KINH LIỄU BẢN SINH TỬ
(KINH BIẾT RÕ NGUỒN GỐC SINH TỬ)
Hán dịch: Đời Đông Ngô Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Đức Phật giảng nói như vầy: “Nếu Tỳ-kheo nào thấy duyên khởi thì thấy pháp, đã thấy pháp thì thấy Như Lai.”
Lúc ấy, Hiền giả Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo rằng:
–Này các Hiền giả! Đức Phật nói: “Nếu các Tỳ-kheo thấy Duyên khởi thì thấy Pháp, đã thấy Pháp thì thấy Như Lai.” Lời dạy ấy có ý nghĩa gì? Nghĩa là nói về hữu duyên.
Nếu thấy duyên khởi không có mạng, chẳng phải mạng thì thấy pháp. Thấy pháp không có mạng, chẳng phải mạng là thấy Như Lai. Nên tùy theo trí tuệ ấy. Ở đây có hai điều thấy được duyên khởi bên ngoài và có hai điều thấy được duyên khởi bên trong công lại là bốn.
Thế nào là hai điều thấy được duyên khởi bên ngoài? Đó là tướng nhân trói buộc và tướng duyên trói buộc.
Tướng nhân trói buộc là những gì? Là do từ hạt giống sinh ra rễ, từ gốc rễ sinh ra lá, từ là sinh ra nhánh cành, từ nhánh cành sinh ra đốt đoạn, từ đốt đoạn sinh ra hoa, từ hoa kết thành quả. Đó là tướng nhân trói buộc.
Sao gọi là tướng duyên trói buộc?
Là địa chủng, thủy chủng, hỏa chủng, phong chủng, không chủng. Từ nhân duyên có các chủng ấy nên sinh ra các thứ. Đất là thể nắm giữ, nước là thể ẩm ướt, lửa là thể nóng ấm, gió là thể lay động, hư không là thể không có chướng ngại. Như vậy thì đúng thời tiết, hội đủ duyên, khiến hạt giống sinh. Hạt giống kia chẳng biết mình sinh ra gốc rễ. Gốc rễ chẳng biết mình từ hạt giống mà có. Gốc rễ chẳng biết mình sinh ra lá. Lá chẳng biết do gốc rễ mà có mình. Lá chẳng biết mình sinh ra thân cây. Thân cây chẳng biết mình từ lá mà có. Đốt cây, nụ hoa, quả cũng chẳng tự biết mình chuyển tướng mà có. Đất chẳng biết mình sinh ra hạt giống. Hạt giống cũng chẳng biết đất nắm giữ lấy mình. Nước cũng chẳng biết mình làm ẩm ướt hạt giống. Hạt giống cũng chẳng biết nước làm thấm nhuần mình. Cho đến lửa, gió, hư không đều chẳng cùng biết nhau.
Này các Hiền giả! Từ nhân duyên nên có được cơ hội để hạt giống nảy sinh, chẳng phải tự mình tạo, chẳng do cái khác tạo, cũng chẳng phải là không nhân sinh ra nên dùng năm điều để thấy được duyên khởi bên ngoài.
Sao gọi là năm?
- Chẳng thường.
- Chẳng đoạn.
- Không thường không đoạn.
- Hạt giống chẳng tiêu mất.
- Hình dáng và tướng trạng chẳng cố định.
Hạt giống kia đã hư hoại thì chẳng phải là thường còn. Có gốc rễ mọc ra là chẳng đoạn diệt. Phần gốc rễ, hạt giống sai khác nên thời gian chẳng dài chẳng ngắn. Hạt gống ít mà sinh nhiều quả thì chẳng tiêu mất. Quả được sinh ra như hạt giống lúc đầu, nhưng hình dáng và tướng trạng của hạt giống chẳng cố định.
Nên biết hai việc ấy thấy được duyên khởi bên trong tướng nhân trói buộc và tướng duyên trói buộc.
Sao gọi là tướng nhân trói buộc?
