tranh với họ thì ất hại mạng muôn dân. Vì lợi mình mà tàn hại dân, tham lam mà bất nhân, việc ấy ta không làm.

Quần thần đều tâu:

-Chúng thần từ lâu đã học tập quân mưu, binh pháp, xin được đem binh đánh diệt bọn ấy, không nhọc thánh quân phải lo nghĩ.

Vua Trường Thọ nói:

-Ta thắng thì chúng chết, ta thua thì ta tiêu tan! Binh lính của họ, nhân dân của ta đều do trời sinh dưỡng. Trọng thân, tiếc mạng, ai mà chẳng vậy. Nhưng để toàn thân mình, mà hại muôn dân thì người hiền không làm.

Quần thần đều đứng ra nói với nhau:

-Đây là bậc vua trời nhân đức, không thể để mất nước, phải cùng nhau tự điểm binh mã đem ra chống giặc.

Vua Trường Thọ biết được việc ấy nên gọi thái tử bảo:

-Vua kia tham nước ta, ôm lòng độc dữ đến đấy, quần thần vì thân ta chỉ một người mà muốn hại mạng muôn dân. Nay ta giao nước để bảo toàn mạng sống cho dân trời, nghĩa ấy nên chăng?

Thái tử tâu:

-Dạ vâng.

Rồi cha con vượt thành ra đi, cải đổi tên họ, ẩn cư nơi núi rừng, đồng vắng. Tên vua tham lam kia nhờ vậy mới vào được nước ấy. Quần thần và dân chúng mất vua cũ của mình như người con hiếu mất song thân, thương thảm, lăn lộn, nhà nào cũng vậy. Vua tham treo thưởng để bắt vua cũ là vàng ròng ngàn cân, tiền ngàn vạn quan. Vua Trường Thọ ra đi, ngồi thiền định bên gốc cây ven đường, thương xót chúng sinh, sống chết, cực khổ, không thấy vô thường, khổ, không, vô ngã, vì bị tham dục mê hoặc, khổ kia thật vô sô.

Có vị Phạm chí ở nước xa xôi, nghe vua Trường Thọ ưa bố thí, cứu giúp mạng sống của chúng sinh, từ xa tìm đến cũng dừng nghỉ bên gốc cây này. Cả hai hỏi thăm nhau, mỗi người kể lể đầu đuôi hoàn cảnh của mình. Vị Phạm chí cả kính nói:

-Thiên vương vì sao đến nông nỗi này?

Rồi rơi nước mắt, tự than thở:

-Những năm tàn của đời tôi không còn mấy nữa, nên tôi định đến xin ngài tiếp sức cho cái mạng thừa này, nhưng đại vương đã mất nước thì mạng tôi cũng cùng rồi.

Nói xong liền than khóc.

Nhà vua nói:

-Ông nghèo khó, từ xa tìm đến, lại gặp lúc ta mất nước, không lấy gì giúp ông được, thật chẳng đau xót lắm sao!

Rồi gạt nước mắt nói tiếp:

-Ta nghe vua mới đang treo giá bắt ta rất hậu, vậy ông hãy lấy đầu ta đem đến đó có thể được trọng thưởng.

Phạm chí thưa:

-Không thể làm vậy được! Từ xa tôi đã cảm phục thiên vương là người nhân từ, luôn cứu giúp chúng sinh, đức nhuần thâm ngang trời đất, nên đã bỏ đất nước đến đây mong nhờ cứu mạng. Nay vua bảo tôi chém đầu ngài, tôi đâu dám vâng lệnh.

Nhà vua nói:

-Thân này là đồ mục nát, há dám giữ mãi được sao! Phàm có sinh thì có tử, có ai trường tồn được! Nếu ông không lấy rốt cuộc nó cũng thành tro bụi mà thôi.

Phạm chí tâu:

-Ân huệ của thiên vương thật đã tỏa rộng khắp, nhân đức như trời, ắt muốn tự hại thân mình để cứu giúp kẻ thấp hèn. Xin ngài buông tay cho tôi dắt đi.

Vua liền đưa tay đi theo. Đến cửa thành cũ, vua bảo Phạm chí trói mình lại nạp lên vua tham kia. Người trong nước thấy vua thì thương xót, gào khóc vang động khắp chốn. Người Phạm chí nhận thưởng. Vua tham kia ra lệnh đem vua Trường Thọ đến ngã tư đường thiêu sống. Quần thần đều tâu:

-Vua cũ của chúng thần rốt cuộc phải chết, xin được làm một mâm cỗ nhỏ để tiễn đưa linh hồn người.

Vua tham nói:

-Được.

Bá quan cùng dân chúng thương xót kéo ra đầy đường, vật vã cùng nhau gào khóc kêu trời. Thái tử Trường Sinh giả làm người bán củi tới đứng trước mặt cha. Vua thấy con thì ngửa mặt lên trời nói:

-Nếu trái lời dặn dò sau cùng của cha, chất chứa hung độc, lòng mang oán nặng thì chuốc lấy họa đến muôn đời, không phải là người con hiếu. Bốn tâm vô lượng của chư Phật thấm nhuần rộng khắp, đức phủ cả trời đất. Ta vì theo đạo mà tự giết thân mình để cứu giúp chúng sinh, còn sợ là không tròn chút hạnh của đạo hiếu, huống lại làm chuyện ngỗ ngược báo thù sao? Không bỏ lời ta dạy mới gọi là hiếu vậy.

Thái tử không nỡ nhìn phụ thân chết nên trở về núi sâu.