Là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, ưu, bi, khổ não. Như thế chính là khối khổ lớn được tạo thành. Vô minh kia chẳng biết mình tạo ra hành, hành chẳng biết mình từ vô minh mà có. Hành chẳng biết mình tạo ra thức, thức chẳng biết mình do hành mà có. Thức chẳng biết mình tạo ra danh sắc, danh sắc chẳng biết do thức mà có, lục nhập, xúc, thọ ái, thủ, hữu, sinh cho đến lão tử, lại cùng lưu chuyển mà chẳng biết nhau. Đó là từ vô minh có hành, do hành có thức, do thức có danh sắc, do danh sắc có lục nhập, do lục nhập có xúc, do xúc có thọ, từ thọ có ái, do ái có thủ, do thủ có hữu, do hữu có sinh, do sinh có lão tử, ưu, bi, khổ, não như trên đã nói. Đó là tính khổ lớn, nhóm đủ duyên mà thành có bệnh. Nếu cái kia không sinh thì không có lão tử, ưu, bi, khổ não.
Này các Hiền giả! Nhân duyên khởi nên duyên là pháp sinh. Có duyên khởi chẳng duyên nơi pháp sinh. Có duyên pháp sinh chẳng duyên khởi. Có duyên khởi duyên nơi pháp sinh. Có chẳng duyên khởi chẳng duyên nơi pháp sinh.
Sao gọi là duyên khởi chẳng duyên nơi pháp sinh?
Là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, cho đến lão tử. Đó là khối khổ lớn hội đủ duyên mà thành hữu, như nói ở trên. Ấy gọi là duyên khởi chẳng có duyên nơi pháp sinh.
Sao gọi là duyên pháp sinh chẳng phải là duyên khởi? Như là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ ái, thủ, hữu, sinh, lão tử. Đó gọi là duyên pháp sinh, chẳng phải là duyên khởi.
Sao gọi là duyên khởi, duyên nơi pháp sinh? Nếu sinh ra, an trụ không dứt bỏ sự sống của già, chết thì sự sinh ra, an trụ là cùng gần với nhân duyên, cùng gần với nhân tồn tại, cùng gần với nhân vi tế, cùng gần với nhân chân thật, cùng gần với nhân chân như, cùng gần với nhân không sai biệt, cùng gần với nhân không cuồng loạn, cùng gần với nhân duyên khởi. Do duyên sinh các pháp như thế với hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc, thức, hành. ấy gọi là duyên khởi, duyên nơi pháp sinh.
Sao gọi là chẳng duyên khởi, chẳng duyên nơi pháp sinh? Đó là người chứng đắc đạo.
Do đâu vô minh kia được xem như sáu chủng? Sáu chủng giữ lấy như người nữ, người nam.
Những gì là sáu? Là địa chủng, thủy chủng, hỏa chủng, phong chủng, không chủng, thức chủng. Thân kia được an trú là nhờ địa chủng. Như nắm giữ, chẳng để tiêu mất, đó là thủy chủng. Ăn uống, thưởng thức, ngủ nghỉ được an lạc là nhờ hỏa chủng. Hơi thở vào ra nơi thân, đó là phong chủng. Bốn đại kia với chỗ không thể nắm giữ là không theo đấy mà chuyển như mũi tên bắn ra, đó là thức chủng. Như địa chủng kia, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, chẳng phải người, chẳng phải sĩ phu, chẳng phải thân, chẳng phải đối tượng của thân, chẳng phải đời sống con người, chẳng phải thiếu niên, chẳng phải tạo tác, hay không tạo tác, không phải trú hay vô trú, chẳng phải trí hay vô trí, chẳng phải chúng sinh, chẳng phải ta, chẳng phải cái của ta, chẳng phải từ kia có vị không có chủ. Thủy, hỏa, phong, không chủng cũng lại như thế. Thức chủng chẳng phải nam chẳng phải nữ, chẳng phải người, chẳng phải sĩ phu, chẳng phải là thân, chẳng phải là đối tượng của thân, chẳng phải đời sống con người, chẳng phải thiếu niên, chẳng tạo tác hay không tạo tác, chẳng trú hay vô trú, chẳng phải trí hay không trí, chẳng phải chúng sinh, chẳng phải ta, chẳng phải cái của ta, chẳng phải từ kia có vị không có chủ. Như thế, chỉ từ sáu chủng mà tạo ra các tưởng như tưởng đồng nhất, tưởng bất hợp, tưởng là nữ, tưởng là nam, tưởng là vọng, tưởng là thân, tưởng là tự tại, gắng gượng cho là tự tại, thọ nhận không biết bao nhiêu loại nên gọi là vô minh.
Lúc ấy cho rằng: “Do tánh si nên tưởng là tịnh, tưởng là thường, tưởng là lạc, tưởng là thân (ngã) rồi nghi ngờ khởi vọng tưởng, chẳng phải là chỗ chính yếu. Đức Phật gọi đó là vô minh, cũng là nhận thức sai lầm về vật, không có trí tuệ phát sinh. Vọng tưởng nên gọi là vô minh. Vọng tưởng nên gọi là hành. Nhận biết về vật nên gọi là thức. Năm tánh nên gọi là danh sắc. Nương nơi gốc của danh sắc mà có lục nhập. Hợp đủ ba yếu tố nên gọi là xúc. Vì hành của xúc nên gọi là thọ. Thọ mà ưa thích nên gọi là ái. Ái được dàn trải rộng nên gọi là thủ. Thủ nên lại có hành nên là hữu. Năm tánh thành tựu đủ nên gọi là sinh. các chủng tử đã thành thục nên gọi là lão). Mạng căn kết thúc nên gọi là tử. Trong sự bực bội nóng nảy là ưu. Nói năng cuồng loạn là bi. Năm thức nơi thân cùng hợp lại làm năm khổ. Tâm thức thân hợp lại là buồn bã. Tâm niệm bị quấy nhiễu là não. Hữu nên có sinh. như vậy sở tri chướng hiện rõ, đó gọi là gồm đủ khối khổ lớn, từ đó nhận lấy những sự xấu kém. Do từ đó tham đắm nên lại sinh. Điều ấy ban đầu chẳng thể thấy biết, chẳng thể lường tính. Lại tối tăm là nghĩa của vô minh. Tạo thành là nghĩa của hành. Nhận biết là nghĩa của thức. Duyên trụ nơi thức. Thức đó cùng nương vào nhau là nghĩa của danh sắc. Trú nơi đó mà chẳng giữ riêng là nghĩa của lục nhập. Thay đổi rồi hợp lại là nghĩa của xúc. Từ đó nhận biết là nghĩa của thọ. Khao khát muốn được vật, như lửa thiêu đốt không biết chán là nghĩa của ái. Nắm giữ là nghĩa của thủ. Phải có sự hiện hữu là nghĩa của hữu. Dốc hướng tới năm tánh là nghĩa của sinh. Thành thục là nghĩa của lão. Các hành tan hoại là nghĩa của tử. Nói về nghĩa như thế cũng là tướng của mười hai duyên khởi. Lại từ vô minh tạo ra phước đức, cũng từ vô minh tạo ra tội lỗi. Đó là duyên nơi vô minh. Hành có các hành động tạo ra phước đức, có hành động tạo ra phi phước đức, do đó có thức, tức là hành làm duyên cho thức do thức tạo tánh hành nơi danh sắc thành tựu đầy đủ đó là thức duyên danh sắc. Duyên sinh ấy luôn luôn tạo ra để thọ nhận, đó là danh sắc duyên lục nhập. Nhãn thức hợp với xúc, đó gọi là lục nhập duyên xúc. Như xúc, thọ nhận biết cũng vậy, đó gọi là xúc duyên thọ. Do từ không nhận biết về thọ là hành sai biệt. Từ nơi hình tượng tham ái liền giữ lấy, đó gọi là thọ duyên ái. Theo hình tượng của ái lại chiếm lấy đó là ái duyên thủ. Có thủ vì ba hành nơi thân, khẩu, ý. Đó là thủ duyên hữu. Hành của hữu càng khó nhọc nên lại có đủ yếu tố để thành sinh, đó là hữu duyên sinh. Năm tánh đã thành nên có lão tử, đó là mười hai duyên khởi tiếp nối nhau lưu chuyển lần lượt tạo ra ruộng nghiệp. Thức tạo ra hạt giống cho hành. Vô minh tạo ra sự đối đãi nơi hành. Như đất năm giữ hạt giống, nước làm hạt giống không tan, lửa làm hạt giống thành thục, gió làm hạt giống sinh trưởng, hư không làm hạt giống không bị ngăn ngại. Hành tạo ra ruộng nghiệp cũng lại như thế. Ái tạo sự thấm nhuần cho hành. Hành kia chẳng biết mình tạo ra ruộng nghiệp. Ái chẳng biết mình làm thấm nhuần hành. Thức chẳng biết mình làm hạt giống cho hành. Vô minh