Nhà vua mạng chung, thái tử khóc thương, máu lệ tràn miệng nói:

-Vua cha của ta tuy lúc lâm chung đã có lời dạy ta hết mực nhân từ, nhưng chắc ta phải trái lời dạy đó, phải diệt trừ loài thú dữ độc hại kia.

Thái tử bèn rời khỏi núi tìm chỗ thuê mướn mình và làm người trồng rau cho một vị quan. Vị quan này một hôm, ngẫu nhiên đi dạo vườn thấy rau tốt tươi, nên hỏi sự tình. Người giữ vườn đáp:

-Nhờ thuê được một người giỏi về làm vườn.

Vị quan gọi người làm vườn đến hỏi:

-Ngươi còn có khả năng gì nữa?

Đáp:

-Khéo cả trăm nghề, tôi đều đứng đầu.

Vị quan mời vua tham kia đến, bảo anh ta nấu ăn dâng lên, còn giỏi hơn cả đám quan lo việc nấu ăn cho vua. Vua hỏi:

-Món ăn này do ai làm vậy?

Vị quan liền đem hoàn cảnh hiện tại thưa lên. Vua tham bèn nhận anh ta về làm quan coi về bếp núc của vua mỗi việc đều thuận hợp. Dần dần thái tử Trường Sinh được vua tham cất nhắc lên làm cận thần, bảo:

-Con của vua Trường Thọ là kẻ trọng thù với ta, nay ta dùng ngươi làm quan cận vệ.

Thái tử đáp:

-Thưa vâng.

Một hôm, vua tham hỏi thái tử Trường Sinh:

-Ngươi thích đi săn không?

Đáp:

-Thần rất thích!

Vua tham liền tổ chức đi săn. Vì giục ngựa đuổi theo con mồi nên vua lạc mất mọi người, chỉ còn lại Trường Sinh bên mình. Họ ở trong núi đến ba ngày, đói khát, khốn đốn, vua tham bèn tháo kiếm trao cho Trường Sinh, rồi gối đầu lên đùi thái tử mà ngủ Trường Sinh nói:

-Nay ta đã được ngươi mà không giết ư?

Bèn rút kiếm muốn chém đầu vua ham, chợt nhớ đến lời cha dặn: “Trái lời dạy của cha là bất hiếu”, nên dừng lại, cất kiếm. Vua tham tỉnh giấc nói:

-Ta vừa mơ thấy Trường Sinh muốn chém đầu ta. Phải làm sao đây?

Thái tử đáp:

-Núi có quỷ dữ, vui thích việc nung nấu, nhưng có thần làm thị vệ, còn lo sợ gì nữa?

Vua tham lại ngủ tiếp. Sự việc như trên lại diễn đến lần thứ ba, thái tử liền ném kiếm, nói:

-Ta vì cha ta nhân từ mà tha mạng cho ngươi đó!

Vua tham lại tỉnh giấc, nói:

-Ta mơ thấy thái tử Trường Sinh đã tha mạng cho ta rồi!

Thái tử nói:

-Trường Sinh chính là tôi đây! Nhớ cha nên đã theo đuổi kẻ thù đến hôm nay! Cha tôi đến lúc chẹt mà miệng vẫn còn dạy tôi lời nhân từ, khiến ta tuân theo đạo lý nhẫn nhục, đem thiện trả ác của chư Phật. Nhưng tâm tánh tôi ngu muội, muốn đem hai thứ độc ấy để lẫn vào nhau, ba lần nghĩ tới lời dạy của cha thì ba lần buông kiếm. Vậy xin đại vương mau giết tôi đi để trừ hậu hoạn. Thân chết, hồn lìa, thì ý ác không còn sinh nữa.

Vua tham hối lỗi, nói:

-Ta làm chuyện bạo ngược không phân biệt thiện ác, Tiên vương của ngươi hạnh cao thuần đủ, mất nước chứ không mất hạnh, đáng gọi là bậc Thượng thánh. Con mà bảo tồn được hạnh của cha, đáng gọi là hiếu! Còn ta là giông sài lang, tàn hại sinh linh để được no đủ. Nay mạng sống của ta ở trong tay ngươi, mà ngươi tha cho không giết, sau này há dám làm trái đạo nữa sao! Giờ ta muốn trở về nước mình thì phải đi theo đường nào?

Trường Sinh đáp:

-Việc lạc đường này là do tôi sắp đặt.

Rồi thái tử đưa vua ra khỏi rừng, gặp lại các quan. Vua hỏi các quan:

-Các ông có biết thái tử Trường Sinh chăng?

Họ đều đáp:

-Thưa không biết.

Vua nói:

-Người này là thái tử Trường Sinh, nay sẽ trở về nước, còn ta sẽ trở lại nước cũ của mình. Từ nay xin kết làm anh em, họa phúc có nhau.

Ngày lập thái tử Trường Sinh lên làm vua, cả nước vừa vui vừa buồn, ai ai cũng đến chúc tụng. Vua tham trở về nước mình, nối lại việc triều cống như xưa, đất nước từ đấy được giàu mạnh, an ổn.

Đức Phật bảo các vị Sa-môn:

-Vua Trường Thọ thời đó chính là thân Ta, thái tử là A-nan, vua tham là Điều-đạt. Điều-đạt đời đời luôn có ý ắc đối với Ta, Ta vẫn luôn cứu độ ông ấy. A-nan và Điều-đạt vốn tự không có oán thù nên chẳng hại lẫn nhau. Ta đời đời nhẫn những điều không thể nhẫn, chế ngự tâm ý, lập hạnh, nên nay được thành Phật, được ba cõi tôn kính.

Bồ-tát từ bi thi ân, tu hạnh Độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

Pages: 1 2 3