chẳng biết mình làm sự đối đãi nơi hành. Như đất chẳng biết mình nắm giữ hạt giống. Nước, lửa, gió, hư không như trên đã nói. Từ có hành khó nhọc nên lại có đủ yếu tố để thành sinh, đây cũng không có từ đời này là sự bức bách, chỉ là nhân duyên cùng nắm giữ. Ví như tấm gương trong thì càng sáng rõ, nhờ duyên bên trong, ngoài mới sinh hình tượng của mặt. Cái mặt cũng chẳng mất ở đây mà sinh ra ở kia. Trong gương từ chỗ có nhân duyên của mặt chẳng thiếu. Nên đấy chẳng phải chết ở đây, sinh ở kia. Vì có nhân duyên của tình khổ không thiếu từ đó có thọ nhận. Như ngọn lửa do thọ nhận nên cháy mãi ngày đêm không gián đoạn, ngọn lửa ấy cũng không đi đâu. Thức cũng như thế, không bị thân tướng trói buộc phải qua lại trong năm đường, có duyên thì sinh, là pháp vô chủ. Ví như vầng trăng cách mặt nước bốn mươi chín do-tuần, mà hình tròn hiện rõ ở dưới nước đầy đủ không thiếu, chẳng phải mặt trăng lặn ở kia mà sinh ở nơi này. Quán về sinh tử cũng phải như thế. Đó là sự trói buộc của tướng nhân.
Sao gọi là tướng duyên trói buộc? Như Đức Phật bảo Tôn giả Anan: “Nhãn căn duyên nơi sắc trần sinh ra nhãn thức. Nhãn căn kia chẳng biết mình tạo ra duyên nương tựa. Sắc trần chẳng biết mình làm đối tượng cho thức. Ánh sáng chẳng biết mình làm sự chiếu sáng cho thức. Hư không chẳng biết mình không làm chướng ngại cho thức. Thức chẳng biết mình sinh tạo sự hiện hữu ấy. Nhãn căn, sắc pháp, ánh sáng, hư không, nhớ nghĩ tạo đủ duyên cho nhãn thức gồm đủ yếu tố sinh. Tai, mũi, miệng, thân, tâm, duyên với các pháp nên tâm thức sinh. Nhãn căn kia chẳng biết mình làm cho thức nương tựa. Sắc pháp chẳng biết mình làm cho thức hành động. Tâm chẳng biết mình làm cho thức tỏa ánh sáng. Hư không chẳng biết mình khiến cho thức không bị chướng ngại. Thức cũng chẳng biết mình thành tựu được từ nhân duyên này.”
Này Tôn giả A-nan! Duyên nơi tâm pháp, ánh sáng, hư không, ý niệm, tạo đủ duyên cho tâm thức phát sinh, ở đây chẳng phải tự tạo ra, chẳng do cái khác tạo, chẳng phải tự tha cùng tạo, chẳng phải là không nhân sinh ra, chẳng phải ngã, chẳng phải đối tượng của ngã, chẳng phải không nhân mà có. Nên dùng năm điều ấy nơi thấy được duyên khởi bên trong.
Sao gọi là năm? Là chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng đi, tạo tác ít quả báo nhiều, hình dáng và tướng trạng chẳng cố định. Người kia nếu đã chết, thân hư hoại thì chẳng phải là thường, ra đời có thân phận là chẳng đoạn; hoặc cùng đi, hay đi khác, phần khác nên là chẳng đi. Tạo tác ít quả báo nhiều nghĩa là các hành chẳng tiêu mất, như quả báo của các hành sinh ra, chẳng phải là hình tượng. Nếu thấy duyên khởi này không có mạng, chẳng phải là mạng là thấy pháp. Thấy pháp không có mạng, chẳng phải là mạng thì thấy bốn Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ví như người sáng suốt thấy bức tranh của họa sĩ khen bức tranh đẹp, họa sĩ giỏi. Người thấy bốn Đế cũng như vậy. Phật biết tất cả, thấy tất cả, do đó được sự hoan hỷ không lìa Phật, đạt được các pháp, cho đến cái vui của giới chân thật không thể xa lìa.